Đoạn 8
Kinh văn
復 有 眾 生,雖種 善根,作大福 田。取相 分別,情執 深 重。求出輪 迴,終不能得。
Phục hữu chúng sanh, tuy chủng thiện căn, tác đại phước điền; Thủ tướng phân biệt, tình chấp thâm trọng. Cầu xuất luân hồi, chung bất năng đắc.
Giải
#Phục hữu chúng sanh: lại có chúng sanh, tức là có những hạng chúng sanh.
#Tuy chủng thiện căn: tuy trồng căn lành, tức là họ cũng mong cầu họ giải thoát.
#Tác đại phước điền: làm những việc phước điền, ruộng phước lớn. Ruộng phước lớn ở đây nếu nói rộng ra là tu tất các Pháp môn Đại thừa. Còn nếu nói ruộng phước lớn nhất là niệm Phật vãng sanh cầu sanh Cực Lạc đó là đại phước điền.
#Thủ tướng phân biệt: #thủ là lấy; #thủ tướng là chấp tướng, giữ tướng.
#Tình chấp thâm trọng: tình chấp của họ đối với gia đình, đối với vợ con v.v… sâu nặng.
#Cầu xuất luân hồi: họ cũng mong cầu ra khỏi luân hồi.
#Chung bất năng đắc: #chung: rốt cuộc, hoặc mãi mãi, không có đạt được. Thiện Trang nghĩ chữ “mãi” hay hơn. Mãi không đạt được.
Đây là có chúng ta trong đó, chúng ta bây giờ còn ở đây, mình đã tu nhiều đời rồi, cũng mong ra khỏi sanh tử luân hồi, cũng trồng thiện căn, cũng làm đại phước điền, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là đại phước điền. Nhưng mà chúng ta chấp tướng quá, phân biệt quá, tình chấp sâu nặng quá, tình chấp đối với vợ con, chồng con v.v… Tuy là có cầu xuất luân hồi nhưng mãi không ra được, mãi không được chứ không phải rốt cuộc không được, bây giờ vẫn chưa được còn sau này sẽ được. Cho nên Thiện Trang dùng chữ “mãi” phù hợp lý hơn chữ “rốt cuộc”. Mãi cho đến giờ vẫn chưa ra được sanh tử luân hồi.
Ngài Hoàng Niệm Tổ chú giải chữ “Đại phước điền”: tức là trì Phật danh hiệu, “nhân trì danh thị chư thiện trung vương” tức là bởi vì trì danh là vua trong các thiện. Nhưng mà như vậy vẫn không vãng sanh được, vì “tình chấp sâu nặng”. Hạng người này trong Chú giải nói: Trong ba bậc tam bối vãng sanh đều là phát Bồ-đề tâm nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật. Tâm Bồ-đề là đại trí đại bi đại nguyện viên dung vào trong một tâm. “Tình chấp thâm trọng” đó là chỉ ngu si. “Thủ tướng phân biệt” là phải biết lấy – xả. “Phước điền” là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Những người như vậy phát tâm Bồ-đề thì niệm Phật mới có thể vô (vào) Tam bối được, còn bây giờ chúng ta tu mà không phát tâm Bồ-đề, chúng ta chấp nặng quá. Cho nên ở đây là nói chúng ta đó, bây giờ mình chưa ra khỏi sanh tử luân hồi coi chừng rớt vào hạng này, đời này lại tiếp tục ở trong sanh tử luân hồi.
Nhớ tu là phải xả đi, đừng có tình chấp, đừng có phân biệt, chấp trước. Tu là phải vô tướng giống như Kinh Kim Cang: vô Ngã tướng, vô Nhân tướng, vô Chúng sanh tướng, vô Thọ giả tướng. Mình tu cũng như vậy, đừng nói tu Tịnh Độ là dễ, điển hình là chúng ta, mình thuộc vào hạng này. Chúng ta cũng trồng căn lành nhiều đời, cũng làm “đại phước điền” tức là niệm Phật trì danh, cũng phát tâm Bồ-đề nhưng phát tâm giả, vẫn còn “thủ tướng phân biệt” tức là giữ tướng, chấp tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng, suốt ngày nghĩ gia đình, chồng con v.v… Suốt ngày nghĩ cho thân thuộc thôi, đâu có tâm đại Bồ-đề đâu, đại Bồ-đề là nghĩ cho chúng sanh. Cho nên cầu xuất luân hồi mà mãi không đạt được, bây giờ vẫn ở đây. Coi chừng đời này ở đây nữa, đời sau lại tiếp tục luân hồi.
Học tới đoạn này chúng ta nhớ phải làm sao biết nguyên nhân của chúng ta ở trong vòng sanh tử luân hồi là gì. Bây giờ mình tu nhiều đời Pháp môn này rồi nhưng mình chưa ra khỏi vì mình có tình chấp, mình có chấp tướng, gọi là thủ tướng phân biệt, nên đời này biết rồi, thì thôi không phân biệt, không có chấp tướng, không có tình chấp sâu nặng nữa, nhạt đi. Sống ở thế gian cha mẹ con em vẫn sống một cách tốt đẹp với nhau nhưng đừng có nặng nề quá, đặc biệt càng yêu thương nhau thì càng chấp nữa, rất khó xả, quyến luyến. Kinh Vô Lượng Thọ nói “Nhất tử nhất sanh điệt tương cố luyến” là một bên người chết, một bên sống, hai bên lưu luyến lẫn nhau, người sống thì khóc đau khổ, người chết thì không vãng sanh. Theo dòng nghiệp lưu luyến đó thì đọa lạc trong sanh tử luân hồi mà thôi.
Có câu chuyện: bà đó vì chồng chết nên khóc quá trời, cuối cùng có vị Thiền sư kia đi tới thì bà hỏi không biết chồng con sanh vào đâu rồi? Vị Thiền sư này đắc đạo nên quán thử coi ông chồng sanh vào đâu. Vừa quán, thấy bà này hắt hơi thì có một con dòi ở mũi rớt ra, bà định giết nó, Thiền sư nói: bà không được giết con đó vì nó chính là chồng của bà. Bà khóc thương quá nên ông ấy đầu thai làm con dòi đó. Vì vậy rất là nguy hiểm, tình chấp thâm trọng thì đọa lạc.
Bây giờ mình niệm Phật, mình phải bỏ đi, đừng nghĩ về con cái, mỗi đứa có phước báo của nó, ai yêu thương nhau càng nhiều mai mốt càng dễ đọa lạc, rồi còn chấp thân nữa, coi thân này quan trọng quá. Đến lúc lâm chung thân thể đau đớn, sao không xả bỏ đi, suốt ngày mong cầu thế giới Tây Phương Cực Lạc, mong được thân hoa sen “Thanh hư chi thân vô cực chi thể” mà tới lúc đó còn chấp thân này. Chấp thân không xả được thì không ra khỏi sanh tử luân hồi. Cho nên ở đây phải ráng tu, tuy nói niệm Phật là dễ vậy, nhưng chúng sanh bị rơi vào hạng này. Hạng này cũng nói “tình chấp thâm trọng” tức là chấp Pháp môn khác như tu pháp Thiền nên không chịu nghe Tịnh Độ.
Căn cơ mình yếu, biết mình dở mà không chịu chuyển hướng qua niệm Phật nên cuối cùng không ra khỏi sanh tử luân hồi. Cầu trí huệ. Cho nên nhiều điều, giảng ra rộng lắm, ở đây chúng ta chỉ giảng lược thôi. Có hạng chúng ta, có hạng tu Pháp môn khác, cũng là “thủ tướng phân biệt”. Phân biệt Pháp môn này Pháp môn kia, thôi tu Pháp môn Thiền mới ngon, đó là tình chấp thâm trọng, chấp vào Pháp môn, Phật nói Pháp môn này mà không chịu tu.
Tạm dịch:
Lại có chúng sanh tuy trồng thiện căn, gieo ruộng phước lớn; Nhưng mà họ lại: chấp tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng. Nên tuy mong cầu: ra khỏi luân hồi, nhưng mãi không được.
Hòa thượng chú giải:
︽解︾ 還有一類眾生,雖然也在種善根,修大福報,持佛名號。但是,他們對做過的好事卻念念不忘,分別、執著的情執十分深重。這樣,縱然有心求出輪迴,也不可能。
Cũng có một hạng chúng sanh tuy cũng đang trồng thiện căn tu phước báo lớn trì danh hiệu Phật nhưng mà họ niệm niệm không quên việc tốt đã làm, tình chấp phân biệt, chấp trước rất sâu nặng, hạng người đó tuy có tâm cầu ra khỏi luân hồi mà cũng không được.
Tu mà làm phước chấp tướng không quên, chấp trước sâu nặng mai mốt cũng không ra khỏi sanh tử luân hồi cho nên cần để ý chỗ này.
(TRÍCH VLT 137 – TẠM CHIA SẺ KINH VÔ LƯỢNG THỌ – PHẨM 41: HOẶC TẬN KIẾN PHẬT- BUỔI 3 – THẦY THÍCH THIỆN TRANG)