Responsive Menu
Add more content here...

Luận Câu Xá – Phẩm 1 – Buổi 6

Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 6: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 6.

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 31.07.2024

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang

https://www.youtube.com/watch?v=-31BoVUbK10

mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:

https://www.facebook.com/suthaythichthientrang

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô A Mi Đà Phật!

Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Hôm nay chúng ta có trục trặc chút kỹ thuật, nên phát bị trễ so với thời gian [của] chúng ta mất nửa tiếng. Nhưng không sao! Chúng ta cũng có thể học được một buổi, học được phần nào thì đỡ phần đấy. Bởi vì quý vị đồng tu, lâu lắm rồi mới được nghe [pháp], thì quý vị sẽ bị thiếu động lực. Chúng ta thường phải là huân tập trong kinh giáo. Nói theo ngôn ngữ A Tỳ Đàm, bữa nay chúng ta học một duyên, đó là Thường cận Y duyên. Nghĩa là chúng ta phải thâm nhập ở trong một điều gì đó, chúng ta thường nghĩ về điều gì đó, và chúng ta thường gần cái gì đó, thì [sẽ] khiến cho chúng ta thay đổi được tất cả.

Trong thời gian vừa rồi, quý vị thấy ở Việt Nam chúng ta có một trận động đất. Lần này khá lớn, tầm hơn năm độ, ở một số tỉnh đúng không quý vị? Cho nên [mình] thấy thế gian vô thường. Đó là cảnh báo cho tất cả chúng ta rằng: cuộc đời này không biết ngày mai sẽ ra sao. Nếu chúng ta là người học bộ Luận Câu Xá này, học bộ A Tỳ Đàm, thì chúng ta có thể nhận ra rằng: ở đời mình phụ thuộc rất nhiều điều, chứ không phải mình làm chủ được. Chỉ cần một điều thay đổi trên cuộc đời này, một chút nào đó, [cũng] khiến cho toàn bộ thế giới thay đổi. Đó là 24 Duyên hệ hay mở rộng ra là 52 Duyên hệ. Duyên sinh thì có 12, Duyên hệ thì có 24. Hiện tại Thiện Trang đã chia sẻ cho quý vị một số vấn đề. Nếu như chúng ta nắm được, thì chúng ta tu hành sẽ rất tốt, Phiền não [của] chúng ta sẽ giảm bớt.

Và quan trọng hơn, là người tu đạo phải biết mình tu điều gì. Mà muốn biết mình tu điều gì thì phải hiểu, nếu không hiểu thì nhiều khi mình tu cũng không đến đâu. Trong Kinh Trung Bộ, đức Phật có đưa ra một ví dụ, nói về bốn hạng người tu hành như sau. Đó là trong Kinh Bẫy Mồi, đức Phật đưa ra có bốn đàn nai và bị người ta săn:

1. Đàn nai thứ nhất là đàn nai khá ngu si, thấy người ta bẫy mồi thì nó xông vào ăn, vì vậy bị bắt toàn bộ. Đức Phật nói giống như hạng người thứ nhất, không biết sự khổ của Ngũ dục Lục trần, ở trong thế gian lôi cuốn như thế nào. Và cứ thế chạy theo, cuối cùng [bị] đọa vào ba đường ác.

2. Hạng người thứ hai, tức là đức Phật lấy ví dụ về đàn nai thứ hai. Đó là thấy đàn nai thứ nhất bị người ta bắt, nên [chúng] rất sợ, vì vậy tìm cách trốn ra xa, trốn vô rừng sâu. Nhưng trốn thì không có ăn, cho nên đến khi cuối mùa hạ (mùa hè) nước cũng hết, cỏ cũng hết, cuối cùng đói quá chịu không nổi, khát nước quá chịu không nổi, và trở lại chỗ mà người ta bẫy, [để] ăn uống cho thỏa cơn khát, và cuối cùng cũng bị bắt.

Ý nghĩa đó là: chúng ta là những người tu hành, nếu như chúng ta có thái cực như [hạng] trước thì không nói, hạng thứ nhất đam mê trong Ngũ dục, thì đọa lạc là đương nhiên. [Còn] hạng người thứ hai cũng rất cố gắng, phát tâm lên tu hành được một thời gian, rất dữ dội, dũng mạnh, để tránh Ngũ dục. Nhưng tránh thái quá, người ta cũng chịu không nổi, sơ phát tâm công đức thành Phật có dư, nhưng chỉ cần cố gắng một thời gian, thì tâm đó không còn nữa. Và khi trở lại với trần gian, [thì] hưởng thụ Ngũ dục y chang như xưa, cho nên vẫn bị ma phiền não kéo đi vào trong đường ác. Đó là hạng người thứ hai.

3. Hạng người thứ ba, thì đức Phật lấy ví dụ về một đàn nai. Đàn nai này khôn hơn, vì thấy hai đàn nai kia đã bị người ta săn bắt, bị bẫy rồi, cho nên khôn hơn. Lần này thì cũng không thể không ăn, vì sống ở đời thì phải có Ngũ dục Lục trần, phải có tham gia, nhưng mà cẩn thận hơn và đi rút lui. Cứ ăn rồi đi trốn, né được bẫy mồi. Nhưng [vì] đường rút lui không đủ xa, cho nên thợ săn cũng tìm được ở những đường rút lui đó mà bắt được. Cuối cùng cũng không có thoát khỏi thợ săn.

Đức Phật cũng nói rằng: đó giống như hạng người thứ ba tu hành, tu thì có đắc Thiền, đắc định, thậm chí có những thành tựu nho nhỏ. Nhưng cuối cùng cũng chưa đoạn Phiền não, chưa chứng quả, chưa ra khỏi sanh tử. Và cuối cùng vẫn y nguyên trong vòng luân hồi, vẫn khổ như thế.

4. Còn hạng người thứ tư, tức là đàn nai thứ tư. Đức Phật đưa ra là đàn nai này khôn hơn, vì rút kinh nghiệm của ba đàn nai trước. Cho nên khi ăn thì vẫn ăn, nhưng mà rút về nơi xa xăm, và khéo léo đi vượt qua các bẫy mồi của người thợ săn. Vì vậy đàn nai này không có bị gì.

Đức Phật cũng lấy ví dụ đó để minh họa, ẩn dụ cho những người tu hành: tuy ở trong dòng đời này, nhưng khéo để thích nghi với dòng đời. Và họ chứng quả giải thoát ở trong đời, nhưng không bị đời kéo, gọi là ở trong trần [mà] không nhiễm trần. Chúng ta hãy cố gắng làm như đàn nai thứ tư, cố gắng như hạng người thứ tư. Để ra khỏi sanh tử, thì ngoài sự phát tâm ra, cần phải có trí huệ. Cần phải có một trí huệ thông suốt, thì mới đi qua được dòng sanh tử, đi qua cuộc đời đầy chông gai và khó khăn này .

Người ta có câu nói: “Con đường đi vào rừng, cũng là con đường ra khỏi khu rừng”. Quý vị có nghe câu nói này chưa? Tức là con đường đi vào khu rừng, chúng ta đi vào rừng [mà bị] lạc đường, thì cách tốt nhất ra khỏi khu rừng đó, là quý vị chỉ cần quay ngược lại, đi ngược lại theo đường cũ, thì mình ra được khu rừng. Cũng vậy, trong Phật pháp, con đường để ra khỏi sanh tử [thì] không có gì khác hơn, vẫn là con đường sanh tử đó thôi, nhưng mà mình quay ngược lại. Ngày xưa mình sống ở [trong] trần, mình tham sân si, mình dùng những Tâm sở Phú tàng, v.v… đủ các loại. Nhưng bây giờ mình giác ngộ, mình học bộ giáo lý A Tỳ Đàm này (bộ Luận Câu Xá này), mình biết rằng con đường ra khỏi sanh tử, là mình vẫn ở trong đó, nhưng mình dùng phương pháp là mình sống trong chánh niệm, mình sống, trụ trong sự giác, mình sử dụng những Tâm sở của bậc Thánh, và bỏ đi những Tâm sở của phàm phu. Đó là con đường ra khỏi sanh tử. Cho nên không có việc trốn đời, không có việc trốn tất cả mọi thứ mà ra khỏi sanh tử. Quý vị hiểu được như vậy, hãy cố gắng làm!

Hôm bữa chúng ta đã học Sáu trần. Đối với mỗi người, có người đối với Sáu trần [thì] bất thiện, tức là chúng ta dùng những tâm bất thiện, giống như đàn nai thứ nhất. Thứ hai là làm thiện, giống như mình ở trong cõi trần gian này, mình vẫn sống, [nhưng] mình dùng những Tâm sở thiện. Như vậy chưa đủ! Mình phải dùng Tâm sở của Thiền chỉ. Hôm bữa Thiện Trang có giới thiệu cho quý vị Bảy chi thiền. Thật ra Bảy chi thiền đó là Bảy chi thiền của Sơ thiền thôi. Khi lên Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền thì các chi thiền càng ít đi, càng ít thì vào định càng sâu. Có nghĩa là người định ở tầng cao, thì người ta dùng ít Tâm sở hơn là người định ở tầng thấp. Như vậy Thiền chỉ vẫn chưa giải thoát, mà phải Thiền quán mới giải thoát.

Có nhiều người nói tu như thế nào? Bây giờ quý vị đi hỏi, rất nhiều người giảng pháp hiện nay, làm sao để biết được tiêu chuẩn ai là người giảng pháp chính xác? Quý vị cứ hỏi thử căn bản về Thiền, tức là người ta có nắm được thế nào là Thiền chỉ, thế nào là Thiền quán, thế nào là Sơ thiền, thế nào là Nhị thiền, thế nào là Tam thiền, thế nào là Tứ thiền [không]? Rồi tu như thế nào để đắc quả giải thoát? Tu như thế nào để ra khỏi sanh tử? Nếu không biết [những] điều đó, thì kiến thức của người giảng đó có vấn đề. Cho nên quý vị hãy hiểu rõ giùm điều này.

Tại sao Thiện Trang nói như vậy? Vì đây là căn bản của giáo lý nhà Phật. Mình không có căn bản này, thì mình không có tu gì được hết. Cho dù quý vị tu bất cứ pháp môn nào, mà quý vị không biết, thì không thể [tu].

Bây giờ mình khơi gợi ra, để mình nói thế này. Bởi vì bản chất [của] chúng sanh là sống theo thói quen, tập khí. Trong kinh đức Phật đưa ra sáu con vật, [bị] nhốt lại chung một chỗ. Đó là con chim, con cá, con chồn, con rắn… Sáu con vật đem nhốt vào một chỗ, sau khi thả ra thì con chim sẽ bay, con cá sẽ tìm nước để nhảy xuống nước, con chồn thì kiếm chỗ nào núp, con rắn thì chui vô hang, nếu con rùa hay con khác nữa thì nó cũng tìm [chỗ khác]. Cho nên bản chất của chúng sanh là sống theo thói quen. Và chúng ta là người tu hành, nếu như chúng ta không sống theo thói quen, thì chúng ta mới sống theo Phật pháp được. Còn nếu chúng ta sống theo thói quen, thì rớt xuống, rớt xuống.

Hôm bữa có đồng tu hỏi Thiện Trang rằng: “Sao thầy nói có vẻ hơi nghiêm trọng. Tại sao một hồi tu lên các cảnh giới Thiền v.v… rồi cuối cùng rớt, cũng trở về ba đường ác?”. Vì bản chất chúng sanh là sống trong vòng sanh tử, ở đường ác quen [rồi]. Giống như viên đá hoặc một tảng đá, hay một vật gì đó, quý vị dùng sức nâng lên khỏi mặt đất. Đến khi mình hết sức, mình thả, thì viên đá hoặc vật đó rớt xuống mặt đất trở lại. Đó là lực hút của Trái đất.

Cũng vậy, bản chất của chúng sanh là quen theo tánh ác (đây là trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói). Vì thói quen như vậy, cho nên kéo mình vô đường sanh tử, thậm chí là ba đường ác đạo. Đó là tập quán, thói quen rồi. Vì như vậy, nếu mình không tu, mình không sửa đổi những tập khí, thói quen đó, thì mình mãi mãi vẫn là một chúng sanh trong vòng sanh tử.

Hôm nay Thiện Trang nghe trong Kinh Tạp A Hàm, đức Phật có hỏi các vị Tỳ-kheo: Này các vị Tỳ-kheo! Nếu như lấy các cây ở trong thế giới này, mà chẻ ra thành những mảnh nhỏ, mảnh nhỏ. Thì những mảnh nhỏ đó nhiều hay không?” Tất nhiên là rất nhiều! Quý vị thấy giống như các cây lớn mà cứ chẻ ra thành lạt, chẻ thành mảnh nhỏ, thì rất nhiều. Đức Phật nói: “Những thân thể [được] gọi là cha mẹ của chúng ta (số lượng cha mẹ của chúng ta), nhiều đời nhiều kiếp từ xưa đến nay, còn nhiều hơn số mà cây được chẻ ra như vậy”.

Cho nên ở đây tại sao Thiện Trang lấy ví dụ này. Bởi vì quý vị rất mong báo hiếu đúng không? Báo hiếu, vậy cha mẹ chúng ta nhiều lắm, nhiều đời nhiều kiếp, nhiều vô lượng. Cho nên mình nói mình báo hiếu, [thì] đời này không ăn thua đâu quý vị. Từ đấy mình hiểu rằng: tu chỉ có giải thoát giác ngộ mới được.

Hôm nay Thiện Trang sẽ chia sẻ tiếp về Duyên hệ, Thiện Trang cố gắng chia sẻ 24 Duyên hệ thôi, sau này có thời gian thì chia rộng ra. Hôm trước chúng ta đã học Tiền sanh duyên, Hậu sanh duyên, Câu sanh duyên. Tiền sanh duyên là cái có trước giúp cho cái có sau. Còn cái sau chưa có mặt, mà giúp cho cái trước, thì gọi là Hậu sanh duyên. Và Câu sanh duyên là hai cái [có] đồng thời. Rồi mình học Hiện hữu duyên, Vô hữu duyên, Thiền duyên, Vô gián duyên, Đạo duyên, Nghiệp duyên, Quả duyên, Vật thực duyên.

Hôm nay Thiện Trang giới thiệu thêm ba duyên nữa: là Thường cận Y duyên; chữ #thường là thường thường, thường xuyên; #cận là gần; #y là nương tựa; #duyên là trong chữ duyên. Vậy duyên này là những thứ mình thường gần và thường nương tựa vào, thì gọi là Thường cận Y duyên. Mình nói theo ngôn ngữ bình thường là thói quen. Ví dụ hàng ngày chúng ta thân cận người xấu, thì dần dần chúng ta [cũng] bị xấu theo. Đó là Thường cận Y duyên, chúng ta hay nói là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Chúng ta nên hiểu thế này, mới đầu gặp người xấu, thường thì mình không xấu liền đâu. Bản chất lúc đầu trong kinh nói, khi mình gần người xấu, nếu mình là người tốt, thì buổi đầu mình sống với họ, mình đối với họ bằng tâm đối kháng. Tức là mình biết họ xấu, và mình là người tốt cho nên mình đối kháng họ. Có nghĩa là mình không đồng ý với những thói xấu của họ. Nhưng theo thời gian, một thời gian sau mình cũng miễn cưỡng thỏa hiệp. Và sau đó là mình đồng thuận, đồng ý với họ. Điều đó khiến cho mình dần dần trở thành cá mè một lứa với họ, tức là mình cũng y chang [như] họ luôn. Rồi dần dần mình không có phân biệt, ví dụ quý vị ở cạnh người bủn xỉn keo kiệt, riết rồi mình cũng bủn xỉn keo kiệt theo. Mình ở gần người thoáng đạt, thì mình cũng thoáng theo. Tại vì đó là ảnh hưởng từ từ, gọi là Thường cận Y duyên.

Đây là nói một ví dụ thôi, còn một ví dụ khác nữa: là chúng ta thường nghĩ như thế nào? Ví dụ chúng ta hiện nay là người tu hành, mình hạn chế coi phim ảnh. Đó cũng là chúng ta dùng Thường cận Y duyên để tu hành. Vì nếu thường coi phim ảnh, thì sẽ dạy cho mình những thói hư trong đó, dần dần mình cho là đúng, mình quen rồi, mình nhiễm.

Cho nên Thường cận Y duyên này rất quan trọng, mình coi vậy chứ mình không tu cũng thấy. Cho nên tại sao Bát quan Trai giới phải giữ cho chắc, giữ điều này giữ điều kia. Và nếu quý vị hiểu rõ rồi, thì mình tu được, chứ không có ép mình nữa. Hồi xưa mình nghĩ đừng coi tivi, tivi là của Ma Vương v.v…. Bây giờ khỏi Ma Vương, tivi, đài truyền hình phát ra những tư tưởng đó, mới đầu coi thì mình không thích, mình ghét, [nhưng] dần dần coi rồi mình thích, mình đồng ý luôn.

Giống hồi xưa văn hóa [của] người Việt mình, Thiện Trang nhớ hồi nhỏ [thời] chưa mở cửa, coi mấy phim nước ngoài có những cảnh tình tứ, là mọi người ngại lắm, ai cũng che mặt đi. Nhưng mà một thời gian sau rồi ai cũng coi tự nhiên. Đó là Thường cận Y duyên đó quý vị. Mới đầu thì đối kháng, sau đó bắt đầu có sự thỏa hiệp miễn cưỡng, thôi chấp nhận chút. Sau đó là mình chạy theo luôn, và mình hòa vào đó luôn. Cho nên Thường cận Y duyên rất quan trọng, chúng ta cần phải như thế.

Và Thường cận Y duyên thì nằm trên hai nền tảng (background) là yêu và ghét. Quan trọng thói quen của mình là yêu và ghét, thích và không thôi. Cho nên câu này người ta thường nói là: “Con đường vốn dĩ không phải là con đường, mà do người ta đi lâu thì mới thành đường”. Hồi xưa làm gì có đường, đâu có đường đâu, người ta đi một hồi người này đi, người kia đi, người [thứ] n đi, và cuối cùng đến một lần nào đó sẽ thành đường. Và đường càng ngày càng mòn và càng ngày càng rộng. Đó cũng thể hiện là Thường cận Y duyên. Điều này cũng hay đó quý vị! Cho nên chúng ta hiểu được, thì chúng ta tu được. Chúng ta phải phân tích nhỏ nhỏ ra như vậy, chứ còn nếu chúng ta bắt ép người ta ngay từ đầu, là không được.

Chúng ta nên nhớ: mỗi hành động của chúng ta, mỗi sát-na tâm của chúng ta luôn luôn tạo ra hai tâm quả: Một là tâm Bình sinh và tâm Tục sinh. Bình sinh tức là tâm tạo quả hiện đời, còn [Tục sinh] là quả tái sanh cho đời sau, thì [tạo] ra nghiệp. Hiện đời chưa hẳn là hiện đời này, mà có thể hiện trong đời sau.

Ví dụ như quý vị giết một con gà, tâm đó gồm có hai Tâm sở: một là Tâm sở Sân muốn giết con gà, hai là [Tâm sở] Tham vì muốn ăn thịt con gà chẳng hạn, thì kết ra hai nghiệp. Một nghiệp là đầu thai để làm gà hay làm loài gì đó, để cho chúng sanh giết lại. Đó là quả Tục sanh, Tục sanh tức là sanh tiếp theo, hay là chúng ta gọi là tái sanh. Ngoài ra còn có một quả nữa, là quả ốm đau bệnh tật. Mình hiểu rõ ràng từng chút như vậy, thì mình sẽ tu được.

Ở đây Thiện Trang cũng xin nói, là chúng ta đừng nói đùa. Thiện Trang hồi bữa kể cho một số đồng tu một câu chuyện. Có ba người anh em, nói giỡn với nhau thôi. Một người anh nói: “Mai mốt anh sẽ tu thành Phật, độ chúng sanh”. Người em thứ hai nói: “Nếu mà anh thành Phật, độ chúng sanh, thì em sẽ là Ma vương để phá anh”. Và người em thứ ba nói: “Nếu mà anh là Ma vương tới phá ông anh, thì em sẽ bắt Ma vương nhốt”.

Ba người đó chỉ là nói đùa thôi quý vị, tức là nói giỡn nói chơi trong đời quá khứ thôi. Và quý vị biết người anh mà cuối cùng thành Phật, đó chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni [của] chúng ta. Còn người nói làm Ma vương phá anh chơi đó, cuối cùng bây giờ [là] Ma vương Ba Tuần. Thế còn người thứ ba là ai? Người thứ ba, thì sau khi kết tập kinh điển lần thứ hai, có 500 hay là 5000, có chỗ nói 7000 vị A-la-hán, có chỗ nói 700 vị A-la-hán. Khi kết tập kinh điển thì có Ma vương Ba Tuần tới phá. Có một vị A-la-hán, lúc đó dùng Thần thông nhốt Ma vương lại, bỏ vô bình bát nhốt lại.

Ma Vương nói: “Sao kỳ vậy! Hồi xưa tôi phá đức Phật Thích Ca, đức Phật đâu có làm gì tôi đâu. Tôi phá ngài Mục Kiền Liên, tôi phá các ngài Đệ tử của đức Phật, đâu có ai bắt tôi đâu, mà tự nhiên ông bắt tôi”. Ngài đó nói: “Tại vì đức Phật, cho nên không có bày bắt ai hết. Còn các Đệ tử của Ngài, thì đầy đủ lòng từ bi. Còn tôi thì chưa đủ, mặc dù tôi là A-la-hán, nhưng tôi chưa đủ lòng từ bi như vậy”. Vị Tôn giả đó chính là người mà ngày xưa nguyện, cho nên kể lại câu chuyện như vậy. Quý vị thấy không? Nói đùa thôi nói giỡn thôi, đã có quả báo như vậy rồi.

Vừa rồi Thiện Trang đã chia sẻ thêm duyên tiếp theo, là Thường cận Y duyên. Bây giờ chia sẻ thêm duyên nữa, là Ly khứ duyên. Quý vị hiểu Thường cận Y duyên là gì rồi đúng không? Thường cận Y duyên tức là cái nào mà mình thường xuyên tiếp xúc, cái nào mình thường nương tựa, thì cuối cùng ảnh hưởng mình. Nó tạo ra một sức (lực) ảnh hưởng mình, khiến cho mình thay đổi, thì đó gọi là Thường cận Y duyên.

Còn bây giờ Ly khứ duyên là gì? #Ly là rời; #khứ là đi, rời đi, duyên của [sự] rời đi. Đây là trường hợp mà các đối tượng, hay chúng ta nói ngôn ngữ chính xác, là các pháp giúp nhau bằng cách rời khỏi nhau, thì mới giúp được nhau. Các pháp mà khi rời khỏi nhau, thì mới giúp được nhau. Điều này có nhiều ví dụ.

Như bây giờ mình muốn giúp cha mẹ mình, mình với cha mẹ của mình giống như oan gia trái chủ. Bữa có cô đồng tu hỏi: ở nhà rất muốn giúp cha mẹ niệm Phật, mà cứ về nhà là cha mẹ với con cãi nhau giống như oan gia trái chủ vậy đó, cãi suốt, nên không giúp được gì. Nhưng mà đi xa thì cha mẹ nghe lời. Vậy thì cách để giúp hai bên, đó là hãy rời khỏi nhau. [Giúp nhau] bằng cách rời xa nhau, điều này gọi là Ly khứ duyên.

Cho nên ở đây chúng ta học để mình hiểu rằng: mọi thứ trên đời đều có định nghĩa trong Phật pháp hết. Có nhiều khi ở bên cạnh nhau, không giúp nhau được, nhưng xa nhau lại giúp nhau được. Đó là một ví dụ về tu hành.

Còn trong đời sống cũng có nhiều ví dụ. Có rất nhiều thứ mà ở gần nhau không được. Ví dụ hai cây mà quý vị trồng sát nhau, thì nó không lớn nổi. Vì rễ của nó đan xen lẫn nhau, và cành lá che nhau nên không đủ nắng, không đủ gì đó… nên không tốt. Vậy thì bây giờ hãy dời nó ra, lìa ra xa nhau đi. Điều đó sẽ giúp hai cây đều tốt hơn. Đó gọi là Ly khứ duyên.

Cho nên ở đây mình cũng hiểu, là trong đường tu cũng vậy, đừng chấp trước quá. Không phải lúc nào cũng Câu sanh duyên đâu, là lúc nào cũng hai bên gặp nhau mới giúp nhau. Không! Có những điều, có những lúc phải rời nhau, thì mới giúp được nhau. Điều này gọi là Ly khứ duyên. Rất rõ ràng đúng không quý vị?

Như vậy Ly khứ duyên là sự, mình nói ngôn ngữ đúng hơn là lực đẩy, lực tác dụng, để mà nhờ cái gì đó vắng mặt, hai cái xa nhau, vắng mặt nhau, rời nhau, thì giúp cho nhau được, gọi là Ly khứ duyên. Nó cũng gần gần giống Vô hữu duyên. Cho nên đấy là mình hiểu được: thế giới này [được] tạo ra bởi nhiều duyên.

Có một ví dụ mà chúng ta thường hay gặp, đó là cái hộp quẹt, cái máy lửa mà quý vị quẹt đó. Bình thường thì quẹt ra lửa, nhưng ngày nào đó quẹt không ra lửa nữa, là tại sao? Nếu như ai đó xài hộp quẹt lâu ngày [thì] biết. Một là do bánh xe không chạy nữa, quẹt không chạy, cho nên không ra lửa. Như vậy cái hộp quẹt rồi, phải có bánh xe nữa mới đủ. Như vậy duyên hộp quẹt, bánh xe, và phải có viên đá lửa trong đó để đánh lửa, và phải có ga. Chỉ cần thiếu một cái là cái kia không đủ, cho nên phải đủ duyên hòa hợp. Vậy thì trường hợp này mình hiểu được như vậy.

Chúng ta biết nhà thơ Tô Đông Pha, [ông] có một bài thơ nói về tiếng đàn. Tiếng đàn là không phải từ ngón tay, cũng không phải từ dây đàn, nhưng nó sẽ cất lên khi ngón tay chạm (búng) vào dây đàn. Đó cũng là phải có [ngón tay và dây đàn], chứ một cái dây đàn không, nó nằm im đó [thì] đâu có phát ra tiếng đàn. Và nếu khi hai cái đó chạm vào nhau, dính cứng ngắc, thì có phát ra tiếng không quý vị? Không! Ai đánh đàn đều biết. Đánh đàn nếu mà cái tay mình không rời khỏi dây đàn, thì sẽ không có tiếng. Vậy khi hai ngón tay và dây đàn rời nhau, thì mới phát ra tiếng. Đó gọi là Ly khứ duyên.

Có rất nhiều hiện tượng trong thực tế, mà mình có thể giải thích được như vậy. Và khi nó chạm nhau, thì lúc đó gọi là Hiện hữu duyên hay Câu sanh duyên. Nhưng có lúc thì nó vẫn phải có cái này và có cái kia. Cho nên trong đời sống chúng ta có rất nhiều duyên. Chúng ta nên nhớ [một] nguyên tắc, cứ có một cái này thêm vô, thì đã thay đổi bao nhiêu, và bớt một cái nào ra, thì cũng thay đổi bao nhiêu. Chính vì vậy mình mới hiểu được vô Ngã của nhà Phật.

Vô Ngã là mình không làm chủ được. Quý vị nghĩ là quý vị làm chủ thì quý vị không hiểu được bản chất của cuộc đời. Quý vị chỉ cần có một yếu tố nào trên người mình thay đổi, ví dụ như bây giờ gan của mình có vấn đề chút, là mình đã có vấn đề. [Hay] răng [của] mình đau thôi, là mình có vấn đề. Quý vị cứ nghĩ như vậy, từng bộ phận trên cơ thể, chúng ta có quá nhiều bộ phận. [Bởi] vì quá nhiều bộ phận, nên chúng ta phụ thuộc rất nhiều.

Rồi trong đời sống hàng ngày, chúng ta phụ thuộc quá nhiều người. Bây giờ đơn giản, chỉ cần một người nào đó làm gì, [như] họ đi xe đâm vào trụ điện gần nhà mình thôi, là cả xóm mình cúp điện. Có nghĩa là mình hoàn toàn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Quý vị hiểu được như vậy, thì quý vị bớt ngã của quý vị xuống, tự nhiên mình tu được, đó là bí quyết.

Cho nên học Duyên hệ này để mình thực hành, chứ không phải mình học để nói cho vui. Thiện Trang chỉ cung cấp những ví dụ như vậy, để quý vị hiểu rằng: chúng ta sống trong thế giới này, chúng ta không làm chủ được điều gì đâu. Mà chúng ta chỉ đóng góp một duyên cho thế giới này, chính chúng ta [cũng] bị phụ thuộc cả thế giới này, và có khi mình cũng đóng góp cho thế giới này. Nhiều khi không có mình, bao nhiêu người cũng khổ lắm.

Cho nên một pháp nào đó, mình nói theo ngôn ngữ nhà Phật, là một pháp luôn có vị trí của nó. Tức là nó ảnh hưởng đến bao nhiêu pháp khác, bao nhiêu đối tượng khác, và đồng thời bao nhiêu đối tượng khác cũng ảnh hưởng tới nó. Đó là lý của Hoa Nghiêm: “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”, hay Chủ bạn Viên minh Cụ đức môn. Ai học Hoa Nghiêm thì hiểu được điều đó.

Cho nên đừng nghĩ những điều gì đó nhỏ. Giống như trong đạo Phật, mình chỉ cần thay đổi một thói quen xấu thành một thói quen tốt. Ví dụ chúng ta có một thói quen, là buổi sáng ngủ nướng chẳng hạn, đó là một thói quen xấu. Nhưng sau khi học Phật pháp rồi, mình mới dậy sớm vào buổi sáng, [nên] thành thói quen tốt. Một thói quen tốt, sẽ bỏ đi bao nhiêu tật xấu, chúng ta hiểu như vậy là được.

Quý vị biết có câu chuyện nhỏ là: một cọng tóc làm thay đổi cả gia đình chưa? Chắc điều này quý vị biết rõ đúng không? Ở nhà, bà vợ thì không có tóc dài, tóc ngắn lắm. Nhưng một ngày đi đâu về, thấy tự nhiên sao trong phòng ngủ của mình có [cọng] tóc dài dữ vậy. Là cuộc đời của gia đình có thể bắt đầu thay đổi, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Gọi là một sợi tóc rất nhỏ, mà có thể làm thay đổi hạnh phúc của một gia đình.

Thiện Trang nói như vậy thì không hay lắm, nhưng [nếu] cọng tóc đó rớt vào đồ ăn trong một bữa tiệc nào đó, thì người ta cũng không chịu được, nên người ta cũng khó chịu với cọng tóc. Cũng vậy, bất cứ yếu tố nào, cũng ảnh hưởng rất nhiều, đừng nghĩ là không.

Thiện Trang xin chia sẻ thêm một duyên nữa, là Bất ly duyên. #Bất là không; #ly là rời, duyên này ngược với trường hợp trên. Ở trên là Ly khứ duyên, còn đây là Bất ly duyên. Ở đây là trường hợp các pháp giúp nhau, bằng cách không rời nhau. [Duyên này] cũng gần gần như trường hợp Hiện hữu duyên, cái này có để giúp cho bao cái kia, nhưng đây là các pháp không rời nhau. Cái này chia ra làm bảy, thành ra mới là 52.

Ở đây Thiện Trang chỉ nói đơn giản một điều thôi. Ví dụ quý vị không rời khỏi Việt Nam, quý vị ở trong nước, bất ly mà, để quý vị có một nền văn hóa của Việt Nam, có một nền giáo dục của Việt Nam. Có những điều đó, cho nên quý vị mới là người thuần Việt. Nếu như quý vị đi ra nước ngoài, thì con cái của quý vị từ từ thành người nước ngoài. Cho nên quãng đời sau của quý vị, tức là có thể nửa cuộc đời của quý vị là người Việt, nhưng nửa cuộc đời sau của quý vị trở thành người nước ngoài. Điều đó rõ ràng! Nếu mình ở lại trong nước, thì mình mới là người Việt. Được sống trọn đời người ở Việt Nam, mình mới là người Việt hoàn toàn.

Cho nên đấy là Bất ly duyên, là vậy. Ở trong nước mới giúp mình sống được văn hóa đó, và mình có một nền như thế. Nên đây cũng là một yếu tố. [Duyên] kia là rời đi thì mới giúp, bây giờ ở lại thì giúp. Nhiều khi nhiều đồng tu ra nước ngoài, mong có một ngôi chùa giống như mô hình người Việt, nhưng không có! Mong đời sống [giống người Việt] nhưng không có! Thậm chí mong một món ăn của người Việt, cũng không có! Đấy là Bất ly duyên.

Nếu chúng ta ở trong nước, thì chúng ta có như vậy, ở trong nước có hết. Quý vị đồng tu ở trong nước, quý vị thấy nhiều điều sung sướng lắm, có nhiều món ăn mà quý vị ra nước ngoài tìm không có, nhiều tình cảm mà nước ngoài không có. Tất nhiên mỗi nơi đều có một điểm hay. Nhưng rõ ràng hoàn cảnh ở đây, nếu chia ra thì có bảy [duyên] gồm: 1. Câu sanh Bất ly duyên, 2. Vật tiền sanh Bất ly duyên, 3. Cảnh tiền sanh Bất ly duyên, 4. Vật cảnh tiền sanh Bất ly duyên, 5. Hậu sanh Bất ly duyên, 6. Vật thực Bất ly duyên, 7. Quyền Bất ly duyên.

Chia làm bảy, nhưng Thiện Trang chỉ giới thiệu chung, để chúng ta học có 24 duyên cho khỏe. Chứ bây giờ chia chẻ ra làm bảy, một hồi thành 52 duyên, thì nhiều quá. Chúng ta cứ hiểu rằng, ở đây Thiện Trang chỉ nói đại ý thôi. Ví dụ như mình không rời khỏi một gia đình, là mình có hoàn cảnh tốt, cũng gọi là một trong Bất ly duyên. Mình không rời khỏi cha mẹ của mình, tức là mình không rời khỏi Tiền sanh duyên, thì mình cũng có một điều tốt. Mình không rời ước mong tương lai của mình, ví dụ tương lai mình mong thành Phật, mình không thay đổi pháp tu của mình v.v… đó là mình không thay đổi, thì cũng là Bất ly duyên. Tức là đó là Hậu sanh duyên, thêm chữ Bất ly duyên đằng sau thôi. Rồi mình không thay đổi [việc] ăn uống của mình, đó cũng là một điều ảnh hưởng. Thực ra mình chỉ chia nhỏ ra thôi, nói tóm lại là không rời khỏi thì được.

Và như vậy chúng ta đã học qua được thêm ba duyên nữa, hy vọng quý vị nhớ như vậy. Học đây là chỉ để mình nghe cho đã, rồi mình hiểu, mình sẽ thấy mỗi khi phiền não đến, mỗi khi cuộc đời này đối diện với những đau thương, thì mình sẽ nhận thức được: tu là thay đổi. Cuộc đời này vốn không có đắng, ngọt, chua, cay, mặn, chát, nó vốn là như vậy, mà do mình nhận thức về cuộc đời này như thế nào thôi. Nếu chúng ta nhận thức được tốt, thì chúng ta đón nhận mọi điều rất nhẹ nhàng. Tại vì cuộc đời này là như vậy.

Chính vì vậy, nên chúng sanh tu hành có nhiều hạng. Có hạng người thì đắm say trong Ngũ dục, tức là tham dục nhiều lắm, cho nên ở mãi [trong] Dục giới. Có hạng thì thích Thiền định, cho nên tu Thiền. Ăn rồi cứ ngồi ở trong Thiền định đã quá, ngồi lâng lâng dễ chịu, nên ngồi miết. Đó cũng là một hạng tham, nhưng mà tham đó tốt hơn [tham trong Ngũ dục]. [Tuy nhiên] họ tham Thiền định thì cũng chưa tốt. Và trong hạng người tu, quý vị biết tu tới Tứ thiền, thì có trời Vô Tưởng. Để hôm nay Thiện Trang nói cho rõ ràng, để quý vị nghe, thì quý vị mới bớt hâm mộ cõi Trời.

Ví dụ như trời Vô Tưởng, trời Vô Tưởng là hạng chúng sanh đắc được Tứ thiền, mà ngán với sự suy nghĩ, tức là không muốn nghĩ gì nữa. Bởi vì chính sự không suy nghĩ cũng đã lắm. Quý vị cứ tưởng tượng, ngồi thiền mà không nghĩ gì hết, thì đã lắm, người khỏe giống như chìm vào giấc ngủ. Mình thấy ngủ đã không? Đã mà! Thì trời Vô Tưởng cũng giống như vậy, thọ mạng là 500 đại kiếp thì phải, hay 5000 đại kiếp Thiện Trang quên rồi, hình như là 500 đại kiếp. Với thời gian đó mà họ sống hoàn toàn không có tâm. Cho nên trong bài Duy Thức Tam Thập Tụng, Thiện Trang có trích:

Ý thức thường hiện khởi

Trừ sanh Vô Tưởng thiên,

Cập vô tâm nhị định

Thùy miên dữ muội tuyệt”.

Tức là Ý thức thứ sáu của mình, hoàn toàn luôn luôn hoạt động, chỉ có năm trường hợp là không hoạt động thôi. Đó là trừ sanh vào trời Vô Tưởng. Người sanh vào trời Vô Tưởng, thì Ý thức thứ sáu dừng, [họ] không suy nghĩ gì hết. Giống như một giấc ngủ đông, đắp mền ngủ 500 hay 5000 đại kiếp xong rồi tỉnh giấc mộng. Quý vị hiểu không, một giấc ngủ đã như vậy đó. Trời đó là trời Vô tưởng.

Và tầng trời Vô Tưởng này có đặc điểm là: những người tu đắc được định của trời Vô Tưởng, thì khi chết tư thế nào, ví dụ như họ ngồi nhập định, thì khi sanh lên trời Vô Tưởng là được một cái tượng bằng vàng ngồi giống vậy, to lớn mấy do-tuần, chúng ta nói to mấy chục cây số. Người có Thiên nhãn, họ nhìn vào trời Vô Tưởng là toàn những tượng như vậy. Nếu như ngồi rồi ra đi, thì thấy tượng trên đó ngồi, ngồi im như vậy. Tại vì thân của họ bằng vàng, nhưng họ bất động, nên thấy giống cái tượng. Thực tế họ là một chúng sanh, nhưng mà giống như chìm vào giấc ngủ vậy. Nếu nằm mà ra đi, thì lên trên đó thấy cái tượng nằm. Ngồi thì thấy ngồi, đứng thì thấy đứng, tùy theo lúc chết họ đắc được định trời Vô Tưởng.

Chúng ta thấy như vậy, thì có hâm mộ trời Vô tưởng hay không? Thiện Trang tin rằng quý vị sẽ không hâm mộ trời Vô Tưởng. Tại vì lên trên đó, có thân đẹp như vậy, thân bằng vàng (gold), như chùa Ba Vàng, là vàng đó chứ không phải vàng của màu sắc đâu. Quý vị thấy những người, mà toàn là pho tượng, không cử động gì hết. Người ngồi, người đứng, người nằm gì đó v.v… đầy như vậy. Mà tượng nào tượng nấy bự mấy chục cây số, to như vậy. Tại vì thân thể trên đó lớn lắm, chư thiên càng lên trên càng lớn. Đẹp! Nhưng mà im re.

Vậy cõi trời Vô Tưởng cũng không đáng để chúng ta hâm mộ. Phải như vậy, tức là mình phải hiểu được bản chất của thế giới này, trong Tam giới này, thì mình mới tu. Chứ còn mình không hiểu, thì mình cứ hâm mộ. Như đợt trước hâm mộ lên trời Tứ Thiên Vương, đúng không ạ? Trời Tứ Thiên Vương nghe nói đã lắm. Lên đó nghe nói tuổi thọ 500 năm, một ngày ở đó bằng 50 năm ở nhân gian, sung sướng, nghe đã [nên muốn] lên.

Ở đây, do trong bộ A Tỳ Đàm [nên] Thiện Trang giảng rõ hơn chút. Thứ nhất, trong Kinh A Hàm, đức Phật nói tuổi thọ không cố định. 500 năm đó là dành cho người già nhất, sống lâu nhất. Còn không thì [tuổi thọ] hết. Phước báo để sanh lên trời Tứ Thiên Vương, thì đơn giản thôi. Quý vị chỉ làm những việc thiện nho nhỏ thôi, mà làm nhiều thì sẽ được sanh. Ví dụ như quý vị hàng ngày bán nồi cháo, giữa chợ Đông Ba chẳng hạn. Đi qua đi lại thấy có mấy người ăn xin, ngày nào cũng thấy họ tội quá, [nên] cho miếng cháo. Ngày hôm nay cho miếng, ngày mai cho miếng. Cứ cho mấy người đó như vậy, quý vị làm những việc nhỏ vậy thôi, cũng đủ phước để sanh vào trời Tứ Thiên Vương. Trời Tứ Thiên Vương yêu cầu không cao, quý vị chỉ [cần] làm nhiều phước đó, [khi] đủ mạnh thì sẽ kéo quý vị vào trời Tứ Thiên Vương.

Nhưng trời Đao Lợi thì không phải như vậy, trời Đao Lợi cao hơn, là phải đụng tới Ngũ giới. Quý vị phải giữ Ngũ giới cho tốt, Thập thiện cho kha khá một chút, thì quý vị sanh vào trời Đao Lợi. Trời Đao Lợi tuổi thọ là 1000 năm, một ngày ở đó bằng một 100 năm ở nhân gian. Tuy nhiên tuổi thọ ở trời Đao Lợi cũng là con số già nhất đó thôi. Quý vị đừng nghĩ là 1000 tuổi. Không! Trong kinh đức Phật nói rõ, là có những người chưa đủ [tuổi thọ] là rơi xuống rồi. Vì phước của họ có bấy nhiêu đó thôi, họ tu phước bấy nhiêu đó. Như vậy mình thấy cõi trời Đao Lợi cũng không cứu cánh, trời Tứ Thiên Vương cũng không cứu cánh.

Tại sao Thiện Trang phải giảng điều này? Tại vì có nhiều người lầm tưởng rằng các cảnh trời tối thắng, mình ham về đó. Và trong trời Đao Lợi thì quý vị cũng biết, là có vườn Hỷ Lạc, thì có bốn hạng chư thiên:

1. Một hạng thì chỉ thấy vườn đó, nhưng không được vào vườn. Tức là vườn đó vui chơi đã lắm, giống như công viên giải trí Đầm Sen đó quý vị. Nhưng mà quý vị không có tiền, thì không vô được. Không có đủ phước, thì không vô được.

2. Hạng người thứ hai là được vô, nhưng giống như vô công viên Đầm Sen, để phục vụ cho người ta ăn chơi, [còn] mình thì không được chơi gì hết. Thì chư thiên cũng vậy, vô đó coi người ta chơi, hỗ trợ người ta chơi, chứ mình không được gì hết. Vậy cũng đâu có ý nghĩa gì!

3. Hạng người thứ ba là vô được chơi, nhưng không được ăn. Tức là được chơi vài món, vì tiền ít quá đó quý vị. Giống như mình đi vô công viên Đầm Sen, mình đi chơi được, nhưng mà đồ ăn mắc quá nên không dám ăn.

4. Hạng [người] thứ tư là đại gia, vào công viên Đầm Sen thì đủ đồ, ăn uống gì cũng thoải mái, vì người ta nhiều tiền quá.

Thì trời Đao Lợi cũng vậy, vườn Hỷ Lạc cũng như vậy, [có] bốn hạng chư thiên đó. Vậy chúng ta thấy không có hâm mộ nữa, để quý vị bớt đi, thì quý vị mới cầu ra khỏi sanh tử được. Còn quý vị cứ ham, nghe lên cõi Trời sướng rồi chạy lên đó.

Rồi trời Dạ Ma trở đi, quý vị phải tu Bát Quan Trai. Từ trời Dạ Ma đến trời Đâu Suất là trời thứ tư, trời Hóa Lạc là trời thứ năm, và trời Tha Hóa Tự Tại là trời thứ sáu. Mấy tầng trời đó, quý vị muốn sanh về thì quý vị phải tu Bát Quan Trai. Hồi bữa chúng ta học bên Giới Luật, thì quý vị biết đó. Bát Quan Trai mà quý vị phải giữ thật nghiêm luôn, thì quý vị mới sanh lên trời Tha Hóa Tự Tại. Còn quý vị giữ theo kiểu: tôi cũng thọ Bát Quan Trai, sáng nay thọ, thọ một ngày một đêm. Nhưng mà coi trong giới đó, có chỗ nào làm không phạm giới là được rồi. Cho nên ra vườn cũng cuốc đất, cũng làm rau, rồi làm đủ thứ chuyện. Thì quý vị chắc chỉ sanh vào trời thứ ba (trời Tu Diệm Ma) thôi.

Tại vì mình giữ chưa trọn vẹn giới đó, nên chỉ có phước báo thôi. Phải giữ nghiêm hơn, kha khá hơn: bữa nay không có đi làm nhiều, thôi uống chút nước gì đó, có cáu cáu chút cũng được, không sao! Thậm chí ráng ăn chút bột chẳng hạn, thì [Giới] đó khuyết, có thể quý vị sẽ sanh vào trời Đâu Suất thôi. Cứ thế mà lên, cho dù quý vị giữ trọn hết [các Giới], nhưng mà tâm quý vị không chánh niệm, trong kinh gọi là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, quý vị không giữ được, thì cuối cùng quý vị cũng lên trời Tha Hóa Tự Tại thôi. Còn bao giờ quý vị giữ được Bát Quan Trai [thật nghiêm] thì quý vị mới đắc đạo, đắc Tu-đà-hoàn.

Cho nên cùng một pháp tu, nhưng giá trị mang lại khác nhau, [là] do dụng tâm khác nhau. Đó là điều mà Thiện Trang muốn gửi cho quý vị: là quý vị phải tu như thế nào. Mình tu thấp là do mình không hiểu, bây giờ mình hiểu, có người chỉ cho mình rồi, thì mình sẽ tu cao, không dại gì mình tu thấp hết. Mình lo tu, tâm lúc nào cũng chánh niệm rõ ràng. Tức là mình phải sáng suốt, tu là phải giữ giới vì ra khỏi sanh tử, tu là nguyện thành Phật độ chúng sanh. Và tâm mình luôn luôn trải lòng từ với chúng sanh v.v… thì tâm đó mang cho quý vị những giá trị cao hơn.

Có nhiều người nói sợ Ma vương, bữa nay Thiện Trang cũng có coi trong kinh Nikaya. Đức Phật nói có mấy hạng, mà trong Kinh Bẫy Mồi, đức Phật nói người nào đắc Sơ thiền trở lên, thì không còn bị rớt vào lưới của thợ săn, tức là lưới của Ma vương nữa. Nên [nếu] quý vị đắc được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, thì quý vị không bị Ma vương [phá] nữa. Trừ khi mình thoái tâm, thoái công phu. Bởi vì Ma vương ở tầng trời thứ sáu, quý vị đắc Sơ thiền [thì] quý vị lên hơn Ma vương rồi.

Hồi xưa Thiện Trang nghĩ A-la-hán mới ra khỏi lưới của Ma Vương, nhưng mà không, thực ra [chỉ cần] Sơ thiền thôi. Tâm của người đắc Sơ thiền thôi, là đủ để vượt qua Ma vương rồi. Tất nhiên người ta vẫn còn thoái chuyển, khi nào thoái chuyển thì vẫn bị Ma vương trói thôi. Nhưng khi mình đắc được thiền là yên tâm, Ma vương không làm gì được quý vị. Cho nên đắc được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền [là] ngon rồi.

Tại sao Thiện Trang nói như vậy? Bởi vì có rất nhiều người ngộ nhận, cho rằng mấy tầng thiền đó không có giá trị gì. Đây là một điểm sai lầm nữa trong đường tu. Một điểm sai lầm nữa: là khinh thường các Thiền chỉ, mà chỉ lo tu Thiền quán. Thực ra ở đây cũng nói rõ luôn tu như thế nào, có bốn kiểu tu ra khỏi sanh tử, đó là:

1. Một là tu Thiền chỉ.

2. Hai [là] tu vừa Thiền chỉ, vừa Thiền quán. Thiền chỉ trước, Thiền quán sau.

3. Thứ ba [là tu] Thiền quán trước, Thiền chỉ sau.

4. Thứ tư [là] vừa Thiền quán vừa Thiền chỉ song vận.

5. Thứ năm là tu Thiền quán không thôi.

Hạng người thứ nhất chỉ lo tu Thiền chỉ, là lo [tu] định để vô Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Nếu người ta có duyên nhiều đời, tu như thế nào đó, khi đắc Thiền thì có thể đắc quả luôn. Đắc Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền là đắc quả luôn. Mà không cần đến Tứ thiền đâu quý vị, hôm bữa Thiện Trang có chia sẻ ở bài đầu, quý vị chỉ cần Sát-na định thôi, cái thấp nhất trong ba định. [Thứ nhất] là [định] Sơ thiền, thứ hai là Cận định, thứ ba là Sát-na định. Ba định đó cộng với một chút Huệ quán, là quý vị đắc đạo, đó là Sơ quả Tu-đà-hoàn.

Sơ quả Tu-đà-hoàn thậm chí là Nhị quả, thì cũng cần thiền, nhưng mà chỉ cần Sát-na định thôi, chứ không cần nhiều. Có nghĩa là người mà đắc đến Tứ thiền Sắc giới là dư. Giống như để đốt một đống lửa nhỏ, mà quý vị đem nguyên [một] chảo lửa lớn tới thì dư, đem can xăng dầu lớn quá, thì không cần thiết. Chỉ cần một ít xăng thôi, là đốt được đống lửa rồi. Cũng vậy, người đắc được Sơ thiền thôi, là có cửa ra khỏi [sanh tử] giải thoát rồi. Nhưng điều đó là duyên, thông thường thì không được.

Thông thường tu Thiền chỉ không thôi, [thì] không đắc đạo. Do Thiền chỉ không đắc đạo, cho nên sau khi tu Thiền chỉ xong, [được] an lạc đã đời, thì chuyển sang tu Thiền quán. Tức là Chỉ trước rồi Quán sau, đó là hạng người thứ hai.

Hạng người thứ ba là tu Thiền quán trước, sau đó thấy dễ chịu, tâm sáng suốt rồi, bắt đầu tu Thiền chỉ là vô định. Hồi xưa Thiện Trang không biết, nhưng cách của Thiện Trang là dụng công trên văn tự. Tức là nghe pháp nhiều, [khi] tâm định rồi, lắng xuống rồi, mới bắt đầu ngồi niệm Phật, ngồi xếp bằng [là] vào định. Cách đó là tu Quán trước Chỉ sau.

Đây là Thiện Trang chỉ cho bí quyết để tu, [còn] tùy mỗi người. Mỗi người lựa ra, chứ không phải giống Thiện Trang đâu, tùy căn cơ mỗi người. Quý vị thử xem cách nào phù hợp với quý vị. Đó là cách thứ ba. Cách này cũng rất nhiều người dùng, ai là người giỏi pháp thì nên dùng cách này. Còn ai mà giỏi Định, thì nên dùng cách tu Thiền chỉ trước, rồi tu Thiền quán sau. Hôm nay [Thiện Trang] chỉ cho bí quyết luôn đó quý vị.

Thứ tư là hạng người dùng hai cách đó là song vận. Tức là dùng cả hai một lúc, vừa tu Quán vừa tu Chỉ. Thực ra Thiện Trang dùng cách đó, nhưng mà quý vị biết Thiện Trang nghiêng về cách thứ ba nhiều hơn. Cách thứ tư là sau khi nghe pháp, học, nghiên cứu [được] an lạc, tâm thanh tịnh rồi, thì tu Thiền định, ngồi xếp bằng niệm Phật, hoặc là ngồi xếp bằng kiểu thế Thiền. Thực ra [cách này] cũng là song vận, [vì] vận dụng cả hai.

Thứ năm là có người chê luôn Thiền chỉ, kêu: tôi nghe nói bắt buộc tu Thiền quán, mới ra khỏi sanh tử được, [nên] chắc chắn tôi phải tu Thiền quán. Cho nên có người chỉ lo tu Vipassana Thiền quán thôi. Được không quý vị? Được luôn! Tu đến lúc nào đó Thiền quán đủ mạnh, thì đắc luôn Thiền chỉ. Cách đó cũng được, chứ không phải là khinh thường.

Nhưng kinh nghiệm của người đi trước (chư Tổ) chia sẻ, là nên sử dụng hai cái ngang ngang. Tức là dùng hạng hai, ba, bốn thì phù hợp với đại đa số hơn. Còn hạng một với hạng năm, thì tùy một số người. Đó là Thiện Trang cũng chia sẻ cho quý vị cách tu hành.

Và tu để đắc đạo, là tùy thuộc vào duyên của mình. Cửa giải thoát trong Kinh Bát Thành, hay trong một số bộ kinh thì nói là: chỉ cần định Sơ thiền trở lên, tức là Sơ Thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, nhưng Sơ thiền thôi cũng được rồi, thì cũng đắc được đạo rồi,đắc được Sơ quả và Nhị quả. Còn [nếu] quý vị muốn đắc được Tam quả, thì thông thường phải là Tứ thiền. Mà Tứ thiền này thì không cần đến Tứ thiền Bát định đâu, chỉ cần tới Tứ thiền Sắc giới thôi, không cần lên cao. Tại vì có nhiều điều, lên Tứ thiền Vô Sắc rồi, là ở trên đó luôn.

Đức Phật có nói về tiền thân của Ngài, tức là nói về những vị Bồ-tát được thọ ký. Sau khi được đức Phật Nhiên Đăng thọ ký, sau đó có những đời Ngài tu đắc tới Tứ thiền Bát định, nhưng Ngài không bao giờ nguyện sanh vào các tầng trời sau: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Ngài không nguyện sanh vào đó, mà Ngài chỉ nguyện sanh vào những tầng trời thấp hơn để tu tiếp. Chứ vào đó là uổng, giống như một giấc ngủ mơ, đóng băng lâu quá. Cho nên ta có quyền dư, nhưng mà ta xài ít thôi, giống như nhà giàu có mà ta xài ít ít thôi.

Có người hỏi: [Phải] làm gì [để] đắc Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền? [Quý vị] đợi mai mốt học vô cụ thể, hôm bữa bên Giới Luật Thiện Trang trích mỗi khúc nhỏ về Sơ thiền thôi, [mà] quý vị thấy dài cả buổi rồi, đâu có đơn giản! Bây giờ mà hỏi dạy cách [vào] Sơ thiền, quý vị có thể tìm thấy rõ ràng trong các bài giảng của Thiện Trang, có hết rồi. Quý vị lục lại, gom lại vô thành một, là đủ vô Sơ thiền.

Sơ thiền là gì? Đầu tiên là quý vị phải tu được Bảy chi thiền, rồi quý vị phải ly dục, ly các pháp ác bất thiện. Rồi đạt được trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có Tầm có Tứ, rồi sau đó có một trời thứ trong đó nữa. Có bốn trạng thái: Thoái phần, Trụ phần, Tinh tấn [phần], Quyết định phần. Rồi tâm như thế nào? Dùng Tâm sở nào trong trạng thái thiền đó v.v…. Nếu quý vị đúc kết lại tất cả những bài giảng của Thiện Trang, thì đã có những phần đó rồi, nhưng không có chuyên, mỗi bữa nói một khúc thôi. Mai mốt quý vị muốn nghe, [thì] đợi bộ Luận Câu Xá này, đến lúc nào đó thì sẽ tới phần đó, học từng [tầng] Thiền một. Còn bây giờ mình chỉ giới thiệu sơ lược thôi, để quý vị nắm được đường tu. Cho nên đừng có hâm mộ quá, cũng đừng có bi quan quá, cái gì cũng có tầng lớp của nó, hiểu rồi thì mình tu dễ.

Đạo Phật là thách thức mọi thử nghiệm, quý vị có nghi ngờ gì, thì quý vị cứ tìm trong kinh giáo là ra hết, cỡ nào cũng có, cỡ nào cũng giúp cho quý vị được. Mình chỉ cần học vô thôi, chỉ cần chịu khó học, là giải [được] hết. Đức Phật nói rồi, không có gì ngại hết, muốn biết cứ học kinh Phật đi, Ngài nói đầy đủ trong đó. Cho nên là vàng không sợ lửa, quý vị muốn thử cái nào là cũng thử được hết. Đó là Thiện Trang chia sẻ, và quý vị nghe hiểu rồi thì quý vị không nghi nữa. Không nghi thì mới tu được.

Hôm nay chỉ chia sẻ sơ lược là như vậy, bây giờ chúng ta vào phần nội dung của bài Luận Câu Xá. Vừa rồi là phần A Tỳ Đàm, nói một chút sơ lược thôi. Mỗi hôm nói sơ lược một chút, thì quý vị nắm được căn bản. Thiện Trang mong muốn là sẽ chia sẻ hết 24 duyên, bây giờ cũng được hơn một nửa rồi. Thiện Trang cũng muốn chia sẻ hết phần Tâm sở. Sau khi chia sẻ hết Tâm sở rồi, Thiện Trang mới phân tích cho quý vị: trong một sát-na tâm, chúng ta tạo những nghiệp gì, nhân gì, duyên gì, quả gì, có một trời thứ trong đó. Mình muốn có quả thiện, thì mình phải tu như thế nào, muốn đắc Thiền, thì phải tu như thế nào, muốn đắc đạo thì phải tu như thế nào. [Những] điều đó, [thì cần] phải học hết Tâm sở. Có nghĩa là phải học hết 52 món Tâm sở của Vi Diệu Pháp Nam truyền, hoặc là 51 món Tâm sở của Duy Thức Bắc truyền, hoặc là 46 Tâm sở của Luận Câu Xá này. Khi mình học hết rồi thì mình mới nói được điều đó.

Chứ bây giờ mình nói mình xài Tâm sở nào, ví dụ Thiện Trang mới chia sẻ Tâm sở Tầm, Tứ, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư, một trời thứ đó, quý vị có nắm được đâu. Không nắm được, cho nên Thiện Trang chia sẻ vào thì quý vị không hiểu, thế nào là Tham, thế nào là Sân v.v… một trời thứ như vậy, thì làm sao mình có thể chia sẻ sâu được. Có rất nhiều nền tảng, mình phải đắp xong rồi thì mới vào. Còn hôm nay chúng ta vào Luận Câu Xá, mời quý vị xem. Ở đây Thiện Trang xin chia sẻ Luận Câu Xá như thế này:

依何義說滅無同類?依滅自無同類因義亦不與他,故作是說,非無同類。

Y hà nghĩa thuyết diệt vô đồng loại? Y diệt tự vô đồng loại nhân nghĩa diệc bất dữ tha, cố tác thị thuyết, phi vô đồng loại.

Giải:

#Y hà nghĩa thuyết diệt vô đồng loại?: là căn cứ vào nghĩa nào mà nói không có cùng loại.

Bài bữa hôm trước quý vị còn nhớ không? Hay lâu quá [nên] quý vị quên bài kệ ở trên rồi. Tức là ở đây chúng ta đã học về pháp Hữu lậu và Vô lậu.

Pháp Hữu lậu, Vô lậu

Ngoại trừ Đạo đế ra

Còn lại là Hữu vi

Với các pháp Hữu lậu

Thì các Tùy miên tăng

Nên nói là Hữu lậu.

Vô lậu là Đạo đế

Và ba loại Vô vi

Hư không và hai Diệt

Hư không không chướng ngại.

Trạch diệt lìa trói buộc

Tùy theo các trói buộc

Mà việc lìa khác nhau

Rốt ráo làm chướng ngại

Cho các pháp không sanh

Đắc được như thế đó

Gọi là Phi trạch diệt.

#Tùy miên tức là các phiền não sẽ tăng theo; #hai Diệt tức là Phi trạch diệt và Trạch diệt Vô vi.

Hôm bữa Thiện Trang đã giảng mấy điều này rồi, quý vị coi lại, điều này không coi thì cứ nắm được đại ý thôi. Thật ra không cần học hết những câu kệ này, bởi vì rộng quá. Mình cứ nhớ được phần chính thôi: thế nào là Trạch diệt Vô vi, thế nào là Phi trạch diệt Vô vi thôi. Thế nào là Vô vi, giờ quý vị còn nhớ thì được rồi. Bữa nay chúng ta đang nói, thì cứ từ từ, nghe được bao nhiêu thì nghe.

#Y diệt tự vô đồng loại nhân nghĩa diệc bất dữ tha, cố tác thị thuyết, phi vô đồng loại: #y là nương vào, nương vào nghĩa của sự diệt, chính nó không có nhân cùng loại, cũng không có kết giao với điều khác, nên nói như thế, không phải không có cùng loại.

Tạm dịch: Căn cứ vào nghĩa nào mà nói không có cùng loại? Nương vào nghĩa của sự diệt chính nó không có nhân cùng loại cũng không kết giao với điều khác, nên nói như thế, không phải không có cùng loại.

Ở đây chúng ta đang nói về pháp Trạch diệt Vô vi và Phi trạch diệt Vô vi. Trạch diệt là gì? #Trạch là lựa chọn, quý vị chịu khó nhớ giùm âm Hán thôi, còn mình không cần biết chữ Hán cũng được. Trạch diệt Vô vi là khi mình tu theo pháp mình lựa chọn, ví dụ như Tâm sở, mình biết Tâm sở này xấu, Tâm sở này tốt, thì mình lựa chọn Tâm sở tốt mình tu, mình dùng. Mình lựa chọn [như] vậy, thì dần dần tâm mình toàn tốt không.

Giống như hôm bữa Thiện Trang lấy ví dụ [về] hai loại đậu, đậu đỏ và đậu đen. Bây giờ mình muốn lựa đậu đỏ, tức là quả vị Thánh, đậu đen là của phàm phu. Vậy thì cách đơn giản, là bỏ hết đậu đen ra ngoài, một hồi còn đậu đỏ thôi, đó là lựa chọn đậu, một hồi thì mình đắc đạo. Đó gọi là Trạch diệt Vô vi.

Vì sao gọi là Vô vi? Vì không sanh không diệt nữa, khi đắc đạo A-la-hán rồi, thì quý vị yên tâm, quý vị không trở lại làm phàm phu nữa. Đắc A-la-hán thì A-la-hán có ba loại (nói ra rộng quá, thôi lỡ rồi nói luôn): Một là A-la-hán chỉ có Tâm giải thoát. Hai là A-la-hán chỉ có Huệ giải thoát. Ba là A-la-hán có Câu giải thoát (ở trong bộ Luận này sẽ nói).

Tâm giải thoát vẫn chưa được, Huệ giải thoát vẫn chưa được, mà phải Câu giải thoát thì mới bất thoái chuyển. Còn nếu chỉ được một điều trong hai điều kia, thì vẫn còn thoái chuyển, nhưng mà thoái chuyển về Sơ quả Tu-đà-hoàn thôi, không có thoái chuyển thấp hơn nữa, rõ ràng như vậy.

Quý vị thấy bây giờ ít người giảng như thế này để chúng ta nghe, nghe giáo pháp này, ai mà không có duyên nghe [thì] nghe buồn ngủ lắm. Nghe chuyện đời, chuyện gì gì đó thì nghe sướng tai, nhưng nghe điều này khó, buồn ngủ, [vì] mình không có đủ vốn. Nhưng quý vị yên tâm, đó là hiện tại thôi, đến một ngày nào đó, quý vị nghe những điều này thì quý vị thích lắm. Tại vì đây là giáo pháp rốt ráo của Phật, [nên] mình nghe [thấy] đã. Còn thế gian, mình nghe một thời gian cũng chán. Cái gì cũng vậy, mới đầu [thì] khó chịu, nhưng mà nghe hoài thì quen. Ba quả vị A-la-hán đó thì quý vị hiểu như vậy.

Ở đây đang nói về Trạch diệt. Phi trạch diệt thì lại dùng cách khác, không có chọn lựa, mà mình cố gắng tạo để cho thiếu duyên sanh tử luân hồi, khi thiếu duyên rồi thì sẽ không có sanh tử luân hồi nữa.

Giống như bây giờ mình sống, tại sao mình lại đi vào trong luân hồi? Tại vì mình ham nhiều thứ quá, mình mê nhiều thứ quá, mình sống theo ý niệm của mình. Còn bây giờ tâm mình dần dần dường như không có suy nghĩ gì nhiều, thì tự nhiên tâm mình không có trụ vào trong đó nữa, dần dần thiếu duyên. Thiếu duyên nên không có sanh ra những quả đời sau. Nhờ vậy, cho nên đó gọi là Phi trạch diệt, mình cố gắng cắt bớt duyên.

Thực ra pháp tu, tuy nói là nói như vậy, nhưng ở trong đó có nhiều cái lắm. Phi trạch diệt này, quý vị nói là tu bằng gì đây? Mình nói đơn giản là tu theo vòng 12 nhân duyên, mình cắt duyên đi, là sẽ không sanh ra nữa, đó gọi là Phi trạch diệt, nói vậy cho dễ! Nó có nhiều loại, nhưng mình chỉ nói như vậy.

Còn tu mà Trạch diệt, gọi là tu theo A-la-hán, thì tu theo Tứ đế. Nói vậy cho quý vị dễ hiểu, đó là một cách nói, chứ nói rộng ra phức tạp lắm, chỉ cần nói vậy thôi. Ở đây tiếp tục nói:

已說擇滅。永礙當生得非擇滅,謂能永礙未來法生。得滅異前,名非擇滅。得不因擇,但由闕緣。如眼與意專一色時,餘色聲香味觸等謝。緣彼境界五識身等住未來世畢竟不生,由彼不能緣過去境,緣不具故得非擇滅。

Dĩ thuyết Trạch diệt. Vĩnh ngại đương sanh đắc Phi trạch diệt, vị năng vĩnh ngại vị lai pháp sanh. Đắc diệt dị tiền, danh Phi trạch diệt. Đắc bất nhân trạch, đãn do khuyết duyên. Như nhãn dữ ý chuyên nhất sắc thời, du sắc thanh hương vị xúc đẳng tạ. Duyên bỉ cảnh giới ngũ thức thân đẳng trụ vị lai thế tất cánh bất sanh, do bỉ bất năng duyên quá khứ cảnh, duyên bất cụ cố đắc Phi trạch diệt.

Giải:

#Dĩ thuyết Trạch diệt: tức là đã nói về Trạch diệt Vô vi rồi.

#Vĩnh ngại đương sanh đắc Phi trạch diệt: đây chính là chỗ Thiện Trang vừa mới nói. Tức là mãi mãi ngăn trở được sự sanh ở ngay trong đời này, thì đắc được Phi trạch diệt.

Có nghĩa là mình muốn đừng có tái sanh vào đời sau nữa, thì quý vị làm sao cho thiếu duyên đi, thì quý vị sẽ không tái sanh vào đời sau nữa, quý vị tự nhiên ra khỏi sanh tử thôi. Điều này là Phi trạch diệt. Còn Trạch diệt này là mình lựa chọn điều tốt, để tâm mình hướng về Tâm sở tốt thôi, thì tự nhiên đi vào A-la-hán. Còn Phi trạch diệt là mình cắt duyên, để khỏi có duyên vô luân hồi nữa. Mình tu khác nhau, nhưng thật ra bản chất cũng giống nhau thôi.

Thiện Trang lấy ví dụ con đường lúc nãy, [là] con đường đi vào rừng và cũng là con đường đi ra khỏi rừng. Thì con đường đi vào sanh tử, cũng là con đường đi ra khỏi sanh tử, nếu mình quay ngược lại. Bây giờ có một người nói: Thôi tôi không đi vô sanh tử nữa, tức là không có đi vô con đường đó nữa. Đó là người ta lựa chọn lối đi ra. Thật ra là có nhiều con đường ra, mình lựa chọn mình đi lối kia ra, ta biết con đường này ra được. Còn người kia thì nói: Ta làm sao đi ngược lại, tránh đừng để kéo vô con đường đó nữa, thì một hồi cũng ra khỏi khu rừng thôi.

Tức là có hai người: một người thì rẽ lối này đi ra, sẽ ra khỏi rừng. Còn người kia thì kêu: Ta không đi vô rừng nữa, thì [sẽ] không vô rừng thôi. Ta không vào luân hồi nữa thì không sao hết. Cách [giải thích] này đơn giản như vậy.

[Câu] vĩnh ngại đương sanh đắc Phi trạch diệt: tức là mãi mãi ngăn trở được sanh ngay trong đời này và đời tương lai, thì gọi là đắc Phi trạch diệt.

#Vị năng vĩnh ngại vị lai pháp sanh: là có thể mãi mãi ngăn trừ được pháp Hữu lậu ở vị lai sanh ra.

Tức là ở đây người ta tu theo Phi trạch diệt, là làm sao ngăn cho pháp Hữu lậu đời này đừng có sanh nữa, và cũng ngăn luôn pháp Hữu lậu đời sau đừng có sanh nữa. Ví dụ chúng ta tu Bát quan Trai giới, ngày hôm đó thọ Bát Quan Trai, mình giữ giới không ăn phi thời chẳng hạn. Không ăn phi thời, là để đừng có gieo nhân đọa vô Ngạ quỷ, Súc sanh v.v… mấy loài ăn chiều. Mình không gieo nhân đó, thì mình không vô nữa, vậy thôi! Đời này mình cũng khỏe, mà đời sau cũng bớt nhân đó, thì cách đó gọi là Phi trạch diệt.

#Đắc diệt dị tiền, danh Phi trạch diệt: đắc diệt được phiền não khác với môn trước; #dị tiền tức là khác với môn kia; đắc diệt được phiền não khác với môn trước. Môn trước là mình loại trừ phiền não, còn môn này mình cứ ngăn là được.

Giống như vầy, môn trước là mình loại trừ phiền não đi, phiền não xấu thì loại. Còn môn này giống như là: tôi ngăn các dòng nước xấu, đừng cho vô nữa, thì một hồi là nước sạch thôi. Giống như bây giờ mình sống ở thế gian, là mình luôn luôn sống với hai dòng nước: một dòng nước trong và một dòng nước đục. Người tu theo kiểu thứ nhất, là người ta lựa nước, người ta không biết dòng nước nào, [nên] người ta lấy bộ lọc, lọc nước lại để nước trong vô thôi. Còn người này, người ta biết nước trong với nước dơ, người ta chặn nước dơ, đừng cho nước dơ vô nữa, thì khỏi phải lọc. Vậy thì cuối cùng cũng được toàn nước sạch.

Tức là bây giờ mình biết có hai cái ống [nước] đó dẫn vô chung, nối chung vô rồi, thì giờ mình phải lọc. Lọc thì gọi là Trạch diệt. Còn đây khỏi phải Trạch diệt gì hết, tôi thấy cái góc nhập chỗ này, nhưng ở đằng kia là có hai ống khác nhau. Cho nên tôi tới chặn đầu ống nước dơ ngay từ kia đi, thì tự nhiên tôi có nước sạch. Cách như vậy gọi là pháp tu Phi trạch diệt. Miễn làm sao mình đừng cho Hữu lậu sanh nữa.

Giống như ở trong luân hồi, do mình [có] Tham, Sân, Si, rồi Thân kiến, Biên kiến, Giới cấm thủ, Tà kiến, [thì] mình chỉ cần ngăn thôi. Ví dụ như Sơ quả Tu-đà-hoàn, họ ngăn được ba điều là Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Tức là họ không còn Thân kiến nữa, họ không còn Giới cấm thủ và họ không còn Nghi nữa, thì họ sẽ đắc quả. Vậy A-la-hán, Tam quả A-na-hàm là thêm hai điều nữa: là hết Sân và hết Tham. Như vậy hết Tham và hết Sân thì ok, đó cũng là một cách tu.

Nói ra thì có nhiều pháp tu lắm, không phải ít đâu quý vị, nhưng ở đây Thiện Trang nói đơn giản như vậy thôi, để chúng ta có thể nắm được sơ sơ. Điều này quý vị nghe hiểu sơ sơ là được rồi, không cần phải cao siêu đâu. Tại vì mấy điều này là lý thuyết, quan trọng của chúng ta là tu để thực hành. Và thực hành thì nằm ở đoạn sau, điều này là cung cấp kiến thức căn bản thôi.

#Đắc bất nhân trạch, đãn do khuyết duyên: tức là đắc được mà không nương vào sự giản trạch, tức là không nương vào sự lựa chọn đơn giản, mà chỉ do là thiếu duyên thôi.

#Như nhãn dữ ý chuyên nhất sắc thời, du sắc thanh hương, vị xúc đẳng tạ: ở đây ngài Huyền Trang giải thích như sau: giống như khi mắt và ý của chúng ta; chữ #thời là khi, khi mà mắt và ý (là hai căn của mình) chỉ chuyên chú vào một cảnh sắc thôi, thì những Sắc trần khác như âm thanh, như mùi hương, như vị, hay là xúc, v.v… thì đều sẽ rơi rụng hết.

Điều này thì dễ hiểu, ví dụ như bây giờ quý vị chỉ nhìn thấy Thiện Trang thôi, và quý vị đang nghĩ tới Thiện Trang thôi. Tức là mắt quý vị duyên vào Sắc, và quý vị nghĩ tới Thiện Trang thôi, cho nên quý vị quên hết mọi thứ bên ngoài. Âm thanh cũng có, nhưng mà quý vị không nghe, nhiều khi quên mất âm thanh xung quanh. Và quý vị có nghe mùi hương không? Ở trong phòng hôi rình, mà quý vị cũng không nghe mùi hôi. Rồi quý vị cảm thấy nóng hay lạnh, quý vị cũng quên mất luôn, đó là xúc.

Tức là do tập trung chuyên chú, khi tâm mình (Ý thức thứ sáu) và Nhãn căn tập trung vào một đối tượng nào đó, thì quên những đối tượng kia, thì tự nhiên rơi rụng thôi, chứ không cần phải lo mấy chuyện kia. Đó gọi là Phi trạch diệt. Miễn là mình lo điều này thì điều kia không có thôi, yên tâm!

#Duyên bỉ cảnh giới ngũ thức thân đẳng trụ vị lai thế tất cánh bất sanh: #duyên là nhờ; nhờ cảnh giới ấy mà năm thức như Thân thức, Tỵ thức, Nhãn thức, Nhĩ thức, những thức còn lại, sẽ rốt ráo không sanh ở đời vị lai.

#Do bỉ bất năng duyên quá khứ cảnh: do đó không thể duyên vào cảnh của quá khứ.

#Duyên bất cụ cố đắc Phi trạch diệt: duyên không đủ cho nên gọi là đắc Phi trạch diệt, gọi là Phi trạch diệt Vô vi.

Ở đây giải thích rõ hơn cho chúng ta, nghĩa là khi tâm mình chú ý vào Sắc thôi, sáu căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, bây giờ mình tập trung mắt, thì tất nhiên mình phải tập trung ý nữa. Tại vì Ý thức thứ sáu là chắc chắn phải dùng rồi. Hai cái tập trung vào nhìn hình Phật thôi, cho nên mình quên hết âm thanh, mình quên hết mùi vị. Quý vị quên mùi, quên vị, quên cả nóng lạnh, quên hết. Do đã quên, thì tất nhiên về đời vị lai không sanh được, nó không hoạt động mà, và quý vị quên luôn cảnh quá khứ.

Quý vị không thể nhớ mùi vị của ngày hôm qua như thế nào, không nhớ được, tại vì tâm quý vị đang chú tâm vào cảnh rồi, vào sắc, vào hình ảnh Phật thôi. Quý vị cứ như vậy, thì tự nhiên không sanh quả Hữu lậu của đời vị lai, tự nhiên một thời gian quý vị ra khỏi sanh tử thôi. Đó là nguyên lý của Phi trạch diệt. Tức là mình khỏi cần quan tâm. Pháp tu lúc trước là phải quan tâm, lựa cái tốt để dùng, lựa cái không tốt bỏ ra, đó gọi là Trạch diệt, là phải lựa chọn. Còn đây khỏi! Tôi chỉ cần nhắm vào một cái thôi, thì mấy cái kia không đủ duyên, không có hoạt động được đâu.

Tại vì Ý thức thứ sáu của mình, chỉ hoạt động một lúc một thứ thôi. Bây giờ mình đang duyên vào Sắc rồi, nhìn vào hình ảnh rồi, nhìn mà đang suy nghĩ đây là hình Phật A Mi Đà, đây là hình Phật Thích Ca, v.v…. Mình lo nghĩ điều đó, cho nên quên hết mấy điều kia. Do quên đó, [nên] mấy [duyên] vị lai cũng không sanh, mà quá khứ duyên cũng không sanh được, cảnh quá khứ không bốc lên được. [Vì] như vậy, [nên] không có nhớ là cơm ngày mai sẽ ngon hay dở, cơm hôm qua ngon hay dở, cũng không nhớ. Vì do tâm mình đang chú vào trong [hình Phật].

Do làm nhiều như vậy, thì thời gian sau là mình đắc được pháp đó, đó gọi là Phi trạch diệt Vô vi. Pháp tu là như vậy, cho nên các ngài tu kiểu đó. Đó cũng là một cách tu, các ngài tu kiểu như vậy. Cho nên từ đây mình thấy các pháp, ví dụ như pháp Niệm Phật, nếu quý vị niệm được thì cũng vậy. Tức là tâm mình do nghĩ nhớ đến Phật, thì tất nhiên quý vị không làm chúng sanh. Đang tâm làm Phật, thì tâm nào làm chúng sanh? Tâm làm Bồ-tát, thì tâm nào làm chúng sanh? Tâm làm A-la-hán, thì tâm nào làm chúng sanh? Vì vậy, cứ duyên vào đó.

Cho nên nếu ai nghe pháp, nghe hoài, nghe tới nghe lui, nghe tập trung trong pháp, dần dần quý vị chuyển phàm thành Thánh, thời gian sau tự nhiên quý vị khôn lên, giỏi lên v.v… Đó là do điều này nè, quý vị cứ lo tập trung vào đó là được. Vì vậy nghe pháp, phải nghe pháp rốt ráo mới quan trọng.

Còn ăn rồi lên nghe quý thầy giảng về gia đình, chồng con, vợ chồng gì đó… giảng thế gian không thôi. [Nghe] như vậy một thời gian sau, thì mình vẫn ở trong trần thôi. Tại vì mình duyên với điều đó mà, thì khởi thêm nhiều. Nói chuyện chồng con là bắt đầu mình nghĩ ông chồng mình rồi, nói chuyện tình yêu là mình nhớ tới mối tình ngày xưa đó rồi. Có nghĩa là nó khởi những chủng tử cũ ra nữa. Mà khi khởi chủng tử cũ kết hợp với hiện tại, tạo ra chủng tử tương lai, thì kéo mình về tương lai luân hồi thôi.

Còn bây giờ nếu mình toàn duyên với Phật, mình nghĩ Phật, niệm Phật, mình nhớ công hạnh Phật, Bồ-tát. Cuối cùng mình toàn nghĩ Phật, Bồ-tát, một hồi hết [nghĩ] thế gian, thì tự nhiên [chủng tử] không có. Và dần dần mình chuyển thành Phật, Bồ-tát, A-la-hán hồi nào không hay, đúng không?

Bí quyết tu là vậy đó, quý vị có thấy hay không? Vào Luận Câu Xá này là chỉ cho mình tường tận như vậy. Mình học như vậy thì mình mới thấy tốt. Bí quyết tu hành chỉ có bấy nhiêu đó.

Cho nên ai biết tu thì ngày ngày trụ trong pháp giùm. Đi, đứng, nằm, ngồi, mình nghe pháp được bao nhiêu thì nghe. Nghe thì phải nghe những pháp giải thoát, nghe thì phải nghe chuyện Phật, Bồ-tát, chuyện A-la-hán, chuyện kinh điển. Chứ quý vị nghe toàn chuyện yêu đương thì thôi, nghỉ đi! Quý vị nghe đó là trồng thêm chủng tử luân hồi. Vì nguyên lý là điều này lôi chủng tử quá khứ lên, quý vị nhớ thêm, hồi xưa hai đứa mình gì đó v.v… đủ thứ chuyện. Là quý vị lôi cả một quá khứ lên. Quá khứ này tạo nhân cho tương lai, có nghĩa là nhân đó tạo cho quý vị tương lai gặp người nào đó, là quý vị khởi tâm tiếp. Như vậy thì dòng luân hồi của quý vị mở ra tiếp. Còn nếu như mình làm một hồi, tự nhiên cửa luân hồi, chủng tử luân hồi đóng lại, không có cơ hội ra.

Cho nên người tu, trong kinh đức Phật nói, câu chuyện rùa mù và bọng cây, quý vị nhớ không ạ? Tức là con rùa cứ 100 năm nổi lên một lần, có một cái biển rộng 84.000 do-tuần, mình nói biển rộng như Thái Bình Dương đi, cỡ đó. Mà cứ 100 năm nó nổi lên một lần, rồi bọng cây thì trôi trên biển đó, mà con rùa ngoi lên đớp làm sao trúng đúng bọng cây. Đức Phật mới nói: Cũng vậy đó, những chúng sanh mà chủng tử nghiệp luân hồi quá nặng, thì khi mất thân người, họ trở lại thân người được, thì khó hơn cả rùa mù mà gặp bọng cây.

Quý vị cứ nhìn đi, mình nghe như vậy thì mình sợ lắm. Quý vị nhìn xung quanh có đúng như vậy không? Mấy con sò, mấy con kiến, vào đó rồi đâu [có muốn] ra, nó rất mong là tiếp tục làm thân đó. Bây giờ quý vị xuống nói với mấy con sò, nói mày đừng có làm sò nữa, mày lên làm người đi. Nó đâu có chịu, mấy con chui chui đó. Cho nên đức Phật nói có hạng người đó.

Còn đức Phật nói hạng người, có thể có chúng ta [trong đó], bữa nay nghe quý vị sẽ vui hơn. Hạng người chúng ta là lúc giác lúc mê, thì đức Phật nói thoạt chìm thoạt nổi. Tức là có lúc thì mình thoát lên, và lúc mình chìm xuống. Lúc thoát lên chìm xuống, chứ không như là rùa mù bọng cây đâu. Tại vì mình đã tu nhiều rồi, nên mình nghe giáo pháp Như Lai là mình lên được. [Nhưng] khi mình lên mà lỡ mê, xui rủi đời này tạo những nghiệp gì đó bị đọa xuống, nếu đọa xuống thì cũng không sao. Vì chủng tử nghiệp giác ngộ của mình nhiều, [nên] sẽ khởi lên [và] nổi lên lại, tức là mình sẽ lên lại.

Cho nên người sắp vào dòng Thánh, hoặc vào [địa vị] Thất hiền trong Tứ gia hạnh, là thường sanh nhân thiên. Quý vị nghe cho kỹ nha! Đây là để mình hiểu được giá trị của việc tu tập. Không phải ta tu không có tác dụng gì, [mà] ngay bây giờ có tác dụng rồi. Tức là hiện tại nếu quý vị thường nghe Phật pháp, thì bây giờ giúp quý vị bớt chìm sâu trong vòng ác đạo.

Đức Phật nói là giống như có một vũng sình lầy, thì người mà đức Phật cứu được, là vì họ nổi. Họ chỉ bị dính dưới chân thôi, và Phật kéo họ lên được. Vì họ dính một chút ở chân thôi, tức là chân của họ dính ở trong sình, còn cả cái thân ở trên vũng sình, họ không bước ra được nhưng mà Phật kéo một cái [là] ra. Có người hạng người thứ hai, là họ lút tới cái lưng, cái bụng, thì Phật vẫn kéo ra được. Hạng người thứ ba nặng hơn, là tới ngực rồi, thì Phật giúp đỡ vẫn đưa ra được, vì Phật vẫn còn thấy. Còn có người lút tới đầu rồi, còn khúc nữa thôi, thấy tóc thôi. Tuy khó khăn, nhưng mà Phật vẫn cứu được. Còn hạng người chìm nghỉm ở trong đó luôn, không thấy được, thì chịu thua.

Cũng vậy, chúng sanh mê quá rồi, chìm sâu quá rồi, thì Phật cũng thua. Đợi khi xa xôi nào đó, cuối cùng [họ] mới khởi một chủng tử nào đó trong đời quá khứ, giác ngộ, thì họ mới bứt lên. Họ bứt lên những loài thấp hơn, những loài chưa là người, nhưng mà họ lên. Khi đó đức Phật, Bồ-tát mới vô đó tìm cách dẫn họ lên nữa, khó lắm quý vị! Cho nên đó mới là ví dụ rùa mù gặp bọng cây, hay có một ví dụ là: khi làm Tịnh xá Kỳ Viên thì phải, thấy có một đàn kiến, đức Phật nói bảy vị Phật ra đời rồi, mà chúng vẫn là kiến. Lý do là vậy đó quý vị, nó chìm vô đó là chìm vô luôn.

Cho nên bây giờ Thiện Trang học xong rồi, Thiện Trang nghĩ: mình chắc không đến nỗi hạng đó, chắc không đến nỗi rùa mù gặp bọng cây, vì bây giờ mình cũng có nhiều chủng tử giác ngộ. Ít nhất mình cũng giác giác một chút, chắc chìm xuống rồi cũng thoạt chìm thoạt nổi thôi, chứ cũng không đến nỗi nào. Không đến nỗi chui tuốt luôn dưới đáy bùn đâu. Cho nên là đỡ rất nhiều. Và mai mốt quý vị học đến phần Tứ Gia Hạnh Vị trong Luận Câu Xá này, quý vị mới thấy là chỉ cần tới Noãn vị thôi, tức là địa vị đầu tiên trong Tứ gia hạnh thôi, thì quý vị chắc chắn đắc được Niết-Bàn, ra khỏi sanh tử. Dù quý vị tạo Ngũ nghịch Thập ác cũng không sao hết.

Còn trong kinh nói là khi vị Bồ-tát được Phật thọ ký, là bao nhiêu kiếp sau thành Phật, là yên tâm, cỡ nào cỡ cũng không bao giờ tạo Ngũ nghịch, không bao giờ đọa Vô Gián Địa ngục. Không có sanh vào các tầng trời Vô Tưởng, hay trời Tứ thiền Vô sắc, tại vì vô đó phí. Nguyện lực của các ngài là không vào đó, không có làm mấy người mà bây giờ mình gọi là bị đồng tính, bị rối loạn giới tính, là không có v.v…. Có rất nhiều những điều hay.

Quý vị thấy, chỉ cần tới Bồ-tát được thọ ký, tức là tới đó công hạnh đủ mạnh, tâm lực đủ mạnh, để không rơi vào những nạn đó. Thậm chí không rơi vào Bát nạn Biên địa v.v… Gần thành Phật bao nhiêu, gần ra khỏi sanh tử bao nhiêu, thì tự nhiên nghiệp lực, nguyện lực mạnh, dẫn mình đi vào những đường tốt. Cho nên tu không bao giờ uổng phí. Hồi xưa Thiện Trang kêu: nhiều khi mình tu đã đời, mà đọa một cái là đoạn luôn, không biết bao giờ mình mới quay trở lại. Nhưng không phải! [Học Phật pháp] tốt đó quý vị, giúp cho chúng ta nhiều chủng tử lành rồi, thì [khi] mê cũng đọa, nhưng đọa không lâu, không đọa sâu như những người chưa có học Phật pháp sâu dày. Cho nên tốt lắm quý vị, ráng học!

Mình học điều này mới thấy giá trị, quý vị nghe được bộ này chứng tỏ quý vị có căn lành rất lớn. Cho nên là không đến nỗi đọa lâu trong loài nghêu, sò lâu năm đâu. Chắc không đến nỗi như rùa mù gặp bọng cây nữa đâu, không đến nỗi như vậy. Mình bây giờ là thoạt chìm thoạt nổi, lúc lên lúc xuống, và có những người chỉ cần tới quả vị thứ ba trong Tứ gia hạnh, là Nhẫn vị thôi, thì không đọa ác đạo nữa rồi, chỉ có sanh cõi Trời, cõi Người thôi. Rồi bao giờ [đắc] Sơ quả Tu-đà-hoàn, thì [lên] cõi Trời, cõi Người cũng giới hạn tối đa là bảy lần thôi.

Quý vị thấy không, đúng là từng bậc từng bậc như vậy, mình học bộ này mình mới thấy rõ. Còn mình học mấy giáo pháp kia, do không đúc kết lại, [nên] mình cứ thấy mơ mơ màng màng. Tu thì tu, nhưng lỡ đời này sa đọa nữa thì sao, sa đọa rồi thì mình chìm nữa sao. Đúng! Chìm, [nhưng] chìm có giới hạn, không chìm luôn dưới đáy đại dương đâu, có nghĩa là có ngày lên. Tại vì mình học cũng nhiều mà, đời này mình cũng hiểu giáo pháp rồi, đúng không quý vị? Cho nên rất là tuyệt vời, cố gắng được như vậy.

Tạm dịch: Đã nói về Trạch diệt [Vô vi] rồi. Mãi mãi ngăn trở ngay đời này đắc Phi trạch diệt, là có thể mãi mãi ngăn trở pháp [Hữu lậu] vị lai sanh ra. Đắc diệt [phiền não] khác với môn trước, [nên] gọi là Phi trạch diệt. Đắc [mà] không nương vào sự [giản] trạch, (tức là không nương vào sự lựa chọn), chỉ vì thiếu duyên. Như khi Nhãn thức và Ý thức chuyên vào một [cảnh] sắc, thì các sắc thanh hương vị xúc khác còn lại rơi rụng. Nhờ cảnh giới ấy [mà] năm thức như Thân thức v.v… trụ vào rốt ráo không sanh của đời vị lai, do đó không thể duyên theo cảnh quá khứ, duyên không đủ nên đắc Phi trạch diệt.

Đơn giản vậy thôi, tức là quý vị chỉ cần tập trung vào những điều tốt, thì những điều xấu không sanh. Ở đây lấy ví dụ giống như Nhãn thức và Ý (Ý thức) chuyên vào một [cảnh] sắc, thì các sắc thanh hương vị xúc khác còn lại rơi rụng. Nhờ cảnh giới ấy [mà] năm thức như Thân thức v.v… trụ vào rốt ráo không sanh của đời vị lai, do đó không thể duyên theo cảnh quá khứ. Vì nó có duyên vào cảnh quá khứ đâu, [nên] làm gì tạo ra đời vị lai nữa. Duyên không đủ nên đắc Phi trạch diệt.

於法得滅應作四句。或於諸法唯得擇滅,謂諸有漏過現生法。或於諸法唯非擇滅,謂不生法無漏有為。或於諸法俱得二滅,謂彼不生諸有漏法。或於諸法不得二滅,謂諸無漏過現生法。

Ư pháp đắc diệt ưng tác tứ cú. Hoặc ư chư pháp duy đắc Trạch diệt, vị chư Hữu lậu quá hiện sanh pháp. Hoặc ư chư pháp duy Phi trạch diệt, vị bất sanh pháp Vô lậu Hữu vi. Hoặc ư chư pháp cụ đắc nhị diệt, vị bỉ bất sanh chư Hữu lậu pháp. Hoặc ư chư pháp bất đắc nhị diệt, vị chư Vô lậu quá hiện sanh pháp.

Giải:

#Ư pháp đắc diệt ưng tác tứ cú: đối với pháp đắc được diệt phiền não; #diệt này là diệt phiền não. Tại vì ngôn ngữ này viết thiếu, nên chúng ta thấy khó hiểu. Đáng lẽ ra nói bốn câu, ở đây nói có hai câu, nhưng thực ra là bốn câu.

#(1)Hoặc ư chư pháp duy đắc Trạch diệt: Thiện Trang đánh số luôn cho quý vị rõ. Hoặc là đối với các pháp chỉ đắc được Trạch diệt thôi.

#Vị chư Hữu lậu quá hiện sanh pháp: là sanh pháp các Hữu lậu quá khứ hiện tại. Tức là Trạch diệt [thì] vẫn sanh các pháp Hữu lậu quá khứ hiện tại, nhưng nó ngăn lại, thì mình chọn các pháp tốt, gọi là Trạch diệt.

#(2)Hoặc ư chư pháp duy Phi trạch diệt, vị bất sanh pháp Vô lậu Hữu vi: hoặc là đối với các pháp chỉ Phi trạch diệt, là không sanh pháp Vô lậu Hữu vi. Ngôn ngữ này khó chịu lắm, vì ngài Huyền Trang viết văn phong [theo kiểu] trực dịch.

#(3)Hoặc ư chư pháp cụ đắc nhị diệt: hoặc là đối với các pháp đắc được cả hai diệt, là Phi trạch diệt lẫn Trạch diệt. Điều đầu tiên ở trên, là chỉ đắc được Trạch diệt thôi. Điều thứ hai là đắc được Phi trạch diệt. Thứ ba là đắc được cả hai. Và điều thứ tư chắc chắn là mình không đắc được điều nào. Mình nói vậy cho dễ, chứ còn ngôn ngữ này nói lòng vòng [nên] khó hiểu.

#Vị bỉ bất sanh chư Hữu lậu pháp: là không sanh các pháp Hữu lậu đó, hoặc đó là không sanh các pháp Hữu lậu.

#(4)Hoặc ư chư pháp bất đắc nhị diệt, vị chư Vô lậu quá hiện sanh pháp: hoặc là đối với các pháp không đắc hai diệt, là sanh pháp Vô lậu quá khứ hiện tại.

Đoạn này mình nói đơn giản, có bốn loại: Một là đắc được Trạch diệt, hai là Phi trạch diệt, ba là đắc được cả hai (vì tu đôi khi đắc được cả hai), thứ tư là không đắc điều nào hết. Nói vậy cho đơn giản, chứ nói theo kiểu ngôn ngữ đó hơi dài dòng. Ngôn ngữ của ngài Huyền Trang viết hơi khó [hiểu], Thiện Trang coi bộ Luận của ngài Chân Đế viết thì dễ hơn, nhưng không đầy đủ bằng bộ này. Thiện Trang thích của ngài Huyền Trang hơn, khó thì khó, nhưng mà mình hiểu ý được rồi.

Tạm dịch: Đối với pháp mà đắc được diệt [phiền não] thì đáng lẽ nói bốn câu: (1)Hoặc là đối với các pháp chỉ đắc Trạch diệt, là sanh pháp các Hữu lậu quá khứ hiện tại. (2)Hoặc là đối với các pháp chỉ Phi trạch diệt, là không sanh pháp Vô lậu Hữu vi. (3) Hoặc là đối với các pháp đắc cả hai diệt, là đó không sanh các pháp Hữu lậu. (4)Hoặc là đối với các pháp không đắc hai diệt, là sanh pháp Vô lậu quá khứ hiện tại.

如是已說三種無為。前說除道,餘有為法是名有漏。何謂有為?頌曰:

Như thị dĩ thuyết tam chủng Vô vi. Tiền thuyết dư đạo, dư Hữu vi pháp thị danh Hữu lậu. Hà vị Hữu vi? Tụng viết:

Giải:

#Như thị dĩ thuyết tam chủng Vô vi: như vậy đã nói về ba loại Vô vi.

Ba loại Vô vi là gì, quý vị còn nhớ không? Trong bộ Luận Câu Xá này nói ba loại thôi, còn Luận Bách Pháp Minh Môn thì nói tới sáu loại. Ba loại Vô vi: Thứ nhất là Hư không Vô vi, là khoảng không vũ trụ này, lúc nào cũng là không sanh không diệt, nên gọi là Hư không Vô vi. Hoặc nó có tính chất, [là] dung chứa được tất cả mọi thứ trong đó, không có chướng ngại, mọi thứ trong đó chạy qua chạy lại được, nên gọi là Vô vi. Chữ Vô vi này có nhiều cách giải thích. Thứ hai là Trạch diệt Vô vi và Phi trạch diệt Vô vi. Vì khi quý vị đắc được một [pháp] Vô vi, thì không còn sanh, không còn diệt nữa. Vì quý vị đắc A-la-hán rồi, thì mãi mãi là A-la-hán thôi. Quý vị đắc Duyên giác, thì mãi mãi là Duyên giác thôi. Đắc một cái là đắc luôn, cho nên mới gọi là Vô vi.

Còn mấy điều trên thế gian, mình đắc rồi [nhưng] có được mãi đâu. Ví dụ như quý vị đắc được chồng, rồi cuối cùng ngày nào đó cũng không có chồng nữa. Điều đó không phải Vô vi, đó là pháp Hữu vi. Giả sử quý vị đắc được một cây bút, một thời gian sau cây bút hết [mực], không xài được, [hay] nó bể v.v… mọi thứ thế gian đều là vô thường. Riêng có ba pháp không vô thường đó là Hư không, Trạch diệt và Phi trạch diệt, ba pháp đó gọi là Vô vi pháp.

Quý vị hiểu vậy cho dễ, mình nói theo ngôn ngữ của mình thì dễ hiểu hơn, còn ngôn ngữ của ngài Huyền Trang là ngôn ngữ của nhà nghiên cứu. Nhà nghiên cứu thì cố gắng nói làm sao cao siêu, để người ta hiểu được, nếu hiểu được là hiểu được sâu. Còn dân bình thường dốt dốt như mình, nghe không hiểu. Cho nên mình hâm mộ ngài Cưu Ma La Thập là vậy. Ngài Cưu Ma La Thập dịch dễ hiểu, mình nghe là mình hiểu được, vì đó là ngôn ngữ bình dân. Chính vì vậy Kinh Đại Thừa và Kinh Nikaya, các Kinh Đại Thừa quý vị coi thấy khó hiểu lắm, nói điều này nhưng có ý kia nữa. Tức là ngoài Sự, còn có Lý trong đó nữa.

Giống như mấy vị Sư Nam truyền, thì căn cứ vào Kinh Đại Bát Niết Bàn bên Nam truyền, tức là Trường Bộ Kinh (Kinh Nikaya), tương đương với Kinh Du Hành bên Trường A Hàm. Đức Phật nói là: muốn bác điều gì, mình phải dẫn chứng ra thì mình mới bác được. Muốn công nhận điều gì, thì tôi cũng phải dẫn chứng, chứng minh rồi mới công nhận được, chứ không thể nói không không.

Ví dụ bây giờ có nhiều người nói: tôi không tin có luân hồi, tôi không tin gì hết, tôi không tin có ma quỷ gì hết, vì tôi không thấy. Nói như vậy đúng không quý vị? Nói như vậy không được, vì không có dẫn chứng rõ ràng. Quý vị muốn nói không có, thì quý vị chứng minh đi, chứng minh không có ma đi. Nhưng khổ nỗi không chứng minh được. Nói không có ma quỷ, mà sao có người chết rồi về nhập lên nhập xuống, chết rồi về báo tùm lum v.v… người ta tu thế này thế kia. Rồi sao Tôn giáo linh thiêng? Rồi tại sao cái này cái kia, có nhiều thứ như vậy? Rõ ràng là chưa chứng minh được, thì anh không bác được, không phải những gì anh không thấy, là không có.

Ví dụ như điện truyền trong dây, quý vị có thấy không? Rồi điện cao thế đó, không có đó, ông tới rờ đi. Rờ [vào bị] giật quá, ủa rồi không thấy mà, sao cũng có đó! Không được đâu, không dám đâu! Cho nên những gì không thấy, nghĩa là do tầm nhìn của mình kém, hoặc là kiến thức của mình kém, chưa chắc là không có. Bao giờ anh chứng minh được, thì anh mới bác được.

Nên người bên Nam truyền nói không có Tây Phương Cực Lạc, không có đức Phật A Mi Đà v.v…. Bây giờ anh chứng minh đi, chứng minh chỗ nào, lấy đâu làm dẫn chứng? [Họ] chỉ nói là trong Kinh Nikaya không có nói. Không nói, không có nghĩa là không có! Vì kinh Đại thừa có nói. Nhưng bây giờ anh không tin kinh Đại thừa thì thôi. Anh không tin điều này không tin điều kia, thì kệ anh.

Người ta lập luận như thế này: là để sanh về một Thế giới tốt đẹp, như Thế giới Tây Phương Cực Lạc, là phải có phước báu lớn lắm. Vì ở đó tuổi thọ lâu quá mà, còn mình ở đây tuổi thọ ngắn ngủi. Nhưng quý vị coi Kinh Hoa Nghiêm, Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng chưa bằng Thế giới của Ca Sa Tràng. Rồi Thế giới Ca Sa Tràng còn thua nhiều Thế giới khác nữa. Cho nên đó là tại vì trí của mình thấp quá, nên mình nghĩ nó xa xôi.

Thật ra nếu quý vị coi kỹ Kinh Vô Lượng Thọ hay Kinh A Di Đà chẳng hạn, thì rõ ràng đức Phật nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”, tứclà không dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về nước đó. Có nghĩa là anh tu sơ sơ làm sao về đó được, tại Thế giới đó là Thế giới của phước báu lớn. Mà người ta tu vô lượng kiếp rồi. Như Kinh Vô Lượng Thọ [nói]: Nếu xa xưa không tu phước tu huệ rồi, thì pháp này nghe không tin nổi. Nên họ hồi hướng bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp rồi, đời này hồi hướng một chút, đời sau hồi hướng một chút, giống như gửi ngân hàng.

Quý vị tưởng tượng, quý vị muốn nhập cư qua Mỹ, mà quý vị nghèo quá làm không đủ, năm này gửi một chút, năm kia gửi một chút, gửi ngân hàng bao giờ đủ tiết kiệm, gọi là visa doanh nhân. Đủ tiền visa doanh nhân, thì quý vị qua bên Mỹ được. Bây giờ như Châu Âu có một số nước, quý vị chỉ cần có tiền thôi, quý vị mua nhà được là quý vị qua đó ở được, quý vị có giấy nhập cư, có hộ chiếu quốc tịch của nước đó luôn. Tại sao? Vì quý vị đủ tiền, còn quý vị không có đủ tiền thì thôi. Lý do người ta không tin, là vì người ta không biết.

Bây giờ trong vũ trụ này, dù quý vị coi Kinh A Hàm hay Kinh Nikaya, đức Phật nói có vô lượng Thế giới.Bây giờ đức Phật không nói thì thôi! Mình có chứng minh được không có Thế giới Tây Phương Cực Lạc không? Chắc chắn phải có chứ, trong vũ trụ vô tận bao la [này].

Cho nên đấy là một điều bác không được, mà không bác cũng không được. Nếu nói đúng phương diện của Nam truyền, Thiện Trang nếu là người học Nam truyền, Thiện Trang sẽ nói rằng: Tôi không dám chắc điều đó. Tại vì tôi không thấy trong Kinh Nikaya nói điều đó, cho nên tôi không biết có hay không. [Nói như vậy] thì nói được. Chứ nói không có thì không đúng, là anh bị rớt vào Biên kiến rồi. Nếu Thiện Trang đứng dưới góc nhìn của Nam truyền, thì sẽ nói như vậy. Còn góc nhìn của Bắc truyền, thì bây giờ không biết có hay không nữa. Mình nói thấy trong kinh Bắc truyền có, thì mình tin có, còn [ai] không tin thì thôi.

Cho nên muốn bác điều gì, thì phải có dẫn chứng. Bây giờ Thế giới của mình, mà quý vị coi trong Kinh A Hàm, Kinh Nikaya, các tầng trời thôi, là tầng trời ở trên thì thấy các tầng trời ở dưới, nhưng tầng trời ở dưới thì không thấy tầng trời ở trên, trừ khi ở trên muốn cho thấy. Bây giờ mình nhìn lên trời Tứ Thiên Vương, trời Đao Lợi, mình có thấy không? Không thấy! Nhưng mà họ cho mình [thấy], thì mình thấy. Tại vì cấu tạo cơ thể của mình kém quá, mà nhỏ bé nữa. Quý vị lên cõi Trời nhìn xuống, thì mình giống như mấy con kiến bò bò, làm gì đó. Còn người ta thì đi vèo vèo, đi khắp nơi, giống như máy bay, bay vèo vèo, còn mình [thì như] con kiến bò bò. Bây giờ mình nhìn mấy con kiến, mình [nói]: ‘Tao đứng bên cạnh mày nè, mày có thấy không?’ Nó đâu có thấy đâu.

Cho nên cũng vậy, Thế giới Tây Phương Cực Lạc được miêu tả to lớn như vậy, phước báo lớn như vậy, thì tất nhiên phước báo [của] mình phải tương đương mới được sanh về đó. Còn nếu mà tu yếu yếu thì làm sao về đó, Kinh A Di Đà cũng nói vậy, Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói vậy. Cho nên từ đó đừng có vội, chớ vội tin cũng chớ vội bác, mà hãy đưa ra một dẫn chứng.

Còn bây giờ nếu căn cứ theo Kinh Nikaya, Nam truyền, thì không tin thì thôi. Trong năm bộ Kinh Nikaya không nhắc tới Tây Phương Cực Lạc, không nhắc chứ không phải không có. Thì không tin thì thôi, còn người ta tu kệ họ, chứ bây giờ làm thế nào! Với lại thật ra niệm công đức Phật cũng tốt mà, đó là chúng ta đứng theo góc độ của Nam truyền. Còn tất nhiên mỗi người có một duyên khác nhau, nhiều khi [họ] không có duyên với vị Phật này, thì có duyên vị Phật kia, nên là có rất nhiều.

Ở đây Thiện Trang cũng không tranh cãi, là có hay không có, nếu đứng theo phương diện của Nam truyền. Còn Bắc truyền tất nhiên là ta tin là có. Thiện Trang chia sẻ thêm, để nói rõ ràng những vấn đề cho chúng ta hiểu.

#Tiền thuyết dư đạo, dư Hữu vi pháp thị danh Hữu lậu:trước đã nói về đạo; #đạo ở đây là Đạo đế; còn lại là các pháp Hữu vi đó là Hữu lậu. Tức là Đạo đế là pháp Vô lậu. Vô lậu giúp hết Phiền não, cho nên gọi là Vô lậu. Còn ở sau là các pháp Hữu vi, thì mình chưa học, đó gọi là Hữu lậu.

#Hà vị Hữu vi?:thế nào là Hữu vi?

#Tụng viết:là bài tụng rằng.

Ở trên đã giải thích được ba pháp Vô vi rồi, bây giờ nói về pháp Hữu vi. Vì Vô vi ít nên đem lên trước, còn Hữu vi nhiều nên để ở đằng sau.

Tạm dịch: Như vậy đã nói về ba loại Vô vi. Trước đã nói khác Đạo [đế], còn lại pháp Hữu vi đó là Hữu lậu. Thế nào là Hữu vi? Bài tụng rằng:

Bây giờ chúng ta tìm hiểu thế nào là Hữu vi, ở trên là Vô vi thì mình hiểu rồi.

Bài Kệ 7

Hựu chư Hữu vi pháp又 諸 有 為 法,Còn các pháp Hữu vi
Vị Sắc đẳng Ngũ uẩn謂 色 等 五 蘊,Là Ngũ uẩn như Sắc,…
Diệc Thế lộ Ngôn y亦 世 路 言 依,Cũng gọi là Thế lộ Hoặc gọi là Ngôn y
Hữu ly Hữu sự đẳng.有 離 有 事 等。Hoặc Hữu Ly, Hữu sự v.v…

[Bài kệ] này, ai không có trình độ thì đọc không hiểu gì hết, tại điều này khó, bởi vì ngôn ngữ sâu xa quá. Ngài Thế Thân tạo Luận này, ngài cũng siêu đẳng quá, ngài biết nhiều ngôn ngữ.

Giải:

#Hựu chư Hữu vi pháp:#hựu là còn; #chư là các; còn các pháp Hữu vi.

#Vị sắc đẳng Ngũ uẩn:#vị là là; là sắc; #đẳng là vân vân (v.v…) ; #Ngũ uẩn là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Ngũ uẩn này Thiện Trang giảng rồi, tức là các pháp Hữu vi gồm có Ngũ uẩn như Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức v.v… Ở đây có chấm chấm (…) nữa mới đúng, chữ đẳng này là vân vân, mà do mình không có đủ khoảng trắng, nên mình không có [đánh vào]; như Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nữa mới đủ.

#Diệc Thế lộ Ngôn y:cũng gọi là Thế lộ, Thế lộ là gì thì đằng sau sẽ nói. Tức là các pháp Hữu vi, gọi là Ngũ uẩn: như Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, mà cũng có tên khác gọi là Thế lộ.

Ngũ uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, thì quý vị biết rồi. Sắc nói đơn giản là vật chất. Ví dụ như thân thể chúng ta đây, gồm Sắc là các vật chất. Vật chất [trong] A Tỳ Đàm chia ra nhiều lắm, chia ra bốn đại: Đất, Nước, Gió, Lửa. Đất không phải là mỗi đất không, đất nói chung là vật chất. Nước là những gì có tính lưu chuyển được v.v… giữ được tính mềm mại, thì thường là nước. Còn Địa đại tức là đất, đất là tính cứng chắc. Ở trong kinh Phật phải giải thích như vậy, chứ đất là nắm đất thì không đúng. Mà đất là những gì mang tính cứng chắc, ví dụ như sắt cứng chắc, vàng cứng chắc. Những gì có tính chất cứng, gọi là Địa đại, là đất.

Nước là những gì mềm dẻo, cơ thể chúng ta có những yếu tố mềm dẻo. Lửa là những gì phát nhiệt, ấm, cơ thể của chúng ta cũng phải ấm. Ngược lại ấm là phải có lạnh nữa, đó gọi là Hỏa đại. Chứ mình hiểu lửa là ngọn lửa không, thì không đúng. Cuối cùng là Phong đại, là gió. Gió là sự lưu chuyển, cái gì di chuyển được, giống như trong người chúng ta bao nhiêu thứ di chuyển, ngoài hơi ấm ra còn có nước, máu, chạy vòng vòng trong đó. Những gì di chuyển được, do chuyển động đó, nên gọi là Phong đại, là gió.

Nói mỗi Sắc thôi mà đã nhiều như vậy. Còn ở trong A Tỳ Đàm chia ra tới 28 thứ, bốn cái đó rồi thêm 24 thứ đi cùng nữa, từ từ chúng ta học sau, chứ còn bây giờ nói thì nhiều quá.

Thọ là cảm nhận, cảm thọ. Ví dụ chúng ta cảm nhận thấy nóng lạnh, rờ cái cây bút thấy nhám, đó là [mình] cảm giác được cái đó như nào. Hoặc là nghe âm thanh, mình thấy: sao âm thanh này khó chịu quá, âm thanh này to hay nhỏ… mình cảm nhận được, thì đó là cảm nhận, cảm thọ.

Hôm bữa Thiện Trang có giảng về Tưởng, Tưởng là những cái biết, dựa trên kinh nghiệm mình đã học qua. Ví dụ như Thiện Trang giơ lên cái này, bao nhiêu người nhìn thấy, thì có biết đây là cái gì không? Mọi người đều nói đây là điều khiển từ xa (remote). Tại sao quý vị biết vậy? Tại vì quý vị có kinh nghiệm, ở trong đời này mình đã học qua, mình đã tiếp xúc qua. Còn đưa một đứa nhỏ thì nó kêu: con không biết cái này là cái gì. Tưởng này phụ thuộc vào trình độ, tuổi tác, kinh nghiệm, v.v… có nhiều yếu tố.

Cho nên có một người khách đi tới nhà đó, có đứa nhỏ ba tuổi nói: “Có một ông khách mẹ ơi”, nhưng không biết ông nào hết. Tại vì nó mới ba tuổi, ba tuổi thì mới biết nói, nó nói có ông khách thôi là giỏi lắm rồi. Còn đứa lớn hơn, năm tuổi, nó kêu: “Ông khách đó mặc áo trắng mẹ ạ”. Tức là nó biết được áo trắng, phân biệt được màu sắc. Rồi đứa lớn hơn kêu: “Hình như ông hàng xóm hôm bữa đó mà mẹ ạ”. Rồi đứa lớn hơn nữa kêu: “Ông chú thợ điện tới đó mẹ”.

Tức là cùng một đối tượng đó, nhưng Tưởng của mọi người khác nhau, vì kinh nghiệm mà mình huân tập trong đời này khác nhau. Cái này ghê lắm quý vị, khiến cho bao nhiêu người tu đúng đường hay lạc đường, là cũng do cái Tưởng này. Tại vì mình đã chấp vô đó rồi, mình đem mấy điều đó ra xài, đem những kinh nghiệm trong quá khứ ra xài. Mình luận tất cả những sự vật, hiện tượng, mình luận cả Phật pháp vào trong đây, cho nên cuối cùng mình đi lạc đường.

Cho nên khi mới vào đạo, mà gặp được thầy tốt, là một điều cực kỳ tốt. Còn mới vào đạo mà gặp ông thầy tà, ông dẫn tà rồi, [thì] kiến thức, kinh nghiệm của mình về Phật pháp bị sai mất. Và sau này mình đem so ra, [thì] cho dù thầy đó là [bậc] chân tu đi chăng nữa, mình so là mình thấy ông thầy đó sai. Tại vì kinh nghiệm của mình sai. Không phải thầy đó sai, mà do kinh nghiệm [của] mình huân tập sai. Đó là duyên của mỗi người, rồi cuối cùng mình đi đường tà cả đời, mà mình không biết là đường tà. Tại vì kinh nghiệm đó giải mã cho cái Tưởng của mình, cái Tưởng của mình như vậy.

Hành là gì? Hành là khía cạnh thiện ác của tâm, tức là mình dùng Tâm sở nào. Ví dụ bây giờ cùng ông hàng xóm đó vô, thì đứa nhỏ kêu: ‘Ông hàng xóm đó tốt bụng lắm’. Nhưng bà vợ [thì] kêu: ‘Ông thợ sửa điện tới, nhưng ông này sửa không được đàng hoàng. Ổng tới là tìm cách kiếm thêm tiền thôi’, bắt đầu ghét. Đứa nhỏ thì bữa trước [được] ổng cho bánh, nên nó thương. Đó là khía cạnh thiện ác, và một bên là ghét, một bên là thương. Rồi thêm ông chồng nghe thấy ông thợ điện tới, ông lên coi trên camera, nghĩ thằng thợ điện này tới không biết có gì với vợ mình không. Nghĩ vậy là thêm chuyện, thêm phức tạp nữa. Đó là khía cạnh thiện ác, đó là Hành.

Còn Thức là cái biết ban đầu. Để Thiện Trang giải thích thêm, cho rõ hơn về Thức, vì quan trọng lắm. Ví dụ Thiện Trang cầm [mặt sau của cái điều khiển TV] đưa lên. Lần đầu tiên quý vị [chỉ] thấy cái gì đen đen, màu đen thôi, thì đó là Thức, tại vì mình chưa nhận được. Nhưng đưa tới đưa lui một hồi, thì mình nhận ra: cái này có mấy cái chấm trên đó, là bắt đầu vô Tưởng rồi.

Bây giờ Thiện Trang nói đơn giản, có một người đi ngang qua, quý vị thấy có một người thì quý vị biết có một người, hoặc một cái gì đó ngang qua, thì đó là Thức. Thức là mới biết sơ sơ. Nhưng nhiều cái Thức gộp lại nhanh lắm, nó chụp chụp… một hồi đủ dữ liệu, [rồi] phân tích theo kinh nghiệm, gọi là phân tích qua Tưởng, và đưa ra kết quả. Tưởng mới đưa ra kết quả, còn Thức là cái biết ban đầu thôi.

Ví dụ quý vị thấy có màu xẹt qua, có một ông hàng xóm tới, thì quý vị chỉ biết là có một người thôi, chứ chưa nhận định là nam hay nữ gì hết. Thì những nhận biết ban đầu nhất, gọi là Thức. Vậy chúng ta đã hiểu Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

#Diệc Thế lộ Ngôn y: cũng gọi là Thế lộ và cũng gọi là Ngôn y. Tức là hai tên khác nữa.

Quý vị thấy bình thường mình học pháp Hữu vi, thì chỉ có Ngũ uẩn thôi, nhưng mà bây giờ gọi thêm Thế lộ. Thế lộ là gì? #Lộ là con đường, con đường đi vào trong thế gian. Tại vì pháp này kéo mình vô luân hồi, cho nên gọi là Thế lộ. Các pháp kia thì ra khỏi sanh tử luân hồi, còn pháp này đi vô đường chính vào luân hồi, đường chính vào thế gian, cho nên gọi là Thế lộ, là con đường ai cũng đi. Có một tấm hình người ta vẽ con đường đời thì đông người chen chúc, còn người về Tây Phương Cực Lạc rẽ lối phải, đi một mình. [Con đường] mà đông người đi, gọi là Thế lộ. Còn ít người đi, có một mình đi ra A-la-hán gì đó, là Vô vi pháp. Cho nên Hữu vi thì nhiều, Vô vi thì ít.

[Về] Ngôn y, đây cũng là một tên. Ngôn y là thế nào, thì đằng sau có giải thích.

#Hữu ly Hữu sự đẳng: cũng gọi là Hữu ly; #Hữu ly là có sự lìa khỏi; #Hữu sự là có những việc.

Ở đây Hữu ly [là] lìa khỏi con đường Niết-Bàn. Tức là mình đi theo thế gian, thì mình rời khỏi con đường giải thoát, rời khỏi Niết-Bàn. Hữu sự thì tự nhiên có nhiều nhân nhiều quả, đủ thứ chuyện ở trong này. Ra khỏi sanh tử, [được] Niết-Bàn thì tịch tĩnh an vui, hết sự, nên trên gọi là Hữu sự. Còn chữ #đẳng là vân vân (v.v…). Ở đây dịch không hết, chắc bữa sau phải dịch lại chỗ này. Mặc dù dịch kệ rồi nhưng không dịch hết được, tại vì bài kệ phức tạp như vậy.

Hôm nay thời gian cũng hết, chúng ta nên để bữa sau giảng tiếp. Mới giới thiệu cho quý vị bài bảy thôi, chúng ta sẽ giảng tiếp nội dung này. Hôm nay Thiện Trang chỉ chia sẻ tới đây, hẹn quý vị vào hôm khác. Hy vọng mỗi bữa chúng ta học được một chút, thì quý vị sẽ cảm thấy đi được một chút. Thiện Trang sẽ cố gắng giảng, bữa thì giảng Duyên hệ, bữa thì giảng những Tâm sở. Hôm nay do không có thời gian chuẩn bị, nên không giảng Tâm sở. Nhưng cố gắng giảng, tại vì Tâm sở cũng nhiều lắm. Nếu chúng ta nắm được phần nào, thì mai mốt nhàn hơn.

Khi học Tâm sở rồi, chúng ta bắt đầu mới hiểu vô tiến trình luân hồi, tiến trình giải thoát từ đâu ra, từ Tâm sở nào. Mình dùng Tâm sở nào thì mới tương ưng để đắc Thiền, đắc đạo v.v… những điều đó cực kỳ quan trọng. Điều này Thiện Trang phải lựa, lựa nội dung nào học được thì đưa ra trước, điều nào không học được thì để lại sau, quý vị có nền tảng rồi quý vị mới học được.

Thiện Trang xin chia sẻ bấy nhiêu, hôm nay tạm dừng tại đây. Hẹn quý vị vào hôm khác, hôm nay do bận rộn quá nên cũng chỉ chia sẻ được bấy nhiêu, mong quý vị thông cảm. A Mi Đà Phật! Mời quý vị chúng ta hồi hướng:

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đồng sanh về Tịnh Độ”.