Responsive Menu
Add more content here...

Luận Câu Xá – Phẩm 1 – Buổi 7

Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 7: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 7.

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 07.08.2024

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang

LCX007- A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Vi DIệu Pháp) – Phẩm Thứ 1 – Buổi 7|| Thích Thiện Trang – Phần 2

mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:

https://www.facebook.com/suthaythichthientrang

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô A Mi Đà Phật!

Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Hôm nay là thứ Tư, và theo lịch thường lệ chúng ta gặp nhau trong chuyên đề về Luận Câu Xá. Bộ này Thiện Trang cố gắng chia sẻ hai phần: Một phần là về Luận Câu Xá, của bên Phật giáo Bắc truyền, [và] Thiện Trang cũng tranh thủ đưa phần A Tỳ Đàm (Vi Diệu Pháp của Phật giáo Nam truyền) vào. Vì hai nội dung này tương đối giống nhau. Thực ra nếu học kỹ thì giống nhau, mà do mỗi bộ luận [nên] nội dung có phần khác nhau. Nếu như quý vị tìm trong tạng của Bắc truyền, thì bộ A Tỳ Đàm cũng [có] rất nhiều bộ, và bên Nam truyền cũng vậy. Mình phải học một loạt các bộ luận, thì mình mới tổng kết lại thành một bộ có thể đầy đủ. Chính vì vậy, quý vị đừng bất ngờ, khi có những điều mà Thiện Trang chia sẻ, quý vị mở trong Luận Câu Xá không có, hay tìm bên Vi Diệu Pháp cũng không có. Đó là tại vì chúng ta chưa học đủ.

Việc học ảnh hưởng chúng ta rất nhiều. Bởi vì nhận thức khác nhau, sẽ dẫn đến hành trì khác nhau. Việc hành trì sâu hay cạn, là do nhận thức của mỗi người. Trong bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, trong Phật pháp cũng như thế. Ví dụ như chúng ta dạy một đứa bé đánh răng, cứ bắt nó đánh răng, nói: “Đánh răng đi con!”. Sáng ra dậy đánh răng, tối trước khi đi ngủ đánh răng, hoặc đánh răng sau bữa ăn. Nếu với tinh thần của một đứa bé, [thì] nó có thể làm được, [vì] nghe lời mẹ.

Nó làm từ năm này qua tháng nọ, làm miết đến khi lớn lên. Nhưng nó làm theo một [cách] máy móc, một quy trình mà được đào tạo từ nhỏ. Nếu đứa bé đó học đến lớp 12, [thì] nó nhận thức được rằng: là phải đánh răng, vì bảo vệ sức khỏe của mình, bảo vệ [răng không bị] sâu răng, đánh răng để khỏi hôi miệng, đánh răng để thế này thế kia. Tức là nó sẽ nhận thức được nhiều hơn, và khi đó nó tự giác được việc [đánh răng] hơn.

Và nếu đến một người lớn tuổi hơn nữa, hoặc là một người Bác sĩ, thì hiểu rõ tác dụng của việc đánh răng hơn nữa, chăm sóc răng như thế nào. Người Bác sĩ đó lại có thể tự giác hơn nữa, tự chăm sóc răng mình kỹ hơn nữa, qua những món ăn, thế này thế kia.

Cho nên tuy là một việc, nhưng có rất nhiều nhận thức khác nhau, dẫn đến hành trì khác nhau. Cũng vậy, nếu chúng ta học giáo pháp tới nơi tới chốn, thì chúng ta hành trì rất dễ, rất rốt ráo. Còn lại nếu mình chỉ học một cách mơ mơ màng màng, thì mình hành trì cũng mơ mơ màng màng. Thậm chí mình học theo phương diện mê tín, [thì] mình hành trì theo mê tín.

Có một câu chuyện vui, gọi là tu Thiền theo Mông Cổ hay tu Thiền theo Ấn Độ mà các đồng tu trên mạng chưa được nghe. Thế nào là tu Thiền theo Mông Cổ? Thế nào là tu Thiền theo Ấn Độ? Tu Thiền theo Mông Cổ, là quý vị ráng ngồi cho ngay ngắn, lưng thẳng, mông cho bằng, cổ cho thẳng lên. Cho nên tu một hồi là tu mông với tu cổ, gọi là tu Thiền theo Mông Cổ. Còn tu Thiền Ấn Độ là Thiền của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thiền định chánh niệm.

Cho nên một vấn đề thôi, nhưng nếu mình nhận thức được rất rõ ràng, thì tu [được]. Mà tu Thiền chánh niệm, là Thiền Tứ niệm xứ hay gọi là Thiền quán, thì không phải là vào ngồi xếp bằng mới tu. Ngồi xếp bằng là tu Thiền chỉ. Mà Chỉ, Quán thì phải cần cả hai. Quý vị coi trong Kinh A Hàm hay Kinh Nikaya, thì đức Phật rất chú trọng điều này, Ngài nói là ráng tư duy, ngồi kiết già, ngồi xếp bằng để tư duy về pháp. Tức là khi ngồi, là giúp cho tư thế, và sau đó là tư duy. Nên việc tu hành [thì] cần phải hiểu. Mình hiểu thì mình mới hành được, còn nếu mình không hiểu thì mình không hành được.

Đạo Phật có rất nhiều Pháp môn, có 84.000 Pháp môn. Bởi vì tùy theo phương pháp nào, mà mỗi người phải có nhận thức đúng, thì mới hành trì đúng. Ví dụ như lúc này thì chúng ta dùng phương pháp này, nhưng lúc khác [lại] dùng phương pháp khác. Tùy lúc, có lúc dùng Thiền chỉ, có lúc dùng Thiền quán. Đức Phật nói là: Người Tỳ-kheo khéo biết rằng: lúc nào dùng Chỉ, lúc nào dùng Quán. Chứ không phải mình cứ áp dụng một phương pháp. Không đúng!

Giống như ở đời, có một công án Thiền như thế này: Một vị Thiền sinh (tức là học trò) hỏi vị thầy của mình: “Thưa thầy! Sao đạo Phật có nhiều Pháp môn như vậy? Sao thầy dạy nhiều vậy? Thầy dạy con thế này, thầy dạy người khác thế khác?”. Vị Thiền sư mới nói rằng: “Bây giờ muốn tìm đồ đạc trong nhà, thì tìm bằng cách nào?”.

Chúng ta dùng giác quan nào để tìm? Tất nhiên chúng ta dùng mắt để tìm đúng không! Chúng ta tìm đồ đạc trong nhà, thì dùng mắt để tìm. Nhưng có khi [chúng ta] phải dùng trí nhớ, tức là dùng Ý thức Thứ sáu. Như vậy có khi chúng ta phải dùng mắt (Nhãn căn) để quan sát, nhưng có khi chúng ta phải nhắm mắt lại, để nhớ coi mình để ở đâu. Đó là hai cách tìm đồ rồi. Giả sử bây giờ tối thui, [bị] cúp điện, không thấy đường, thì mình phải tìm bằng cách đi mò đồ, lục lục, rờ rờ để coi cái đèn pin để đâu. Như vậy là dùng Xúc. Như vậy một cái dùng Nhãn thức, một cái dùng Ý thức, một cái dùng Xúc thức. Đấy là ba ví dụ, là ba Pháp môn tu. Đôi khi mình phải nghe, gọi điện cho người thân hỏi món đồ đó để ở đâu. Đó là dùng căn tai. Hoặc đôi khi muốn tìm vật gì đó, ví dụ như người mù không thấy đường, [thì họ] gõ bong bong, gõ xem coi tiếng nào khác để phân biệt. Cho nên tùy lúc mà dùng.

Chúng ta học cũng vậy, học bao giờ mà mình đủ năng lực, đủ khả năng, thì bất cứ pháp nào mình đều tu được. Lúc này thì tu pháp này, lúc kia thì tu pháp kia. Nhưng định hướng thực ra vẫn là dùng tâm thanh tịnh. Đó là điều mà chúng ta phải hiểu.

Nhiều đồng tu nói học thế nào? Trong đó chúng ta phải có một kiến thức nền tảng đủ rồi, thì chúng ta mới nhất môn thâm nhập được. Còn nếu không, thì không thể nào nhất môn được. Nếu không có một nền tảng, mình vào tu, thường mấy năm đầu thì được, nhưng tu dài lâu thì sẽ phiền não. Phiền não là do mình không biết tu. Người tu học mà phiền não, mà đau khổ, đó là không biết tu.

Phải tu làm sao trong mọi thời, mọi lúc, đều an lạc hiện tiền, rồi mình tu Pháp môn nào mới đắc lực. Còn nếu như mình chỉ buồn sầu thôi, thì học A Tỳ Đàm là ta thấy rõ ràng: Khi thân tâm chúng ta tiếp xúc với cảnh trần (tức là Sáu trần), bằng tâm bất như ý, thì sẽ chiêu cảm đời sau được quả bất như ý, khổ hơn nữa! Cho nên đầu tiên quý vị cứ an lạc trong từng [phút giây] hiện tại đã, là quý vị có quả đời sau tốt rồi, đó là đương nhiên! Có nhiều người tu cũng không biết.

Ví dụ nói về thức ăn, Thiện Trang có chia sẻ, các đồng tu nói nếu như mình ăn, mình không phân biệt được thì quá tốt, mình ăn món nào cũng thấy ngon thì quá tốt. Nhưng nếu mình chấp vào danh, mình cố gắng ăn đồ dở, để mình được mang tiếng ăn không phân biệt. Thì mình lừa được thiên hạ, nhưng không lừa được chính mình. Khi mình ăn, mình vẫn cảm giác món này khó chịu, khó ăn quá. Như vậy là quý vị không lừa được tâm của quý vị, Sáu căn tiếp xúc với Sáu trần bằng cảnh không như ý thì chiêu cảm quả đời sau bất như ý.

Cho nên người tu hành, học A Tỳ Đàm biết rõ rồi, không lừa được tâm của mình đúng không? Cho nên hãy sống thật với mình, mình thế nào thì tùy theo thế đó. Rồi mình luyện từ từ theo năm tháng, dần dần cảnh giới của mình lên, thì mình chịu đựng tốt hơn. Đó là cách mà chúng ta [nên làm]. Và người tu hành, quan trọng là đường cuối cùng [mình] đi về đâu? Ở trong đây tạm nói một chút, có ba kiểu tử (chết):

1. Một là kiểu chết của người Liễu đạo. Liễu đạo là rõ ràng, sáng tỏ, sáng suốt. Có nghĩa là chờ cho đến khi duyên hết thì đi. Đó là kiểu chết của người Liễu đạo, tuyệt vời!

2. Thứ hai là kiểu chết của người Hiểu đạo. Tức là ra đi trong sự chán chường với thế giới này, không cần, không tha thiết nữa, tôi không thích thế giới này. Đó là Hiểu đạo.

3. Thứ ba là kiểu chết của người Vô đạo. Vô đạo là chúng sanh không có hiểu đạo gì hết, không biết gì hết, nên ra đi trong sự sợ hãi và tiếc nuối. Quý vị nhìn xem, đa số người ta ra đi trong sự sợ hãi và tiếc nuối.

Vậy chúng ta cố gắng, ít nhất là phải ở hạng hai. Hạng hai là kiểu chết của người Hiểu đạo. Ra đi khi không còn mong muốn gì ở thế gian này nữa, mình sẵn sàng buông xả, bởi cảnh giới đời sau sẽ tốt đẹp. Bởi vì nếu mình tu tốt thì đời sau chắc chắn tốt đẹp. Nếu ai tu về Phật quốc, thành tựu nữa thì ok. Còn nếu không nữa, chúng ta thành người Liễu đạo thì càng tuyệt vời.

Ở đây Thiện Trang xin chia sẻ một chút, để cho quý vị thấy dấu hiệu của mình tu, là rớt vào Tà định tụ hay Chánh định tụ:

Dấu Hiệu Nhận Biết Người Trụ Trong Tà Tụ Hay Chánh Tụ

(Trích từ Kinh Tăng Nhất A Hàm)

Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Nếu có người ở trong tụ tà kiến, người ấy có hình dáng như thế nào? Mặt mũi như thế nào?

Quý vị thấy quan trọng không? Mình tu, coi mình có trụ trong tà kiến hay không, hoặc người khác có trụ trong tà kiến hay không? Mình hãy lấy tiêu chuẩn này của đức Phật đưa ra, thì chúng ta sẽ phân biệt được.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn: “Như Lai là Vua các pháp, là chí tôn các pháp. Lành thay, Thế Tôn, hãy vì các Tỳ-kheo mà nói nghĩa này. Chúng con sau khi nghe xong sẽ phụng hành”.

Thế Tôn bảo: “Các ngươi hãy suy nghĩ kỹ. Ta sẽ vì các ngươi phân biệt nghĩa này”.

Các Tỳ-kheo đáp: “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy.

Thế Tôn bảo: “Người ở trong tụ tà (Tà định tụ) cần được nhận biết bằng năm sự. Do thấy năm sự mà biết người này sống trong tụ tà. Sao gọi là năm? (Hay những gì là năm?). Đây là do bản dịch thôi. Bây giờ chúng ta coi thử điều này có mình không?

(1)Nên cười mà không cười, (2)lúc nên hoan hỷ mà không hoan hỷ, (3)nên khởi lòng từ mà không khởi lòng từ, (4)làm ác mà không hổ, (5)nghe lời thiện của người mà không để ý. Nên biết người này ắt ở trong nhóm tà. Nếu chúng sanh nào ở trong nhóm tà, người ấy cần được nhận biết bằng năm sự này”.   

Ở đây đức Phật không có phân tích ra, nhưng chúng ta có thể phân tích ra, để quý vị thấy năm dấu hiệu này:

1. Nên cười mà không cười: tức là người này sống không chân thật. Đây là dấu hiệu của người tà. Việc đáng cười thì cứ cười thôi, cười nhẹ nhàng thôi, không có cười quá, không cười “hố hố”, nhưng mình cười vừa phải. Đấy là nên cười mà [không] cười.

2. Lúc nên hoan hỷ mà không hoan hỷ:vậy tu kiểu gì? Rõ ràng là mình có chút vấn đề rồi, tại sao mình không hoan hỷ? Ví dụ như người ta làm việc tốt mà mình không hoan hỷ gì hết. Hoặc là thế nào đó, mình cũng không chịu khó suy nghĩ. Mình không hoan hỷ, không tùy hỷ công đức, hay mình trơ trơ rồi. Vậy rớt vào nhóm tà là đúng rồi.

3. Nên khởi lòng từ mà không khởi lòng từ:đây là vấn đề không có tâm từ bi.

4. Làm ác mà không hổ: không hổ là không xấu hổ, hổ thẹn. Vậy thì rõ ràng là tà rồi.

5. Nghe lời thiện của người mà không để ý: tức là người ta nói lời tốt cho mình, cũng không thèm để ý luôn.

Năm điều này sẽ xác định người đó rớt vào nhóm tà, quý vị phân định được ngay. Nền tảng này rất căn bản, để chúng ta phân biệt được.

Lại nữa, nếu chúng sanh nào ở trong nhóm chánh, người ấy có tướng mạo như thế nào? Có nhân duyên gì?”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Phật: “Như Lai là Vua các pháp, là chí tôn các pháp. Cúi xin Thế Tôn hãy vì các Tỳ-kheo mà nói nghĩa này. Chúng con sau khi nghe xong sẽ phụng hành”. Đoạn này cũng tương tự vậy, Thiện Trang xin đọc phần cuối thôi.

Thế Tôn bảo: “Người ở trong tụ chánh cần được nhận biết bằng năm sự. Do thấy năm sự mà biết người này đang ở trong tụ chánh. Sao gọi là năm? Nên cười thì cười, (đó là điều thứ nhất, giống như trên), nên hoan hỷ thì hoan hỷ, (quý vị thấy dấu hiệu nhận ra, khi nào nên cười thì họ vẫn cười thôi, lúc hoan hỷ nên hoan hỷ thôi, không có che giấu gì hết), nên khởi lòng từ thì khởi lòng từ, đáng hổ thì hổ, (tức là đáng xấu hổ, hổ thẹn thì hổ thẹn) nghe lời thiện liền chú ý. (đó là dấu hiệu thứ năm, để biết người ta có tâm chánh. Còn nhiều người nghe lời thiện, mà không để ý gì hết, là biết rồi.) Nên biết người này đã ở trong tụ chánh. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy nên bỏ tụ tà, ở trong tụ chánh”.

(Trích từ Kinh Số 1- Phẩm Tà Tụ Thứ 35 của Kinh Tăng Nhất A Hàm, do Tỳ-kheo Thích Đức Thắng dịch, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ hiệu đính).

Hôm nay chúng ta phải bổ sung thêm [những điều này], vì nhiều khi tu mà mình không hiểu, không biết tu ở đâu. Và khi mình tu như vậy, mình thân cận thiện giả mới tốt, thân cận người thiện, thân cận điều thiện. Bữa trước chúng ta học về Vật thực duyên. Vật thực duyên có những duyên nào, chúng ta quan trọng tiếp xúc điều nào, trong đó có tiền nghiệp, khuynh hướng, và môi trường ảnh hưởng đến chúng ta. Đừng nói là chúng ta giỏi, chúng ta sống ở đâu lâu, ảnh hưởng thứ gì nhiều, sẽ khiến cho mình thành ra thay đổi. Đó gọi là Thường cận Y duyên. Hôm nay Thiện Trang sẽ chia sẻ tiếp về các duyên.

Thiện Trang xin nhắc lại, chúng ta đã học học qua các duyên như sau: Tiền sanh duyên, Hậu sanh duyên, Câu sanh duyên. Tiền sanh duyên là cái trước xuất hiện giúp cho cái sau. Hậu sanh duyên là cái sau chưa xuất hiện, nhưng giúp cho cái trước. Câu sanh duyên là hai cái cùng xuất hiện, để giúp nhau, muốn giúp nhau thì phải cùng lúc. Hiện hữu duyên là có thì mới giúp, không có thì không giúp. Vô hữu duyên là không có thì giúp.

Thiền duyên (hay Thiền na duyên) là Bảy chi thiền. Đối với Sơ thiền là lên các chi thiền, Nhị thiền thì bớt xuống, Tam thiền bớt xuống, Tứ thiền bớt xuống. Chúng ta mới giới thiệu Sơ thiền thôi, Thiện Trang chưa giới thiệu sâu.

Tiếp theo là Vô gián duyên, là duyên liên tục không gián đoạn, cũng giúp cho mình rất nhiều. Ví dụ như chúng ta nghe pháp, tuần nào cũng nghe, thì quý vị thấy hoan hỷ, hoan lạc. Quý vị thấy Thiện Trang nghỉ nửa tháng thôi, là quý vị phiền não. Đó là Vô gián duyên. Rõ ràng chúng ta không được tưới pháp một thời gian, giống như cây không được tưới nước một thời gian, là mình phiền não rồi. Quý vị thấy Thiện Trang [cũng] phiền não, Thiện Trang bỏ ra một thời gian không trụ trong pháp, [vì] sức chịu đựng [của] mình có hạn, lúc nào đó rồi cũng phiền não lên. Mình sẽ nhận thấy một chút Phiền não bắt đầu khởi, cho nên là thường trụ trong pháp mới được.

Tiếp là Đạo duyên, là mỗi ý niệm, mỗi suy nghĩ trong mỗi sát-na của chúng ta, mở cho chúng ta lối đi, lối về tương lai, gọi là Đạo duyên. Hôm bữa chúng ta chia sẻ đến Đạo duyên, Nghiệp duyên, Quả duyên, Vật thực duyên, Thường cận Y duyên, Ly khứ duyên và Bất ly duyên.

Chúng ta học sơ sơ 14 duyên rồi, hôm nay Thiện Trang xin chia sẻ thêm duyên thứ 15 là Trưởng duyên. #Trưởng là lớn, mạnh; nhưng ở đây định nghĩa là lực đẩy của những khía cạnh tâm lý. Tức là bất cứ việc gì, dù là việc ở đời hay việc trong tu đạo, dù là thế nghiệp hay đạo nghiệp (tức là nghiệp của thế gian hay nghiệp của tu đạo), thì chúng ta cần để ý đến bốn sự tác động, gọi là bốn nguồn năng lượng chủ lực (chủ yếu) cần tới, [thì] việc đó thành tựu như thế nào.

1. Điều thứ nhất là quý vị phải có sự mong muốn tha thiết. Tức là mình làm việc gì, thì mình phải có sự mong muốn tha thiết, đó gọi là dục, dục tức là mong muốn. Ví dụ chúng ta muốn thành đạo quả, [thì] chúng ta phải có lòng mong muốn tha thiết. Chứ không có tu như bèo dạt mây trôi, mặc kệ gió đưa đi đâu thì mây bay theo tới đó, bèo trôi theo dòng nước, thủy triều lên thì lên, xuống thì xuống. Như vậy quý vị tu bất cứ Pháp môn gì, cũng khó mà thành tựu. Ở đời cũng vậy nếu không quyết tâm, không có ý chí, thì sống như vậy cũng không tới đâu.

Cho nên đầu tiên phải có dục, tức là mong muốn tha thiết. Đây là một yếu tố khía cạnh tâm lý, ảnh hưởng đến sự thành tựu, cho nên đây là một trong bốn phần của Trưởng duyên. Tức là duyên để tăng trưởng lên, duyên để việc gì đó mạnh lên, thành tựu, lớn mạnh. Duyên thứ nhất là duyên về tâm lý, phải có lòng mong muốn, gọi là Dục, ở trong Trưởng duyên.

2. Thứ hai là Cần, cần là sự nỗ lực đúng mức. Cần là tinh tấn, tức là mình phải siêng năng, nỗ lực, cố gắng. Ở đời cũng vậy, nếu như đi học, [mình nói tôi] có lòng, tôi rất mong muốn, nhưng không chịu nỗ lực, thì thế nào học cũng không được. Rồi tu đạo cũng vậy, tôi mong muốn thành đạo quả lắm, nhưng mà tôi không có tu. Nếu không nỗ lực tu thì cuối cùng cũng không được, phải sống chết với nó.

Như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ở trong Kinh A Hàm, có chia sẻ: lúc ngài vào thời quá khứ xa xưa vô lượng kiếp về trước, có đức Phật ra đời, hiệu là Bảo Tạng Như Lai, lúc đó ngài là một công chúa tên là Mâu Ni. Công chúa có người anh đi xuất gia, làm Tỳ-kheo, công chúa này cúng dường cho đức Phật Bảo Tạng rất nhiều, còn người anh thì làm Tỳ-kheo đi xuất gia.

Ngày nọ, người anh được đức Phật Bảo Tạng thọ ký rằng: tương lai sẽ thành Phật, hiệu là Đăng Quang. Đăng Quang là Phật Nhiên Đăng đó quý vị. Người anh vui lắm, khoe với người em: “Giờ tôi được đức Phật thọ ký rồi, tương lai sẽ thành Phật, hiệu là Đăng Quang Như Lai”. Người em hỏi: “Vậy tôi có được thọ ký hay không?” [Người anh trả lời]: “Không! Không có nghe nói, không thấy”.

Cô gái đó mới tới hỏi đức Phật: “Nếu Ngài không vì con mà thọ ký, thì con sẽ …” (giống như tự sát, kiểu vậy đó). Đức Phật mới nói là: “Này, thân nữ có năm điều chướng (trong đó có điều không thể làm Phật). Vì thế ta chưa thể thọ ký cho cô được. Cô [nên] nhớ, vô lượng kiếp sau, sẽ có vị Phật ra đời, hiệu là Đăng Quang Như Lai (tức là Phật Nhiên Đăng), chính là Thiện tri thức của cô, người ấy sẽ thọ ký cho cô”.

Và quý vị biết đó, người Tỳ-kheo xuất gia đó chính là Phật Nhiên Đăng, hay là Phật Đăng Quang. Và đến vô số kiếp sau (đó là nói trong Kinh A Hàm. Còn có chỗ khác nói là 16 a-tăng-kỳ kiếp sau, tức là từ thời đó đến [thời Phật Nhiên Đăng] là 16 a-tăng-kỳ kiếp), thì cô ấy mới được thọ ký, dưới thời đức Phật Nhiên Đăng, và được thọ ký là [Phật] Thích Ca Mâu Ni, hội chúng sau này sẽ giống như vậy, cho nên nhân duyên là như vậy.

Quý vị thấy lòng thiết tha tu hành như vậy, thì mới được thọ ký, và sự tinh cần, tinh tấn. Đức Phật Thích Ca trong Kinh Tăng Nhất A Hàm: “Trong ba đời chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, ta là vị Tinh tấn Đệ nhất (đức Phật nói Ta là người Tinh tấn Đệ nhất). Chính vì vậy ta vượt hơn đức Di Lặc (đức Metteyya)30 kiếp, và ta mới thành Phật trước ông ấy”. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Thiện Trang mới nghe hôm nay, đức Phật nói như vậy.

Đó là sự tinh tấn của ngài, vượt hơn tất cả chư Phật ở quá khứ, hiện tại và vị lai. Cho nên chúng ta rất may mắn được làm Đệ tử [của đức Phật Thích Ca], dù không gặp trực tiếp, nhưng [là] Đệ tử gián tiếp thôi, học giáo pháp của Ngài. Đó là mình [cũng] nỗ lực, tinh tấn.

Đức Phật Thích Ca, cũng trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Ngài nói:“Ta đã trải qua vô lượng kiếp, ở trong các cảnh giới, ta đều đã trải qua,chỉ trừ một nơi”. Tức là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, các cõi Trời v.v… [Ngài] đều trải qua hết, chỉ trừ một nơi. Đố quý vị: một nơi trong Tam giới, mà đức Phật chưa từng trải qua là nơi nào? Đức Phật Thích Ca nói, có một nơi mà đức Phật chưa từng trải qua, còn các nơi khác, như Thiện Trang nhớ Ngài nói là: Ta đã từng 36 lần làm chủ trời Đế Thích (là vua trời Đao Lợi), ta đã làm bao nhiêu cái gì đó v.v… Ngài nói rất nhiều. Nhưng Ngài nói có một nơi mà Ngài chưa từng đến. Đố quý vị: nơi nào trong Tam giới mà đức Phật chưa từng đến? Đức Phật chưa từng đến là tại sao?

Tất nhiên với năng lực của một vị Bồ-tát, [thì Ngài] muốn đến là đến thôi. Nhưng có một nơi Ngài không đến, trong Thế giới Ta Bà này, đó chính là Ngũ Tịnh Cư thiên (năm tầng trời Bất Hoàn) [Ngài] lại không đến. Quý vị nhớ năm tầng trời Bất Hoàn không? [Ngài khi thành] Tam quả A-na-hàm thì không sanh vào đó, không sanh vào năm tầng trời Bất Hoàn, [gồm]: trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện, trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Sắc Cứu Cánh. Ngài nói: “Vì nếu ta lên năm tầng trời đó, ta không trở lại nhân gian nữa. Vì ta nguyện độ sanh”. Vì đức Phật Thích Ca tu bằng con đường này, Ngài nguyện ở Thế giới Ta Bà này, và Ngài cũng không nguyện về Thế giới khác. Cho nên Ngài ở Thế giới này, quyết định dùng nguyện lực để không sanh vào năm tầng trời Bất Hoàn, để Ngài còn trở lại nhân gian độ sanh. Đó là lý do.

Còn trời Vô Tưởng, trời gì đó v.v… là trong quá khứ Ngài qua hết rồi. Tức là vô luân hồi vô lượng kiếp mà, cỡ nào cũng vô hết rồi, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ cũng có rồi, có đời nào đó cũng tu. Ngài nói chỉ có năm tầng trời Bất Hoàn là Ngài chưa đến. Tại vì nếu Ngài đến đó, [là] ra khỏi luân hồi rồi. Năm tầng trời Bất Hoàn là không trở lại Dục giới. Trong khi đó Ngài thị hiện, trong kinh đó nói như vậy, có nghĩa là Ngài thật sự thành Phật lần này là lần đầu tiên. Còn sau này Ngài có thể thành Phật ở Thế giới khác.

Trong A Tỳ Đàm cũng có nói rằng: Khi Ngài được thọ ký rồi, từ thời đức Phật Nhiên Đăng, thì Ngài không nguyện tái sanh vào Thế giới khác. Tức là Ngài chỉ trụ ở Thế giới Ta Bà thôi, Ngài dùng nguyện lực của mình để không vào Thế giới khác. Và thậm chí Ngài cũng không nguyện vào các trời trường thọ, như trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Tại sao? Vì lên đó phí thời gian. Trời Vô Tưởng, lên đó phí thời gian lắm. Cho nên từ khi [được] thọ ký thì mới như vậy. Còn Ngài nói từ vô thỉ kiếp tới giờ, là Ngài chưa từng lên.

Và chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta không phải là Bồ-tát tái lai, chắc chắn có một nơi mà quý vị chưa từng lên, đó là Ngũ Tịnh Cư thiên, hay là năm tầng trời Bất Hoàn. Vì nếu chúng ta lên đó, thì chúng ta là Tam quả A-na-hàm trở lên rồi, chúng ta ra khỏi sanh tử rồi, chúng ta đâu có ở đây, bất hoàn mà. Cho nên học, mình có trí tuệ logic thì mình biết.

Thiện Trang trở lại [bài học], đó là kể cho quý vị đỡ buồn ngủ. Trưởng duyên gồm có:

1. Một là ứng bố khả thuyết, tức là Dục (Dục tưởng).

2. Hai là một sự nỗ lực tinh tấn đúng mức, đó chính là Cần.

3. Thứ ba là một trạng thái, một tâm thái thích hợp, [gọi] là Tâm. Có nghĩa là đối với việc đó thì mình phải nhận định được, mình phải có tâm thái thế nào, chứ mình tu mà mình không nhận định được, mình có tâm thái hời hợt, v.v… thì làm sao có thể thành tựu được.

4. Và thứ tư là Thẩm, #Thẩm tức là nhận thức về đường hướng, việc làm, hành động của mình. Thẩm này là thẩm tra, thẩm xét. Cho nên ở đây nói Thẩm, điều này cũng rất quan trọng. Tại vì tu, nếu mình tu không có trí huệ để soi con đường của mình, thì tu rất là dễ bị lạc đường. Cho nên mình cần phải thẩm tra, thẩm xét. Nên điều thứ tư này là Thẩm. Điều này quan trọng, để mình làm việc và việc đó nên làm [hay không]. Đối với một việc ác, thì tuyệt đối không cần ánh sáng của trí tuệ, mà cần đến Vô minh. Còn đây mình muốn làm việc thiện, thì phải cần ánh sáng của trí tuệ.

Quý vị thấy những người làm việc ác, tất nhiên người ta vô minh người ta mới làm chứ. Cho nên Trưởng duyên, [nếu] nói về tu đạo, đối với đạo thì phải cần thái độ, tức là trí tuệ này, việc thẩm xét này là trí tuệ. Còn đối với Trưởng duyên, đối với việc ác thế gian, thì cần có Thẩm, tức là sự Vô minh. Họ không tin nhân quả, không tin gì đó, v.v… thì họ mới làm ác.

Thiện Trang nói lại điều thứ ba, đó là tâm thái tương ứng, tức là trạng thái của tâm. Việc nào cũng cần một tâm lý tương ứng, đòi hỏi mình có tâm tham hay sân, đồng nghĩa mãnh liệt. Hoặc ví dụ như bây giờ chúng sanh [thì có] tâm tham, tâm sân. Còn nếu chúng ta tu, thì chúng ta phải có tâm của Thiền định. Phải có tâm như vậy, đó là trạng thái tâm tương ưng. Đó gọi là mấy Tâm sở tương ưng, tâm ly dục để đắc Thiền v.v…

Tóm lại Trưởng duyên có bốn điều, ảnh hưởng đến tất cả các đạo nghiệp, hay là sự nghiệp thế gian cho đến xuất thế gian. Đó là: Dục, Cần, Tâm và Thẩm. Bốn duyên đó làm lớn mạnh tất cả sự nghiệp, [làm] lớn mạnh sự nghiệp xuất thế gian hay là trong thế gian, gọi là Trưởng duyên. Hơi khó hiểu chút, nhưng quý vị chắc hiểu được bốn yếu tố đó. Cho nên nói thật ra bốn duyên ở trong đó, một thành bốn đó quý vị, là Trưởng duyên.

Thiện Trang nói để chúng ta học, chúng ta hiểu, mỗi yếu tố trong đời của chúng ta, mấy duyên này quan trọng. Mình chỉ cần [hiểu], đôi khi có những duyên rất nhỏ, [nhưng] ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ một hạt bụi nhỏ [bay] vào trong mắt, mình có thấy khó chịu không? Khó chịu, nó ảnh hưởng cả vấn đề cơ thể mình. Một bữa ăn, nhiều khi ăn miếng gì đó, là bắt đầu thay đổi cả vấn đề. Cho nên mình học [những điều] này để mình hiểu, để mình có tinh thần vô Ngã.

Học mấy duyên này, để quý vị hiểu ra. Thiện Trang xin đúc kết lại, là mình học các duyên này để:

1. Một là chúng ta có tinh thần vô Ngã: tôi không là gì trong cuộc đời này, nếu không có sự hỗ trợ của các điều kiện khác. Quý vị nghĩ coi, nếu một mình quý vị có sống được [ở] thế gian này đâu. Quý vị không thể sống được, nếu như không có nước từ nhà máy cung cấp, mình phải tự đào giếng thì cũng mệt lắm. Nhiều người không có khả năng đào giếng được, ra lấy nước sông uống. Rồi quý vị phải xài điện từ đâu đó, quý vị phải xài thiết bị nào đó v.v… Nói chung mình không là gì ở thế gian này.

Tu đạo cũng vậy, mình cũng không là gì trong con đường tu cả. Vì mình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, phụ [thuộc] vào nhiều duyên khác. Từ đó, tinh thần vô Ngã được đề lên, và từ đó mình tu mới phá Ngã được. Học mấy duyên này là để áp dụng vào điều đó.

2. Thứ hai là hiểu được lý Duyên khởi, để phá Pháp chấp. Đó là cái gì có mặt trên đời, cũng do sự giúp đỡ của vô số cái khác. Bản thân nó cũng đóng một mắt xích, để cho bao nhiêu cái khác tiếp tục. Tức là thằng này là do bao nhiêu thằng kia tạo nên, nhưng nó cũng tạo nên bao nhiêu vấn đề khác.

Thiện Trang lấy mình [làm ví dụ], Thiện Trang cũng vậy, do dòng họ đó, gia đình mình đó, [nhờ] ba mẹ của Thiện Trang mới sinh ra Thiện Trang. Do anh chị, bà con, rồi thầy cô dạy cho Thiện Trang. Cho đến sau lớn lên đi xuất gia, thì được thầy dạy, rồi học được pháp của Hòa thượng Tịnh Không và bao nhiêu thầy khác dạy. Rồi kinh sách [được] bao nhiêu người dịch, bao nhiêu người tuyên truyền từ xưa đến nay, nhiều nhiều như vậy. Cuối cùng Thiện Trang đọc hết, học hết, rồi tu học một hồi, bây giờ Thiện Trang đóng [vai trò] là móc xích lại truyền cho quý vị.

Tức là mỗi người hay mỗi vật, mỗi yếu tố nào, đều là một nấc thang cho bao nhiêu cái khác. Từng bước, từng bước thang đi lên, thì nấc thang trên đó, cũng phải dựa vào một mớ nấc thang dưới. Và nó cũng [là] bước đệm cho những nấc thang ở trên. Quý vị hiểu vậy, thì quý vị hiểu được lý Duyên sinh vô Ngã, thì quý vị mới tu được. Còn bây giờ mình cứ tu một hồi là: Tôi ghê lắm! Tôi thế này ghê gớm lắm!. Cho nên quý vị chỉ cần biết được như vậy, là quý vị tu nhẹ nhàng, và tự nhiên phá Ngã chấp nhẹ nhàng thôi. Hồi xưa mình cố gắng phá [Ngã] cho cố, [nhưng] không phá được. Nhưng nếu mình học được mấy duyên này, là tự nhiên nhẹ, tự nhiên Ngã của mình giảm, và tự nhiên mình cũng hiểu được nguyên lý Vô thường vô Ngã, dần dần mình mới đắc đạo quả. Sự hiểu biết dần dần ở trong tâm mình. Mà đến khi nó ở luôn trong tâm mình, thì gọi là Kiến đế. Kiến đế tức là Sơ quả Tu-đà-hoàn.

Tại vì xưa nay mình không hiểu bản chất, nên mình cố gắng: tôi cũng muốn vô Ngã lắm mà, tôi cũng muốn thế này thế kia. Nhưng mà cuối cùng không có vô [Ngã] được, tại vì không hiểu bản chất. Còn bữa nay chúng ta học đến các duyên, 24 Duyên hệ rồi Duyên sinh, Duyên khởi, v.v… học bộ này một hồi, thì tự nhiên khỏi cần phải bắt quý vị buông, [mà quý vị] cũng tự buông. Tại vì học tới đó rồi, quý vị hiểu như vậy.

Bây giờ Thiện Trang xin chia sẻ duyên tiếp theo là Tương ưng duyên. Tương ưng là lực đẩy, có được từ sự hòa hợp, hòa đồng của các pháp. Ví dụ trong một ly nước chanh, quý vị làm nước chanh, người Việt Nam hầu như ai cũng uống nước chanh, từ nhỏ đến lớn chắc đều có uống nước chanh. Để làm nên ly nước chanh, thì ít nhất phải có chanh, có đường, có nước, ba thứ đó phải hòa vào nhau mới thành nước chanh. Nếu mình bỏ nguyên cục đường to đùng vào, chưa tan, thì uống đâu được, đâu phải nước chanh. [Hoặc là] bỏ nguyên lát chanh vô, mà không bóp nước ra, thì [cũng] đâu có thành [nước] chanh. Cho nên đó gọi là Tương ưng duyên. Các pháp hòa hợp vào nhau, gọi là sự hòa tan hòa hợp với nhau, nói như ngôn ngữ vậy cho dễ hiểu.

Chứ quý vị giở cuốn A Tỳ Đàm ra, quý vị tra, coi một dòng dài từ trên xuống dưới, giải thích bên này là tiếng Pali, bên này là tiếng Việt, thì quý vị không hiểu đâu. Nhưng Thiện Trang nói bằng ngôn ngữ đơn giản, là các pháp hòa tan hòa hợp vào nhau, thì đó gọi là Tương ưng duyên.

Ngược lại các pháp có sự độc lập lẫn nhau, đó là Bất tương ưng duyên. Ví dụ chúng ta trở lại ly nước chanh, có chanh, đường, nước, có khi có muối nữa, có thể hòa vào nhau, thì gọi là nước chanh. Nhưng đôi khi mình lấy ngược lại, mỗi cái tuy là như vậy, nhưng mà độc lập nhau, nước vẫn là nước, chanh vẫn là chanh, đường vẫn là đường và muối vẫn là muối, thì mới tạo thành. Cho nên tuy hòa hợp, nhưng nó đứng với vai trò của nó, cùng góp vô nhiệm vụ, nhưng cũng có sự rời ra của nó.

Cho nên ở đây quý hiểu, giống như bây giờ Thiện Trang nói: mình tu cùng một Pháp môn, nhưng mỗi người ở một vị trí khác nhau. Như Thiện Trang ở vị hoằng pháp, quý vị ở vị trí hộ pháp, mỗi người đều gom vào, có nghĩa là mình hòa chung vào một chủ thể, để việc này thành tựu, đó gọi là Tương ưng duyên. Nhưng rõ ràng mỗi người sẽ có vai trò khác nhau, vị trí khác nhau. Nếu quý vị hòa tan vô giống nhau hết, cuối cùng đâu có được gì đâu! Mà phải có mỗi người độc lập riêng rẽ ra, nên gọi là Bất tương ưng duyên. Mình lấy ví dụ như vậy là dễ hiểu.

Còn bây giờ nói về pháp tu, tu đúng pháp thì sao? Nếu một người tu đúng Chánh pháp, tu đúng pháp tu và hành trì đúng, thì sẽ được an lạc. Như vậy sự an lạc đó, hòa hợp với tu đúng pháp, đó là Tương ưng duyên. Nếu tu đúng như vậy, thì quả như vậy. Từ đó mình nhận diện được ra, vấn đề nằm ở đó, như vậy đó là Tương ưng duyên.

Nhưng ngược lại, đôi khi mình tu một hồi phiền não ra, cuối cùng mình cũng nhận ra rằng: pháp tu của tôi sai rồi, cách tu của tôi sai rồi. Mình thấy sai rồi, [thì] mình phải đảo lại cho đúng. Mình đảo lại cho đúng, thì đó chính là Bất tương ưng duyên. Có nghĩa là nhờ điều sai, cho nên tôi làm ngược lại cho đúng. Từ điều sai mà lật lại cho đúng, đó là Bất tương ưng duyên.

Nên rất phù hợp trong đời sống, nói chung mình sẽ nhận diện ra được rất nhiều điều, mình chia nhỏ ra. Tức là đôi khi thuận, là nhân như thế này thì quả như thế này. Nhưng đôi khi mình tu nhân như thế này, [nhưng] mình thấy quả như thế khác, thì gọi là Bất tương ưng rồi. Bất tương ưng thì mình lật lại thành tương ưng thôi.

Và có nhiều điều kỳ lạ lắm, ví dụ như trong đời mình, nhiều khi có những điều mình gọi là trong họa có phước, gọi là Bất tương ưng duyên. Ví dụ một người, nhờ bị một bệnh nhẹ, hay một tai nạn nào đó, nhỏ nhỏ thôi, [nên] họ đi vô bệnh viện chữa bệnh, sẵn khám bệnh luôn. [Nhờ vậy] Bác sĩ phát hiện ra, người đó mang một bệnh rất nặng. May là kịp phát hiện, nếu không phát hiện ra là không chữa trị được.

Như vậy, đó là nạn, thì không phải là việc tốt. Nhưng mà [nhờ đó] mang lại cho một việc tốt khác, thì đó gọi là Bất tương ưng duyên. Tức là đáng lẽ điều tốt này thì mới mang tới điều tốt kia, gọi là Tương ưng duyên. Đằng này, điều này xấu, nhưng nó mang lại điều tốt khác, thì gọi là Bất tương ưng duyên. Không có giống nhau! Cho nên nhiều khi trong đời mình có nhiều điều như vậy. Và điều này cũng tương tự với Câu sanh duyên và Ly khứ duyên, nhưng phân tích kỹ ra thôi, vì trong A Tỳ Đàm chia chẻ ra đủ các kiểu trong đó.

Rồi trong đường tu, nhiều khi mình phải bám theo một vị thầy đó, thì mình tu mới tốt. Vì nhân tương ưng, thì quả mới tương ưng, gọi là Tương ưng duyên. Nhưng đôi khi mình phải rời vị thầy đó, thì mình tu mới tốt, thì gọi là Ly khứ duyên, mà cũng là Bất tương ưng duyên. Mình chỉ cần nắm được như vậy, nếu mình nắm được như vậy rồi thì mình tu dễ.

Tóm lại, Thiện Trang xin đúc kết: 52 duyên mà quy lại còn 24 duyên, mình chỉ bốn thứ duyên thôi. Thay vì bây giờ quý vị nhớ nhiều quá, quý vị có thể nhớ bốn duyên thôi, đơn giản là tất cả các duyên quy lại có bốn điều:

1. Một là giúp nhau bằng cách có mặt trước, đó là Tiền sanh duyên. Nhưng mở rộng ra một trời duyên nữa.

2. Hai là giúp nhau bằng cách có mặt sau, là Hậu sanh duyên. Từ đó mở rộng ra.

3. Ba là giúp nhau bằng cách cùng có mặt, gọi là Câu sanh duyên.

4. Và cuối cùng là giúp nhau bằng cách vắng mặt, tức là Vô hữu duyên, Ly khứ duyên hay Bất tương duyên thì tùy, người ta chia ra rất nhiều.

Ở đây Thiện Trang chỉ chia sẻ sơ sơ, để quý vị nắm được cái sườn, rồi sau này quý vị coi mấy quyển A Tỳ Đàm là quý vị hiểu. Còn nếu như quý vị không có sườn này, thì quý vị coi vô không hiểu, tại vì chúng ta chỉ giới thiệu sơ khởi thôi. Từ đó thì mình biết đi vào tu. Và Trưởng duyên vừa nãy Thiện Trang nói, cũng chính là điều gì ảnh hưởng lớn, nhiều, mạnh, thì cũng là Trưởng duyên. Chúng ta hiểu như vậy.

Thiện Trang đã giới thiệu hết về duyên, nếu có thời gian thì Thiện Trang sẽ chia sẻ tiếp về Tâm sở. Tóm lại hôm nay chúng ta học thêm ba duyên nữa, gồm: Trưởng duyên, Tương ưng duyên và Bất tương ưng duyên. Ba duyên này cũng dễ thôi, cũng tương tự như vậy thôi. Mình nói nhiều như vậy, Phật chia ra càng nhiều càng tốt, nhưng nếu mình rút gọn lại, thì có mấy điều thôi. Và mục tiêu của mình, là học để hiểu được vô Ngã, để biết là mình chẳng là gì trên cuộc đời này.

Tóm lại mình không thể ảnh hưởng nhiều, mình không làm chủ được trên đời này. Nhưng đừng nghĩ mình nhỏ, vì mình cũng có tác động lớn đối với cuộc đời này. Quý vị nghĩ thử coi, mình có tác động lớn không? Có đó! Mỗi người đều có một tác động lớn đối với cuộc đời này. Chỉ cần quý vị ra ngoài đường, quý vị làm điều gì bất ngờ, là [có] ảnh hưởng. [Như] quý vị lấy xe phóng vèo vèo, là quý vị được lên báo toàn thế giới: người đó bị điên, người đó bị khùng, đã gây ra tai nạn cho bao nhiêu người.

Cho nên đó là Lý nhân duyên, Duyên khởi, mà đạo Phật mang lại cho chúng ta như vậy, để chúng ta không có bi quan, không yếm thế, mà chúng ta cũng không có cống cao ngã mạn, Kinh Vô Lượng Thọ gọi là: “Tâm vô hạ liệt, diệt bất cống cao” (Tâm không hạ liệt, cũng không cống cao). Mình giải thích theo Duy Thức Học là vậy, dễ hiểu lắm, không có vấn đề gì! Từ đó mình sẽ tu một cách nhẹ nhàng, mình học bộ này dần dần, thì mình sẽ đi vào.

Ở đây sẵn Thiện Trang chia sẻ luôn, đức Phật có một bộ kinh nói: Có ông chăn nuôi ngựa, ông tới nói: “Con bạch đức Thế Tôn! Con là một người chăn nuôi ngựa, huấn luyện ngựa rất là giỏi. Từ những con ngựa hoang, con có thể đem về, huấn luyện thành những con ngựa rất là tuyệt vời. Bởi vì con có bí quyết, để huấn luyện ngựa như vậy. Những con ngựa hoang đem về, là con dạy nó theo bốn cách: Có con ngựa, con phải vuốt ve nhẹ nhàng thôi, dụ nó là nó nghe lời. Có con ngựa con phải đánh đập nó, con phải dùng biện pháp mạnh đối với nó, đánh thì nó mới nghe con. Có con ngựa lúc thì con vuốt ve, lúc thì đánh nó. Và có một loại ngựa, mà hai biện pháp đó đều không khả thi, cuối cùng con phải giết nó (tức là làm thịt nó)”.

Đó là ông chăn ngựa [nói] như vậy. Ông mới hỏi: “Bạch đức Thế Tôn! Vậy Ngài dạy Đệ tử của Ngài như thế nào?”. Đức Phật mới nói (đây là trong Kinh A Hàm, trong Kinh Nikaya cũng có): “Ta dạy cho Đệ tử của Ta, cũng có bốn kiểu (tức là y chang như vậy). Có người ta dạy bằng cách vỗ về họ: Nếu mà con làm tốt điều này, thì con sẽ được quả báo tốt này”. Đó là Phật dạy Thiện pháp đó. Ví dụ, cúng dường cho đức Phật thì được phước báu lớn, rồi cúng dường cho chư Tăng, v.v… Hoặc là tu điều này, thì sẽ được quả tốt lành này. Đó là dạy theo kiểu an ủi.

Thứ hai là ta dạy theo kiểu đánh. Ta nói rằng: Nếu làm việc này là việc ác, thì sẽ nhận quả báo ác”. Đức Phật có dạy như vậy không quý vị? Có! Rất nhiều đúng không? Ngài dạy Ngũ nghịch Thập ác là bị đọa. Vậy là dạy quả báo xấu cho họ, nếu làm việc ác. Như vậy cũng tương ưng với cách dạy bằng phương pháp mạnh.

Và đức Phật nói: “Có những người ta dạy cả hai: Con nên làm việc này, thì nhận quả báu tốt này. Còn nếu con làm việc này, thì quả báu xấu đến với con. Và có một hạng người cuối cùng ta không dạy được nữa, thì ta giết’’. Nghe như vậy, [người chăn ngựa] hỏi: “Tại sao Ngài có lòng từ bi như vậy, mà lại giết Đệ tử?”. Phật đâu có giết ai đâu, đức Phật nói ý “giết”, nghĩa là Ta không dạy cho họ nữa. Không dạy họ nữa, thì đó chính là giết. Như vậy đức Phật cũng có đưa ra bốn cách, [ở] trong Kinh A Hàm hoặc quý vị có thể coi Kinh Nikaya.

Chúng ta chia sẻ Phật pháp ở đây cũng vậy, quý vị tùy theo căn cơ, đối tượng nào, mà quý vị đưa ra các pháp khác nhau. Ví dụ đối với người thích nghe những quả báo tốt lành, thì dạy cho họ các pháp thiện. Đối với người có tính khó chịu, cang cường thế nào đó. Người cang cường là họ không biết sợ gì hết, thì dạy những quả báo họ sẽ không sợ đâu, mà dạy những điều thiện thì may ra. Còn những người biết sợ, thì dạy nhân quả xấu, họ sợ họ tránh. Còn người ở giữa thì quý vị dạy cả hai. Còn người cang cường quá, dạy không được, thì thôi khỏi dạy. Đó là bốn hạng người, chúng ta học đều có hết.

Hôm nay Thiện Trang xin phép vào bài. Hôm bữa chúng ta đang ở Bài kệ thứ 7.

Bài kệ 7

Hựu chư Hữu vi pháp又諸有為法,Còn các pháp Hữu vi
Vị Sắc đẳng Ngũ uẩn謂色等五蘊,Là Ngũ uẩn như Sắc,…
Diệc Thế lộ Ngôn y亦世路言依,Cũng gọi là Thế lộ Hoặc gọi là Ngôn y
Hữu ly Hữu sự đẳng.有離有事等。Hoặc Hữu Ly, Hữu sự v.v…

Tức là các pháp Hữu vi thì có Ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, cũng gọi là Thế lộ. Thế lộ là gì thì đằng sau có nói, hoặc là Ngôn y, hoặc Hữu ly, Hữu sự. Bây giờ chúng ta sẽ đi tìm hiểu những điều đó, qua lời chú giải của ngài Huyền Trang.

論曰:色等五蘊,謂初色蘊乃至識蘊。如是五法具攝有為,眾緣聚集共所作故。無有少法一緣所生,是彼類故。未來無妨,如乳如薪。

Luận viết: Sắc đẳng Ngũ uẩn, vị sơ Sắc uẩn nãi chí Thức uẩn. Như thị ngũ pháp cụ nhiếp Hữu vi, chúng duyên tụ tập cộng sở tác cố. Vô hữu thiểu pháp nhất duyên sở sanh, thị bỉ loại cố. Vị lai vô phương, như nhũ như tân.

Giải:

#Luận viết: là trong bộ Luận này nói (trong bài kệ đó nói).

#Sắc đẳng Ngũ uẩn: Sắc trong Ngũ uẩn v.v… Sắc, Thọ, Tưởng, Hành Thức, điều này Thiện Trang đã giảng rồi.

#Vị sơ Sắc uẩn nãi chí Thức uẩn: là từ Sắc uẩn cho đến Thức uẩn. Điều này Thiện Trang có nói rồi, quý vị có thể kiểm tra kiến thức Thiện Trang chia sẻ này trong Kinh A Hàm. Trong Kinh A Hàm có nói về Sắc Thọ, Tưởng, Hành, Thức, trong Kinh Tăng Nhất A Hàm hay là Tạp A Hàm gì đó, Thiện Trang có nghe qua.

Thân thể của chúng ta được cấu tạo bởi bốn đại, nói rộng ra gồm 28 thứ nữa v.v… những cái đó gọi là Sắc (nói chung là thân thể). Thọ là cảm nhận. Tưởng là sự biết qua kinh nghiệm, qua học hỏi. Ví dụ như mình cầm vật gì lên, mình thấy là biết đó là vật gì, do mình có kinh nghiệm [nên] mới biết, nếu không có kinh nghiệm thì không biết. Hành là khía cạnh thiện ác của việc đó, khi mình tiếp xúc, mình cảm nhận thấy ghét hay thương, tức hay không, hay là yêu v.v… Những điều đó là khía cạnh thiện ác. Còn Thức là cái biết ban sơ thôi.

Có người thắc mắc tại sao không xếp Thức lên trước? Thiện Trang không biết tại sao lại như thế, chỉ biết giải thích như vậy. Có thể là cách sắp xếp khác nhau, chúng ta hiểu là được rồi. Tóm lại đối với một vật, ví dụ Thiện Trang cầm vật này lên, thì quý vị biết đây là một cái điều khiển từ xa (remote). Nhìn như thế là mình đoán ra ngay, còn mới đầu thì mình nhìn thôi. Đầu tiên mình chưa biết cái gì, chỉ nhìn thấy màu trắng trắng, đen đen, có chấm chấm gì đó. Mình mới nhìn, thấy được cái sơ khởi, thì đó gọi là Thức. Từ Thức đó mình mới tưởng. Tưởng là mình nghĩ cái này là điều khiển từ xa. Rồi Hành là cảm nhận. Ví dụ quý vị chỉ thấy bằng mắt thôi, quý vị ghét màu trắng quá, hoặc ghét cái này ngắn quá, phải dài hơn chút mới được. Đó là Hành. [Quý vị nhìn], thì chỉ cảm thọ được vật này đẹp, xấu v.v… Còn Thiện Trang cầm bằng tay, thì có cảm nhận bằng xúc giác nữa, tức là nó trơn láng quá hoặc là nhám quá, rờ trúng chỗ nhám quá v.v… Mình cảm nhận như vậy, thì đó gọi là Thọ.

Đối với một đối tượng nào đó, chúng ta thường cảm nhận qua mấy giác quan, quý vị có biết không? Thường một đối tượng, thì khả năng cảm nhận nhiều nhất là qua năm giác quan, có đối tượng thì mình cảm nhận qua một giác quan thôi. Ví dụ bây giờ quý vị chỉ thấy [vật Thiện Trang cầm] thôi, nhưng Thiện Trang gõ âm thanh cộc cộc nữa, thì quý vị sẽ cảm nhận thêm một âm thanh nữa. Còn khi Thiện Trang cầm thế này, thì [Thiện Trang] sẽ cảm nhận được hơn quý vị, vì Thiện Trang có cả xúc giác nữa.

Ở đây ý Thiện Trang muốn nói, là chúng ta biết thế giới này qua những giác quan. Và qua những giác quan đó thì không chính xác hoàn toàn. Bởi vì mình cảm nhận qua những giác quan, [nên] mỗi người mỗi khác. Quý vị đừng mong rằng người ta sẽ cảm nhận giống mình. Quý vị vô trong nhà tắm, là thấy rõ ràng nhất. Trong nhà tắm, ai mở nước nóng hay nước lạnh, thì có người cảm nhận: “Nước tắm mát quá, nhiệt độ vừa phải!” Người kia nói: “Ông tắm gì như nước sôi, luộc gà! Nóng quá!”. Người kia vô nói: “Lạnh quá!”

Vậy cùng nước đó, vặn với nhiệt độ giống nhau, nhưng nếu ba người vô tắm, thì ba người cảm nhận khác nhau. Đó là do điều gì quý vị? Tại sao chúng ta lại cảm nhận khác nhau? Chúng ta cùng sống trong một môi trường, cùng một nhiệt độ, máy chỉnh đâu có sai đâu.

Điều này là do nghiệp khác nhau. Vậy đố quý vị: trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, thì nghiệp đó nằm ở đâu? Rõ ràng phải cảm nhận giống nhau chứ, bây giờ sao lại cảm nhận khác nhau? Điều nào khác nhau, để cuối cùng dẫn đến là Hành khác nhau? Tất nhiên là Hành khác nhau rồi. Điều đó chính là Tưởng. Mà Tưởng này ngoài kinh nghiệm ra, còn yếu tố nghiệp [nữa]. Yếu tố nghiệp tâm lý của mình, tác động ở trong tâm.

Cho nên muôn ngàn chúng sanh, là muôn sai vạn biệt, không giống nhau. Vì vậy đừng mong người ta giống mình! Quý vị nên nhớ, chỉ có đức Như Lai mới giống nhau. Mà giống nhau tất cả, nhưng hai đức Như Lai (hai đức Phật) cũng có hình dáng khác nhau. Tuy các ngài đều có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, nhưng cũng không giống nhau, huống hồ chúng ta.

Thiện Trang ý muốn nói: quý vị hãy bớt chấp trước, bớt tâm khống chế người ta theo mình. [Thì] mình sẽ sống một cách nhẹ nhàng, mình chỉ cần [hiểu] chúng sanh nghiệp khác nhau, nên khác nhau. Chúng ta giống giống một phần, là mừng lắm rồi! Dần dần quý vị sẽ vô ngã, và mình tu tự nhiên an lạc, tự tại. Mình dễ dàng chấp nhận mọi thứ trên đời hơn, chấp nhận những dị biệt trong cuộc sống.

Chứ còn không, cứ suốt ngày phải giống tôi mới đúng, không giống tôi là sai, giống tôi mới được, v.v…. Mỗi người do tiền nghiệp, do khuynh hướng tâm lý, rồi do môi trường và do nghiệp đời trước, gọi là tiền nghiệp. Ba yếu tố này tạo ra sự khác biệt, tuy chúng ta cùng sống một nơi. Người xưa có câu “đồng sàng dị mộng”, quý vị hiểu đồng sàng dị mộng không? #Sàng là cái giường, hai người ngủ cùng giường, nhưng giấc mộng thì khác nhau. Quý vị hiểu như vậy, thì quý vị tu bớt chấp trước.

Rồi về Phiền não, tại sao người thân của mình không tu? Tại sao, tại sao…? Tất cả đều giải quyết ở trong bộ Luận này. Đó là khuynh hướng khác nhau. Khuynh hướng tức là sở thích hướng đến của tôi khác với hướng đến của bạn. Rồi tiền nghiệp khác nhau, môi trường khác nhau v.v… bao nhiêu yếu tố ảnh hưởng đến. Như vậy đừng mong ai giống ta. Cố gắng làm sao để cho mọi người cùng đi về một nơi, mà mình chấp nhận được. Đó là quý vị hiểu được nguyên lý ở đây. Thiện Trang chia sẻ mong là quý vị hiểu. Như vậy ở đây nói Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức rồi.

#Như thị ngũ pháp cụ nhiếp Hữu vi: tức là năm pháp như thế nhiếp đủ các pháp Hữu vi. Thật ra pháp Hữu vi chỉ cần năm pháp như thế là đủ nhiếp rồi.

#Chúng duyên tụ tập cộng sở tác cố: bởi do các duyên tụ hợp cùng nhau mà dấy khởi.

Thật ra nói ở đây, quý vị coi Phẩm Ly Thế Gian trong Kinh Hoa Nghiêm cũng vậy. Thế gian là gì? Nói tóm lại là chỉ có Ngũ ấm (hay Ngũ uẩn) thôi, chỉ có năm thứ này thôi. Ngũ ấm gồm có Sắc, Sắc là vật chất, còn lại là tinh thần. Tùy loại chúng sanh ở nơi nào, mà có tinh thần khác nhau.

Ví dụ chúng ta ở cõi Dục này, chúng ta thấy rõ ràng nhất, chúng sanh có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, có cả năm luôn. Nhưng bắt đầu lên tầng trời Vô Tưởng, thì có Sắc nhưng không có Tưởng (vì trời Vô Tưởng mà). Rồi mấy tầng trời càng cao, thì họ xài ít các giác quan hơn chúng ta. Giống như quý vị lên Sơ thiền, hôm bữa học ở bên kia, mình thấy Sơ thiền bỏ được hai giác quan: Một là mũi, ngửi mùi hương; Hai là lưỡi. Tức là Tỵ thức và Thiệt thức là hết.

Cho nên đừng nghĩ mình lên đó là giống nhau. Rồi lên trời Quang Âm Thiên, Nhị thiền, có ba tầng trời: là trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, và trời Quang Âm Thiên hay là trời Cực Quang. Ba tầng trời đó giao tiếp bằng ánh sáng, cho nên họ không nói với nhau, nói với nhau mất thời gian quá. Vậy tai của họ có thính nữa không? Không! Nhưng mà họ cảm nhận bằng ánh sáng. Mình thấy ở đó mình kêu: Kỳ vậy ta! Vậy làm sao mà nghe được? Họ nghe bằng ánh sáng.

Ví dụ như bây giờ mình không cần nghe, có những cái mình [chỉ cần] thấy thôi, thấy ánh sáng phát ra mình là biết người đó thở mạnh hay thở yếu. Thấy được ánh sáng đó, là biết họ khỏe hay yếu, v.v… đủ hết dữ kiện trong đó rồi. Có nghĩa là căn đó phát triển mạnh hơn.

Ví dụ có nhiều người bị khuyết căn, người ta không có khả năng này, nhưng khả năng kia của họ cực kỳ mạnh. Cho nên chúng ta là muôn sai vạn biệt trong thế gian này, quý vị hiểu như vậy. Nói chung năm [uẩn]: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức này là tạo ra thế gian, tạo ra các pháp Hữu vi, nền tảng chỉ có bấy nhiêu đó thôi.

#Vô hữu thiểu pháp nhất duyên sở sanh, thị bỉ loại cố: tức là không có một pháp nào, mà do một duyên có thể sanh được, là bởi loại ấy.

Tức là pháp nào cũng phải có nhiều duyên mới sanh ra, và bởi do năm loại này, nếu không có thì thành hòn đá thôi. Không có thức thì thành hòn đá, thành đất thôi. Nhưng nó vẫn nằm trong Sắc. Còn có những loại chúng sanh đặc biệt, ở trong Kinh A Hàm nói, chỉ có thức nhưng không có hình. Quý vị biết có thức mà không có hình là chúng sanh nào không? Chúng ta thường nói phải có thực chất, có thân thể chứ, nhưng đây không có thân thể mà họ vẫn sống bằng tình thức được. Đó là trời Không Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, mấy trời đó họ có tâm. Trời Vô sắc giới họ đâu có hình thể đâu, đâu cần gì đâu, họ vẫn có thể sống được mà. Họ chỉ không có Sắc thôi, nhưng mà Thọ, Tưởng, Hành, Thức vẫn có, trong Ngũ uẩn vẫn có.

Trời Vô Tưởng hôm bữa Thiện Trang có chia sẻ rồi, giống như những pho tượng vậy thôi, có Sắc nhưng mà không có tâm, ngồi yên, đứng yên, nằm yên đó. Chúng ta thấy rõ ràng như vậy, để mình hiểu được ra: thế gian này là muôn màu muôn vẻ được tạo ra. Nếu như vô lượng kiếp tới giờ, nói theo đức Phật Thích Ca, là chúng ta chắc cũng đã ở các tầng [trời] đó hết rồi, trừ [trời] Ngũ Tịnh Cư thiên (tức là Ngũ Bất Hoàn Thiên) là chúng ta chưa lên đó thôi.

#Vị lai vô phương, như nhũ như tân: tức là không có sự trở ngại của vị lai, như sữa như củi.

Ở đây nếu nói rõ ràng, thì những điều này không có trở ngại bởi vị lai, có nghĩa là Sắc Thọ Tưởng Hành Thức này liên tục biến đổi, thay đổi, không có tương lai. Quý vị có tương lai đi chăng nữa, nó vẫn thay đổi thôi, không có trở ngại. Nên có một sức mạnh không bao giờ thay đổi, là sức mạnh gì? Ở trong Kinh A Hàm, [đức Phật] có đưa ra như thế này: Có một sức mạnh rất mạnh mẽ, trong đó có trí tuệ của ngài Xá lợi Phất, trí tuệ của bậc này bậc kia v.v… đức Phật nói có một sức mạnh lớn nhất, mà tất cả sức mạnh khác phải thua. Đố quý vị đó là sức mạnh gì?

[Đó] chính là sức mạnh của Vô thường. Vô thường là biến đổi. Bây giờ có gì tồn tại mãi mãi không quý vị? Không có! Trong các pháp Hữu vi, tất cả đều phải có sanh thì có biến đổi (Sanh, Trụ, Dị, Diệt), có diệt. Cho nên đó gọi là Vô thường. Sức mạnh vô thường là sức mạnh lớn nhất.

Như vậy không có sự trở ngại của vị lai, như sữa như củi. Ở đây chúng ta hiểu chữ #tân này là củi hay là cỏ. Có nghĩa là sữa cũng tụ họp bởi nhiều yếu tố, và cũng biến đổi. Củi cũng vậy, hay là cỏ cũng vậy, đốt [thì] cháy. Như vậy những cái đấy có bản chất của nó, nó được tạo từ những thứ khác, và cứ biến đổi như vậy trong Sắc uẩn. Như vậy đây là đưa ra hai ví dụ về Sắc uẩn là sữa và củi.

Những ngôn ngữ của ngài Huyền Trang viết trực dịch, cho nên hơi khó hiểu.

Tạm dịch: Luận nói rằng: Sắc trong Ngũ uẩn v.v…, là từ Sắc uẩn cho đến Thức uẩn. Năm pháp như thế nhiếp đủ [pháp] Hữu vi, bởi do các duyên tụ hội với nhau mà dấy khởi. Không có một pháp nào do một duyên mà sanh, là bởi loại ấy. Không có sự trở ngại của vị lai, như sữa như củi.

此有為法亦名世路,已行正行當行性故,或為無常所吞食故。或名言依,言謂語言,此所依者即名俱義。如是言依具攝一切有為諸法。若不爾者,應違《品類足論》所說。彼說言依十八界攝。

Thử Hữu vi pháp diệc danh Thế lộ, dĩ hành chánh hành đương hành tánh cố, hoặc vi Vô thường sở thôn thực cố. Hoặc danh Ngôn y, ngôn vị ngữ ngôn, thử sở y giả tức danh câu nghĩa. Như thị Ngôn y cụ nhiếp nhất thiết Hữu vi chư pháp. Nhược bất nhĩ giả, ưng vi Phẩm Loại Túc Luận sở thuyết. Bỉ thuyết Ngôn y thập bát giới nhiếp.

Giải:

#Thử Hữu vi pháp diệc danh Thế lộ: pháp Hữu vi này cũng gọi là Thế lộ, Thế lộ là một danh từ.

#Dĩ hành chánh hành đương hành tánh cố, hoặc vi Vô thường sở thôn thực cố: nghĩa là pháp Hữu vi này cũng gọi là Thế lộ; #Thế lộ là con đường đi vào luân hồi, con đường đi vào thế gian, gọi là Thế lộ. Bởi tính chất là đã đi ngay trong đường chính; #đương hành tức là đường chính, là con đường luân hồi; hoặc bị bởi Vô thường ăn nuốt; #thôn thực ở trong Kinh Vô Lượng Thọ gọi là thôn đạm, là ăn nuốt.

Tại vì sao? Vì có năm điều này, là mình ở trong pháp Hữu vi, mà đã là pháp Hữu vi thì có sanh có diệt. Mà sanh diệt thì cuối cùng bị Vô thường ăn nuốt thôi, tức là bị chi phối bởi Vô thường, ý nói vậy.

Các pháp Hữu vi, nói tóm lại có năm loại là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Mình nói hai loại thôi là: vật chất và tinh thần. Và hai thứ này hay năm thứ đó, bị tính chất là đang đi trên con đường chính, là con đường của thế gian, con đường của luân hồi. Con đường đó bị một tính chất là bị Vô thường ăn nuốt, tức là bị khống chế bởi Vô thường, cho nên gọi là Thế lộ. Thế lộ là mình càng đi vào đó, thì mình càng khổ. Cho nên đức Phật luôn nói thân thể Ngũ uẩn này là đau khổ, là Vô thường. Mà mình càng ham nó, thì cuối cùng mình không ra nổi.

Không biết bây giờ tu lâu rồi, quý vị có thấy chán thân thể này chưa, hay là mình vẫn còn yêu thích lắm? Đó là Thiện Trang hỏi thật. Thì đa số đều rất thích. Tại vì mình chưa thấy khổ, cho nên mình chưa buông ra được. Nhiều người nói: “Con chán lắm rồi thầy ơi!”. Nếu mà quý vị thật chán, là quý vị đắc đạo rồi. Tại vì mình chưa có chán, cho nên người mang bệnh mà chưa muốn hết bệnh, quý vị hiểu không?

Chúng ta là người mang bệnh mà chưa muốn hết bệnh, nên không hết bệnh được. Mình vẫn còn ham bệnh này, mình chưa nhận diện ra được bệnh này. Còn các ngài đắc đạo, các ngài nhìn được ra thân thể, nên đó gọi là Kiến đế, [là] thấy được sự thật. Cho nên từ đó bỏ được một chút, là Kiến đế, là [đắc] Sơ quả Tu-đà-hoàn, còn bỏ được toàn bộ luôn là [đắc] A-la-hán.

Cho nên khổ của chúng ta, là chúng ta học nhưng mà căn tánh của chúng ta kém quá. Thời mạt pháp, căn tánh quá kém, nên thành ra mình học tới học lui. Học thì học vậy thôi, chứ [đối với] chấp nhận sự Vô thường, thì mình không chấp nhận. Phải đến khi Vô thường gõ cửa cộc cộc cộc rồi, tức là thân thể bệnh đau đớn quá, lúc đó ngáp ngáp, [thì] mới tu, lúc đó không muốn buông cũng phải buông.

Cho nên do mình căn tánh kém. Nhưng không sao, mình học hoài, mỗi ngày nghe một chút, nghe dần dần lọt tai. Rồi khi nào gặp hoàn cảnh, gặp sự cố gì đó, là Vô thường tới! Vô thường tới! Rồi hát bài cảm ơn Vô thường. Lúc đó mới bắt đầu buông, buông rồi mới học được Phật pháp, thì mới thấy Phật pháp tuyệt vời lắm! Ôi tuyệt vời Phật pháp ta ơi! Lúc đó mới thấy Phật pháp tuyệt vời. Còn bây giờ đang sung sướng, thì thấy là học thôi, chứ [biết] bao giờ Vô thường [tới].

Nhưng Vô thường tới nhanh lắm quý vị, vèo vèo cái [là] hết đời. Cuộc đời mới sanh ra là già liền, rồi khổ, phải đi làm suốt, bận bịu đủ thứ, bắt đầu mới có chút giác ngộ. Còn các bậc A-la-hán v.v… các ngài [có] Thần túc thông, bay đi khắp nơi này nơi kia, người ta thích người ta dùng, đi nơi này nơi kia.

Quý vị biết tại sao đức Phật không cho các ngài A-la-hán dùng Thần thông không? Tức là trong Kinh A Hàm, đức Phật có nói là nếu ngài Mục Kiền Liên dùng Thần thông, đi qua cõi Úc Đơn Việt (Bắc Cô Lô Châu) khất thực v.v… rồi biểu diễn Thần thông cho nhiều vô. Khi đời sau, các Đệ tử của Ta không có Thần thông nữa, (Đệ tử đời sau như [chúng] ta bây giờ), thì các hàng Cư sĩ, các hàng người dân sẽ nói là: Các vị Sa môn này kém, không có được [Thần thông], và họ khinh thường, khi dễ, vì vậy họ tạo vô lượng tội nghiệp.

Cho nên đức Phật bảo đừng sử dụng [Thần thông], để tránh đời sau họ phỉ báng. Bây giờ quý vị đâu có thấy mấy người có Thần thông đâu, xài cũng đâu có xài lộ đâu, đâu có biết đâu. Nên mình biết thì cũng biết sơ sơ thôi, các ngài bật mí một chút thôi. Chứ các ngài xài rồi, đời sau người ta tu kém hơn nữa, người ta không có Thần thông thì sao. Lại phỉ báng những bậc Sa môn (những người xuất gia) thì tội lại nặng hơn. Cho nên [đức Phật] không cho [dùng] là vậy. Còn thời Phật thì xài thoải mái, rồi sau này bắt đầu mới giảm giảm, đó là đôi khi phương tiện cũng dùng một chút, nhưng thực tế thì không có [dùng nhiều].

Chúng ta trở lại, Thiện Trang nói nếu như chúng ta tu, tại vì đạo Phật là đến để mà thấy. Quý vị tu được một phần an lạc, thì quý vị sẽ được một chút an lạc, chút giải thoát. Và nếu quý vị tu được một thời gian, quý vị sẽ vào được Thánh đạo một phần nào đó, thì quý vị thấy đã lắm, từ đó quý vị buông được thế gian. Còn mình tu mà mình chưa có buông được, là tại vì mình chưa có hiểu. Cho nên pháp tu Thiện Trang hay chia sẻ, đức Phật cũng hay nói trong kinh, Ngài hay đề xướng là tu để đắc được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, để quý vị cảm thấy được sự ngọt ngào của pháp nhanh. Còn tu Thiền quán thì lâu lắm quý vị, cứ thành tựu chút chút, phải mấy năm mình mới thấy mình thay đổi được nhiều, mọi người mới thấy mình thay đổi. Còn tu Thiền chỉ, vô Thiền là an lạc ngay tức thời, thậm chí có Thần thông liền, có cái này cái kia liền, cho nên dễ, nhanh hơn. Vì vậy quý vị nên tu cả Chỉ lẫn Quán là vậy.

Chứ mình tu, trong khi mình chưa thấy có kết quả Thiền quán đâu hết. Mình học pháp rồi [nhưng] mình chưa thấy, nghe lý thuyết không, lâu lâu mình mới chuyển được một chút. Còn nếu mà tu vô định là an lạc, thoải mái, dễ chịu, v.v… Và có nhiều người do duyên đời trước khác nhau, nên sau khi thành tựu, mỗi người sẽ có một thành tựu khác nhau. Ví dụ như quý vị vô tu một chút, người thì có Thần thông này, người thì có Thần thông kia. Hoặc là cùng bậc A-la-hán, nhưng vị này thì có năng lực này, [còn] vị kia có năng lực kia, [là] do vô lượng kiếp mình đã tu.

Bây giờ quý vị chỉ cần tu lại một chút thôi, là khôi phục lại nhiều năng lực ở trong mình. Quý vị có cả gia tài vô lượng kiếp tu rồi. Ý Thiện Trang nói là: quý vị ráng tu đi, tu vô [một] cái, là vào dòng khơi lại những điều mà từ vô lượng kiếp tới giờ mình có, mình đã tu rồi, là nhanh lắm quý vị. Lúc đó quý vị xài đã lắm, biết đâu quý vị có Thần túc thông đầy đủ luôn, mặc dù quý vị chỉ chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn thôi. Còn người kia [chứng] Sơ quả Tu-đà-hoàn, nhưng do [quá khứ] họ không tu Thần thông, nên họ không có Thần thông. Nên đừng đem cái đó so sánh. Tại vì đó là do nghiệp từ vô lượng kiếp tới giờ.

Quý vị cứ tưởng tượng đi, một ngày nào đó quý vị có Thần thông, vui vui quý vị lén lúc không có người, quý vị đi qua Bắc Cô Lô Châu, Đông Thắng Thần Châu, hoặc lên trời Đao Lợi chơi. Thần thông tự tại mà, đi đã luôn, đi khắp nơi này nơi kia, sướng hơn nhiều chứ. Lúc đó quý vị thấy đã, hương vị giải thoát ngọt ngào trong tay mình, đã đời luôn, [phải] vậy chứ! Còn bây giờ mình tu, nói không à, nghe thì nghe vậy, giống như chuyện trên trời. Cho nên đạo Phật mới nói là “tự tác, tự tri, tự chứng”. Mình phải làm, là tự tác; Tự tri là tự mình biết, rồi cuối cùng là tự mình kiểm nghiệm được, tự mình chứng được. Đạo Phật là vậy. Cho nên cố gắng, mỗi người làm thì mỗi người sẽ có được kết quả khác nhau.

#Hoặc danh Ngôn y: hoặc nói là Ngôn y, cũng gọi tên là Ngôn y.

#Ngôn vị ngữ ngôn: ngôn là ngôn ngữ.

#Thử sở y giả tức danh câu nghĩa: điều mà được nương vào đó tức là nghĩa đầy đủ.

#Như thị Ngôn y cụ nhiếp nhất thiết Hữu vi chư pháp: những Ngôn y như vậy thì nhiếp đầy đủ; #cụ nhiếp là nhiếp đầy đủ; tất cả các pháp Hữu vi.

Thật ra ở đây cũng nói là Ngôn y; #Ngôn y tức là mình nương vào ngôn ngữ mới nói ra được, và đầy đủ hết các nghĩa của các pháp, các pháp Hữu vi đều nói ra được hết, cho nên gọi là Ngôn y, là y vào ngôn ngữ. Tức là ở trên này đang nói về Ngũ uẩn, Hữu vi pháp. Tức là dựa vào ngôn ngữ mình mới nói ra chứ, nếu không có ngôn ngữ mình nói cái gì. Thì đó là dùng ngôn ngữ thôi, cho nên gọi là Ngôn y.

#Nhược bất nhĩ giả, ưng vi Phẩm Loại Túc Luận sở thuyết: tức là nếu mà không như vậy, thì phải trái nghịch với điều được nói ở trong một bộ Luận gọi là Phẩm Loại Túc Luận. Đây là một bộ Luận do ngài Thế Hữu làm.

#Bỉ thuyết Ngôn y thập bát giới nhiếp: trong bộ Luận đó, thì nói Ngôn y nhiếp 18 giới.

18 giới là Sáu căn, Sáu trần, Sáu thức, thì thành 18 giới. Nói tóm lại mấy ngôn ngữ A Tỳ Đàm này khó chịu lắm, quý vị giở A Tỳ Đàm của Nam truyền cũng vậy thôi. Mình nói theo đó thì nghe mơ mơ màng màng, không hiểu gì hết. Sáu căn là: Tai, Mắt, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, tiếp xúc với Sáu trần; #trần là cảnh. Tai thì nghe tiếng, mắt thì thấy hình sắc; Mũi ngửi mùi hương, gọi là Hương trần; Lưỡi nếm vị, gọi là Vị trần; Thân thể xúc chạm với cái gì đó, gọi là Xúc trần; Ý là ý thức, mình biết được pháp gọi là Pháp trần, thì sanh ra Sáu thức. Sáu thức là sáu sự biết đó. Chúng ta nói là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỵ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức. Như vậy Sáu căn, Sáu trần, Sáu thức thì nhiếp hết tất cả, thì gọi là 18 giới. Cho nên ở đây gọi là Thập bát giới, nhiếp hết.

Tạm dịch: Pháp Hữu vi này cũng gọi là Thế lộ, bởi tính chất đã đi ngay trong đường chính, hoặc là bởi vì bị vô thường ăn nuốt. Hoặc gọi là Ngôn y, ngôn là ngôn ngữ lời nói, điều được nương vào đó tức là nghĩa đầy đủ. Như vậy Ngôn y nhiếp đầy đủ tất cả các pháp Hữu vi. Nếu không như vậy, thì phải trái nghịch với điều được nói trong Phẩm Loại Túc Luận. Ở đó nói Ngôn y nhiếp 18 giới.

Như vậy Ngôn y là lời nói có thể nhiếp được tất cả 18 giới như vậy.

或名有離,離謂永離,即是涅槃,一切有為有彼離故。或名有事,以有因故,事是因義。毘婆沙師傳說如此。

Hoặc danh Hữu ly, ly vị vĩnh ly, tức thị Niết Bàn, nhất thiết Hữu vi hữu bỉ ly cố. Hoặc danh Hữu sự, dĩ hữu nhân cố, sự thị nhân nghĩa. Tỳ Bà Sa sư truyền thuyết như thử.

Giải

#Hoặc danh Hữu ly: hoặc gọi tên là Hữu ly. Ở trên bài kệ có chữ Hữu ly.

#Ly vị vĩnh ly, tức thị Niết-Bàn, nhất thiết Hữu vi hữu bỉ ly cố: #ly là xa rời vĩnh viễn, tức là Niết-Bàn. Tức là pháp này xa lìa Niết-Bàn. Nghĩa là quý vị có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, Ngũ uẩn thì xa lìa với Niết-Bàn. Chữ #cố là bởi, bởi tất cả các pháp Hữu vi là xa lìa điều đó; chữ #ly là xa rời. Có nghĩa là tất cả pháp Niết-Bàn này ngược lại với pháp Hữu vi, đó là pháp Vô vi mà, nên gọi là Hữu ly. Nó ngược lại, là có sự xa rời.

#Hoặc danh Hữu sự: hoặc gọi là Hữu sự, là có sự việc.

#Dĩ hữu nhân cố: bởi vì có nhân.

#Sự thị nhân nghĩa: sự có nghĩa là nhân. Tức là hoặc gọi là sự, hoặc là Hữu sự, bởi vì có nhân, nhân thì có quả. Nói tóm lại mình ở trong vòng nhân quả.

Nói đơn giản, nếu mình còn ở trong pháp Hữu vi, thì mình còn ở trong vòng nhân quả này, mình còn xa rời Niết-Bàn. Đó gọi là Hữu ly. Ở đây toàn dùng ngôn ngữ khó chịu, nếu chúng ta nói theo ngôn ngữ bây giờ thì dễ hiểu. Tại vì ngôn ngữ của ngài Huyền Trang, hay ngôn ngữ A Tỳ Đàm, quý vị [coi] ngôn ngữ bên Nam truyền cũng vậy, toàn là [từ] khó chịu gì đâu. Bởi vì nói bằng thuật ngữ xa vời với mình, mình nghe không hiểu. Quý vị mà coi mấy bài A Tỳ Đàm bên Nam truyền rồi, lên coi Vi Diệu Pháp một hồi là ngủ gục. Thậm chí Luận Câu Xá này cũng vậy, coi xong đảm bảo là buồn ngủ hết, nên là có khi mình học mình ngán quá.

Để Thiện Trang đố một công án Thiền, cho quý vị tỉnh táo. Thật ra [câu đố] này được xuất phát từ ông Alexander Đại đế (tức là một vị Đại đế hình như của thành Rome hồi xưa), có đưa ra một công án vui vui, để đố mấy đứa con. Đứa con nào trả lời trúng, thì cha sẽ truyền ngôi cho. Câu đố thế này: “Có một đàn sư tử do một con cừu dẫn đầu đấu với một đàn cừu do một con sư tử dẫn đầu. Hai đàn đó đấu với nhau, bên nào chiến thắng?” Quý vị trả lời nhanh, [vì] đây là công án Thiền.

Hôm bữa đưa ra, bắt đầu có người suy nghĩ, mới đầu kêu đàn sư tử đông hơn thì thắng chứ. Nhưng con dẫn đầu lại là con cừu, nó thấy đàn sư tử kia, sợ quá, chạy mất dép rồi, nên đám [sư tử] kia chạy theo. Cũng đúng mà! Bắt đầu phân vân nghĩ tới nghĩ lui, tóm lại câu trả lời nào đúng?

Đó là công án Thiền, quý vị trả lời đi, nếu không trả lời [lại] bắt đầu suy nghĩ qua suy nghĩ lại. Để chút nữa rồi [Thiện Trang] giải đáp công án này cho quý vị. Quý vị thử suy nghĩ trả lời xem, chúng ta giải thích hết câu này, rồi tới bài kệ thứ tám thì Thiện Trang sẽ giải thích.

#Tỳ Bà Sa sư truyền thuyết như thử: sư Tỳ Bà Sa tức là ngài Tôn giả Thế Hữu, thì truyền dạy như vậy.

Tạm dịch: Hoặc gọi là Hữu ly, ly là vĩnh viễn xa rời, tức là [xa lìa] Niết-Bàn, (bởi vì đi theo đường này thì xa rời Niết-Bàn), bởi tất cả Hữu vi có sự xa lìa đó. Hoặc gọi là Hữu sự, bởi vì có nhân, sự có nghĩa là nhân (nhân này là nhân của sanh tử, thì sẽ có quả sanh tử. Cho nên gọi là Hữu sự. Sự này là sự sanh tử đó quý vị. Đoạn này không chú giải thì không hiểu gì hết). Sư Tỳ Bà Sa truyền dạy như vậy.

如是等類是有為法差別眾名,於此所說有為法中。頌曰:

Như thị đẳng loại thị Hữu vi pháp sai biệt chúng danh, ư thử sở thuyết Hữu vi pháp trung. Kệ viết:

Giải:

#Như thị đẳng loại thị Hữu vi pháp sai biệt chúng danh: những loại như vậy là tên khác nhau của các pháp Hữu vi.

Các pháp Hữu vi thì nhiều lắm, nhưng mình gọi một cái thôi, gọi là Hữu vi pháp là xong. Nhưng để cho hiểu rõ, thì mình hiểu thế nào là Hữu vi, thế nào là Hữu sự v.v… Thật ra mình chỉ biết một cái tên thôi cũng được, còn nếu biết nhiều cái tên thì tốt, sẽ rõ nghĩa hơn. Tại vì ngôn ngữ A Tỳ Đàm muốn chia chẻ cho rõ hơn, chia ra, nên Pháp Tướng Duy Thức là chia nhỏ. Còn ai không thích chia chẻ ra thì học Bát Nhã, học Pháp tánh, Bát Nhã nói Không thôi. Nhiều người [nói] Không Không, ở trong Kinh A Hàm nói: “Không không phải là không có, cũng chẳng phải là có”. Cho nên mấy người học, nghe chữ Không rồi quất vô. Ở trong Kinh A Hàm, đức Phật nói luôn đó quý vị, bữa nào Thiện Trang dẫn cho quý vị thấy. Đức Phật nói rõ ràng, trong kinh nói Không không phải là không có. Nhiều người cứ tưởng [Không] là không có, rồi nói không có. Không không phải là ý nghĩa đó. Ở đây chúng ta học hết câu này rồi giải thích công án.

#Ư thử sở thiết Hữu vi pháp trung tụng viết: ở đây đã nói ra trong phạm vi của pháp Hữu vi.

Tóm lại quý vị nên nhớ cho Thiện Trang, bài kệ này đơn giản thôi. Pháp Hữu vi tức là có sanh có diệt, gọi là Hữu vi. Đó là một cách. Và pháp Hữu vi thì có tính chướng ngại, ví dụ như Ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Và pháp Hữu vi này cũng gọi là Thế lộ, vì đó là con đường chính đi vô luân hồi, là do thằng này. Hoặc cũng gọi là Ngôn y; Ngôn y là nương theo ngôn ngữ lời nói. Còn pháp xuất thế gian gọi là pháp Vô vi, thì đi ngược với Thế lộ này, ra khỏi sanh tử luân hồi, nên ngược lại gọi là xuất thế đạo. Còn Ngôn y tức là phải lìa khỏi ngôn từ lời nói, bởi vì lời nói ngôn từ không thể diễn tả được. Thánh đạo thì diễn tả kiểu gì được, diễn tả tạm tạm thôi. Điều này gọi là Hữu ly, tức là có sự xa rời Niết-Bàn. Như vậy ngược lại, nếu pháp Vô vi thì có Vô ly, tức là không rời Niết-Bàn. Còn Hữu sự tức là còn có nhân quả trong đó. Còn khi Niết-Bàn rồi thì hết nhân hết quả, giống như là củi hết thì lửa tắt. Đừng có hỏi sanh về đâu nữa, không có trong cảnh giới luân hồi nữa.

Quý vị [chỉ cần] hiểu được chút này thôi. Tóm lại hiểu được điều này, thì mình hiểu được Vô vi, Hữu vi. Còn bám theo ngôn ngữ này, thì ngày xưa các ngài hiểu chứ mình không hiểu. Nhưng bây giờ mình phải giải thích rõ ra như vậy.

Tạm dịch: Các loại như vậy là các tên khác nhau của pháp Hữu vi, ở đây đã nói trong phạm vi của pháp Hữu vi. Kệ ghi rằng:

Trước khi đến bài kệ thứ tám, Thiện Trang sẽ giải đáp công án đó, để coi quý vị giải đáp [công án] đó đúng không. Có người bình luận là: sư tử dẫn đầu sẽ thắng. Có người nói: con sư tử dẫn đầu, thì đàn cừu thắng. Sao không ai đưa điều ngược lại? Còn nhiều người không biết thế nào. Riêng về công án Thiền đó quý vị, đầu tiên đưa ra nhiều điều: một là đưa ra điều gì đó rõ ràng. Nhưng thông thường đưa ra một cái mơ hồ, để test (kiểm tra) trình độ tư duy nhanh, trực giác của mọi người. Quý vị đưa ra nhanh chính xác là đúng. Còn nếu với công án Thiền, mà quý vị suy nghĩ tới suy nghĩ lui, thì quý vị dùng ý thức rồi. Đó không phải là trực giác. Trực giác chính là trí huệ. Nếu quý vị càng nhanh đưa ra đáp án chính xác, thì [đúng].

Bây giờ quý vị nghe người ta nói: sư tử dẫn đầu đàn cừu, thì sẽ thắng. Tại vì con sư tử dẫn đầu đàn cừu là hợp lý. Con cừu [dẫn đầu] kia chạy, thì đàn sư tử kia chạy. Có hai người đưa ra như vậy. Còn người nào đưa điều ngược lại, là con cừu dẫn đầu thì đàn sư tử thắng. Thì người ta sẽ nói là: tuy là đầu tiên con cừu chạy, nhưng nguyên đàn còn lại là sư tử thì phải thắng chứ.

Ví dụ này, đầu tiên quý vị thấy là phi thực tế, tại vì sao? Làm gì có chuyện đó đúng không? Đó là test chỗ này nè. Đầu tiên là ví dụ phi thực tế đã, phi thực tế là làm gì có chuyện đó, làm gì có một con cừu dẫn đầu đàn sư tử, và làm gì có con sư tử dẫn đầu đàn cừu. Đây là một điều phi thực tế. Đầu tiên là người nào nhận định được điều phi thực tế đó, thì yên tâm là đúng. Tại vì chúng ta sống với đạo Phật, sống với chánh niệm, mình biết điều đó là không có. Đã không có thực tế rồi, thì ta không bàn nữa.

Nhưng nói như vậy, thì người ta không thuyết phục. Nếu như cần bàn, thì ta mới đưa vào giả thiết thực tế. Giả sử có thì sao? Tất nhiên quý vị ra đáp án nào cũng đúng, tại vì là phi thực tế mà, phi Danh chân, đâu có chân thật đâu. Cho nên đưa ra một giả thiết thế này, ví dụ có người nói: sư tử dẫn đầu thì đàn cừu sẽ thắng. Ý nói trong một cơ quan, trong một công ty, trong một đất nước, với một vị lãnh đạo anh minh và tài giỏi, thì có thể dẫn dắt khiến mọi người đi về một đường hướng tốt đẹp, một đất nước tốt đẹp, một công ty phát triển với một ông sếp tuyệt vời.

Quý vị đưa giả thiết này vào trong đó để giải thích, thì cũng đúng. Quý vị cũng ghi được điểm: à tôi cũng có trực giác đúng. Nếu quý vị nói ngược lại, có người cũng có thể nói không đồng ý với điều đó. Là tôi thấy nếu ông sếp có dở (là một con cừu), nhưng mà cả một đất nước, cả một công ty toàn là nhân viên siêu đẳng. Vậy ông sếp ngồi chơi thôi, cũng đảm bảo thành công. Cho nên đây là đưa ra một giả thiết, nhưng cũng là một mô hình trong thực tế. Tức là ly ngôn tướng (rời khỏi lời nói) đi, để mình hiểu bản chất, thì giá trị trong công án này mang lại cho chúng ta một đáp án mở như vậy. Quan trọng là quý vị đưa ra đáp án nào? Nếu như người đưa ra được cả ba tình huống trên, thì người đó mới có thể gọi là có trí huệ của công án Thiền. Mà nhanh chóng đưa ra, chứ không phải suy nghĩ một hồi mới đưa ra. Còn nếu như quý vị suy nghĩ một hồi, suy nghĩ tới suy nghĩ lui, mới đưa ra đáp án đó, thì đó không phải [là] công án Thiền nữa. Không phải là Thiền bình thường, mà là suy tư. Cho nên đã là suy tư, thì không phải là Thiền.

Còn khi người ta đưa ra phải là trực giác, đầu tiên mình đừng để thiên hạ lừa, vì việc đó không có trong thực tế. Sau đó mình vẫn nói là nếu như đưa vào hoàn cảnh, ví dụ như Thiện Trang dẫn ra [một] công ty, một đất nước, với sự lãnh đạo của một người sáng suốt, thì có thể sự nghiệp đi lên. Nhưng mà nhân viên dốt quá, dở quá, thì làm sao kéo lên được. Quý vị thấy một con sư tử kéo đàn cừu. Trong công ty mình, mình giỏi thiệt, nhưng mà công ty đó toàn là nhân viên dở quá, thì làm sao [kéo] lên được. Quý vị nghĩ có thực tế không? Không! Không đúng! Nếu chỉ có ông sếp giỏi không, mà nhân viên của công ty dở thì cũng không được.

Vậy thì bây giờ nhân viên xuất sắc hết, mà ông sếp dở, ngược lại thì có được không? Cũng tương đối thôi, nếu ông sếp đưa ra chính sách ngu quá thì cũng không được. Tóm lại, đó chính là A Tỳ Đàm đó quý vị. Đó là phải Ly khứ duyên mới được, phải hài hoà. Vừa rồi chúng ta học, gọi là Tương ưng duyên mới được, còn đây là Bất tương ưng duyên rồi, liên quan đến đó. Cho nên trong một đối tượng nào, một sự thành công phải có sự hài hoà, phải có Tương ưng duyên. Còn nếu ngược như vậy thì không thành.

Tóm lại là hai đội quân đó đều có vấn đề. Đội quân sư tử dẫn đầu đàn cừu, hoặc một con cừu dẫn đầu đàn sư tử, đều có vấn đề. Nhưng nếu bây giờ cho ra trận đánh thiệt, một con sư tử dẫn đàn cừu thả ra, rồi một con cừu dẫn đầu đàn sư tử thả ra. Thiện Trang đảm bảo đàn sư tử thắng. Tại vì sao? Vì đàn sư tử không nghe lời đâu, nó xông ra cắn thôi. Đó là một ví dụ thực tế. Nếu mình thực tế là như vậy. Chắc chắn đàn sư tử thắng, nó đông hơn thì phải thắng thôi.

Đây là mình hiểu được, mình phân tích một chút. Nhưng mình phải hiểu trong giáo lý A Tỳ Đàm này: là mọi sự ở đời này phải có hòa hợp và phải có Tương ưng duyên. Còn nếu không hòa hợp được, như nước với lửa, chống trái nhau, vậy thì không thành tựu. Nên nhiều khi ở đời, mình hay bị lừa bởi những giả thiết nhiễu như vậy đó quý vị. Thật ra đơn giản, từ đầu mình phải xác định ngay được, là đàn sư tử phải thắng thôi. Vì chúng là sư tử, không phải là như người mình, nó đâu nghe lời đâu. Sư tử ra thấy đàn [cừu] kia, thì nó cắn thôi, chứ đâu cần phải quan tâm gì nữa, chắc chắn thắng.

Tại vì mình suy nghĩ, mình có kinh nghiệm, tưởng của mình về loài người, mình nghĩ nó nghe lời con đầu đàn, con đầu đàn chạy thì nó cũng chạy. Đó là mình bị lừa. Cho nên mình không có trực giác là vậy. Còn khi nào quý vị thấy trực giác A-la-hán, hỏi A-la-hán là A-la-hán trả lời đúng liền, không cần suy nghĩ, không cần phải tác ý nhiều đâu. Đơn giản như vậy.

Bây giờ chúng ta sang bài kệ thứ tám:

Bài Kệ 8

Hữu lậu danh Thủ uẩn有漏名取蘊,Hữu lậu là Thủ uẩn
Diệc thuyết vi Hữu tránh亦說為有諍,Cũng gọi là Hữu tránh
Cập Khổ, Tập, Thế gian及苦集世間,và Khổ, Tập, Thế gian
Kiến xứ Tam hữu đẳng.見處三有等。Kiến xứ hay Tam hữu …

Giải:

#Hữu lậu danh Thủ uẩn: Hữu lậu gồm Thủ uẩn; #Thủ uẩn là ngũ Thủ uẩn, cũng gọi là Ngũ ấm hay là Thủ uẩn; #ấm là ngăn che, ngăn che sự sáng suốt, nên gọi là Ngũ ấm. Còn Thủ uẩn: #uẩn ở đây nghĩa là tập hợp lại nhiều cái. Giống như Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, năm thứ tập hợp lại, hoặc là nơi tập hợp các nghiệp của mình, dẫn đầu các nghiệp, giữ được các nghiệp đó, gọi là Thủ uẩn.

#Diệc thuyết vi Hữu tránh: cũng gọilà tranh (hay tránh), tức là có sự tranh đấu ở trong đó. Tại sao có sự tranh đấu ở trong đó, thì từ từ chúng ta sẽ học sau.

#Cập Khổ, Tập, Thế gian: Thủ uẩn cũng gọi là Khổ trong Khổ đế, Tập trong Tập đế. Có thân Ngũ uẩn hay thân Thủ uẩn, thì sẽ có khổ thôi. Quý vị thấy có thân người khổ không? Có! Chúng ta có thân người là phải lo ăn uống, phải lo tắm rửa, phải lo chăm sóc thân này. Không có thì khỏe, bây giờ có khổ quá. Thân chư thiên thì đỡ khổ hơn, đỡ khổ hơn thôi chứ không phải không khổ. Còn thân này là khổ, lâu lâu bệnh [nên] khổ, và nó chứa đựng những nguyên nhân khổ ở trong đó.

Các loại Phiền não gọi là Tập. Ví dụ như mình có thân người, thời tiết nóng một chút là khó chịu quá, sân lên, thời tiết lạnh quá cũng khó chịu. Rồi ăn no quá thì mệt, buồn ngủ. Ăn không đủ thì đói quá, run tay run chân. Ngay thân Ngũ uẩn này, đã chứa một mớ khổ, và nó chứa nguyên nhân của khổ, là từ các Phiền não đi theo.

Ví dụ như thân của chúng ta, ở trong kinh Phật nói: do thân này nên chúng ta bị rất nhiều điều dễ phiền não hơn chư thiên. Vì thân của chư thiên nhẹ nhàng, nên họ ít phiền não hơn ta. Còn thân của chúng ta bị phụ thuộc nhiều yếu tố quá, thời tiết nóng lạnh. Giống như trong Kinh A Hàm, khi đức Phật lên giảng kinh trên cõi trời Đao Lợi, giảng ba tháng ở trên đó. Vua trời Đế Thích có lúc thỉnh Ngài: “Bây giờ Ngài ăn theo thức ăn của cõi Trời, hay ăn thức ăn của cõi Người?”. Đức Phật mới nói: “Tất nhiên ta sanh ra ở cõi Người, ta với thân thể cõi Người, thì ta ăn thức ăn ở cõi Người. Hãy đãi ta bằng thức ăn cõi Người”. Vua trời Đế Thích mới hỏi Ngài tiếp: “Ngài muốn không khí môi trường ở cõi Trời, hay không khí môi trường ở cõi Người?”. Đức Phật cũng nói: “Ta vì ở cõi Người, cho nên ta phải sử dụng không khí môi trường ở cõi Người”.

Mặc dù vua trời Đế Thích đãi món ăn cho đức Phật, nhưng phải biến hiện đồ ăn lẫn môi trường, tức là hoàn cảnh để ăn, giống như ở nhân gian. Bởi vì Ngài vẫn dùng thân thể bình thường lên đó, chứ không phải thân của trời Đao Lợi. Có nghĩa là Ngài có thể chuyển hóa hết, nhưng Ngài vẫn thọ dụng [thức ăn] như thế. Cho nên nếu lên cõi Trời đâu có phải đâu, lý do là ăn nên khác đó quý vị. Thức ăn cõi Trời khác, điều đó trong Vật thực duyên. Vật thực duyên là ăn khác nhau, cũng ảnh hưởng khác nhau, và rồi ra khác nhau.

Nên cõi Người này mới đầu hình thành, từ trời Quang Âm xuống cũng do ăn đất, ăn càng nhiều thì càng nặng nề, càng thô xấu. Trong Kinh A Hàm, đức Phật nói rõ: càng về sau này đời Ngũ trược của chúng ta, càng ngày thức ăn càng tệ đi. Cho nên con người càng nhỏ bé hơn, thấp hơn, rồi xấu hơn, phiền não nhiều hơn.

Quý vị thấy vậy không? Bây giờ Thiện Trang nói, khỏi cần nghe trong kinh, quý vị ai đã từng ra các nước Châu Âu, Châu Mỹ rồi, sống ở Việt Nam qua Châu Phi v.v…. Mình ăn thức ăn của Ấn Độ thôi, mình ăn thức ăn của mỗi nước, mình đã cảm thấy khác nhau rồi. Ở Việt Nam ăn xong thì sao? Hồi trước thì không biết, [nhưng] bây giờ ăn xong là buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, vì mệt. Nếu ăn ở các nước Châu Âu thôi, các nước tốt tốt là thức ăn sạch, ăn vào người tỉnh táo hơn. Mỗi ăn thôi đã ảnh hưởng, thân thể mình bị ảnh hưởng nên Phiền não của mình nhiều hơn. Vì mình ăn nhiều, mệt mỏi, dễ nổi sân hơn. Còn người ta ăn xong thì thanh thoát. Cho nên người Châu Âu chẳng hạn, người ta khỏe khoắn hơn, người ta tỉnh táo hơn, vui vẻ hơn mình.

Rồi thời tiết [bên] mình, trưa nắng nóng quá cũng buồn ngủ, nên cựa cái là nổi sân. Còn thời tiết ở Châu Âu mát dịu hơn, nên người ta nhẹ nhàng hơn. Rồi xứ lạnh với xứ nóng, quý vị cứ để ý đi, hồi xưa Thiện Trang lên sống ở Đà Lạt [trong] bốn năm thời sinh viên. Thiện Trang thấy người Đà Lạt trầm tính hơn, bởi vì lạnh hơn mà, người ta ít nhộn nhịp. Còn người Sài Gòn thì rộn ràng vui vẻ hơn.

Cho nên quý vị thấy, tuy cùng trên đất nước hình chữ S, Việt Nam, nhưng mỗi vùng có văn hóa khác nhau, mỗi tập sống khác nhau, mỗi tính cách khác nhau, do môi trường tạo nên. Từ nhỏ mình sống, ví dụ như miền Bắc, thì vừa có nóng vừa có lạnh, nên khác. Còn miền Nam chỉ có xứ nóng thôi, nên người ta vui vẻ hơn, người ta nhanh nhẹn hơn. Đó là điều đương nhiên. Chỉ có hai mùa mưa và nắng, chứ không có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Còn nơi nào thay đổi bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thì người ta cũng có những điểm [riêng] của người ta, tính của người ta dễ thay đổi và cũng dễ thích nghi với những thay đổi thế này kia.

Còn người ở xứ nóng, người miền Nam, đặc biệt người miền Tây tại sao họ phóng khoáng? Quý vị biết đồng bằng sông Cửu Long, hoặc là miền Nam, nội đồ ăn trái cây hay bất cứ động vật, thực vật thì nhiều hơn miền Bắc xứ lạnh. Nên người ta sống phóng khoáng quen rồi. Bây giờ thì không nói, [nhưng] hồi xưa ở miền Tây khỏi phải tích lũy tài sản, vì ra đồng là có cá, có trái cây đầy. Quý vị xuống Bến Tre xem, dừa bát ngát luôn, quý vị muốn ăn cỡ nào ăn, thì tự nhiên người ta phóng khoáng thôi, đãi khách không cần suy nghĩ.

Còn mình coi ở vùng miền Trung khô cằn, trồng được cây mít có mấy trái thôi, đã mừng gần chết, sợ mưa bão rụng nữa. Đó là do hoàn cảnh tạo con người, mình sống riết là quen ở trong đó, cho nên tại sao mình lại như vậy. Rồi mình sống ở trong vùng nào, là [chịu] ảnh hưởng ở đó. Nên ngay những yếu tố đó, đã ảnh hưởng đến mình, đừng nói cao siêu gì hết. Mình chưa phải Thánh nhân, [nên] mình ở đâu thì bị ảnh hưởng ở đó.

Vì vậy thế gian là khổ, và nguyên nhân của khổ thì có trăm ngàn loại, từ khổ bên trong đến khổ bên ngoài. Khổ bên trong tức là khổ do Phiền não của mình. Thật ra đức Phật nói luôn, ở đây chưa có thời gian để trích, đức Phật nói do nguyên nhân gì mà đất đai khô cằn, sông ngòi rồi v.v… khó khăn, mùa màng khó. Trong Kinh A Hàm, đức Phật nói là do tâm người, tâm chúng sanh không tốt, suy nghĩ làm những điều xấu, cho nên chiêu cảm ra những điều như vậy.

Cho nên đúng như Kinh Vô Lượng Thọ nói, mai mốt học tới Kinh Vô Lượng Thọ thấy đúng y chang, “Phật sở hành xứ”, là nơi nào có giáo pháp của Phật được lưu truyền, thì tự nhiên nơi đó được phước thái dân an, binh đao vô dụng, v.v… đủ thứ các loại. Thật ra là do tâm mình, tâm chúng sanh chuyển thì [hoàn cảnh] chuyển thôi.

Bây giờ nhiều người nói: Việt Nam tu đông lắm mà, sao hoàn cảnh cũng không tốt? Thiện Trang nói có hai nguyên nhân: Nguyên nhân thứ nhất: là tu thì đông, nhưng tu rốt ráo không nhiều. Quý vị coi đi, đem Bát chánh đạo ra mà so. Bát chánh đạo là tám điều kiện tiên quyết để tu bậc Thánh, mà xét ra là rớt sạch. Bao nhiêu người tu đúng chánh đạo, quý vị coi đi, cho nên mình tu là tu hình thức thôi, tới chùa lạy lục, van xin, cầu khẩn, tụng niệm v.v… là chính. Chứ [xét] tu Bát chánh đạo xét ra là rớt sạch.

Bây giờ đồng tu ở đây cũng tu cao lắm rồi, bây giờ mỗi ngày quý vị tu bao nhiêu tiếng thiền định đúng nghĩa? Hay là lên tụng cho một bài kinh, để trả bài [cho] Phật. Đâu có tu thiền định đúng nghĩa đâu, có Chánh định không? có Chánh niệm không? Ở đây chúng ta có niệm Pháp nhiều. Nhưng quý vị nhìn xem, những người bình thường đa số đi chùa vô chùa tụng thời kinh là hết rồi, đâu có nhớ Chánh niệm gì đâu. Rồi Chánh mạng, có làm nghề nghiệp chân chánh hay không? Mình cứ xem xét Bát chánh đạo là rớt sạch, chưa cần nói tu cái khác. Đó là lý do Phật giáo ở Việt nam, có đến gần 70 triệu người biết, nhưng số người thật sự tu thì không nhiều, đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai là khi tu, có chuyển liền không quý vị? Quả báo có đến liền không? Chưa đến liền! Thông thường trong Kinh A Hàm, đức Phật nói thế này (Thiện Trang xin phép, tại vì Thiện Trang nhớ Thiện Trang kể thôi): Người tạo nghiệp đời trước, tức là mình sống từ nhỏ lo tu tạo nghiệp tốt, thì nửa đời này thường tốt. Còn nửa đời sau của mình, là nửa phần sau của đời trước. Bây giờ nói Thiện Trang thôi, Thiện Trang từ nhỏ không có điều kiện tốt v.v… trong gia đình khó khăn, là Thiện Trang biết nửa đời trước của đời trước Thiện Trang không gieo được nhân tốt lắm. Thông thường nửa đời trước là mình bỏ phí rồi đúng không quý vị? Thiện Trang tu nửa đời sau của đời trước (tức là phần đời trước [tu] trong nửa đời sau), nên bây giờ nửa đời sau này trổ quả.

Đây là trong Kinh A Hàm đức Phật nói, chứ không phải Thiện Trang nói. Tức là điều này do đời trước của mình, cho nên biết đạo sớm vẫn tốt hơn. Nếu biết đạo trễ, mình tu trễ quá, thì đời sau mình lại khổ nửa đời nữa rồi. Thậm chí tới già mình mới biết. Nếu như mình chưa ra khỏi sanh tử luân hồi, mình [vẫn] ở trong luân hồi, thì đời sau mình đầu tiên là hưởng quả của nửa đời trước (phần trước khi chưa gặp Phật pháp) rồi sau đó nó mới tới. Cho nên nhiều người tại sao mới sanh ra đời họ nghèo, một hồi rồi họ thành tỷ phú là vậy đó quý vị. Đó là đức Phật nói một phần nguyên nhân, đó là một phần thôi không phải là tất cả, nhưng rõ ràng là như vậy.

Rồi còn những quả báo tu, trong Kinh A Hàm đức Phật nói: Nếu mình cúng dường các bậc Thánh nhân v.v… thế này thế kia. Hình như ngài A Nan hay ngài nào đó nói: “Sao ngài không khuyên cúng dường mấy người đó? Mà bảo đi cúng dường cho những người bình thường, người giữ giới thôi, sao không cúng dường cho bậc Thánh quả? Rồi [để] giúp người nghèo hèn, sao đức Phật không khuyên bảo ông đó cúng dường cho các bậc đắc quả vị Thánh?”. Đức Phật nói: “Tại vì nếu cúng dường cho mấy người giữ giới, mấy người chưa [đắc] Thánh quả, mấy người nghèo v.v… thì quả báo đến ngay trong đời này. Còn nếu như cúng dường cho các bậc kia, thì quả báo có thể đến chậm hơn”.

Có nghĩa là bây giờ quý vị gặp vị A-la-hán, quý vị cúng dường A-la-hán, nhiều khi đời này chưa trổ quả kịp, mà quý vị cúng cho những người bình thường, thì đời này có thể trổ quả nhanh hơn. Ngược đời vậy! Có những điều mình học trong kinh mình mới thấy, có nhiều điều kỳ lạ quá. Cho nên đôi khi đức Phật quán cơ: là bây giờ cúng cho người này trước đi. Nhưng tất nhiên cúng [dường] cho các bậc Thánh như Phật, thì phước báo lớn đến liền thôi. Nhưng cúng cho các vị Thánh như A-la-hán, hay Tu-đà-hoàn, thì thông thường quả báo đời sau, ít khi đến quả báo đời này, còn cúng [dường] Phật là tới liền. Còn những người bình thường, như giúp người nghèo, giúp gì đó, là thường quả báo đến ngay đời này. Đức Phật không nói nguyên nhân, mà trong Kinh A Hàm có chuyện như vậy.

Cho nên ở đây Thiện Trang muốn nói là: có nhiều điều mình tưởng như mình biết trong giáo pháp của Phật, nhưng cuối cùng mình không biết, và mình học theo thời gian thì rõ ràng. Nên mình hãy cúng nha, bây giờ may quá thời nay phàm tăng cũng khá nhiều, nên quý vị cúng phàm phu tăng cũng có phước liền, chứ người ta đắc đạo rồi quý vị cúng [thì] phước trổ đời sau, chưa trổ đời này. Nên đây cũng là một yếu tố, mà mình phải xem xét trong việc tu phước. Còn quý vị lo cúng cho những người đời này không, thì cũng chưa bằng, nếu có được duyên cúng cho bậc Thánh nhân. Nên mình biết mình cũng phải cúng cả hai, mình ủng hộ cả [hai] bên. Mà mình đâu biết ai là Thánh nhân, ai không [phải]. Không [phải bậc Thánh nhân] thì biết nhiều, nhưng Thánh nhân thì không biết.

Có người hỏi Bát chánh đạo v.v… Bát chánh đạo [thì Thiện Trang] giảng nhiều rồi, quý vị có thể tự coi lại, còn khi nào đụng tới thì giảng lại thôi.

Trở lại bài, Thế gian này thì chúng ta dễ hiểu rồi, Thế gian này là Thế gian trong Phật pháp. Nghĩa là chúng sanh trong luân hồi, thì là Thế gian. Còn có khi nói cả Thập pháp giới là Thế gian. Ở đây nói theo ngôn ngữ này là chỉ luân hồi thôi, Thế gian tức là từ Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới (ba cõi sáu đường).

#Kiến xứ Tam hữu đẳng: cũng gọi là Kiến xứ; #Kiến xứ tức là nơi thấy cái sai; #xứ là nơi, nơi đây là nơi mà có nhiều Tà kiến; #Tam hữu là Dục giới hữu, Sắc giới hữu và Vô Sắc giới hữu. Tức là Dục giới cũng là Hữu vi pháp hay là Hữu lậu, còn ở trong Tam giới. Sắc giới và Vô sắc giới thì cũng có những tên như vậy, cho nên gọi là Thủ uẩn. Hữu lậu thì nhiều, rộng lắm .

論 曰:此 何 所 立?謂 立 取 蘊,亦 名 為 蘊。或 有 唯 蘊,而 非 取 蘊,謂 無 漏 行。煩 惱 名 取,蘊 從 取 生,故 名 取蘊,如 草 穅 火。或 蘊 屬 取,故 名 取 蘊,如 帝 王 臣。或 蘊生 取,故 名 取 蘊,如 花 果 樹。

Luận viết: Thử hà sở lập? Vị lập Thủ uẩn, diệc danh vi Uẩn. Hoặc hữu duy Uẩn, nhi phi Thủ uẩn, vị Vô lậu hạnh. Phiền não danh thủ, Uẩn tùng thủ sanh, cố danh Thủ uẩn, như thảo khang hỏa. Hoặc Uẩn chúc thủ, cố danh Thủ uẩn, như Đế vương thần. Hoặc Uẩn sanh Thủ, cố danh Thủ uẩn, như hoa quả thọ.

Giải:

#Luận viết: là Luận ghi rằng.

#Thử hà sở lập?: điều gì được lập?

#Vị lập Thủ uẩn, diệc danh vi Uẩn: là lập Thủ uẩn, tức là ở đây lập ra một cái tên nữa, gọi là Thủ uẩn. Ở trên kia là Ngũ uẩn, dưới này là Thủ uẩn, và có khi gọi tắt là Uẩn thôi.

#Hoặc hữu duy Uẩn, nhi phi Thủ uẩn, vị Vô lậu hạnh: hoặc cũng có khi chỉ nói Uẩn thôi, mà không phải là Thủ uẩn. Tức không phải là Thủ uẩn, đôi khi nói ngắn là nói Uẩn thôi; là Vô lậu hành, tức là hạnh Vô lậu.

Hạnh Vô lậu là gì? Ở đây mình nói Uẩn thôi. Thủ uẩn là thế gian, nhưng nếu bỏ đi chỉ nói Uẩn, thì bớt hơn, vì bỏ được chữ Thủ rồi. Tức là cách nói này là một cách nói thôi, Thủ uẩn có khi người ta nói Uẩn thôi. Người ta chỉ nói mỗi chữ Uẩn, thì đó không phải là Thủ uẩn, mà chính là hạnh Vô lậu, tức là hạnh xuất thế gian. Tại vì #thủ là chấp trước, là dính mắc. Khi mình bỏ được dính mắc đó ra, thì mình đi trên con đường xuất thế gian, thì thành hạnh Vô lậu. Mấy ngôn ngữ này nói tắt quá.

#Phiền não danh thủ: Phiền não tức là Thủ.

#Uẩn tùng thủ sanh: Uẩn (Ngũ uẩn) đó từ Thủ mà sanh ra, từ Phiền não mà sanh ra.

#Cố danh Thủ uẩn: cho nên gọi là Thủ uẩn.

#Như thảo khang hỏa: #khang là vỏ trấu, tức là giống như cỏ hay là vỏ trấu, thì sanh ra lửa.

Có Thủ tức là có những Phiền não, thì tự nhiên sanh ra Uẩn, sanh ra thân thể (Ngũ uẩn) này. Nếu quý vị không có Phiền não nữa, thì nó không sanh ra. Giống như cỏ và vỏ trấu, thì sanh ra lửa thôi. Có Phiền não, thì có sanh tử luân hồi. Nếu khi nào hết Phiền não, thì hết sanh tử luân hồi, đơn giản là vậy!

#Hoặc Uẩn chúc thủ, cố danh Thủ uẩn: #chúc là dính mắc; Uẩn này dính mắc bởi Phiền não. Nghĩa là quý vị có thân thể này, là do chúng ta còn Phiền não. Nếu quý vị hết Phiền não, quý vị là A-la-hán, thì làm gì có thân thể này, quý vị nhập Niết-Bàn rồi. Cho nên đó là lý do, do sự dính mắc, Uẩn này là dính mắc bởi Thủ, Thủ là Phiền não, nên mới gọi là Thủ uẩn.

#Như Đế vương thần: #thần là quan; quan thì phụ thuộc vào Đế vương, thì dính mắc, [vì] phụ thuộc vào Đế vương mà. Có ông quan nào mà không làm cho Đế vương (vua) đâu đúng không?

#Hoặc Uẩn sanh Thủ: hoặc là do Uẩn sanh Thủ

#Cố danh Thủ uẩn: cũng có ngược lại, do có thân thể này mới sanh Phiền não, nên gọi là Thủ uẩn.

#Như hoa quả thọ: giống như là hoa quả thì sanh ra cây.

Tức là hai cái này liên hệ với nhau, mình có thân này, là do đời quá khứ mình tạo nghiệp, mình có Phiền não mới sanh ra thân này. Rồi do thân này lại tạo ra Phiền não, để luân hồi tiếp, đi vòng như vậy. Tức là cứ vòng vòng trong đó, gọi là vòng luân hồi, gọi là vòng 12 nhân duyên: Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên duyên Sắc. Cứ như vậy vòng vòng.

Nói tóm gọn lại, thay vì nói 12 duyên khởi, gọi là vòng tròn 12 nhân duyên, do thân thể này có Phiền não, có Phiền não nên có thân thể này, và cứ chìm trong đó, cứ chạy trong đó, nên gọi là Hữu lậu, là còn Phiền não hoài.

Mình tu hành là mình dứt. Và cách dứt là gì? Là dứt Phiền não, hết Phiền não là hết luân hồi. Hết Phiền não là tiêu chuẩn của A-la-hán đó, A-la-hán là hết luân hồi. Cho nên đó là một điều rất tuyệt vời, mình phải có khả năng này. Nếu không, nhiều khi mình tu mà không biết, lại cứ vòng vòng trong đó.

Tạm dịch: Luận ghi rằng: Điều gì được lập? Là lập Thủ uẩn, cũng gọi là Uẩn. Hoặc chỉ có Uẩn, chứ không phải Thủ uẩn, là hạnh Vô lậu. Phiền não là Thủ, Uẩn từ Thủ mà sanh ra, nên gọi là Thủ uẩn, như lửa [được sanh từ] cỏ vỏ trấu. Hoặc Uẩn bám dính [phụ thuộc] vào Thủ, nên gọi là Thủ uẩn, như quan lại của Đế vương [thì bám dính phụ thuộc với Đế vương]. Hoặc Uẩn sanh ra Thủ, nên gọi là Thủ uẩn, như hoa quả [sanh ra] cây.

Tóm lại hai cái sanh qua sanh lại với nhau, mình hiểu như vậy cho đơn giản. Có Phiền não, thì sanh ra thân thể này. Có thân thể này, lại sanh ra Phiền não, cứ vòng vòng như vậy (nếu không biết tu). Tu thì mới chấm dứt được, đó chính là pháp này.

[Bài] của chúng ta còn khá dài, nhưng Thiện Trang chia sẻ thêm một chút A Tỳ Đàm, quý vị nghe hoài điều này cũng ngán. Thiện Trang xin chia sẻ một bộ Kinh của Kinh Tương Ưng (tức là trong Kinh Nikaya). Có một bộ Kinh tên là Kinh Ví Dụ Về Núi hay là Ví Dụ Núi, có nói về điều này như sau:

Đức Phật nói:“Này các Tỳ-kheo, các ông hãy đặt ra bảy hòn sỏi lớn, bằng hạt đậu, lên đỉnh núi Sineru (tức là núi Tu Di), thì các ông nghĩ như thế nào? Này các Tỳ-kheo, cái nào là nhiều hơn”.

Bây giờ quý vị lấy bảy hạt sỏi (hạt đá nhỏ), giống như hạt đậu, mà đặt lên núi Tu Di. Núi Tu Di to lắm, thôi mình nói núi Hy Mã Lạp Sơn (núi Himalaya), thì cái nào nhiều hơn. Đức Phật hỏi bảy hòn sỏi lớn bằng hạt đậu, đặt lên núi Tu Di, thì cái nào nhiều hơn? Tất nhiên các [vị] Tỳ-kheo nói hạt sỏi ít, bảy hạt sỏi ít quá, không so sánh gì so với núi đó. Cũng vậy, một vị chứng đắc được Kiến cụ túc, là quả vị Tu-đà-hoàn, thì việc của người đó đã làm xong, nhiều như núi Tu-di. Còn việc người ta chưa làm xong, ít giống như bảy hạt sỏi thôi.

Tại sao Thiện Trang nói điều này? Để quý vị biết con đường chúng ta đi tới Sơ quả Tu-đà-hoàn là lâu xa lắm, cho nên đừng có thất vọng. Có nghĩa là mình tới Sơ quả Tu-đà-hoàn, là như hòn núi lớn Tu Di, là mình làm hết rồi, còn sót lại bảy hạt sỏi như bảy hạt đậu thôi. Thôi không nói như núi Tu Di, mình nói như ngọn núi to lớn, mà quý vị dọn sạch rồi, còn lại bảy hạt sỏi cuối cùng. Thì người chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn, là họ dọn gần sạch rồi, còn một chút nữa thôi. Bảy hòn sỏi là tối đa bảy đời đó quý vị. Cho nên người chứng được quả đó thì đáng nể lắm, chứ không phải giỡn.

Mình tu mình kêu sao tu hoài không chứng. Xin lỗi! Đức Phật nói đó là ví dụ, để đến Sơ quả Tu-đà-hoàn là người ta tu cỡ đó, lâu lắm! Cho nên thành tựu không phải là nhất thời, thành tựu là cứ từ từ, từ từ, đời này tu một chút, đời sau tu một chút. Hoặc là đời nào đó, mình tu cái vèo, khi duyên đủ rồi, gặp thì mới đắc quả. Nhiều người nếu mà đắc quả được hết, thì gặp đức Phật đắc quả rồi.

Trong kinh, có một người giáo phái ngoại đạo, họ đưa ra [câu hỏi] chất vấn đức Phật:Bạch Sa Môn Cồ Đàm! Sao Ngài có lòng từ bi, phổ độ tất cả chúng sanh, mà sao Ngài lại lựa chọn giảng giáo pháp cho người này trước, người kia sau. Có người Ngài không giảng, tại sao như vậy? Như vậy là Ngài đâu có lòng từ bi. Ngài nói lòng từ bi phổ độ chúng sanh mà!”

Đức Phật nói:“Giả sử nhà ông có ba đám ruộng: Đám ruộng thứ nhất màu mỡ, đám ruộng thứ hai vừa vừa, đám ruộng thứ ba khô cằn. Như vậy nếu như gieo lúa, ông sẽ lựa chọn gieo lúa trên đám ruộng nào?” Ông đó trả lời: “Tất nhiên đầu tiên tôi lựa chọn cơ hội gieo trên đám ruộng tốt, đầy đủ phì nhiêu, gieo trên đó thì mới có thu hoạch.

[Đức Phật nói]: “Vậy khi hết đám đó rồi, còn giống nữa thì ông làm gì?[Ông đó trả lời]:“Tất nhiên là đến đám ruộng thứ hai, còn giống thì phải gieo thôi. Cuối cùng gieo hết đám thứ hai vừa rồi, thì đám khô cằn cũng phải ráng gieo, vì còn giống, còn hạt thóc. Nó lên được thì lên, nó không lên được thì thôi”.

Đức Phật nói: “Ta cũng như thế, ta sẽ giảng cho những người căn tánh chín muồi sắp được độ, ta giảng trước. Ưu tiên những người đó, [như] những người xuất gia v.v… rồi sau đó mới tới hàng bậc trung và cuối cùng là hàng bậc hạ. Còn có những người không được”.

Và đức Phật cũng lấy một ví dụ tương tự: Giống như ông có ba lu nước: Một cái lu rất kín, đổ nước vô đầy; Một cái lu hơi rỉ lỗ nhỏ nhỏ; Và có lu thì rỉ rất nhiều. Bây giờ có nước đựng, thì ông ưu tiên đựng ở đâu?”

Cũng vậy, [ông đó trả lời]: “Tất nhiên con phải ưu tiên đựng ở cái bình không bị rỉ. Khi đầy rồi, thì con đựng đỡ qua bình rỉ rỉ, [vì] dư nước mà. Rồi nếu đựng hết, thì con đựng qua cái bình rỉ nhiều.” [Đức Phật nói]: “Ta giảng giáo pháp cũng vậy, ta nhắm những người nào căn cơ đắc độ, ta giảng trước”.

Cho nên đừng có trách gì, mình nghiệp nặng nên đức Phật chưa thể giảng được [cho mình], vì mình chưa làm được. Giống như đá sỏi của mình nhiều quá, chứ không phải còn bảy hòn sỏi như núi Tu Di, nên cần phải cố gắng!

[Thiện Trang] định giảng Tâm sở, nhưng hết giờ rồi, để bữa khác. Mỗi bữa mình chia sẻ một chút như vậy, có bài nội dung sẽ rất hấp dẫn, nhưng có bài cũng không hấp dẫn lắm. Thiện Trang nghĩ rằng những nội dung hấp dẫn, quý vị nghe cũng nhiều rồi, và thật ra hấp dẫn hay không hấp dẫn, là do cảm nhận của mình. Hôm nay Thiện Trang cũng cung cấp cho quý vị rất nhiều kiến thức, để quý vị có thể hành trì. Mỗi hôm mình đưa ra một [nội dung] khác. Hôm sau mình sẽ soạn phần chi thiền đưa vô. Nhưng phần hôm nay thấy, đưa vào thì không hợp lý, hôm khác đưa nội dung này [vào] thì hợp lý hơn.

Hôm nay thời gian cũng hết rồi, hẹn quý vị vào hôm khác, mời quý vị chúng ta hồi hướng:

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đồng sanh về Tịnh Độ”

A Mi Đà Phật!