Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 11: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 11.
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 18.09.2024
Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang
https://www.youtube.com/watch?v=zVYIe5GyQwQ
mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô A Mi Đà Phật!
Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Lâu rồi chúng ta lại gặp nhau. Hình như Thiện Trang đã nghỉ hai tuần về chủ đề Luận Câu Xá, hôm nay chúng ta mới có cơ hội gặp lại. Thời gian qua có một số vấn đề về nhiều mặt, cho nên Thiện Trang tạm nghỉ. Thứ nhất là để cho Thiện Trang có thời gian khôi phục, để học hành chút, tu hành chút, chứ bận rộn quá không có thời gian. Thứ hai là cũng vì cơn bão, ảnh hưởng lũ lụt ở miền Bắc, các quý vị đồng tu không có thời gian để học tập. Cho nên Thiện Trang cũng để quý vị có thời gian ổn định lại tâm lý. Đó là lý do tại sao chúng ta nghỉ trong thời gian qua.
Nếu quý vị là những người học, mình là hành giả thâm nhập sâu vào kinh tạng. Chúng ta có chánh tri kiến của xuất thế gian, thì những sự việc xảy ra trong đời, dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh, [thì] mình cũng nhẹ nhàng đón nhận. Và không chỉ thế, mình cũng chuyển Phiền não thành Bồ-đề.
Thiện Trang nhớ có câu chuyện ở trong Tiểu Bộ Kinh, thuộc tạng Nikaya. Có một cô Phật tử tại gia, vào thời đức Phật, sau khi nghe pháp thì rất hâm mộ pháp của đức Phật, [nên] xin đi xuất gia. Nhưng gia đình chồng không cho. Vì muốn đi xuất gia, thì gia đình phải đồng ý, cho nên cô đành phải ở nhà. Tuy ở nhà, nhưng cô rất cố gắng học. Vào một hôm nọ, đang lúc nấu ăn, cô sơ ý để cho lửa bốc cháy mạnh lên. Giống như chúng ta đang chiên đồ ăn, mà để dầu [với] lửa bốc [lên], cháy khét hết đồ ăn, cháy xèo, xèo, xèo. Trong lúc nhìn thấy những thức ăn bị cháy, cùng với những tiếng kêu xèo xèo đó, thì cô chợt giác ngộ và đắc được Tam quả A-na-hàm.
Quý vị thấy đó là một vị Cư sĩ tại gia thôi, nhưng trong tâm luôn luôn hằng tồn, tức là luôn luôn giữ được tâm giải thoát, tâm giác ngộ, thì dù một cảnh nào đó, đến lúc đủ duyên, sẽ chứng được đạo giải thoát. Cô ấy đã chứng được Tam quả A-na-hàm ngay ở tại gia. Đấy là một câu chuyện ở trong kinh, quý vị tìm trong Tiểu Bộ Kinh thì có câu chuyện này.
Quý vị thấy vấn đề ở chỗ, là mình biết tu trong mọi hoàn cảnh. Trong hoàn cảnh nào thì mình cũng hiểu được. Ví dụ thời gian qua, nếu chúng ta là người huân tập lâu dài trong Phật pháp, thì thấy những cảnh đời, dù quý vị ở trong hoàn cảnh của tai nạn, của bão, của lũ lụt. Hoặc chúng ta không thấy trực tiếp, mà chúng ta coi qua mạng, qua xã hội, nếu quý vị là người thâm nhập sâu, thì tự nhiên giác ngộ đời là vô thường, đời là giả tạm, Phiền não của mình sẽ bớt sanh hơn, và trí tuệ của mình lại sanh nhiều. Và biết đâu ngày nào đó quý vị sẽ đắc đạo.
Bởi vì đắc đạo thông thường có hai hạng: Một hạng người là nhìn vào thuận cảnh mà đắc đạo, một hạng người là nhìn vào nghịch cảnh mà đắc đạo. Vấn đề là chúng ta tu [trong] hoàn cảnh nào nhiều hơn. Trong đời quá khứ nếu mình tu trong khổ hạnh, trong nghịch hạnh, thì thông thường chúng ta sẽ đắc đạo trong hoàn cảnh nghịch. Và nếu trong đời quá khứ mình thường tu ở trong thuận cảnh nhiều, thì có thể mình đắc đạo trong thuận cảnh. Nhưng Thiện Trang coi trong kinh, Thiện Trang thấy có lẽ do cõi Ta Bà này, Thế giới chúng ta là Thế giới rất khổ, cho nên đa số những người đắc đạo, đều là những người thấy hoàn cảnh khó khăn mà đắc đạo.
Chúng ta học bộ môn này để làm gì? Nói chung là học Phật pháp để huân bồi, huân tập. Bởi vì nếu chúng ta thường xuyên huân tập, thì đến lúc nào đó sẽ đủ để chứng quả giải thoát.
Ở trong Kinh Khúc Gỗ Trôi trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, hoặc quý vị có thể tìm Kinh Khúc Gỗ hình như trong Kinh Tăng Chi, bên Tạng Nikaya, có một đoạn nói như thế này:
Đức Phật chỉ một khúc gỗ trôi trên sông và nói: “Khúc gỗ này nếu không bị vướng vào bờ bên này, không bị vướng vào bờ bên kia, không chìm xuống đáy, không mắc ở bãi cù lao, không vào dòng nước xoáy, không bị người ta vớt lên, không bị Phi nhân giữ lại, cũng không bị mục, thì sẽ xuôi theo dòng nước, thuận dòng mà rót về, cuối cùng ra biển lớn”.
“Cũng vậy, một vị Tỳ-kheo (chúng ta nói người tu hành) không vướng vào bờ bên này, không vướng vào bờ bên kia, không bị chìm, không bị mắc ở bãi cù lao, không vào dòng nước xoáy, không bị người vớt, không bị Phi nhân giữ lại, cũng không bị mục thì vị ấy sẽ xuôi dòng về Niết-Bàn”.
Nghĩa là nếu chúng ta tu được tốt, thì yên tâm, chắc chắn chúng ta sẽ ra khỏi sanh tử. Đó là điều chắc chắn. Trong này đức Phật có nói nhiều về vấn đề đó, nhưng Thiện Trang xin phép chỉ nói sơ qua ở trong đây. #Bờ bên này là Sáu nhập xứ, tức là những gì mình tiếp xúc hàng ngày qua Sáu căn. #Bờ bên kia là Sáu ngoại nhập xứ. Tức là một bên là nội xứ (là trong tâm), hai [là] ngoại xứ. #Bị người vớt lấy: tức là như người nào gần gũi với người thế tục hay người xuất gia. Nếu gặp chuyện sướng, khổ, buồn, vui, những việc làm của họ cũng đều cùng cộng đồng với họ. Nói chung là người xuất gia mà đồng hạnh với người tại gia, thì cuối cùng gọi là bị người vớt lấy. #Bị Phi nhân giữ lại: tức là mình tu phạm hạnh, khổ hạnh, v.v… để sanh lên các cõi Trời. Có nghĩa là [mình] mong muốn, ước mơ lên cõi Trời, chứ không phải tu để giải thoát. #Bị dòng nước xoáy: tức là thoái chuyển trở lại. #Bị hư mục: tức là bị phạm giới, phạm các pháp bất thiện. Như vậy nếu tu đúng pháp, thì chắc chắn sẽ giải thoát. Quý vị yên tâm về điều đó.
Ở đời quý vị biết là rất nhiều chuyện, mình [không] biết như thế nào. Giống như có câu chuyện hài thế này, câu chuyện cũng vui mà cũng không cũng hẳn là [vui]. Có một người đi đám cưới, đám cưới bây giờ ở Việt Nam, hình như Thiện Trang thấy người ta để bảng ghi là: “Đừng đi dưới 300. 300 tội lắm! Nhà lỗ”. 300 ngàn đó quý vị. Có hai vợ chồng đó, sau khi đám cưới xong, thì mở xấp phong bì ra đếm tiền. Khi đếm thì thấy có [phong bì] của ông chú ruột, ghi là: “Chúc hai cháu năm trăm hạnh phúc”.
Quý vị nghe cho kỹ nha, “chúc hai cháu năm trăm hạnh phúc”. Và số tiền ổng để trong đó là hai tờ 500, tức là 1 triệu, nhưng lại ghi là “chúc hai cháu năm trăm hạnh phúc”. Năm trăm hạnh phúc, chứ không phải trăm năm hạnh phúc.
Do là chú cháu, nên bữa sau người chồng mới gọi điện [cho chú] hỏi: “Thưa chú, chú có lộn không vậy? Hôm bữa chú đi đám cưới tụi cháu, chú đi 1 triệu mà chú ghi “chúc hai cháu năm trăm hạnh phúc” là sao? Chú ghi lộn rồi! Đáng lẽ chú phải [ghi] chúc hai cháu hoặc là “một triệu hạnh phúc”, hoặc là “chúc hai cháu trăm năm hạnh phúc” chứ. Chắc chú ghi lộn đúng không? Chắc [chú] đưa cho đứa em ghi lộn đúng không?”.
Người chú nói: “Không! Tao không ghi lộn, tao ghi đúng rồi. Nếu tao ghi trăm năm hạnh phúc, thì tao vọng ngữ. Vì tụi mày sống chắc không được trăm năm nữa đâu. Cho nên tao đi một triệu, nhưng tao cũng nghĩ tụi mày khó được một triệu hạnh phúc lắm, thôi được 500 lần hạnh phúc là được rồi”. Tức là trong đời có 500 lần hạnh phúc, cho nên gọi là 500 hạnh phúc. Thực tế đúng không quý vị?
Nghĩa là ở trong cuộc đời không có phải lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc nhiều được đâu. Mình cứ nói chúc hoài, thật ra đó là [về] mặt tâm lý đúng không quý vị? Còn đây là một lời chúc thực tế. Cho nên mình hiểu được thực tế cuộc đời là khổ, còn hiện hữu ở cõi đời này là còn khổ.
Vừa qua trận bão, trận lũ như vậy, chúng ta thấy rõ ràng đúng không quý vị? Thật sự lúc xảy ra chuyện thì chẳng ai biết được. Quý vị cứ tưởng tượng, mình là người đi qua cây cầu, mấy phút trước mình còn đang vui vẻ, mấy phút sau thì mình rớt xuống sông. Hoặc là tất cả những gì mà mình mong đợi, mình dựa vào, mình tính toán giàu sang, nhà cửa… một cơn lũ quét qua thì không còn nữa, tất cả đều thành không.
Cho nên ở đời nương tựa vào đâu? Quý vị biết về câu chuyện nương tựa, Thiện Trang có lấy nhiều ví dụ. Có một vị thầy lấy một hình ảnh rất hay, đó là con chim đậu trên cành cây, [nhưng] nó nương tựa vào đôi cánh. Nó có đậu trên cành cây, nhưng nó khác với người. Người thì mình tin vào cành cây, mình leo lên cây, thì chắc chắn mình [sẽ] dựa hết sức của mình vào cành cây đó. Còn con chim, tuy là đậu trên cành cây, nhưng không dựa hết sức vào cành cây đó, mà nó tin vào đôi cánh của nó. Vì bất cứ lúc nào, cành cây cũng có thể gãy, thì nó dùng đôi cánh bay đi. Còn chúng ta, nếu cành cây gãy, thì chúng ta không còn chỗ dựa nào khác, cho nên rớt theo.
Ý nói là thông thường chúng ta nương tựa vào những điều bên ngoài, những vô thường, những giả tạm, những gì của thế gian, cho nên chúng ta mới đau khổ. Người học Phật, nếu biết thì hãy nương tựa vào chính mình. Nương tựa vào chính mình bằng điều gì? Ít nhất là [nương tựa vào] phước báo của mình, thứ hai là giới hạnh của mình, trí tuệ của mình, và quan trọng là giải thoát của mình. Khi quý vị có nhiều tư lương của bản thân, thì quý vị sẽ không có đau khổ khi thế gian vô thường. Lỡ một mai vô thường đến, ta cũng có chỗ tốt lành mà đi. Chúng ta cũng có thể có được nhiều điều tốt đẹp, nếu chúng ta đã yên tâm, hoặc là chúng ta đắc đạo rồi thì không còn lo lắng nữa.
Cho nên hãy làm ốc đảo cho chính mình. Đức Phật nói là hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy làm ốc đảo cho chính mình. Mà ốc đảo này phải xây dựng dựa vào Giới, Định, Huệ. Muốn có Giới, Định, Huệ, không có cách nào khác hơn là chúng ta phải học, [và] thâm nhập kinh tạng. Thâm nhập kinh tạng càng sâu, thì tự nhiên Giới, Định, Huệ của mình đầy đủ. Bởi vì nếu không có thâm nhập kinh tạng, thì ở đời chúng ta, theo A Tỳ Đàm, thì mọi người do ba điều: Một là tiền nghiệp, tức là nghiệp đời quá khứ, nghiệp trước; hai là khuynh hướng tâm lý; [và] ba là môi trường sống, mà dẫn đến sự yêu thích, ghét, v.v… của mỗi người không giống nhau.
Chúng ta sống ở môi trường đó, thì chúng ta bị ảnh hưởng [bởi] môi trường sống. Chúng ta có khuynh hướng thế nào, thì chạy theo khuynh hướng đó. Ví dụ người khuynh hướng thích đẹp, thì chắc chắn họ cũng sẽ thích đến nơi đẹp, chạy một hồi rồi cũng tới nơi đẹp, thích vậy mà. Còn người thích khổ hạnh, thế nào rồi [họ] cũng lên rừng sâu núi thẳm, hoặc là tìm những người thầy khổ hạnh. Đó là khuynh hướng tâm lý. Và tiền nghiệp tức là nghiệp đời quá khứ của mình, đưa đẩy, dẫn dắt mình đi về đâu.
Cho nên mình là người tu học, mình phải có điểm tựa. Quý vị nên nhớ, con đường giải thoát không nằm xa, đừng có nghĩ xa xôi quá. Hãy nghĩ chúng ta đang sống trong hằng ngày, là chúng ta đang đi trên đường giải thoát, nếu chúng ta biết đổi lại. Bởi vì Thiện Trang từng nói với quý vị: con đường để đi ra khỏi rừng, cũng chính là con đường đi vào rừng thôi. Mình biết đường thì mình ra, [còn] mình không biết đường thì mình không ra được. Nó có hai lối, nếu con đường đó là đường cụt, thì đi ngược lại là ra khỏi rừng. Nếu là đường xuôi thì mình đi hai lối, lối nào cũng ra khỏi rừng được hết.
Khi đi thì mình phải biết lựa chọn. Con đường ra khỏi rừng, thì tất nhiên nó không nằm ở ngoài rừng. Không có con đường nào ra khỏi rừng, mà nằm ngoài rừng hết. Mình lựa chọn như thế nào? Có phải là lựa chọn một con đường thơ mộng, đầy hoa hồng, đẹp mắt, mình thấy con đường đẹp như vậy nên mình đi theo. Hay là con đường nhiều gồ ghề, nhiều vũng sình lầy, rồi mình đi? Cũng không đúng! Quan trọng là mình lựa chọn con đường nào ngắn nhất, con đường nào an toàn, con đường nào hợp lý, con đường đó phải ra khỏi khu rừng.
Tức là học Phật pháp hãy chọn con đường ra khỏi sanh tử, con đường tu học là chọn con đường lý trí, không dựa vào những điều thơ mộng: nào thầy đẹp trai, thầy tướng hảo, thầy nổi tiếng, v.v… thế này kia. Đó là chọn con đường thơ mộng. Còn ngược lại, cũng có thể chọn thầy quá khổ hạnh, thế này thế kia v.v… mà quên mất là không biết điều đó thế nào. Đó gọi là chọn những con đường gồ ghề. Có người có khuynh hướng như vậy, đó là khuynh hướng tâm lý. Cho nên quý vị hãy cứ tu theo lý trí. Phật Pháp là phải chọn lý trí.
Chúng ta tu phải nói là không biết bao nhiêu kiếp, bao nhiêu đời rồi. Quý vị biết như hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, tới thời đức Phật Thích Ca là tu bao nhiêu kiếp không? Hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, sở dĩ làm Thượng thủ trong chúng hội của đức Phật Thích Ca, là bởi vì hai ngài đều đã tu một a-tăng-kỳ kiếp, cộng thêm 100.000 Đại kiếp. Một a-tăng-kỳ, con số nếu chúng ta tính là 1 x 10140, tức là con số 1 đằng trước với 140 con số 0 đằng sau, và đơn vị là Đại kiếp đó quý vị. Tức là trái đất này sanh diệt tính ra là 1 và 140 con số 0 đằng sau nữa. Nhiều như vậy, rồi cộng thêm 100.000 Đại kiếp nữa. Cho nên [với] năng lực cỡ đó, thì các ngài mới làm Thượng thủ trong chúng hội của đức Phật Thích Ca.
Còn Tôn giả được đắc độ đầu tiên, là Tôn giả Kiều Trần Như. Quý vị biết ngài Kiều Trần Như tu bao nhiêu kiếp không? Ngài tu 100.000 Đại kiếp. Đấy là những bậc [tu như vậy], cho nên toàn làm Thượng thủ đắc độ đầu tiên, v.v… là tu lâu. Còn mình không biết mình tu được bao nhiêu.
Sẵn đây Thiện Trang nói luôn, thật ra mình cứ tu thôi quý vị. Coi vậy thôi chứ thời gian 100.000 Đại kiếp, hay một vài kiếp, hay một a-tăng-kỳ kiếp, so ra với vô lượng kiếp từ khi mình tới đời này tới giờ, gọi là mình tới trong luân hồi đó, thì không là gì cả. Cho nên ví dụ như chủng tánh tệ nhất là 80 a-tăng-kỳ kiếp, thì cũng không là gì [so] với thời gian vô lượng đó.
Sẵn hôm nay nói luôn, có nhiều người nói con tu nhiều vậy sao không đắc quả? Đắc quả hay không thì có nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố là Ba-la-mật phải đủ, tức là mình tu phải đủ, và cũng có nguyên nhân. Hôm nay Thiện Trang xin bật mí thêm một nguyên nhân nữa, mà bao nhiêu năm nay Thiện Trang cũng thắc mắc, là tại sao có những người tu học rất giỏi mà không đắc quả.Mà có người tu đâu có giỏi lắm, [nhưng] tu một hồi cũng đắc quả, trong kinh cũng có như vậy. Và tại sao thực tế cũng có như vậy? Bởi vì hạng người đắc quả thì bình thường rồi, [còn ở đây] chúng ta nói hạng người không đắc quả.
Thứ nhất là chưa đủ Ba-la-mật, tức là mình tu chưa đủ. Hạng người đó không đắc quả được là đương nhiên, và đó là số đông. Nhưng có một phần số ít, là những người đó nếu đắc quả thì họ thừa sức đắc quả, nhưng do nguyện lực mà không đắc quả.
Tại sao gọi là do nguyện lực mà không đắc quả? Tại vì đời quá khứ người ta phát tâm A-nậu-Đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tức là phát tâm thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chỉ phát tâm thành Phật thôi, cho nên những quả vị nhỏ như Tu-đà-hoàn, A-la-hán v.v… [thì] không đắc. Vì nếu đắc những quả vị đó, thì theo giáo lý của Nam truyền, theo giáo lý A Tỳ Đàm, nói là như vậy thì trái nghịch với tâm để thành Phật. Vì họ đắc đó là họ nhập Niết-Bàn mất rồi.
Hồi xưa Thiện Trang học trong giới Bồ-tát, có một giới mà Thiện Trang không hiểu lắm. Trong giới Bồ-tát có nói rằng: Nếu đang tu học thọ giới Bồ-tát, mà mình khởi lên ý niệm là chứng quả Tu-đà-hoàn, chứng quả A-la-hán thì phạm giới Bồ-tát. Sao kì vậy? Sao [khởi ý niệm] chứng quả A-la-hán lại phạm giới Bồ-tát? Sau này Thiện Trang mới hiểu, Thiện Trang dung thông giữa Nam truyền và Bắc truyền lại, thì hiểu rằng: nếu quý vị chứng những quả vị đó, thì quý vị nhập Niết-Bàn. Vì nhập Niết-Bàn nên mất thời gian để độ sanh, theo kinh điển Đại thừa, theo Bắc truyền, thì A-la-hán nhập vô Niết-Bàn hết hai vạn Đại kiếp. Cho nên vì thời gian đó, rồi sau đó họ mới phát tâm Bồ-đề. Chính vì như vậy nên không đắc.
Và con đường đó không ai khác đi, chính là con đường của đức Phật Thích Ca. Đức Phật Thích Ca đã đi con đường đó, cho nên quý vị coi ngay vào thời đức Phật Ca Diếp, đức Phật Thích Ca vẫn chưa chứng đạo. Điển hình có câu chuyện: ở trong thời Phật Ca Diếp, Ngài cùng với mấy anh em, mấy người thân nữa, tổng cộng là bảy người, thấy giáo pháp của đức Phật Ca Diếp mai một, người tu hành không tốt. Các ngài chán nản quá, nên rủ nhau lên một mỏm đá ở đó [để] tu, và đều nguyện rằng: cho đến khi chết cũng không rời khỏi nơi này. [Các ngài] phát tâm như vậy.
Quý vị thấy lời nguyện đó, giống như lời nguyện lúc Ngài ngồi dưới cội cây Bồ-đề. Ngài cũng nguyện là nếu không đắc đạo, thì sẽ không rời khỏi cây đó. Và không phải một lần Ngài phát nguyện như vậy, [mà] đã bao nhiêu lần rồi. Và lần đó tức là lần trong thời đức Phật Ca Diếp, bảy người anh em đó, sau khi làm vậy, thì chỉ có hai người đắc đạo giải thoát. Năm người còn lại chết và không đắc đạo, dù thề nguyện như vậy.
Cho nên không phải thề nguyện nào cũng thành tựu ngay lập tức. Và tất nhiên cái giá cũng có quả ngọt, năm người sót lại đó, trong đó có đức Phật Thích Ca. Đức Phật Thích Ca thì sau này thành Phật, còn mấy vị kia thành Thanh văn, đắc A-la-hán trong đời của đức Phật Thích Ca. Quý vị thấy tu cỡ đó mà còn chưa thành tựu.
Mà đức Phật Thích Ca [khi làm Bồ-tát] còn luân hồi lên xuống rất nhiều, bởi vì Ngài không nguyện đắc những quả nhỏ. Giống như thuyền lớn không thể đậu ở bến nhỏ. Quý vị đi thuyền to quá mà, đi tàu lớn, thì làm sao đậu ở cảng nhỏ được. Cho nên cũng vậy, một người đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nguyện thành Phật độ chúng sanh, do nguyện lực đó nên không đắc các quả vị nhỏ của Tiểu thừa.
Chính vì vậy, đức Phật Thích Ca mới nói trong Kinh A Hàm rằng: Ngài có 37 lần làm vua trời Đế Thích, 16 lần làm vua trời Phạm Thiên, v.v… kể ra biết bao nhiêu như thế. Và Ngài nói Ngài chưa từng đến năm tầng trời Bất Hoàn (Ngũ Bất Hoàn Thiên). Vì nếu lên đó thì không trở lại thế gian này nữa, nên Ngài nguyện như vậy thôi. Chính vì nguyện như vậy nên khổ, chìm đắm, cứ lên xuống lên xuống. Có nhiều đời cũng đọa chứ quý vị.
Và trong A Tỳ Đàm nói, một vị Bồ-tát được đức Phật thọ ký, tức là thọ ký bao nhiêu đời sau, bao nhiêu kiếp sau thành Phật, có đọa cỡ nào thì cũng không đọa vào loài nhỏ hơn một nắm tay. Bởi vì nếu đọa vào những loài nhỏ hơn một nắm tay, thì trí huệ không đủ, tức là đầu óc không đủ, thì khó mà ngóc đầu lên được. Cho nên mình thấy con đường đó dài xa quá, ngán! Nghe nói tới đây, Thiện Trang tin là đa số nói thôi con nguyện chứng A-la-hán, ra khỏi sanh tử thôi, chứ không dám tu theo con đường của đức Phật, dài xa quá! Ngài tu hết 20 a-tăng-kỳ kiếp mới thành tựu. Con nghe vậy, con cũng sợ quá.
Thật ra không hẳn như vậy! Quý vị nên nhớ, nếu quý vị chịu khó thâm nhập kinh tạng một chút, quý vị coi nhiều câu chuyện, thì quý vị mới hiểu rằng: đức Phật thật ra chỉ khổ giai đoạn đầu thôi, hành Ba-la-mật khổ lúc đầu thôi. Khi vượt qua, Thiện Trang nhớ là từ khi được đức Phật Nhiên Đăng thọ ký rồi, thì sau này hầu như những gì mà Ngài làm, tuy ở trong vòng luân hồi, có lúc làm con này, lúc làm con kia, nhưng Ngài sống tự tại. Thế nào là tự tại? Tự tại là Ngài nguyện điều gì thì thành điều đó. Ngài muốn điều gì thì thành điều đó. Có đời Ngài gần chết, nên Ngài nguyện là bệnh đó hết thì hết bệnh thật. Có đời Ngài bị thương, Ngài nguyện không bị thương thì hết bị thương. Tại vì Ba-la-mật trong vô lượng kiếp quá khứ (ba a-tăng-kỳ kiếp trước), đủ mạnh để giúp cho điều đó.
Cho nên Đại thừa gọi là Bồ-tát thị hiện đó quý vị. Nên mình tu giai đoạn đầu cực kỳ khó khăn, mà đến khi có một chút tích lũy đủ rồi, thì giai đoạn sau đi thong dong tự tại, dù có còn đọa trong vòng luân hồi. Cho nên học thì mình học cho tới nơi. Chứ học không tới nơi, thì [mình nói] sợ quá. [Nếu] ai sợ quá, thì bữa nay Thiện Trang giới thiệu cho giải pháp, có con đường là sanh về Thế giới khác, sanh về Tây Phương Cực Lạc đó. Nếu ai tin được Đại thừa, ai tin được Tịnh Độ, thì đó là con đường [để] né. Còn ai sợ nữa thì thôi, phát tâm Tiểu thừa, nguyện thành A-la-hán ra khỏi sanh tử, [rồi] từ từ độ sanh sau. Chứ còn phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là phát tâm thành Phật, đi con đường đó thấy sợ quá.
Nhưng Thiện Trang khuyên rằng: tùy căn tánh mỗi người, đức Phật cũng có lúc khuyên phát tâm Bồ-đề, nhưng có người thì Phật cũng không khuyên. Điều đó thì tùy thôi. Và mình muốn tu được, thì cố gắng vượt qua. Ví dụ hôm nay Thiện Trang nhắc lại một chút về năm Triền cái, trích từ trong kinh:
5 Triền Cái
Có năm chướng ngại Triền cái này, này các Tỷ-kheo, bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm? Năm Triền cái này bao phủ tâm mình, và làm cho trí huệ yếu ớt. Vậy thế nào là năm, chúng ta học rõ ràng theo kinh.
1. Một là Dục tham, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại Triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Dục tham là tham dục.
2. Hai là Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại Triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.
3. Ba là Hôn trầm Thụy miên, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, Triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.
4. Bốn là Trạo hối, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, Triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.
5. Năm là Nghi, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, Triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.
Những điều này chúng ta biết rồi, thông thường mình cứ nói gọn lại, chứ ngôn ngữ Kinh Nikaya cứ lặp lại hoài. Quý vị thấy [câu]“là chướng ngại, Triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ” cứ lặp đi lặp lại. Vậy thì mình chỉ cần nhớ [thứ nhất là] Dục tham (tham dục), thứ hai là Sân, thứ ba là Hôn trầm Thụy miên, thứ tư là Trạo hối, và thứ năm là Nghi.
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không đoạn tận năm chướng ngại Triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ, không có sức mạnh, và trí tuệ yếu kém, sẽ biết lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, hay sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra.
Có nghĩa là nếu mình không đoạn được năm Triền cái này, thì mình không có khả năng trí huệ, trí huệ mình yếu kém. Và mình không biết được lợi ích của mình, cũng không biết được lợi ích của người, cũng không chứng ngộ được pháp Thượng nhân, cũng không có tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Bởi vì sự kiện này không xảy ra. Đức Phật lấy ví dụ:
Ví như, này các Tỷ-kheo, một con sông chảy, từ núi xuống, chảy thật xa, dòng chảy nhanh cuốn trôi mọi vật. Rồi có người lấy cày mở hai bên bờ sông. Như vậy, này các Tỷ-kheo, dòng sông ấy ở chặng giữa bị trở ngại, tràn rộng, bị chuyển hướng, không còn chảy ra xa, không còn chảy nhanh, không cuốn trôi mọi vật. Tức là nếu bị năm Triền cái thì bị như vậy.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không đoạn tận năm chướng ngại Triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ, không có sức mạnh và trí tuệ yếu kém, sẽ biết được lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra.
Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy, sau khi đoạn tận năm chướng ngại Triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ, có sức mạnh và có trí tuệ, sẽ biết được lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay sẽ biết được lợi ích của cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này có xảy ra.
Trích Từ Kinh Số 51 – Phẩm 5 Pháp – Kinh Tăng Chi
Tóm lại đó là năm Triền cái mà mình phải để ý. Thiện Trang nhắc lại năm Triền cái này: Thứ nhất là Dục tham (tham dục) là mong muốn, ham muốn nhiều. Thứ hai là Sân. Ba là Hôn trầm Thụy miên; Hôn trầm là cứ lờ đờ buồn ngủ, Thụy miên [là] ngủ nhiều quá. Thứ [tư] là Trạo hối; Trạo là trạo cử, hối là hối hận, tức là mình cứ lăn xăn, hối hận với những điều gì xảy ra rồi v.v…Và thứ năm là Nghi.
Ở đây thật ra mình nói thế này, nói ngôn ngữ dễ hiểu hơn nữa, là quý vị còn thích điều này, bất mãn điều kia. Thích thuộc về Tham, bất mãn điều này điều kia là thuộc về Sân. Hôn trầm, Thụy miên là ngủ quá nhiều. Hôn trầm quá là người lờ đờ lờ đờ, không được! Và ray rứt bồn chồn, hoang mang, nghi ngờ, đặc biệt thời nay nghi dữ lắm. Cho nên người học Phật pháp thời nay nghi quá nhiều. Đặc biệt người Việt Nam mình, càng về sau càng nghi, nghi càng nhiều. Sắp tới đây quý vị sẽ chứng kiến thêm một số chuyện, để quý vị nghi nhiều hơn nữa.
Thiện Trang thấy cũng tội cho người Việt mình lắm. Các Đạo tràng tu hành dần dần tàn hết. Đạo tràng nào nổi nổi một thời gian là bị tàn, tan tác. Và tan tác rồi họ đưa lên, lôi ra những chuyện [khiến] mình cũng nghi luôn, riết rồi mình cũng không biết tin ai. Thiện Trang nói là quý vị nên nhớ, chúng ta là phàm phu, những điều gì chúng ta nghe, những gì chúng ta thấy, mặc dù có thể đưa lên mạng như vậy, nhưng chưa chắc là như vậy. Đó có thể phản ảnh một phần nào đó thôi, quý vị hãy dùng trí tuệ để quan sát.
Thiện Trang nói thế này, nếu một sự việc xảy ra đối với một nơi, hai nơi, thì đó có thể là ngẫu nhiên, có thể là một lỗi lầm gì đó. Còn nếu một sự việc mà xảy ra liên tục, cứ hết nơi này đến nơi kia, thì mình phải hiểu là đằng sau đó có vấn đề gì đó, mang tính hệ thống. Chúng ta phải hiểu như thế nào? Chính vì đã biết là mang tính hệ thống, cho nên chúng ta không phải nghi ngờ về gì hết. Chúng ta tu, là tu cho chính mình. Quý vị đừng vì những người, một vài người mà mình mất niềm tin với đạo. Phật pháp luôn luôn là Chánh pháp, nếu như mọi người đều tin theo, thực hành theo.
Bữa nào Thiện Trang sẽ trích trong kinh, để quý vị thấy Mạt pháp là gì. [Mạt pháp] là không có những người truyền Chánh pháp, không có người giảng dạy Chánh pháp, không có người tu hành Phật pháp, chứ không phải pháp mạt. Càng về sau, những người có khả năng giảng [mà] không được người khác hộ trì, không được người khác giúp đỡ [để] giảng, thì đó là Mạt pháp.
Cho nên mình cần phải để ý những điều này, chứ không phải mình cứ nhìn vào hiện tượng như vậy. Bởi vì nhìn hiện tượng thì khổ lắm. Mọi sự việc ở đời này, có mặt là phụ thuộc [vào] rất nhiều duyên, cho nên người ta không làm chủ [được].
Thiện Trang nói đơn giản thôi, người ta có một câu châm ngôn như thế này: “Muốn đi cho nhanh thì chúng ta nên đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải cần đông người”. Có nghĩa là nếu mình muốn đi một mình thì đi nhanh, nhưng mình muốn đi xa thì phải có nhiều người giúp đỡ mình. Câu này là thuộc về ngạn ngữ của Châu Phi. Tại vì Châu Phi có sa mạc Sahara đó quý vị. Muốn đi nhanh, thì đi một mình [để] khỏi vướng víu. [Còn] đi càng đông người, kéo càng nhiều người thì chậm, đợi người này, đợi người kia. Quý vị thấy không!
Cho nên ai bước ra con đường hoằng pháp lợi sanh, thì người ấy gánh trên vai bao nhiêu nghiệp của chúng sanh, tức là mình cộng nghiệp với chúng sanh. Vì cộng nghiệp cho nên mình đi chậm lại. Còn mình đi một mình thì đi nhanh hơn, nhưng đi nhanh thì nhanh, nhưng do tu hành không có bạn thì cũng có những nỗi khổ của tu hành [không] có bạn. Đó là một hồi rồi rớt. Tại vì đi không được xa. Cho nên cũng phải nương tựa, mà nương tựa tương đối. Đó là mình phải hiểu. Đời mà, nhiều nổi khổ lắm!
Và muốn hết khổ thì không có cách nào khác hơn, là hãy thay đổi nhận thức của mình. Hãy hiểu rằng mọi vật ở đời đều vô thường, đều rốt ráo rồi cũng sẽ khổ. Và nếu còn có yêu, có thích, có ghét, có giận, v.v… thì còn khổ thôi. Đừng chấp trước những điều đó thì bớt khổ. Rồi muốn mau hết khổ, thì hãy chán đời sống này, mà nguyện ra khỏi [sanh tử], giải thoát. Chỉ có giải thoát là hết khổ.
Hôm nay Thiện Trang giới thiệu thêm một điều nữa. Đó là trong các quả vị Thánh, trong Kinh A Hàm hay nhiều bộ kinh lắm, có giới thiệu cho chúng ta một địa vị nữa là Tùy tín hành, và tất nhiên có Tùy pháp hành nữa. Tùy tín hành và Tùy pháp hành là gì?
Tùy tín hành là người nhập vào dòng giải thoát dựa vào niềm tin. Họ có niềm tin đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng mạnh mẽ, thì người đó nhập vào Tùy tín hành. Trong Kinh A Hàm, đức Phật có nói rằng: Nếu người hạng Tùy tín hành, nếu trong đời này mà không chết giữa chừng, thì chắc chắn họ sẽ đắc đạo, có nghĩa là sẽ đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn.
Cho nên quý vị ráng tu làm sao đó, để được Tùy tín hành. Tùy tín hành là ngon rồi đó! Có một địa vị là niềm tin không thoái chuyển đối với Tam Bảo. Thực ra nói đầy đủ người Tùy tín hành, thì trong Kinh số 10, phẩm Khổ Lạc thứ 27, trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, đức Phật có nói:
“Sao gọi là người Tùy tín hành? Hoặc có một người lãnh thọ sự giáo giới của người khác, có tín tâm chí thiết, ý không nghi nan, có tín tâm nơi Như Lai Chí Chơn Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Cũng có tín nơi lời dạy của Như Lai. Cũng có tín nơi lời dạy của đồng phạm hạnh, và hằng có (tức là luôn có) tín nơi lời của người khác. Không tùy theo trí của mình, đó gọi là người tín hành hay người trì tín.”
Thiện Trang xin tóm tắt lại, người Tùy tín hành là có sự lãnh thọ được sự giáo giới của người khác, tức là người khác dạy cho mình, thì mình lãnh thọ. Và có niềm tin chí thiết, ý không nghi ngờ. Rồi mình tin vào Phật, tin vào những lời dạy của Phật và tin vào những lời dạy của đồng phạm hạnh (là những người cùng tu với mình). Và luôn có niềm tin nơi người khác, không theo trí của mình. Người đó gọi là Trì tín, và đó là Tùy tín hành. Và đức Phật nói người đó trong Kinh A Hàm, hay ở một bộ kinh khác đức Phật [cũng] nói, nếu người đó giữa chừng trong đời này không chết, thì họ chắc chắn đắc đạo, đắc Tu-đà-hoàn. Cho nên cố gắng nha!
Tại sao Thiện Trang nói điều này? Tại vì thời nay là thời nghi quá nhiều. Người Tùy tín hành là niềm tin của họ vững mạnh như vậy. Còn bây giờ mình nghi đủ hết, nghi người giảng pháp, nghi lời Phật, nghi cả người đồng phạm hạnh với mình, v.v… đủ các kiểu. Cho nên làm sao mà tu vô được.
Mà đặc biệt Thiện Trang thấy thời nay người nghi ngờ nhiều lắm. Học Phật pháp, càng học càng nghi. Lẽ ra mình càng học thì mình phải càng tin, đằng này càng học thì càng nghi. Cho nên làm sao được! Đây là từ Kinh số 10, quý vị kiếm Kinh số 10 trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, ở phẩm thứ 27, phẩm Khổ Lạc, trong đó đức Phật nói là có hạng Tùy tín hành. Quý vị để ý hạng [người] Tùy tín hành này nha. Và [người] Tùy tín hành này đức Phật cũng nói, là nếu giữa đường không bị thoái chuyển, không bị chết giữa đường, thì chắc chắn là chứng được quả giải thoát. Đó mình phải ráng tu!
Còn hạng Tùy pháp hành thì để hôm khác nói, nhưng Thiện Trang giới thiệu qua. Tùy pháp hành là người nhập đạo bằng trí tuệ. Nếu mình không có trí tuệ, thì mình hãy đi bằng niềm tin. Còn Tùy pháp hành là người có căn tánh đặc biệt tốt về trí tuệ. Mình học như vậy thì mình mới hiểu được.
Còn quả Dự lưu, Sơ quả Tu-đà-hoàn thì mai mốt mình học. Không chỉ đơn giản có mỗi bảy đời tái sanh đâu. Ví dụ như Thất sanh, ở trong đó chia ra, gồm có Thất sanh tức là bảy lần tái sanh. Và có Gia gia tức là tái sanh hai hoặc ba lần, trong các gia đình cao quý. Tu-đà-hoàn có mấy loại. Thứ ba [là] Nhất chủng, là tái sanh thêm vào cõi Người một lần nữa.
Mai mốt mình học kỹ vậy đó. Ở bên các bộ khác thì không học kỹ như vậy đâu. Chỉ có bộ Luận này, A Tỳ Đàm, Luận Câu Xá hoặc là duyệt kinh tạng cũng có. Thật ra những điều này trong kinh tạng có nói, nhưng chúng ta thông thường học lướt lướt qua. Còn ở đây mai mốt chia ra.
Quý vị nên nhớ, nếu chia mấy quả vị từ Sơ quả đến Tứ quả A-la-hán, [nếu] chia đầy đủ [thì có] bốn mươi mấy quả vị, bốn mươi mấy bậc, chứ không phải chúng ta chia ra có bốn [thôi đâu]. Không phải! Chia ra nhiều lắm. Ví dụ như quả Bất Lai cũng vậy, Bất Lai là Tam quả A-na-hàm. Có lúc thì đắc lên A-la-hán trong đời đó, có lúc thì đắc A-la-hán trước khi chết, có lúc thì lên được Ngũ Bất Hoàn Thiên nửa đời thôi là đắc rồi. Có người thì đi chậm hơn, hơn nửa đời mới đắc. Có người thì lên hết, phải đi năm tầng trời Bất Hoàn rồi mới đắc. Đó là tùy theo căn cơ, mai mốt chúng ta sẽ học dần dần vào đó.
Cho nên là cả bộ Luận này, chúng ta học nhiều thứ lắm. Và càng chia chẻ nhỏ ra, thì mình thấy dễ dàng hơn, mình nhận thức chính xác hơn. Chứ còn mình học mà cứ mơ mơ màng màng, nói chung chung không, thì nhiều khi mình sẽ có những nghi ngờ, hoặc là có những vấn đề mà mình chưa hiểu thấu suốt được.
Đấy là Thiện Trang giới thiệu sơ sơ cho quý vị thấy, Phật pháp là một biển lớn. Và nếu mình càng sáng tỏ bao nhiêu, giống như mình thấy rõ trong lòng bàn tay, thì mình sẽ dễ dàng thâm nhập, và hết nghi ngờ. Một khi nghi ngờ hết thì mình tu vô, trong đó có Tùy tín hành. Hôm nay Thiện Trang giới thiệu thêm, có một vị trí trước Sơ quả Tu-đà-hoàn, đó là Tùy tín hành, dễ hơn nữa. Có nghĩa là nếu quý vị vô đó, là gần như chắc chắn quý vị đắc [quả]. Nếu không đắc thì qua đời sau cũng sẽ đắc, kiểu vậy đó!
Tại vì nếu trong đời [này] không đắc được, thì qua đời sau [sẽ] đắc. Có những quả như vậy đó quý vị. Đấy là một điều hay, mình biết càng nhiều một chút, thì mình có hy vọng [tu] dễ hơn. Chứ [không mình] thấy xa quá, tu hành hoài không thấy tới đâu, thì thấy khổ quá. Cho nên có nhiều phương pháp: Tùy tín hành, Tùy pháp hành, v.v…
Thiện Trang xin phép vào phần Luận Câu Xá:
已說根境及取境相,無表色相今次當說。頌曰:
Dĩ thuyết căn cảnh cập thủ cảnh tướng, Vô biểu sắc tướng kim thứ đương thuyết. Tụng viết:
Giải:
#Dĩ thuyết căn cảnh cập thủ cảnh tướng, Vô biểu sắc tướng kim thứ đương thuyết. Tụng viết: tức là đã nói về căn; #căn tức là Sáu căn hay Ngũ căn. Chúng ta biết căn này là căn tai, căn mắt, v.v… #Cảnh là đối tượng của căn, và những tuyển chọn tướng của cảnh rồi. Tức là mình cũng giới thiệu về cảnh rồi, nhưng cảnh thì mình chỉ nói đơn giản thôi. Còn về phần Vô biểu sắc, tướng của Vô biểu sắc thì bây giờ sẽ lần lượt nói. Ở trong bài tụng nói rằng.
Tạm dịch: Đã nói về căn, cảnh và tuyển chọn tướng của cảnh rồi, còn tướng của Vô biểu sắc thì bây giờ sẽ lần lượt nói. Kệ tụng rằng:
Bài Kệ 11
Loạn tâm vô tâm đẳng | 亂心無心等, | Loạn tâm, Vô tâm, khác |
Tùy lưu tịnh bất tịnh | 隨流淨不淨, | Theo dòng tịnh, không tịnh |
Đại chủng sở tạo tánh | 大種所造性, | Tánh do Tứ đại tạo |
Do thử thuyết Vô biểu. | 由此說無表。 | Do đó nói Vô biểu. |
Giải:
#Loạn tâm: là tâm tán loạn, nhiều tâm. Phàm phu là Loạn tâm.
#Vô tâm: là khi mình vào mấy định như trời Vô Tưởng, ở trời Vô Tưởng là Vô tâm. Ví dụ như người ta là những pho tượng, tức là Vô tâm đó.
#Đẳng: là còn những loại khác nữa, những tâm khác nữa.
Tức là mình là phàm phu thì Loạn tâm rồi. Còn có Vô tâm là không có tâm, ví dụ như nhập được định trời Vô Tưởng, là không có tâm. Lên trời Vô Tưởng thì đâu có tâm đâu. Rồi những tâm khác nữa, chữ #đẳng là khác, [như] tâm Thánh hay tâm gì đó v.v…
#Tùy lưu: là theo dòng.
#Tịnh bất tịnh: là theo dòng tịnh và không tịnh. Ngôn ngữ của ngài Huyền Trang, ngài dùng chữ tịnh bất tịnh. Chữ #tịnh này chính là chữ thiện, chúng ta nói là thiện, bất thiện, là thiện ác.
Tức là tâm tán loạn hay là Vô tâm v.v… thì thật ra là mình theo dòng thôi, ở đời gọi là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nghĩa là do mình sống ở đâu quen, thì cuối cùng mình bị ảnh hưởng [bởi] môi trường đó, mà theo dòng nghiệp thiện ác.
Có những điều mình sanh ra trong đời, mình bị hoàn cảnh chi phối riết rồi quen, mình cứ cho đó là bình thường, mà không biết đó là ác. Ví dụ quý vị sanh ra trong một gia đình, mà ngày nào cũng thấy cha mẹ làm thịt mấy con gà, mấy con vịt để ăn. Cứ làm vậy hoài, cho nên mình cũng thấy bình thường. Lớn lên mình cũng thấy bình thường, mình đâu có thấy bất thường, đâu có thấy ác. Đó là theo dòng ác mà mình không biết. Cho nên những tâm đó là tâm tán loạn, theo dòng nghiệp đó.
Còn một đứa nhỏ sanh ra trong gia đình ở Châu Âu, ở Mỹ… thì nó được giáo dục là phải yêu thương động vật. Ra đường lỡ có con gì chạy ngang qua, [như] chim bồ câu đậu giữa đường hay con gì bò qua đường v.v… thì nó cũng né, nó bảo vệ như vậy. [Đó] là theo dòng tịnh.
Cho nên theo dòng nghiệp mà tịnh hay bất tịnh, tức là thiện hay không thiện. Đó là hoàn cảnh môi trường. Và chúng ta là phàm phu, thì luôn luôn bị môi trường đó đồng hóa. Mới đầu có thể do chủng tánh đời trước khá, nhưng theo năm tháng dần dần thì mình cũng chấp nhận sống theo đó. Và sống một hồi thì mình [cũng] như vậy.
Giống như người Việt mình, đây không phải là nói xấu, mà nói thật, là có tính rất nhiều chuyện, và sự nghi ngờ của mình lớn. Tại vì mình nhiều chuyện quá. Quý vị thấy người nước ngoài, người ta không quan tâm nhiều đến chuyện đời tư của người khác, không có mấy khi đem bàn tán chuyện này chuyện kia. Còn Việt Nam mình nào hết bàn tán, hồi xưa là giới showbiz, ca sĩ, nghệ sĩ, rồi cầu thủ bóng đá gì đó, v.v… cứ bàn tán đời tư của họ. Rồi sau này những năm gần đây, ăn rồi bàn tán đời của quý thầy, tu thế này thế kia, bình luận không biết thật giả, rồi gán ghép v.v… đủ thứ các kiểu. Cứ in rồi chế tạo hình photoshop, ghép dòng chữ đăng caption (tiêu đề) lên. Rồi kéo thị phi đủ thứ chuyện. Đó là thị phi.
Có hai nguyên nhân tạo ra [điều đó]: Một là người Việt mình thích những chuyện đó, hai là pháp luật của mình không chặt. Ở nước ngoài mà quý vị làm những việc như thế, sử dụng hình ảnh trái phép, người ta kiện thì quý vị cũng mệt đấy, ít nhất là đền hơi bị nhiều tiền. Cho nên những việc đó, nếu quý vị đụng tới người nước ngoài là không được. Nhưng người trong nước mình quen rồi, và chẳng ai kiện cáo mấy chuyện đó. Một là không kiện, hai là kiện cũng chả ai giải quyết. Cho nên thành ra mới có những chuyện thị phi. Và mình xem như vậy, mình sống hoài, mình coi đó là bình thường.
Nên ngay [đó là] mình đã tạo nghiệp. Và quý vị hỏi tại sao có nhiều thiên tai, lũ lụt? Thời nay người ta lên mạng, cứ gặp thầy nào thì chửi thầy đó. Quý vị thấy bây giờ, dần dần riết rồi thầy nào cũng sợ hết. Ví dụ như thầy Pháp Hòa, thầy nói là sang năm 2025 thầy không đi giảng nữa, thầy ở nhà lo độ cho mấy chú mới xuất gia v.v… Nhưng thực tế, Thiện Trang nghĩ là thầy bị chửi nhiều quá. Người ta nói là thầy Pháp Hòa bị chửi nhiều quá, tức là nhiều người không biết gì hết, thấy thầy giảng là vô chửi thôi, chửi quá mà.
Rồi Sư Giác Nguyên cũng nói vậy, [họ] cũng chẳng cần biết gì hết, cứ vô chửi tới nơi vậy thôi. Cho nên có những người như vậy, chửi riết rồi dần dần [làm] người ta thoái tâm, người ta sợ luôn. Tức là những người phỉ báng, chửi đúng thì không nói, đằng này cứ lên nhắm thấy Thầy nào, Cô nào giảng pháp [là vô chửi]. Như Thiện Trang thiếu gì người chửi, người nào chửi thì Thiện trang khóa luôn, cho lần sau khỏi chửi nữa. [Nếu] phát hiện bình luận chửi, sau bài giảng thì Thiện Trang kiểm lại bình luận, thấy [người] nào bình luận chửi là chặn luôn, cho bữa sau khỏi vô chửi nữa. Vậy cho hết, để khỏi tạo nghiệp. Phải thế thôi! Thời nay là vậy đó. Tại vì chúng sanh làm như vậy. Và quý vị biết, thiên tai là chiêu cảm từ điều đó.
Trong Kinh Nikaya có câu chuyện, đó là có vua Tần Bà Sa La hay vua Ba Tư Nặc, Thiện Trang quên rồi. Có mời năm vị Tôn giả tới, cất cho một cái thất. Đang cất giữa chừng, còn thiếu cái mái nữa, mà quên mất lợp mái. Sau khi cất thì các vị đó ở thôi, các vị Tỳ-kheo thời đức Phật mà, rất thanh tịnh, nên cứ ở. Thất mà không lợp mái, [nhưng các vị ấy] cứ ở như vậy. Và nguyên thời gian cả mấy năm đó, trời không mưa. Dân thấy hạn hán, khổ quá, mà không biết tại sao. Lúc đó họ mới nói: “Có phải do vua không lợp thất cho các quý Tôn giả đó không?” Vua nghe nói như vậy, sợ quá, rồi cho quân tới lợp lại thất, vì lúc trước chưa lợp. Sau khi lợp xong thì trời mưa.
Quý vị biết do chư thiên thấy như vậy, cho nên họ trừng phạt. Quý vị hiểu rồi đấy, mình thấy có câu chuyện đó trong Kinh Nikaya, không phải chúng ta tự bịa lên. Trong những vị Tôn giả đó, thì có một vị chứng A-la-hán.
Cho nên thời nay quý vị thấy loạn nhiều, tại vì chúng ta đối xử như thế nào? Trong những người xuất gia thời nay, tất nhiên có những người chân chánh, có những người không chân chánh. Nhưng nếu chúng sanh với tư tưởng quá cực đoan như vậy, thì không tốt, dần dần sẽ chiêu cảm nhiều điều. Và nhiều người làm, nhiều người tu không đúng chánh pháp, cả Cư sĩ lẫn Tu sĩ v.v… thì góp phần thêm thiên tai, tai nạn nhiều thêm. Và chúng ta cũng là những người cộng nghiệp trong đó.
Hồi xưa Thiện trang thấy Châu Âu chẳng có lũ lụt, mà bây giờ thấy Trung Âu và Đông Âu có bị lụt rồi đó. Quý vị thấy Cộng Hòa Séc, Ba Lan bị rồi, các nước Đông Âu và Trung Âu bị. Cho nên càng về sau thế giới này không yên. Tất nhiên Tây Âu vẫn là các nước có phước báo lớn hơn, nên không có. Vùng Địa Trung Hải, quý vị học Lịch sử, Địa lý thì biết, vùng đó không có bão. Tại vì sao? Người phước ở đất phước, đất phước người phước ở.
Còn vùng nào mà bão nhiều, quý vị biết tại sao không? Vì thiếu phước, thiếu tu. Để bữa nào Thiện Trang trích trong kinh, đức Phật có nói nguyên nhân vì sao đất đai, thiên tai thế này thế kia. Đức Phật cũng nói luôn trong kinh, chứ không phải không có đâu. Tại vì không có đủ thời gian để tìm lại, trong Kinh A Hàm có.
Cho nên mình có Loạn tâm, loạn tâm rồi tạo nhiều nghiệp bất thiện. Và chúng sanh thì có ba hạng người:
1. Một là mong quả tốt, nhưng tạo nhân xấu. Bây giờ là vậy, ai cũng mong quả tốt đến cho mau, nhưng lại tạo nhân xấu.
2. Hạng người thứ hai khá hơn, mong quả tốt và tạo nhân tốt. Tạo nhân tốt, nhưng mong quả tốt cũng đến cho nhanh. Đời mình phải khá chút, giàu có, thân thể khỏe mạnh, sống lâu, gia đình êm ấm, và cũng ráng làm việc lành, v.v… Nhưng muốn có quả, thì từ nhân đến quả phải có thời gian, gọi là Dị thục duyên, hôm bữa mình học rồi.
3. Hạng người thứ ba, là tạo nhân tốt mà không cầu quả. Đó là hạng người giác ngộ. Vẫn làm bao nhiêu việc tốt, nhưng không cầu quả. Bởi vì sao? [Vì] khỏi cần cầu, thì quả cũng tới thôi. Quý vị hiểu không? Không cần cầu, quả tới thì tới thôi, chứ cần gì cầu. Khi đủ duyên thì quả tới.
Cho nên ở đây có ba tâm: Loạn tâm, [Vô tâm] là không có tâm, và những tâm khác nữa, theo dòng thiện hay không thiện.
#Đại chủng sở tạo tánh: ngôn ngữ của ngài Huyền Trang, thì ngài dùng chữ Đại chủng. Còn chúng ta hay dùng chữ Tứ đại, thành ra quen. Tứ đại tạo nên tánh, hay là tánh là do Tứ đại tạo.
#Do thử thuyết Vô biểu: do đó nói là Vô biểu; #Vô biểu này chính là Vô biểu sắc.
Quý vị còn nhớ Vô biểu sắc không? Vô biểu sắc này chúng ta đã học ở bài trước, là những gì mà mình không thấy rõ. Ví dụ quý vị bị bệnh ngầm trong người, không biết tại sao, nó đâu có lộ ra đâu. Hoặc là mình có giọng [nói], âm thanh rất ngọt ngào. Và có những người cất tiếng ra, là nghe âm thanh khó chịu. Có người cất giọng ra thì giống như trẻ con. Đó là Vô biểu sắc, cũng gọi là Vô biểu. Tức là còn thấy được, tuy là nghe âm thanh như vậy, nhưng không biết nghiệp gì trong đó, có yếu tố nào bên trong đó. Đó gọi là Vô biểu. Và điều đó là cũng biểu hiện ra rồi. Nhưng thực ra nó có một cái ngầm bên trong, gọi là Vô biểu.
Vô biểu này do đâu? Do nghiệp thiện và bất thiện của mình tạo ra. Điều này thật ra là do thân thể Tứ đại này hình thành. Tánh này hay tính chất này là do Tứ đại hay là Đại chủng tạo ra.
Và thật ra Loạn tâm, Vô tâm v.v… thì cũng theo dòng này. Nói chung là một dòng nghiệp vòng với nhau, do Loạn tâm, do ác tâm, do không thiện, nên tạo ra nghiệp bất thiện, [từ đó] tạo ra thân Tứ đại và kèm theo đó là Vô biểu sắc (là những gì đi kèm với mình) không tốt. Rồi do Loạn tâm, Vô tâm, v.v… tạo ra những nghiệp tốt, và theo dòng nghiệp đó tạo ra thân thể Tứ đại này (là thân thể mình), trong đó có những Vô biểu sắc tốt đi theo mình.
Cho nên mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Có người thì chịu nóng rất giỏi, nhưng chịu lạnh rất dở. Có người thì chịu nóng, lạnh gì cũng dở hết. Có người thì chịu được cả hai. Vì trong đời quá khứ, ở trong cả Địa ngục Hàn Băng lẫn Địa ngục Đại Hỏa rồi, Địa ngục nào cũng vô nên sức chịu đựng khá lắm. Còn có người thì yếu, [do] ở trên những cảnh giới lành.
Quý vị nên nhớ, chúng ta cũng may mắn lắm, thật ra quý vị biết ở trong Kinh Tăng Chi, đức Phật có nói: “Hạnh phúc thay cho những ai, sanh ra đời đã được thân người, mà còn được xuất gia dưới những bậc Đạo sư giống như Ta”. Tức là mình được [đi] xuất gia là ngon đó. “Còn như ở trên cõi chư thiên, khi có một chư thiên sắp mạng chung (sắp qua đời) thì họ còn có pháp, giống như bây giờ mình gọi là pháp hộ niệm. Chư thiên xúm lại nhắc nhở vị ấy là: “Ông hãy cố lên! Hãy nguyện sanh vào cõi lành, để tiếp tục tu, để làm lành”.
Đức Phật nói [xong] thì có một vị hỏi:“Bạch đức thế Tôn! Vậy cõi lành đó là cõi lành nào? Vì trên chư thiên rồi, cõi lành đó là cõi nào? Cõi lành có phải trở lại chư thiên nữa không? Quý vị biết trên chư thiên hết phước thông thường có mấy khi trở lại chư thiên. Đức Phật nói là: “Không phải! Cõi lành đó chính là cõi Người”. Có nghĩa là chư thiên cũng biết rằng: đối với họ thì cõi Người là cõi lành.
Nhiều khi chúng ta thì ngược lại, chúng ta hâm mộ, thích lên trời. Bây giờ chư thiên hết thọ mạng, thì họ mong là xuống cõi Người. Vì họ biết rằng ở cõi Người mới tu tập tốt được. Tu được phước báo gì đó, thì cõi Người mới dễ tu. Còn ở cõi chư thiên, giống như quý vị đi du lịch, thì chỉ có xài tiền thôi, mấy khi mà làm ăn được gì. Quý vị đi du lịch đâu có làm được gì, đâu có kiếm tiền được, đi du lịch mà làm việc thiện cũng khó lắm. Mình nói đi du lịch mà kiếm được tiền là khó lắm, kiếm tiền được là chắc mấy người Việt Nam mình, tranh thủ mua thêm mấy đồ xách tay về bán kiếm thêm. Nhưng cũng không đáng bao nhiêu hết, làm sao bằng nơi chuyên để kiếm tiền được. Cho nên ở cõi Người này là nơi chuyên kiếm tiền.
Ví dụ như bây giờ mình cứu giúp những đồng bào khó khăn trong tai nạn, thiên tai, đó cũng là một cách. Tại vì sao? Quý vị bố thí cho những người cần là phước báo có, bố thí cho những người không cần thì phước báo nhỏ hơn. Nhớ nha! Phước báo lớn là mình bố thí cho người đang cần. Người ta đang cần, người ta đang khó khăn mà mình bố thí, thì phước báo lớn. Còn người ta dư rồi, mình bố thí thêm thì phước báo không lớn bằng. Tất nhiên bố thí trong Phật pháp cũng được, mà bố thí bên ngoài cũng được. Cho nên [bố thí] theo nhu cầu thì tốt. Đấy cũng là trí tuệ. [Quý vị] tranh thủ nha! Đợt này quý vị thấy những nơi khó khăn thực sự [thì nên giúp].
[Nhưng] Thiện Trang thấy cũng bất cập lắm, [như] các đoàn cứu trợ, quý vị đi thì biết, toàn đi ngoài đường [lớn]. Cho nên nhà nào hai bên mặt đường thuận lợi, thì được hưởng nhiều lắm, hết đoàn này đến đoàn kia, cho cái này cái kia, đồ ăn nhiều lắm. Còn mấy nhà trong hẻm sâu, mấy con đường chưa đổ nhựa, đường thấp trũng [khó đi], v.v… thì không có đoàn nào vô được đó đâu, nguy hiểm quá người ta đâu có vô. Chính vì vậy cũng bất cập, không có được. Mấy ai mà vào trong mấy chỗ khó khăn, người ta đi cũng lựa chỗ mà đi. Đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai là nhiều khi mình đi, thì mình cũng xài tiền [ủng hộ] đó. Thiện Trang không nói hết, mà có ít người lấy tiền của mình để làm tiền chi phí đi lại, còn tiền mà mọi người góp thì ủng hộ [hết] luôn. Cho nên cũng không có viên mãn lắm. Nếu mình xài ít ít thôi thì còn đỡ. Nhiều người xài sang chút, là cứ tính vô hết, nào ăn bao nhiêu, thậm chí thuê chiếc xe ngon ngon để đi, v.v…. Người ta ủng hộ với tâm mong muốn cứu giúp những người kia, không phải để cho mình đi [dùng] số tiền đó.
Cho nên nhiều khi những việc từ thiện mình làm, thì mình cũng phải suy xét lại một chút. Theo Thiện Trang thì mình nên bỏ số tiền của mình ra, để mà lo đi lại thì tốt hơn. Còn mình xài tiền [người ta ủng hộ], đôi khi không đúng mục đích, thì cũng ảnh hưởng. Đó là Thiện Trang xin chia sẻ thêm một chút.
Quả lành thì muốn có ngay, nhưng nhân lành thì cứ hẹn nay hẹn mai miết. Đó là mình muốn điều gì cũng mau tới, nhưng nhân thì mình lười [làm]. Chính vì vậy tu hành cứ từ từ, không [có] trổ nhiều quả. Quý vị cứ làm đi, thật ra làm đến lúc nào duyên đủ thì quả đủ. Như vậy bài này tạm dịch là:
Tạm dịch:
Loạn tâm, Vô tâm, khác
(#khác là những tâm khác)
Theo dòng tịnh, không tịnh
Tánh do Tứ đại tạo
Do đó nói Vô biểu.
論曰:亂心者,謂此餘心。無心者,謂入無想及滅盡定。等,言顯示不亂有心。相似相續說名隨流。善與不善名淨不淨。為簡諸得相似相續,是故復言大種所造。
Luận viết: Loạn tâm giả, vị thử dư tâm. Vô tâm giả, vị nhập Vô tưởng cập Diệt tận định. Đẳng, ngôn hiển thị bất loạn hữu tâm. Tương tự tương tục thuyết danh tùy lưu. Thiện dữ bất thiện danh tịnh bất tịnh. Vị giản chư đắc tương tự tương tục, thị cố phục ngôn đại chủng sở tạo.
Giải:
#Luận viết: Loạn tâm giả, vị thử dư tâm: Luận ghi: Loạn tâm là tâm khác với được nói ở đây.
#Vô tâm giả: tức là Vô tâm là (gì).
#Vị nhập Vô tưởng cập Diệt tận định: là nhập vào định Vô tưởng và Diệt tận định.
Điều này Thiện Trang đã chia sẻ nhiều rồi, chúng ta có mấy trường hợp Vô tâm. Có một bài kệ trong Duy Thức Tam Thập Tụng nói:
“Ý thức thường hiện khởi
Trừ sanh Vô Tưởng thiên
Cập vô tâm nhị định
Thụy miên dữ Muội tuyệt”.
#Ý thức thường hiện khởi:tức là Ý thức Thứ sáu của chúng ta, là sự biết mọi thứ đó, thì luôn luôn hoạt động; #thường hiện khởi là luôn luôn hiện hành và khởi, khởi tức là hoạt động; trừ năm trường hợp là:
#Trừ sanh Vô tưởng thiên: là sanh vào trời Vô Tưởng. Người nào người nấy ngồi như pho tượng, đứng như pho tượng, nằm như pho tượng, giống như pho tượng thôi chứ không có hoạt động.
#Cập Vô tâm nhị định: tức là hai định Vô tâm.
Trong đây nói định của trời Vô Tưởng, nghĩa là mình ngồi một hồi thì nhập vào định của trời Vô Tưởng, là mình ngồi im luôn, im re, không có gì hết. Thứ hai là định của A-la-hán, gọi là Diệt tận định. Nhập được định đó cũng là Vô tâm, không có tâm.
#Thụy miên dữ muội tuyệt: #Thụy miên là ngủ, mà ngủ say như chết, không biết gì hết. Thì [khi đó] Ý thức Thứ sáu dừng, không hoạt động, không mơ mộng gì hết. Mơ mộng là ý thức còn hoạt động; #Muội tuyệt là người bị chết ngất (ngất xỉu). Năm trường hợp đó là không có tâm. Ở bộ Luận này thì chỉ nói hai trường hợp, còn [bộ] kia nói tới năm trường hợp, cho nên là nhiều hơn.
Ở đây sẵn nói về một vấn đề, mà chúng ta cũng nên biết. Đó là nếu quý vị tu định, quý vị có định của Tứ thiền trở lên, thì sẽ không có đau đớn mấy. Người nhập được Tứ thiền Sắc giới, Tứ thiền Vô sắc giới, nói chung Tứ thiền trở lên thì ok. Đối với những đau đớn của thế gian là họ vô tư, nói chung định của Tứ thiền là không [thọ] khổ, không [thọ] lạc. Nên quý vị hỏi: “Làm sao để khỏi đau đớn?” Thì quý vị cố gắng tu đến Tứ thiền.
Cho nên có những vị A-la-hán v.v… mà chưa đắc được Tứ thiền, tức là chưa đủ, thì vẫn đau đớn một chút. Nhưng nếu đắc được Tứ thiền rồi thì ok, mấy sự đau đớn [chịu được]. Như câu chuyện của Tỳ-kheo Dũng Quân, nhẹ nhàng lắm. Nên ai tu hành muốn tự tại, khỏi đau đớn, thì ráng tu làm sao tới Tứ thiền. Tứ thiền là chắc ăn. Sơ thiền là bắt đầu bớt đau rồi, nên Thiền chỉ giúp cho đỡ đau đớn. Còn người tu chỉ có Tuệ giải thoát thôi, tức là có thể đắc đến Thánh quả, nhưng thiếu định cao, thì họ vẫn đau đớn bình thường.
Mình nói vậy [thôi], nghe Tứ thiền đời nay thấy xa vời quá quý vị! Mình tu mãi mà không vô được tới Sơ thiền nữa, còn nói gì tới Tứ thiền. Nội xem mấy chi thiền [là] mình rớt sạch rồi, đâu có chịu nổi đâu. Cho nên thời đại nay, nhiều khi học Phật pháp thấy toàn thân cận những người học giả, những người tu giả nhiều quá, cho nên mình không thấy có gì hết. Và đôi khi thấy tội! Đúng! Rất là thương! Thiện Trang nói Phật pháp là đến để thấy. Đức Phật nói vậy mà, [thì] chúng ta cũng nên làm như vậy.
Quý vị thấy thời gian qua có một số đồng tu, Thiện Trang hướng dẫn cách tốt nhất là hãy nhập thất đi, mới thấy Phật pháp nhiệm màu. Nhập thất năm ngày [hoặc] bảy ngày thôi. Vô [nhập thất] Thiện Trang nói không có gì nhiều, cứ buông hết xuống, đừng có lo lắng chuyện gì hết, đừng lên mạng coi cái này, coi cái kia. Cứ nghe pháp cho nhiều vô, nghe cho đã, nghe từ sáng đến tối cũng được. Nghe pháp [nhưng phải] là pháp giải thoát, rốt ráo này nè. Rồi có thời gian nữa thì tọa thiền, niệm Phật, v.v… Có thời gian [nhập thất], làm mấy ngày như vậy thôi, thì tự nhiên sẽ thấy Phật pháp nhiệm màu. Vì sao? Tự nhiên tâm mình thay đổi, tự nhiên người bớt ngủ lại, phấn chấn, niềm vui lâng lâng dễ chịu. Bắt đầu thấy cuộc đời này khác, bắt đầu nhận thức mình thay đổi, thì từ đó mình có niềm tin.
Thiện Trang nói thật ra thời nay, chúng ta không có phước báo để chúng ta tu, chứ không phải là chúng ta tu không được. Có phước báo thì quý vị có thời gian tu. Vừa rồi có mấy đồng tu làm thử, từ đó thấy thay đổi hẳn. Quý vị nghĩ, nếu thường xuyên có thời gian nhiều hơn, thì sẽ tốt biết bao đúng không? Tu vài lần như vậy là mình vô sâu, mà tại vì không có thời gian.
Thiện Trang quan sát rồi, các đồng tu khổ lắm. Ngày thì đi làm việc 8 giờ, rồi còn [phải] mất công đi với về nữa, mỗi lần chuẩn bị đồ đi rồi về mất 1 tiếng, như vậy thêm 2 tiếng nữa là 10 tiếng. 24 giờ [thì] mất 10 tiếng dành cho đi làm. Rồi phải ăn, ăn thì cũng mất 2 đến 3 tiếng, vậy là 13 tiếng rồi. Nhà ai mà có con thì [còn phải] chăm sóc con 2, 3 tiếng nữa, [là] 16 tiếng rồi. Còn lại bao nhiêu đó ngủ nữa, ai giỏi lắm ngủ 4 tiếng, còn không thì 6 tiếng. Vậy hằng ngày còn lại có 2 giờ để nghe pháp thôi.
Vậy nên hèn chi các đồng tu than rằng: “Một tuần thầy giảng có 2 bài mà con nghe không kịp”. Đúng là nghe không kịp thật rồi! Toàn là phải tranh thủ đang đi làm, đang đi trên xe mới nghe [pháp] được. Vậy thì thời gian đâu mà Thiền, mà tĩnh tọa, thời gian đâu mà thâm nhập. Cho nên học Phật pháp bằng niềm tin thôi, còn không có học bằng sự thân chứng, không bằng sự trải nghiệm. Cho nên tu hành bao nhiêu năm cũng dậm chân tại chỗ, tiến rất ít. Nghe được chút nào thì hay được chút đó, chứ còn có vô đâu.
Cho nên Thiện Trang khuyên quý vị, dù thế nào đi chăng nữa, [hãy] sắp xếp một lần trong đời, hoặc một lần trong năm, [hay] ráng một lần trong tháng cũng được, hay là nửa năm một lần, v.v… nhập thất giùm cho Thiện Trang, năm đến bảy ngày theo phương pháp đó. Quý vị thích nghe pháp, thì quý vị cứ vô đó nghe pháp từ sáng đến tối, cứ nghe, không sao hết. Bao giờ nghe đã rồi, thấy tâm thanh tịnh rồi, thì đi [dụng công]. Ai tu Thiền thì tọa thiền, ai tu niệm Phật thì niệm Phật. Thậm chí nếu như nghe đã mà vẫn thích nghe, thì nghe cả đêm cũng được, nghe làm sao mà không [cảm thấy] buồn ngủ luôn.
Quý vị chỉ cần huân tập như vậy một thời gian, thì quý vị sẽ thấy đời sẽ khác, Phật pháp sẽ khác. Một lần như thế là quý vị có vốn rồi. Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là “tu một ngày một đêm cho đến mười ngày mười đêm”, tu như vậy đó. Quý vị làm vậy đi! Làm được mấy lần như vậy trong đời, nhiều khi đắc đạo. Hoặc nhiều khi không đắc đạo thì cũng gieo được chủng tử lành, để đắc đạo vào đời sau, cho những người không tin. Còn những người tin Tịnh Độ, thì đời này có thể ra khỏi sanh tử, có thể sanh về Tây Phương Cực Lạc. [Hãy] ráng làm! Cố gắng sắp xếp, lâu lâu lấy ngày phép, chẳng lẽ một năm không có mấy ngày phép sao? Được 15 ngày phép, làm hai thất là được rồi, một năm hai lần cũng được. Cho nên ráng làm! Chứ không cứ tu tà tà hoài, tu cả năm cũng không bằng đâu. Quý vị chỉ cần tu một đợt như vậy là tu hơn mấy năm. Khi mình có nền đó rồi, lần sau thì mình tu dễ lắm. Ra ngoài nghe pháp cũng khác, và quý vị cũng có niềm tin đối với những điều mà Thiện Trang chia sẻ.
Nếu quý vị nghe không, [không có nhập thất], thì niềm tin mình yếu lắm, khi gặp chuyện gì đó là mất niềm tin. Ví dụ ngày nào đó nghe ai phỉ báng Thiện Trang, nói sơ sơ thôi, vậy là quý vị mất niềm tin ngay. Bởi vì sao? [Vì] quý vị không có trải nghiệm, Phật pháp là phải trải nghiệm bằng chính mình, phải mình kiểm nghiệm, đến để thấy, không phải nghe để thấy. Trí tuệ trong Phật giáo chia ra, gồm có trí tuệ của Văn, Tư, Tu. Thế nào là trí tuệ của Văn? Là quý vị có trí tuệ qua việc nghe giảng, qua việc đọc kinh sách, là nghe. Trí tuệ đó mới là trí tuệ lần một, tức là nghe qua và hiểu ra được chỗ đó v.v… sự biết từ những kiến thức cung cấp cho mình, đó gọi là trí tuệ của Văn.
Quý vị phải tiến thêm một bước nữa, gọi là trí tuệ của Tư. Tư là gì? Tức là do mình nghe đó, tự nhiên mình kết nối trong tâm, mình tư duy tức là hay nghĩ về vấn đề đó. Một hồi tự nhiên nó bừng ra một điều gì hay hơn nữa, kết nối với những kiến thức cũ, liên kết với những kiến thức khác, và đưa ra cho mình một kiến thức mới. Đó là trí tuệ của Tư. Tư này thì cũng đã phải tu khá hơn một chút rồi, tức là do mình thường xuyên thâm nhập nhiều, cho nên dữ kiện mới, dữ kiện cũ mới kết nối vào với nhau được.
Trí tuệ thứ ba quan trọng, là trí tuệ của Tu. Tu là quý vị phải thực hành. Thực hành rồi, thì tự nhiên quý vị thấy đúng như những gì mà thực tế thấy như vậy. Sự thấy đó có được là nhờ mình thấy cảnh bên ngoài, và kết hợp với hai trí đằng trước [là] trí của Văn và của Tư. Ví dụ bình thường nhìn bông hoa, quý vị chỉ thấy bông hoa đó thôi. Nhìn hoa hồng, quý vị cũng chỉ thấy hoa hồng thôi. Nhưng do một người tu, họ có Văn rồi, họ cứ nghe: “Các pháp do duyên sanh, cũng do duyên mà diệt. Thầy tôi Đại Sa-môn, hay thường thuyết như vậy”.
Mình nghe bài kệ đó hoài, rồi mình thấy các pháp giả hợp, duyên sanh, duyên hợp… Mình nghe như vậy thì mình cũng có một khái niệm trong đầu. Ngày nào đó mình bước ra, mình nhìn thấy, bình thường hoa hồng ở trước nhà mình nở hoài, ngày nào cũng nở. Hôm nay nó cũng nở, nhưng nhìn [bông] hoa hồng đó mình thấy khác. Vì sao [thấy] khác? Bởi vì mình biết [bông] hoa hồng này là giả tạm, mình thấy thực sự nó là giả tạm. Hồi xưa mình cố gắng nghĩ là nó giả tạm. Nhưng bây giờ không, mình thấy [bông] hoa hồng này, chẳng qua là do mấy cái cây đó lên, do có nước tưới, và do có gì đó [nên] nó lớn lên. Và nó mong manh, đủ nước, đủ nắng, thì hoa nở v.v… [phụ thuộc rất] nhiều duyên. Và hoa này còn tồn tại, là do không có con vật nào, không có người qua hái hoa v.v…
Tức là mình nhìn một bông hoa thôi, nhưng mình thấy cả các pháp sanh diệt. Duyên sanh, Duyên hệ, 24 duyên, Tiền sanh duyên, Hậu sanh duyên có hết ở trong đó. Quý vị hiểu không ạ? Tiền sanh duyên cũng có, là bông hoa này có được nhờ Tiền sanh duyên, là ý của ai đó giúp trồng để có hoa này. Hậu sanh duyên là hoa này giúp cho cái sau đó, tức là tự nhiên mình sẽ nghĩ ra, bông hoa này mai mốt sẽ đem vô chưng trong bàn thờ Phật chẳng hạn. Rồi Hỗ tương duyên, là mình nhớ ra hoa này do bà hàng xóm tặng cho mình, tới chăm [hộ] mình, bữa đó cắt cành, v.v… Tức là cả một giáo pháp tràn ngập vào trong một bông hoa, mà bình thường có nhiều điều mình nghĩ không ra.
Trí tuệ đó là trí tuệ giác ngộ. Và xin nói với quý vị, là [trí tuệ này] chỉ có trong nhất thời, có lúc nào đó mình có thôi. Còn sau này mình muốn nghĩ như vậy, thì cũng không nghĩ được. Nhiều lần như vậy, gọi là tích tiểu tiểu ngộ nhiều thì thành tiểu ngộ. Người do tu hành nhiều, nên dần dần họ giác ngộ. Và mỗi lần giác ngộ được một chút như vậy, thì cuộc đời của họ bớt khổ, bớt đau, họ được vui vẻ hoan hỉ nhiều hơn, họ được tự tại hơn trong cuộc đời này. Và khi Vô thường có đến, có chuyện gì xảy ra, họ cũng hiểu đúng như vậy. [Nên] Văn, Tư, Tu quan trọng nha quý vị! Điều đó phải tu, không tu thì không được.
Cho nên hãy cố gắng làm sao để được như vậy. Chứ còn mình không có tu, thì đến ngày nào đó quý vị cũng như người bình thường. Quý vị cứ nhìn đi, thỉnh thoảng quý vị thấy những người già lụ khụ, hoặc những người bệnh nằm trên giường, với ánh mắt mỏi mòn theo năm tháng. Đêm ngủ không được, ngày cũng ngủ không được, ăn cũng không nổi, chỉ nghe thấy tiếng đi của từng người, tiếng đồng hồ ban đêm gõ cộc cộc cộc. Ánh mắt thì mỏi mòn, chờ không biết đến bao giờ mình chết. Lúc đó cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì. Không biết tu, thì mình cũng tới ngày đó.
Còn nếu mình tu, mình có vốn liếng của một người có trí tuệ giải thoát, có trí tuệ của người xuất thế gian, thì đến lúc đó, hoàn cảnh đó, quý vị vẫn nhìn thấy mọi thứ bình thường. Người ta đến lúc đó, nghe tiếng đồng hồ kêu cạch, cạch, cạch, [thì] khó ngủ, mệt mỏi, mong chờ, ánh mắt mỏi mòn. Còn ta nghe ‘cạch’ thì biết thế gian đang đếm, đồng hồ đang đếm, thế gian vô thường, quy luật xưa nay vẫn như thế, cho nên an nhiên mà đón nhận. Ta nằm trên giường đó, dù có bệnh, dù có đau, dù không đi được chăng nữa, thì ta cũng vui vẻ. Vì ta có thêm một phút giây để nhớ pháp. Pháp gì? Là pháp Vô thường. Đồng hồ đó đếm, là đồng hồ của Vô thường. Mình thấy rõ Vô thường như vậy, và mình nghe rất rõ, [nhưng] mình cũng không có chán nản gì, ta sẵn sàng, duyên đến thì ta đi. Bây giờ ta chưa đi, ta kệ, cứ như vậy.
Cho nên phải tu, tu làm sao để tâm mình luôn luôn sáng tỏ, không có chán nản. Chứ không đến lúc đó chán nản mà [ra] đi. Quý vị thấy có rất nhiều người, thậm chí những bậc Trưởng lão, Hòa thượng lớn, đến cuối đời nhìn ánh mắt chán nản với cuộc đời. Muốn đi mà cũng không đi được, nhìn vào ánh mắt mỏi mòn, mong chờ ngày ra đi. Chúng ta thấy học Phật [thì] phải sử dụng được. Làm sao đó phải sử dụng được thì mới được. Chứ còn không sử dụng được, đến khi nghiệp tới rồi thì khó lắm!
Quý vị nên nhớ, khi nghiệp tới rồi thì không ai dám chắc đâu. Thiện Trang cũng vậy thôi! Thiện Trang cũng đâu dám chắc là trong người của Thiện Trang mang bao nhiêu chứng bệnh, ngày nào đó bệnh một phát, đâu có biết được. Bây giờ có những bệnh mang trong người, mà mình đâu có biết. Rồi ra ngoài thì mình đâu có đảm bảo được, là không có tai nạn giao thông. Đâu có dám đảm bảo là không có động đất. Cho nên bất cứ lúc nào, cũng là phút giây để chúng ta tu hành. Phải giữ chánh niệm giải thoát, phải luôn luôn như vậy. Đối với người tu Tịnh Độ, là tâm thường thật sự trụ để nguyện vãng sanh, để giữ chánh niệm. Còn người tu Thiền, thì phải giữ chánh niệm, cần phải biết thế gian này như vậy. Cho nên bất cứ lúc nào, mình cũng sẵn sàng buông xuống để ra đi.
Và tâm ta không có lo lắng, bởi vì trong đời này ta cũng tu được có vốn liếng, có vốn [thì] có phần. Giả sử lỡ mình đi đầu thai, mà nghiệp ác nào đó trong quá khứ chen vào, mình đi đầu thai với tâm không tốt, để nhận quả báo đời sau không tốt, thì cũng không lo. Bởi vì mình phải chấp nhận với cái giá của nó. Đời là như thế! [Dù] đời sau có xuống, [nhưng] mình gieo nhân tốt nhiều rồi, thì đến lúc nào đó những nhân tốt đó khởi lên, thì mình lại lên.
Đừng nghĩ rằng mình tu được nhiều lắm rồi, thì đời sau sẽ tốt. Không chắc! [Điều] đó thì không đảm bảo, không chắc chắn. Trừ khi quý vị là Thánh nhân. Chứ còn bây giờ [mình] chưa phải là Thánh nhân, thì chưa [chắc]. Chưa phải là Thánh nhân, thì chưa biết đời sau thế nào đâu. Nhiều khi mình tu cả đời tốt, nhưng nghiệp quá khứ kéo vô, lúc đi đầu thai vẫn là đầu thai với một nghiệp quả báo của đời quá khứ. Mai mốt chúng ta học vào phần Nguyên lý tạo nghiệp đi đầu thai, [thì mình biết] mình tạo những nghiệp nào.
Mà trong đời này dễ tạo nghiệp lắm quý vị. Thiện Trang nói nhiều khi đi trên đường, thấy có người ăn xin. [Dù] mình học kỹ lắm rồi, giáo lý của mình đầy trong tâm, nhưng Thiện Trang nghĩ bố thí cho ổng mất thời gian quá, mình đang phải đi đã. Hoặc là mình kêu bây giờ mình không có tiền lẻ để cho, thì làm sao cho được. Thì ngay khi đó, với tâm đó thôi là tâm keo kiệt, tâm không rộng lượng rồi. Thì một nghiệp đã kết rồi, mà nghiệp đó mai mốt đi đầu thai là nghèo khổ đó. Đâu có cản được đâu, mà làm sao mình phải nghĩ cho nhanh. Thiện Trang biết, nhưng Thiện Trang kêu: Ôi sao mình lại tác ý như vậy? Lẽ ra mình phải tác ý là: Tôi rất muốn mình bố thí, nhưng tôi không có thời gian, tôi đang bận đi. Cho nên nếu mình tác tâm tốt, thì nghiệp đó tạo tâm đầu thai và tạo nghiệp không đến nỗi nào. Còn nhiều khi mình chỉ cần khởi tâm sai một chút thôi, [thì tạo nghiệp không tốt rồi].
Rồi có những việc đơn giản, như người ta gọi điện nói chuyện gì đó. Mình đang nói, một hồi bị mất chánh niệm, mình nói người đó xứng đáng bị như vậy lắm. Giống như mình tùy hỷ việc xấu của họ. [Quý vị] nên nhớ, một người đang gặp nạn hay đang bị gì đó, mà mình tùy hỷ, mình nói: “Ừ! Người đó đáng bị như vậy”, là mình cũng gây nghiệp xấu rồi đó.
Quý vị học Phật pháp rồi, [thì mình] đừng hùa theo đám đông. Thấy người ta gặp nạn, ví dụ như phanh phui ông thầy nào đó phạm giới. Thế là mình kêu: “Ừ! Xứng đáng đó. Tội như vậy đó, đáng lắm!” Thế này thế kia. Xin nói với quý vị, chúng ta làm như vậy thì chúng ta tạo nghiệp xấu rồi. Người đó không cần chúng ta nói, nhân như vậy thì quả như vậy, họ tự tạo nghiệp thì họ tự nhận lấy. Mình lên án là mình tạo nghiệp, nghiệp của mình thì mình nhận, chứ còn người ta đâu có nhận, người ta đâu có biết. Quý vị lên chửi trực tiếp thì họ nghe, chứ còn bây giờ mình nói từ xa, [thì họ đâu có biết].
Từ đó mình thấy là mình dại. Nhưng rõ ràng theo quán tính là như vậy. Quý vị thấy khó lắm! Cho nên một vị Bồ-tát được Phật thọ ký rồi, [cũng] còn có những nghiệp nói dối, có những nghiệp chửi người ta, vẫn chưa hết! Nhưng có điều là sẽ không khiến cho người ta chết vì lời nói của mình. Tức là không bịa đặt nói dối đến nỗi đưa người ta vào chỗ chết, nhưng vẫn có nghiệp đó. Đó là Bồ-tát được Phật thọ ký rồi đó, mà còn như vậy.
Cho nên phàm phu [Tập khí, Phiền não] vẫn còn nguyên si, một hồi Tập khí ác nổi lên, thì tùy hỷ lời chửi, rồi mong quả báo xấu cho người ta. Mình vẫn còn trù ẻo, mong những điều xấu [cho người khác] là điều không tốt. Điều này khó cực kỳ! Rồi còn nói dối nữa. Và xin nói với quý vị, là người chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn rồi sẽ không nói dối. Bây giờ quý vị coi đi, người [Việt] mình nói dối đầy luôn. Nói dối nhiều nên có ai chứng Sơ quả đâu. Cho nên muốn chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn, thì phải giữ gìn được [không nói dối].
Và sẵn đây nói luôn, người chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn, nếu trước đó chưa thọ Tam quy Ngũ giới, thì họ cũng đắc được Ngũ giới. Họ trở thành một người [có] Ngũ giới ngon lành. Còn nếu một vị Thánh giả Tam quả A-na-hàm, dù quý vị là Cư sĩ, dù quý vị chưa thọ giới, thì quý vị cũng sẽ đắc được Giới thể. Giới gì quý vị biết không? Tam quả A-na-hàm làm được trọn vẹn 10 giới Sa-di. Dù sống tại gia thì họ cũng trì được rất nhiều giới, thậm chí giới của Tỳ-kheo nữa. Đối với tiền tài, tất nhiên người tại gia thì vẫn cần tiền, họ vẫn có. Nhưng họ không tham nữa, không tích trữ nữa, không tích chứa nhiều. Còn mình vẫn tham, tu học lâu rồi nhưng mình vẫn muốn giàu, muốn có nhiều tiền hơn đúng không? Cho nên mình coi mình với Thánh nhân, thì còn xa xôi lắm!
Vậy mà tu hành cứ mong đắc đạo, chứng quả. Ngũ giới (Năm giới) thôi mà làm không được, thì [đắc] Sơ quả Tu-đà-hoàn ở đâu ra? Cho nên nhiều khi mình nói nghe hay lắm, nghe hoành tráng lắm. Nhưng thực tế mình tu, bản chất phàm phu của mình không thay đổi được. Cho nên học ở đây, Thiện Trang chia sẻ cho quý vị, không phải là nói quý vị đâu, mà nói bản thân Thiện Trang cũng vậy. Đôi khi xét lại [có những điều] mình làm chưa được, mà mình mong cầu quả báo. Muốn quả báo tốt lành, thì phải tạo nhân tốt lành. Xưa ta không biết, nhưng nay biết rồi thì ta sửa.
Và chúng ta phải mạnh dạn đi ngược với thế gian. Đặc biệt người Việt mình giả dối nhiều, gian dối nhiều, không tin nhiều v.v… Kệ! Họ làm kệ họ, mình làm việc của mình. Mình ra khỏi sanh tử, mình lo tu cho mình. Ai làm gì thì có nhân quả điều chỉnh. Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là: “Thiên địa thi trương, tự nhiên củ cử”. Thiên địa thi trương tức là luật của trời đất (luật nhân quả), tự nhiên thi hành thôi, trương ra tức là triển khai ra. Tự nhiên củ cử tức là tự nhiên uốn nắn lại. Cho nên khỏi lo! Chúng ta lo cho chúng ta thôi.
Và quý vị thấy đó! Những người nào giả tu một hồi cũng lòi ra hết, thiên hạ cũng lôi ra hết, ai thế nào thì họ lôi ra sạch, một hồi cũng hết tránh được. Bao nhiêu năm gây dựng rồi cũng bị mang tiếng, cũng bị thế này thế kia, rồi cũng không có thoát được đâu. Luật nhân quả không sai, [chỉ là] chưa đến thôi. Rồi cũng đến lúc [nhân quả] đến. Dù mình tu giỏi cỡ nào, mà mình không thật tu, thì đến cuối đời mình cũng không lừa được ai đâu, đến cuối đời rồi [nghiệp] cũng dắt mình đi thôi.
Cho nên đã tin nhân quả luân hồi, đã tin Phật pháp, thì hãy cố gắng hành pháp. Hành để làm gì? [Là] thương cho mình mà hành, vì mình mà hành. Mình cứ nghĩ như vậy là đơn giản nhất. Vì ta đi với nghiệp của ta, không ai đi theo với nghiệp của mình đâu. Mình đi theo nghiệp của mình đó. Mình cứ nghĩ như vậy thì tự nhiên mình tu được. Còn bây giờ tôi phải làm khách sáo chút, tôi phải giả bộ tu cho đàng hoàng, để cho người ta nhìn. Thì đó đâu phải là vì mình đâu, nếu như vậy là không phải vì mình.
Còn bao giờ quý vị thấy mình giống như người bệnh, quý vị cần uống thuốc cho hết bệnh, vì mình hết bệnh mà uống thuốc. Cũng vậy, vì mình muốn thoát khổ, vì mình muốn thoát luân hồi, vì thương cho mình mà mình uống thuốc của Phật. Tức là tu hành theo đúng giáo lý của Phật, chỉ cần vậy thôi thì quý vị tự nhiên tu tốt.
Chứ còn tôi làm để cho người ta [xem] thế này thế kia, thì khó! Bởi vì chúng ta thời nay, nói phát tâm Bồ-đề [nhưng] đa số là phát tâm giả. Nói làm tấm gương cho chúng sanh, làm một hồi cuối cùng là làm cho mình. Ít lắm! Ít có ai làm cho chúng sanh lắm. Cho nên hãy ráng thực hiện theo đó, Thiện Trang nghĩ đó là cách nói đơn giản nhất. Cứ thương chính mình, mình làm nghiệp xấu thì mình chịu quả xấu, mình làm việc tốt thì mình được quả tốt. Mình tu Tâm sở của bậc Thánh, thì mình sẽ được bậc Thánh. Mình tu Tâm sở phàm phu, thì mình sẽ thành phàm phu. Mình tu Tâm sở của ác đạo, thì cuối cùng vô ác đạo. Không có ai chịu thay cho mình [được]. Cứ nghĩ vậy [thì] tự nhiên sẽ cố gắng.
Còn [như nghĩ mình phải] tu cho tốt, làm màu [làm mè], lúc thì làm được, [nhưng] lúc sau thì hết làm được. Bởi vì mình vẫn chưa nghĩ cho mình. Quý vị chỉ cần cố gắng như vậy thôi. Còn ai có chủng tánh cao siêu, thì nói “phát tâm Bồ-đề làm gương cho chúng sanh” v.v… Thì điều đó là tuyệt vời! Nhưng Thiện Trang thấy không mấy người làm được vậy đâu, đa số một hồi nói cho cố, rồi cuối cùng cũng vì mình thôi. Tóm lại vì mình cho dễ. Vì tôi sợ đọa lạc, vì tôi sợ quả báo ác nghiệp, vì tôi sợ đọa trong ba đường Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Vì tôi sợ tôi không ra khỏi sanh tử. Vì những lý do như vậy mà tôi tu. Nói đơn giản vậy thôi, tu cho mình.
Vì vậy ai nói gì tôi cũng không quan tâm, tôi tu cho tôi thôi. Mà quý vị nên nhớ, khi mình tu cho mình rồi, thì tự nhiên chúng sanh có lợi ích. Một người tu tốt thì vùng đó cũng được tốt, một người tu tốt thì tự nhiên cũng ảnh hưởng đến người khác, một người tu tốt thì tự nhiên gia đình của mình sẽ tốt. Gia đình mình cũng hưởng phước báo, cho nên tự nhiên đều tốt hết. Cứ làm tốt đi, chứ còn bây giờ mình nói toàn phát tâm cho người khác, mà cuối cùng mình làm cho mình không được, thì là giả hết.
#Đẳng, ngôn hiển thị bất loạn hữu tâm: tức là chữ đẳng này là nói rõ ràng là trạng thái có tâm mà không loạn. Tại vì có những trạng thái khác nữa. Tức là ở trên này có Loạn tâm, rồi không có tâm, vậy thì còn chữ đẳng là trạng thái là có tâm. Tức là [ở trên] là Vô tâm rồi, thì ở đây là có tâm, và tâm này là không loạn.
#Tương tợ tương tục thuyết danh tuỳ lưu: tức là tâm luôn tương tợ liên tục nối nhau. Tâm mình thay đổi liên tục thì gọi là tùy lưu; #tùy lưu là theo dòng, theo dòng thiện ác.
#Thiện dữ bất thiện danh tịnh bất tịnh: tức là thiện và bất thiện thì gọi là tịnh và không tịnh. Thiện thì gọi là tịnh, bất thiện thì gọi là bất tịnh.
Đây là cách [dùng từ] của ngài Huyền Trang, ngài toàn dùng từ khác. Thật ra mình không trách ngài được, vì mình học quen cách của ngài Cưu Ma La Thập rồi, nên bây giờ mình học qua vị thầy khác [thì sẽ khó hơn]. Ngài Huyền Trang thì mình thấy ngôn ngữ khác.
Giống như nếu quý vị đọc bộ Kinh Nikaya của Hòa thượng Minh Châu dịch, [hay] quyển Nhật Tụng Kalama này của Sư Toại Khanh, thì quý vị thấy ngôn ngữ của hai bên khác nhau. Thiện Trang thấy ngôn ngữ của Sư Toại Khanh, thì rõ ràng và có phần quen thuộc. Còn ngôn ngữ của Hòa thượng Minh Châu thì tương đối khó hiểu. Ví dụ có những chỗ ngài Minh Châu dịch là “làm cho sung mãn”, thì ngài Toại Khanh dịch tương ưng với ngôn ngữ Bắc Truyền là “huântập”. Nếu mình đọc cả hai thì sẽ dễ hiểu hơn. Mình kết hợp hai bên lại, tóm lại là làm điều gì đó nhiều lên, thì gọi là làm cho sung mãn. Còn ngôn ngữ bên Bắc Truyền của mình, thì dùng hai từ huân tập, huân tu, chỉ đơn giản vậy thôi.
Thiện Trang nói nhiều khi mình cứ chấp một bên, thì mình sẽ không hiểu hết được nghĩa. Nếu cùng một vấn đề, nhưng mình đọc được hai nguồn, với hai cách dịch khác nhau, thì mình sẽ hiểu rõ vấn đề đó hơn. Giống như mình đọc Bát Nhã Tâm Kinh, thì chữ Tâm Kinh là gì? Bắt đầu có người nói: Tâm Kinh là trọng tâm của kinh. Như vậy đúng không? Nếu là Kinh Tâm, thì mới là trọng tâm của kinh. Còn Tâm Kinh là kinh để nằm ở trong tâm, tức là kinh cần nằm trong lòng.
Nghĩa là nếu một người nào khác nữa, dịch khác đi, thì tự mình sẽ hiểu ra được vấn đề. Còn Bát-nhã là trí tuệ giải thoát. Như vậy Bát Nhã Tâm Kinh, là trí tuệ giải thoát mà cần nắm ở trong lòng. Đấy là cốt lõi của Phật pháp, mình cần nắm trong lòng, đó là Bát Nhã Tâm Kinh. Cho nên có những điều rất đơn giản vậy thôi.
Rồi quý vị thấy có bộ Kinh, gọi là Nhất Dạ Hiền Giả, ngài Hòa thượng Minh Châu [có bài kệ], mà thường người ta hay trích là:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Chỉ sống trong hiện tại
Hạnh phúc chính là đây”.
Và đức Phật nói đi nói lại mấy lần, bộ Kinh đó gọi là Kinh Nhất Dạ Hiền Giả. Nếu mình không có trí, không hiểu, thì mình không biết Nhất Dạ Hiền Giả là gì? Nhất Dạ Hiền Giả, mình tưởng chữ “giả” là người, mình tưởng là một người Hiền giả. Nhưng chữ giả này không phải [là người]. Do Thiện Trang có vốn về Hán cổ, cho nên nghe Nhất Dạ Hiền Giả Kinh thì mình hiểu. Mình đọc một hồi đâu có thấy nhắc thầy nào, người nào, một đêm đâu, không có! Mà tóm lại là Kinh đó nói là một đêm trọn lành, một đêm tốt đẹp.
Chữ giả đó không phải người. Tóm lại nếu mình thực hành theo điều đó, thì có một đêm ngủ ngon, một đêm tốt đẹp. Vì mình không nghĩ về quá khứ, không mong ước về tương lai, mình hãy sống trong tuệ quán, trong hiện tại. Tu hành luôn luôn giữ, vì ngày mai thì chưa đến, quá khứ đã qua rồi, giữ quá khứ làm chi cho đau khổ. Tương lai chưa tới, mà mong muốn thì cũng đâu có theo như ý mình đâu. Tại sao không bắt đầu từ bây giờ, hãy ráng tu, hãy ráng giữ niệm Phật, giữ chánh niệm v.v… Bởi vì sao? Có ba điều chúng ta nên nhớ:
1. Thứ nhất là mình không chắc mình chết lúc nào. Chưa chắc tới ngày mai, cho nên đâu cần tính toán làm chi nữa, mơ ước xa xôi làm chi. Vì [mình] không biết chết lúc nào, nên lo giữ chánh niệm ngay lúc này. Để lỡ khi mình ra đi, mình đang lúc chánh niệm [thì] sẽ theo hướng tốt lành.
2. Thứ hai là mình có nghĩ về quá khứ cũng vô ích, và nghĩ về tương lai cũng vậy thôi. Vì thực thế không như mình nghĩ.
3. Điều thứ ba những gì mà mình nghĩ, chỉ là mình nghĩ mà thôi. Nghĩ là vọng tưởng, là tạo nghiệp mà thôi. Còn lại muốn không tạo nghiệp, thì phải trong Phật pháp, trong chánh niệm, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Người sống nhiều vọng tưởng, thì hãy lấy đoạn đó kiểm tâm mình. Đó là những cách. Tức là mình phải có những đề mục quán tưởng như vậy. Và thật ra quý vị cứ thường xuyên sống như vậy, thì đó là tu Thiền quán. Tu Thiền quán thì ngày nào đó sẽ đắc đạo giải thoát, đâu biết lúc nào. Mình nhiều khi ngơ ngơ vậy chứ biết đâu đắc đạo, đủ thì đắc đạo. Người tu hành giỏi chưa chắc đắc đạo, vì nguyện lực của họ lớn như lúc đầu Thiện Trang nói, họ nguyện thành Phật. Còn mình do đời quá khứ chỉ nguyện thành tựu nhỏ thôi, con xin làm con thuyền nhỏ, để đậu ở bến sông nhỏ mà thôi. Còn người ta giỏi quá, tài ba quá, lấy thuyền lớn ra biển khơi, làm sao đậu ở bến thuyền, bến tàu nhỏ được. Phải ra đại dương có bến tàu lớn, hải cảng lớn mới đậu được, chứ hải cảng nhỏ cũng không vừa được. Vì xe của người ta là xe Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyên chở vô lượng chúng sanh mà. Vậy cho nên đâu có biết được. Trong quyển Giới Luật Cương Yếu, Hòa thượng Thánh Nghiêm nói là “tu ba kiếp, năm kiếp là xong được Thập tín”, tức là chứng được hơn A-la-hán. Nhưng có người tu hoài không tới, đó là do vậy đó.
Cho nên hôm nay nói thêm, để có một số người nào chưa hiểu giáo lý thì hiểu thêm. Thiện Trang khuyên: chúng ta nếu có thể thì nên phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Còn nếu như sợ sanh tử, thì đi con đường khác, không đi theo con đường của đức Bổn Sư của chúng ta, là nguyện ở Thế giới này cho đến khi thành Phật, thì trôi lăn hơi nhiều. Nhưng Thiện Trang coi mấy câu chuyện, về sau này thì Ngài tự tại lắm, đời nào cũng giống như vậy, đọa gì cũng được hết.
Hôm bữa có người hỏi một câu hỏi cũng hay: “Thưa thầy, tại sao mấy vị thần ở trên cây, mà sau đợt mưa bão này cây cối ngã đổ hết?”. Quý vị biết tại sao không? Ở trong Kinh A Hàm nói: dù những cây cỏ nhỏ thôi, cũng có những quỷ ở trên đó. Theo độ lớn nhỏ, mà những con quỷ đó sẽ ở trên những cây lớn hay nhỏ.
Trong Kinh Nikaya, hình như trong phần Trưởng Lão Tăng Kệ, đoạn Chuyện tiền thân, có một câu chuyện như thế này: Trong đời đó có một nơi, có một nhóm thần ở trên mấy cây lớn. Đức Bồ-tát là đức Phật Thích Ca trong đời quá khứ, Ngài làm một vị thần nhỏ, ở trên cây cỏ lau. Cỏ lau nhỏ lắm, còn mấy vị thần kia thì [toàn ở] cây to không à. Ngày đó nhà vua có một [cây] cột trong cung đình bị hư, nên vua sai quân ra kiếm cây nào thay cho cây cột. Mấy người đó đi vô rừng, thấy cây đó ngon lành quá [nên] chọn, mai sẽ về trình báo vua, hai hôm sau sẽ tới đó đốn về để thay cho cây cột, vì cây đó rất tốt.
Mấy ông thần nghe vậy rất sợ. Vì trong [cảnh giới của] quỷ thần, họ cũng sống rất có quy luật, vua có phước báu lớn [nên] họ không chống lại được. Bây giờ không biết cách nào, [mấy vị thần] mới than khóc: “Bây giờ cây đó bị đốn rồi, tôi không có chỗ ở nữa”. Vị nào cũng là thần lớn, mấy vị thần cả khu rừng đó mà cũng không có cách nào hết, kêu: “Bây giờ không biết giờ làm sao? Vua cũng có phước báu lớn, đâu thể chống lại được”. Thì [các vị ấy] mới tìm đến Bồ-tát, là tiền thân của đức Phật Thích Ca, Ngài chỉ [là] thần của cây cỏ lau, [xem] có cách nào giúp không. Ngài nói: “Có! Ngày mai khi nào họ tới, thì tôi sẽ có cách giúp”.
Hôm sau đoàn quân vô để đốn cây, thì Ngài mới dùng Thần thông để hiện ra một con sóc, nhảy lên cây đó, chạy gõ cốc, cốc, kêu cho họ thấy. Bắt đầu ẩn mình vô, rồi hiện ra ở khúc khác. Cứ như vậy, chạy qua chạy lại. Mấy người đó nhìn cái cây kêu: “Vậy là ở trong cây này có lỗ hổng, bên trong bị rỗng ruột, cho nên con sóc này mới chạy vô chạy ra được. Vậy mình đốn cây đó về thay cho vua là không được rồi. Phải tìm cây khác thôi, cây đó không được đâu”. Nhờ vậy mà giúp giữ được cây đó, mấy ông thần cây kia mừng quá, [vì] giữ được cây, kêu: “Mình là thần cây lớn, mà mình không có trí tuệ bằng vị thần cây cỏ lau”.
Đức Phật mới nói [đó là] trong đời quá khứ, hình như mấy vị thần cây đó là mấy vị Tôn giả gì Thiện Trang quên tên rồi, còn Ta chính là thần của cây cỏ lau. Quý vị thấy không, với trí tuệ như vậy là đủ giải quyết được vấn đề, vì Ngài đã tu nhiều đời nhiều kiếp [rồi]. Khi mình đã tu nhiều đời nhiều kiếp, thì mình mới có trí tuệ thông suốt. Cho dù phước báu của mình đời đó không tốt, nhưng mình có trí tuệ để giải quyết được nhiều vấn đề. Mình đỡ đau khổ hơn và mình sống tự tại hơn. Đó là đi con đường của đức Phật.
Còn bây giờ ai tu Tịnh Độ, thì nguyện ra khỏi sanh tử, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc đi, chứ đi con đường đó khó quá. Còn ai tâm nhỏ thì thôi, nguyện chứng quả ra khỏi sanh tử trước, rồi từ từ vô độ sanh sau. Làm các hành giả Tiểu thừa, không dám phát tâm Bồ-đề, nguyện thành Phật luôn.
Hôm nay nói rõ, càng học về sau thì Thiện Trang [sẽ] kết hợp giữa hai bên Bắc truyền và Nam truyền. Thiện Trang đúc kết lại để hiểu tạng giáo pháp của đức Phật. Những người không hiểu thì có tri kiến môn hộ rất lớn. Bên Nam truyền thì cứ chê trách Bắc truyền, bên Bắc truyền thì khinh thường Nam truyền. Có những người không hiểu, không nghe hết những bài giảng của Thiện Trang, nên họ cũng nói thầy có tình cảm với bên này, bên kia.
Thiện Trang nói, thật sự khi nào quý vị còn những tri kiến như thế, thì quý vị vẫn là phàm phu rất xa. Vì mình vẫn còn tri kiến môn hộ, mình còn Phân biệt, Chấp trước quá nhiều. Giáo pháp của Phật không có Nam hay Bắc, mà Nam hay Bắc là do người đời sau phân biệt mà thôi. Và càng về sau này, thì chia chẻ ra càng xa, vì có những vị bên này, bên kia. Nói chung quý vị nghiên cứu về tạng kinh và lưu truyền kinh điển, thì quý vị mới hiểu tại sao Phật pháp bây giờ như vậy.
Nếu ai cũng học kinh thôi, thì chắc chắn gần với Phật. Nhưng chúng ta theo thời sau, chúng ta cứ học theo người, gọi là “y nhân bất y pháp” thay vì “y pháp bất y nhân”, nên dần dần có những sai lệch càng xa. Cùng một vấn đề đó, nhưng thầy này giảng khác, thầy kia giảng khác, một hồi nhét qua nhét lại rồi xa ra [thêm]. Rồi mỗi người mở một lối khác nữa, nên càng ngày càng xa.
Cho nên Thiện Trang mới phát nguyện, là đời này sẽ coi hết tạng Kinh. Trong ba tạng Kinh, Luật, Luận của Nam truyền và Bắc truyền, [thì Thiện Trang] cố gắng coi hết tạng Kinh. Và nếu còn thời gian nữa, thì Thiện Trang coi hết tạng Luật. Còn tạng Luận bên Nam truyền, Chú Giải và Sớ Giải nhiều lắm, dịch ra tiếng Việt thì ít, chứ thật ra cũng đầy rẫy ở trong đó. Bên Bắc truyền cũng vậy, nhiều lắm, không coi hết được. Cho nên không thể nào coi tạng Luận được hết, mà chỉ coi những bộ nào điển hình thôi. Ví dụ như bộ Luận Câu Xá này, là một bộ điển hình của Bắc truyền, nên coi, và chúng ta đang học.
Nhờ Thiện Trang học như vậy và nghiên cứu nhiều, nên Thiện Trang cũng dung thông được rất nhiều điều, mà hồi xưa mình không thông. Mới học thì có thể thấy có khoảng cách hai bên, nhưng sau khi học một thời gian thì Thiện Trang thấy hai bên giống nhau, bên này nói giống bên kia. Ví dụ bên Nam truyền nói Bắc truyền cứ thị hiện, thị hiện. Còn Nam truyền họ nói đâu có thị hiện.
Nhưng quý vị coi thử Thường pháp của chư Phật, ví dụ có những Thường pháp, như ngài Tôn giả A Nan là Thị giả của đức Phật và là Thị giả của các chư Phật khác. Trong kinh nói đấy là Thường pháp của chư Phật. Tức là những vị Thị giả thì không chứng quả A-la-hán, khi đức Phật chưa nhập Niết-Bàn. Cho nên đức Phật ở trong kinh an ủi rằng: “Này A Nan! Ông chớ có buồn, vì đó là Thường pháp của chư Phật, Thị giả nào cũng vậy thôi”. Nếu một lần thì là ngẫu nhiên, chứ vị nào cũng như vậy thì chứng tỏ đâu phải bình thường, tức là thị hiện đó.
Rồi có một thị hiện nữa, quý vị coi trong kinh, nói về đức Di Lặc trong tương lai. Trước khi ngài xuất gia thị hiện thành Phật, và sau khi xuất gia rồi, thì mẹ của ngài cũng chỉ chứng được Sơ quả Tu-đà-hoàn thôi. Người mẹ của đức Từ Thị (tức là đức Di Lặc), sau khi nghe pháp, mặc dù bao nhiêu người trong hội chúng đó đều chứng quả A-la-hán, [nhưng] riêng bà thì chỉ chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn.
Quý vị đúc kết lại, link tức là liên kết lại với mẹ của đức Phật Bổn Sư Thích Ca, là Ma Da phu nhân thì cũng vậy, bà cũng chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn [thôi]. Tại sao không chứng quả cao hơn, mà [chỉ chứng] Sơ quả Tu-đà-hoàn? Quý vị phải nghĩ sao kỳ vậy, sao giống nhau vậy?
Thì sự giống nhau như vậy, quý vị phải coi trong Kinh Hoa Nghiêm. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói Ma Da phu nhân không phải là bình thường, mà là Đẳng giác Bồ-tát, thị hiện làm mẹ [của đức Phật]. Tại vì bà tu Pháp môn đó, là làm mẹ của tất cả chư Phật trong Hiền kiếp, thậm chí trong Vị lai kiếp.
Cũng vậy, ở trên cõi này bà đã nguyện như vậy rồi. Và vì nguyện như vậy, nên với nguyện lực của [một vị] đại Bồ-tát Đẳng giác, chỉ giữ thân phận là Tu-đà-hoàn. Vì chỉ có Tu-đà-hoàn mới ở cõi Dục giới, để làm mẹ của chư Phật được. Như vậy là thị hiện rồi, mặc dù trong kinh Tiểu Thừa, Kinh A Hàm hay Kinh Nikaya không nói là thị hiện, nhưng ngầm có trong đó. Đấy thì mình cũng hiểu.
Cho nên tại sao có những người [nói]: “Sao bao nhiêu người đắc quả cao, còn tôi đắc quả thấp?” Vì nếu đắc quả cao thì đi về cảnh giới trời cao hết rồi, đâu xuống cõi Dục nữa, thì đâu làm mẹ của chư Phật được. Cho nên cứ ở cõi Người và cõi trời Dục [giới] thôi, rồi từ từ xuống làm tiếp. Đấy là một hạnh nguyện của đại Bồ-tát, theo tinh thần của Đại thừa.
Nếu mình đúc kết được như vậy, thì mình thấy đâu có gì mâu thuẫn đâu, tại vì sao? Vì với trí huệ, đức Phật chỉ nói làm sao ra khỏi thôi, thì từ đó quý vị mới thấy, ba xe trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là hợp lý. Đức Phật nói: “Miễn các con cứ ra khỏi nhà lửa thôi là được rồi, sau đó Ta tính tiếp”. Ra được rồi thì tính tiếp, cho xe trâu trắng lớn (đại bạch ngưu xa), xe Nhất thừa thôi.
Còn khi mình ở trong vòng sanh tử, thì tùy căn cơ chúng sanh. [Người] kém thì Phật dạy cho pháp kém, để ra [khỏi sanh tử]. [Người] giỏi thì Phật [dạy] cho pháp giỏi, kiểu nào đức Phật cũng quán xét được, chỉ có Phật thôi. Còn các Thánh giả A-la-hán thì không đủ trí tuệ, không phân biệt được, không biết căn cơ được.
Cho nên mình thâm nhập kinh tạng lâu rồi, thì tự nhiên [trí] huệ của mình sanh, mình tự hiểu ra. Và lúc đó mình không phân biệt, không chấp trước nữa. Cho nên nếu quý vị thấy càng về sau này, Thiện Trang tự tại hơn nhiều so với hồi xưa. Vì Thiện Trang thâm nhập kinh tạng, tự mình coi, không qua lăng kính của những người khác. Những người khác nói như thế, nhưng mình cứ nghe thôi. Nghe nhưng không soi mói, không suy xét điều đó, mà Thiện Trang vẫn cố gắng tìm lại trong kinh.
Ví dụ như Thiện Trang nghe người ta giảng về nội dung kinh đó, Thiện Trang phải coi kinh đó nói gì, và mình coi thử người ta nhìn ở góc độ nào. Từ đó mình đúc kết lại, thì ra là như vậy thôi, có gì đâu. Sau này Thiện Trang nói, Nam truyền và Bắc truyền là một, vì không hiểu nên mới có Nam truyền và Bắc truyền. Vì có truyền thừa, nên mới có Nam truyền và Bắc truyền.
Nếu quý vị qua Myanmar, quý vị hỏi mua Đại tạng kinh, thì người ta sẽ hỏi Đại tạng kinh gốc hay là có thêm Chú Giải chú thích. Tức là có một bộ Đại tạng kinh thôi, còn có thêm Chú Giải, rồi có thêm Chú Giải đời này, đời sau, mấy đời, cho nên có nhiều đời ở trong đó. Và có một số điều mình cứ theo thôi, mình cũng biết Chú Giải đó thôi, mình nương theo đó. Chứ mình đâu biết Chú Giải đó có phải chính xác 100% không đâu. Và do những điều đó, chỉ cần có một điều không đúng, là khiến cho mình đi xa hơn. Và bên kia cũng có mở một hướng mới, cũng có thể đúng, nhưng khiến cho hai bên đi xa nhau hơn. Có những điều do mình không hiểu, cho nên khiến mình đi xa nhau hơn. Và từ đó chúng ta xa nhau, từ đó Nam Bắc càng xa.
Thời đại nay của chúng ta là thời đại công nghệ mới, tất cả Phật pháp đều có ở trên mạng. Thiện Trang tìm được một trang web bằng tiếng Anh rất tuyệt vời, họ đăng Đại tạng kinh của tất cả các tiếng. Trong đó tiếng Việt thì họ lấy bản dịch của ngài Tuệ Sỹ của Kinh A Hàm để đăng lên, rất là tuyệt vời! Thiện Trang kêu mình tìm kinh của ngài Tuệ Sỹ, mà sao lại nằm trong trang này (là một trang nước ngoài). Hay như vậy! Vừa có chữ Hán, vừa có bản tiếng Sanskrit, bản tiếng Anh, bản tiếng Nhật, tiếng gì cũng có, mà tiếng Việt thì thấy [có bản của] ngài Tuệ Sỹ.
Tức là thời nay là thời đại toàn cầu hội nhập rồi, chúng ta đừng phân phái chia phe này, phe kia nữa, mà hãy cố gắng ngồi gần lại nhau. Mà muốn như vậy, thì hãy thâm nhập vào, hãy tự mình bỏ tri kiến môn hộ, nhà tôi, nhà kia, v.v… Bỏ đi! Mình vô thâm nhập, để một thời gian mình sẽ thấy giống nhau, không có chia rẽ nữa. Khi đó mình mới ngồi nói chuyện với nhau được. Còn bây giờ cứ đóng cửa, nào là phe tôi này v.v…
Cho nên có nhiều người nói: “Bây giờ thầy Thiện Trang có phải phản bội lại Đại thừa không? Phản bội lại Bắc truyền không?” Nếu quý vị lắng nghe những điều gì Thiện Trang giảng, thì sẽ [thấy Thiện Trang] không bao giờ [làm việc đó]. Tại vì một hồi rồi giáo pháp nào [cũng] quy về một nguồn. Và những hành trì của Nam truyền, hành trì gốc của nền Nikaya, A Hàm rất tốt.
Quý vị thấy thời gian những năm qua, bao nhiêu nạn của các quý thầy toàn là Bắc truyền, chứ Nam truyền đâu có, ít lắm! Tại vì sao? Vì bên Nam truyền có nền tảng tốt. Cho nên chúng ta không phủ nhận, chúng ta phải học. Và từ khi Thiện Trang bước vào giảng pháp, Thiện Trang đã nói là chúng ta nên học giáo lý của Bắc truyền, nhưng phải hành theo Nam truyền. Thiện Trang đã nói từ đầu rồi. Vì Thiện Trang tiếp xúc từ xưa rồi, Thiện Trang biết gốc của A Hàm, Nikaya, gốc của Giới luật là gốc để giúp chúng ta đi được xa. Còn các vị Pháp sư, các vị Giảng sư Bắc truyền, những năm qua một hồi rớt vào nạn, là vì thiếu nền tảng đó.
Quý vị để ý đi, bao nhiêu người rớt vì sắc giới, năm ngoái cũng có người, năm trước nữa cũng có người thế nọ thế kia. Toàn là sắc giới, sắc giới với người nữ đó. Tại vì sao? Vì thiếu nền tảng đó. Cho nên quan trọng lắm! Thiện Trang đã giảng cho quý vị nghe hết 41 bài của bộ Giới Luật Tại Gia thôi, là quý vị có nền tảng, quý vị đi xuất gia cũng có thể nói khó mà phạm giới.
Còn tại sao có những người phạm giới? Vì họ không học qua, khinh thường những lời của Phật, Phật dạy không chịu nghe. Mình thích, mình kêu: Tôi chỉ cần môn này, một môn thâm nhập, trường thời huân tu. Nhưng quý vị chưa đủ nền tảng, quý vị thâm nhập không được. Quý vị chưa đủ tư lương, quý vị không thể đi lên đường lớn được. Chạy ra xa lộ một hồi, mới đầu chạy ngon ngon, một hồi bị tai nạn. Quý vị phải chuẩn bị tư lương, lái được tất cả các đường gồ ghề, đường trơn đường dốc, đường kiểu gì cũng lái cho nhuần nhuyễn, rồi mới ra xa lộ chạy được. Đường tu không bao giờ bằng phẳng.
Người tu hành phải có nền tảng tốt, rồi sau đó quý vị muốn đi chuyên sâu môn nào, thì đi chuyên sâu môn đó. Không bắt quý vị phải học rộng, đa văn, nhưng đầu tiên phải có nền tảng. Còn những người như Thiện Trang đã học rộng đa văn, là Thiện Trang đã chấp nhận rồi. Và quý vị thấy, mặc dù Thiện Trang học rất nhiều, nhưng không sao cả. Thiện Trang vẫn như thế thôi, vẫn một con đường đó và rất tôn trọng. Quan trọng là Thiện Trang có lòng tin, lòng tôn trọng với những người [giảng pháp]. Và đừng mong cầu rằng, những người giảng pháp là những người [như] viên ngọc sáng, không có tì vết, điều đó không có.
Vì những người giảng pháp cũng là hạnh nguyện như mình, lúc xưa người ta phát nguyện, cho nên đời này họ đi tiếp. [Trong đó] vẫn có những người phàm phu, [họ] cũng có những điểm không tốt. Mình phải gạn đục khơi trong, mình học nội dung mình cần học, chứ mình đừng soi mói. Soi mói một hồi thì quý vị lại thấy thầy này không như pháp, thầy kia không như pháp, quý vị tìm một hồi không có ai hết. Bởi vì thời nay lấy đâu ra? Nếu quý vị học theo tinh thần của Nam truyền rất hay, Nam truyền dạy tôn trọng màu áo Như Lai.
Quý vị nên nhớ, trong Kinh A Hàm Thiện Trang chưa có thời gian để trích ra, đức Phật nói: “Về đời sau này, đến khi Tỳ-kheo tay trái dắt con trai, tay phải dắt con gái (hay tay trái dắt con gái, tay phải dắt con trai), mà đi khất thực. Thì người đó vẫn là phước điền (tức là ruộng phước) cho chúng sanh, cho Trời và Người cúng dường”. Điều này ở trong Kinh A Hàm, và ở trong Kinh Nikaya cũng có nói.
Sau này Tỳ-kheo đi khất thực, thì không đi bằng bình bát mà đi bằng đôi gánh. Gánh đôi gánh để khất thực được nhiều, người ta cho gì là bỏ vô hết. Rồi y áo lúc đó không còn nữa, mà quấn một [mảnh] vải vàng trên cổ thôi. Và gánh hai cái giống như thùng gánh, để đi khất thực được nhiều đồ, người ta cho gì cũng nhận hết. Tới thời đó pháp mạt, và lúc đó Tỳ-kheo chỉ giữ bốn giới Ba-la-di, là bốn giới trọng. Mà trong Kinh Nikaya, đức Phật nói người đó vẫn là ruộng phước cho chúng sanh, và người đó vẫn là người gần với đạo giải thoát. Tức là đời đó họ không giải thoát, nhưng đời tương lai họ gần với giải thoát. Họ vẫn giữ được bốn giới Ba-la-di: Giới thứ nhất là không dâm dục; Giới thứ hai là không giết người, phá thai và tợ thai; Giới thứ ba là không trộm cắp lớn (tức là trộm cắp năm tiền trở lên); Giới thứ tư là không đại vọng ngữ.
Họ chỉ giữ được bốn giới đó mà vẫn còn được như vậy, đức Phật nói trong kinh (kinh gì Thiện Trang quên rồi): “Giống như một rừng cây chiên đàn, dù cây chiên đàn đó đổ xuống, thì nó vẫn có mùi thơm hơn rừng cây y lan kia”. Rừng cây y lan kia thối rình, còn cây chiên đàn mặc dù ngả rồi, nhưng nó vẫn thơm. Cho nên quý vị đừng khinh thường.
Trong Kinh Nikaya cũng có nhiều chi tiết hay, tức là bây giờ Tỳ-kheo bên Nam truyền có 227 giới, [nhưng] sau này chỉ giữ được 17 giới, tức là 13 giới thiên Tăng tàn với bốn [giới] thiên Ba-la-di. Rồi sau thời đó thì còn có bốn giới. Nhưng bốn giới đó giữ được thì vẫn còn ngon, Tỳ-kheo đó vẫn là Tỳ-kheo như pháp. Chưa phạm bốn giới trọng thì vẫn là Tỳ-kheo như pháp, cho dù có phạm mấy giới nhỏ kia. Như pháp ở đây là vẫn là bản thể Tỳ-kheo.
Tất nhiên phạm giới nhỏ thì vẫn đọa thôi, nhưng đỡ hơn một chút. Và theo ngôn ngữ của đức Phật là tương lai họ có thể vào Thánh đạo. Tương lai thôi, còn đời đó thì không được. Vì không giữ được trọn vẹn là xong rồi, đời đó không được vào Thánh đạo. Nhưng tương lai họ gần với Thánh đạo giải thoát, và đời đó họ vẫn là ruộng phước [cho] chư thiên và loài người. Còn người phá giới thì khó, họ bị đọa thì chấp nhận thôi. Dù giới trọng hay giới nhẹ gì cũng nguy hiểm lắm, không sám hối là đọa.
Cho nên mình phải có tấm lòng như thế, mình nhìn Phật pháp thì mới hiểu và mình tin. Những người tu hành thời nay khốc liệt lắm, quý vị đừng mong nương tựa, mình hãy nương tựa vào chính mình là tốt nhất, “y pháp bất y nhân”. Học cũng vậy, vị thầy nào mình học được điều gì thì mình học, mình thấy điều nào không học được thì mình bỏ ra ngoài. Đừng đem tâm soi mói, soi một hồi mình mang hai tội: Một là tội phỉ báng Pháp; Hai là tội phỉ báng Tăng.
Mình biết vị thầy đó không tốt, ví dụ quý vị không thích Thiện Trang, quý vị nghe thấy có những điều Thiện Trang giảng, nghe được thì cứ nghe, còn điều nào không nghe được thì thôi, thầy đó giảng theo tri kiến của ổng, kệ ổng, không cần nghe cũng được. Mình bỏ qua, nhưng mình đừng phỉ báng. Nhiều khi đó chính là pháp của Phật, mà mình phỉ báng là mình phỉ báng Pháp. Rồi mình phỉ báng thầy đó là phỉ báng Tăng, thì mình mang tội. Quý vị biết tội đó cũng hơi nặng, đừng có tưởng, bởi vì mình không biết người ta tu thế nào.
Ở đây sẵn [Thiện Trang] nói luôn, không phải là Tăng không, mà người bình thường thôi. Mình phỉ báng, chửi rủa hay nói lời nặng với họ đúng lúc họ đang tu (đang tu nghĩa là đang đang chánh niệm). Họ đang thanh tịnh, chánh niệm, lúc đó mình nói nặng, mình chửi họ là quả báo của mình lớn. Cho nên Phật có điều kiện: là người chứng quả thì không nói với những người bình thường là “tôi chứng quả”.
Tại sao không nói? Vì nói ra sợ quý vị không tin. Ở đây là người chứng quả rồi, chứ không phải người không chứng quả. Nói sợ quý vị không tin, quý vị phỉ báng là quý vị ăn hết luôn quả báo của quý vị. Tức là không tin một vị Thánh giả, một vị A-la-hán chẳng hạn, người ta nói chứng A-la-hán rồi mà mình không tin. Mình nói: “Ông nói xạo”, là quý vị đọa chết luôn. Nên vì lòng từ bi, mà Ngài không [cho] nói.
Cho nên quý vị đừng hỏi người ta chứng quả tới đâu, chứng [quả] gì. Đó là lý do. Quý vị đừng tưởng, tội phỉ báng Thánh nhân là đọa khủng khiếp lắm. Quý vị nhớ trong Tích Truyện Pháp Cú, Tích Truyện Pháp Cú là lấy từ trong Kinh Nikaya ra, có một câu chuyện là cô đó chỉ rủ vị Tỳ-kheo hành dâm thôi, mà cô ấy nhận quả báo đọa làm rồng nữ. Cho nên không đơn giản đâu, đó là vị Tỳ-kheo thôi, mà trong đó không nói vị Tỳ-kheo đó thanh tịnh hay tâm ghê gớm gì đâu, bình thường thôi. Nên đừng giỡn! Mình phải cẩn thận với [những] nghiệp thân, khẩu, ý của mình. Còn ai gieo nhân gì thì chắc chắn họ nhận quả báo đó thôi.
Người phá đại giới (tức là bốn giới trọng), trong Kinh Đại Bảo Tích, đức Phật nói: “Giống như biển không chứa tử thi. Cũng vậy, người phá giới thì trong giáo pháp của ta không nhận”. Cho nên người phá giới, trước sau gì thì cũng bị đẩy ra ngoài. Cũng vậy, giống như xác chết nằm trên biển một hồi thì biển cũng đẩy vô bờ. Cho nên không tránh được đâu, quý vị yên tâm, nhân quả tới thôi, tự xử. Mình không tạo nghiệp thêm cho mình, còn thiên hạ có nhiều người chửi lắm rồi, nhiều người nói đã rồi. Để họ nói đủ rồi, còn mình cứ vui vẻ, hoan hỉ, cuộc đời của mình, mình phải ráng tu cho mình. Đó là phương pháp để tu thời nay.
Thiện Trang thấy càng về sau chúng sanh cực đoan quá. Cứ dựa theo sự kiện của ngài Minh Tuệ, một bên thì cuồng tín, một bên thì bắt đầu chửi, chửi hết tất cả mọi người. Chửi riết rồi các quý thầy cũng sợ luôn. Thầy Pháp Hòa cũng sợ, ai cũng sợ. Chỉ những người cứng đầu, chịu trận nổi mới ra. Quý vị nghĩ thực ra cũng tội lắm, chửi như vậy biết đâu người ta là chân tu. Chân tu trong nhất thời thôi, lúc đó người ta đang thanh tịnh, đang giảng pháp thanh tịnh, lên đài là thanh tịnh mà. Mình chửi là mình mang quả báo, mai mốt mình đọa thì uổng. Có thể lúc khác [người ta] không thanh tịnh, nhưng lúc đó thì họ thanh tịnh.
Ở đây nói với bản chất của một người tu, Cư sĩ thôi, quý vị đang chánh niệm hiện tiền, mà Thiện Trang chửi quý vị, thì Thiện Trang cũng phải nhận quả báo rồi. Đừng nói là một người xuất gia.
Cho nên mình càng phải cẩn thận với nghiệp của mình, đặc biệt thời nay khẩu nghiệp rất dễ tạo. Về sau này quý vị khôn khéo thì dùng ngôn ngữ làm sao đúng mức, vừa phải. Mình nói sự thật, không nên nói dối. Bởi vì mình muốn vào Thánh quả, muốn vào Sơ quả thì không nên nói dối, không nịnh hót một ai, cũng không a dua theo những điều xấu, v.v… Mình phải là người chánh kiến giữa dòng đời phức tạp [như] hiện nay.
Tu trên khẩu nghiệp, tu trên ý nghiệp, tu trên thân nghiệp. Quý vị làm một thời gian, thì phước báu của quý vị lên rất rõ ràng, và quý vị tu tự nhiên công phu đắc lực. Từ đó trở đi thì tâm quý vị mới thanh tịnh được.
Ở đây sẵn nói về tâm thanh tịnh, Thiện Trang trước giờ không biết tiêu chuẩn tâm thanh tịnh là gì. Hôm nay nghe trong Kinh Nikaya, thấy đức Phật nói: “Tâm thanh tịnh là tâm của Tứ thiền”. Bây giờ mình chưa đến Tứ thiền thì tâm không có thanh tịnh. Cho nên mình chưa thanh tịnh tâm đâu, [mà] ô nhiễm, nhiều nghiệp lắm. Đấy là Thiện Trang xin chia sẻ như vậy.
#Vị giản chư đắc tương tự tương tục, thị cố phục ngôn đại chủng sở tạo: vì đơn giản bớt các loại trạng thái tâm tương tự và liên tục (tâm mình thật ra cứ tương tự, liên tục, chứ không phải một tâm), vì thế nên nói rằng do Tứ đại (Đại chủng) mà tạo ra.
Tức là những Loạn tâm, những trạng thái tâm này, tâm kia, thực ra là do diễn biến của tâm mình tương tự nhau, liên tục nhau thôi. Lúc thì mình giận hung (nhiều), lúc thì mình giận nhẹ hơn một chút, cứ theo dòng đó dần dần ra. Lúc thì sân, lúc thì tham, lúc thì từ bi. Những tâm [đó] thật ra không phải bùng lên một phát là hết, mà cứ từ từ, từ từ, âm ỷ giống như ngọn lửa cháy, cứ nhấp nháy, nhấp nháy giống như làn sóng của bài hát, đó là tương tự, tương tục. Tâm mình như vậy, bây giờ có nhiều tâm quá, đủ kiểu tâm, đều do Tứ đại của mình tạo ra.
Tạm dịch: Luận ghi: Loạn tâm, là tâm khác với [được nói] ở đây. Vô tâm, là [khi] nhập Vô tưởng định và Diệt tận định. Đẳng, nói rõ ràng [trạng thái] có tâm mà không loạn (tức là những tâm khác nữa). [Tâm thay đổi] tương tự liên tục thì nói là theo dòng (dòng đây là dòng của thiện và bất thiện). Thiện và bất thiện thì gọi là tịnh và bất tịnh. Vì đơn giản bớt các loại [trạng thái tâm] tương tự liên tục, vì thế lại nói là do Đại chủng (Tứ đại) tạo ra. (Tức là bây giờ ở đây có nhiều tâm, nhưng nói đơn giản, nói gọn lại).
Hôm nay mình chia sẻ tới đây, để bữa khác Thiện Trang chia sẻ tiếp cho quý vị. Lâu rồi Thiện Trang mới chia sẻ kiểu khác, hôm nay chia sẻ chủ yếu là tâm đắc, chứ không chia sẻ sâu vào A Tỳ Đàm. Cũng có cung cấp một số kiến thức A Tỳ Đàm, như Tùy tín hành, Tùy pháp hành, v.v… hay Tứ thiền để tâm thanh tịnh, v.v… Thật ra đó là những kiến thức A Tỳ Đàm. Và có nhiều điều nhưng Thiện Trang nói chung chung như vậy, quý vị nghe được bao nhiêu thì nghe. Mỗi ngày mình nghe một chút ít, và theo năm tháng dần dần mình tích lũy đủ vốn, thì tâm mình tự nhiên thanh tịnh hơn tu được. Mà tu được rồi thì thấy an lạc, thấy hoan hỷ vui vẻ, và thấy con đường giải thoát dễ dàng, gần gũi. Đó là lợi ích trước mắt mình được như vậy. Khi mình tu có lợi ích rồi, thì tự nhiên sẽ lan tới những người xung quanh, những người khác cũng thấy giáo pháp này tu được, hành động được.
Cách tu phước lớn nhất là tâm luôn chánh niệm, tâm luôn giữ được tốt, thì đó là tu phước. Tu phước ngay lúc này, ngay thời điểm này, đó là cách tu dễ nhất. Chánh niệm thì tùy quý vị tu Pháp môn nào. Nếu quý vị niệm Phật, thì quý vị giữ tâm thanh tịnh niệm Phật, [nếu] quý vị tu Thiền [thì] quý vị giữ quán niệm, chánh niệm nhiều. Đó là quý vị tu phước ngay trong lúc này, đâu cần đợi lúc nào, còn gặp chuyện khác thì ta vẫn làm.
Cho nên tại sao người ta tu Thiền, người ta tu chánh định thôi, mà người ta vẫn sanh về cõi Trời, thậm chí trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Còn mình đi làm phước ghê gớm, mà cuối cùng mình chỉ ở Dục giới. Rõ ràng là tâm chánh niệm, tâm trụ pháp [thì có] phước báo lớn hơn. Tuy nhiên chúng ta không bỏ những việc kia, nhưng mình phải biết điều nào là quan trọng. Các vị tiên như [ông] A Tư Đà, ông Uất Đầu Lam Phất [tu] Thiền thôi, mà lên được trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, phước báo lớn như vậy. Người ta tu sơ sơ, người ta [chứng] Sơ thiền, [có] phước báo lớn thì mới lên đó. Còn mình tu, mình lo làm mấy việc hình tướng bên ngoài [thì] phước nhỏ hơn.
Cho nên tâm quan trọng, tóm lại tu là tu tâm. Tâm rồi sẽ tới những hình tướng, các hành động tự nhiên sẽ tốt, đó là bí quyết. Cho nên tâm dẫn đầu các pháp, tâm tạo ra cả thế giới. Kinh A Hàm, Kinh Nikaya hay Kinh Hoa Nghiêm cũng nói vậy, kinh Đại thừa cũng nói về tâm. Đó là bí quyết để tu hành, mình đã nắm được cốt lõi rồi. Bộ A Tỳ Đàm, bộ Luận Câu Xá này nói một hồi cũng chỉ tu tâm thôi. Đó là Thiện Trang chia sẻ với quý vị.
Hôm nay chúng ta tạm dừng ở đây. Mời quý vị chúng ta cùng hồi hướng:
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
“Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo”.
#luancauxa #thaythichthientrang