Responsive Menu
Add more content here...

Luận Câu Xá – Phẩm 1 – Buổi 8

Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 8: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 8.

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 14.08.2024

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang

LCX008- A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Vi DIệu Pháp) – Phẩm Thứ 1 – Buổi 8|| Thích Thiện Trang

mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:

https://www.facebook.com/suthaythichthientrang

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô A Mi Đà Phật!

Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Chúng ta đang theo dõi thời khóa trực tiếp. Theo lịch chúng ta có hai buổi chia sẻ Phật pháp, vào thứ Tư và thứ Bảy. Hôm nay là thứ Tư, chúng ta vào chuyên đề A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận. Tức là bộ Luận Câu Xá, một bộ Luận chuyên về Duy Thức. Bên Bắc truyền thì phân phần này thành của Tiểu thừa. Sau này chúng ta sẽ học lên phần Duy Thức của Đại thừa nữa.

Theo kế hoạch, nếu Thiện Trang chia sẻ một tuần một buổi như thế này, [để] đi hết phần Duy Thức Đại thừa, thì phải cần tầm khoảng 10 năm. Có thể như thế mới hết được. Nhưng đối với chúng ta, quý vị chỉ cần học hết bộ Luận Câu Xá này thôi. Thiện Trang có chia sẻ cả phần bên Phật giáo Nam truyền vào đây. Cho nên chúng ta học cả A Tỳ Đàm của Nam truyền, vào trong Luận Câu Xá này, là chúng ta có được hai trong một. Vì vậy mình sẽ học được rất nhiều lợi ích.

Và bộ này thực ra không nhiều, vì về sau càng ngắn, lúc đầu thì dài dòng, nhưng về sau thì chú giải càng ngày càng ngắn. Mới đầu mình tưởng là bộ này quá dài, nhưng thực tế thì không dài. Đầu tiên Thiện Trang sẽ chia sẻ về phần giáo lý A Tỳ Đàm, chúng ta đang học về các duyên. Duyên sinh tức là 12 nhân duyên, điều đó thì hầu như ai cũng biết, chúng ta xin phép để vào phần sau. Phần Duyên hệ là phần mà ít người học, gồm có 24 Duyên hệ. Chúng ta đã học qua, gồm có:

1. Tiền sanh duyên là những gì giúp đỡ cho cái sau, [tức là] có một lực tác dụng, để giúp đỡ cho đối tượng sau đó, thì nó phải có mặt trước. Đó gọi là Tiền sanh duyên.

2. Thứ hai là Hậu sanh duyên, thì ngược lại. Cái đằng sau tuy chưa xuất hiện, nhưng có thể giúp những điều đằng trước, có sức mạnh giúp điều đằng trước. Giống như người ta vì có mục đích, là để đi làm kiếm tiền, nên trước đó người ta phải đi học. Đó là một mục đích, cũng là Hậu sanh duyên.

3. Tiếp theo là Câu sanh duyên. Câu sanh duyên là hai cái có mặt với nhau đồng thời, để giúp đỡ nhau. Ví dụ như hai người là vợ chồng để đám cưới. Đó là ví dụ dễ nhớ nhất.

4. Thứ tư là Hiện hữu duyên, là cái gì có xuất hiện, thì mới giúp cho cái kia.

5. Thứ năm là Vô hữu duyên, là cái gì không xuất hiện, thì mới giúp cho cái kia.

6. Thứ sáu chúng ta học về Thiền duyên (Thiền na duyên), có các chi thiền để giúp đỡ cho việc tu Thiền. Ví dụ như Sơ thiền, thì cần có Bảy chi thiền.

7. Thứ bảy là Vô gián duyên, là một nhân duyên gì đó liên tục, liên tục, thì mới gọi là vô gián, tức là không có gián đoạn thì mới giúp được.

8. Thứ tám là Đạo duyên. Đạo duyên chính là con đường. Trong mỗi tâm niệm, mỗi suy nghĩ, mỗi hành động của chúng ta, đã tạo ra vô số con đường, khiến [cho] tương lai mà chúng ta đi về. Đó gọi là Đạo duyên.

9. Rồi tới Nghiệp duyên. Nghiệp duyên là nghiệp mình tạo, [tuy] chưa ra quả, [nhưng] cũng đã ấn tượng trong tâm chúng ta. Nói theo Duy Thức Đại thừa, thì gọi là ấn tượng trong A-lại-da thức của chúng ta, khiến cho mình cũng bị chướng ngại, gây cho mình nhiều điều gì đó. Đó [gọi] là Nghiệp duyên.

10. Nếu [nghiệp đó] ra quả, thì gọi là Quả duyên.

11. Vật thực duyên có bốn loại: Một là thức ăn, là Đoàn thực, chúng ta bỏ vào miệng nhai nuốt, đó gọi là Đoàn thực; Xúc thực là những gì mà chúng ta tiếp xúc; Tư niệm thực là những gì ta suy tư, suy nghĩ; và Thức thực. Đó là Vật thực duyên.

12. Tiếp theo là Thường cận Y duyên; 13. Ly khứ duyên; 14. Bất ly duyên; 15. Trưởng duyên; 16. Tương ưng duyên; 17. Bất tương ưng duyên.

Đó là những điều mà chúng ta đã học. Như vậy Thiện Trang thống kê qua sơ sơ, chúng ta đã học 17 duyên. Nếu nói rõ hơn, những duyên mà chúng ta quen thuộc là Nhân duyên, Tăng thượng duyên, Cảnh duyên nữa, là 20 duyên rồi.

Hôm nay xin giới thiệu thêm cho quý vị một duyên nữa, là Dị thục Quả duyên, hay còn gọi là Dị thục duyên. Tùy sách, do dịch giả dịch sang tiếng Việt, có phần khác nhau. Có người gọi là Dị thục Quả duyên, có người [gọi là] Dị thục duyên; #Dị tức là khác; #thục là chín; có nghĩa là chín khác. Duyên này là duyên khiến cho chín khác. Định nghĩa đơn giản, là nhân ta làm việc gì, nhân thiện hay nhân ác, v.v… thì từ từ mới kết quả. Quá trình đó, kết quả đó cần thời gian, chúng không đồng thời, cho nên gọi là Dị thục duyên.

Duyên này mai mốt [chúng ta] học vô, là có tâm quả trong các tâm: tâm nhân, tâm quả, tâm đầu thai, v.v…. Điều này nói ra rất phức tạp, nhưng chúng ta cứ hiểu rằng, khi chúng ta làm một hành động nào đó, thì từ từ mới kết quả, chứ không kết quả liền.

Ví dụ như bây giờ, nhiều người nói kết quả liền mà thầy? Ra đường đánh người ta một phát, [thì bị] người ta đánh lại liền, kết quả liền! Thực tế là kết quả đó cũng chậm hơn một chút, chậm thêm mấy giây nữa, thì người ta mới đánh lại. Hoặc chửi người ta, một hồi sau người ta mới chửi lại, tức là cũng phải mất mấy phút hoặc mấy chục giây sau. Như vậy đó vẫn là Dị thục duyên.

Có nghĩa là để từ nhân đi đến quả, thì cần có thời gian biến đổi, nhân quả này chuyển từ từ. Nó cần có thời gian, có thể ngay trong đời này, có thể đời sau, kiếp sau, v.v…. đó gọi là Dị thục duyên. Có nghĩa là nó vẫn cần một sức mạnh về thời gian.

Điều này thì chúng ta quá quen! Sẵn đây giới thiệu về Dị thục duyên, thì Thiện Trang nghĩ đến trong Kinh A Hàm, đức Phật có đưa ra ở Phẩm Thanh Văn, Kinh Tăng Nhất A Hàm. Đức Phật bảo với các Tỳ-kheo: “Nay có bốn căn duyên sự này trước khổ sau vui, thế nào là bốn?”

Ở đây đức Phật nói là trước khổ sau vui. Quý vị thấy, trước khổ là nhân, nhưng sau đó là vui. Như vậy rõ ràng là Dị thục duyên. Bốn điều đó là:

1. Tu tập phạm hạnh, trước khổ sau vui.

2. Tập tụng văn kinh, trước khổ sau vui.

3. Tọa thiền nghĩ niệm định, trước khổ sau vui.

4. Đếm hơi thở ra vào, trước khổ sau vui.

Như vậy Thiện Trang xin nhắc lại, thứ nhất là tu tập phạm hạnh. Người tu tập phạm hạnh, là người trước khổ, nhưng sau được vui. Phạm hạnh là hạnh thanh tịnh, hạnh của bậc xuất gia, hạnh Sa-môn v.v…. Hoặc phạm hạnh, nói đơn giản là hạnh không dâm dục, thì trước khổ, nhưng sau được vui. Như vậy quá trình từ trước đến sau đó, cần có thời gian, cho nên gọi là Dị thục duyên.

Thứ hai là tập tụng kinh văn, trước khổ sau vui. Đúng rồi! Đầu tiên mình tập đọc kinh văn, rõ ràng mới đầu [đọc] thì ngán lắm, đọc cũng mỏi mắt buồn ngủ, gục lên gục xuống, nhưng trước khổ sau vui. Vì dần dần mình cũng hiểu được chút kinh văn, dần dần mình cũng hành theo được một chút. Hoặc do chủng tử đó, khiến cho ngày nào đó mình được giác ngộ.

Giống như trong thời đức Phật Ca Diếp, có hai vị đó đi vô chùa, cũng không biết gì hết, năm tháng này qua năm tháng nọ, suốt ngày đọc bài: “Thân này là giả tạm, giả hợp. [Là] Sắc, Thọ, Tưởng, Hành Thức, là khổ, v.v…”. Họ đọc năm này qua tháng nọ, [dù] không hiểu được. Nhưng họ cũng hình dung được, tóm lại thân này là đồ lắp ráp từ nhiều thứ, là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Cho nên có thân này là khổ. Họ chỉ nhớ vậy thôi, họ đọc qua năm này tháng nọ.

Nhưng quý vị biết không? Quả của họ được chín muồi, là Dị thục duyên đó, họ gặp được đức Phật Thích Ca và cuối cùng đắc đạo. Vì sao? Vì đức Phật biết hai người đó là “nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Họ đọc bài đó hoài, cho nên chỉ cần đức Phật nói đúng điểm đó cho họ, là họ ngộ ra được thân này là giả tạo, vô thường. Và sự giả tạo, vô thường đó giúp cho họ Kiến đế, đắc được đạo.

Thứ ba là tọa thiền tư niệm định, trước khổ sau vui. Tư niệm hay là nghĩ niệm. Tọa thiền, tư niệm Định Huệ, tức là nhớ nghĩ kinh pháp, mình học v.v… [Rồi] mình tu định, [thì] chắc chắn là khổ đúng không quý vị? Mình tu, sáng dậy sớm, tối thì phải thức khuya. Rồi phải vất vả nữa, người ta thì đi chơi, [còn] mình thì phải ráng tu. Nhưng trước khổ sau vui đúng không?

Thứ tư đức Phật đưa ra là đếm hơi thở ra vào (Sổ tức quán), [thì] trước khổ sau vui. Cũng vậy, đó là một pháp điều hơi thở, gọi là điều tức. Đây là một phương pháp tu, gọi là A-na-Ban-na niệm, ngôn ngữ trong kinh nói là Quán sổ tức, hay là nhớ nghĩ đến hơi thở, thì mới đếm hơi thở ra vào. Đó là một phương pháp tu chánh niệm, thì trước khổ sau vui. Vậy là rõ ràng rồi, là Dị thục duyên.

Quả báo này chúng ta chưa thấy rõ, Thiện Trang xin làm rõ hơn, nội dung tuần trước Thiện Trang chia sẻ. Đó là ở Kinh Số 1 của Phẩm Thanh Văn, Kinh Tăng Nhất A Hàm, để quý vị có thể tra cứu. Đức Phật có nói: “Lại vì nhân duyên gì trước vui sau khổ? Lại vì nhân duyên gì trước khổ sau vui? Lại vì nhân duyên gì trước khổ sau khổ? Lại vì nhân duyên gì trước vui sau vui?”

Tức là bây giờ đưa ra Dị thục duyên có bốn loại: có loại nhân duyên là trước khổ, nhưng sau vui; có nhân duyên trước vui, nhưng sau khổ; có nhân duyên trước khổ, sau cũng khổ luôn; và cuối cùng là trước vui, sau cũng vui. Chúng ta không mất nhiều thời gian, ở đây Thiện Trang ý muốn nhấn mạnh một điều thôi. Điều này chúng ta học lâu, thì chúng ta biết rồi. Tạo nghiệp tốt, thì trước có thể là chịu khổ, đời này có thể chịu khổ, nhưng sau được vui. Hoặc đời này mình được vui, rồi sau này được vui nữa. Đó là do mình đang tạo nghiệp tốt lành rồi, mình tiếp tục tạo nghiệp tốt lành nữa. Đức Phật nói thế này (đoạn này dài lắm, nhưng Thiện Trang tóm tắt như sau):

Nếu người sống 100 tuổi, đúng 10 lần 10 như vậy (100 là 10 lần 10) thì người ấy sống hết đông, hạ, thu, xuân, v.v… Và nếu người ấy trong 100 năm tạo công đức, rồi 100 năm tạo ác nghiệp, tạo các Tà kiến. Một thời gian sau, thì người ấy mùa đông được vui, mùa hạ chịu khổ. Nếu 100 năm tu tạo công đức đầy đủ, rồi trong vòng 100 năm nữa, người ấy lại tạo các nghiệp bất thiện, v.v… thì trước họ chịu tội, sau đó mới chịu phước”.

Ở đây ý nói thế này, nếu nói trong đời là 100 năm, mà 100 năm đó mình tạo rất nhiều việc thiện, rồi sau đó 100 năm tiếp, mình tạo rất nhiều nghiệp bất thiện. Thì quả báo đời sau, trước mình sẽ được vui nhưng sau đó chịu khổ. Đức Phật nói giống như hai mùa xuân hạ, thu đông, thì mùa này được vui, [nhưng] mùa kia bị khổ. Ở đây cũng chưa rõ lắm, Thiện Trang xin đọc thêm một đoạn:

“Nếu lúc nhỏ làm phước, lúc lớn gây tội. Thì đời sau lúc nhỏ hưởng phước, lúc lớn chịu tội”. Đây là nội dung hôm trước Thiện Trang có nói. Đó là chúng ta giải thích tại sao đời này, có những người lúc nhỏ thì sung sướng, nhưng lớn lên lại khổ. Đức Phật nói lúc nhỏ họ làm phước, lúc lớn gây tội, thì đời sau lúc nhỏ thì hưởng phước, [nhưng] lúc lớn chịu tội, chịu khổ.

Đức Phật nói tiếp: “Nếu lúc nhỏ tạo tội, lớn lên cũng tạo tội. Thì người ấy đời sau, trước khổ sau cũng khổ”. (Điều này đương nhiên rồi, tạo tội cả đời). “Nếu lúc nhỏ tạo các công đức bố thí phân đàn (phân đàn là bố thí đồ ăn), lớn lên cũng tạo các phước bố thí phân đàn, thì đời sau người ấy, trước vui sau cũng vui”.

Tóm lại có bốn nhân quả. Nếu đời trước, từ nhỏ quý vị tu tốt, lớn lên không tu nữa. Thì đời sau quý vị được hưởng nửa đời đầu, còn nửa đời sau khổ. Ngược lại, nếu đời trước nửa đời đầu không tu, nửa đời sau tu. Thì đời này, nửa đời đầu khổ, nửa đời sau mới được vui, do nửa đời trước [tu].

Và nhân quả này không phải nửa đời, nửa đời, mà do đức Phật lấy ví dụ ở trên nữa, có thể chia ra. Giống như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thì nguyên đời trước dài như vậy, giờ mình nhét vô có khi mùa này thì sướng, nhưng mùa kia thì khổ. Tức là nó convert lại, rút gọn lại, chứ không phải dài như vậy. Đại ý đức Phật muốn nói là: sẽ có khoảng thời gian thì khổ, có khoảng thời gian thì vui. Cho nên tu tập phải là tu mãi mãi, thì mới được vui mãi mãi. Còn nếu có lúc không tu, có lúc tạo ác, thì khổ vẫn khổ thôi. Nó cứ chen vô, và tỉ lệ đó là tương ưng.

Ví dụ ở trên đức Phật nói là 100 năm tu phước, 100 năm tạo tội, thì như vậy qua đời sau, có thể mùa đông được phước, nhưng mùa thu lại chịu tội, xen kẽ nhau như vậy. Tức là nó tương ưng, chia ngang vậy thôi, chứ không phải 100-100. Tỉ lệ là 100%-100%, chứ không phải là thời gian 100 năm-100 năm. Ví dụ mùa đông quý vị tạo phước, mùa xuân tạo tội. Bây giờ có rất nhiều, mùa đông ở nhà không làm gì, thì tu, [còn] mùa xuân đi ăn chơi, tạo tội, ăn [uống], sát sanh. Người đời nay sát sanh nhiều, đủ hết! Tỷ lệ là 100-100, vậy thì đời sau cũng vậy.

Hoặc là trong đời này, khi nào quả của Dị thục duyên tới, thì 100% thời gian nào đó, có thể một tuần khổ, một tuần sướng, tương ưng như vậy! Nó là tỷ lệ, chứ không phải tính kiểu kia. Cho nên chúng ta hiểu rồi, học thêm điều này nữa, thì mình cẩn thận hơn. Đừng nghĩ [là mình] mới tu, thì cứ đi chơi, tạo tội cho đã, không sao đâu. Không! Có [quả] hết.

Trong bộ A Tỳ Đàm nói rõ hơn, nếu thời gian dài hơn, ví dụ một ngày có bốn thời: sáng, trưa, chiều, tối, hay nói có 24 giờ. Quý vị có 18 giờ làm phước, tu tập, còn sáu giờ ăn chơi sa đọa. Vậy thì tương lai tỷ lệ là 3/4 . 3/4 thời gian trong khoảng đời, hoặc trong gì đó chia ra. [Như] một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, có thể mùa xuân, hạ, thu thì sướng, còn mùa đông thì khổ. Cứ như vậy mà xoay vần vào, thì chúng ta hiểu tỷ lệ đó.

Đức Phật đưa ra một tỷ lệ, cho chúng ta hiểu và hình dung. Thiện Trang đã chia sẻ xong về điều đó, nói sơ sơ thôi. Về Dị thục duyên, tức là từ nhân đến quả cần phải có thời gian.

Tiếp theo xin giới thiệu một duyên nữa, gọi là Hỗ tương duyên. #Hỗ là hỗ trợ, #tương là qua lại, là duyên hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Định nghĩa là lực đẩy, thúc đẩy qua lại giữa nhân và quả. Nhân tác động lên quả, quả tương tác với nhân. Tức là nhân với quả tương tác với nhau.

Chúng ta lấy ví dụ để quý vị dễ hình dung. Nếu chúng ta tu hành đúng pháp, thì tu hành là nhân, quả báo chúng ta đạt được là thân thể khỏe mạnh, trí huệ sanh ra, phước báo hiện tiền. Như vậy chúng ta thấy là nhân quả rõ ràng, nhân đúng thì tác động lên quả. Nhưng quả cũng tác động ngược lại nhân. Tại vì từ quả đó mình tu tốt hơn, vì trí huệ của mình sáng suốt lên. Mình tu đúng mà, nên trí huệ sáng suốt lên, rồi tác động lại pháp tu đó v.v… nên đẩy trở lại. Nói tóm lại là hai cái hỗ trợ lẫn nhau. Nhân quả như vậy, gọi là hỗ trợ, hợp tác với nhau. Cho nên nhân [giúp] ra quả, quả lại giúp cho nhân, để nhân sau tốt hơn nữa, [một] vòng như vậy. Đó là ví dụ [về] tu tập đúng.

Nếu quý vị không hiểu, bây giờ Thiện Trang lấy ví dụ khác dễ hơn, ví dụ về chữa bệnh, thuốc và cơ thể. Thuốc đưa vào cơ thể, cơ thể có hết bệnh không, nếu chỉ có thuốc không thôi? Không! Cơ thể phải tiếp nhận thuốc đó như thế nào, cơ thể phải xử lý thuốc như thế nào. Tức là nhân [là thuốc], với quả là cơ thể [của] mình, hai cái này phải hợp tác với nhau. Cơ thể của mình cũng phải điều dưỡng, nghỉ ngơi, chứ mình uống thuốc không thôi, mình không lo điều chỉnh cơ thể, thì cuối cùng bệnh không hết.

Hỗ tương duyên là hai bên hỗ trợ nhau, giống như thầy và trò trong một lớp học. Thầy dạy cho trò, nhưng trò không hợp tác với thầy, thì nhân đưa qua, nhưng quả [không] phản ứng lại, thì không được. Mà hai bên phải hợp tác với nhau. Trò phải nghiêm túc, nỗ lực học tập, gọi là y giáo phụng hành. Thì quả đó giúp cho nhân, đồng thời thầy cũng dạy tốt hơn. Còn học trò phá quá, không nghe lời thầy, thì thầy cũng phiền não, tự nhiên dạy không được. Cho nên đó gọi là Hỗ tương duyên.

Ở đời, có những thứ mình tưởng mình làm chủ, nhưng cuối cùng là nó làm chủ mình. Điều này mình phải suy xét. Ví dụ quý vị mua một chiếc xe mới về, mình kêu mình là chủ của chiếc xe, nhưng do chiếc xe mới quá, đi mà xước một chút, dơ một chút, là phải chăm chút v.v… Rồi lỡ người nào đi ẩu quá, hay thế nào đó, thì mình xót ruột chiếc xe. Hoặc đứa nhỏ tới, vô tình rờ vô chiếc xe, [khiến xe] bị xước. Hoặc dựng chiếc xe ở đó mà bị cà, hay đá trái banh trúng chiếc xe thôi, là xước xe rồi.

Cuối cùng đó là quả, nhưng tác động lại nhân. Cho nên mình đang làm chủ, lại thành nô lệ cho chiếc xe, cuối cùng là nó làm chủ mình. Trong đời mình phải nhận rõ những nhân duyên này. Cho nên ai là chủ, ai là đầy tớ, xe làm chủ hay mình làm chủ? Hòa thượng Tịnh Không hay nói, là mình ở trong nhà hay nhà ở trong mình?

Tức là mình ở trong nhà, thì mình phải hưởng thụ cái nhà. Còn người bị nhà làm chủ, nhà ở trong mình, nghĩa là suốt ngày chăm chút cho cái nhà sạch đẹp, có bao nhiêu tiền, đầu tư cho cái nhà hoành tráng v.v… cuối cùng mình phục vụ cho cái nhà đó. Cho nên gọi là nhà ở trong mình.

Cho nên quý vị nhớ nha, Hỗ tương duyên quan trọng. Tức là hai cái giúp đỡ lẫn nhau, cái này giúp cái kia. Như vậy chúng ta liên hệ, nó cũng gần gần với Tương ưng duyên và Bất tương ưng duyên. Hai nhân quả hòa hợp với nhau, hoặc là không hòa hợp nhau, thì đó cũng tương tự nhau. Nói chung là 24 Duyên hệ này là chia cho rõ ràng thôi, mà càng chia ra cụ thể bao nhiêu, thì chúng ta càng dễ hiểu, càng dễ nắm bấy nhiêu, thì chúng ta mới hiểu được.

Thiện Trang sẽ kể cho quý vị nghe một câu chuyện, về ngài Cưu Ma La Thập. Quý vị biết, ngài Cưu Ma La Thập là bậc dịch kinh rất nổi tiếng. Ngài dịch kinh theo kiểu là ý dịch. Tức là nguyên đoạn dài của kinh, ngài đọc bằng tiếng Phạn [để] hiểu ý, rồi diễn lại bằng ngôn ngữ chữ Hán. Cho nên văn rất suông, rất dễ đọc, dễ hiểu.

[Vì] ngài đặc biệt như vậy, nên vua muốn hạ uy tín của ngài, [bằng cách] cho ngài mười cô hầu, để bưng nước, lo phục vụ v.v… Một vị Hòa thượng, trụ trì của [một] ngôi chùa, làm [công việc] phiên dịch kinh mà phải nhận như vậy.

Ngài nhận như vậy, cho nên một thời gian sau có nhiều ý kiến, có một số người nói rằng: Ngài làm được, thì tôi cũng làm được”. Có nghĩa là [họ] cũng muốn có như vậy, ngài có mười cô, còn tôi có một cô cũng được”, kiểu vậy! Có một số người Đệ tử thì nói: Sư phụ mình có, thì chắc mình cũng có được”.

Bữa đó ngài đem một nắm kim (kim may đồ) nhỏ nhỏ, bỏ vô một ly nước, ngài lắc lắc một hồi tan hết. Xong rồi ngài nói: Bây giờ, nếu ai muốn như tôi, thì được thôi! Hãy uống hết ly nước này đi! Bây giờ không thấy kim đâu, nhưng hãy uống hết ly nước này, thì sẽ giống như tôi. Còn ai muốn nói tôi, thì uống hết nửa ly nước này, là được!”.

Rồi có ai dám uống không? Không ai dám uống cả. Bởi vì [họ] biết có kim trong ly nước đó. Mặc dù ngài lắc một hồi, kim biến đâu hết rồi, nhưng không ai dám uống. Cuối cùng ngài uống hết, [nhưng] không sao hết. Từ đó trở đi, [người ta] biết ngài không phải là bình thường, biết ngài [là] Cao tăng, có Thần thông. Tại vì quý vị bỏ kim vô ly nước, lắc lắc một hồi, kim biến [mất] hết, nhưng làm sao biến được. Hoặc là đưa cho người ta, người ta cũng đâu dám uống, có mình ngài uống. Cho nên từ đó, mới biết ngài không phải là người thường.

Ý chúng ta [muốn] nói là: mình phải có năng lực cỡ đó, thì mới độ sanh được. Ngài quán được, là vì nếu không nhận thì vua xử, cho nên ngài phải nhận.

Đó là Thiện Trang chia sẻ tiếp một số vấn đề trong A Tỳ Đàm. Thiện Trang [định] chia sẻ thêm một duyên nữa, mà duyên đó dài lắm, chia sẻ chắc một buổi mới hết, cho nên hôm nay chia sẻ tạm hai duyên.

Bây giờ chia sẻ cho quý vị về Tâm sở. Có một số Tâm sở: Tâm sở [thứ] nhất là Tâm sở Tầm. Tầm là gì? Hôm bữa Thiện Trang có đưa ra [ví dụ] về con ong. Tâm sở Tầm là một trong Bảy chi thiền. Tầm là con ong hướng về bông hoa. Và Tâm sở Tầm này giúp cho khỏi buồn ngủ, đối trị hôn trầm. Cho nên ai buồn ngủ, hãy cố gắng dùng phương pháp này để tu. Đó là mình phải cố gắng chú ý về một điều gì đó. Tầm thật ra nói đơn giản là tư duy, đồng nghĩa với tư duy, giải thích ra là tư duy về một vấn đề nào đó.

Ví dụ như đang buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, tự nhiên có chuyện gì đó, ví dụ như cô hàng xóm điện tới: “Chị ơi chị, bữa nay thấy chồng chị đang chở cô nào đi đó”. Thế là tỉnh [ngủ] liền đúng không? Thực tế là tâm mình tập trung tư duy suy nghĩ, về vấn đề nào đó, nhờ đó [mà] đối trị được hôn trầm. Cho nên ai tu Tịnh Độ, khi niệm Phật mà buồn ngủ, thì cố gắng kiếm chuyện gì ra nghĩ, [như] nghĩ về kinh, về pháp và tư niệm. Tại vì lúc đó chi thiền này, tức là Tâm sở Tầm này yếu, [vì] yếu nên buồn ngủ. Đó là cách đối phó. Trong A Tỳ Đàm chia Tâm sở Tầm này có ba loại:

1. Một là Dục tầm, là chạy theo điều mình thích. Ví dụ như lúc đó, Tâm sở này là hướng đến điều [mình] thích, mình tư duy điều mình thích. Ví dụ như đang buồn ngủ ghê gớm, có người đem vô một ly trà sữa trân châu gì đó v.v… ngon lành quá, thì tỉnh ngủ liền. Đó là hướng về một đối tượng mình thích. Dùng ngôn ngữ bình thường là hướng đến, thật ra là mình nghĩ tới, cũng đỡ buồn ngủ đúng không? Đó là Dục tầm, dục là mong muốn.

2. Thứ hai, như câu chuyện vừa rồi, mình nghe cô hàng xóm nói: “Tao thấy ông chồng mày, chở cô nào đi vô khách sạn kìa”, là bắt đầu mình nổi tức lên. Đó thuộc về Sân tầm. Cứ nổi sân lên là hết buồn ngủ, quý vị thấy rõ ràng đúng không? Có nhiều người đang buồn ngủ ghê gớm, mà nổi tức lên, là hết buồn ngủ. Đó là Sân tầm. Tức là mình bực tức lên, ghét với những điều gì bất mãn. [Điều mình] ưa thích là Dục tầm, còn đây là Sân tầm.

3. Thứ ba là Hại tầm, là mình có ý tưởng chống đối, đánh phá, tấn công trần cảnh nào đó, dù người hay vật. Ví dụ đang niệm Phật, buồn ngủ ghê gớm, mà có người bưng vô cái xô gì đó vô, hôi rình! Mình thấy khó chịu quá, người ta để đó, mình tới nhanh chóng bưng ra ngoài. Tâm này gọi là chống phá, bất mãn với hoàn cảnh, cũng gần gần giống với tâm kia, nhưng đối phó lại. Hoặc là đang buồn ngủ, mà tự nhiên sực nhớ ra trời quá nóng, như vậy cũng đỡ buồn ngủ đi.

Như vậy tóm lại ở đây, Dục tầm là chỉ cho Tâm sở Tham. Sân tầm là Tâm sở Sân. Và Hại tầm là thiếu sự từ bi. Ngược lại với từ bi, không có Tâm sở Từ bi (Tâm sở Bi). Đó gọi là Tầm. Chúng ta giải thích rõ ra, chứ hôm bữa mình nói Tầm không [thôi]. Thiện Trang đảm bảo rất nhiều người học Bách Pháp Minh Môn Luận rồi, nhưng hỏi các Tâm sở không biết gì hết. Chính vì vậy mình học mơ mơ màng màng, học cho vui thôi. Như vậy là Tâm sở Tầm.

Thiện Trang xin chia sẻ thêm một Tâm sở nữa, là Tâm sở Tưởng (trong Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư). [Thiện Trang] chia sẻ được cái nào thì chia sẻ, dần dần chia sẻ hết, rồi mình đúc kết lại luôn. Tưởng có ba loại: Dục tưởng, Sân tưởng và Hại tưởng, giống giống ở trên.

1.Dục tưởng là những điều tưởng về mong muốn. Định nghĩa Tưởng là gì? [Trong] Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, thì điều này cũng tương tự như thế. Tưởng là những kinh nghiệm, những sự biết của mình v.v… Có ba loại [Tưởng], cũng tương tự như trên. Mình hiểu được thì mình tu được.

Thứ nhất, trong đời sống mình sống bằng tình thức (sống bằng Tưởng) và sống bằng Trí. Tức là có hai điều: Một là sống bằng Tưởng và hai là sống bằng Trí. Vậy ai sống bằng Tưởng, thì sẽ khổ hơn người sống bằng Trí.

Như vậy Dục tưởng là những mong muốn, hiểu biết của mình. Nhưng đây là do kinh nghiệm hiểu biết. Ví dụ như có những người ăn món ăn, thấy món đó quen thuộc thì mình thích ăn. Đó thuộc về Dục tưởng. Có nghĩa là mình ham muốn, nhưng ham muốn theo cái biết của mình thôi. Còn người có trí hơn, thì họ kêu:“Tuy món này lạ, nhưng coi thành phần cũng có vẻ ngon, có thể ăn được đây, thì chúng ta sẽ thử”. Đó là người thuộc về Trí nhiều hơn. Đây là những điều tu hành đó, cho nên người trí bớt chấp trước hơn, [là] cũng do Dục tưởng này.

2. Sân tưởng cũng vậy, tức là mình nổi tức lên, sân lên, [là] do hằng ngày mình biết theo cái biết của mình. Xưa nay tôi biết như vậy, kinh nghiệm như vậy về vấn đề đó, cho nên bữa nay chỉ cần khác đi, là tôi bực mình lên, tôi điên lên. Còn người trí thì sao? Tuy rằng khác với những kinh nghiệm mình đã biết, khác những tri thức xưa nay mình biết, nhưng mình phải suy xét. Nên người trí sống theo Trí tưởng, người ta không có Sân tưởng được. Người ta dùng trí [nên] phân biệt được. Cho nên trí có khả năng biện biệt được rõ.

3. Còn Hại tưởng là gì? Hại tưởng là mình thấy cái gì không giống với mình, không giống với kinh nghiệm hiểu biết của mình. Ví dụ như hồi trước giờ, nhà mình đặt cái cây bên trái, bữa nay tự nhiên sao có ai vô, đặt lại bên phải. Như vậy mình thấy khó chịu quá, mình chống lại, mình phải đem thay đổi cái cây lại. Hoặc là có nhiều điều lắm.

Tu hành cũng vậy, xưa nay mình nghe Niệm Phật là Pháp môn số một. Bữa nay tự nhiên người ta nói, Pháp môn đấy [không phải] là số một, thì tự nhiên mình khó chịu, mình phải bẻ lại. Như vậy, đó thuộc về Hại tưởng. Hại tức là mình không phải chỉ tức không nữa, mà mình làm ra những hành động, để thay đổi hoàn cảnh, thay đổi điều đó. Đó là Hại tưởng, vậy thì cũng khổ! Cho nên là người sống bằng Trí, thì đỡ khổ hơn rất nhiều. Nên là hãy cố gắng sống ngược với Tưởng, thì là Trí, chúng ta đem trí ra là xong. Như vậy [là] sống thông qua Thức.

Ở đây, Thiện Trang xin nói [thế này]: nếu theo A Tỳ Đàm, thì chúng ta sống theo ba kiểu. Một là sống theo Thức. Thế nào là sống theo Thức? Thức là cái biết ban sơ, cái biết ban đầu thôi. Ví dụ cầm một cái gì đó, thấy nóng thì nóng, thấy lạnh thì lạnh v.v… Cái biết đó có cần không? Cần! Vậy sống theo [Thức] có cần không? Cần!

Thứ hai là sống thông qua Tưởng, thông qua Tưởng thì khổ nhiều hơn. Ví dụ như một người đi qua đường, ở đây Thiện Trang nói những người yêu nhau chắc dễ hiểu hơn. Hồi xưa hai người đó chưa quen nhau, không có yêu nhau, ví dụ chơi một trò chơi gì đó, họ nắm tay nhau, [nhưng] họ không có cảm giác gì hết. Nhưng tới khi họ yêu, tự nhiên họ nắm tay nhau, thì họ có cảm giác. Đó là sống theo Tưởng. [Mình] tưởng ra thôi, do tưởng mà có cảm giác, chứ thực tế thì cũng vậy.

Thực ra nếu quý vị sống theo Thức, quý vị cầm tay người ta thì cũng vậy thôi, người này cũng giống người kia thôi. Nhưng do có Tưởng, nên là tưởng ra một trời thứ trong đó, thành ra ta đam mê, ta chạy theo cái Tưởng. Và ngày nào đó, khi kinh nghiệm của mình thay đổi, hiểu biết về con người đó thay đổi, mình không nghĩ người đó đẹp như xưa, tốt như xưa v.v… Thì cái cầm tay đó, mình thấy khó chịu.

Trong Phật pháp cũng vậy, lúc đầu tới thấy thầy rất là tuyệt vời, từ xa nghe nói đó là vị Pháp sư lỗi lạc v.v… đủ thứ. Mình thần tượng, cho nên mình tưởng toàn điều tốt đẹp. Ngày nào đó, thấy thầy đó hoặc nghe ai đó nói một điều gì đó hơi xấu một chút thôi, là bắt đầu cái Tưởng của mình thay đổi, kinh nghiệm của mình thay đổi rồi. Lúc đó mình bắt đầu khó chịu. Nên người sống theo Trí thì đỡ khổ, người sống theo Tưởng (Tình thức) thì khổ lắm.

Thứ ba là mình sống theo Trí. Sống theo Trí là khả năng biện biệt được, biết rõ cái gì nên, cái gì không nên, điều gì thiện, điều gì ác, điều nào cần, điều nào không cần, điều nào làm, điều nào không làm.

Ở đây sẵn chia sẻ cho quý vị, đức Phật chia ra, có mấy hạng người đi tìm minh sư (tìm vị thầy). Thế nào là tìm minh sư?

1. Có người tìm thầy cho mình, bằng [cách] dựa theo tướng hảo. Tức là thầy nào có tướng hảo, là thầy của mình. Điều này có được không quý vị? Điều này có vẻ không ổn! Nhưng thế gian có những người như vậy đó quý vị. Có người nói phải tìm thầy có tướng hảo, tại vì có tướng hảo chứng tỏ thầy đó có phước báo, có thể thầy đó tu đúng hướng v.v… nên họ chạy theo thầy có tướng hảo. Nhưng đức Phật nói không nên, tại vì tướng hảo là phước báo đời trước, chẳng giải quyết được vấn đề. Cho nên chưa hẳn! Chưa giải quyết được.

2. Thứ hai là theo khổ hạnh, tức là nhìn thấy người đó có vẻ khổ hạnh như vậy, thì chạy theo. Điều này có ổn không quý vị? Chưa hẳn! Tại vì nhiều khi khổ hạnh, nhưng chưa chắc đúng pháp, nên chưa chắc.

3. Thứ ba là đạo phong, đạo phong tức là dáng của vị thầy đó, nhìn có vẻ rất là có đạo, giống như có tư thế thiền, nhìn rất tốt, cách ăn mặc, nói chung oai nghi tế hạnh khá tốt, nhìn qua đó là ok. Như vậy được không quý vị? Cũng chưa chắc được! Từ từ [mình] nói tại sao chưa chắc được.

4. Thứ tư là tìm theo vị thầy nổi tiếng. Thầy đó nổi tiếng rồi, mình nghĩ là đi theo số đông thì chắc ổn. Có được không quý vị? Chưa chắc luôn!

5. Thứ năm là theo pháp. Tức là vị thầy đó giảng đúng pháp.

Nói tóm lại người thứ nhất, nếu chỉ theo tướng mạo, là không ổn rồi. Chưa chắc tướng mạo đẹp là đã ngon. Điều đó [mình] quá biết mà! Các vị A-la-hán thời đức Phật, có nhiều vị xấu lắm, không có đẹp. Thứ hai về khổ hạnh, cũng chưa hẳn! Vì có nhiều vị đâu có khổ hạnh, mà người ta cũng ngon lành, cho nên là chưa chắc. Rồi thứ ba là về đạo phong, đạo phong tức là có dáng thiền, dáng đạo oai nghi v.v…. Đức Phật nói trong Kinh Tăng Chi hay trong Kinh Tăng Nhất A Hàm: “Nói về đạo phong với pháp, thì có người nhìn đạo mạo, ra khí thế lắm, nhưng không có đạo (tức là không có pháp, không tu đúng pháp). Có người thì có được cả hai, là vừa có đạo và vừa có đạo phong (tức là vừa có [bề ngoài], vừa tu đúng Chánh pháp). Có người nhìn bề ngoài thì dở tệ, nhưng lại tu đúng Chánh pháp. Và có người thì cả hai điều [trên] đều không có” (tức là vừa bề ngoài không có, không có đạo cốt gì hết, và cũng chẳng có tu đạo đúng lối).

Đức Phật nói là nên chọn tán thán hai [hạng] người, người nào miễn có pháp là ổn. Và nếu như tốt hơn, là có cả oai nghi tế hạnh nữa. Còn nếu không được thì tạm tạm. Rồi người nổi tiếng thì không chắc, nổi tiếng thì càng không chắc nữa, đặc biệt vào thời nay, người ta dùng đủ các cách để nổi tiếng. Hoặc là theo số đông cũng chưa chắc là đúng. Nên nhớ số đông chưa chắc đã đúng. Thứ năm là tìm người có thực hành, [tìm] vị thầy dạy cho mình theo đúng giáo pháp của Phật.

Đức Phật nói: “Nên chọn người đủ ba điều kiện: Một là nhìn có đạo hạnh, có Giới hạnh. Thứ hai là có được khổ hạnh nữa thì tốt. Và quan trọng là có pháp đúng với lời của Phật dạy. Nếu không được ba điều đó, thì còn hai. Nếu không được hai, thì cuối cùng còn một, nhưng [dù] điều nào, thì pháp là quan trọng”.

Cho nên phải nương theo pháp mà tìm thầy. Đức Phật xác định là phải nương theo pháp mà tìm thầy, chứ không phải nương theo những hình dáng bên ngoài, để tìm vị minh sư. Những cái bên ngoài không đánh giá được, mà phải đánh giá theo pháp. [Muốn] đánh giá theo pháp, thì mình phải học pháp mình mới đánh giá được chứ, không học thì làm sao biết được. Nên gọi là “y pháp bất y nhân”.

Thiện Trang thấy, theo Phật giáo của Nam truyền, thì y pháp bất y nhân làm rất tốt, còn Phật giáo Bắc truyền thì chưa chắc. Phật giáo Bắc truyền dễ bị thờ thầy, thờ một hình tượng quá sâu, rồi đi về một hướng nào đó quá sâu. Cũng có hướng tốt, nhưng cũng có những hướng không được tốt, là lạc rồi. Cho nên quý vị nhớ, nếu như mình là người tỉnh táo, cố gắng hãy tìm người nào, yêu cầu đầu tiên vị thầy phải dạy đúng lời Phật dạy đã. Rồi sau đó tốt hết, có đạo hạnh, có khổ hạnh, có giáo pháp, v.v… có càng nhiều điều càng tốt. Giống như năm điều trên, nếu như quý vị có hết luôn là quá tuyệt vời.

Nhưng không có đâu, thời nay khó kiếm được vị thầy như vậy. Vị thầy tu tốt, thì thường tướng mạo không đẹp, khổ hạnh quá mà, đâu đẹp đâu, làm sao có. Rồi nhiều khi không nổi tiếng, vì họ không quan tâm đến sự nổi tiếng. Tất nhiên cũng có người được nhiều người công nhận. Đó là Thiện Trang chia sẻ sơ qua, và đây là những điều mà chúng ta nên chú ý.

Bây giờ Thiện Trang xin phép vào bài Luận Câu Xá, hôm bữa chúng ta đang ở bài Kệ số tám.

Bài Kệ 8

Hữu lậu danh Thủ uẩn有漏名取蘊,Hữu lậu là Thủ uẩn
Diệc thuyết vi Hữu tránh亦說為有諍,Cũng gọi là Hữu tránh
Cập Khổ, Tập, Thế gian及苦集世間,và Khổ, Tập, Thế gian
Kiến xứ Tam hữu đẳng.見處三有等。Kiến xứ hay Tam hữu …

Pháp Hữu lậu gồm có Thủ uẩn (Ngũ uẩn), cũng gọi là Hữu tránh, vì còn có đấu tranh. Cũng gọi là Khổ, Tập; #Khổ là trong Khổ đế; #Tập là nguyên nhân của khổ; và cũng gọi là Thế gian. Kiến xứ thì đằng sau có giải thích rồi, hay là Tam hữu: Dục giới hữu, Vô giới hữu, Sắc giới hữu, Vô sắc giới hữu.

此 有 漏 法 亦 名 有 諍,煩 惱 名 諍,觸 動 善 品 故、損 害自 他 故、諍 隨 增 故,名 為 有 諍。猶 如 有 漏 亦 名 為 苦,違聖 心 故。亦 名 為 集,能 招 苦 故。

Thử Hữu lậu pháp, diệc danh Hữu tránh, Phiền não danh tránh, xúc động thiện phẩm cố, tổn hại tự tha cố, tránh tùy tăng cố, danh vi Hữu tránh. Do như Hữu lậu diệc danh vi Khổ, vi Thánh tâm cố. Diệc danh vi Tập, năng chiêu khổ cố.

Giải:

#Thử Hữu lậu pháp: là pháp Hữu lậu này.

#Diệc danh Hữu tránh: cũng gọi là Hữu tránh. Bây giờ giải thích chữ Hữu tránh.

#Phiền não danh tránh: tức là còn Phiền não, thì còn gọi là tránh.

#Xúc động thiện phẩm cố, tổn hại tự tha cố: vì làm động những bậc thiện. #Thiện phẩm này có nhiều cách giải thích, thiện phẩm là bậc thiện, hoặc là những pháp thiện, cũng gọi là thiện phẩm.

Bởi vì còn Phiền não, thì làm động đi những việc làm thiện của mình. Chứ mình làm chưa hẳn là thiện. Hoặc tổn hại mình là tự, rồi tổn hại người khác. Ở đây tất nhiên có Phiền não, thì tổn hại mình và tổn hại người khác.

Điều này nhiều người nói: “Sao thầy nói kỳ vậy, sao Phiền não tổn hại mình, [và] tổn hại người khác”. Quý vị nghĩ, quý vị sân lên có tổn hại mình không? Quý vị sân lên, có tổn hại người khác hay không? Đấy là nói đơn giản. Còn nếu như chúng ta còn Phiền não, còn trong luân hồi, thì chúng ta còn tạo nhiều nghiệp, chúng ta khiến cho chúng sanh cũng khổ, mình cũng khổ. Cho nên là tổn hại người khác; #cố là bởi vì.

#Tranh tùy tăng cố: vì sự tranh chấp theo đó mà tăng thêm.

Tại vì sao? Tất nhiên [còn] trong luân hồi, [thì] mình còn tranh nhau, tranh đã luôn. Bây giờ giống như nhiều người tu rồi, vẫn còn tranh nữa, đừng nói thế gian. Muốn tranh chùa to Phật lớn, chùa này to, chùa kia to hơn, tranh tín đồ (tranh Phật tử) v.v… Có hiện tượng đó, đó là những người tu sơ sơ.

[Còn] ở thế gian này, người ta tranh đủ hết, đất nước này tranh giành với đất nước kia, đủ các kiểu. Đó là vì còn Phiền não. Chứ bậc hết Phiền não rồi, thì không tranh với ai hết.

#Danh vi Hữu tránh: gọi là Hữu tránh, tức là có sự tranh đấu.

#Do như Hữu lậu diệc danh vi Khổ: còn như Hữu lậu cũng gọi là Khổ. Giải thích [Hữu lậu] tại sao gọi là Khổ.

#Vi Thánh tâm cố: chữ #vi là trái; bởi vì trái với tâm của bậc Thánh.

Điều này là đương nhiên rồi! Hữu lậu gọi là Khổ, bởi vì trái với tâm của bậc Thánh. Tâm của bậc Thánh thì không tạo ra khổ nữa. Còn tâm của phàm phu thì tạo ra nhiều [sự] khổ, ít nhất khổ mình và mang đến khổ cho người khác.

#Diệc danh vi Tập: cũng gọi là Tập. Tập là nguyên nhân gây ra khổ.

#Năng chiêu khổ cố: bởi vì [chỉ] chiêu cảm ra nỗi khổ. Chữ #năng là phó từ, nghĩa là chỉ; chỉ chiêu cảm nỗi khổ.

Nghĩa là chúng ta ở trong vòng luân hồi, ở đây chúng ta còn là pháp Hữu lậu. Vì có Phiền não, cho nên còn tranh đấu, rồi khiến cho Phiền não tăng lên, thì đó chính là Khổ. Đức Phật nói mọi sự hiện hữu ở đời đều là khổ. Đức Phật có bài thuyết Tứ diệu đế, đối với người ngoại đạo rất hay, đức Phật nói thế này: Tại vì tất cả những gì hiện hữu trên thế gian, đều là vô thường”. Thế nào là Vô thường? Là không còn mãi mãi.

Đức Phật lấy ví dụ như vua Chuyển Luân Thánh Vương rất tự tại. Chuyển Luân Thánh Vương là ông vua lớn, được cai trị, được quản lý, rất sướng! Ngoại đạo nói ông đó tự tại, vậy có gì đâu mà vô thường, có gì đâu mà khổ. Đức Phật nói: “Nhưng có những thứ, ổng không làm chủ được. Đó là ổng sẽ già, ổng sẽ bệnh chết, và không còn giữ được mãi nữa”. Cho nên đó gọi là Vô thường. Vô thường sẽ dẫn đến khổ. Và khổ đó là vô Ngã. Vì sao là vô Ngã? Vì nó [là] Không. Thế nào là Không?

Đức Phật định nghĩa Không như thế này: “Không, không phải là không có, mà không phải là của ta”. Tức là ta không phải ở trong đó, nó không có ta, ta không có nó. Tại vì nó tạm có, nó không có mãi mãi. Thiện Trang thấy trong Kinh A Hàm, định nghĩa của đức Phật [về] chữ Không rõ ràng. Có nhiều kiến thức, quý vị nên học Kinh A Hàm để quý vị thấy.

Ví dụ Thiện Trang thấy, xưa nay mình học định nghĩa [theo] Đại thừa, là đức Phật là bậc Lưỡng Túc Tôn, và chúng ta giải thích thế nào? #Lưỡng là hai; #Túc là đầy đủ, như vậy đức Phật có hai sự đầy đủ là phước và tuệ, gọi là phước trí nhị nghiêm. Chúng ta quen được giải thích như vậy rồi đúng không ạ? Tức là đức Phật có phước báo đầy đủ và trí tuệ đầy đủ, gọi là phước trí nhị nghiêm, cho nên gọi là Lưỡng Túc Tôn.

Nhưng Thiện Trang coi trong Kinh A Hàm, có một đoạn đức Phật giải thích như thế này: “Đức Thế Tôn là bậc tôn quý, trong các loài gồm có hai chân, như Trời, Người v.v…” Có nghĩa các loài hai chân đã tôn quý hơn các loài nhiều chân rồi, và đức Phật là hạng người tôn quý nhất trong các loài hai chân.

Cho nên có nhiều điều, mình giải thích nhiều khi cao siêu quá, trong khi đức Phật giải thích rất đơn giản. Thiện Trang không nói giải thích kia sai, nhưng chúng ta nên hiểu thêm một chút nữa, để mình hạ thấp xuống. Và cách giải thích này, cũng có thể chấp nhận được đúng không? Rất nhẹ nhàng thôi.

Tóm lại, quý vị biết các loài nhiều chân thì đâu có tôn quý, nhưng hai chân là tôn quý rồi. Trời, người mới có hai chân thôi, đâu có nhiều loài có hai chân đâu. Quý vị thấy có mấy con gì đó, cũng nhiều chân lắm, nhưng [các loài] hai chân cũng ít rồi. Trong các loài hai chân, thì đức Thế Tôn là tôn quý nhất, cho nên gọi là Lưỡng Túc Tôn, là bậc tôn quý trong các loài hai chân. Đây là một định nghĩa trong Kinh A Hàm, lời định nghĩa này của Phật.

Cho nên Thiện Trang nói đúng rồi, mình học, mình cứ giải thích theo kiểu Đại thừa, thì cũng hay, cũng đúng. Nhưng đôi khi mình phải chấp nhận những căn bản [mà] đức Phật [nói]. Đức Phật không làm rối tâm chúng sanh, đức Phật giải thích rất đơn giản. Có những điều đó, chúng ta nên học để chúng ta hiểu. Chứ không, chúng ta cứ thấy người ta nói vậy, thì mình lại tưởng sai. Không phải! Chính lời Phật nói như vậy, mình phải hiểu. Đấy là một trong những [cách] giải thích, đây là một định nghĩa khác trong Kinh A Hàm. Quý vị có thể coi trong Kinh A Hàm, Thiện Trang nhớ hình như trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, không nhớ đoạn nào, có nghe qua thôi, quý vị có thể tìm.

Tạm dịch: Pháp Hữu lậu này cũng gọi là Hữu tránh, Phiền não là Tránh (Tránh là tranh đấu), vì động bậc thiện (vì xúc động bậc thiện cũng được; #động là gây động) vì tổn hại chính mình và người khác, vì sự tranh chấp theo đó mà tăng thêm, gọi là Hữu tránh. Còn như Hữu lậu cũng gọi là Khổ, vì trái nghịch với tâm của bậc Thánh. Cũng gọi là Tập, vì chỉ chiêu cảm nỗi khổ (điều này chiêu cảm nỗi khổ).

Có nhiều người nói: “Sao kì vậy thầy, thấy trong đời cũng có sướng mà?”. Sự sướng, đức Phật định nghĩa rốt ráo thế này. Khổ là gì? Thông thường chúng ta định nghĩa là, cái gì bất như ý thì gọi là Khổ. Ví dụ bây giờ đang muốn ăn quá, mà no quá không ăn được nữa, [cũng] khổ. Hoặc ăn no quá, mệt quá, cũng khổ. Đó là hiện hữu những điều bất như ý. Nhưng đức Phật còn định nghĩa một cách rốt ráo hơn nữa: “Khổ là mình không thể dừng giữ lại vị trí đó mãi mãi”, đơn giản là vậy thôi!

Tức là tất cả hạnh ở thế gian đều di chuyển, cho nên “chư hạnh vô thường, thị sanh diệt pháp”. Quý vị nhớ câu này không, chư hạnh (chư hành) là tất cả những gì ở thế gian đều chạy hết; #hành là biến đổi, thay đổi, là pháp sanh diệt. Cho nên tất cả các hành, đều là vô thường là vậy, tại vì nó đang di chuyển. Có ai đứng lại được không? Không! Không có sự đứng lại, đó chính là nỗi khổ.

Tại vì nếu đứng lại thì mình sướng rồi, mình đâu có khổ. Và thế gian này theo một quy luật vận động, là không bao giờ đứng yên. Chính điều này đây là ý nghĩa. Thật ra nó nằm trong ba khổ lớn là Hoại khổ, bao gồm cả Hoại khổ, Hành khổ, Khổ khổ nằm hết trong đó. Định nghĩa một cái thôi, thay vì ba cái, thì gom lại thành một thôi. Hành khổ cũng vậy, Hoại khổ cũng vậy, Khổ khổ cũng vậy, thật ra là do cái gì cũng thay đổi.

Nếu quý vị không thay đổi, quý vị cứ trẻ mãi không già, thì sướng rồi đúng không? Ăn hoài không no, thì sướng rồi đúng không? Ăn hoài không no, thì không có mệt. Thân khỏe hoài không bệnh, thì đâu có khổ. Rồi không bao giờ biệt ly v.v… Thật ra mấy điều khổ kia đều nằm trong đó, định nghĩa một cái thôi: [là] tất cả đều biến đổi. Sự biến đổi đó thành khổ. Vì vậy các bậc Thánh, muốn khỏi khổ thì các ngài phải ra khỏi thế gian. Đó là chúng ta hiểu sơ qua về định nghĩa này.

亦名世間,可毀壞故、有對治故。亦名見處,見住其中隨增眠故。亦名三有,有因有依三有攝故。如是等類是有漏法。隨義別名,如上所言。色等五蘊名有為法。色蘊者何?頌曰:

Diệc danh Thế gian, khả hủy hoại cố, hữu đối trị cố. Diệc danh Kiến xứ, Kiến trụ kỳ trung tùy tăng thùy cố. Diệc danh Tam hữu, hữu nhân hữu y tam hữu nhiếp cố. Như thị đẳng loại thị Hữu lậu pháp. Tùy nghĩa biệt danh, như thượng sở ngôn. Sắc đẳng Ngũ uẩn danh Hữu vi pháp. Sắc uẩn giả hà? Tụng viết:

Giải:

#Diệc danh Thế gian: cũng gọi là Thế gian.

#Khả hủy hoại cố, hữu đối trị cố: vì có thể bị hủy hoại, vì có sự đối trị.

Có nghĩa là cũng gọi là Thế gian, vì bị hủy hoại. Tất nhiên Thế gian thì vô thường rồi. Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác, đức Phật nói ngay từ đầu: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy”. Rồi có sự đối trị, đối trị ở đây ý nói là gì? Vì Thế gian luôn luôn có đối kháng, cái này đối cái kia. Quý vị mở ra cửa tiệm, một thời gian sau thế nào cũng có cửa tiệm cạnh tranh với mình. Quý vị không bao giờ không có sự đối này, cho nên cũng khổ. Đó gọi là Thế gian.

#Diệc danh Kiến xứ: cũng gọi là Kiến xứ.

#Kiến trụ ký trung tùy tăng miên cố: vì ở trong sự Kiến trụ đó; #Kiến trụ là sự thấy của mình về Thế gian, mà cứ giữ như vậy, gọi là Kiến trụ. Mình ở trong đó thì tùy miên này tăng thêm, tức là Phiền não tăng thêm. Có nghĩa là mình ở trong luân hồi càng lâu, ở trong Thế gian này càng nhiều, thì Phiền não của mình nhiều hơn.

Quý vị có công nhận thấy điều đó không? Phiền não, Tập khí [của] mình nhiều hơn, nếu mình không học Phật pháp, mà mình ở trong Thế gian. Rõ ràng nhất, là quý vị sống ở vùng nào, là bị văn hóa của vùng đó, làm cho mình trở thành Kiến thủ kiến và Giới cấm thủ.

Ví dụ ngày xưa ở Việt Nam, lớn lên có tục là lấy chồng [sớm] (tảo hôn đó). Rồi sống hoài trong đó, mới có mấy tuổi đã hứa hẹn cưới chồng. Mới có mười mấy tuổi, đã lấy chồng rồi, mà chồng nhiều khi trẻ hơn nữa, “chồng gì mà chồng bé, bé tẹo tèo teo…”,có bài như vậy. Đó là do nỗi khổ ở Thế gian tạo ra. Nếu như mình sống lâu trong vùng đó, thì mình cũng chấp nhận điều đó. Đó là một điều khổ. Vì Thế gian có nhiều điều kỳ lạ lắm.

Bây giờ ví dụ như người Nhật Bản, Thiện Trang thấy [người] trẻ ở Nhật Bản, không có lập gia đình nữa. Hai đứa ở hai nơi, cuối tuần gặp nhau đi chơi thôi. Như vậy cũng là một hệ lụy, để khiến cho sau này không có những đứa con, [nên] cũng khổ cho xã hội, hoặc nhiều vấn đề phát sinh này kia. Vậy đau ốm thì ai lo v.v… thì chỉ được cái này, mà mất cái kia.

Có rất nhiều quan điểm, [ví dụ] Thiện Trang nói ở hai quốc gia như Đức và Pháp, thì có nền văn hóa rất khác nhau. Người Đức thì rất cẩn thận, họ làm gì cũng cẩn thận từng chút, từng chút. Nhà thì xây cho kiên cố, nhưng nhà nào nhà nấy cứng ngắc, xấu! Còn kiến trúc của người Pháp, thì họ làm kiến trúc đẹp, màu sắc dịu, dễ chịu. Tiếng nói cũng vậy, người Đức thì nói rất là logic, rất là chặt chẽ, nhưng nghe chói tai lắm, khó chịu, nghe giống như chửi lộn. Cái giọng nặng lắm, quý vị học tiếng Đức là biết. Còn Người Pháp thì giọng vui vẻ, nhẹ nhàng hơn, người ta ga lăng, thoải mái hơn. Thiện Trang đi bộ ở bên Pháp, người ta đi xe ôtô, người ta dừng lại mời mình lên xe cho đi quá giang. Còn bên Đức không có chuyện đó.

Tức là văn hóa hoàn toàn khác nhau. [Nên] mình sống riết ở vùng nào một thời gian, là mình bị ảnh hưởng [của] vùng đó. Quý vị thấy người miền Nam Việt Nam, có lẽ là do mấy trăm năm là thuộc địa của Pháp, nên văn hóa người miền Nam khá giống người Pháp. Vô quán ăn trong miền Nam, phục vụ thoải mái, nước hay cái gì cũng miễn phí hết. Qua bên Đức chẳng hạn, là cái gì cũng phải mua, mua thêm, mua thêm. Thật ra thì tiền cũng bấy nhiêu đó, vô đó người ta cũng tính hết rồi, phục vụ bấy nhiêu đó thôi. Nhưng kêu cơm thêm, cái gì thêm, nước thêm cũng được thôi, v.v… thoải mái, vui vẻ. Nhưng còn bên kia, cứ kêu thêm cái nào là tính tiền cái đó, thì thấy hơi khó chịu. Thật ra cũng như nhau thôi, nhưng rõ ràng [do] văn hóa tạo nên. Người Pháp ga lăng, ra đường thì họ rất là vui vẻ chào nhau.

Chẳng hạn mình sống một thời gian, mình lấy tiêu chuẩn nước này, đem qua [so] với tiêu chuẩn của nước kia, mình sẽ nói nước này hay, nước kia dở. Người Đức thì sạch sẽ, quý vị ra đường ít rác lắm. Còn qua Pháp thì có nhiều rác, vì người ta phóng khoáng mà, nên đôi khi cũng hơi dơ dơ chút. Nhiều khi đi ở Pháp dễ bị giẫm mìn lắm, phải rửa chân đó, kiểu vậy! Tức là mỗi nơi có một cái hay riêng, còn bên kia sạch sẽ vô cùng.

Nếu chúng ta sống ở vùng nào một thời gian, nếu quý vị ở vùng quá lâu, thì Kiến thủ kiến, Giới cấm thủ nặng. Còn mình đi nhiều nơi, thì mình sẽ dung hòa được. Cho nên với trí huệ của đức Phật, Ngài không bao giờ bị Thế gian chiêu cảm, không có tăng thêm các Phiền não. Còn mình ở trong vùng đó, mình thấy [như vậy], đó gọi là Kiến trụ. Mình thấy như vậy, mình cho như vậy, mình chấp như vậy. Rồi cuối cùng mình cho mình là đúng, và tất cả những gì ngược với mình thì cho là sai. Điều đó tăng thêm Phiền não, chấp trước cho mình.

Quý vị nên nhớ, có nhiều điều mình cần phải hiểu, mỗi vùng đất mỗi khác nhau. Ví dụ như Nhật Bản, đất đai chật hẹp, nên họ thiết kế đồ đạc, dụng cụ toàn ráp lại, giấu lại, gọn lại. Lúc [cần] thì kéo ra xài, không thì gấp lại, gọn gàng. Nhưng quý vị qua các nước Châu Âu, đất đai rộng thênh thang, người ta đâu cần mấy cái đó đâu, mua làm chi cho tốn thời gian, [vì vẫn] thỏa mái. Mỗi vùng có mỗi cái khác nhau, quý vị đừng có nghĩ là cái kiến của mình đúng.

Mình phải hiểu, mình là người học Phật, sống ở vùng nào, mình biết vùng đó có thế mạnh gì, thì phát huy. Biết điểm yếu nào, thì mình hạ xuống. Đó là người giác ngộ, gọi là thoát khỏi Kiến trụ. Ở Việt Nam cũng vậy, mình sống ở Việt Nam cũng có điều hay của mình, những điều không hay thì mình cũng nên sửa.

#Diệc danh Tam hữu: cũng gọi là Tam hữu. Tam hữu này [thì quý vị] cũng hiểu rồi đúng không?

#Hữu nhân hữu y tam hữu nhiếp cố: bởi vì có nhân, có nương tựa vào Tam hữu nhiếp. Tam hữu nghĩa là mình còn có nhân, thì còn phải có nương tựa. Tam hữu nhân là gì? Nhân là còn khổ, là ba [loại] Phiền não. Có nơi nương tựa, vì ở Dục giới, thì phải nương tựa vào dục (là ham muốn). Sắc giới nương tựa vào thân thể, cũng có hình sắc. Còn ở Vô sắc giới cũng phải nương vào Tưởng (Thức). Cho nên vẫn còn ở đó, nên vẫn có nhân.

#Như thị đẳng loại thị Hữu lậu pháp: những loại đó gọi là pháp Hữu lậu.

#Tùy nghĩa biệt danh: theo nghĩa mà có tên khác nhau; #biệt danh tức là tên khác nhau.

#Như thưởng sở ngôn: như đã nói ở trên.

#Sắc đẳng Ngũ uẩn danh Hữu vi pháp: Ngũ uẩn gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, gọi là các pháp Hữu vi.

#Sắc uẩn giả hà? Tụng viết: Sắc uẩn là gì? Thì bài tụng sẽ nói.

Tạm dịch: Cũng gọi là Thế gian, vì có thể [bị] hủy hoại, vì có sự đối trị. Cũng gọi là Kiến xứ, vì trong sự Kiến trụ đó thì Thùy miên (Phiền não) cũng theo đó mà tăng thêm. Cũng gọi là Tam hữu, bởi có nhân có nương vào sự nhiếp của Tam hữu. Những loại như vậy là pháp Hữu vi. Theo nghĩa [mà] tên khác nhau, như đã nói ở trên. Sắc v.v… trong Ngũ uẩn gọi là pháp Hữu vi. Sắc uẩn là gì? Bài kệ tụng rằng:

Bữa nay mới học đến Sắc uẩn, Sắc uẩn rất dài, bây giờ mới vô. Bình thường không học kỹ như vậy đâu, ở trong bộ Luận này mới học Sắc uẩn là gì.

Bài Kệ 9 – phần 1

Sắc giả duy Ngũ căn色者唯五根,Sắc là chỉ Ngũ căn,
Ngũ cảnh cập Vô biểu.五境及無表。Ngũ cảnh và Vô biểu.

#Sắc giả duy Ngũ căn: Sắc là chỉ Ngũ căn.

#Ngũ cảnh cập Vô biểu: Ngũ cảnh và Vô biểu.

[Bây] giờ chúng ta sẽ nói về Ngũ căn gồm những gì? Đừng có học một hồi rồi chạy qua Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần… Ở đây là trùng tên thôi. Ngũ căn gồm: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tị căn,… trong đây bộ Luận có giải thích, nên Thiện Trang xin phép dùng bộ Luận để giải thích luôn.

論曰:言五根者,所謂眼、耳、鼻、舌、身根。言五境者,即是眼等五根境界,所謂色、聲、香、味、所觸。及無表者,謂無表色。唯依此量立色蘊名。此中先應說五根相。頌曰:

Luận viết: Ngôn Ngũ căn giả, sở vị Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân căn. Ngôn Ngũ cảnh giả, tức thị Nhãn đẳng Ngũ căn cảnh giới, sở vị Sắc, Thanh, Hương, Vị, Sở xúc. Cập Vô biểu giả, vị Vô biểu sắc. Duy y thử lượng lập Sắc uẩn danh. Thủ trung tiên ưng thuyết Ngũ căn tướng. Tụng viết:

Giải:

#Luận viết: Luận nói rằng:

#Ngôn Ngũ căn giả, sở vị Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân căn: tức là Ngũ căn bao gồm: #Nhãn là mắt; #Nhĩ là tai; #Tị là mũi; #Thiệt là lưỡi, và Thân căn.

1. [Ngũ căn] gồm có Nhãn căn là mắt. Mắt, ở đây chúng ta hiểu đơn giản nhất là mắt của chúng ta. Nếu hiểu như vậy thì là cách hiểu rất bình thường. Nếu quý vị hiểu theo Duy Thức, thì Nhãn căn không phải đơn giản như vậy. Quý vị thấy nhiều người cũng có con mắt, nhưng người ta không thấy đường. Vì nó còn có [dây] thần kinh trong đó, hoặc bị cái gì trong đó, nên [mắt] có vấn đề. Định nghĩa [theo] Duy Thức một cách vừa phải, là có Tịnh sắc căn và Phù trần căn.

Cái mà mình thấy được, cấu tạo bên ngoài gọi là Phù trần căn. Phù trong chữ phù điêu, phù điêu là lòi ra. Bức tranh Phù điêu, tức là bức tranh lòi ra, giống như bức tượng. Mình tạc tượng, còn đây là tạc tranh, thì gọi là Phù điêu. Như vậy Phù trần căn, là cơ quan mà người ta thấy được, mắt này gọi là Phù trần căn.

Còn có những cái gì không lòi ra, gọi là Tịnh sắc căn. Tịnh sắc căn, mình hiểu đơn giản theo ngôn ngữ khoa học bây giờ, là những dây thần kinh. Thực ra không chỉ là những dây thần kinh không thôi, [mà] còn xử lý được thông tin của mắt đưa vào một phần. Nó truyền kiểu gì đó, gọi là Tịnh sắc căn.

2. Thứ hai là Nhĩ căn, là cái tai. Thì có Phù trần căn là vành tai, màng nhĩ, v.v… mình thấy rõ ràng, đó gọi là Phù trần căn của Nhĩ căn. Nhưng còn Tịnh sắc căn, mình hiểu là những dây thần kinh, rồi yếu tố nào ngầm ngầm ở trong đó. Để nó chuyển được thông tin của tai nghe được (là âm thanh), chuyển lên cho Ý thức thứ sáu thấy, để xử lý. Đó là Nhĩ căn.

3. Tương tự mũi cũng có Tịnh sắc căn và Phù trần căn, để xử lý về mùi.

4. Thiệt là lưỡi, xử lý về vị. Giống như vị giác, có thể biết vị đó là gì. Quý vị có biết có bao nhiêu vị không? Ngọt, mặn, chua, chát, đắng, lạt, thật ra sau có học hết, trong này có hết, [nên cứ] từ từ. [Ở đây] mình kể ra cho biết thôi.

5. Tiếp theo là Thân căn, là thân thể [của] mình, cũng là một căn, [thì] biết được xúc chạm, trơn láng, mịn màng, nóng lạnh. Những điều về sau thì trong bộ Luận này có nói hết, yên tâm! Quý vị học Duy Thức hầu như nói kỹ hết, chứ không giống như học mấy môn khác. Môn Duy Thức hay A Tỳ Đàm, mấy môn này thì điều gì cũng nói cho đầy đủ hết. Như vậy Ngũ căn gồm có năm loại là Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân căn.

#Ngôn Ngũ cảnh giả: nói về Năm cảnh, Năm cảnh thì dễ rồi đúng không?

#Tức thị Nhãn đẳng Ngũ căn cảnh giới: tức là cảnh giới của Ngũ căn, như Nhãn (mắt);

#Sở vị Sắc, Thanh, Hương, Vị, Sở xúc: #sở vị là bao gồm; bao gồm Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc.

Ví dụ [như] Sắc, mắt thì thấy màu sắc. Quý vị biết mình thấy được bao nhiêu màu không? Mấy màu chính là xanh, vàng, đỏ, trắng. Rồi quý vị biết là [mắt] phân biệt được gì nữa không? Đằng sau có nói, điều này cũng chia ra nhiều thứ lắm, 21 loại. Mình học môn này chia ra nhiều lắm. Mắt mình có thể thấy được, ví dụ mình có thể phân biệt được đối tượng đó, là dài hay ngắn, gồ ghề hay bằng phẳng. Mắt mình có nhiều cái hay lắm, nhìn một cái là biết.

Ở đây sẵn nói về mắt thấy cảnh sắc, thì [có câu chuyện] về Thiên nhãn của ngài Tôn giả A Na Luật. Mới đầu, ngài nghe pháp đức Phật giảng, một hồi ngài ngủ gục. Đức Phật mới quở trách ngài: “Tại sao lại ngủ gục, khi [đang] nghe pháp như vậy?”. Từ đó là ngài hứa là: “Bữa nay con quyết tâm tinh tấn, con không ngủ nữa”. Ngài không ngủ [một] thời gian, thì bị bệnh về mắt. Đức Phật mới nhờ ông Thần y Kỳ Bà (Thần y Kỳ Dật) chữa cho ngài A Na Luật. Thì vị Thần y nói là: “Bây giờ muốn chữa được, thì hãy bảo ngài [A Na Luật] ngủ đi. Ngài không ngủ thì làm sao con chữa được!”.

Đức Phật mới khuyên ngài A Na Luật: Ông hãy tu trung đạo, ngủ đi! Chứ bây giờ mỗi thứ [đều] lấy thức ăn, mắt lấy ngủ làm thức ăn, mà ông không ngủ thì không được”. Ngài A Na Luật nói: “Con hứa rồi, con không ngủ, con sẽ cố gắng thức”. Lúc đầu mặc dù ngài cố gắng, nhưng cứ ngủ gục hoài. Sau một thời gian ngài cố gắng, thì con mắt bị hư luôn, mù luôn, nhưng ngài [lại] có được Thiên nhãn.

Quý vị biết Thiên nhãn thì tất nhiên rất là sáng tỏ, Thiên nhãn Đệ nhất mà, hơn những người thường. Nhưng có những việc mà Thiên nhãn làm không được. Trong Kinh Vô Lượng Thọ gọi là “Nhục nhãn giản trạch”. Quý vị biết lúc ngài khâu kim thì ngài khâu được, may vá được, nhưng lúc ngài xỏ kim, thì Thiên nhãn không xỏ được. Ngài dùng Thiên nhãn không [được], ngài mới tác tâm nói: “Bây giờ những bậc nào, như A-la-hán, Đệ tử của đức Phật, xin hãy xỏ kim cho con”, vì ngài không thấy. Tức là Thiên nhãn không có giản trạch, không có chọn lựa đơn giản [được], nên không thấy lỗ kim, vì vậy không xỏ qua lỗ kim được. Đức Phật lúc đó mới dùng Thiên nhĩ nghe được, nói chung Ngài biết được, cho nên Ngài mới xuất hiện tới, nói là: “Ta sẽ xỏ kim cho ông”. Lúc đó ngài A Na Luật thấy điều đó thật là tuyệt vời! Từ đó có giai thoại [như vậy].

Có nghĩa là nếu chỉ dùng Thiên nhãn không [thôi], thì không làm được một số việc. Cho nên, trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là phải có đầy đủ Ngũ nhãn (năm nhãn), trong đó có Nhục nhãn giản trạch, tức là chọn lựa đơn giản mới thấy được. Chứ còn Thiên nhãn thấy thông suốt, đâu có thấy lỗ kim đâu, thấy xuyên suốt luôn. Thiên nhãn cũng có tác dụng của Thiên nhãn, nhưng phải có Nhục nhãn (mắt thường), thì mới làm được một số việc của phàm phu.

Cho nên quý vị có Thiên nhãn, quý vị nhìn người nào cũng nhìn xuyên hết, thấy ở trong đó tim, gan, phèo, phổi hết. Quý vị không thấy gì hết thì sao quý vị bắt bệnh, chữa bệnh cho người ta được. Nên đôi khi cần có Nhục nhãn, để làm một số việc nào đó. [Vì vậy] là phải có năm loại nhãn của Như Lai. Sau này chúng ta học ở bộ Kinh Vô Lượng Thọ, thì thấy điều đó. Cho nên đừng có xem thường những điều này. Mỗi chúng sanh đều có một cái hay riêng, đừng có tưởng phàm phu là thua kém. Đúng! Đồng ý thua kém! Nhưng có những điều bậc Thánh nhân cũng phải chào thua, có nghĩa là vậy.

Như vậy ở đây gồm có năm cảnh, mắt thì thấy sắc. Tai nghe âm thanh (nghe tiếng), tiếng là cảnh trần của Nhĩ căn. Mùi hương là cảnh trần của Tỵ căn (mũi). Vị là cảnh trần của Thiệt căn (lưỡi). Được tiếp xúc là cảnh trần của Thân căn.

#Cập Vô biểu giả: và Vô biểu; #Vô biểu chính là Vô biểu sắc.

#Vị Vô biểu sắc: là Vô biểu sắc.

Thế nào là Vô biểu sắc, đố quý vị biết? Vô biểu sắc là một loại Sắc pháp, [có] cấu tạo rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy được, nó không lộ ra bên ngoài.

Ví dụ như Tịnh sắc căn là một loại Vô biểu sắc. Hồi nãy Thiện Trang có nói Tịnh sắc căn, quý vị có hiểu không? Giống như mắt mình có những cấu tạo nào đó, nằm nhỏ nhỏ ở bên trong. Bây giờ lấy kính hiển vi soi lên, thấy bao nhiêu thứ ở trong đó, cũng là một loại Sắc pháp. Nó cấu tạo rất nhỏ trong đó, mà mình không thấy được, có nhiều thứ mình không thấy lắm. Ví dụ như Vô biểu là những nguyên tử, những hạt electron v.v… Đó cũng thuộc về Vô biểu sắc. Tức là những cái nhỏ quá, không thấy được, rồi những dây thần kinh, v.v…

Có những cái không có hình sắc, cũng gọi là Vô biểu sắc. Ví dụ như năng lực thấy của mắt, khả năng mắt thấy được cái gì đó, thì đó cũng là Vô biểu sắc. Tức là không biểu thị bằng hình dáng. Bây giờ quý vị đem một vật nào đó, đồ giả y chang con mắt, nhưng có thấy được không? Nó có truyền được [như] mắt [thật] không? Không! Hai cái đó giống nhau mà, làm một cái đồ giả y chang như vậy. Nhưng rõ ràng là phải nghiên cứu làm sao đó, để nó có chức năng truyền dẫn thông tin thì mới được.

Khả năng truyền thông tin, xử lý thông tin được về hình ảnh, đó gọi là Vô biểu sắc. Mấy bộ Luận này nói kỹ lắm, phải nói vậy chứ! Chứ không, mình [chỉ] nói được phần hình sắc thôi, còn phần tinh thần bên trong thì không nói được. Ở đây nói đầy đủ hết. Thành ra là có cái Vô biểu sắc như vậy.

Ví dụ ở trong A Tỳ Đàm nói về Hư không, Hư không cũng được gọi là một trong 28 Sắc pháp, có khi gọi vậy đó. Vì không phải là Hư không, Hư không là gì thì chút nữa chúng ta sẽ hiểu. Rồi nhiều khi tính biến hóa của các Sắc pháp, ví dụ như cái này có thể biến ra cái kia v.v… thì tính chất đó cũng gọi là Vô biểu sắc.

Ví dụ, quý vị biết tại sao con tắc kè có thể đổi màu không? Thì tính mà con tắc kè đổi màu được đó, cũng là Vô biểu sắc. Điều này rất là hay, nếu mình nghiên cứu ra. Bên A Tỳ Đàm chia ra 28 Sắc pháp. Còn bên Luận Câu Xá này chia ít hơn, từ từ chúng ta sẽ hiểu được.

#Duy y thử lượng lập Sắc uẩn danh: tức là chỉ nương vào số lượng này mà lập thành tên của Sắc uẩn.

#Thủ trung tiên ưng thuyết Ngũ căn tướng. Tụng viết: trong đây trước tiên cần nên nói về tướng của Ngũ căn. Vậy là mình đã hiểu về tướng của Ngũ căn. Bài tụng nói rằng:

Tạm dịch: Luận nói rằng: Nói về Ngũ căn, đó gồm là Nhãn căn, Nhĩ căn, Tị căn, Thiệt căn, Thân căn. Nói về Ngũ cảnh, tức là cảnh giới của Ngũ căn như của mắt, đó gồm Sắc, Thanh, Hương, Vị, và Xúc. Về Vô biểu: tức là Vô biểu sắc. (chữ Vô biểu này chúng ta phải hiểu là Vô biểu sắc). Chỉ nương vào số lượng này mà lập nên tên của Sắc uẩn. Trong đây trước tiên nên nói về tướng của Ngũ căn. Bài tụng nói rằng:

Bài Kệ 9 – phần 2

Bỉ thức y Tịnh sắc彼識依淨色,Thức đó nương Tịnh sắc,
Danh Nhãn đẳng Ngũ căn.名眼等五根。Tên năm căn như Nhãn.

Giải:

#Bỉ thức y Tịnh sắc, Danh Nhãn đẳng Ngũ căn: #bỉ là đó; thức đó nương Tịnh sắc. Tên năm căn như Nhãn.

Hồi nãy Thiện Trang cũng có nói Tịnh sắc căn. Thì ở đây, Thức phải nương vào một điều, đó là Tịnh sắc căn. Tức là ngầm ở bên trong, chứ không phải là bên ngoài không. Mỗi con mắt không thôi, thì đâu có tác dụng gì, nhưng còn có Tịnh sắc căn bên trong. Cho nên người ta mới lập nên tên của năm căn như Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân.

論曰:彼謂前說色等五境,識即色、聲、香、味、觸識。彼識所依五種淨色,如其次第,應知即是眼等五根。

Luận viết: Bỉ vị tiền thuyết Sắc đẳng Ngũ cảnh, Thức tức Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc thức. Bỉ Thức sở y ngũ chủng Tịnh sắc, như kỳ thứ đệ, ưng tri tức thị Nhãn đẳng Ngũ căn.

Giải

#Luận viết: tức là Luận nói rằng, hay Luận ghi rằng.

#Bỉ vị tiền thuyết Sắc đẳng Ngũ cảnh: đây là trước tiên nói về năm cảnh như là Sắc; #Sắc là hình sắc.

#Thức tức Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc thức: ở đây mở ra thêm Thức nữa, thì gồm có năm thức; #Thức là sự biết, biết về năm điều: biết về hình sắc, biết về âm thanh, biết về mùi hương, biết về vị (vị đó là mặn, ngọt,…), biết về sự tiếp xúc. Đó là những sự biết; chữ #thức này là sự biết. Thức ở đây là danh từ, Thức là sự biết về màu sắc, hình sắc, biết về âm thanh, biết về mùi hương, biết về vị, biết về sự tiếp xúc.

#Bỉ Thức sở y ngũ chủng Tịnh sắc: ở đây mình có năm thức thôi. Nhãn thức, mình tạm nói là sự biết của mắt, biết của thân thể chúng ta, biết về hình sắc.

Ví dụ cầm một vật gì đó đưa lên, quý vị thấy màu đen đen, xanh xanh. Hay cầm quyển Kinh Tăng Nhất A Hàm lên, thì quý vị thấy được ngay. Đầu tiên là có hai màu, màu xanh này và màu xanh kia, rồi thấy sợi dây đánh dấu trang đọc là màu khác. Quý vị thấy hình quyển sách là hình chữ nhật, chỗ này [gáy sách] cong cong, tròn tròn. Tức là quý vị thấy được tất cả, biết được những đặc tính này, hình sắc này, đó gọi là Thức. Những cái biết này, là do một hoạt động là thức, gọi là Nhãn thức.

Nhãn thức biết nhiều thứ lắm, chứ đâu phải đơn giản. Quý vị nhìn bức tranh hình Phật đằng sau, thấy có ba vòng tròn chấm chấm chấm… thấy rất rõ từng chút một, và quý vị thấy có chữ Nam Mô A Di Đà Phật, hay Nam Mô A Mi Đà Phật viết bằng chữ Hán. Hoặc quý vị nhìn trên màn hình có chữ A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận màu xanh v.v… Tức là sự biết đó là nhờ mắt mới biết, thì gọi là Thức, Nhãn thức. Thức là sự biết; sự biết về sắc thì gọi là Nhãn thức.

Tương tự, sự biết về âm thanh gọi là Nhĩ thức; sự biết về mùi hương gọi là Tị thức; sự biết về vị đắng, chua, cay, mặn, ngọt, v.v… gọi là Thiệt thức. Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, và cuối cùng là Thân thức. Chúng ta nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì mình nói là giác quan cho dễ. Đôi khi nói ngôn ngữ nhà Phật, mà nói một hồi không hiểu. Nói đơn giản lại là năm giác quan của mình đó.

Vì năm giác quan này, nương vào năm loại Tịnh sắc căn. Tức là nương vào dây thần kinh bên trong, nương vào bộ xử lý sơ sơ trong đó, thì nó [mới] nhận được. Giống như bây giờ quý vị có điện thoại, thì phải có camera mới chụp hình được. Còn nếu không có camera, là không chụp hình được. Những cái đó có [bộ] xử lý bên trong.

Thiệt là lưỡi, thì biết các loại vị mặn, ngọt, đắng, cay. Các sự biết đó, gọi là Thiệt thức, chứ không phải Vị thức. Lúc nãy Thiện Trang nói nhầm.

#Như kỳ thứ đệ: tức là như tầng lớp, thứ lớp, thứ tự; #thứ đệ tức là thứ tự. Thứ tự của chúng như vậy.

#Ưng tri tức thị Nhãn đẳng Ngũ căn: nên biết chính là năm căn như Nhãn căn v.v…

Tóm lại ở đây chúng ta đang nói về năm căn, năm trần và năm thức. Có năm căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân. Năm căn thì biết được năm cảnh trần: mắt thì biết hình sắc, tai thì biết âm thanh, mũi thì biết các mùi hương, thiệt (lưỡi) thì biết được các vị, và thân thì biết được các xúc chạm. [Thức] theo thứ tự đó mà [được] lập ra, thì sự biết đó là dựa vào Tịnh sắc căn mà biết. Như vậy đó gọi là lập ra năm thức. Cho nên là năm căn, năm trần, năm thức, chúng ta hiểu đơn giản như vậy. Điều này hình như là Phật pháp căn bản, thì ai cũng học rồi.

Tạm dịch: Luận ghi rằng: Đây là trước tiên nói về năm cảnh như Sắc v.v…, Thức tức là sự biết về: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc. Những Thức này được nương tựa vào năm loại Tịnh sắc căn, như theo thứ tự của chúng, thì nên biết chính là năm căn như Nhãn căn v.v…

如世尊說:苾芻當知,眼謂內處,四大所造淨色為性。如是廣說。或復彼者,謂前所說眼等五根,識即眼、耳、鼻、舌、身識。彼識所依五種淨色,名眼等根,是眼等識所依止義。如是便順《品類足論》。如彼論說:云何眼根?眼識所依淨色為性。

Như Thế Tôn thuyết: Bật-sô đương tri, Nhãn vị Nội xứ, tứ đại sở tạo Tịnh sắc vi tánh. Như thị quảng thuyết. Hoặc phục bỉ giả, vị tiền sở thuyết Nhãn đẳng Ngũ căn, Thức tức Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân thức. Bỉ Thức sở y ngũ chủng Tịnh sắc, danh Nhãn đẳng căn, thị Nhãn đẳng Thức sở y chỉ nghĩa. Như thị tiện thuận Phẩm Loại Túc Luận. Như bỉ Luận thuyết: Vân hà Nhãn căn? Nhãn thức sở y Tịnh sắc vi Tánh.

Giải

#Như Thế Tôn thuyết: như là đức Thế Tôn nói. Đức Thế Tôn tức là đức Phật.

#Bật-sô đương tri: #Bật-sô thì chúng ta quen rồi đúng không? Bật-sô chính là Tỳ-kheo; Tỳ-kheo nên biết.

#Nhãn vị Nội xứ: Nhãn là chỗ bên trong; #Nội xứ là chỗ bên trong.

#Tứ đại sở tạo Tịnh sắc vi tánh: là bốn đại: Đất, Nước, Gió, Lửa, chúng ta hay nói là thân tứ đại. Đất, Nước, Gió, Lửa nói cũng không chính xác lắm, nhưng khi dịch ra thì phải dịch ra như vậy, thì đã tạo nên Tịnh sắc căn làm tính chất hay là tánh.

#Như thị quảng thuyết: nói rộng ra như vậy.

Tức là ở đây nói nhãn thật ra là ở bên trong. Do thân tứ đại mà tạo nên ở trong, chứ không phải mỗi con mắt bên ngoài không thôi, con mắt bên ngoài là một bộ phận thôi, nó còn có bên trong nữa. Nên Tịnh sắc căn là tạo ra bởi thân tứ đại, nói rộng ra như vậy.

#Hoặc phục bỉ giả: hoặc trở lại điều đó.

#Vị tiền sở thuyết Nhãn đẳng Ngũ căn: thì ở đằng trước đã nói về các căn như Nhãn căn v.v…

#Thức tức Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân thức: Thức thì gồm có năm thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tị thức, Thiệt thức, Thân thức. Điều này chúng ta cũng nói rồi.

#Bỉ Thức sở y ngũ chủng Tịnh sắc: những thức đó được nương tựa vào năm loại Tịnh sắc căn.

#Danh vi Nhãn đẳng căn: gọi là các căn như Nhãn căn v.v…

#Thị Nhãn đẳng Thức sở y chỉ nghĩa: là ý nghĩa mà nơi y chỉ của các thức như Nhãn thức v.v…

Nói tóm lại, thì chỉ có ba điều đó thôi. Quý vị hiểu như vầy cho dễ, chứ ngôn ngữ này nói vòng vòng mệt lắm. Mắt của mình, thì đầu tiên là Nhãn căn. Nhãn căn thì biết được màu sắc [và] biết được [các hình sắc]: xanh, vàng, đỏ, trắng, dài, ngắn v.v… biết được những điều đó. Thì sự biết này là do nương vào Tịnh sắc căn. Tất cả những sự biết đó gom lại gọi là Thức, Nhãn thức.

Tương tự những sự biết về âm thanh, gọi là Nhĩ thức. [Đây là] các kiến thức căn bản, mình cứ hiểu như vậy đi, chứ quý vị bám theo ngôn ngữ này mệt lắm. Ngôn ngữ này nói vòng qua vòng lại, mình đôi khi cũng không hiểu.

#Như thị tiện thuận Phẩm Loại Túc Luận: như vậy thì liền thuận với bộ Luận gọi là Phẩm Loại Túc Luận.

Thiện Trang có chú thích ở đây, bộ Luận này là do ngài Thế Hữu soạn ra, gồm có 18 quyển. Ngài Thế Hữu cách đức Phật nhập Niết-Bàn khoảng 300 năm. Tôn giả Thế Hữu là người rất nổi tiếng, ngài soạn ra bộ Luận này. Cách nói ở đây thì mới thuận với bộ Luận đó.

#Như bỉ Luận thuyết: như trong Luận đó nói.

#Vân hà Nhãn căn?: thế nào gọi là Nhãn căn? Tức là trong bộ Luận này.

#Nhãn thức sở y Tịnh sắc vi Tánh: là chỗ Nhãn thức nương vào, đó chính là Tịnh sắc căn, lấy đó làm tánh, làm tính chất.

Nói tóm lại Nhãn thức được tạo ra từ đâu? Nhãn thức là nương vào căn, và nương vào Tịnh sắc căn.

Tạm dịch: Như đức Thế Tôn nói: Bật-sô nên biết, mắt là chỗ bên trong, 4 đại đã tạo [nên] Tịnh sắc căn làm tánh. Nói rộng như thế. Hoặc trở lại điều đó, thì trước đã nói Ngũ căn như mắt, Thức tức là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tị thức, Thiệt thức, Thân thức. Các thức ấy đã nương vào 5 loại Tịnh sắc căn, là các căn như Nhãn v.v… là nghĩa của chỗ mà các thức như Nhãn thức v.v… nương tựa. Như vậy liền thuận với bộ Luận Phẩm Loại Túc. (Bộ luận này thì Thiện Trang có ghi ra đây, cũng là một bộ luận thuộc A Tỳ Đàm). Như trong bộ Luận đó nói: Thế nào là Nhãn căn? Là Nhãn thức đã nương vào Tịnh sắc căn làm tánh.

如是廣說。已說五根。次說五境。頌曰:

Như thị quảng thuyết. Dĩ thuyết Ngũ căn. Thứ thuyết Ngũ cảnh. Tụng viết:

Giải:

#Như thị quảng thuyết. Dĩ thuyết Ngũ căn: nói rộng như thế, thì đã nói xong được Ngũ căn.

#Thứ thuyết Ngũ cảnh: tiếp theo là nói về Ngũ cảnh (Ngũ trần).

#Tụng viết: tụng viết.

Tạm dịch: Nói rộng như thế. Đã nói về Ngũ căn. Tiếp theo nói về Ngũ cảnh (hay còn gọi là Ngũ trần). Bài tụng rằng:

Bài Kệ 10

Sắc nhị hoặc nhị thập色二或二十,Sắc thì gồm hai loại, Hoặc gồm có hai mươi.
Thanh duy hữu bát chủng聲唯有八種,Thanh chỉ có tám loại
Vị lục hương tứ chủng味六香四種,Vị thì gồm có sáu, Hương gồm có bốn loại
Xúc thập nhất vi tánh觸十一為性。Xúc gồm mười một loại Đó mà làm thành tánh.

Bữa nay học về Sắc, quý vị biết bao nhiêu loại không?

#Sắc nhị hoặc nhị thập: tức là sắc thì gồm hai loại, hoặc có thể chia làm 20 loại. Cho nên ở đây Thiện Trang dịch Sắc thì gồm hai loại hoặc gồm có 20. Tức là mỗi Sắc thôi, thì gồm có hai hoặc 20 [loại].

#Thanh duy hữu bát chủng: còn âm thanh thì chỉ có tám loại, ít hơn.

#Vị lục hương tứ chủng: còn vị (đắng, cay…) có sáu loại.

“Tam đức Lục vị, cúng Phật cập Tăng” đó, quý vị nhớ không? Ai đi chùa [thì] có bài cúng dường Tam đức Lục vị; #Lục vị là sáu vị. Vị gồm có sáu, còn hương thì chỉ có bốn thôi; #hương tứ chủng tức là hương có bốn loại thôi. Từ từ đằng sau có chú giải hết cho chúng ta, thì chúng ta [sẽ] biết.

#Xúc thập nhất vi tánh: xúc thì gồm 11 loại đó mà làm thành tánh; #tánh tức là tính chất.

Như vậy Sắc gồm có hai hoặc là chia ra làm 20 loại. Ở trong bộ Luận này, thì Sắc pháp chia ra [làm] 20 [loại], còn A Tỳ Đàm chia ra là 24 hoặc 28. Âm thanh chia làm tám, mùi hương chia làm bốn, vị chia làm sáu, xúc thì chia làm 11. Đâu mà kể ra nhiều vậy, bây giờ chúng ta coi thử gồm những gì.

論曰:言色二者,一顯、二形。顯色有四:青、黃、赤、白,餘顯是此四色差別。形色有八,謂長為初不正為後。或二十者,即此色處復說二十,謂青、黃、赤、白、長、短、方、圓、高、下、正、不正、雲、煙、塵、霧、影、光、明、闇。

Luận viết: Ngôn Sắc nhị giả, nhất Hiển, nhị Hình. Hiển sắc hữu tứ: thanh, huỳnh, xích, bạch, dư Hiển thị thử tứ sắc sai biệt. Hình sắc hữu bát, vị trường vi sơ, bất chánh vi hậu. Hoặc nhị thập giả, tức thử sắc xứ phục thuyết nhị thập, vị thanh, huỳnh, xích, bạch, trường, đoản, phương, viên, cao, hạ, chánh, bất chánh, vân, yên, trần, vụ, ảnh, quang, minh, ám.

Giải:

#Luận viết: tức là giải thích cho chúng ta bộ Luận nói như thế nào

#Ngôn sắc nhị giả: tức là nói về Sắc có hai loại.

#Nhất Hiển, nhị Hình: toàn là ngôn ngữ viết tắt không thôi. Một là Hiển sắc, hai là Hình sắc.

Quý vị hiểu Hiển sắc, Hình sắc là gì không? Bây giờ [vào] khái niệm này, là bắt đầu ngơ ngơ ngác ngác nè. Nhưng yên tâm đi! Bây giờ kể ra là biết Hiển sắc, Hình sắc là gì.

#Hiển sắc hữu tứ: Hiển sắc có bốn loại. May quá có bốn loại thôi.

#Thanh, huỳnh, xích, bạch: tức là Hiển sắc có bốn loại là: màu xanh, màu vàng; #thanh là xanh, như Thanh xà, Bạch xà đó quý vị; còn #huỳnh là vàng; #xích là đỏ; #bạch là trắng. Như vậy là có bốn màu chính thôi. Nhưng sao mình thấy nhiều màu lắm mà? Thì ở đây có giải thích luôn:

#Dư Hiển thị thử tứ sắc sai biệt: còn các Hiển sắc khác, thật ra là do sự khác biệt, tức là sự khác nhau của bốn sắc này mà thôi.

Ở đây định nghĩa của bộ Luận này, thì rất đơn giản. Quý vị hiểu như vầy: thứ nhất là Hiển sắc và Hình sắc. Đầu tiên, Sắc chia làm hai loại lớn: Một là Hiển sắc, là nói về màu. Màu thì có bốn màu chính: xanh, vàng, đỏ và trắng. Có bốn màu đó thôi, còn các màu khác, thực tế là pha các màu đó lại với nhau mà tạo ra, thì ai cũng biết nguyên lý đó rồi. Đó gọi là Hiển sắc.

Còn một loại nữa, gọi là Hình sắc. Hình sắc thì dễ hiểu thôi. Quý vị thấy vật dài, vật ngắn, thấy tròn, vuông. Tóm lại những hình đó kết hợp với nhau, cho nên có cái vừa vuông vừa tròn, có cái ra hình vành khuyên v.v… Đó gọi là Hình sắc.

Một loại gọi là Hình sắc, một loại gọi là Hiển sắc, có hai loại chính thôi. Nhưng hai loại đó chia ra thành một mớ loại. Vậy thì ở đây, chúng ta thấy riêng về Hiển sắc, tức là về màu sắc, mình nói màu sắc cho dễ, thì chỉ có bốn loại. Và các [màu] khác, là [do] bốn màu này pha ra, thành đủ hết các màu. Giống như ở trên máy tính, chỉ cần ba màu thôi: màu đỏ (red), màu xanh [lá cây] (green), và xanh nước biển (blue) pha vào với nhau.

Ở đây, theo ngôn ngữ này, thì bốn màu này pha ra là đủ rồi. Màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, pha là đủ rồi, tất cả các màu có hết rồi, cho nên đây cũng là một cách pha màu. Mai mốt ai giỏi máy tính thì học theo cách này, chế ra một cách pha màu mới. Thay vì ta pha màu theo kiểu kia, thì ta pha màu theo kiểu này cũng được.

#Hình sắc hữu bát: còn về Hình sắc thì có tám loại.

#Vị trường vi sơ, bất chánh vi hậu: [ở đây] không kể ra cho mình, mà chỉ nói là dài; #trường tức là dài, là cái đầu tiên; và #bất chánh tức là không được bằng phẳng, là cái cuối cùng.

Tại sao không kể hết cho mình, mà lại kể có loại đầu với loại cuối thôi. Quý vị thấy cái gì đó dài dài, như con rắn dài, cái cây dài, là cái đầu tiên. Dài tất nhiên là phải có ngắn rồi đúng không? Có cái bằng phẳng, ví dụ nhìn vô đám cỏ mình thấy bằng, nhìn một cái đồi thì thấy nhô nhô nhúc nhúc. Thì nhô nhô nhúc nhúc đó là bất chánh, là cái cuối cùng. Tám loại, mà ở đây kể mới có một loại dài với bất chánh [thôi], là hai loại; còn sáu loại nữa thì đằng sau có kể hết.

#Hoặc là nhị thập giả: hoặc là có 20 loại. Tức là lúc nãy thì chia [làm] hai, còn bây giờ thì chia [làm] 20 luôn.

#Tức thử sắc xứ phục thuyết nhị thập: tức là trong sắc xứ, (trong màu này); chữ #xứ là bộ phận; trong bộ phận của sắc này, lại nói ra là 20 loại, ở đây kể hết cho quý vị luôn.

#Vị: là gồm.

#Thanh, huỳnh, xích, bạch: bốn màu chúng ta biết rồi đúng không? Là xanh, vàng, đỏ, trắng.

#Trường, đoản, phương, viên: #đoản là ngắn; #trường là dài; #phương là vuông.

Nên có khái niệm gọi là Phương trượng đó quý vị. Hồi xưa người trụ trì chùa, mình nói là người điều hành công việc của chùa, cho vô phòng có một trượng vuông, tức là chiều này một trượng, chiều kia một trượng. Thì gọi là Phương trượng. Một trượng cũng dài lắm, không nhỏ đâu, cũng khá khá chút. Cho nên ở trong phòng đó, được gọi là Phương trượng, Phương trượng Trụ trì. Còn bây giờ Trụ trì có phòng thiệt bự, to ơi là to! Quý vị nhớ phương là vuông. #Viên là tròn.

Đằng trước kể về Hiển sắc, là gồm có bốn màu [xanh, vàng, đỏ, trắng]. Còn bắt đầu từ dài, ngắn, tròn, vuông, là về Hình sắc.

#Cao, hạ: làcao [và] thấp. Chúng ta thấy cái cây cao hay cây thấp, là thêm hai loại nữa.

#Chánh, bất chánh: #chánh là ngay ngắn, bằng phẳng; hoặc là không bằng phẳng, giống như đồi nhô lên nhô xuống, và mảnh đất bằng. Đó là chúng ta kể bốn thứ này rồi.

#Vân, yên: #vân là mây; mây cũng là một loại Hình sắc; #yên là khói; mây, khói.

#Trần, vụ: #trần là bụi, những hạt bụi cũng thuộc về Hình sắc, nhỏ nhỏ. Rồi có những loại, [mà] hình giống như là sương; #vụ là sương. Như trong Quy Sơn Cảnh Sách [có câu]: “Thân cận thiện giả, như vụ lộ trung hành”; #vụ lộ là như đi trong sương.

#Ảnh, quang, minh, ám: #ảnh là bóng. Ví dụ như người, [khi] chiếu ánh sáng, thì có bóng; #quang là ánh sáng; #minh là ánh sáng của lửa, đèn đuốc; #ám là tối. Có sáng, tối nữa là đủ 20 loại.

Như vậy có những loại [thuộc] màu sắc, có những loại thuộc về hình dáng, và có những loại sáng tối cũng không biết định nghĩa vào kiểu gì. Không phải hình dáng đâu, cũng sáng tối, nhưng mình nhận thức được bằng mắt. Tức là mắt của mình nhận định được 20 loại này, mình có thể hiểu như vậy cho dễ.

Tạm dịch: Luận ghi: Nói về Sắc thì có hai loại. Một là Hiển sắc, hai là Hình sắc. Hiển sắc có 4 loại: xanh, vàng, đỏ, trắng, các sự hiển bày khác là sự khác biệt của 4 màu này (tóm lại bốn loại đó pha lại mà ra). Hình sắc có 8 loại, gồm dài là đầu tiên, bất chánh là cuối cùng. Hoặc nói có 20 loại, tức là bộ phận sắc ở đây lại nói có 20 loại, gồm: xanh, vàng, đỏ, trắng, dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp, chánh, bất chánh, mây, khói, bụi, sương, bóng, ánh sáng, sáng, tối.

有 餘 師 說,空 一 顯 色,第 二 十 一。此 中 正 者 謂 形 平 等,形 不 平 等 名 為 不 正,地 水 氣 騰 說 之 為 霧,日 焰 名 光,月 星 火 藥 寶 珠 電 等 諸 焰 名 明,障 光 明 生 於 中 餘色 可 見 名 影,翻 此 為 闇。餘 色 易 了 故 今 不 釋。

Hữu dư sư thuyết, Không nhất Hiển sắc, đệ nhị thập nhất. Thử trung chánh giả vị hình bình đẳng, hình bất bình đẳng danh vi bất chánh, địa thủy khí đằng thuyết chi vi vụ, nhật diễm danh quang, nguyệt tinh hỏa dược bảo châu điện đẳng chư diễm danh minh, chướng quang minh sanh ư trung dư sắc khả kiến danh ảnh, phiên thử vi ám. Dư sắc dị liễu, cố kim bất thích.

Giải:

#Hữu dư sư thuyết: có vị Sư khác nói rằng.

#Không nhất Hiển sắc: #Không là Hư không, cũng là một [trong] Hiển sắc; #Hiển sắc là cái đầu, cũng là mắt mình thấy, vậy thì thành bao nhiêu?

#Đệ nhị thập nhất: thành 21 loại. Đây là loại thứ 21, tức là thành 21 loại luôn.

Tức là có người chia ra như vậy, và chúng ta biết A Tỳ Đàm thì chia thành 28, (bên Nam truyền chia làm 28). Nên đừng có phân biệt, mình cứ hiểu ý thôi, mỗi bộ Luận, thì mỗi vị chia ra khác nhau. Đôi khi người này thì chia theo ý này, người kia chia theo ý kia. Đôi khi thấy phức tạp quá, thì bỏ bớt đi, vì thực tế không cần, mấy cái đó bao gồm với nhau rồi.

Ví dụ như quý vị học về 24 Duyên hệ, quý vị thấy có nhiều thứ giống giống nhau, thôi gom lại cho rồi. Nếu chia ra, thì là 52 Duyên hệ, nhưng thực ra gom ít lại, thì cũng vậy. Giống như bây giờ nói Hư không. Hư không là một trong Hiển sắc, vậy thì nó nằm ở đâu trong xanh, vàng, đỏ, trắng? Nhưng có người đưa ra Hư không nằm ở trong Hiển sắc.

Thật ra Hư không mình có thấy gì đâu, không thấy gì hết, thì coi như các màu này không hiển thị, không hiển thị màu. Có một cách pha màu, mà pha làm sao cuối cùng các màu không có tác dụng gì hết, thì đó gọi là như Hư không, tức là mình không lấy màu nào bỏ vô hết. Cũng là một Hiển sắc, vì nhìn xuyên được. Bây giờ quý vị pha các màu vô, cuối cùng để đằng trước mặt, làm sao cho nhìn xuyên được. Hư không mới nhìn xuyên được chứ, nhưng tại sao nhìn xuyên được? Bây giờ cũng có chất gì đó không màu, trong suốt, nhìn xuyên qua được mà. Điều đó cũng có thể đưa vào, nên thành 21 loại.

#Thử trung chánh giả: #chánh là bình đẳng. Câu này nghĩa là chữ chánh ở trong đây.

#Vị hình bình đẳng: là hình bình đẳng, tức là bằng phẳng; #chánh là bằng phẳng. Cho nên trong Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói là bình đẳng; bình đẳng tức là bằng phẳng.

#Hình bất bình đẳng danh vi bất chánh: hình mà không ngay ngắn, không bình đẳng, tức là không bằng phẳng, thì gọi là không có chánh. Hoặc là [hình] cong quẹo, thì mình cũng có thể nói như vậy.

#Địa thủy khí đằng thuyết chi vi vụ: là những hơi nước, hơi đất; #khí là hơi; #đằng là bốc hơi; những khí bốc hơi lên từ đất hay là nước, thì đó là sương. Định nghĩa đơn giản như vậy thôi.

#Nhật diễm: #diễm là ngọn lửa. Diệm hay diễm, Diễm Vương Bồ-tát đó. #Nhật là mặt trời.

#Danh quang: là ngọn lửa hay ánh lửa của của mặt trời, thì gọi là quang; #quang tức là ánh sáng, ánh lửa mặt trời gọi là ánh sáng. Thật ra mặt trời mình nói [là] ánh sáng, [nhưng] thực tế là lửa của mặt trời.

#Nguyệt tinh hỏa dược bảo châu điện đẳng chư diễm danh minh: những ngọn lửa bốc lên của mặt trăng hay các hành tinh, rồi những bảo châu (hạt châu phát sáng ra), hoặc là tia chớp phát sáng ra. Những loại lửa như vậy, thì gọi là minh; #minh là sáng. Nói tóm lại, nhờ những thứ đó tạo ra một vùng sáng, nên gọi là minh, là sáng.

#Chướng quang minh sanh ư trung dư sắc khả kiến danh ảnh: tức là bây giờ ở trong ánh sáng, quý vị lấy cái gì đó che lại, thì thứ được sanh ra bởi che ánh sáng, bởi các sắc khác, che trong ánh sáng, tạo ra có thể thấy được gì đó, gọi là bóng.

Ngôn ngữ này vòng vòng, dài quá, sắp [xếp] không theo thứ tự của mình. Nhưng quý vị hiểu đơn giản như thế này: quý vị lấy một cái bóng đèn, hoặc [dưới] ánh sáng mặt trời, mà đặt một vật gì ở trong đó, khiến sinh ra một thứ gì đằng sau, mà mình thấy được, thì đó là bóng. Bóng của cây, bóng của người, v.v… đó là ảnh. Cho nên trong Kinh Kim Cang [có câu]: “Nhất thiết Hữu vi pháp, Như mộng, huyễn, bào, ảnh” thì là chữ ảnh này. #Nhất thiết Hữu vi pháp: là tất cả pháp Hữu vi; #như mộng, huyễn, bào, ảnh: #mộng là giấc mộng, #huyễn là ảo, #bào là bọt nước, #ảnh là bóng. “Như Lộ diệc như điện”:#như lộ là như sương; #diệc là cũng; #như điện là như tia chớp. “Ưng tác như thị quán”:là hãy thực hành pháp quán như vậy.

Đó là trong Kinh Kim Cang. Cuối Kinh Kim Cang nói: Tất cả các pháp Hữu vi, là pháp có sanh có diệt, pháp mà có những chướng ngại, v.v… thì pháp đó gọi là pháp Hữu vi, chúng ta cũng đang học. Nó giống như sương, như chớp, như bóng, như bọt v.v… Mình hãy thực hành các pháp quán như vậy, thì dần dần mình ra khỏi sanh tử, và [thoát] khỏi [những] nỗi khổ niềm đau.

Mình tu hành, mình biết thế gian là như vậy, bởi ai rồi cũng sẽ già, cũng không thể trụ trên đời, cho dù là bậc A-la-hán. Quý vị thấy trong Kinh A Hàm, ngài Ma Ha Ca Diếp dùng thần lực của ngài, để trụ cho đến khi đức Phật Di Lặc ra đời, mà dâng y cho đức Phật Di Lặc. Vừa dâng y xong, là thân thể của ngài tan ra từng mảnh. Trong Kinh A Hàm nói như vậy, tan ra từng mảnh, tức là ngài trụ lâu như vậy đó.

Một vị A-la-hán có thể trụ lâu, nhưng đức Phật nói: Dù là đức Phật, hay dù là A-la-hán, có thể trụ thế ở đời suốt một kiếp. Nhưng cuối cùng rồi cũng bị một sức mạnh Vô thường [kéo] đi. Và cuối cùng đức Như Lai cũng phải nhập Niết-Bàn.

Và đức Như Lai có một Thường pháp, đó là Đệ tử cuối cùng sẽ nhập Niết-Bàn trước. Cho nên Tôn giả Tu Bạt Đà La, ông là người cuối cùng được đức Phật độ. Khi được vào gặp được Phật, được Phật nói một chút, [thì] ông chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn, sau đó xuất gia. Xuất gia xong rồi thì ổng chứng A-la-hán luôn, sau đó xin nhập Niết-Bàn trước Phật. Đó là theo Thường pháp của chư Phật.

Còn trong Kinh A Hàm, đức Phật nói, ngài A Nan chỉ chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn, thì cũng giống như một Thường pháp của chư Phật. Tức là người Thị giả [cho Phật nào] thì cũng vậy. Cho nên nếu mình coi Kinh A Hàm, từ những đoạn đó mình suy ra: điều gì gọi là Thường pháp, mà làm vậy hoài, thì đó là thị hiện. Chứ không, tự nhiên đâu mà theo quy luật nào kỳ lạ vậy? Nên đó có thể là những bậc thị hiện. Cho nên tại sao bên Đại thừa nói là thị hiện. Trong Kinh A Hàm không nói thị hiện, nhưng mình thấy Thường pháp, pháp luôn luôn như vậy, thì chỉ có thị hiện thôi chứ, nếu ngẫu nhiên thì làm sao có được.

Cho nên đôi khi mình phải có cách nhìn trí tuệ của những người học Đại thừa, thì mới thấy: Ồ Kinh này hay! Kinh này có Đại thừa. Chứ còn quý vị chỉ nhìn theo ngôn ngữ thôi, thì có gì đâu, tất cả Đệ tử cũng toàn là những người bình thường, tu hành thành đạo, thì mình không có những góc nhìn của Đại thừa.

Cho nên Thiện Trang nói, quý vị học đến lúc nào đó, mình sẽ dung thông được Đại thừa, Tiểu thừa hay Nam truyền, Bắc truyền. Và mình biết cách học, biết cách tu.

Nhiều người hỏi tu thế nào? Thiện Trang nói rất nhiều rồi, mình tu thì có năm phương pháp tu. Hoặc có người tu Thiền chỉ thôi. Nhưng [tu] Thiền chỉ, thì ai có duyên mới đắc đạo. Còn nếu không có duyên, thì không đắc đạo được. Dù có tu đến [trời] Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, tức là [tu tới] Tứ thiền Bát định, tu tới cỡ đó thì là ở trên đó thôi, rồi cũng rớt xuống. Như [ông] tiên A Tư Đà, ông Uất Đầu Lam Phất, v.v… những người đó cuối cùng cũng đọa vào loài Súc sanh. Tại vì định lực, còn tu là còn, hết tu là hết. Cho nên đó không phải là cứu cánh. Thì phải tu thêm một điều nữa, là tu Quán.

Cho nên có người tu Chỉ trước, rồi [tu] Quán sau. Tu Chỉ là mình ngồi xếp bằng niệm [Phật], hay tu Thiền, v.v… Cách tu Thiền chỉ, thông thường người ta tưởng tu đó là tu Thiền, nhưng thật ra đó là Thiền chỉ. Nếu chỉ tu Thiền chỉ, thì giúp quý vị có thể đắc Thiền chỉ. Quý vị học các chi thiền, Bảy chi thiền, Năm chi thiền, từng tầng thiền như [thế] nào, thì sau này Thiện Trang sẽ chia sẻ.

Quý vị tu được như vậy, có thể giúp cho quý vị có Thần thông, giúp cho quý vị đỡ đau, chịu đựng được đau đớn tốt. Rồi quý vị có nhiều sự nhiệm màu, và thấy [tu] mau lắm, tu Phật pháp linh ứng liền. Nên khi giới thiệu pháp [cho] người ta, nếu mình giới thiệu tu Thiền chỉ, là người ta tin liền. Vô dạy cho người ta hít thở chút, niệm chút, chắp tay ngồi xếp bằng một hồi, là thấy đã, rồi từ đó họ tin nhanh.

Còn thứ ba là [người chỉ] tu Thiền quán. Ai có tâm lực mạnh, có niềm tin, thì mới tu Thiền quán trước. Tu Thiền quán, thì tiến chậm lắm quý vị, năm này qua năm kia tiến một chút. Thiền quán là giúp bớt Phiền não, đoạn Phiền não, quý vị bớt tham, bớt sân, bớt si, là đoạn [Phiền não].

Thiền chỉ thì chỉ phục Phiền não thôi. Phục nghĩa là chỉ giúp cho quý vị, lúc có Thiền thì không phiền não, nhưng khi hết Thiền, ra ngoài, hoặc rớt Thiền ra ngoài, nói chung không còn Thiền nữa, thì Phiền não vẫn Phiền não, sân vẫn sân, si vẫn si, ăn vẫn ham ăn. Tức là lúc trong Thiền thì bớt, mấy ngày Thiền nhiều thì phục [được], cho nên bớt ham ăn, bớt tham ngủ, v.v… khỏe lắm! Nhưng mấy ngày mà không có Thiền, là phiền não như xưa, y như cũ.

Trong Kinh A Hàm, đức Phật có lấy một số người, đắc đến Tứ thiền nhưng cuối cùng vẫn hoàn tục về lấy vợ, hoàn tục về vẫn trở lại [như xưa]. Thì đức Phật nói, do họ chỉ đắc tới Tứ thiền thôi, nên họ chưa đoạn được Phiền não. Vì vậy phải tu Thiền quán.

[Tuy nhiên] Công phu Thiền quán không thôi, thì chậm lắm quý vị. Giống như năm trước, năm sau, quý vị thấy tiến được một chút, Phiền não bớt một chút, nhẹ nhẹ chút, bắt đầu bớt tham, bớt sân, bớt si, bớt bớt… Nhưng tu Thiền quán, thì giúp cho quý vị đoạn Phiền não, và chứng quả giải thoát. Ra khỏi sanh tử, là nhờ vào Thiền quán này.

Người thứ tư là kết hợp hai điều này, tu song vận cùng lúc luôn, thì chúng ta đang tu đó. Thiện Trang thì khuyên [nên] nghiêng về Thiền quán hơn, tại vì sao? Tại sao Thiện Trang không khuyên cho quý vị tu Thiền chỉ nhiều hơn? Là tại vì quý vị không có thời gian, quý vị muốn tu Thiền chỉ, thì quý vị [phải] ngồi [một] ngày [bao nhiêu tiếng đó]. Có một vị Thiền sư, hồi xưa Thiện Trang gặp, đi tu ở bên Myanmar, tu Thái Lan về, nói là một ngày họ phải ngồi 8 đến 12 tiếng, họ tĩnh tọa 8 đến 12 tiếng, thì mới vô được Nhị thiền, Tam thiền.

Còn bây giờ mình tu ít quá, nên Thiện Trang vừa dạy, chia sẻ cho quý vị cách tu, là vừa Thiền chỉ, vừa Thiền quán. Niệm Phật chăng nữa thì cũng là tu thiền, ngồi tĩnh tọa đó là Thiền chỉ nhiều hơn, Thiền quán ít. Còn khi mình nghe pháp, là tu Thiền quán. Rồi mình sống trong đời sống hàng ngày, mình nói các pháp Vô thường, vô Ngã, v.v… thậm chí quý vị niệm, nhớ là phải ra khỏi sanh tử v.v… đó là thuộc về Thiền quán. Và Thiền quán đó, dần dần giúp cho quý vị, [tuy là] chậm nhưng quý vị kiên trì theo năm tháng thì dần dần [vào] được.

Còn có một hạng người liều hơn nữa, là biết chắc Thiền quán thế nào cũng đắc quả, cho nên bỏ luôn cả Thiền chỉ, tu mỗi Thiền quán thôi. Tu Thiền quán, thì khỏi ngồi. Cho nên có người mới nói ngồi là chấp tướng này kia v.v… Tu [như thế] có được không quý vị? Được! Nhưng [tu như vậy] thì còn chậm hơn nữa, tại sao? Vì không cân bằng. Và theo tinh thần trong kinh, đức Phật cũng rất tán thán Thiền chỉ: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Cho nên mình nên tu cả hai, gọi là Thiền chỉ và Thiền quán song vận (Chỉ, Quán song vận, là Thiền định và Thiền quán đó). Cho nên phải biết tu, chứ nhiều khi không biết tu.

Có nhiều người hỏi: “Vậy tu tới đâu mới giải thoát?” [Thiện Trang] xin nói với quý vị, tu kiểu gì thì tu, [miễn] đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn là có cơ hội. Hôm bữa Thiện Trang có chia sẻ với quý vị, đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn, lúc đắc, nói gì thì nói, Thiền quán tất nhiên là phải có rồi, mình hiểu pháp gọi là Kiến đế v.v… Nhưng Thiền chỉ cần phải có điều kiện là: ba điều, hoặc là quý vị phải đắc được Định, tức là Sơ thiền trở lên. Thứ hai là quý vị có thể đắc Cận định, tức là Vị đáo định thôi. Nhưng lúc đắc, thì [định đó] phải nhích lên thành Sơ thiền. Thứ ba là quý vị chỉ có Sát-na định, bình thường không tu định, tu thiền gì hết. Nhiều người kêu ủa không tu Thiền mà? Nhưng lúc đó cũng vô Sơ thiền, nhiều người [nói]: “Sao kỳ lạ vậy Thầy, [con] không tu Thiền gì hết, mà lúc đó vô Sơ thiền được một sát-na?”.

Xin nói với quý vị, không phải người tu Thiền mới đắc Sơ thiền. Có nhiều người làm việc ở thế gian họ cũng có Thiền, chi thiền đó, quý vị coi có nhiều việc làm họ có định lắm. Nhà khoa học họ ngồi miết trong đó để nghiên cứu, họ có định đấy chứ. Họ làm việc gì đó, thì họ tập trung tâm lắm chứ, một đối tượng đó. Đó cũng là Thiền chỉ, quý vị xét Bảy chi thiền của họ đi, họ làm có hoan hỉ không? Có! Họ có hôn trầm không? Không có! Họ có Tâm sở Tầm làm sao hôn trầm được. Có Hỷ lạc, rồi họ có Niệm (ghi nhớ) không? Có! Họ có ghi nhớ! Họ có định không? Có! Họ tập trung vô đó. Có xả không? Có! Cho nên họ có Thiền đó, nên họ chuyển từ việc đó vô tu nhà Phật [thì sẽ] đắc định.

Thiền định ở đây đức Phật nói là, không phải quý vị tu một đề mục nào đó, cũng là Thiền định. Mà Thiền định đó, là tất cả các môn ngoại đạo đều tu cả, và các giáo phái ngoại đạo, họ cũng đắc Sơ thiền Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền thôi, quý vị hiểu không? Cho nên ở trong Thanh Tịnh Luận Đạo, hồi nãy [mình nói] có bốn màu sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, quý vị niệm một màu thôi. Tất cả đều màu xanh, đều màu vàng, đều màu trắng, đều màu đỏ. Hoặc đất, nước, gió, lửa, quý vị niệm một đề mục đó, mà niệm đến nơi, cũng thành tựu đắc Thiền.

Đắc Thiền rồi, là có Thần thông, đó là nguyên tắc. Tức là Thiền chỉ là dừng tâm, tập trung tâm lại. Còn Thiền quán là phải theo từng cử chỉ, hành động của mình. Nói ngôn ngữ đơn giản, thì gọi là quan sát được cử chỉ, hành động, tâm ý của mình, công phu đó gọi là công phu Thiền quán. Cho nên người tu Thiền quán, là người biết tâm của mình như thế nào, biết thân mình như thế nào, biết cảm nhận của mình như thế nào, biết các pháp bên ngoài chuyển động ra sao, gọi là tu Tứ niệm xứ, quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

Tóm lại là tu như vậy! Bây giờ quý vị niệm Phật chăng nữa, một hồi rồi cũng tới đó, quý vị niệm Phật là tập trung [vào] câu Phật hiệu, đó là Thiền chỉ. Nhưng quý vị cũng phải biết được thân là giả, vậy có quán thân không? Thân này là giả, quý vị phải biết ăn cũng phải gán câu Phật hiệu vô, đang ăn cơm cũng niệm Phật. Rồi ăn cơm Hòa thượng Tịnh Không nói, phải biết ăn ngon dở thế nào, phân biệt được chứ. Trong sự theo dõi biết đó, là quán cảm nhận, cảm nhận ngon dở, và quán được các pháp bên ngoài giả tạm sanh diệt. Thế gian này vô thường, cầu Thế giới Cực Lạc, đó là thuộc về quán Pháp. Quán Thân, [quán] Thọ, quán Tâm, tâm là nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung. Đó là quán Tâm, phát tâm Bồ-đề đó.

Cho nên thật sự tu bất cứ Pháp môn nào, [một] hồi cũng đi về Tứ niệm xứ thôi, chẳng qua là mình không dùng từ Tứ niệm xứ, cho sang bên đó. Hồi xưa người ta chê, chứ không phải sang. Bây giờ thì đang sang, thì mình nói lên vậy thôi, chứ thật tế là tu giống nhau, cùng đi về một con đường. Còn tu một hồi mà đi trật Tứ niệm xứ, thì pháp đó là pháp tà, không phải Chánh pháp của Như Lai.

Cho nên người không biết Pháp môn nào, nên người ta nói niệm Phật là tà, thế này thế kia. Thật tế cũng vậy à, quý vị trì chú hay tu bất cứ môn nào đều như vậy, có điều vận dụng như thế nào. Và điều kiện để chứng Sơ quả, là bắt đầu Sơ thiền trở lên, nếu quý vị không có Sơ thiền trong sát-na thì không được. Còn chứng Nhị quả, vẫn có thể chưa đắc Sơ thiền thực sự, cũng chỉ mới sơ sơ thôi. Còn quý vị chứng Tam quả, thì chắc chắn điều kiện là quý vị phải đắc Tứ thiền. Vì Tứ thiền thật sự, thì mới sanh vào [trời] Ngũ Tịnh Cư Thiên, tức là Ngũ Bất Hoàn Thiên (năm tầng trời Bất Hoàn). Người muốn sanh vào đó phải có Thiền định cỡ đó. Không cần Bát định, chỉ cần Tứ thiền của Sắc giới thôi. Còn [nếu có] Bát định, thì lên càng nhanh hơn.

Ở trong bộ luận kia, chia ra các pháp Vô vi thành 12 pháp, nếu như định của trời Không Vô Biên Xứ với Tam quả A-na-hàm, thì đó là một Vô vi pháp. Người đắc định của Vô Sở Hữu Xứ, cộng với chứng quả Tam quả A-na-hàm, tức là diệt được các loại Phiền não, thì quý vị cũng đắc được một loại Vô vi pháp. Đó là cách chia ra khác nhau, mỗi bộ luận có một cách chia. Tóm lại nói chung chung như vậy, và quý vị tu làm sao mình phải nắm được phần đó.

Đầu tiên Thiền, có nhiều người nói vô học tu Thiền, suốt ngày cứ ngồi lên xếp bằng, rồi thiền, thiền, thiền… Xin lỗi quý vị! Nếu quý vị thiền như vậy, thì quý vị tu Thiền chỉ thôi. Thiền chỉ đó, thì không cần có Phật ra đời, quý vị cũng tu được. Nhưng quý vị tu Thiền quán, là phải quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Quán thân trên thân, rồi quán thân trên nội thân, v.v… Quán thọ trên thọ, hoặc quán thọ thì khổ, bên Bắc truyền hay nói vậy.

Thật ra mình phải có đủ các phép quán đó, mình nói như vậy là còn chấp trước, chấp trước chỗ nào? Quý vị nói còn quán. Quý vị phải tu làm sao, mình sống tự nhiên với nó. Có nghĩa là mình ăn, [thì] mình hoạt động việc ăn. Chứ mình còn tác ý, tôi phải quán cái này, tôi phải quán cái kia, thì quý vị tu như vậy, vẫn là mới khởi đầu. Còn nếu khi mình tu tự nhiên rồi, thì đó là công phu cao.

Nên mai mốt chúng ta học, Thiện Trang sẽ chia sẻ mấy Tâm sở xong, sẽ giới thiệu [cho] quý vị thế nào là tâm của Thiền, tâm của bậc Thánh, mình học như vậy thì mình mới biết tu. Từ đó mình mới so ra, chứ còn bây giờ thì chưa. Thiện Trang đang [giảng] 24 Duyên hệ sắp hết rồi, thì sẽ chia sẻ tiếp phần Tâm sở. Tâm sở thì nhanh thôi, sau khi chia sẻ hết Tâm sở, thì Thiện Trang sẽ nói về các tâm của bậc nào, tâm như thế nào. Quý vị tu tâm nào, tu tâm bất thiện tức là tâm Vô nhân, rồi thế nào là tâm Nhị nhân, tâm nào để được ở Dục giới, tâm nào ở Sơ thiền. Dùng những Tâm sở nào, để mình tương ưng với Tâm sở ở Sắc giới, dùng Tâm sở nào để mình được Tâm sở bậc Thánh, thì mình mới hiểu, mình học, thì mình mới hành chứ. Nếu mình không hiểu, mình tu mà không biết, thì vô ngồi an an chút, kêu: “Thưa thầy, con đắc Thiền rồi, con đắc định rồi, con đắc quả rồi”. Không có đâu! Quý vị phải tu, thì mới rõ ràng được.

Có người bình luận: “Nếu chứng được Sơ thiền, thì có được Phật thọ ký không ạ?” Lại một sai lầm trầm trọng nữa! Sơ thiền là tu bên Chỉ, không được thọ ký gì cả. Quý vị chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn, là tu bên Thiền quán, thì được Phật thọ ký. Mà không cần Phật thọ ký đâu, quý vị chứng Sơ quả, thì quý vị tự biết được luôn.

Quý vị nhớ câu chuyện của ngài Xá Lợi Phất và Tỳ-kheo Mã Thắng không? Khi ngài Xá Lợi Phất gặp Tỳ-kheo Mã Thắng, thấy oai nghi như thế, nên mới hỏi: “Thầy của ngài là ai vậy? Tôi theo dõi ngài bữa giờ, thấy ngài có oai nghi hay quá!” Ngài Tỳ-kheo Mã Thắng mới nói bài kệ:

Chư pháp tùng duyên sanh

Diệc tùng nhân duyên diệt

Ngã Phật đại Sa môn

Thường tác như thị thuyết”

Tức là các pháp do duyên sanh, cũng do duyên mà diệt, thầy tôi là bậc Đại Sa-môn, [Ngài] thường thuyết như vậy. Nói xong thì ngài Xá Lợi Phất đắc ngay Sơ quả Tu-đà-hoàn. Và câu nói tiếp theo của một vị Sơ quả Tu-đà-hoàn, là “Thầy của chúng ta đang ở đâu?”. Quý vị nên nhớ, lúc đó ngài nói ngay là thầy của chúng ta đang ở đâu.

Có nghĩa là người đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn, thì xác định ngay Phật là thầy của mình, không còn một nghi ngờ nào nữa. Cho nên người chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn, có khả năng được thọ ký, và đó mới là thọ ký thật. Còn có khi không được thọ ký, thì họ cũng tự biết, [đó là] quý vị chứng Sơ quả. Còn người chứng Sơ thiền, thì bây giờ vô số, rất nhiều, [nhưng] không có đắc [quả]. Quý vị chứng đến Tứ thiền, thì cũng được thọ ký. Như ông Uất Đầu Lam Phất, chứng đến Tứ thiền Bát định, thì cũng được Phật thọ ký, là sau này trở thành con chồn bay. Hay là ông tiên A Tư Đà, cũng được thọ ký là sau này ông đọa làm con giòi. Như vậy cũng là thọ ký đó, mà thọ ký kiểu đó, không phải thọ ký thành Phật.

Còn bên niệm Phật, nói đắc được Công phu Thành phiến, thì được Phật thọ ký. Nhưng Công phu Thành phiến thế nào, thì không biết, điều đó không có trong kinh, mà chỉ có chư Tổ nói, nên cho phép Thiện Trang không dám dẫn. Công phu Thành phiến tức là niệm Phật đến Sơ thiền, nhưng không biết như thế nào, điều đó Thiện Trang không biết. Thiện Trang nghĩ có khả năng, là ngoài công phu Chỉ, là Sơ thiền, [thì] còn có Công phu Quán. Tại vì Hòa thượng Tịnh Không nói là Sơ quả hướng. Sơ quả hướng, thì đâu phải là Sơ thiền.

Sơ quả hướng là ghê lắm, cần có mấy yếu tố nữa, mai mốt mình học trong bộ Luận này mới biết. Sơ quả hướng, ví dụ như Bảy bậc Gia gia hoặc là Tứ gia Hạnh vị, trong bộ này chúng ta có học, Thiện Trang đã trích ra một lần rồi. Chúng ta thấy những yếu tố đó mới được, mới có khả năng. Còn nếu chỉ có công phu Sơ thiền thôi, thì không ăn thua. Công phu Sơ thiền, là có Thiền thì còn, hết Thiền thì hết. Niệm Phật giống như lấy đá đè cỏ, lúc còn đá thì phải niệm tiếp, phải để đá tiếp, còn giở đá ra thì Phiền não lại sanh. Hiện tượng đó là bình thường, nên lúc đó đắc công phu, nếu đi được thì đi luôn, còn nếu không thì sau này thoái chuyển.

Còn như người đắc Sơ quả, thì yên tâm, Sơ quả thì không thoái chuyển nữa. Sơ quả là thấp nhất rồi, bất thoái chuyển chỗ đó mà, cùng lắm bảy đời sau sẽ ra khỏi sanh tử luân hồi. Còn đắc đến Tứ quả, trong bộ Luận Tỳ Bà Sa nói: Tứ quả A-la-hán, nhưng nếu chưa đắc Câu giải thoát, tức là chưa có Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát, nếu đắc được một trong hai, thì vẫn còn thoái chuyển. Và sự thoái chuyển đó, sẽ đưa hành giả A-la-hán đó, về Sơ quả Tu-đà-hoàn là cuối cùng. Thoái chuyển có thể rớt xuống Tam quả, Nhị quả, hoặc rớt xuống [bậc] cuối cùng là Sơ quả Tu-đà-hoàn thôi, không còn rớt xuống thấp hơn nữa.

Đó là trong Luận Đại Tỳ Bà Sa, quý vị có thể coi, đó cũng là bộ Luận thuộc dạng A Tỳ Đàm Duy Thức này, Thiện Trang đã coi bộ đó rồi, mai mối chúng ta học vào đây chắc cũng có thôi.

Cho nên có nhiều người học không rõ, nghĩ Sơ thiền là điều gì ghê gớm lắm. Nên nhớ, Sơ quả mới ghê gớm! Còn Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, thì thời không có Phật ra đời, người ta vẫn đắc được. Nhiều tôn phái tu theo những giáo phái khác, không cần Phật giáo, vẫn đắc Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền được, không có gì lạ. Nhưng đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn thì khó, không phải dễ. Bởi vì đó thuộc về Thiền quán.

Hôm bữa chúng ta đã trích dẫn bộ kinh về núi rồi, quý vị thấy người đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn giống như núi Tu Di, hoặc núi to lớn, mà quý vị làm cỏ hết rồi, chỉ còn lại bảy cây cỏ thôi. Quý vị tưởng tượng, một đám cỏ trên núi cao to như vậy, mà quý vị dẹp sạch cỏ rồi, chỉ còn lại bảy cây cỏ thôi, thì quý vị chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn.

Cho nên trong kinh khác, đức Phật nói là: để ngăn dòng thác sanh tử, thì khó giống như một người dùng sức mà ngăn dòng chảy của bốn dòng thác, rót vào mình. Mình chứng quả đâu có dễ, gọi là Kiến đế đó. Nên mình tu vô lượng kiếp mà không được. Thật ra không phải không được, [vì] mỗi đời được chút ít. Quý vị nghe từ nãy tới giờ, là tích được một chút, nghe một chút là tích được một chút, tự nhiên có để xài. Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là Đà-la-ni, một khi đắc thì mãi mãi đắc, và điều này không mất, vẫn còn theo quý vị. Cho nên đời sau, quý vị sanh ra trong nhà đó, tự nhiên hiền thiện, có ném quý vị vô [hoàn cảnh] gì, thì quý vị vẫn hiền hơn người ta, tốt hơn người ta, bớt sân hơn người ta.

Quý vị tin không? Điều này là rõ ràng, trong đời tại sao có hạng người sân si dữ quá, có người ham quá, có người thì ít sân, mặc dù họ có học Phật pháp đâu. Đó là vì những người đó họ tu Đà-la-ni này, tức là tu Thiền quán này, đã tới đó rồi. Đời này không có duyên thôi, chứ có duyên họ tu tiếp là ngon, những điều đó là họ thành tựu rồi. Rồi có người dù ở trong thế giới hiện đại phồn hoa, nhưng họ không bao giờ tà dâm, họ không học Phật pháp, nhưng họ rất trinh lương. Vì họ cũng tu hạnh đó rồi. Cho nên không phải tu ào một cái, là thành đâu, mà tu nhiều đời tích lũy rồi.

Quý vị chịu khó coi Kinh Nikaya hay Kinh A Hàm, mình thấy đức Phật mỗi đời quá khứ của Ngài, có khi thành tựu được một chút, đời này thành tựu một chút, thành tựu chút, chút… một hồi thành tựu lớn. Có đời thi môn đó rớt, không đậu. Không đậu thì rớt luôn vô Địa ngục, rồi ra lại, thì đời sau thành tựu. Có đời bố thí giữa chừng hối hận, có đời còn ganh ghét người ta, thế này thế kia, vẫn còn. Chúng ta hiểu được, chúng ta tu bao giờ thành tựu được như thế, [thì] một hồi là thành công. [Nhưng] mà không biết khi nào. Ai có niềm tin, thì tu Tịnh Độ, để nguyện sanh về Thế giới khác. Chứ còn ở đây, đúng như các vị sư Nam truyền mà Thiện Trang đã tiếp xúc, [các ngài] nói: “Con đường tu thành Phật, hoặc tu ra khỏi sanh tử, không biết [đến] bao giờ”.

Các ngài cũng xác định là không biết [đến] bao giờ mà. Chính các ngài tu, mà các ngài còn nói là không biết bao giờ luôn, thì mình thấy dài xa, ngán quá! Cho nên bên Phật giáo Nguyên thủy là Phật giáo Nam truyền, nhiều khi làm cho người ta không muốn tu nữa, thấy nản chí, thấy xa quá, tu đến bao giờ? Nghe nói đức Phật tu đến 20 a-tăng-kỳ kiếp, mới thành Phật, nên thôi con nguyện làm A-la-hán cho rồi! Có nhiều người nói như vậy. Còn có người thì nói: “Con thấy ngài Xá Lợi Phất hay ngài gì đó, 100 đại kiếp, mới thành A-la-hán, nên khó quá!”.

Cho nên bên Bắc truyền có cái hay, là dù thế nào cũng có hy vọng. Hy vọng cứu vớt đời này, niệm Phật ra khỏi sanh tử. Mặc dù chưa chứng quả, nhưng về Thế giới khác, Thế giới đó không có những nỗi khổ niềm đau, [không] có thoái chuyển. Quan trọng là có không thoái chuyển, để mình có ở hoàn cảnh tốt, để mình tu tiếp. Đó là những điều chúng ta có thể thấy được.

Còn một chút nữa, Thiện Trang nói luôn đoạn này. Tức là ở trong các sắc, mà che ánh sáng lại, có thể thấy ra được hình, đó gọi là bóng.

#Phiên thử vi ám: tức là che ánh sáng lại rồi, thì phiên dịch là tối.

#Dư sắc vị liễu, cố kim bất thích: các sắc còn lại thì dễ hiểu, nên ở đây không cần giải thích.

Tạm dịch: Có vị Sư khác nói: Không là một Hiển sắc, là loại 21 (Không này chúng ta hiểu là Hư không). Chánh ở trong đây là hình bằng phẳng, còn hình không bằng phẳng thì gọi là bất chánh; đất nước khí bốc hơi thì nói đó là sương, ánh lửa của mặt trời là ánh sáng; ánh lửa của mặt trăng sao, các loại ánh lửa của vụ nổ, bảo châu, tia chớp v.v… gọi là sáng, ở trong vùng che chắn sinh ra bởi ánh sáng thì có thể thấy các hình sắc gọi là ảnh (bóng), phiên dịch ở đây là ám (tức là cái bóng đó thì còn có tối nữa). Còn các sắc khác dễ hiểu nên ở đây không giải thích.

Hôm nay chúng ta tạm học tới đây, bài này hơi nặng về lý thuyết, Thiện Trang cố gắng chia sẻ. Vì phần A Tỳ Đàm thì hay, nhưng phần mở màn Luận Câu Xá này, mới đầu thì hơi khó. Quý vị cố gắng nghe từ từ, nếu học chậm quá thì cũng không được, nên hôm nay Thiện Trang [giảng] vào những điều này rồi. Còn Luận Câu Xá thì vào sau mới hay, mới đầu chỉ giới thiệu mấy điều này thôi, chúng ta cũng cố gắng. Bữa sau Thiện Trang chia sẻ tiếp một phần bên A Tỳ Đàm, một phần bên Luận Câu Xá, và cũng cố gắng chia sẻ thêm với quý vị về pháp hành, pháp tu.

Do thời gian gần đây Thiện Trang hơi bận, nên quý vị thông cảm, không có chia sẻ đưa thêm nhiều thứ nữa. Bởi vì một phần là nội dung nhiều, hai là bận quá, mà đưa vô nhiều quá, [thì] không có thời gian lựa chọn để đưa vào. Thiện Trang thấy nhiều thứ hay quá, nhưng không biết đưa cái nào vào, mong quý vị thông cảm. Chúng ta hẹn qua bữa khác. Mời quý vị chúng ta cùng hồi hướng:

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo”