A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 1: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 1.
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 12.06.2024
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô A Mi Đà Phật!
Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Hôm nay chúng ta mở đầu một buổi của một khóa học mới, tựa đề mà quý vị nhìn thấy trên màn hình đó là A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận tức là Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá, hay còn gọi là Luận Câu Xá, Luận này là của Phật giáo Bắc truyền. Chúng ta nghe tên A Tỳ Đạt Ma thì có vẻ lạ, tên này thật ra rất quen thuộc đối với những người tu học chuyên sâu. Bởi vì nếu như trong cuộc đời mỗi người tu học Phật pháp mà không biết Tạng A Tỳ Đàm hay còn gọi là A Tỳ Đạt Ma. Chữ Đạt Ma là pháp và A Tỳ giống như chữ Địa ngục A Tỳ, A Tỳ có nghĩa là vô cực vô gián tức là pháp vô cực vô gián, pháp vô cùng vi diệu, pháp mà không có gì thù thắng hơn nữa cho nên gọi là A Tỳ Đạt Ma.
Tựa đề của bộ Luận này được giải thích ở phần sau. Trong bộ Luận này có giải thích cho nên Thiện Trang cũng không mất thời gian để giải thích. Thiện Trang chỉ giới thiệu tại sao chúng ta lại học bộ này. Quý vị biết nếu đối với người học chuyên sâu dù theo Phật giáo Bắc truyền hay Nam truyền đều gần như phải học qua tạng Vi Diệu Pháp. Ở Bắc truyền gọi là Duy Thức Học nhưng Bắc truyền thì chia ra hai, một là của Đại thừa thì gọi là Duy Thức, còn ở Tiểu thừa thường dùng từ gọi là A Tỳ Đạt Ma hay là A Tỳ Đàm, trong đó có nhiều bộ chứ không phải một bộ.
Tại sao chúng ta học môn này? Quý vị biết tất cả những gì đức Phật thuyết pháp trong 49 năm theo Bắc truyền hay là 45 năm theo Nam truyền, có bao nhiêu tạng không? Thông thường chúng ta biết sau khi kết tập lại ba tạng: Một là Tạng kinh, hai là Tạng luật, và ba là Tạng luận. Nhưng chúng ta không biết rằng thực tế đức Phật thuyết đến bốn tạng, tạng thứ tư chính là Tạng Vi Diệu Pháp hay là Tạng A Tỳ Đàm hay còn gọi là Tạng Duy Thức.
Tại sao lại có bốn tạng mà bây giờ chúng ta chỉ có nhắc ba tạng? Thiện Trang xin chia sẻ nhân duyên một chút về điều này. Nhưng Thiện Trang nói tầm quan trọng trước đã, tầm quan trọng của bộ này là gì? Ở trong cuộc đời người tu học, dù Tiểu thừa hay Đại thừa, dù Bắc truyền hay Nam truyền, nếu không học tạng này thì phải nói là mất nửa cuộc đời tu học. Quý vị nghe câu chuyện gọi là mất nửa cuộc đời, mất trọn cuộc đời rồi đúng không? Sẵn đây Thiện Trang chia sẻ vui vui một chút.
Có một câu chuyện mà chúng ta đã nghe nhiều phiên bản rất nổi tiếng, đó là có một vị Giáo sư đi qua sông, do con sông này không có cầu nên Giáo sư thuê một chiếc đò qua sông. Đang đi trên thuyền nhỏ (gọi là đò), vị Giáo sư mới hỏi vị lái đò rằng: ông có biết về Triết học hay không? Vị chèo đò nói: ‘Tui làm sao mà biết được Triết học, tui quanh đây mai đó lo kiếm sống thế này, làm sao biết Triết học’. Vị Giáo sư nói: ‘Vậy là anh mất hết một phần ba cuộc đời rồi đó, vì Triết học có nhiều điều hay lắm’. Tiếp theo vị Giáo sư lại hỏi: ‘Anh có biết Khoa học hay không?’ Người đó nói: ‘Tui cũng không có biết Khoa học gì hết, tui chỉ biết chèo đò thôi’. ‘Vậy thì anh đã mất nửa cuộc đời rồi. Tại vì có hai thứ anh không biết là mất nửa cuộc đời’.
Quý vị thấy giống như mình không học Tạng A Tỳ Đàm này thì mình cũng mất nửa cuộc đời, mất trọn cuộc đời luôn. Thế nào là mất trọn cuộc đời? Lát sau chiếc thuyền đó bị lật do sóng, mưa sấm chớp, sông bị động. Khi lật [thuyền] rớt xuống nước, thì người lái đò mới hỏi vị Giáo sư rằng: ‘Vậy ông có biết bơi hay không?’ Vị Giáo sư nói: ‘Không biết bơi, cứu tôi với!’. ‘Vậy là ông có một thứ không biết mà ông mất cả cuộc đời rồi’.
Ở đây ý Thiện Trang muốn nói tạng này là gì? Chúng ta phải hiểu một chút tạng về Kinh, về Luận. Bây giờ Luật thì chúng ta hiểu rồi. Mình đang nói về Tạng kinh thôi. Về Tạng kinh là giáo pháp giải thoát của đức Phật dạy cho tất cả mọi người, mọi chúng sanh nhưng dạy theo chiều rộng. Dạy theo chiều rộng có nghĩa là tuỳ căn cơ chúng sanh mà đức Phật thuyết pháp, người chăn bò tới thì đức Phật sẽ nói ví dụ cho người chăn bò nghe hiểu được để đắc quả hoặc là có thể giải thoát. Đức Phật quán căn cơ của người đó tu đời trước, đời xưa, thời quá khứ tu những gì mà đức Phật thuyết. Cho nên gọi Tạng kinh là thuyết pháp giải thoát theo chiều rộng. Chiều rộng mỗi người sẽ thuyết cho mỗi người khác nhau tức là đức Phật sẽ thuyết cho người A khác thuyết cho người B, thuyết cho người C, mỗi người mỗi khác nhau cho nên có những công án quý vị thấy rất kì lạ.
Chẳng hạn có hai vợ chồng, một ngày nọ, đức Phật đi “bát” tức là đi khất thực. Đức Phật quán sát thấy hai người có lòng thành kính muốn cúng dường. Giống như bây giờ sư Minh Tuệ được người cúng dường vậy. Người ta muốn sớt bát tức là đưa đồ ăn vào bát, đức Phật mới che, ngăn lại. Tại sao vậy? Đáng lẽ là đức Phật sẽ nhận, nhưng đức Phật không nhận. Đức Phật ngăn lại nói: Ta không cần cái này và nói thêm một chút nữa thì hai vợ chồng đó ngộ được pháp và đắc quả. Đắc quả gì Thiện Trang không nhớ lắm, có chỗ nói đắc quả Tu-đà-hoàn, có chỗ nói đắc quả A-la-hán. Vì nhân duyên đời quá khứ hai người đó ở trong chùa suốt ngày tụng bộ kinh gì mà chỉ tụng mỗi câu đó thôi, tụng đi tụng lại hoài. Khi đức Phật vừa quán căn cơ như vậy, nhắc đúng nội dung đó thì hai vợ chồng đó đắc quả. Đó là một cách để nói kinh.
Cho nên kinh là đức Phật nói theo chiều rộng, còn Tạng Vi Diệu pháp còn gọi là A Tỳ Đạt Ma hay là A Tỳ Đàm này nội dung vẫn là giáo pháp giải thoát của đức Phật, mà dạy theo chiều thẳng đứng, có nghĩa là rất chuyên về giáo pháp. Chuyên cho nên không nói theo những ngôn ngữ của người bình thường mà lại nói theo một ngôn ngữ đặc biệt. Vì chuyên mà, điều này gọi là học chuyên về giáo pháp giải thoát. Cho nên hiện tại Tạng này cho dù Phật giáo Bắc truyền hay Nam truyền, đặc biệt là ở nước ngoài, ở các nước phương Tây bây giờ rất thịnh hành, hầu như ai ai cũng học Tạng này. Tại vì giáo pháp này là giáo pháp theo chiều thẳng đứng, có trình tự và trình bày một cách khoa học, một cách logic, nên người dù dở mà theo học vẫn có trình tự rõ ràng. Vì vậy ai học cũng hiểu được, ai học cũng vô được nếu như có căn tánh học. Chiều này khác với chiều kia và Tạng A Tỳ Đàm này nếu mình học là sẽ hiểu. Thiện Trang xin giới thiệu trong Tạng Câu Xá này, chúng ta cần học những gì là chúng ta biết ngay.
Phẩm | Quyển số | Phẩm | Quyển số | |
分別界品 | 1-2 | 分別賢聖品 | 22-25 | |
1.Phẩm Phân Biệt Giới | 6.Phẩm Phân Biệt Hiền Thánh | |||
分別根品 | 3-7 | 分別智品 | 26-27 | |
2.Phẩm Phân Biệt Căn | 7.Phẩm Phân Biệt Trí | |||
分別世品 | 8-12 | 分別定品 | 28-29 | |
3.Phẩm Phân Biệt Thế | 8.Phẩm Phân Biệt Định | |||
分別業品 | 13-18 | 破執我品 | 29-30 | |
4.Phẩm Phân Biệt Nghiệp | 9.Phẩm Phá Ngã Chấp | |||
分別隨眠品 | 19-21 | |||
5.Phẩm Phân Biệt Tùy Miên |
Luận Câu Xá này có tổng cộng 30 quyển theo Hán tạng, một quyển là 5.000 chữ, 30 quyển là khoảng 150.000 chữ. Ở quyển thứ nhất và quyển thứ hai là học về Phẩm Phân Biệt Giới. Phẩm Thứ Hai là học về Phân Biệt Căn, có sáu căn. Phẩm Thứ Ba là Phân Biệt Thế là học về Thế gian. Tại sao quý vị giàu, nghèo, tại sao vào loài rồng, tại sao đọa vào Ngạ quỷ, tại sao lên cõi Trời, đây là Phân Biệt Thế. Quý vị học thì chắc chắn thích.
Đầu tiên là nền tảng, sau đó là vào [phẩm này] đây. Rồi tại sao mình tạo nghiệp gì, nhân gì, duyên gì ở Phẩm Thứ Tư gọi là Phân Biệt Nghiệp. Ví dụ quý vị lập gia đình rồi, hai vợ chồng sống chung nhà với nhau nhưng không hạnh phúc, chúng ta dùng ngôn ngữ là oan gia ngõ hẹp, suốt ngày gặp nhau là “oán tắng hội khổ”, có phải như vậy không? Đó là một cách nói tạm đúng, nhưng không hoàn toàn chính xác theo Tạng Vi Diệu Pháp. Vì nếu hai người oan gia chưa chắc đã gặp nhau kiểu như vậy. Nếu là oan gia trái chủ với nhau, gặp ngoài đường lần đầu thì ngay lập tức họ đã đánh nhau rồi, họ không cùng đi chung để ký tờ đơn kết hôn. Tại sao lại như vậy? Bởi họ có một nghiệp khác nữa gọi là nghiệp ái. Nghiệp yêu vẫn có giữa hai người đó. Tức là theo Tạng này hay là theo Vi Diệu Pháp thì phân tích nghiệp rất rõ ràng. Quý vị vừa khởi lên một ý niệm yêu thích người đó ngay lập tức đã kết nghiệp rồi. Quý vị yêu thương người kết thành một nhân, nhân đó đến thời điểm nào sẽ trổ quả, nó cứ lớn mạnh theo thời gian như thế nào đó, khi có duyên nó có thể ra kết quả, đó là nhân hai người gặp nhau mà yêu thương nhau. Có nhiều nhân nữa, một số nhân nữa nó mới tạo ra hai người đi về cùng ký lên tờ giấy kết hôn để về sống chung nhà với nhau.
Còn nghiệp oan gia đối đầu nó lại ở một hoàn cảnh khác, một điều kiện khác. Có thể trong đời quá khứ khác hoặc là trong đời đó, đời nào đó hai người cũng đã từng ghét nhau vì một chuyện gì đó, vì bực mình gì đó v.v… mới kết nghiệp như vậy. Cho nên nghiệp nó ràng buộc, không phải là một nghiệp mà có quá nhiều. Mình nghĩ lên, mình có tâm yêu thương, tâm ghét là mỗi nhân để thọ sanh trong vòng sanh tử. Nên Đại sư Lục tổ Huệ Năng nói: “Yêu ghét chẳng để lòng, thì duỗi thẳng hai chân ngủ”. Tại vì sao? Vì đó chính là một trong hai nguyên nhân chúng ta thọ sanh trong vòng sanh tử, trong vòng luân hồi. Đó là chúng ta có tham ái, tham ái ở đây có nghĩa là yêu, khi yêu chắc chắn có ghét, điều nào thích thì yêu, điều nào không thích thì ghét. Vì vậy đó là nhân, tất nhiên còn nhân Vô minh nữa, nhưng Vô minh sâu nên mình nói tham ái. Cho nên hai vợ chồng về với nhau có lúc thì hạnh phúc, có lúc thì đau khổ, có lúc thì đắng cay là do nghiệp. Nghiệp nhiều lắm, lúc thế này lúc thế kia, lúc nghiệp này trổ, lúc thì nghiệp kia trổ.
Nên người tu hành học Tạng Vi Diệu Pháp về nghiệp này, mình hiểu rõ rồi thì sợ lắm, quý vị không dám khởi tâm động niệm lung tung đâu. Vì vừa khởi một tâm nào đó là kết nghiệp rồi. Quý vị vừa khởi tâm Tà dâm nó đã kết nghiệp đọa vào những loài động vật, hoặc là Địa ngục [vì] có nhân rồi. Quý vị vừa khởi một ý niệm tham đắm gì là đi về đó rồi, nhân đó khi nào đủ duyên sẽ kết quả. Tất nhiên khi chết, mỗi người khi mạng hết thì nghiệp nào mạnh nó sẽ lôi mình đi trước, còn các nghiệp kia vẫn chạy theo, nó chạy theo rồi thì mình đâu làm chủ được.
Vì vậy học Tạng này rồi quý vị sẽ thấy khi học đến Phân Biệt Nghiệp là quý vị sẽ không trách ai hết. Không trách tại sao ông chồng đối với mình như vậy, tại sao con mình như vậy, không trách một ai cả. Vì tất cả đều do duyên nghiệp mình đã gây tạo từ đời quá khứ. Chúng ta học bài này là chúng ta hiểu rõ lắm, ở trong này phân tích chuyên mà, môn này là môn chuyên chứ không có môn khác, mấy môn khác nói lòng vòng đi lung tung lang tang. Môn này là vào giáo pháp của Phật, giáo pháp giải thoát rốt ráo gọi là giáo pháp chuyên.
Phẩm Thứ Năm là Phân Biệt Tùy Miên, Tùy miên tức là những Phiền não. Học về Phiền não, chúng ta muốn ra khỏi sanh tử chúng ta phải hiểu được Tập đế là nguyên nhân của khổ, nguyên nhân của khổ là các Phiền não. Vậy mình phải hiểu rõ Phiền não, bao nhiêu loại Phiền não v.v… thì học Phẩm này.
Phẩm Thứ Sáu là Phân Biệt Hiền Thánh dạy cho chúng ta để đắc, như hôm trước học Thiện Trang có trích cho quý vị nghe đắc Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả, hoặc là đắc Thất hiền, hoặc là Tứ gia hạnh. Quý vị muốn đắc những quả vị như vậy thì quý vị được lợi ích gì, làm sao để đắc thì quý vị phải học Phẩm đó. Giống như lần trước Thiện Trang trích cho quý vị nghe, chỉ cần mình chứng đến quả vị thứ ba trong Tứ gia hạnh gọi là: Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế Đệ Nhất. Nhẫn vị thì đã không đọa vào ác thú, không đọa vào ba đường ác rồi, không đọa vào bốn đường ác nói theo Phật giáo Nam truyền. Cho nên rất tuyệt vời nếu mình chỉ cần đạt tới đó, vậy làm sao đạt? Quý vị phải hiểu được phẩm đó gọi là Phẩm Phân Biệt Hiền Thánh, Hiền là chưa chứng quả Tu-đà-hoàn, còn Thánh là từ Tu-đà-hoàn trở đi.
Cho nên phải học, mình không học làm sao biết được, làm sao tu được. Muốn học Phẩm này quý vị phải học Phẩm Thùy Miên trước, tức là phải học về Phiền não trước. Rồi học nghiệp làm sao v.v… Nghiệp tại sao đời này mình thông minh mà nghèo khổ, tại sao mình học cũng giỏi mà không đi học được, ăn rồi ở nhà không, không có bằng cấp gì hết, thì đây là Phẩm Phân Biệt Nghiệp này, rồi tại sao sanh cõi nào.
Tiếp theo là Phẩm Phân Biệt Trí, đây là nói về trí huệ, và Phẩm Phân Biệt Định là Phẩm Thứ Tám nói về các tầng Thiền định, định thế nào v.v…, Định quán, Định chỉ v.v… Rất quan trọng, ai muốn đắc định phải học Phẩm này mới biết được. Phẩm Thứ Chín là phá Ngã chấp, đây là rốt ráo cuối cùng đắc quả A-la-hán.
Đây là giới thiệu sơ qua để cho quý vị biết giáo pháp này hay lắm, tuyệt vời lắm. Hòa thượng Tịnh Không cũng nói: Phật giáo thời xưa, thời nhà Đường thịnh thế là bởi vì có hai tông Tiểu thừa là Câu Xá tông và Thành Thật tông, vì nền tảng này mới giúp cho người ta chứng quả. Bởi vì quý vị học trên cao, học Đại thừa nhưng không chỉ cho quý vị những căn bản pháp hành này, thì bây giờ nói đã lắm, nghe sướng tai, khoa học Đại thừa đã lắm, nhưng quý vị giống như bay trên tầng mây thôi, còn chứng quả thì rất khó, không phải là không được nhưng khó, khó là gì? Chỉ có những người căn tánh tốt hoặc có nhiều yếu tố gì đó, họ có thể đắc quả được, còn lại căn tánh dở là không được. Vì căn tánh dở là phải đi học từng lớp một. Lớp một, rồi lớp hai, lớp ba, lớp bốn, lớp năm, lớp sáu, bảy, tám, chín, mười, đến tốt nghiệp 12. Còn thiên tài ném vô là học lớp 10 lên lớp 12 luôn được, đó là những bậc thiên tài.
Thiện Trang lấy ví dụ này cho quý vị dễ hiểu: Đa phần giáo pháp Đại thừa giống như quý vị lái máy bay phản lực ở trên bầu trời, bay đã lắm, vèo vèo khắp nơi khắp chốn tung tăng. Nhưng nếu quý vị chỉ học Đại thừa, mà không học nền tảng này thì giống như cho quý vị học bay trên bầu trời, rồi một ngày nào đó giao cho quý vị lái máy bay phản lực từ dưới đất thì quý vị bay được không? Không bay được! Vì quý vị chưa lái chạy lấy đà trên đường băng thì làm sao để máy bay cất cánh được.
Giáo pháp Tiểu thừa trong Kinh A Hàm hoặc Kinh Nikaya, hoặc trong những bộ Vi Diệu Pháp này là giúp chúng ta đắp nền tảng dưới đất. Tức là mình điều khiển máy bay chạy trên đường băng, máy bay phản lực không lên thẳng được như trực thăng đâu, nó phải chạy lấy đà, lái thế nào để nó bay được và cất cánh máy bay cực kỳ quan trọng, nếu không cất cánh làm sao bay được. Giáo pháp này giúp như vậy, đắp lại cho nền tảng. Phật giáo Trung Hoa thời nhà Đường thịnh thế, bao nhiêu người đắc quả nhờ có giáo pháp này. Hầu như các vị Tổ sư đều học qua. Sau đó giáo pháp này không có nên Thiền tông nói trên miệng ai đắc được thì đắc, không đắc được thì thôi, đó là hên xui. Căn tánh tốt thì tự nhiên người ta cũng thành tựu, đó là thiên tài đặc biệt, người ta tu nhiều đời nhiều kiếp rồi.
Sau này chúng ta học trong này không có gì là ngẫu nhiên hết. Có những hạng người đến thế gian này không thể chứng quả vì nghiệp của họ. Nghiệp của họ đến thế gian này là đời này họ không thể chứng quả được, họ không có chủng tánh đó, đời này đến chỉ trả nghiệp thôi. Có những người đến thế gian này có duyên để chứng quả, nhân họ có nhưng không có duyên gặp giáo pháp của Phật, không có duyên ai dạy cho, nên họ không đắc quả, hoặc họ học những giáo pháp không phù hợp cũng không đắc quả. Đó là nằm trong Phân Biệt Nghiệp. Mình học mấy bộ là có thể hiểu được, nắm rất rõ. Phân Biệt Nghiệp rõ lắm, nghiệp tướng rõ ràng từng chi tiết, cho nên mình học đã lắm.
Thiện Trang khoảng một năm nay đang cố gắng xây lại nền tảng, tại vì thấy hình như mình học bao nhiêu thứ trên trời rồi. Thiện Trang đã duyệt qua bao nhiêu kinh điển Đại thừa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bảo Tích, Kinh Bi Hoa v.v…, nhiều kinh lắm, đọc không biết bao nhiêu kinh rồi. Nhưng thấy sao mình đọc nhiều như vậy rồi hành chỗ nào. Tạng Duy Thức này thì Thiện Trang đã coi bao nhiêu năm rồi nhưng coi trên Duy Thức Đại thừa thôi. Sau này mình chấp nhận xuống thấp hơn nữa coi lại Tạng Duy Thức, coi lại A Hàm và coi Nikaya thì thấy những điều này mình cần bây giờ. Mình đang đi dưới đất, mình cần ở dưới đất, lái máy bay trên đường băng để cho cất cánh được đã, khi cất cánh rồi bay trên bầu trời sẽ nhanh hơn. Cho nên người biết học đừng có phân biệt Nam truyền hay Bắc truyền mà hãy học cả hai. Học [cả hai] đều có lợi ích, tại vì sao? Bởi nếu quý vị chỉ học [Tiểu thừa] mai mốt quý vị lên trên bầu trời bay cũng không được, nếu không học Đại Thừa thì bay không nhanh được. Cho nên phải học điều này và học điều kia, hai con đường này nhanh hơn rất nhiều.
Ở đây Thiện Trang xin chia sẻ một chút, theo giáo pháp của Nam truyền, hoặc giáo pháp mai mốt quý vị được học trong này, đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu bao nhiêu kiếp thành Phật? Từ khi Ngài tu hành tới bây giờ thành Phật bao nhiêu kiếp? Thiện Trang có coi trong Tích Truyện Pháp Cú, rồi một số kinh thì thấy nói đức Phật Thích Ca vào thời đức Phật Nhiên Đăng, Ngài sẵn sàng cúng dường cho đức Phật Nhiên Đăng, Ngài trải mái tóc xuống, có chỗ nói trải mình xuống nằm trên vũng sình cho đức Phật Nhiên Đăng đi qua vũng sình đó, để khỏi bị lấm chân (dơ chân), sau đó phát tâm. Lúc đó đức Phật Nhiên Đăng mới quán sát rằng vị Bồ-tát này đã tu 16 a-tăng-kỳ kiếp rồi, và bấy giờ mới thọ ký cho Ngài: từ đây đến khi ông thành Phật còn 4 a-tăng-kỳ kiếp, cộng 100 đại kiếp nữa thì ông sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, có nghĩa là 20 a-tăng-kỳ kiếp. 1 a-tăng-kỳ là bằng con số “1” đằng trước với 140 chục con số “0” đằng sau, tức là 10 mũ 140. Đức Phật Thích Ca mà còn tu cỡ đó đấy quý vị. Có nghĩa là 20 a-tăng-kỳ, tức là con số “20” đằng trước, thêm 140 chục số “0” đằng sau, hay là số “2” đằng trước cộng thêm 141 số “0” đằng sau, mới thành Phật. Đức Phật Thích Ca tu lâu như vậy đó, quý vị thấy con đường thành Phật dài xa.
Sẵn đây Thiện Trang nói học điều này có lợi ích gì, trong Tạng Vi Diệu Pháp này có nói chủng tánh nào thành Phật thời gian bao lâu. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mất 20 a-tăng-kỳ, Ngài thuộc về bậc trí huệ, cho nên tu mất 20 a-tăng-kỳ kiếp thì thành Phật. Nghe xong sợ rồi, quá lâu. Thật ra chúng ta tu lâu lắm rồi chứ không phải bây giờ. Người bình thường mà trí tuệ, tức là ham học, học giáo pháp nhiều thì mới 20 a-tăng-kỳ kiếp. Còn người tu tinh tấn nhưng mà ít học thì quý vị biết cần 80 a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật, gấp 4 lần.
Cho nên đừng nghĩ là mình tinh tấn, có nhiều người đời nay kêu tôi không học giáo pháp đâu, tôi tu tinh tấn sướng hơn, tôi tu tinh tấn sẽ mau thành hơn. Không đâu quý vị, theo giáo pháp, giáo lý A Tỳ Đàm này nói rõ, quý vị tu tinh tấn mà không chịu học các pháp, Phật pháp giáo lý A Tỳ Đàm, v.v… thì quý vị tu mất tới 80 a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật, gấp 4 lần người trí huệ. Thời gian chậm 4 lần chứ không phải nhanh 4 lần đâu, chậm hơn 4 lần có nghĩa mất thêm 60 a-tăng-kỳ kiếp nữa. Quý vị thấy thảm thương không? Vì không chịu học giáo pháp Như Lai. Bây giờ nhiều lắm, kiểu người đó đông lắm. Tu, vô niệm Phật, niệm dữ lắm, Thiền định dữ lắm, Tinh tấn, Bố thí, v.v… Trì giới dữ lắm, nhưng mà không chịu học Tạng giáo pháp giải thoát, không chịu học giáo pháp nhiều, cho nên tinh tấn nhiều mà học ít thì 80 a-tăng-kỳ kiếp.
Còn một hạng ở giữa nữa mất 40 a-tăng-kỳ kiếp cho tới khi thành Phật là hạng có đức tin. Đức tin là người dễ tin, nói sao nghe vậy, nói là tin liền, rồi cứ thế mà thực hành tu theo làm theo như vậy, cho nên người đó là 40 a-tăng-kỳ kiếp [mới thành Phật]. Hạng người đó nhiều không? Cũng rất nhiều, mấy bà hay mê tín đó quý vị, nghe niệm Phật, tu Thiền thì theo liền. Người chủng tánh đức tin họ tu 40 a-tăng-kỳ kiếp. Thiện Trang xin đúc kết lại, hạng trí tuệ, hạng đức tin và hạng tinh tấn, ba hạng đó quý vị thích hạng nào? Tất nhiên mình thích nhanh chứ ai thích chậm đâu, thích nhanh thì chúng ta đi đúng hướng Tạng Vi Diệu Pháp này là chư Phật ba đời đều thuyết hết.
Cho nên ta học Tạng này là chúng ta đi nhanh, đi tắt, nhiều người không được học đâu quý vị. Cho nên bên giáo pháp Nam truyền cũng vậy, học đến lúc nào đó, tu đến lúc nào đó, hầu như tự nhiên cũng bay vào đây. Tại vì không bay vào đây thì quý vị tu học điều gì. Quý vị muốn đoạn phiền não, mà quý vị không biết phiền não là gì. Quý vị muốn chứng Sơ quả phải đoạn phiền não nào, v.v… thế nào không biết, vậy cho nên chúng ta may mắn. Ngay cả tu niệm Phật, thời ngài Lý Bỉnh Nam Liên xã Đài Trung ví dụ một vạn người tức là 10.000 người thật sự vãng sanh có ba đến năm người. Hòa thượng nói 60 năm sau chỉ có một đến hai người, cho nên không dễ đâu. Tại vì thiếu những nền tảng này, nếu chúng ta học những nền tảng này thì dần dần quý vị hết dám khởi tâm động niệm, tự nhiên niệm Phật nhiếp tâm thôi. Tại vì mình học mình phóng khoáng quá, tại vì tâm mình dễ chạy theo cảnh, bởi vì quý vị không hiểu nguyên lý vận hành của các pháp, nếu mình hiểu được là mình tốt lắm.
Ở đây Thiện Trang xin nói Tạng này có từ đâu ra. Tạng A Tỳ Đàm quý vị coi trong Kinh A Hàm, hay Kinh Nikaya đức Phật đều nhắc hết. Quý vị có thể dở Tích Truyện Pháp Cú cũng có, đề cập tới rất nhiều. Đức Phật thuyết Tạng này năm 42 tuổi, vào ba tháng mùa hè đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết cho Mẫu hậu Ma Da Phu nhân, tức là báo đáp công ơn mẹ của Ngài – Phật Mẫu Ma Da Phu nhân. Vào năm 42 tuổi đức Phật lên cung trời Đao Lợi, có chỗ nói cung trời Đâu Suất, nhưng Thiện Trang nghĩ trời Đao Lợi thì đúng hơn, thuyết cho chư thiên tại đó, trong thời gian ba tháng liên tục không ngừng nghỉ. Ba tháng liên tục không ngừng nghỉ ở nhân gian chứ không phải ở cõi Trời.
Trời Đao Lợi một ngày ở đó bằng 100 năm ở nhân gian, cho nên ba tháng ở nhân gian là bằng ¼ năm, vậy là ¼ của 100, tức là 1/400. 1/400 của ngày ở trên cung trời Đao Lợi thôi, chẳng bao nhiêu hết. Nhưng thời gian đó thuyết liên tục không ngừng nghỉ, đổi ra số phút là tầm khoảng 3,6 phút. Quý vị đổi đi, lấy một ngày có bao nhiêu phút chia cho 400 thì ra khoảng 3,6 phút. Như vậy đức Phật lên đó thuyết khoảng 3,6 phút cho chư thiên Đao Lợi, thật ra không phải 3,6 phút đâu, thời gian dài lắm và chư thiên có thể nghe rất nhanh. Đức Phật giảng suốt như vậy. Cho nên sau khi giảng hết ba tháng, vô lượng chư thiên đắc quả. Không phải chư thiên ở mỗi Thế giới này mà Thế giới khác cũng tới nghe, đắc quả rất nhiều. Mẫu hậu Ma Da phu nhân cũng đắc quả, có chỗ nói đắc quả A-la-hán, có chỗ nói đắc quả Tu-đà-hoàn.
Vì Tạng pháp này rất vi diệu, rất hay, cho nên gọi là Vi Diệu Pháp. Chữ A Tỳ là đặc biệt, không có gì so sánh, không có gì hơn được; Đạt Ma là pháp, pháp không gì hơn được, không gì so sánh được, vậy mới gọi là A Tỳ Đạt Ma. Như vậy thuyết trên cung trời Đao Lợi, còn thuyết ở nhân gian chúng ta hưởng ké thôi, hưởng ké bằng cách nào? Trong đó nói rằng đức Phật khi giảng ở trên đó nhưng Ngài vẫn dùng thân của Ngài là thân máu thịt chúng ta. Do thân máu thịt thì đức Phật vẫn cần năng lượng, cho nên mỗi ngày sau khi thuyết pháp đức Phật vẫn phải đi “bát” (là đi khất thực). Đức Phật dùng thần thông hóa hiện ra một thân hình giống y chang như Ngài, ngồi tại đó vẫn có cử động nói năng, thuyết pháp liên tục, liên tục và Ngài ẩn đi xuống nhân gian. Chư thiên không thấy được, không biết được, cứ tưởng Ngài vẫn ngồi đó giảng nhưng [thực ra] Ngài hóa ra một thân.
Nói rõ thân đó là thân giả thôi, không phải thân thiệt, vì đức Phật không có khả năng tạo ra một chúng sanh có đầy đủ giống như một chúng sanh khác. Chỉ có thể tạo ra một hình giống như con Robot vậy, hình hài hoạt động v.v… y chang như thật nhưng đó chỉ là giả thôi, không thật được. Nếu nói đức Phật hóa ra một con người nữa thì đức Phật có quyền hóa một người là hóa vô lượng người, có đầy đủ sáu căn, sáu thức hoặc tám thức là mình sai. Đức Phật thành ra giống như bên Thiên Chúa tạo ra chúng sanh. Không phải! Đức Phật không tạo ra chúng sanh. Đức Phật chỉ tạo cho chúng sanh Vô tình thôi không tạo Hữu tình được. Hữu tình là Hóa thân, hóa tạm thôi, giống giống vậy nhưng không thật, không đầy đủ các căn, thọ nghiệp, không có kiểu đó. Quý vị nghe cho rõ chứ không nhiều người chụp đoạn hồi nãy rồi nói Thiện Trang nói sai giáo pháp của đức Phật.
Sau đó đức Phật xuống đi khất thực, đi “bát” giống như ngài Minh Tuệ bây giờ. Quý vị biết đức Phật không đi khất thực tại Nam Thiệm Bộ châu chúng ta, tức là không tại Địa cầu mà đức Phật phải đi về nơi khác, đó là nơi Bắc Cô Lô châu. Vì thực dưỡng ở đó, thức ăn ở đó tốt hơn, Ngài cần nhiều năng lượng hơn phục vụ cho việc giảng pháp và ở tại trời Đao Lợi, nên Ngài mới đi “bát” về đó. Sau khi Ngài đi “bát” khất thực xong mới trở về núi Hy Mã Lạp Sơn, tức Himalaya bây giờ. Ngài đến ao A-nậu-đạt, quý vị thấy trong kinh Phật hay nhắc đến ao này. Đức Phật ăn và xúc miệng, xỉa răng ở đó. Khi đó ngài Xá Lợi Phất quán thấy đức Phật ở đó nên ngài biết là không có ai thị giả, cho nên ngài mới dùng thần thông đến ao A-nậu-đạt trên núi Himalaya để thị giả cho đức Phật trong bữa ăn và sau bữa ăn. Sau bữa ăn đức Phật mới thuyết lại những nội dung mà Ngài thuyết tại cung trời Đao Lợi. Tức là Tạng Vi Diệu Pháp A Tỳ Đàm, thuyết lại cho ngài Xá Lợi Phất, tất nhiên thuyết lược trong 24 giờ.Ở trên kia thuyết thế nào thì thuyết lược lại cho ngài Xá Lợi Phất.Sau đó đức Phật trở lại cung trời Đao Lợi.
Ngài Xá Lợi Phất mới bắt đầu về chúng của ngài. Ngài là Đệ tử Trí tuệ bậc nhất, ngài mới thuyết lại cho 500 vị Đệ tử và chúng của ngài. 500 vị này trong Tích Truyện Pháp Cú, thật ra nhóm đó là 500 con dơi ở đời trước vào thời đức Phật Ca Diếp, do có nhân cũng nghe được tạng A Tỳ Đàm này. Nghe bằng cách nào? Ở bên hang động có hai vị Tỳ-kheo suốt ngày đọc Tạng A Tỳ Đàm này, đọc tiếng tụng A Tỳ Đàm này rất nhiều. Cho nên [500] con dơi nghe miết thì chúng thấy hay quá. 500 con dơi nghe xong vô cùng hoan hỉ, sau khi mạng chung thì chúng sanh được về cõi Trời và đến thời đức Phật Thích Ca sanh xuống nhân gian thì làm Đệ tử của đức Phật. Do có nhân duyên nên đi theo ngài Xá Lợi Phất học Tạng A Tỳ Đàm này. Từ đó có Tạng A Tỳ Đàm, Tạng A Tỳ Đàm này do là kết tập kinh điển.
Quý vị biết ngài Xá Lợi Phất nhập Niết-Bàn trước cho nên không chứng kiến, không ở lại đến lúc kết tập kinh điển. Vì vậy lần kết tập kinh điển thứ nhất tại hang Thất Diệp thì ngài Xá Lợi Phất không có nữa, ngài A Nan và những Tôn giả khác không chấp nhận cho nên không kết tập Tạng A Tỳ Đàm này. Mãi đến lần kết tập thứ ba, thứ tư thì Tạng A Tỳ Đàm mới được kết tập. Quý vị có thể tìm những bộ Đại Tỳ Bà Sa Luận, bộ đó có 200 quyển. Những bộ đó là được kết tập lại sau này. Tuy Tạng này không được kết tập lần thứ nhất nhưng vẫn là do đức Phật thuyết. Và 500 vị Tỳ-kheo quá khứ là con dơi, sau khi nghe điều đó cũng đắc được Tuệ giải thoát, chưa đắc được Lậu giải thoát, tức là trong đó chứng Tứ thiền trở lên, nghe được Tạng A Tỳ Đàm này.
Thiện Trang giới thiệu cho quý vị nghe hiểu sơ sơ về thế nào là A Tỳ Đàm, từ đâu thì chúng ta học như vậy và quý vị nên nhớ học giáo pháp này phải kiên trì, kiên nhẫn.
Ở đây Thiện Trang cung cấp công thức để chúng ta tu, về độ tuổi, thời gian học và thời gian hành. Hành tức là hành Thiền định hoặc niệm Phật. Ở đây do có thể những người tu Pháp môn khác nữa, mỗi người tu Pháp môn nào cũng được. Quý vị nếu còn trẻ mà gặp Phật pháp thì quý vị nên dành 2/3 thời gian để học và 1/3 thời gian Thiền định để niệm Phật. Những người ở tuổi trung niên thì nên chia 50:50, tức là 1/2 thời gian để mình học, và 1/2 thời gian để mình tu. Đây cũng là trong Tạng nói ra chứ không phải Thiện Trang nói.
Bữa nay Thiện Trang báo cáo tâm đắc trước để quý vị biết điều này hay ở chỗ nào và tại sao mình phải học. Còn nếu quý vị già rồi mới gặp Phật pháp và bây giờ tuổi già rồi, sức nhớ không tốt thì quý vị chỉ học khoảng 1/3 thời gian thôi, còn 2/3 quý vị lo niệm Phật, lo Thiền định đi. Khi mạng sắp hết, sắp chết ngáp ngáp rồi, bệnh quá rồi, sắp đuối biết gần ra đi rồi, còn không bao xa nữa thì đừng học nữa, lo hết thời gian Thiền định, niệm Phật đi chứ không còn thời gian nữa đâu.
Đây là công thức ở trong bộ Vi Diệu Pháp này tặng cho chúng ta. Do Thiện Trang có học cả Nam truyền lẫn Bắc truyền, học cả Tạng Nam truyền về phần này, và Thiện Trang bây giờ đi với quý vị để học kỹ hơn về Tạng này bên Bắc truyền. Bên Nam truyền thật ra rất thịnh [Tạng] này, rất nhiều người học rồi, nhưng Bắc truyền thì ít người học. Giáo pháp Bắc truyền gần đây gần như suy, suy bởi vì thiếu nền tảng này. Quý vị cứ đi ra nước ngoài hỏi mấy người phương Tây là người ta khinh thường Phật giáo ở Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản lắm. Tại vì Phật giáo nói nhiều hành ít, người chứng quả không nhiều, chứng Thiền ít. Còn họ tôn trọng Phật giáo Nam truyền như Myanmar v.v… vì các nước đó có thực hành, vì họ còn Tạng này. Hoặc là họ tôn trọng Mật tông, Mật tông vẫn học Duy Thức mà, vẫn có.
Cho nên hiện tại Phật giáo Bắc truyền suy là do thiếu nền tảng này, thiếu nền tảng này thì quý vị nói niệm Phật định, định thế nào? Quý vị ngồi chút được yên yên tưởng vô định, không phải đâu, chưa chắc đâu. Rồi quý vị tu một hồi nhiều khi vô cảnh giới nào cũng không biết luôn. Nhiều người thiền mà không học rõ, quý vị thiền lạc đường đó, không phải đơn giản đâu. Có câu chuyện, có cô đó ngồi trong Thiền đường, cô đang ngồi vô đã quá, cho nên cô kêu ở trong nóng quá, đông người quá mà hết thời gian, nên cô ra ngoài vườn ngồi chứ không ngồi trong Chánh điện nữa, ra vườn ngồi, ở Việt Nam ra đám rừng cao su ngồi. Ngồi một hồi người ta đâu biết. Tới chiều có người đi ra thấy kiến vàng bu khắp người cô, từ chân lên tới đầu, mà không biết tại sao kiến bu cắn kiểu gì mà cô ngồi im phăng phắc không biết gì hết. Quý vị biết thiền trạng thái đó tiêu rồi, có nguy cơ thế nào rồi đó. Tại vì thiền là phải tỉnh giác phải chánh niệm, thiền đến nỗi không biết như vậy là nguy cơ, thật sự là có vấn đề rồi. Lúc đó người ta hoảng sợ không biết làm sao. Vì thứ nhất là sợ kiến cắn ăn thịt cô, thứ hai là không biết cô bị sao rồi. Cho nên [họ] rất lo sợ, vô kêu, cũng may Thiền đường đó cũng có người tốt, người giỏi. Vị thầy đó biết, ra thì không có bảo gỡ gì hết. Vị thầy mới đầu dùng nhập Từ bi quán gọi là dùng lòng từ bi để nói khai thị cho cô từ từ, nói bây giờ phải thế này thế kia nói bằng những lời nhẹ nhàng. Ngài biết bất cứ một chấn động nào mạnh là tẩu hỏa nhập ma liền.
Quý vị thấy nhiều người tu thiền bị tẩu hỏa nhập ma. Tu thiền một hồi đang ngồi vô gì đó không biết, có người đánh chuông boong, rồi đùng. Ở trong thiền, lúc đó một âm thanh “đùng” nghe to như trái bom nổ. Ở ngoài người ta đánh chuông nhỏ nghe cũng không đến nỗi nào, nhưng ở trong thiền do không hiểu bên giới nên nghe tiếng “đùng” một phát hoảng hồn, hồn bay phách lạc nói ngôn ngữ đời thường. Rớt vào kiểu gì đó là điên luôn, điên từ đó đến cuối đời luôn. Có đó, rất nhiều người thiền bị điên.
Niệm Phật cũng vậy, niệm mà quý vị không hiểu cảnh giới, niệm dở dở làm sao đó, niệm mà vô cảnh giới cũng có nhiều người có vấn đề chút nhưng xác xuất thấp hơn. Vì dù sao cũng có chỗ dựa, quý vị có gì cứ ôm chân Phật. Còn ngồi thiền người ta không ôm được ở đâu hết. Cho nên phải hiểu được, quý vị mai mốt học Phẩm Định mới hiểu được định thế nào, định tới đâu, học thì quý vị mới [biết] được. Còn không học mình không biết đâu. Ở đây Thiện Trang xin báo cáo những tâm đắc trước, tại vì đợi quý vị học hết bộ này lâu lắm. Báo cáo vài điểm để quý vị biết điều hay.
Như vậy vừa rồi Thiện Trang nói có ba chủng tánh người. Chủng tánh đức tin thì 40 a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật. Nếu mình không có nhân duyên vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, vãng sanh về cõi Tịnh Độ là tu cần 40 a-tăng-kỳ kiếp. Nếu [hạng] tinh tấn là 80 a-tăng-kỳ kiếp, dài hơn gấp đôi. Còn người nhanh học về trí huệ nắm rõ Tạng pháp thì người ta chỉ mất 20 a-tăng-kỳ kiếp như đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Quý vị thấy 20 a-tăng-kỳ kiếp rút ngắn được 1/4 so với người kia. Cho nên không học thì không biết. Thiện Trang giảng Tạng này là giảng theo Bắc truyền vì có hai lý do. Thứ nhất là Thiện Trang rành chữ Hán nên giảng theo Tạng này của Bắc truyền, nhưng Thiện Trang cũng có tham khảo tạng của Nam truyền. Thứ hai Tạng giảng Nam truyền có nhiều người giảng rồi, người ta giảng chắc chắn hay hơn mình. Bởi vì Thiện Trang không biết tiếng Pali, ngôn ngữ Pali bây giờ không có thời gian để học. Sau này có duyên có thể học, bây giờ không biết tiếng Pali mà giảng từ bản dịch của người ta là mình không làm chủ được ngôn ngữ. Không làm chủ được ngôn ngữ là khả năng theo ngôn ngữ ngoài đời gọi là “toang”. Toang là giảng không chính xác, có những chỗ mình sẽ bị kẹt không giảng được. Cho dù đắc Thánh quả Tam quả A-na-hàm giảng cũng không được. Bởi vì trong Thánh quả Tam quả hay Tứ quả cũng chỉ được một phần nào đó thôi không thể hết được.
Trong Kinh A Hàm, đức Phật có đưa ra những câu hỏi mà bậc chưa chứng quả có thể trả lời được. Rồi Ngài đưa ra câu hỏi bậc chưa chứng quả không thể trả lời được, nhưng bậc Sơ quả trả lời được. Rồi Ngài đưa ra câu hỏi bậc Sơ quả không trả lời được, nhưng bậc Nhị quả trả lời được, cho đến bậc Tứ quả trả lời được. Tức là những bậc trước không trả lời được, rồi bậc Tứ quả không trả lời được, nhưng ngài Xá Lợi Phất trả lời được. Từng cấp như vậy, Phật có trí huệ đặc biệt, Ngài đưa ra những câu hỏi từng cấp, từng cấp một. Cho nên mình chưa thành Phật, mình giảng không có chính xác hoàn toàn đâu, chỉ tương đối thôi. Tức là mình chỉ hy vọng giảng đúng lời Kinh lời của Phật, chứ còn để giảng thông suốt thì có nhiều điều không biết.
Thiện Trang nói như Kinh A Hàm, Kinh Nikaya, bây giờ quý vị coi có nhiều chỗ cũng không hiểu. Thiện Trang thì may mắn coi được cả hai, có chỗ bên Kinh Nikaya coi không hiểu thì Thiện Trang đối chiếu qua A Hàm. Bởi vì A Hàm với Nikaya tương ưng, hầu như khớp nhau, chỉ có vài điểm không khớp. Mình thấy chỗ đó coi không hiểu, bản dịch của Hòa thượng Minh Châu, thấy sao kỳ kỳ thì mình coi qua bản của bên A Hàm là ok. Chỗ này là bên A Hàm nói rõ, ngôn ngữ này được này. Hoặc Thiện Trang coi bên chữ Hán tạng là được. Lật ngược lại có những điều coi Hán tạng chịu thua, không biết nghĩa này nghĩa gì hết, không hiểu danh từ thuật ngữ này, coi những bản dịch nào cũng chịu thua. Nhưng coi qua bên Nikaya chỗ này dịch thông suốt được. Có chỗ coi cả hai bên cũng chịu thua luôn không biết đường nào, thật sự là vậy. Đấy là không thể nào hiểu hết được, giáo pháp của Phật rộng lắm.
Cho nên Thiện Trang hy vọng sau này có thể hiểu được một chút nếu có thời gian để học. Ví dụ mình học môn này mình sẽ phân biệt được rất nhiều điều. Ví dụ như ở đời người ta nói vị này thông minh lắm nhưng thực tế trong A Tỳ Đàm, trong Vi Diệu Pháp mà mai mốt chúng ta học không phải thông minh như vậy mà chia ra nhiều tầng bậc. Người học bài nhớ nhanh, nhớ rất giỏi, mình nói người đó thông minh, không hẳn như vậy đâu quý vị. Trong này chia ra rõ người đó họ có trong Ngũ căn: Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ thì đề mục Niệm họ tu tốt cho nên họ nhớ tốt, chứ chưa hẳn họ thông minh. Còn người khả năng làm việc nhanh, giải toán vèo vèo xong, làm việc gì nhanh xoẹt xoẹt, mình nói người đó thông minh. Không phải! Trong này chia rất rõ đó, không phải thông minh mà người có định tốt, họ tu Chỉ tốt. Tức là người đó ngồi thiền niệm Phật hay thiền định được, định tâm họ được, họ có định tốt cho nên giải toán nhanh làm việc nhanh.
Quý vị chưa tu, quý vị tu một thời gian thấy làm việc nhanh hơn là do quý vị có định tốt. Còn nhớ tốt là niệm, nên có nhiều người họ nói quá trời quá đất nói đông tây nam bắc điều gì cũng tốt v.v… điều gì cũng biết. Đó là học giả, nhờ niệm tốt chứ đâu phải huệ. Huệ là khác, trong này định nghĩa huệ không phải như vậy. Trong này Tín là niềm tin, Tấn là tinh tấn, Niệm là khả năng ghi nhớ, Định là khả năng tập trung rất nhanh khiến làm việc nhanh, giải quyết việc gì cũng nhanh. Còn Huệ là khả năng lý giải tốt, nắm bắt tốt, hiểu tốt, đó mới là huệ. Ví dụ bây giờ học quý vị nghe hiểu liền, người hiểu mau đó là người có huệ. Đó mới là huệ của Phật giáo. Mai mốt mình học vô mới biết được Phân biệt trí. Bây giờ dễ, ai cũng nói thông minh, người ta học nhớ như con vẹt, nói đã đời nhưng vào lý luận không được. Tức là vào phần giải không được, còn phần lý luận còn một phần khác nữa. Sau này mình học vào Tạng này mình thấy rất rõ, khi đó quý vị nắm được các pháp thế gian lẫn xuất thế gian rồi quý vị tu mới được.
Còn bây giờ mình tu liều mạng thôi, thì liều mạng cũng được, già già rồi thì thôi niệm Phật đi. Ai tin Bắc truyền thì niệm Phật, còn ai tin Nam truyền già quá rồi thiền được thì được, không đắc được thì thôi, không đắc được gieo duyên tu tiếp. Nhưng để đời sau được gặp Phật pháp, nếu quý vị không học môn này thì nhiều khi không biết. Quý vị phải gieo nhân nào, tâm quý vị hướng như thế nào thì đời sau khả năng nghiệp đó mới khơi những chủng tử nghiệp, nói theo Phật pháp Đại thừa theo Duy Thức học là khơi những chủng tử tốt về Phật pháp kéo quý vị đi về xứ đó, nơi đó, nơi mà gặp được giáo pháp, còn không quý vị rớt vào biên địa, quý vị rớt vào nơi khác. Quý vị có thể có một đời phước báu, quý vị có thứ này thứ kia nhưng quý vị không tu học được bởi vì không gặp Phật pháp.
Cho nên khi mình nắm được Tạng A Tỳ Đàm này thông thạo rồi thì quý vị tu dễ lắm. Quý vị sẽ biết từng cử chỉ, từng ý niệm trong tâm mình nguy hiểm như thế nào. Một niệm sân lên là kết một chủng tử nghiệp đi vào Địa ngục rồi. Một niệm sân là kết đi vào các đường dữ như loài beo, sói, những loài hung dữ. Niệm si mê ngủ nhiều đó đi về cảnh giới heo rồi. Có kết nghiệp đó, tất nhiên chưa hẳn là quyết định nhưng mà cứ từ từ như vậy, đi một hồi [là] tiêu, cho nên đây Thiện Trang giảng [bộ này].
Hiện tại có người hỏi: Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú có file sách chưa? Thiện Trang phải rà soát lại, hiện tại mới in Phẩm Sáu thôi. Nếu in ra bây giờ thì nhiều lắm, nhưng không có thời gian để rà ra sách. Quý vị muốn [có] thì tự in lấy, mà tự in chưa chắc đã đúng. Quý vị lên trang dieuphap.net tải về, có file word ở trên đó hết rồi. Quý vị cứ lên trên đó vào Khoa Chú 2014 tải về. Quý vị có thể tự in, tự làm được. Nhưng Thiện Trang nói phần dịch đó cũng có những sai sót nhất định chưa điều chỉnh. Vì đưa lên rồi, điều chỉnh chưa hoàn toàn.
Bây giờ mình hiểu chưa? Quý vị nhớ Tín Tấn Niệm Định Huệ. Cho nên người tu thế nào và người có khả năng nào. Quý vị thấy trong nhà Phật đề xướng rất quan trọng ở chữ Huệ, ‘nhân Giới sanh Định nhân định khai Huệ’, có nhiều là người học giả thôi. Thiện Trang thấy có người giỏi lắm biết tới mấy thứ tiếng, có bao nhiêu bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ đầy luôn. Thứ gì trên đời cũng biết, thế gian chuyện này cũng biết, chuyện kia cũng biết, chuyện trời đất gì cũng biết, nhưng mà họ tu có được không? Thông thường không được. Vì muốn tu được quý vị phải là người biết ít về thế gian. Quý vị coi năm Triền cái, quý vị muốn nhập Sơ thiền gọi là Công phu Thành phiến bên Niệm Phật, còn bên Thiền gọi là Sơ thiền thì ly các ác pháp bất thiện, ly tham dục. Một trạng thái định do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Nhưng mà có năm yếu tố hỗ trợ nữa, gọi là phải lìa được năm Triền cái.
Năm Triền cái là gì? Là quý vị có tham, tham thì dễ rồi, bỏ hết tham, học hoài đến lúc nào đó sẽ không tham. Rồi sân, không được sân, phải không sân, sân nhiều quá đâu có đắc được. Rồi hôn trầm là buồn ngủ hoặc lơ lơ đơ đơ, cho nên mệt mỏi quá không không đắc Sơ thiền được đâu. Sau hôn trầm là trạo hối, hôn trầm gọi là thụy miên; Trạo hối là tâm của mình cứ nhiều thứ trỗi lên. Những người học ở ngoài đời nhiều quá. Bây giờ mấy người đi xuất gia lo học lấy bằng này bằng kia, học cho lắm vô là tu Thiền không đắc, khó đắc lắm. Tại vì quý vị biết quá nhiều thế gian, quý vị học quá nhiều thứ khiến cho tâm mình trạo hối, trạo cử và cuối cùng là nghi. Nên hãy làm một người vừa phải thôi, học giáo của Phật thôi thì đỡ, giáo pháp của Phật vốn thanh tịnh nên càng học càng an lạc, càng học càng vô.
Quý vị coi một người giảng tại sao người ta giảng có định, có sự nhiếp phục, bởi vì người đó không biết quá nhiều thứ bên ngoài. Còn người biết quá nhiều thứ bên ngoài dẫn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nhưng thực tế họ không có định và yếu tố nữa là giữ Giới nên quý vị không có những điều đó thì không được. Hồi xưa Thiện Trang biết nhiều thứ ngoài đời lắm, sau này khi học Phật pháp Thiện Trang chấp nhận làm người dốt. Bây giờ có nhiều thứ thua xa các bạn, không biết sự việc này sự việc kia v.v… không biết chuyện này chuyện kia, bởi bỏ! Phải làm [người] dở dở, mình chỉ ôm giáo pháp Như Lai là chính, quý vị tu quý vị học. Bây giờ còn trẻ thì cứ 50/50 hoặc là học ⅔ đi, mình học và mình tu sẽ vào, còn nếu như mình không biết, không có công thức. Nhiều người quý vị coi nói giáo pháp thì được nhưng vẫn sân, sân nhiều, sân dữ luôn, rồi tu không thiền không đắc do thiếu nền tảng đó. Nhờ giữ Giới cũng định, cứ học trên hình tướng đi quý vị.
Thiện Trang thấy đơn giản như từ khi có ngài Minh Tuệ, Thiện Trang học cách ngồi, cố gắng ngồi xếp bằng, hoặc kiết già hoặc bán già, lúc nào cũng ráng ngồi, trừ khi quá mỏi không chịu nổi nữa mới duỗi chân ra, ngồi như vậy một thời gian thấy tâm định tĩnh lại hẳn, quý vị tu dễ hơn nhiều. Hồi xưa ngồi khó chứ bây giờ ngồi thoải mái, ngồi hoài rồi dần dần ngồi được mấy tiếng đồng hồ, dần dần ngồi được cả ngày, không có vấn đề, tức là mình luyện. Thứ hai là mình giữ những Giới quan trọng, mình phải ráng giữ, Giới nhỏ cũng giữ. Thiện Trang chắc lâu rồi cũng không bứt lá cây v.v… thế này thế kia là không bao giờ làm.
Cho nên hiện tại quý vị gặp những quý thầy mà trong đoàn đi chung với ngài Minh Tuệ, bây giờ rã ra đi khắp nơi. Quý vi có duyên gặp thì nên tặng máy nghe pháp, tải sẵn những bộ kinh như Kinh A Hàm, Kinh Nikaya, Kinh Đại thừa v.v… rồi tải phần Giới luật. Nên tải hai thẻ đó ra để quý thầy nghe, chứ không quý thầy không giữ được 250 giới của Tỳ-kheo bên Bắc truyền, hoặc 227 giới của Nam truyền. Giới của Tỳ-kheo thì nhiều bộ lắm, quý vị tải như Luật Tứ Phần hoặc Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da, trong đó mới giữ giới được, chứ không quý thầy không biết, quý thầy bứt lá cây, bẻ cành cây v.v… là phạm Giới rồi. Mình giữ từ những Giới nhỏ.
Như Thiện Trang giữ khá lâu rồi, bây giờ ai trồng rau mình thấy rau cũng không dám hái, có sẵn thì ăn, không có thì thôi. Người ta làm sẵn rồi hoặc người ta bán thì mình còn mua được. Cứ giữ như vậy, giữ cho nghiêm. Thiện Trang thấy giữ Giới càng nghiêm bao nhiêu Định thì càng sanh bấy nhiêu, tự nhiên tâm mình thánh thoát, tu dễ dàng.
Bây giờ quý vị thấy Thiện Trang ốm, tại vì Thiện Trang giữ gần như chiều tối là không uống bất cứ loại nước nào khác ngoài uống nước trắng. Tức là uống nước khoáng giống như ngài Minh Tuệ, giữ như vậy, chỉ có ăn vào buổi sáng thôi, giữ chặt, thấy người ốm và tự nhiên gần đây tu nhiều hơn cho nên ít ngủ hơn. Ốm hơn là điều đương nhiên, ăn ít ngủ ít thì người ốm, tại vì mình chưa có công phu sâu. Bao giờ công phu sâu thì mới vượt lên được. Quý vị để ý như vậy, nên cố gắng hành trì, mình cứ giữ đi, bí quyết ngài Minh Tuệ nói đó.
Quý vị nghe cho rõ, ngài nói giống như ngài có thần thông, ngài biết trước. Ngài nói vị thầy đó ráng hãy đi vào trong đoàn đi, nếu không sau này thất lạc, bởi sự cố không gặp lại nữa. Thiện Trang để ý thấy trước đó vào Huế, thời gian đó thấy tự nhiên sắc mặt ngài đổi, Thiện Trang thấy sắp có chuyện xảy ra. Thực ra Thiện Trang cũng dự đoán được rồi, kiểu này là sắp có chuyện rồi, chắc chắn sẽ dẹp thôi, không chạy đi đâu hết, chỉ có ngày nào đó thôi, cho nên Thiện Trang đoán thế nào cũng có ngày đó. Tới ngày hôm đó sáng ra không thấy livestream gì hết v.v… là mình biết rồi. Tại vì hôm trước người ta chắn đường, rào từng bậc, từng bậc cho quen đó quý vị, Thiện Trang quá quen với chuyện đó nên biết ngay. Bữa đó tối đuổi hộ pháp đi về, Thiện Trang kêu: Có thể một ngày hoặc một ngày hôm sau nữa là xong, có khả năng là ngày hôm đó. Y chang luôn, sáng hôm sau, nghe thấy thông tin như vậy thì chẳng có gì bất ngờ, mọi người thì lo cho thầy Minh Tuệ còn Thiện Trang kêu: Không sao hết, bởi vì nếu ngài là bậc Thánh nhân đắc Thánh quả chắc chắn không sao, đắc Thánh quả cao rồi không sao, ngài dặn: Có chuyện gì xảy ra cứ giữ Giới là được, Giới sẽ bảo vệ mình, ngài nói như vậy chẳng lẽ ngài có vấn đề gì, nên vẫn thoải mái, Thiện Trang kêu: Thế nào rồi từ từ người ta cũng đưa ra thôi, áp lực từ dư luận, từ thế giới tới rồi người ta cũng sẽ cho ngài xuất hiện thôi. Thiện Trang nghĩ có lẽ do những trận sấm sét lớn v.v… thế này thế kia cho nên người ta thay đổi, người ta phải cho ra sớm, nói chung là nhiều áp lực, nói theo ngôn ngữ nói chung “duyên”, mà cũng tốt, sau đó mọi thứ trở lại bình thường thôi.
Bây giờ Thiện Trang mong muốn ai có điều kiện hãy giúp cho ngài Minh Tuệ và đoàn đi qua Ấn Độ, đi qua nước ngoài. Đi như vậy chắc một, hai năm mới về, trong thời gian lâu như vậy đất nước người ta cũng đỡ lo sợ, đỡ vất vả. Bây giờ thấy các chú công an lo lắng nhiều thứ quá cũng tội. Mà người dân Việt Nam mình thì tò mò dữ quá, việc gì cũng vậy. Hồi xưa Thiện Trang nhớ ở chỗ Bảo Lộc có mỗi chỗ “Cổng Trời” thôi, mà người ta đi rạp đường cái, chen chúc người suốt, từ đâu đổ xô đi cả năm trời mới tan, tức là một năm trời mới hết, mới bớt, còn không đông ơi là đông, đông như kiến, sáng sớm săn mây săn bình mình gì đó đông lắm.
Cho nên cách của người Việt Nam mình vậy, Thiện Trang nghĩ ở nước ngoài không đến nỗi như vậy, nhưng người trong nước như vậy, chúng sanh vậy. Dù sao cũng tốt rồi, sau sự kiện đó Thiện Trang thấy cũng không sao hết. Thiện Trang nói bao nhiêu nạn ngài Minh Tuệ gánh hết cho mình rồi, gánh cho chúng sanh rồi, đoàn ngài cũng gánh. Bây giờ dễ gì được ở thất một cách an toàn, quý thầy, quý cô nào ra ở thất thì biết, đâu có dễ, mà ngài thị hiện ở thất một cách tuyệt vời. Chưa bao giờ thấy thất nào như thất đó, về cơ sở vật chất là quá tệ, ở cái cốc nhỏ ơi là nhỏ vậy mà lại được bảo vệ, được quan tâm đủ mọi thứ. Đấy là ngài gánh cho bao nhiêu nơi, thầy cô khác ở thất gặp khó khăn, thất ngài Minh Tuệ ở được mình ở được, đó là gánh nạn cho chúng sanh, thay chúng sanh chịu khổ, gánh hết rồi. Bao nhiêu người ngày xưa đi khất thực khó, bây giờ đi khất thực dễ rồi. Những vấn đề này kia ngài gánh hết rồi. Rồi bao nhiêu chúng sanh khó khăn ngài cũng gánh nạn cho, bây giờ Phật giáo thoáng lên, rất rõ ràng được như vậy.
Còn quý vị thấy như ngài Sư Minh Đạo giống như gánh nạn cho mấy đứa nhỏ ở Tu viện Minh Đạo, nhờ có ngài chịu nạn cho nên bây giờ mấy đứa nhỏ được chăm sóc đầy đủ, lương thực đầy đủ. Cho nên hạnh Phật Bồ-tát là “Đại chúng sanh khổ” là “chịu khổ thay cho chúng sanh”. Quý vị thấy hay không, có những người làm ra như vậy thì mình cố gắng học và quý vị cố gắng tặng cho các quý Thầy đó cục pin sạc dự phòng có tấm năng lượng mặt trời nhỏ nhỏ để quý thầy đi đường có thể sạc. Quý vị nên tặng như vậy, chứ không nhiều khi quý thầy phát tâm ban đầu là tốt, nhưng không có duyên gặp thầy Minh Tuệ thì nhiều khi Giới luật quý thầy nhiều điều cũng không biết hết được, tại vì không có thời gian, 250 giới của Tỳ-kheo Bắc truyền hay là 227 giới của Nam truyền thì không dễ dàng học trong thời gian thoáng chốc được, phải có thời gian mới học hết được.
Trước khi vào bộ này Thiện Trang xin chia sẻ thêm một chút nữa những tâm đắc để quý vị hiểu chúng ta đang học điều gì. Vừa rồi Thiện Trang có nói tới Tín Tấn Niệm Định Huệ thì nói ở đây quý vị muốn tu, nếu quý vị chỉ có tinh tấn mà không có mấy phần trí huệ thì khả năng lạc đường rất cao, tại vì tu mà không biết giáo pháp thì không được, tu lạc đường. Đức tin thì hên xui, có người niềm tin với thứ gì cũng tin hết, đi đâu người ta nói thứ gì cũng tin hết. Nếu nói pháp đúng mà mình tin mình tu theo thì thành công, nhưng nói pháp không đúng mình tu rớt vào đường tà. Hoặc khi mình tin thứ này dễ quá thì thứ khác nói mình cũng dễ tin, mình cũng chạy theo luôn. Cho nên cần có điều kiện nữa là phải quân bình được mấy điều đó, tức là phải có trí huệ. Mà trí huệ là phải học giáo pháp. Có người lý giải tốt gọi là huệ thế gian lý giải tốt, nhưng mà thiếu đức tin và thiếu tinh tấn thì người đó cũng chẳng tu được, vì nói lý thuyết không. Bát-nhã Ba-la-mật, rồi nói Không Không, nói cái này cái kia cũng được, nói trời nói đất cũng đã lắm, nhưng người đó tu không được, cho nên quý vị lấy Ngũ căn Ngũ lực trong 37 Phẩm trợ đạo quan trọng Tín Tấn Niệm Định Huệ, quý vị phải hiểu được, cần nắm như vậy.
Và một phần nữa Thiện Trang cũng chia sẻ luôn cho quý vị về đắc quả. Theo trong A Tỳ Đàm, nếu học đến phần đó thì học chi tiết, giờ nói thế này: người có những khả năng nào đắc đạo, đắc Sơ quả đến Tứ quả A-la-hán? Thứ nhất là nếu người thiện căn sâu dày, tức là họ có nhiều đời nhiều kiếp tu dữ lắm, trước khi đắc đạo họ sẽ đạt các tầng Thiền định, tức là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, họ đạt các tầng Thiền định đó rồi họ mới đắc, tùy quả vị chứng. Bây giờ chúng ta không phân tích kỹ ra được vì dài lắm, nhưng mà trước khi đắc quả chắc chắn họ phải có Thiền định, đạt được định, định ở đây phải nói là định từ Sơ thiền trở lên.
Thứ hai, người có thiện căn kém hơn một chút thì lúc đắc quả lúc đó họ không cần định tức là bình thường họ không cần định, thường thường giống như mình tu do không đạt được Sơ thiền gì hết, không được Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền gì hết, nhưng được Vị đáo định, tức là mình chỉ cần Vị đáo định, bình thường mình tu đến Vị đáo định thôi, gọi là Cận định. Bên Nam truyền gọi là Cận định, mình có học [trong bộ khác] gọi là Vị đáo định, thì định đó cũng sẽ đủ cho họ đắc quả, tức là không cần tới định kia.
Còn có người thiện căn kém dở hơn, nhiều đời họ tu mà tu kém hơn, hoặc tu không đủ thì định của họ không đạt được Vị đáo định, ngồi không vô được Vị đáo định luôn, nhưng họ có một định gọi là Sát-na định tức là trong thoáng chốc đạt định thôi.
Định thì chia ra ba định, thực ra sau này học nhiều định lắm nhưng mình nói ba định. Một là có mấy định Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền v.v… còn chưa đạt tới [các bậc kể trên] thì gọi là Vị đáo định hay là Cận định, bên bộ giảng Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập Thiện Trang có chia sẻ rồi. Thứ ba là Sát-na định là đôi khi quý vị ngồi cả buổi không vô chút nào, nhưng tích tắc tự nhiên vô một trạng thái an lạc vô cùng, xong rồi một chút là hết gọi là Sát-na định. Như vậy vẫn đắc quả được chứ không phải không. Học giáo pháp này mình mới hiểu được, mình mới có cơ hội đắc quả, chứ không phải suốt ngày ngồi thiền, nhập định rồi mới đắc quả. Đó là cao, đúng rồi, tốt! Nhưng quý vị lưu ý, tuy nói như vậy nhưng mà khi đắc quả thì đều có định như nhau, có nghĩa là lúc đó phải có định, chứ không phải nói tôi không có định thì tôi không đắc quả được. Nhưng vấn đề là quý vị [đạt] định nào? Có nghĩa là quý vị chỉ cần một sát-na định thôi quý vị cũng đắc quả, hoặc là quý vị được Vị đáo định, có Vị đáo định quý vị sẽ đưa vào đắc quả và định đó tự nhiên được kéo lên, giống như vô định Sơ thiền thì mới đắc quả được tức là lúc đó có định. Nhưng sau khi đắc quả xong thì trở lại như cũ. Người mà thường thiền định đạt Sơ thiền trở lên thì họ vẫn tiếp tục Sơ thiền trở lên thôi, còn người Vị đáo định, ăn rồi chỉ Vị đáo định thôi thì họ cũng Vị đáo định thôi. Tại vì hết đắc quả, hết thời gian đó rồi, qua rồi, thì họ vẫn còn quả vị nhưng [định] chỉ tới đó thôi.
Còn người gọi là được Sát-na định, tức là nhập không được định của Vị đáo định luôn, thì họ cuối cùng trở lại người bình thường, giống như không có định gì hết. Cho nên Sơ quả đắc đạo rồi v.v… thậm chí Nhị quả cũng vậy. Đây là Thiện Trang nói tóm lược để quý vị thấy là đắc quả không khó, chứ không phải như mình tưởng tượng khó quá đi, cao vời vợi tuốt trên đâu. Không phải! Đắc quả vị Thánh không khó. Tại mình không học, tại mình không hiểu, tại mình không hành, tại mình không tin. Niềm tin cũng là một yếu tố quan trọng. Tại sao không tin? Vì mình không hiểu nên không tin, mình cứ kêu quả vị này khó quá cho nên mình không tu được vì rớt vào nghi rồi.
Để đắc Sơ quả gồm ba điều kiện, là phá được ba Kiết sử, gọi là ngũ Hạ phần Kiết sử thì phá ba điều là Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Quý vị còn nghi, quý vị nghĩ tôi không đắc quả. Nghi có ba điều nghi (có hai điều nghi hoặc nói rộng ra là ba điều nghi). Nghi thứ nhất là mình nghi về Tam Bảo: Phật Pháp Tăng. Mình không tin giáo pháp, không tin Phật, không tin Tăng. Nghi thứ hai là nghi đối với giáo pháp, đường lối tu tập của mình, mình cứ nghi tu môn này làm sao đắc quả được, tu thế này v.v… sai rồi. Nghi thứ ba là nghi về kiến giải. Kiến giải là những hiểu của mình, mình vẫn không tin, tức là mình học tới đó rồi mình kêu điều này không biết đúng hay không, không biết ông thầy dạy sai hay không. Cứ nghi vậy là mệt lắm, nghi vậy không đắc quả. Hình như ông thầy mình dạy bậy rồi, quý vị nghĩ [vậy], hoặc quý vị không biết tôi nghĩ như vậy có đúng không. Tôi nghi, không biết chắc, tôi nghi vậy, nghi nhiều. Nghi về kiến giải cũng chướng ngại cho nên ba điều kiện nghi đó phải bỏ ra. Có nghĩa là mình phải học như vậy, mình hiểu rồi tự nhiên mình xóa được các nghi ngờ, rồi xóa được Giới cấm thủ, đoạn được trừ được Thân kiến.
Thân kiến là thân Ngũ uẩn này, Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Phải hiểu Sắc là thân thể này, vật chất. Thọ Tưởng Hành Thức là gì? Thiện Trang đã giảng ở những bài khác rồi, bây giờ chỉ nói lược lại như thế. Quý vị phải hiểu được, sau này mình học vào mình sẽ hiểu được. Tất nhiên phần này Thiện Trang sẽ nói lại tại vì phần quan trọng sẽ nói lại nhiều lần. Quý vị hiểu được rồi, quý vị tu tự nhiên dễ dàng thôi. Từ đó trở đi, sau này đắc quả. Rồi có nhiều người học giáo pháp không hiểu. Ví dụ như nghĩ đắc quả Sơ quả phải có Thần thông ghê gớm lắm, thật ra nói quý vị nếu theo giáo lý này Thiện Trang coi kinh v.v… đắc quả hầu như không có Thần thông. Có người có Thần thông, có người không có Thần thông, giống như người thường vậy. Không có Thần thông cho nên mình cũng thấy người ta như bình thường, không có khác gì hết.
Sơ quả Tu-đà-hoàn chưa là gì cả. Thần thông có nhiều yếu tố. Người không đắc quả đôi khi có Thần thông. Làm sao có Thần thông quý vị biết không? Người nào có Thần thông là do người đó đắc Thiền định, quý vị đắc Sơ thiền trở lên. Tức là đắc Sơ thiền trở lên thì sẽ có Thần thông. Còn ngoài ma thông ra, ma nhập có thông thì không nói. Ở đây mình nói, thường người đắc Sơ thiền [trở lên] sẽ có Thần thông. Nhưng mà đắc thế nào, người ta mà đắc luôn thì có Thần thông, nhưng chưa hẳn, có khi không có. Điều này có nhiều yếu tố lắm, mai mốt chúng ta học về Phẩm Hiền Thánh hoặc học về Phẩm Trí thì chúng ta mới thấy rõ. Thậm chí học bộ này phải đối chiếu bộ khác nữa, coi qua coi lại. Thiện Trang thì cũng cố gắng tham khảo bên Nam truyền nữa để nhập vô, mình học được cả hai bên thì có lợi hơn. Còn mấy người phân biệt chấp trước, họ học một bên, thì họ không có lợi bằng mình.
Chúng ta có sự cung kính đối với pháp mình học thì mình sẽ được lợi ích rất nhiều. Còn nhiều người phân biệt quá, họ cứ kêu tôi học Nam truyền nên thôi tôi không học Bắc truyền. Bắc truyền, Nam truyền gì đâu! Thiện Trang nói quý vị sau bao nhiêu năm học, tu 15 năm nay, Thiện Trang phát hiện ra rằng Nam truyền, Bắc truyền không khác gì nhau bao nhiêu, nội dung giống nhau đa số, chỉ có vài điểm khác biệt. Nếu như ai là người biết học cả hai bên thì người đó được lợi ích rất lớn. Còn nếu người phân biệt chấp trước, gọi là có phân biệt chỉ có bên tôi đúng bên kia sai thì người đó bỏ đi rất nhiều gia tài của Như Lai. Thiện Trang nói như vậy để ai có duyên học, đừng nghĩ là mình không học. Thiện Trang tuy là đắp y bên Bắc truyền đây, nhưng Thiện Trang nói bên Bắc truyền thật sự cũng có nhiều vấn đề lắm chứ không phải là đúng hoàn toàn đâu. Bên Bắc truyền, không phải giáo pháp sai mà người sai, phải nói vậy. Bên Nam truyền cũng tất nhiên cũng có vấn đề, bên nào cũng vậy, bên nào cũng có cái hay, bên nào cũng có cái dở.
Ví dụ như Thiện Trang dẫn điểm bên Bắc truyền, mình không dám nói Nam truyền, mình nói bên mình thôi. Bên Bắc truyền có một cái hay là dạy cho người ta có niềm tin vào đạo, rất tốt. Nhưng ngoài ra cũng có một số cái tôn thờ hơi quá lố. Thiện Trang tại vì có dịch kinh tạng nhiều, coi nhiều kinh lắm rồi, nên Thiện Trang phát hiện ra có một số vấn đề là có một số người được tôn xưng lên quá cao. Thực tế họ không có phải là Phật Bồ-tát tái lai thế này thế kia v.v… nhưng mà đời sau tôn lên là Phật này Phật kia cho nên mình tin 100% vào đó. Người đời sau tin, nhưng thực tế không phải. Tại vì sau khi nghiên cứu, mình học mình coi vào những tác phẩm v.v… của người đó để lại, mình thấy có vấn đề, không tương ưng với kinh điển giáo lý A Tỳ Đàm, giáo lý của Phật thì mình biết. Trong đó có những điểm rất quan trọng nên Thiện Trang biết người đó không phải là bậc Thánh nhân. Tại vì Thánh nhân thì nói sao sai được, chỉ có một kiểu thôi, mà kiểu đó trật đi là có vấn đề. Cho nên đấy là điểm cũng phải cần xem lại.
Thiện Trang không nói để quý vị nghi, nhưng mà Thiện Trang nói quý vị đó là một điểm hay bị. Nên mình phải lấy “y pháp bất y nhân”, phải lấy pháp làm chính, người không phải là chính. Phải lấy kinh tạng [làm chính], kinh gồm có Kinh Đại thừa, Kinh Tiểu thừa. Kinh nào cũng học, học hết đi, học đến lúc nào đó thông được, hoặc là luận v.v… mình phải coi chứ không phải mình nghe theo, rồi cuối cùng chỗ đó người ta sai thì mình cũng sai theo luôn là không được. Những chỗ sai đó, những mấu chốt quan trọng đó thì mình tu hành không thành tựu lớn được, thành tựu nhỏ thôi v.v…. Đấy là những điểm mà thật ra mình là người đời sau mình cũng không dám nói. Nhưng sau khi Thiện Trang học kinh, dịch kinh v.v… rồi vào kinh tạng nhiều, Thiện Trang phát hiện thật ra cũng có nhiều chỗ có vấn đề. Không phải Tông này Tông kia, vị đó được tôn thế này thế kia nhưng mà không phải như vậy. Có những điểm không chính xác so với giáo pháp của Phật, chứng tỏ là người ta vẫn chưa phải là bậc Minh tâm Kiến tánh, Kiến tánh Thành Phật. Nếu Minh tâm Kiến tánh, Kiến tánh Thành Phật thì đúng ra là họ phải tương ưng, phải giống nhau.
Giống như Lục tổ Đại sư Huệ Năng, quý vị coi, rõ ràng Lục tổ Đại sư Huệ Năng là chính xác. Điều ngài nói không bao giờ sai với kinh điển, cho dù ngài không học kinh, đấy là bậc đúng. Thiện Trang nói như vậy để chúng ta cố gắng học, bớt đi chớ nhiều khi “y nhân bất y pháp” nhiều quá. Và nhiều khi mến mộ Nam truyền quá, thần tượng Nam truyền quá cũng không được, mến mộ Bắc truyền quá, thần tượng Bắc truyền quá cũng không được mà hãy mến mộ Phật, Phật không có Nam truyền, Bắc truyền.
Ngài Minh Tuệ bây giờ cũng vậy, ngài xác nhận rõ ràng chúng ta kinh nào cũng học. Tất nhiên mình mới vô, mới tu thì mình không thể đa văn được đâu, không thể học được vậy, hên xui thôi. Chọn lấy một vị thầy nào đó nhắm hên xui đi theo được ngon lành, đi một đường dài sau khi mình giỏi rồi thì có thể thâm nhập kinh tạng để đối chiếu thử coi thầy giảng có đúng theo kinh hay không. Chứ giờ mới vô làm sao biết được, mới đầu học điều nào cũng tốt mà.
Một điểm nữa Thiện Trang muốn chia sẻ với quý vị là người học phải bỏ tri kiến đi. Tức là mình học với ai thì phải cố gắng học người đó, lấy tư tưởng đó, chứ mình đang học người đó mà mình lại chống người ta thì không được. Mình chống lại người ta là mình bị thiệt thòi thôi. Giống như câu chuyện hài, có hai phụ huynh dẫn hai đứa con tới xin đi học thêm thầy dạy Toán. Thầy để tiện lấy tiền nên hỏi: ‘Luyện thi Đại học một năm mà giờ chỉ còn chín tháng, vậy ba tháng trước có đứa nào đi học gì chưa’. Người này nói: ‘Con nhà em đã đi học cô đó ba tháng rồi’. Còn người kia thì nói: ‘’Ở nhà ôn thôi chưa có đi học gì hết’’. Ông thầy mới lấy tiền đứa chưa đi học rẻ gấp đôi đứa kia, đứa đi học rồi lấy tiền gấp đôi luôn. Phụ huynh mới hỏi: ‘Sao kỳ vậy, đáng lẽ đứa đi học của cô kia rồi thì phải lấy tiền bớt đi chứ, vì học nó biết rồi mà. Đứa chưa học thì thầy dạy vất vả hơn thì phải lấy tiền nhiều hơn chứ’. Thầy nói: ‘Không phải đâu, đứa mà chưa học ai, dạy nó dễ hơn, dạy sao nó biết đó, như vậy là vô một cái là được. Còn dạy đứa biết rồi thì dạy là nó cãi, thậm chí sửa cái sai của nó rất là mệt’. Cho nên mình học phải có niềm tin, qua câu chuyện đó nói như vậy. Người học nhiều thầy, nhiều cô quá mà học chưa thông nó cũng có chướng ngại, không có vô được. Khi nào học mình tốt tự bơi được lúc đó mình có khả năng.
Thiện Trang xin chia sẻ thêm một điểm nữa liên quan đến pháp hành trước khi vào học môn này. Về Thiền định và Thiền quán, Thiền chỉ tức là định, quý vị đắc được những tầng định như đức Phật nói mình phải đắc được từ Sơ thiền trở lên thì nỗi đau cơ thể mới bớt, mới nhẹ. Còn nếu mình không có định thì đau lắm. Những người có sức chịu đau của cơ thể giỏi là người đó có định. Định càng sâu thì chịu đau càng tốt. Còn định bên Thiền quán thì sức chịu đau kém hơn Thiền chỉ, đấy cũng là Vi Diệu Pháp. Nhiều khi đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn hay Tam quả A-na-hàm thì đau vẫn là đau thôi, đau dữ lắm. Tứ quả A-la-hán thì được rồi, định của Tứ quả A-la-hán thì cao, định của Thiền chỉ, Thiền quán cũng như nhau rồi. Quý vị nghe hôm bữa thầy Minh Tuệ có nói khi tu Thiền chỉ, Thiền quán thiền nào cuối cùng rồi cũng như nhau. Câu đó Thiện Trang phát hiện ra trong Kinh A Hàm, kinh số năm trăm mấy của bộ Tạp A Hàm. Trong kinh đó nói khi mà tu đến lúc nào đó thì Thiền chỉ và Thiền quán là một. Đúng là như vậy đó quý vị. Tức là đắc quả rồi thì Thiền quán với Thiền chỉ mới là một được thôi. Còn bây giờ mình tu vẫn còn chỉ quán chia hai. Thiền quán sinh ra huệ, cũng giúp đỡ đau nhưng không bằng Thiền chỉ.
Những người muốn niệm Phật vãng sanh tự tại, quý vị phải có Thiền định tức là có Thiền chỉ, công phu phải là từ Sơ thiền trở lên, Sơ thiền mới tự tại được, mới đỡ đau. Khi đau quá quý vị dùng Thiền quán không được. Niệm Phật v.v… thế này kia nhưng mà quý vị có công phu định thì sẽ đỡ đau, và Thiền chỉ đó còn giúp Thần thông như hồi nãy Thiện Trang nói. Nhưng để chứng quả, để giải thoát phiền não gọi là đoạn phiền não là Thiền quán. Thiền chỉ sẽ mất, tại Tam-muội mất mà. Định là Tam-muội mất khi quý vị chết, khi chuyển sanh ra đời sau. Ví dụ như quý vị đắc Sơ thiền trong Kinh A Hàm nói nếu như quý vị không thoái, tức là vẫn giữ được định đó thì sau khi chết nếu như định được Sơ thiền sẽ sanh về cõi Trời Sơ thiền. Có ba phẩm Thượng, Trung, Hạ. Thượng phẩm thì [sanh vào] trời Đại Phạm, còn Trung phẩm là [sanh vào] trời Phạm Phụ và Hạ phẩm của Sơ thiền thì sanh vào trời Phạm Chúng. Đó là tầng Trời thứ bảy, thứ tám, thứ chín, ba tầng Thượng, Trung, Hạ cứ chia ra. Các tầng Thiền trên cũng vậy cứ từng tầng Thượng, Trung, Hạ. Tại sao nói có ba tầng Trời là như vậy, bởi có ba mức thiền.
Khi thọ mạng ở cõi Trời đó hết thì định lực thông thường bị mất. Định bị mất thì lại rớt xuống lại, mà không biết rớt tới đâu, theo nghiệp cũ mà lưu chuyển. Có thể rớt xuống Địa ngục, có thể rớt vào Ngạ quỷ, có thể rớt vào Súc sanh, rớt vào cõi Người, rớt vào các tầng Trời thấp hơn, tùy vào nghiệp trước đó đã tạo, công phu trước đó thế nào. Cho nên Thiền chỉ có tác dụng như vậy, có Thần thông và giúp cho đỡ đau cơ thể, thế nên vẫn nên tu Thiền chỉ.
Còn Thiền quán thì giúp cho chứng quả, giúp cho đoạn Phiền não và sanh Trí huệ. Trí huệ sanh chủ yếu là do Thiền quán. Cho nên những người có Trí huệ là đa số họ có Thiền quán tốt. Còn hồi nãy Thiện Trang nói rồi, hai hạng thông minh với trí huệ khác nhau. Đấy thì Thiện Trang chia sẻ thêm một vài chi tiết. Nên nếu mình học được thì mình cũng có được. Như ngài Minh Tuệ, quý vị thấy hình như ngài có Thần thông đúng không? Thiện Trang nghĩ ngài chắc chắn có Thần thông. Nội cái bát của ngài (cái ruột nồi cơm điện), quý vị thấy ngài biết tặng người luôn. Người đó từ nước Anh về, và ở xa không dám đến gần mà ngài gọi tới tặng cho cái bát. Cái bát đó bây giờ đi đâu rồi quý vị biết không? Được đi ra nước ngoài rồi, thờ ở một chùa bên Anh. Biết tặng đúng người, quá hay, quá tuyệt vời! Không có Thần thông thì làm sao biết được quý vị, làm sao gặp một người chưa có biết người đó từ đâu, ở xa lắc, vẫy tay vô để tặng cho cái ruột nồi cơm điện. Chú đó mang đóng vô hộp kính mang qua nước Anh. Bây giờ thờ ở chùa bên nước Anh, để cho chiêm bái. Đó là dấu hiệu có Thần thông.
Thực ra thần thông có gì đâu, quý vị nhập được định mà quý vị có duyên là có Thần thông rồi. Nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, quý vị đã có định là quý vị thấy một số chuyện, biết một số chuyện rồi. Nhưng vấn đề là Thần thông thế nào. Điều đó không quan trọng đối với chúng ta tu, sau này quý vị học những bộ Vi Diệu Pháp, A Tỳ Đàm, Luận Câu Xá này, quý vị hiểu ra rõ ràng lắm. Cho nên tu có lộ trình từng tầng, từng tầng chứ mình học mù vô bảo niệm Phật đi, cũng niệm được, tất nhiên bà già rồi niệm được. Nhưng nếu còn trẻ mà mình chỉ chấp nhận nhiêu đó thôi thì Thiện Trang nghĩ hơi tiếc. Trẻ thì nên học, già quá rồi học không nổi thì thôi nghe được bao nhiêu thì nghe, nhưng mà nãy giờ quý vị nghe có hoan hỷ không?
Thiện Trang nghĩ là nếu ai có tâm tha thiết với sanh tử, ai thích giáo pháp thì nãy giờ nghe đúng giáo pháp chuyên đó. Giáo pháp chuyên nhất như vậy mà không nghe thì thua! Có người nào đó bình luận bên ngoài, Thiện Trang thấy rất tiếc, chắc là căn cơ chưa tới, mới tu, chứ còn tu lâu thì tự nhiên mình thích học lắm. Mình thích vì đây là tạng giáo pháp của đức Phật và giúp cho mình nâng cấp. Dù quý vị tu bất cứ Pháp môn nào, quý vị học được phần này thì tự nhiên tăng lên, đi con đường nhanh, bởi vì con đường đó mình thấy rõ. Quý vị đi một con đường vừa lần mò mà đi thì làm sao bằng người nắm bản đồ cho kỹ rõ ràng, thông thuộc, thấy rồi cứ thế mà chạy, sẽ nhanh hơn chứ.
Ở đây chúng ta chia sẻ sơ qua như vậy. Bây giờ Thiện Trang chia sẻ một số tâm đắc trong này. Chúng ta chắc cũng không chia sẻ nhiều nữa. Nếu đồng tu Tịnh Độ nói học môn này không có liên quan gì, không phải! Chính Hòa thượng Tịnh Không ngày xưa cũng bắt đầu học bằng môn này. Mới đầu ngài được Đại sư Chương Gia và Giáo sư Phương Đông Mỹ giới thiệu học Duy Thức trước. Nhưng Hòa thượng không bắt đầu từ Luận Câu Xá. Thiện Trang thì chia sẻ bắt đầu từ Luận Câu Xá vì từ Tiểu thừa, là nền tảng của mình. Nói từ ‘Tiểu thừa‘ bởi vì không có danh từ nào khác đành phải dùng từ đó thôi. Nếu quý vị vào từ Bách Pháp Minh Môn Luận, rồi v.v… Duy Thức Tam Thập Tụng, những bộ đó thì bắt đầu cao hơn. Những bộ đó cao hơn thì lại thiếu nền tảng. Bây giờ nếu bên Bắc truyền thì chọn Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận hoặc là A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận hoặc Đại Tỳ Bà Sa Luận v.v… thì những bộ đó mới bắt đầu từ nền tảng. Và ở bên Bắc truyền với Nam truyền hoặc là Tiểu thừa, Đại thừa có khác nhau. Duy Thức của Đại thừa thì nói đến Thức thứ tám A-lại-da, Thức thứ bảy Mạt-na nữa, còn môn này chỉ học sáu thức thôi. Cho nên mai mốt học Luận Câu Xá quý vị thấy tới Thức thứ sáu thôi, không có thức thứ bảy, thứ tám, vì chỉ cần học như vậy là ra khỏi sanh tử rồi, nhưng để viên mãn chúng ta mới học đến Mạt-na và A-lại-da nữa.
Ở đây Thiện Trang giới thiệu quý vị coi bây giờ Việt Nam mình mới xuất bản cuốn này, cuốn này gọi là Dẫn Vào Cửa Duy Thức do thầy Thích Thanh Hòa viết. Và ở đây có lời giới thiệu của ngài Tuệ Sỹ, ngài cũng giỏi Duy Thức lắm cho nên có lời này thì yên tâm. Mà Thiện Trang coi quyển này cũng không đơn giản, ai có nền tảng Duy Thức rồi mới coi được, tại vì trong này chia ra rất nhiều. Quý vị phải học được Bách Pháp Minh Luận, quý vị phải học được Bát Thức Quy Củ Tụng và Duy Thức Tam Thập Tụng thì quý vị mới coi bộ này được. Và coi thêm bộ luận của ngài Huyền Trang gọi là Thành Duy Thức thì mới coi bộ này được. Còn quý vị mới học, quý vị đừng vội vô mà ham ôm bộ Du Già này. Hồi xưa Hòa Thượng Tịnh Không có học bộ này, bộ này cao lắm, bay nhiều lắm, cho nên tốt nhất hãy học từ bộ Thiện Trang giới thiệu trong ba bộ, Thiện Trang đã coi qua [và xác định] có thể học được. Nhiều nữa thì Thiện Trang không biết nhưng mà bên Bắc truyền coi là Câu Xá, bộ này. Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận hình như bộ đó chưa có tiếng Việt, hoặc là dịch cũng tùm lum lắm, không biết. Rồi bộ nữa là Đại Tỳ Bà Sa Luận, bộ Đại Tỳ Bà Sa Luận dài quá. Mà học một bộ nào đó thì người dịch quan trọng lắm. Nhiều khi người ta dịch không rõ ràng khiến mình học cũng chẳng hiểu. Thật sự ở đây Thiện Trang dịch Duy thức cũng cũng mơ mồ lắm, khó mà dịch rõ ràng được. Quý vị học rồi quý vị biết, cho nên phải học từ đây.
Hôm nay chúng ta vào phần đầu tiên là tựa đề:
阿毘達磨俱舍論卷第一
尊者世親造
三藏法師玄奘奉詔譯
A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận – Quyển Thứ Nhất
Tôn giả Thế Thân tạo luận
Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch sang chữ Hán.
#A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận quyển đệ nhất: Tức là quyển thứ nhất của A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận, hay gọi ngắn gọn là Luận Câu Xá. Tựa đề này đằng sau có giải thích. Bộ này gồm có 30 quyển.
#Tôn giả Thế Thân tạo: bộ Luận này không phải được kết tập lại, mà do ngài Thế Thân, hay còn gọi ngài Thiên Thân. Có nhiều yếu tố để nói về vấn đề này, Thiện Trang xin nói một chút không có giới thiệu dài dòng, vì bây giờ mình không nói luận của ngài Thiên Thân, rồi tranh cãi với người ta mệt lắm. Thiện Trang chỉ nói ngài Thế Thân lấy giáo pháp của Phật, ngài dựa vào tạng A Tỳ Đàm. Ngài có một nhân duyên, ở trong đó nói là ngài có khả năng tu nhập định. Ngài tu cùng với ngài Vô Trước và ngài Sư Tử Giác. Ngài Thế Thân có định có thể vào Nội viện của trời Đâu Suất để gặp ngài Bồ-tát Di Lặc và học Duy Thức này với ngài Bồ-tát Di Lặc. Cho nên ngài tạo ra rất nhiều bộ luận về Duy thức cho bên Bắc truyền. Hồi xưa mới đầu ngài theo Nam truyền, sau này ngài quay qua theo Bắc truyền, ngài tạo nhiều bộ luận nên chúng ta mới có. Bộ Luận Du Già mà Thiện Trang vừa giới thiệu, chính là do ngài Di Lặc thuyết cho ngài Vô Trước. Ngài Vô Trước ghi chép lại bộ này, còn bộ mà chúng ta đang học thì do ngài Thế Thân tạo.
Ở đây Thiện Trang xin nói luôn là chúng ta đừng có mất thời gian đi luận lịch sử truyền thừa tin hay không tin. Thiện Trang nói đó là việc của học giả không phải hành giả. Việc đó hồi xưa Thiện Trang đã mất thời gian rồi, tìm 10 quyển sách để coi về lịch sử Phật giáo. Coi xong rồi nói giống như đống rừng, mỗi bên đưa ra một giả thuyết, lịch sử giống như là đám rừng đám mù hồi xưa. Mây mù 3000 năm trước rồi, hoặc là 2600 năm trước rồi, bây giờ đi tìm ra mỗi ông viết mỗi kiểu, biết đường nào lần. Nếu ta là học giả thì mới đi nghiên cứu. Còn mình hành giả thì mình lấy tinh hoa mà tu. Đừng có đem ra rồi nói, biện luận là có ba ngài Thế Thân, ngài nào tạo bộ luận này, v.v… mất thời gian. Rồi Tạng pháp này có hay không, v.v…. Người tin thì có, người không tin thì không có. Quý vị không tin thì quý vị quăng hết các bộ luận này ra ngoài, khỏi coi. Nhưng nếu người tin, coi vào đây người ta thấy hay vô cùng. Tại sao nội dung cung cấp cho chúng ta nhiều điều hay như vậy mà mình không học. Đó gọi là hành giả không phải học giả. Chúng ta là hành giả, không phải học giả. Học giả mới đi mất thời gian mấy chuyện đó. Còn bây giờ mình biết giáo pháp của Phật để lại tinh hoa như vậy, mình cứ theo đó thực hiện mình học là được.
Để cho chắc chắn, mình có tra so với bên Nam truyền. Thiện Trang có học phần A Tỳ Đàm bên Nam truyền nữa, đối chiếu qua đối chiếu lại để mình thấy có nhiều điều hay, thì yên tâm. Cho nên mình không có có vấn đề gì, chúng ta cứ tin tưởng mà học. Thiện Trang không có mất thời gian nhiều để vào phần này, tức là không muốn mất nhiều thời gian giới thiệu về tác giả Tôn giả Thế Thân này, chúng ta không cần giới thiệu, quý vị muốn thì lên mạng tìm, đây Thiện Trang chỉ nói lược qua.
#Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch: [bộ] này do ngài Huyền Trang. Chúng ta hay biết ngài Huyền Trang, nhưng thực tế tên này có một số nhà dịch thời xưa, gọi là tiền bối của Việt Nam dịch là Huyền Tráng. Bây giờ tra Từ điển là Trang, nhưng mà có người dịch là Tráng, Tráng hay Trang cũng được. Ngài là vào thời nhà Đường, ngài dịch được gọi là Tam tạng Pháp sư, tại vì ngài thông hết [ba tạng Kinh, Luật, Luận], ngài đi qua Ấn Độ thỉnh kinh mà, tổng học v.v… 17 năm. Ngài phụng theo chiếu để dịch, tức là ngài y theo chiếu lệnh của vua thời nhà Đường hỗ trợ cho ngài dịch sang Hán tạng. Chúng ta dịch lại sang tiếng Việt. Để khỏi mất thời gian, chúng ta học trực tiếp vào chữ này. Khi dịch Thiện Trang cũng muốn chắc chắn, vì ngôn ngữ, phong cách trình bày của ngài Huyền Trang khác với ngài Cưu Ma La Thập. Cách dịch của ngài, văn pháp của ngài để gần như tiếng Phạn nên khó chịu lắm. Vì vậy có nhiều đoạn coi không có rõ nghĩa, Thiện Trang có tham khảo một bản dịch khác của ngài Chân Đế. Thiện Trang có ghi chú ở dưới này luôn để cho mọi người biết.
A Tỳ Đạt Ma: Được dịch âm từ chữ Abhidharma, tên gọi chung cho Luận bộ, cựu dịch là A Tỳ Đàm, dịch nghĩa là Đại pháp (tức là pháp lớn), hoặc là Vô tỉ pháp (tức là pháp không gì sánh bằng, pháp này cao nhất rồi). Đại pháp, Vô tỉ pháp là tôn xưng của trí huệ chân thật (muốn có trí huệ chân thật mình phải học ở đây). Phật giáo Nam truyền gọi là Vi Diệu Pháp, Phật giáo Đại thừa Bắc truyền gọi là Duy Thức. Khi dịch bản này, Dịch giả có tham khảo bản dịch và chú thích bằng chữ Hán của Tam tạng Pháp sư Chân Đế (499-569) người nước Thiên Trúc vào thời nhà Trần.
Thiện Trang có tham khảo bản này nữa. Tức là khi dịch thì ngoài bản này là bản của ngài Huyền Trang, ngài viết không theo văn pháp bình thường, viết theo kiểu tiếng Phạn, cho nên đôi khi động từ v.v… chạy lung tung, đôi khi một số từ không theo cấu trúc chữ Hán bình thường. Quý vị viết tiếng Việt theo kiểu trực dịch, nên nhiều khi cứ bị khựng, chứ không có ngọt câu. Nội dung này khi Thiện Trang dịch giảng như thế này, Thiện Trang đã tham khảo song song với bản của ngài Chơn Đế nữa. Ngài Chơn Đế dịch và ngài cũng chú thích.
Trong nội dung này, bài kệ này Thiện Trang nghĩ là của ngài Thế Thân, còn phần dưới này là của ngài Huyền Trang viết. Bài kệ dài lắm tổng cộng 600 bài kệ, và sau mỗi bài kệ thì có phần giải thích. Phần giải thích này Thiện Trang nghĩ là của ngài Huyền Trang. Vì coi bản của ngài Chân Đế thì chỉ có bài kệ, và giải thích khác. Tức là bài kệ thì nội dung tương đương nhau, nhưng giải thích thì khác nhau, và ngài ghi rõ luôn, chú thích luôn. Bài kệ thì nội dung tương đương nhau, nhưng chữ chưa chắc tương đương nhau. Hai ngài cùng dịch từ tiếng Phạn sang, cho nên chữ không giống, có thể khác, nhưng mà coi tổng chung nội dung. Thiện Trang vừa coi bộ đó, vừa coi bộ này để dịch ra cho nên quý vị yên tâm là Thiện Trang đã tham khảo một bộ nữa, chứ không chỉ coi mỗi bản của ngài Huyền Trang. Thật sự coi bản dịch của ngài Huyền Trang cũng hơi khó coi, vì cách dịch của ngài không giống cách dịch của ngài Cưu Ma La Thập, hoặc là cách dịch dành cho văn phong Trung Hoa, mà văn phong kiểu khác. Cho nên có một số chỗ khó hiểu, tìm theo ngữ pháp chữ Hán là dịch không ra, không biết từ đó là từ loại gì v.v… tại sao từ loại đó lại đứng ở chỗ đó, hóa ra là do ngài để trực dịch, có một số thôi chứ không nhiều lắm. Nhờ bản của ngài Chân Đế thì coi rất dễ dàng.
Đường giải thoát có đi sẽ có đến, đi rồi từ từ cũng đến thôi. Giống như bây giờ ngài Minh Tuệ đi qua Ấn Độ đi, thì đi một hồi cũng tới Ấn Độ thôi. Quý vị đi từ Nam ra Bắc đi bộ đi hoài cũng tới thôi. Nghe 600 bài kệ mình thấy xa vời quá, nên những người bình thường nghe xong sợ lắm không dám học. Nhưng nếu quý vị chịu khó đi, có đi rồi có đến.
Thiện Trang xin phép chia sẻ theo lịch bây giờ luôn, cứ cố định vào tối thứ Tư giờ Việt Nam sẽ chia sẻ bộ này. Trừ lúc nào Thiện Trang có việc bận hoặc Thiện Trang nghỉ để tu thất v.v…thì mới nghỉ thôi, còn không thì vào thứ Tư sẽ học Luận này, còn thứ Bảy chúng ta sẽ họ Tịnh Độ đang bộ Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú (Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú), chúng ta đang học bộ đó. Trừ những ngày khoá tu nữa, khoá tu có thể học cả hai. Lúc đó mới giảng qua thứ Bảy để quý vị nắm. Chứ không 600 bài kệ mà mình cứ lâu lâu mới học bữa, học chắc cả 10 năm chưa xong. Mình phải học nhanh hơn một chút.
Riêng bộ sách này quý vị có thể coi những bản nào có Luận Câu Xá thì cứ tìm mà coi. Hoặc coi bên Nam truyền là A Tỳ Đàm mà coi. Nhưng quý vị nghe A Tỳ Đàm bên Nam truyền thì quý vị cẩn thận. Quý vị nào tu Bắc truyền coi bản gốc thì không sao hết. Nhưng quý vị coi lời giảng thì một hồi quý Sư cứ chêm vô nói không tin Tịnh Độ, không tin Bắc truyền, quý vị nghe một hồi là bay luôn, không tu Tịnh Độ, không tu Bắc truyền được nữa. Tại vì quý Sư nhận qua một bên nên cũng khổ lắm. Còn Thiện Trang nếu có nghe cũng chẳng sao hết.
Phần này có trong sách Phật Học Phổ Thông nhưng mà ít lắm, phần Duy Thức, có một chút không có nhiều. Mà phần đó đa số trình bày không có đủ, không có Phân Biệt Nghiệp [nên] không có dễ. Mà phần Duy Thức này đa số đọc sách cũng khó hiểu lắm tại vì Duy Thức khó chịu vô cùng. Phải có nền tảng kiến thức, phải có trình tự, còn mình chen vô giữa là không có hiểu được. Quý vị cứ coi bộ sách nào có Câu Xá, có người nói bản A Tỳ Đạt Ma Câu Xá của ngài Thế Thân mà do ngài Tuệ Sỹ dịch có được không? Chắc là được. Tại vì ngài Tuệ Sỹ thì ok lắm, Thiện Trang chưa thấy quyển đó. Tại vì Thiện Trang có coi khi ngài Tuệ Sỹ dịch ngài giảng trực tiếp như Thiện Trang. Ngài giảng mà ngài vừa lôi cả bản Sanskrit, vừa bản của ngài Chân Đế, và bản của ngài Huyền Trang, ba bản ngài đưa chung với nhau dịch, dùng một lúc ba bản. Bộ đó cũng khó nghe cho những người căn bản, nghe không nổi. Nếu quý vị coi ngài Tuệ Sỹ được thì chắc ok, yên tâm. Quý vị có thể coi những người khác nữa để đối chiếu.
Ai có bản đó thì cho Thiện Trang xin một bản để Thiện Trang coi ngài Tuệ Sỹ để đối chiếu, vì Thiện Trang chưa thấy sách đó. Nếu có sách của ngài Tuệ Sỹ thì cũng nên coi. Thật ra ngài Tuệ Sỹ dịch, do ngài đối chiếu cả bản Sanskrit, rồi bản của ngài Chân Đế, cho nên đôi khi ngài dịch rồi ngài sửa lại. Ngài sửa lại cho nên nội dung không hoàn toàn giống ở đây. Thiện Trang cũng coi rồi, coi một số đoạn ngài bẻ lại lời trong bản này. Thiện Trang thì dùng một bản này thôi, lấy bản ngài Huyền Trang làm chính, còn của ngài Chân Đế mình tham khảo, coi ngoài thôi chứ không đưa vào đây. Hình như bản ngài Tuệ Sỹ là ba dung thành một, cho nên không giống hoàn toàn với bản này. Cho nên đừng đem ra đối chiếu, chỉ học thôi. Chứ còn đối chiếu phải mình phải hiểu được bản chất mình mới đối chiếu được.
分別界品第一
1.Phẩm Phân Biệt Giới – Thứ Nhất
#Phẩm Phân Biệt Giới – Đệ nhất: tức là Phẩm Phân Biệt Giới – Thứ nhất.
Quý vị nào hỏi ngài Tuyên Hoá có giảng Duy Thức? Ngài Tuyên Hoá giảng Duy Thức nhưng giảng Duy Thức đó cơ sở lắm, không đủ vô sâu đâu tại vì ngài giảng cho người phương Tây cơ bản mà.
Bài kệ 1
Chư nhất thiết chủng chư minh diệt | 諸一切種諸冥滅, | Bậc dứt diệt tất cả Phiền não |
Bạt chúng sanh xuất sanh tử nê | 拔眾生出生死泥, | Cứu chúng sanh khỏi bùn sanh tử |
Kính lễ như thị như Lý sư | 敬禮如是如理師, | Kính lễ thầy như Lý như vậy |
Đối Pháp Tạng luận ngã đương thuyết | 對法藏論我當說。 | Con sẽ nói Luận Đối Pháp Tạng. |
Quý vị thấy có bài kệ đọc thôi mà văn phong khó hiểu.
Giải:
#Chư nhất thiết chủng chư minh diệt: bài kệ ngài Huyền Trang dịch không có tuân theo ngữ pháp chữ Hán, mà ngài dịch sát theo tiếng Sanskrit cho nên như vậy. #Nhất thiết là tất cả; #chủng là chủng loại; #chư: hai chữ chư luôn nghĩa là tất cả hay nhiều; #minh là Vô minh là Phiền não; #diệt là hết. Ở đây dịch đầy đủ là những bậc đã dứt hết được tất cả các loại Phiền não. Do bài kệ cho nên Thiện Trang dịch đỡ: bậc dứt diệt tất cả Phiền não hoặc dịch bậc dứt diệt tất cả Vô minh. Để chữ Vô minh thì rõ ràng hơn, nhưng dịch Phiền não thì quý vị nghe rõ hơn là vô minh. Do dưới này có chú thích cho nên mình cứ hiểu. Tức là đầu tiên đây là lời của ngài Thế Thân, ngài nói đối với Phật, Phật là người đã dứt diệt hết tất cả Phiền não.
#Bạt chúng sanh xuất sanh tử nê: #bạt là cứu giúp; cứu giúp chúng sanh ra khỏi bùn lầy sanh tử; chữ #nê là bùn. Chúng ta ở trong vòng sanh tử giống như bị chìm trong vũng sình. Mà sình này dữ lắm, quý vị đi lội vào sình là chìm ngập trong đó, rút chân ra không được, càng đi càng lún xuống dần, càng nặng thêm dần, cuối cùng chìm trong đó luôn ra không nổi. Giống trong Kinh Địa Tạng nói như vậy.
Đây đức Phật thứ nhất là tự độ. Ngài tự độ là Ngài dứt hết được các Phiền não, đoạn tất cả Phiền não rồi. Phiền não của Phật phải nói ba loại: Kiến tư hoặc, Trần sa hoặc và Vô minh hoặc. Ngài đã đoạn hết được Phiền não Tập khí rồi, Ngài mới đi cứu chúng sanh ra khỏi vũng bùn lầy sanh tử. Giống như có một vũng sình sâu đến nỗi vô lút người, chìm dưới đó, ngập chết hết trong đó. Giống như đức Phật có một phương tiện Ngài đi qua vũng bùn đó kéo chúng sanh ra. Kéo ở đây không phải dùng Thần thông kéo, mà Ngài dùng giáo pháp dạy cho chúng sanh. Bởi vì Phật giáo nói ‘ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc’, ‘ai ăn nấy no ai tu nấy chứng’, Phật không gia trì hỗ trợ giúp được đâu. Nếu giúp được thì Phật thành một đấng tạo hoá rồi. Đâu phải, Phật chỉ có giúp cho mỗi người là dạy phương pháp. Đức Phật nói: ‘Ta chỉ là bậc Đạo sư, là thầy chỉ đường, còn đi hay không đi là chuyện của chúng sanh’. Chúng sanh không đi thì thôi, chỉ con đường đó tốt đẹp, con đường đó đi ra khỏi sanh tử, con đường đó đến thành Niết-Bàn, con đường đó đến Cực Lạc đó con. Con không chịu đi, con không thích đi thì thôi, đâu có cách nào. Chỉ đường còn đi hay không là do mình. Cho nên đấy là cứu. Cứu cách nào thì câu sau nói tiếp.
#Kính lễ như thị như Lý sư: con kính lễ bậc thầy như Lý, Lý là Lý của giáo pháp, đúng với chân lý; #như thị là như vậy. Con kính lễ bậc thầy đúng như Lý như vậy.
Mình kính lễ bằng cách nào? Không phải cúi đầu lạy là kính lễ đâu. Bây giờ mình mê tín. Phật tử Việt Nam là một trong những vùng khá mê tín. Tức là đối diện kính lễ, thấy lúc nào cũng lễ lễ nhưng thực tế không phải. Lễ đức Phật phải vậy mà như ngài Thế Thân nói:
#Đối Pháp Tạng luận ngã đương thuyết: chữ Đối Pháp Tạng phải viết hoa; #đương là sẽ, con chắc chắn sẽ nói, hoặc con sẽ nói ra luận, tên bộ Luận này là Đối Pháp Tạng. Đối Pháp Tạng là tên. Tại sao Đối Pháp Tạng đằng sau có giải thích. #Đối là chính xác; #Pháp Tạng là kho pháp chính xác.
Bốn câu kệ này nói ngài kính lễ đối với đức Như Lai (đức Phật) là bậc đã giải thoát hết tất cả Phiền não, Ngài không còn Phiền não. Ngài cứu chúng sanh ra khỏi vũng bùn lầy sanh tử. Để kính lễ bậc Thầy đúng như chân lý như thế thì con sẽ nói ra một bộ Luận tên là Đối Pháp Tạng tức là kho pháp chính xác.
Như vậy dịch kiểu gì được. Bây giờ dịch nghĩa ra phải có dòng ở dưới nữa. Để bữa sau Thiện Trang sẽ chú thích thêm dòng ở dưới này cho người ta coi người ta còn hiểu. Chứ mình giảng thì người không có duyên coi sách thì cũng chẳng hiểu đâu. Dịch như thế này có bảy chữ mà xếp thứ tự cũng không được. Tại vì ngài Huyền Trang ngài cũng không xếp thứ tự, mình cũng khỏi có xếp luôn.
Tạm dịch:
Bậc dứt diệt tất cả Phiền não
Cứu chúng sanh khỏi bùn sanh tử
Kính lễ thầy như Lý như vậy
Con sẽ nói Luận Đối Pháp Tạng.
Quý vị thấy không có vần điệu gì hết, tại vì giáo pháp này ngài Huyền Trang dịch không có vần, mình cũng khỏi vần luôn. Duy Thức mà dịch vần nữa thì chắc tiêu, sẽ sai nghĩa lắm. Bữa sau Thiện Trang sẽ thêm dòng giải thích nghĩa, tạm dịch thành văn trường hàng (văn xuôi). Dạng kệ này khó lắm, khó lãnh hội hết ý. Đằng sau có giải thích.
論曰:今欲造論,為顯自師,其體尊高,超諸聖眾,故先讚德,方申敬禮。諸言所表,謂佛世尊,此能破闇,故稱冥滅。言一切種諸冥滅者,謂滅諸境一切品冥。以諸無知能覆實義及障真見,故說為冥。唯佛世尊得永對治,於一切境一切種冥,證不生法,故稱為滅。聲聞獨覺雖滅諸冥,以染無知畢竟斷,故非一切種。
Luận viết: Kim dục tạo Luận, vị hiển tự Sư, kỳ thể tôn cao, siêu chư Thánh chúng, cố tiên tán đức, phương thân kính lễ. Chư ngôn sở biểu, vị Phật Thế Tôn, thử năng phá ám, cố xưng minh diệt. Ngôn nhất thiết chủng chư minh diệt giả, vị diệt chư cảnh nhất thiết phẩm minh. Dĩ chư vô tri năng phú Thật nghĩa cập chướng Chân kiến, cố thuyết vi minh. Duy Phật Thế Tôn đắc vĩnh đối trị, ư nhất thiết cảnh nhất thiết chúng minh, chứng bất sanh pháp, cố xưng vi diệt. Thanh văn Độc giác duy diệt chư minh, dĩ nhiễm vô tri tất cánh đoạn, cố phi nhất thiết chủng.
Giải:
#Luận viết: Luận nói.
#Kim dục tạo Luận: nay con muốn tạo Luận, chữ #dục này là sắp, con nay sắp sẽ tạo Luận. Ngài Thế Thân xưng, ngài không có xưng chữ con nhưng chúng ta thêm chữ con cho dễ, hay tôi nay cũng được, tôi nay sắp tạo luận.
#vị hiển tự Sư: vì hiển bày vị Thầy của tôi, chữ #tự là tôi, vị Thầy của con.
#kỳ thể tôn cao, siêu chư Thánh chúng: thể của Ngài, bản chất của Ngài, bản chất của vị Thầy tức là đức Phật thì tôn kính cao vợi; #tôn là tôn kính; #cao là cao vợi. Bậc Thầy này tôn kính cao vợi, vượt hơn các bậc Thánh; #siêu chư Thánh chúng là vượt hơn các bậc Thánh. Vì thành Phật rồi, tuyệt vời, hơn cả Bồ-tát, hơn cả A-la-hán v.v…
Thiện Trang xin nói chút, có nhiều người học Bắc truyền không không biết Nam truyền rồi nói bên Nam truyền chỉ có Phật, với A-la-hán thôi, không có Bồ-tát. Thật tế không phải như vậy. Bên giáo lý Nam truyền vẫn có Bồ-tát nha quý vị, quý vị đừng có sai. Quý vị đem quyển Thiên Thai Tứ Giáo Hoá Nghi ra so, đó là Tạng Thông Biệt Viên, đó là quý vị so theo bên Trung Quốc (Trung Hoa) thôi, Bắc truyền thôi. Còn Nam truyền vẫn có Bồ-tát. Mười Ba-la-mật của Bồ-tát của Nam truyền khác. Mười Ba-la-mật thì cũng giống vậy: Bố thí Ba-la-mật, Trì giới Ba-la-mật, thứ ba là Xuất gia Ba-la-mật, thứ tư là Trí tuệ Ba-la-mật, thứ năm là Tinh tấn Ba-la-mật, thứ sáu là Nhẫn Ba-la-mật, thứ bảy là Chân thật Ba-la-mật (phải có chân thật), thứ tám là Phát nguyện Ba-la-mật, thứ chín là Tâm từ Ba-la-mật, thứ mười là Tâm xả Ba-la-mật. Đó là mười Ba-la-mật bên Nam truyền. Quý vị nghe cho biết, bây giờ mình học phải biết rộng chút, tức là mình phải biết bên người bên ta.
Việt Nam mình giữa Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền xen kẽ lẫn nhau, ăn rồi cứ phỉ báng lẫn nhau, mệt lắm. Bây giờ hãy dung thông đi. Mình hiểu bên người ta một chút, bên người ta hiểu bên mình một chút. Thiện Trang cũng mong muốn Thiện Trang không có theo phe nào hết, không có theo phe bên này, cũng không có theo phe bên kia. Thiện Trang chỉ cố gắng theo Phật thôi. Tức là bây giờ mình học theo Phật chứ không phải theo Bắc truyền hay Nam truyền.
Bây giờ Thiện Trang đang đắp y Bắc truyền, khi nào đủ duyên đắp y Nam truyền nữa. Đắp hai y luôn, lúc thì Nam truyền, lúc thì Bắc truyền cho cân bằng, để mọi người thấy mình không có chấp bên nào hết. Chứ bây giờ phân biệt cứ chấp, thấy ông thầy mặc áo vàng kêu ông thầy đó sư Bắc truyền, tu tà rồi. Rồi thấy đắp y, cuốn y của bên Nam tông nói ông thầy đó tu Tiểu thừa. Nói vậy tầm bậy rồi, không có bên nào Tiểu thừa Đại thừa. Kinh nào cũng vậy, không có Kinh Tiểu thừa, kinh Đại thừa, do người đời sau chia ra.
Thiện Trang coi rồi, bên nào cũng có giáo pháp rốt ráo viên đốn hết, tại do người mà thôi. Đấy là điểm Thiện Trang nghĩ cũng không đồng tình lắm. Cho nên Thiện Trang nói tốt nhất không theo bên nào hết, Bắc cũng được, Nam cũng được, hoặc không theo bên Bắc bên Nam. Đúng như câu của Lục tổ Đại sư Huệ Năng nói: “Người thì có Nam có Bắc, Phật tánh thì làm gì có Bắc có Nam”. Không có Bắc có Nam đâu, chúng ta cũng vậy. Phật giáo bây giờ do người ta chia ra cho nên có Bắc truyền, Nam truyền, còn nếu đúng là không có Nam có Bắc, thời đức Phật chỉ có Phật thôi.
Quý vị nên nhớ lúc đức Phật hình như năm 66 tuổi có hai vị Tôn giả rất giỏi về ngôn ngữ. Lúc đó tại đất nước Ma Kiệt Đà dùng ngôn ngữ Magadha, tức là tiếng Phạn đó. [Hai vị đó] nói với đức Phật rằng: ‘Xin đức Thế Tôn cho phép thay vì học thuộc, bây giờ chép lại nội dung các kinh Ngài thuyết lại thành ngôn ngữ để lưu truyền cho đời sau’. Tại Ấn Độ lúc đó dùng ngôn ngữ gì? Tại nước Ma Kiệt Đà ngôn ngữ đó chính là tiếng Phạn bây giờ, tiếng Phạn cổ. Tiếng Phạn là ngôn ngữ dành cho dân cao cấp. Tức là vua chúa mới xài thôi, vua chúa hoặc Bà-la-môn, dòng Sát-đế-lợi mới được xài, còn dân nông thôn Vệ-xá [thì không]. Tức là có bốn chủng tộc giai cấp lớn ở Ấn Độ thì hai giai cấp sau không được học, mà hai giai cấp sau nhiều hơn. Dùng chữ viết đó phải dịch sang, giống như ngôn ngữ viết khác, ngôn ngữ nói ngoài đời khác. Cho nên đức Phật không đồng ý, đức Phật nói: bây giờ Ta nói như vậy mà các ông viết lại bằng ngôn ngữ này thì sẽ làm thay đổi nghĩa của Ta đi. Thứ hai là do ngôn ngữ này không phổ biến rộng rãi được, tại vì dân chúng đa phần không biết tiếng này. Thời đó không phải ai cũng được đi học hết cho nên cứ dùng truyền miệng thôi. Lý do như thế mà không có kinh được viết vào thời đức Phật, chỉ có kinh truyền miệng vào thời đức Phật. Sau khi đức Phật nhập Niết-Bàn khoảng 100 năm vẫn truyền miệng, truyền miệng đến khoảng 300 năm sau, có khi nói cỡ 218 đến 300 năm, có khi hơn nữa. Lịch sử mình cũng không biết rõ, mỗi nhà viết mỗi kiểu. Khi đó mới được viết lại, lần kết tập thứ ba hay thứ tư thì mới được viết lại.
Nhóm theo Bắc truyền viết kinh bằng tiếng Sanskrit, chính là tiếng của nước Ma Kiệt Đà hồi đó. Còn nhóm theo bên Nam truyền, Thượng tọa Bộ tại Tích Lan thì họ viết bằng tiếng Pali. Sau này mới viết lại, tại vì nếu như không viết nữa mà cứ truyền miệng hoài là không được vì đời sau trí huệ không bằng được thời của đức Phật. Thời đức Phật những người hồi đó trí huệ tốt lắm, họ có thể đọc thuộc làu, nhớ được. Chia ra đoạn này, kinh này cho nhóm này đọc, nhóm kia đọc thuộc làu luôn, không cần phải viết, đọc như cái máy vậy. Hồi đó trí tuệ tốt lắm và nhiều bậc chứng Thánh Đệ tử.
Quý vị nên nhớ, người mà chứng được quả A-la-hán, người ta đắc được Tứ thiền với trí huệ đặc biệt là người đó có khả năng nhớ lại như in những chi tiết trong đời. Quý vị chứng được như vậy rồi, thì quý vị nhớ lại lớp 12 lúc đó quý vị ngồi đó viết câu nào, cô giáo đọc từng chữ nào, viết như thế nào, quý vị nhớ từng chi tiết như vậy. Như vậy có cần phải viết ra sách hay không? Không cần, chỉ cần nhớ là được rồi, bởi vì toàn bậc chứng Thánh mà. Sau này khoảng 218 đến 300 năm hoặc 400 năm sau, sau khi đức Phật nhập Niết-Bàn thì người chứng Thánh ít đi, vì vậy người ghi nhớ không tốt bằng, cho nên đành phải viết ra để truyền cho đời sau. Sau này mới có kinh viết trên sách gọi là viết trên lá bối, gọi là Bối Đa La, Bối Diệp. Quý vị biết lá bối là lá của cây giống như cây cọ, cây cọ có lá dài dài, quý vị lên mạng tìm lá bối là ra. Cắt lá đó thành từng khúc từng đoạn dài rồi viết từng dòng kinh lên, viết lên đó, chứ hồi đó đâu có giấy. Cho nên học bộ này Thiện Trang cung cấp cho quý vị.
Giảng bên Tịnh Độ thì do toàn người già, cho nên chỉ giảng chuyên thôi. Chứ còn giảng vào [nội dung này], quý vị muốn đa văn, thích đa văn thì Thiện Trang học 15 năm nay rồi, từ lịch sử Phật giáo, từ các Kinh các Luận đã duyệt biết bao nhiêu bộ rồi, bây giờ không cần coi nữa, cũng nằm trong đầu ra thôi. Tự nhiên nói là ra mà bình thường không nhớ. Bình thường không đụng tới không nhớ, nhưng tới khi cần, lúc cần mới nhớ ra. Mình học bao nhiêu năm rồi, chứ không phải bây giờ Thiện Trang lên đây chia sẻ cho quý vị không không đâu. Cái vốn là 15 năm qua rồi, Thiện Trang học từ Đại thừa, học Kinh, học Giáo, học đủ các loại rồi.
Cho nên mấy người thuyết pháp không biết có ngộ hay không, nhưng ít nhất mình cũng gieo được chủng tử lành đối với duyên của Phật. Ngộ chứng quả được là duyên, thực ra tu đến lúc nào đó là sẽ tới. Lúc nào đó quý vị sẽ tự chứng, tự tri, tự biết. Tự tác tự tri tự chứng, tự tác là tự làm, tự hành, tu đến lúc nào đó tự nhiên mình biết là tự chứng thôi, thành tựu. Quý vị đâu cần phải đi tìm ai nữa. Học Giáo pháp Phật cứ phải giữ Giới, bí quyết tu hành là phải giữ Giới cho nghiêm, phải giữ đặc biệt giới Vọng ngữ, quý vị phải dẹp đi, quý vị đừng nói dối nữa. Người Việt Nam mình là vua nói dối, phải nói là một trong những đất nước có văn hóa nói dối rất nhiều. Cho nên người đắc đạo không được, quý vị nói dối là bị lậu hết, chảy rỉ công đức hết. Cho nên ráng tu, ở đây mình chìm trong bùn lầy sinh tử rồi.
Do hết thời gian rồi, bây giờ định giải thích kệ, nhưng nếu giải thích hết đoạn này sẽ quá giờ. Vậy để hôm sau chúng ta sẽ vào phần giải thích. Hôm nay chia sẻ cho quý vị như vậy, quý vị có thấy bộ này đáng học không? Quý vị mới đầu thật thà nghe lời cứ học cứ nghe đi, còn ham đi tìm sách này kia coi cho rối tung rối mù lên. Riêng phần Duy Thức này là mảng mà người phương Tây rất thích, ai mà biết tiếng Anh lên mạng search ra đầy luôn. Nhưng mà họ dịch thì không phải ai cũng dịch được đâu quý vị, người phải có vốn Phật học khá, tu phải có tu có học có trình độ khá người ta dịch mới ổn. Còn không mình coi thì giống như đám rừng, chỉ lạc thêm thôi. Rồi coi mà phân biệt, chấp trước. Có nhiều người không có giỏi mà cứ phân biệt chấp trước, coi rồi cứ so sánh, không biết sao thầy giảng như vậy còn trong sách này nói như vậy. Quý vị cứ như vậy thì quý vị nghi ra, quý vị tu học cũng không được. Thôi mình mới còn dốt thì mình cứ chịu khó, thầy giảng bao nhiêu quý vị nghe bấy nhiêu đi, nghe hết đi rồi bắt đầu mình mới so sánh, sau đó mình bắt đầu mới có nền tảng sau. Còn quý vị giỏi thì quý vị mới học như vậy.
Hồi xưa Thiện Trang cũng dốt lắm, nghe Hòa thượng Tịnh Không giảng và coi kinh thôi chứ không coi lung tung lang tang, mất công coi nhiều người giảng là rối lên, tại vì mỗi người giảng mỗi kiểu. Coi kinh thôi là đã thấy rối rồi, tại vì có nhiều điều Hòa thượng và kinh là trái với nhau, mình cũng chẳng biết bên nào đúng nữa. Giống như mình tin kinh hơn, nhưng mà mình không hiểu tại sao Hòa thượng lại nói như vậy. Sau này giải dần những điều nghi đó, chẳng hạn có những điều mà mãi tới sau này Thiện Trang mới giải được. Thiện Trang nghĩ sao Hòa thượng nói như thế, tại sao kinh nói như vậy nhỉ, tại sao như vậy. Dần dần rồi giải được, gần như giải hết được các điều nghi rồi, bây giờ hết rồi, không sao nữa, bây giờ không vấn đề. Nhưng nếu quý vị không có đủ bản lĩnh đó thì quý vị sẽ nghi. Và nghi là một trong những chướng ngại lớn nhất trên đường tu của mình, tại vì mình không hiểu, mình đâu biết bên nào đúng bên nào sai.
Quý vị coi Thiện Trang giảng như vậy, rồi coi vị thầy khác giảng khác thì biết được ai đúng ai sai. Đâu biết lấy ai làm chuẩn bây giờ, biết ai tu hơn ai, ai căn cứ tài liệu hơn ai, tại vì có nhiều người giỏi bên ngôn ngữ này, nhưng không giỏi bên ngôn ngữ kia. Ví dụ như chữ Hán tạng này là ngôn ngữ khác, hoặc Luận Câu Xá này mà quý vị lấy bản của ngài Chân Đế dịch khác. Hoặc là coi bản khác sẽ khác ngay, không giống đâu, khổ lắm.
Cho nên mới đầu thật thà đi, học cho biết, chịu khó nghe bao nhiêu nắm bấy nhiêu. Bữa nay Thiện Trang chia sẻ rất nhiều phần hay. Quý vị nghe khúc đầu cố gắng học, nghe đoạn đầu đó là đoạn tinh hoa. Còn phần giới thiệu này mới giới thiệu thôi từ từ, bao giờ mình học đến phẩm Hiền Thánh rồi bắt đầu mình mới vô, rồi học Phẩm Định nữa mình tu mới được.
Cho nên Thiện Trang cố gắng hy vọng thời gian là cứ một tuần chia sẻ một buổi như vậy thì sẽ đi được nhanh hơn, còn thỉnh thoảng nghỉ. Thiện Trang bây giờ cũng rút kinh nghiệm rồi, biết rồi cho nên Thiện Trang phiên dịch, có người nào nói phiên dịch thì Thiện Trang cũng cố gắng phiên dịch nhưng mà Thiện Trang phát hiện rồi, phiên dịch cũng có vấn đề của phiên dịch. Tức là nếu mình phiên dịch nhiều quá, ham phiên dịch thì mình tu cũng không được, vào tu không có định vì bị trạo cử. Tại vì mình học phiên dịch là phiên dịch nào, ví dụ Hòa thượng Tịnh Không giảng thì ngoài phần ngài giảng trong Kinh, trong Luận, trong Chú ra thì được. Nhưng mà ngài giảng phần Văn hóa Truyền thống v.v… mình nghe những phần đó một hồi rồi mình vô tu là bị trạo cử. Cho nên Thiện Trang kêu sau này phải có cách nào, có cách là mình phải cắt bỏ đi những phần đó trong bài giảng mình đăng lên rồi, nhưng mà Thiện Trang không có thời gian. Hy vọng cắt những phần Văn hóa, cắt những phần không liên quan đến mình đi để mình chỉ có nghe chuyên bộ Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú mà toàn giáo pháp không. Mình nghe như vậy thì mới sanh định.
Đây là Thiện Trang chỉ bí quyết cho quý vị. Quý vị nào có thời gian làm dùm đi. Bộ Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014 Thiện Trang dịch khá chuẩn, sai sót ít thôi, vẫn có sai sót nhưng mà ít thôi. Chứ mấy bộ của người khác thấy sai sót nhiều quá Thiện Trang không muốn coi. Ai mà có thời gian nên down file ở trên kênh Cực Lạc Diệu Độ của Thiện Trang về, cắt đi rồi đăng lại thành một bài chuyên như vậy thì làm giúp Thiện Trang, hoặc cấp video đó cho Thiện Trang để Thiện Trang tự đăng lại bên kênh Thiện Trang để sau này khi nhập thất, khi tu mình chỉ nghe video đó thôi, thì sẽ có định sâu mới vào được. Còn không thì đang nghe nhiều khi tập Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa chẳng hạn, Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú thì đỡ hơn, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa nhiều khi hai tiếng đồng hồ, Hòa thượng giảng hết một tiếng hơn bốn mươi phút là phần văn hóa rồi. Mình nghe phần đó không, đâu có giúp cho mình, tại vì mình đâu có tâm lượng rộng như ngài, mình đâu có thể đi hoằng dương Văn hóa thế giới. Cho nên điều đó cũng chướng ngại. Cũng hên xui, có bữa dịch hai tập liền mà chẳng có định gì hết, tại vì vô phần đó. Còn có bữa vô đúng tập thì đã ghê, Hòa thượng giảng một tiếng bốn mươi mấy phút toàn là trong kinh, nghe vô định liền, phiên dịch như vậy thì vô định thôi.
Cho nên học pháp cũng có nhiều điều, quý vị hiểu Thiện Trang, đây Thiện Trang rút kinh nghiệm rồi, cho nên đợt này Thiện Trang vô kêu Hòa thượng giảng Văn hóa nhiều quá nên thôi, con xin phép bữa nay con dịch ít thôi để con tu, con lo nghe kinh, con niệm Phật, con có thời gian thiền định. Còn nếu khi Hòa thượng giảng mấy tập này vô sâu thì mình nghe nhiều hơn. Thiện Trang vẫn lấy là ⅔ thời gian học, ⅓ thời gian tu, vì còn khả năng học mà, Thiện Trang đã cố gắng như vậy.
Ai mà có khả năng thì làm đi, có thời gian làm. Thiện Trang bây giờ nhiều việc quá, người thì muốn Thiện Trang in sách, người thì muốn thế này thế kia. Sách bây giờ nếu in ra chắc cũng mấy bộ nữa, nhưng không có thời gian làm, mà bây giờ phải tu nữa. Bây giờ thiền định vô rồi, thích tu hơn. Hồi xưa mình không có vô được bao nhiêu, tu lâu lâu mới vô. Còn bây giờ ngồi đã hơn, ngồi mấy tiếng xếp bằng, ngồi kiết già chả thấy đau gì hết, ngồi thoải mái nên thích tu hơn. Và tu phải [có] Thiền chỉ, Chỉ Quán song vận mà. Hồi xưa vô bằng con đường Thiền quán, tức là phải học pháp rồi mới tu được. Còn bây giờ học pháp ít thôi, sơ sơ thôi, vô vẫn ngồi được rồi. Thiện Trang thích ban tối, tắt hết đèn, màn đêm buông xuống một hai giờ sáng, bắt đầu đi một cách nhẹ nhàng trong phòng nhìn ngắm trời để thấy pháp vô thường sanh diệt, thấy câu Phật hiệu nổi lên từng bước đi. Lúc đó quý vị thấy đã lắm, cuộc đời tươi đẹp biết bao, ước gì như vậy mãi. Rất tiếc thế gian vô thường, mỗi hoàn cảnh luân chuyển liên tục.
Như đợt vừa rồi ngài Minh Tuệ, coi đợt đó Thiện Trang nghĩ bao nhiêu người rớt nước mắt. Thiện Trang thấy rất buồn khi thấy cảnh của ngài Minh Tạng, lúc đầu thấy buồn, tội! Thiện Trang không có lo cho ngài Minh Tuệ, vì bậc Thánh mà, không sao! Thiện Trang cảm giác ngài không có vấn đề gì hết, cho nên không có lo. Thiện Trang kêu trước sau gì người ta cũng phải đưa ra thôi, áp lực quá rồi người ta cũng sẽ đưa ra. Vừa coi video Thiện Trang nói video này người ta xóa phông rồi, tại vì Thiện Trang là người trong nghề làm video mà, Thiện Trang nhìn là biết ngay không có được đâu. Rồi cuối cùng người ta cũng đưa video thật lên, coi được rồi.
Ngài tu cũng đơn giản thôi, không có gì cao siêu hết. Nhưng mà quan trọng là thật thà, nghe lời, thật làm, Phật dạy sao thì làm vậy, giữ giới cho chắc vô. Khi giữ giới được chắc rồi thì có định. Và đồng thời mình đừng có ham, gọi là ham làm quá bổn phận. Ở trong kinh tạng này, Kinh A Hàm, Kinh Nikaya, hay là tạng Vi Diệu Pháp luôn luôn đề xuất giải thoát sanh tử là số một. Không có nói như bên Bắc truyền, kinh điển Đại thừa là nói cho Bồ-tát, toàn là nói độ sanh nhiều. Còn quý vị coi Kinh A Hàm, đặc biệt Kinh Tạp A Hàm, hầu như lúc nào cũng nói vô thường sanh tử, con đường ra khỏi sanh tử thôi, không có nói lung tung lang tang đâu, chỉ đưa nhiêu đó thôi. Mình cũng vậy, mình học rồi thì phải lấy điều đó. Bởi vì phàm phu mà, độ sanh gì được, A-la-hán kìa, công phu chưa chắc độ sanh được bao nhiêu. Mà quý vị chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn cũng chưa độ sanh được, Nhị quả cũng chưa độ sanh được bao nhiêu, phải Tam quả trở lên, có chút chút là Tứ quả mới được. Quý vị chứng được Tam quả A-na-hàm, quý có thêm thiền định, quý vị có Thần thông, hằng ngày quý vị ở nơi này quý vị đi khất thực nơi kia, sướng không? Ví dụ như quý vị ở Việt Nam, quý vị thích qua Ấn Độ khất thực cũng được, dùng Thần thông đi. Người ta thấy mình ở trên núi, đâu có biết mình đi khất thực ở nơi nào. Vậy sướng hơn không, tu hành như vậy đã hơn không. Mà Cư sĩ tại gia cũng đạt được chứ đâu phải người xuất gia mới đắc được.
Bây giờ nhiều người xuất gia vô trong chùa rồi cứ suốt ngày cúng kiếng v.v…, lên giảng nói toàn chuyện đời thế này thế kia thôi, đâu có giải quyết được sanh tử, chỉ gieo duyên thôi. Đâu có bằng mình, mình ở tại gia chăng nữa, mình chỉ cần một cái nhà nhỏ nhỏ, hằng ngày thâm nhập trong Phật pháp, hằng ngày niệm Phật, hàng ngày tu thiền định, giữ Giới, nghe pháp, tu mấy năm vượt xa lên, thậm chí đắc quả luôn. Đời này đắc quả rồi, chẳng lẽ không vãng sanh Tây Phương Cực Lạc đối với những người tu Tịnh Độ đúng không?
Cho nên ráng đi, đời này làm được hết. Sau khi có ngài Minh Tuệ thị hiện ra làm, thật ra bên Phật giáo Nam truyền không có dùng từ thị hiện, tất cả đều là tu, không có thị hiện. Mà Thiện Trang quan sát kỹ những tấm hình từ hồi nhỏ của ngài Minh Tuệ, Thiện Trang thấy là ngài cũng giống như mình, hồi đó ngài rất bình thường, không có gì đặc biệt hết. Thiện Trang nghĩ ngài là bậc tu chứng đắc quả trong đời này, có lẽ là vậy, nhờ tu mà đắc chứ không phải thị hiện. Ngài làm được, ngài cũng giống mình mà, có gì đâu, phiền não cũng nhiều giống như mình v.v… Nhưng ngài có ý chí. Quan trọng là ngài học đơn thuần, ngài không có bị những yếu tố khác chi phối. Còn mình học mình bị chi phối nhiều yếu tố quá. Mình tu không rốt ráo, mình tu mình phải giữ giới rốt ráo, đó là điểm quan trọng. Cho nên Thiện Trang chỉ khuyên như vậy thôi.
Hôm nay, thời gian cũng hết rồi, xin hẹn quý vị bữa khác. Ai có thắc mắc gì thì thứ Sáu này có Phật học vấn đáp. Thứ Bảy chúng ta giảng Tịnh Độ. Tuần sau nếu không gì bận thì chúng ta tiếp tục. Cứ vào thứ Tư, Thiện Trang sẽ chia sẻ về phần này. Coi vậy chứ một bữa có thể học mấy bài kệ, có những phần một bữa có thể học được mấy bài kệ. Học 30 quyển này thật ra ngắn hơn bộ Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú. Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú dài hơn, hơn 40 quyển. [Bộ] này ít hơn Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú (Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng), cho nên chắc chắn học cũng sẽ hết thôi. Hôm nay chúng ta dừng ở đây, mời quý vị chúng ta hồi hướng:
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
“Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đồng sanh về Tịnh Độ”.