Responsive Menu
Add more content here...

Tập 2 – Lược Giảng Đại Nguyện Di Đà

 

LƯỢC GIẢNG ĐẠI NGUYỆN DI ĐÀ

NIỆM PHẬT VÃNG SANH

TÔI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC HAY KHÔNG?  

(Giảng lần thứ 2)

TẬP 2

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng.

Giảng tại: Viện Hán Học Minh Luân Đường Malaysia.

Thời gian: Ngày 17 tháng 02 năm 2018.

Dịch giả: Thích Thiện Trang.

Biên tập: Thích Thiện Luận.

Giọng đọc: Quảng Duyên Ngộ.

(名:02-046-0002 )

 

          Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, chúc mọi người năm mới tốt lành. Hôm nay chúng tôi tiếp tục báo cáo đến quý vị, chủ đề: Niệm Phật vãng sanh tôi có thể làm được hay không?

Chúng ta trích từ Chú giải Kinh Vô Lượng Thọ, là trong tập chú của Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, trích ra đoạn khai thị của Đại sư Thiện Đạo. Đoạn này nói được vô cùng hay, mà đơn giản trọng yếu. Vãng sanh được hay không, là do quý vị có đầy đủ tín, nguyện, hạnh hay không. Nếu như quý vị đầy đủ tín nguyện hạnh, thì khẳng định quý vị vãng sanh, không còn nghi ngờ gì nữa. Quan trọng nhất của pháp môn này là tín, nguyện, Đại sư Ngẫu Ích nói được hay: vãng sanh được hay không hoàn toàn quyết định ở chỗ có tín, nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp, bởi do điều sau cùng là hạnh. Hạnh tức là niệm Phật, là công phu niệm Phật sâu hay cạn, công phu sâu thì phẩm vị cao, công phu thiếu một chút thì phẩm vị thấp. Nếu chúng ta không để ý tới phẩm vị, thì chúng ta vãng sanh hạ hạ phẩm cũng được rồi, điều này nói quá đơn giản rồi, quý vị chỉ cần đầy đủ tín, nguyện.

Tín là gì? Tin phương tây xác xác thật thật có Thế Giới Cực Lạc, ghi nhớ, Thế Giới Cực Lạc xác xác thật thật có A Di Đà Phật, A Di Đà Phật đã từng phát 48 nguyện, 48 nguyện đều là vì độ chúng sanh mà phát. Nên chúng ta chỉ cần tin tưởng, không có tơ hào hoài nghi, nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh-độ, như vậy thì quý vị có tín rồi.

Về nguyện, hôm nay cần thảo luận đến. Thế nào là nguyện? Là mong muốn đi, nếu không mong muốn đi thì không được. Thế Giới Cực Lạc tốt đẹp, thanh tịnh trang nghiêm, Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta mà giới thiệu vô cùng rõ ràng. Xưng là Cực Lạc, thật sự là xứng đáng, thế giới ấy, tốt đẹp hơn tất cả cõi nước của mười phương ba đời chư Phật Như Lai, không có thế giới của một vị Phật nào siêu vượt hơn, tốt đẹp hơn, thù thắng hơn thế giới ấy. Chúng ta phải tin tưởng điều này, chúng ta cần phát nguyện, đời này tôi không cầu bất kỳ điều gì, mà tôi chỉ cầu vãng sanh Thế Giới Cực Lạc. Quý vị có hai điều đó, thì tín, nguyện đầy đủ rồi.

Điều kiện sau là hạnh, hạnh là công phu niệm Phật. Niệm đến nhất tâm bất loạn, niệm đến công phu thành phiến, công phu không giống nhau. Đạt công phu thành phiến thì quyết định vãng sanh, mà phẩm vị lại cao. Nếu công phu thấp hơn một chút, thấp đến mức độ nào? Là đến lúc lâm chung, sau cùng chỉ niệm được câu Nam Mô A Di Đà Phật, thì họ liền đi rồi. Đó là công phu kém một chút, nhưng nhất định được vãng sanh.

Hôm nay chúng ta cần thảo luận, cần nói đến phần nguyện. Là thật sự mong muốn vãng sanh, mong muốn vãng sanh, thì không được có lưu luyến đối với thế giới này. Những gì của thế giới này, đều là giả. Những thứ giả như vậy thì cũng mang đi không được, cần phải thật sự buông xuống, buông xuống rồi thì liền được tự tại.

Chúng ta xem khai thị của Đại sư Thiện Đạo. Nguyện thứ mười ba, đây là nguyện thứ 13 trong 48 nguyện, 光明無量願:我作佛時。光明無量。普照十方。絕勝諸佛。勝於日月之明。千萬億倍。“Quang minh vô lượng nguyện: Ngã tác Phật thời, quang minh vô lượng, phổ chiếu thập phương, tuyệt thắng chư Phật, thắng ư nhật nguyệt chi minh, thiên vạn ức bội” (Nguyện ánh sáng vô lượng: Khi tôi thành Phật, ánh sáng vô lượng, chiếu khắp mười phương, vượt hẳn chư Phật, hơn ngàn vạn ức lần ánh sáng của mặt trời mặt trăng). Tiếp tục đọc đoạn tiếp theo, nguyện thứ 15, 壽命無量願 “thọ mạng vô lượng nguyện”(nguyện thọ mạng vô lượng), trong Tịnh Ảnh Sớ nói, 攝法身願,以其攝法身成就也“nhiếp Pháp-thân nguyện, dĩ kỳ nhiếp Pháp-thân thành tựu dã”(là nguyện nhiếp Pháp-thân, lấy đây để thành tựu Pháp-thân vậy). Sách Chân Giải nói được hay, đây là tác phẩm của Cổ Đại đức Nhật Bản, nói rằng, 以此二願“dĩ thử nhị nguyện” (lấy hai nguyện này), tức hai nguyện: vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng thọ thì dễ hiểu, còn vô lượng quang thì khó hiểu hơn một chút, ánh sáng là nói trí huệ, vô lượng quang tức là vô lượng trí huệ, vì có vô lượng trí huệ nên họ không mê, mà quyết thành Chánh-giác, câu chữ này đều vô cùng vững chắc, không có một chút hoài nghi. Sách Chân Giải nói: hai nguyện này là真報身之德“chân Báo-thân chi đức”(thật đức của Báo-thân).

Phật có ba thân là: Pháp-thân, Báo-thân, và Ứng-hóa-thân. Lúc Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế giới này của chúng ta, đó là 3000 năm trước, Ngài thị hiện thành Phật, là Ứng-hóa-thân Phật. Ngài trụ ở thế gian này, đáng lẽ là 100 năm, nhưng trên thực tế, Phật trụ thế 80 năm, đây là cách nói của người nước chúng ta, cách nói thông thường là 79 năm. Chúng ta cần phải biết, phải khẳng định chắc chắn lời của Phật nói, tuyệt đối không thể nghi ngờ, nếu hoài nghi thì chúng ta không có công đức lợi ích rồi. Báo-thân của Thích Ca Mâu Ni Phật, thì vô lượng thọ, đó là Báo-thân. Còn Ứng-hóa-thân, là do duyên của chúng sanh chín muồi rồi, số người duyên chín muồi cũng không nhiều, Phật thị hiện tại thế gian này, là từ Báo-thân khởi ra Ứng-hóa-thân. Ứng-thân cũng có tám tướng thành đạo, còn Hóa-thân thì không có. Thân đó trụ thế 80 năm, giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm, 49 năm ấy là sau khi Ngài khai ngộ, Ngài khai ngộ năm 30 tuổi, sau khi khai ngộ thì bắt đầu giảng kinh. Cho nên, Phật thị hiện thọ mạng của thành đạo là 30 năm. Ở Thế Giới Cực Lạc, đó là Báo-thân, nên thọ mạng của Báo-thân là vô lượng thọ, trí huệ của Báo-thân cũng là vô lượng, ánh sáng là đại biểu cho trí huệ.

Mỗi một người chúng ta đều có Báo-thân, Báo-thân không có sanh diệt, chúng sanh hoàn toàn tương đồng với Phật. Báo-thân của Phật hiện ra, thì không có chướng ngại, Báo-thân của phàm phu chúng ta, cùng với Phật, như vừa mới nói, là giống nhau, nhưng sao không thấy, đã đi đâu rồi? Mê hoặc rồi, bị thứ gì làm mê hoặc? Là bị phiền não làm mê rồi, là kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não, phiền não tuy nhiều, nhưng không ngoài ba loại đó. Hiện nay chúng ta có đầy đủ ba loại phiền não đó. Nên Phật dạy chúng ta làm thế nào? Ngài dạy chúng ta đem phiền não buông xuống thì liền thành Phật. Dùng phương pháp nào? Có rất nhiều cách, là 84 ngàn pháp môn. Trên kinh thường nói, bất kỳ cách nào cũng đều giúp quý vị có thể buông xuống phiền não, nhưng dụng công trên thực tế, thì khó dễ khác nhau.

Chúng ta hiểu rõ rồi, thì liền buông xuống, bởi nguyên nhân gì? Phật nói với chúng ta, tập khí tích tập từ vô lượng kiếp đến nay, tức là tập khí của kiến tư, tập khí của trần sa, tập khí của vô minh. Nếu đoạn được kiến tư phiền não, thì chứng quả A-la-hán, siêu vượt lục đạo luân hồi. Đoạn trần sa phiền não rồi, buông xuống rồi, thì chứng quả vị Bồ-tát. Sau cùng, đoạn vô minh phiền não rồi, cũng buông xuống rồi, thì chứng được quả Phật của cứu cánh viên mãn, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật vậy. Đây đã nói được rất rõ ràng, rất minh bạch.

Trong 84 ngàn pháp môn, thì pháp môn nào là thích hợp nhất để chúng ta tu học, điều này liên quan quá quan trọng đối với chúng ta. Phật, Bồ-tát, Tổ sư Đại đức đều nói: pháp môn Tịnh-độ, là pháp môn đệ nhất. Lời nói này là đối với phàm phu chúng ta, vì sao vậy? Vì pháp môn này dễ dàng, đơn giản. Nhưng tại sao người niệm Phật nhiều, mà không thấy rất nhiều người được vãng sanh? Nguyên nhân là tại một điều, là không buông xuống phiền não! Nên cơ hội đời này vãng sanh của họ bị lỡ qua rồi. Người thật sự dũng mãnh tinh tấn, thì như thế nào? Tôi đều đã buông xuống tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Tôi chỉ giữ trì danh niệm Phật, nắm chắc tín, nguyện, hạnh. Thì đời này nhất định vãng sanh, quyết định chứng quả, quá tốt rồi.

Lần học tập này của chúng ta, là lần thứ năm của chú giải Kinh Vô Lượng Thọ, lúc trước chúng tôi đã giảng qua bốn lần, đây là lần thứ năm. Trọng điểm của lần thứ năm này, là chúng ta phải cầu vãng sanh. Nên trong lần học tập thứ năm này, mục đích của chúng ta là tìm cầu nắm chắc sự vãng sanh, không để uổng qua một đời này của chúng ta. Lấy đây là mục tiêu học tập của chúng ta.

Chúng ta lấy lời của Đại sư Thiện đạo, đã giảng về tín, hiện giờ chúng ta giảng về nguyện, vẫn để lại một đoạn phía sau, để ngày mai chúng ta thảo luận. Đoạn tiếp theo, Niệm Lão đã trích dẫn một đoạn khai thị của sách Chân Giải, nói được rất hay. 《甄解》以此二願,為真報身之德“Chân Giải dĩ thử nhị nguyện, vi chân báo thân chi đức” (Sách Chân Giải lấy hai nguyện này, làm thật đức của Báo-thân). Báo-thân không sanh không diệt, người chứng được Báo-thân, thì chúng ta xưng họ là Pháp-thân Bồ-tát. Trên Kinh Hoa Nghiêm nói, là từ viên giáo Sơ-trụ Bồ-tát đến Đẳng-giác Bồ-tát. Đó đều là Báo-thân thật của Như Lai, Báo-thân Bồ-tát là phá một phẩm vô minh chứng một phần Pháp-thân.

Sách Chân Giải nói được hay, vô lượng quang, vô lượng thọ, 為方便法身大悲之本“vi phương tiện Pháp-thân đại bi chi bổn” (là gốc đại bi phương tiện của Pháp-thân), nói rất hay. Hai nguyện: vô lượng thọ, vô lượng quang này, Bồ-tát của Thế Giới Cực Lạc tất cả đều đầy đủ, không những đầy đủ, mà còn bình đẳng với A Di Đà Phật. Phật vô lượng thọ, vô lượng quang, khi đến nơi đó, mỗi một người vãng sanh đều là vô lượng thọ, vô lượng quang, là đại từ đại bi giống như Phật. Giống với A Di Đà Phật, lấy ứng hóa thân của Ngài, khi duyên của chúng sanh ở nơi nào chín muồi rồi, thì quý Ngài đến tiếp dẫn. Vì vậy, 無量壽則豎窮三際“Vô lượng thọ tắc thụ cùng tam tế” (vô lượng thọ là theo chiều dọc hết cả ba đời), quá khứ, hiện tại, vị lai. 佛身常住“Phật thân thường trụ”( thân-Phật thường còn), để chúng sanh có thể nương tựa; 無量光則橫遍十方“vô lượng quang tắc hoành biến thập phương” (vô lượng quang là theo chiều ngang khắp cả mười phương), để giáo hóa chúng sanh, 德用遍周,攝化無盡;故為大悲方便之本đức dụng biến chu, nhiếp hóa vô tận; cố vi đại bi phương tiện chi bổn”( đức dụng trọn khắp, nhiếp hóa vô tận; nên là gốc của phương tiện đại bi), là đại đức chân thật của Báo-thân. Y-báo Chánh-báo của Thế Giới Cực Lạc, 只是彌陀法身之流現,故四十八願全顯法身chỉ thị Di Đà Pháp-thân chi lưu hiện, cố tứ thập bát nguyện toàn hiển Pháp-thân”(chỉ từ Pháp-thân của Phật A Di Ðà hiện ra, nên 48 nguyện chỉ là toàn hiển thị của Pháp-thân). Pháp-thân là lý thể, còn Báo-thân, Ứng-thân đều là hiện tướng. Nên 48 nguyện toàn là hiển thị Pháp-thân.

此願意為“thử nguyện ý vi”( ý nghĩa của nguyện này), ý nghĩa ở đây, là ý nghĩa gì? Là A Di Đà Phật tự xưng, 我法藏成佛時,願我之光明無量無邊,普照十方之一切淨穢國土“ngã Pháp Tạng thành Phật thời, nguyện ngã chi quang minh vô lượng vô biên, phổ chiếu thập phương chi nhất thiết tịnh uế quốc độ”(khi Pháp Tạng tôi thành Phật, nguyện ánh sáng của tôi vô lượng vô biên, chiếu khắp tất cả cõi nước tịnh uế của mười phương). Tịnh-độ là Phật độ, trong uế độ có sáu đường luân hồi. Ánh sáng của A Di Đà Phật chiếu khắp, đến vô lượng vô biên cõi nước tịnh uế của mười phương thế giới. Đại sư Vọng Tây nói: 橫攝十方虛空無邊,故國土亦無邊。國土無邊,故眾生亦無邊。眾生無邊,佛菩薩的大悲無邊。大悲無邊,故光明亦無邊。光明無邊,故攝取益無邊。以要言之,欲益無邊,故光無邊。Hoành nhiếp thập phương hư không vô biên, cố quốc độ diệc vô biên. Quốc độ vô biên, cố chúng sanh diệc vô biên. Chúng sanh vô biên, Phật Bồ-tát đích đại bi vô biên. Đại bi vô biên, cố quang minh diệc vô biên. Quang minh vô biên, cố nhiếp thủ ích vô biên. Dĩ yếu ngôn chi, dục ích vô biên, cố quang vô biên”(Theo chiều ngang mười phương hư không vô biên, nên quốc độ cũng vô biên. Do quốc độ vô biên nên chúng sanh cũng vô biên. Do chúng sanh vô biên nên đại bi của Phật Bồ-tát cũng vô biên. Do đại bi vô biên nên quang minh cũng vô biên. Do quang minh vô biên nên nhiếp thủ, lợi ích cũng vô biên. Lấy lời quan trọng là: vì muốn làm lợi ích vô biên nên quang minh vô biên). Chúng ta phải nghĩ đến lợi ích của vô lượng vô biên chúng sanh trong lục đạo, nên nguyện tâm của chúng ta phải đồng với Phật, ánh sáng, thọ mạng của chúng ta cũng giống với A Di Đà Phật, cũng là vô lượng vô biên. Thì sanh đến nơi tốt của Thế Giới Cực Lạc.

Nếu không đến Thế Giới Cực Lạc, thì chúng ta tất phải dựa vào công phu chứng đắc của chính mình, mới có thể rộng độ chúng sanh như Phật được. Nên chúng ta mong đến, Thế Giới Cực Lạc thì tốt hơn! Bởi đến Thế Giới Cực Lạc thì mới có thể thật sự chứng đắc đại viên mãn. Giống như chư Phật Như Lai, là cùng một thể biến pháp giới hư không giới. Thể đó là gì? Là Pháp-thân. Tất cả cõi nước Phật, như tam thiên đại thiên thế giới này của Thích Ca Mâu Ni Phật, là do Pháp-thân hiện ra, Báo-thân không biến, còn Ứng-hóa-thân thiên biến vạn hóa. Vô lượng vô biên cõi nước của chư Phật, vô lượng vô biên mười pháp giới mà chúng ta nhìn thấy, đó đều không tách rời khỏi Pháp-thân. Pháp-thân thì có thể hiện, còn Báo-thân, Ứng-hóa-thân là sở hiện. Pháp-thân là năng hiện, còn Báo-thân là sở hiện. Ngay trong đời này chúng ta cầu đạt được, chắc chắn cầu được, thì đúng rồi. Thật tin, nguyện thiết, mong muốn tha thiết, cầu A Di Đà Phật tiếp dẫn tôi vãng sanh, thì đúng rồi.

          Tốt rồi, hôm nay hết giờ rồi, chúng ta học tập đến đây thôi. Ngày mai còn một chữhạnh. Do hạnh mà phẩm vị vãng sanh Thế Giới Cực Lạc cao hay thấp. Vãng sanh là quan trọng số một, còn phẩm vị cao hay thấp là thứ hai, không quan trọng. Cho dù phẩm vị thấp, không cao, nhưng ở Thế Giới Cực Lạc quý vị được 48 nguyện của A Di Đà Phật gia trì, thì trí huệ, thần thông, biến hóa của quý vị sẽ bình đẳng với A Di Đà Phật. Đây là sự thù thắng không gì hơn được của Thế Giới Cực Lạc. Hỏi tại sao chúng ta muốn đến đó, là vì điều này vậy. Cảm ơn mọi người.

( Hết tập 2)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử
cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Chóng viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

Địa chỉ email của dịch giả: [email protected]

Kênh Youtube: Thiện Trang Văn Trang

 

Trả lời 0