Tập 18 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 29/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 18

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết trước có nói tới: Chúng ta làm thế nào trở thành tấm gương tốt cho chúng sanh? Thứ nhất là làm tấm gương tốt về làm người, tôi có nói năm điều: Một, làm người chân thành, không làm người giả dối; hai, làm người bao dung người khác, không làm người thích so đo tính toán; ba, làm người không có tâm đố kỵ, ưa thích tùy hỷ công đức; bốn, làm người có đức hạnh, chỉ cống hiến không đòi hỏi; năm, làm người hiếu thân tôn sư, tin lời thầy dạy, y giáo phụng hành.

Hôm nay chúng ta tiếp tục giao lưu: Làm thế nào để trở thành tấm gương tốt cho người tu hành? Có đồng tu hỏi, người tu hành phải có bộ dạng ra sao? Bằng sự trải nghiệm và thể hội của cá nhân tôi quy nạp thành những điều sau: Điều thứ nhất là nhìn thấu buông xuống, vạn pháp đều không. Tôi học Phật 20 năm, miễn cưỡng được xem là người tu hành. Tôi hỏi chính mình, hai mươi năm tu hành rốt cuộc đang tu điều gì? đối với vấn đề này, có lẽ câu trả lời của mỗi người đều khác nhau. Câu trả lời của tôi là tôi đang tu nhìn thấu buông xuống. Phật nói với chúng ta thế giới này là giả, không phải là thật, bạn đừng coi nó là thật. Nhưng mà tôi không tin, rõ ràng là thật mà, sao lại nói là giả? Bởi vì coi giả thành thật nên tôi chấp trước, tôi nghiêm túc, gặp chuyện nhất định phải làm rõ một là một, hai là hai, phải làm rõ ai đúng ai sai, ai cao ai thấp, thật khổ! Thật mệt! Thật phiền! Ra sức phân cao thấp, khăng khăng ý mình, ra sức kéo mình ngã sấp xuống. Ngã sấp xuống rồi, phải đối mặt với cái chết bất kỳ lúc nào, chuyện xấu. Nhưng chuyện xấu biến thành chuyện tốt rồi. Tôi gặp được Phật pháp, tôi đã được cứu, tôi giữ được tánh mạng, có được huệ mạng. Học Phật 20 năm, tôi học hiểu được một chuyện. Rốt cuộc Thích-ca Mâu-ni Phật đã giảng điều gì trong 49 năm? Theo cách hiểu của tôi đó là giảng bốn chữ: “Nhìn thấu, buông xuống”. Tam tạng mười hai bộ kinh mênh mông như biển những điều nói ra đều là bốn chữ này. Dùng một câu để khái quát: Nhìn thấu là hiểu được chân tướng sự thật, buông xuống là vạn pháp đều không. Những điều trong kinh Kim Cang đã nói hoàn toàn chính xác, không một pháp nào có thể giữ lại được. “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Hai câu này, mọi người đều có thể chứng đắc, chỉ cần bạn nhìn thấu được, buông xuống được. Nhìn thấu rồi, buông xuống rồi, thật sự được đại tự tại! Bây giờ quay đầu nhìn lại, nhìn xem những việc mà trước đây tôi coi là việc thật, có việc nào là việc thật? Toàn bộ đều không phải việc thật, đúng là “thế gian vốn vô sự, kẻ ngu tự nhiễu loạn”. Tôi tự làm khổ mình hơn 50 năm mà cũng không biết. không yên hơn 50 năm, nên đã khổ hơn 50 năm, mệt mỏi hơn 50 năm, phiền não hơn 50 năm. Bây giờ nghĩ lại, ngu si biết bao, oan uổng biết mấy!

Nếu như vào năm 2000 tôi không gặp được kinh Vô Lượng Thọ, không gặp được lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không, có lẽ kết cục của tôi sẽ như thế này: thứ nhất là không qua được cửa ải bệnh khổ, chết vì bệnh; thứ hai là tôi tự sát. Lúc đó tôi không mong muốn được sống, mong muốn được chết vô cùng mãnh liệt, muốn chết đi cho xong, hết thảy đều giải thoát. Lúc đó không phải là tín tâm cầu sanh Tịnh độ kiên định, mà hoàn toàn là một sự trốn tránh. Trốn tránh điều gì? Trốn tránh sự vô vọng, bơ vơ, bất lực; trốn tránh mười vạn câu hỏi vì sao mà tôi không tìm ra câu trả lời.

Lúc con người mê mờ, sự đau khổ trong nội tâm khó mà diễn tả thành lời, tại sao tôi lại tận lực khuyên bảo các đồng tu phải mở rộng tâm lượng, cởi bỏ trói buộc? Bởi vì tôi đã từng trải qua, tôi biết bị trói buộc khổ biết mấy, cởi bỏ được trói buộc vui vẻ biết bao, tự tại biết bao! Làm thế nào để cởi bỏ trói buộc? Nhìn thấu, buông xuống. Người tu hành phải làm người biết nhìn thấu được, buông xuống được, không làm người tự làm khổ mình. Điều thứ hai đó là mang tấm lòng đại ái, phổ ái chúng sanh. Chú ý chữ “đại” trong từ đại ái, chữ “phổ” trong từ phổ ái. Đại ái không phải tiểu ái, phổ ái là yêu thương trọn khắp, không phải là tình yêu thương có chọn lựa. Thích thì yêu thương, không thích thì không yêu thương, vậy thì sai lầm lớn rồi.

Làm thế nào để áp dụng cụ thể đại ái và phổ ái vào trong cuộc sống? Cách làm của tôi là học theo lão pháp sư, cố gắng làm được: Một, không đối lập với bất kì người, việc, vật nào; hai, trên thế gian này không có ai mà tôi không yêu, trên thế gian này không có ai mà tôi hận, trên thế gian này không có ai mà tôi không thể tha thứ; ba, trong cuộc đời của tôi không có oan gia trái chủ, chỉ có người thân và ân nhân. Hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới đều là người thân và ân nhân của tôi; bốn, khoan dung người khác chính là khoan dung chính mình, đối xử tốt với người khác chính là đối xử tốt với chính mình, tôn trọng người khác chính là tôn trọng chính mình, thành tựu người khác chính là thành tựu chính mình, bởi vì tôi và chúng sanh là một thể; năm, đối với người tổn thương, hủy báng, chửi mắng mình thì càng phải yêu thương họ nhiều hơn, họ nhất thời mê mờ nên làm sai, phải thông cảm cho họ, dùng sự chân thành cảm hóa họ. Tương lai khi họ gặp nạn, bạn phải tận lực cứu độ họ, giúp họ thoát khỏi biển khổ. Người tu hành phải làm người có tấm lòng rộng mở, yêu thương.

Điều thứ ba: thành kính khiêm tốn hòa nhã, không tranh không đấu. Miêu tả thế giới hiện nay chỉ cần một chữ là đủ, “LOẠN”. Loạn đến cùng cực, tại sao lại loạn tới mức độ như vậy? Đó là hai chữ: chữ thứ nhất là “tranh”, chữ thứ hai là “đấu”. Từ góc độ Phật pháp mà nói, vào thời điểm và không gian hiện tại này là “đấu tranh kiên cố”. Đức Phật đã nói ra lời này vào 3.000 năm trước. Ngày hôm nay của 3.000 năm sau, hết thảy đều ứng nghiệm. Đức Phật thật sự vĩ đại! Người sống chung với người, khiêm tốn một chút, khách sáo một chút, cung kính một chút, đây là phước. Đạo lý này mấy ai biết được? Điều phiền phức, tệ hại nhất trong pháp thế gian và xuất thế gian là “tranh” và “đấu”. Trong nhà Phật cũng không ngoại lệ. Trong nhà Phật có nhiều người xuất chúng, những năm gần đây, có nhiều người cống cao ngã mạn, có nhiều người thích làm thầy người khác. Người như vậy nhiều thì sẽ làm gì? Tranh giành đạo tràng, tranh giành tín chúng, tranh giành tài sản. Tại sao vậy? Vì không ai phục ai, đều muốn làm lão đại, có người còn muốn tự lập tông phái, làm lãnh đạo tông phái đó. Tranh như thế nào? Đấu! Không phải có câu “tranh ngoài sáng, đấu trong tối” sao? Bây giờ câu này có chút lỗi thời rồi, phải gọi là tranh và đấu ngoài sáng, đúng là ai nấy đều đua nhau trổ tài. Cùng một sư môn cũng tranh cũng đấu, mà còn tranh đấu tới mức anh chết tôi sống. Họ mê rồi, không biết khơi mào tranh đấu trong nhà Phật là đại bất hiếu. Chốn trở về của bạn nhất định là địa ngục A-tỳ! Cửa Phật bất hạnh, thật đáng thương xót! Người giác ngộ không tranh, người mê mới tranh. Một đời người, từ cá nhân cho đến đất nước đều cần một chữ “nhường”. Người với người có thể nhường nhịn lẫn nhau, một đời bình an vô sự. Không chịu nhường tức là tranh. Nhường có phước báo, tranh có tai ương. Học theo “con hẻm sáu tấc”, nhường họ ba tấc thì có sao đâu? Một đời này lão pháp sư nhường ba lần, càng nhường càng thù thắng, càng nhường càng tự tại, càng nhường càng vui vẻ.

Tổ tiên, chư Phật Bồ-tát dạy chúng ta nhẫn nhường. Nhẫn nhường có đức lớn, nhẫn nhường có được niềm vui không cùng tận. Đáng tiếc là không ai biết, cho dù biết nhưng cũng không chịu tin, không chịu làm. Chịu tin, chịu làm thì cảnh giới không ngừng nâng lên, đức hạnh cũng không ngừng nâng lên. Người tu hành phải nhường, không được tranh; phải hòa, không được đấu.

“Tranh tranh đấu đấu khi nào ngừng.

Tranh đấu đến cùng cũng hoàn không.

Khởi tâm động niệm tạo tội nghiệp.

Lục đạo luân hồi bao giờ ra?”

Đế Vương trước đây dùng phương pháp nào để trị quốc? Ba chữ hòa. Ba điện lớn nhất trong hoàng cung là Thái Hòa, Trung Hòa, Bảo Hòa, ba chữ hòa. Ba đại điện này là Thái Hòa Điện, Trung Hòa Điện, Bảo Hòa Điện, biểu thị dùng hòa để trị vì thiên hạ. Đây là chỗ vô cùng cao minh của tổ tiên chúng ta. Một đời lão pháp sư chưa từng tranh với người khác, chưa từng đấu với người khác, thành kính khiêm tốn hòa ái cả đời. Xứng danh là thánh tăng một thời, làm thầy làm gương, có thể xem là tấm gương tốt, trời người đều kính ngưỡng. Đời người ngắn ngủi, phải trân trọng. Có được thân người thật sự rất khó, đánh mất thân người thì rất dễ. Cho nên có được thân người phải tích lũy nhiều công đức hơn, làm việc tốt nhiều hơn, chí ít mong đời sau không đánh mất thân người, đây là mức độ thấp nhất phải làm được. Làm người quan trọng nhất là không được gây thù oán với bất kì ai, một người có thể duy trì trạng thái không gây thù oán với bất kì ai trong một đời, rất nhiều đời về sau đều không có oan gia trái chủ, cho dù làm chuyện gì cũng đều thuận buồm xuôi gió, bạn bè giúp đỡ bạn cũng rất nhiều.

Tục ngữ nói rất hay: “Nhiều bạn nhiều lối đi, nhiều oan gia nhiều tường chắn”. Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, khi mọi người giao tiếp với nhau, không hay không biết đã kết oán thù, sao lại kết oán thù? Mở miệng liền tổn thương người. Chúng ta nhớ phải chú ý nhiều hơn! Người tu hành phải làm người nhường chứ không tranh, hòa chứ không đấu.

Điều thứ tư: ít nói kiệm lời, im lặng là vàng. Tôi là người không khéo ăn nói, tôi nói lời này bạn có tin không? Tôi đang nói sự thật. Hơn mười năm trước, tôi thật sự là người không thích nói chuyện. Từ nhỏ tôi đã như vậy, trong nhà có khách ghé thăm đều hỏi mẹ tôi: “Sao đứa bé này không nói chuyện?” Mỗi lúc như vậy, tôi đều trốn ở sau lưng mẹ. Khách nói: “Quý nhân thường nói chậm, tương lai đứa bé này sẽ là quý nhân đó”. Tôi không phải là quý nhân, hơn mười năm nay tôi không còn nói chậm nữa. Lời nói trong 60 năm cũng không nhiều bằng lời nói mười năm này. Lời tôi nói đã nhiều lắm rồi. Chính tôi cũng thấy kì lạ, tại sao tôi lại nói nhiều như vậy? Suy nghĩ kỹ lại, cũng không phải do tôi muốn nói, sao cảm thấy có chút không làm chủ được mình? Tôi thích thanh tịnh, tôi thích không ai biết đến, tôi thích đọc sách, đây là tòa thành nhỏ của tôi. Là ai đã phá vỡ tường thành của tôi? Là A-di-đà Phật bảo tôi bước ra ngoài tường thành. Hiện nay, tôi có một tâm nguyện nho nhỏ, đó là sau khi phúc giảng xong kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, tôi dồn hết tâm trí làm chuyện lớn nhất của đời mình, đó là nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Đương nhiên tôi không chấp trước, tiền đề là hết thảy đều giao cho A-di-đà Phật an bài. Người tu hành không nên nói nhiều như vậy. Chúng ta tu pháp môn niệm Phật vãng sanh Tịnh độ, một câu A-di-đà Phật là đủ rồi. Ngoài A-di-đà Phật ra, toàn là lời thừa, lời tạo nghiệp. Không tạo ác nghiệp thì là tạo thiện nghiệp, tạo ác nghiệp đi vào ba đường ác, tạo thiện nghiệp đi vào ba đường thiện. Đây đều không phải là lựa chọn ưu tiên của chúng ta. Lựa chọn ưu tiên của chúng ta là thế giới Tây Phương Cực Lạc. Làm sao tới đó? Thành thật niệm một câu A-di-đà Phật này thôi! Người tu hành đại chân chánh thì một câu cũng không nói. Nhớ kỹ: làm một người tu hành ít nói kiệm lời thì bạn sẽ là khối vàng im lặng. Vàng thì sớm muộn cũng sẽ phát sáng.

Điều thứ năm: hiếu thân tôn sư là đại căn đại bản. Một người có hai ân nhân không thể quên trong đời này, một là cha mẹ cho bạn sanh mạng, hai là người thầy cho bạn huệ mạng. Là họ nuôi dưỡng bạn nên người. Cái gốc của văn hóa truyền thống Trung Quốc chính là hai chữ: một là hiếu, hai là kính. Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính thầy. Hiếu thuận cha mẹ, dưỡng thân cha mẹ, để cha mẹ khi về già được phụng dưỡng; dưỡng tâm cha mẹ, khiến cha mẹ yên tâm; dưỡng chí cha mẹ, khiến cha mẹ vinh dự vì bạn. Quan trọng nhất là khuyên nhủ cha mẹ niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, đây là chí hiếu đối với cha mẹ.

Tôn kính thầy, quan trọng nhất là phải nghe lời thầy dạy, tin lời thầy dạy, làm theo lời thầy dạy. Không được bằng mặt không bằng lòng, không làm chuyện phản sư nghịch đạo. Không được nói lời khiến thầy đau lòng, không được làm chuyện khiến thầy đau lòng. Không tin tưởng thầy, không cung kính thầy, phê bình chỉ trích thầy là tội lớn! Nghiệp này rất nặng, trong kinh Phật giảng, đây là tội đọa vào địa ngục Vô Gián. Tầm ảnh hưởng của người này càng lớn thì tội của họ càng nặng. Ai là tấm gương hiếu thân tôn sư để chúng ta học theo? Đương nhiên là lão pháp sư rồi. Lão pháp sư có quá nhiều điều khiến tôi khâm phục, quá nhiều chỗ đáng để tôi học tập. Nếu như xếp theo thứ tự, thứ nhất là tâm lượng lớn của lão pháp sư, thứ hai là sự hiếu thân tôn sư của lão pháp sư. Có thể nói như vậy, phẩm chất cao thượng và nhân cách hơn người của ngài đã ảnh hưởng nửa đời sau của tôi, thay đổi nửa đời sau của tôi. Nói chính xác hơn là đã thay đổi vận mệnh của cả cuộc đời tôi. Tôi cố gắng học tập theo lão pháp sư, làm tấm gương tốt hiếu thân tôn sư. Hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới đều là người thân của tôi, tôi phải bình đẳng hiếu thuận họ; hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới đều là thầy tôi, tôi phải bình đẳng tôn kính họ. Hết thảy chúng sanh đều là vị Phật tương lai, hết thảy chúng sanh với tôi là một thể. Người tu hành phải làm mô phạm hiếu thân tôn sư. Hiếu thân tôn sư là đại căn đại bản của việc niệm Phật thành Phật, người tu hành nhất định không thể coi thường.

Điều thứ sáu: tự tâm thanh tịnh, nơi nào cũng thanh tịnh. Có người từng nói với tôi thế này “con muốn tìm một nơi thanh tịnh để tu hành cho thật tốt”, tôi hỏi anh ta “anh tìm thấy nơi thanh tịnh chưa?”, Anh ta nói “chưa tìm thấy”, tôi nói “chưa tìm thấy là đúng rồi”, anh ta không hiểu ý tôi, hỏi tôi “tại sao vậy?”. Tôi trả lời anh ta như thế này: “Chúng ta tu hành nhiều năm như vậy, là đang tu điều gì? Không phải là tu tâm này sao? Tự tâm thanh tịnh, nơi nào cũng thanh tịnh; tự tâm không thanh tịnh thì nơi nào cũng không thanh tịnh”, anh ta nghe xong im lặng không nói gì. Nhiều năm như vậy, tôi gặp rất nhiều người học Phật, nhưng có mấy người biết được thế nào là Phật? Lão pháp sư đã nói với chúng ta, Phật là người không lo, không nghĩ, không phiền não. Mọi người nghe hiểu không? Phật là người, là từ người tu thành. Là người như thế nào? Người không lo, không nghĩ, không phiền não. Chúng ta cũng là người, tại sao lại chưa thành Phật? Bởi vì chúng ta có âu lo, có suy nghĩ, có hi vọng v.v… Có những thứ này thì thế giới Cực Lạc không có phần của bạn, bạn không đi được. Thế giới Tây Phương Cực Lạc chỉ nhận người có tâm địa thanh tịnh, người có tâm địa không thanh tịnh thì không có phần. Chúng ta tu Tịnh độ, tâm tịnh thì cõi nước tịnh. Xã hội hiện nay, hoàn cảnh hiểm ác. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta làm thế nào để giữ được tâm thái bình hòa, tâm bình khí hòa, điều này rất quan trọng, đây là công phu. Tâm bình khí hòa, vấn đề nào cũng có thể giải quyết. Đạo lý này có nhiều người biết, nhưng mà ít người làm theo, không làm thì không được, làm rồi mới nhận được lợi ích. Người như thế nào mới có thể khai ngộ? Người có tâm thanh tịnh thì dễ dàng khai ngộ. Những người từng trải, các vị cao tăng đại đức, tâm của các ngài đều thanh tịnh, không có tạp niệm, không có vọng tưởng, không có phiền não. Phàm phu chúng ta tạp niệm rất nhiều, vọng tưởng rất nhiều, phiền não rất nhiều, tâm địa không thanh tịnh. Tâm địa thanh tịnh liền sanh trí tuệ. Cùng một chuyện, tâm địa thanh tịnh và tâm địa không thanh tịnh hoàn toàn khác nhau. Khi nào bạn giác ngộ, mắt nhìn mọi thứ, thấy rất rõ ràng; tai nghe mọi thứ, nghe rất rõ ràng, không phân biệt không chấp trước, thì công phu của bạn có tiến bộ. Nếu như tâm địa rất thanh tịnh, cái gì cũng không có thì bạn nâng cao rồi, càng nâng cao thì công đức càng thù thắng, chính mình biết được, người khác không biết được. Tôi đặt một cái tên gọi là “đầu óc trống không”? Như vậy gọi là gì? Như vậy là có công phu. Có công phu có nghĩa là gì? Bạn buông xuống vọng tưởng chấp trước, buông xuống khởi tâm động niệm, bạn nhìn thấy rất rõ ràng, lại giống như không nhìn thấy gì; bạn nghe thấy rất rõ ràng, nhưng lại giống như không nghe thấy gì. Cảnh giới này rất kì diệu, tiến vào đó rất hưởng thụ. Ngày ngày rèn luyện sáu căn của chính mình không phân biệt không chấp trước, như vậy gọi là công phu thật sự! Thánh hiền xưa đều bước ra từ đây, chúng ta và thánh hiền xưa đi trên cùng một con đường. Làm thế nào để đi cho tốt con đường này? Ghi nhớ kỹ lời dạy của lão pháp sư: “Hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian, hết thảy đều tùy ý họ!” Áp dụng câu nói này, tâm của bạn tự nhiên liền thanh tịnh. Tâm thanh tịnh rồi, bạn cần tìm kiếm nơi thanh tịnh nữa sao? Những gì tôi vừa nói là làm thế nào làm tấm gương tốt của người tu hành, khái quát lại gồm sáu điều để mọi người cùng tham khảo. Một là nhìn thấu buông xuống, vạn pháp đều không; hai là tấm lòng đại ái, yêu thương khắp chúng sanh; ba là thành kính khiêm tốn hòa nhã, không tranh đấu; bốn là ít nói kiệm lời, im lặng là vàng; năm là hiếu thân tôn sư là đại căn đại bản; sáu là tự tâm thanh tịnh, nơi nào cũng thanh tịnh.

Sau cùng là nói tới làm sao trở thành tấm gương tốt của niệm Phật thành Phật. Làm thế nào để trở thành tấm gương tốt của niệm Phật thành Phật? Tôi khái quát năm điều sau đây để mọi người tham khảo.

Điều thứ nhất: không cần gì cả, chỉ cần A-di-đà Phật. Tại sao người học Phật nhiều mà người vãng sanh lại ít? Căn cứ vào sự quan sát và thể ngộ của tôi trong 20 năm học Phật, chính là chúng ta muốn quá nhiều thứ, không chuyên nhất. Thứ bạn muốn còn chưa hoàn toàn thỏa mãn thì thọ mạng đã hết, chưa thành tựu mà người đã mất. Tôi nghe hiểu rồi, cũng thấy rõ rồi. Đời này của tôi nhất định không dính tới chút xíu danh văn lợi dưỡng. Tôi không cần bất kì điều gì, chỉ cần A-di-đà Phật. Tôi tin rằng A-di-đà Phật nhất định sẽ thỏa mãn ước nguyện của tôi, cơ duyên chín muồi ngài sẽ tới đón tôi về nhà. Tôi sẽ giống như lão hòa thượng thượng Hải hạ Hiền, lão Bồ-tát Lưu Tố Thanh, lão Bồ-tát Lưu Minh Hoa vậy, biết trước thời gian, tự tại vãng sanh, dẫn theo vô lượng vô biên chúng sanh quay về Cực Lạc, làm tấm gương tốt của niệm Phật thành Phật, báo ân Phật, báo ân thầy, báo ân chúng sanh.

Điều thứ hai: đầy đủ Tam Tư Lương, bảo đảm vãng sanh. Có người hỏi, niệm Phật thành Phật có bí quyết gì không? Nói như thế này, có thể nói là có, cũng có thể nói là không có. Nếu như nói có thì phải làm tốt ba chuyện. Chuyện thứ nhất đó là thật sự tin. Thật sự tin tưởng vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là sự thật chắc chắn 100%, không một chút hoài nghi. Đối với thế giới này còn chút xíu lưu luyến cũng không thể vãng sanh được. Chuyện thứ hai là nguyện khẩn thiết. Thật sự muốn tới thế giới Tây Phương Cực Lạc thân cận A-di-đà Phật, hơn nữa nguyện vọng này rất chân thật, rất khẩn thiết. Chuyện thứ ba là đốc hành. Hành là phải thật làm; làm, phải thành thật phải thành thật làm chắc từng bước một, không thể giả dối, không thể làm giả, phải thật sự làm. Không thể chân trong chân ngoài, vừa muốn tới thế giới Cực Lạc, vừa không nỡ bỏ danh văn lợi dưỡng trước mắt, vậy thì không thể vãng sanh.

Ba chuyện tôi vừa nói chính là tam tư lương thường ngày của chúng ta. Bạn nói đó là bí quyết thì đó là bí quyết, bởi vì nó hiệu nghiệm; bạn nói đó không phải là bí quyết thì không phải là bí quyết, bởi vì mọi người đều biết, không có gì bí mật cả. Đầy đủ tam tư lương rồi, bảo đảm vãng sanh. Nhớ kỹ hai chữ “đầy đủ” này. Tại sao có người hình như đã đầy đủ tam tư lương mà lại không vãng sanh được? Theo sự quan sát của tôi, người như vậy có hai chướng ngại lớn: Một là quá nhiều vướng mắc, quá nhiều âu lo, quá nhiều nguyện vọng. Tóm một câu là không buông xuống được; hai là oan gia trái chủ chướng ngại đạo. Oan gia trái chủ từ đâu tới? Đều là do chính họ bổ nhiệm? Bổ nhiệm như thế nào? Coi thường người này, bổ nhiệm một người; nhìn không thuận mắt người kia, lại bổ nhiệm một người. Bạn tự tính xem, bạn đã bổ nhiệm bao nhiêu oan gia trái chủ? Trên thực tế oan gia trái chủ chỉ có một, đó là bản thân bạn. Tôi nói lời này, có bao nhiêu người hiểu được? Có bao nhiêu người có thể tiếp nhận? Có tín, có nguyện, có hành, đầy đủ ba điều kiện, lại vui vẻ hướng tới, không một ai không vãng sanh. Tôi rất tự tin, đời này tôi nhất định thành tựu, tam tư lương của tôi trên cơ bản là đầy đủ, lúc nào cũng sẵn sàng về nhà.

Điều thứ ba: niệm Phật không niệm bệnh, niệm Phật được lìa khổ. Bệnh khổ là một trong tám khổ, ai cũng không tránh khỏi. Bị bệnh thật khổ. Tôi đã từng trải qua, tôi biết cảm giác của bệnh khổ như thế nào. Ngoài sự giày vò của thể xác, sự giày vò của tinh thần càng khiến chúng ta khó mà chịu đựng được. Vô vọng, bơ vơ, bất lực, cô độc, cô quạnh, biết nói cùng ai? Rất nhiều người bị bệnh, bị bệnh tật giày vò, đau khổ không chịu được. Con người luôn như vậy, trong tình trạng không hiểu đạo lý, có bệnh thì niệm bệnh, có đau thì niệm đau, càng niệm đau thì càng đau, mỗi một phút một giây đều bị giày vò trong đau khổ. Năm 2000, tôi bị bệnh nặng, có thể chết bất cứ lúc nào, mỗi ngày chỉ đợi tử thần tới. Vận mệnh của tôi thực sự là quá tốt, năm đó tôi gặp được Phật pháp, mà còn là pháp môn niệm Phật Tịnh độ thù thắng không gì sánh bằng. Tôi hiểu được một đạo lý, thế nào là bệnh? Con người bị bệnh, bệnh là nghiệp chướng. Nghiệp chướng tiêu trừ thì bệnh liền khỏi. Lão pháp sư nói với chúng ta: niệm Phật là phương pháp tốt nhất để tiêu trừ nghiệp chướng. Tôi tin tưởng lời lão pháp sư nói, buông xuống niệm bệnh, niệm khổ, niệm đau, bắt đầu thật thà niệm A-di-đà Phật. Có thể là do tâm thành ắt linh nghiệm, không bao lâu sau, tôi có bệnh nhưng không đau nữa. Sự thật bày ra trước mắt, bạn có thể không tin sao? Những bệnh kỳ lạ, bao gồm ung thư đều là nghiệp chướng chiêu cảm tới. Thế nào là nghiệp chướng? Tham sân si mạn nghi là nghiệp chướng, âu lo vướng mắc là nghiệp chướng, vọng niệm tràn lan là nghiệp chướng, có ý bất thiện là nghiệp chướng v.v… Bạn tiêu trừ những nghiệp chướng này rồi thì bệnh tự nhiên sẽ khỏi. Tôi là ví dụ điển hình nhất, là ví dụ có tính thuyết phục nhất. Để tôi kể hai ví dụ chứng minh.

Chuyện thứ nhất: Vào năm 2000, bệnh Lupus ban đỏ của tôi phát tác, trên thực tế thân thể không khỏe đã hơn bốn năm rồi. Sau khi nhập viện được thông báo bệnh tình nghiêm trọng, có thể chết bất cứ lúc nào. Lại thêm tôi bị dị ứng thuốc, không thể dùng thuốc trị bệnh, thật sự chỉ biết ngồi chờ chết. Có thể là mệnh tôi chưa đến lúc kết thúc, năm đó tôi gặp được Phật pháp, biết niệm A-di-đà Phật. Tử thần đã rời khỏi tôi, A-di-đà Phật chiếu cố tôi, bệnh của tôi nặng như vậy mà khỏe lại một cách thần kỳ. Tại sao lại khỏi bệnh? Niệm A-di-đà Phật mà bệnh khỏi. Có người hỏi, A-di-đà Phật thật sự thần kì vậy sao? Tôi nói cho bạn biết, A-di-đà Phật ở chỗ tôi rất thần kì. Bạn muốn hỏi A-di-đà Phật đã chữa khỏi bệnh cho tôi như thế nào? Tôi có thể thẳng thắn nói cho bạn biết, A-di-đà Phật đã gỡ bỏ khúc mắc trong lòng tôi, tôi hiểu rõ đạo lý, tôi cởi bỏ được trói buộc, tôi vui vẻ, bệnh của tôi không chữa mà khỏi.

Chuyện thứ hai: Năm 2013 tôi ngã bị thương cánh tay phải, đầu xa xương cánh tay vỡ vụn. Vốn là định chiều hôm đó làm phẫu thuật khẩn cấp, sau đó bởi vì tôi từng bị bệnh Lupus ban đỏ, lại dị ứng thuốc cho nên đã hủy ca phẫu thuật khẩn cấp chiều hôm đó. Sau khi các chuyên gia thảo luận, nghiên cứu phương án phẫu thuật, khó khăn ở chỗ ca phẫu thuật chỉnh hình lớn như vậy lại không thể dùng thuốc, phải làm sao đây? Thực sự không được, đành thử xem sao. Ngày thứ năm tôi mới phẫu thuật. Lúc y tá đưa tôi vào phòng phẫu thuật nói với tôi, đẩy vào đó thử xem sao, không được thì đẩy ra lại. Kỳ tích xuất hiện, ca phẫu thuật trải qua bốn tiếng đồng hồ, thời gian phẫu thuật chính thức là hai tiếng hai mươi bảy phút, không ngờ lại làm được. Tôi trở thành trường hợp đặc biệt. Gãy xương không đau, chữa trị không dùng thuốc. Từ lúc ngã bị thương đến nay đã bảy năm rồi, chưa từng bị đau qua; ca phẫu thuật lớn như vậy, trước và sau khi phẫu thuật đều không dùng thuốc, đến tiền thuốc cũng tiết kiệm được. Tại sao lại như vậy? Niệm A-di-đà Phật, Phật lực gia trì. Ngoài ra không thể tìm được đáp án thứ hai. Lão pháp sư nói “niệm Phật tiêu nghiệp chướng, trừ bệnh tránh tai ương”, thực sự đã thể hiện trên thân tôi.

Điều thứ tư: vứt đi phiền não, đề khởi Phật hiệu. Mệnh danh là người tu hành mà không tiêu trừ được một đống lớn phiền não, vậy thì có phải có chút không hợp lý? Nhưng trong cuộc sống thực tế, đích thực là như vậy. Có thể thấy được trong số người tu hành cũng rồng rắn lẫn lộn. Vì sao chúng ta vẫn không nỡ rời bỏ thế giới hỗn loạn đến cùng cực này, là bởi vì quá nhiều cám dỗ, chúng ta không vượt qua được những cám dỗ khiến con người hoa mắt! Nào là danh, lợi, sắc, cửa ải nào cũng không qua được! Phiền não từ đâu mà tới? Bị thua bởi sự cám dỗ, có thể không phiền não được sao? Sao lại chẳng biết những cám dỗ này đều là ma đang thao túng, ai đang cám dỗ chúng ta? Là ma đang cám dỗ chúng ta. Tập khí tham sân si mạn nghi của chúng ta, từ vô thỉ kiếp tới nay bị ô nhiễm quá sâu, quá sâu, không loại trừ nổi, chúng ta bị hại thật quá nặng. Phải thường nghĩ rằng, những thứ này đều là phiền não khiến thân tâm chúng ta bất an. Phiền não là độc, trúng độc quá sâu thì sẽ mất mạng. Trong mấy năm trước, năm 2000, tôi luôn bị phiền não vây quanh tới mức không thở nổi, đau đớn tới mức không muốn sống. May mà nghe được Phật pháp, hiểu rõ đạo lý, từ trong phiền não thoát ra ngoài, buông bỏ phiền não, đề khởi câu Phật hiệu. Sức oai thần của câu Phật hiệu A-di-đà Phật thật sự không thể nghĩ bàn. Thời gian trôi qua, sự thâm nhập của tôi đối với kinh giáo, đặc biệt là ba lần viết bản thảo kinh Vô Lượng Thọ, tôi nhận được rất nhiều lợi ích. Tôi thật sự cảm nhận được rằng: A-di-đà Phật là người thân của chúng ta; A-di-đà Phật là người thân duy nhất của chúng ta; A-di-đà Phật là người thân duy nhất mà chúng ta có thể nương tựa. Đời sống rất ngắn ngủi, một trăm năm chẳng qua cũng chỉ là 36.000 ngày, nhìn thoáng một chút, nghĩ thoáng một chút, hết thảy đều là mộng huyễn bọt bóng, phiền não vì những mộng huyễn bọt bóng, thật không đáng! Nhất định không nên tranh, không nên cầu, những thứ tranh được, vô lý cầu được, sau cùng tới lúc tính sổ nhất định sẽ thua. Một câu Phật hiệu A-di-đà Phật là thật, buông xuống điều giả nhấc lên điều thật, bạn mới thật sự là người chiến thắng!

Điều thứ năm: thế giới Cực Lạc ai cũng có phần, niệm Phật thành Phật thật sự không khó. Thế giới Cực Lạc ai cũng có phần, đây là sự thật, đừng nên nghi ngờ. Niệm Phật thành Phật thật sự không khó, điều này cũng là thật, đừng nên nghi ngờ. Thế giới Tây Phương Cực Lạc so sánh với cõi nước chư Phật khác, chỗ thù thắng nhất là hai chữ “bình đẳng”. Bạn phải tin lời Phật nói, bạn phải tin chính mình niệm Phật nhất định thành Phật. Tôi là A-di-đà Phật, họ là A-di-đà Phật, bạn cũng là A-di-đà Phật, điều này là thật. Nếu như có người tỏ vẻ khiêm tốn nói rằng: “tôi không được đâu, tôi làm sao có thể là A-di-đà Phật được”, nếu như bạn đã tự mình nói như vậy, vậy thì bạn thật sự không phải là A-di-đà Phật. Tại sao vậy? Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh mà! Hai hôm trước tôi nói chuyện với một đồng tu, nhớ tới một chuyện vào mấy năm trước. Khoảng bốn đến năm năm trước, trong một đạo tràng nhỏ, lúc đó trong đạo tràng có khoảng hai mươi mấy người. Tôi nói, những người ngồi đây tương lai đều là người của Tây Phương Cực Lạc. Tôi vừa nói xong thì có một bạn đồng tu giơ tay lớn tiếng nói: “Thưa cô, con không phải”, cả đạo tràng đều yên lặng. Hôm đó tôi hỏi bạn đồng tu này, bây giờ con còn nói như vậy không? Cô ấy nói, “bây giờ con không còn nói như vậy nữa, sao lúc đó khờ khạo như vậy, chưa kịp suy nghĩ thì đã nói ra lời như vậy”. Các đồng tu, nhất định phải chú ý! Lời nói ra là nguyện! Không chỉ là lời nói, ngay cả một suy nghĩ cũng biến khắp hư không pháp giới! Phải thận trọng từ lời nói đến việc làm! Hôm nay tôi nói với mọi người, thế giới Cực Lạc ai cũng có phần, tôi có phần, họ có phần, bạn cũng có phần. Hết thảy chúng sanh bình đẳng, đều có phần. Bạn không nên coi mình là người ngoài cuộc, nếu như bạn cho rằng mình là người ngoài cuộc, vậy thì thế giới Tây Phương Cực Lạc thật sự không có phần của bạn.

Còn chuyện thành Phật có khó hay không? Thể hội của tôi là: Mười năm trước tôi cho rằng thành Phật khó, thật sự rất khó, Phật quá cao rồi, chỉ có thể ngước nhìn mà không với tới! Năm năm trước, tôi cho rằng thành Phật cũng không khó như tôi tưởng tượng, đầy đủ tam tư lương rồi, tôi cũng có thể thành Phật. không những có thể ngước nhìn mà có thể chạm. Ba năm gần đây, nhờ viết bản thảo phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ nhất và lần thứ hai, còn có bản thảo của “chuyên đề giảng tọa”, viết ba bản thảo này khiến tôi nhận được lợi ích rất lớn, đột nhiên hiểu được niệm Phật thành Phật thật sự không khó. Tôi ngộ được, làm tốt hai việc liền thành Phật, hơn nữa còn thành Phật cứu cánh viên mãn. Là hai việc nào? Một là nhấc lên điều thật. Điều gì là thật? Chính là câu Phật hiệu A-di-đà Phật; hai là buông xuống điều giả. Điều gì là giả? Ngoài A-di-đà Phật ra, hết thảy đều là giả. Ở chỗ này tôi cần nói rõ một vấn đề: Buông xuống không phải là từ bỏ, buông xuống là tích cực, từ bỏ là tiêu cực. Người tu hành nhất định phải mang lại năng lượng tích cực cho đại chúng, phải làm tấm gương tốt niệm Phật thành Phật cho đại chúng. Làm thế nào để trở thành tấm gương tốt niệm Phật thành Phật? Tôi đã nói năm điều, khái quát như sau: một, không cần gì hết, chỉ cần A-di-đà Phật; hai, đầy đủ tam tư lương, bảo đảm vãng sanh; ba, niệm Phật không niệm bệnh, niệm Phật được lìa khổ; bốn, vứt bỏ phiền não, đề khởi câu Phật hiệu; năm, thế giới Cực Lạc ai cũng có phần, niệm Phật thành Phật thật sự không khó.

Tiết học hôm nay giao lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật! 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *