Responsive Menu
Add more content here...

Tập 11 – Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu

 

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
 TẬP: 11

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập.

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng.

Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng.

Thời gian: Ngày 21 tháng 8 năm 2012.

Dịch giả: Thích Thiện Trang.

 

          Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, cùng chư vị đồng tu đang xem trực tiếp trên Internet. Chúc quý vị tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Luật Yếu, mời mở trang 27 của sách. Oai nghi thứ sáu là:

          “Thứ sáu: Lễ lạy”

          Đây là dạy chúng ta làm thế nào để tiến hành lạy Phật và lạy thầy. Thứ nhất:

           “Trước phải đánh răng, súc miệng, tắm rửa sạch mới tiến hành lễ bái”

          Đây là giảng tự mình muốn đến lễ thầy, thì trước phải sửa soạn tốt chính mình, súc miệng, đánh răng sạch, tắm rửa thân thể, đều phải rất sạch sẽ, sau đó y phục chỉnh tề, ăn mặc ngay ngắn rồi mới đi lễ kính. Lạy Phật trên điện hoặc là lễ lạy Sư phụ, đều phải dùng tâm cung kính. Nhà Nho cũng nói “Lễ giả kính nhi dĩ hĩ”, lễ là biểu hiện bên ngoài, kính là có ở trong tâm mình.

Điều thứ hai:

          “Lễ lạy không được chiếm ngay giữa chánh điện, đó là chỗ của Trụ trì”

          Vừa mới xuất gia làm Sa di phải nên đứng ở phía sau, đứng sau Tỳ kheo, càng không nên đứng ở giữa chánh điện. Đó là chỗ để nệm lạy của Trụ trì nếu lễ lạy, hoặc là trụ trì hay phương trượng, thỉnh mời thiện tri thức đến giảng Kinh thuyết pháp, trước khi lên tòa có thể phải ra lễ lạy, ngoài những vị ấy ra, người khác không thể lễ lạy ở vị trí đó. Đều phải lễ lạy ở hai bên. Điều thứ ba:

          “Có người lạy Phật, không được đi thẳng qua trước đầu họ”

          Đi thẳng qua, tức là lúc người ta đang đảnh lễ lạy Phật, quý vị liền đi đến trước đầu người ta, người ta là lạy Phật còn phải đảnh lễ quý vị nữa ư? Chúng ta không lãnh nổi đảnh lễ của họ, cho nên không thể làm như vậy, cho dù là vô tình đều có lỗi lầm, vả lại sẽ khiến người sanh phiền não.

Điều thứ tư:

          “Khi chấp tay, không được mười ngón so le, không được trống ở giữa, không được cắm ngón tay vào mũi, nên chấp ngang ngực, cao thấp vừa phải”

          Đây nói trước khi lễ Phật nhất định là chấp tay, vấn tấn người cũng phải chấp tay. Chấp tay nhất định mười ngón phải cùng ngay, hai tay hợp thành một, không thể để ngón tay xòe ra, hợp nhất lại biểu thị sự chuyên chú nhất tâm, quý vị xòe ra thì biểu thị tâm rất tán loạn, cho nên ngón tay cũng ngay ngắn, không được trống ở giữa, tôi đang chấp tay như vầy là bị trống ở giữa, ở giữa không được trống, hai lòng bàn tay hợp nhất, vả lại ngón tay không được cắm vào mũi của mình mà ngoái, như vậy rất mất oai nghi. Phải “ngang ngực, cao thấp vừa phải”, không được quá cao, cũng không được quá thấp, có người để hạ thấp ngay chỗ rốn, thì rất khó coi. Đệ Tử Quy cũng nói lễ lạy phải cung kính: “Chào cúi sâu, bái cung kính”, đây đều là động tác của quý vị phải làm cho trọn vẹn, làm đúng quy củ của lễ, như vậy là cung kính. Chấp tay cũng không được xéo, so le tức là xéo không đều.

Tiếp điều thứ năm:

          “Không được phi thời lễ bái, nếu như muốn lễ phi thời, phải đợi lúc vắng người”

          Lễ lạy cũng phải xem có hợp thời hay không? Thí dụ như mọi người cùng thực hiện thời khóa sáng tối, thì phải làm theo chúng, không thể tự mình làm một kiểu, mọi người đều đang niệm Kinh, đều đang đứng, quý vị lại lễ lạy, thì sẽ ảnh hưởng người khác, toàn cả hàng ngũ cũng lộn xộn. Thế nào gọi là không hợp thời? “Phi thời”, phi thời là không phải lúc lễ lạy, thì không nên lễ. Những lúc nào thì có thể lễ lạy? Mọi người đều tản đi hết, lúc đó thì quý vị có thể tự mình đến Đại điện để lạy Phật, để dụng công, lúc ấy thì không có vấn đề. Tiếp theo điều thứ sáu:

          “Thầy lạy Phật, không được đứng ngang hàng với thầy mà lạy, nên theo sau lạy”

          Chúng ta đi theo Sư phụ lên Đại điện, lúc Sư phụ lạy Phật, có thể Ngài rất tôn trọng, sẽ không lạy ở chỗ trung tâm đó, Ngài cũng lễ ở một bên, chúng ta cũng đứng lễ ngang hàng với Ngài, như vậy không được. Chúng ta không được đứng ngồi ngang hàng với sư phụ, mà phải đứng sau, quý vị thấy vị trí hàng của chúng ta ở đây, là đứng sau ít nhất một hàng. Hoặc có lúc cũng có thể không lễ Phật theo thầy, mà ở sau làm thị giả, như vậy cũng được. Nếu lạy Phật cũng phải ở phía sau, đó gọi là có tôn ti trật tự, chúng ta phải tôn sư trọng đạo.

Điều thứ bảy:

          “Thầy lạy người khác, không được cùng thầy đồng lạy”

          Sư phụ đang bái người khác, có thể là một vị tôn túc, trưởng lão, như chúng ta đi với Sư phụ, đến bái một vị trưởng lão, lúc Sư phụ lễ bái, thì chúng ta không được cùng Sư phụ lễ bái. Như vậy là thể hiện quý vị và Sư phụ giống như bình đẳng, khiến người ta cũng không biết, hai người có phải là thầy trò không? Như vậy là lầm lẫn rồi, quý vị nên đứng một bên làm thị giả, lặng lẽ đứng bên cạnh là tốt, đợi Sư phụ lạy xong rồi, quý vị hướng Sư phụ xin ý kiến: con cũng lạy có được không? Sư phụ đồng ý, thì quý vị ở sau tiếp tục lễ lạy. Đây là chia ra lễ lạy, đều là lớn nhỏ có thứ tự, “người lớn trước, người nhỏ sau”.

Điều thứ tám:

          “Trước mặt thầy, không được cùng với những người ngang hàng lễ nhau”

          Chúng ta ở trước mặt sư phụ, sư phụ đang nhìn chúng ta, thì lúc đó chúng ta, không thể cùng người ngang hàng, đồng học đạo hữu cùng lứa, lễ lạy lẫn nhau, như vậy thì đối với thầy không cung kính, vấn tấn cũng không nên, cũng không được nhận lễ lạy của người khác, đây đều là không cung kính đối với sư phụ. Cho nên ở trước sư phụ thì không được nhận lạy, cũng không lạy người khác. Như chúng ta ở trong Đại điện, chúng ta mới nói, đảnh lễ hoặc hướng Pháp sư vấn tấn, ở trước Phật tôi không thể tiếp nhận, cho nên tôi nhanh chóng nói ‘không cần lễ, không cần lễ’, mọi người vẫn bái, thì không thể hướng về tôi bái, mà nên hướng về tượng Phật bái, đây là quy củ. Tôi ở trước Phật không dám nhận lễ, các quý vị là biểu thị tôn trọng đối với tôi, hô lớn tiếng như: ‘hướng Pháp sư đảnh lễ tam bái’, tôi cũng nói không cần lễ. Có những vị Pháp sư có thân phận trong Tòng Lâm, có đức hạnh khá cao, thì họ có thể tiếp nhận lễ của quý vị, quý Ngài sẽ nói ‘một lễ’, một lễ của quý vị đó, cũng phải đối trước Phật để bái, nơi có Phật thì phải hướng Phật bái, nơi không có Phật thì hướng Pháp sư đó bái. Điều thứ chín:

          “Tay cầm Kinh tượng, không được làm lễ người khác”

          Chúng ta đang cầm quyển Kinh, Kinh là Pháp Bảo một trong Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Phật không còn ở đời thì Pháp Bảo là lớn nhất, cho nên khi chúng ta đang cầm quyển Kinh, mà gặp sư phụ, gặp trưởng lão cũng không cần lễ bái, mà hướng về các Ngài biểu thị thăm hỏi, vấn tấn cũng không cần khom lưng, trực tiếp đưa kinh lên đến ngang mày là được rồi, rồi hạ xuống. Như chúng ta đang cầm quyển Kinh để hướng tượng Phật, cũng không cần phải đảnh lễ, cũng đem quyển Kinh nâng cao, cũng không cần phải khom lưng vấn tấn.

Tiếp điều thứ mười:

          “Không được mặt đồ ngắn lễ người khác, cũng không được mặc đồ ngắn mà nhận lễ của người khác”

          “Đồ ngắn” tức là nội y, khi không có mặt chỉnh tề thì quý vị không được hướng người khác lễ lạy, cũng không được hướng Phật lễ lạy. Quý vị mặc quần sọt, áo thun mà lễ Phật, như vậy nói thế nào? Là chính mình không cung kính. Hướng người khác lạy cũng không được, đều phải ăn mặc chỉnh tề, khi đó mới nên lễ Phật, với người khác cũng như vậy. Thí dụ như quý vị theo sư phụ, làm thị giả cho Ngài, quý vị đến phòng của Ngài, cần sắp xếp làm sinh hoạt cho Ngài, lúc đó có thể Ngài cởi đồ ngoài ra, Ngài chỉ mặc nội y, đồ ngắn, thì quý vị cũng không được hướng Ngài mà lễ. Đây là phải biết rõ lúc nào lễ bái, tất cả lễ phải có xác định; không có xác định cũng như không có lễ.

Tiếp theo là oai nghi thứ bảy:

          “Thứ bảy, Nghe Pháp”

          Dạy chúng ta lúc thính Kinh nghe pháp chú ý có oai nghi. Điều thứ nhất:

          “Y phục chỉnh tề, nhìn thẳng đi về phía trước”

          Quý vị thấy nếu chúng ta vào đại điện, trước khi vào để “nghe pháp”, thì mọi người đều phải y phục chỉnh tề, điểm này mọi người đều làm được rất tốt, đều mặc áo Hải Thanh, người xuất gia ngắn hạn cũng đắp Man y. Sau đó quý vị đi tới Đại điện, không nên vừa đi vừa nói, “nhìn thẳng đi về phía trước”, bước đi bình thản, không được lúc lắc nghiêng qua nghiêng lại, mắt cũng nhìn phía trước, không nhìn xung quanh, lỡ đi đụng vào cột thì phiền phức rồi.

Điều thứ hai:

          “Ngồi phải nghiêm chỉnh, không được nói chuyện, không được ho khạc lớn tiếng”

          Ngồi phải ngay ngắn, lưng thẳng lên, để cho xương cột sống của quý vị ở trạng thái tốt. Khi quý vị cong người thì thật sự nó rất căng thẳng mệt nhọc, ngồi lâu như vậy thì rất dễ làm cho cong cột sống, nên phải ngồi thẳng. “nghiêm” là trang nghiêm, người ngồi thẳng tự nhiên liền sẽ trang nghiêm, trên đầu ẩn chứa, huyệt Bách hội ở trên đỉnh, như vậy sẽ khiến ngồi được lâu, ngồi bốn giờ cũng không mệt mỏi. Có người ngồi xếp bằng cũng được, nhưng xếp chân mà không được lâu, thì có thể đổi chân, nhưng phải cố gắng hết sức nhẹ nhàng, không để ảnh hưởng đến người bên cạnh. Lúc nghe pháp không được “nói chuyện”, tức là không thể nói nhỏ, kề đầu sát tai cũng không được, làm như vậy là không tôn trọng đối với Pháp sư, cũng là không tôn trọng đối với Pháp. Không được ho lớn tiếng, thậm chí nhổ đàm, như vậy đều không được, nhất định phải cung cung kính kính, “một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Ở đây chúng ta có hơn 300 giới tử, nhưng lợi ích đạt được của mỗi người khi nghe pháp có thể không giống nhau, người được lợi ích nhiều đều bởi vì người ta có tâm thành kính, càng thành kính thì càng đạt lợi ích lớn. Lợi ích đó là như thế nào? Giúp quý vị phá mê khai ngộ, giúp quý vị thật sự khế nhập giáo dục của Phật Đà.

Chúng ta xem đến điều thứ ba:

          “Khi nghe pháp, phải nghe kỹ, suy xét; như thật mà tu tập, không được chuyên nhớ danh tự, ngôn ngữ để giúp cho tài ăn nói ”

          Khi nghe pháp phải nghe kỹ càng, thật sự chuyên tâm để nghe. Lúc nghe phải suy xét, suy xét đây, cũng không cần phải đặc biệt dùng não để suy nghĩ, mà chính là phải chuyên chú, thì quý vị có thể nghe hiểu, nghe hiểu rõ đó là tư. Bồ tát gọi là tam huệ văn tư tu, các Ngài là văn tư tu hoàn thành cùng một lúc. Quý vị chuyên tâm, nhất tâm nghe, không có bất kỳ vọng tưởng thì liền nghe hiểu được, liền có thể khai trí tuệ, đây gọi là văn tuệ; tư là nghe hiểu, hiểu đã rõ ràng rồi, khai trí tuệ, thì đó là tư; như quý vị nghe hiểu rồi, liền lập tức trở thành hành vi của chính mình, quán xét bản thân mình, như vậy tức là tu. Hoàn thành cùng một lúc, như thế gọi là nghe hiểu. Cho nên nghe pháp thì chuyên tâm nghe. Trường hợp nghe không hiểu thì phải làm sao? Nghe không hiểu cũng không sao, quý vị không cần băn khoăn, quý vị băn khoăn suy nghĩ thì quý vị không nghe được lời giảng tiếp theo của Lão sư. Nên liền cho qua, sau này với chỗ không hiểu đó, quý vị có thể đột phá được. Hiện nay chúng ta còn có đĩa CD, nội dung bài giảng cũng lên mạng, nghe một lần không hiểu thì nghe hai lần, nghe hai lần không hiểu thì nghe ba lần, nghe mười lần, trăm lần, khẳng định quý vị sẽ nghe hiểu được. Người xưa nói “Đọc sách ngàn lần, tự hiểu nghĩa kia”, quý vị phải bền tâm, nghe nhiều lần liền có thể hiểu.

          Như trước đây, tôi nghe băng ghi âm giảng của Sư phụ Thượng nhân, là một đoạn trích trong Kinh Kim Cang, gọi là Bố Thí Nhẫn Nhục, thời lượng một giờ, tôi đã nghe ít nhất đến trên 100 lần. Tôi đối với giáo huấn của Sư phụ ở trong đó, thật sự đã hiểu được rất nhiều, không dám nói là hiểu toàn bộ, mà nghe hiểu rất nhiều, vả lại đối với sự tu hành hiện nay của tôi, đều có tác dụng chỉ đạo rất tốt. Bởi vì nếu quý vị thật đem một quyển Kinh của Sư phụ giảng nghe rõ ràng, thì liền vô cùng hiệu quả đối với thực hành của quý vị. Sư phụ Thượng nhân chúng ta lúc trước theo Đại sư Chương Gia, ngài Đại sư Chương Gia giảng cho Ngài rất ít, lần đầu nói với Ngài: “Nhìn thấu được, buông xuống được”, sáu chữ này Ngài có thể làm 60 năm, 60 năm đều thực hành sáu chữ đó. Nên Phật pháp chân chánh không ở nghe nhiều, mà ở chỗ quý vị phải thật sự khế nhập, đương nhiên nghe phải nghe cẩn thận, thì quý vị mới chân thật đạt được chỗ lợi ích. Nghe hiểu phải như thật mà tu hành, quý vị thấy văn tư tu, nếu như không tu, không thực hiện, thì quý vị nghe cũng không thể trở thành cảnh giới của quý vị, tức là “không gắng làm, chỉ học văn, chỉ bề ngoài, thành người gì”.

          Nghe Kinh chú ý là phải rời tướng danh tự, lìa tướng lời nói, lìa tướng tâm duyên. Đấy là Bồ Tát Mã Minh dạy chúng ta, lìa ba tướng trên. “Chuyên nhớ danh ngôn”, đó là chấp tướng văn tự, quý vị chuyên môn nhớ danh từ thuật ngữ, để sau nói chuyện với người ta, nói được lôi cuốn, nhưng thật ra đều rất nông cạn, bởi chính mình không có thật sự khế nhập cảnh giới. Vì vậy chúng ta học Phật, không phải vội vàng học để sau này đi nói với người khác, mà quan trọng nhất là sau khi học rồi phải chính mình thực hành trước, chứng minh đại đạo lý của Phật dạy, chứng thực từ thân tâm mình rồi, sau đó biến thành cảnh giới của mình. Khi ấy hãy đi giảng cho người khác, thì mới thật sự cảm hóa được người, bởi đó là cảnh giới của quý vị, quý vị đích thân thể hội, không phải như chim vẹt học nói, nói mà không hành. Đọc Kinh, nghe Kinh đều như vậy, Đệ Tử Quy cũng nói “cách đọc sách, có ba điểm, tâm mắt miệng, tín đều trọng”, đây đều nói là chuyên chú. Tâm, mắt, miệng, đọc Kinh là dùng miệng, nghe pháp là dùng tai, “tâm mắt tai, tín đều trọng”, đều là nghe Kinh. Tai nghe kỹ, mắt nhìn Pháp sư cũng tốt, nhìn Kinh cũng tốt, đều phải chuyên chú, tâm phải hấp thu những giáo huấn đó. Điểm mấu chốt là nhất tâm nghe kỹ càng, bài trừ tất cả vọng tưởng tạp niệm, chuyên chú để nghe, nghe pháp như vậy thì quý vị có thể khai ngộ. Lúc quý vị thường đạt đến nhất tâm, khi Pháp sư giảng ngẫu nhiên một câu nói, thì đột nhiên trong tâm liền có điểm rung động thông suốt, quý vị liền khai ngộ rồi; nếu như quý vị không đến được cảnh giới nhất tâm ấy, thì dù Pháp sư giảng đến khô cả miệng lưỡi, quý vị vẫn là không khai ngộ. Cho nên chúng ta phải dùng nhất tâm để nghe, trong Kinh Phật thường thường dạy chúng ta “lắng nghe lắng nghe”, tức là nói chúng ta nhất tâm nghe.

Điều thứ tư:

          “Không được chưa lãnh hội mà xưng lãnh hội, vào tai ra miệng”

          Nghĩa lý Phật pháp, nếu như chúng ta nghe không hiểu mà nói mình hiểu, đây thật chất là rất nông cạn, mà còn giảng cho người ta, đó là mới vừa vào tai, còn chưa tiêu hóa, chưa hấp thu, thì nhanh chóng “ra miệng”, hết thời Kinh thì giảng cho người khác thao thao bất tuyệt, đây gọi là vừa xào vừa bán, như vậy là không được. Quý vị thấy Đệ Tử Quy cũng nói “thấy chưa thật, chớ nói bừa, biết chưa đúng, chớ tuyên truyền”, những thấy biết đó của quý vị còn chưa thật. Dùng Phật pháp để nói “thấy chưa thật”, ý nghĩa thì rất sâu, mà các thấy biết của quý vị lúc đó vẫn còn chưa thật. Vì sao không thật? Quý vị còn chưa chứng đắc sự thấy đó, thì cái thấy đó không phải là của quý vị, quý vị chỉ là nghe mà nói lại, thì không phải của quý vị. Như thời xưa có một vị Tổ sư khai ngộ mang theo một đồ đệ, bình thường vị Tổ sư rất ít nói, người ta hỏi Ngài Phật pháp, Ngài liền đưa lên một ngón tay, tức biểu thị “nhất”, là bất nhị pháp môn. Sau đó, vị tiểu đồ đệ xem thấy cũng học theo, người ta hỏi, vị ấy cũng giơ một ngón tay, mà thật sự vị ấy chưa chứng được bất nhị pháp môn. Sư phụ vị ấy nhìn thấy, nên có một ngày khi vị này đang giơ ngón tay lên, thì sư phụ đã cầm con dao, chờ đúng lúc đó, liền chém rớt ngón tay, khi đó vị tiểu đồ đệ liền khai ngộ rồi, đem cái “nhất” đó chặt đi, Ngài liền khai ngộ. Ngài đã dính tướng của “nhất”, nên cũng không khai ngộ, vì vậy những cái thấy đó còn chưa thật. Đợi đến lúc quý vị thật chứng nhập, quý vị mới đi nói, thì mới là cảnh giới chân thật của quý vị.

Điều tiếp theo:

          “Tuổi nhỏ, giới lực chưa bền vững, nên theo thầy khổ hạnh rèn luyện, không nên sớm tới trường nghe giảng Kinh”

          “Tuổi nhỏ”, tức là còn chưa thành niên, thông thường Ứng pháp Sa di là 20 tuổi trở lại, đều là những người nhỏ tuổi. Tuổi nhỏ rốt cuộc họ là người tuổi trẻ, tính tình chưa đủ định, cho nên trì giới thì rất khó kiên cố. Tức là tâm tính của họ không đủ thành thục, rất dễ dàng bị ngoại cảnh ảnh hưởng, nếu như sớm đi thính kinh văn pháp, học rất nhiều thường thức, trên thực tế ắt có chỗ chưa tốt đối với sự tu trì của họ. Nên tuổi trẻ cần cần làm thế nào? Cần theo sư phụ của họ “khổ hạnh rèn luyện”, tức là thực hành, phải theo sư phụ giữ giới, do ở theo sư phụ, âm thầm thay đổi, dần dần giúp họ vững chắc loại giới tâm này. Khi được vững chắc thì họ đã trở thành thói quen, làm thành tự nhiên rồi, như vậy khá là ổn định. Còn phải tu nhiều khổ hạnh, vì thường trụ, vì sư trưởng phục vụ nhiều, như vậy vì một cũng là tu phước, hai là để trừ đi sự ngạo mạn, lười biếng, giải đãi của chính mình, thì quý vị mới có thể trở thành một bậc pháp khí.

          Cách dạy người của vị sư phụ ở thời cổ, đều là nhanh chóng để quý vị xuống nhà bếp, đi làm việc trước, căn bản là không giảng pháp cho quý vị. Ngay cả Lục Tổ Đại sư Huệ Năng, bậc căn cánh như vậy, mà đến gặp Ngũ Tổ, Ngũ Tổ thấy rồi nhanh chóng bảo Ngài đi giã gạo, hai lời cũng không nói với Ngài, bảo Ngài đi làm việc, làm tám tháng rồi mới đến xem xét, hỏi Ngài ‘con giã gạo, gạo đã nhuyễn chưa?’ ‘Đã nhuyễn lâu rồi, mà còn thiếu sàng’, sau đó ra cho Ngài chỉ thị, nói Ngài canh ba đêm nay đến phòng Phương trượng, mới giảng cho Ngài Kinh Kim Cang, lúc đó Ngài mới đại triệt đại ngộ. Quý vị thấy Lục Tổ Đại sư Huệ Năng, là căn tánh như vậy, mà còn phải mài dũa tập khí, mài tám tháng rồi, mới mài được thật sạch sẽ, như vậy mới có thể đại khai ngộ. Do đó nếu như chúng ta mới là sơ học, thì không thể mau chóng đi nghe quá nhiều quá nhiều kinh giáo, nghe rất nhiều kinh giáo thì thường thường học rất nhiều thường thức, biến thành sở tri chướng của mình, cũng dễ sanh tâm ngạo mạn, cảm thấy mình nghe được rất nhiều, liễu giải được rất nhiều, thì quý vị không thể có tâm khiêm tốn hướng đến thiện tri thức để thỉnh giáo.

          Cho nên thông thường là đi theo sư phụ để nghe giảng, tốt nhất là nghe một vị thầy thôi, sư phụ bảo quý vị làm gì, thì quý vị theo như vậy. Quý vị thấy Sư phụ Thượng nhân chúng ta theo học tập với Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thì Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam đưa ra ba điều kiện: Thứ nhất, tất cả những gì ông học trước đây đều không tính, bây giờ bắt đầu học từ số không; Thứ hai, ông chỉ được nghe một mình tôi giảng, với những vị thiện tri thức khác đều không được nghe; Thứ ba, ông muốn đọc sách gì phải được tôi đồng ý, tôi sẽ chỉ định cho ông, ông không được tự mình tìm sách để đọc. Ba điều kiện đúng là rất khắc nghiệt, có phải là Lão sư rất hống hách, cảm thấy tự mình tuyệt vời nên phải quy định đối với học sinh như vậy? Không phải. Đó là thật sự thương yêu che chở học sinh, bởi vì học sinh là “Giới lực chưa bền vững”, thấy biết của họ chưa định, lúc đó phải bảo hộ tri kiến của họ, không để cho họ học tùy tiện, họ học bị loạn rồi, mới đi làm cho họ sáng tỏ thì rất khó. Họ hiện tại như tờ giấy trắng, quý vị có thể dạy dỗ họ tốt. Nếu như họ như tờ giấy đã viết lên rất nhiều thứ, quý vị đem nó đi lau chùi thì rất khó khăn. Như chiếc áo sơ mi trắng đã bị nhiều vết bẩn, thì quý vị sẽ rất khó gặt sạch được như chiếc áo mới. Vì vậy thiện tri thức tốt đều thích học sinh như thế nào? Đều là học sinh rất trong sáng, từ trước chưa học qua, từ trước đến giờ họ không có tiếp xúc qua giáo huấn của vị thầy khác, đọc kinh cũng không đọc qua nhiều quyển, vừa mới học Phật, nhưng rất chân thành, rất lão thật, rất nghe lời, hạng người như vậy thì thiện tri thức vô cùng thích dạy, đó sẽ là bậc pháp khí.

          Sư phụ chúng ta năm đó, bởi vì đã học cùng với Giáo sư Phương Đông Mỹ và Chương Gia Đại sư, cho nên Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam liền nêu rõ ra ba điều kiện, xem quý vị có thể tuân thủ hay không? Quý vị không muốn tuân thủ, thì tốt! Quý vị tìm cao minh khác, tôi dạy quý vị không được. Sư phụ chúng ta rất đúng đắn, Ngài có thể tuân thủ ba điều kiện đó, kết quả sau ba tháng, Ngài liền cảm thấy ba điều kiện đó thật tốt, vì sao vậy? Không cho quý vị tùy tiện đi nghe thiện tri thức giảng, là bịt tai quý vị rồi; không cho quý vị tùy tiện xem sách, là che mắt quý vị rồi, nên tâm của quý vị mới được định, được an định; tâm quý vị đã thanh tịnh, thì quý vị nghe Lão sư dạy bảo liền rất dễ dàng khai ngộ, thật sự phiền não nhẹ, trí huệ tăng. Sau này Sư phụ chúng ta mới biết, ba điều kiện đó vốn là sư thừa, không chỉ là của Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam đưa ra, mà quá khứ Pháp sư Đế Nhàn, là Tổ Sư của Tông Thiên Thai, cũng yêu cầu đối với học sinh ba điều kiện đó, điều kiện ấy là Tổ Tổ đều tương truyền.

          Quý vị thấy đây là trong Giới Kinh nói: “Không nên sớm tới trường nghe giảng Kinh”. Quý vị không nên tùy tiện đi thính kinh văn pháp, quý vị chỉ được nghe một mình sư phụ của quý vị, đó là Hòa thượng của quý vị. Cho nên 5 năm học giới, người xưa là 5 năm chỉ nghe một vị thiện tri thức, đợi đến sau 5 năm khi quý vị khai trí tuệ rồi, mới bắt đầu cho quý vị học tập kinh điển, mới nghe thiện tri thức khác. Sư phụ Thượng Nhân chúng ta là kiên trì đến 10 năm, 10 năm chỉ theo học một vị thầy, nên hôm nay Ngài có thành tựu lớn như vậy. Đây là tu căn bản trí, không vội vàng học rộng nghe nhiều, tâm có thể nhẫn được vững chắc, không nông nổi nóng nảy. Học Phật không phải là cần phải thấy nhiều biết rộng, đến học rất nhiều nơi, về sau giảng cho người khác đâu đâu là đạo, mà thật sự họ không khai ngộ, không hiệu quả, không thể liễu sanh tử. Sở dĩ Sư phụ Thượng nhân có thành tựu như ngày hôm nay, đều là do bồi dưỡng của Lão sư lúc đó. Cho nên Ngài cảm ơn công đức của Lão sư, đương nhiên Ngài cũng là một học sinh biết nghe lời, thật sự lão thật, nghe lời, thật làm. Sư phụ Lão nhân gia giảng cho chúng ta điều này, tôi cũng sẽ làm, tôi nghe Sư phụ Thượng nhân đến nay là 20 năm rồi, chỉ nghe một mình Ngài, ngoài Ngài ra tôi đều không nghe. Bởi căn tánh của tôi không bằng Sư phụ Thượng Nhân, phiền não tôi nặng hơn Ngài, Ngài cần 10 năm, Ngài nói người xưa là 5 năm, Ngài đã tăng gấp đôi thành 10 năm, tôi lại tăng gấp đôi so với Ngài, tôi phải 20 năm, 20 năm còn cảm thấy không đủ, nên 30 năm xem thế nào. Cho nên trước khi chưa khai ngộ, thì không được tùy tiện học rộng nghe nhiều, đây là giữ nghiêm theo sư thừa, đối với bản thân tôi thật sự có chỗ tốt.

Chúng ta xem đến oai nghi thứ tám:

          “Thứ tám, học tập Kinh điển”

          Phải học tập Kinh điển như thế nào? Nếu như sư phụ đã cho phép quý vị bắt đầu học Kinh điển rồi, thì quý vị nên thỉnh giáo học Kinh gì. Thứ tự thông thường là:

          “Trước học giới Sa di mỗi mỗi đều có thể làm được, kế đó học Kinh luật Đại thừa, không được lén xem luật tạng Tỳ kheo, mà trở thành trọng nạn trộm pháp”

          Học tập phải có thứ tự, đi dần theo tuần tự, như “mới đọc đây, chớ thích kia, đây chưa xong, chớ đọc kia”. Quý vị không theo trình tự mà muốn vượt bậc, học đến lúc không thành công. Như xây dựng nhà lầu, thì quý vị làm nền móng trước, sau đó xây tầng một, tầng hai, mỗi từng tầng đó xây dựng xong, thì mới vững chắc. Quý vị không xây dựng nền móng, mỗi tầng cũng tùy tiện xây loạn xạ, xây lên tầng hai, tầng ba, thì tương lai nhà lầu sẽ đổ sập. Vì vậy trước phải “học giới Sa di”, đó là nền tảng căn bản nhất của người xuất gia, giới Sa di là bao hàm cả: Ngũ giới, Thập thiện, cộng thêm oai nghi, oai nghi là hành trì của quý vị. “Mỗi mỗi đều có thể làm được”, mười giới 24 môn oai nghi,  quý vị đều có thể làm được, thì sư phụ cho phép quý vị có thể nâng cao lên, sau đó quý vị mới học “Kinh luật Đại thừa”, Kinh điển Đại thừa, giới luật Đại thừa, thí dụ như giới Bồ tát, Kinh Đại thừa cũng không được học quá nhiều, chỉ nên học một môn, cần biết một môn thâm nhập, huân tu lâu dài.

          Sư phụ Lão Nhân gia chúng ta đề xướng cho chúng ta học Kinh Vô Lượng Thọ, chính tôi cũng chuyên tu Kinh Vô Lượng Thọ, đây là kinh mà Sư phụ Lão Nhân gia, đã trải qua nhiều năm để cuối cùng tuyển chọn ra cho chúng ta, tuyệt đối không có sai lầm, Kinh ấy là trung bản của Hoa Nghiêm. Tôi vừa mới thâm nhập kinh tạng, với Kinh Vô Lượng Thọ cũng chỉ hai năm nay, cảm thấy được hiệu quả rất lớn, rất nhiều đồng tu nghe tôi giảng kinh năm nay, so với năm trước đều cảm thấy cảnh giới của tôi mỗi năm không giống nhau. Nếu như nói có gì không giống nhau, thì tôi cảm thấy được là một môn thâm nhập, lúc trước học được khá nhiều, học khá tạp, đương nhiên đó là xây dựng nền tảng. 5 năm trước tôi học những kinh điển nền tảng của Nho Thích Đạo, bao gồm của Nhà Nho, như: Hiếu Kinh, Luận Ngữ; của Đạo Gia thì có Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn v.v.. ; của nhà Phật thì có: Kinh Địa Tạng, Kinh A Di Đà, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, tôi đều giảng những bộ đó, giảng qua từ hai lần trở lên. Tôi học tập là dựa vào giảng lại, bởi vì sự lợi ích của giảng một biến thì lớn hơn so với nghe mười biến, đây là kinh nghiệm của chính tôi. Vì khi nghe, quý vị có thể chưa thật nghiêm túc, có lúc quý vị còn ngủ gật, chểnh mảng để lỡ qua rồi; còn giảng thì không thể như vậy được, từng chữ từng câu đều phải suy nghĩ sắp đặt, không thể nói loạn, cho nên học sẽ nghiêm túc hơn. Đương nhiên những điều đó là do Sư phụ Lão Nhân gia an bài cho tôi, tôi nghĩ có thể là 5 năm đầu học nền tảng giới, sau đó phải một môn thâm nhập, thì lại học một bộ. Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư nói: “học rộng là nguồn của thâm nhập”, tức sau khi thông qua học những bộ đó, quý vị mới biết là học một môn quan trọng. Nên hiện nay kinh nghiệm một môn thâm nhập của tôi, càng sâu hơn so với lúc trước, thật sự Sư phụ đã giảng một môn thâm nhập khá nhiều năm rồi, không phải là mới nói 5 năm nay, nhưng hiện nay thì kinh nghiệm của tôi mới thật sự sâu hơn rất nhiều, niềm tin cũng kiên định rất nhiều.

          Tôi theo Sư phụ Thượng nhân học giảng, hiện nay tôi giảng, vốn là Sư phụ khuyên tôi, con có thể phúc giảng Kinh Hoa Nghiêm, Ngài nói Kinh Hoa Nghiêm độ phần tử tri thức, lúc trước Đại sư Hoằng Nhất tiếp dẫn phần tử tri thức, đều trước khuyên họ học tập Kinh Hoa Nghiêm. Khi ấy tôi cũng phát tâm học Hoa Nghiêm, đó là đầu năm 2007, tức năm năm về trước. Trong lúc Sư phụ đang giảng Kinh Hoa Nghiêm, thì tôi ở bên trong chuẩn bị tư liệu để phức giảng, đây là bộ Kinh lớn, thời gian chuẩn bị rất dài, đồng thời cũng xây dựng nền tảng, cắm chắc ba cái gốc rễ. Kết quả 5 năm đã trôi qua, việc học Kinh Hoa Nghiêm đối với tôi có chút khó khăn là quá cao rộng, dung lượng quá lớn, tuổi tôi cũng càng ngày càng lớn, sắp 40 rồi, sức ghi nhớ cũng không còn tốt như trước, bộ Kinh lớn đó học từ đến bao giờ? Sư phụ còn chưa giảng hết từ đầu đến cuối qua một lần, lần thứ nhất đã giảng 17 năm vẫn chưa giảng xong, mới giảng được một nửa; lần thứ hai cũng giảng chưa xong, giảng đến phẩm 15, cũng đã giảng 10 năm rồi. Vậy tôi từ đầu đến cuối giảng một biến, há chẳng phải mất 30, 40 năm sao? Trường hợp thọ mạng tôi không được như vậy, học tập còn chưa xong mà tôi đã chết rồi, thì phải làm sao? Tôi nghĩ đến đó, không được, tôi không thể học Hoa Nghiêm nữa, tôi trở lại học Kinh Vô Lượng Thọ. Bởi vì tôi nghĩ: thứ nhất tôi tiếp xúc với Kinh Vô Lượng Thọ từ rất sớm, kinh Phật rất nhiều, tôi chỉ quen thuộc Kinh Vô Lượng Thọ, còn kinh khác tôi không quen thuộc, rất quen thuộc kinh ấy, với lại cũng được nghe giảng nhiều lần, lúc trước khi du học tại Mỹ, tôi đã nghe vài lần Kinh Vô Lượng Thọ. Hiện nay học tập thì cần phúc giảng, giảng lại cũng sẽ đơn giảng hơn, chính mình học dễ nắm được tâm đắc hơn. Giảng Hoa Nghiêm, thì cảnh giới đó có chút quá cao, hơn nữa Kinh Vô Lượng Thọ cũng gọi là Trung Bản Hoa Nghiêm, tôi không học Đại Bản nữa, tôi học Trung Bản cũng được. Cho nên nghĩ đến đây, tôi liền báo cáo với sư phụ, tôi nói: Đệ tử đã quyết định, dự định không học Kinh Hoa Nghiêm nữa, học Kinh Vô Lượng Thọ có được không ạ? Sư phụ Thượng nhân gật đầu mỉm cười nói: Tốt.

          Không ngờ, sau khi tôi xin chỉ thị của Sư phụ thì không lâu sau, Sư phụ đã dừng giảng Kinh Hoa Nghiêm rồi, Ngài đổi thành giảng Kinh Vô Lượng Thọ, lúc đó tôi cảm thấy đó là một loại cảm ứng. Sư phụ giảng Kinh Vô Lượng Thọ, không biết mọi người có nhớ không? Đúng vào lễ Thanh Minh năm 2010 thì bắt đầu khai giảng, mới bắt đầu giảng Ngài nói: tôi vì hóa giải tai nạn, nên đem Kinh Hoa Nghiêm tạm dừng, đợi sau khi giảng xong Tịnh Độ Đại Kinh Giải, sẽ lại tiếp tục giảng Kinh Hoa Nghiêm. Sau đó tôi nghe Sư phụ giảng Kinh Vô Lượng Thọ rất hoan hỉ, liền hạ quyết tâm, cả đời này tôi chuyên học Kinh Vô Lượng Thọ. Tôi liền nói với Sư phụ. Tôi nói với Sư phụ: thưa Sư phụ! Đệ tử sắp 40 tuổi rồi, nếu con còn có thể sống 40 năm nữa, con hy vọng mỗi năm giảng một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, 40 năm con giảng 40 biến, có tốt không? Sư phụ nói: Nếu như con có thể giảng 40 biến, con liền có thể làm Vô Lượng Thọ Phật. Sư phụ thật sự khéo dạy dần dần, Ngài khiến quý vị tự mình phát tâm, Ngài thấy quý vị muốn học rộng nghe nhiều, Ngài giảng cho quý vị học Kinh Hoa Nghiêm. Kết quả sau đó chính tôi đã tự hiểu rồi: tôi học không xong, nên tôi học Kinh Vô Lượng Thọ, thật sự Sư phụ càng hoan hỉ càng vui mừng. Về sau trong lúc giảng kinh Sư phụ tuyên bố rằng: sau này không giảng lại Kinh Hoa Nghiêm nữa, bắt đầu từ nay mỗi năm giảng một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, giảng một mạch, Ngài nói tôi sống mười năm thì giảng mười bộ. Tôi nghĩ Sư phụ là làm gương mẫu cho chúng ta, dùng thân giáo để dẫn dắt chúng ta nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, đây thật là bí quyết thành tựu của quý vị. Nếu quý vị là bộp chộp nóng nảy, muốn học rất nhiều, trên thực tế sau cùng thứ gì cũng đều học không thông. Một kinh thông thì tất cả kinh thông, quý vị muốn vừa bắt đầu liền thông tất cả kinh, thì đến sau cùng một chỗ cũng không thông. Cho nên học tập nhất định phải có sự chỉ điểm của thầy, chỉ điểm của thiện tri thức, học điều gì đều phải có Lão sư chỉ điểm. “không được lén xem luật tạng Tỳ kheo mà trở thành trọng nạn trộm pháp”, tức là tự mình không được lén xem giới Tỳ kheo, quý vị vẫn chưa thọ giới Tỳ kheo, mà quý vị lén xem, không được sự đồng ý. Đó là quý vị có tâm trộm cắp, dùng tâm trộm để học pháp thì đây là trộm pháp. Nhưng nói đi thì cũng nói lại, tôi không dùng loại tâm trộm cắp đó, mà tôi thật sự là dùng tâm tốt để học, tôi muốn học tập trước giới Tỳ kheo, để tương lai tôi có thể trì giới được tốt, và đã thông qua sự đồng ý của Sư phụ, vậy thì có thể học. Nên trong đây chú ý là “không được lén xem”, lén là trộm cắp, Sư phụ không đồng ý quý vị học, mà quý vị lén học trộm, như vậy không được. Có người nói rất cứng nhắc, nói Sa di và hàng Bạch y, không được đụng vào giới Tỳ kheo, một khi đụng vào sẽ phạm tội trộm pháp, tương lai quý vị muốn thọ giới Tỳ kheo thì không được thọ, đây chính là hình thành già nạn của quý vị, thì quý vị sẽ không được thọ giới. Nói như vậy cũng có chỗ quá cứng nhắc, vì sao? Thật nếu như không dùng tâm trộm, mà tôi quang minh lỗi lạc để học tập, tôi học tập giới Tỳ kheo cũng không dể dùng soi người khác, xem xét người ta có phạm giới hay không, để cố ý tìm lỗi lầm người ta. Tôi không dùng loại tâm đó, mà dùng tâm cầu pháp để học pháp, thì có thể được.

          Có vị Tổ sư Đại đức nào đã làm việc này hay không? Có! Đại sư Ngẫu Ích là một người như vậy. Đại sư Ngẫu Ích là hơn 30 năm thâm nhập Tạng Luật, đối với giới luật thật sự tinh thông, có thể nói từ thời triều Minh đến nay không có ai vượt hơn Ngài, giới luật Luật Yếu chúng ta đang học đây, cũng do Ngài soạn. Ngài xuất gia thọ giới Sa di năm 24 tuổi, 32 tuổi mới thọ giới Tỳ kheo, từ 24 tuổi đến 32 tuổi là thời gian tám năm, thời gian tám năm đó, Ngài đem Luật Tạng đọc qua ba lần, nếu quý vị nói như vậy không được, thì Ngài đã lỗi lầm, đã không như pháp rồi, vậy thì sau đó làm sao Ngài vẫn được thọ giới Tỳ kheo? Đây nói là không thể chết cứng, Sư phụ của Ngài đã đồng ý, chính Ngài cũng không dùng tâm trộm để học pháp, mà thật sự muốn chính mình học thật tốt, tương lai có thể giữ tốt giới Tỳ kheo, cho nên Ngài học giới Tỳ kheo thì không có vấn đề. Vả lại Ngài không chỉ học, mà còn giảng giới Tỳ kheo, năm 32 tuổi Ngài giảng cho những đồng tu,  một bộ giới bổn Luật Tứ Phần, đem giới bổn Luật Tứ Phần giảng một biến từ đầu đến cuối, sau đó hai năm Ngài mới đi thọ giới Tỳ kheo. Nên không chỉ có thể học, mà cũng được giảng, Tổ sư làm một tấm gương cho chúng ta. Ngài đã đọc Luật Tạng ba biến, đã làm một hội tập, bộ sách đó gọi là, Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, từ trong giới luật, đem trích ra toàn bộ những phần quan trọng, thuận lợi cho chúng ta học tập. Vì vậy việc này tuyệt đối không có vấn đề, chỉ cần không dùng tâm trộm thì có thể được.

          Điều tiếp: “Phàm học kinh, phải bạch thầy trước, khi học xong thì bạch thầy để học tiếp kinh nào”

          Thí như chúng ta đã học bộ kinh này xong rồi, trước khi học bộ kinh nào phải bẩm báo với thầy. Sau khi học xong, cũng hướng về thầy bẩm báo tiếp theo học kinh nào. Lúc trước, tôi từ tháng một năm 2007, bắt đầu học giảng kinh, học tập giảng kinh với Sư phụ Thượng nhân, tôi dùng phương pháp tập giảng để học tập, Sư phụ dạy tôi cắm gốc trước. Bộ đầu tiên tôi giảng là Du Tịnh Ý Công Ngộ Táo Thần Ký, đó là của Đạo Gia, sau đó giảng Đệ Tử Quy, giảng Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, giảng Liễu Phàm Tứ Huấn, giảng Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Kinh Địa Tạng, từng bộ từng bộ, trước khi giảng thì hỏi Sư phụ có được không? Sư phụ nói có thể thì tôi mới giảng. Có lúc tôi hỏi Sư phụ, con tự mình muốn giảng bộ kinh này, nhưng Sư phụ nói, con không nên giảng bộ kinh đó, con nên giảng bộ kia trước.

          Tôi nhớ được, hình như năm 2008, lúc đó tôi giảng xong Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, là dùng An Sỹ Toàn Thư để làm chú giải, giảng hết 100 giờ, Âm Chất Văn giảng được rất chi tiết.. Sau khi giảng xong, tôi hướng Sư phụ báo cáo, hỏi Sư phụ con nên giảng bộ nào? Đây là bộ tôi giảng với thời gian dài nhất. Sau khi hỏi Sư phụ, tiếp theo con nên giảng bộ nào? Sư phụ liền nói giảng Tứ Thư, Tứ Thư của Nhà Nho, thì liền giảng Tứ Thư, trước giảng sách Đại Học, rồi giảng Luận Ngữ, sau đó giảng Trung Dung, Mạnh Tử. Nhưng mới vừa giảng xong Luận Ngữ, bởi vì tôi giảng được rất chi tiết, tôi dùng dùng chú giải của Đại sư Ngẫu Ích, và chú giải Luận Ngữ, của Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thêm tập chú của Chu Hi Chu Phu Tử làm tham khảo, giảng từ đầu đến cuối, đã giảng hai đến ba năm. Sau khi đã giảng xong, giảng xong Luận Ngữ, thì nhân duyên xuất gia chín muồi, tôi liền hỏi Sư phụ, sách Tứ Thư, Trung Dung, Mạnh Tử có thể không giảng nữa được không? Con muốn giảng Kinh Vô Lượng Thọ? Sư phụ nói được. Nên trước khi quý học tập mỗi một bộ, thì ắt phải báo cáo với Lão sư, quý vị phải thỉnh Lão sư làm chỉ đạo.

          Đoạn tiếp:

          “Không được dùng miệng thổi bụi trên kinh”

          Nếu như trên kinh có tro bụi, quý vị không được dùng miệng để thổi, mà nên dùng một miếng vải khô sạch, để lau chùi sạch sẽ đi, đây là cung kính đối với bản kinh, vì nếu như nước miếng của quý vị thấm ướt bản kinh, vậy không phải là rất không tốt sao?

          Đoạn tiếp:

          “Không được để lên kinh án những thứ bao gồm trà, vật nhỏ, tạp vật”

          Bàn để kinh điển, gọi là Kinh án, kể cả bàn thờ Phật, không thể tùy tiện để tạp vật, như trà lá, thực phẩm, những đồ vật không phải là rất thanh tịnh, những thứ không liên quan lớn đến Pháp Bảo, đều nên đem để chỗ khác.

          Đoạn tiếp: “Không được để mũ nón lên quyển kinh”

          Có khi người xuất gia chúng ta, đội một loại mũ, như mũ Bì Qua, ở phương bắc khi thời tiết lạnh, sẽ đội một loại mũ để phòng gió tuyết, khi gỡ xuống, để niệm kinh mà quý vị gỡ xuống, lại đặt lên quyển kinh như vậy là không được. Trên quyển kinh, Kinh Phật đã là chí cao vô thượng, không thể để bất cứ thứ gì ở trên được, đây cũng là biểu thị  sự cung kính đối với bản kinh. Khi gỡ mũ thì nên để nơi khác, nên nói “mũ quần áo, có định chỗ”, quý vị không được để hỗn độn.

          Điều thứ sáu:

          “Không được lấy Kinh Luật Tiểu thừa để lên trên Kinh Luật Đại thừa”

          Đây cũng là có thứ bậc, tuy Phật pháp đều bình đẳng, nhưng Đại thừa xác thật thù thắng hơn so với Tiểu thừa. Kinh điển Tiểu thừa không thể giúp quý vị thành Phật, kinh điển Đại thừa mới có thể giúp đỡ quý vị thành Phật, cho nên chúng ta càng cần phải tôn trọng Đại thừa. Do đó chỗ để theo thứ tự, nên nói “xếp sách vở, có định chỗ”, phải để kinh Đại thừa ở trên kinh tiểu thừa. Như giá sách của quý vị cũng là để từ cao đến thấp, Đại thừa để ở trên, rồi đến Tiểu thừa, ở dưới cùng là để sách thế tục, tuy là việc nhỏ, nhưng đều là biểu hiện sự cung kính của quý vị đối với Phật pháp.

          “Không được để sách ngoại điển trên sách nội điển”

          Cũng như vậy, ngoại điển tức là sách ngoài Phật pháp, nội điển tức chỉ cho kinh điển Phật giáo. Bởi vì Phật pháp gọi là nội học, là hướng nội cầu không phải là hướng ngoại cầu, cho nên gọi là nội điển.

          “Kinh điển hư hỏng, cần gấp rút tu sửa”

          Đây cũng là tôn trọng Pháp bảo, như Đệ Tử Quy cũng nói “có hư hoại, liền tu bổ”. Đọc sách, bản kinh càng về trước thì càng khó tìm được, nên càng cần phải tu bổ, hiện nay cũng phải ái hộ để dùng.

          “Tay không sạch không được cầm quyển kinh”

          Trước khi cầm kinh điển thì nhất định phải rửa tay cho sạch, thí dụ quý vị mới đi nhà vệ sinh xong, “vệ sinh ra, liền rửa tay”, thì không được vội vàng đi cầm bản kinh; ăn xong thứ gì tay có dính dầu mỡ, đều nên rửa tay sạch sẽ trước. Điều thứ mười:

          “Đối quyển kinh như đối Phật, không được cười giỡn”

          Phật tại thế, thì Phật là lớn nhất, Phật không ở đời, thì Pháp là lớn nhất, cho nên chúng ta đối với Phật pháp, đối quyển kinh cũng như đối trước Phật vậy, không thể cười đùa, đây đều là biểu thị sự cung kính.

          “Không được để kinh quyển trật trên bàn ngang dọc mất thứ tự”

          Quyển trật, trật tức là, đóng buộc những sách vở lại, để biểu thị từng loại sách vở kinh điển, không được để trên bàn rất tạp, rất loạn, không có thứ tự, nên sắp xếp thật ngăn nắp. “Bàn sạch sẽ, bút gọn gàng”, ở nơi đây từng chỗ từng chút, chúng ta đều phải dùng tâm cung kính.

Điều tiếp theo:

          “Không được để áo lót, đồ vật không sạch lên bàn kinh”

          Đây cũng là cung kính đối với bản kinh. “áo lót, đồ vật không sạch”, tức là thứ ô uế, và những thứ không sạch, thì không thể đem những đồ vật đó để ra khiến người khác thấy, càng không thể để trên bàn kinh, cũng không được để trên bàn thờ Phật. Thí dụ, khăn giấy lau nước mũi của quý vị, thì không được để cùng chỗ với bản kinh; những đồ của quý vị như vớ, nội y cũng đều không được để ở đó, đây là vài thí dụ, mọi người tự loại trừ những thứ khác.

          “Mượn kinh của người để xem, phải càng quý trọng, chớ để hư hỏng. Nếu mượn mà không trả, giá trị năm tiền là phạm căn bản trọng giới, nên không thể không cẩn thận”

          Đệ Tử Quy nói “mượn đồ người, trả đúng hẹn, sau có cần, mượn không khó”. Quý vị đã mượn kinh sách của người ta thì phải trả kịp thời, có mượn có trả, thì mượn lại không khó. Mượn kinh của người khác phải càng quý trọng, bảo quản tốt, một là cung kính đối với bản kinh, hai cũng là cung kính đối với người mượn. Nếu quý vị mượn mà làm hư kinh sách, cũng khiến cho người ta sanh phiền não, do đó không thể làm hư hỏng. Không được mượn mà không trả, nếu mượn mà không trả lại thì chính là trộm cắp. Nếu giá trị của bản kinh đó là 5 tiền trở lên, giá trị 5 tiền này cũng không cao, thông thường bản kinh đều có thể có giá trị hơn 5 tiền, thì quý vị đã phạm giới trộm rồi. Trộm 5 tiền trở lên thì “phạm trọng giới căn bản”, trộm cắp này là một trong bốn trọng giới căn bản, vậy thì bị mất giới Sa di, không được rồi, nên không thể không cẩn thận.

Đoạn tiếp:

          “Khi người khác đọc xem kinh, không được đi qua gần bàn kinh của họ”

          Người khác đọc kinh, người ta cần phải chuyên chú, thì không thể làm phiền nhiễu họ, nên nói “người đang bận, đừng quấy nhiễu”. Người khác đang đọc kinh, thật đang chuyên chú, quý vị kinh hành trước mặt họ, quý vị cũng tinh tấn, ở bên cạnh họ niệm A Di Đà Phật, người ta nghe quý vị niệm Phật thì sao còn đọc kinh được? Như vậy không được.

Tiếp theo điều thứ 15:

          “Không được lớn tiếng làm động chúng”

          Tức là nói chuyện thì không được nói lớn tiếng, động tác hành vi cũng không nên đụng chạm vật gây tiếng rất lớn. Thí dụ kéo rèm cửa thì“vén rèm cửa, chớ ra tiếng, rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc”, quý vị quay rộng, khiến đụng ngã bàn ghế, làm đổ bể ly ở trên bàn, những điều đó đều không nên bởi khiến đại chúng động tâm. Nên nói “thà làm động ngàn con sông, chứ không làm nhiễu tâm người tu đạo”, quý vị làm nhiễu động người ta, lúc họ đang thật tu đạo, thì nhân quả nầy rất lớn.

Điều tiếp:

          “Sa di bổn nghiệp chưa thành, không được học tập sách của ngoại đạo, tử sử, trị thế điển chương, thơ từ, ca phú v.v..”

          Sa di còn là học sinh, bổn nghiệp của họ là trì giới, giữ giới cho tốt, đem pháp môn của sư phụ dạy cho họ học tốt, tu giới định huệ. Giới định huệ vẫn chưa thành tựu, mà quý vị còn ham thích sách của thế tục, học vấn; học sách ngoài, sách của ngoại đạo, “Sử tử”, Chư Tử Bách Gia, và cả học sử, tất cả kinh sử tử tập; “trị thế điển chương”, sách vở dạy quý vị trị quốc bình thiên hạ; “thơ từ, ca phú”, những thứ ấy đều không nên. Học phải có thứ tự, nếu quý vị học loạn không theo thứ tự, đến sau cùng thì học không thành công. Đệ Tử Quy nói “đang đọc này, chớ nghĩ kia, này chưa xong, chớ đọc khác”, phải đi từng bước. Nếu như thật có tâm cứu đời, thí dụ như tôi muốn học tập những loại ngoại đạo, sách ngoài ấy, thì điều tiếp nói:

          “Trí lực có thừa, vì hàng phục người ngoài nên học tập sách ngoài, nhưng không được sanh kiến giải theo sách đó”

          Trí tuệ quý vị rất cao, năng lực học tập của quý vị rất mạnh, trí nhớ mạnh mẽ, lãnh ngộ mạnh mẽ, quý vị cũng có tâm từ bi cứu đời, hy vọng thông qua học tập những kinh sách ngoại đạo, những kinh sử tử tập của thế gian, thí như Quần Thư Trị Yếu, đó là điển chương trị thế do Đường Thái Tông biên soạn, học xong có thể tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ, đối với thế gian là vô cùng tốt. Nếu quý vị “trí lực có thừa”, ngoài những nội dung của phần nội điển chính mình đang học tốt, còn có thừa sức nên nói “có thừa sức, thì học văn”, như vậy thì có thể học. Mục đích học tập là vì: “hàng phục người ngoài”, tức người ngoại đạo. Thế nào gọi là ngoại đạo? Ngoài tâm cầu pháp gọi là ngoại đạo. Phật pháp là hướng vào trong để cầu, biết ngoài tâm vô pháp. Phật pháp nói một khi minh tâm kiến tánh, quý vị rõ ràng tâm của mình, thấy rõ tánh của mình, thì toàn bộ pháp thế gian, pháp xuất thế đều thông đạt, bởi vì toàn bộ bên ngoài là do trong tâm của quý vị biến hiện ra. Mà quý vị không theo cầu đạo trong tâm, lại đi truy cầu cảnh giới bên ngoài, nên gọi là ngoại đạo. Quý vị vì muốn hàng phục ngoại đạo, bởi họ tin thờ những học vấn của họ, quý vị muốn giúp đỡ họ, muốn học những thứ của họ, như vậy thì có thể được.

          “Học tập sách ngoài”, nhưng không được “sanh kiến giải theo sách đó”. Vì trên thực tế nói, tất cả pháp đều là Phật pháp, như chúng tôi giảng sáng nay, tất cả sách vở của ngoại đạo cũng là Phật pháp, quý vị nói Thánh Kinh của Cơ Đốc giáo, có phải là Phật pháp không? Kinh Cổ Lan của Hồi giáo, có phải là Phật pháp không? Và còn có sách của Nho, Đạo, Chư tử bách gia có phải là Phật pháp không? Đợi quý vị giác ngộ rồi, thì pháp pháp đều là Phật pháp, tất cả pháp bình đẳng, không có cao thấp. Vì sao? Quý vị đã dung thông được rồi, thì quý vị học tập thì không có vấn đề, quý vị sẽ không sanh kiến giải theo sách đó, quý vị sẽ không bị ảnh hưởng bởi chúng, quý vị có thể dùng những học vấn đó của họ, dùng Phật pháp để giúp họ nâng cao. Như Đại sư Ngẫu Ích chú giải Tứ Thư, đem Tứ Thư giải thích thành nhất thừa liễu nghĩa của Phật pháp, như vậy thì không vấn đề. Quý vị đọc Quần Thư Trị Yếu, thì cũng có thể đem Quần Thư Trị Yếu giải thích thành nhất thừa liễu nghĩa của Phật pháp, vậy thì sẽ có giúp đỡ rất lớn đối với thế gian, mà không ảnh hưởng đến chính mình, như vậy thì được. Nếu không có loại năng lực như vậy, thì tốt nhất quý vị hãy lo phần bên trong của quý vị, quý vị phải học tốt bốn gốc trước, sau thâm nhập một môn, tìm một bộ Kinh Phật để học tập. Nếu học Tịnh độ, thì tốt nhất là tìm Kinh Vô Lượng Thọ, vì đây là Tịnh độ đệ nhất Kinh.

          Hiện nay tôi cũng vẫn là bậc ấy, chính tôi cũng không đủ khả năng học tập những kinh sử tử tập đó, dù những sách ấy tôi vẫn có năng học được, cũng có năng lực giảng, nhưng cũng không nên giảng, tôi nên thâm nhập một môn, và khuyến khích những vị đồng tu tại gia phát tâm, đặc biệt là những đồng tu tại gia, họ đến học, thì tương lai họ có thể làm, vì quốc gia, vì người lãnh đạo, đề xuất ra khuyến nghị sách lược rất tốt, giúp nước cứu dân, là điều tốt. Nhưng vì tôi là người xuất gia, nên tốt nhất tôi nên làm phần bên trong của Phật pháp, chuyên tu Tịnh độ, đó là tự biết hiện nay mình ở giai đoạn nào. Như Sư Phụ Lão Nhân gia chúng ta cũng là như vậy, Ngài khuyến khích người khác phát tâm học Quần Thư Trị yếu, còn chính Ngài chuyên giảng Kinh Vô Lượng Thọ, chuyên giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải. Quý vị là người năng lực có hạn, thì quý vị chỉ có thể học một bộ, vì học một bộ thì có thể học rất tốt, nếu học nhiều bộ thì rất khó mà học tốt được, nên nói muốn tất cả thông thì tất cả đều rối bù, một bộ cũng làm không tốt.

Điều tiếp:

          “Không được lựa chọn quyển kinh ứng phó đạo tràng để học trước”

          Đây là nói không được chuyên môn kén chọn những quyển kinh làm Kinh sám Phật sự để học, vì sao như vậy? Để ngăn chặn đứt tâm tham của quý vị, tâm tham danh văn lợi dưỡng của quý vị. Bởi từ xưa đến nay, đặc biệt hiện nay rất là nghiêm trọng, rất nhiều đạo tràng đều muốn ứng phó Phật sự, làm Kinh sám Phật sự. Cho nên người xuất gia đều phải học những Kinh sám Phật sự đó, như Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, Pháp hội Thủy Lục, những Kinh sám ấy có thể kiếm tiền, vì cuộc sống, vì miếng ăn của mình, mà đi học tập, như vậy là không được. Đã xuất gia, thì phải buông xả tất cả, không vì kế sinh nhai của mình, mà đi làm Kinh sám. Đương nhiên nếu quý vị làm vì để độ chúng sanh thì có thể, thí dụ như lúc trước, Lão Hòa thượng Bổn Hóa bế quan ba năm, mỗi ngày làm đàn Đường Diễm Khẩu, chuyên môn để độ cho quỷ thần, đó là độ cho quỷ thần, như vậy thì được, đây không phải là Kinh sám Phật sự, Ngài làm việc này, không phải là để ứng phó Phật sự, cũng không dùng việc đó để kiếm tiền, mà để chính mình tu hành, từ bi độ chúng sanh, đây thật là đáng tán thán.

          Với chính tôi, thì tôi không học Kinh sám Phật sự, tôi vốn rất hứng thú với Tam Thời Hệ Niệm, vì tôi từng tham gia Tam Thời Hệ Niệm, tham gia rất nhiều lần, từ 20 tuổi trở đi thì tôi thường hay dự Tam Thời Hệ Niệm ở tại nước Mỹ. Do đó đối với Tam Thời Hệ Niệm rất thành thục, có một lần tôi thưa hỏi Sư phụ: về sau nếu có cơ hội, con làm chủ pháp Tam Thời Hệ Niệm có tốt không? Sư phụ liền nói với tôi: con giảng kinh thì được rồi, nên tôi nghĩ sư phụ nói đúng, đây là điều tôi cần nên nói, cả đời này tôi sẽ không học những việc đó nữa, không đi tìm quyển kinh ứng phó đạo tràng để học, mà tôi chỉ học Kinh Vô Lượng Thọ. Dù cho tương lai không có người nghe, thì tôi tự mình đối trước máy quay phim giảng, bởi vì tôi đã quen giảng trước máy quay phim rồi, trong phòng quay đều không có người, thì đối trước máy quay, như ở chỗ không người.

Tiếp theo là oai nghi thứ chín:

          “Thứ chín: Đi vào chùa viện”

          Đây là nói quý vị phải biết quy củ của đạo tràng, khi “đi vào chùa viện”. Không thể đi ngang xương.

          “Đi vào cửa chùa viện không được đi ở chính giữa, phải đi men theo bên trái, bên phải, đi bên trái thì bước chân trái trước, đi bên phải thì bước chân phải trước”

          Quý vị đi vào Tự Viện, không được đi ngay giữa đường, Nếu quý vị đi ngay giữa đường, thì quý vị là người nào? Là Phương trượng Trụ trì ư? Quý vị mới xuất gia là tiểu Sa di, thì quý vị đi sát lề, nên phải “đi men theo bên trái, bên phải”, hoặc đi bên trái, hoặc đi bên phải, quý vị muốn vào Đại điện cũng không thể đi cửa chính, cửa chính là của Phương trượng Trụ trì đi, hoặc khi đi lên tòa giảng pháp, lúc đó thì đi được, bình thường tôi cũng không dám đi cửa chính, tôi đều phải đi từ cửa bên. Lúc vào Đại điện, nếu quý vị đang bên trái, thì quý vị bước chân trái trước, quý vị bước vào cửa Đại điện thì bước chân trái, như từ bên trái cột đó bước vào. Nếu quý vị từ bên phải đi vào, thì quý vị bước chân phải trước, không thể bước sai, ý nghĩa là như vậy.

Điều thứ hai:

          “Không có lý do thì không được lên Đại điện dạo chơi, không có lý do thì không được lên tháp ”

          Lên Đại điện đều vì thời khóa sáng tối, làm Phật sự. Thế nào là Phật sự, chân chánh Phật sự là dạy học, như chúng ta hiện đang dạy học, gọi là chân chánh Phật sự. Bởi thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài không làm qua Kinh sám Phật sự, không phải là khái niệm Phật sự như trong thời hiện nay, Phật sự của Ngài là giảng kinh thuyết pháp, gọi là nhị thời thuyết pháp, hai thời, một thời cổ Ấn Độ là bốn giờ của chúng ta hiện nay, hai thời tức là tám giờ, Ngài giảng kinh tám giờ, ngày ngày không gián đoạn, đã giảng 49 năm. Cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật là người thế nào? Chúng ta nói cho Ngài một chức danh: Ngài là người làm công tác giáo dục đa nguyên văn hóa xã hội, Ngài là người làm công tác giáo dục, đó là chức danh của Ngài, vả lại Ngài làm nghĩa vụ, không thu học phí.

          Do đó, hiện nay chúng ta học Phật, như chính tôi đã phát nguyện xuất gia, lúc tôi xuất gia, Sư phụ Lão Nhân gia cũng tham dự lễ quán của tôi, Ngài nói với tôi: đã xuất gia rồi, thì phải có sứ mạng đưa Phật giáo trở về lại nền giáo dục. Hiện nay muốn trở về nền giáo dục, thì phải giảng kinh thuyết pháp, thực hiện dạy học, mở các lớp dạy học, như chúng ta hiện nay là dạng mở lớp dạy học, mọi người tập trung để học tập, là lớp học ngắn hạn. Tương lai có thể học tập lớp dài hạn, thí dụ như có người thật sự phát tâm, nói tôi đời này muốn học tập Kinh Vô Lượng Thọ, để tương lai hoằng dương Kinh Vô Lượng Thọ, thật có người trẻ tuổi phát tâm như vậy, thì cũng có thể học tập lớp dài hạn. Học ba năm, thậm chí 10 năm, trước phải cắm chắc tốt bốn gốc rễ nền tảng, sau đó nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, tương lai có thể hoằng pháp lợi sanh, đây cũng là việc tốt. Như quá khứ Lão Hòa thượng Đàm Hư đến Hồng Kông để lập Hoa Nam Học Phật Viện, lúc đầu tôi đã nhầm với cái tên này, tôi đã gọi là Hoa Nam Phật Học Viện, kết quả Hòa thượng Sướng Công chúng ta, tức ân sư thế độ cho tôi đã giúp tôi cải chánh rồi. Ngài nói: Không phải là Hoa Nam Phật Học Viện, con thấy hiện nay rất nhiều người đều không biết, chỉ có sư phụ biết, gọi là Hoa Nam Học Phật Viện. Tôi nghe rồi sáng mắt, Đàm Lão không hổ danh là người truyền tông Thiên Thai đời thứ 44, Lão Sư của Sướng Công chúng ta, Ngài dùng Học Phật Viện là dạy chúng ta phải học Phật, không nói Phật Học Viện, đem Phật học biến thành học thuật để học rồi. Chúng ta không phải làm học thuật, chúng ta là học Phật, hướng theo Thích Ca Mâu Ni Phật mà học, học giống được như Ngài, thì quý vị liền thành Phật, cho nên là Học Phật Viện, danh từ này hay! Thật sự có người đến học tập, thì Sướng Công cũng có thể mở lớp học như vầy, chúng ta cũng có thể đến học tập, đây là chân chánh phát tâm, là việc rất tốt.

          Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là hai thời thuyết pháp, hiện nay chúng ta rất khó làm được như vậy, phải giảng tám giờ mỗi ngày. Hôm qua và hôm nay có thể nói: mỗi ngày chúng tôi giảng kinh tám giờ, nhưng ngày nào cũng giảng như vậy thì không chịu nổi. Hiện nay Sư phụ Lão Nhân gia chúng ta, mỗi ngày giảng bốn giờ, một tuần lễ là 28 giờ. Còn tôi trong một tuần, thì hiện nay chỉ riêng tuần này ở tại Chùa Viên Minh, sáng thứ bảy và buổi chiều thứ bảy tôi giảng 3 giờ, tối thứ bảy giảng 2 giờ tại các Học hội, chủ nhật giảng 4 giờ, và thứ tư tôi giảng 2 giờ, cộng lại đại khái là 11 giờ, trong một tuần lễ. Nên thời ấy mỗi ngày Đức Thế Tôn giảng 8 giờ, thật sự là không dễ, thân thể cũng phải khỏe. Người giảng phải có sức khỏe như vậy, người nghe cũng phải có sức khỏe, mỗi ngày nghe 8 giờ cũng rất mệt mỏi, có phải không ạ? Nên chúng ta có thể phát tâm như vậy là tuyệt vời. Lúc trước Sướng Công nói với tôi: Con thường ở trên giảng, nghĩ rằng người ngồi nghe rất dễ chịu, nhưng thật ra người ngồi nghe khó khăn hơn, mệt mỏi hơn người giảng. Tôi nói phải phải, thật đúng là như vậy. Nên mọi người thật rất tốt, rất đáng để tôi kính phục, quý vị vỗ tay cho chính mình nào.

          Trong đây nói “Không có lý do thì không được lên Đại điện”, tức là không thể tùy tiện đi vào trong Đại điện, nói tôi ở đó đi tản bộ, ăn no rồi không có việc làm nên đến đó tản bộ, vậy không được. Phải khi nào có việc chính đáng, nên nói “Không có việc không lên Điện Tam Bảo”, có việc chính đáng, có Phật sự chính thức mới lên Điện Tam Bảo. Quý vị muốn tản bộ thì quý vị có thể đi ở ngoài cửa, đương nhiên nếu như đi nhiễu Phật niệm Phật thì được. Và “không có lý do thì không được lên tháp” cũng như vậy, đây là kính trọng với những vật của Tam Bảo.

          “Vào Điện Tháp, phải hướng nam đến tây, đến bắc đến đông, hữu nhiễu, không được di chuyển theo bên trái”

          Đây là phương hướng của đi vòng, tức là theo chiều quay của kim đồng hồ, từ nam đến tây, đến bắc, đến đông, đó gọi là “hữu nhiễu”, không được trái nhiễu, trái nhiễu là ngược lại với vòng quay của bánh xe chuyển pháp luân, phải thuận theo chuyển pháp luân, đây là một loại quy củ.

Tiếp theo điều thứ tư:

          “Nhiễu tháp hoặc 3 vòng, 7 vòng, cho đến 10 vòng hoặc trăm vòng. Phải biết số biến”

          Chúng ta “nhiễu tháp” phải có số mục nhất định, chính mình phải biết, không được để tâm đâu đâu mà nhiễu tháp, tâm không chuyên chú tức là không thanh tịnh, là không cung kính. Do đó, nhất định phải chuyên chú trong lúc nhiễu tháp. Nhiễu tháp 3 vòng, 7 vòng, 10 vòng, 100 vòng, quý vị phải biết số vòng nhiễu tháp là bao nhiêu, trong tâm quý vị tự mình đếm số cũng là giúp quý vị chuyên chú. Nếu người tu hành mà từng li từng tí, với những hành vi đều rất lưu tâm, rất chú ý, rất kĩ càng, thì lực quán chiếu lúc đó sẽ rất mạnh. Nếu như tâm tản mạn, thì là người không có định lực, họ đều không biết gì đối với những việc mình đã làm, vừa mới nói điều gì, quay đầu thì quên, vừa mới để cái gì, quay đi cũng đã quên, như vậy là sao? Là tâm không có định lực. Vừa mới làm việc gì đều rõ rõ ràng ràng, rành mạch phân minh thì tâm quý vị là thanh tịnh, giống như hồ nước rất yên tĩnh, cảnh giới bên ngoài chiếu đến rất rõ ràng.

          Tôi nhớ có một lần đi cùng Sư phụ Thượng Nhân, hình như đến Nhật Bản, để tham gia hội nghị Giáo Khoa Văn của Liên Hiệp Quốc. Trong thời gian tại hội nghị, chúng tôi có cơ hội đi ra ngoài tham quan, khi đã tham quan xong, phải từ cầu thang đi xuống lại, giống như trong chùa Viên Minh này có cầu thang đi xuống, đi một đoạn đường thì Sư phụ quay đầu hỏi tôi: con có biết con vừa mới đi xuống bao nhiêu bậc thang không? Tôi trố mắt nhìn, tôi đáp: con không biết. Sư phụ nói với tôi: là 96 bậc. Tâm địa của Ngài thanh tịnh như vậy, làm việc gì đều chuyên chú. Đó là thế nào? Trong tâm Ngài không có vọng niệm, đang làm việc gì thì tập trung toàn bộ tinh thần để làm, ngay cả đi đường Ngài đều rất tập trung, nên đi đường thì tự nhiên Ngài cẩn thận. Quý vị thấy Ngài hơn 80 tuổi mà thân thể khỏe mạnh, bởi vì làm việc gì cũng đều chuyên chú.

          Có lần Ngài kể với tôi, vì Ngài ở trong phòng nhỏ một mình, rất nhiều việc đều do Ngài tự làm, không cần người khác làm. Có một lần Ngài muốn leo lên trên đầu tủ để lấy vật gì đó, kết quả do chiếc ghế không được vững, nên Ngài hụt chân té xuống, Lão Nhân gia hơn 80 tuổi té ngã thì rất nguy hiểm! Ngài đang té nửa chừng trên khoảng không, thì vẫn rất là sáng suốt, sau đó Ngài xuống đất ở tư thế cuộn người lại, kết quả một vết thương đều không có, sự phản ứng vô cùng nhanh nhẹn. Lúc Ngài kể với tôi, tôi nghe vừa lạnh toát người lại, nhưng cũng vừa vui mừng và bội phục, Lão Nhân gia võ công cao cường. Ngài có thể làm được như vậy bởi vì Ngài vô cùng chuyên chú, trong tâm không có tạp niệm, Ngài không có nghĩ đến việc khác, nên Ngài phản ứng vô cùng nhanh nhẹn. Nếu như trong tâm quý vị đều nghĩ đến việc khác, thì quý vị không thể phản ứng nhanh nhẹn như vậy, quý vị mà không phản ứng kịp, thì nhất định sẽ té bộp thật nặng xuống đất, vậy thì bị gãy xương rồi. Nên từ trong đó xem thì biết người ta là có tu hành hay không.

Điều thứ năm:

          “Không được đem gậy nón v.v.. để dựa vách Điện”

          Đây cũng là biểu thị sự cung kính đối với Tam Bảo. Chúng ta không được đem gậy gón dựa lên tường vách của Đại điện. Mũ hay là cái nón, người thời cổ dùng mũ để có thể che nắng, thậm chí che mưa, là cái nón lớn, hoặc là có cầm theo gậy chống, đặc biệt đối với Tăng nhân hành cước, thì hai vật này không thể thiếu được. Khi quý vị đến Đại điện muốn lễ Phật, thì trước để những vật đó bên ngoài, để nón mũ, gậy dựa vào bên ngoài tường, như vậy là không được, đó là không tôn kính đối với Đại điện. Trong Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú cũng nói đến, vị Tổ thứ 25 của Thiền Tông, là ở tại Ấn Độ, như Tổ sư Đạt Ma là tổ thứ 28 Thiền Tông, Ngài đến Trung Hoa trở thành Sơ Tổ Thiền Tông. Trong bảy kiếp về trước của vị Tổ thứ 25, vốn khi đó Ngài có thể chứng được nhị quả Tư-đà-hoàn, nhưng lúc đó Ngài để gậy dựa vào vách tường, là vách tường của Đại Điện, do một chút tâm khinh mạn như vậy, nên Ngài liền lùi mất nhị quả, mãi đến bảy kiếp sau mới có thể chứng được. Quý vị thấy lùi đến bảy kiếp, một kiếp là 12,7 ức năm, nên tâm khinh mạn như vậy không thể không cẩn thận. “Việc tuy nhỏ, chớ tự tiện”, dù một việc nhỏ cũng đều không thể xem thường. Còn trong Kinh Bảo Lương cũng nói đến một công án, lúc trước có một người bẩm sinh tướng mạo rất đẹp, chúng ta nói là anh ta có tướng của Đế vương, lúc anh ta đi xem tướng, người xem tướng nói với anh ta, sau này anh sẽ làm vua, vả lại còn đem con gái của mình gả cho anh ta, hy vọng sau này mình sẽ thành hoàng thân quốc thích. Đại khái khi người đó biết được vận mạng của mình, thì rất cao hứng, tâm khinh mạn liền sanh khởi. Anh ta cầm gậy chống đến chùa viện lễ Phật, đem dựng gậy lên vách bên ngoài của Đại điện, đây là một loại tâm khinh thường lễ Phật, sau đó tướng Đế vương của anh ta không còn nữa, nên không thành Quốc vương, không chỉ không thành vua, sau đó anh ta còn đọa địa ngục. Điều này không thể xem thường, một chút nhân quả, nhân nhỏ nhưng quả lớn. Học Phật sợ nhất là tâm ngạo mạn, khi tâm ngạo mạn khởi lên, thì đối với Phật pháp thật sự không cung kính, thậm chí khinh thường Tam Bảo, đây đều là nghiệp của địa ngục.

Điều thứ sáu:

          “Không được mang guốc gỗ v.v.. vào trong Điện tháp”

          “Guốc gỗ”, đây là vào thời cổ, hiện nay người Nhật Bản cũng thường mang, chúng được làm từ gỗ, như dép lê, đi trên đất âm thanh lách cách rất lớn, quý vị đi trong Điện tháp, những âm thanh lớn đó cũng là không cung kính. Do đó khi gặp phòng Điện thì quý vị phải cởi giầy dép mới được đi vào, đem giầy dép cởi ra, đây cũng là một phép tắc. Tuy nhiên chúng ta ở đây, mọi người cởi giầy dép rất bất tiện, 300 đôi giầy dép mà bày ra để ở bên ngoài, giầy dép của ai đều không rõ ràng, nên đã mở cửa phương tiện cho mang vào.

          “Không được tay cầm guốc gỗ v.v…vào trong Điện tháp”

          Không được mang guốc gỗ những thứ giầy dép đi vào, cũng không được tay cầm chúng mà đi vào, phải để bên ngoài, đây đều là cung kính đối với Tam Bảo. Thời gian đã hết rồi. Đã 3 giờ rưỡi. Tốc độ  giảng chúng ta hiện giờ e rằng không kịp, phải nhanh thêm chút nữa,  nếu không sẽ thật sự giảng không xong. Bây giờ chúng ta nghỉ ngơi. Cảm ơn mọi người.

( Hết tập 11 )

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều sanh về Tịnh độ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trả lời 0