Responsive Menu
Add more content here...

Tập 18 – Kinh Vô Lượng Thọ 2018

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ, TRANG NGHIÊM, THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH.

Chủ giảng: Cô Lưu Tố Vân

Giảng ngày 22/3/2018

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng Huyền Môn

Chủ giảo chánh: Thích Thiện Trang

Tập 18

          Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người. A Di Đà Phật.

          Tiết học này chúng tôi bắt đầu giảng phẩm thứ sáu:

          “Phát đại thệ nguyện đệ lục”. Tỳ-kheo Pháp Tạng: tuân theo lời dạy của Thế Gian Tự Tại Vương Phật. Ở trong đại hội, tuyên thuyết đại nguyện do chính mình phát ra. Đại thệ nguyện ấy: chỉ cho 48 nguyện của bộ Kinh này. Xin xem ba câu Kinh văn bên dưới.

    法藏白言。唯願世尊。大慈聽察。“Pháp Tạng bạch ngôn: duy nguyện Thế Tôn, đại từ thính sát” (Pháp Tạng bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn! Mong đức Thế Tôn đại từ bi giám định cho con).

          Tỳ-kheo Pháp Tạng hướng Phật báo cáo: “Nguyện thầy tôn kính của con, đại từ đại bi giám định cho con”. Giám định điều gì? Nghe điều con nói, soi xét tâm thành của con. “Thính sát” nghĩa là giám định. Tỳ-kheo Pháp Tạng ở trong hội của Thế Gian Tự Tại Vương Phật, nghe Kinh tu hành, tạo dựng nên thế giới Tây Phương Cực Lạc, dùng thành quả thù thắng này để cúng dường thầy mình. Sau khi nghe xong, thầy vô cùng hoan hỷ, tán thán ngài, bảo ngài giới thiệu Tây Phương Tịnh độ cho các đồng tham đạo hữu. Hy vọng đồng tham đạo hữu sau khi nghe rồi, cũng có thể phát nguyện vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đây là ý nghĩa của việc Thế Gian Tự Tại Vương Phật muốn ngài nêu ra báo cáo. Xin xem đoạn Kinh văn kế tiếp.

          我若證得無上菩提。成正覺已。所居佛剎。具足無量不可思議。功德莊嚴。“Ngã nhược chứng đắc, Vô thượng Bồ-đề, thành Chánh Giác dĩ. Sở cư Phật sát, cụ túc vô lượng, bất khả tư nghị, công đức trang nghiêm. (Con nếu chứng được Vô thượng Bồ-đề, thành Chánh Giác rồi, cõi nước của con ở có đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm không thể nghĩ bàn).

          Đoạn Kinh văn này là nói, Tỳ-kheo Pháp Tạng nói rằng: “Con nếu chứng được  Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tức khi thành Phật, cõi nước con ở, thế giới Cực Lạc có đủ vô lượng vô biên công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn. Hoàn cảnh đời sống nhân sự, vật chất, tu học đều vượt hơn tất cả cõi nước của chư Phật”.

          Trong “công đức trang nghiêm”, “công đức” là chỉ mười niệm tất sanh, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì nhất định thành Phật. “Trang nghiêm” chỉ cho hoàn cảnh tu học ở thế giới Cực Lạc. Bất luận là hoàn cảnh nhân sự hay vật chất đều vượt hơn cõi nước của chư Phật. Đoạn văn này là tổng thuyết, bao gồm toàn bộ văn phát nguyện. Thế Tôn nói với chúng ta: ngài Pháp Tạng ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thị hiện thành Phật đến nay đã mười kiếp rồi, đã thành Phật rồi. Điều này nói rõ mỗi nguyện của ngài đều đã thành hiện thực, chẳng có nguyện nào là nguyện suông.

          “Sở cư Phật sát”: chỉ báo độ mà ngài ở có đủ vô lượng vô biên công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn, điều này tương ưng với các nguyện mà trước đây ngài đã phát. Nguyện của ngài xác thật đã viên mãn, vượt hơn cõi nước của chư Phật. Đây là nói quốc độ của ngài có đủ sự trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn, vô lượng trang nghiêm. Công đức chẳng thể nghĩ bàn là gì? Là mười niệm ắt sanh. Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhất định là bất thoái thành Phật, đây là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Cho nên câu này bao gồm cả y-báo lẫn chánh-báo. Công đức chẳng thể nghĩ bàn là chánh-báo, vô lượng trang nghiêm là y-báo. Quả báo của y-báo chánh-báo đều vượt hơn tất cả cõi nước của chư Phật.

          Mời xem các câu Kinh văn kế tiếp.

          無有地獄。餓鬼。禽獸。蜎飛蠕動之類。“Vô hữu địa ngục, ngạ quỷ, cầm thú, quyên phi, nhuyễn động chi loại” (Không có địa ngục, ngạ quỷ, cầm thú, các loại ngọ nguậy bay nhảy, bò trường).

          Những câu Kinh văn này là nguyện đầu tiên mà Tỳ-kheo Pháp Tạng đã phát. Nguyện trong nước không có ác đạo. Nguyện cõi Phật của con, thế giới Cực Lạc: không có địa ngục, không có ngạ quỷ, không có súc sanh, ba loại ác đạo này. Chúng sanh tạo tác các ác nghiệp tham sân si sẽ chiêu cảm ba loại báo ứng khổ sở này. Nguyện này của Tỳ-kheo Pháp Tạng chứng tỏ trong cõi nước của A Di Đà Phật, không có người tạo các ác nghiệp tham sân si. Tạo nghiệp thượng phẩm Thập ác thì cảm quả báo địa ngục. Tạo nghiệp trung phẩm Thập ác  thì cảm quả báo cõi súc sanh. Tạo nghiệp hạ phẩm Thập ác thì cảm quả báo cõi ngạ quỷ. Nguyện thứ nhất mà Tỳ-kheo Pháp Tạng phát ra quả thật vô cùng phi thường, trong cõi nước của ngài không có tam ác đạo.

          Mời xem Kinh văn tiếp theo:

          所有一切眾生。以及焰摩羅界。三惡道中。來生我剎。受我法化。悉成阿耨多羅三藐三菩提。不復更墮惡趣。得是願。乃作佛。不得是願。不取無上正覺。

          “Sở hữu nhất thiết chúng sanh, dĩ cập Diêm Ma La giới, tam ác đạo trung, lai sanh ngã sát. Thọ ngã pháp hóa, tất thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Bất phục cánh đọa ác thú, đắc thị nguyện, nãi tác Phật. Bất đắc thị nguyện, bất thủ Vô Thượng Chánh Giác” (Tất cả chúng sanh cho đến từ cõi địa ngục trong ba đường ác sanh về cõi con, được pháp giáo hóa của con, đều thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, không đọa lại ba đường ác nữa. Được nguyện như vậy con mới làm Phật. Nếu không được như nguyện, không giữ ngôi Vô Thượng Chánh Giác).

          Đoạn Kinh văn này là nguyện thứ hai của Tỳ-kheo Pháp Tạng, nguyện không đọa ác thú. Trong thế giới Cực Lạc chẳng những không có tam ác đạo, mà thậm chí tất cả chúng sanh trong chốn địa ngục của tam ác đạo phát nguyện đến nước của con, nhận được giáo hóa của con, giả sử họ đến mười phương thế giới: cúng dường chư Phật, dẫn dắt quần sanh, thì vĩnh viễn không còn đọa vào tam ác đạo nữa, đồng thời còn có thể một đời viên mãn thành Phật. Hai nguyện trên thực hiện rồi, con mới thành Phật. Nếu không thể thực hiện thì con nguyện không thành Phật. Hai câu sau cùng: “bất đắc thị nguyện, bất thủ Vô Thượng Chánh Giác” là phần tổng kết của hai nguyện trên.

          “Diêm Ma La giới” chỉ cho pháp giới địa ngục, là cõi khổ nhất trong mười pháp giới.

          “Tam ác đạo”, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh gọi là tam ác đạo, còn gọi là tam ác thú, tam đồ. Từ lời nguyện này của Tỳ-kheo Pháp Tạng, chúng ta có thể nhìn thấy rõ: bản tâm của A Di Đà Phật là niệm niệm mong tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo, đây là tâm nguyện của Di Đà.

          Nguyện này nói đến chúng sanh trong ác đạo.

          “Sở hữu chúng sanh, dĩ cập Diêm Ma La giới”, hai câu Kinh văn này chính là nói về chúng sanh trong địa ngục. Diêm Ma La cai quản địa ngục. Địa ngục là cõi khổ nhất trong mười pháp giới.

          “Tam ác đạo trung, lai sanh ngã sát”, hai câu Kinh văn này: chỉ chung cho chúng sanh ác đạo sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc không còn chịu nỗi khổ của ác đạo.

          Câu tiếp theo “thọ ngã pháp hóa”, chính là tiếp nhận sự giáo hóa từ việc giảng Kinh thuyết pháp của A Di Đà Phật. Ở thế giới Tây Phương, đều đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, chính là đắc Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, không còn đọa vào ác thú. Trong quá trình tu học Pháp môn Tịnh độ mãi cho đến khi thành Phật tuyệt đối không còn đọa vào ác đạo nữa. Đây là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Tu hành ở bất kỳ cõi Phật khác đều là tiến tiến thoái thoái, chỉ có thế giới Tây Phương Cực Lạc là một đời thành Phật vĩnh viễn không thoái chuyển.

          “Đắc thị nguyện, nãi tác Phật”, hai nguyện này nhất định viên mãn thì ngài mới thành Phật.

          “Bất đắc thị nguyện, bất thủ Vô thượng Chánh giác”. Nguyện thứ nhất là A Di Đà Phật nhìn thấy chúng sanh khổ nạn: trong mười phương thế giới khổ sở vô cùng, nên Ngài không muốn có tam ác đạo. Đặc biệt chúng sanh trong tam ác đạo càng khổ chẳng nói nên lời. Ngài phát nguyện: cõi nước mà Ngài dựng nên không được có khổ nạn, không được có tam ác đạo. Nguyện thứ hai là Ngài nhìn thấy: chúng sanh của ác đạo trong mười phương thế giới, sau khi ra khỏi ác đạo, trong quá trình tu hành, gặp phải ác duyên thì thoái chuyển, lại đọa lạc, cũng rất khổ. Thế nên A Di Đà Phật phát nguyện: cõi nước mà Ngài kiến lập không có ác đạo, cũng chẳng thoái chuyển. Từ đây chúng ta có thể thấy được: nguyện của A Di Đà Phật không phải do tưởng tượng suông mà phát ra. Chân tướng sự thật của mười phương thế giới đã được A Di Đà Phật nhìn thấy rồi, Ngài hy vọng những tướng xấu ác này vĩnh viễn không còn nhìn thấy ở thế giới Tây Phương Cực Lạc nữa.

          Mời xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

   我作佛時。十方世界。所有眾生。令生我剎。皆具紫磨真金色身。三十二種大丈夫相。端正淨潔。悉同一類。若形貌差別。有好醜者。不取正覺。

          “Ngã tác Phật thời, thập phương thế giới; sở hữu chúng sanh, linh sanh ngã sát. Giai cụ tử ma, chân kim sắc thân; Tam thập nhị chủng, đại trượng phu tướng, đoan chánh tịnh khiết, tất đồng nhất loại. Nhược hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả, bất thủ Chánh Giác” (Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh ở mười phương thế giới mà sanh về cõi con, đều được đầy đủ thân tướng thật sắc vàng ròng, ba mươi hai loại tướng đại trượng phu, đoan chánh, tịnh khiết, tất cả đồng một dung nhan. Nếu hình thể có sai biệt, tốt xấu thề không thành Chánh Giác).

          Đoạn Kinh văn vừa mới đọc bao gồm ba nguyện trong 48 nguyện. Nguyện thứ ba: nguyện thân đều sắc vàng ròng. Nguyện thứ tư: nguyện 32 tướng tốt. Nguyện thứ năm: nguyện thân tướng không khác biệt. Đoạn Kinh văn này bao gồm ba nguyện ấy. Ngài Pháp Tạng nhìn thấy chúng sanh: trong tất cả cõi nước chư Phật mười phương không bình đẳng. Sự bất bình đẳng này: là do nguyên nhân tạo nhiều tội ác. Con người vì sao tạo tác tội nghiệp? Là do không bình đẳng. Điều kiện sống tốt thì sanh kiêu ngạo, điều kiện sống xấu thì than trách, oán trời trách người. Tướng mạo đẹp thì ngạo mạn, tự cho mình cừ khôi, tướng mạo hơi xấu một chút thì tự ti, cảm thấy không bằng người, v.v. Bất bình đẳng dễ xảy ra xung đột, xung đột thì khó tránh khỏi tạo ác nghiệp. A Di Đà Phật nhìn thấy rõ rồi, nếu muốn chúng sanh không tạo nghiệp thì cần phải bình đẳng. Trước tiên là thân tướng bình đẳng, tướng mạo bình đẳng. Vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân tướng tướng mạo của mỗi người hoàn toàn đều như nhau, tướng mạo đẹp nhất, tướng mạo thù thắng trang nghiêm nhất, một đời đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc thì được đầy đủ viên mãn.

          Mời xem đoạn Kinh văn tiếp theo:

          我作佛時。十方世界。所有眾生。令生我剎。皆具紫磨真金色身。

   “Ngã tác Phật thời, thập phương thế giới; sở hữu chúng sanh, linh sanh ngã sát. Giai cụ tử ma, chân kim sắc thân” (Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh ở mười phương thế giới mà sanh về cõi con, đều được đầy đủ thân tướng thật sắc vàng ròng).

          Các câu Kinh văn này: nói cụ thể về nguyện thứ ba, nguyện thân đều có sắc vàng ròng. Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh mười phương vãng sanh đến cõi nước Cực Lạc của con, đều có đầy đủ thân sắc vàng ròng vĩnh viễn không hoại không đổi.

          “Tử ma chân kim” là sắc vàng tinh khiết, biểu thị bất biến bất hoại. Trong câu “Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới”, đã bao gồm chúng sanh  trong thế giới Ta Bà của chúng ta. Vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi người chúng ta đều có phần. “Linh sanh ngã sát”, nếu sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì đều có đầy đủ thân sắc vàng ròng. Chúng ta thường tán thán: “A Di Đà Phật thân kim sắc”. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc  thì mỗi người đều là thân kim sắc, đều không hai không khác với A Di Đà Phật. Phía trước đã nói “vô lượng công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn”, nguyện thứ ba này cũng thật chẳng thể nghĩ bàn.

          Tiếp theo, 三十二種大丈夫相。“tam thập nhị chủng đại trượng phu tướng”. Đây là nguyện thứ tư, nguyện có ba mươi hai tướng tốt. Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới vãng sanh đến cõi nước Cực Lạc của con, đều có đủ 32 loại tướng đại trượng phu. Ba mươi hai tướng: là tướng tốt nhất mà thế gian này công nhận, chính là quý tướng được nói trong sách tướng số. Kỳ thật A Di Đà Phật: thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp, đâu chỉ có 32 tướng mà thôi. Ba mươi hai tướng đại trượng phu, ở đây tôi sẽ không nêu ra từng tướng với mọi người. Trong Tam Tạng Pháp Số có, mọi người có thể tra ra được.

          Xin xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

          端正淨潔。悉同一類。若形貌差別。有好醜者。不取正覺。

   “Đoan chánh tịnh khiết, tất đồng nhất loại. Nhược hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả, bất thủ Chánh Giác” (Đoan chánh tịnh khiết, tất cả đồng một dung nhan. Nếu hình thể có sai biệt tốt xấu, thề không thành Chánh Giác).

          Đây là nguyện thứ năm, nguyện thân không có sai biệt. Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới vãng sanh đến cõi nước Cực Lạc của con, dung mạo đoan chánh, thân tâm tịnh khiết: đều là thân tướng như nhau, thân hình dung mạo không có khác biệt, cũng không phân biệt tốt xấu. Nguyện thứ ba, thứ tư và thứ năm kể trên: nếu không thể thực hiện thì con không thành Phật. Ba nguyện này là chỉ: nguyện thân có sắc vàng ròng, nguyện có 32 tướng tốt, nguyện thân không có sai biệt.

          Mời xem đoạn Kinh văn kế tiếp.

          我作佛時。所有眾生。生我國者。自知無量劫時宿命。所作善惡。“Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả. Tự tri vô lượng kiếp thời túc mạng, sở tác thiện ác” (Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh về cõi con, tự biết túc mạng các việc thiện ác đã làm trong vô lượng kiếp trước).

          Nguyện này là nguyện thứ sáu, nguyện có túc-mạng-thông. Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh về thế giới Cực Lạc đều có thể biết tất cả quả báo thiện ác mà nhiều đời nhiều kiếp đã tạo trong quá khứ vô lượng kiếp của chính mình. Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì năng lực đó của chúng ta sẽ được hồi phục, đó là Ngũ nhãn Lục thông thường được nói đến. Lục thông là khôi phục năng lực của sáu căn đã vốn sẵn có. A Di Đà Phật tự mình biết được túc mạng trong vô lượng kiếp. A-la-hán đắc túc-mạng-thông: biết được 500 đời. Nếu sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì dù hạ phẩm hạ sanh cũng tự biết được túc mạng trong vô lượng kiếp. Mà là vô lượng của vô lượng. Nói chung: đây là năng lực của Bồ-tát thất-địa trở lên. Bồ-tát thất-địa là vô lượng của hữu lượng, chưa đạt được vô lượng của vô lượng, nhưng chúng sanh vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc vượt hơn Bồ-tát thất-địa, túc-mạng-thông đạt đến trình độ vô lượng của vô lượng, thật chẳng thể nghĩ bàn.

          Mời xem các câu Kinh văn kế tiếp:

          皆能洞視徹聽。知十方去來現在之事。不得是願。不取正覺。 “Giai năng đỗng thị, triệt thính, tri thập phương khứ lai, hiện tại chi sự. Bất đắc thị nguyện, bất thủ Chánh Giác” (Có thể thấy rõ, nghe thông suốt, biết tỏ các sự việc khắp mười phương ba đời khứ lai hiện tại. Nếu không được như nguyện, thề không thành Chánh Giác).

          “Giai năng đỗng thị” là nguyện thứ bảy, nguyện có thiên-nhãn-thông.

          “Triệt thính” là nguyện thứ tám, nguyện có thiên-nhĩ-thông. Ở đây bao gồm hai nguyện. Tỳ-kheo Pháp Tạng nói: Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh đến thế giới Cực Lạc đều có thể thấy rõ, nghe thông suốt, biết các việc trong quá khứ, hiện tại, vị lai của mười phương thế giới. Nếu ba nguyện trên, tức là nguyện có túc-mạng-thông, nguyện có thiên-nhãn-thông, nguyện có thiên-nhĩ-thông, nếu ba nguyện này không thực hiện được thì con sẽ không thành Phật.

          “Đỗng thị, triệt thính” chỉ cho điều gì? Chỉ cho sóng ánh sáng dài ngắn khác nhau: đều không có chướng ngại, không có giới hạn. Trong số A-la-hán, vị có thiên-nhãn đệ nhất là A Na Luật Đà. Thiên-nhãn của ngài là do tu mà có, chỉ có thể nhìn thấy một Đại thiên thế giới, chính là thế giới Ta Bà mà Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa. Ngoài thế giới này ra, ngài không nhìn thấy được. Bồ-tát có thể nhìn thấy hai, ba, mười, trăm, ngàn Đại thiên thế giới. Việc này phải xem thứ bậc của Bồ-tát.

          “Giai năng đỗng thị”: chính là vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, một cõi cũng chẳng sót, đó là A Di Đà Phật có thể nhìn thấy, đây quả thật chẳng thể nghĩ bàn.

          “Tri thập phương khứ lai hiện tại chi sự”. “khứ” là chỉ đời quá khứ, “lai” là chỉ đời vị lai, “hiện tại” là chỉ đời hiện tại. Tất cả chúng sanh trong mười phương ba đời vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, họ đều có thể nhìn thấy, có thể nghe được. Thế nên người niệm Phật phải biết, khởi tâm động niệm, nhất cử nhất động của quý vị: có bao nhiêu người đang nhìn quý vị, quý vị đừng cho rằng không người có thể nhìn thấy. Nếu quý vị cho rằng không có người nhìn thấy là quý vị không tin tưởng bộ Kinh này. Tin tưởng lời trong Kinh này nói, thì quý vị nhất định sẽ cẩn thận lời nói hành vi của mình.

          Làm thế nào bồi dưỡng Tịnh nghiệp? Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trong “Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ” nói rằng: “Chúng sanh ở thế giới Cực Lạc, năng lực thần thông của họ siêu vượt sự chứng đắc của Thiền định và quả báo mà Thế Tôn đã giảng trong các Kinh Luận khác. Siêu vượt hơn rất nhiều, rất nhiều”. Thiền định có thể đắc được Tứ thiền Bát định của thế gian, thì có thể đắc Ngũ thông. Thần thông là từ trong định mà có. Người chân thật có công phu Thiền định thì có thần thông, nhưng không có lậu-tận-thông. Chứng đắc quả vị A-la-hán thì năng lực chẳng qua là: biết được quá khứ vị lai trong 500 đời. Người Trung Hoa thường nói 30 năm là một đời. Vậy 500 đời cũng chỉ là 15.000 năm thôi. Đây là phạm vi mà A-la-hán có thể biết, ngoài phạm vi này ra, họ sẽ không biết. Vãng sanh thế giới Cực Lạc, thì có thể nghe, có thể nhìn thấy vô lượng kiếp, không có giới hạn, không có bờ mé, đây lại thêm một điều chẳng thể nghĩ bàn. Người niệm Phật niệm 3 năm, 5 năm thì vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi. Vì sao người ấy có năng lực lớn như vậy? Hoàn toàn nương vào sự gia trì của thần thông nguyện lực: chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật. Đây gọi là được thọ báo, không phải tu được.

          Đoạn Kinh văn kế tiếp:

          我作佛時。所有眾生。生我國者。皆得他心智通。若不悉知億那由他百千佛剎。眾生心念者。不取正覺。“Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đắc tha-tâm-trí-thông. Nhược bất tất tri, ức na-do-tha bá thiên Phật sát, chúng sanh tâm niệm giả, bất thủ Chánh Giác” (Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh về cõi con đều được tha-tâm-trí-thông. Nếu không biết hết được tâm niệm của chúng sanh trong trăm ngàn vạn ức cõi Phật, thề không thành Chánh Giác).

          Đây là nguyện thứ chín, nguyện có tha-tâm-thông. Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh đến thế giới Cực Lạc đều có thể đạt được tha-tâm-trí-thông, nếu không thể hoàn toàn biết được: tâm niệm của tất cả chúng sanh trong vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, thì con không thành Phật.

          “Tha-tâm-trí-thông” là chỉ điều gì? Là chỉ có thể biết được khởi tâm động niệm của người khác.

          “Ức na-do-tha bá thiên”. “na-do-tha” là đơn vị tính số lượng của Ấn Độ, tương đương với mười triệu của chúng ta, hình dung số lượng lớn. Nguyện có tha-tâm-thông này so với nguyện có thiên-nhãn-thông, thiên-nhĩ-thông: còn lợi hại hơn. Phía trước chỉ có ngôn ngữ động tác, còn ở đây là khởi tâm động niệm của tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới, A Di Đà Phật và đại chúng ở thế giới Cực Lạc đều biết được. Một ý niệm liền chu biến pháp giới.

          Phương pháp tu Tịnh nghiệp là gì? Tâm tịnh ắt cõi nước tịnh, tâm không thanh tịnh không thể vãng sanh. Thân không thanh tịnh thì không quan trọng, vãng sanh không phải thân đi mà tâm đi. Thân thanh tịnh, tâm chưa chắc được thanh tịnh; Tâm thanh tịnh thì thân nhất định thanh tịnh. Vì sao vậy? Bởi y-báo tùy theo chánh-báo chuyển, làm sao tâm mới có thể thanh tịnh? Có vọng niệm thì không thanh tịnh. Thế nào là vọng niệm? Không nhớ A Di Đà Phật thì toàn là vọng niệm, không chịu niệm Phật thì khởi vọng tưởng, đây chính là nghiệp chướng. Làm thế nào tiêu trừ nghiệp chướng? Pháp sư Từ Vân Quán Đảnh nói: “Tất cả Kinh luận, Pháp môn đều không thể tiêu được nghiệp chướng, câu A Di Đà Phật này có thể tiêu nghiệp”. Chúng ta đọc đến nguyện này, cần phải có tâm cảnh giác, khởi tâm động niệm của chính mình không có một người nào là không biết. Muốn che dấu cũng không che dấu được, che dấu người ngu si ở thế gian thì dễ, che dấu quỷ thần không dễ. Thế giới Tây Phương Cực Lạc có bao nhiêu người, tính chẳng xuể, bấy nhiêu người ấy đều đang nhìn quý vị, nghe quý vị. Thiện niệm, ác niệm, tịnh niệm của quý vị: các ngài đều biết cả, một niệm tương ưng một niệm Phật. Niệm của quý vị tương ưng với thế giới Cực Lạc thì quý vị mới có thể đi làm Phật.

          Mời xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

          我作佛時。所有眾生。生我國者。皆得神通自在。波羅密多。“Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đắc thần thông tự tại, Ba-la-mật-đa” (Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh về cõi con đều được thần thông tự tại Ba-la-mật-đa).

          Đây là nguyện thứ mười, nguyện được thần-túc-thông. Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh đến thế giới Cực Lạc đều có thể viên mãn đầy đủ thần thông tự tại, được đại viên mãn, không có chướng ngại.

          “Thần thông tự tại”: chính là có năng lực biến hóa tự tại như bay, phân thân, đi nhanh.

          “Ba-la-mật-đa” nghĩa là viên mãn. Bởi nhờ có nguyện này nên tất cả chúng sanh ở thế giới Tây Phương mới có năng lực: mỗi ngày đi thăm quan vô lượng vô biên chư Phật mười phương. Phước báo cúng dường Phật rất lớn, họ có năng lực mỗi ngày đi bái Phật, ngày ngày đi cúng dường. Nguyện này, phàm phu chúng ta nghe xong rất hoan hỷ. Chúng ta ở thế giới Ta Bà có rất nhiều thân bằng quyến thuộc. Quý vị đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì sẽ có năng lực chăm lo cho họ. Bất kể họ ở trong đường nào, bản thân quý vị đều biết. Thiên nhãn thấy rõ, thiên nhĩ nghe thông. Chỉ cần cơ duyên của họ chín muồi, chịu tin tưởng và tiếp nhận Pháp môn Niệm Phật này, thì chúng ta có thể giúp đỡ họ. Nếu quý vị muốn chăm sóc thân bằng quyến thuộc của mình, mà không vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thì tuyệt đối quý vị không có năng lực chăm lo cho họ. Điều này đối với cuộc sống hiện thực của chúng ta rất có ý nghĩa. Vì sao vậy? Rất nhiều người chúng ta khi vãng sanh, thường không buông được thân bằng quyến thuộc, vướng việc này, nhớ việc kia. Thực tế sự vấn vương này chẳng có chút lợi ích chi cả. Quý vị chẳng thể nào giúp được họ chút nào, chỉ khi nào quý vị đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc thì quý vị mới giúp được tất cả thân bằng quyến thuộc của quý vị. Khi cơ duyên của họ chín muồi rồi, thì giúp họ cùng đến thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Phật. Đó là giúp đỡ thật sự.

          “Thần-túc-thông” chính là thần thông biến hóa, nên dùng thân nào để độ thì hiện ra thân đó để độ. Thần thông là Tự tánh vốn sẵn có, không phải cầu ở bên ngoài.

Mời xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

於一念頃。不能超過億那由他百千佛剎。周遍巡歷。供養諸佛者。不取正覺。“Ư nhất niệm khoảnh, bất năng siêu quá ức na-do-tha bá thiên Phật sát, chu biến tuần lịch, cúng dường chư Phật giả, bất thủ Chánh Giác” (Trong khoảnh khắc nếu không thể đi khắp trăm ngàn ức na-do-tha cõi Phật để cúng dường, thề không thành Chánh Giác).

          Đây là nguyện thứ mười một, nguyện cúng dường khắp hết chư Phật. Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh đến thế giới Cực Lạc, trong khoảnh khắc thời gian cực ngắn, nếu không thể đến cõi nước mười phương cúng dường khắp hết thảy chư Phật, thì con không thành Phật. Cúng dường Phật là đại phước, nghe Phật thuyết pháp thì khai đại trí huệ. Bồ-tát ở Cực Lạc có năng lực rộng lớn, trên cúng dường chư Phật, dưới độ khắp chúng sanh. Những cõi nước mà các ngài đi đến nhiều như thế, chúng ta không thể tưởng tượng nổi, là chẳng thể nghĩ bàn. Tất cả chư Phật Như Lai mà các ngài phụng sự cúng dường, cũng chẳng thể nghĩ bàn. Hiện nay có rất nhiều đồng tu thích đi tham quan danh sơn chùa cổ, đến các Đạo tràng; Ưa thích náo nhiệt. Kết quả việc chạy tới lui là phiền não rất nhiều, mệt thân tốn của, lợi bất cập hại. Mặc dù như thế, nhưng vẫn có rất nhiều người mê theo chẳng chán, thật sự không bằng ở nhà thật thà niệm Phật. Sau khi vãng sanh thế giới Cực Lạc rồi hãy đi du lịch, như thế chẳng phải tiện lợi, tuyệt diệu hay sao!

          Mời xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

    我作佛時。所有眾生。生我國者。遠離分別。諸根寂靜。若不決定成等正覺。證大涅槃者。不取正覺。“Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, viễn ly phân biệt, chư căn tịch tĩnh. Nhược bất quyết định, thành Đẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn giả, bất thủ Chánh Giác” (Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh về cõi con, xa lìa tâm phân biệt, các căn tịch tĩnh, nếu chẳng nhất định thành Đẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn, thề không thành Chánh Giác).

          Đây là nguyện thứ mười hai, nguyện nhất định thành Chánh Giác. Nguyện này vô cùng quan trọng. Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh sanh đến thế giới Cực Lạc, đều xa lìa tất cả tâm phân biệt, sáu căn tịch tĩnh an định, nếu không thể nhất định thành Phật thì con không thành Chánh Giác. Vì sao lúc nãy tôi nói nguyện này là: vô cùng quan trọng? Bởi vì nguyện này: là giấy bảo lãnh của A Di Đà Phật đảm bảo rằng người vãng sanh sẽ nhất định một đời thành Phật.

          “Viễn ly phân biệt”: phân biệt là đối với tất cả sự vật và đạo lý, có tư duy phân biệt sai lầm.

          “Chư căn tịch tĩnh” là chỉ sáu căn gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. “Tịch tĩnh”, lìa khỏi phiền não gọi là “tịch”, dứt trừ vọng tưởng gọi là “tĩnh”.

          “Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả”. Mời xem ba câu Kinh văn này. “tất cả chúng sanh” bao gồm cả chúng ta, chỉ cần sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở đây không chỉ nói đến thượng phẩm thượng sanh hay là trung phẩm trở lên, mà Phàm-thánh-đồng-cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh cũng bao gồm trong đó. Vì vậy chúng ta không cần lo lắng: có phần của mình hay không? Tôi làm gì vãng sanh thượng thượng phẩm được. Ở đây nói với chúng ta rằng: hạ hạ phẩm vãng sanh ở đồng-cư độ cũng bao gồm trong đó. Nhưng hạ hạ phẩm vãng sanh là mức thấp nhất. Nếu quý vị không thể đạt được mức thấp nhất này thì thật sự quý vị chẳng có phần vãng sanh rồi.

          “Viễn ly phân biệt” chính là “chuyển thức thành trí” mà tông Duy Thức nói đến. Vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, lập tức sẽ chuyển tám thức thành bốn trí, không còn phân biệt tất cả sự vật. Đây là cảnh giới của Bồ-tát thất-địa. Vãng sanh Phàm-thánh-đồng-cư độ hạ hạ phẩm là đạt được rồi, đã là siêu thắng rồi. Xin chú ý hai từ “siêu thắng” này.

          “Chư căn tịch tĩnh”: là Thiền định rất sâu, là cảnh giới của Bồ-tát thất-địa trở lên. Trong nhà Phật, Kinh Lăng Nghiêm gọi là “Thủ Lăng Nghiêm Đại Định”, Kinh Hoa Nghiêm gọi là “Sư Tử Phấn Tấn Tam Muội”, trong Pháp môn Niệm Phật gọi là “lý-nhất-tâm-bất-loạn”. Những cảnh giới ấy đều là “chư căn tịch tĩnh”, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ có được hết thảy, thật chẳng thể nghĩ bàn.

          “Nhược bất quyết định thành Đẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn, bất thủ Chánh Giác”. Ba câu Kinh văn này nói: vãng sanh là nhất định thành Phật, thực sự đã hiển bày bản tâm của Di Đà, hiển bày hoằng nguyện của Di Đà, chỉ lấy đại pháp Nhất-thừa quảng độ vô lượng vô biên chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh khế nhập cứu cánh Niết Bàn, vãng sanh bất thoái thành Phật, một đời đạt được viên mãn.

          Mời xem câu Kinh văn tiếp theo:

          我作佛時。光明無量。普照十方。絕勝諸佛。勝於日月之明。千萬億倍。“Ngã tác Phật thời, quang minh vô lượng, phổ chiếu thập phương, tuyệt thắng chư Phật, thắng ư nhật nguyệt chi minh, thiên vạn ức bội” (Khi con thành Phật, có quang minh vô lượng chiếu khắp mười phương, vượt hơn quang minh của chư Phật, gấp ngàn vạn ức lần ánh sáng của nhật nguyệt).

          Đoạn Kinh văn này là nguyện thứ mười ba, nguyện quang minh vô lượng. Khi con thành Phật, nguyện quang minh của con không có giới hạn, chiếu khắp tất cả cõi Phật trong mười phương, quang minh ấy nhất định vượt hơn ánh sáng của tất cả chư Phật, gấp ngàn vạn ức lần ánh sáng của mặt trời mặt trăng.

    若有眾生。見我光明。照觸其身。莫不安樂。慈心作善。來生我國。若不爾者。不取正覺。“Nhược hữu chúng sanh, kiến ngã quang minh, chiếu xúc kỳ thân, mạc bất an lạc, từ tâm tác thiện, lai sanh ngã quốc. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác” (Nếu có chúng sanh nào thấy quang minh của con chiếu đến thân họ thì chẳng ai mà không được an lạc, khởi từ tâm làm điều lành, sau sanh về nước con. Nếu không được như vậy, thề không thành Chánh Giác).

          Đoạn Kinh văn tôi đọc ở trên là nguyện thứ mười bốn, gọi là nguyện tiếp xúc quang minh được an lạc. Khi con thành Phật, nếu có chúng sanh thấy được quang minh của con, quang minh chiếu chạm đến thân của họ, thì không ai chẳng được an lạc, tự nhiên sẽ dùng tâm từ bi mà hành thiện, tương lai nhất định vãng sanh thế giới Cực Lạc. Hai nguyện trên là chỉ nguyện được quang minh vô lượng và nguyện chạm quang minh được an lạc. Nếu hai nguyện này không thể thành hiện thực, thì con không thành Phật.

          Vừa rồi nói đến nguyện thứ mười ba, nguyện thứ mười bốn, hai nguyện này đều nói đến quang minh. Quang minh chỉ cho trí huệ, cũng là chỗ đạt đến của nguyện lực. Trí huệ, đức năng và hoằng nguyện của A Di Đà Phật là tận hư không, khắp pháp giới, không có giới hạn. Quang minh vô lượng chiếu khắp mười phương, tận hư không khắp pháp giới tất cả cõi nước chư Phật đều là khu vực giáo hóa của A Di Đà Phật, chúng ta có thể tin được không? Chúng ta phải biết, ngoài bộ Kinh này, ngoài Pháp môn này ra; Các Pháp môn khác đều bao gồm trong phạm vi giáo hóa của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mọi người cần nhận thức rằng, bộ Kinh này, Pháp môn này: là Thích Ca Mâu Ni Phật thay A Di Đà Phật chiêu sinh ở thế giới Ta Bà, đưa chúng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc du học. Trường Đại học do A Di Đà Phật lập ra là Đại học trọng điểm bậc nhất trong tận hư không khắp pháp giới. Quý vị có muốn đi không?

          Mười phương chư Phật Như Lai, không có vị Phật nào: không khuyên chúng sanh cầu sanh Tịnh độ. Quang minh của A Di Đà Phật vô lượng vượt hơn chư Phật, gấp ngàn vạn ức lần ánh sáng nhật nguyệt. Quang minh của A Di Đà Phật thù thắng vĩ đại dường ấy, vì sao chúng ta không nhìn thấy được? Có đồng tu nói: “Tôi cũng không thấy được”. Kỳ thực Phật quang không phải không chiếu đến chúng ta, Phật quang soi chiếu trước giờ chưa từng gián đoạn, nguyên nhân chúng ta không nhìn thấy được, là do bản thân chúng ta có chướng ngại. Giống như ánh sáng mặt trời ban ngày chiếu khắp, mà chúng ta cứ che dù không cho ánh sáng chiếu vào; Chẳng phải Phật quang không chiếu mà do chính chúng ta ngăn che lại.

          Mấy ngày trước, có vài đồng tu cùng nhau đàm luận học Phật. Con rể của tôi, đã nói một câu khiến tôi hết sức xúc động. Anh ta nói: “A Di Đà Phật rất từ bi, nhưng quý vị cứ ngắt kết nối, nên A Di Đà Phật không liên lạc với quý vị được”. Tỉ mỉ nghiền ngẫm câu nói này thì thấy rằng rất có đạo lý. Quang minh của 48 nguyện của A Di Đà Phật, mỗi một nguyện đều giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, giúp chúng sanh mau chóng thành Phật. Vậy quý vị nói A Di Đà Phật không quan tâm đến chúng ta, Phật quang không chiếu đến chúng ta ư? Không phải, là do chướng ngại của bản thân chúng ta. Giống như lúc nãy tôi nói, A Di Đà Phật rất từ bi, nhưng quý vị cứ luôn tắt máy, nên A Di Đà Phật không liên lạc với quý vị được, phải vậy không? Chúng ta hiện nay là mở máy hay tắt máy vậy? Các đồng tu xin chớ hiểu lầm, thực sự là mình tắt điện thoại hay mở điện thoại vậy? Là do quý vị đã hiểu sai: ý nghĩa của câu nói này rồi.

          Hai câu tiếp theo: “mạc bất an lạc, từ tâm tác thiện”. Đây là lợi ích hiện tiền của việc tiếp chạm ánh sáng Phật. Có người hỏi “bạn học Phật có lợi ích gì?”, quý vị không trả lời được thì sao khuyên người học Phật được? Nếu quý vị nói với họ rằng: “sau này có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc”, thì người đó nói: “những việc sau này tôi không nhìn thấy, bạn mê tín rồi”, quý vị sẽ không có lời nào đáp trả. Nếu quý vị nói với họ rằng: “Học Phật sẽ có lợi ích ngay bây giờ”, thì họ sẽ thỉnh giáo quý vị: “Được lợi ích gì vậy?”. Quý vị nói với họ rằng: “Có được niềm vui”. Họ hiện giờ sống khổ sở như vậy, còn chúng ta sống rất vui vẻ, họ nghe quý vị nói như thế, lại nhìn thấy quý vị thật sự vui vẻ thì không cần khuyên, họ sẽ học Phật. Bởi vì sao? Bởi vì họ muốn vui vẻ. Học Phật chính là lìa khổ được vui, không học Phật thì tâm không an, học Phật rồi thì tâm liền an, tâm an tự nhiên sẽ có lạc. Đạo lý này nói như vậy thì mọi người nghe hiểu rồi. Trước khi tôi học Phật, tôi đã sống trong vực sâu thống khổ, không thể tự cứu. Sau khi học Phật, hiểu được đạo lý rồi, tôi từ trong vực sâu thống khổ nhảy ra khỏi. Vì vậy hiện nay tôi rất vui vẻ.

          Xem ra chữ “an” này rất quan trọng. An lạc an lạc, không có an thì không có lạc, làm thế nào có được an? Nhân của an là bình, bình an. Tâm này không bình, quý vị bất bình thì sao an được? Làm thế nào để tâm bình? Nhân của bình là hòa, hòa bình. Không hòa thì sao bình được? Người hiện nay mỗi ngày cãi cọ, không hòa thì sẽ không bình, bất bình thì sẽ không an, không an thì không lạc. Hãy xem cho kỹ, chữ phía trước là nhân, chữ phía sau là quả. Phật dạy chúng ta tu Lục hòa kính. Tu Lục hòa thì tâm bình, bình thì mới có được thân tâm an lạc. Người thân tâm an lạc thì nhất định khởi từ tâm làm điều lành. Tâm của họ thanh tịnh, bình đẳng, từ bi; tư tưởng, kiến giải, hành vi: nhất định là lợi ích chúng sanh. Đây là thiện.

          Thiện ác mà Phật pháp giảng, phàm những việc lợi ích chính mình đều là ác; Lợi ích người khác mới là thiện. Vì sao nói lợi ích chính mình là ác? Nguyên nhân chúng sanh không thể thành Phật: vì có hai chướng ngại lớn. Chướng ngại thứ nhất là Ngã chấp, chướng ngại thứ hai là Pháp chấp. Khởi tâm động niệm đều nghĩ đến lợi ích của chính mình. Ngã chấp ngày ngày tăng trưởng, thì sao có thể thành tựu! Chẳng những thành Phật không có phần, mà chứng A-la-hán cũng chẳng có phần. Phải đoạn Ngã chấp thì mới chứng được A-la-hán. Đoạn Pháp chấp rồi thì thành Phật. Phật pháp không gì khác, ngoài phá chấp trước mà thôi. Xin nói lại câu này: “Phật pháp không gì khác, ngoài phá chấp trước mà thôi”.

          Hiện nay chướng ngại lớn nhất chướng ngại chúng ta thành Phật chính là chấp trước. Phương pháp Phật dạy chúng ta là khởi tâm động niệm nghĩ đến người khác, không được nghĩ đến chính mình. Thời gian lâu rồi, chẳng hay chẳng biết sẽ không còn Ngã nữa. Đấy chính là giác, chính là thiện. Các đồng tu nhất định ghi nhớ rằng, đừng nghĩ cho chính mình, người nghĩ cho chính mình là người ngu, ngu trong “ngu si”, nghĩ cho chính mình là người ngu, phải niệm niệm vì chúng sanh. Chúng ta tu Tịnh độ, A Di Đà Phật là Bổn sư của chúng ta, 48 đại nguyện mà Ngài phát, không có nguyện nào là vì chính Ngài, tâm lượng của Ngài lớn, niệm niệm vì pháp giới chúng sanh. Tâm nguyện của A Di Đà Phật là viên mãn, chúng ta học tập A Di Đà Phật chính là học tập tâm lượng lớn của Ngài.

          “Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác”. Hai câu Kinh văn này là tổng kết hai nguyện ở trên: Nguyện quang minh vô lượng, nguyện chạm quang minh được an lạc. Nói nếu hai nguyện này không thành hiện thực, thì ngài Pháp Tạng nhất định không thành Phật. Chúng ta biết rằng: Tỳ-kheo Pháp Tạng thành Phật đã mười kiếp rồi, chứng tỏ hai nguyện này đã viên mãn rồi.

          Mời xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

          我作佛時。壽命無量。國中聲聞天人無數。壽命亦皆無量。Ngã tác Phật thời, thọ mạng vô lượng. Quốc trung Thanh-văn, thiên nhân vô số, thọ mạng diệc giai vô lượng (Khi con thành Phật, sống lâu vô lượng. Vô số Thanh-văn trời người trong nước cũng có thọ mạng vô lượng).

          Đây là nguyện thứ mười lăm, nguyện thọ mạng vô lượng. Khi con thành Phật, thọ mạng vô lượng, vô số trời người Thanh-văn trong nước cũng có thọ mạng vô lượng như con. Nguyện này vô cùng quan trọng. Có thể nói nguyện này: là trọng tâm của 48 nguyện, là đệ nhất nghĩa trong vô lượng nghĩa. Mọi người nghĩ xem, thế giới ấy có đẹp hơn, trang nghiêm hơn mà thọ mạng của quý vị ngắn ngủi thì sự thù thắng trang nghiêm đó đối với họ có ý nghĩa chân thật gì không? Chẳng có ý nghĩa gì cả. Vô lượng thù thắng trang nghiêm cần phải có thọ mạng để hưởng thụ. Vì vậy trong tất cả vô lượng thì thọ mạng là đệ nhất.

          “Quốc trung Thanh-văn thiên nhân vô số”. Đây nói ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, số lượng trời người và Thanh-văn nhiều không tính xuể. Đọc đến đây, mọi người có thể sinh ra nghi ngờ rằng, Kinh văn phần trước nói: người sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là Bồ-tát. Đó là Nhất Chân pháp giới, là pháp giới thuần hàng Bồ-tát, còn là pháp giới của Bồ-tát Phổ Hiền. Vì sao trong đây lại nói: Thanh-văn và thiên nhân trong nước vô số? Đối với vấn đề này, lão Pháp sư đã trả lời ngắn gọn rằng: Thanh-văn và thiên nhân được nói ở đây có hai tầng ý nghĩa. Thứ nhất là thân phận trước khi vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc của người vãng sanh, đây là một. Hai là dựa trên công phu đoạn phiền não: nhiều ít ở thế giới Tây Phương Cực Lạc mà phân biệt. Ở đây nói ở thế giới Cực Lạc có Thanh-văn có thiên nhân; chẳng phải là thật có Thanh-văn thiên nhân. Đó là giải thích của lão Pháp sư cho chúng ta: có hai ý nghĩa như vậy.

          Vô lượng thọ ở thế giới Tây Phương Cực Lạc chẳng phải là vô lượng thật sự, vẫn có hạn lượng. Trên Kinh nói rằng, khi pháp duyên của A Di Đà Phật đã hết, thì thị hiện nhập Niết Bàn; Quán Thế Âm Bồ-tát thị hiện thành Phật. Có thể thấy thọ mạng của A Di Đà Phật là vô lượng của hữu lượng. Thế nhưng thọ mạng của Ngài rất dài rất dài, chẳng người nào có thể tính ra được, nên gọi là vô lượng.

          Mời xem Kinh văn kế tiếp:

          假令三千大千世界眾生。悉成緣覺。於百千劫。悉共計校。若能知其量數者。不取正覺。“Giả linh Tam thiên Đại thiên thế giới chúng sanh, tất thành Duyên-giác, ư bá thiên kiếp, tất cộng kế giáo. Nhược năng tri kỳ lượng số giả, bất thủ Chánh Giác” (Giả như chúng sanh trong Tam thiên Đại thiên thế giới đều thành bậc Duyên-giác trải qua trăm ngàn kiếp cùng nhau tính đếm, nếu biết được số lượng ấy, thề không thành Chánh Giác).

          Đoạn Kinh văn này là nguyện thứ mười sáu, nguyện Thanh-văn vô số. Khi con thành Phật, trong nước Thanh-văn và thiên nhân vô số, giả sử chúng sanh trong một Đại thiên thế giới đều thành Duyên-giác. Họ dùng thời gian trăm ngàn kiếp, cùng nhau tính đếm số lượng và thọ mạng của Thanh-văn và thiên nhân ở thế giới Cực Lạc. Nếu họ có thể tính biết được: thọ mạng và số lượng của hai loại đại chúng trên, thì con không thành Phật.

          “Tam thiên Đại thiên thế giới”. Trong kinh Phật nói: một hệ Ngân Hà lấy núi Tu Di làm trung tâm, gọi là một đơn vị thế giới. Một ngàn đơn vị thế giới được gọi là một Tiểu thiên thế giới. Một ngàn Tiểu thiên thế giới được gọi là một Trung thiên thế giới. Một ngàn Trung thiên thế giới được gọi là một Đại thiên thế giới. Do con số một ngàn được nhân lên ba lần, nên một Đại thiên thế giới được gọi là Tam thiên Đại thiên thế giới.

          “Kế giáo” nghĩa là gì? Nghĩa là tính toán đo lường.

          Xem câu Kinh văn này: “Giả linh Tam thiên Đại thiên thế giới chúng sanh”. “Chúng sanh” nói ở đây: không phải chỉ riêng cho người, mà chỉ chúng sanh Lục đạo gồm cõi trời có trời Dục giới, trời Sắc giới, trời Vô sắc giới; cõi A-tu-la; cõi người; cõi súc sanh; cõi ngạ quỷ; cõi địa ngục, đều được bao gồm: ở trong từ “chúng sanh” mà chỗ này nói đến. Ở đây có bao nhiêu chúng sanh? Giả sử nhiều chúng sanh như vậy đều thành Duyên-giác. Duyên-giác là cao hơn A-la-hán, thần thông và trí huệ của họ, chúng ta nhìn thấy thì thật là chẳng thể nghĩ bàn. Số lượng nhiều như thế, trí huệ năng lực lớn như vậy: đều là chẳng thể nghĩ bàn.

          “Ư bá thiên kiếp”: là nói thời gian rất dài. Thời gian dùng kiếp để tính. Mỗi lần tăng giảm thì gọi là một kiếp. Khi thọ mạng của loài người dài nhất là 84.000 tuổi, sau đó mỗi 100 năm thì giảm đi một tuổi, giảm đến còn 10 tuổi. Lại từ 10 tuổi cứ một 100 năm thì tăng thêm một tuổi, tăng lên đến 84.000 tuổi. Mỗi lần tăng giảm như vậy là một Tiểu kiếp. Hai mươi Tiểu kiếp là một Trung kiếp. Bốn Trung kiếp là một Đại kiếp. Trăm ngàn Đại kiếp, thời gian dài như thế; nhiều người như vậy, dùng trí huệ năng lực mạnh như thế: cùng nhau tính toán đều tính chẳng ra.

          Mời xem câu này: “Nhược năng tri kỳ lượng số giả, bất thủ Chánh Giác”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc có bao nhiêu người, tính không ra được, tuổi thọ của người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc: cũng không tính được. Thọ mạng của thế giới Tây Phương Cực Lạc: tuy là vô lượng của hữu lượng, nhưng vẫn có thể gọi là vô lượng chân thật. Từ nguyện này, chúng ta thấy được thế giới Tây Phương Cực Lạc: thực sự thù thắng trang nghiêm. Căn gốc của thế giới Cực Lạc chính là ở nguyện này. Vì vậy lúc nãy tôi nói nguyện này vô cùng quan trọng.

          Thời gian hôm nay đã hết rồi, xin giảng đến đây, cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật.

(Hết tập 18)

Nguyện dĩ thử công đức

Trang nghiêm Phật Tịnh độ

Thượng báo tứ trọng ân

Hạ tế tam đồ khổ

Nhược hữu kiến văn giả

Tất phát Bồ đề tâm

Tận thử nhất báo thân

Đồng sanh Cực Lạc quốc.

Nam Mô A Mi Đà Phật.

 

 

Trả lời 0