Responsive Menu
Add more content here...

Tập 13 – Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu

 

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
 TẬP: 13

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập.

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng.

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hương Cảng.

Thời gian: Ngày 23 tháng 8 năm 2012.

Dịch giả: Thích Thiện Trang.

 

          Kính chào quý vị Đại đức đồng tu. Chúc mọi người tốt lành! Mời an tọa. Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu, mời quý vị xem trang 42 của bản Kinh:

          “Thứ 19: Khất thực”

          Đây là oai nghi thứ 19. Oai nghi này dạy đối với chúng xuất gia, dạy chúng ta “khất thực”, tức là khi đi ra ngoài dùng phương pháp khất thực để kết duyên với chúng sanh thì cần phải chú ý điều gì. Ở thời cổ Ấn Độ, người xuất gia tiếp xúc với đại chúng chủ yếu là dựa vào khất thực, tức là tiếp nhận sự cúng dường thức ăn của chúng sanh. Tiếp nhận cũng không thể tiếp nhận suông, mà phải thuyết pháp lại cho thí chủ, tiếp nhận cúng dường thức ăn của thí chủ, thì đáp lại là cúng dường pháp.

Chúng ta xem điều thứ nhất:

          “Nên đi cùng bậc lão thành. Nếu không có người đi cùng, thì nên biết nơi nào có thể đi”

          Ra ngoài khất thực, thường tuổi của Sa di là khá nhỏ, giới lực cũng khá yếu, thì cần phải đi chung với “bậc lão thành”, để tránh xảy ra nhiều duyên nạn. Thí dụ như thời Đức Phật, một đệ tử của Phật là Tôn giả A Nan, có một lần ngài A Nan đi ra ngoài khất thực một mình, thì bị gặp nạn, gọi là nạn phạm hạnh. Là gặp Ma Đăng Già Nữ, cô ta vừa mới gặp ngài A Nan, liền đem lòng yêu mến, thực ra mẹ của cô ta dùng chú Tiên Phạm Thiên để mê hoặc ngài A Nan. Công phu giới định tuệ của ngài A Nan còn chưa đủ, nên chú Tiên Phạm Thiên đó thật làm cho Ngài A Nan điên đảo, gần phải phá giới dâm. Rất may Đức Phật cứu được kịp thời, dùng thần chú Lăng Nghiêm để phá trừ chú Tiên Thiên Phạm Thiên, giải cứu ngài A Nan ra, nếu không đã phá giới trọng căn bản thì sẽ bị trục xuất khỏi Tăng Đoàn, đây là thuộc về tội không thể sám hối. Cho nên lúc giới lực chưa sâu, thì phải đi cùng người lão thành để chăm sóc lẫn nhau, cũng tránh được những nạn duyên như vậy.

          Nếu không có người đi ra ngoài chung với bạn để khất thực, kể cả tất cả sự việc gì, đặc biệt là đi xa không có bạn cùng, thì cũng phải “nên biết nơi nào có thể đi”, tức là bạn phải đến nhà thí chủ, đến nhà cư sĩ để kết duyên với họ, bạn cũng phải biết nhà đó có thể đi hay không. Phật chế định có 5 loại nhà không thể đi vào: thứ nhất gọi là Xướng Linh Gia, đó là thế nào? Là nơi ca hát, nhảy múa. Trong mười giới Sa di có một giới là “không ca múa hát, không đi xem nghe”, đã đi vào nơi ca hát, nhảy múa, thì bạn sẽ khó tránh xem nghe, là phạm giới này. Cho dù bạn có thể tự hộ trì sáu căn của mình, đi đến vẫn là mắt quán mũi, mũi quán tâm, không nghe ca hát, nhưng bạn đi vào đó khó tránh có người cơ hiềm bạn, bạn là người xuất gia đi đến đó để làm gì? Mặc y phục của người xuất gia đế tới chỗ tụ họp ca hát, nhảy múa thì không tiện. Hiện nay tại những phòng karaoke, vũ trường, ca nhạc, những nơi mang thuần tính chất giải trí, thì người xuất gia chúng ta đều không nên đến. Thứ hai là nhà dâm nữ, đây là nhà kỹ nữ, đương nhiên đều không nên đến. Thứ ba là nhà bán rượu, tức là nơi uống rượu, quán bar, nếu tới đó thì dễ bị người hiểu lầm, có phải bạn muốn đến uống rượu, bạn đến đó để khất thực thế nào?

          Thứ tư là Vương cung, Vương cung có vua, còn có phi tần cung nữ, người xuất gia nếu đến đó, cũng sợ người khác nghi ngờ, một là sợ bạn có qua lại với vua, hoàng thân quốc thích, làm việc chính trị hay không, đã tham đồ tiếng tăm lợi dưỡng. Ngoài ra, Hậu cung có cung nữ, đó là nơi con gái ra vào, người xuất gia cũng không nên tới, đều là sợ người khác nghi ngờ, hiểu lầm. Dĩ nhiên, nếu Quốc vương mời khách, họ thỉnh bạn đến Vương cung ứng cúng, như vậy thì không phải bàn, chính mình không chủ động đi. Như Phật Thích Ca Mâu Ni thời ấy cũng tiếp nhận sự cúng dường của vua, đây là chính vua tự đến thỉnh, thì có thể đi, đi để kết pháp duyên với họ, có thể giảng pháp cho họ. Hiện nay, Vương cung cũng bao gồm lãnh đạo của đất nước. Như Sư phụ chúng ta đến Malaysia, thủ tướng đón mời Sư phụ đến nhà ăn cơm, đây là thuộc về cúng dường, họ cũng chủ động mời đón, nhân duyên như vậy thì có thể được, bởi vì đây là cơ hội hóa độ người lãnh đạo quốc gia, giúp họ có thể nhận thức Phật pháp. Thứ năm là nhà Đồ tể, tức là chỗ bán thịt, người xuất gia mang lòng từ bi, không ăn thịt, càng không thể sát sanh, cho nên đến những cửa hàng bán thịt như vậy, cũng sẽ có người nghi ngờ. Oai nghi này phần nhiều đều là một để đề phòng chính mình phạm giới, hai là tránh sự cơ hiềm.

Điều thứ hai:

          “Vào nhà người, phải xét cử động, không để mất oai nghi”

          Đến nhà thí chủ để khất thực, kể cả đến tiếp nhận cúng dường, đều phải mười phần lưu ý mỗi cử động, mỗi lời nói việc làm của mình, những điều này đều ảnh hưởng đến hình tượng của Phật pháp, những oai nghi nhất định cần phải làm tốt. Nếu có mất oai nghi, thì khiến thí chủ khinh thường chúng ta, cười chê chúng ta, họ cũng sẽ tạo khẩu nghiệp, hình tượng của Phật pháp cũng sẽ bị giáng xuống thấp. Người xuất gia là đại biểu cho Tăng Bảo, đây là việc làm vô cùng vinh hạnh, vì vậy chúng ta nhất định phải làm ra hình tượng tốt ở mọi nơi. Bao gồm “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, qua lại chung sống với người có lễ tiết, tất cả không được thể hiện sự cống cao, kiêu ngạo, vô lễ, cũng không được cong quẹo, nịnh bợ, những tiêu chuẩn này phải nắm chắc cân nhắc kỹ.

Tiếp điều thứ ba:

          “Nhà không có người nam, thì không được vào cửa”

          Đây là đối với Sa di, Tỳ kheo mà nói, nếu như lúc đó nhà thí chủ không có người nam ở nhà, thì dĩ nhiên là không thể đi vào cửa, một là sợ nạn phạm hạnh, hai là sợ người nghi ngờ, bạn đi vào nhà làm gì người ta cũng không biết. Đối với Sa di ni, Tỳ kheo ni mà nói, thì đổi ngược lại “nhà không có người nữ, thì không được vào cửa”, điều này rất dễ dàng lý giải.

Điều thứ tư:

          “Nếu muốn ngồi, trước phải xem kỹ có dao, binh khí thì không nên ngồi, có vật quý thì không nên ngồi, có quần áo, mền, trang sức của người nữ v.v… thì không nên ngồi”

          Qua lại với cư sĩ tại nhà thí chủ, mọi người nhất định sẽ thỉnh bạn ngồi, để cúng dường bạn. Bạn muốn ngồi, trước phải quan sát chỗ ngồi của bạn, chỗ đó có thích hợp ngồi hay không. Nếu chỗ đó có những đồ vật không thích hợp thì không nên ngồi, như có “dao, binh khí”, tức là vũ khí, mà bạn ngồi chỗ đó, thì người ta có thể nghi ngờ chê bai, bạn là người xuất gia vì sao còn trang bị vũ khí, bạn muốn làm gì? Đây là những thứ người xuất gia không nên mang theo, có những vật đó, thì chúng ta không ngồi để tránh sự cơ hiềm. “Có vật quý không nên ngồi”, người ta để tiền, vàng bạc đồ trang sức, bạn đến ngồi chỗ đó, lỡ gặp trường hợp người ta tìm không thấy vật quý, họ nhanh chóng hoài nghi có phải bạn đã lấy rồi hay không, đây đều là tránh sự nghi ngờ chê bai. “có quần áo, mền, trang sức của người nữ v.v…”, có những đồ trang sức, quần áo của người nữ, thì chúng ta cũng không ngồi, đều để tránh sự nghi ngờ chê bai.

Tiếp theo điều thứ năm:

          “Muốn nói Kinh, phải biết lúc nào nên nói, lúc nào không nên nói”

          Đến nhà thí chủ tiếp nhận cúng dường thức ăn, đúng theo quy củ cần phải giảng pháp cho họ, có qua có lại, người xuất gia không có tài vật, chỉ có thể dùng pháp để cúng dường người khác. Trước khi muốn giảng Kinh thuyết pháp, cũng phải xem xét có nên giảng hay không, lúc đó có thích hợp hay không. Thí dụ lúc đó trời đã chuyển sang tối, thì bạn cần phải trở về chùa, về chỗ ở của bạn, đây là lúc không nên giảng. Nếu tiếp tục giảng, khi trễ giờ, trời tối rồi, thì bạn phải đi đêm, việc đi ban đêm cũng sẽ bị người nghi ngờ chê bai. Người xuất gia đặc biệt không đi ra ngoài ban đêm, đặc biệt thời xưa, ban đêm thì người ta thường không hoạt động, ban đêm bạn đi ra ngoài, thì người ta đều sẽ nổi lên nghi ngờ, lén lén lút lút ra ngoài để làm gì? Do đó trời sắp tối thì không nên ở lại mà nói. Lại như lúc người ta không rảnh, họ không có thời gian nghe bạn giảng pháp, thì bạn không được gượng ép nói, khiến họ rơi vào thế khó, như vậy không tốt. Ngoài ra cũng phải xem đối phương có tình nguyện tiếp nhận giáo huấn của bạn hay không, bạn thì rất muốn giảng, nhưng họ không muốn nghe, bạn ép buộc để giảng, thì họ sẽ khinh pháp. Khinh thường đối với Phật pháp, khiến họ có lỗi, là do bạn tạo thành cho họ khinh thường pháp, thì đương nhiên bạn cũng có nhân quả. Cho nên phải xét rõ tình thế, biết tiến lui.

Điều thứ sáu:

          “Không được nói, cúng cho tôi ăn, thì người sẽ được phước”

          Đây là điều rất quan trọng. Người xuất gia chúng ta đến nhà thí chủ ứng cúng, thì họ rất vui vẻ cúng dường bạn, điều này rất tốt, sự tiếp nhận cũng giống như giúp cơ hội tu phước cho thí chủ. Nhưng nếu vốn là họ không tình nguyện cúng dường bạn, mà bạn nghĩ mọi cách, dùng nhiều loại kỷ xảo để gạt lấy hoặc dụ họ cúng dường, như vậy là không tốt, đó là có tâm trộm, nói nghiêm khắc như vậy cũng là phạm giới trộm. Bạn nói “cúng cho tôi ăn, thì người sẽ được phước”, quý vị có được phước báo, nói pháp như vậy thì giống như dẫn dụ họ, đó là phan duyên. Tuy có thể là sự thật, nếu bạn thật sự có tu hành, kham được làm ruộng phước cho chúng sanh, thì chúng sanh cúng dường bạn thật có được phước báo, nhưng bạn không nên nói như vậy. Để chúng sanh tự động cúng dường, như vậy mới nên, không thể có một chút ám thị. Nói rõ ràng thì càng không nên, nếu người khác nghe được rồi, thì họ sẽ khinh thường bạn, họ cảm thấy bạn đi phan duyên. Đại sư Ngẫu Ích lúc xuất gia, đã lập thề nguyện: thà nguyện chết đói, chết lạnh cũng không đi hóa duyên. Người xuất gia chúng ta đem thân tâm của mình đều giao cho Phật Bồ tát, nên căn bản không cần lo đến chính mình không có ăn, không có mặc, vả lại không thể không có. Nếu bạn thật tu hành, thì Bồ Tát Vi Đà nhất định hộ trì bạn, trừ khi bạn là giả tu hành, thì Bồ Tát Vi Đà không ủng hộ. Thật có tâm đạo, bạn chỉ vì đạo, như Luận Ngữ nói, quân tử cầu đạo không cầu ăn, lo đạo không lo nghèo, thì Bồ Tát Vi Đà nhất định sẽ chăm sóc bạn vô cùng cẩn thận, rất chu đáo.

          Tôi biết đến thề nguyện này của Đại sư Ngẫu Ích thì tôi rất cảm động, cho nên tôi xuất gia cũng lập thệ nguyện đó, tuyệt đối sẽ không mở miệng hỏi người cần tiền, cần cúng dường, cần ăn uống, tuyệt đối không mở miệng. Hiện nay bởi vì giảng Kinh thuyết pháp cũng có chút danh tiếng, thật có một số người dùng danh nghĩa của chúng tôi để hóa duyên, nên kết quả có người đến hỏi tôi có biết việc đó hay không? Tôi nói tuyệt đối không có việc đó, tôi tuyệt đối không thể muốn cần làm gì mà đi hóa duyên. Bởi thứ nhất tôi sẽ không hóa duyên, thứ hai tôi không muốn làm những việc như vậy. Mục đích tôi xuất gia rất rõ ràng, chỉ là giảng Kinh thuyết pháp. Sư phụ Thượng nhân khuyên tôi xuất gia cũng hy vọng tôi nối huệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sanh, đem Phật giáo trở về với giáo dục. Nên tôi tuyệt đối sẽ không đi hóa duyên, cũng không làm Kinh sám Phật sự, cũng sẽ không làm trụ trì, chấp sự của những đạo tràng, tôi chỉ làm một sự việc là dạy học. Nếu như có người dùng danh nghĩa của chúng tôi, nói muốn làm việc gì đó, như mới đây tôi nhận được một e-mail, nghe nói tôi muốn mở một trường học Thánh Hiền, họ hỏi chiêu sinh thế nào? Tôi trả lời: chúng tôi tuyệt đối không có, trường học Thánh Hiền là việc tốt, chúng tôi khuyến khích người khác làm, mỗi người phát tâm không giống nhau, những việc tốt như vậy thì một mình không thể phát tâm làm hết được. Tôi chỉ phát tâm làm một việc là giảng Kinh. Việc tốt khác để người khác làm, có rất nhiều cư sĩ hộ pháp có thể làm, chúng tôi tùy hỉ, tán thán, khuyến khích, nhưng chúng tôi không làm.

Chúng ta xem tiếp điều thứ bảy:

          “Không được van xin nài nỉ, không được rộng bàn nhân quả, mong người cúng nhiều”

          Người xuất gia nhất định phải có khí chất của người xuất gia, người xưa nói: không được ngạo mạn, nhưng cũng phải cứng cỏi. Tính cứng cỏi của người xuất gia như thế nào? Là vì liễu đạo có thể xả thân, không có ăn, không có mặc không sao, thà có thể chết đói, chứ tuyệt đối không nịnh nọt bợ đỡ người nào. Chúng tôi tin sâu cả đời có Phật Bồ tát chiếu cố, thật đến lúc không có ăn, không có mặc, không có uống, phải chết rồi, thì đó cũng là ngày nên đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, nên càng phải vui vẻ. Không phải là mỗi ngày bạn đều mong muốn vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc sao? Giờ thật đến lúc vãng sanh rồi, bạn còn sợ gì nữa? Cho nên tôi cũng tự an ủi mình như vậy, tôi nói nếu thật đến ngày nào đó không có ăn uống, một ngày có thể chịu đựng được, ba ngày gắng gượng được, đến bảy ngày thì vãng sanh, quá tốt! Cho nên tuyệt đối không vì ăn uống, vì người ta cúng dường mà “nài nỉ van xin”, như vậy tuyệt đối không được. “Không được rộng bàn nhân quả, mong người cúng nhiều”, bạn giảng nhân quả cho người, nói bạn bố thí nhiều thí có quả báo tốt, nói vậy không sai, nhưng ý niệm của bạn sai rồi. Bạn vì hy vọng người ta bố thí nhiều cho bạn mà nói ra như vậy thì không nên. Bạn đem Phật pháp làm thành một thủ đoạn để thu hoạch cúng dường cho bạn, thì đã bị khinh pháp, làm mất hình ảnh Phật pháp, đây là tội rất lớn. Phật pháp là chí cao vô thượng, chúng ta có thể vì pháp quên thân, vì pháp xả thân, làm sao lại có thể đảo ngược, dùng Phật pháp làm thủ đoạn để cho riêng mình được cúng dường?

Tiếp theo điều thứ tám:

          “Không được chuyên đến nhà thí chủ thân tình hay chỗ am viện thân tình mà xin ăn”

          Không được chuyên môn đến chỗ quen biết của bạn, nhà thí chủ thân quen để khất thực, như vậy gọi là tham đồ hưởng thụ. Bởi vì bạn và họ thân quen, họ đối với bạn rất tốt, cũng nhất định sẽ bố thí bạn nhiều, bố thí đồ ăn ngon, bạn vì lợi dưỡng mà đến, chứ không vì phổ độ chúng sanh, đó là sai rồi. Khất thực cũng là Phật sự, thời Đức Phật lúc đi khất thực đều đắp đại y, Tỳ kheo đắp y chín, thậm chí y 25 điều, là đại y. Vì sao vậy? Bởi tiếp nhận sự cúng dường của chúng sanh thì phải thuyết pháp cho họ, đây là một cách độ chúng sanh, chứ không vì lợi dưỡng của mình, cái ăn của mình có không không quan trọng. Nếu như có tâm suy nghĩ như vậy, phải đến nơi mình quen biết, nhà thân quen để tiếp nhận cúng dường, thì sai rồi. Cũng không được đến “am viện” quen biết, am tức là đạo tràng nhỏ, đạo tràng lớn gọi là tự viện, như vậy là không được. Thời Đức Phật là theo thứ tự đi khất thực, thí dụ hôm nay chúng ta đến khu phố này, đi khất thực từng nhà, người ta cho gì thì chúng ta ăn nấy, không được phân biệt thức ăn ngon dở, sanh loại tâm chấp trước đó. Chúng ta khất thực theo thứ tự, chỉ đi bảy nhà, nếu bảy nhà mà chưa đủ ăn, thì không đi xin tiếp, phải trở về, như vậy để đoạn tâm tham của bạn.

          Còn bổ sung đặc biệt, khất thực là pháp của thời cổ Ấn Độ, sau khi Phật pháp truyền đến Trung Hoa, thì người xuất gia không đi khất thực. Vì sao? Bởi quan niệm của người Trung Hoa và người Ấn Độ cổ không giống nhau: người Ấn Độ xem khất thực là hành vi của Tăng khổ hạnh, mà lại càng tôn trọng; Ở Trung Hoa thì không được, bạn nếu đi khất thực, thì tức giống như ăn mày, mọi người đều không tôn trọng bạn, mà không tôn trọng người xuất gia thì không tôn trọng pháp. Cho nên ở Trung Hoa, người xuất gia đều không khất thực. Lúc đó vua đến Ấn Độ, thỉnh cao Tăng Ấn Độ đem Phật Pháp sang Trung Hoa, và xây dựng tự viện cho người xuất gia. Ngôi chùa đầu tiên là chùa Bạch Mã ở Hà Nam, đây là nơi cơ cấu chuyên hoằng dương giáo dục của Đức Phật đầu tiên, từ đó quyên tiền xây dựng chùa chiền đều là do vua, quan sang quyền quý, đại phú trưởng giả làm. Người xuất gia ở trong đó an tâm hành đạo, không phải ra ngoài khất thực. Có tự viện còn có đất đai, có thể cho nông dân ở gần đó canh tác, sau thu hoạch lương thực, trừ công của mình ra, còn lại có thể đổi thành tiền tài để hỗ trợ phí dùng thường ngày cho những người Tăng nhân xuất gia. Chế độ khất thực này tại Trung Hoa nói chung không còn nữa. Nếu như chúng ta thấy ở Trung Hoa, có người hình dạng người xuất gia đến khất thực với quý vị, thì quý vị liền biết đó không phải là người xuất gia thật sự, đương nhiên quý vị tình nguyện bố thí cho họ cũng có thể được, vậy giống như người ăn xin đến xin cơm với quý vị, quý nên bố thí cho họ.

Tiếp theo là oai nghi thứ 20:

          “Vào nơi Tụ lạc”

          “Tụ lạc” tức hiện nay chúng ta gọi là phố chợ. Người xuất gia thông thường không nên đi chợ, siêu thị, người tu hành vào những nơi mua sắm làm gì? Trừ khi vì Tam Bảo, vì việc của đạo tràng, đại diện đi mua sắm đồ đạc cho đạo tràng, đấy đương nhiên là bất đắc dĩ phải đi. Đi cũng phải biết, chú ý những oai nghi, không được để người ta nhìn thấy chê bai. Cho nên chỗ chỗ phải nghĩ đến vì làm tấm gương tốt cho chúng sanh, tức là có oai nghi. Chúng ta xem Kinh văn nói:

          “Có việc của Tam Bảo, thăm bệnh và tất cả cần thiết mới vào, không có duyên cớ thì không được vào”

          Tức là có duyên cần thiết, khi có việc của Tam Bảo, hoặc phải đi thăm bệnh, bất đắc dĩ vào phố, đến chợ, đến nơi tụ lạc đông người, nếu không duyên cớ thì không được tùy tiện đi.

          “Không được đi nhanh”

          Ở nơi đông người, phố chợ, hoặc nói như chúng ta là ở trung tâm mua sắm, thí dụ Tiêm Sa Chủy Hương Cảng là nơi rất đông đúc náo nhiệt. Không được đi nhanh vội vàng. Đi đường phải đi chầm chậm, người chậm thì có oai nghi, bạn đi vội vội vàng vàng thì không có oai nghi rồi, sẽ hiện ra rất nóng nảy.

Điều thứ ba:

          “Không được đi mà lắc tay, múa chân”

          Đi đường, đặc biệt là đang mặc áo Hải Thanh, đắp y; tay nên để trước mặt, kiết ấn Di Đà, tư thế đi như vậy rất có oai nghi. Nếu trên tay cầm thứ gì, thì đương nhiên càng không được lúc lắc; Nếu đắp y mà lắc tay, đánh trước sau, như vậy là mất oai nghi. Nên lúc niệm Phật ở trong Niệm Phật đường, mặc áo Hải Thanh đều phải đặt tay, để trước ngực, như vậy mà đi, mặc áo Hải Thanh thì không thể “lắc tay, múa chân”.

          “Không được nhìn người vật hai bên, phải nên thẳng mình, mắt bằng, nhìn ngay mà đi”

          Lúc đi đường nhất định phải nhìn thẳng phía trước, không nên nhìn trái nhìn phải, mắt cũng không được nhìn nghiêng, liếc; thân, đầu đều phải ngay ngắn, như vậy là có oai nghi. Nếu đi mà nhìn bên trái, bên phải, xem những thứ gì đẹp nhìn chăm chú, gặp như bất cẩn chân rớt xuống hố, té ngã, thì thật khó coi, làm trò cười cho người ta; Hoặc bạn tông vào cây cột, thì càng khó coi rồi. Đặc biệt khi có người nữ, thì càng không được nhìn, người xuất gia đặc biệt chú ý điều này.

Điều thứ năm:

          “Không được đi cùng thiếu niên nói cười”

          Lúc đi đường tốt nhất không nên nói chuyện, càng không thể nói cười đặc biệt là với người thiếu niên, trẻ con, vừa đi vừa nói cười, bạn cũng biết thông thường trẻ nhỏ tỏ ra rất tinh nghịch. Chính mình không có tự trọng, làm sao người khác có thể tôn trọng bạn được? Nên toàn bộ oai nghi đều là dạy chúng ta tự ái tự trọng. Người có tự ái thì người khác mới mến, người có tự trọng thì người khác mới tôn trọng.

Điều thứ 6:

          “Không được đi chung với người nữ trước sau”

          Đây cũng là tránh sự cơ hiềm. Đi đường không thể một mình đi chung với người nữ, đi bên cạnh nhau gọi là “hỗ hành”, hoặc là người trước người sau. Đi trước mặt người nữ cũng không được, trong mắt người ta, người xuất gia là thầy gương mẫu của trời người, sao lại có thể đi chung với người nữ? Người nữ đi ở trước mặt cũng không được, người nữ đi trước mặt một người nam, cũng rất khó coi. Nên nếu phải đi chung với người nữ, thì nên phải có thêm một người bạn. Thí dụ nếu hai vị xuất gia cùng đi, nếu có nữ hộ pháp đi chung, như vậy là có oai nghi; Hoặc không có hai người xuất gia thì có nhiều hơn một vị nam phụ tá, như vậy rất tốt. Những chi tiết này đều tránh sự cơ hiềm của người khác.

Điều thứ bảy:

          “Không được đi chung với Ni Tăng trước sau”

          Đây cũng cùng đạo lý với “Không được đi chung với người nữ trước sau”. Nếu chỉ có một Tỳ kheo ni hoặc Sa di ni đi chung, như vậy thì càng khó coi so với đi chung với một người nữ. Bởi người thế gian thì tâm thích nói đùa chế giễu, thấy người xuất gia nam, nữ đi chung với nhau, thì họ sẽ nghĩ tưởng bậy bạ, sẽ cười chê. Nên tất cả những điều này đều là tránh sự chê cười. Hơn nữa với người xuất gia nữ, chiếu theo giới luật mà nói, đi đâu đều phải có hai người cùng đi, tức là hai người nữ, nên họ nhất định phải tìm một người bạn, một mình mà đi ra ngoài là không hợp với giới luật. Người xuất gia nam đi một mình thì được, nhưng một mình đi chung với người nữ thì không nên.

Điều thứ tám:

          “Không được đi chung với người say, người điên”

          Đây cũng là tránh sự chê bai. Người xuất gia chúng ta không uống rượu, bạn đi cùng người say, họ đã uống say rồi, bạn đi chung với họ, thì người khác sẽ nghĩ có phải bạn uống rượu với họ? Vả lại say rượu dễ nổi điên, giả như họ đột nhiên khởi lên ác niệm, xâm phạm đến bạn, gây nguy hiểm cho bạn, làm cho bạn rất khó coi. Với người điên cũng như vậy, tinh thần họ không bình thường, hoặc có lúc nổi tâm sân hận, phát cuồng. Nên mau tránh xa dạng người đó, không nên tiếp xúc với họ, sợ họ gây ra phiền phức, bởi vì người xuất gia tuyệt đối không gây xung đột với người khác. Nhưng họ lại gây phiền phức cho bạn, thì khi đó bạn rất khó thoát thân, cho nên gặp những tình huống như vậy thì lập tức lui tránh đi chỗ khác. Dù cho họ gây phiền phức cho bạn, mắng chửi bạn, thì bạn cũng không nên chửi lại. Người xuất gia là có tu dưỡng, phải tu nhẫn nhục. Có một lần tôi ở Thái Lan, là hai tháng trước, tôi gặp một người rất vô lễ, ở trong phòng ăn, ông ta vừa thấy bạn không vừa mắt, liền chửi bạn. Lúc đó tôi không nói, im lặng mà ông chửi rất dữ dội, đại khái cũng là có thần hộ pháp gia trì, an bài, nên ông ta tự bỏ đi. Nếu ông ta không bỏ đi, thì tôi cũng bỏ đi, không thể ở cùng chỗ với ông ta, đây đều là làm gương mẫu cho người đời, tu nhẫn nhục Ba la mật. Người ta sỉ nhục bạn, bạn không nổi giận, khiến mọi người xem thấy người học Phật là có tu dưỡng. Nếu bạn nổi nóng, nổi giận với họ, thì người ta cảm thấy Phật pháp, học Phật cũng chẳng có gì. Cho nên mỗi nơi mỗi chỗ phải nghĩ đến làm gương mẫu.

Tiếp theo điều thứ chín:

          “Không được cố nhìn người nữ, không được liếc mắt nhìn người nữ”

          Đây là trong phố thị, nơi đông người, phải chú ý đặc biệt không nên tiếp xúc với người nữ. Ở trong phố chợ khẳng định người nam người nữ rất nhiều, đặc biệt là hiện nay có những người nữ ăn mặc rất hở, động tác hành vi cũng rất phản cảm, đối với những người này chúng ta nhất định tránh xa. Nếu không thể tránh xa, cũng không được nhìn, “cố nhìn” tức là bạn có ý nhìn người nữ, chăm chú nhìn như vậy là không tốt. Sau khi bạn nhìn rồi, thì một là bạn sẽ khởi lên nghĩ ngợi, suy nghĩ lung tung, nói thật là thuộc về phạm giới; thứ hai là dù bạn không có động tâm nghĩ ngợi, nhưng bạn nhìn họ thì người khác nhìn thấy bạn, họ sẽ nghĩ ngợi chê bai. “liếc mắt nhìn người nữ” thì càng không nên, là nhìn không chánh, vả lại mắt nhìn xiên vẹo, đây đều rất là mất oai nghi. Tuy đó là những tiểu tiết, nhưng dù việc nhỏ cũng chớ tự tiện, đạo đức đều là từ trong những việc thường nhỏ như vậy mà hiện ra lễ. Cho nên cổ đức nói, đừng tưởng việc thiện nhỏ mà không làm, chớ tưởng việc ác nhỏ mà làm. Nếu bạn không chú ý đến những tiểu tiết như vậy, thì tích nhiều sẽ có hại đến đức lớn. Đệ Tử Quy nói: “Đức tổn thương, cha mẹ buồn”, chúng ta đã xuất gia nương theo thầy thì “Đức tổn thương, sư phụ buồn”. Tại gia mà mất đức thì cha mẹ buồn; Người xuất gia mà mất đức, thì khiến thầy buồn, khiến Phật buồn, đó là mất thể diện của nhà Phật. Nên người xuất gia phải có hộ pháp tâm, hộ giới tâm, từng cử chỉ hành động không như pháp sẽ hại đến hình ảnh của Phật pháp. Thật sự có hộ pháp tâm thì mỗi lúc mỗi nơi phải lưu ý hành vi việc làm của mình, không được làm biểu pháp xấu.

Tiếp theo điều thứ mười:

          “Nếu gặp bậc tôn túc, người quen, thì nên đứng sang một bên và chào hỏi trước”

          Đây là lúc hỏi thăm người thân quen, bạn bè ở trên đường phố, bạn đang ở nhà người đời hoặc đang bên đường, bạn gặp “bậc tôn túc, người quen”. Tôn túc là thuộc về trưởng giả Đại đức lớn tuổi, người có đức hạnh, uy tín cao mà bạn biết được. Tuy họ là người tại gia, nhưng cũng phải cung kính đối với họ. Phải “đứng sang một bên”, chúng ta đứng sang một bên để nhường đường, và cũng “chào hỏi trước” với các Ngài, chúng ta hành lễ trước với các Ngài, cúi mình xuống vái, hỏi thăm là được rồi, không cần phải đảnh lễ. Người xuất gia gặp vua đều không đảnh lễ, gặp cha mẹ cũng không đảnh lễ. Vì kể từ khi xuất gia, lấy Phật là thầy, thì phải là đại biểu tôn quý của Phật pháp, do đó chỉ đảnh lễ Phật Bồ tát, Thánh hiền, Tổ sư, Sư phụ, chứ không được đảnh lễ người đời. Nhưng hỏi thăm vấn tấn thì nên, vấn tấn cũng là một loại lễ mạo, gặp những bậc Tôn túc, Đại đức, trưởng giả, thì chúng ta phải hỏi thăm họ trước. Nhưng nếu là người đời là bậc ngang hàng, thậm chí bậc thấp hơn, thì không cần phải vấn tấn, đây đều là oai nghi của Sa di. Nói qua cũng phải nói lại, xem chúng ta dùng tâm như thế nào? Nếu chúng ta dùng tâm là vì dạy đạo đức cho đại chúng phải biết được lễ mạo, biết được hành lễ cúi mình xuống vái, thì bạn có thể làm thân giáo như vậy, gặp người ngang hàng, thậm chí bậc hậu bối đều cúi mình vái hỏi thăm. Đây là tấm gương có thể dạy họ sự cung kính, phát tâm như vậy có thể được, là rất tốt.

Tiếp theo điều thứ 11:

          “Nếu gặp các biểu diễn ảo thuật, sự việc kỳ lạ v.v…đều không nên xem”

          Đây là nói giới luật của Sa di phải tuân theo, một điều trong đó là “không đàn hát ca múa, không đi xem nghe”. Những điều này cản trở cho đạo nghiệp, tất cả tiết mục ca múa, hài kịch không nên xem. Ở trong phố chợ, đặc biệt ngày nay, thường có rất nhiều hình ảnh quảng cáo, thậm chí đều có hình động, có nơi còn đặt ti vi, chiếu video, chúng ta đều không nên đứng lại để xem. Còn có những sự việc kỳ lạ, thí dụ bên đường có người múa rắn, mọi người đến vây quanh xem, người xuất gia không nên xem những thứ ấy, đó là thuộc về “sự việc kỳ lạ v.v…”. Không xem tất cả những ảo thuật như vậy, vì sao? Không có giúp gì cho đạo nghiệp của bạn, bạn xem rồi sẽ khởi lên nhiều vọng niệm, mà người chân chánh tu đạo thì mỗi niệm đều không quên Phật hiệu, không quên chánh niệm, há còn đi xem những thứ khác, còn thưởng thức những thứ không liên quan với đạo nghiệp là sao? Trong Đệ Tử Quy cũng có cách nói tương tự, như là “nơi ồn náo, không đến gần”, “việc không chánh, chẳng nên hỏi”, ngay cả người Quân tử nhà Nho đều đề phòng đi vào nơi ồn náo, đề phòng không xem những điều sai trái, sự việc kỳ lạ, đối với chúng không nghe, không hỏi, những điều này có thể bảo vệ tâm thanh tịnh của bạn.

Tiếp theo điều thứ 12:

          “Nếu gặp quan quyền, bất kể lớn nhỏ, đều nên tránh đi”

          Đây cũng là tránh sự cơ hiềm. Quan quyền là người làm chính trị, những vị cán bộ đó, thí dụ người lãnh đạo chúng ta hiện nay đi ra ngoài, bạn không được hiếu kỳ, càng không được phan duyên muốn gặp họ. Họ mà tìm ta, thì đều chưa nên đi gặp, huống hồ họ không tìm bạn, mà bạn lại đi gặp ư? Quá khứ Đại sư Lục Tổ Huệ Năng đến phương Nam hoằng pháp, vua Võ Tắc Thiên hạ chiếu thỉnh mời Ngài đến vương cung thuyết pháp, Ngài đều không đi. Rất nhiều Tổ sư Đại đức đều như vậy, biết xem nhân duyên đến, họ có thể tiếp nhận giáo huấn, thì có thể đi; nếu như họ chỉ là ngưỡng mộ danh tiếng của bạn, muốn gặp bạn, thì không cần đi.

Tiếp điều thứ 13:

          “Nếu gặp người đánh nhau, cũng nên tránh xa, không được đứng xem”

          Ở trong phố chợ, chúng ta nếu thấy có người đánh nhau, hoặc cãi nhau, chửi nhau, thì bạn không nên nghĩa hiệp, ra tay giúp đỡ. Nên làm thế nào? Nên tránh xa, tránh nơi đánh đấm, không được đứng lại để nhìn. Bởi vì sao? Đều là tránh bị cuốn vào đó. Bởi thân phận người xuất gia cực kỳ đặc biệt, người đời thấy bạn không giống họ, nếu trong tâm họ không thiện, thì họ có thể cố ý gây rắc rối cho chúng ta. Tại nơi đánh nhau, nếu người ta vu khống bạn là bạn cũng tham gia đánh nhau, hoặc lôi kéo bạn vào, thì bạn rất khó trong sạch được, đây đều là tránh sự chê bai, ngăn trở đạo nghiệp. Nếu bạn bị lôi vào sự kiện đánh nhau, đến khi bị công an bắt để xét hỏi, còn phải ngồi tù, thì rất phiền phức. Những sự việc đó nên để cho công an đến xử lý, nếu gặp những việc như vậy mà rất nghiêm trọng, thì có thể mau báo cảnh sát, mời bộ phận có liên quan đến giải quyết, như vậy thì có thể. Điều thứ 14:

          “Khi gặp hố nước, vũng nước thì không được nhảy qua, có đường khác thì nên đi vòng, nếu không có đường khác mà mọi người đều nhảy qua thì được nhảy qua”

          Ở trên đường, có thể có chỗ không bằng phẳng, gặp hố nước, chỗ đất sụp, thì bạn không được nhảy qua chỗ đó. Khi đi đường mà nhảy thì mất oai nghi, không được nhảy phải đi từ từ, thong thả mà đi, không được hấp tấp. Gặp hố nước thì làm sao? Lúc đó có đường khác, thì bạn đi vòng, thật chỗ đó không có đường, mọi người đều nhảy qua, thì bạn cũng có thể nhảy qua, đây là một dạng khai duyên. Đây đều là “đi thong thả, đứng ngay ngắn”, đi có tướng của đi, đứng có tướng của đứng. Điều tiếp:

          “Không có bệnh hoặc việc gấp thì không được cưỡi ngựa, cưỡi lừa v.v…Giả sử có duyên sự tạm cưỡi, thì không được vì ham vui mà đánh thúc chúng chạy mau”

          Người xuất gia không nên cưỡi ngựa, cưỡi lừa, cưỡi súc sanh, vì sao? Người xuất gia mang lòng từ bi, những súc sanh đó, chúng cũng có linh tri, có máu huyết, cũng có khổ mệt. Chúng ta phải xem bình đẳng, chúng sanh đều có Phật tánh, chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật tương lai, thì làm sao nhẫn tâm cưỡi chúng, ngược đãi chúng? Cho nên thường thường có thể đi bộ được, thì cố gắng đi bộ, trừ khi có bệnh chỉ có thể dựa vào ngựa lừa để cưỡi, có bệnh hoặc có việc gấp đi bộ không kịp, nhất định phải đi khẩn cấp, bất đắc dĩ ngồi tạm xe lừa, xe ngựa, thì cũng không được thỏa ý cười. Bạn dùng loại tâm cười giỡn, vui thích để đánh thúc chúng, vả lại “chạy nhanh” là xe ngựa chạy nhanh, rất khoái chí, đó đều là đem niềm vui của mình thành lập trên sự khổ của súc sanh, chúng sanh, là trái với từ bi. Hiện nay tình huống này rất ít, vì cơ bản là ngồi xe, còn cưỡi ngựa thì rất hiếm, thông thường người xuất gia có thể không cần cưỡi ngựa. Điều 16:

          “Không được về chùa mà khoe những việc kỳ lạ đã thấy”

          Từ chợ hoặc nhà cư sĩ bên ngoài trở về chùa, không thể nói với bạn đồng môn, hôm nay tôi gặp được việc kỳ lạ gì đó, mà còn khoe khoang huyền diệu, chính mình đặc biệt thấy nghe sự việc đó, như vậy là tâm không tương ưng với đạo, đặc biệt là khoe với Sư phụ, Hòa thượng, A xà lê của mình, Đệ Tử Quy cũng nói “với người lớn, chớ khoe tài”, bạn còn biểu hiện năng lực như vậy là không tương quan với đạo, đó là không nên. Cho nên tất cả là bảo vệ tâm thái thanh tịnh, thành thật mà lão thật, đồng thời không hiếu kỳ suy nghĩ đến những sự việc như vậy.

Tiếp theo chúng ta xem oai nghi thứ 21:

          “Thứ 21: Mua đồ”

          Tức là mua đồ đạc. Điều thứ nhất:

          “Chớ trả giá”

          Mua đồ đạc, không nên đi xem đồ vật đó mắc rẻ (tức là xem rất nhiều chỗ), không mặc cả. Vì người xuất gia phải làm tấm gương cho mọi người, chính mình không được giữ tiền, lúc vì Tam Bảo mua đồ đạc, với lại không được dùng tâm kinh doanh để mua, mua đồ đạc thông thường không trả giá với người. Trừ khi là bạn biết vật phẩm đó thách giá quá cao, thì bạn có thể nhắc nhở họ ‘bạn phải cho chúng tôi giá cả hợp lý, không nên cố ý thách giá cao, vì chúng tôi đều dùng tiền Tam Bảo, là do tín chúng cúng dường, bạn cố ý bán giá cao thì cũng sẽ chịu nhân quả’, nhắc nhở họ vậy. Điều thứ hai:

          “Chớ ngồi nữ quán”

          “Nữ quán” tức là cửa hàng kinh doanh của người nữ, trong đó chỉ có người nữ, không có người nam, thì bạn không nên đến đó ngồi, đến ngồi đó cũng sẽ khiến người ta cơ hiềm. Điều thứ ba:

          “Nếu bị người xúc phạm, thì khéo tránh đi, chớ theo cầu giá cả”

          Lúc mua đồ có thể gặp người ác tâm, họ cố ý gạt bạn, đưa giá lên cao để bạn chịu thiệt thòi. Nếu bạn gặp tình huống như vậy thì tránh đi, không mua của họ, đi sang quán khác. Bạn nhắc nhở họ, mà họ vẫn không thay đổi thì đổi quán, đi chỗ khác, khéo tránh đi, không mặc cả cao thấp với người. Nếu lỡ họ nổi giận, cưỡng từ đoạt lý để gây phiền phức, thì bạn không nên có xung đột với họ, không nên tranh đúng sai, phải trái thắng thua với họ, đây là điều mà người xuất gia phải tu dưỡng. Nên nói “Lời nhẫn nhường, hận tự mất”, trước tiên phải nhẫn được trên lời nói, cho dù đối phương tức giận một lúc, cũng không thể hình thành cơn giận lớn, thì có thể hóa giải xung đột. Tiếp điều thứ tư:

          “Đã hứa mua vật của ai, thì dù gặp chỗ mới rẻ hơn, cũng chớ bỏ chỗ kia mà mua chỗ này, khiến cho chủ kia tức giận”

          Đây nói lúc mua đồ đạc, bạn đã hứa chịu mua vật của Giáp, nhưng đột nhiên nếu mua của Ất thì được tốt hơn, nên bạn hối hận, bạn không mua của Giáp, mà mua của Ất, như vậy là không nên. Vì sao? “bỏ chỗ kia mà mua chỗ này”, thì sẽ khiến chủ của vật bị bỏ không mua đó giận, đây suy nghĩ thì có thể hiểu được. Vì bạn đã hứa chịu mua, thậm chí đã kí hợp đồng mua đồ của họ rồi, sau đó bạn lại thay đổi. Dù có thể họ cố tình gạt bạn, nhưng bạn đã hứa mua, với người không hối hận, vậy thì hãy chấp nhận, đây cũng là biểu hiện một niềm tin. Tuy họ không thành tín với ta, nhưng ta cũng thành tín với họ, “khi nói ra, tín làm đầu, lời dối trá, sao nói được?”“tiền của nhẹ, oán nào sanh”, dù cho hiện tại lỗ một chút, cũng khiến đối phương không khởi oán hận, không tức giận chúng sanh, tối đa là một lần thôi, ta không tìm lại họ nữa, chỉ thiệt thòi lần này thôi.

Điều thứ năm:

          “Thận trọng, chớ bảo trợ kẻo dẫn đến lỗi và nợ”

          “Bảo trợ” tức là bảo lãnh, bảo đảm cho người. Người xuất gia không nên làm bảo lãnh gì cho người, đặc biệt là bảo lãnh trên mặt kinh tế. Vì sao vậy? Người xuất gia bản thân không có làm ra tiền, không có tiền tài riêng, không thể cất chứa tài vật, làm sao có thể làm bảo trợ kinh tế cho người? Bạn lấy gì để có thể bảo đảm? Bạn không được đem chùa ra để bảo trợ, đấy là vật của Tam Bảo, của thường trụ, lỡ gặp thật là bị lấy, bị xiết nợ, thì nhân quả này rất lớn rồi. Vì vậy không nên tự ý giúp đỡ người, điều này không được, đây là nguyên tắc của vấn đề này. Gọi là “dẫn đến lỗi và nợ”, là lỗi lầm, mang nợ. Bảo trợ cho người thì chính mình có lỗi lầm, nếu bạn muốn bảo trợ, thì thật phải đem tài sản riêng của bạn để bảo trợ, thì giống như bạn mắc nợ. Đệ Tử Quy cũng nói “việc không tốt, chớ dễ nhận, nếu nhận lời, thì sai lầm”. Nên nhiều người tại gia làm được việc này, nhưng người xuất gia thì không thể làm, bởi đây vốn là oai nghi giới luật của người xuất gia không cho phép.

Chúng ta xem tiếp oai nghi thứ 22:

          “Thứ 22: Làm gì cũng không được tự tiện”

          Đây là nói tôn sư trọng đạo. “Làm việc gì”, tức bạn bố thí, bạn làm điều gì nhiệm vụ gì, không thể tự theo ý mình, “tự tiện” tức là tự mình quyết định, mà nên hỏi thầy chỉ dạy trước. Sa di là học sinh, phải tôn sư trọng đạo, do đó việc việc đều bạch thầy, bạch tức là báo cáo, được thầy đồng ý mới làm, đây là tôn trọng Lão sư. Đệ Tử Quy nói: “việc tuy nhỏ, chớ tự ý, nếu tự ý, lỗi đạo con; Vật tuy nhỏ, chớ giấu riêng, nếu giấu riêng, cha mẹ buồn”, đạo lý này giống như vậy, đem cha mẹ đổi thành thầy. Cho nên Sa Di Luật Nghi trên thực tế cũng nói Đệ Tử Quy, mà nói càng chi tiết hơn so với Đệ Tử Quy, có thể hợp với Đệ Tử Quy để cùng học tập. Đệ Tử Quy dạy chúng ta hiếu với cha mẹ như thế nào, Sa Di Luật Nghi dạy chúng ta tôn sư như thế nào, hiếu thân tôn sư là gốc rễ lớn của học Phật. Nội dung Đệ Tử Quy cũng có thể dùng để tôn sư, những giáo huấn của Sa Di Luật Nghi cũng có thể dùng để giúp bạn hiếu với cha mẹ.

Tiếp theo là điều đầu tiên:

          “Ra vào đi lại, phải bạch thầy trước”

          Điều này Đệ Tử Quy nói “đi phải thưa, về phải trình”. Bạn phải ra ngoài hoặc là từ ngoài về, trước hết phải thưa trình Sư phụ, đây là biểu thị trong tâm bạn có Sư phụ. Chúng ta là Sa di, học thức kinh nghiệm còn chưa đủ, không nên chủ trương tự làm. “Bạch sư” là hướng Lão sư báo cáo, thì thầy có thể sẽ có những lời khuyên, ý kiến, khi bạn ra ngoài sẽ tránh lỗi lầm, tránh bạn phạm giới, tránh bạn gặp tai họa, do đó đối với mình có lợi ích rất lớn. Những điều phía sau đều nói “phải bạch thầy trước”, mỗi điều rất là chi tiết, chúng ta đọc qua một lần, thì mọi người cũng đều biết nội dung bao quát của những hành vi ấy.

Tiếp theo:

          “Làm pháp y mới, phải bạch thầy trước. Mặc pháp y mới, phải bạch thầy trước”

          Đây kể rất là chi tiết. Tài sản của người xuất gia là ba y, một bình bát, bạn muốn làm y phục mới, “pháp y” tức là Ca sa, cổ Ấn Độ chỉ có Ca sa, họ không mặc y phục chúng ta hiện nay, y phục của họ là Ca sa, quấn lên trên thân. Chúng ta hiện nay có y trong và những y ngoài, như áo choàng v.v… Những loại đó đương nhiên là có thể không hẳn cần đi làm phiền Sư phụ, nhưng làm pháp y, làm Ca sa thì cần phải thưa trình với Sư phụ. Khoác trên thân tôi hiện giờ là y 25 điều, của Sư phụ Thượng nhân Tịnh Không chúng ta tặng cho tôi sau khi xuất gia, tôi không có tự mình đi làm. Tôi giảng Kinh tại Chùa Viên Minh, thì Ân sư Thế độ của tôi là Sướng Công cũng làm cho tôi hai y chín điều, ở tại chùa của Ngài phải tôn trọng quy củ của bên Ngài, nên đắp y cũng là một loại. Chúng tôi giảng Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu lần này, thì 12 bài đầu là giảng tại Chùa Viên Minh, y tôi đắp là chín điều, là Sướng Công tặng cho tôi. Giảng ở bên đó còn chưa xong, để hai bài sau đến đây giảng, chỗ này là phòng quay phim của Sư phụ Thượng nhân, thì tôi phải tuân theo quy củ ở đây, nên tôi đắp y 25 điều màu cà phê. Tôi cũng đã xin chỉ bảo của Sư phụ Thượng nhân, đến giảng Kinh ở Chùa Viên Minh có nên đắp Ca sa theo quy định của Sướng Công không? Sư phụ trả lời: Nhập gia tùy tục.

 Điều thứ ba:

          “Cạo tóc, phải bạch thầy trước”

          Ngay cả việc nhỏ là cạo tóc, đều phải báo cáo với thầy.

          “Bệnh tật uống thuốc, phải bạch thầy trước”

          Bạn có bệnh phải uống thuốc, thì phải báo cáo với thầy.

          “Làm việc Tăng chúng, phải bạch thầy trước”

          Bạn phải đi lao động, vì làm việc đại chúng, cũng trước phải báo cáo với Lão sư, vì sao vậy? Nếu thầy cần bạn phục vụ, vừa đúng lúc xung đột thời gian, thì bạn phải điều chỉnh.

          “Muốn có đồ riêng, thuộc giấy bút, phải bạch thầy trước”

          Bạn có nhu cầu có vật dụng riêng, ngay cả đồ đạc nhỏ như giấy bút, đều phải báo cáo với Lão sư, “sư” ở đây là vị Lão sư của bạn nương tựa. Trừ khi bạn báo cáo một lần, mà Lão sư nói về sau con không cần báo cáo nữa, những vật nhỏ đó tự mình chuẩn bị là được, thì bạn không cần báo cáo nữa, nếu báo cáo nữa là làm phiền Lão sư.

          “Nếu bắt đầu phúng Kinh, phải bạch thầy trước”

          “Phúng” tức là phúng tụng, đọc tụng, bạn muốn đọc tụng Kinh điển cũng phải báo cáo với Sư phụ. Đặc biệt là việc học Kinh điển của bạn phải qua sự đồng ý của Sư phụ, bởi vì Sư phụ chỉ đạo bạn nên học tập như thế nào, không được chủ trương tự làm, ưa thích Kinh gì thì xem Kinh đó.

          “Nếu có người đem đồ cho mình, phải bạch thầy trước, thầy cho nhận, mới nhận. Mình muốn đem đồ cho người, phải bạch thầy trước, thầy chấp thuận, thì mới tặng”

          Đây là nói nếu như có người khác tặng quà cho bạn, người ta tặng bạn lễ vật, thì bạn phải báo cáo với thầy trước, Lão sư cho phép bạn tiếp nhận, thì bạn mới được nhận. Tôi nhớ lúc tôi chưa xuất gia, có một lần tôi cùng Sư phụ tiếp khách, người khách đó dâng cúng dường Sư phụ phong bì đỏ, sau đó cũng cho tôi một phong bì đỏ, tôi nhanh chóng chuyển tặng cho Sư phụ, bởi vì tôi không giữ phong bì đỏ. Sư phụ nói đó là họ cho con, con nên giữ lại, sau này con đều nên giữ lại, Sư phụ bảo tôi nhận thì tôi liền nhận, giống như Sư phụ đồng ý, giống như Sư phụ cho tôi. Đương nhiên trên thực tế tôi cũng không cần, sau khi tôi xuất gia thì chuyển cúng dường Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà, đây là tôi tự mình phát tâm. Nhưng ở trước Sư phụ, nếu Sư phụ cho gì hoặc Sư phụ bảo bạn tiếp nhận gì, thì bạn nên tiếp nhận. Vả lại về sau bởi vì Sư phụ đã nói điều này rồi, người ta cúng dường con thì con giữ lại, nên tôi không cần đi bạch thầy lại nữa, để khỏi mất thời gian của Sư phụ. Hễ khi nhận phong bì, thì tôi cúng dường toàn bộ cho đạo tràng hay thường trụ nơi đó, hoặc chuyển cúng dường Pháp Bảo, tôi tự mình không cần tiền. Phẩm vật cũng như vậy, có người cho tôi vật gì , tôi cũng báo cáo Sư phụ một lần, Sư phụ nói từ nay về sau con đều giữ dùng, con tự xử lý, hoặc để dùng, hoặc chuyển cho người khác. “Muốn đem đồ cho người”, nếu có đồ muốn đem tặng cho người khác, bạn cho người lễ vật, cũng nên báo cáo trước với Lão sư, xem có thoả đáng hay không, Lão sư cho phép bạn, đồng ý rồi, thì bạn mới có thể đem cho.

          “Người mượn đồ từ mình, phải bạch thầy trước, thầy chấp nhận mới cho mượn. Mình muốn mượn đồ của người, thì phải bạch thầy trước, thầy chấp nhận mới mượn”

          Người khác mượn đồ của bạn, bạn phải báo cáo với thầy có thể cho mượn được không, Sư phụ đồng ý, thì bạn mới cho mượn; Ngược lại, mình mượn đồ của người khác cũng như vậy, đều cần báo cáo với thầy trước. Tôi thường đã cần đồ, phải hỏi Sư phụ có thể hỏi mượn đồ của Hiệp Hội được không, Sư phụ nói ‘ta thấy có lý, ta cho con’, Sư phụ cho tôi, thì tôi không phải làm phiền Hiệp Hội nữa. Đây đều là phải tuân thủ Sa Di Luật Nghi, tự mình cũng có thể làm tốt.

          “Bạch thầy, thầy chấp thuận hay không, đều phải làm lễ, nếu thầy không chấp thuận, thì không được có ý giận”

          Bạn xin Sư phụ chỉ thị, Sư phụ có thể đồng ý, có thể không đồng ý, bất kể đồng ý hay không, bạn đều phải hướng Sư phụ làm lễ, hoặc lễ bái hoặc vấn tấn, phải cảm ơn Sư phụ. Dù cho Sư phụ không đồng ý cho bạn làm, hoặc không đồng ý cho bạn tiếp nhận lễ vật, thì bạn không thể có ý giận, không được trách oán Sư phụ. Có ý giận Sư phụ, trong tâm có oán hận, đó là đại bất kính, trái nghịch sư đạo. Cho dù Sư phụ trách mắng chúng ta, thì chúng ta đều nên dùng hiếu tâm để tiếp nhận. Đệ Tử Quy cũng nói “Cha mẹ trách, phải tuân lời”, Sư phụ trách cũng phải tuân lời. Cho nên đem Đệ Tử Quy học tốt thì Sa Di Luật Nghi tự nhiên học được tốt.

Chúng ta xem tiếp oai nghi thứ 23:

          “Thứ 23: Tham phương”

          “Tham phương” tức là đến phương xa để tham học.

          “Muốn quyết trạch tâm địa, phải bạch thầy hỏi nơi có thể tham học, nếu thầy chưa biết thì rộng hỏi các bậc đi trước, thiện tri thức, rồi mới có thể đi”

          Đi đến địa phương khác tham vấn thiện tri thức, phải có điều kiện nhất định, giới định huệ cần phải đến mức độ nhất định thì mới có tư cách đi ra bên ngoài tham học. Yêu cầu nghiêm khắc mà nói là phải khai ngộ, khai căn bản trí như Kinh Hoa Nghiêm, sau cùng Thiện Tài Đồng Tử 53 tham vấn, Ngài khai ngộ dưới tòa của Sư phụ Ngài là Bồ Tát Văn Thù, được căn bản trí. Lão sư khuyên Ngài đi ra tham học, tăng thêm hậu đắc trí. Nếu như không có sự đồng ý của Lão sư, thì bạn không thể ra đi. Bởi vì chưa đắc căn bản trí, mà bạn ra ngoài tham học, có thể bạn sẽ học loạn, thậm chí tự mình có thể không phân biệt được đúng sai thiện ác, sẽ đi vào đường tà, như vậy rất là nguy hiểm. Thông thường thân phận Sa di thì không thể đi tham học, nhận được giới Tỳ kheo, đã làm Tỳ kheo, thì cũng nên tiếp tục nương tựa thiện tri thức. Trừ khi học vấn, đạo đức của thiện tri thức có hạn, bạn đã qua sự đồng ý của Ngài để ra đi tham học. Nếu thiện tri thức là một vị có học vấn, đức hạnh rất cao, đó chính là Lão sư, thì có thể cả đời nương tựa. Như quá khứ Sư phụ Thượng nhân nương tựa Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, vốn Lão cư sĩ yêu cầu Ngài học tập với Lão sư năm năm, đó là Sư thừa, Sư phụ chúng ta kéo dài thêm 5 năm, học với Lý Lão sư 10 năm. Tôi đã theo học tập Sư phụ Lão nhân gia 20 năm, nhưng căn tánh của tôi khác biệt rất nhiều so với Sư phụ Lão nhân gia, nên thời gian dài gấp đôi.

          Năm 1992, tôi gặp mặt Sư phụ lần đầu tiên, lúc đó Sư phụ ở Chùa Quang Hiếu, Quảng Châu, Ngài đáp lại lời mời của Lão Hòa thượng Bổn Hóa đến giảng A Di Đà Kinh Nghiên Tập Báo Cáo. Mẹ tôi dẫn tôi đến gặp mặt Sư phụ, nhưng không có nói lời nào. Từ đó tôi bắt đầu nghe băng ghi âm của Sư phụ, lúc đó chỉ có băng ghi âm. Sau đó ra nước ngoài du học, ở đạo tràng Dallas nước Mỹ thì có thể gặp Sư phụ, gần gũi Lão nhân gia, thỉnh giáo với Sư phụ rất nhiều vấn đề. Bắt đầu nghe giảng Kinh của Sư phụ, tính từ năm 1992 đến nay là 20 năm rồi. Năm 2002 Sư phụ khuyên tôi rời khỏi nước Mỹ đến Úc châu, đến Úc thì có thể ở bên cạnh Sư phụ. Ở bên Ngài để học tập là 10 năm, 10 năm trước đó không ở bên Ngài nhưng nghe giảng Kinh của Ngài, cho nên học tập từ xa là 10 năm, học tập bên cạnh là 10 năm. Nhưng tôi tự biết mình chưa được, hiện nay còn chưa đủ tư cách rời xa Sư phụ, phải nương tựa Ngài cả đời, tôi phải làm tấm gương cho mọi người.

          Hiện nay rất nhiều đồng học, đặc biệt người trẻ tuổi đều có tâm nóng vội, bao gồm cả tôi trong đó, đều chỉ vì thấy lợi trước mắt, mong mau thành, không chịu tu học lâu dài dưới tòa của Lão sư, được ít cho là đủ. Do đó tôi tự quy định, chỉ cần Sư phụ còn ở đời, thì tôi không rời Sư phụ, không kể gặp chướng ngại thế nào, vẫn kiên quyết không rời, phải làm ra biểu pháp này. Trừ khi Sư phụ chủ động nói, con có thể rời xa ta rồi, lúc đó thì tôi còn phải suy xét. Đương nhiên nếu Sư phụ nhất định bảo tôi rời xa, đại khái là đến có nơi có pháp duyên, thì tôi có thể nghe theo chỉ bảo của Sư phụ, nhưng cũng sẽ thường xuyên trở về. Tuy nhiên hiện giờ tạm thời không có dấu hiệu này, Sư phụ còn rất sẵn lòng cho tôi ở lại bên cạnh. Sư phụ sống 100 năm, thì tôi theo Ngài đến 100 tuổi, nương tựa trọn đời. Vì sao vậy? Bởi tự mình còn chưa khai ngộ. Tôi dự đoán đời này không khai liễu ngộ, chỉ có thể lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Cho nên muốn như Thiện Tài Đồng Tử đi ra bên ngoài tham học thiện tri thức, dự tính phải sau khi vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, thừa nguyện tái lai thì có thể làm được.

          Tôi hiện nay rất muốn yên tĩnh. Sư phụ ở Hương Cảng, Ngài cũng bảo tôi đợi ở Hương Cảng, không cần động, mỗi ngày nghe Ngài giảng Kinh Vô Lượng Thọ, chính tôi cũng học tập Kinh Vô Lượng Thọ. Tôi hiện nay, ngày thứ bảy thì dùng tiếng Quảng Đông để giảng Kinh Vô Lượng Thọ ở Chùa Viên Minh, pháp duyên cũng không tệ, mỗi bài giảng có hơn 200 người đến nghe; Chủ nhật thì giảng Kinh Vô Lượng Thọ tại Hiệp Hội, hiện nay là giảng Tịnh Tông Căn Bản Giới, tức là phẩm 35 Kinh Vô Lượng Thọ. Còn tối ngày thứ tư và thứ bảy tại lớp học Hiệp Hội, giảng Hội Tọa Đàm Tu Hành Với Đời Sống, tự mình nghe, học, sau cũng để chia sẻ, học tập lẫn nhau. Ngoài những đạo tràng đó, có những nơi ở nước ngoài thỉnh mời, tôi đều cố gắng không đi, trừ khi Sư phụ Thượng nhân đồng ý, hoặc chủ động yêu cầu tôi đi tham gia, thì tôi mới đi. Nếu như Sư phụ nói: con tự mình sắp đặt. Thì tôi không đi, tự tôi sắp đặt ở lại Hương Cảng, nơi khác đều không đi. Như tháng 9, ngày 19 tháng 9 tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu, họ tổ chức một diễn đàn Đa Nguyên Tôn Giáo, mời tôi đến dùng tiếng Anh để diễn giảng, tôi xin chỉ thị sự việc này với Sư phụ: con có thể đi hay không? Sư phụ nói: Nên đi. Thì tôi đi. Lần trước vào cuối tháng đến Malaysia, cũng là Sư phụ nói nên đi, thì tôi liền đi chung với Sư phụ. Người khác tìm đến tôi, tôi đều nhất loạt khéo từ chối, bởi vì hiện nay tôi muốn tâm thật yên tĩnh để thâm nhập Kinh Vô Lượng Thọ, tự mình cũng muốn niệm Phật thật tốt. Học Kinh gì thì học cho lâu, trên niệm Phật cũng cần phải đột phá, đặc biệt là năm nay đã qua hơn nửa rồi, mấy tháng còn lại này phải dụng công thực sự, phải nhanh chóng đạt đến Niệm Phật Tam Muội. Tự mình thật sự tu hành có giới định huệ, thì lực cảm động của giảng Kinh thuyết pháp sẽ khác.

          Trước khi xuất gia thì tôi đã bắt đầu chuyên tu chuyên hoằng Kinh Vô Lượng Thọ, thâm nhập một môn huân tu lâu dài, hiệu quả xác thực là tốt, tôi cũng là làm chứng nghiệm trên chính mình. Quá khứ học còn khá tạp, đó là giai đoạn cắm gốc, Kinh điển của Nho Thích Đạo đều học, toàn bộ là học đạo đức, cũng là học Văn ngôn. Tôi bắt đầu giảng Kinh Vô Lượng Thọ từ tháng 7 năm 2010 đến bây giờ là 2 năm, thì cảm thấy thật sự tín nguyện đối với vãng sanh đã kiên định hơn nhiều so với quá khứ, càng ngày càng nắm chắc hơn, đối với cách niệm Phật thế nào, tu hành ra sao, tự mình cũng rất hiểu rõ. Người khác nói tôi giảng Kinh hai năm nay, mỗi năm đều không giống nhau, nghe rồi đều rất hoan hỉ. Nói đặc biệt là năm nay, tôi giảng Kinh thay đổi như là người khác vậy, bạn nếu đem bài giảng của tôi những năm trước so sánh với năm nay, xác thực là không giống nhau. Sự khác biệt này, tôi cảm được chủ yếu nhất là kết quả của Sư phụ dạy “thâm nhập một môn, huân tu lâu dài’. Một môn thì mới có thể được định, với lại người mới học, thân cũng phải định, không nên thường chạy vòng quanh. Tôi thấy mấy năm này, tôi đã chạy quá nhiều, tuy đều là Sư phụ đồng ý để tôi làm, nhưng về sau tôi cũng cố gắng tránh duyên bên ngoài.

          Tôi rất ngưỡng mộ người như Đại sư Ấn Quang, Ngài là hậu tích bạc phát, Ấn Tổ 70 năm về trước đều âm thầm, không có người nghe biết đến, thật là hậu tích bạc phát, Ngài chỉ hoằng pháp là 10 năm sau cùng. Tuy nhiên Ấn Tổ có duyên phận của Ngài, Ngài không dùng âm thanh để hoằng pháp, vì giọng nói người Sơn Tây của Ngài đặc biệt nặng, nên thường người ta không nghe rõ tiếng của Ngài nói. Nghe không rõ, thì Ngài chỉ có thể dùng thư từ, dùng viết để hoằng pháp, tuy khi ấy sẽ khổ mệt hơn, nhiếp thọ đối với chúng sanh thời đó để giảng, thì hơi chậm một chút, không như hiện nay giảng Kinh dạy học thông qua đĩa CD, mạng Internet thì hiệu quả khá cao, nhưng thật sự Ngài có ảnh hưởng rất lâu xa đối với đời sau. Chúng tôi hiện nay có danh tiếng nhỏ, mọi người cũng rất hoan hỉ nghe chúng tôi giảng, nhờ có mạng Internet, có công cụ dạy học từ xa, đây cũng là tốt, thuận tiện hoằng pháp, đồng thời cũng có thể không cần phải đi lại, bạn ở một chỗ cũng có thể truyền pháp âm vô biên giới, toàn bộ nơi trên thế giới đều có thể nghe được. Thuận tiện hơn so với hoằng pháp của thời Đại sư Ấn Quang, đây là trí huệ của Sư phụ Thượng nhân chúng ta, Ngài dùng công cụ dạy học từ xa này.

          Chúng ta xem Kinh văn nói, thật muốn đi tham học thiện tri thức, mục đích không vì du sơn ngoạn thủy, mà “muốn quyết trạch tâm địa” , học Phật là pháp môn tâm địa, vì đã minh tâm kiến tánh. Thật sự khi đi tham học, thì chính mình đã minh tâm kiến tánh, đi tìm thiện tri thức, tìm người thật sự khai ngộ để giám định cho bạn, bạn không nên tự ngộ nhận cho là chính mình đã khai ngộ rồi, trên thực tế thì chưa khai ngộ, cho nên phải quyết trạch tâm địa thì mới đi tham học thiện tri thức. Trước khi ra đi phải “bạch sư”, thỉnh hỏi Sư phụ về nơi tham học, nơi đó có thiện tri thức, thì Sư phụ sẽ giới thiệu cho bạn. Nếu Sư phụ không biết, thì bạn phải rộng biết hỏi trước, bạn đến hỏi thỉnh những nhà tu hành, xem đến tham học nơi nào tốt hơn. Phải cầu thiện tri thức chân thật, tức là thực sự khai ngộ, thì bạn mới có thể đi tham học, nếu không sẽ lãng phí thời gian, không bằng để tâm định tại một chỗ, nỗ lực nâng cao chính mình.

          Hiện nay mà nói thiện tri thức rất hi hữu, như lông phụng sừng lân, biết tìm thiện tri thức nơi đâu? Chúng ta rất may mắn gặp được Tịnh Lão, trong mắt chúng tôi Ngài là thiện tri thức số một trên thế giới, chúng tôi đã tìm được rồi, thì không cần phải đi tìm nữa, chỉ cần nương tựa thật tốt, học tập cho thật tốt. Đương nhiên được nhân duyên như tôi đây thì người bình thường không thể có, cho nên nhân duyên này của tôi không có tính phổ biến. Nhân duyên có tính phổ biến là của cô giáo Lưu Tố Vân. Cô là người tại gia, có chồng, có con trai con gái, có bà con bạn bè, cô cũng không cần đến ở gần Sư phụ Thượng nhân, thì ở nhà nghe giảng Kinh, nghe đĩa CD, chuyên nghe Kinh Vô Lượng Thọ, cũng là nhất môn thâm nhập trường thời huân tu, ngay cả bệnh Hồng Ban cũng hết rồi, niệm Phật đạt đến Tam Muội, Sư phụ cũng rất khen ngợi cô. Sư phụ tán thán cô, vì đây là tấm gương điển hình, hy vọng mọi người học theo cô ấy, cô mới thật sự là thiện tri thức gần gũi, vốn là thiện tri thức giảng kinh đã đến trong nhà rồi, chỉ cần mở TV lên thì bạn ngày ngày thân cận thiện tri thức, nếu bạn như tôi ở bên cạnh Sư phụ, đều đi theo Sư phụ thì sự thật là không thể được. Đương nhiên duyên phận của mỗi người không giống nhau, duyên này là duyên của đời quá khứ, chính tôi cũng không dám nghĩ đến mình có nhân duyên như vầy.

          Quá khứ tôi giảng dạy ở trường Đại học tại nước Mỹ, Sư phụ chủ động điện thoại cho tôi, khuyên tôi rời khỏi nước Mỹ, đi đến Úc Châu, nói Đại học Queensland Úc Châu mời Ngài đến làm Giáo thọ Vinh dự, Ngài có thể đến Liên Hiệp Quốc, dự Hội Nghị Hòa Bình của thế giới để giới thiệu trí tuệ, kinh nghiệm, tư tưởng, phương pháp của tổ tông cho thế giới. Do đó bảo tôi đến Úc Châu để làm phiên dịch cho Ngài, tôi như vậy mà đi, có thể bên cạnh Sư phụ. 10 năm đó xác thực cũng học được rất nhiều, chủ yếu từ đĩa CD. Sau đó tôi từ chức cũng là do Sư phụ Lão Nhân gia khuyên tôi, từ bỏ làm giảng viên của Đại học Queensland Úc Châu, xuất gia cũng là chỉ dạy của Sư phụ. Sư phụ tìm thầy Thế độ cho tôi, là vị bạn bè 35 năm của Ngài, chính là trưởng lão Sướng Hoài. Duyên phận này tôi đã từng thôi miên, trong lúc thôi miên tôi thường thấy được vài ngàn năm trước, lúc đó tôi cũng xuất gia theo Sư phụ, y phục chúng tôi mặc đều là loại hở vai của cổ Ấn Độ, đó thật là Ca sa, khả năng không phải là người Trung Hoa. Có người có khả năng xem những đời trước họ nói với tôi, tôi đã theo Sư phụ 14 đời rồi, Sư phụ làm cha mẹ tôi rất nhiều đời, cũng đã làm mẹ con. Cho nên nếu đời này làm mẹ con, làm thầy trò đều là có nhân duyên rất sâu. Nhưng tôi theo Sư phụ đã rất lâu mà học còn chưa thành, thật rất xấu hổ, không như người dạng cô Lưu Tố Vân, người ta không cần đi theo mà học đã thành rồi. Sở dĩ vì sao mà Sư phụ tán thán cô giáo Lưu Tố Vân, khuyên mọi người học theo cô. Bạn là ở tại nhà không cần phải đi tham học, thời trước bởi vì không có đĩa CD, không có mạng Internet, nên phải đi tham học, còn hiện nay không cần nữa, bạn ở tại nhà, có thể ngày ngày không rời thiện tri thức.

Tiếp theo điều thứ hai:

          “Cổ nhân dạy, đủ mắt mới đi tham học. Đã chưa có đủ mắt, lại không được người thấu đạt trước chỉ bảo, mà tự hành cước, thì chỉ đạt thói quen cơm cháo của đất Tòng Lâm, đối với sự việc này có lợi ích gì, hãy thận trọng, thận trọng”

          Cổ nhân nói “đủ mắt mới đi tham học”, mắt ở đây là chánh kiến. Bạn đã có chánh tri chánh kiến, thì mới có thể đi tham học thiện tri thức. Nếu bạn vẫn chưa có được chánh tri chánh kiến, chưa có khai ngộ, lại chưa được “người thấu đạt trước chỉ bảo”, tức là người hành giả đã đi qua, chỉ điểm cho bạn. Mà bạn tự mình đi tham học, muốn hành cước trên thực tế nói là đi du lịch, đi ngắm nhìn các nơi, đến những đạo tràng, Tòng Lâm, thì chỉ được “thói quen cơm cháo Tòng Lâm”, đây là lời rất không khách sáo. Tức là bạn học được chút nghi lễ, làm sao để ăn cơm Quá đường, mặc y, trì bát, được những oai nghi đó mà thôi, không được lợi ích pháp thật sự, “việc này có lợi ích gì?”. Không có lợi ích gì. Học Phật quan trọng nhất là cầu minh tâm kiến tánh, không phải là những thứ đó, bạn đi tham học không có hữu ích rồi. Nên “hãy thận trọng, thận trọng”, nhất định phải cẩn thận.

Tiếp điều thứ ba:

          “Đi xa phải nương tựa bạn tốt, không được nhìn ngắm non nước, chỉ muốn thỏa mãn du lịch, để khoe với người”

          Đi tham học xa, phải nương tựa bạn lành tốt, tức là phải kết bạn đồng hành, không được tự mình ham thích đi nhìn ngắm non nước, là đi chơi ngắm cảnh núi non sông nước, mà tham học cũng không được vì tăng thêm sự nghe thấy của mình, đến nơi du lịch, cần phải đặt đạo nghiệp ở vị trí số một. Đi xem rồi thấy rất nhiều nghe rất nhiều, để khoe khoang với người ta, như vậy là không nên.

          “Đến nơi nào, thì để hành lý xuống, không được vào thẳng Điện Đường. Một người coi hành lý, một người vào trước chào hỏi. Chịu tuân theo quy củ của thường trụ nơi đó, thì mới có thể sắp xếp hành lý đi vào trong”

          Đến một đạo tràng, chùa viện tòng lâm thời xưa, đều phải nói rõ quy củ. Nếu không có quy củ, thì người khác thấy liền biết bạn chưa học qua. Đến chùa viện, đầu tiên đến phòng khách bên ngoài, không được vội vàng đến Đại điện lễ Phật, hoặc vào phòng khách bên trong. Trước để hành lý xuống, để ở ngoài cửa phòng khách, không thể tự mình thẳng tiến vào trong Đại điện, hoặc vào Thiền đường, Trai đường, như vậy không được. Thông thường hai người đi chung, thì một người trông coi hành lý, một người đi vào phòng khách chào hỏi, tức là gặp vị Tăng chấp sự trong khách đường, thường là có thầy tri khách ở đó, bạn chào hỏi, sau đó chờ sự sắp xếp của đạo tràng tự viện cho bạn. “Chịu tuân theo quy củ”, tức là phải tuân theo quy củ của thường trụ. Mỗi một chùa viện đạo tràng đều có quy củ không giống nhau của nơi đó. Bạn phải hiểu được, sau đó nương theo quy củ để đi vào, tham gia tu hành của đạo tràng, không thể tự tiện, tự sắp xếp cuộc sống hàng ngày riêng cho mình. Đợi đến khi những thủ tục làm tốt rồi, thì bạn mới có thể “sắp xếp hành lý đi vào trong”, chờ xử lý. Đó là tham học, oai nghi 23 này giảng giải xong rồi. Đằng sau oai nghi 24 là Giá Nạn Thọ Cụ, và oai nghi 25, 26 đều thuộc về tính thường thức chúng ta phải hiểu. Hôm nay hết giờ rồi, chúng ta đợi đêm mai lại học tập cùng với mọi người, Hôm nay giảng có chỗ nào không ổn, mong quý vị Đại đức phê bình chỉ giáo cho. Cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật.

 ( Hết tập 13)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều sanh về Tịnh độ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trả lời 0