Responsive Menu
Add more content here...

Thế Nào Là Nhất Hướng Chuyên Niệm

Hành giả nên biết: Nhất hướng chuyên niệm, chỉ từ mới phát tâm niệm Phật, thẳng đến một niệm cuối cùng. Nhưng then chốt ở đây thật là ở lúc cuối cùng. Trái lại, như có người niệm Phật mấy chục năm, [mà] nếu vào giai đoạn sau cùng, [lại] coi thường trì danh và đổi sang hành pháp khác, hoặc vào lúc lâm chung không thích Cực Lạc, mà còn lưu luyến thế gian, chưa thể niệm Phật, vậy thì không gọi là nhất hướng chuyên niệm.

 

Quý vị nghe kỹ, đó là lời khai thị cuối hôm bữa trước rất quan trọng rất hay, bởi vì tông chỉ của Kinh này là: phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Ở ba bậc vãng sanh của Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm Hai Mươi Bốn đều nói như vậy, cho nên chúng ta cần để ý thế nào là nhất hướng chuyên niệm. Có nghĩa là từ khi mình biết Pháp môn niệm Phật này, cả đời mình hành trì không thiếu và đến cuối cùng then chốt, tức là mấu chốt quan trọng nhất là mười niệm lúc lâm chung, thậm chí một niệm lúc lâm chung. Nếu như cả đời mình tu rồi, nhưng mà cuối cùng, có thể mấy chục năm mình đổi sang pháp khác, mình không có tin tưởng nữa, hoặc là thế nào đó, thì đó là không phải nhất hướng chuyên niệm.

 

Vào thời nay thật sự mà nói quý vị thấy rất khó, người tu hành thì đông, niệm Phật cũng nhiều, nhưng người giữ ý chí kiên định cả đời tu niệm Phật thì ít. Quý vị thấy những năm trước có nhiều người lên nói niệm Phật là của Trung Quốc v.v… thế là một số người thoái tâm, niệm Phật được có một thời gian là thoái tâm rồi, cho nên đâu có nhất hướng chuyên niệm được, và công phu sẽ không đắc lực.

 

Một Pháp môn nào đó nếu tu cả đời, cho dù không phải là niệm Phật, có thể tu Thiền, có thể tu môn Mật tông, nhưng nếu như công phu một đời thì tự nhiên rất có hiệu quả, đừng nghi ngờ. Nhưng những người đó họ nói như vậy, xong rồi họ phỉ báng Đại thừa nữa, nhiều người đặc biệt những người chưa học sâu về Tịnh Độ, chưa học sâu về giáo lý kinh điển nhà Phật, nghe như vậy hoang mang mất niềm tin.

 

Quý vị nhớ câu chuyện hạt đậu biết nhảy, có một bà cụ đó trì chú Án Ma Ni Bát Mê Hồng (hay Án Ma Ni Bát Di Hồng hay Om Mani Padme Hum), mà bà niệm sai. Tuy là sai khẩu ngữ không đúng hoàn toàn, nhưng niệm dần dần theo năm tháng, công phu của bà là gần 30 năm, thì đạt được công phu là mỗi khi trì niệm thì hạt đậu lúc trước bốc từ bên này bỏ qua bên kia, hết thời công phu để được bao nhiêu hạt đậu.

 

Niệm đến gần 30 năm thì có năng lực là không cần bốc nữa, hạt đậu tự nhảy từ bên này qua bên kia, cứ trì một câu là một hạt đậu tự bay qua. Công phu cỡ đó mà chỉ cần một vị thầy khác đi qua thấy ngôi nhà phát sáng, vào nghe bà lão niệm như vậy, nói bà niệm sai rồi, nay phải đổi lại niệm cho đúng. Bà phải niệm Án Ma Ni Bát Mê Hồng hay Om Mani Padme Hum mới đúng, còn bà niệm Án Ma Ni Bát Mê Khuyên là sai một chữ rồi.

 

Nói như vậy thôi mà sau đó bà tiếc, bà nghĩ công phu mình uổng quá, mình niệm trì chú này bao nhiêu năm không đạt được hiệu quả gì, mất hết công đức. Cho nên khi vị thầy đó đi ra ngoài, nhìn lại ngôi nhà đó tối thui, không còn [hào quang] gì hết, bà cũng rất thoái tâm luôn. Đó là quý vị thấy rõ ràng “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, chỉ cần tâm mình thoái chuyển, nghi thôi là mất hết công đức, mất hết công phu, cho nên không được nghi. Sau đó thì vị thầy đó quay lại, nói với bà là bà niệm đúng rồi, tôi chỉ thử lòng bà thôi. Sau đó bà vui mừng trở lại, tiếp tục trì câu thần chú ấy, khi đó thì thành tựu là phát sáng lại ngôi nhà giữa khu rừng.

 

Cho nên đặc biệt người thời nay dù là tu Pháp môn niệm Phật, nhưng công phu không đắc lực là vậy. Chúng ta thay đổi nhiều quá, một câu Phật hiệu niệm tới cùng không được. Quý vị thấy nhiều người mới đầu niệm bốn chữ, xong rồi có người nói niệm bốn chữ không đủ phải niệm sáu chữ, xong chuyển qua niệm sáu chữ. Rồi niệm sáu chữ thấy không đủ, phải niệm thêm Chú Đại Bi, niệm Chú Đại Bi không đủ phải niệm Quán Âm v.v… dần dần chuyển như vậy, đó là tâm dao động.

 

Rồi có người đang học Kinh Vô Lượng Thọ, nghe người ta nói phải học văn hoá truyền thống, Đệ Tử Quy v.v… cho đủ, chạy qua đó học rồi dính ở trong đó, không ra được. Hòa thượng nói học tối đa ba năm thôi, mà mình học quá nhiều rồi, học rồi bỏ luôn không quay lại Kinh Vô Lượng Thọ nữa. Rồi có người không cần học kinh giáo nữa, chạy qua Pháp môn trợ niệm, thôi không học kinh giáo nữa, niệm Phật một câu được rồi v.v… Những người như vậy, cứ thay đổi qua thay đổi lại, thay đổi từ thầy này sang thầy kia, người này qua người nọ, thay đổi theo chiều hướng không đi lên, mà theo chiều hướng tạp, rất nhiều như vậy. Đó là khiến cho công phu không đắc lực, gọi là không nhất hướng chuyên niệm.

 

Cho nên phải làm sao để duy trì được, nếu như công phu của chúng ta niệm Phật 30 năm, Thiện Trang tin là đều có thành tựu. Thậm chí người nào 10 năm không thay đổi, không chuyển hướng, không dao động lòng tin, nhất hướng như vậy đều có kết quả.

 

Trích trong bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng – Môn Thứ 3: Tông Thú Toàn Kinh – Buổi 3 – 013

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 11.06.2022

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang và mạng xã hội Facebook:

https://www.facebook.com/suthaythichthientrang

Trả lời 0