Responsive Menu
Add more content here...

Tập 152 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014

(Giảng lần thứ 4)

PHẨM THỨ 4: PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA

(NHÂN ĐỊA CỦA NGÀI PHÁP TẠNG)

Tập 152

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: 26/12/2014

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông

Dịch giả: Sư cô Thích Tâm Thường

Giảo chánh: Thích Thiện Trang.

Kính chào chư vị Pháp sư, quý vị đồng học, mời an tọa. Thỉnh mọi người cùng tôi quy y Tam Bảo:

A-xà-lê tồn niệm, ngã Đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật-Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt-Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng-Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)

Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 403, bắt đầu xem từ hàng thứ hai:

『願當安住三摩地,恆放光明照一切。』“Nguyện đương an trụ Tam-ma-địa, hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết” (Nguyện sẽ an trụ Tam-ma-địa, luôn phóng quang minh chiếu hết thảy). 三摩地 “Tam-ma-địa” trong câu trên là tiếng Phạn, cũng gọi là Tam-muội. Tam-muội vẫn là tiếng Phạn, dịch sang ý nghĩa của nước ta là Chánh định, nói rõ đó không phải là Tà định, mà là Chánh định. 願安住於正定之中 “Nguyện an trụ ư Chánh định chi trung” (Nguyện an trụ ở trong Chánh định), Định sanh Trí huệ, nên Chánh định chắc chắn phóng quang, tiếp theo nói 常放光明,遍照一切 “thường phóng quang minh, biến chiếu nhất thiết” (thường phóng quang minh, chiếu khắp tất cả). Dùng quang minh để biểu thị Trí huệ Bát-nhã vốn có trong Tự Tánh, chứ không phải do học từ bên ngoài, Trí huệ đó có thể chiếu khắp, chiếu khắp tức là không gì không biết. Vì sao vậy? Bởi vì tất cả pháp đều là do Tự Tánh biến hiện ra. Khi Lục tổ Đại sư Huệ Năng khai ngộ nói với chúng ta, “nào ngờ Tự Tánh, có thể sanh vạn pháp”, điều này nói với chúng ta vô cùng rõ ràng, vạn pháp chính là cả vũ trụ, bao gồm quá khứ hiện tại vị lai. Những điều này từ đâu đến? Từ Tự Tánh biến hiện ra, nên Tự Tánh là năng sanh năng hiện, tất cả pháp trong toàn thể vũ trụ là sở sanh sở hiện. Phật nói với chúng ta, tất cả đây đều là Tự Tánh vốn có, là một thể với chúng ta, gắn bó không thể chia ra, thật sự là một thể. Thông đạt hiểu rõ đó là nhìn thấu, sau khi nhìn thấu, quan trọng nhất chính là phải buông xuống. Tự Tánh có thể hiện là thật, đó là Chân Tâm, không sanh không diệt, thường trụ vĩnh hằng. Sanh khởi tác dụng chính là chiếu khắp, chiếu khắp chính là trí huệ Bát-nhã vốn đầy đủ trong Tự Tánh. Chỉ cần kiến Tánh, tác dụng của Tánh chính là chiếu khắp, chiếu khắp tức là thấu suốt, không gì mà không thấu suốt.

Đức Thích Ca Mâu Ni Phật biểu diễn cho chúng ta xem rồi, khi Ngài trụ thế, đã biểu pháp, biểu pháp không phải là giả, chúng ta phải thật sự hướng Ngài học tập. Trí huệ của Ngài từ đâu tới? Vốn có trong Tự Tánh, Ngài nói với chúng ta, tất cả chúng sanh vốn là Phật, không khác với Ngài. Nên mỗi chúng sanh chúng ta đều vốn là Phật, hiện nay trở thành chúng sanh, vì sao lại trở thành chúng sanh? Bởi tâm của chúng ta động rồi. Nhớ kỹ, Tam-muội là không động, Tam-muội là Chánh định, tác dụng sanh khởi từ định, chính là chiếu khắp; Nếu động, thì tác dụng sanh khởi từ động: chính là mê hoặc. Ngày nay chúng ta đang động, trong Đại thừa giáo nói về tâm, có Chân tâm, có Vọng tâm, Chân tâm không động, là bản thể của vạn pháp, có thể sanh có thể hiện, Vọng tâm là động, chính là ý niệm. Mỗi người chúng ta đều có hiện tượng này, ý niệm trước diệt rồi thì ý niệm sau sanh ra, một niệm nối tiếp một niệm.

Trên kinh Đại thừa miêu tả cho chúng ta loại hiện tượng này, hiện tượng này chính là cả vũ trụ, ngày nay nhà khoa học nói là: hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, thì hiện tượng tinh thần chính là khởi tâm động niệm, còn có hiện tượng tự nhiên, không thuộc về hai loại lớn phía trước, tất cả quy về hiện tượng tự nhiên. Ở trên kinh, Phật cũng nói ba loại hiện tượng này, nhưng tên gọi khác nhau, hiện tượng vật chất là Cảnh giới tướng của A-lại-da. A-lại-da là Vọng tâm, không phải Chân Tâm, nhưng thể của A-lại-da là Chân Tâm, cũng là nương vào Chân Tâm mà biến hiện ra mọi thứ. A-lại-da có Tam tế tướng, thứ nhất, Cảnh giới tướng vừa mới nói, là hiện tượng vật chất. Thứ hai Chuyển tướng, chuyển là gì? Thay đổi, có thể tùy ý thay đổi vật chất, sự thay đổi này chính là ý niệm. Nên trên kinh thường nói “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, đó là pháp gì? Thập pháp giới, Lục đạo luân hồi, ba đường thiện, ba đường ác, tất cả đều là do ý niệm sanh ra. Ý niệm phải thiện, nếu ý niệm không thiện, thì hiện tướng không tốt. Chính bản thân ý niệm không thể sanh, không thể hiện, có thể sanh có thể hiện là Tự Tánh, nhưng ý niệm có thể thay đổi cảnh giới được hiện ra. Hiện tượng mà Tự Tánh sanh ra là Thật Báo Trang Nghiêm độ, Nhất chân Pháp giới; A-lại-da, chính là khởi tâm động niệm của chúng ta hiện nay, chúng ta khởi tâm động niệm có thể biến Nhất chân Pháp giới thành Thập pháp giới, thành Lục đạo luân hồi. Chúng ta phải có khái niệm về chân tướng sự thật này, nếu không có khái niệm thì không thể học Phật, phải có khái niệm này, thì chúng ta mới biết làm thế nào để chuyển.

Chuyển thế nào? Trên kinh luận của Tướng tông nói với chúng ta, chuyển là chuyển biến, chuyển biến tám thức thành bốn trí, thì vấn đề được giải quyết rồi. Tám thức là chúng sanh Lục đạo, là chúng sanh của Thập pháp giới. Dùng phương pháp gì để chuyển? Dùng Chánh định, Chánh định có thể chuyển thức thành trí, chứ Tà định làm không được, Tà định không thể chuyển thức thành trí. Tà định cũng có thể có rất nhiều biến hóa, người thế gian nói về thần tiên, trong Tây Du Ký nói về Tôn Ngộ Không, những biến hóa đó đều là Tà định, không phải Chánh định, Chánh định đã thành Bồ-tát, thành Phật rồi. Chánh định, trong tâm không có ý niệm, ngay cả ‘không có ý niệm‘, ý niệm này cũng không thể có. Không có ý niệm, thật sự đến không có ý niệm, đó là gì? Đó không phải là Chánh định, mà là Tứ không định, quả báo ở cõi trời Tứ không, vẫn ra không khỏi Lục đạo luân hồi. Nhất định phải không có ý nghĩ, ý niệm này, mới là định chân thật. Nên trong định không có ý niệm, ngay cả ý niệm của định cũng không có, vậy mới là Chánh định. Có ý niệm cũng có thể được định, định này không phải rốt ráo viên mãn. Có Phật, có Bồ-tát, cũng là Chánh định, có thể giúp quý vị thoát khỏi Lục đạo luân hồi, có thể giúp quý vị sanh đến Nhất chân Pháp giới, nhưng không thể giúp quý vị trở về Thường Tịch Quang. Có thể giúp chúng ta trở về Thường Tịch Quang, đó chính là Chánh định.

Ngày nay chúng ta tu Tịnh Độ, có tu Chánh định hay không? Có, nếu không tu Chánh định, thì đây không gọi là Phật pháp; Tu Chánh định, như vậy gọi là Phật pháp. Phương pháp tu Chánh định trong Phật pháp rất nhiều, 84.000 Pháp môn, mỗi Pháp môn tu đều là Chánh định. Tứ hoằng Thệ nguyện nói “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, đó chính là nói rõ, vô lượng vô biên Pháp môn, mỗi Pháp môn đều có Chánh định, đều có Tà định, không chấp tướng là Chánh định, chấp tướng là Tà định; Cũng chính là nói, không để trong tâm, là thật, để trong tâm chính là giả. Chúng ta có thể tuân thủ nguyên tắc này, thì đối với việc học tập của chúng ta sẽ có sự trợ giúp rất lớn, bất kể pháp nào cũng không nên để trong tâm, phải biết điều này. Khó, thật khó! Không phải là giả. Bởi vì chúng ta nuôi thành thói quen để tất cả trong tâm rồi, vô lượng kiếp đến bây giờ, dưỡng thành thói quen rất nghiêm trọng, muốn đoạn mà đoạn không được. A Mi Đà Phật từ bi, thấy những người chúng ta đây rất đáng thương, đặc biệt vì chúng ta mà đã mở ra một Pháp môn, đó là: Pháp môn Niệm Phật của Tịnh Độ tông. Pháp môn Niệm Phật có thể thành Phật hay không? Được, Pháp môn này chia thành hai giai đoạn thành Phật, Pháp môn thông thường không chia hai giai đoạn, chỉ có Tịnh tông chia thành hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là vãng sanh Thế giới Cực Lạc, giai đoạn thứ hai là thành Phật. Vì sao vãng sanh Thế giới Cực Lạc thì có thể thành Phật? Bởi vì họ không thoái chuyển. Như vậy quay lại nhìn xem chính chúng ta, Lục đạo luân hồi, 84.000 Pháp môn, vì sao khó như thế? Bởi thoái chuyển, có tiến có lùi, tiến rất ít, thoái rất nhiều, nên là khó. Lợi ích lớn nhất của việc vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc chính là không thoái chuyển, Thế giới Cực Lạc tu hành chỉ có tiến không có thoái, nên một đời thì họ thành tựu rồi. Lựa chọn của chúng ta chính là Pháp môn này.

Phật pháp mênh mông như mặt biển mù sương, rộng lớn không có giới hạn, chúng ta ở trong đó, làm sao chọn được một Pháp môn, đảm bảo chúng ta một đời thành tựu? Đó chính là điều trên kinh đã nói: người ấy có đại phước báo, đại trí huệ, về đại phước báo, quý vị được thân người, gặp được Phật pháp, là đại phước báo; Còn đại trí huệ, quý vị ở trong Phật pháp chọn Pháp môn Niệm Phật, đây là trí huệ chân thật. Tại vì sao? Bởi quý vị thật thành Phật rồi, nhất định hoàn thành ngay trong một đời. Thật tin, thật mong muốn đến Thế giới Cực Lạc, mỗi ngày niệm Phật, Đại sư Ngẫu Ích nói 3 vạn, 4 vạn, 5 vạn, 10 vạn, đó chính là mức độ thấp nhất 30.000, bắt đầu từ 30.000, mỗi ngày niệm Phật niệm 30.000 câu, tại vì sao? Để dưỡng thành thói quen niệm Phật, lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ vào nửa năm trước khi vãng sanh, mỗi ngày niệm 140.000 câu, đã niệm nửa năm, ngài vãng sanh rồi. Phải coi niệm Phật như một việc quan trọng để làm, đại sự quan trọng, những việc khác là việc nhỏ, niệm Phật là việc lớn, chẳng thể không biết, chúng ta phải nhớ kỹ điều này.

Chúng ta mong đời này thành tựu, nhất định phải làm được việc đại sự này. Điều này có trở ngại công việc không? Không trở ngại. Nếu công việc dùng đầu óc, dùng suy nghĩ, thì trở ngại, vậy lúc đó, khi làm việc thì chúng ta buông xuống Phật hiệu, sau khi làm xong công việc liền đề khởi Phật hiệu, thì không trở ngại. Cuộc sống không trở ngại niệm Phật, mặc áo ăn cơm cũng không thể rời. Đối người tiếp vật, người khác đưa ra câu hỏi đừng nên suy nghĩ, thật sự thuận miệng mà trả lời ngay, vì sao vậy? Đó là trí huệ; Nếu suy nghĩ, suy xét một chút như thế nào để ứng phó với quý vị, đó là Ý thức Thứ sáu. Chúng ta học cố gắng hết sức để đừng dùng Ý thức, Ý thức là Vọng tâm, chúng ta dùng Chân tâm. Chân tâm chính là phản ứng, người khác đưa ra vấn đề, nghe xong lập tức trả lời chính là phản ứng, không có trải qua suy nghĩ, điều này có thể, đây chính là công phu. Phải buông xuống tất cả việc của thế gian, việc trong nhà Phật, phải biết phương tiện khéo léo, cố gắng hết sức để không trở ngại trong tâm chúng ta có Phật hiệu, hoàn toàn ở trong tâm. Trong tâm có Phật, vui vẻ, pháp hỷ sung mãn, thấy tất cả người đều là A Mi Đà Phật. Ngày đêm đều chưa từng mất đi, [thì] nhất định thành tựu. Trong tâm chúng ta có Phật, chính là trong tâm thường phát ra quang minh chiếu khắp hết thảy, đó là A Mi Đà Phật gia trì chúng ta, khiến chúng ta có thể chiếu hết thảy, người thật niệm Phật thì có cảm ứng này.

又上句,寂也,體也 “Hựu thượng cú, tịch dã, thể dã” (Lại nữa câu trên, là tịch, là thể), câu trên chính là 安住三摩地 “an trụ Tam-ma-địa” (an trụ Tam-ma-địa), ngày nay chúng ta an trụ A Mi Đà, cũng được, an trụ A Mi Đà chính là an trụ Tam-ma-địa. Chúng ta dựa vào A Mi Đà, chúng ta không dựa vào Tam-ma-địa, mà tìm người để dựa vào được, tốt, dễ thành tựu, quá nhiều ví dụ rồi, quý vị xem ví dụ trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, ví dụ trong Truyện Vãng Sanh, đều đáng để chúng ta học tập. Trước mắt, lão Hòa thượng Hải Hiền làm tấm gương cho chúng ta, tấm gương mà lão Hòa thượng Hải Khánh làm cho chúng ta, chỉ một câu Phật hiệu, ngoài một câu Phật hiệu ra thì không có gì nữa. Mẹ của lão Hòa thượng Hải Hiền, đó là tấm gương của Cư sĩ tại gia, cũng là một câu Phật hiệu, 86 tuổi vãng sanh, vãng sanh tự tại biết bao. Chúng ta chẳng thể không biết, chúng ta phải học tập, cả đời các vị ấy có thể thành tựu, đời này chúng ta cũng nhất định có thể thành tựu.

Câu phía trên đây, “tịch”, tịch chính là thanh tịnh, đây là thể. Tựa đề của Kinh này, tiêu chuẩn của tu hành, “thanh tịnh bình đẳng giác”. Thế nào gọi là công phu? Công phu chính là tâm thanh tịnh, dùng niệm một câu Phật hiệu này, niệm hết tạp niệm, niệm hết vọng tưởng, buông xuống vạn duyên, thì tâm thanh tịnh hiện tiền. Tâm thanh tịnh chính là A Mi Đà Phật, A Mi Đà Phật chính là tâm thanh tịnh; Đi lên nữa, A Mi Đà Phật chính là tâm bình đẳng; Cuối cùng tiến lên đến Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, vẫn là một câu A Mi Đà Phật, thật tuyệt diệu! A Mi Đà Phật sẽ phóng quang, khi nào phóng quang? Người khác thỉnh giáo vấn đề với quý vị thì quý vị phóng quang. Cũng giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, khi đức Phật còn ở đời, khách cũng là từ sáng đến tối không gián đoạn, bao nhiêu người đến tìm Ngài, vấn đề nghi nan hướng về Ngài thỉnh giáo, Ngài trả lời đầy đủ từng việc một cho họ. Trí huệ của Ngài từ đâu tới? Phương pháp của Ngài do học với ai? Không có, không có ai cả. Không học vì sao biết được? Vì sao có thể trả lời tốt như vậy? Đó chính là Trí huệ Bát-nhã vốn có trong Tự Tánh, không phải từ bên ngoài. Phật có, tất cả chúng sanh đều có, Phật không khác với chúng sanh. Tâm của Phật thanh tịnh, chính là tâm của Phật tĩnh lặng, tâm mới khởi chiếu; Tâm của chúng ta nhiễm, ô nhiễm rồi, tác dụng chính là mê, mê tức là không biết. Không biết phải đi học, học người khác giảng cho quý vị, người đó cũng không biết, nên rất nhiều câu trả lời, rốt cuộc câu trả lời nào chính xác? Không có câu nào chính xác, cũng không có câu nào không chính xác, chúng ta làm rối loạn rồi. Nếu tâm địa thanh tịnh, thì câu trả lời của họ chính xác. Câu trả lời chính xác cũng không giống nhau, nói với A, nói với B, nói với C khác nhau, nhưng đều có thể giải quyết được tất cả vấn đề của A, B, C, đây là trí huệ chân thật.

Nên tu học của Phật pháp khác với thế gian, sự khó của tu học Phật pháp là khó ở đây, quý vị phải có định, cũng chính là quý vị nhất định phải có tâm thanh tịnh, có tâm bình đẳng, thì quý vị khai ngộ. Ngộ có Tiểu ngộ, có Đại ngộ, có Đại triệt Đại ngộ, có rất nhiều cấp bậc. Trên Kinh Hoa Nghiêm, từ Sơ tín vị đến Diệu Giác vị, tổng cộng là 52 cấp bậc, mỗi cấp bậc đều khác nhau, càng lên cao thì định căn của quý ngài càng sâu, càng dày, càng rộng, khắp Pháp giới Hư không giới, quá khứ vị lai đều biết. Bồ-tát Sơ tín vị vừa mới nhập môn, được định nho nhỏ, định nho nhỏ khởi tác dụng nho nhỏ, tác dụng đó là gì? Không đọa ba đường ác, thật tuyệt vời! Bồ-tát Sơ tín vị chắc chắn không đọa ba đường ác, tiểu định, định nhỏ nhất trong Phật giáo là khởi tác dụng này. Nhưng sau khi được định này, thì thăng cấp lên từng bước một, thăng cấp đến 52 cấp bậc, thành Phật rồi, cần thời gian bao lâu? Vô lượng kiếp. Thời gian dài, quý vị phải kiên trì, leo lên từng bước một, 52 bậc thang. Tịnh Độ tông vi diệu, không cần phải leo lên, mà là đi ra theo chiều ngang, họ từ ở giữa đi ra, khi đi ra, thì A Mi Đà Phật đưa họ lên. Đây là chỗ vi diệu, chỗ không thể nghĩ bàn của Pháp môn Tịnh tông, vả lại rất nhiều người thành tựu qua các thời đại.

Pháp môn này tu rất dễ dàng, không khó chút nào, khó ở tin, pháp khó tin mà, mọi người không tin. Tôi không biết những đạo lý này, tôi thấy ngài Hải Hiền làm như vậy, thì tôi cứ bắt chước làm theo như vậy có được không? Được, như vậy thành công rồi, đó mới là thật sự giải quyết vấn đề. Nhất là vấn đề phức tạp, vấn đề rắc rối thảy đều buông xuống, tại sao vậy? Bởi những gì có tướng, đều là hư vọng, quý vị đừng coi là thật. Bồ-tát Di Lặc nói với chúng ta chân tướng, cả vũ trụ, dù là hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên, tất cả đều là được sanh ra dưới dao động tần số cao, nên không có gì là thật. Tướng hư vọng sanh ra bởi tần số 2 triệu 100 ngàn tỷ trong một giây, chúng ta cho đó là thật, chân tướng sự thật này ở ngay trước mặt, từ sáng đến tối chúng ta chưa bao giờ rời khỏi nó, nhưng mê chứ không giác ở trong đó. Người giác như thế nào? Người giác không để trong tâm, vì sao vậy? Bởi biết là giả, không đạt được. Người mê không biết, cho là thật, muốn khống chế, muốn đạt được, thật tình không biết là công dã tràng. Người có tính cảnh giác cao, họ nghe được lời của Phật thì họ hiểu rõ rồi, tại sao vậy? Bởi những tướng này sát-na sanh diệt. Bất kỳ một loại hiện tượng nào, bao gồm thân thể của chính chúng ta, ý niệm của chúng ta, đều là ảo tướng sanh diệt của 2 triệu 100 ngàn tỷ lần trong một giây, nhất định không có thứ gì là thật. Quý vị buông xuống hoàn toàn, thì chân thật hiện ra, chân thật là gì? Tự Tánh, không sanh không diệt, thanh tịnh không ô nhiễm, đầy đủ tất cả pháp. Tuy đầy đủ tất cả pháp nhưng không hiện, Tự Tánh có thể hiện, nhưng không hiện ra, có duyên thì hiện, không có duyên thì không hiện; Khi hiện, không thể nói có; Không hiện, chẳng thể nói không.

Nên chúng ta dùng tâm thanh tịnh đối đãi, Chân tâm như như bất động, tịch, là phải an trụ Tam-ma-địa, an trụ trong định. Trong định này không có gì cả, nhưng cũng có tất cả, [khi] không khởi tác dụng, thì không có gì; Nếu khởi tác dụng, thì thứ gì cũng có, không thiếu gì cả. Bên trong không có không gian, không có thời gian, không có thời gian, không có quá khứ hiện tại vị lai, thời gian là giả; Không có không gian là không có khoảng cách, không có đông tây nam bắc trên dưới, không có. Khoa học nói là chiều không gian, trong Tự Tánh không tồn tại, không có điều này. Vì vậy, vô lượng kiếp trước ở ngay trước mắt, vô lượng kiếp về sau cũng ở trước mắt, trời Dục giới, trời Sắc giới cũng ở trước mắt, Thế giới Cực Lạc, cõi nước chư Phật vẫn là ở trước mắt. Quý vị nghĩ xem, hiện tiền tất cả, quý vị không muốn nhìn, thì không có nữa, đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, Hoa Nghiêm nói rất chi tiết. Hoa Nghiêm và Vô Lượng Thọ là một bộ kinh, Hoa Nghiêm nói chi tiết, là đại kinh; Kinh này nói đơn giản tóm tắt, gọi là Trung bản Hoa Nghiêm; Kinh A Mi Đà gọi là Tiểu bản Hoa Nghiêm, tiện cho việc thọ trì.

下句,照也 “Hạ cú, chiếu dã” (Câu dưới, là chiếu), khởi tác dụng, sự chiếu này, vô cùng rõ ràng, vô cùng sáng tỏ. Quý vị xem, khi quý vị đang trì tụng niệm Phật, người khác thỉnh giáo với quý vị một vấn đề, thì quý vị lập tức có thể trả lời, giải thích vô cùng rõ ràng, đây là gì? Chiếu kiến. Trong tâm của họ có tạp niệm, có vọng tưởng, họ chiếu không thấy; Trong tâm của chúng ta chỉ có một câu Phật hiệu, không có vọng tưởng, không có tạp niệm, họ vừa hỏi, thì oai thần của A Mi Đà Phật gia trì, nên chúng ta tự nhiên sáng tỏ rồi. Bởi vì trong tâm chúng ta có A Mi Đà Phật, nhất định là A Mi Đà Phật gia trì, giúp chúng ta lập tức hồi quang phản chiếu, giải quyết vấn đề của họ ngay tức khắc. Đây là Phật pháp, đây là pháp không thể nghĩ bàn.此二句正表定慧等持 “Thử nhị cú chánh biểu Định Huệ đẳng trì” (Hai câu này chính là biểu thị Định Huệ đẳng trì), đẳng là bình đẳng, trì chính là tồn tại, Định và Huệ là ngang bằng. Nếu Định nhiều Huệ ít thì hôn trầm, Huệ nhiều Định ít thì khởi vọng niệm, khi Định Huệ bằng nhau, đó là Trung đạo. 寂照同時 “Tịch chiếu đồng thời” (Tịch chiếu cùng lúc), tịch chiếu cùng lúc là nói về tác dụng, Định Huệ đẳng trì là nói về nguyên lý. Chúng ta dùng câu Phật hiệu này được Định, được Niệm Phật Tam-muội, Niệm Phật Tam-ma-địa, khởi tác dụng chính là Huệ, tức là thông suốt hiểu rõ đối với tất cả pháp. 體用不二之妙德 “Thể dụng bất nhị chi diệu đức” (Diệu đức của thể dụng không hai).

放光表修德,其體為性德。寂而常照,照而恆寂。土即常寂光,身即無量壽、無量光如來。故安住寂定,恆放光明,遍於一切 “Phóng quang biểu Tu đức, kỳ thể vi Tánh đức. Tịch nhi thường chiếu, chiếu nhi hằng tịch. Độ tức Thường Tịch Quang, thân tức Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang Như Lai. Cố an trụ tịch định, hằng phóng quang minh, biến ư nhất thiết” (Phóng quang biểu thị Tu đức, thể ấy là Tánh đức. Tịch mà thường chiếu, chiếu mà luôn tịch. Cõi nước chính là Thường Tịch Quang, thân chính là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang Như Lai. Vì vậy an trụ tịch định, luôn phóng quang minh, chiếu khắp hết thảy). Bồ-tát từ Thể khởi Dụng, chúng ta nhìn thấy vô cùng ngưỡng mộ; Nếu ngưỡng mộ, thì phải phát nguyện tu được. Làm sao tu được? Tấm gương của lão Hòa thượng Hải Hiền ở ngay trước mặt, một ngày ngài cũng không uổng phí. Thế nào là không uổng phí? Trong tâm có A Mi Đà Phật chưa từng ngừng lại, đó là một ngày không uổng phí. Chúng ta ngừng câu A Mi Đà Phật này một tiếng, thì một tiếng đó uổng phí; Ngừng một buổi sáng, thì một buổi sáng đó uổng phí; Ngừng một phút, thì phút đó uổng phí; Ngừng một giây, thì giây đó uổng phí. Chúng ta hổ thẹn, không nhớ được câu Phật hiệu này, thường hay bị ngừng mất, đây là uổng phí. Uổng phí không thể thành tựu, không uổng phí nhất định thành tựu, hơn nữa là nhanh chóng thành tựu, tốc độ của sự nhanh chóng đó rất đáng kinh ngạc.

Tôi nhiều lần báo cáo với đồng học, tôi thấy công phu tu hành của lão Hòa thượng, chính là công phu niệm Phật, Sự nhất tâm Bất loạn là được tâm thanh tịnh, Lý nhất tâm Bất loạn là được tâm bình đẳng, chính là thanh tịnh bình đẳng giác ở trên đề Kinh, giác là Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, ngài đạt được rồi. Khi ngài 20 tuổi, Sư phụ dạy ngài niệm câu Phật hiệu này, thì ngài thật làm. Lúc nào được Công phu Thành phiến? Tôi có thể nói khẳng định là ba năm, khi ngài 23, 24 tuổi đã đạt được. Từ trên nền tảng này đi lên, trải qua thêm 3 năm 5 năm nữa, thì tâm thanh tịnh hiện tiền, Sự nhất tâm Bất loạn, là cảnh giới của A-la-hán. Đi lên nữa, cũng không quá 3 năm 5 năm, thì đạt được Lý nhất tâm Bất loạn, chứng được tâm bình đẳng rồi. Không biết nguyên nhân gì hoát nhiên đại ngộ, trí huệ được khai mở, chẳng thể không biết điều này, khai trí huệ là thành Phật rồi. Nhưng ngài vẫn hiện tướng của một vị Tỳ-kheo, trụ thế biểu pháp, làm tấm gương cho mọi người thấy. Làm tấm gương gì? Tấm gương của Tứ nhiếp pháp, tấm gương của Lục Ba-la-mật, tấm gương của Lục hòa kính, Lục độ của Bồ-tát, tấm gương Thập nguyện của ngài Phổ Hiền, ngài làm được tất cả rồi, làm hết 92 năm, điều này là do A Mi Đà Phật đã dặn ngài.

Chúng sanh càng khổ, người mê hoặc điên đảo càng nhiều, Phật Bồ-tát đại từ đại bi, xuất hiện ở thế gian này, để biểu pháp, để làm tấm gương tốt, hi vọng mọi người nhìn thấy rồi, có thể dựa theo gương mẫu ấy để tu học, mỗi người đều có thành tựu. Nhất là hiện nay, sự hỗn loạn của thế giới hiện nay đây, trong lịch sử từ xưa đến nay, trong và ngoài nước đều tìm không thấy. Phật nói với chúng ta, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, câu này nói rất rõ ràng, nói rất thấu triệt. Ngày nay cư dân trên địa cầu họ nghĩ gì, họ niệm gì, họ nói gì, họ làm gì, quý vị tỉ mỉ quan sát. Đó là gì? Đó là nhân, những gì xã hội trên địa cầu ngày nay đang hiện ra đấy là quả báo, có nhân ắt có quả. Người trên địa cầu gieo nhân thế nào, thì có quả báo thế ấy hiện tiền, nhân không thiện, thì quả báo rất đáng sợ, Phật Bồ-tát xuất hiện ở thế gian này, biểu pháp càng quan trọng hơn. Những gì chúng sanh làm, chúng ta không làm, những gì chúng ta làm, họ cũng không chịu làm, cùng ở trong một thời gian không gian này, nhưng quả báo của mỗi người khác nhau, rất rõ ràng.

Thế gian này vẫn còn cao nhân trụ thế, chúng ta may mắn gặp được, thông tin chúng ta nhận được từ chỗ của quý ngài, đạo tràng trên núi nổi tiếng của Trung Hoa, như Ngũ Đài, Nga Mi, các đạo tràng của nhà Đạo, nhà Phật, bên trong thật có người tu hành. Mấy ngày nay có người nói với tôi, người trẻ tuổi nhất là 130 tuổi, người lớn tuổi là hơn 160 tuổi, quý ngài sống trong hang núi, người bình thường nhìn không thấy. Còn có người đến núi Kê Túc ở Vân Nam, thấy được Tôn giả Ca Diếp, [là] Đại A-la-hán, Bồ-tát. Thế giới này là Phàm Thánh Đồng Cư độ, chúng ta tin Thánh hiền không ít, vì sao vậy? Bởi thế giới này tạo tác tội nghiệp, tạo ra như thế này, mà vẫn chưa bị quả báo, là nguyên nhân gì? Có Thánh hiền trụ thế, chúng ta hưởng ánh sáng của quý ngài. Nhưng chính mình phải nghiêm túc học theo gương tốt, quá quan trọng rồi! Nhất định phải nhớ, thiện có thiện quả, ác có ác báo. Mục đích quý ngài trụ thế là hi vọng chúng ta: sửa lỗi làm mới, sám hối nghiệp chướng, chính chúng ta biết nâng cao bản thân, vậy thì đúng rồi. Nếu chúng ta dưới sự che chở của quý ngài, mà không biết sửa lỗi, không biết làm mới, tiếp tục không ngừng để tạo tội nghiệp, thì quả báo tương lai ở ba đường, vô cùng đáng sợ! Có một số đồng học biết hiện tượng về quỷ thần dựa thân, không chỉ ở nước ta, mà ở nước ngoài cũng không ít. Thông tin mà những người bị dựa thân ấy truyền đi, tôi đều nói là lời của quỷ, lời của quỷ, chúng ta phải dùng tâm thái nào để đối phó? Không được coi là thật, cũng không thể nói là giả, tôi cảm thấy có thể cung cấp cho người tu hành chúng ta làm tài liệu tham khảo, có lợi ích đối với chúng ta, không có sai lầm. Chúng ta nhất định phải biết, Lục đạo luân hồi: thật có sự việc đó, không phải giả đâu, nhân quả báo ứng tơ hào không sai, chúng ta phải đoạn ác tu thiện, sửa sai làm mới, lão thật niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, thì đúng rồi.

Thật sự phải học tập theo lão Hòa thượng Hải Hiền, học sự bố thí của ngài, học sự nhẫn nhục của ngài, học sự tinh tấn của ngài, học cách thiền định của ngài, Thiền định đó chính là ngài định trên một câu Phật hiệu, 92 năm không thay đổi, đó là định công. Vô lượng vô biên Pháp môn, ngài chưa bao giờ thay đổi ý niệm, vả lại biểu pháp này ở Nam Dương, biểu pháp của Lục hòa kính, Tăng đoàn hòa hợp. Lão Hòa thượng Hải Hiền cùng ba vị đồng tham đạo hữu cùng nhau kết lô tu hành, bốn người mà mỗi người có Pháp môn của mỗi người, không phải giống nhau, ngài tu Tịnh Độ, có người tu Thiền, có người tu Kinh Lăng Nghiêm, có người học Giáo. Pháp môn khác nhau mà cùng nhau cộng tu, chăm sóc lẫn nhau, không có tranh luận, đây là Lục hòa kính chân chánh. Đạo tràng Lục hòa này, bốn người là một Tăng đoàn, không phải cùng một Pháp môn, mỗi người tu mỗi Pháp môn, tôn trọng lẫn nhau, kính mến lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, hợp tác với nhau. Ở cùng nhau, không phải ngày ngày ồn ào, mà là đều rất hoan hỷ, để chúng ta đối với Tăng đoàn Lục hòa lại tăng lên một tầng. Trước đây trong quan niệm của chúng ta đều là cùng một Pháp môn, bốn người đều tu Tịnh Độ, bốn người đều học Thiên Thai, là cùng một tông phái, cùng nương một bộ kinh luận, cùng một phương pháp. Các ngài không phải vậy, bốn Pháp môn khác nhau, mỗi người tu mỗi Pháp môn, đến làm báo cáo, mọi người cùng nhau chia sẻ, thật sự hòa thuận, trước đây chúng ta chưa từng nghĩ tới điều này. Trong thời đại ngày nay đây, đặc biệt nhắc nhở chúng ta, Phật giáo là người một nhà, tất cả tông phái khác nhau, đều là do đức Thích Ca Mâu Ni Phật truyền lại. Căn tánh khác nhau không sao cả, Pháp môn vô lượng vô biên, tùy quý vị chọn lựa, đều có thể cùng nhau tu hành, đều có thể cùng ở trong một đạo tràng. Chúng ta cần nói rõ ràng, nói sáng tỏ điều này, trong Tăng đoàn như vậy, cũng sẽ không có kiến giải khác nhau, tranh luận bất đồng, không có nữa.

Mấy câu cuối cùng này của Niệm lão, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ, rất đáng được chúng ta ngưỡng mộ, độ chính là Thường Tịch Quang, thân chính là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang Như Lai, nên an trụ tịch định, luôn phóng quang minh, chiếu khắp hết thảy. Xem đoạn tiếp theo, 至於所感得者 “chí ư sở cảm đắc giả” (còn đối với những gì cảm được), phía trước là năng cảm, hai câu, hai câu phía sau đây là sở cảm, những gì chiêu cảm được廣大清淨之佛國 “quảng đại thanh tịnh chi Phật quốc” (là cõi Phật rộng lớn thanh tịnh). Chữ 居 “cư” trong câu này chính là chỉ cõi nước, cư là nơi ngài ở, 廣大清淨居 “quảng đại thanh tịnh cư” (nơi ở rộng lớn thanh tịnh) chính là Thế giới Cực Lạc. 廣大者,即經中寬廣平正,不可限極 “Quảng đại giả, tức Kinh trung khoan quảng bình chánh, bất khả hạn cực” (Quảng đại, chính là rộng lớn bằng phẳng, không thể giới hạn ở trong Kinh). Địa cầu này của chúng ta quá nhỏ rồi, máy bay phản lực hiện nay với 24 giờ đã bay được một vòng, thật quá nhỏ rồi. Thế giới Cực Lạc hình như không phải là một hình cầu, mà rộng lớn bằng phẳng. Nơi này của chúng ta không bằng cũng không phẳng, có giới hạn, Thế giới Cực Lạc rộng lớn bằng phẳng, không có giới hạn. Độ của Thế giới Cực Lạc khác với Thế giới này của chúng ta, độ của Thế giới chúng ta đây, tinh cầu này, do A-lại-da biến hiện, cõi nước của Thế giới Cực Lạc là do Tự Tánh biến hiện, khác nhau rất lớn. Những gì A-lại-da biến hiện là pháp sanh diệt, sát-na sanh diệt, một giây vớii 2 triệu 100 ngàn tỷ lần sanh diệt, đây là chân tướng. Thế giới Cực Lạc là do Tự Tánh biến hiện, Tự Tánh không sanh không diệt, nên ở Thế giới Cực Lạc nhìn không thấy hiện tượng của sanh diệt. Người không sanh không diệt, người là hóa sanh, còn người trong Thế giới này của chúng ta là thai sanh, thai noãn thấp hóa, Thế giới Cực Lạc tất cả đều là hóa sanh. Vả lại không thể nghĩ bàn, họ bỏ A-lại-da, để đổi lấy thân Pháp tánh, đây là sự gia trì bởi oai thần bổn nguyện của A Mi Đà Phật, mới được sự thù thắng trang nghiêm không gì bằng.

Khi nào bỏ được? Họ ngồi trên hoa sen đến Thế giới Cực Lạc, trong hoa sen sanh ra sự biến hóa, thật sự gọi là thoát thai đổi cốt, ở trong hoa sen. Vãng sanh là ngồi trong hoa sen, hoa sen liền khép lại, A Mi Đà Phật mang hoa sen ấy đến Thế giới Cực Lạc, để trong ao thất bảo. Khi đến lúc thì hoa nở, hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh, vô sanh là Thất địa Bồ-tát, Vô sanh Pháp nhẫn. Đó là gì? Bậc Thượng thượng phẩm vãng sanh, đến Thế giới Cực Lạc, hoa liền nở ra, quý ngài chuyển tám thức thành bốn trí, đã viên mãn rồi. Hoa nở thấy Phật, thân thể của quý ngài là Pháp tánh thân, hoàn cảnh cư trú của các ngài là Pháp tánh độ, khác với chúng ta. Thân và độ của chúng ta là Tướng phần của A-lại-da, Cảnh giới tướng của A-lại-da, ngày nay chúng ta gọi là hiện tượng vật chất. Hiện tượng này là giả, so với Thế giới Cực Lạc, Thế giới Cực Lạc là thật, chúng ta đây là giả, vì sao vậy? Bởi có sanh có diệt. Vì sao nói Thế giới Cực Lạc là thật? Bởi không sanh không diệt. Người không phải giống như ở đây, từ trẻ em dần dần lớn lên, Thế giới Cực Lạc không phải vậy, hoa nở thấy Phật thì thân đó, lớn giống như thân của A Mi Đà Phật, đây là bản nguyện của A Mi Đà Phật, phẩm thứ sáu chúng ta sẽ học tới. Tất cả chúng sanh trong mười phương Thế giới, thân thể, tướng mạo khác nhau, thân tướng hảo thì có cảm giác ngạo mạn, tôi tốt hơn người khác, người khác không bằng tôi, thân tướng kém hơn sanh ra cảm giác tự ti, đây là phiền não, sanh phiền não. A Mi Đà Phật từ bi, muốn tiêu trừ những loại tập khí phiền não này, nên hễ là ai sanh đến Thế giới Cực Lạc, thì tướng hảo quang minh hoàn toàn giống nhau, giống với ai? Giống với A Mi Đà Phật.

Lão Hòa thượng Hải Hiền có một lần, chúng tôi nghĩ có thể không chỉ một lần, ngài niệm Phật 92 năm, chắc chắn không phải một lần. Ngài nói ngài có một lần, trong lư hương, ngài thắp đầy hương, đã cắm 12 cây hương, có người hỏi ngài, vì sao thầy thắp nhiều hương như vậy ạ? Ngài trả lời người ta một câu, 天機不可洩漏 “thiên cơ bất khả tiết lậu” (thiên cơ không thể tiết lộ). Người hỏi nhất định muốn hỏi ngài, người ấy nói: thầy nói cho một mình con thôi, con tuyệt đối sẽ không nói với người thứ hai đâu ạ. Thỉnh cầu hơn nửa ngày, ngài mới nói ra, “tôi nhìn thấy đầy cả hư không đều là A Mi Đà Phật”, không phải là một vị A Mi Đà Phật, mà đầy cả hư không đều là A Mi Đà Phật. Vậy chúng ta có thể nghĩ rằng, bên cạnh A Mi Đà Phật, có rất nhiều người có duyên với ngài: đã vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, công phu của họ tu được rất tốt, A Mi Đà Phật đã đến, những người đó cũng cùng đến với Phật, tướng mạo đều là giống như A Mi Đà Phật, quý vị không phân biệt được. Phải là như vậy mới nói được thông, nhìn thấy rất nhiều A Mi Đà Phật. Vì thế, đến Thế giới Cực Lạc nhất định không cô đơn vắng vẻ, người có duyên với quý vị nhiều đời nhiều kiếp từ vô lượng kiếp đến nay, họ niệm Phật, sớm đã sanh đến Thế giới Cực Lạc, tất cả đều gặp nhau, đều nhìn thấy rồi, đến ôn lại chuyện cũ với quý vị. Chúng ta ở trong kiếp nào đó, trong tinh cầu nào đó, trong cõi nước Phật nào đó, đã làm đồng tham đạo hữu, làm huynh đệ tỷ muội, hiện nay đều đến Thế giới Cực Lạc rồi, đây là chân tướng sự thật. Vậy ở đâu nhiều người quen? Thế giới Cực Lạc nhiều người quen, vả lại tất cả mọi người đều sẽ khen ngợi, đều có thành tựu, đều đến Thế giới Cực Lạc. Đại đoàn viên ở Thế giới Cực Lạc, đại hội ngộ ở Thế giới Cực Lạc, các nơi khác tìm không thấy. Nếu quý vị mong thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật, thì quý vị không đi không được, đồng tham đạo hữu nhiều như vậy, bạn bè thân quyến đều ở nơi đó. Đây đều là chân tướng sự thật, nhất định chúng ta phải có thể lý giải.

Tiếp theo nói rõ ràng, rộng lớn còn có thanh tịnh. Hai chữ “thanh tịnh” này, chính là  清淨莊嚴,超踰十方 “thanh tịnh trang nghiêm, siêu du thập phương” (thanh tịnh trang nghiêm, hơn hẳn mười phương), mười phương là tất cả cõi nước chư Phật, chênh lệch rất lớn so với Thế giới Cực Lạc, Thế giới Cực Lạc trang nghiêm không gì bằng, thanh tịnh trang nghiêm, trong cõi nước mười phương cũng tìm không được, 故云廣大清淨居 “cố vân quảng đại thanh tịnh cư” (cho nên nói là nơi ở rộng lớn thanh tịnh). 如《往生論》所謂三種莊嚴入一法句 “Như Vãng Sanh Luận sở vị tam chủng trang nghiêm nhập nhất pháp cú” (Như trong Luận Vãng Sanh đã nói: ba loại trang nghiêm nhập vào một câu pháp), trích dẫn Luận Vãng Sanh để làm chứng. Trước đây chúng ta đã học ba loại trang nghiêm, loại thứ nhất là Y báo trang nghiêm, chính là hoàn cảnh sống và học tập, Bồ-tát Thiên Thân đã nói với chúng ta 17 loại trang nghiêm; Về Chánh báo, thầy là A Mi Đà Phật, đã nói 8 loại trang nghiêm; Thứ ba, những đại chúng vãng sanh Thế giới Cực Lạc ấy, các chúng Bồ-tát ấy, đã nói 4 loại trang nghiêm, tổng cộng 29 loại, khen ngợi Thế giới Cực Lạc vô cùng thù thắng. Nhập vào một câu pháp, một câu pháp là gì? Trong Luận Vãng Sanh giải thích cho chúng ta, 一法句者,清淨句。清淨句者,真實智慧無為法身 “nhất cú pháp giả, thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú giả, chân thật trí huệ Vô vi Pháp thân” (một câu pháp: là câu thanh tịnh. Câu thanh tịnh là trí huệ chân thật, Pháp thân Vô vi). Nên vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc tương đương với thật sự thành Phật rồi, hơn nữa ngay trong một đời thì thành tựu, không phải chờ đời sau. Không cần phải vô lượng kiếp, vô lượng kiếp đếm không xuể, không cần vô lượng kiếp mà liền thành tựu, điều này khó được biết bao. Chúng ta nhất định phải trân quý: duyên phận của ngày nay, duyên phận của đời này, nhất định không nên bỏ lỡ, nếu bỏ lỡ thì thật sai lầm. Mong rằng chúng ta đồng tâm đồng đức, chúng ta cùng một đạo lộ, một con đường, một phương hướng, một mục tiêu: là Thế giới Cực Lạc. Thế gian này làm sao có thể sánh được với Thế giới Cực Lạc!

Chúng ta phải có sự cảnh giác rất cao, đó tức là khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta: nhất định là bất thiện nhiều hơn thiện, ý niệm thiện ít, lời nói thiện ít, việc làm thiện ít; Ý niệm ác nhiều, lời nói ác nhiều, việc làm ác nhiều. Nếu quý vị có thể nghĩ về điều này, sau khi chúng ta chết rồi sẽ đi đâu? Tam đồ địa ngục, là chắc chắn, cuộc sống đó không dễ chịu. Vì vậy chúng ta nên ít nhất một tuần, phải xem bộ phim về tai nạn do người Mỹ quay trước đây một, hai lần, vì sao vậy? Để đề cao cảnh giác, khơi dậy nhận thức của chúng ta về sự gian nan khổ cực. Sự nhận thức này có lợi với chúng ta, giúp chúng ta hạ quyết tâm từ bỏ thế gian này, không còn lưu luyến, nhất tâm niệm Phật, cũng giúp nhất tâm niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, có lợi ích. Trong trận động đất ngày 11 tháng 3 vừa qua ở Nhật Bản, đợt sóng thần đó chỉ cao mười mét, thật đáng sợ. Thường xuyên phải thúc dục chính mình, nhắc nhở chính mình ý thức về sự gian nan khổ cực, chúng ta thật sự mới biết rằng phải buông xuống, là đến lúc buông xuống rồi, cần phải buông xuống. Thế giới Cực Lạc thật có, lão Hòa thượng Hải Hiền làm chứng minh cho chúng ta, ngài ít nhất nhìn thấy mười mấy lần, không phải là một lần, mà nhìn thấy mười mấy lần. Chúng ta cần hưng khởi ý niệm hướng về Thế giới Cực Lạc, thật sự mong muốn vãng sanh, thật sự muốn vãng sanh, buông xuống thế gian này, thì đời này chúng ta có thể thành tựu. Chính chúng ta thành tựu rồi, [thì với] bạn bè quyến thuộc của chúng ta, người có duyên với chúng ta, chúng ta mới có năng lực giúp họ, thành tựu họ, dẫn họ đến Thế giới Cực Lạc. Nếu chính mình không có thành tựu, thì không có năng lực này; Chính mình thành tựu, liền có năng lực này. Bất luận họ ở đường nào, bất luận họ ở Thế giới nào, ở Thế giới Cực Lạc đều thấy được rõ ràng, đều nghe được rất rõ ràng. Đến khi họ có duyên có thể tiếp nhận Phật pháp, thì quý vị chắc chắn lập tức đi giúp họ.

Câu thanh tịnh, trí huệ chân thật Pháp thân Vô vi, Pháp thân Vô vi là thể, 從是流現極樂依正莊嚴。故云:感得廣大清淨居,殊勝莊嚴無等倫 “tùng thị lưu hiện Cực Lạc Y Chánh trang nghiêm. Cố vân: cảm đắc quảng đại thanh tịnh cư, thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân” (từ đây hiện ra Y Chánh trang nghiêm của cõi Cực Lạc. Nên nói rằng: cảm được cõi ở rộng lớn thanh tịnh, thù thắng trang nghiêm không ai bằng). Thế giới Cực Lạc từ đâu mà có? Do nguyện lực của A Mi Đà Phật biến hiện ra, nói không sai, A Mi Đà Phật cũng là do tâm tánh của chính chúng ta biến hiện ra, câu này cần được thể hội một cách nghiêm túc hơn. A Mi Đà Phật biến hiện Thế giới Cực Lạc, nếu trong tâm của chính mình không thể biến hiện Thế giới Cực Lạc thì đi không được. Chẳng những Thế giới Cực Lạc là do tâm mình biến hiện, mà A Mi Đà Phật cũng là do tâm mình biến hiện. Tuần trước chúng ta đã làm Pháp hội Tế Tổ vào ngày đông chí ở Hồng Kông. Trước đó, Phật sự Tam Thời Hệ Niệm trong ba ngày, gia trì năng lượng cho lễ Tế Tổ. Chúng tôi dùng quyển pháp bổn do Thiền sư Trung Phong biên soạn, Thiền sư Trung Phong nói trong quyển ấy rằng, 阿彌陀佛即是我心,我心即是阿彌陀佛 “A Mi Đà Phật tức thị ngã tâm, ngã tâm tức thị A Mi Đà Phật” (A Mi Đà Phật tức là tâm ta, tâm ta tức là A Mi Đà Phật), là nói ý nghĩa này, 此界即是淨土,淨土即是此方 “thử giới tức thị Tịnh Độ, Tịnh Độ tức thị thử phương” (Thế giới này chính là Tịnh Độ, Tịnh Độ chính là nơi này). Nói rõ điều gì? Nói rõ điều mà Phật thường nói trong Đại Kinh, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Địa cầu này của chúng ta là tâm tưởng sanh, Thế giới Ta Bà là tâm tưởng sanh, Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng là tâm tưởng sanh, mười phương cõi nước chư Phật không rời tâm mình. Những nguyên lý nguyên tắc này trong Đại thừa giáo, chúng ta phải hiểu thấu đáo, khẳng định hoàn toàn, không hoài nghi, sau đó mới biết, tu hành là tu điều gì? Tu tâm, buông xuống Vọng tâm, đổi lấy Chân tâm. Dùng Chân tâm không dùng Vọng tâm, thì người ấy được gọi là Phật, được gọi là Bồ-tát; Dùng Vọng tâm không dùng Chân tâm, thì người đó được gọi là chúng sanh Lục đạo, đây là chân tướng sự thật. Cõi trời, nhân gian, địa ngục, quỷ, súc sanh, đều là từ tâm tưởng sanh.

Phải học tập kinh Đại thừa, một bộ này đủ rồi, đủ dùng rồi. Đặc biệt là Tập Chú này của Niệm lão, ngài đã hội tập 83 loại kinh luận, 110 loại khai thị của Tổ sư Đại đức. Chúng ta học một bộ Chú Giải này, Tập Chú này, thì tương đương với việc đã học rất nhiều kinh luận, rất nhiều lời giảng giải của Tổ sư Đại đức, học được tất cả rồi, thật sự là tinh hoa của Đại thừa. Giống như Quần Thư Trị Yếu, Tứ Khố có một bản Quần Thư Trị Yếu, Quần Thư Trị Yếu là phần tinh hoa của Tứ Khố, tinh hoa nhất; Bản Hội Tập của Kinh Vô Lượng Thọ: là phần tinh hoa của Đại Tạng Kinh, của tất cả kinh Phật, thật khó được, chúng ta gặp rồi. Nên với Kinh này, cần phải lưu thông số lượng lớn, khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển, chúng ta làm ra nhiều đĩa CD này, dùng vệ tinh, dùng Internet, dùng kỹ thuật truyền CD, giúp mọi người đều có duyên gặp được. Trên Kinh Mi Đà nói rất hay, 不可以少善根福德因緣,得生彼國 “bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (không thể dùng chút thiện căn phước đức nhân duyên, mà được sanh về cõi ấy). Có thiện căn, có phước đức, mà không có duyên không được; Có duyên cũng phải có thiện căn, có phước đức, có thiện căn thì họ không hoài nghi, có phước đức là thật muốn đi, thật niệm Phật. Thế nên thật sự niệm Phật, thật sự phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, người ấy có thiện căn, có phước đức.

殊勝莊嚴無等倫 “Thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân” (Thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân), vô đẳng luân có nghĩa là không gì có thể bằng được, không gì có thể so sánh được, cũng tức là so với tất cả cõi nước chư Phật, thì Thế giới Cực Lạc quá thù thắng, không một Thế giới nào có thể so sánh được. Đây là thật, không phải giả, chúng ta phải tin, chúng ta phải ghi nhớ. Lão Hòa thượng Hải Hiền 92 năm không chuyển hướng, ngài kiên trì đến cùng chính là một môn, nên thành tựu của ngài cũng không thể nghĩ bàn. 又《魏譯》曰 “Hựu Ngụy Dịch viết” (Còn bản Ngụy Dịch ghi), ở đây nêu ra bản của ngài Khang Tăng Khải, 道場超絕 “Đạo tràng siêu tuyệt” (Đạo tràng siêu tuyệt), ngài dùng câu này. 超絕即殊勝,故與此同 “Siêu tuyệt tức thù thắng, cố dữ thử đổng” (Siêu tuyệt tức là thù thắng, nên giống với ở đây), trên Kinh này nói thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân, còn bản của ngài Khang Tăng Khải nói Đạo tràng siêu tuyệt. 《嘉祥疏》曰:修道疾速成佛,故云超絕。嘉祥大師一語破的 “Gia Tường Sớ viết: tu đạo tật tốc thành Phật, cố vân siêu tuyệt. Gia Tường Đại sư nhất ngữ phá đích” (Trong Gia Tường Sớ ghi: tu đạo nhanh chóng thành Phật, nên nói là siêu tuyệt. Một lời của Đại sư Gia Tường đã nói ra hết rồi).

Chúng ta xem đoạn tiếp theo, 盡度眾生 “Tận Độ Chúng Sanh” (Độ Hết Chúng Sanh), mời xem kinh văn:

【輪迴諸趣眾生類。】

“Luân hồi chư thú chúng sanh loại”

(Các loại chúng sanh trong luân hồi).

Mau sanh, hai từ này rất quan trọng.

【速生我剎受安樂。

常運慈心拔有情。

度盡無邊苦眾生。】

“Tốc sanh ngã sát thọ an lạc

Thường vận từ tâm bạt Hữu tình

Độ tận vô biên khổ chúng sanh”

(Mau sanh cõi con hưởng an lạc

Thường dùng từ tâm cứu Hữu tình

Độ tận vô biên chúng sanh khổ).

Tập Chú của Niệm lão nói rất hay, 淨宗之殊勝超絕,首在疾速成佛,凡夫往生,逕登不退,不退才能疾速成佛也 “Tịnh tông chi thù thắng siêu tuyệt, thủ tại tật tốc thành Phật, phàm phu vãng sanh, kính đăng Bất thoái, Bất thoái tài năng tật tốc thành Phật dã” (Sự siêu tuyệt thù thắng của Tịnh tông, đầu tiên ở chỗ nhanh chóng thành Phật, phàm phu vãng sanh, thẳng lên Bất thoái, Bất thoái mới có thể nhanh chóng thành Phật). 故普願輪迴諸趣眾生類,速生我剎受安樂 “Cố phổ nguyện luân hồi chư thú chúng sanh loại, tốc sanh ngã sát thọ an lạc” (Cho nên rộng nguyện các loại chúng sanh trong các đường luân hồi, mau sanh cõi con hưởng an lạc). Mấy câu này quan trọng, giúp chúng ta kiên định tín tâm, giúp chúng ta kiên cố hoằng nguyện, nguyện sanh Tịnh Độ. Ngay từ mở đầu, Niệm lão nói với chúng ta, sự siêu tuyệt thù thắng của Tịnh Độ tông, không có bất kỳ Pháp môn nào có thể so sánh được. Vì sao vậy? Chính là rất nhanh thành Phật, vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc tương đương với việc thành Phật, quá nhanh rồi. Vả lại phàm phu vãng sanh, sanh đến Thế giới Cực Lạc liền chứng được Bất thoái chuyển, điều này quá khó rồi, chứng được Bất thoái chuyển là Pháp thân Bồ-tát. Trên kinh Phật thường nói ba loại Bất thoái: Vị bất thoái, địa vị mà quý ngài đã chứng được sẽ không thoái xuống nữa, đó là A-la-hán, Bích-chi-phật, Tiểu thừa, chỉ chứng được Vị bất thoái, còn hạnh sẽ thoái, niệm sẽ thoái; Chứng được Hạnh bất thoái là Bồ-tát, nhưng niệm của Bồ-tát sẽ thoái; Đều chứng được ba loại Bất thoái, gọi là A-duy-Việt-trí Bồ-tát, A-duy-Việt-trí, chúng ta cũng gọi đó là Pháp thân Bồ-tát, chứng được Pháp thân. Làm sao chứng được? Quý ngài phá một phẩm Vô minh, chứng một phần Pháp thân, cũng chính là chúng ta bình thường nói Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, niệm bất thoái rồi, đều chứng được ba loại Bất thoái. Phàm phu, người giống như chúng ta, vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, liền chứng ba loại Bất thoái, điều này quá hiếm có! Là nguyên nhân gì vậy? Bởi được oai thần bổn nguyện của A Mi Đà Phật gia trì, công đức tu hành từ vô lượng kiếp của A Mi Đà Phật gia trì, thật được gia trì. Chúng ta thật sự sanh đến Thế giới Cực Lạc, cho dù Hạ hạ phẩm vãng sanh của Phàm Thánh Đồng Cư độ, cũng là chứng ngay ba Bất thoái. Nếu với 52 cấp bậc của Bồ-tát từ trên Kinh Hoa Nghiêm, mà quý ngài muốn đạt đến ba bất thoái thì khó biết bao!

Chứng được ba bất thoái: là Sơ trụ Bồ-tát của Viên giáo trong Kinh Hoa Nghiêm, dưới quý ngài là mười cấp bậc, Sơ tín tương đương với Tu-đà-hoàn của Tiểu thừa, là Vị bất thoái rồi; Đi lên tiếp, Nhị tín đến Tam tín, Tứ tín, Ngũ tín, Lục tín, Thất tín tương đương với A-la-hán, Bát-tín tương đương với Bích-chi-phật, Cửu tín tương đương với Bồ-tát, chỉ có Vị bất thoái, còn hạnh sẽ thoái, niệm sẽ thoái. Nếu đi lên đến Sơ trụ Bồ-tát, Minh tâm Kiến tánh, mới có thể chứng được Hạnh bất thoái, bất thoái Bồ-tát hạnh. Đi lên nữa, mới có thể chứng được Niệm bất thoái. Khó biết bao! Thời gian dài biết dường nào! Từ Sơ tín đến Thất tín, trên kinh Phật giảng, tới lui bảy lần cõi trời nhân gian. Thọ mạng nhân gian không dài, thọ mạng cõi trời dài, thọ mạng cõi trời hết rồi thì đến nhân gian, các ngài sẽ không vào ba đường ác, thọ mạng nhân gian hết rồi sanh cõi trời, qua lại bảy lần cõi trời nhân gian như vậy, chứng quả A-la-hán, thoát khỏi Lục đạo luân hồi. Thoát khỏi Lục đạo luân hồi khó như vậy, không thể so sánh với việc vãng sanh, người vãng sanh quá nhanh rồi. Có pháp phương tiện thù thắng này, 故普願輪迴諸趣眾生類 “cố phổ nguyện luân hồi chư thú chúng sanh loại” (nên rộng nguyện các loại chúng sanh trong các đường luân hồi), chư thú chính là Lục đạo, chúng sanh Lục đạo trong luân hồi, 速生我剎受安樂 “tốc sanh ngã sát thọ an lạc” (mau sanh cõi con hưởng an lạc), nguyện của A Mi Đà Phật phát ra, mau đến Thế giới Cực Lạc, lìa khổ được vui.

此之安樂,才是真實安樂。頓脫生死,速成正覺,故云安樂 “Thử chi an lạc, tài thị chân thật an lạc. Đốn thoát sanh tử, tốc thành Chánh Giác, cố vân an lạc” (An lạc ấy, mới là an lạc chân thật. Liền thoát sanh tử, mau thành Chánh Giác, nên nói là an lạc). An lạc có nghĩa là gì? Phật Bồ-tát từ bi, chúng thần từ bi, giúp chúng ta lìa khổ được vui, giải quyết sự khốn khổ trước mắt, không triệt để, không viên mãn, chúng ta chết rồi ra không khỏi Lục đạo. Cho nên Phật Bồ-tát đại từ đại bi, giúp chúng ta rời rốt ráo khổ, đó chính là thoát khỏi Lục đạo luân hồi, rời rốt ráo khổ; Được rốt ráo vui, rốt ráo vui là Thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn không thoái chuyển, mãi cho đến thành Phật. Ai có thể làm được? Chư Phật Bồ-tát có thể làm được, chư Phật Bồ-tát đều khuyên chúng sanh: tín nguyện trì danh cầu sanh Tịnh Độ, đây là chư Phật Bồ-tát giúp chúng sanh rời rốt ráo khổ, được rốt ráo vui, đây gọi là pháp luân viên mãn. Ngày nay chúng ta gặp được phải nhận biết, phải làm rõ ràng, nhất định không nên bỏ lỡ cơ hội này, bỏ lỡ thì quý vị thật sự sai rồi, đời này quý vị đến uổng công, đời này luống qua rồi, nhất định phải thật làm. Thoát sanh tử chính là thoát khỏi Lục đạo luân hồi, thành Chánh Giác, vậy mới gọi là an lạc, thành Chánh Giác ở đây, chính là thành Phật.

又《稱讚淨土經》曰:為諸有情宣說甚深微妙之法,令得殊勝利益安樂 “Hựu Xưng Tán Tịnh Độ Kinh viết: vị chư Hữu tình tuyên thuyết thậm thâm vi diệu chi pháp, linh đắc thù thắng lợi ích an lạc” (Thêm nữa trong Kinh Xưng Tán Tịnh Độ nói: vì tất cả Hữu tình tuyên thuyết pháp rất sâu vi diệu, khiến được lợi ích an lạc thù thắng). Đây là Kinh Xưng Tán Tịnh Độ, Kinh A Mi Đà do Đại sư Huyền Trang phiên dịch, hiện nay chúng ta thông thường niệm bản của ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch, còn bản do Đại sư Huyền Trang phiên dịch gọi là Kinh Xưng Tán Tịnh Độ, nói rất hay. Kinh văn là 為諸有情 “vị chư Hữu tình” (vì tất cả Hữu tình), Hữu tình là chúng sanh Lục đạo, có tình thức, có tình chấp, 宣說甚深微妙之法 “tuyên thuyết thâm thậm vi diệu chi pháp” (tuyên thuyết pháp thậm thâm vi diệu), Kinh Mi Đà là pháp thậm thâm vi diệu. Kinh này là đại bản Kinh Mi Đà, hoàn toàn giống với tông chỉ của Kinh Mi Đà. Vì vậy 令得殊勝利益安樂 “linh đắc thù thắng lợi ích an lạc” (khiến được lợi ích an lạc thù thắng), chính là vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Lại nói 無有一切身心憂苦 “vô hữu nhất thiết thân tâm ưu khổ” (không có tất cả sự lo lắng khổ não về thân tâm), đây là xưng dương tán thán Thế giới Cực Lạc, Thế giới Cực Lạc không có tất cả nỗi khổ về thân, nỗi khổ về tâm. Thế giới này của chúng ta tâm ưu thân khổ, trong tâm có âu lo, thân có khổ, thân có: sanh lão bệnh tử khổ, có cầu bất đắc khổ, có ái biệt ly khổ, có oán tắng hội khổ, có Ngũ ấm xí thịnh khổ, triển khai tám nổi khổ này, gọi tên nói ra không hết vô lượng vô biên việc khổ. 是故 “Thị cố” (Cho nên), Thế giới Cực Lạc không có, những nỗi khổ của thân tâm này đều không có, nên xưng là Thế giới Cực Lạc. 故云受安樂 “Cố vân thọ an lạc” (Cho nên nói thọ an lạc), đến Thế giới Cực Lạc, những gì quý vị hưởng thụ là an lạc, bình an vui vẻ, bình là bình đẳng, an là an ổn, Thế giới đó không có tai nạn. Không có sự thay đổi của nóng lạnh, thế gian này của chúng ta: mùa đông lạnh, mùa hạ nóng, đều là khổ. Thế giới Cực Lạc không có bốn mùa, người sống ở đó giống như mùa xuân ở thế gian này của chúng ta, khí hậu tốt nhất, mãi không thay đổi. Thật sự là không chỉ an lạc, mà thường an lạc.

經云惠以真實之利,正指此 “Kinh vân huệ dĩ Chân thật Chi lợi, chánh chỉ thử” (Kinh nói: ban cho Lợi ích Chân thật, chính là chỉ điều này). Trên Kinh này đã nói ba điều chân thật, phía trước chúng ta thấy được 真實之際 “Chân thật Chi tế”, tế là Bổn tế, tức là Lý thể, cũng chính là Chân Như Bản tánh. Kinh này là giúp chúng ta hồi quy Tự Tánh, dùng phương pháp vô cùng khéo léo. Chứng được Lý nhất tâm chính là Chân thật Chi tế, lão Hòa thượng Hải Hiền chứng được rồi, ngay cả ngài Hải Khánh cũng chứng được rồi. Chúng ta nghĩ xem, ngài Hải Khánh cũng có thể chứng được, vì sao chúng ta không thế chứng được? Lịch sử về ngài Hải Khánh được ghi chép không dài, nên phải xem nhiều hơn, thường xuyên xem, thì chúng ta sanh khởi tâm ngưỡng mộ đối với ngài, học tập theo ngài. Thứ hai là Trí huệ Chân thật, thứ ba là Lợi ích Chân thật, đây không phải là giả. Chúng ta ở thế gian này giảng về trí huệ, giảng về lợi ích đều là giả, không phải thật; Còn điều đó là chân thật, thật sự đạt được, vĩnh viễn sẽ không mất đi. Thế gian này của chúng ta đạt được rồi sẽ mất đi thôi, lo được lo mất, nên không phải là chân thật. Vậy làm thế nào? Buông xuống, chúng ta phải chọn lợi ích chân thật, lợi ích chân thật chính là Kinh Vô Lượng Thọ, lợi ích chân thật chính là lão thật niệm Phật, lợi ích chân thật, nhất định vãng sanh Thế giới Cực Lạc, đây là chân thật. Chúng ta nhất định đừng bỏ lỡ, phải nắm bắt thời gian, sống một ngày làm một ngày, thì ngày đó không uổng phí, sống một tháng làm một tháng, tương lai khi chúng ta ra đi, nhất định được sanh Tịnh Độ. Tốt rồi, bây giờ thời gian đã hết, chúng ta học tập đến đây thôi.

(Hết tập 152 )

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đều sanh nước Cực Lạc

Sớm viên thành Phật đạo

Rộng độ khắp chúng sanh

Nam Mô A Mi Đà Phật