Responsive Menu
Add more content here...

Trược Thế Ác Khổ

A Mi Đà Phật!

Kính chuyển đến chư vị hữu duyên trích đoạn trong Giảng Ký Kinh Vô Lượng Thọ, Phẩm 35 – Thầy Thích Thiện Trang giảng ngày 05.12.2021.

 

HỌC TỚI ĐÂY MÌNH SUY RA LÀ MÌNH CHẲNG CÓ GÌ GIỎI GIANG HẾT; ĐỪNG CÓ CỐNG CAO NGÃ MẠN LÀ TÔI TU TỐT LẮM. KHÔNG CÓ ĐÂU. NẾU QUÝ VỊ TU TỐT QUÝ VỊ ĐÃ VỀ THẾ GIỚI KHÁC RỒI.

 

#Phật cáo Di Lặc: Phật là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cáo là nói với Bồ-tát Di Lặc, là đương cơ trong nửa sau của bộ Kinh Vô Lượng Thọ này. Ngài Di Lặc là đại biểu cho Phật tương lai sẽ tuyên dương Kinh Vô Lượng Thọ. Phật nói với ngài Di Lặc cũng chính là nói với chúng ta.

#Nhữ đẳng năng ư thử thế: Nhữ đẳng là các ông, năng là có thể, ư là ở, thử thế là đời này hay là thế gian, thế giới này. Các ông có thể ở trong thế giới này

#đoan tâm chánh ý: giữ gìn tâm ý của mình ngay thẳng, không cong quẹo. Chánh ý là ý nghĩ toàn là chánh. Đó là giác thì không mê, chánh thì không tà, không nghĩ tầm bậy.

#bất vi chúng ác: vi là làm, bất là không, chúng là nhiều. Không làm những điều ác.

#thậm vi đại đức: thậm là rất, là lắm, rất là đức lớn. Nghĩa là các ông có thể ở thế gian này mà giữ gìn được tâm ý của mình đoan chánh. Không làm những điều ác. Đó là đức rất lớn. Chúng ta làm được không? Chúng ta ở đây thực ra mà nói từ sáng đến tối nghĩ xằng nghĩ bậy, lung tung rất nhiều. Không thể đoan tâm chánh ý được. Tuy là chúng ta rất cố gắng, nhưng không thể đoan tâm chánh ý được. Cho nên nghĩ lung tung. Bây giờ học Phật Pháp rồi đỡ hơn hồi xưa, tức là bớt nghĩ lung tung rồi, nhưng vẫn còn vọng tưởng nhiều, vẫn còn nghĩ. Ở đây chú ý hai điều, một là nghiệp của thân nói ở đằng sau là bất vi chúng ác, nghiệp đằng trước là nghiệp ý. Trong nghiệp thân gồm có cả nghiệp khẩu, không làm những điều ác. Nếu làm được những nghiệp thanh tịnh như thế, thì rất là đức lớn. Quý vị coi như bậc đại đức, là đèn sáng của thế gian. Ở thế giới này tất nhiên chúng sanh thường niệm dâm dật. Đoạn sau có nói, thường nghĩ lung tung bao nhiêu thứ. Khi giảng lần đầu Thiện Trang có kể câu chuyện. Lúc Thiện Trang còn làm ở nhà trường, mùa Tuyển sinh đó, Tuyển sinh vào lớp mười. Trong nhóm đó các Thầy giáo nhập Học bạ của học sinh, nhập từng điểm số của từng môn vô trong phần mềm Exel, để tính toán ra em nào bao nhiêu điểm để chia lớp. Môn nào giỏi chia vào lớp A để học Toán Lý Hóa. Khổi B học Toán Hóa Sinh v.v… Nhập miết như vậy, mỗi người ôm một mớ học bạ của học sinh lớp chín, nhập điểm số từ lớp sáu đến lớp chín, rất là nhiều, bao nhiêu cột điểm. Có một Thầy Hiệu phó của trường cấp hai đó tới, Thầy đó nói, sao bên này nhập gì mà khổ vậy. Giá như có một chương trình thông minh chỉ cần trong tâm nghĩ gì là nó hiện ra trong đó. Một Thầy khác nói, không được đâu anh ơi, nếu như vậy thì nó ghi toàn những gì đâu không, vì trong đầu toàn nghĩ bậy không à. Đó là câu chuyện vui, nhưng cũng nhắc nhở chúng ta, như Kinh Vô Lượng Thọ nói “thường niệm dâm dật” hay “tà thái ngoại dật”. Bây giờ phải niệm Phật nghe Pháp nhiều để tâm điều hòa. Theo năm tháng người nào tu hành nhiều đó quý vị, theo năm tháng vọng tưởng bớt chút. Hồi xưa Thiện Trang vọng-tưởng nhiều lắm. Nhưng dần dần bớt, hồi xưa dùng phương pháp học kinh giáo, suốt ngày nhớ kinh giáo thôi, ở trong kinh giáo. Đi đâu cũng khởi lên ý tưởng về kinh giáo. Ví dụ đi một hồi tự nhiên có câu trong Kinh Kim Cang phát lên: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tất kiến Như Lai”.

Dịch nghĩa:

“Tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng, các tướng không có tướng, thì thấy được Như Lai”. Hiểu như vậy nhưng chúng ta làm không được. Có chủng tử như vậy. Chúng ta vẫn thấy các pháp đều là có tướng, đâu có phi tướng đâu. Kinh Kim Cang nói như vậy. Kinh Kim Cang chúng ta làm không được thì thôi, chúng ta chấp trì danh hiệu đi. Kinh A Di Đà nói “nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật … nãi chí thất nhật”, tức là một tới bảy ngày, thì dễ thành công hơn. Chứ còn bây giờ mà thấy các Pháp không có tướng. Các tướng thành không tướng, mà không tướng đâu phải là không của không, là không của có, là chân không và diệu hữu. Làm không được, không được thì thôi, học Kinh Vô Lượng Thọ đi. Thực ra Kinh Vô Lượng Thọ cũng có những đoạn cũng cao như Kinh Kim Cang. Nhưng Kinh Vô Lượng Thọ có những đoạn như thế này, dành cho chúng ta, những người quê mùa dốt dốt, hợp lý này.

Các ông mà có thể ở trong thế giới này tâm ý đoan chánh, không làm những điều ác, đó là đức rất lớn, rất là tuyệt vời.

#Sở dĩ giả hà?: Tại sao như vậy?

#Thập phương thế giới: Mười phương thế giới. Thế giới chúng ta là thế giới Ta Bà, có nhiều thế giới lắm.

#thiện đa ác thiểu: thiện thì nhiều, ác thì ít

#dị khả khai hóa: dị là dễ, khả là có thể, khai là khai thị chỉ bày, hóa là giáo hóa, là giáo dục mang đến sự thay đổi.

Chúng ta học Phật Pháp rồi, mà theo năm tháng cuối cùng vẫn cứng đơ, cang cường nan hóa, vẫn cứng đơ không thay đổi được gì, cứng cáp quá. Trong Kinh Địa Tạng nói: “Chúng sanh cõi Nam Diêm Phù Đề cang cường nan hóa”. Cứng đầu quá, tập nghiệp quá nặng, khó dạy. Ở đây nói mười phương thế giới thiện rất nhiều, ác rất ít, rất dễ dàng giáo hóa, chỉ bày cho họ tu thành tựu. Còn thế gian này thì sao? Phật nói tiếp

#Duy thử ngũ ác thế gian: duy là chỉ, chỉ có thế gian năm ác này

#tối vi kịch khổ: tối là cao nhất, vi và kịch là rất, là lắm, quá là khổ. Tức là chỉ có thế gian này, ở thế giới chúng ta có năm điều ác, không phải ác bình thường, ác cùng cực, ác tới mức cao nhất rồi. Đó là nói lên chúng ta nghiệp chướng sâu dày. Nghiệp chúng ta sâu lắm mới rớt vào thế gian này. Tại sao thế giới khác tốt đẹp mình không sanh vào? Mình lại sanh vào thế giới tệ hại như vậy.

Học tới đây mình suy ra là mình chẳng có gì giỏi giang hết, đừng có cống cao ngã mạn là tôi tu tốt lắm, không có đâu. Nếu quý vị tu tốt quý vị về thế giới khác rồi. Còn ở thế giới này, chúng ta ở thế giới này toàn là đen thui, nghiệp quá nặng, nên mới sanh vào thế giới có năm điều ác này, gọi là tối vi kịch khổ. Nỗi khổ lên đến tận cùng, không còn gì khổ hơn. Ở đây Phật có nói chữ duy, là duy nhất. Tức là thế gian này là tệ nhất rồi. Cho nên bữa trước Thiện Trang có trích trong Kinh Hoa Nghiêm quý vị thấy ở Phẩm Thọ Lượng, có nói thế giới này là thế giới tệ nhất, để so sánh về kiếp số. Một kiếp ở đây chỉ bằng ở Tây Phương Cực Lạc một ngày một đêm. So như vậy, trải qua A-tăng-kỳ thế giới. Tức là mình ở thế giới tệ nhất rồi. Cho nên mình biết là mình nghiệp chướng sâu dày, ráng mà tu, ráng lên. Chứ không càng đọa càng sâu. Càng nhiễm thì càng nặng hơn, không biết đến bao giờ, trôi lạc trong năm đường, cho đến kiếp số nhiều như vi trần. Đó là Kinh Địa Tạng nói, trôi lăn trong dòng sanh tử, trải qua số kiếp nhiều như vi trần, giống như loài cá bơi lội trong nước, trong lưới chứ không phải trong nước. Tạm ra được chút xíu rồi lại mắc vào lưới nữa. Chúng ta ở trong dòng nước, nhưng dòng nước này bị người ta đơm rồi. Cái đơm hoặc là cái lưới vây hết rồi, mình ra bơi bơi chút xíu nhưng thực ra không ra khởi lưới đó, rồi lại vào đó, chết ở trong đó. Đó là Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói đó quý vị. Cho nên mình thấy đoạn này cũng tương đương với Kinh Địa Tạng. Quý vị thấy không? Kinh nào cũng giống nhau thôi, nếu biết học kinh này kinh kia không khác nhau.

Trả lời 0