Nam Mô A Mi Đà Phật
Kính chuyển đến chư vị hữu duyên phần ghi chép tóm lược lại bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại
Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Pháp Tạng Nhân Địa –
Đệ Tứ (Pháp Tạng Nhân Địa – Phẩm 4) – Buổi 1
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 12.09.2020 – VLT 038
Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang (Link YouTube tại
đây: https://youtu.be/hlOuYP9Vn28) và mạng xã hội
Facebook: Fanpage Thích Thiện Trang.
Nam
Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam
Mô A Mi Đà Phật!
Kính
chào quý vị liên hữu đồng tu đang theo dõi trực tuyến thời khóa giảng Kinh thứ
bảy hàng tuần đang theo dõi trên mạng xã hội Facebook (Fanpage Thích Thiện Trang) và kênh YouTube.
Hôm nay chúng ta theo lịch định kỳ, vào
thứ bảy hàng tuần, Thiện Trang tiếp tục chia sẻ với quý vị Kinh Vô Lượng Thọ.
Hôm nay bắt đầu vào phẩm thứ tư, Pháp Tạng Nhân Địa. Chúng ta đã đi qua được 37
buổi, hôm nay là buổi thứ 38. Chúng ta đã học từ phẩm 33. Hôm nay chúng ta học
Phẩm thứ 4 – Hôm nay chúng ta học về Pháp Tạng Nhân Địa, nói về giai đoạn đức
Phật A Di Đà khi còn ở địa vị tu nhân. Tất cả các pháp tu đều là tu nhân để chứng
quả. Giáo lý nhà Phật dạy không ngoài nhân quả. Chúng ta tu nhân thì chúng ta
được quả.
Pháp môn chúng ta đang học là Pháp môn
niệm Phật vãng sanh, Pháp môn Tịnh Độ, cũng là tu nhân để gặt được quả. Nhân niệm
Phật, nhân mong muốn về Tây Phương Cực Lạc, nhân có niềm tin. Đại sư Ngẫu Ích
nói có sáu niềm tin. Thứ nhất là tin tự, tức là niềm tin vào chính mình có thể thành
Phật, có thể vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Thứ hai là tin tha, tức là tin
vào đức Phật A Di Đà, tin vào lời Thích Ca Mâu Ni Phật nói, điển hình như Kinh
Vô Lượng Thọ, tin vào điều đó. Thứ ba là tin lý, là tin tất cả chúng sanh vốn
có Tự Tánh Di Đà, đều có cõi Tây Phương Cực Lạc ở trong Tự Tánh. Bởi vì tất cả Pháp
giới, trên là Pháp giới Phật trong mười Pháp giới cho đến dưới là địa ngục A-Tỳ
đều là do tâm biến hiện ra.
Tâm mê hiện cảnh khổ, tâm giác hiện cảnh
vui. Chúng ta ở cõi người có khi mê khi giác. Ai giác nhiều thì đời sau có khả
năng sanh lên cõi trời. Ai tỉnh hơn chút nữa thì có thể ra khỏi sanh tử luân hồi.
Ai mê, thì nhân mê sẽ khiến chúng ta đọa xuống, mê nhiều thì đời sau vào ngạ quỷ,
mê nhiều hơn thì vào súc sanh, mê quá thì vào địa ngục. Gọi là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Đó
là nói theo Duy Thức học hay nói theo Kinh Hoa Nghiêm. Tất cả pháp không do điều
gì khác, đều do tâm, tâm đó gọi là Chân tâm, bây giờ chúng ta gọi là Vọng tâm.
Vọng tâm hay chân tâm đều là một tâm. Khi mê là vọng, biến ra rất nhiều cảnh khổ
đau, nhiều cảnh rất đáng sợ như cảnh địa ngục. Còn khi giác chúng ta thành
A-la-hán, Bích-chi-phật, thành Bồ-tát và cuối cùng thành Phật. Để trở về với Chân
Tâm, Bổn Tánh, chúng ta tiếp tục học Kinh Vô Lượng Thọ. Đây là một trong 84
ngàn Pháp môn đưa chúng ta ra khỏi sanh tử luân hồi, để đưa chúng ta trở về với
Chân Tâm, Bổn Tánh chúng ta thường có. Đó là lý do vì sao chúng ta cùng nhau học
tập.
Quý vị niệm Phật thì phải
tin vào lời của Phật, lời của chư Tổ. Như Hòa thượng Tịnh Không nói, niệm Phật
có thể tiêu nghiệp. Lần trước Thiện Trang đã chia sẻ câu đối của Đại sư Ấn
Quang: “Niệm Phật phương năng tiêu túc nghiệp, kiệt thành tự khả chuyển phàm
tâm”. Chúng ta chỉ cần tin được
điều đó thì coi như mình đã tin vào câu Phật hiệu rồi.
Bây giờ Thiện Trang nhắc lại một câu trong
Kinh A Di Đà, ở bản khắc đá ở thành
Tương Dương có câu: “Dĩ xưng danh cố, chư tội tiêu diệt, tức thị
đa thiện căn, phước đức, nhân duyên”. Nghĩa là: dĩ là do, do
xưng danh như vậy, gọi là dĩ xưng danh cố. Tức là chúng ta niệm Phật A Di Đà,
niệm được như vậy thì chư tội tiêu diệt, tức là: tất cả tội đều tiêu diệt, tức
là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên. Bởi vì trong Kinh A Di
Đà có câu: “Bất khả dĩ thiểu thiện
căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc”, nghĩa là: “không thể dùng một chút thiện căn, phước đức, nhân
duyên mà được sanh về nước kia”. Được sanh về Tây Phương Cực Lạc là những
người đã trồng nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên. Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm 47 nhắc lại: “Nhược bất vãng
tích tu phước huệ, ư thử Chánh pháp bất năng văn”.
Nghĩa là: nếu xa xưa chưa từng tu phước huệ, nghĩa là chúng ta chưa đủ phước,
chưa đủ trí huệ, thì đối với pháp này không thể nghe.
Nghe cũng không hiểu, nghe cũng không tin. Câu vừa rồi
Thiện Trang nhắc lại: “Dĩ xưng danh cố,
chư tội tiêu diệt”, nghĩa là do nhờ
trì danh như vậy, do nhờ niệm Phật như vậy, nên tất cả các tội đều được tiêu diệt
hết. Cho nên niệm Phật tiêu được nghiệp tội, quý vị tin được thì làm được.
Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng, một niệm lúc lâm chung có thể trừ 80 ức
kiếp tội chướng trong đường sanh tử, tội nặng, trọng tội trong đường sanh tử.
Chúng ta phải tin điều đó. Tất cả các Pháp môn tu đều tốt, nhưng tại sao chúng
ta đề xướng Pháp môn này. Vì một Kinh thông thì tất cả các Kinh đều thông, một Pháp
môn thành tựu thì tất cả các Pháp môn đều thành tựu. Nếu chúng ta không tin thì
cứ chạy qua chạy lại. Cho nên hôm nay chúng ta tiếp tục học Kinh Vô Lượng Thọ. Muốn
có được niềm tin thì chúng ta phải học Kinh Vô Lượng Thọ.
Kinh Kim Cang nói: 信心清凈, 則生實相“Tín
tâm thanh tịnh, tắc sanh Thật tướng”. Tín tâm là niềm tin. Nghĩa
là niềm tin thanh tịnh rồi, không bị nhiễm ô, không bị điều gì xen vô nữa rồi,
thì tất sanh Thật tướng. Nghĩa là sẽ sanh Thật tướng. Cho nên niềm tin rất là
quan trọng. Đối với người tu Tịnh Độ, tín là quan trọng nhất. Có tín rồi thì mới
có nguyện, có nguyện rồi mới có hạnh, hạnh là niệm Phật thì mới vãng sanh. Đó
là Thiện Trang nhắc lạ: Kinh Kim Cang nhắc: Tín tâm thanh tịnh, tắc sanh Thật
tướng”. Đó là nội dung cho chúng ta, mặc dù Kinh Kim Cang thuộc về Thiền.
Bây giờ chúng ta vào Kinh văn.
Đề Kinh
法藏因地第四
Pháp Tạng Nhân Địa, Đệ Tứ
Giải:
# Pháp Tạng Nhân Địa: Đức Phật A Di Đà khi còn trong nhân
địa, Ngài có một pháp danh là Pháp Tạng. Nhân địa là thời gian từ khi phàm phu
chúng ta sơ phát tâm tu hành cho đến khi viên mãn thành Phật. Nghĩa là từ khi lần
đầu tiên quý vị gặp được Phật pháp, quý vị bắt đầu phát tâm tu hành, bắt đầu
tu, đó là thời gian tu nhân, tu cho bao giờ đến thành Phật. Thời gian đó trải
qua vô lượng vô biên vô số a-tăng-kỳ kiếp (nếu chúng ta đi đường vòng), thời
gian đó gọi là nhân địa. Quý vị hiểu chữ nhân địa rồi đó. Pháp Tạng là Pháp Tạng
Tỳ-kheo là một danh hiệu của đức Phật A Di Đà.
Hòa thượng chú giải:
Pháp Tạng nhân địa: Pháp là tất cả pháp thế gian và xuất thế gian.
Nghĩa là tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Pháp
là gì? Thứ gì cũng là pháp. Ví dụ như con chuột (máy tính) là một pháp. Khi nhắc
đến con chuột, hoặc nếu không biết đến vi tính, khi nhắc đến con chuột là chúng
ta cũng hình dung được con chuột chạy ở ngoài đường. Đó là một Pháp. Chúng ta
nói về Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta hình dung đến có một thế giới gọi là Tây
Phương Cực Lạc thì đó cũng là một pháp. Nghĩa là thứ gì cũng đều là pháp. Bất cứ
thứ gì hình thành trong đầu chúng ta đều gọi là pháp. Vạn pháp là tất cả pháp.
Pháp Tạng là kho tàng chứa tất cả các Pháp.
+Tạng là hàm tàng, là kho chứa. Trong Tự
Tánh hàm tạng tất cả vạn pháp nên gọi là “Pháp Tạng”.
Tự Tánh của chúng ta biến hiện ra tất cả các pháp. Tất
cả các pháp đều do con người định nghĩa ra. Ví dụ như hiện nay có định nghĩa là
chiếc điện thoại, người ta định nghĩa là điện thoại. Ngày xưa người ta muốn có
một đường dây, liên lạc rồi dần dần chế ra điện thoại. Khi nói điện thoại di động
là chúng ta có hình dung trong đầu, đó là một pháp. Tất cả pháp đều từ tâm hiện
ra, nghĩ ra. Từ suy nghĩ biến đổi một hồi rồi thực tế là có. Từ Tự Tánh của
chúng ta hiện ra.
+Đó là pháp danh của A Di Đà Phật trước khi thành Phật.
Phật A Di Đà trước khi thành Phật,
Ngài có pháp danh là Pháp Tạng.
+Nhân địa là từ phàm phu sơ phát tâm tu học, đến trước khi
viên mãn thành Phật, khoảng thời kỳ tu học đó đều gọi là nhân địa.
Nhân là tu nhân, địa là địa vị. Là ở địa vị tu nhân.
Ví dụ chúng ta đi học là ở địa vị học trò, chưa thành Tiến sĩ được. Thời gian
đi học từ mẫu giáo lớp một cho đến Đại học, gọi là nhân địa để nhận được bằng Tiến
sĩ. Khi nhận bằng Tiến sĩ rồi thì gọi là quả, là kết quả, không còn là nhân địa
nữa.
Phẩm này nói rõ về tình hình phát tâm tu học ở trong nhân địa của Tỳ-kheo
Pháp Tạng.
# Đệ Tứ: Phẩm thứ 4
Đoạn 1
Kinh văn:
佛告阿難:過去無量不可思議無央數劫,有佛出世,名世間自在王如來,應供,等正覺,明行足,善逝,世間解,無上士,調御丈夫,天人師,佛,世尊。在世教授四十二劫,時為諸天及世人民說經講道。
Phật cáo A Nan: “Quá khứ vô lượng bất
khả tư nghì vô ương số kiếp, hữu Phật xuất thế, danh Thế Gian Tự Tại Vương Như
Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng
Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Tại thế giáo thọ tứ thập
nhị kiếp, thời vị chư thiên cập thế nhân dân thuyết kinh giảng đạo.
Giải:
Đây là đoạn thứ nhất, có rất nhiều kiến thức sơ đẳng về
Phật học mà chúng ta cũng phải nắm được.
# Phật cáo A Nan: Phật đây là Phật Thích Ca Mâu Ni, là
đức Phật đang giảng Kinh này, tại núi Linh Thứu (Kỳ Xà Quật). Ngài nói với A
Nan sau khi ngài A Nan thưa thỉnh (ở phẩm thứ ba).
# “Quá khứ vô lượng bất khả tư nghì: quá khứ là những gì đã qua rồi, thời
gian từ quá khứ. Vô lượng là vô số không thể đếm được. Bất khả tư nghì là không
thể nghĩ bàn. Nghĩa là thời gian từ vô lượng lâu quá, không đếm được, không thể
nghĩ bàn được.
# vô ương số kiếp: số kiếp vô tận là thời gian rất dài
không hình dung được. Kiếp là kiếp, quý vị hiểu quá khứ vô lượng bất khả tư nghì vô ương số kiếp là thời gian này ở trong quá khứ, mà lâu quá đi,
không có cách nào đếm được. Cho nên gọi là vô lượng. Con số này đối với chúng
ta không thể nghĩ ra được. Nên gọi là nghĩ bàn.
Vô lượng là con số vô lượng vô tận, con số vô tận. Con
số này đối với chúng ta không thể tính được, Phật biết, biết được cụ thể con số
này là bao nhiêu, nhưng cảnh giới của nhưng chúng ta không hiểu được, nên Phật
dùng những từ này để nói.
# hữu Phật xuất thế: hữu là có, Phật xuất thế: xuất thế
là ra đời. Trong kiếp đó có đức Phật ra đời. Trong bản Hội tập Kinh Vô Lượng Thọ
này chỉ giới thiệu đơn giản là có một đức Phật ra đời. Nhưng có một số bản dịch
khác thì kể đến 12 danh hiệu của đức Phật như Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang
v.v… trong đó có đức Phật cuối cùng là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai. Trong bản
hội tập này, ngài Hạ Liên Cư đã lược bớt cho chúng ta, để không học nhiều quá,
học ít thôi. Vì thời Mạt pháp chúng sanh không đủ thời gian để học, học ngắn
thôi đủ trọng tâm là được rồi. Trong kiếp đó có đức Phật ra đời.
# danh Thế Gian Tự Tại Vương Như
Lai:
tên vị Phật ấy là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai. Đó là tên của vị Phật ấy.
Hòa thượng chú giải:
Thế Gian là hoàn cảnh người, việc và hoàn cảnh vật chất. Có thể ở trong
hai loại hoàn cảnh đó đều đạt được tự tại viên mãn cho nên xưng là Thế Gian Tự
Tại Vương.
#Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai: Như Lai
là Phật. Vương là vua, là làm chủ. Nghĩa là vị Phật ấy ở trong thế gian có thể
làm vua, làm chủ được mọi sự tự tại. Vị Phật ấy, ra đời vào thời kỳ đó, đạt được
sự tự tại đó. Như thế gian chúng ta ngày nay có vị Phật ra đời là Thích Ca Mâu
Ni Phật.
Thích Ca là năng nhân. Mâu Ni là tịch mặc, là từ bi và
tịch tĩnh. Tại sao? Vì chúng ta ở trong thế giới ngũ trược ác thế, cho nên Phật
Thích Ca phải biểu diễn sự từ bi dể dẫn dắt chúng sanh. Chúng sanh bây giờ chúng
sanh ác quá. Và Ngài thấy tâm chúng sanh thời nay ô nhiễm, Kinh Vô Lượng Thọ nói
“thường niệm dâm dật”, là thường nghĩ
lung tung đủ thứ. Cho nên Phật Thích Ca Mâu Ni dạy cho pháp thanh tịnh tâm. Ngài
dùng danh hiệu Mâu Ni là tịch tĩnh, thanh tịnh.
Còn trong thời đó thì có đức Phật Thế
Gian Tự Tại Vương Như Lai, thị hiện sự
tự tại ở trong đời, làm chủ được mọi điều nên gọi là Vương, vua của các sự tự tại
nên gọi là vương. Chúng sanh thời đó không tự tại với các pháp trong thế gian.
Thế nào là không tự tại với các pháp trong thế gian? Ví dụ chúng ta có công việc
có địa vị. Như Tổng thống cũng không tự tại, họ có rất nhiều công việc xử lý,
nào là việc hành chánh, họp, ký giấy tờ v.v… họ liên tục phải lo lắng suy nghĩ,
tính toán, nên không được tự tại. Vị Phật ấy thị hiện tự tại vì ngược với chúng
sanh, thì chúng sanh mới mong cầu. Nếu chúng sanh cũng có những điều đó rồi, thì
họ không mong cầu, sẽ không học được pháp của Phật.
Đức Phật ra đời dùng danh hiệu nào là hạnh nguyện độ
sanh của vị Phật đó để chúng sanh quy ngưỡng. Tức là đưa ra món ăn mà chúng
sanh không có thì mới thu hút được chúng sanh. Như quý vị thấy hiện nay tôn
giáo phát triển mạnh vì chúng sanh đang khổ, không có chỗ dựa về tâm linh. Bây
giờ vật chất thì rất đầy đủ, nhưng đời sống khổ. Thiện Trang nghe các em học
trò của Thiện Trang ngày xưa nói sinh viên bây giờ hay tự tử, hay bị trầm cảm. Có
những em học trò thời kỳ Thiện Trang còn đi dạy, không biết tại sao mấy năm
sau, bây giờ gặp lại, nghe gia đình nói lại, có gia đình còn nhờ Thiện Trang
giúp đỡ, tại sao bây giờ bị trầm cảm rồi. Đó là thời kỳ khủng hoảng về tâm
linh. Vật chất không giải quyết được những vấn đề đó, cho nên họ tìm đến tâm
linh. Nhưng rất tiếc do nghiệp duyên khác nhau nên người biết Chánh pháp rất
ít, người đi vào tà pháp thì nhiều, người bị lợi dụng càng nhiều hơn nữa.
Chúng sanh thời nay thích nghe gạt,
không thích nghe khuyên. Khuyên họ tu hành họ không chịu. Tu nhân mới được quả mà
họ không chịu, họ thích thứ gì mau chóng được kết quả nên bị dụ rất nhiều. Như
người xuất gia có phước xuất gia. Nhưng có phước xuất gia rồi lại chưa chắc có
phước được học pháp. Có khi xuất gia cả đời chỉ ở trong bếp nấu nướng, hay chỉ
tụng kinh đi đám, chứ không học Phật pháp nên không biết, nên độ sâu không hiểu.
Đó là có phước xuất gia nhưng không có phước học pháp.
Chúng sanh thì nghiệp lực không thể nghĩ bàn. Nhân tu
không thể nghĩ bàn, nên cảm nghiệp không thể nghĩ bàn. Hoặc có người đi học Pháp
nhưng không học được Chánh pháp, không được học với các vị cao tăng mà học với
ngoại đạo. Ví dụ như những người học Tiến sĩ nhưng qua Ấn Độ hay Srilanca, Thái
Lan học toàn ngoại đạo dạy họ, vị dụ ở Ấn Độ họ học với Giáo sĩ Bà-la-môn dạy
chứ không phải cao tăng Ấn Độ. Học như vậy là bị nhìn Phật pháp theo góc độ
khác rồi.
Nên có duyên này mà không có duyên
kia. Còn quý vị đang ở đây có duyên nghe được Pháp môn này, nghe được Pháp môn
Tịnh Độ, có cơ hội ra khỏi sanh tử luân hồi. Quý vị có phước duyên này, nên trồng
nhân nào được hái quả đó. Chúng ta đã gieo nhân giải thoát cho chúng sanh nên
bây giờ chúng ta gặp ở đây, gặp bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Một đời có thể ra khỏi
sanh tử luân hồi. Con đường ra khỏi sanh tử dễ hay khó? Đối với Pháp môn này,
Thiện Trang nghĩ là dễ. Lời của Đại sư Thiện Đạo nói: “Vạn nhân tu vạn nhân khứ”,
tức là vạn người tu vạn người vãng sanh.
Vậy tại sao bây giờ khó đến mức mà ngài Lý Bỉnh Nam
nói trong một vạn người niệm Phật, thật sự vãng sanh chỉ có ba đến năm người. Tại
sao như vậy? Tại vì mình làm không được. Tiêu chuẩn Kinh này không cần nhiều.
Không cần Nhất tâm Bất loạn, không cần niệm Phật Thành phiến. Chỉ cần đới nghiệp
vãng sanh là tiêu chuẩn thấp nhất. Tuy nhiên ngay cả như vậy cũng làm không được.
Nếu chúng ta khá hơn, muốn muốn chắc chắn hơn thì niệm Phật Thành phiến. Thiện
Trang mong là quý vị cùng Thiện Trang cố gắng học theo Hòa thượng Tịnh Không,
tiêu chuẩn tối thiểu là niệm Phật Thành phiến. Tốt hơn nữa là Minh tâm Kiến
tánh, Kiến tánh thành Phật nay trong đời này.
Ai làm được, có người làm được. Hòa thượng thị hiện từ
địa vị phàm phu tu một đời thành công. Hòa thượng Hải Hiền cũng vậy. Bao nhiêu
người tác chứng được thì gieo niềm tin cho chúng ta. Chúng ta cố gắng, nhưng
Thiện Trang nói thật là rất khó. Thiện Trang thì cảm thấy vãng sanh về Tây
Phương Cực Lạc không khó. Khó là ở việc giảng Pháp, chia sẻ Phật pháp này, rất
khó. Không Minh tâm Kiến tánh, giảng Pháp không được. Giảng một hồi rớt vào thế
gian. Nhiều khi mình tưởng là xuất thế gian, nhưng một hồi rơi vào thế gian. Chỉ
mong là lấy Chú Giải của Hòa thượng, lấy những lời của Tổ sư trùng tuyên lại,
diễn đạt lại, gọi là “thuật nhi bất tác,
tín nhi hiếu cổ”. Tức là thuật lại mà không sáng tác và tin thích vào những
điều mà cổ nhân đã nói, chứ không được sáng tác.
Quý vị thấy Thiện Trang rất ít sáng tác, hầu như không
có. Có một số người yêu cầu Thiện Trang phải giảng thế này thế kia, nói lời người
này người kia. Hòa thượng nói chúng ta thuật theo lời của cổ nhân, còn đời nay
người chưa Minh tâm Kiến tánh, tốt nhất là đừng xem. Nếu xem thì chỉ tham khảo,
đừng lấy làm chính, lấy đó làm chính là chết. Cho nên tại sao có một số người
nói Thiện Trang sao không tham khảo, người này người kia đã giảng như vậy đó.
Thiện Trang nói đó là ý của người ta thôi. Thực ra mình không dám phân tích, nếu
phân tích ra chưa hẳn là đúng. Quý vị nghe quý vị thấy hợp lý, nhưng Thiện
Trang cảm thấy không hợp lý, không đúng với xuất thế gian. Thiện Trang chỉ chia
sẻ lại lời của Hòa thượng, lời của chư Tổ và Kinh điển. Hy vọng là diễn đạt
không sai.
Vừa rồi Thiện Trang đã chia sẻ với quý vị danh hiệu của
đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương. Còn chữ Như Lai ở đây rất hay. Như thế nào là
Như Lai.
Hòa thượng chú giải:
+Như Lai: Kim Phật đồng cổ Phật tái lai.
Kim Phật là Phật ngày nay, cổ Phật là Phật xưa. Tức là Phật nay như Phật xưa trở lại, giống
nhau, tác dụng là như vậy. Chư
Phật có Chân Tâm Tự Tánh giống nhau. Cho nên Pháp của Phật hiện tại giảng so với
pháp của Phật quá khứ giảng là như nhau. Nghĩa là kim Phật như cổ Phật tái lai.
Phật nay cũng giống như Phật xưa trở lại, tái lai là trở lại, cho nên cũng giống
như Phật xưa mà thôi.
Chúng ta không nghe được Kinh này dưới
hội của đức Thích Ca Mâu Ni Phật, tương lai nếu quý vị sanh vào Hội Long Hoa của
đức Phật Di Lặc, quý vị cũng nghe Kinh Vô Lượng Thọ thì cũng giống như vậy
thôi. Gọi là kim Phật như cổ Phật tái lai. Nói cách khác: đức Phật Thích Ca Mâu
Ni đang giảng cho chúng ta bộ Kinh này cũng giống như trong quá khứ Phật Ca Diếp
đã giảng, như Câu Lưu Tôn Phật đã giảng, hay như Câu Na Hàm Mâu Ni Phật giảng,
giống nhau. Cho nên Phật Phật đạo đồng. Kinh
Hoa Nghiêm nói:
“Thập phương tam thế Phật,
Cộng đồng nhất Pháp thân
Nhất tâm nhất trí huệ
Lực vô úy diệc nhiên”
Dịch nghĩa:
“Mười phương ba đời Phật
Cùng chung một Pháp thân
Một tâm một trí huệ
Lực vô úy cũng vậy”.
Đó là định nghĩa khác: kim Phật như cổ Phật tái lai.
Đó là ý nghĩa của Như Lai. Hòa thượng chú giải thêm đây là thông hiệu của chư
Phật, danh hiệu chúng của chư Phật.
+Nghĩa là Phật hiền kiếp cũng giống như cổ Phật tái hiện vì
thế mà xưng gọi là Như Lai. Là thông hiệu chung của chư Phật. Tiếp theo mười loại
danh hiệu từ Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải,
Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Đó là mười
thông hiệu chung của tất cả chư Phật. Biểu hiện tất cả chư Phật đều đầy đủ mười
loại đức năng vô tận đó.
Hòa thượng chú giải nói kim Phật đồng cổ Phật tái lai,
đó là nói trên dụng. Thiện Trang hay nói quý vị đối với một pháp phải nắm được
trên ba thứ. Thứ nhất là thể: là bản chất, bản thể. Thứ hai là tướng, là hình
tướng là bề ngoài. Thứ ba là dụng. Câu định nghĩa Như Lai vừa rồi là định nghĩa
theo dụng. Phật nay như Phật xưa – tác dụng như vậy. Đó là định nghĩa của Hòa
thượng.
Nếu định nghĩa theo Pháp tướng, thì giống như câu
trong Kinh Hoa Nghiêm mà bên trên Thiện Trang đã nói. “Thập phương tam thế Phật. Cộng đồng nhất Pháp thân. Nhất tâm nhất trí
huệ. Lực vô úy diệc nhiên”. Tức là tướng giống nhau: cùng một Pháp thân. Một
tâm một trí huệ, tâm giống nhau, trí huệ giống nhau, lực vô úy cũng như vậy. Tướng
bên ngoài, tác dụng giống nhau. Còn nếu nói theo tông Pháp tánh, hồi này là định
nghĩa của Hòa thượng là định nghĩa theo dụng. Vừa rồi Thiện Trang nói theo Hoa
Nghiêm. Thực ra định nghĩa trong Kinh Hoa Nghiêm thì có cả thể tướng dụng trong
đó, vừa rồi phân tích theo tướng cho quý vị dễ hiểu.
Còn định nghĩa theo Pháp tánh thì có Kinh Kim Cang: “Như Lai giả tất thị Chân tánh, Thật tánh Chân
Như, chi dị danh giả”. Nghĩa là Như Lai tức là tên khác của Thật Tánh Chân
Như. Thực Tánh là Chân Như, Chân Như là Thật Tánh. Tên khác của Chân Như Thật
Tánh là Như Lai. Đó là định nghĩa theo bản thể. Cho nên một Pháp có nhiều định
nghĩa như vậy, là tùy theo chúng ta nhìn theo góc độ nào, nhìn theo tướng, nhìn
theo thể hay nhìn theo dụng.
Còn một định nghĩa nữa về Như Lai trong Kinh Vô Lượng
Thọ, quý vị biết câu nào không? Trong phẩm thứ chín: “Bỉ Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ, vô sanh vô diệt, phi
quá hiện vị lai”.
Nghĩa là đức Phật Như Lai kia không từ đâu đến (lai vô
sở lai), khứ vô sở khứ là không đi về đâu, không sanh không diệt, không có quá
khứ, hiện tại, tương lai. Đó cũng là định nghĩa của Như Lai theo Kinh Vô Lượng
Thọ. Nếu chúng ta dùng Kinh Vô Lượng Thọ thì chúng ta lấy định nghĩa đó. Đây là
nói về đức Phật A Di Đà, ở phẩm thứ chín, Ngài có năng lực gì? Ngài không từ
đâu đến, không đi về đâu, không sanh không diệt, Ngài không có quá khứ, hiện tại,
tương lai. Thiện Trang hỏi quý vị định nghĩa như vậy trong Kinh Vô Lượng Thọ là
định nghĩa theo thể, hay tướng hay dụng? Ai trả lời được là hiểu tổng cương lĩnh
của ba pháp trong nhà Phật là Pháp tánh, Pháp tướng và Pháp dụng.
Chúng ta thấy đức Phật ấy không từ đâu đến, không đi về
đâu, cũng không sanh không diệt, không có quá khứ, hiện tại, tương lai. Đó
chính là định nghĩa theo dụng, tức là thuộc về Pháp dụng, tức là tác dụng của
pháp. Kinh Vô Lượng Thọ, Pháp môn Tịnh Độ là tu trên dụng. Từ dụng để vào tánh.
Chúng ta lấy dụng của đức Phật A Di Đà, Ngài có Tây Phương Cực Lạc, có công đức
vô lượng rồi, hôm nay chúng ta niệm Phật để chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Chúng ta lấy danh hiệu của Ngài, cũng là lấy công đức của Ngài, tức là lấy phần
tác dụng, kết quả. Cho nên vớii Pháp môn Tịnh Độ, hồi xưa Thiện Trang không hiểu
được điều này.
Trong ba cửa Giác, Chánh và Tịnh để đi vào: Giác là
Thiền tông, Chánh là Giáo hạ, tức là học Kinh giáo, Tịnh là Tịnh Độ. Giác là trực
đi vào Pháp tánh, Chánh là đi vào từ Pháp tướng. Còn Tịnh Độ là nghiêng về dụng.
Nhưng dụng đó dẫn đi vào Tánh, dụng đó dẫn đi vào tướng, cũng tương ưng với Duy
Thức, tương ưng với Pháp tánh. Cho nên Pháp môn Tịnh Độ hay tuyệt vời, là từ quả
hướng nhân. Chúng ta lấy quả của đức Phật A Di Đà làm quả của chúng ta và từ đó
vào được.
Chúng ta nương vào đức Phật A Di Đà, chứ làm gì chúng
ta có con đường nào ra khỏi sanh tử luân hồi. Chư Tổ lấy ví dụ như đi chiếc
thuyền trên biển. Cho dù nghiệp chúng ta nhẹ như cây kim, nhưng kim thả xuống
biển cũng chìm mất tiêu. Nhưng nếu nghiệp lực chúng ta dù lớn bao nhiêu như tảng
đá lớn, bỏ xuống biển thì càng chìm, chúng ta không thể ra khỏi sanh tử luân hồi
được. Nhưng bỏ lên thuyền thì tảng đá dù có lớn bao nhiêu vẫn chở đi được. Chiếc
thuyền ví như công đức của đức Phật A Di Đà, chở chúng ta ra khỏi biển sanh tử.
Đó là chúng ta tu hành nương vào đức Phật A Di Đà, dựa vào Dụng, từ Dụng nhập vào
Tướng, từ tướng nhập Tánh. Cho nên Tịnh Độ rất tuyệt vời, càng học càng hiểu
càng hoan hỷ. Nếu không hiểu được những điều vừa rồi cũng không sao, vì chúng
ta chỉ cần nương vào dụng là đủ. Trong khoảng 20 phút chia sẻ vừa rồi là Thiện
Trang khơi cho vị vào nguồn của Tướng và Tánh. Hơi cao chút, quý vị không hiểu
thì chịu khó nghe lại. Phẩm này giảng về mười danh hiệu của đức Phật nên nghe
hơi khó cho quý vị.
# Ứng Cúng: Ứng là đáng, nên, xứng đáng.
Hòa thượng chú giải:
+ưng (ứng) đương là xứng đáng. Cúng là cúng dường. Phật là người có đức
hạnh, có học vấn viên mãn nhất thế gian nên xứng đang tiếp nhận sự cúng dường của
tất cả chúng sanh.
Đức Phật ra đời rất xứng đáng cho tất cả chúng sanh
cúng dường. Đức Phật có đức hạnh và học vấn viên mãn nhất thế gian, cho nên Ngài
xứng đáng nhận được sự cúng dường, chúng sanh không phải là cúng dường cho Ngài,
mà là để chúng sanh được gieo trồng phước đức. Cho nên đức Phật gọi là bậc đáng
để chúng ta và chúng sanh cúng dường. Cho nên danh hiệu thứ nhất là Ứng Cúng.
# Đẳng Chánh Giác: đẳng là bình đẳng, chánh là chính
xác, giác là giác ngộ, là hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Như vậy sự
giác ngộ của tất cả sự tướng của vũ trụ nhân sanh này là sự giác ngộ bình đẳng,
ai cũng có được. Sự giác ngộ này là viên mãn, không còn gì hơn được nữa, tới mức
độ gọi là đẳng. Chánh là chính xác. Như vậy sự giác ngộ này là bình đẳng chính
xác về thế gian cũng như xuất thế gian, gọi là giác ngộ chân tướng hay Thật tướng
của vũ trụ nhân sanh. Phật biết được thế gian này từ đâu sanh ra, con người vì
sao luân hồi v.v… Những điều đó Phật đều biết hết. Giác ngộ rốt ráo viên mãn,
không thể hơn được nữa. Ngài có sự giác ngộ như thế nên gọi là Đẳng Chánh Giác.
Vừa rồi Thiện Trang đã chia sẻ Pháp
môn Tịnh Độ là từ dụng vào tướng và vào tánh. Trong tánh có cả Pháp thân Như
Lai rồi. Vừa rồi Thiện Trang đã nói rồi, có cô bình luận, có lẽ cô nghe không
rõ. Cô nghe lại sẽ hiểu thế nào là Tánh, thế nào là Tướng của Pháp môn Tịnh Độ.
Pháp môn Tịnh Độ ai tu dở chỉ dựa trên dụng, ai tu khá từ dụng lên được tướng,
ai tu khá hơn nữa từ tướng nhập tánh luôn. Có nghĩa là tùy vào công phu của quý
vị. Pháp thân là Tánh mà. Pháp môn Tịnh Độ là từ tướng nhập tánh, thực ra là bỏ
qua một đoạn, từ dụng nhập tướng, từ tướng mới nhập tánh. Đúng hơn là như thế,
có từng tầng bậc. Cho nên Pháp môn Tịnh Độ là dành cho nhiều căn cơ khác nhau.
Người căn cơ cao tu cao, người căn cơ thấp tu thấp.
Trì danh niệm Phật, đới nghiệp vãng sanh, đó là từ dụng mà vào. Nhưng dụng đó thật
ra cũng không rời khỏi tướng, và cũng không rời khỏi tánh. Gọi là tánh thể nhất
như, tánh dụng nhất như. Tất cả đều là một. Vì chúng ta phân biệt cho nên nói
như vậy thôi. Còn quý vị hiểu rồi thì không có phân biệt đâu. Vì tất cả là một,
một là tất cả. Kinh Hoa Nghiêm nói thể dụng nhất như, thể tướng nhất như, cho
nên nói kiểu gì cũng đúng. Nói có phân biệt khác, nói không phân biệt khác. Nhưng
nói như vậy quý vị không hiểu. Tướng từ đâu ra, dụng từ đâu ra? Dụng cũng từ tướng
mà ra, tướng cũng từ tánh mà hiện ra. Cho nên ba là một, một là ba thôi, cũng
là một thôi. Quý vị chưa hiểu thì cố gắng nghe lại đoạn vừa rồi. Lâu lâu Thiện
Trang mới giảng được như vậy, chứ không phải lúc nào cũng nói được như vậy. Là
do công phu mình chưa được bất thoái chuyển, cho nên cứ tiến tiến thoái thoái.
Lúc thì tiến, lúc thì thoái.
Ví dụ như tuần trước quý vị thấy Thiện Trang giảng
không được hay lắm. Vì tuần trước Thiện Trang phải chỉnh Kinh văn chữ hán của
Kinh Vô Lượng Thọ, mất rất nhiều thời gian. Bỏ ra 5 ngày mà chỉnh chưa xong, nhưng
thôi kệ, nếu mình mất nhiều thời gian quá thì mình không công phu được tốt cho
nên thân thể không khỏe, giảng cũng không hay. Nhưng chỉ cần mình biết như vậy,
mình buông xuống, sau một tuần là lấy lại công phu. Hôm nay có thể giảng sâu một
chút. Tương lai không biết như thế nào vì chúng ta chưa vào Bất thoái chuyển.
Trong Tam bất thoái dù có chứng được Bất thoái đầu tiên thì cũng chưa ăn thua.
Cho nên chừng nào phải chứng Tam bất thoái, tức là phải
đến Niệm bất thoái, nghĩa là tâm mình như như bất động trước mọi cảnh giới thì
giảng pháp mới không thoái chuyển, nếu không thì có lúc tiến lúc lùi. Tu hành
cũng hên xui. Nếu mà xui, đúng lúc công phu lùi mà lâm mạng chung thời, lúc mạng
hết quý vị ra đi sẽ rất tệ, phẩm vị thấp, thậm chí không vãng sanh. Đây là do rất
nhiều nhân duyên. Đại sư Thiện Đạo nói phẩm vị cao thấp khác nhau là do nhân
duyên khác nhau. Nói gì thì nói, tu hành thì quan trọng nhất vẫn là tin vào
chính mình, phải tu được. Còn chúng ta học Pháp đây là để vun bồi thêm thiện
căn, phước đức, nhân duyên. Mỗi lần học Pháp là mỗi lần giúp cho tăng trưởng
thiện căn. Vừa rồi Thiện Trang đã giảng tới chữ thứ hai là Đẳng Chánh Giác.
# Minh Hạnh Túc: Minh là sáng tỏ, biểu thị cho trí
huệ. Hạnh là đức hạnh. Túc là cụ túc là đầy đủ. Nghĩa là trí huệ và đức hạnh của
Phật viên mãn đầy đủ, gọi là Minh Hạnh Túc. Đức Phật có trí huệ viên mãn rồi,
nhưng Ngài còn có đức hạnh đầy đủ nữa. Nếu chỉ có trí huệ không có đức hạnh thì
trí huệ đó không thể viên mãn, hai là một. Trí huệ đó khiến chúng ta đi vào đường
tà, vì không có đức hạnh, thì chỉ làm A-tu-la mà thôi. Cho nên rất nguy hiểm.
Tu hành nghe đến danh hiệu Minh Hạnh Túc, quý vị nhớ chúng ta phải vun bồi cả đức
hạnh và trí huệ. Nếu chỉ có trí huệ, không có đức hạnh thì tệ lắm là rơi vào địa
ngục, khá lắm thì rơi vào A-tu-la. Thông thường như vậy. Có nhiều người giảng
pháp rất hay, nhưng không có đức hạnh, cho nên Hòa thượng nói, rơi vào A-tu-la
đạo, hay nói chung là ma đạo. Trong Hoa Nghiêm Áo Chỉ nói những người giảng
pháp mà còn sân giận thì rơi vào ma đạo, hay A-tu-la đạo.
Khi nghe đến danh hiệu Ứng Cúng thì mình
suy nghĩ, mình không xứng đáng được trời người cúng dường. Nhưng mình cố gắng cúng
dường những bậc đức hạnh để mình tu phước. Nghe danh hiệu Đẳng Chánh Giác là
giác ngộ viên mãn, thì bây giờ mình thì cố gắng học kinh, nghe giảng pháp để
giác ngộ, giác từ từ. Còn nghe danh hiệu Minh Hạnh Túc thì phải tu đầy đủ trí
huệ và đức hạnh. Đức hạnh tu từ Đệ Tử Quy, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, đó là dành
cho căn cơ hạng hạ liệt. Ai thượng căn thượng trí không cần tu những thứ đó. Lục
Tổ Huệ Năng không cần học gì hết. Ngài là “trong
tâm đệ tử thường sanh trí huệ” – đây là câu nói khi Lục tổ gặp Ngũ tổ Hoằng
Nhẫn. Còn chúng ta bây giờ mà gặp Ngũ tổ Hoằng Nhẫn thì chúng ta nói “trong tâm
đệ tử thường sanh phiền não”.
Phiền não tham sân si, như trong Kinh Vô Lượng Thọ
nói: “thường niệm dâm dật, tà thái ngoại
dật”, “thế nhân cộng tranh, bất cấp chi vụ”. Nghĩa là người đời thường
tranh đua những việc không cần thiết. “Vi
tâm tẩu sử” là bị tâm sai khiến, lôi kéo, cho nên đó là phiền não. Mình học
đến đây thì mình phải hiểu, danh hiệu của đức Phật mình cũng phải cố gắng làm điều
gì đó. Quý vị nào thật sự nghe Pháp mà tu hành thì chép lại những dòng đó, lần
sau đọc tới quý vị làm được những điều đó, học và hành theo thì từ từ, từ phàm
chuyển thành Thánh lúc nào không hay. Chẳng khác nào Công Quá Cách như trong Liễu
Phàm Tứ Huấn, những phương pháp như thế. Thực ra Kinh Vô Lượng Thọ bao quát hết
nhưng không có ai giảng ra nên chúng ta không hiểu.
# Thiện Thệ: Thiện là thiện xảo, giỏi, khéo. Thệ:
nếu quý vị tra trong Từ điển, thệ là đi không trở lại nữa, như vậy không liên
quan gì. Ở đây là nghĩa bóng, chữ thệ này Hòa thượng chú giải như sau.
Hòa thượng chú giải:
+Thiện là khéo léo, thệ là xa rời vọng tưởng Phiền não, Phân biệt, Chấp trước.
Phật có thể khéo giỏi giáo hóa chúng sanh mà lại không phân biệt, không chấp
trước nên xưng là Thiện Thệ.
Thiện là giỏi, là khéo; Thệ là không phân
biệt chấp trước, không dính tướng. Phật có khả năng giáo hóa chúng sanh nhưng
trong tâm Ngài không phân biệt, không chấp trước, rõ hơn là không khởi tâm động
niệm. Đó là Thiện Thệ. Quý vị tra Từ điển chữ thệ là đi qua không trở lại, tức
là không dính. Chữ thệ là không dính tướng. Lần sau khi đọc đến Thiện Thệ mình
hiểu là khéo giỏi hoằng hóa chúng sanh, không dích tướng, không dính mắc. Chúng
ta cũng cố gắng làm, dùng tâm vô tướng để làm, để giáo hóa chúng sanh, làm một
cách khéo léo.
Cứ nói là độ chúng sanh, nhưng trong
chúng sanh có chính mình. Không độ được chính mình thì đừng nói độ chúng sanh.
Hòa thượng hay nói quý vị không độ quý vị được mà quý vị đòi độ chúng sanh đó
là vô hữu thị xứ, nghĩa là điều đó không có. Vì sao? Bởi quý vị không chuyển được
phiền não, quý vị không có điều gì đặc biệt, quý vị tu hành không đắc lực, không
chứng đắc, quý vị nói thì ai nghe? Cho nên tự độ cũng chính là độ tha, mà muốn
độ tha phải tự độ. Tự độ thành tựu nhất là thành Phật, có nghĩa là giáo hóa chúng
sanh thành tựu lớn nhất. Ví dụ Thiện Trang nói độ chúng sanh chẳng qua là nói
như vậy thôi, thực ra Thiện Trang không độ gì đâu. Quý vị thành tựu là nhờ
chính bản thân quý vị, không phải do Thiện Trang đâu. Quý vị nghe Pháp được,
quý vị hoan hỷ được là nhờ thiện căn phước đức nhân duyên trong nhiều đời nhiều
kiếp của quý vị đó. Quý vị nghe được là nhờ sự gia trì đó. Còn những việc Thiện
Trang làm đó, Thiện Trang đã nói từ đầu là không có công đức chi hết. Thiện
Trang có gắng niệm Phật hy vọng là niệm Phật vãng sanh. Minh tâm Kiến tánh, Kiến
tánh thành Phật mới có khả năng độ chúng sanh được. Bây giờ bí quá, Thiện Trang
tạm giảng một thời gian.
Sau này nếu phiền não nhiều quá, vấn đề nhiều quá thì
tạm rút một thời gian. Không giảng được nữa thì nghỉ, nhường cho người khác giảng.
Chắc chắn Phật Bồ-tát cử người giảng tiếp. Bây giờ nhân duyên cứ tạm thời chia
sẻ vậy, cứ làm, làm để tiêu nghiệp chướng, làm để vun bồi thêm phước đức. Làm hành
lý đi về Tây Phương, nghiệp sanh tử luân hồi thì nhẹ bớt, còn Tịnh nghiệp là
nghiệp đi về Tây Phương Cực Lạc mạnh thêm một chút. Lên máy bay nhẹ chút. Còn quý
vị lên máy bay mang đủ đồ, nhiều quá thì lên máy bay không nổi, thậm chí ra sân
bay không nổi, không kịp. Cho nên muốn lên máy bay về Tây Phương Cực Lạc thì nhẹ
nhẹ chút, nên tiêu nghiệp chướng là tốt. Quý vị lâu lâu phải bị khảo một trận,
phải bị ốm, phải bị người ta chửi…Như Thiện Trang vừa qua liên tục bị khảo đủ
thứ chuyện.
Có người rất lo lắng cho Thiện Trang, nhưng Thiện
Trang nói không sao, mỗi lần như vậy là mỗi lần tăng thêm công phu. Đó là nghiệp
tiêu, nghiệp tiêu thì trí rạng. Công phu chắc chắn sẽ lên, chướng ngại hôm nay
là thành tựu ngày mai. Hiện tại có khi thoái chuyển rất xa, nhưng mà hồi xưa
thôi, bây giờ biết cách lấy lại công phu rất nhanh. Tu hành lâu thì biết cách
khống chế được phiền não, biết mình rơi vào điều gì. Đoạn này đang nói cao, bây
giờ nói thấp để quý vị tu hành. Cách tu hành là quý vị phải biết mình đang ở
đâu. Thiện Trang hay nhắc câu là “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Quý vị biết quý vị phiền não nằm ở phần nào, dính mắc phần nào thì hãy buông từ
đó.
Ví dụ như Hòa thượng nói ngày xưa ngài
rất yêu thích sách. Cho nên ai mượn sách của ngài, đọc sách làm nhèo, là ngài
khó chịu lắm, ngài không thích cho mượn sách. Sách đọc nhiều lần rồi thì ngài có
thể hoan hỷ cho mượn, còn sách ngài chưa đọc thì ngài không cho ai mượn. Khi Đại
sư Chương Gia dạy ngài buông xuống từ những chỗ khó buông nhất. Ngài thấy chỗ
đó là khó buông nhất.
Cho nên ngài nghe lời Đại sư, bắt đầu cho mượn cả những
cuốn sách mới mua về, dành dụm bao nhiêu tiền để mua về, người nào hỏi mượn,
ngài nhất định phải cho mượn, dù trong lòng rất xót, khó chịu. Sau khoảng năm
sáu năm thì ngài mới cho mượn một cách hoan hỷ, buông xuống được hoàn toàn việc
đó. Đó là Hòa thượng thị hiện chấp vào việc đó, phiền não về việc đó. Còn quý vị
chấp vào điều gì? Quý vị suốt ngày phiền não lo về con. Con đau, con có chuyện
gì đó, quý vị lo nhiều ở đó, thì quý vị buông từ chỗ đó, buông từ tình chấp nhớ
con. Niệm Phật mà không nhớ Phật, lại nhớ con. Vậy thì quý vị buông từ chỗ đó.
Còn nếu quý vị ham học pháp, thích học rộng nghe nhiều, Kinh này Kinh kia, cũng
là phiền não, cũng phải buông. Có người ham độ sanh, cũng phải buông việc đó xuống.
Làm mà không làm, không bị dính vào chỗ đó.
Thiện Trang lấy ví dụ như hai chị em cô đó. Một người
giỏi về tư duy, một người giỏi về tinh tế, sâu sắc bên ngoài. Nếu xét về Phiền não
chướng và Sở tri chướng thì một người nặng về Phiền não chướng hơn, một người nặng
về Sở tri chướng hơn. Người nặng về Sở tri chướng thì nghe Pháp bị chấp pháp,
thường không tiếp nhận những điều người khác giảng. Ví dụ như Thiện Trang giảng
người ta tiếp nhận ít. Người đó rớt vào Sở tri chướng nhiều. Sở tri chướng đó
khiến cho họ khó mà khai trí huệ. Còn người Phiền não chướng hay để ý những vấn
đề chi tiết quá, ví dụ gia đình có chuyện gì, chồng ra sao v.v… đó thuộc về Phiền
não chướng nhiều.
Quý vị biết mình nặng ở chỗ nào thì
buông từ chỗ đó. Nếu là hai chướng đó cùng nặng thì rất khổ đau, tu rất khó. Sở
tri chướng nặng thì nghe pháp không hiểu, nghe pháp không chịu tiếp thu. Người
ta giảng pháp thì so sánh, hợp thì nhận, không hợp thì bỏ. Sự so đó cũng là Sở tri
chướng. Ngay cả Hòa thượng giảng mà quý vị còn so, còn không tin nữa thì thôi,
Kinh Vô Lượng Thọ nói như vậy mà nghĩ chưa chắc như vậy. Cho nên là Sở tri chướng
rất nặng, mình phải để ý chỗ này. Thiện Trang thấy hai chị em cô đó như vậy, một
người nặng về Phiền não chướng hơn, một người nặng về Sở tri chướng hơn. Một
người nghe pháp hiểu được nhiều hơn, nhưng họ dễ bị giao động bởi những cảnh giới.
Còn một người đối với cảnh giới như như bất động, có lý trí lắm, nhưng nghe pháp
không hiểu sâu vì bị dính vào Sở tri chướng nặng hơn. Thiện Trang nói đơn giản
như vậy.
Còn Thiện Trang thì luôn luôn quán
xét, phải bỏ tất cả. Kinh Kim Cang nói: “Pháp
thượng ưng xả, hà huống phi pháp”, Pháp
còn phải bỏ, hà huống phi pháp. Hay trong Kinh Xà Dụ (một bộ Kinh
Tiểu thừa về bắt rắn), đức Phật nói Pháp của ta như chiếc bè qua sông, qua rồi
phải buông bè. Nhiều người nghe đoạn này không hiểu lý. Chúng ta dùng chiếc
thuyền pháp để qua sông, qua đến nơi rồi mới bỏ bè. Qua sông rồi mới ly bè, còn
bây giờ chưa qua sông. Còn ở giữa dòng mà bỏ bè thì chìm sông, chết đuối. Cho
nên phải biết khi nào mình bỏ điều gì. Việc này quý vị phải dùng công phu trí
huệ để quán xét. Quý vị phải để ý điều này. Quý vị không để ý thì khá khó khăn.
Không đơn giản đâu, tu hành là cả một vấn đề. Mình phải biết khi nào bị phiền não,
khi nào biết mình bị nghiệp, thì quý vị khá rồi đó. Còn nếu không biết thì
không thoát ra được, nói chung là con đường tu còn xa lắm.
# Thế Gian Giải: là đối với sự lý của tất cả Pháp thế
gian đều có thể thông đạt liễu giải nên xưng là Thế Gian Giải. Tức là đức Phật
có năng lực đặc biệt, đối với tất cả pháp thế gian, Ngài hiểu rõ một cách tường
tận, rõ ràng, cho nên xưng là Thế Gian Giải. Ví dụ như đức Thích Ca Mâu Ni Phật
hay Lục tổ Huệ Năng, nếu ai hỏi chế tạo bom nguyên tử như thế nào thì các Ngài
cũng chế tạo được. Hoặc chế tạo điện thoại như thế nào, các Ngài cũng biết rất
rõ. Các Ngài đều biết hết tất cả các Pháp thế gian. Ví dụ trong bộ Kinh Chăn Bò
(người ta dịch là Chăn Trâu nhưng không phải, Kim Ngưu là Bò, Thủy Ngưu mới là
Trâu), có chú bé đến hỏi đức Phật chăn bò như thế nào, đức Phật chưa bao giờ
chăn bò, nhưng Ngài trả lời rất chính xác. Đó là Thế Gian Giải. Kiến thức thế
gian không cần học nhưng biết rõ. Chúng ta không có thế gian giải. Chúng ta
chưa Minh tâm Kiến tánh, chúng ta phải học. Nhưng đối với thế gian chúng ta học
ít ít thôi, để dành học Phật pháp là chính. Mình tu mình biết Phật Pháp rồi, những
gì của thế gian mình học vừa vừa phải phải thôi. Đừng ham lấy bằng Tiến sĩ, đừng
ham lấy bằng này bằng kia. Vì sao? Vì những thứ đó không giải quyết vấn đề gì hết.
Đó chỉ là kiến thức thế gian thôi, kiến thức thế gian mà học thì vô tận. Làm
sao học hết được. Mình chỉ học vừa phải để làm tốt công việc của mình. Nghe đến
câu Thế Gian Giải mình nhớ mình tu bao nhiêu đó. Cho nên học một câu Kinh văn, gồm
có học kiến thức rồi thực hành luôn, nếu chứng được trong đó nữa thì bốn giai
đoạn Tín, Giải, Hành, Chứng đều đạt cùng một lúc.
Ngày xưa đức Phật nói ngài A Nan mắc Phiền não chướng
dễ độ, còn ngài Phú Lâu Na Sở tri chướng khó độ. Đúng rồi, người có Sở tri chướng
là những người khó độ, vì chấp vào hiểu biết của mình cho nên không tiếp thu được.
Ngài A Nan có Phiền não chướng, ngài có tình cảm nhiều, cho nên ngài thị hiện bị
nạn Ma Đăng Già Nữ, hoặc khi đức Phật nhập Niết-Bàn, ngài còn thị hiện khóc, đó
là Phiền não chướng, khiến cho ngài không chứng quả cao được, nhưng ngài nghe pháp
thì hiểu. Còn ngài Phú Lâu Na do Sở tri chướng nặng nên nghe pháp không hiểu,
giảng pháp được, nhưng không tiếp thu được.
# Vô Thượng Sĩ: vô thượng là trên cao. Sĩ là chỉ tầng
lớp tri thức trong xã hội. Ví dụ bác sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ…Vô Thượng Sĩ là trong
những người thuộc tầng lớp tri thức đó, còn cao hơn những người đó, và không có
gì cao hơn những người đó được, Phật là cao nhất. Phật là bậc cao nhất, hơn tất
cả những học vị đó, nên gọi là Vô Thượng Sĩ.
Hòa thượng chú giải:
Vô thượng sĩ là tầng lớp tri thức có đầy đủ đức hạnh viên mãn nhất. Phật
là tầng lớp tri thức có đủ đức hạnh viên mãn nhất.
Có nghĩa là trong những bậc sĩ, ngoài học vấn ra còn
phải là có đức hạnh nữa, thì mới là sĩ. Ví dụ bác sĩ mà không có đức hạnh thì
cũng sẽ bị chửi. Tiến sĩ mà không có đức hạnh thì người ta chửi là tiến sĩ giấy,
đủ các loại. Cho nên phải có đức hạnh viên mãn nữa, thì mới được gọi là sĩ. Phật
là trong tầng lớp đó chọ ra người viên mãn nhất, người có đức hạnh và trí huệ
cao hơn tất cả, không ai vượt được, nên gọi là Vô Thượng Sĩ. Chúng ta học được
gì từ danh hiệu Vô Thượng Sĩ, chúng ta cũng phải học theo Phật, chúng ta không
được Vô Thượng Sĩ thì chúng ta cũng phải được Trung Thượng Sĩ hoặc Thượng Thượng
Sĩ cũng được, còn tiểu nhân sĩ thì khỏi nói. Ý chúng ta phải học đức hạnh, học
trí huệ để giúp độ thế nhân.
# Điều Ngự Trượng Phu: điều là điều phục, ngự là chế ngự. Điều
phục và chế ngự thì gọi là điều ngự. Điều phục được chính mình mình, điều phục
được chúng sanh, chế ngự được chính mình, chế ngự được chúng sanh. Chế ngự được
tham, sân, si, phiền não. Điều phục và chế ngự được tất cả những gì của mình và
chúng sanh. Cho nên gọi là Điều Ngự.
Hòa thượng chú giải:
+Điều Ngự Trượng Phu: Điều ngự là điều phục chế ngự. Phật dùng sức đại
trượng phu để thuyết đủ các loại pháp có thể điều phục, chế ngự mọi phiền não của
hết thảy chúng sanh khiến được đại Niết-Bàn.
Phật giảng pháp một hồi thì điều phục
được chúng sanh thắng mọi phiền não hết, chứng được Đại Niết-Bàn, tức là thành
Phật. Đó là Điều Ngự. Trượng phu là bậc vĩ đại. Chúng ta hay nghe Hòa thượng giảng
về Đại Trượng Phu và Đại hùng Bảo điện. Trong nhà Phật nơi thờ Phật gọi là Đại hùng
Bảo điện, tức là điện báu thờ vị đại anh hùng. Theo thế gian trượng phu là bậc
đầu đội trời, chân đạp đất. Đó là chỉ nói theo thế gian mà thôi, không đúng với
xuất thế gian. Thiện Trang nghe có người giảng Phật là đại anh hùng, đại trượng
phu, vì Phật không bị nữ nhân lôi kéo (anh hùng thắng được ải mỹ nhân).
Quý vị nghe vậy thấy hợp lý không? Theo tiêu chuẩn nhà
Phật thì chưa hợp lý. Vì chư thiên cõi trời thứ bảy trở lên, từ trời Phạm
Chúng, Phạm Phụ, tức là trời Sơ thiền trở lên đã điều ngự được chuyện đó rồi,
không còn sắc dục nữa, làm gì có cô nào dụ được. Vậy họ cũng là đại anh hùng à?
Cho nên nói như vậy mới nghe thì đúng. Hay là đầu đội trời, chân đạp đất. Đó là
nói theo người thế gian. Chư thiên đâu có đầu đội trời, chân đạp đất đâu, họ
bay trên không. Cho nên nghe tưởng hợp lý nhưng mà không hợp lý.
Hòa thượng nói đại trượng phu là người đã chế phục được
phiền não toàn bộ rồi, toàn bộ tham sân si không khởi lên nữa, cho nên gọi là
trượng phu. Cho nên gọi là “Thắng hàng
ngàn quân giặc, không bằng thắng chính mình, thắng phiền não tốt hơn” (Kinh
Pháp Cú).
A-la-hán có một danh hiệu là Sát tặc, nghĩa là người
giết được giặc phiền não. Đó mới gọi là anh hùng. A-la-hán được gọi là anh hùng
rồi đó. Còn Phật là đại anh hùng, vì Ngài phá được hết các phiền não: Kiến tư Phiền
não, Vô minh Phiền não và Trần sa Phiền não. Còn A-la-hán mới phá được Kiến tư Phiền
não thôi. Cho nên nghe pháp phải hiểu được, phải lý giải thâm sâu theo Phật pháp.
Ngày nay chỉ giảng theo thế gian nhiều. Đem Kinh Phật ra giảng theo thế gian
pháp. Tất nhiên cũng chấp nhận được, cũng nghe được, lôi cuốn, hấp dẫn chúng
sanh vì chúng sanh hợp căn cơ. Rất tốt, chúng ta tán thán. Nhưng xét theo tiêu
chuẩn thì chúng ta nên tuân theo lời cổ nhân. Cổ nhân chú giải như vậy thì
chúng ta học như vậy, nói lại đừng sáng tác ra. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Ông chớ tin ý ông khi ông chưa chứng được quả
A-la-hán”. Chưa chứng quả A-la-hán thì ý của chúng ta vẫn là
ý của phàm phu thôi. Thiện Trang nói như vậy để quý vị phá đi Sở tri chướng.
Quý vị hãy tin kinh Phật, tin lời Phật nói. Vì Ngài là Đại Trượng Phu, Ngài ra
khỏi phiền não rồi. Còn chúng ta chấp vào phiền não của chúng ta, chúng ta sẽ
khổ. Vừa rồi là Đại Trượng Phu. Điều Ngự Trượng Phu mình cũng ráng làm được. Điều
phục được các căn, điều ngự được tham sân si của chính mình, thì là trượng phu,
giúp cho chúng sanh nữa thì càng tốt.
# Thiên Nhân Sư: Thiên là chư thiên, nhân là cõi người,
sư là Thầy. Nghĩa là Phật là bậc Thầy của cõi trời và cõi người.
Hòa thượng chú giải: Thiên là thiên giới, là cõi trời. Nhân là
nhân gian. Phật là bậc Thầy mô phạm của cõi trời và nhân gian. Cho nên xưng là
Thiên Nhân Sư.
Quý vị có ai thắc mắc là tại sao không
gọi là Nhân Thiên Sư mà lại gọi là Thiên Nhân Sư. Sao không để chữ Nhân đằng
trước, Thiên đằng sau? Mà lại để Thiên đằng trước, Nhân đằng sau? Có ai thắc mắc
như vậy không? Nếu đảo như vậy thì phải có Kinh nào đảo đúng không? Kinh nào
cũng để là Thiên Nhân Sư. Tại sao? Vì Phật là Thầy của bậc quý nhất là bậc trời.
Với các cõi trời, Phật cũng làm vị Thầy mô phạm được, thì tất nhiên đối với cõi
người cũng làm được. Phật là Thầy của cõi trời, nói thêm cõi người nữa để gần
gũi chúng ta. Phật vừa là Thầy của cõi trời, vừa là Thầy của cõi người, là
Thiên Nhân Sư.
Còn những người xuất gia như Thiện Trang, Thiên Nhân
chi đạo sư. Nói vậy thôi, bao giờ chứng A-la-hán thì mới được. Chưa chứng quả
A-la-hán thì chỉ là có tướng mà chưa có tánh, có tướng mà chưa có thực, chỉ là
hữu danh vô thực mà thôi. Khi chúng ta nghe đến Thiên Nhân Sư, là vị Thầy mô phạm
của thế gian, của chư thiên. Tuy chúng ta chưa phải là Phật, nhưng chúng ta cố
gắng làm mô phạm cho thế gian, làm sao mô phạm cho cõi trời. Khởi tâm động niệm,
đừng nghĩ lung tung, đừng nghĩ bậy, đừng nghĩ cho chính mình, chỉ nghĩ cho
chúng sanh, thì quý vị cũng làm được một phần. làm gì cũng vậy chúng ta cố gắng
nói tốt cho chúng sanh. Chúng ta làm được phần nào tốt phần đó, chúng ta cũng học
được một chút về hạnh Thiên Nhân Sư, tức là chúng ta ước ao tương lai làm Thầy
của trời người.
# Phật: Phật quý vị đã biết rồi. Phẩm đầu
tiên trong đề kinh của Kinh: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm
Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, Thiện Trang đã nói rồi. Chữ Phật có nhiều cách định
nghĩa, trong Phật Học Phổ Thông hay nói Phật là tự giác, giác tha và giác hạnh
viên mãn. Nói đơn giản là người đã giác cho chính mình, giúp cho chúng sanh
giác ngộ, và hai hạnh giác đó đều viên mãn hết, rốt ráo hết thì gọi là Phật.
Giác là hiểu rõ, sáng tỏ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Giác ngộ đó đến tột
cùng, không còn gì hơn nữa, thấu tỏ hết rồi. Như vậy gọi là Phật. Đơn giản là
như thế.
# Thế Tôn: Thế là thế gian, tôn là tôn quý. Bậc
tôn quý trong thế gian. Thế gian ở đây không phải chỉ là ở trên đời đâu, bao gồm
cả cõi trời. Thế gian trong Kinh Phật bao gồm cả ba cõi Dục giới, Sắc giới và
Vô sắc giới, chứ không phải nói mỗi cõi người. Cho nên Thế Tôn ở đây là bậc tôn
quý trong cõi trời và cõi người.
Hòa thượng chú giải:
+đầy đủ mười loại đức trí ở trên
Tức là từ Như Lai, Ứng Cúng… cho đến Phật,
+được người đời tôn sùng, nên xưng là Thế Tôn.
Được người đời tôn quý và sùng bái. Tôn
sùng là tôn quý và sùng bái.
+Ý nghĩa là vị Thầy dẫn đường tôn kính của thế gian.
Thế Tôn là vị Thầy tôn kính của thế gian, Ngài dẫn
chúng sanh đến bờ giải thoát an vui, rốt ráo thành Phật. Đó là Thế Tôn.
+Mười loại đức hiệu trước (từ Như Lai, Ứng Cúng, Đăng Chánh Giác…. đến
Phật) gọi là biệt xưng, Thế Tôn là tổng xưng.
Mười danh hiệu đó gom lại thành Thế
Tôn. Những điều gì tôn quý thì Phật đều có. Tất cả những điều đằng trước nói kể
ra. Ở đây nếu học Kinh Hoa Nghiêm quý vị hiểu thêm chút, Kinh Hoa Nghiêm nói mười
danh hiệu. Thật ra Phật có vô lượng danh hiệu. Trong trung bản Kinh Hoa Nghiêm
rút gọn lại có 1000 danh hiệu thôi. Trong tiểu bản Kinh Hoa Nghiêm được truyền
đến nhân gian chỉ có mười danh hiệu thôi. Thực tế kể ra Phật có vô lượng vô
biên danh hiệu. Có nhiều danh hiệu bởi vì Phật có rất nhiều khả năng, biện tài,
có trí huệ, đức tướng, có rất nhiều thứ, kể ra vô lượng vô biên. Không phải chỉ
có mười danh hiệu đó. Do thế gian chúng ta chỉ có thể tiếp nhận mười danh hiệu
đó thôi, nên Phật từ bi giảng mười danh hiệu đó thôi.
# Tại thế giáo thọ tứ thập nhị kiếp: tại là ở tại, thế là đời. Thế Gian
Tự Tại Vương, Ngài ở đời giáo thọ.
Giáo thọ: giáo là giáo dục, thọ là truyền thọ. Giáo thọ
là dạy dỗ giáo dục, thọ là truyền trao. Ngài dạy cho chúng sanh giáo Pháp, gọi
là giáo dục cho chúng sanh, thì gọi là giáo thọ. Tứ thập nhị kiếp là 42 kiếp. Tức
là đức Phật ở đời giáo hóa chúng sanh 42 kiếp. Quý vị nghe đức Phật ấy ra đời và
giáo dục chúng sanh đến 42 kiếp. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta chỉ có 49
năm, theo Nam truyền chỉ có 45 năm thôi. Vì sao có sự khác biệt lớn như vậy? Tại
vì chúng sanh thời kiếp đó có phước, nên Phật trụ lâu nơi đời, lần trước Thiện
Trang nói rồi. Trong Kinh Pháp Hoa, đức Phật cũng nói rất rõ, Phật không trụ
lâu nơi đời là do chúng sanh phước mỏng, nghiệp chướng sâu nặng. Họ thấy Như
Lai chưa nhập diệt, họ không chịu tinh tấn tu hành. Như người cha là lương y giỏi,
trị bệnh cho con. Đứa con mình không chịu nghe, không chịu uống thuốc. Cho nên
vị lương y phải đó đi sang nước khác rồi sai người về nói là mình chết rồi. Cho
nên chúng ta hiểu là tuổi thọ của đức Phật, từ lúc ra đời, trụ thế bao lâu đều là
do chúng sanh thời đó phước rất lớn. Chính vì chúng sanh thời đó phước rất lớn,
nên người xuất hiện trong thời gian đó, tức là tiền thân của đức Phật A Di Đà,
tiếp theo chúng ta học là một người có phước đức lớn, mới sanh vào thời đó. Chúng
ta học một hiểu được nhiều. Kiếp số nói lên được nhiều điều lắm, cho nên thời
gian Phật trụ thế, chúng ta phải hiểu được điều đó.
# thời vị chư thiên: thời có hai nghĩa, một là lúc đó,
cũng có nghĩa là thường thường. Hòa thượng chú giải là thường thường. Chữ 為có hai âm,
một âm là vi nghĩa là ‘là’ hay ‘làm’, ở đây đọc
là vị có nghĩa là ‘vì’; luôn luôn vì, thường thường vì chư thiên, người ở cõi
trời.
# cập thế nhân dân: cập là ‘và’, nhân dân là người đời, nghĩa là vì người đời.
# thuyết kinh giảng đạo: thuyết kinh giảng đạo.
Tức là đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương
Như Lai, Ngài ở đời 42 kiếp, thường vì chư thiên và người đời thuyết kinh và giảng
đạo.
Tạm dịch: Đức Phật bảo ngài A Nan: “Vô lượng không thể nghĩ bàn vô tận vô số kiếp về
thuở quá khứ, có Phật ra đời, hiệu là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng,
Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự
Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật ấy ở đời giáo dục truyền dạy
42 kiếp, thường vì chư thiên cho đến nhân dân thuyết Kinh giảng đạo.
Chữ cập ở đây Thiện Trang sửa lại một chút, là nãi cập,
tức là cho đến. Nghĩa là không chỉ có chư thiên và loài người mà các loài chúng
sanh khác cũng nghe được Phật thuyết pháp.
Hòa Thượng chú giải:
Phật nói với ngài A Nan, quá khứ vô lượng không thể nghĩ bàn, vô số kiếp
về trước, có một tôn Phật xuất hiện ở thế gian là Thế Gian Tự Tại Vương Như
Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng
Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài ở thế gian, giáo
hóa chúng sanh 42 kiếp. Thường vì chư thiên cho đến nhân dân giảng kinh thuyết
pháp.
Hòa thượng cũng dùng dĩ cập tức là cho đến. Trong đó
không chỉ có chư thiên và loài người, mà còn có A-tu-la, học cũng nghe Pháp ké,
ngạ quỷ v.v… cũng nghe pháp được. Thậm chí chúng sanh ở địa ngục, tạm thoát ra
cũng nghe được. Chúng sanh trong đường súc sanh cũng nghe pháp được. Cho nên ở
đây nói thường vì chư thiên cho đến loài người là đúng, chứ không phải là chư
thiên và loài người là không đúng.
Đoạn 2
Kinh văn:
有大國主名世饒王,聞佛說法,歡喜開解,尋發無上真正道意。棄國捐王,行作沙門,號曰法藏。修菩薩道,
Hữu đại quốc chủ danh Thế Nhiêu
Vương, văn Phật thuyết pháp, hoan hỷ khai giải, tầm phát Vô thượng chân chánh đạo
ý. Khí quốc quyên vương, hành tác Sa-môn, hiệu viết Pháp Tạng. Tu Bồ-tát đạo,
Giải:
Thiện Trang coi Hòa thượng đưa chữ “Tu Bồ-tát đạo” vào
đoạn thứ hai. Còn một số bản dịch khác thì đưa vào đoạn sau. Cho nên theo bản
này thì giảng theo Hòa thượng. Còn trong bản Kinh Thiện Trang theo bản gốc, thì
chữ Tu Bồ-tát đạo đưa xuống dưới này. Cũng không sao, chỉ là chia đoạn thôi.
# Hữu đại quốc chủ danh Thế Nhiêu
Vương: hữu
là có. Đại quốc là nước lớn, chủ là vị
làm chủ. Đại quốc chủ là chủ của nước lớn. Nói theo kiểu ngày xưa thì vua là quốc
chủ, nước này không phải nước nhỏ, mà nước lớn. Hữu Đại quốc chủ là chủ của một
nước lớn hay người đứng đầu như vua. Còn nói theo thời ngày nay là làm Tổng thống:
Ở Việt Nam hiện này lớn nhất gọi là Tổng bí thư, Chủ tịch nước…là Đại quốc chủ,
là một nước lớn, không có nước nhỏ. Tức là một vị làm chủ của một đất nước rất
lớn. Tên là Thế Nhiêu Vương. Danh là tên, tên là Thế Nhiêu Vương, Vương có
nghĩa là vua. Ở đây Phật thuyết theo thời kỳ Ấn Độ, thời kỳ đó là vua. Còn nếu
Phật thuyết theo ngày nay thì có thể Phật không dùng chữ Vương. Thời có Tổng thống
thì gọi là Thế Nhiêu Tổng thống. Nếu ở Việt Nam thì có thể là Thế Nhiêu Chủ tịch
nước. Chữ Vương không hẳn là vua, mà là người lãnh đạo, quốc chủ của một đất nước.
Thế Nhiêu là gì?
Hòa Thượng chú giải:
+Thế là thế gian, Nhiêu là phong nhiêu, tức là phì nhiêu, màu mỡ, phong
phú.
Tức là đất nước mà vị quốc vương này cai trị là một đất
nước giàu có, phong phú, màu mỡ. Nghĩa là chính sách cai trị của vị vua ấy rất
tuyệt vời. Ngài có thể giúp cho dân giàu nước mạnh. Cho nên gọi là Thế Nhiêu
Vương. Đây là tên gọi.
+Hình dung vị quốc Vương ấy có thành tích cai quản, xử lý, đạt
đến dân giàu, nước mạnh, cho nên có thanh danh tốt đẹp là Thế Nhiêu Vương.
Có nghĩa là lúc đó vị vua ấy có khả năng cai trị quản
lý đất nước rất tốt. Giúp cho dân giàu nước mạnh. Nên được người khác khen tặng,
gọi là thanh danh, tức là tên người khác khen tặng, gọi là Thế Nhiêu Vương, có nghĩa
là vị vua rất tốt.
Trong năm bản dịch Kinh Vô Lượng Thọ
có giới thiệu tên thực tế của vị vua này là Kiều Thi Ca, một vị Thái tử được
truyền ngôi lên làm vua, được xưng tặng danh hiệu Thế Nhiêu Vương. Cho nên tên
này là được người ta xưng tặng. Giống như quý vị làm công việc gì đó tốt được
khen tặng danh hiệu. Tên thật của ngài là Kiều Thi Ca. Bản hội tập này nói đơn
giản là Thế Nhiêu Vương là đủ rồi. Nước đó có một vị vua tên là Thế Nhiêu.
# văn Phật thuyết pháp: văn là nghe, nghe nhưng hiểu rồi, tu
hành. Vị vua này thường đến nghe đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương thuyết pháp,
văn là nghe, hiểu và tu. Nghe đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương thuyết pháp, vị
vua Thế nhiêu đến nghe, tu.
# hoan hỷ khai giải: ngài nghe hoan hỷ vui mừng, khai giải
là khai mới, tâm ngài mở ra, hiểu được những lời Phật dạy, hoan hỷ, rất vui mừng,
tức là pháp hỷ sung mãn.
# tầm phát Vô thượng chân chánh đạo
ý: tầm
ở đây không phải là tìm (như trong câu ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, nghĩa là bò
tìm bò, ngựa tìm ngựa, ý nói người như thế nào thì kết bạn với người như thế ấy),
mà có nghĩa là lập tức, liền. Liền phát
Vô thượng chân chánh đạo ý.
Hòa Thượng chú giải:
+Vô thượng chân chánh đạo ý chính là tâm Bồ-đề Vô thượng.
Tâm Bồ-đề vô thượng chính là Vô thượng chân chánh đạo
ý, ý là tâm, chân chánh đạo là đạo chân chánh. Vô thượng đạo là đạo cao nhất,
không thể có gì cao hơn. Ngài Thế Nhiêu khi nghe Phật thuyết pháp ngài rất hoan
hỷ, hiểu rõ, mở tâm lượng hiểu rõ, cho nên liền phát được tâm Vô thượng Bồ-đề.
Tâm Vô thượng Bồ-đề là tâm mong cầu thành Phật, rộng độ chúng sanh. Ngài nghe rồi
phát tâm liền. Quý vị nghe từ đầu đến giờ đã phát tâm như vậy chưa? Nếu chưa phát
tâm được cũng không sao. Khi nào nghe đến phẩm 10 – Giai Nguyện Tác Phật, quý vị
phát tâm như Vương tử A Xà Thế và 500 vị Trưởng giả, thì quý vị cũng bằng người
ta, cũng khá lắm. Còn nếu nghe xong rồi mà không phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì kể
như thiện căn của mình yếu hơn. Ở đây chúng ta mới nghe được tý xíu. Vị vua này
nghe được liền phát tâm. Chữ tầm là liền, chứng tỏ thiện căn phước đức nhân
duyên của vị vua này vô cùng sâu dày, cho nên ngài mới có thể liền phát tâm vô
thượng chân chánh, tâm Vô thượng Bồ-đề, tâm mong cầu thành Phật, để rộng độ
chúng sanh.
# Khí quốc quyên Vương: khí là bỏ. Thiện Trang đã giảng chữ
khí này nhiều rồi, trong câu “khí vị xuất
gia khổ hạnh học đạo”. Câu dễ nhớ nhất là Hòa thượng hay nhắc trong câu “Nhân khí thường tắc yêu hưng” trong Tả
truyện. Nhân là người, khí là bỏ, bỏ đi luân thường, tắc là liền, thì yêu ma sẽ
hưng thịnh. Chữ khí này là bỏ, khí quốc tức là bỏ đi đất nước. Quyên vương:
quyên cũng là bỏ, bỏ đi ngôi vua của ngài. Câu Kinh văn này nghĩa là bỏ đất nước,
bỏ ngôi vị lãnh đạo, bỏ hết. Cho nên gọi là khí
quốc quyên Vương.
Hòa thượng chú giải:
+Khí quốc quyên Vương là xả bỏ ngôi vị quốc gia. Ý nghĩa của khí là xả bỏ.
Có người giảng kinh
nói đức Thích Ca Mâu Ni Phật bỏ ngôi vị bỏ đất nước (khí quốc quyên Vương) đi
xuất gia, giống như bỏ đôi dép rách. Nói như vậy không đúng. Ý nghĩa ở đây là bỏ
nước nhường ngôi. Phật nhường lại ngôi vua cho người khác làm. Bỏ nước ở đây
không phải là bỏ nhân dân. Nếu một người lãnh đạo có tâm tốt, đất nước đang
giàu mạnh, tại sao lại bỏ, bỏ nhân dân, như vậy đâu có từ bi. Cho nên mình học
mình phải hiểu được ý nghĩa khí quốc quyên vương. Ý nghĩa của việc bỏ nước nhường
ngôi này là vì ngài thấy dù đã làm vua mà không giúp được chúng sanh ra khỏi
sanh tử luân hồi, chưa giúp được cho nhân dân của mình. Cho nên bỏ ngôi vị vua
mà cầu ngôi vị khác hơn. Làm một người xuất gia, học đạo để giáo hóa nhân dân. Vị
trí đó tốt hơn, vị trí đó như đức Phật Thích Ca Mâu Ni hơn 3000 năm trước ngài
làm được. Ngài cũng vì như thế mới ra đi. Cho nên mình nói ngôn từ phải cẩn thận,
không nhiều người hiểu lầm. Việc bỏ này, mình nói bỏ nước nhường ngôi là tạm. Việc
bỏ nước nhường ngôi là tiến lên bậc mới, giáo hóa chúng sanh. Vì ở địa vị vua
cũng chưa giúp rốt ráo được chúng sanh khỏi đau khổ, khỏi sanh tử luân hồi.
Ngài hiểu được nên ngài mới cầu Vô thượng Bồ-đề, cho nên ngài mới bỏ nước nhường
ngôi. Trong bản dịch khác có nói rõ là bỏ nước nhường ngôi, chứ không phải bỏ
đi, rồi mặc kệ, muốn ra sao thì ra. Ngài sắp xếp nhường ngôi, giao nhiệm vụ
xong rồi, Thiện Trang nhớ là giao cho người anh của mình, rồi mới đi xuất gia.
Ngài là người con giữa hay người con thứ ba gì đó. Là ngài Kiều Thi Ca đó, sau
khi nhường ngôi ngài mới đi xuất gia.
# hành tác Sa-môn: hành là làm, tác cũng là làm, làm một
vị Sa-môn xuất gia. Ngài không phải chỉ xuất gia trên hình thức, mà ngài thật
làm nên có hai chữ hành và tác, tác là làm, hành là thực hành. Ngài đi xuất gia
theo đúng nghĩa chân chánh của người xuất gia. Xuất gia với đức Phật Thế Gian Tự
Tại Vương Như Lai. Vị vua đó đã nhường ngôi, từ bỏ ngôi vị quốc vương của mình,
đi xuất gia làm Sa-môn. Sa-môn là tiếng Ấn Độ cổ, nghĩa là cần tu giới định huệ,
tức diệt tham sân si. Cần là siêng năng. Người đó siêng năng tu giới định huệ,
ngay lập tức diệt được tham sân si, thì mới gọi là Sa-môn. Sa-môn là ngày xưa ở
Ấn Độ người đi xuất gia tất cả các giáo phái đều gọi là Sa-môn. Sa-môn theo đức
Phật Thích Ca Mâu Ni gọi là Sa-môn Thích tử. Còn sang Trung Quốc, những giáo
phái khác như Đạo gia không gọi là Sa-môn. Sa-môn chỉ dùng để gọi người xuất
gia trong nhà Phật.
Hòa Thượng chú giải:
+Sa-môn là cách gọi chung cho người tu hành thời cổ ở Ấn Độ. Ý nghĩa bao
hàm có siêng tu giới định huệ, tức diệt tham sân si. Trong đây chỉ cho người xuất
gia tu hành.
Quý vị học được gì từ đoạn Kinh vừa rồi?
Đây là đang giới thiệu về đức Phật A Di Đà. Mình là Đệ tử của đức Phật A Di Đà.
Trong phẩm 43 Kinh Vô Lượng Thọ nói là Đệ tử bậc nhất của đức Như Lai. Không chỉ
là Đệ tử của đức Phật A Di Đà đâu, là Đệ tử của đức Thích Ca Mâu Ni Phật nữa. Học
đến khí quốc quyên vương, mình cũng bỏ hết ngôi vị đi xuất gia hay sao?
Sẵn đây Thiện Trang nói đến vấn đề đi xuất gia. Xuất
gia là phước trồng từ nhiều đời nhiều kiếp, thì quý vị sẽ được nhân đi xuất
gia, đời này không có chướng ngại, quý vị đi xuất gia được. Thời nay là thời kỳ
Mạt pháp rồi, xuất gia chưa hẳn đã tốt. Quý vị phải tùy cơ ứng biến. Quý vị thấy
Đại sư Ấn Quang và Hòa thượng Tịnh Không, đặc biệt là Đại sư Ấn Quang, ngài biết
trước kiếp nạn của Trung Quốc là Mao Trạch Đông lên hủy diệt Phật giáo, cho nên
ngài ngăn cản hết những người đi xuất gia, không cho ai đi xuất gia. Trong những
lá thư đáp trong Văn sao ngài đều không cho xuất gia, thôi! Ở nhà tu đi.
Nếu xuất gia vào thời đó đúng gặp nạn thật. Cho nên Tổ
sư Ấn Quang khuyên không nên xuất gia là như vậy, vì ngài nhìn trước được tương
lai. Như Hòa thượng Hải Hiền bị bắt hoàn tục, bắt ngài đi làm v.v… Bắt thì bắt,
đâu cấm được ngài niệm Phật trong tâm. Nhưng ngài vẫn niệm Phật trong tâm, tâm
tâm vẫn niệm Phật. Khi cách mạng văn hóa hết, ngài trở lại chùa. Cho nên nhiều
người đọc Văn sao không hiểu tại sao ngài Ấn Tổ lại khuyên không nên đi xuất
gia. Hòa thượng Tịnh Không cũng có khuyên xuất gia nhưng khuyên một phần thôi.
Ngài sợ chúng sanh ngày nay nghiệp chướng nặng quá. Đi xuất gia họ không làm được.
Quý vị bỏ đi hết ngôi vị ở thế gian rồi, giống như học theo Thế Nhiêu Vương, bỏ
ngôi vua, còn mình chức vị nhỏ cũng bỏ luôn. Nhưng xuất gia làm được gì? Xuất
gia phải hoằng Chánh đạo, thệ độ nhất thiết nhân. Như bài kệ khi xuất gia:
“Hủy hình thủ khí tiết
Cắt ái lìa sở thân
Xuất gia hoằng Thánh đạo
Thệ độ nhất thiết nhân”.
Quý vị xuất gia là hủy hình rồi, người
nữ mà cạo tóc là thấy xấu, không còn đẹp như xưa nữa, người nam thì đỡ hơn. Rồi
mặc bộ áo nâu sòng lên, thấy xấu lắm, không đẹp nữa. Không được trang điểm,
không được này kia…Thủ khí tiết là giữ giới hạnh thanh tịnh, không dâm dục. Cắt
ái lìa sở thân, là những người thân bên mình đều lìa hết. Xuất gia hoằng Thánh đạo
tức là nhiệm vụ của người xuất gia là hoằng dương Thánh đạo, ở đây là đạo Phật.
Thệ độ nhất thiết nhân là nguyện độ tất cả mọi người. Thế mới là xuất gia.
Nếu không như vậy thì có lẽ không nên đi xuất gia. Cho
nên Thiện Trang khuyên là như vậy. Ai phát tâm thật sự thì nên đi xuất gia. Vì
xuất gia rồi có rất nhiều chướng ngại. Chướng ngại nhiều lắm quý vị. Ở một nơi
nào đó thôi cũng là khó rồi. Không như người Cư sĩ tại gia, muốn ở đâu thì ở,
muốn đến đâu thì đến. Rất khó. Điều khó đó tốt mà cũng không tốt. trong chùa thời
nay thì cũng có những chùa rất tốt, cũng có những chùa mà mình không muốn ở
luôn. Nhìn nhiều cảnh thấy ngán ngẩm cho thời Mạt pháp. Khi Thiện Trang đi nhập
hạ, nhìn thấy những người xuất gia theo kiểu miễn cưỡng xuất gia. Ngày xưa có lẽ
họ xuất gia không phải như bài kệ vừa rồi nói. Họ xuất gia như là để phá Phật
giáo, hay là cai quản, ngắm nhìn Phật giáo, theo dõi vậy đó. Ba giờ rưỡi thức
chúng để lên công phu. Bốn giờ lên công phu khuya tụng Lăng Nghiêm, Thập Chú, gục
gà gục gật rất khổ. Trường hạ bắt đứng hết luôn, không cho ngồi, vì sợ ngủ. Ai
cũng phải đứng mà tụng, chúng đứng hết. Đứng cũng ráng dựa vô cột ngủ đứng. Sau
khi kiểm chúng thì núp vô góc nào đó ngủ chút. Thấy như thế rất là tội, thấy những
người đó biết họ không có tâm thật sự xuất gia. Xuất gia như vậy làm gì cho khổ,
vì không tu mà. Mùa hạ thường hay có giải đá banh Euro hay Worldcup, cho nên thức
khuya, coi cho đã, sáng dậy không nổi, ngủ luôn. Đến giờ ăn sáng, trai đường ăn
sáng phải quỳ trước đại chúng. Mọi người ăn cơm, còn mình bị quỳ, rồi tác bạch:
Con pháp danh là … sám hối trước đại chúng. Tu hành khổ vậy thì thôi ra đời đi.
Nhưng không dám ra đời, nghe nói ra đời khổ quá không dám ra đời. Không biết tại
sao họ không ra đời. Đó là không biết giáo pháp. Đó là chỉ có tướng xuất gia
thôi, không biết giáo pháp, rất tội. Những người đó thường có tâm danh lợi,
tranh danh đoạt lợi rất lớn, cho nên khổ lắm. Nhìn những người đó chúng ta thấy
nản luôn.
Thiện Trang học theo phẩm Tịnh Hạnh của
Kinh Hoa Nghiêm, khéo mà phát tâm Bồ-đề, khi thấy những người đó mình thương,
ráng phát tâm lớn hơn, đảm đương cho họ. Ngày xưa Thiện Trang xuất gia là muốn
cố gắng núp vào núi nào đó tu bao nhiêu năm, rồi sẽ xuất hiện. Nhưng mà không
được, thấy Phật pháp như vậy, nên cố gắng gánh vác một phần nào đó. Thiện Trang
cũng mong chuyên tu. Nhưng có một vị Thầy đã đoán trước rồi. Vị Thầy ấy biết
coi tướng. Thiện Trang hỏi, sau này con muốn lên núi chuyên tu, vào rừng ẩn tu
được không. Vị Thầy ấy nói: không được, Thầy có nhiệm vụ, chúng sanh tìm Thầy dữ
lắm. Thầy không thể ẩn tu được đâu. Nhiệm vụ của Thầy là ở bên ngoài. Rồi Thiện
Trang mới biết mình muốn cũng không được. Đó là không có thanh phước an nhàn.
Quý vị có thanh phước là quý vị tốt đó. Cho nên nghiệp của mỗi người khác nhau.
Có người vì gieo nhân này nên bị nghiệp này, gieo nhân
kia bị nghiệp kia. Xuất gia thì chúng ta phải làm đúng cương vị của người xuất
gia. Tại gia thì làm cương vị của tại gia. Xuất gia cũng tốt, tại gia cũng tốt,
đều hoằng dương Phật pháp được. Xuất gia thì tốt hơn. Hòa thượng Minh Thông nói:
có thêm một người xuất gia chân chánh giống như có thêm một cây cột chống đỡ
cho ngôi nhà Phật pháp đang xiêu vẹo, sắp sụp rồi.
Một người chân tu hành thật sự giống như một cây cột
chống đỡ cho ngôi nhà sắp sụp, mối mọt hết trơn rồi. Như vậy thì quý vị hãy nên
đi xuất gia. Nếu không thì chướng ngại trùng trùng. Thiện Trang không dám kể hết
chướng ngại, nếu kể ra quý vị sợ không dám đi đâu. Có nhiều người muốn xuất
gia, Thiện Trang nói rất tốt, nên xuất gia, mang tâm như vậy hãy xuất gia. Còn
nếu xuất gia để truy cầu danh văn lợi dưỡng, danh lợi ở thế gian quý vị truy cầu
tốt hơn là trong nhà Phật. Trong nhà Phật không bằng đâu.
Trong nhà Phật cầu không được đâu,
quý vị có danh sẽ bị không chế. Có cách người ta khống chế quý vị. Không có
danh tốt hơn, không có gì tốt hơn. Càng không có gì thì không ràng buộc, không
lôi kéo được quý vị. Có càng nhiều thì càng khổ, dễ bị lôi kéo, dễ bị gặp nạn.
Cho nên vô tài, vô sản, vô đệ tử … không có gì hết, chẳng có gì để lấy của quý
vị cả. Thiện Trang không công khai tài khoản ngân hàng trên mạng, để không có
ai cúng dường quá mức cần thiết. Tiền gì cần dùng, đủ sống được rồi. Người ta
điều tra tài khoản ngân hàng mình tiền không nhiều. Ấn tống Kinh Vô Lượng Thọ
cũng không vận động, chỉ có mấy người biết ủng hộ thôi. Các chương trình của
Thiện Trang đều làm rất nhẹ nhàng, không có nhiều tiền. Thiện Trang công khai
quỹ phiên dịch và quỹ ấn tống máy nghe pháp, để quý vị biết còn bao nhiêu đó thì
quý vị đừng gởi tới nữa. Ví dụ quý vị thấy quỹ có 100 triệu đủ để hoạt động rồi
thì quý vị đừng gởi tới nữa, mất công Thiện Trang giữ cũng đâu có xài được. Không
có tiền nhiều, người ta không để ý, không có đệ tử, không có chùa lớn, không có
gì để ai ganh ghét mình cả.
Còn chia sẻ Pháp cũng không muốn chia sẻ rộng. Vì
không giảng Phật pháp căn bản. Thiện Trang chia sẻ như thế này hơi khó một
chút. Nhiều người thấy chữ Hán khó quá thôi khỏi nghe, giúp cho ít người nghe.
Thực ra giảng thấp có nhiều người giảng rồi. Thiện Trang giảng ở giữa giữa vì
thính chúng ở đây mới nhiều.
Thứ hai là Thiện Trang không đủ trình độ để thường
xuyên giảng cao. Tâm vô thường chủ, tức là tâm vô thường luôn làm chủ, có lúc
thanh tịnh, cảm thấy mình gần thành Phật rồi, có lúc như sắp sửa vào công phu Niệm
Phật Tam-muội rồi, có lúc lại thấy mình vẫn là phàm phu. Cho nên không thể giữ
mãi trạng thái đó được, không thể luôn giảng cao được. Cho nên quý vị thông cảm.
Quý vị nào phát tâm chân chánh xuất gia, quý vị nên đi xuất gia. Phải xác định
con đường xuất gia gặp rất chướng ngại.
Nhưng có thêm một người chân tu, có thêm một người vì
chúng sanh, có thêm một người thật vì sanh tử, thì ngôi nhà Phật Pháp có thêm một
cây cột để chống đỡ. Cây cột nhỏ chống đỡ được một khu, nếu có sập thì sập khu
khác. Ví dụ chúng ta chống đỡ ngôi nhà Tịnh Độ, bây giờ Thiện Trang không đủ sức
để chống đỡ cho Thiền tông, không đủ sức để chống đỡ cho Mật tông, không chống
đỡ những Pháp môn khác nữa. Bây giờ Thiện Trang cố gắng chỗng đỡ một góc rất nhỏ
xíu của Tịnh Độ. Trên mạng có khoảng mấy trăm người nghe pháp, là ở gần khu chống
đỡ đó. Các khu khác có sập nhưng khu này không sợ vì đã có cột chống rồi. Còn lỡ
sập luôn thì thôi, quý vị cũng thiếu phước. Quý vị phải hiểu xuất gia là như vậy.
Làm Sa-môn là cần tu giới định huệ. Giới là giữ giới,
định là tu định, là niệm Phật, huệ là nghe pháp. Chúng ta phải tu ba thứ đó. Tức
diệt tham sân si là phải diệt đi phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.
Quý vị cố gắng làm như thế. Như vậy khi nghe khí quốc quyên Vương, hành tác Sa-môn quý vị sẽ làm được.
# hiệu viết Pháp Tạng: hiệu là danh hiệu, viết là rằng. Danh
hiệu là Pháp Tạng. Ngài Thế Nhiêu Vương xuất gia với Thế Gian Tự Tại Vương Như
Lai, Ngài được đặt pháp danh là Pháp Tạng, tức là Tỳ-kheo Pháp Tạng. Chữ Pháp Tạng
đã giảng rồi, ở đây không nhắc lại nữa.
# Tu Bồ-tát đạo: ngài tu đạo Bồ-tát.
Hòa Thượng chú giải:
Tất cả các Pháp môn đã tu học, mà phương pháp có thể khiến chúng sanh
giác ngộ thành Phật.
Tức là tu Pháp môn mà Bồ-tát đã tu, những phương pháp
đó có thể khiến chúng sanh giác ngộ, thì gọi là tu đạo Bồ-tát.
Tạm dịch: Có vị vua nước lớn
tên là Thế Nhiêu Vương, nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ khai giải, liền phát tâm
Bồ-đề chân chánh, nhường lại ngôi vua, làm vị Sa-môn tên là Pháp Tạng, tu Bồ-tát
đạo.
Hòa Thượng chú giải:
Lúc đó có một vị quốc vương tên là Thế
Nhiêu Vương, thường đến nghe Phật giảng kinh thuyết pháp. Sau khi nghe rồi sanh
đại hoan hỷ. Vả lại đều có thể lý giải sáng tỏ đạo lý mà Phật đã thuyết.
Vị quốc vương này thường đến nghe Pháp, sanh tâm hoan
hỷ. Đối với những đạo lý mà Phật đã thuyết, ngài luôn hiểu rõ và sáng tỏ, có thể
lý giải được.
Khi đó khởi phát tâm Vô thượng Bồ-đề, xả bỏ
ngôi vua của ngài. Theo Thế Tự Tại Vương Phật, xuất gia tu hành, pháp danh là
Pháp Tạng, thường thường tu phương pháp của Bồ-tát, giác ngộ thành Phật.
Tóm tắt tổng kết: Hôm nay chúng ta học phẩm này giới
thiệu về địa vị tu hành trong kiếp quá khứ của A Di Đà Phật. Lúc đó Ngài là một
vị quốc Vương, tên là Thế Nhiêu. Tức là Ngài được người đời tôn danh là Thế
Nhiêu Vương, là một vị vua rất anh minh, tốt đẹp, cai trị đất nước rất giàu có,
sung túc, nhân dân no ấm. Tuy như vậy, sau khi nghe được Thế Tự Tại Vương Như
Lai giảng kinh thuyết pháp, liền sanh tâm hoan hỷ. Ngài thấy được địa vị quốc
vương không giúp tốt cho chúng sanh bằng việc đi xuất gia. Ngài hiểu rõ Phật
pháp rồi, nên ngài quyết tâm nhường lại ngôi vua, để xuất gia làm Sa-môn. Được
đặt danh xưng là Tỳ-kheo Pháp Tạng, tu hạnh Bồ-tát. Đoạn sau sẽ nói công hạnh
tu hành của ngài là như thế nào, Ngài phát nguyện ra sao. Hôm sau chúng ta học
tiếp.
Chúng ta học ở đây là phương pháp tiệm
tu, nhờ vào ngày ngày nghe giảng pháp, ngày ngày học Kinh Vô Lượng Thọ, ngày
ngày gieo chủng tử, gieo nhân duyên, Tăng thượng duyên, để chúng ta vãng sanh
Tây Phương Cực Lạc.
Có người nhắn vào Email của Thiện
Trang nói: xin Thầy từ bi đăng tiếp tập 12 Kinh Vô Lượng Thọ của cô Lưu Tố Vân.
Có người nói sao Thầy không đăng luôn từ tập 1 đến tập 70. Đó là do họ không hiểu
quá trình phiên dịch. Một bài giảng đầu tiên phải có người dịch. Dịch xong rồi
phải có người giảo. Một mình Thiện Trang dịch cũng được, nhưng Thiện Trang muốn
để cho những người khác kết duyên. Người dịch xong chuyển cho Thiện Trang giảo,
sau khi giảo chánh xong mới chuyển cho bên lồng tiếng. Hiện tại là đang thuê
trung tâm khác họ thu cho. Sau khi thu xong, họ gởi lại cho Thiện Trang để dò lại
bài thu có chính xác hay không. Chưa chính xác thì báo cho họ để sửa, rồi sửa
xong họ gởi lại.
Sau đó Thiện Trang mới đăng lên. Đó là cả một giai đoạn
dài như vậy. Làm gì giống như mỳ ăn liền, bỏ vô có ăn đâu, đâu có. Cho nên quý
vị đang mong chờ bộ giảng Kinh Vô Lượng Thọ của cô Lưu Tố Vân lâu thì hãy thông
cảm. Vì phải trải qua nhiều công đoạn như thế. Tối hôm qua người ta đã gởi cho
Thiện Trang tập 12, 13, 14 rồi. Đáng lẽ hôm nay Thiện Trang đăng lên tập 12,
nhưng đang dò Video mới tới phút hai mấy thì có khách, cho nên chưa dò hết được
Video. Ngày mai Thiện Trang sẽ đăng tập 12, ngày mốt tập 13, rồi ngày sau đó tập
14. Thu âm được tới đó. Đó là bộ giảng Kinh Vô Lượng Thọ của cô Lưu Tố Vân.
Bản Kinh Vô Lượng
Thọ Thiện Trang dịch thì đang trong giai đoạn in ấn. Đó là một bản âm Hán và một
bản có cả chữ Hán phía trên, giống như trong bài giảng, phiên bản A Di Đà Phật.
Sau đó sẽ dùng số tiền còn lại in phiên bản A Mi Đà Phật, tức là sửa A Di thành
A Mi thôi. Khi nào có Thiện Trang sẽ thông báo cho quý vị thỉnh.
Tất cả là tùy duyên chư Thiện Trang không kêu gọi, vì
nếu nhiều quá thì làm việc cũng khó, tùy duyên tốt hơn. Thiện Trang cũng cố gắng
để sang năm có thể ra được bản dịch Việt nghĩa, để quý vị tụng bổ sung. Thiện
Trang đang nghĩ dùng bản dịch của Hòa thượng Đức Niệm và Cư sĩ Minh Chánh, sẽ đính
chính thêm bản đó. Vì bản đó hay nhất rồi. Mình chỉ chỉnh lý lại những chỗ thiếu,
hoặc những chỗ sai. Nhưng lại sợ là bản đó có bản quyền, lỡ người ta kiện thì
mình mệt. Cho nên đang phân vân hay là làm mới. Dịch mới thì không dính bản quyền.
Cho nên nhiều khi muốn làm mà không biết làm như thế nào.
Mong quý vị thông cảm. Thiện Trang thì tùy phận tùy sức.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ phẩm 24 nói tùy kỷ tu hành, tức là tùy theo sức mình mà
làm. Thiện Trang chỉ có thể làm bấy nhiêu đó thôi, khả năng có hạn. Thiện Trang
chạy rất nhiều chương trình. Lâu lâu công phu bị xuống chút vì các công việc
chen vào. Buông xuống mấy ngày để tu thì đỡ liền thôi. Lúc nào buông là buông
được, không có gì. Thiện Trang vẫn tin là lúc nào buông là buông được, vãng
sanh được, không khó. Giảng kinh mới là khó, chia sẻ kinh là khó. Không Minh
tâm Kiến tánh làm không được.
Tiêu chuẩn thấp nhất là Tam quả A-na-hàm, hoặc là Ngũ tín
vị Bồ-tát, thì mới đủ tiêu chuẩn để giảng kinh. Bây giờ không đủ tiêu chuẩn,
khó lắm. Cầu người khó, cầu chính mình dễ. Quý vị thành công đi, Phật Bồ-tát dẫn
quý vị lên giảng kinh thuyết pháp. Quý vị khai ngộ đi thì quý vị tới tìm Thiện
Trang, Thiện Trang giới thiệu quý vị lên giảng kinh thuyết pháp. Quý vị thay
Thiện Trang. Thiện Trang chưa có khả năng, là tâm có thừa mà sức không đủ, nên
mong quý vị thông cảm. Thiện Trang cố gắng chia sẻ lại lời của chư tổ, lời của
Hòa thượng, chia sẻ bằng tiếng Việt. Cho nên ngôn ngữ không bị chướng ngại nhiều
so với phiên dịch. Quý vị nghe có lẽ rõ ràng hơn.
Mỗi lần nghe như vậy quý vị đắp thêm chút thiện căn. Quý
vị vãng sanh. Đời này độ được một người, hai người vãng sanh cũng tốt rồi. Chắc
chắn có nhiều người vãng sanh được. Những người vãng sanh được, sẽ cứu những
người chưa vãng sanh được. Thiện Trang có cảm giác đời này được sự gia trì rất
lớn. Có lẽ trong quá khứ có khi làm Pháp sư thuyết pháp giảng kinh, cũng độ được
một số người ra khỏi sanh tử luân hồi rồi, đời nay họ đang quay trở lại để cứu
Thiện Trang. Mình làm Thầy mà rớt lại phía sau. Cho nên quý vị cố gắng.
Quý vị đừng nghĩ quý vị nghiệp chướng nặng, quý vị
không thành tựu. Ai cũng có thể thành tựu được. Hòa thượng hay nhắc câu nói của
Đại sư Chương Gia: “Phật pháp biết khó làm dễ”. Một niệm buông hết tất cả, là thành
tựu.
Một niệm chỉ còn A Di Đà Phật, không có một niệm nào
khác, thì quý vị thành công rồi. Một niệm đó kéo dài thành vô lượng niệm, thành
công. Chúc quý vị sớm thành công. Chúng ta hãy cố gắng được Niệm Phật Tam-muội,
ít nhất là niệm Phật công phu Thành phiến để tự tại vãng sanh. Không nên trong
chờ may rủi, bí quá mới trông chờ may rủi: lâm chung nãi chí nhất niệm. Một niệm
lúc lâm chung, vãng sanh. Đó là trường hợp hên xui may rủi. Cố gắng nắm phần chắc,
đừng hên xui may rủi.
Hôm nay chúng ta kết thúc bài giảng ở đây, hẹn gặp lại
quý vị thứ bảy tuần sau. Mời quý vị cùng hồi hướng:
Chúng sanh vô
biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận
thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô
lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô
thượng thệ nguyện thành!
Nguyện đem công
đức này
Hướng về khắp
tất cả
Đệ tử và chúng
sanh
Đồng sanh về
Tịnh-độ
(Hết buổi 1- phẩm 4)