Responsive Menu
Add more content here...

Tập 17 – Kinh Vô Lượng Thọ 2018

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ,

TRANG NGHIÊM, THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH.

Chủ giảng: Cô Lưu Tố Vân

Giảng ngày 22/3/2018

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng Huyền Môn

Chủ giảo chánh: Thích Thiện Trang

Tập 17

 

          Chư vị đồng tu tôn kính: Xin chào mọi người! A Di Đà Phật!

          Mời mọi người xem đoạn kinh văn dưới đây:

          爾時法藏聞佛所說。皆悉睹見。起發無上殊勝之願。於彼天人善惡。國土麤妙。思惟究竟。便一其心。選擇所欲。結得大願。“Nhĩ thời Pháp Tạng văn Phật sở thuyết, giai tất đổ kiến, khởi phát vô thượng thù thắng chi nguyện. Ư bỉ thiên nhân thiện ác, quốc độ thô diệu, tư duy cứu cánh, tiện nhất kỳ tâm, tuyển trạch sở dục, kết đắc đại nguyện”. (Lúc bấy giờ, Pháp Tạng nghe lời Phật dạy thảy đều thấy rõ, khởi phát nguyện thù thắng vô thượng. Với thiên, nhân, thiện, ác, quốc độ thô, diệu của các cõi ấy đều tư duy đến rốt ráo, Ngài liền một lòng chọn lựa lấy điều mình mong muốn kết thành đại nguyện).

          Đoạn kinh văn này là nói: Tỳ-kheo Pháp Tạng lúc cầu học, đối với các loại hiện tướng của cõi nước chư Phật mà Phật giới thiệu, Ngài đều thật là rõ ràng, thật là sáng tỏ, do đó phát đại nguyện thù thắng vô thượng. Đồng thời đối với thiện ác của trời người thế giới chư Phật, Sự xấu, đẹp của cõi nước, vân… vân, Ngài đều có thể hiểu rõ rất triệt để. Sau đó liền một lòng lựa chọn, làm thế giới thanh tịnh tốt đẹp mà chính mình mong muốn nhất. Vì vậy mà hình thành nên 48 đại nguyện vĩ đại không gì sánh bằng.

          Xem những từ ngữ dưới đây:

          “Thù thắng chi nguyện”: điều này chính là chỉ: 48 đại nguyện giảng ở trong phẩm sau này.

          “Ư bỉ thiên nhân thiện ác, quốc độ thô diệu”: “bỉ” là chỉ: mười phương ba đời cõi nước chư Phật”. “Thiên nhân thiện ác”: là chỉ hoàn cảnh nhân sự. Hoàn cảnh nhân sự ấy, chính là chánh-báo mà chúng ta nói. “Quốc độ thô diệu”: là chỉ hoàn cảnh vật chất. Chính là y-báo mà chúng ta nói.

          “Tư duy cứu cánh”: là hiểu rõ một cách triệt để.

          “Tiện nhất kỳ tâm” tức nhất tâm, tâm không có niệm khác.

          “Kết đắc” nghĩa là hình thành. Kinh Vô Lượng Thọ: không những là chỗ nương tựa cả đời học Phật của chúng ta, mà cũng là chỉ nam để làm người của nhân sinh tại thế. Y theo bộ kinh điển này mà làm, thì “lợi ích chân thật” mà trong kinh đã giảng, chúng ta mới có thể đạt được. Tỳ-kheo Pháp Tạng nghe Kinh nghe Pháp nghìn ức năm.

          “Văn Phật sở thuyết, giai tất đổ kiến”. Thầy không chỉ nói với Ngài, mà còn dùng thần lực, đem mười phương cõi nước chư Phật: hiện ra trước mặt Ngài. Ngài xem thật là rõ ràng, thật là sáng tỏ. Điều quan trọng nhất ở đây là thấy điều gì? Là thấy nhân quả, thấy được nhân duyên quả báo, biết quả ấy là kết thành như thế nào. Thế giới Tây Phương Cực Lạc: thù thắng hơn cõi Phật khác. Nguyên nhân ở đâu? Là vì A Di Đà Phật: ở nhân địa tu khác, nguyện Ngài phát khác, nên quả nhận được cũng khác.

          “Vô thượng thù thắng chi nguyện”: chính là 48 nguyện mà sau đây sẽ giảng. 48 nguyện ấy, là ở ngàn ức năm, trong quá trình năm kiếp tu hành, dần dần phát, không phải là phát một lần. Xem những điểm tốt của mười phương thế giới, Ngài phát nguyện muốn học tập; Xem thấy cõi nước chư Phật có khuyết điểm, Ngài phát nguyện muốn phòng ngừa. Lựa chọn này thực sự là quá thù thắng, quá cao minh rồi! Chúng ta nếu muốn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì với phẩm kinh văn này, phải tỉ mỉ cẩn thận thưởng thức.

          “Ư bỉ thiên nhân thiện ác”: đây là giảng về chánh-báo.

          “Quốc độ thô diệu”: đây là giảng về y-báo. Nói về chánh-báo, nói về y-báo, liền đem tất cả mọi điều, tất cả bao gồm ở bên trong, một chút cũng không sót. Y chánh trang nghiêm của tất cả cõi nước chư Phật, toàn bộ Ngài đều hiểu rõ, có nhân cũng có quả.

          “Tư duy cứu cánh, tiện nhất kỳ tâm, tuyển trạch sở dục”. Nhất tâm là nhân chân thật của Tây Phương Báo độ. Mười phương thế giới: vì sao không sánh được với thế giới Tây Phương Cực Lạc? Nhân tố thứ nhất, chính là người của thế giới Tây Phương Cực Lạc: nhất-tâm-bất-loạn. Người của phương thế giới khác, là tam tâm nhị ý. Dùng chân tâm lựa chọn, nhất định không có sai lầm. Chúng ta vì sao không sánh được với Phật Bồ-tát? Là bởi vì tâm của chúng ta không thanh tịnh. Người niệm Phật chân chính: dùng tâm chí thành, tâm thanh tịnh để niệm Phật, trong kinh giảng rất rõ ràng, trong phạm vi 40 dặm, ác thần ác quỷ đều không dám đến gần. Đây là bởi vì thân tâm của quý vị thanh tịnh, là uy thần của A Di Đà Phật, và chư Phật Bồ-tát gia trì, quỷ thần không thể tiếp cận quý vị. Nếu quý vị vẫn thường bị quỷ tiếp cận, thì đây là điều xấu hổ của người học Phật.

          Đoạn kinh văn tiếp theo:

          精勤求索。恭慎保持。修習功德滿足五劫。於彼二十一俱胝佛土。功德莊嚴之事。明了通達。如一佛剎。所攝佛國。超過於彼。 “Tinh cần cầu sách, cung thận bảo trì, tu tập công đức, mãn túc ngũ kiếp. Ư bỉ nhị thập nhất câu-chi Phật độ công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt, như nhất Phật sát. Sở nhiếp Phật quốc, siêu quá ư bỉ” (Siêng năng tinh tấn mong cầu, cung kính, thận trọng gìn giữ, hành trì, tu tập công đức trọn đủ năm kiếp. Với công đức và sự trang nghiêm của hai mươi mốt câu-chi cõi Phật ấy, Ngài hiểu rõ thông đạt như một cõi Phật. Cõi nước được Ngài nhiếp thọ siêu việt các cõi ấy).

          Đoạn kinh văn này là nói: Tỳ-kheo Pháp Tạng sau khi kiên định đại nguyện, siêng năng tinh tấn không lười biếng học tập tìm cầu. Chính là thái độ cầu học của Ngài, luôn là vì tất cả chúng sanh, mà cung cấp một môi trường tốt để tu học. Liền cung kính thận trọng, nhất tâm chuyên chú phụng trì lời dạy bảo của Phật. Trải qua thời gian năm kiếp lâu dài như thế, tu tập tích công đức. Đối với 210 ức cõi nước chư Phật, về công đức trang nghiêm, nhân duyên, quả báo, đều có thể hiểu rõ thông đạt, giống như đối diện với một cõi Phật, rõ ràng sáng tỏ như thế. Thế giới Tây Phương Cực Lạc mà Ngài dựng nên, tự nhiên vượt hơn tất cả cõi nước chư Phật.

          Xem từ ngữ sau đây:

          “Cầu sách” là tìm tòi, tìm kiếm.

          “Tu tập công đức, mãn túc ngũ kiếp”: “Tu” là tu hành; “tập” là học tập; “công đức” là chỉ: tu tập thành tựu “48 nguyện”. Đây là nói Tỳ-kheo Pháp Tạng: dùng thời gian năm kiếp, để tu hành học tập thành tựu 48 nguyện, giúp đỡ tất cả chúng sanh mười phương thế giới: tu chứng Phật quả.

          “Nhị thập nhất câu-chi”: “nhị thập nhất” biểu thị ý nghĩa viên mãn; “câu chi” theo tiếng Hoa là nghìn vạn; “nhị thập nhất câu-chi”: chính là 210 ức, mà kinh văn phía trước đã nói.

          “Tinh cần cầu sách”: “tinh” là tinh tấn; “cần” là siêng năng không biếng lười. Cầu sách của Ngài Pháp Tạng: là vì tất cả chúng sanh, làm tăng thượng duyên thù thắng nhất, không phải vì bản thân Ngài.

          “Cung thận bảo trì”: “Cung” là cung kính; “thận” là cẩn thận thận trọng. Bảo trì không mất, vui mừng chẳng chán, không mảy may chút chán nản nào.

          “Tu tập công đức”: chính là chăm chỉ nghiêm túc làm. Tất cả nhân thiện trong mười phương cõi nước chư Phật phải tu, tất cả nhân ác phải cắt đứt, phải làm được trong đời sống.

          “Ư bỉ nhị thập nhất câu-chi Phật độ” là 210 ức cõi Phật.

          “Công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt, như nhất Phật sát”. Ba câu kinh văn này là nói, Tỳ-kheo Pháp Tạng, đối với y chánh trang nghiêm, nhân duyên quả báo: của tất cả cõi nước chư Phật tận hư không biến pháp giới, không có điều gì là không nắm được, không có chuyện gì là không hiểu rõ. Như vậy, Ngài mới có thể bỏ qua khuyết điểm của người, lấy được điều hay của người, lập nên thế giới Cực Lạc.

          “Sở nhiếp Phật quốc, siêu quá ư bỉ”. Với câu kinh văn này, Tỳ-kheo Pháp Tạng thật sự làm được rồi. “Sở nhiếp Phật quốc” chính là chỉ: thế giới Tây Phương Cực Lạc mà bản thân Ngài dựng nên. Cõi Phật của A Di Đà Phật: thật sự vượt qua tất cả cõi nước chư Phật, đại nguyện ở nhân địa của đức Di Đà, đến phương ấy mới viên mãn.

          Đoạn kinh văn tiếp theo:

          既攝受已。復詣世自在王如來所。稽首禮足。繞佛三匝。合掌而住。白言世尊。我已成就莊嚴佛土。清淨之行。 “Ký nhiếp thọ dĩ, phục nghệ Thế Tự Tại Vương Như Lai sở, khể thủ lễ túc, nhiễu Phật tam táp, hiệp chưởng nhi trụ, bạch ngôn: Thế Tôn, ngã dĩ thành tựu trang nghiêm Phật độ, thanh tịnh chi hạnh” (Ðã nhiếp thọ xong, lại đến chỗ Thế Tự Tại Vương Như Lai, dập đầu lễ dưới chân Phật, nhiễu Phật ba vòng, đứng chắp tay, bạch rằng: Bạch Thế Tôn, con đã thành tựu hạnh thanh tịnh trang nghiêm cõi Phật).

          Đoạn kinh văn này là nói: Tỳ-kheo Pháp Tạng sau khi hoàn thành nhiếp thọ: đại nguyện cụ thể của cõi Phật. Cõi nước Phật này chính là thế giới Cực Lạc. Ngài lại đến trước mặt thầy: là Thế Gian Tự Tại Vương Phật, “khể thủ lễ túc”. Sau đó nhiễu Phật ba vòng, hành lễ tôn kính nhất, đứng thẳng chắp tay nói: Con đã thành tựu thế giới Cực Lạc trang nghiêm rồi: là y-báo trang nghiêm, đồng thời con đã thành tựu sự tu tập thanh tịnh tối cực: là chánh-báo trang nghiêm.

          Xem từ ngữ sau đây:

          “Khể thủ lễ túc”: lễ tiết tôn kính nhất của Phật giáo. “Khể thủ: là đầu mặt chạm đất; “lễ túc” là đầu tiếp xúc chân của Phật.

          “Nhiễu Phật tam táp”: chính là vòng quanh Phật ba vòng, đây là lễ nghi phong tục cung kính nhất của Ấn Độ xưa.

          “Hiệp chưởng nhi trụ”: “trụ” là đứng yên. Hai tay chắp lại đứng yên, biểu thị một lòng cung kính.

          “Thanh tịnh chi hạnh”: là tâm rời tạp niệm, hành trì thân tâm, hoàn cảnh đều là thanh tịnh.

          Xem câu kinh văn dưới đây: “Ký nhiếp thọ dĩ”. Câu nói này là nói điều gì? Là nói thế giới Tây Phương Cực Lạc: xây dựng thành tựu rồi.
Tỳ-kheo Pháp Tạng: là dùng thời gian năm kiếp lập nên. Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu cho chúng ta, thế giới Tây Phương của A Di Đà Phật: đến nay đã được mười kiếp. Thọ mạng của Thế Gian Tự Tại Vương Phật: là 42 kiếp, nên A Di Đà Phật: tạo dựng nên thế giới Tây Phương Cực Lạc, thầy của Ngài vẫn tại thế, vẫn chưa viên tịch. Bởi vì thầy ở đời, Ngài thành Phật cũng không thể quên gốc, tôn sư trọng đạo, nên vẫn phải đến trước mặt thầy: để báo cáo, nêu ra thành quả mà chính mình tu học. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chính là thành quả tu học của Tỳ-kheo Pháp Tạng.

          Câu kinh văn tiếp theo là: “Phục nghệ Thế Tự Tại Vương Như Lai sở”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc xây dựng xong rồi, Pháp Tạng thành Phật rồi, chính là giáo chủ của thế giới Tây Phương Cực Lạc, là A Di Đà Phật. Ngài quay trở về: đến trước mặt thầy một lần nữa.

          “Khể thủ lễ túc, nhiễu Phật tam táp, hiệp chưởng nhi trụ”. Pháp Tạng thành Phật rồi, mà còn thành tựu vượt qua chư Phật. Tất cả chư Phật mười Phương: không ai không lễ kính Ngài. Ngài vẫn phải cung kính nhiễu quanh thầy, hành lễ theo nghi thức, không có mảy may chút tâm ngạo mạn nào. Không những đối với thầy như vậy, mà đối với tất cả chư Phật mười phương ba đời: cũng là như vậy. Chúng ta xem biểu hiện của A Di Đà Phật, lại xem biểu hiện của Thiện Tài Đồng tử, đây mới gọi là học Phật chân chính. Học Phật như vậy mới có thể học được những điều chân chính.

          Câu kinh văn tiếp theo: “Bạch ngôn: Thế Tôn! Ngã dĩ thành tựu trang nghiêm Phật độ, thanh tịnh chi hạnh”. Đây là Tỳ-kheo Pháp Tạng báo cáo với thầy, thế giới Tây Phương Cực Lạc xây dựng xong rồi. “Trang nghiêm Phật Độ” là nói y-báo; “thanh tịnh chi hạnh” là nói chánh-báo. Thân tâm thanh tịnh, cõi nước trang nghiêm.

          Xem đoạn kinh văn tiếp theo:

          佛言善哉。今正是時。汝應具說。令眾歡喜。亦令大眾。聞是法已。得大善利。能於佛剎。修習攝受。滿足無量大願。“Phật ngôn: Thiện tai! Kim chánh thị thời, nhữ ưng cụ thuyết, linh chúng hoan hỷ, diệc linh đại chúng, văn thị pháp dĩ, đắc đại thiện lợi, năng ư Phật sát, tu tập nhiếp thọ, mãn túc vô lượng đại nguyện” ( Phật khen: Lành thay! Nay là đúng lúc, con nên thuật đầy đủ, khiến cho đại chúng hoan hỷ, cũng khiến cho đại chúng nghe pháp ấy xong được đại thiện lợi, có thể tu tập, nhiếp thọ cõi Phật, đầy đủ vô lượng đại nguyện).

          Đoạn kinh văn này là nói: Phật tán thán Tỳ-kheo Pháp Tạng. Nói: hôm nay vừa đúng lúc, con nên nói rõ cụ thể, để các đồng học của con, và đại chúng tâm sanh hoan hỉ, cũng để đại chúng tham dự hội, cùng những đại chúng tương lai: có cơ duyên nghe được bộ kinh này, được đại thiện lợi: một đời bình đẳng thành Phật, chúng sanh mười phương sanh đến thế giới Cực Lạc, tu tập nhiếp thọ: để hoàn thành đại nguyện chính mình thành Phật, cũng viên mãn đại nguyện phổ độ chúng sanh của con.

        Xem từ ngữ sau đây: “Nhữ ưng cụ thuyết”: “Nhữ” ý nghĩa là “con”; “cụ thuyết” là nói rõ cụ thể. “Linh chúng”: “Linh” là khiến, “chúng” là chỉ đồng học của Tỳ-kheo Pháp Tạng. “Đại chúng”: là chỉ Bồ-tát, Thanh-văn tham gia hội; Cùng tất cả những chúng sanh tương lai hữu duyên: nghe đọc Kinh này.

          “Đại thiện lợi”: Chỉ bổn nguyện “mười niệm ắt sanh, bất thoái thành Phật” của đức Di Đà, có thể khiến mười phương chúng sanh, ngay một đời đều được bình đẳng thành Phật, được giải thoát rốt ráo viên mãn. “Phật sát”: ở đây là chỉ thế giới Cực Lạc.

          “Nhiếp thọ”: “Nhiếp” là nhiếp lấy; “thọ” là thọ trì. Là nói nhiếp lấy bổn nguyện của đức Di Đà, và dùng tu trì để trở thành công đức của chính mình.

          “Mãn túc vô lượng đại nguyện”: Đây là thỏa mãn nguyện: của chúng sanh vãng sanh Tịnh-độ, tất cả đại nguyện đều được đầy đủ rồi.

          “Phật ngôn: Thiện tai!” Chúng ta xem quý đôi thầy trò ấy, thực sự là mô phạm để chúng ta học tập. Thầy thấy được học trò của Ngài vượt qua Ngài, thầy vô cùng vui mừng, không hề đố kị. A Di Đà Phật quả thực vượt qua: Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai. Thọ mạng của Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai là 42 kiếp, A Di Đà Phật là Vô Lượng Thọ, vượt qua quá nhiều quá nhiều rồi, không thể so sánh! Thầy không những không đố kỵ Ngài, mà còn tán thán Ngài. Nói: con đã làm rất tốt, có thành tựu tuyệt vời như vậy! Đây là tán thán của thầy đối với học trò.

          “Kim chánh thị thời”: là nói con đến báo cáo cho ta vừa đúng lúc. Tâm nguyện của chư Phật là tương đồng, đều hy vọng chúng sanh nhanh chóng thành Phật. Nhưng mà nghiệp chướng tập khí của chúng sanh quá nặng, vững chắc khó sửa. A Di Đà Phật dựng nên thế giới Tây Phương Cực Lạc, tạo ra cho chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng: có cơ duyên để thành Phật. Phật nói: con có thành tựu, mọi người đều có Phước. “Kim chánh thị thời”, cơ duyên thành Phật của chúng sanh chín muồi rồi.

          “Nhữ ưng cụ thuyết, linh chúng hoan hỷ”. Không thể chướng ngại: nhân duyên tu hành chứng quả của người khác. Phật bảo Ngài Pháp Tạng: nói ra sự lĩnh hội và thành quả tu học của chính mình, để đồng học của Ngài và đại chúng sanh tâm hoan hỷ. Thiện căn chín muồi rồi, liền cùng A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ.

          “Diệc linh đại chúng, văn thị pháp dĩ, đắc đại thiện lợi”. Vì sao ở đây dùng hai chữ “diệc linh”? Bởi vì có một số người thiện căn vẫn chưa chín muồi, không nỡ rời khỏi Thế Gian Tự Tại Vương Phật. Phật sẽ không miễn cưỡng chúng sanh rời khỏi mình, cũng sẽ không miễn cưỡng chúng sanh: đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, vẫn phải là chúng sanh tự mình phát nguyện mới được. “Đại thiện lợi” chính là “mười niệm tất sanh, bất thoái thành Phật”, đây là thiện lợi lớn thật sự. “Đại thiện lợi” mà A Di Đà Phật nói ở đây, là muốn cho chúng sanh chín pháp giới: của tất cả cõi nước chư Phật, trong mười phương thế giới, cùng vào biển nguyện nhất thừa của Di Đà, tất cả hàm linh đều được độ thoát. Đây là bổn nguyện của Di Đà, cũng là bổn nguyện độ chúng sanh của mười phương: chư Phật Như Lai.

          Khu vực giáo hóa của mỗi Tôn Phật: là một Đại thiên thế giới. Giáo khu của A Di Đà Phật: là tận hư không biến pháp giới. A Di Đà Phật là đang lập Đại học Phật giáo. Mười phương chư Phật: đều đang chiêu sinh cho A Di Đà Phật. Chúng ta lựa chọn Tịnh-độ, quyết tâm một lòng: niệm câu A Di Đà Phật này, có đạo lý nào không thành tựu chứ!

          Ba câu kinh văn tiếp theo là: “Năng ư Phật sát, tu tập nhiếp thọ, mãn túc vô lượng đại nguyện”. “Phật sát” ở đây: là chỉ thế giới Tây Phương Cực Lạc. “Tu tập” là chỉ tất cả người vãng sanh. Đây mới là hoàn thành đại nguyện độ chúng sanh: của A Di Đà Phật và mười phương chư Phật. thỏa mãn đại nguyện: chính là hoàn thành một nguyện vãng sanh Tịnh-độ, chính là tất cả nguyện đều viên mãn rồi. Sanh một cõi Phật: cũng giống như sanh tất cả cõi nước chư Phật; Gặp một Tôn Phật: cũng giống như gặp mười phương ba đời tất cả chư Phật.

          Kinh văn phẩm thứ năm giảng đến đây thì giảng xong rồi. Sau đây vẫn còn thời gian, tôi muốn nhân thời gian này, lược lại cho mọi người: nội dung chính của năm phẩm kinh văn trước. Như vậy có thể tiện cho: sự học tập và hiểu rõ của quý đồng tu. Trọng điểm mà tôi nói, là để cho quý đồng tu tham khảo.

          Sau đây bắt đầu nói, Phẩm thứ nhất: Pháp hội Thánh chúng. Phẩm kinh văn đầu tiên, có bốn nội dung chính sau đây:

          Nội dung chính thứ nhất là, Thích Ca Mâu Ni Phật: tuyên giảng Kinh Vô Lượng Thọ, quang cảnh của đại Pháp hội thịnh vượng chưa từng có. Đây là nội dung chính đầu tiên. Từ đâu có thể nhìn ra được? Từ vài phương diện như thế này: Phương diện đầu tiên, số người tham gia Pháp hội đông, trước nay chưa từng có. Trong Kinh nói “Nhất vạn nhị thiên nhân”, kỳ thực không dừng ở 12 ngàn người, trong kinh phần sau đã từng nhắc đến, dùng mắt thường có thể nhìn thấy có hai vạn người. Quy mô của Pháp hội lớn trước nay chưa từng có. Đây là thứ hai. Từ đâu mà nhìn ra? Thứ nhất, từ số người tham gia pháp hội mà xem; Thứ hai, quy mô của Pháp hội lớn: trước nay chưa từng có. Từ thân phận, địa vị của người tham gia: Pháp hội mà xem. Không phải là có câu kinh văn thế này sao: “Nhất thiết đại thánh, thần thông dĩ đạt”. Điều này nói với chúng ta: những đại chúng tham gia hội này, đều là những đại chúng hoàn toàn hiểu rõ: chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Đây chính là thân phận và địa vị của họ. Đây là trọng điểm thứ nhất.

          Nội dung chính thứ hai, phải biết Kinh Vô Lượng Thọ: là bộ kinh như thế nào. Tổng kết mấy điểm sau đây: Điểm thứ nhất, Đây là một bộ kinh điển: do chính Tôn giả A Nan nghe Thích Ca Mâu Ni Phật, căn cứ theo những chân tướng sự thật mà nói. Tôi xin nói lại lần nữa: Đây là một bộ kinh điển: do chính Tôn giả A Nan nghe Thích Ca Mâu Ni Phật, căn cứ theo những chân tướng sự thật mà nói. Căn cứ thứ hai là, Kinh Vô Lượng Thọ là Kinh đệ nhất: trong tất cả Kinh điển mà Thích Ca Mâu Ni Phật, đã thuyết suốt 49 năm; Là Pháp môn khai ngộ đệ nhất, Pháp môn thành Phật đệ nhất, dựa vào kinh này để tu học: chính là đệ tử đệ nhất của Như Lai. Trọng điểm ở mấy câu nói sau đây: Kinh đệ nhất; Pháp môn khai ngộ đệ nhất; Pháp môn thành Phật đệ nhất; Đệ tử đệ nhất. Làm thế nào để biết mấy câu nói này? Chúng ta từ đâu mà nhìn ra được? Là từ thượng thủ tham gia Pháp hội. Mọi người hãy nhớ lại, trong phẩm đầu tiên thượng thủ được nhắc đến là ai? Một vị là Kiều Trần Như, một vị là Xá Lợi Phất, một vị là Ðại Mục Kiền Liên, một vị là Ca Diếp, một vị là Tôn giả A Nan. Tức là thượng thủ là năm vị Tôn giả ấy. Chúng ta lại xem, Tôn giả Kiều Trần Như: Ngài là người khai ngộ đầu tiên, người chứng quả đầu tiên. Vậy nên nói, Tôn giả Kiều Trần Như: là người đầu tiên khai ngộ chứng quả. Xem ngài Xá Lợi Phất: ngài là người trí huệ bậc nhất. Ngài Ðại Mục Kiền Liên: Thần thông bậc nhất. Tôn giả Ca Diếp: Khổ hạnh bậc nhất. Tôn giả A Nan: Đa văn bậc nhất. Từ đây chúng ta có thể nhìn ra không, như đã nói phía trước, Kinh đệ nhất, Pháp môn đệ nhất, Pháp môn thành Phật đệ nhất, dựa theo kinh này tu học là đệ tử đệ nhất của Như Lai. Chúng ta xem năm vị Tôn giả phía trước, ở đây là để biểu pháp cho chúng ta. Đây là trọng điểm thứ hai. Phải biết đây là bộ kinh như thế nào.

          Nội dung chính thứ ba, bộ kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật: là tuyên thuyết trong bối cảnh, điều kiện nào? Từ mấy điểm như vầy để nhận biết. Điểm đầu tiên là tín, nguyện, hạnh của chúng sanh. Khi ba điều kiện này đồng thời đầy đủ, chú ý ở đây là đồng thời đầy đủ, vậy chính là nói thiếu một cũng không thể. Đây là điều kiện đầu tiên. Tôi xin nói lại lần nữa, là tín, nguyện, hạnh của chúng sanh, khi ba điều kiện này đồng thời đầy đủ. Điều kiện thứ hai, là cơ duyên thành Phật của chúng sanh chín muồi rồi. Thứ ba là khi chúng sanh cảm ứng đạo giao: cùng chư Phật Bồ-tát. Có đầy đủ ba điều kiện này, Thích Ca Mâu Ni Phật: tuyên giảng bộ Kinh Vô Lượng Thọ này. Đây là ba điểm quan trọng.

          Nội dung chính thứ tư, Kinh Vô Lượng Thọ: là bộ kinh biểu thị toàn thể Phật pháp. Kinh Vô Lượng Thọ: là bộ kinh hiển thị toàn thể Phật pháp. Từ đâu có thể nhìn ra? Có mấy câu kinh văn thế này, mọi người còn nhớ hay không: “Hựu hữu Phổ Hiền Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, Di Lặc Bồ-tát, cập Hiền kiếp trung nhất thiết Bồ-tát, giai lai tập hội”. Chúng ta từ đây có thể nhìn ra được. Vì sao vậy? Chúng ta xem, Phổ Hiền Bồ-tát là vị nào? Thân phận của ngài là gì? Phổ Hiền Bồ-tát là Tổ sư khai sơn của Mật tông, Phổ Hiền Bồ-tát trong bộ kinh này: ngài đại biểu cho Tịnh Mật bất nhị. Lại xem Văn Thù Bồ-tát, Văn Thù Bồ-tát trong bộ kinh này: đại biểu Thiền Tịnh bất nhị. Di Lặc Bồ-tát đại biểu truyền thừa trong tương lai; Tất cả Bồ-tát trong Hiền kiếp, trước sau có 996 vị: sẽ ở thế gian này thị hiện thành Phật. Chúng ta từ mấy phương diện này có thể nhìn ra được không, bộ kinh này là biểu thị toàn thể Phật pháp. Đây là một vài trọng điểm: của phẩm thứ nhất.

          Chúng ta xem tiếp phẩm thứ hai. “Ðức Tuân Phổ Hiền đệ nhị”. Có bảy trọng điểm như sau:

          Trọng điểm thứ nhất, Kinh Vô Lượng Thọ: là lấy người tại gia làm đối tượng độ thoát mà thuyết. Lại tiến một bước nữa để nói, bộ kinh này là Phật  chuyên vì  người tại gia mà thuyết. Ở phẩm kinh thứ nhất, Phật đưa ra ba vị Bồ-tát, các ngài là Phổ Hiền Bồ-tát, Văn Thù Bồ-tát, Di Lặc Bồ-tát, ba vị Bồ-tát này là đại biểu chúng xuất gia. Ở trong phẩm kinh văn này, đã cử ra 16 vị Bồ-tát, 16 vị Bồ-tát này đều là chúng tại gia. Từ đây, chúng ta có thể nhìn ra, bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, là Phật chuyên vì chúng tại gia chúng ta mà nói, là lấy chúng tại gia làm đối tượng độ thoát. Đây là trọng điểm đầu tiên.

          Trọng điểm thứ hai, Kinh Vô Lượng Thọ: là bộ kinh mà mười phương ba đời: tất cả chư Phật Bồ-tát cùng hộ hiệm. Trong 16 vị Bồ-tát tại gia, chỉ có một vị Hiền Hộ Bồ-tát là thị hiện ở thế giới Ta Bà, ngài là đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật lúc tại thế. 15 vị Bồ-tát khác đều là từ thế giới phương khác, đến núi Linh Thứu tham gia: đại Pháp hội thù thắng không gì sánh được lần này, các ngài là đến làm ảnh hưởng chúng. Điều này đại biểu vô lượng vô biên chư Phật mười phương thế giới: đều giảng bộ kinh này, đều hộ niệm bộ kinh này. Đồng thời cũng chứng tỏ, đại Pháp hội Kinh Vô Lượng Thọ lần này: là tất cả chư Phật đều nói. Đây là trọng điểm thứ hai.

          Trọng điểm thứ ba, danh hiệu Phật Bồ-tát đều là biểu pháp. Phật Bồ-tát không có danh hiệu của chính mình. Danh hiệu của các Ngài: là vì yêu cầu của chúng sanh mà sanh ra. Phẩm kinh văn này, đã liệt kê ra: danh hiệu của 16 vị Bồ-tát tại gia, cũng đều là dùng để biểu pháp.

          Trọng điểm thứ tư, học Phật phải hành Hạnh Phổ Hiền. Không hành Hạnh Phổ Hiền, không thể viên thành Phật đạo. Thực hiện cụ thể của Hạnh Phổ Hiền: chính là Phổ Hiền Bồ-tát Thập Đại Nguyện Vương, ở phần trước chúng ta đã từng giảng cặn kẽ rồi. Đây là trọng điểm thứ tư.

          Trọng điểm thứ năm, một câu Phật hiệu A Di Đà Phật: là Pháp môn đại sám hối. Tất cả phương thức đều sám không hết được nghiệp chướng, một câu Phật hiệu A Di Đà Phật đều sám trừ hết toàn bộ rồi.

          Trọng điểm thứ sáu, nói với chúng ta, vinh hoa phú quý: không phải đại sự quan trọng nhất của cuộc đời; Đại sự quan trọng nhất: là liễu sanh tử, ra khỏi luân hồi.

          Trọng điểm thứ bảy, sự nghiệp của Bồ-tát chính là gia nghiệp của Như Lai. Độ sanh là sự nghiệp, hoằng pháp là việc nhà. Mỗi một đệ tử đức Phật đều phải đảm nhận, gách vác trọng trách gia nghiệp của Như Lai. Đây là bảy trọng điểm của phẩm kinh văn thứ hai.

          Sau đây nói phẩm thứ ba: “Ðại Giáo duyên khởi đệ tam”. Phẩm kinh văn này có bốn trọng điểm:

          Trọng điểm thứ nhất, lý do của Thế Tôn phóng quang: hiện điềm lành thù thắng hiếm có. Chính là nói Thế Tôn lần này, vì sao phóng quang như vậy, hiện tướng lành như vậy? Hiếm có như thế, nguyên nhân của Ngài là gì? Là vì điều gì? Bởi Thế Tôn cần vì đại chúng mà tuyên thuyết: bộ Kinh Vô Lượng Thọ này. Vì sao tuyên thuyết bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, Thế Tôn lại vui vẻ như vậy? Bởi vì bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, là bộ đại pháp viên mãn chứa đựng rất lâu: trong tâm của Thế Tôn, nhưng vì duyên chưa chín muồi, nên vẫn chưa tuyên thuyết. Hôm nay cơ duyên thành Phật của chúng sanh chín muồi rồi, Thế Tôn có thể rất vui mừng, tuyên giảng cho chúng sanh: bộ đại kinh Phật ôm ấp trong lòng này. Nên đã hiện quang hiếm có như vậy, hiện tướng lành hiếm có như thế. Đây là nội dung chính đầu tiên.

          Trọng điểm thứ hai, Kinh Vô Lượng Thọ: là chánh thuyết duy nhất của Phật xuất hiện tại thế gian, là môn học chính, là môn học bắt buộc; Những kinh điển khác đều là nói gần nói xa, là môn học tự chọn.

          Trọng điểm thứ ba, là A Nan hướng Phật hỏi, Phật mới tuyên thuyết đại pháp thù thắng này. Chúng ta phải cảm ân Tôn giả A Nan: Về câu hỏi và lời đáp đó.

          Trọng điểm thứ tư, công đức thỉnh Phật giảng kinh lớn, là vô lượng vô biên, không thể tưởng tượng.

          Sau đây nói về phẩm thứ tư, “Pháp Tạng Nhân Địa Đệ Tứ”: Có ba trọng điểm.

          Trọng điểm thứ nhất, là vô ương số kiếp trước đây, có một vị Tôn Phật xuất thế, hiệu Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, giảng Kinh thuyết Pháp. Có một vị Quốc vương, danh hiệu là Thế Nhiêu Vương, từng nghe Phật giảng Kinh thuyết Pháp. Ngài giác ngộ rồi, xả bỏ vương vị, theo Thế Gian Tự Tại Vương Phật học đạo. Vị Thế Nhiêu Vương ấy: chính là Tỳ-kheo Pháp Tạng mà phần sau nói, cũng chính là A Di Đà Phật mà chúng ta hiện nay nói. Vậy chính là nói, Thế Nhiêu Vương là tiền thân của Tỳ-kheo Pháp Tạng, Tỳ-kheo Pháp Tạng là tiền thân của A Di Đà Phật, A Di Đà Phật: là Thế Nhiêu Vương sau khi học Phật, Tỳ-kheo Pháp Tạng sau khi học Phật, một thân phận mà Ngài thị hiện, chính là A Di Đà Phật hiện nay. Đây là trọng điểm thứ nhất, mọi người phải nhớ kỹ. Bởi vì có khi quý đồng tu: đọc bộ kinh này, có cách nghĩ như vầy không? Sao lúc thì Thế Gian Tự Tại Vương, lúc lại là Thế Nhiêu Vương, lúc lại là Tỳ-kheo Pháp Tạng? Thì là chưa hiểu rồi, lần này chúng ta để ý mối liên hệ này.

          Trọng điểm thứ hai là, nguyện mà Tỳ-kheo Pháp Tạng đã phát tại nhân địa, và nguyện mà tất cả chư Phật Bồ-tát đã phát: cũng không giống nhau, nên quả báo các Ngài được, cũng không giống nhau. Đây chính là nguyên nhân: thế giới Tây Phương Cực Lạc, và cõi nước chư Phật khác không giống nhau. Chính là tu học không giống nhau, nguyện phát không giống nhau.

          Trọng điểm thứ ba là, làm sao mới có thể giải chân thật nghĩa của Như Lai. Bởi vì không nói sao, nếu giải chân thật nghĩa của Như Lai, nhưng đồng tu chúng ta nhiều như vậy, tu tập thời gian dài như thế, có phải là thực sự: giải được chân thật nghĩa của Như Lai? Có đồng tu nói, chúng ta cũng không thể. Làm thế nào có thể giải chân thật nghĩa của Như Lai? Rất đơn giản, bắt tay làm thì không đơn giản. Làm thế nào để giải? Dùng Phật tâm giải Phật ý, chính là giải chân thật nghĩa của Như Lai, là có thể giải chân thật nghĩa của Như Lai. Dùng điều gì để giải? Dùng tâm. Tâm như thế nào? Phật tâm. Quý vị không dùng Phật tâm, thì quý vị làm sao có thể giải chân thật nghĩa của Như Lai? Điểm này vô cùng quan trọng. Đây là phẩm thứ tư. Ba trọng điểm đã nói xong rồi.

          Sau đây nói về phẩm thứ năm: “Chí tâm tinh tấn đệ ngũ”. Phẩm này có ba trọng điểm:

          Trọng điểm thứ nhất, chúng ta phải học tập phát tâm phát nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng. Phát tâm phát nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng: tất cả là vì lợi ích chúng sanh, đây là điều đầu tiên yêu cầu chúng ta học tập.

          Thứ hai, chúng ta cần học tập: thái độ cầu học của Tỳ-kheo Pháp Tạng, thật sự là y giáo phụng hành. Thầy dạy được nghìn ức năm, học trò học được nghìn ức năm, kiểu tâm thành kính này: là rất hiếm thấy, rất hiếm thấy rồi. Đối chiếu một chút với bản thân chúng ta, quý vị là dùng thái độ thế nào: để tu học Phật pháp? Cách nhau rất xa rất xa rồi, nên chúng ta phải học tập: thái độ cầu học của Tỳ-kheo Pháp Tạng. Tôi đối với chúng ta mà nói, thường thường là đặt y giáo phụng hành ở trên miệng, trên hành động lại chẳng thấy chút nào, hành động y giáo phụng hành của ngài, chúng ta không bì được: tâm chân thành ấy của Tỳ-kheo Pháp Tạng. Vì sao chúng ta học Phật: không thành công, không thành tựu? Là tâm chân thành của chúng ta không đủ. Số lần nói điều này với mọi người rất nhiều, rất nhiều rồi! Luôn nói tâm chân thành, thành kính ấy, rất nhiều đồng tu có thể đã nghe đến chán ghét rồi. Nhưng, nếu quý vị thật sự không có tâm thành kính, quý vị thật sự không thể thành tựu! Đây là trọng điểm thứ hai.

          Trọng điểm thứ ba, tôn sư trọng đạo. Phần đầu Tỳ-kheo Pháp Tạng phát nguyện, sau đó đi thỉnh giáo thầy: Con cần làm sao để thực hiện nguyện vọng này của con? Mong thầy chỉ giáo. Đây là trước khi chưa hoàn thành thế giới Cực Lạc, Tỳ-kheo Pháp Tạng đi thỉnh giáo thầy. Sau khi hoàn thành thế giới Tây Phương Cực Lạc, Tỳ-kheo Pháp Tạng: lại một lần nữa đến trước mặt thầy, báo cáo với thầy, thế giới Tây Phương Cực Lạc xây dựng nên rồi. Đây cũng chính là: báo cáo thành quả tu học của chính mình cho thầy, cảm ân dạy dỗ của thầy, không quên sư ân. Đây là tôn sư trọng đạo điển hình.

          Liên quan tới nội dung chính của năm phẩm kinh văn này, tôi đã đại khái lược lại như vậy. Có đồng tu có thể: nhận thức được còn sâu sắc hơn so với điều này, mọi người có thể giao lưu lẫn nhau. Chúng ta học tập kinh văn, cần dùng thái độ gì để học? Điều này và mục tiêu của quý vị: có mối liên quan trực tiếp. Quý vị rốt cuộc cần làm gì? Quý vị vì sao cần học Phật? Vấn đề này là cực kỳ quan trọng. Mục tiêu không giống nhau, thái độ cầu học không giống nhau, cách thức phương pháp không giống nhau, cuối cùng kết quả quý vị được: cũng nhất định không giống nhau.

          Bởi vì mấy trọng điểm này nói xong rồi. Nhân tiện muốn nói về trọng điểm này: vấn đề tôn sư trọng đạo. Tôi có một nhận thức thế nào? Chính là nhiều năm như vậy trở lại đây, tôi học Phật có lẽ tính là: hơn 20 năm rồi. Thật sự học Phật chân chính nghe Kinh, có lẽ là bắt đầu từ năm 2000. Lúc đó: đã nhận được bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ, nhận được đĩa CD lão Pháp sư giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Nếu như nói chính thức mà tính, tôi là bắt đầu tính từ năm 2000. Qua nhiều năm như vậy, một đoạn thời gian trước, đó chính là mười mấy năm, tôi là ở trong nhà không ai biết đến. Tôi chính là nghe hiểu được: “Nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, hai câu nói này. Nên tôi chỉ một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, một câu Phật hiệu A Di Đà Phật, vẫn luôn giữ vững đến hiện giờ. Tôi không thay đổi đề mục, cũng không chuyển hướng. Điều này nói muốn nói ý nghĩa gì với mọi người?

          Là từ năm 2010, sau khi tôi gặp được lão Pháp sư, cuộc sống của tôi liền bắt đầu không hề dễ dàng, liền bắt đầu chịu phê bình, chịu phê phán, chịu lăng mạ. Lúc đó tâm thái của tôi: không được tốt, ôn hòa như bây giờ. Trong tâm tôi nghĩ mà không hiểu, vì sao lại như vậy? Tôi tu của tôi, quý vị tu của quý vị, tôi cũng không trêu ghẹo quý vị, không gây sự quý vị. Quý vị làm gì phải đối đãi với tôi như thế? Nhưng tôi biết nguyên nhân, chính là bởi vì tôi thân gần lão Pháp sư Tịnh Không, nên tôi mới nhận được: đả kích lớn như vậy, áp lực lớn như vậy. Nhưng tôi là nghĩ như thế này, một người không thể nước chảy bèo trôi. Nếu quý vị hỏi thật tâm của quý vị, bản thân quý vị là nghĩ như thế nào? Quý vị làm như vậy rốt cuộc đúng hay không? Tôi nghĩ rõ ràng rồi, bởi vì tôi không làm tổn hại: cách nghĩ, ý niệm của bất kỳ người nào. Tôi thân cận lão Pháp sư Tịnh Không, là bởi vì năm 2000, lúc sanh mạng tôi thập tử nhất sinh, tình huống bất kỳ lúc nào cũng đối diện với cái chết, tôi nhận được bản Kinh Vô Lượng Thọ này, tôi có được: đĩa CD lão Pháp sư giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Bởi vì tôi nghe bộ kinh này, tôi đã sống lại rồi. Tôi cho rằng đây là một kỳ tích. Nên tôi nhiều lần nói với mọi người, là bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, là lão Pháp sư cứu sanh mạng của tôi, đã cho tôi huệ mạng. Tôi không thể làm một người vong ân phụ nghĩa. Bất kể có người trực tiếp, gián tiếp khuyên tôi: phải rời xa lão Pháp sư. Họ là nói như thế này: hoàn cảnh của lão Pháp sư gian khổ như vậy, cô làm sao phải tự mình tìm phiền phức, tìm không tự tại? Tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ như thế nào? Tôi cảm thấy hai việc may mắn lớn của cuộc đời tôi: Một là tôi nghe được Phật pháp. Hai là tôi gặp được lão Pháp sư, ngài là ân sư của tôi. Tôi tôn xưng ngài là: Đạo sư của tôi trên con đường học Phật. Đối với điểm này, tôi từ trước đến nay chưa từng không rạch ròi. Tôi đã nói rồi: đã làm như vậy rồi, tôi đã dũng cảm gánh vác, tôi không oán không hối hận! Tôi cho rằng lão Pháp sư Tịnh Không, mãi mãi là ân sư của tôi, mãi mãi là Đạo sư của tôi! Tôi luôn luôn cảm ân thầy của tôi, Đạo sư của tôi! Điều này tôi đến chết cũng sẽ không thay đổi!

          Tôi nghĩ phía trước tôi đã giảng năm phẩm kinh văn này, tôi đối với niềm tin này: càng là không thể lay động. Bởi vì là người phải có lương tâm, phải nói lời chân thật! Là người, phải tôn sư trọng đạo! Tôi đã đi vào Phật môn, tôi nhất định phải tuân theo quy tắc này của Phật môn! Đừng nói Phật môn, dù là ở Pháp thế gian: cũng là cần phải tôn sư trọng đạo. Con đường này, tôi sẽ kiên định không dời mà đi tiếp! Mong quý đồng tu giám sát. Nếu tôi có chỗ nào làm sai, hoan nghênh phê bình, chỉ đạo của mọi người, tôi sẽ nghiêm túc tiếp nhận. Buổi học hôm nay chỉ giảng đến đây thôi. Cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!

(Hết tập 17)

Nguyện dĩ thử công đức

Trang nghiêm Phật Tịnh độ

Thượng báo tứ trọng ân

Hạ tế tam đồ khổ

Nhược hữu kiến văn giả

Tất phát Bồ đề tâm

Tận thử nhất báo thân

Đồng sanh Cực Lạc quốc.

Nam Mô A Mi Đà Phật.

 

 

Trả lời 0