Người phát tâm Bồ-đề là người căn lành phải Thượng thượng
căn, người Trung căn Hạ căn không thể phát tâm được như vậy. Người Thượng thượng
căn mới phát tâm xuất gia vì Phật pháp, vì gánh vác trên vai trọng trách nối
dòng pháp của đức Thế Tôn. Phải như Hoà thượng Tịnh Không, quý vị thấy Đại sư
Chương Gia khuyên ngài đi xuất gia vì thấy ngài có thể nối truyền dòng pháp của
đức Thế Tôn.
Đó là những bậc căn cơ cao, còn chúng ta đa số phát tâm yếu.
Sau này lúc nào Thiện Trang có thời gian hoặc là giảng lại, hoặc là trích ra
tám điều phát tâm Bồ-đề trong Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của Đại sư Tĩnh Am: Thế
nào là phát tâm nhỏ, thế nào là phát tâm lớn, thế nào thiên, thế nào là viên,
thế nào là phát tâm tà, thế nào là phát tâm chánh…. Đại sư Tĩnh Am là Tổ sư của
Tịnh Độ tông, ngài đưa ra tám loại tâm khi phát tâm Bồ-đề. Thiện Trang nghĩ là
khi giảng đến phẩm Hai Mươi Bốn, có lẽ lần này không có thời gian, lần sau học
lại thì sẽ trích phần đó ra để nêu rõ tám tâm khi phát tâm như thế nào.
Muốn phát tâm như vậy cũng không dễ, kém quá không phát tâm
được thì phải đưa ra 10 nhân duyên để phát tâm Bồ-đề. Cho nên tác phẩm Khuyến
Phát Bồ Đề Tâm Văn gọi là viên ngọc quý trong Tịnh Độ tông, vì rất là hay. Mình
học những điều đó mình phát tâm được. Quý vị nghe trong Sanh Tử Tâm Thiết của
Pháp sư Tự Liễu có trích một đoạn trong 10 nhân duyên có một điều là nghĩ nhớ đến
sanh tử khổ mà phát tâm Bồ-đề: “Ta cùng với chúng sanh, từ vô thỉ kiếp đến nay,
trôi lăn trong vòng sanh tử, lúc thì ở cõi Trời, lúc cõi Người, lúc thì vào
Phong Đao Địa ngục… ăn thịt con mà không biết Văn Vương…” Đó chính là lời của Đại
sư Tĩnh Am, Tổ sư thứ 10 của Tịnh Độ Tông chúng ta.
Học những điều đó chúng ta mới thấy khổ, không khổ không
phát tâm. Mười nhân duyên để phát tâm Bồ-đề, trong đó có Niệm sanh tử khổ: tức
là nghĩ nhớ đến sanh tử khổ mà phát tâm Bồ-đề, phát vừa cho mình vừa cho người.
Còn có Niệm Sư trưởng ân: ân của Sư trưởng mà phát tâm Bồ-đề, hay những nhân
duyên khác. Thiện Trang thấy sau này có duyên, mình giảng lại phần đó hoặc là
trích ra giảng lồng ghép trong bộ này. Nhưng lần này không có nhiều thời gian
nên chúng ta học như vậy.
Quý vị đừng nghĩ là người học được lâu rồi là phát được tâm
Bồ-đề. Có nhiều người học Phật pháp bao nhiêu năm mà vẫn không phát được tâm Bồ-đề,
ngài Lý bỉnh Nam nói là “đem Phật pháp biến thành tiêu khiển”, tiêu khiển là giải
trí. Học Phật pháp để lấy trí thức không phải vì sanh tử, không phải vì chúng
sanh, cho nên không phát được tâm Bồ-đề.
Còn đôi khi người ta mới bước vào Phật pháp, người ta đã
phát tâm chánh rồi, phát được tâm Bồ-đề. Những người đó mới gọi là đáng trân trọng,
đáng quý. Hồi xưa nhân duyên quý vị đến với Phật pháp thế nào không biết, nhưng
nếu quý vị tiến lên được [mà phát tâm Bồ-đề].
Quý vị nhớ trong Pháp Bảo Đàn Kinh, ngài Lục tổ Huệ Năng khi
đọc bài kệ của ngài Thần Tú, ngài nói: “Tôi cũng có bài kệ”. Người kia nói:
“Ông mà làm gì được bài kệ, ông có biết chữ đâu”. Lục tổ Huệ Năng mới xuất khẩu
thành chương, Thiện Trang rất ấn tượng đoạn này:
Pháp Bảo Đàn Kinh – Lục Tổ Đại sư Huệ Năng
欲學無上菩提,不得輕於初學。下下人有上上智,上上人有沒意智。若輕人,即有無量無邊罪。
Dục học vô thượng Bồ-đề, bất đắc khinh ư sơ học. Hạ hạ nhân
hữu thượng thượng trí, thượng thượng nhân hữu vô ý. Nhược khinh nhân, tức hữu
vô lượng vô biên tội.
Tạm dịch: Muốn học Vô thượng Bồ-đề, không được khinh người
sơ học. Người hạ hạ căn cũng có trí của thượng thượng, người thượng thượng căn
cũng có chỗ sơ ý. Nếu mà khinh người, chính là có vô lượng vô biên tội nghiệp.
Quý vị thấy hay không? Lúc đó ngài mới tới Hoàng Mai, ở tám
tháng giã gạo, đọc bài kệ của ngài Thần Tú xong rồi nói: “Tôi cũng có bài kệ”.
Ngài muốn viết bài kệ đối lại, người ta nói: “Ông biết gì mà đòi viết”. Ngài
nói:
#Dục học Vô thượng Bồ Đề: là muốn học đạo Vô thượng Bồ-đề tức
là học Phật.
#Bất đắc sanh ư sơ học: tức là không được khinh người mới học.
#Hạ hạ nhân hữu thượng thượng trí: người mà bậc hạ hạ cũng
có trí cao như các bậc thượng thượng luôn.
#Thượng thượng nhân hữu vô ý: tức là người bậc cao cao tức bậc
thượng thượng cũng có chỗ vô ý, sai sót.
#Nhược khinh nhân: nếu mà khinh người.
#Tức hữu vô lượng vô biên tội: tức là có vô lượng vô biên tội
nghiệp.
Cho nên đừng có tưởng người ta mới học mà khinh người ta.
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục tổ Đại sư Huệ Năng nói ra lời nào đều như vậy hết,
nên mới thành Tổ được. Ngài nói như vậy xong, ông đó kêu: Ôi! Sao mà ngài nói
hay quá! Ông sợ run người luôn. Thôi để tôi viết giùm cho. Vì ngài Lục Tổ Huệ
Năng lúc đó không biết viết, Lục Tổ đọc bài kệ để đối lại bài kệ của ngài Thần
Tú. Ngài Thần Tú viết là:
“Thân thị Bồ Đề thọ
Tâm như minh kính đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhạ trần ai”.
Dịch nghĩa:
“Thân như cây Bồ Đề
Tâm như đài gương sáng
Thường thường xuyên lau chùi
Chớ để dính bụi dơ”.
Lục tổ Huệ Năng bảo người kia viết lên:
“Bồ Đề bổn vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai”.
Tức là vốn không có cây Bồ Đề, gương sáng cũng không có đài,
xưa nay không có vật nào cả, làm gì có chỗ nào dính bụi dơ. Đó là ngài thấy
Tánh, Tánh là Tự Tánh. Tự Tánh vốn thanh tịnh, không có sanh diệt, làm gì có
cây nào trong đó. Rồi gương sáng không có đài, xưa nay không có vật gì hết, mà
bây giờ ô nhiễm chỗ nào, ô nhiễm là giả, mê nên thấy ô nhiễm. Ngài thấy Tự Tánh
xưa nay vốn là thanh tịnh, cho nên lúc đó Hoàng Mai chấn động hết.
Quý vị không có duyên, Thiện Trang thì có duyên, hồi xưa
nghe lời Hoà thượng nói, Thiện Trang cũng không dám coi Pháp Bảo Đàn Kinh. Bây
giờ lâu lâu mở ra coi chút, coi chỗ nào chấn động chỗ đó. Lục tổ Đại sư Huệ
Năng nói câu nào thì “xuất ngôn tu thiệp ư điển chương, đàm thuyết nãi bàng ư
kê cổ” là thường rồi, ngài vượt hơn như thế nữa.
Quy Sơn Cảnh Sách nói là: nói ra phải xuất phát từ trong điển
chương, tức là trong Kinh điển trong sách vở, mà đàm luận phải gần gần với người
xưa. Còn Lục tổ Huệ Năng ngài nói ra lời nào là siêu vượt hơn điều đó nữa, giống
như kinh Phật vậy. Vì vậy mới ghi quyển đó lại là Pháp Bảo Đàn Kinh, chứ chư Tổ
đâu có để chữ “Kinh”, chỉ ghi là Luận. Quý vị thấy ngài đối đãi nói
câu nào đâu có thừa, mỗi câu đều đầy đủ và ý nghĩa nào cũng chấn động.
Ngài mới tới Hoàng Mai tám tháng giã gạo, người ta chê ngài
không biết viết chữ, ngài xuất ra mấy câu làm người ta chấn động, sợ quá. Đầu
tiên nói là: Muốn học vô thượng Bồ-đề thì không được khinh người sơ học, người
ngu hạ hạ cũng có trí thượng thượng, là trí trên cao của người thượng thượng,
mà người thượng thượng cũng có lúc sơ xuất, nói cũng không đúng. Cho nên nếu mà
khinh người thì có vô lượng vô biên tội nghiệp.
Rất là hay! Chúng ta đừng khinh thường người khác, mà cũng đừng
khinh thường mình. Tự Tánh ai cũng như ai, bây giờ có thể nghiệp chướng che thì
quý vị không hiểu, học không vô. Nhưng ngày nào đó quý vị bừng ngộ, mở sáng ra,
học gì cũng hiểu hết, lúc đó tự nhiên ngộ. Thật ra đó là nghiệp, khi mình bị
nghiệp chi phối thì chúng ta bị nhiều điều khổ.
Làm sao vượt qua nghiệp? Có hai cách: Một là nguyện lực thắng
nghiệp lực; Hai là định lực thắng nghiệp lực. Vậy chúng ta ráng tu nguyện lực
cho lớn, định lực cho sâu. Muốn có nguyện lực thì học phát nguyện giống như Phật,
Bồ-tát. Muốn có định lực thì thường thường thâm nhập Kinh tạng, thường thường
tu, thường thường học.
Và cố gắng tập gặp chuyện gì đừng có lung lay, bây giờ trời
sập cũng coi như bình thường. Chuyện gì trên đời cũng không có gì hết, bây giờ
có chiến tranh thế giới thứ ba mình cũng bình yên, kệ nó. Nhân duyên như vậy
“Pháp nhĩ như thị” tức là pháp vốn như vậy, xưa nay như vậy, bây giờ nghiệp
chúng sanh cộng tới nên như vậy. Mình cứ an nhiên, còn ngày nào sống ngày đó,
niệm Phật ngày đó. Ngày nào trái bom rớt xuống hay tên lửa lạc đạn rớt xuống
trước mặt thì cứ an nhiên nhắm mắt lại niệm Phật, vừa chạy vừa niệm cũng được,
nhưng đừng hốt hoảng, đừng sợ hãi, thì đó là định lực thắng được nghiệp lực. Phải
tu, không phải chỉ học để nói, gặp chuyện gì là: Ôi! Sao thế này, sao thế kia,
la hét lên.
Có một Sư cô kể: Cô ra làm gì ngoài vườn gặp con rắn, rất tỉnh
táo, chỉ thấy hơi sợ thôi. Nhưng khi cô vô trong thất, có một con châu chấu nhảy
lên tay, cô hét lên. Từ đó cô sợ, đi đâu cũng quay qua quay lại nhìn. Đó là định
lực lúc đầu có, nhưng lúc sau mất định lực là sợ rồi.
Cho nên tu hành là tu chỗ đó, phải có định lực sâu mới chịu
trận được, ai mà đã từng tu lâu ngày sẽ biết. Ví dụ như quý vị tu được ba ngày,
ngày trước Thiện Trang tu được ba hoặc năm ngày, bước ra ngoài chẳng có gì lay
động được. Chuyện gì cũng bình tĩnh, thoải mái, coi như không có gì, không có
giật mình luôn. Như ở nhà đang đêm nghe “đùng” một cái, cái gì đó rớt trên mái
tôn, mình không biết đó là gì, cho nên không có giật mình.
Còn tu một hồi mà mình không có công phu, công phu định lực
yếu, nhiều khi giật mình. Nhưng mà Thiện Trang giật mình bất ngờ xong rồi vẫn
bình tĩnh lại. Ví dụ như đang làm gì đó, con rắn đột nhiên xuất hiện, thông thường
thấy rắn thì giật mình, sợ, đó là phàm phu rồi. Mình giật mình, nhưng mà nghĩ
cùng lắm nó cắn mình chết thôi chớ làm gì sợ dữ vậy.
Đó là giác ngộ, tuy không phải luôn luôn có định và huệ đó
xuất hiện liên tục, vẫn bị cảnh bất chợt chuyển, nhưng mà mình giác nhanh. Dù
sao cũng tự an ủi mình, gọi là “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, giác chậm
nhưng mà vẫn giác. Còn như quý vị không giác luôn, quý vị sợ, hoang mang. Ví dụ
như có người sợ rồi gọi điện cho Thầy Thiện Trang, coi chuyện này làm sao, chuyện
này gấp gáp, lo lắng hoảng hốt. Đó là chưa có định, chưa có huệ đủ, ráng luyện
thêm.
Phải luyện làm sao bình tĩnh trước mọi chuyện. Chuyện gì
cũng vậy, có thể bất chợt do không có công phu thì mình bị dao động, nhưng mà
ngay lập tức bình tĩnh lại. Như hôm bữa có người thông báo cho Thiện Trang là
Hòa thượng vãng sanh thì ngay lập tức Thiện Trang nghĩ bình tĩnh, không có gì,
do nhân duyên, các pháp vốn “như thị”. Hòa thượng hết duyên thì ngài đi thôi,
nhưng định lực mình chưa đủ, mình vẫn là phàm phu, vẫn cảm động, thế này thế
kia. Phải là bậc A-la-hán mới có thể không bị lay động bởi những hoàn cảnh bên
ngoài, còn chúng ta thì rất khó, nên phải cố gắng!
(Trích trong Bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng
– Môn thứ năm – Tạng Giáo Sở Nhiếp – Buổi 3 – 023
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang, giảng ngày 04.08.2022)