Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 12: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 12.
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 25.09.2024
Phật trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang
mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô A Mi Đà Phật!
Kính chào toàn thể quý vị đồng tu, đang theo dõi trực tiếp thời khóa phát trên kênh Youtube Thích Thiện Trang và Fanpage Thích Thiện Trang. Chúng ta đang học một bộ Luận thuộc về Duy Thức của Đại thừa, nếu xếp bên Bắc truyền thì gọi là Duy Thức, [còn] bên Nam truyền thì gọi là A Tỳ Đàm. Chúng ta kết hợp học cả hai vào trong một, và bộ này là Luận Câu Xá.
Chúng ta là những người con Phật, danh từ của nhà Phật gọi là Phật tử. Phật tử có hai ý nghĩa: Một là những vị Phật. Tức là chúng ta đúng là những vị Phật trong tương lai, chúng ta tương lai đều sẽ thành Phật, cho nên gọi là Phật tử. Ngoài ý nghĩa đó ra, Phật tử còn có nghĩa là con Phật, tức là một người con của đức Phật. Điều này là trong Kinh A Hàm, Kinh Nikaya, đức Phật có xác nhận rằng: “Những người Đệ tử của Ta (tức là Đệ tử của đức Phật Thích Ca) là sanh ra từ pháp của Ta (tức là từ giáo pháp của Ngài), cho nên gọi là Đệ tử của Ta hay con của Ta”. Quý vị hiểu như vậy!
Chúng ta rất may mắn, vì tuy chúng ta không gặp được trực tiếp đức Phật Thích Ca, nhưng vào thời hiện nay chúng ta vẫn gặp được giáo pháp của Ngài, vẫn còn có thể tiếp xúc, để học, để nhận biết. Đó là một sự rất may mắn, bởi vì “nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn”.
Nếu người ở đời không biết Phật pháp, thì mấy chục năm của cuộc đời có thể trôi qua một cách hoang phí. Vì sao nói như vậy? Bởi vì cuộc đời thật sự là vô thường, không có ai tồn tại mãi mãi. Và có sanh thì phải có lớn lên, phải có già, phải chết, thậm chí có người chưa kịp lớn lên, chưa già, [mà] cũng đã chết. Cuối cùng rồi cũng đi về đoạn diệt, một cuộc đời trôi qua.
Nếu như [cuộc đời] kết thúc như thế thì khỏe rồi. Nhưng không! Cuộc đời đó kết thúc, thì cuộc đời khác lại tiếp tục, và mang theo dòng nghiệp mà chúng ta đã tạo từ quá khứ cho đến giờ đi tiếp, để thọ sanh ở đời sau. Vì nếu như mang nghiệp không tốt, hoặc là do dẫn nghiệp không tốt, khiến chúng ta phải chấp nhận một cuộc đời khổ đau, và thông thường là khổ đau nhiều. Đức Phật nói cho chúng ta biết sự luân hồi [rất] khổ.
Cho nên ở đây chúng ta phải thấy rằng: mỗi một mùa trôi qua, ví dụ bây giờ chuẩn bị vào mùa thu, mùa đông. Bữa cộng tu Chủ nhật vừa rồi, quý vị thấy cứ một chút thì lá vàng [lại] rớt xuống, từng chiếc lá rơi xuống. Cảnh cũng lãng mạn đúng không quý vị? Thấy rất là lãng mạn! Nhưng thực tế mình là người học Phật, mình nhìn thấy mọi sự ở đời, [đều] báo hiệu Vô thường. Những cành lá đó hồi xưa cũng xanh, và không bao lâu thì chuyển thành vàng và rớt [xuống].
Cho nên nhận thức cuộc đời rất quan trọng. Nếu mình nhận thức đúng, thì con đường của mình đi, hay là cuộc đời của mình sẽ được tốt đẹp. Ví dụ quý vị thấy, các bạn lứa tuổi nhỏ lớn lên [thì] rất thích hoa phượng hồng, và những tình yêu đầu đời. Nhưng nếu là mình, với tầm nhìn của một người bốn mươi mấy tuổi, năm mươi mấy tuổi, sáu mươi mấy tuổi, [khi] nhìn mấy đứa học trò cầm hoa phượng chơi vui, thì mình kêu lãng xẹt, không có gì hấp dẫn. Bởi vì ở lứa tuổi của mình, mình [đã] trải qua cả một dòng đời, thì mình thấy họ là những người mê muội. Quý vị thấy những em bé đó, những bạn trẻ đó, mình thấy mê muội. Tình yêu đầu đời hay yêu hoa phượng, yêu trang giấy trắng gì đó, v.v… thật sự mình thấy mê lắm.
Ý Thiện Trang nói không phải các bạn đó mê, mà nói chúng ta cũng mê. Tức là với cái nhìn của một bậc giác ngộ, là những người đã ra khỏi sanh tử như đức Phật, thì nhìn chúng ta cũng vậy thôi. Ở thế gian này, chúng ta cũng mê những thứ giống như hoa phượng đỏ hay những trang sách vậy thôi. Đó là chúng ta mê nhà, mê tiền, mê đủ thứ. [Rồi] mong cuộc đời hạnh phúc, mong gia đình hạnh phúc, mong đủ thứ dài lâu.
Nhưng một sự thật là những điều đó không bao giờ xảy ra theo ý mình được, một ngày mai rồi [tất cả] cũng sẽ lũ lượt ra đi. Lũ lượt có nghĩa là lần lượt ra đi không thương tiếc, chứ không phải đi một cách thương tiếc, [nếu] còn lưu luyến mình thì khỏe biết mấy.
Ngay cả thân thể chúng ta đây, một ngày nào đó rồi cũng vào quan tài, thậm chí có người không được vào. Rồi giả sử quý vị được gia đình giàu có, được con cháu thờ, thì cùng lắm cũng thờ 100 năm [là] hết. Không tới đâu! Thiện Trang nghĩ mấy chục năm sau, [ngôi] mộ đó cũng [chẳng có] mấy ai viếng, và hũ cốt gửi trên chùa cũng chẳng có ai viếng đâu, [rồi] người ta cũng bỏ mất.
Đó là dù muốn hay không, thì chúng ta cũng phải có nhận thức như vậy. Nhận thức cuộc đời là ngắn ngủi, là Vô thường, và mọi sự theo đuổi hạnh phúc ở thế gian này đều không rốt ráo. Nói như vậy không phải bi quan, mà để chúng ta nhận thức rằng: chúng ta hãy tìm niềm vui tối thượng. Tìm niềm vui tối thượng ở đâu? Đó là ở giải thoát giác ngộ.
Nếu nhìn theo cách nhìn của Phật giáo, để có phước và để hưởng phước, [thì] không phải dễ đúng không quý vị? Quý vị phải tu rất nhiều, nào phải từ thiện, bố thí, cúng dường, làm đủ các việc, tu các hạnh lành. Tu vất vả lắm mới có chút phước. Có phước rồi mà hưởng thụ hơi nhiều một chút thôi, thì lại đọa lạc, đời sau lại mất thân người. Cho nên [điều đó cũng] nguy hiểm!
Quý vị nhớ câu chuyện ở trong Tiểu Bộ Kinh, câu chuyện thứ 207, [về] tiền thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong đời quá khứ Ngài là một vị tu khổ hạnh. Lúc đó có một vị vua tên là Assaka, vị vua này có một hoàng hậu rất xinh đẹp, là hoàng hậu Ubbari` (tiếng Pali). Quý vị coi trong Tạng Kinh Nikaya có câu chuyện đó.
Nhà vua rất sủng ái vị hoàng hậu này, [nên phong] làm chánh cung hoàng hậu. Hoàng hậu thì xinh đẹp, vì có phước báo đời quá khứ và hưởng thụ cũng rất tuyệt vời. Tại vì phước báo làm chánh cung hoàng hậu, nên không thiếu gì, nên suốt ngày [bà lo] trang điểm cho đẹp, lúc nào cũng ướp hương thơm khắp người, rồi đủ các món đồ ăn. Nhưng hoàng hậu này số mạng cũng không được dài, sau đó thì [bà] qua đời. [Vì bà] qua đời sớm, [nên] vị vua đó rất buồn, không muốn [chôn], và luyến tiếc giữ cho ướp xác suốt như vậy. [Vua] giữ hoài và không muốn rời đi.
Câu chuyện đó [kéo dài] suốt bảy ngày, nhân dân thấy ông vua này si tình quá, không biết làm sao. Ông không chịu đem chôn, ông ướp xác để đó, để ngắm nhìn vì bà hoàng hậu quá đẹp. Câu chuyện đó lan ra, thì khi đó có vị Sa-môn tu khổ hạnh (là tiền thân của đức Phật) mới tới đó [gặp một vị thanh niên và] nói: “Bây giờ tôi muốn giúp vua. Tại vì vua cai trị đất nước, thì không thể say đắm một người như vậy hoài được. Nhưng tôi không biết làm sao để gặp vua?”.
Vị [thanh niên] nói: “Tôi có thể giúp [ngài] gặp được vua. Nếu vua tới đây thì có thể gặp”. Vị thanh niên này [đến gặp vua và tâu]: “Có cách để giúp ngài, có thể giúp hoàng hậu, miễn là ngài gặp vị tiên nhân đó. Vị đó có Thần thông, đắc đạo, nên có thể giúp được ngài, và giúp cho hoàng hậu”.
Khi đó gặp thì [vua] mới hỏi hoàng hậu sanh vào chỗ nào? Quý vị biết sanh vào chốn nào không? [Một vị] chánh cung hoàng hậu, một người với [sự] hưởng thụ đầy đủ, [luôn] ướp hương hoa thơm lừng. Vị tiên nhân mới nói rằng: “Bà ấy đã đọa làm một con bọ hung” (bọ hung cánh cam). Ở trong kinh mà Hòa thượng Minh Châu dịch là một con sâu đi lăn phân. Có lẽ là ngài dịch cho ngôn ngữ đỡ thô, còn các vị dịch giả khác thì dịch ra là con bọ hung có màu sắc sặc sỡ, vì bà ưa lòe loẹt.
[Con bọ hung cái này] đang cặp với một con bọ hung khác, gọi là bọ hung chồng. Hằng ngày hai con bọ hung đi lăn từng chút phân và đắm say trong đó, quên mất vị vua trước là chồng mình. Tại vì vô trong loài súc sanh rồi. Nên đó là hưởng thụ quá nhiều.
Quý vị nhớ bữa Thiện Trang đã chia sẻ rồi, theo tinh thần của Phật giáo, nếu đam mê sắc, đam mê hưởng thụ, v.v… mà không đủ phước báo, thì làm các loài giòi, bọ, v.v… ham ăn, loài ăn tạp. Rồi ham mê lòe loẹt thì được màu cánh, màu áo, màu gì đó tốt đẹp, vì thiếu phước. Thiện Trang xin kể luôn câu chuyện đó cho trọn vẹn.
Sau khi [nghe nhưng] vua không tin điều đó. [Vì] vị đó cũng có Thần thông, có thể để cho con bọ hung đó nói chuyện, nên hỏi [con bọ hung]: “Có biết được quá khứ không?”. [Bọ hung] kêu: “Biết chứ! Tôi biết đời quá khứ, tôi là chánh cung hoàng hậu. Nhưng bây giờ tôi có chồng mới rồi, đây là chồng của tôi”. [Vị đó] kêu: “Nếu bây giờ lỡ gặp vua đó thì sao?”. [Con bị hung] nói: “Không quan tâm! Nếu ông đó tới đây thì tôi cũng có thể lấy cái càng này, cắt cho cổ ổng chảy máu, để rửa lên chân của chồng tôi, chứ tôi không quan tâm”.
Ông vua nghe câu nói đó, biết rằng mình đã quá mê. Khi chúng sanh, chính là người vợ cũ của mình, bây giờ đã đắm chìm vào một hoàn cảnh khác nữa, cho nên ông tỉnh. Và từ đó [vua] mới cho đem chôn thân thể của hoàng hậu.
Câu chuyện đó quý vị có thể tham khảo đầy đủ ở trong chuyện 207, chuyện tiền thân của đức Phật,trong Kinh Tiểu Bộ. Vị tiên nhân đó (vị Sa-môn đó) chính là tiền thân của đức Phật. Còn vị vua đó không ai khác chính là một vị Tỳ-kheo, [vì] sau này vẫn mê sắc dục, nên đức Phật dùng bài đó kể lại đời quá khứ, để cho vị Tỳ-kheo đó nghe mà giác ngộ: “Hồi xưa ông cũng mê như vậy, bây giờ cũng mê vậy”. [Và] vị thanh niên kia, hình như là tiền thân của ngài Xá Lợi Phất. Thiện Trang không nhớ rõ lắm, nhưng quý vị có thể tra cứu trong kinh. Thiện Trang cố gắng nói có sách, mách có chứng. Quý vị có thể tra cứu, Thiện Trang đã cho nguồn rồi.
Ở đây Thiện Trang muốn nói là, quý vị muốn hưởng thụ cũng khó nữa, có phước rồi mà hưởng quá, thì cũng không được. Hưởng quá nghĩa là sao? Mình muốn hưởng thụ, để đời sau hưởng phước thì phải có tu, ít nhiều gì cũng phải tu. Mình có phước rồi thì mình phải chia phước cho thiên hạ, mình phải chia cho chúng sanh. Phải chia bao nhiêu phần trăm đó, thậm chí phải chia nhiều nữa, thì may ra đời sau được thân người. Mà hưởng quá đáng là thôi, đời sau mất thân người.
Thiện Trang nói cho quý vị vòng vòng để làm gì? Nói tóm lại trong luân hồi là khổ, còn ngụp lặn trong luân hồi là còn khổ. Cho nên chúng ta chỉ có một con đường, đó là mong ra khỏi sanh tử. Để ra khỏi sanh tử, thì mình phải thường xuyên quán niệm: Thứ nhất [là niệm] Vô thường, đời là vô thường, đời là khổ. Không phải nói để mình bi quan, mà mình quán niệm tâm như vậy. Thứ hai nữa là mình phải luôn luôn nhớ Tam Bảo, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Quán chiếu cuộc đời vô thường, thì mau ra khỏi sanh tử.
Thiện Trang không có nhớ rõ trong kinh nào, hôm bữa có nghe một vị Sư nhắc lại. Nếu chúng ta tu tập đúng và đủ, đức Phật có đảm bảo cho chúng ta năm điều kiện để thành tựu như sau:
1. Điều kiện thứ nhất là chứng đạo ngay trong đời này, khi còn khỏe mạnh, nếu tu đúng và đủ. [Quý vị] nhớ, [phải] đúng pháp và đủ, chứ còn tu sai thì đức Phật không đảm bảo. Tu đủ có nghĩa là mình phải tu đủ, chứ không phải tu một hồi [rồi] thôi.
Giống như quý vị đi đúng đường rồi, đường từ Sài Gòn ra Hà Nội đi đúng. Nhưng chạy tới Đà Nẵng, thôi vô Đà Nẵng, đi dạo phố cổ Hội An chơi, hay đi ra Vinpearl Nha Trang chơi gì đó. Đi chơi mất rồi thì làm sao ra được? Tức là đi chưa đủ. Cho nên phải kiên trì kiên dũng. Đúng và đủ thì đức Phật nói đảm bảo chứng đạo ngay trong đời này. Nhưng có trường hợp không được, nếu trường hợp không được thì rơi xuống điều kiện thứ hai.
2. Điều kiện thứ hai là nếu không chứng đạo ngay còn lúc khỏe mạnh đây, thì đến lúc lâm chung, cận tử nghiệp sẽ chứng đạo. Điều kiện thứ hai ngon không? Điều này hình như trong Kinh A Hàm cũng có nói, và Kinh Nikaya cũng có nói.
3. Điều thứ ba là nếu [điều thứ hai] cũng không được luôn, [tức là] tới lúc cận tử nghiệp mà bệnh đau, rồi chết, mà cũng không được [đắc đạo], thì được sanh về cõi Trời. Và khi sanh về cõi Trời, thì được chư Thiên (các Thiên tử), sẽ nhắc nhở cho quý vị tu tiếp. Đó là điều thứ ba.
4. Nếu điều thứ ba cũng không được, tức là lên [cõi Trời] rồi mà tu cũng chưa chứng đạo nữa, thì khi gặp đức Phật ra đời (ví dụ như chúng ta gặp đức Phật Di Lặc) thì cũng sẽ là bậc tốc chứng. Có nghĩa là mau chứng lắm, lẹ chứng lắm, vào nghe pháp thì liền chứng ngay thôi, không có mất thời gian lâu nữa. [Quý vị thấy] ngon không? Đó là điều thứ tư.
5. Nếu điều thứ tư cũng không được, thì đức Phật nói: khi đủ Ba-la-mật hay Ba-la-mật chín mùi, dù không có đức Phật ra đời, thì người ấy cũng tự động chuyển nguyện thành một vị Độc giác. Có nghĩa là không cần có thầy gì hết, tôi cũng chứng đạo.
Như vậy năm vòng đó là đức Phật đảm bảo cho người tu đủ và tu đúng. Phải đủ và đúng. Mà Thiện Trang xin nói với quý vị, chúng sanh thời nay mê lắm. Mới vào thông thường gọi là bái sư, bái sư là gặp vị thầy nào là coi như một thầy đó thôi, ôm tới già, tới chết luôn. Thầy có bê bết cỡ nào, cũng ôm luôn. Đây là nạn mà chúng sanh thời nay, đặc biệt người Việt mình hay bị.
Tại sao mình cứ vào là mình đã chọn rồi? Mình phải có suy xét trước chứ. Cho nên theo thầy, nhưng phải coi thử vị thầy đó giảng có đúng theo Phật hay không? Những gì không tương ưng với Phật, thì chúng ta không thể theo được. Chúng ta theo thì cũng phải có trí tuệ. Theo một vị thầy, thì cũng phải coi vị thầy đó có giảng đúng với [lời] Phật hay không. Mà muốn biết có đúng với [lời] Phật hay không, thì phải coi kinh. Thậm chí kinh, mình coi một bản dịch chưa đủ, mà mình phải coi bản dịch thứ hai, coi bản dịch thứ ba, coi nhiều để mình so sánh lại, thì mới chính xác 100%. Chứ đâu phải vô một cái [là] ôm [thầy đó luôn].
[Hôm] bữa có người gửi cho Thiện Trang: “Thưa thầy, hai bản dịch Kinh Vô Lượng Thọ: một bản của Hòa thượng Thích Đức Niệm dịch, một bản của Trung tâm phiên dịch Huệ Quang dịch, sao khác nhau xa giữ vậy?”. Cùng một bộ kinh thôi, mà hai nhóm dịch khác nhau rồi. Vậy mà mình đi theo một người không đảm bảo, người ta bê bết tệ hại mà mình vẫn còn theo, pháp của người ta [giảng] không đúng mà mình vẫn theo. Rồi lên mạng nghe ai đó nói ngược với tư tưởng của mình, thì mình chống đối. Tại sao không chịu suy xét?
Chúng ta hãy lấy kinh của Phật làm chuẩn, lấy Sớ Giải, Chú Giải của chư Tổ làm bậc hai. Tức là bậc một thì phải là đức Phật, bậc hai là chư Tổ, tới bậc ba mới là những người thời nay như Thiện Trang chia sẻ, quý vị phải coi có đúng tinh thần của kinh hay không? Phải đúng chứ! Không đúng [mà] mình vô thờ phụng một vị thầy, nhưng vị thầy đó thế nào, có ổn chưa? Cho nên là hãy cố gắng suy xét, thời nay nhiều người vô là ôm luôn [một vị thầy], rồi đi theo đường tà mà không biết, thì thật là đáng thương. Thiện Trang chỉ nhắc vậy thôi, bởi vì thời nay người ta cũng có cách nói hay lắm.
Để chọn thầy, thì quan điểm của Thiện Trang thế này, có bốn hạng người:
1. Thứ nhất là người rất bê bết, tức là tu không được và giảng sai. Hạng người này chắc là mình bỏ đúng không, không cần phải tính nữa, bê bết rồi còn giảng sai kinh điển, [sai] pháp thì thôi khỏi [nói].
2. Hạng thứ hai là bê bết nhưng giảng đúng, tức là họ tu không tốt lắm, nhưng họ giảng đúng.
3. Hạng người thứ ba là tu được, nhưng giảng không đúng theo kinh sách, không đúng theo tinh thần của Phật pháp.
4. Hạng thứ tư là tu được và giảng đúng.
Vậy thì quý vị chọn hạng nào? Hạng thứ nhất thì khỏi [nói] rồi đúng không? Tu trật rồi, tu không được, mình nhìn thấy đời sống của người ta có vấn đề, phá giới đủ thứ, lên giảng tùm lum tào lao nữa, [thì] thôi bỏ. Hạng người thứ hai cũng vậy, hoặc là giới hạnh của họ chưa trang nghiêm, nhưng họ tu tạm tạm và họ nói đúng. Hạng thứ ba là tu thì thấy ok lắm, rất là tốt, nhưng giảng thì không trúng theo kinh Phật. Và hạng thứ tư là được cả hai.
Theo Thiện Trang, tất nhiên mình nên ưu tiên hạng thứ tư là số một, là tu được và giảng đúng. Nếu tìm người hạng thứ tư không có, thì người hạng thứ hai cũng được. Mình biết họ tu dở, họ tu chưa được, nhưng họ giảng đúng theo kinh Phật thì vẫn còn nghe được. Nếu không có hạng tư, thì mình phải xuống hạng hai. Còn tu có giỏi mà giảng sai, thì mình không thể học được, học chỉ có tà thôi. Đó là vấn đề mình phải có Phật pháp.
Bởi vì trong kinh đức Phật nói có những hạng người [như vậy], [thì] mình phải có trí tuệ [để chọn]. Và chọn thầy thì đừng chọn theo tiêu chuẩn thế gian. Tức là [thấy] thầy nổi tiếng, thầy đẹp. Không! Yếu tố đó là yếu tố phụ. Yếu tố quan trọng là phải chính xác, phải coi người ta giảng điều gì.
Ở đời quý vị nên nhớ, có những thứ đôi khi nghe chói tai, nghịch tai, nhưng phải nghe vì đó là sự thật. Có những điều mặc dù nghe êm tai, dễ chịu, nhưng mình phải bỏ ra ngoài. Bởi vì đôi khi thuốc đắng mới dã tật, mà sự thật thì mất lòng.
Bây giờ nói kiến thức ăn uống thôi, quý vị thích ăn, đặc biệt mấy bạn nhỏ thích ăn đồ chiên, đồ ngọt v.v… toàn ăn mấy đồ béo ngậy, thích ăn lắm. Nhưng người lớn như chúng ta thì biết rằng, ăn mấy đồ đó nhiều, độc, không tốt cho sức khỏe đâu. Cho nên mặc dù mấy món như khổ qua đắng, khó ăn, nhiều món khó ăn lắm, nhưng ta biết tốt nên ta phải ăn. Thuốc tuy đắng, nhưng phải uống để hết bệnh, chứ không phải cứ nghe những lời ngọt ngào.
Bây giờ thời nay thích ngọt ngào, dụ khị, cho nên có bộ phim gọi là Ngọt Ngào Và Man Trá đó quý vị. Tức là càng ngọt bao nhiêu, thì [càng] nguy hiểm [bấy nhiêu]. Ăn nhiều đường quá [thì bị] bệnh tiểu đường, ăn nhiều đồ béo quá thì dầu tăng, gọi là mỡ [trong máu] cao. Cho nên không ổn đâu!
Chúng ta phải là một người có trí huệ. Có những điều lúc trước mình học ở đâu đó, bây giờ mình học bị ngược, bị chói với mình, nhưng vì đúng [nên] mình vẫn phải lắng nghe. Chưa biết đúng hay không, thì từ từ mình phải suy xét, chứ đừng có vội lên phán: “Ôi! Thầy giảng khó quá!”. Khó! Nhưng đó là thuốc quan trọng thì vẫn phải nghe, phải hành. Mình chưa làm được, thì cũng ráng làm.
Giả sử quý vị bị ung thư, lúc đó dù khó cỡ nào thì quý vị cũng tìm cách chữa đúng không? Lúc đó chạy đông, chạy tây, thuốc nam, thuốc bắc, thuốc gì cũng có. Nghe nói trên núi cao, có vị thầy chữa bệnh ung thư tốt bằng lá gì đó, thì cũng ráng lặn lội, bò lên. Sao lúc đó tinh tấn dữ vậy? Mà học Phật pháp là huệ mạng nhiều đời nhiều kiếp, cơ hội để ra khỏi sanh tử là giáo pháp phải chính xác, phải đúng theo tinh thần của đức Phật, mà mình lại bỏ qua. Cho nên hình như có vấn đề. Thiện Trang chỉ nhắc một chút, để quý vị lựa chọn minh sư trong thời hiện đại, rất khó!
Đó là một chút cảm nhận thôi. Thiện Trang xin vào phần nội dung hôm nay, Thiện Trang chia sẻ tiếp các duyên cho hết. Có lẽ chúng ta sẽ chia sẻ bữa nay và bữa sau nữa cho hết các duyên. Hôm bữa [đã học 19 duyên], Thiện Trang xin nhắc lại trong 24 Duyên hệ là gồm có : (1) là Tiền sanh duyên, (2) là Hậu sanh duyên, (3) là Câu sanh duyên, (4) là Hiện hữu duyên, (5) là Vô hữu duyên, (6) là Thiền duyên, (7) là Vô gián duyên hay Đẳng vô Gián duyên, (8) là Đạo duyên, (9) là Nghiệp duyên, (10) là Quả duyên, (11) là Vật thực duyên, (12) là Thường cận Y duyên hay Cận y duyên, (13) là Ly khứ duyên, (14) là Bất ly duyên, (15) là Trưởng duyên, (16) là Tương ưng duyên, (17) là Bất tương Ưng duyên, (18) Dị thục duyên hay Dị thục Quả duyên, (19) là Hỗ tương duyên.
Đó là 19 nội dung mà Thiện Trang đã chia sẻ với quý vị. Có khi Thiện Trang nói Nhân duyên và Cảnh duyên thì dễ nên không nói, nhưng thôi bữa nay giảng luôn. Hôm nay Thiện Trang sẽ chia sẻ Nhân duyên, Cảnh duyên, Y chỉ duyên, và nếu có thời gian thì chia sẻ luôn Trùng Dụng duyên. Còn Quyền duyên thì dài quá, để bữa sau.
Thiện Trang sẽ chia sẻ [duyên] thứ (20) là Nhân duyên. Nhân duyên tức là đối tượng A tác động lên đối tượng B, giúp cho đối tượng B, bằng các tính chất thiện ác của mình. Trong đó có sáu nhân chính: là Tham, Sân, Si, Vô tham, Vô sân, Vô si.
Nói vậy khó hiểu quá, bây giờ nói tóm lại thế này: Giả sử quý vị làm một việc thiện, với tâm lành, vô tham. Tức là quý vị đi bố thí cho một đứa nhỏ nghèo, giúp cho nó ăn học. Như vậy quý vị đã làm nhân cho đứa nhỏ đó, mai mốt lớn lên nó đi học, [rồi] nuôi nó v.v… để nó trở thành Kỹ sư, Bác sĩ hay một người tốt. Thì lúc đó quý vị là nhân, giúp cho bên kia. Mà nhân đó của quý vị là nhân Vô tham, hay nhân từ bi, nói chung là có trí tuệ. Đó là một nhân [trong] đời sống bình thường.
Trong tu hành cũng vậy, khi mình tạo ra nhân với những tâm Tham, Sân, Si. Tâm Tham, [ví dụ] tôi vô học Phật pháp, vì tôi tham được nổi tiếng. Nhân như thế thì mai mốt rớt đài, tại vì mình đi sai đường.Học Phật pháp bằng tâm Tham [thì] không được. Rồi học Phật pháp bằng tâm Sân, Si cũng không được. Phải bớt tham, bớt sân, bớt si, giảm xuống. Nhân đó giúp cho đối tượng kia, thành ra mai mốt [đó là] sự thành tựu của mình. Vậy đối tượng này tác động đến đối tượng kia bằng sáu nhân: Tham, Sân, Si, Không tham, Không sân, Không si. Nói vậy cho dễ! Điều này là nhân duyên, thì quá dễ rồi, [vì] nhân quả mình học hoài rồi.
Tiếp theo [duyên] (21) là Cảnh duyên. Cảnh là gì? Đối tượng này giúp cho đối tượng kia, bằng cách đóng vai trò làm cảnh, để cho đối tượng kia nhận biết. Ví dụ Thiện Trang đang giúp cho quý vị nghe pháp, thì Thiện Trang đang làm Cảnh duyên cho quý vị. Như vậy Thiện Trang đã giúp cho quý vị. Và quý vị cũng giúp cho Thiện Trang, là quý vị làm Cảnh duyên để Thiện Trang giảng. Có người bình luận ở trên đó, thì Thiện Trang đọc chẳng hạn. Như vậy đó là Cảnh duyên.
Nhờ đọc bình luận đó mà Thiện Trang giảng tiếp sẽ tốt hơn. Hoặc là [đọc] bình luận đó [khiến] mình nổi sân lên, mình không giảng được nữa, chẳng hạn như vậy. Đấy là Cảnh duyên. Đối tượng này giúp đối tượng kia bằng cách [làm] cảnh duyên. Có một sự tác động, và chữ Cảnh duyên này có khi gọi là Sở tri duyên.
Sở tri duyên là nơi chốn, [là] chỗ, [là] điều mà mình biết được qua các giác quan. Thiện Trang nhìn thấy quý vị bình luận, quý vị nghe Thiện Trang nói. Hoặc là mình ở trong nhà, đang lúc tu thì một hồi nghe mùi [gì đó] thơm. Đó là Cảnh duyên, cảnh về mùi vị, mình nghe thơm thơm, nghĩ: “Ôi bữa nay có mùi thơm lạ quá, chắc chư thiên xuống”. Một hồi ra không phải chư thiên tới, mà là người trong nhà nấu ăn, nhiều khi có mùi như vậy. Đó là Cảnh duyên. Mà lúc đó mình tưởng là chư thiên tới, cho nên mình phấn khích, mình tu tinh tấn, đang mệt ghê gớm mà mình [cũng cố gắng] tu. Đó cũng là [một sự] giúp đỡ.
Hoặc là mình nghe một tiếng khen của người đồng tu, xong rồi bữa đó tự nhiên mình tinh tấn lên. Hoặc là mình nghe tiếng chửi của ông chồng từ xa, biết là ổng sắp về rồi đó. Nghe ổng chửi đứa con từ ngoài ngõ rồi, [nên] thôi giả bộ ngồi nhập định luôn. Ráng, phải cố gắng nhập định, chứ không một chút ổng vô ổng chửi nữa. Ngồi im phăng phắc để ổng khỏi thấy, ngồi một hồi giả thành thiệt luôn, nhập [định] luôn. Nhập rồi lát sau quên mất chuyện [ông chồng]. Những điều đó làm cảnh để giúp mình. Thì đó là Cảnh duyên hay Sở tri duyên.
Thế có một số người nói: “Thưa thầy, hình như học một hồi rồi không phân biệt được duyên nào hết”. Đúng không quý vị? Quý vị có thắc mắc không? Có lúc thì nói Cảnh duyên, lúc thì Hỗ tương duyên, lúc thì Câu sanh duyên. Ba duyên đó có giống nhau không? Tiền sanh duyên, Hậu sanh duyên v.v… sao giống nhau vậy? Đúng rồi! Ai phát hiện ra điều đó, thì người đó có trí tuệ, là phát hiện đúng. Tại vì sao? [Vì] có một duyên đó thôi nhưng phải chia ra.
Giống như nói thế này, một người nữ, quý vị đồng tu [ở đây là] người nữ nhiều, kêu cần một người đàn ông để vác đồ đạc từ dưới nhà lên lầu. Như vậy trong nhà cần phải có người đàn ông, người đàn ông vác bao đồ 50kg từ dưới nhà lên. Rồi bữa sau [đứa con] nói với người khác: “Bữa đó ba tao vác bao đồ 50kg từ dưới nhà lên lầu hai cho tao”. Có khi nói “người đàn ông” cũng được, nói “ba” cũng được. Tức là cũng một người đó thôi, nhưng có lúc nói ba, có lúc nói đàn ông. Cũng được mà, ba cũng là đàn ông đúng không quý vị?
Tức là cái này cũng là cái kia, nhưng chúng ta muốn nói về khía cạnh nào. Tức là bữa đó mình nói ở khía cạnh là: phải là đàn ông mới vác lên nổi, người nữ thì vác không nổi. Tức là có khi mình nói Cảnh duyên, có khi mình nói Hỗ tương duyên, có khi mình nói Câu sanh duyên. [Đó thì] tùy, mình muốn nhấn mạnh về vấn đề nào mà chia chẻ ra. Đấy là giáo lý này muốn cho chúng ta hiểu rõ từng mối quan hệ, từng chi tiết trong đó, cho nên [chia] ra.
Hoặc là có người hàng xóm nói: “Bữa đó tao thấy có một người mặc áo trắng, vác cái bao khoảng 50kg, từ dưới lên trên lầu hai cho mày”. Cuối cùng điều tra ra vẫn là ông ba đó thôi. Tức là [cùng một người], là ba (bố) của mình thôi, nhưng [đưa ra] ba dữ kiện khác nhau. Rồi đứa con của mình nói: “Bữa đó ông ngoại vác cái bao lên cho mẹ”. Cho nên là cũng một người đó thôi, nhưng mối quan hệ khác nhau. Đứa nhỏ nói là cấp cho mình thông tin khác, hàng xóm nói là cấp cho mình thông tin khác, mình đi nói với người khác là thông tin khác. Dữ kiện thì cùng một sự việc đó thôi, nhưng mình khai thác được [nhiều khía cạnh]. Quý vị nghe như vậy thì quý vị tổng hợp lại, là bà này có một đứa con trai, ông bố của đứa con đó thì khỏe mạnh. Vậy mình tự đúc kết ra một trời dữ liệu, và từ đó mình nối kết lại với nhau. Đó là trí tuệ đó, chia chẻ [ra].
Cho nên môn Duy Thức, môn A Tỳ Đàm là như vậy đó. Tức là thay vì nói một chiều, giống như bên Bát-nhã Tánh không nói một điều thôi “Tất cả pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” là được rồi. Còn bên này thì không có như vậy, bên Pháp tướng Duy Thức khác bên Pháp tánh. Pháp tánh là nói Không thôi, là vô rồi, nhưng bên đây thì phải nói từ từ. Để quý vị hiểu ‘Không’, thì phải nói chút chút vậy đó, để quý vị hiểu từng chút từng chút, rồi [dần dần] tự nhiên buông được. Còn người căn tánh như Lục tổ Đại sư Huệ Năng [thì] khỏi, vô phát là xong luôn. Cho nên điều này cũng là điều kia.
Quý vị cứ lục lại, bây giờ 21 duyên rồi, duyên nào cũng có thể là duyên kia. Như vậy trong câu chuyện vừa rồi, là bố (ba) mình giúp mình. Như vậy là mình phải nương tựa bố mình để sống, mình nương tựa [vào] bố giúp đỡ mình, thì bố mình trở thành một đối tượng giúp cho mình theo kiểu đó, thì gọi là Y chỉ duyên; #y chỉ là nương tựa.
Cho nên cũng là ông bố đó thôi, bây giờ trở thành Y chỉ duyên. Vậy quý vị hiểu Y chỉ duyên là gì [rồi đúng không?] Y chỉ duyên là đối tượng này giúp đối tượng kia, bằng cách có mặt để tác động, giúp đỡ, là điểm tựa cho đối tượng kia. Điều này thì dễ hiểu, y chỉ là nương tựa. Như vậy đó là Y chỉ duyên.
Ví dụ như bây giờ quý vị nương tựa Thiện Trang để học tập, đó là Y chỉ duyên. Thiện Trang là Y chỉ duyên cho quý vị. Như vậy cùng một vai trò đó mà mình có thể [hiểu] thế này hay thế kia, cho nên là điều nào cũng [có thể] có. Như vậy Cảnh duyên, Câu sanh duyên, Tăng thượng duyên [đều] có trong đó hết, tùy trường hợp có khi có. Tăng thượng duyên là nói theo Duy Thức Đại thừa, chứ còn ở trong A Tỳ Đàm thì không chia ra Tăng thượng duyên. Nhưng mình cũng hiểu là ở trong đó đều có hết, nếu mình phân tích cùng một điều đó.
Nếu quý vị hiểu được một cách rốt ráo như vậy, thì quý vị tu rất dễ. Chứ không mình học nhân quả ba mớ, tức là mình học sơ sơ, suốt ngày mình cứ nói ông chồng là oan gia của con. Tức là mình chỉ thấy một duyên thôi, là nghịch duyên oan gia, mình không thấy Y chỉ duyên trong đó. Ổng cũng giúp mình chớ, không có ổng thì mình cũng khổ, không có ổng thì ai lo thế này thế kia. [Rồi] mình cứ thấy bà vợ toàn là oan gia. [Mình] quên mất hàng ngày nếu không có bà vợ, thì ai nấu cơm cho mình ăn, ai giặt đồ, đủ thứ các kiểu. Cho nên là khổ chưa?
Ý Thiện Trang muốn nói là, quý vị học qua 24 Duyên hệ này, chịu khó về lục lại viết ra và hiểu từng duyên. Vấn đề nào quý vị cứ chẻ ra, thì quý vị nhìn cuộc sống này bằng màu sắc khác. Quý vị sẽ có trách nhiệm hơn trong cuộc sống, quý vị cũng dễ buông hơn, trước các cảnh khổ của thế gian. Và quý vị nhìn thấy mọi việc thấu suốt, chu đáo. Ta tu như vậy dễ dàng, khỏe!
Còn mấy người không học, [hay] học lý thuyết ba mớ, thì khi cảnh tới là buồn. Sao mà buồn? Quý vị buồn làm gì? Bởi vì có nhiều duyên như vậy, mình xét duyên này duyên kia. Duyên này không tốt thì mình đổi qua duyên khác, mình nhìn theo góc khác đi. Đức Phật luôn cung cấp cho chúng ta, cách nhìn tổng quan về cuộc sống. Để nhìn tổng quan thì quý vị phải nhìn được nhiều góc độ, góc độ này nhìn không được thì [nhìn] góc độ khác. Chứ không phải Phật ép: “Tất cả pháp là Không đó con. Thôi ráng nhẫn đi con! Nhẫn, nhẫn, nhẫn, nhẫn…” Có nên nhẫn không quý vị? Có! Nhẫn nhưng không phải [như vậy]. Ở đây sẵn nói pháp hành.
Thiện Trang nghe trong Kinh Nikaya, ở bộ Kinh Tăng Chi, phần Sáu pháp. Để đoạn hết Lậu hoặc, tức là đoạn Phiền não, thì có sáu cách. Chúng ta thường nghe nói là nhẫn thôi: “Ráng nhẫn đi con, ráng nhẫn đi con”. Không! Nhẫn chỉ là một trong sáu cách thôi. Đức Phật nói sáu cách để hết Lậu hoặc, tức là đoạn Phiền não. Đoạn Phiền não [để làm] gì? [Đó] là để mấy vị chứng quả A-la-hán… Đúng! Chứng quả A-la-hán, chứng quả Tu-đà-hoàn, là nhờ hết Phiền não. Nhưng Thiện Trang nói, đầu tiên là quý vị hết Phiền não trong đời sống trước đã, cũng là một cách giải quyết.
Giống như có cô suốt ngày than thở: Thầy ơi, gia đình con thế này, gia đình con thế kia. Đó là học mà không có áp dụng gì hết. Tại sao? [Vì] không nhìn vào thực tế, đời là vô thường, thế này thế kia. Sáu cách đó như thế nào? Chúng ta chỉ biết lúc nào cũng nhẫn, thì ráng chịu đi, như vậy có đúng không? Không [phải như vậy]! Đức Phật nói:
1. Cách thứ nhất là hãy phòng hộ. Phòng hộ là gì? Phòng hộ các căn, tức là đừng để các căn chạy theo [cảnh]. Có nghĩa là quý vị phải giữ gìn, đừng ham gì hết. Mắt đừng ham sắc, thì không bị chạy theo sắc, là hết Phiền não. Tai không nghe những âm thanh ngọt, âm thanh hay, thì [không] chạy theo đó, nên hết Phiền não. Phòng hộ sáu căn là cách thứ nhất để hết Phiền não.
2. Cách thứ hai là thọ dụng. Thọ dụng có nghĩa là mình được sử dụng, chứ chúng ta toàn là từ chối không thôi. Không [phải như vậy]! Đức Phật nói là hãy thọ dụng. Ví dụ quý vị ăn, nhưng phải ăn thế nào? Ăn, nhưng thay vì tham ăn, thì đức Phật nói hãy nghĩ rằng thức ăn này để chúng ta sống được lâu, để có thời gian tu tập, để có sức khỏe, để tu. Chứ không phải ăn vì tham. Rồi nghe pháp này là để mình tăng sự tu hành. Tức là những cảnh đó để [mình] thọ dụng lấy. Được thọ dụng nha! Thọ dụng nhưng đừng có tham, sân, si thì được rồi.
3. Điều thứ ba, khi gặp nghịch cảnh thì chúng ta thường dùng cách là nhẫn đúng không? Sư phụ thường dạy: “Thôi nhẫn đi con”. Các Sư phụ bình thường thường dạy nhẫn đi, nhẫn nhục Ba-la-mật. Nhẫn nổi không? Nhẫn nổi được thì nhẫn, còn không nhẫn nổi thì thôi. “Thầy nói thôi là sao thầy?”. Đức Phật nói, [chứ] Thiện Trang không nói. Đức Phật nói nhẫn không được thì quý vị chuyển sang cách giải quyết thứ tư. Cách giải quyết thứ ba là nhẫn nhục, đó là nói theo Bắc truyền, nói theo Nam truyền là kham nhẫn.
4. Cách thứ tư là Ly khứ duyên, né tránh đi, tránh đi. Đức Phật nói không nhất định phải nhẫn, mà tránh được thì tránh đi con, nhớ nha! Chúng ta thường là tự trói mình vào. Mình nhẫn không nổi, mình chịu không nổi, thì né đi, đức Phật đâu có bắt [mình nhẫn]. Bao giờ không có trường hợp nào khác, không né được, [thì] phải nhẫn thôi.
Đức Phật không bao giờ tán thán, những người chịu khổ hạnh một cách ép xác. Mà đức Phật nói là: ở hoàn cảnh nào, ví dụ như Tỳ-kheo, hãy lựa cư trú ở nơi nào có ăn để tu hành, khất thực không quá khó khăn. Chứ không phải đi [đến những] chỗ khó quá, rồi cuối cùng tu không được. Và đức Phật nói đừng có đắm say vào hưởng thụ, tức là đừng có say vào hưởng thụ, và đừng có né tránh với thế gian. Mình né Ngũ dục Lục trần cũng không được, kiểu nào cũng sai hết.
Rồi quý vị gặp nghịch cảnh, thì đức Phật nói né được thì né đi. Biết đường đó nguy hiểm [thì] đừng đi đêm. Biết chỗ đó, bà đó dữ quá [thì] đừng tới. Biết ông chồng mình như vậy, tránh mặt được lúc nào thì tránh lúc đó. Nếu gia đình khó khăn quá, tan vỡ thì thôi, đường ai nấy đi, rõ ràng như vậy!
Ở đây sẵn có người hỏi: “Thưa thầy, nghe nói ly hôn đọa Địa ngục phải không thầy?”. Quý vị coi hết giùm đi, tra giùm [trong] Tam tạng kinh điển, chỗ nào nói ly hôn đọa Địa ngục? Không có! Đức Phật chỉ nói là đừng xúi giục vào, đừng đi vào đường sanh tử. Quý vị giở ra trong Kinh Tương Ưng Chư Thiên, trong Kinh Tạp A Hàm. Thiện Trang quên kinh số bao nhiêu rồi, là 1200 mấy đó. Có một chư thiên xuống nói với đức Phật rằng: “Có gia đình kia vui lắm, bữa nay sinh ra một đứa con”. Đức Phật nói: “Có gì đâu mà vui. Ông nói sai rồi! Phải buồn mới đúng. Họ sanh ra thêm, tức là họ đi vào đường sanh tử thêm”. Đức Phật không tán thán chuyện đó, nên nhớ như vậy!
Cho nên đức Phật không tán thán việc lập gia đình, nhưng đức Phật luôn luôn có giải pháp. Tức là lỡ có [gia đình] rồi, thì cứ tiếp tục sống đi. Còn khi nào khó khăn quá thì cứ chấm dứt. Ví dụ trong câu chuyện, có cô đó trốn nhà đi xuất gia mà mang bầu (đã mang bầu từ trước khi đi xuất gia). Câu chuyện đó thì Thiện Trang nói rồi, nhưng bữa nay kể lại cho quý vị nghe rõ hơn.
[Câu chuyện về] cô đó trong Kinh Nikaya có kể chi tiết hơn. Tức là cô đó [vì] bị chồng đánh quá, nên bỏ nhà đi luôn, vô Tăng đoàn xuất gia. Xuất gia một thời gian sau thì bụng bự lên. Người ta nói cô phạm giới dâm dục rồi, [mất] phạm hạnh rồi. Cổ nói không, cổ không có phạm. Lúc đó mới triệu tập Tôn giả Ưu Ba Ly, rồi bao nhiêu người tới để giải quyết, tính toán thời gian cổ mang thai v.v… có đức Phật nữa. Và xác định là cô ấy mang thai khi cổ còn ở nhà, chứ không phải là sau này đi xuất gia rồi mới mang thai.
Bây giờ lỡ rồi thì cũng phải chịu thôi. Bây giờ ôm bình bát đi khất thực, mà bụng bầu như vậy thì sợ người ta nói. [Cho nên] Tăng đoàn giải quyết bằng cách truyền tin, là cô đó lỡ có [thai], cô mang thai trước khi [xuất gia]. Tức là đi đâu, người ta phải nói, phải thông báo với đại chúng: là cô đó mang thai trước khi đi xuất gia, chứ không phải là như vậy.
Sau đó cổ sinh con thì lại khổ lắm. Tại trong giới Tỳ-kheo-ni thì không được ngủ với người khác, mà đứa con nhỏ thì khóc la, làm mấy cô kia không ngủ được, cả Tinh xá inh ỏi lên như vậy, thì khổ đến mức nào. Bắt đầu các cô mới trình lên Phật. Phật nói bây giờ ráng chịu thôi, chứ làm sao.
Bữa đó vua Ba Tư Nặc đi qua, nghe đứa bé khóc, vua Ba Tư Nặc mới hỏi: “Sao trong Tinh xá của các cô có đứa bé này?” Vua mới trình lên đức Phật, xin cho con đem về chăm sóc. [Vua] chăm sóc đứa bé đó như một hoàng tử. Đứa bé cũng có phước đó quý vị, mẹ đi xuất gia, con có phước, được chăm sóc như hoàng tử.
Quý vị biết cô đó sau này đắc đạo. Đứa con đó lớn lên, hình như bảy tuổi đi xuất gia, sau này cũng đắc A-la-hán. Đấy! Cho nên là cũng ngon! Nhưng rõ ràng quý vị thấy, không có gì [về việc cổ bỏ đi xuất gia] nha.
Và có người nói: “Ủa chứ bây giờ đời sống gia đình ly thân, ly hôn như vậy, thì có tội không?” Thiện Trang nói, trong kinh không thấy có nói tội. Thật ra thì Thiện Trang nói, là quý vị bị vướng vào tình chấp thôi. Bây giờ quý vị thấy ở Nhật Bản, ở các nước phương Tây, [họ] sống theo xu thế thế này. Là hai đứa cưới nhau, đăng ký kết hôn, nhưng cuối tuần họ gặp nhau đi chơi thôi, còn phần ai, nhà ai nấy sống. Bây giờ hạnh đấy là ở Nhật Bản rất thịnh, ở các nước phương Tây cũng rất thịnh.
Vậy có sai không? Vậy những người đó có đọa Địa ngục không? Đây là theo Thiện Trang thôi nha, ở trong kinh không có nói, nhưng chúng ta dẫn chứng như sau. Ở cõi Bắc Cô Lô Châu (Uất Đơn Việt), ở trong Kinh Vô Lượng Thọ có câu “Uất Đơn thành thất bảo” đó. Thì quý vị nhớ ở cõi Bắc Cô Lô Châu, người ta không có gia đình. Người ta chỉ đến với nhau, hai người nam nữ gặp nhau, thì vô trong lùm cây. [Lùm] cây đó thấy hai người này, thì biết nghiệp lực của họ thế nào, hai người không có quan hệ huyết thống, thì nó phủ lá xuống cho [họ] sống ở trong đó 7 ngày thoải mái. Sau khi xong 7 ngày thì đi ra, người nữ mang thai xong rồi đẻ con. Đẻ con ra thì cũng bỏ ở ngoài đường, không có nuôi luôn. Mỗi người đi ngang qua, đưa cái ngón tay vô trong miệng cho đứa bé, giống như tiết ra chất sữa cho nó bú. Sau một thời gian thì đứa bé lớn lên. Chế độ của họ sống là như vậy, họ đâu có gia đình.
Và trong kinh có nói thêm, quý vị có thể coi Kinh Trường A Hàm, ở Phẩm Uất Đơn Viết. Hoặc là quý vị coi trong Kinh Nikaya, ở Trường Bộ Kinh cũng có, và coi trong Kinh Tăng Nhất A Hàm cũng có. Đức Phật nói: “Những người ở cõi Uất Đơn Viết tu Thập thiện. Sau khi chết, tất cả đều sanh về cõi Trời, không có đọa lạc”. Vậy thì họ đâu có đọa Địa ngục đâu.
Cho nên Thiên Trang nói, mô hình gia đình là do tùy hoàn cảnh, tùy thời đại, mỗi thời đại mỗi khác, ở mỗi nơi mỗi khác. Đừng lấy Kiến thủ kiến đập vô đó, để mình trói mình. Rồi nhiều người nói: “Thầy ơi, chồng con say rượu đánh con miết, mà con không dám ly hôn. Bởi vì con sợ đọa Địa ngục quá!”.
Đó là Tà kiến. Tại sao? Bây giờ quý vị nghĩ kỹ coi, chồng say rượu đánh mình, rồi mình [vẫn chịu đựng vì] lo cho mấy đứa con. [Nhưng] mấy đứa con sống trong môi trường thấy cha say rượu đánh mẹ, vậy mai mốt lớn lên nó có tốt không? Nếu như nó sống ở hoàn cảnh khác, thì [sẽ] tốt hơn. Nên không chịu được, không kham nhẫn được, hoàn cảnh khốc liệt quá, thì ưu tiên né tránh đi. Đó là cách thứ tư để giải quyết Phiền não.
5. Cách thứ năm là diệt trừ, là trừ bỏ đi, trừ bỏ là sao? Đức Phật nói rất rõ trong kinh, quý vị có thể tìm trong kinh, Thiện Trang chỉ nói đơn giản. Ví dụ khi tâm tham khởi lên, mình biết đó là tâm tham, thì mình bỏ đi. Khi sân khởi lên, mình biết đó là sân thì đừng sân nữa. Tham, Sân, Si, Thân kiến, Biên kiến v.v… mình bỏ đi. Đó là cách thứ năm để diệt trừ.
6. Cách thứ sáu để đoạn trừ Phiền não, là bằng cách tu tập. Tu tập thì phải tu hai thứ: Một là Thiền chỉ, hai là Thiền quán. Trong đó Thiền quán rất quan trọng để đối trị Phiền não. Ví dụ mình rất tham điều gì đó, thì mình kêu sao mình tham quá, như mình thích sắc, thích người nam đẹp quá, hay người nữ đó đẹp quá, thì mình phải quán bất tịnh, quán Vô thường. Vô thường nghĩa là đời không được bền lâu, đâu biết ngày mai lỡ chết mất sao, ai dám bảo đảm sống được bao lâu, mà ham chuyện đó. Mình đâu biết mình tu còn bao nhiêu năm trên cuộc đời này nữa, nên ráng tu. Rồi thân thể người đó có gì đâu, nhìn thế thôi, [họ] trát lên vài lớp phấn lớp son, hay là xịt nước hoa, nhìn ham vậy thôi, chứ thực tế là [họ] hôi rình à. Cho nên mình phải quán bất tịnh v.v… để diệt lòng dục đi.
Rồi khi đang sân, [thì] mình nhớ là: “Một ngọn lửa sân thiêu đốt hết cả rừng công đức”, [nên] mình không sân lên làm chi. Mình ráng nhẫn, mình bỏ sân. Hoặc [là mình quán] từ bi, họ chọc tức mình, thôi kệ họ v.v… mình có các phép quán đó để trừ.
Còn tu Chỉ là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng v.v… nhưng mình quán thì dễ hơn. Như vậy tu tập nhiều thì sẽ bớt Phiền não, sẽ hết Phiền não. Sáu phương pháp đó là để đoạn trừ [Phiền não]. Và đức Phật nói:“Tỳ-kheo nào mà thành tựu được sáu pháp đó, thì xứng đáng là ruộng phước cho chư thiên và loài người cúng dường, xứng đáng được lễ kính”.
Thiện Trang xin nhắc lại sáu phương pháp để đoạn trừ Phiền não: (1) Phòng hộ. (2) Thọ dụng, tức là Thọ dụng đúng cách. (3) Kham nhẫn, hay chúng ta nói là nhẫn. (4) Né tránh. (5) Đoạn trừ hay diệt trừ. (6) Tu tập.
Chúng ta làm được những [điều đó], chứ không phải nhất định chịu trận đâu. Chúng ta thường cứ toàn là chịu trận, tức là thay vì sáu phương pháp, mình chỉ dùng một phương pháp là nhẫn thôi. Trong khi mấy phương pháp kia thì không [dùng], từ chối hết, nên thật là đáng thương. Mình phải học nha! [Những điều] Thiện Trang chia sẻ, toàn là trong kinh thôi đó.
Vừa rồi Thiện Trang đã chia sẻ duyên thứ 22 rồi, là Y chỉ duyên. Tiếp theo duyên 23 là Trùng dụng duyên; #trùng là lặp lại; #dụng là tác dụng, tác dụng lặp lại. Tức là khi đối tượng này giúp đỡ cho đối tượng kia, nhận biết bằng cách lặp lại, ngôn ngữ chúng ta gọi là tô đậm. Giống như mình viết chữ xong rồi, mình viết lại, đồ lại, tô cho đậm lên, [cho] đối tượng này mạnh hơn. Đó gọi là Trùng dụng duyên.
Điều này ngôn ngữ bên Bắc truyền gọi là huân tập. Điều gì lặp lại nhiều lần, lặp tới lặp lui, giúp cho điều kia mạnh lên. Ví dụ chúng ta nghe pháp hôm nay chưa đủ, ngày mai mở ra nghe lại tiếp, nghe tới nghe lui, nghe hoài, nghe nhiều lần, gọi là Trùng dụng duyên. Tức là mình sử dụng điều đó nhiều lần, thì sẽ giúp điều đó mạnh lên, nghe phải nghe nhiều lần.
Có đồng tu nói: “Thầy giảng cao quá, con nghe được nửa bài thôi con tắt, mai con nghe tiếp. Rồi bữa sau con phải nghe lại”. Đúng rồi quý vị, muốn nghe những pháp cao là phải nghe như vậy. Nghe như vậy chừng một thời gian, dần dần nền tảng của mình đầy đủ, thì mình mới tu được, đó là nghe pháp.
Còn trong đời sống, quý vị muốn học giỏi, thì cũng phải học như vậy. Cũng phải siêng học, học tới học lui, giải bài tập, phải giải cho nhuần nhuyễn. Đó là Trùng dụng duyên. Điều nào tô đậm hơn, [thì] giúp cho mạnh mẽ hơn. Cho nên phải tu tập nhiều, phải tu tập thường xuyên, gọi là “trường thời huân tu”, môn nào cũng vậy thôi.
Đấy là duyên thứ 23, là Trùng dụng duyên. Còn một duyên nữa là Quyền duyên, Quyền duyên thì dài tới 22 quyền, giảng chắc gần hết một buổi rồi, nên thôi để bữa sau. Bữa sau giảng Quyền duyên nữa là hết 24 duyên.
Quý vị [học được] 23 duyên rồi, quý vị về lọc lại, coi lại. Coi để mình hiểu, mình cố gắng học Phật pháp là áp dụng trong đời sống, chứ không phải là mình học cho vui. Quý vị làm sao [khi] ra ngoài đời sống, quý vị thấy gì cũng là vô thường, thấy các pháp sanh diệt. Nếu người tu niệm Phật thì nên niệm Phật, quay lại biến tất cả các cảnh tượng thành niệm Phật, thì mới thành công.
Chứ còn bây giờ mình tu, mình học lâu rồi, mà mình ra ngoài gặp cảnh, người ta buồn mình cũng buồn, người ta sân mình cũng sân, người ta si mình cũng si, [như thế là] mê quá. Rồi tới khi [lâm chung] thì thôi, ngay lúc sống đây mình tỉnh táo, mà còn như vậy, thì mai mốt chết sẽ không có hy vọng đâu, khó lắm! Quý vị mong ra khỏi luân hồi thì cực kỳ khó. Nhớ phải thường trực Tam Bảo hiện tiền, nhớ Phật, nhớ Pháp, nhớ Tăng. Nhớ rằng ta đang tu hành, phải nhớ làm sao đến nỗi khi vô trong mơ, nếu lỡ nằm ngủ mơ vẫn nhớ như vậy, thì người đó ít nhất đi về đường lành. Còn nếu như quý vị rõ ràng sáng suốt, thường trực như vậy, luôn luôn như vậy, thì sẽ có một ngày, Thiện Trang nói biết đâu quý vị đắc quả ngay trong đời này. Quý vị chứng được quả vị. Vì đó là quý vị tu Thiền quán.
Nhiều người không hiểu Thiền quán là gì? Quán là tư duy, nghĩ nhớ những niệm về Phật, về Pháp, về Tăng. Nghĩ nhớ những đối tượng nào đó rất nhiều, quán rất nhiều.
Còn Thiền chỉ là mình chỉ cần tập trung vào một đề mục. Trong A Tỳ Đàm hay bên Nam truyền nói là 40 đề mục. Thật ra bên Bắc truyền thì cũng có 40 đề mục. Ví dụ mình cứ [tập trung vào] một đề mục niệm Phật cũng được. Tập trung vào một đối tượng, đó là dừng tâm lại, cho nên gọi là Chỉ. Chỉ là dừng tâm, tập trung tâm lại vào một đối tượng đó thôi. Ví dụ như người ta niệm A Di Đà Phật, hay A Mi Đà Phật, hoặc là niệm nước, nghĩ toàn bộ là nước. Niệm lâu ngày thì công phu đó dừng tâm lại hết, và cuối cùng đắc định. Vì vậy có định là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, và nói theo A Tỳ Đàm là Ngũ thiền nữa. Cũng vậy, tùy theo đề mục niệm đó, thì gọi là Thiền chỉ. Và chúng ta tu Thiền quán thì giúp ra khỏi sanh tử.
[Thiện Trang] xin nhắc lại: Thiền chỉ giúp đỡ đau. Ví dụ Sơ thiền giảm nhẹ đau, người nào chịu đựng được tốt, là do một phần có thể họ đã đắc Thiền. Nếu đắc đến Tứ thiền thì yên tâm, quý vị không có đau đớn, thọ lạc, thọ khổ [nên] vô tư.
Thứ hai, Thiền chỉ có Thần thông, Thiền chỉ trợ cho tu Quán. Còn tu Quán thì thứ nhất giúp đoạn Phiền não, khai trí tuệ. Tất nhiên bên Thiền chỉ cũng giúp trí mình khá hơn. Khi đắc được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền thì trí của mình cũng sáng hơn, nhưng không bằng Thiền quán.
Cho nên những người trí tuệ, mình phải phân biệt, có nhiều người nhớ tốt [nhưng] không phải là trí tuệ, nhớ tốt là niệm thôi. Trong Niệm – Định – Huệ, thì Niệm khác, Định khác, Huệ khác. Huệ là khả năng connection (kết nối), từ những dữ kiện cũ, anh có thể kết nối lại thành ra những dữ kiện mới. Mà những kết nối đó, là đối với thế gian thôi. Còn khi nào ngộ ra pháp, có những điều mình ngộ, mà không có lúc nào mình nghĩ ra được. Giống như hôm qua Thiện Trang đi qua sông, bây giờ Thiện Trang cố gắng nhớ lại điều đó, mà không thể nhớ lại để diễn tả trạng thái đó được.
Khi [Thiện Trang] đi qua sông, quý vị biết có một con tàu lớn đi qua, nên nước sông động lắm, thì chuyến phà của mình bị lắc, chao đảo, và [Thiện Trang] cảm thấy hình như tất cả mọi thứ cảnh vật xung quanh bị chao đảo hết. Thiện Trang chợt hiểu ra: thế gian này sao mong manh như vậy, chỉ cần có một tác động nhỏ thôi, mà hình như tất cả mọi thứ cũng thay đổi. Hình như toàn bộ con sông này, khúc sông này thay đổi hết. Tức là một con tàu đi qua thôi, là bao nhiêu nghiệp được tạo ra ở dưới sông rồi. Có thể bao nhiêu loài sinh vật ở dưới bị tác động, như cá, hay những con gần bên bờ sông như kiến, cũng sẽ bị rớt xuống sông. Rồi có thể [có] những người sơ ý thế này, thế kia, v.v… rồi những chiếc lá rớt xuống sông, cũng bị trôi dạt theo hướng khác.
Tức là một đối tượng nhỏ là con tàu thôi, mà có tác động lớn như vậy. Còn người đi trên tàu thì họ không biết rằng: mình có tác động lớn như vậy đến cả môi trường xung quanh. Lúc đó Thiện Trang ngộ ra nhiều thứ lắm. Tức là một hình ảnh đó thôi, chao đảo con tàu của mình thôi, nhưng mình thấy được như vậy. Bây giờ Thiện Trang cố gắng diễn tả lại, nhưng Thiện Trang nghĩ chỉ diễn tả được 20% thôi, không thể diễn tả được cảm giác lúc đó. Cảm giác lúc đó tự nhiên an lạc vô cùng. Vì mình hiểu ra được vấn đề, là thế gian vô thường và vạn vật [phải] nương [vào] duyên. Tức là mình ảnh hưởng rất nhiều đến người khác, và mình cũng phụ thuộc rất nhiều vào người khác.
Và lúc đó Thiện Trang cũng hiểu là, con tàu đó đi được cũng là nhờ lượng nước trên sông phải đủ, và lượng nước trên sông này đủ là nhờ bao nhiêu cơn mưa, bao nhiêu dòng suối chảy ra v.v… Nếu chỉ cần vài thứ không đủ, thì con tàu đó không đi được. Có nghĩa là chỉ có một hình ảnh đó thôi, nhưng mình thấy ra cả bầu trời pháp như vậy, sống động với ta. Và Thiện Trang nghĩ đó là một chút giác ngộ, một chút tỉnh giác, gọi là tiểu tiểu ngộ thôi, nhưng thường xuyên như vậy.
Khi Thiện Trang lên tàu đi về, lại thấy một cảnh vật khác, đó là Thiện Trang phát hiện ra cây lớn bên bờ bị người ta đốn hạ lúc nào, cắt ra từng khúc, từng khúc. Thiện Trang nhìn xuống [thì thấy] có một tổ ong trên cây đó đã bị đập phá. Thiện Trang thấy vô thường thực sự. Tức là mọi cảnh vật hôm trước mình đi, mình vô tình đâu có thấy. Những con ong cũng không nghĩ ngày nào đó người ta phá tổ ong, bao nhiêu đàn chim [cũng] không còn đậu trên cành cây nữa, v.v…. Tức là vạn vật vô thường như vậy.
Quý vị nếu thường sống được như vậy, thì Thiện Trang tin là dần dần quý vị đắc đạo. Không đắc đạo trong đời này thì cũng như lúc nãy nói, lúc cận tử nghiệp tới, lúc sắp chết tới cũng đắc đạo. Còn không thì cũng có mấy điều kiện kia.
Nếu quý vị là người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì càng ngon nữa. Bởi vì lúc đó tâm thanh tịnh lắm quý vị, tự nhiên không biết [sao] trạng thái đó an lạc, thanh tịnh [lắm]. Lúc đó mình nghĩ đến câu Phật hiệu, câu Phật hiệu nổi lên rất nhẹ nhàng, và hình như mình chìm vào một thế giới khác, chứ không phải thế giới thật này nữa.
Quý vị tu [muốn được] như vậy, thì mình phải thường trực nhớ nghĩ (niệm) Vô thường, nhớ nghĩ về các pháp sanh diệt, duyên này, duyên kia. Mình học lâu rồi, đến lúc nào đó tự động nó ra, mà không cần suy nghĩ gì hết. Tự nhiên có một sự chấn động nào đó, một điều thay đổi nào đó trong đời, một sự thay đổi nhẹ nhàng biết đâu làm mình đắc đạo, quý tu nhiều đời rồi mà. Hay lắm quý vị! Từ đó mình mới sống được với cuộc đời này một cách vui vẻ tự tại. Từ đó các khổ não trên thân, như bệnh đau tự nhiên tan biến hết, vì sao? Bởi lúc đó quý vị sống giống như vào thế giới khác, mình không biết là quên hay thế nào đó, nhưng tự nhiên [mọi thứ] tan biến hết. Nếu thường xuyên sống như vậy là tuyệt vời.
Thiện Trang nói, quý vị cứ sống như vậy, có một lần như vậy thì sẽ có nhiều lần như vậy. Dần dần nhiều lần như vậy rồi, thì quý vị mở kinh ra đọc một câu, đọc một bài kệ, hoặc nghe ai giảng, tự nhiên người ta nghe không ra nhưng mình nghe ra, mình hiểu ra nhiều điều mà người khác không hiểu được. Và từ đó Phiền não tự nhiên tiêu tan, tự nhiên sống ở đời đã lắm. Quý vị sống có tinh thần như vậy thì mới đắc quả được. Mình có thể đắc Sơ quả, Nhị quả, Tam quả. Nếu đắc Tam quả, quý vị chưa tu Thiền chỉ phải không, thì quý bị dở nhất cũng tự nhiên đắc Thiền chỉ.
Đố quý vị: nếu đắc Tam quả, thì quý vị đắc được Thiền chỉ gì? Trong các tầng Thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, thì quý vị đắc được tầng Thiền nào? Nếu đắc được Tam quả, chắc chắn dù quý vị không tu Thiền [chỉ], tức là không ngồi nhập định gì hết, thì quý vị cũng đắc được Sơ thiền. Vì sao? [Vì] Tam quả A-na-hàm là Bất lai (là không còn sanh về cõi Dục). Cho nên người chứng Tam quả, dở gì thì dở, cũng chứng được Sơ thiền. Đây là trên kinh tạng Nam truyền, bên A Tỳ Đàm, v.v… nói. Nên tự nhiên mình về Sơ thiền thôi, nên tu Thiền quán đến lúc nào đó thì đắc [luôn] Thiền chỉ.
Tại vì không lo tu Thiền chỉ, cho nên tới đó thôi, nên không có Thần thông. Nhưng lúc đó quý vị quay qua tu Thiền chỉ thì dễ lắm, ngồi [một lúc] là ok. Tại vì điều này giúp điều kia, và hai bên [tương] trợ nhau. Mà tu điều nào rốt ráo? Xin nói với quý vị, là tu Thiền quán mới [giúp] ra khỏi sanh tử, còn Thiền chỉ không [thôi] thì khó. Trừ khi duyên của quý vị phải đủ, có nghĩa là Ba-la-mật quý vị đầy đủ rồi, thì Thiền chỉ giúp quý vị đắc đạo luôn. Còn không thì phải tu Thiền quán, tức là hàng ngày quán niệm. Cho nên mới đầu thì tu Thiền chỉ để mau [vào định], Chỉ Quán song vận thì nhanh. Nhưng đến lúc nào đó mình đủ khả năng, thì mình phải nhắm vào Thiền quán nhiều hơn. Đó là phương pháp của các vị tu Thiền bây giờ.
Tu Tịnh Độ thì cũng vậy, đừng nói tôi tu Tịnh Độ thì không có quán. Không phải! Cũng có niệm là tu Thiền chỉ, cũng có quán Tây Phương Cực Lạc, quán thân thể vô thường. Quán Tây Phương Cực Lạc cảnh giới đẹp, đời vô thường, ngắn tạm, v.v… Giống như Kinh Vô Lượng Thọ ở trong Phẩm Ba Mươi Hai nói: “Vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân”, tức là con đường đạo thù thắng đến vô cùng, dễ đi mà không có người.Bữa nào mình đi ra đường, tự nhiên thấy con đường rộng thênh thang, sao bữa nay không ai đi hết? Thì tự nhiên mình nhớ câu kinh đó. Đấy cũng là một sự ngộ, tức là vẫn có quán đấy chứ. Hoặc là mình nhớ Tây Phương Cực Lạc đông người lắm, coi vậy chứ cũng dễ đi, cũng đông người, tại [ở] đây không ai đi thôi, chứ trên Tây Phương Cực Lạc thì đông. Quý vị thường xuyên niệm những niệm đó, thì mai mốt quý vị ra đi vãng sanh dễ dàng.
Đừng niệm Phiền não, có nhiều người suốt ngày niệm chồng con gì đó. Vậy thì Thiện Trang xin chia buồn, nếu học lâu năm rồi mà cứ chồng, con, cha, mẹ, anh, em, vợ chồng [thì] cứ khổ hoài trong đó. Đó là tâm thường đế trụ sanh tử chi đạo, là tâm thật sự luôn luôn trụ trong đạo sanh tử, hay là con đường sanh tử. Xin lỗi quý vị! Mai mốt chết là quý vị đi vô sanh tử tiếp thôi, đó là quý vị tự hại mình chứ không ai hại mình hết.
Thiện Trang đã chia sẻ xong 23 duyên rồi, bây giờ trở lại Luận Câu Xá. Mỗi bữa học bấy nhiêu đó thôi, nghe nhiều quá rồi, nghe không hiểu nữa. Hôm bữa chúng ta đang học bài kệ 11.
Bài Kệ 11
Loạn tâm vô tâm đẳng | 亂心無心等, | Loạn tâm, Vô tâm, khác |
Tùy lưu tịnh bất tịnh | 隨流淨不淨, | Theo dòng tịnh, không tịnh |
Đại chủng sở tạo tánh | 大種所造性, | Tánh do Tứ đại tạo |
Do thử thuyết Vô biểu. | 由此說無表。 | Do đó nói Vô biểu. |
Luận ghi: Loạn tâm, là tâm khác với [được nói] ở đây. Vô tâm, là [khi] nhập Vô tưởng định và Diệt tận định. Đẳng, nói rõ ràng [trạng thái] có tâm mà không loạn. [Tâm thay đổi] tương tự liên tục thì nói là theo dòng. Thiện và bất thiện thì gọi là tịnh và bất tịnh. Vì đơn giản bớt các loại [trạng thái tâm] tương tự liên tục, vì thế lại nói là do Đại chủng (Tứ đại) tạo ra.
Thiện Trang lỡ soạn rồi nên xin phép chia sẻ thêm đoạn này, đó là “Làm Chủ Các Căn”. Đoạn này Thiện Trang thấy hay quá, nên đưa vào nguyên đoạn kinh trích trong Kinh A Hàm và Kinh Nikaya.
Làm Chủ Các Căn
Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật trú tại nước Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà.
Bấy giờ đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: “Chẳng thà cứ thường hay ngủ nhiều, chứ đừng trong khi thức mà tư duy loạn tưởng, để rồi thân hoại mạng chung sanh vào nẻo dữ”.
Quý vị nhớ nha! Đức Phật nói là chẳng thà ngủ nhiều đi, chứ đừng thức mà nghĩ tư duy loạn tưởng, để rồi thân hoại mạng chung sanh vào nẻo dữ. Điều này nói cũng vui, xưa nay mình tưởng ngủ là ghê lắm, nhưng không, đức Phật nói ngủ thì tốt hơn tư duy loạn tưởng.
Như có cô đồng tu đó tội lắm, suốt ngày cổ phiền não, tìm [Thiện Trang] than, chưa chuyển nhà, chồng mới tính nói chuyển nhà thôi, là bắt đầu [kêu]: Thầy ơi làm sao, thế này thế kia… Rồi suốt ngày con đi học cũng lo cho con, con nhập học rồi, đi kiếm nhà trọ cũng lo [lắng]. Tâm như vậy là tư duy loạn tưởng. Thì ở đây đức Phật nói luôn: chẳng thà ngủ nhiều, chứ đừng thức mà tư duy loạn tưởng, nghĩ xấu, nghĩ lung tung lang tang. Mai mốt chết sanh vào nẻo dữ, tức là ba đường ác. Chưa đâu, đức Phật nói đã hơn nữa:
“Chẳng thà để cho dùi sắt, đang rực cháy ịn vào mắt, chứ không để nhìn sắc mà nổi lên loạn tưởng. (Tức là bây giờ mắt nhìn vào sắc thì loạn tưởng, như nhìn thấy người ta đẹp v.v… thì đức Phật nói là thà để cho dùi sắt ịn vào mắt). Tỳ-kheo khởi tưởng như vậy bị bại hoại bởi thức (Thức gồm: [sự biết của] mắt, tai mũi… đây là Thiện Trang trích một đoạn thôi). Tỳ-kheo bị hủy hoại bởi thức sẽ rơi vào ba nẻo dữ Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ. Điều ta muốn nói là như vậy. (Cho nên là thôi đừng có nghĩ, thà ngủ đi còn hơn, thà hủy hoại các căn còn hơn như vậy).
“Người kia chẳng thà cứ thường hay ngủ, chứ đừng khi thức mà tư duy loạn tưởng. Thà lấy dùi bén đâm vào lỗ tai cho nó hư hoại, chứ không thể để vì nghe tiếng mà nổi lên loạn tưởng. Tỳ-kheo nổi lên loạn tưởng sẽ bị bại hoại bởi thức.
Nhiều người nói sao đức Phật cực đoan thế? Không phải đâu! Quý vị không hiểu. Tức là mình ngủ nhiều còn đỡ hơn nghĩ lung tung, [thì] mình sẽ đọa vào đường ác. Quý vị ngủ nhiều, một hồi rồi cũng tỉnh táo, quý vị sẽ giữ được thân người ở đời sau. Còn chạy theo Sắc trần, Thanh trần, tức là những âm thanh, hình sắc, sắc dục, v.v… chạy theo rồi nghĩ lung tung lang tang, thì mai mốt đọa lạc.
Cho nên bây giờ mấy người trẻ mà thủ dâm, tưởng tượng cho lắm vô, rồi chơi game đúng không, [đều] là loạn tưởng đó. [Nên] ai mà mê game, thì nhớ giùm đoạn kinh này nha. Loạn tưởng đi, Sáu căn tiếp xúc với Sáu trần, thì mai mốt vô trong đường ác. Đây là đức Phật nói, không phải Thiện Trang nói. Thiện Trang bôi đậm đoạn này:
“Chẳng thà cứ thường xuyên ngủ, chứ đừng để khi thức mà tư duy loạn tưởng. Chẳng thà lấy kìm nóng làm hư hoại mũi, chứ đừng vì ngửi mùi mà khởi lên loạn tưởng. Tỳ-kheo nổi lên toạn tưởng thì bị huỷ hoại bởi thức. Do bị hoại bởi thức mà rơi vào ba nẻo dữ Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ.
(Trích từ Kinh Số 6-Phẩm Phi Thường thứ 51-Kinh Tăng Nhất A Hàm)
Đoạn này nếu tham cứu ở Kinh Nikaya thì hay hơn, Kinh Nikaya có đoạn giải quyết rốt ráo hơn chỗ này nữa, tức là gần giống vậy, [nhưng] dài hơn. Tương ưng với Kinh Hỏa Dụ, tức là nằm ở [phần] Tương Ưng Sáu Xứ – Kinh Tương Ưng Bộ của tạng Nikaya. Thiện Trang xin đọc những trích đoạn thôi, quý vị có thể tìm những bộ Kinh này để đọc cho đầy đủ.
Nhưng này các Tỷ-kheo, khi một người chấp giữ sự ngọt ngào của cảnh sắc, dán tâm vào đấy với sự chấp chặt các chi tiết ngọt ngào thì nếu trong thời điểm ấy, đương sự mệnh chung thì người ấy sẽ thác sanh vào một trong hai sanh thứ này: “Địa ngục hay Bàng sinh”.
Quý vị nghe cho kỹ nha! Ai mà ham cảnh sắc ngọt ngào, thích cảnh đẹp, v.v… hoặc ham sắc, nếu chấp chặt vô, thì lúc chết [sẽ bị] như vậy. Có nghĩa là khi ra đi, quý vị ham mấy cảnh nhà cửa đẹp, buông không nổi mấy cảnh sắc đó, thì chết sẽ đi về Địa ngục hay Bàng sinh. Bàng sinh tức là loài súc sanh đi ngang. [Cho nên] cẩn thận nha! Điều này nguy hiểm!
……. ([Dấu] chấm chấm chấm là đoạn này không trích), trích tiếp:
Này các Tỳ-kheo, tốt hơn nên để cho Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn (tức Sáu căn) bị huỷ hoại với một que sắt nung đỏ, hừng cháy rực cháy, cháy lửa ngọn, vì lúc ấy các ngươi không chấp thủ chi tiết và tổng thể đối với các sắc do Nhãn căn tiếp nhận, các âm thanh do Nhĩ căn tiếp nhận, các mùi do Tỷ căn tiếp nhận, các vị do Thiệt căn tiếp nhận, các xúc do Thân căn tiếp nhận. …
Này các Tỷ-kheo, do thấy sự nguy hiểm này, Ta nói rằng tốt hơn nên nằm ngủ, (ở đây đức Phật đã giải thích luôn, cho nên Kinh này hay hơn, Thiện Trang nói phải đối chiếu hai tạng lại thì coi mới hay), vì dù sao giấc ngủ không có gì là hại cho chúng sanh. Nó không để lại hậu quả gì, nhiều lắm cũng chỉ là một sự mông muội. Trong giấc ngủ, kẻ phàm phu không bị tà tư duy chi phối để làm các đại tội như chia rẽ Tăng chúng.
Ở trên đã nói năm tội rồi, ở đây nói thêm một tội nữa, là tội chia rẽ Tăng chúng. Đức Phật nói thà ngủ đi còn tốt hơn. Cho nên ở đây ai ham ngủ thì thấy đoạn này, hôm nay có chỗ chữa cháy rồi, ngủ còn tốt hơn nghĩ lung tung, đi tạo nghiệp. Quý vị thấy không! Nhưng may quá, mình không có ham ngủ. Nhưng nếu vậy thì Phật giáo nhàm chán lắm, phải đoạn sau này, Thiện Trang thích đoạn sau này.
…
Thay vì nằm ngủ, ta hãy tâm niệm như sau (tức là ở đây đức Phật đưa ra giải pháp, chứ gì mà đốt hủy các căn [nghe] ghê quá, điều đó tiêu cực quá. Không! Đoạn này [Phật] giải quyết không tiêu cực):“Ý căn này là vô thường. Các pháp là vô thường, Ý thức là vô thường, ý xúc là vô thường. Bất cứ cảm thọ nào có từ ý xúc, dù là lạc thọ, khổ thọ, hay xả thọ cũng đều là vô thường. (Tức là tóm lại niệm vô thường giùm cho Thiện Trang. Đức Phật nói về Vô thường, tất cả là vô thường.)
Bất cứ cảm thọ nào có từ nhãn xúc… vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy, (tức là bây giờ các căn mình tiếp xúc với điều gì, thì mình cũng thấy đó là vô thường giùm, rồi nhàm chán đối với cảm thọ đó)… nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp….
Do nhàm chán ấy, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát.
Trong đoạn này không nói rõ quả A-la-hán, nhưng đức Phật nói là phạm hạnh đã thành v.v… Tóm lại nếu như thường xuyên tu như vậy, thì quý vị đắc A-la-hán. Cho nên đơn giản lắm, thay vì mê trong đó, [thì] bây giờ tỉnh lại giùm chút. Tức là mình vẫn [tỉnh], còn không tỉnh [được] thì thôi, mệt quá thì đi ngủ đi, ngủ cũng đỡ hơn là tạo nghiệp. Nên Thiện Trang thương cho những người suốt ngày phiền não. Phiền não nhiều tội lắm, đó là tự mình mở cửa đi vào con đường sanh tử (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh) đó, nhớ nha!
Cho nên nghĩ gì thì nghĩ, đừng nghĩ loạn tưởng, hãy dành thời gian nghĩ Phật, nghĩ Pháp, nghĩ Tăng đi. Học Phật pháp bao nhiêu năm rồi, mà căn lành yếu kém quá, nên toàn nghĩ thế gian thôi, không nghĩ được thế gian vô thường, không thấy được đời này là giả tạo. Cứ nghĩ hoài, nghĩ để làm gì? Mình cứ việc đến thì làm. Ở đây chúng ta không phải là buông xuôi, đức Phật không có bảo là buông xuôi, mà mình buông là buông trong tâm. Tức là việc đến thì vẫn làm, trách nhiệm việc của mình [thì] mình cứ làm, nhưng làm với sự giác ngộ, tỉnh giác, và biết thế gian này là giả tạm. Ta giống như người sẵn sàng đi làm tạm thôi, nhà ta ở nơi khác, ta xách vali ta đi về. Ai tu [nguyện vãng sanh] Tây Phương Cực Lạc, thì về Tây Phương Cực Lạc. Còn ai tu chánh niệm, thì chánh niệm rõ ràng. [Nếu] thường trực như vậy, tu như vậy thì được.
Còn quý vị lo lắng thì chứng tỏ quý vị đắm vào đó rồi, mà đắm vào đó là tạo nghiệp đó. Trong [Kinh Hỏa Dụ] và [Kinh Tương Ưng Bộ của tạng Nikaya], hai bộ Kinh đó chúng ta cứ đối chiếu với nhau, mạng chung là đọa liền.
Cho nên ai mà mỗi lần sân, si lên, hay nghĩ lung tung lang tang mấy chuyện con cái, vợ chồng, v.v… thì quý vị nói: “Tôi đang mở cửa Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh cho chính tôi”. Đó gọi là Đạo duyên. [Quý vị] nhớ Đạo duyên trong 24 duyên chưa? Và đó cũng là Vật thực duyên đấy. Mình đang [dùng] Tư niệm thực, Xúc thực đó, nhớ chưa? Nhớ rồi thì áp dụng giùm nha! Học bấy nhiêu đó, ai ôm được 23 duyên, mai mốt học thêm một duyên là Quyền duyên nữa, thì đủ 24 duyên. 24 duyên đó mà tu được là xong, đơn giản lắm! Còn nếu ai giỏi thì học bộ Kinh Kim Cang, một câu thôi [là] đúc kết được cả Kinh Kim Cang Bát Nhã: “Nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Đó là đại Kinh Kim Cang Bát Nhã, còn Kinh Kim Cang rút gọn thì chỉ cần nhớ:
“Nhất thiết hữu vi pháp.
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán”.
Tức là tất cả pháp Hữu vi; Như mộng, như ảo, như bọt, nhưbóng; Giống như sương, cũng như tia chớp; Nên quán sát như thế. Thực ra là nói gom lại có bấy nhiêu đó, nhưng mình quán không nổi, thì đức Phật chia ra. Đức Phật có phương tiện, đối với người này thì nói ngắn, đối với người kia thì nói dài. Cho nên mới [có] Tam tạng kinh điển nhiều vậy, là vì đối trị những căn cơ khác nhau.
Và Thiện Trang đã chia sẻ từ bài đầu, là tạng A Tỳ Đàm này để dành cho tốt hết. Tức là quý vị [thuộc] căn cơ nào, [thì] quý vị học theo A Tỳ Đàm [cũng] đều thành tựu được. Bởi vì sao? Vì đó là một lộ trình, giống như quý vị đi học đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12, thì chắc chắn tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Còn mấy bộ kinh khác, thì thông thường giống như là chen lớp. Quý vị đang ở trình độ cao lớp 7, [thì] vô học từ lớp 7 đi, không cần phải học từ lớp 1 nữa. Quý vị ở trình độ cao nữa, thì vô Bát-nhã luôn. Vô lớp 12 học luôn đi, thi đậu tốt nghiệp luôn. Nhưng căn cơ quý vị phải cao, còn căn cơ dở thì học từ đầu cho đầy đủ.
Vì vậy những bộ Duy Thức như Luận Câu Xá này, hoặc là A Tỳ Đàm, v.v… những bộ đó là cung cấp kiến thức từ đầu đến cuối, cứ từ từ, từ từ tiến, giống như học từ lớp 1. Và học một cách đầy đủ trọn vẹn giáo pháp của đức Phật, theo một lộ trình rõ ràng, như từ lớp 1 tới lớp 12. [Lộ trình này] hơi chậm, cho nên có nhiều người lười, học hoài mà không thấy tới đâu hết. Nhưng đó là tại vì mình học từ lớp 1 tới lớp 12, thì phải chậm như vậy thôi. Còn nếu mình học chen lớp thì nhanh.
Nhưng đôi khi chen lớp vô, ví dụ như đứa con giỏi lắm, [mình] dạy nó vô lớp 12, một hồi bảng cửu chương không xài được. Tính tích phân, ấn máy tính, tính dữ lắm, khí thế lắm. Một hồi ra hai tích phân, kết quả [vế này] bằng 3, vế kia bằng 6, rồi đến phép cộng thì nó lấy máy tính bấm 3 + 6 =. Trường hợp này hồi xưa Thiện Trang đi dạy nên Thiện Trang biết, có những người học trò như vậy. Thiện Trang mới hỏi: “Ủa chứ học không thuộc bảng cửu chương à? Không biết cộng trừ à?” Nó kêu: “Quên rồi thầy ơi, hồi nhỏ học cái này, không biết thầy cô dạy kiểu gì mà em không nhớ [nên] không biết cộng. 3 + 6 không biết bằng bao nhiêu, [nên] em phải bấm máy tính thôi”.
Vậy thì thôi chứ! Có nghĩa là quý vị học mà không có nền tảng, thì không được. Vậy thì học lớp 12 cho đến [khi] tốt nghiệp như vậy, thì đâu có được. Cho nên cuối cùng bằng tốt nghiệp 12 là bằng không có thực chất, không xài được. Mình học Phật pháp giống như là thuộc bảng cửu chương đó quý vị. Ra ngoài chợ, 3 + 6 bằng bao nhiêu, không lẽ bây giờ mình lấy điện thoại, mở máy tính bấm 3 + 6. Ta phải biết 3 + 6 = 9 ngay, và 3 x 6 = 18 ngay.
Học Phật pháp đến nỗi nhuần nhuyễn như vậy đó, thì khi gặp chuyện gì là Phật pháp ra ngay, giống như học bảng cửu chương vậy đó. Phải học như vậy! Chứ còn mình học kiểu gì, mà khi gặp chuyện là quên hết. Quên thì Thiện Trang cho là kém đi, quên một chút cũng được, [nhưng] lát sau phải nhớ. Còn một hồi sau nói chuyện, rồi người ta nhắc cho cũng không nhớ nữa. Có những đồng tu Thiện Trang nói: “Đời vô thường, thôi kệ họ đi!”. Vậy mà cũng không chịu, rồi thế này, thế kia, v.v… Đó là mình phiền não quá lớn rồi, đến nỗi người ta nhắc luôn mà cũng không nhớ nữa. Tức là có người nhắc cho bảng cửu chương, mà mình cũng không nhớ luôn. Học như vậy thì thôi chứ, đời này chắc kết duyên với Phật pháp, còn chìm đắm trong luân hồi tiếp thôi, chứ không có đường nào ra khỏi, khó lắm!
Bởi vì mình học không vô tâm (vô tâm tức là vào tâm, là ngôn ngữ của Miền Nam), mình [học] phải nhập vào tâm. Giống như Phật pháp, đặc biệt là quán niệm Vô thường, quý vị nhớ được như vậy. Niệm Phật cũng vậy, niệm Phật đến [nỗi] đụng chuyện gì cũng ra niệm Phật. Không biết quý vị thế nào, chứ Thiện Trang thấy dễ lắm, khi tâm mình thanh tịnh rồi, thì Phật hiệu muốn niệm dễ ợt. Còn khi tâm mình lao chao rồi, thì niệm hét bể cổ họng cũng không vô. Cho nên cứ giữ được tâm, [quán niệm] Vô thường, các pháp sanh diệt v.v… thì nhẹ nhàng, hoan hỉ lắm. Lúc đó tu dễ lắm quý vị, Thiện Trang thấy tu từ đó dễ dàng, đâu có khó đâu. Còn hồi xưa mình không biết, mình cứ ráng gào lên, rồi cuối cùng cũng đâu có [vô được].
Quý vị coi đi, trong đời này Thiện Trang chứng kiến bao nhiêu người nhập thất rồi. Những người tu Tịnh Độ nhập thất ba năm rồi đó, mấy năm mấy tháng cũng chứng kiến rồi, riêng Thiện Trang chứng kiến chưa thấy ai thành công. Còn nghe nói thì có, mình không có đủ phước [nên] mình không thấy. Nhưng mấy người nhập thất, đa số nhập mấy tháng là bắt đầu ngán rồi quý vị. Đáng lẽ nhập thất là phải thanh tịnh, [nhưng] niệm một hồi [ngán]. Tức là một câu Phật hiệu niệm tới cùng, họ niệm không nổi. Tu Thiền chỉ không [thôi], không được, chưa biết tu.
Bây giờ chúng ta tu, ta học pháp là quán, rồi cộng với quý vị tu Tịnh Độ thì niệm Phật, còn người nào tu Thiền thì thiền. Quý vị muốn tu môn nào thì tu. Ở đây Thiện Trang giảng môn này, thì Thiện Trang cố gắng đứng ở vị trí trung gian, để Thiện Trang không bị Tri kiến Môn hộ. Quý vị đừng nghĩ Thiện Trang tu Tịnh Độ, rồi ép quý vị tu Tịnh Độ. Không! Quý vị muốn tu môn nào thì tu, tu môn nào cũng được, Thiện Trang đều tán thán hoan hỉ, muốn tu Nam truyền, Bắc truyền, môn nào cũng được. Quý vị nghe Thiện Trang, thấy điều nào hợp lý thì nghe, điều nào không hợp lý thì bỏ qua, coi như ông thầy đó nói gì kệ ổng, nói vậy cho khỏe!
Chứ không rồi nói [Thiện Trang] nhồi sọ, áp đặt quý vị. Không! Thiện Trang không có tư tưởng như thế, thoải mái lắm. Bây giờ ai muốn tu thế nào thì tu, ai muốn nghe thì nghe, ai không muốn nghe thì [cũng] không sao, chúng ta chỉ là cùng nhau đi học. Và Thiện Trang nói rõ ràng: ai chứng ngộ thì đều xác định đức Phật là thầy. Thiện Trang cũng chỉ là đồng học với quý vị. Bao giờ quý vị chứng đi thì là như vậy, không có thầy, chỉ là đồng học thôi.
[Quý vị có] nhớ câu chuyện Tỳ-kheo Mã Thắng độ ngài Xá Lợi Phất [không]? Lần đầu tiên thì ngài Xá Lợi Phất hỏi thầy của ngài là ai? Nhưng sau khi ngài Xá Lợi Phất chứng được Sơ quả rồi, thì ngài Xá Lợi Phất hỏi là: “Thầy của chúng ta ở đâu?”. Từ đó rõ ràng, tức là ngài xác định thầy của mình là đức Phật, chỉ có Phật là thầy.
Bây giờ chúng ta trở lại với kinh văn. Như vậy đoạn này rõ ràng rồi, bữa nay mình biết, là mệt quá thì thà đi ngủ, còn hơn là nghĩ lung tung. Khi nào nghĩ lung tung, phiền não quá, [thì] đi ngủ cũng là một cách giải quyết. Còn bao giờ tư niệm Vô thường được thì tốt hơn, đừng có ngủ, đấy là tốt hơn. Và điều này thì mới được giải thoát.
Hôm bữa chúng ta đã tới đây, bây giờ chúng ta giải thích.
毘婆沙說:造是因義,謂作生等五種因故。顯立名因,故言由此。無表雖以色業為性如有表業,而非表示令他了知,故名無表。說者顯此是師宗言,略說表業及定所生善不善色名為無表。
Tỳ Bà Sa thuyết: Tạo thị nhân nghĩa, vị tác sanh đẳng ngũ chủng nhân cố. Hiển lập danh nhân, cố ngôn do thử. Vô biểu tuy dĩ sắc nghiệp vi tánh như hữu biểu nghiệp, nhi phi biểu thị linh tha liễu tri, cố danh Vô biểu. Thuyết giả hiển thử thị sư tông ngôn, lược thuyết biểu nghiệp cập định sở sanh thiện bất thiện sắc danh vô biểu.
Giải:
#Tỳ Bà Sa thuyết: tức là Luận sư Tỳ Bà Sa, hoặc là Sư Tỳ Bà Sa nói cũng được. Mình có thể ghi Luận sư cũng được, Luận sư tức là người tạo Luận Tỳ Bà Sa nói:
#Tạo thị nhân nghĩa: tạo là ý nghĩa của nhân, ngôn ngữ tiếng Việt mà chúng ta nói như vậy thì hơi khó hiểu. Chữ tạo có nghĩa là nhân, thêm chữ ‘có’ cho dễ hiểu hơn.
#Vị tác sanh đẳng ngũ chủng nhân cố: nên làm sinh ra nhân của 5 loại [Cảnh]. #5 loại Cảnh: cảnh đối với mắt là Sắc trần, cảnh đối với tai là âm thanh, cảnh của mũi là mùi hương, cảnh đối với lưỡi là vị (như vị ngọt, đắng v.v… ), cảnh đối với thân là những [cảm giác] lạnh, nóng, dễ chịu hay khó chịu v.v… Đó gọi là Cảnh.
#Hiển lập danh nhân: hiển bày nguyên nhân của [sự] lặp tên. Lặp tên tức là tại sao mình gọi các tên. Là do từ các Cảnh này [mà] gọi.
#Cố ngôn do thử: nên nói là do đó. Tức là ở đoạn trên, vì hôm bữa mình học giữa chừng, nên quý vị khó hiểu.
#Vô biểu tuy dĩ sắc nghiệp vi tánh như hữu biểu nghiệp: tuy Vô biểu [sắc] lấy Sắc nghiệp làm tánh như có sự biểu hiện của Sắc nghiệp.
Đoạn này hôm bữa hình như [Thiện Trang] giảng rồi, nhưng chắc là quý vị quên rồi. Vô biểu sắc là những [gì] mình không thấy được. Ví dụ chúng ta nghe âm thanh, thì không phải chỉ có tai này không [thôi], mà có những có vấn đề ở bên trong. Cho nên có người thì tai thính, có người thì nghe không thính lắm. Đó là do Vô biểu sắc ở bên trong. Vô biểu sắc là những thành phần nhỏ nào đó, [như] dây thần kinh hay màng nhĩ, v.v… những gì mà mình không thấy được.
Nhưng [những gì] biểu [hiện] ra bên ngoài, thì thật ra là biểu [hiện] của nghiệp. Mình có phước báo, mình có tu những gì ở đời trước, ví dụ như cúng dường cho chùa chiếc chuông, để đánh [chuông], cho nên bây giờ tai của mình được thính. Rồi mình cúng dường dầu để thắp sáng đèn cho Phật, cho nên mắt của mình sáng. Mặc dù nhìn mắt của hai bên giống nhau, thậm chí nhìn mắt của người ta đẹp hơn mình, nhưng mắt của người ta mờ, bị cận. Đó đều là do nghiệp của đời trước. Không phải tự nhiên đâu quý vị, khiến như vậy đó, nghiệp chiêu cảm nên bị cận. Chứ có người đâu có bị cận đâu.
Như Thiện Trang đâu có bị cận đâu. Thiện Trang làm việc trên máy tính dữ lắm, từ bao nhiêu năm nay rồi, mà đâu có bị cận. Không biết sau này có bị không, chứ hiện tại thì không bị. Tức là mình không có bị nghiệp đó. Quý vị nhớ Hòa thượng Trí Tịnh không? Ngài có kể nguyên nhân ngài bị bệnh mắt, mà sau này ngài phải đi mổ đến mấy lần. Đó là khi ngài đi xuất gia, Sư phụ của ngài chắc có Thần thông, nên nói: “Thằng này không khinh thường được đâu, nó năm đời làm Hòa thượng rồi đó. Và nó bị bệnh mắt, là tại vì nó lén nhìn gái (tức là nhìn nữ sắc)“. Tức là đời trước ngài làm Hòa thượng rồi đó, mà lén nhìn gái. Tức là không có nhìn thẳng, nhìn lén lén thôi, thấy cô nào đẹp nên nhìn.
Mình dễ bị [chuyện đó] lắm quý vị. Tu thì tu tâm, nhưng lâu lâu Phiền não khởi. Thiện Trang dám chắc, quý vị cũng vậy thôi. Mình tu, đừng nói tài nói giỏi, một hồi tự nhiên [Phiền não] khởi lên như vậy. Khi khởi lên thì mình biết, là không được nhìn như vậy, nhưng lén lén nhìn, trong tâm nói cô đó cũng đẹp, anh chàng đó cũng đẹp. Đó thì mai mốt bị bệnh mắt đó nha. Đừng có giỡn! Nhớ dùm câu chuyện đó, [mình] bớt quan sát đi. Rồi nghĩ gì là có đó.
Điều này là Vô biểu sắc, là biểu thị nghiệp. Tuy là vô hình, dường như không có, nhưng thật ra là nó biểu hiện nghiệp, chứ không phải là không đâu. Ý của đoạn này nói như vậy đó.
#Nhi phi biểu thị linh tha liễu tri: nhưng không phải biểu thị khiến người khác biết rõ được.
#Cố danh Vô biểu: nên gọi là Vô biểu [sắc].
Đây là giải thích từ Vô biểu sắc. Vô biểu sắc tức là không thấy rõ bên ngoài. Ví dụ quý vị nhìn một người bị cận, thì quý vị đâu biết là họ bị cận. Khi người ta đọc không được, thì mình mới biết là [họ] bị cận. Hoặc [người ta] đeo kính lên, thì mình mới biết họ bị cận, chứ mình đâu có biết. Tức là người khác không biết được. Ở trong đây ngôn ngữ là [phi] biểu thị linh tha liễu tri, tức là không biểu thị khiến cho người ta biết rõ được, nên mới gọi là Vô biểu sắc. Còn Biểu sắc, Hình sắc là ở bên ngoài [nên] mình thấy rõ. Tuy [Vô biểu sắc] ngầm ở bên trong, nhưng nó duy trì tánh nghiệp. Đoạn này ý nói như vậy. Tức là mình tạo nghiệp thế nào, thì tạo những cái ngầm ở bên trong, [nên] khiến ra như vậy. Và có nhiều người đi chữa bệnh, nhưng chữa mãi không hết, chữa không được. Tại vì đó là nghiệp. Nghiệp nằm ở đâu? Nó là Vô biểu sắc, duy trì nghiệp làm tánh, mình hiểu như vậy.
Tức là Luận Câu Xá nói rất rõ, bình thường quý vị đâu có học những điều này. Bây giờ mình học Luận Câu Xá mình mới thấy, là nghiệp nằm ngầm ngầm ở trong đâu đó, nằm trong Vô biểu sắc, đôi khi chưa biểu hiện ra bên ngoài. Biểu hiện ra bên ngoài như người bị khuyết căn, bị mù, hay bị gì đó thì rõ ràng. Nhưng ở đây Vô biểu sắc là ngầm ở bên trong, không [biểu thị] ra bên ngoài.
Giống như tướng tá của ai cũng giống nhau, nhưng giọng nói [thì khác]. Có người thì giọng như anh hùng, mạnh mẽ. Còn có người mặc dù là nam nhi đại trượng phu, nhưng giọng thì éo éo giống như nữ. Quý vị biết đó là [do] nghiệp. Cho nên trong phim Bao Công, có mấy ông công công giọng éo éo. Quý vị biết tại sao không? Nó thay đổi một chút là bị ngay. Đó là Vô biểu sắc, nó biểu thị nghiệp, những điều đó ngầm ở bên trong.
Những bộ Luận Duy Thức hay A Tỳ Đàm thì nói rất rõ những điều này, nói tận cùng nguyên nhân. Chứ còn mình nói nghiệp, [vậy] nghiệp thế nào, nghiệp nằm ở đâu? Nghiệp nằm ở trong [Vô biểu sắc] đó. Cho nên có nhiều người thì giọng ngọt ngào, nghe thấy đã. Còn có người thì giọng nghe chói tai. Như giọng của Thiện Trang thì chắc cũng khó nghe. Tại vì mình luyện ngôn ngữ là nói thẳng, nói thật, trực tính. Đó là nói bào chữa cho mình. Thật ra là tính của mình ngoài thẳng thắng ra rồi, mình cũng hay nói những lời không hay, thì giọng nói sẽ như vậy. Khi mình nói toàn ngôn ngữ tốt, thì dần dần tiếng của mình sẽ là tiếng Phạm âm, tiếng rất hay, giống như Phật. Điều đó phải tu lâu thì mới có được, chứ Ba-la-mật chưa đủ thì chưa có đâu. [Còn] ai mà tu được điều đó, thì được một phần rồi đó.
#Thuyết giả hiển thử thị sư tông ngôn: #thuyết giả là người nói; người nói hiển bày điều này là lời nói căn bản (hay gốc rễ) của Sư [Tỳ Bà Sa]; #tông là căn bản.
#Lược thuyết biểu nghiệp cập định sở sanh thiện bất thiện sắc danh vô biểu: nói tóm lược sắc thiện và bất thiện được sinh bởi nghiệp thiện và bất thiện và định thì gọi là Vô biểu sắc.
Ngôn ngữ này hơi khó hiểu, Thiện Trang xin giải thích rõ thế này. Tóm lại là do đời trước của mình tu tập, là thiện hay bất thiện, và [cùng với] định của mình ở đời trước nữa, những điều đó tạo ra nghiệp. Và nghiệp đó ngầm trong những cơ quan bên trong của mình, nằm trong đâu đó thì không biết. Đó là gọi Vô biểu sắc. Tức là nó không [biểu thị] hình sắc ra bên ngoài rõ ràng, nhưng [lại] duy trì nghiệp thiện và bất thiện, và định lực của mình tu.
Cho nên có nhiều người ở đời này không tu gì hết, nhưng họ có thân tướng rất đẹp. Đó là do thiện nghiệp đời trước mà họ [đã] tu. Và họ cũng rất có định, họ làm việc điềm tĩnh, nhanh nhẹn v.v… Đó là do duy trì nghiệp của họ. Đó là Vô biểu sắc, không thấy được bên ngoài, nhưng khi đụng chuyện mới thấy. Là như vậy đó quý vị. Còn mình lanh chanh, lanh chanh, [làm gì cũng] xẹt, xẹt, xẹt, đó cũng là do nghiệp đời trước của mình. Có những người có nhiều Tập khí lắm, nói ra thì nghĩ mình nghĩ xấu, nhưng thật tế người có nhiều nghiệp xấu lắm. Có người đời trước làm khỉ chuyền cành, xẹt, xẹt, xẹt, làm khỉ vượn quen rồi, nên đời này cũng chí chóe, phải thế này thế kia, không nghiêm trang được. Đó là do nghiệp, do mang theo Tập khí đời trước.
Và đó là Vô biểu sắc, đâu có [biểu thị] ra bên ngoài đâu. Chụp hình lên thì ai cũng đẹp giống ai, đứng nghiêm trang, khí thế. Lên trên mạng thì ai cũng là Thiền sư hết, ai cũng tu ngon lành hết, ai cũng là Cư sĩ chân chánh hết. Diễn mà! Quay video cũng vậy đó. Tu ở Đạo tràng niệm Phật khí thế lắm, tụng kinh nghe pháp ngon lành lắm. Nhưng là lúc đó thôi, còn thật tế thả ra thì theo thói quen (Tập quán nghiệp). Trong tâm thì vọng tưởng lung tung lang tang, đọc kinh thì đọc, miệng niệm Di Đà nhưng tâm để ở đâu, gọi là “miệng niệm Di Đà, tâm nhớ nhà”, kiểu như vậy.
Tức là mình hoàn toàn có những điều đó. Đó là Vô biểu sắc. Và nói thì dễ nhưng tu thì khó. Đây là Thiện Trang nói với quý vị như vậy thôi. Tức là có những giây phút mình tu được, có những giây phút mình tu chưa được. Nếu lúc nào cũng tu được thì chắc làm Thánh nhân rồi, không có ngồi đây. Trừ khi cũng có một số người đi con đường Bồ-tát đạo, muốn thành Phật. Cho nên theo giáo lý cơ bản, thì mình đi theo con đường của đức Phật Thích Ca, do mình nguyện [thế nào đó], nên không chứng các quả vị Thánh của Tiểu thừa. Nhưng Thiện Trang nói số người đó ít lắm, đa số chúng ta sợ sanh tử [nên] lo ra.
Thiện Trang nói, không biết đời quá khứ con phát nguyện kiểu gì, con có phát nguyện đó không, nhưng đời này gặp Tịnh Độ rồi, đằng nào cũng nguyện về Tây Phương Cực Lạc rồi, nên thôi con nguyện chứng quả sớm. Mình dung thông Đại thừa lại quý vị, tức là mình học vừa Nam truyền và Bắc truyền, vừa Đại thừa và Tiểu thừa, mình biết cách dung thông. Đằng nào cũng có con đường ra khỏi luân hồi rồi vô trở lại được, theo Đại thừa mà, thì mình đi con đường đó cho khỏe. Chứ mình đi theo con đường của đức Phật Thích Ca xa quá, thêm 1-2 a-tăng-kỳ kiếp nữa, lâu lắm, hoặc là trăm ngàn Đại kiếp nữa, nghe thấy ngán quá!
Như quý vị thấy ngài Xá Lợi Phất, trong Kinh Nikaya thì không có ghi câu chuyện đó, nhưng hình như ở trong Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập có câu chuyện đó. Ngài Xá Lợi Phất vừa phát nguyện tu Ba-la-mật thì thoái tâm liền, bị vua trời Đế Thích giả dạng xuống xin cặp mắt, thì thoái tâm liền. Ngài kêu thôi ta tu con đường A-la-hán cho rồi. Mà lúc đó quý vị biết ngài tu cũng lâu rồi đó, lúc đó ngài thoái chuyển tâm Bồ-đề. Sau đó vua trời Đế Thích xuống hiện lại nguyên hình, nói ngài phát tâm như vậy, trả lại cặp mắt cho ngài. Nên ngài Xá Lợi Phất mới phát tâm Bồ-đề [trở lại]. Vì vậy ngài tu 1 a-tăng-kỳ kiếp cộng 100 ngàn Đại kiếp nữa, mà ngài mới phát tâm Bồ-đề, đi con đường thành Phật giống như đức Phật Thích Ca. Và quý vị coi trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thọ ký cho ngài kiếp số xa xôi nữa mới thành Phật. Cho nên không có dễ đâu! Đi con đường đó chông gai. Cho nên ai tâm nhỏ thì thôi mau chứng đạo sớm, hoặc là về Tây Phương Cực Lạc đi, cũng có nguyện tốt rồi.
Về đó [hay] sanh vào thế giới khác, thành tựu rồi quay trở lại. Tại vì bên Đại thừa thì có thừa nguyện tái lai, còn Nam truyền thì không nhắc tới điều đó. Nam Truyền nói chỉ có một con đường đi theo đức Phật thành Phật, còn không [thì] thôi, làm vị A-la-hán để ra khỏi sanh tử. Còn không đủ duyên nữa, không có Phật ra đời, thì lo mà chứng quả Độc giác đi. Cho nên nếu mình học, mình biết kết hợp đó quý vị, thì Nam truyền, Bắc truyền gom lại học một lúc hay lắm.
Thiện Trang nói, nếu như bỏ các Chú Giải, Sớ Giải ra, đối chiếu kinh Nam truyền và kinh Bắc truyền thì không khác nhau nhiều, hầu như giống nhau. Nhưng do Chú Giải, Sớ Giải đời sau của các chư Tổ, mỗi người dẫn thêm một chút. Rồi bây giờ thời nay, những người học bên này, học bên kia, dẫn thêm một chút nữa, thành ra chúng ta xa nhau từ đây [và] càng ngày càng xa nhau.
Đấy là Thiện Trang nói chỉ cần coi kinh thôi, thì không xa nhau lắm đâu, [mà] gần. Còn [nếu] coi Sớ Giải, Chú Giải thì xa nhau thêm một chút, và nghe những người đời nay giảng thì càng xa nhau hơn. Vì đa số [những vị] thầy bên Bắc truyền, bây giờ giảng một hồi thì dẫn đi đâu đó. [Chỉ] có một số thầy, một số người thì mới đi theo gốc là kinh điển thôi. Còn bây giờ mở rộng quá, mở rộng theo mình, cho nên có dấu ấn cá nhân trong đó.
Cho nên Thiện Trang khuyên những người muốn hoằng pháp lợi sanh, hoặc những người có tâm với Phật pháp, thì trước hết quý vị chịu khó thâm nhập kinh, lấy kinh làm chuẩn. Còn những người đời sau giảng [thì] mình cũng nghe, mình cũng tôn trọng, nhưng đừng lấy đó làm 100%, nếu như những điều đó không khớp với kinh. Hãy lấy kinh làm chuẩn, gọi là “Y pháp bất y nhân”, chứ không một hồi mạt pháp là do mình.
Vì sao? Vì chính mình tuyên truyền những điều đó, khiến cho dần dần mạnh hơn cái gốc. Tức là nội dung trong kinh có bao nhiêu đó [thôi], mà triển khai một hồi [thành ra] đi đâu luôn, không đúng theo tinh thần của kinh và thậm chí trái với kinh. Mình tưởng mình hoằng pháp, mình tu chư công đức, cúng dường pháp là tối thắng đệ nhất, cuối cùng thì mình gây nhân mạt pháp.
Cho nên Thiện Trang rất quan tâm vấn đề này, Thiện Trang cũng mong rằng sau này sẽ đối chiếu được kinh điển nhiều hơn. Để [điều nào trong kinh] thì ghi kinh, điều nào trong luận thì mình ghi luận, điều nào của người đời nay nói, thì mình nói [điều] này [do] vị này giảng, vị đó giảng, Thiện Trang không tìm thấy trong kinh. [Như vậy] thì tốt hơn. Điều đó thì mình có quyền tham khảo, không có bác, nhưng mình nói không có trong kinh, còn điều nào trái với kinh thì không chấp nhận. Rõ ràng như vậy, gọi là “Y pháp bất y nhân”.
Nếu quý vị hoằng pháp trong tương lai, thì quý vị cố gắng làm như vậy. Đừng để vì [sự] chấp của mình, mà vô tình khiến cho mạt pháp. Đó là vì sao? Vì mình đi xa đức Phật quá, mình triển khai theo một lối nào đó, trong khi mình không biết mình tới đâu. Cho nên là cứ y theo kinh, và quý vị thấy Thiện Trang giảng hầu như căn cứ theo kinh. Hồi xưa Thiện Trang căn cứ theo luận nhiều, nhưng sau này Thiện Trang căn cứ theo kinh nhiều. Và [lấy] kinh làm gốc, còn luận thì tham khảo.
Có một chi tiết, mà Thiện Trang cũng nói luôn. Ví dụ như bây giờ, một bên thì nói chứng Tứ quả A-la-hán thì phải cần tới Tứ Thiền, còn bên khác thì nói là chứng quả A-la-hán chưa hẳn cần đến Tứ thiền. Và tu Thiền quán có thể chứng quả A-la-hán, tức là không cần Thiền chỉ. Chi tiết này Thiện Trang chưa tra cứu được trong kinh tạng, nên không biết là từ đâu. Có thể trong bộ Sớ Giải nào đó, Thiện Trang không biết Sớ Giải nào, cho nên Thiện Trang không biết. Nhưng rõ ràng theo tinh thần ở trong kinh, mà Thiện Trang đã duyệt qua, thì chưa thấy nói điều đó, chỉ có nói là tu Thiền quán thì chứng đắc như vậy. Thông thường các vị tu theo lộ trình chứng Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền rồi chứng A-la-hán, v.v… Hoặc là có người đắc luôn A-la-hán, mà không có [đắc] Thiền nào hết.
Vì trong kinh, có những người thấy đâu có tu gì đâu, đâu có tu Thiền gì đâu, tới nghe đức Phật thuyết một bài [pháp] thì chứng quả luôn. Quý vị thấy không? Người ta chứng quả A-la-hán luôn, [mà] đâu có tu Thiền đâu. Nhưng khi người ta đắc A-la-hán rồi, thì người ta tự nhiên có Thiền định, và Thiền định ít nhất là phải Sơ thiền. Và người ta đắc Tam thiền, Tứ thiền là chuyện nhỏ, bởi vì A-la-hán rồi, với tâm Phiền não hết, Lậu hoặc hết, thì ngồi vô định quá đơn giản, dễ hơn. Mặc dù không có định thì không có Thần thông, nhưng có thể Sơ thiền đối với họ thì dễ.
Thiện Trang thấy lý đó [giải thích] cũng đúng, theo mình thì chắc các chư Tổ cũng có tu có chứng, các ngài đưa ra như vậy, đúng. Mình phải có dẫn chứng rõ ràng, chứ không phải A-la-hán phải tu Thiền ghê gớm, nhiều khi không phải như vậy. Mình phải xác định điều đó. Cho nên tại sao có dòng phái là tu Thiền quán không thôi, là do vậy.
Thiện Trang có bao nhiêu thì đã chia sẻ hết rồi, đoạn vừa rồi là của Thiện Trang, [nên] quý vị có quyền tham khảo. Nói rất rõ ràng, Thiện Trang phân ra ba tầng cấp, và Thiện Trang chịu trách nhiệm với những điều Thiện Trang nói. (1) Theo kinh thì quý vị có thể tra kinh, (2) theo Sớ Giải thì quý vị tra theo Sớ Giải, (3) theo Thiện Trang [thì] quý vị theo. Chứ không có y nhân bất y pháp, bây giờ có nhiều người thờ thầy một cách cuồng tín. Thiện Trang không chấp nhận như thế, và Thiện Trang không đi theo con đường đó. Và quý vị nên suy xét, có những người dù nổi tiếng thế nào v.v… cũng chớ vội tin. Vì chưa chắc người ta nổi tiếng thì đã đúng. Cho dù được nhiều người theo, thì cũng chưa chắc đúng, nếu như chưa đúng với kinh, nên nhớ như vậy! Đó là tinh thần của Kinh KaLaMa. Và không chỉ Kinh KaLaMa đâu, trong Kinh Tăng Chi cũng nói như thế. Quý vị hãy coi để xác định.
Tạm dịch: Luận sư Tỳ Bà Sa nói: Tạo có nghĩa là nhân, nên nói là làm sinh ra các nhân của 5 loại [Cảnh]. Hiển bày nguyên nhân của sự đặt tên, nên nói do đó. Tuy Vô biểu [sắc] lấy Sắc nghiệp làm tánh như có sự biểu hiện của Sắc nghiệp, nhưng không phải biểu thị khiến người khác biết rõ, nên gọi là Vô biểu [sắc]. Người nói hiển bày điều này là lời nói căn bản của sư [Tỳ Bà Sa], nói tóm lược sắc thiện và bất thiện được sinh bởi Biểu nghiệp và định gọi là Vô biểu sắc.
既 言 無 表 大 種 所 造,大 種 云 何?頌 曰:
Ký ngôn Vô biểu Đại chủng sở tạo, Đại chủng vân hà? Tụng viết:
Giải:
#Ký ngôn Vô biểu Đại chủng sở tạo: #ký là đã; đã nói về Vô biểu sắc được tạo bởi Đại chủng.
#Đại chủng vân hà?: Đại chủng là gì?; #Đại chủng là Tứ đại, vì ngài Huyền Trang dùng từ khác.
#Tụng viết: là bài tụng nói rằng.
Tạm dịch: Đã nói về Vô biểu sắc được tạo bởi Đại chủng (Tứ đại), Đại chủng là gì? Bài tụng viết:
Bài kệ thứ 12
Đại chủng vị tứ giới | 大種謂四界, | Đại chủng là bốn giới |
Tức Địa, Thủy, Hỏa, Phong | 即地水火風, | Tức Đất, Nước, Lửa, Gió |
Năng thành trì đẳng nghiệp, | 能成持等業, | Trì thành nên các nghiệp |
Kiên thấp noãn động tánh. | 堅濕煖動性。 | Lấy cứng, ẩm, nóng, động Để mà làm thành tánh. |
Giải:
#Đại chủng vị tứ giới: #Đại chủng là Tứ đại; bốn giới tức là nói bốn loại, giới là phân chia ra. Ngôn ngữ chúng ta nói bây giờ là bốn loại.
#Tức Địa, Thủy, Hỏa, Phong: Bốn đại tức là Đất (Địa), Nước (Thủy), Lửa (Hỏa), và Gió (Phong).
#Năng thành trì đẳng nghiệp: có thể trì và tạo ra được các nghiệp. Thật ra là chúng ta duy trì nghiệp, nghiệp chúng ta nằm ở đâu? Đều là do từ bốn điều này tạo ra, có người hình dáng đẹp như hoa hậu, có người thì xấu như ma lem, là do Tứ đại mà ra. Người thì giọng nói thánh thót như chim nga, người thì giọng giống như con quạ, ai nghe cũng ghét. Đó là do Bốn đại này mà ra. [Bốn đại này] giữ gìn, tạo ra, và thành tựu; chữ #thành là tạo, tạo ra các nghiệp của mình. Nghiệp của mình là do bốn điều này duy trì ra mà thôi. Đất, Nước, Gió, Lửa không phải là đơn giản.
#Kiên thấp noãn động tánh: có những loại tính chất, thứ nhất là #kiên là cứng chắc. Đây là Đất, Đất thì cứng chắc. Những gì có tính chất cứng chắc, như trong người mình có xương cứng đó quý vị, thì gọi là Đất. Đất mình phải hiểu là cứng chắc. #Thấp là ẩm ướt, gọi là Nước. Chỗ nào trong người mình mà ẩm ướt, thì đó là tính chất của Nước, chứ không phải mình nói là nước không thôi. #Noãn là ấm hay nóng, đó là tính của Lửa; #động là chuyển động, là tính của Gió.
Cho nên mình phải hiểu qua, không phải dịch là Đất, Nước, Gió, Lửa rồi suốt ngày nói Đất, Nước, Gió, Lửa không thôi. Mà nói đến Đất, là những gì có tính chất cứng rắn, cứng chắc, thì gọi là Đất. Chứ không phải quý vị hiểu Đất không thôi, thì nghĩa hẹp lắm. Rồi những gì ẩm ướt, thì đó gọi là tính Nước. Những gì có tính nóng, lạnh, thì gọi là Hỏa. Và điều nào có tính chuyển động được, thì gọi là Phong (Gió). Như thân thể chúng ta có cả bốn tính chất này, và tất cả vật chất cũng hầu như cũng có bốn tính chất này. Thân thể chúng ta có những thứ cứng, ví dụ như xương cứng, thì đó là Đất. Có nhiều chỗ trong người thì ẩm, có nước đó, nhiều lắm, chỗ nào cũng ẩm hết. Rồi có chỗ nóng, như nhiệt độ của mình là 37 độ C, là bình thường. Rồi có tính chất chuyển động, ví dụ như máu lưu thông, khí huyết lưu thông, v.v… rất nhiều thứ chuyển động, thì đó là tính chất của Gió. Phải hiểu như vậy thì mới hiểu đúng.
Bộ Luận Câu Xá cung cấp cho chúng ta những kiến thức căn bản này, nên nhiều người hỏi: “Tại sao học bộ Luận Câu Xá dài dữ vậy thầy?”. Đúng rồi! Học từ Tiểu học mà, thì phải học [từ] căn bản này chứ. Ví dụ vô nghe pháp mà quý vị không có nền tảng này, quý vị nghe Đất, Nước, Gió, Lửa, thì mình hiểu sơ sài lắm. Thân Tứ đại [là] Đất, Nước, Gió, Lửa, rồi ngày nào đó người ta nói: “Nói Tứ đại, đâu ông chỉ ra trên người coi”. Lúc đó [mình] chỉ không ra. Do mình hiểu không rốt ráo, sau này mình nghe pháp cao thì mình cũng không hiểu, vì vậy mình mơ mơ màng màng. Cho nên học thì phải học nền tảng là vậy. Nền tảng Tiểu thừa, nền tảng căn bản này mà nhiều người không học. Chịu khó học nha!
Mình còn trẻ thì mình học. Còn người già quá rồi thì thôi, Thiện Trang bữa đầu đã cung cấp cho công thức rồi, già thì thế nào, trẻ thì thế nào. Ai còn trẻ, khỏe [hãy] học, già quá học không nổi thì thôi, chứ mình còn học được thì ráng học. Học không mất đâu, quý vị học trước sau gì thì cũng đắc đạo, ra khỏi sanh tử là nhờ [việc] học này đó, nên hãy ráng học nha!
Tạm dịch:
Đại chủng là bốn giới
Tức Đất, Nước, Lửa, Gió
Trì thành nên các nghiệp
Lấy cứng, ẩm, nóng, động
Để mà làm thành tánh.
Quý vị đọc ở trên và nghe Thiện Trang giảng rồi, thì đọc [bài kệ này] hiểu, còn không nghe giảng thì đọc chắc cũng không hiểu luôn. Vì bài kệ này hơi khó dịch, [nhưng] dịch [như] vậy là rõ rồi.
論 曰:地、水、火、風 能 持 自 相 及 所 造 色,故 名 為界,如 是 四 界 亦 名 大 種,一 切 餘 色 所 依 性 故、體 寬 廣故。或 於 地 等 增 盛 聚 中 形 相 大 故,或 起 種 種 大 事 用 故。
Luận viết: Địa, Thủy, Hỏa, Phong năng trì tự tướng cập sở tạo sắc, cố danh vi giới, như thị tứ giới diệc danh Đại chủng, nhất thiết dư sắc sở y tánh cố, thể khoán quảng cố. Hoặc ư địa đẳng tăng thịnh tụ trung hình tướng đại cố, hoặc khởi chủng chủng đại sự dụng cố.
Giải:
#Luận viết: là Luận nói
#Địa, Thủy, Hỏa, Phong năng trì tự tướng cập sở tạo sắc, cố danh vi giới: tức là Đất, Nước, Gió, Lửa có thể trì được tự tướng; #trì là giữ, giữ được tự tướng và tạo nên Sắc, nên gọi là giới. Chỗ này là định nghĩa chữ giới. Tức là nó có thể giữ được tự tướng các pháp.
Giống như mình là người, thì tướng của mình cũng là Đất, Nước, Gió, Lửa, bốn thứ đó thôi. Mà vô con chó thì [biến] thành con chó. Quý vị thấy hay không? Nó biến ra đủ thứ hết. Nội thân thể mình có bao nhiêu tế bào, [ban đầu] từ một cái phôi, [do] cha mẹ thụ tinh rồi tự nhiên chuyển biến một hồi thành thân thể này. Và theo năm tháng cứ lớn lên, rồi thay tế bào… thay một hồi thành người như thế nào đó.
Mình có một sai lầm thế này, nếu quý vị hiểu rõ thì quý vị đỡ sai lầm. Đó là quý vị nghĩ mình là người hồi xưa, là người hồi nhỏ. Nhưng không phải! Thực tế bây giờ khoa học chứng minh được, là bảy năm các tế bào thay thành mới hết. Có nghĩa là tôi của bây giờ, không phải là tôi của ngày xưa, bảy năm trước và bảy năm sau khác nhau. Mình đã vay mượn những thứ bên ngoài vào, để tạo nên những tế bào mới, và mình đã bỏ đi những tế bào cũ, sự thay thế đó [diễn ra] một cách từ từ.
Cho nên mình có một thân thể khác đi, mà mình cứ nghĩ là thân thể cũ. Và ai hiểu được [điều] đó, thì cũng hiểu được lý vô Ngã luôn. Nghĩa là thân thể này không phải là ta, mà chỉ là giả duyên hợp thành, nó chỉ là như vậy. Thì quý vị cũng quán được một phần trong chấp Thân kiến. Trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, thì ít nhất mình bỏ được Sắc.
Nếu quý vị hiểu sâu hơn một chút, thì quý vị sẽ thấy Thọ, Tưởng, Hành, Thức là nương vào Sắc này, và Sắc này không phải là Sắc xưa. Cho nên Thọ, Tưởng, Hành, Thức đó cũng là giả, không phải có trong ta. Nó chỉ nương vào Sắc giả này mà hiểu, và nhận được cảm thọ (cảm nhận) của mình, rồi sinh ra Phiền não, nóng lạnh, thiện ác, đủ các kiểu. Quý vị quán được như vậy, thì dần dần đi vào vô Ngã, vô Ngã được một phần thì bỏ được Thân kiến.
Nếu quý vị hiểu được như vậy thì tốt, còn không hiểu thì không sao hết, điều này cao quá. Thôi mình học thấp thôi, mình cứ hiểu được tới đâu thì hiểu tới đó. Tóm lại bốn điều này là năng giữ được tự tướng; #tự tướng tức là giữ được tướng của mình, tướng riêng của mỗi chúng sanh, và tạo nên Hình sắc đó, nên gọi là giới.
#Như thị tứ giới diệc danh Đại chủng: bốn loại như vậy; #giới là loại, bốn loại như vậy cũng gọi là Đại chủng (hay gọi là Tứ đại).
#Nhất thiết dư sắc sở y tánh cố: tức là bởi tất cả các Sắc khác; #Sắc tức là Hình sắc (là vật chất), đều nương tựa vào tánh đó. Tánh đó là cứng, ẩm, nóng và chuyển động; #động là chuyển động.
#Thể khoán quảng cố: #thể là hình trạng; tức là thể (bản chất) thì rất rộng lớn; #khoán là rộng; #quảng cũng là rộng, hai chữ kết hợp với nhau là rộng lớn.
Nên quý vị thấy, thật ra bốn tính chất này kết hợp với nhau thôi, nhưng tạo ra Hình sắc và thể rất rộng lớn. Quý vị thấy nội cõi Người của chúng ta [thôi, mà] người da đen, người da đỏ, người da vàng, người da trắng, và mỗi người [đều] khác nhau. Bây giờ khoa học cũng chứng minh được, người ta phát hiện ra là rất khó tìm được hai người giống nhau. Đó là cõi Người thôi đó. Còn các loài động vật khác nữa, đủ các con, con này con kia, nhiều lắm. Như vậy chúng từ đâu ra? Chúng chỉ từ Tứ đại mà ra thôi, từ bốn điều là Đất, Nước, Gió, Lửa gọi là Tứ [đại] hay Đại chủng. Nó có bốn tính chất: cứng, ẩm, nóng, lạnh và chuyển động [mà] tạo ra tất cả Hình sắc (vật chất) [trên] thế giới. Thế giới quy lại có bốn loại đó thôi.
Cho nên bữa sau có ai hỏi: “Tất cả vật chất thế giới có gom lại được không?” Thì quý vị nói có bốn loại: [Đất, Nước, Gió, Lửa]. Bốn loại đó gọi là Tứ đại hay là Đại chủng. Quý vị hiểu được như vậy, thì dần dần mình có nền tảng, sau này vào học mấy bài sau thì mình mới học được.
#Hoặc ư địa đẳng tăng thịnh tụ trung hình tướng đại cố: #hoặc là bởi do; #cố là bởi. Bởi ở trong sự tụ họp này thêm rất nhiều của Đất; #tụ họp là sự tụ tập về hình tướng, tức là tụ họp bốn yếu tố (cứng, ẩm, nóng, động) mà tạo ra rất nhiều hình tướng rộng lớn.
#Hoặc khởi chủng chủng đại sự dụng cố: hoặc khởi lên đủ các loại tác dụng lớn.
Thật ra đơn giản, mình nói ngôn ngữ dễ hiểu, tức là bốn thứ: tính chất cứng, tính chất ẩm, tính chất nóng, lạnh, tính chất chuyển động, mà tạo ra rất nhiều hình tướng khác nhau. Chúng ta có rất nhiều hình tướng, đủ các loại cây, gỗ, người, động vật, v.v… đủ các kiểu. Và không chỉ hình tướng không [thôi], mà tác dụng của mỗi loại [cũng] khác nhau.
Ví dụ nó pha thêm kiểu gì đó, mà thành cây sắt cứng ngắc, hay là thành con người, thành con nhím có lông cứng, thành con cá có xương cứng, thành con nòng nọc mềm ơi là mềm. Kiểu gì cũng chỉ có bốn loại đó thôi, mà pha trộn để tạo ra hình dáng đa dạng, và tác dụng của những loại đó cũng vô biên. Cho nên có thứ tự nhiên cứng, có thứ mềm, có thứ hay nữa là có thể chuyển từ cứng sang mềm, mềm sang cứng. Nó chuyển đủ loại từ khí, từ hơi… Giống như nước, lúc thì là nước ở thể lỏng, mà âm [độ C], hoặc (0 độ C) trở về trước, lạnh hơn thì trở thành chất rắn, và 100 độ C thì thành hơi. 100 độ C là ở các nước chuẩn, còn có một số nước thì chưa tới 100 độ C là nó bay hơi [rồi].
Cho nên [cùng là] vật chất đó thôi, mà có những tác dụng rất đặc biệt, mỗi thứ mỗi kiểu. Cho nên cũng bốn loại đó, mà tại sao ăn loại rau này vô thì tốt, mà ăn loại rau kia vô thì bệnh, nên là đủ các kiểu. Nhưng trong kinh Phật chỉ quy về bốn loại đó thôi. Đây là một cách quy đổi rất hay, và quy gọn rất tốt. Khoa học đâu có quy như vậy đâu, khoa học nói đủ các chất, phân ra bảng nguyên tố tuần hoàn. Ai học Trung học Phổ thông thì biết bảng nguyên tố tuần hoàn, nhiều lắm, quá trời chất [nguyên tố]. Nhưng đức Phật nói bốn loại thôi con, cho đơn giản. Cho nên mình thấy học Phật pháp hay, trí tuệ nằm ở trong này.
Tạm dịch: Luận ghi rằng: Đất, Nước, Lửa, Gió có thể giữ tự tướng và tạo nên Sắc, nên gọi là giới, bốn loại như vậy cũng gọi là Đại chủng, bởi tất cả sắc khác nương vào tánh [đó], nên cách thức hình dạng rất rộng lớn (đa dạng). Hoặc ở trong sự tụ họp thêm rất nhiều của Đất v.v… mà hình tướng rộng lớn (tức là những vật chất bình thường, thật ra là có nhiều tính chất của Đất, nên ra nhiều hình tướng), hoặc bởi khởi lên đủ loại tác dụng lớn (tức là cũng nhiều tác dụng).
此 四 大 種 能 成 何 業 ?如 其 次 第 能 成 持、攝、熟、長 四 業,地 界 能 持,水 界 能 攝,火 界 能 熟,風 界 能 長。長謂 增 盛 或 復 流 引。
Thử tứ Đại chủng năng thành hà nghiệp? Như kỳ thứ đệ năng thành trì, nhiếp, thục, trưởng tứ nghiệp, Địa giới năng trì, Thủy giới năng nhiếp; Hỏa giới năng thục, Phong giới năng trưởng. Trưởng vị tăng thạnh hoặc phục lưu dẫn.
Giải:
#Thử tứ Đại chủng năng thành hà nghiệp?: tức là bốn loại Đại chủng này (hay là Tứ đại này) có thể hình thành ra những nghiệp nào?
#Như kỳ thứ đệ năng thành trì nhiếp, thục, trưởng tứ nghiệp, Địa giới năng trì, Thủy giới năng nhiếp; Hỏa giới năng thục, Phong giới năng trưởng. Trưởng vị tăng thạnh hoặc phục lưu dẫn: tức là Bốn đại này có thể hình thành ra những nghiệp nào? Ở đây như theo thứ tự đó, mà có thể giữ bốn điều; #trì là giữ. Tức là theo thứ tự là Đất, Nước, Lửa, Gió, thì Đất có thể giữ.
Quý vị thấy vật chất là do điều gì mà giữ được tướng? [Là] do tính chất cứng rắn mà giữ được, chứ vật mềm mềm thì đâu giữ được hình tướng đó. Nên tất cả sự tồn tại là do tính chất cứng giữ được. Như Trái đất của chúng ta, hoặc cơ thể chúng ta, do cứng [nên giữ được tướng]. Chứ nếu cơ thể của quý vị mà mềm xèo, thì hình tướng của quý vị không thể giữ được. Đấy là điều đầu tiên. Đất thì có khả năng giữ gìn, bảo vệ, bảo vệ hình tướng, bảo vệ cho mình, nên phải có tính chất cứng rắn. Một người mà mềm xèo thì không được rồi. Phải có cứng rắn, thì mới thành hình người được.
Theo thứ tự đó, thì thứ hai là nhiếp; nhiếp là có thể giúp đỡ. Tức là nhờ Nước mới lưu thông, mới giúp đỡ được, ý nghĩa là như vậy. Thứ ba, thục là tính chất của Lửa, [Lửa] thì giúp lớn lên, lớn mạnh. Thứ tư trưởng là [tính chất của] Gió; [trưởng] có nghĩa là lớn lên, nhưng ở đây phải lấy nghĩa là sinh ra. Tức là nhờ Gió thì mới chuyển động, lan truyền ra được. #Tứ nghiệp là bốn nghiệp đó.
Tức là nhờ bốn điều này, mà duy trì được bốn tính chất nghiệp, đó là: giữ gìn các nghiệp là nhờ Đất, giúp đỡ nghiệp đó hình thành được là nhờ Nước, giúp cho nghiệp đó lớn mạnh lên là nhờ Lửa, và cuối cùng có thể sinh ra thêm nữa là do Gió. Đây là nói chung thôi, còn thật ra mỗi từ này có mỗi nghĩa trong đó, cho nên dịch một nghĩa thì không rõ. Ví dụ như từ trưởng cũng là lớn lên, mà thục cũng có nghĩa là sinh ra, thì đôi khi đảo trong đó, ở đây thì mình tạm dịch như vậy.
#Địa giới năng trì: #Địa giới tức là loại Đất hay là tính chất của Đất, thì có thể giữ gìn.
#Thủy giới năng nhiếp: loại Nước thì nhiếp; #nhiếp là giúp đỡ. Ví dụ mình muốn lưu thông vật chất, lưu thông dinh dưỡng đến cơ thể là nhờ Nước, nước lưu thông.
#Hỏa giới năng thục: tức là Hỏa giới giúp cho mình lớn lên. Mình không có năng lượng, thì làm sao mình lớn lên được. Đó là Lửa, tức là tính chất ấm trong cơ thể mình, giúp cho cơ thể mình lớn lên.
#Phong giới năng trưởng: tức là Gió giúp cho mình sinh ra những tế bào khác v.v… thật ra chữ #trưởng này cũng có nghĩa là lưu dẫn; #lưu dẫn là giúp cho vận chuyển.
#Trưởng vị tăng thạnh hoặc phục lưu dẫn: ý nghĩa của chữ #trưởng là lớn lên hoặc là lưu dẫn, tức là truyền tiếp nữa. Không có Gió thì làm sao mình có thể lớn lên được, rồi mình có thể mạnh mẽ được. Và không có Gió tức là không có tính chất chuyển động, thì làm sao vận chuyển những chất hay vận chuyển cái này tới cái kia được. Ngôn ngữ này hơi khó chịu, nhưng mình hiểu vậy là được.
Tạm dịch: Bốn Đại chủng này có thể hình thành nghiệp nào? Theo thứ tự đó có thể giữ gìn, giúp đỡ, lớn lên, sinh ra 4 nghiệp, (do tự dịch ra như thế này thì không rõ, lẽ ra [Thiện Trang] để nguyên văn, nhưng như vậy thì quý vị không hiểu. [Nếu] để nguyên văn thì tra từ điển từng từ, từng từ, thì có nhiều nghĩa, và nghĩa đó mới bao quát được), Đất giới có thể giữ gìn, Nước giới có thể giúp đỡ, Lửa giới có thể lớn lên, Gió giới có thể sinh ra lớn lên (vì đây là thuật ngữ, [nên] quý vị có thể bỏ chữ giới đi, [mình hiểu] là Gió thôi). Chữ trưởng là tăng lên hoặc là dẫn truyền tiếp nữa.
業 用 既 爾,自 性 云 何?如 其 次 第 即 用 堅、濕、煖、動 為 性,地 界 堅 性,水 界 濕 性,火 界 煖 性,風 界 動 性。由 此 能 引 大 種 造 色,令 其 相 續 生 至 餘 方,如 吹 燈 光,故 名 為 動。
Nghiệp dụng ký nhĩ, tự tánh vân hà? Như kỳ thứ đệ tức dụng kiên, thấp, noãn, động vi tánh, Địa giới kiên tánh, Thủy giới thấp tánh, Hỏa giới noãn tánh, Phong giới động tánh. Do thử năng dẫn Đại chủng tạo sắc, linh kỳ tương tục sanh chí dư phương, như xuy đăng quang, cố danh vi động.
Giải:
#Nghiệp dụng ký nhĩ: tức là nghiệp dụng đã như thế.
#Tự tánh vân hà?: #tự tánh là tính chất; còn tính chất của chúng thì sao?
#Như kỳ thứ đệ tức dụng kiên, thấp, noãn, động vi tánh: theo thứ tự đó, tức là tính chất về cứng chắc, ẩm ướt, nóng, động; những tính chất đó là tính chất của hoạt động làm tánh; #dụng là hoạt động. Điều này thì mình nói ở trên rồi, bốn tính chất này.
#Địa giới kiên tánh: tức là về loại Đất, thì tính chất của Đất là vững chắc, cứng chắc.
#Thủy giới thấp tánh: tính chất của Thủy giới (Nước) là ẩm ướt.
#Hỏa giới noãn tánh: tức là tính chất của Lửa là ấm nóng.
#Phong giới động tánh: tính chất của Phong (Gió) là động.
#Do thử năng dẫn Đại chủng tạo sắc: do điều này mà có thể dẫn đến Đại chủng (Tứ đại) tạo ra Sắc (Hình sắc).
#Linh kỳ tương tục sanh chí dư phương: khiến cho Sắc liên tục sanh đến phương khác.
Tức là không phải Sắc sanh ra thì đứng im đó, mà quý vị thấy một hồi từ chỗ nhỏ mà phát triển to ra, lan rộng ra, nên mới có tính chất truyền dẫn. [Như] cơ thể mình đầu tiên thì nhỏ xíu, mà từ từ to dần ra, lớn lên thành mấy chục ký, đó là do tính chất này.
#Như xuy đăng quang, cố danh vi động: giống như việc thổi ánh sáng của đèn, nên gọi là động. Ý nói Gió có tính chất là truyền ra, giống như thổi ánh sáng đèn thì ánh sáng truyền ra, đó là động.
Nói chung ngôn ngữ này viết theo ngôn ngữ thời xưa, nên hơi khó hiểu. Bây giờ mình có những ví dụ dễ hiểu hơn. Ví dụ như ánh sáng có tính chất truyền ra. Gió cũng vậy, cũng có tính chất lan rộng ra. [Giống như] cơ thể mình cứ [lớn dần]. Hoặc quý vị bỏ [cọng] cỏ xuống, một cọng cỏ [thôi mà] một hồi [nó] bò ra. Cái cây cũng vậy, một hồi lan ra. Thì tính chất lan ra đó là nhờ tính chất của Gió. Quý vị hiểu như vậy là được rồi. Đó là [Thiện Trang] giải thích mấy hiện tượng bình thường.
Tạm dịch: Nghiệp dụng đã như thế, còn tính chất của chúng thì sao? Theo thứ tự ấy tức là dùng cứng chắc, ẩm ướt, nóng ấm, chuyển động làm tính chất, tính chất của Địa giới là cứng chắc, tính chất của Thủy giới là ẩm ướt, tính chất của Hỏa giới là ấm nóng, tính chất của Phong giới là chuyển động. Do đây có thể dẫn đến Đại chủng (Tứ đại) tạo ra Sắc (#Sắc là Hình sắc), khiến cho Sắc liên tục sanh đến phương khác, như việc thổi ánh sáng của đèn, nên gọi là động. (Đây là giải thích chuyển động của Phong).
《品類足論》及契經言:云何名風界?謂輕等動性。復說輕性為所造色,故應風界動為自性,舉業顯體故亦言輕。云何地等?地等界別。頌曰:
Phẩm Loại Túc Luận cập Khế kinh ngôn: Vân hà danh Phong giới? Vị khinh đẳng động tánh. Phục thuyết khinh tánh vi sở tạo sắc, cố ứng Phong giới động vi tự tánh, cử nghiệp hiển thể cố diệc ngôn khinh. Vân hà Địa đẳng? Địa đẳng giới biệt. Tụng viết:
Giải:
#Phẩm Loại Túc Luận cập Khế kinh ngôn: tức là PhẩmLoại Túc Luận và Khế kinh; #Khế kinh là kinh thể loại Trường hàng, nhưng không biết kinh nào, [vì] tác giả không nói.
#Vân hà danh Phong giới: thế nào là Phong giới? Tức là thế nào là Gió, nhưng thuật ngữ gọi là Phong giới.
#Vị khinh đẳng động tánh: chữ #khinh là nhẹ, mềm; tính chất nào cũng đúng hết, và tính chất chuyển động. Tính chất của Gió là mềm, nhẹ, và chuyển động. Ở đây [nói] ba tính chất này.
#Phục thuyết khinh tánh vi sở tạo sắc, cố ứng Phong giới động vi tự tánh: lại nói rằng, tính chất mềm, nhẹ, chuyển động mà tạo ra Hình sắc. Tức là do tính chất là mềm, nhẹ, nên mới chuyển động được. Nên ứng với Phong giới (Gió), thì lấy chuyển động làm tính chất của nó.
Tóm lại là giải thích rõ hơn một tầng nữa, là vì sao Gió chuyển động được. Đó là do Gió nhẹ, mềm. Nếu Gió mà cứng ngắc thì làm sao chuyển động được, nhẹ thì mới chuyển động được. Tức là những gì chuyển động được là do nguyên nhân như thế.
#Cử nghiệp hiển thể cố diệc ngôn khinh: chữ #cử nghiệp là toàn bộ; toàn bộ [sự hiển bày của nghiệp] nên cũng gọi là mềm yếu. Tức là toàn bộ tính chất của Gió thực ra là mềm yếu hoặc là mềm nhẹ. Tức là Gió thì tất nhiên là mềm, và uốn cong [được]. Quý vị thấy gió đi xuyên qua cái này cái kia, nó có thể thay đổi, có lỗ nào gió cũng chui qua được, thổi được, [vì] có tính mềm và nhẹ, và vì nó bay được.
#Vân hà Địa đẳng: thế nào là Địa v.v…?
#Địa đẳng giới biệt: thực ra chữ #đẳng là v.v… là phân biệt ra các loại khác nhau giống như Đất, Nước, Lửa, Gió. Mà ở đây người ta viết ngắn.
#Tụng viết: là bài tụng rằng.
Tạm dịch: Trong Phẩm Loại Túc Luận và Khế kinh nói: Thế nào là Phong giới? Là tính chất như mềm nhẹ, chuyển động v.v… Còn nói do tính chất mềm nhẹ chuyển động mà tạo ra Sắc, nên ứng với Phong giới thì lấy chuyển động làm tính chất của nó, toàn bộ sự hiển bày của nghiệp nên cũng nói là mềm yếu. Thế nào là Địa đẳng? Là các loại giới khác nhau như Địa (Đất), Thủy (Nước), Hỏa (Lửa), Phong (Gió). Bài tụng rằng:
Bài kệ tụng tiếp theo chúng ta để ở bữa sau, Thiện Trang xin chia sẻ tới đây, quý vị hiểu được bao nhiêu thì hiểu. Thực ra những điều này không cần phải ép mình hiểu ghê gớm lắm, chỉ cần hiểu đại ý thôi. Vì ngôn ngữ này là ngôn ngữ thời xưa, và ngài Huyền Trang cũng viết theo kiểu của ngài, nên đoạn này hơi khó hiểu. Thật ra thì kiến thức đơn giản, mình chỉ cần nhớ: tính chất Đất, Nước, Gió, Lửa gọi là Tứ đại hay gọi là Đại chủng. Đất có tính chất cứng, một cái gì đó cứng cáp thì gọi là Đất. Và Đất giữ gìn, bảo vệ tự tướng, hình tướng của các Sắc pháp (là các hình dáng). Đất giữ gìn nghiệp ở trong đó. Nước thì có tính chất là mềm, có tính chất ẩm ướt. Lửa là nóng, lạnh. Và Gió thật ra là tính chuyển động. Mình [chỉ cần] hiểu vậy thôi.
Bốn loại đó tạo ra tất cả Hình sắc, và duy trì các nghiệp, v.v… cho nên người thì mập, người thì ốm, v.v… đều do nghiệp mà ra, đều do bốn loại đó.
Thiện Trang chia sẻ tới đây, hôm sau sẽ tìm hiểu: “Thế nào là yêu thương chính mình”. Đây là định nghĩa của đức Phật. Đức Phật nói thế nào là yêu thương chính mình, quý vị đợi bài hôm sau Thiện Trang sẽ chia sẻ. Hôm nay hết giờ, quý vị cứ nghe Thiện Trang chia sẻ đoạn đầu, đoạn A Tỳ Đàm, v.v… chia sẻ tâm đắc, quý vị nghe được bao nhiêu thì nghe, mình cứ nghe thấy an lạc là được rồi, nghe từ từ sẽ thấm. Tu hành không phải là một bước lên trời được đâu, thật ra mình tu nhiều đời nhiều kiếp, tu dữ lắm rồi. Mỗi đời tu được một chút, rồi duyên nghiệp thế nào đó, ghét ông thầy nên chạy mất, rồi tu một hồi chết mất, rồi tu một hồi bỏ theo ngoại đạo, rồi chồng không cho tu nữa, v.v… nhiều duyên lắm.
Tóm lại mỗi đời tu một chút, đời này tới đây rồi thì ráng tu, nghe được bao nhiêu thì nghe. Quý vị cố gắng nghe, và hiểu được bao nhiêu thì hành bấy nhiêu. Chỉ cần hành một phần là [được] một phần lợi ích. Quý vị thực hành được một chút thôi, còn một bài giảng mênh mông bát ngát như biển cả, nhưng ta không cần uống hết nước trên biển lớn, chúng ta chỉ cần uống một ly là đủ hết khát rồi. Miễn là chịu khó uống, chứ đừng thấy nước biển nhiều quá rồi không chịu uống.
Quý vị uống được một gáo nước là được, múc thêm ít ca để tắm nữa là được rồi, sạch sẽ rồi. Như vậy từ từ mình sẽ chiêm nghiệm. Chứ quý vị làm một phát hết luôn thì quý vị thành Thánh nhân rồi, không phải! Mình ra sông ra biển nước nhiều, nhưng cứ xài được bao nhiêu thì xài, mình cần nhu cầu uống thì uống, cần nhu cầu rửa thì rửa, múc lên rửa, biết lấy nước đúng cách là được.
Giáo pháp của Phật là mênh mông như biển vậy, mình vào chỉ cần biết cách sử dụng là tốt. Chứ không biết cách sử dụng mà nhảy xuống đó chết chìm thì không được. Học pháp phải có trí tuệ, những gì mình học, mình hiểu thì mình hành, những gì chưa hiểu thì để tạm qua đó, đừng cố tình hiểu, để rồi hiểu sai. Và cứ nghe theo năm tháng thì mình sẽ hiểu thôi.
Đó là Thiện Trang chia sẻ, bởi vì có nhiều người nghe nhiều phần khó, phần Duy Thức lúc nào cũng vậy, A Tỳ Đàm cũng vậy. A Tỳ Đàm và Duy Thức có chỗ mấy Pháp sư giảng cũng không được. Mình không hiểu là đúng rồi, đó là bình thường, nếu mình hiểu hết thì mình thành A-la-hán hết rồi. Thậm chí A-la-hán có những chỗ của A Tỳ Đàm cũng không hiểu được.
Mời quý vị chúng ta cùng hồi hướng:
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
“Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo
A Mi Đà Phật!
#luancauxa #thaythichthientrang