Nam Mô A Mi Đà Phật!
Con xin kính chuyển tiếp trích đoạn phần trả lời câu hỏi trong bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Pháp Tạng Nhân Địa, Đệ Tứ (Phẩm Thứ Tư: Nhân Địa của Pháp Tạng)
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 17.10.2020- VLT 042
(Kính tri ân liên hữu Thân Hạnh (FB Hang Namo Amitabha Nguyen) đã phát tâm ghi chép rất cẩn thận)
Câu hỏi: “Như hữu Chu công chi tài chi mỹ” (Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 517 hay 522). Cho nên Khổng Tử cảm thán nói: “Như hữu chu công chi tài chi mỹ, sử kiêu thả lận, kỳ dư tắc bất túc quan hỷ ”( nguyên gốc tiếng Hán: 如有周公之才之美,使驕且吝,其餘則不足觀矣). Thiện Trang nghe cái này cũng không hiểu đâu, đọc như vậy thì chưa hiểu nếu như Thiện Trang chưa tra từ điển, phải vô coi nguyên gốc如有周公之才之美,使驕且吝,其餘則不足觀矣.
Quý vị biết Chu công là một nhân vật trong lịch sử nhà Chu, phò cho vua, có đức độ, đức hạnh và tài năng rất tuyệt vời. “Chi tài, chi mỹ” là có tài năng và đức hạnh rất tuyệt vời nhưng mà sao? “Sử” là “mà”, “còn”, mà còn kiêu ngạo mà còn keo kiệt, thì những điều khác không cần quan tâm, không cần xét nữa, người đó không đáng xét nữa.
Bản dịch của Hòa Thượng:
Tập khí ngạo mạn này phá hoại tâm chân thành cung kính của chúng ta. Pháp thế xuất thế gian được xây dựng trên cơ sở chân thành cung kính mà thành tựu. Thánh học, Phật học nếu như không có chân thành cung kính thì quí vị không học được. Cho nên Khổng Tử cảm thán nói, câu nói này có lẽ là của Khổng Tử: “Như hữu chu công chi tài chi mỹ, sử kiêu thả lận, kỳ dư tắc bất túc quan hỷ ”. Tôi tin câu này là Khổng Tử nói. Người ông một đời khâm phục là Chu công, giả sử có người tài hoa, đức hạnh như Chu Công vậy, nhưng mà sao? Nhưng mà ông ta có kiêu ngạo, ông ta có bỏn xẻn, ông ta nhỏ nhen, Khổng Tử nói những thứ khác không cần phải xem đến nữa, vì là giả, không phải là thật. Đích thực đại Thánh đại hiền đối nhân tiếp vật rất khiêm tốn. Chúng ta ở trong cổ tịch đọc được những ghi chép về Chu công, lúc xử lý chính sự, đang ăn cơm có người đến báo cáo, có người muốn đến gặp mặt, lập tức dừng lại đi gặp khách, chứ không phải nói, đợi tôi ăn cơm xong rồi nói, không phải vậy. Đây là cung kính, thái độ chân thành cung kính, vì xã hội mà làm việc, vì đại chúng mà làm việc, việc này phải đặt lên hàng đầu, cá nhân là việc nhỏ, đều là đáng được người sau học tập. Cho nên có ngạo mạn, có nhỏ nhen, có bỏn xẻn, loại người này sẽ không có những thành tựu lớn được.
Điều này thật ra Hòa Thượng giải thích ở dưới rồi: “Nhưng mà ông ta có kiêu ngạo, ông ta có bỏn xẻn, ông ta nhỏ nhen, Khổng Tử nói những thứ khác không cần phải xem đến nữa, vì là giả, không phải là thật.” Quý vị chú ý nghe cũng có, Hòa Thượng có giải thích trong đó mà. Mình không có vốn Hán cổ thì mình không hiểu được đoạn này (如有周公之才之美,使驕且吝,其餘則不足觀矣), nhưng mà Hòa Thượng có giải thích ở dưới đây. Tóm lại đây là bịnh người thời này rất nhiều. Câu này không biết thầy đó cố tình hay sao, gửi nhắc Thiện Trang, cảm ơn. Nhiều khi mình ỷ mình có tài, mình giỏi gì đó, mình có chút xíu thành tựu gì đó rồi bắt đầu mình cống cao ngã mạn. Thiện Trang thì không có tính bỏn xẻn, may mà trước giờ không có tín bỏn xẻn, chứ mà có tính bỏn xẻn nữa thì tiêu rồi, giống như câu đó. Còn ngã mạn thì ráng cố gắng, từ từ hạ bớt. Quý vị cố gắng học thật.