Responsive Menu
Add more content here...

Tập 237 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014

(Giảng lần thứ 4)

PHẨM THỨ 8: TÍCH CÔNG LŨY ĐỨC – Buổi 22

Tập 237

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Thích Tịnh Không

Thời gian: 19/08/2015

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông

Dịch giả: Sư cô Thích Tâm Thường

Giảo chánh: Thích Thiện Trang.

Kính chào chư vị Pháp sư, quý vị đồng học, kính mời ngồi. Thỉnh mọi người cùng tôi đồng quy y Tam Bảo: 

A-xà-lê tồn niệm, ngã Đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật-Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt-Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng-Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)

Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 574, hàng thứ 6, bắt đầu xem từ chữ cuối cùng.

Ở đây giải thích chữ đạo, thứ nhất, đạo có nghĩa là có thể thông suốt, mọi người dễ hiểu điều này, 二者,涅槃之體 “nhị giả, Niết-Bàn chi thể” (thứ hai là thể của Niết-Bàn), điều này thì không dễ hiểu. Thể của Niết-Bàn, trong pháp Đại thừa gọi đó là đạo, 排除諸障,無礙自在,謂之道 “bài trừ chư chướng, vô ngại tự tại, vị chi đạo” (tiêu trừ các chướng, vô ngại tự tại, gọi đó là đạo). Đây là điều mà trong kinh giáo Đại thừa thường hay dùng, là một ý nghĩa như vậy. Niết-Bàn là tiếng Phạn, dịch sang nước ta, có dịch là diệt, giống như Khổ Tập Diệt Đạo trong pháp Tứ đế, chữ Diệt đó chính là Niết-Bàn. Niết-Bàn trong Khổ Tập Diệt Đạo là Tiểu thừa, Niết-Bàn trong Đại thừa cũng xưng là đạo. Như trong Niết Bàn Vô Danh Luận đã nói: 夫涅槃之為道也,寂寥虛曠,不可以形名得。微妙無相,不可以有心知 “Phù Niết-Bàn chi vi đạo dã, tịch liêu hư khoáng, bất khả dĩ hình danh đắc. Vi diệu vô tướng, bất khả dĩ hữu tâm tri” (Niết-Bàn đó là đạo, vắng lặng rỗng không rộng lớn, không thể dùng sự miêu tả tên gọi mà được. Vi diệu không có tướng, không thể dùng hữu tâm mà biết). Ý nghĩa này là sâu rồi. Thể của Niết-Bàn: thanh tịnh tịch diệt, trong đó không có gì cả, chúng ta thường nói: không có hiện tượng vật chất, không có hiện tượng tinh thần, hiện tượng tinh thần chính là ý niệm, cũng không có hiện tượng tự nhiên, điều được gọi là dao động sóng, thảy đều không có. Đó là Bản thể của Y Chánh trang nghiêm trong Thập pháp giới, cũng chính là nói, Y Chánh trang nghiêm của Thập pháp giới đều là do nó hiện ra, nếu không có nó, thì không thể hiện tiền. Giống như hiện nay chúng ta xem TV, màn hình, trên màn hình không có gì cả, bật màn hình là một khối ánh sáng, thứ gì cũng không có, mở kênh ra, thì có thể hiện tất cả tướng. Hiện từ đâu? Hiện từ màn hình, rời khỏi màn hình thì nó không thể hiện tướng.

Y Chánh trang nghiêm của Thập pháp giới, phạm vi trong kinh Đại thừa nói càng lớn hơn, nói Pháp giới Hư không giới, cõi nước của tất cả chư Phật trong mười phương, tất cả đều là do từ đây hiện ra. Thể và Tướng ở đây không thể nói là một cũng không thể nói là hai, nếu quý vị nói là một, là hai thì đều sai rồi, đều không phải Chân tướng sự thật. Thể có thể hiện có thể sanh, nên không thể nói đó là không có, tất cả tướng sanh ra đều là ảo tướng, nói cách khác, tất cả bất khả đắc, hiện tượng vật chất bất khả đắc, hiện tượng tinh thần (chính là ý niệm) cũng bất khả đắc, hiện tượng tự nhiên cũng bất khả đắc. Vì vậy, chỉ có thể lãnh hội, chứ không thể truyền bằng lời. Quý vị nói nó vốn dĩ không có tên, nói Niết-Bàn, đó là giả danh, dù cho chỗ này nói chi tiết một chút, lặng yên, vắng vẻ, rỗng không, rộng lớn, cũng là bốn tính từ, có phải như vậy không? Nó không có tên, thêm tên gì vào cũng đều là giả. Vì vậy thật sự là không thể dùng tên để gọi nó, cũng không cách nào tưởng tượng, cổ Đại đức nói 起心便錯,動念即乖 “khởi tâm tiện thác, động niệm tức quai” (khởi tâm liền sai, động niệm liền trái). Không khởi tâm, không động niệm thì quý vị thấy được, quý vị hoàn toàn thể hội được, nếu khởi tâm động niệm, thì sai rồi, làm sao dạy được người khác?

Ngày nay chúng ta may mắn hơn Cổ nhân, thời xưa khoa học kỹ thuật vẫn chưa phát triển được như bây giờ, ngày nay chúng ta mỗi ngày đối diện với màn hình, đối diện với màn hình TV, đó là một ví dụ tốt nhất, thật sự xem hiểu được, có một chút giống. Từ chỗ này có thể lãnh hội được một số khái niệm, khái niệm của Niết-Bàn, chính là khái niệm của Tự Tánh, điều được gọi là Niết-Bàn chính là Tự Tánh, người nước ta nói Bản tánh, Bản tánh vốn thiện. Đó cũng là không thể dùng danh từ thuật ngữ để hiển thị, cũng không cách nào dùng tâm niệm để cảm nhận, không có, tất cả không có. Nên nó thật sự là tự tại vô ngại, không có chướng ngại. Chướng ngại là gì? Khởi tâm Động niệm là chướng ngại, Phân biệt Chấp trước là chướng ngại, Khởi tâm Động niệm là chướng ngại vi tế, là chướng ngại căn bản, Phân biệt Chấp trước là chướng ngại to lớn nghiêm trọng. Đó gọi là đạo.

Tiếp theo Niệm lão nói với chúng ta, 由上可知 “do thượng khả tri” (từ trên có thể biết), trong Niết Bàn Vô Danh Luận nói rất hay, 道者,通至涅槃之路 “đạo giả, thông chí Niết-Bàn chi lộ” (đạo: là con đường thông đến Niết-Bàn). Vậy chữ đạo này chính là con đường thành tựu Niết-Bàn, đạo này là đạo lí, cũng là phương pháp. 又即是涅槃也 “Hựu tức thị Niết-Bàn dã” (Vừa chính là Niết-Bàn), câu này nói rất hay, chính là Niết-Bàn, Niết-Bàn chính là đạo, đạo chính là Niết-Bàn. Nói cách khác, Niết-Bàn chính là Tự Tánh, Tự Tánh chính là Niết-Bàn, Niết-Bàn chính là Chân Tâm, Chân Tâm chính là Niết-Bàn, chắc chắn không có chút hư vọng nào. 綜上經論,住於無上真正之道者,真正者,真實無差也 “Tổng thượng kinh luận, trụ ư Vô thượng chân chánh chi đạo giả, chân chánh giả, chân thật vô sai dã” (Tổng hợp những kinh luận ở trên, về câu ‘trụ ư Vô thượng chân chánh chi đạo’, chân chánh: là chân thật không có sai khác). Trụ trong điều này tốt, trụ trong điều này liền sanh trí huệ, bất luận vấn đề gì hiện tiền, thì trí huệ tự nhiên ứng phó.

Thế gian hiện nay đây có nhiều vấn đề. 40 năm trước, tôi xuất gia cũng không phải quá lâu, nhưng cũng đã có 12 năm rồi, khi tôi hơn 40 tuổi. Có một năm An Cư mùa hạ, do chùa Đại Giác ở Cơ Long tổ chức, lão Hòa thượng mời tôi đến giảng Kinh Lăng Nghiêm, tôi sống ở trên núi gần hơn nửa tháng, đã bị một trận bệnh. Ở trên núi nghe nói lão Hòa thượng, lão Hòa thượng rất tuyệt vời, ngôi chùa ấy hoàn toàn là quân nhân xuất ngũ học Phật, sau khi xuất ngũ đều đến đó xuất gia. Tố chất của quân nhân xuất ngũ không đồng đều, không có ngày nào là không cãi nhau, những người ấy ngày nào cũng cáo trạng với lão Hòa thượng, thì lão Hòa thượng ứng phó thế nào? Lão Hòa thượng nói đều đúng, ngài không có Phân biệt, ngài không có Chấp trước. Duy trì đạo tràng đó thật không dễ, đạo tràng ngày nay, bất luận là đạo tràng lớn hay là đạo tràng nhỏ, [nơi] ngài xem như là đạo tràng lớn, hơn 100 người sống ở đó, hai người trong đạo tràng nhỏ, không hoà, hai người cũng có tranh chấp, cũng không thể chung sống hoà thuận, người nhiều thì càng không cần nói nữa. Gia hòa vạn sự hưng.

Vì sao năm xưa khi đức Thích Ca Mâu Ni Phật còn ở đời, Tăng đoàn đó không nhỏ, hơn 1.000 người, cũng có sự gây rối, là do Lục Quần Tỳ-kheo, Đề Bà Đạt Đa dẫn đầu, đức Phật dùng phương pháp gì để đối đãi với họ? Là Mặc tẩn. Mặc tẩn chính là tất cả tuỳ họ đi, không để ý tới họ, họ làm việc tốt cũng được, làm việc xấu cũng được, đều không nên nói, đều không nên để trong tâm. Thì Tăng đoàn ấy có thể duy trì, sẽ không bị phá hoại. Tôi nghĩ, đức Thích Ca Mâu Ni Phật sớm đã nhìn thấy xã hội ngày nay, thị hiện phương pháp đó cho chúng ta xem, đều tốt, không có thứ gì là không tốt, đều gật đầu, không có lắc đầu. Chính họ cần phải từ từ định tâm lại, buông xuống Vọng niệm, thì họ sáng tỏ thôi. Vì sao đức Phật không thuyết pháp? Bởi thuyết cho họ cũng không có tác dụng, họ không nghe, họ nghe không vào được, chỉ có dùng những phương pháp ấy. Xem ra giống như là sự thoả hiệp, trên thực tế là giáo dục rất sâu. Người ta biết quay đầu không? Biết, chỉ cần chúng ta kiên trì đợi họ quay đầu.

Trong kinh nghiệm dạy học nhiều năm như vậy, kinh nghiệm ấy ở Thang Trì khai thị rất lớn cho chúng ta, cũng làm cho chúng ta tín tâm rất lớn. Lúc đó chúng ta chưa nắm chắc, chưa có tín tâm, văn hoá truyền thống đã bị mất 200 năm, 100 năm trước lơ là, xuống dốc, 10 năm một để tính, 10 năm sau không bằng 10 năm trước. Đến thời đại Dân Quốc, Mãn Thanh mất nước, thời đại Dân Quốc, trên Đại Lục quân phiệt cát cứ, mỗi mỗi đều chiếm cứ một phương, ai cũng không nghe ai. Tiếp theo là kháng chiến đối với Nhật Bản, Nhật Bản phát động xâm lược Trung Hoa, ban đầu cho rằng trong ba tháng có thể tiêu diệt Trung Hoa, Trung Hoa sẽ đầu hàng. Vụ tàn sát lớn ở Nam Kinh đã thức tỉnh người Trung Hoa, người Trung Hoa thật sự đoàn kết lại, chính thức để đối phó với Nhật Bản. Liên tục đều là ở trong động loạn. Việc dạy học văn hoá truyền thống đã bị mất lâu như vậy, hiện nay chúng ta làm thực nghiệm để mong tìm trở lại, ít nhất cũng phải 2-3 năm, cũng phải nhờ vào sự gia trì của Tổ tiên và Tam Bảo, thì mới có thể thấy được hiệu quả. Không ngờ rằng trong ba tháng thì đã xuất hiện hiệu quả, đồng học của chúng ta, gọi là giáo viên, không có người nào mà không ngạc nhiên, làm sao có thể chứ?

Nên khi tôi nghe được tin tức này, tôi trở về để gặp những giáo viên đó, tôi nói với mọi người: chúng ta phải khiêm tốn, chúng ta phải có thái độ cúi đầu, tuyệt không thể kiêu ngạo, sự thành công này, không phải do chúng ta có trí huệ, có đức hạnh, không phải vậy, chúng ta đều thiếu mọi thứ, làm sao có thể xuất hiện hiệu quả như vậy? Tôi nói đó là đức của Tổ tiên, sự gia trì của Tam Bảo, phải cảm ơn lãnh đạo địa phương của chúng ta, phải cảm ơn sự nghe lời, hợp tác của nhân dân, yêu cầu của chúng ta, nhân dân đều hợp tác với chúng ta, dạy họ: Hiếu Đễ Trung Tín, Lễ Nghĩa Liêm Sỉ, Tứ duy Bát đức, Tam Quy Ngũ giới, Thập Thiện Nghiệp Đạo, thì họ đều làm theo, rất khó được xuất hiện một sự hiệu quả như vậy. Tôi cũng cảm thấy một sự liên tục, con đường là do Tổ tiên trải ra, do Tam Bảo gia trì, để chúng ta vào năm 2006, tháng 10 năm đó đã suôn sẻ ở Liên Hợp Quốc, đã tuyên bố sự việc này ở trong Đại hội, cũng đã làm cuộc triển lãm trong ba ngày. Nói rõ lúc đó chúng ta tổ chức hoạt động ấy, mục đích là hai câu nói, nói với Đại sứ của các nước trong Liên Hợp Quốc, cần phải có tín tâm đối với văn hoá truyền thống nước ta. Chúng ta đã mất nhiều năm như vậy, hiện nay đang khôi phục lại, trong ba tháng đã thấy được hiệu quả, xuất hiện hiệu quả, nói rõ thứ này hữu dụng, rất hữu dụng.

Chúng ta đã làm cuộc triển lãm trong ba ngày, đã làm thành công, chính chúng ta mới có tín tâm, trước việc đó, người khác hỏi chúng ta, chúng ta cũng không có tín tâm, trả lời đều là không chắc chắn. Sau khi thực nghiệm ấy thành công, chúng ta nói chuyện với người khác như đinh đóng cột, rất chắc chắn, không còn lập lờ không chắc chắn nữa. Xã hội ngày nay đây, Tổ tiên đã nhìn thấy, Phật Bồ-tát đã nhìn thấy, so với trước đây, 10 năm trước, đúng 10 năm, [từ] 2006, năm nay là 2015, khó hơn 10 năm trước nhiều rồi. 10 năm trước duyên đó tốt, có thể làm thành công, ngày nay đi làm thì chưa chắc có thể làm thành công.

Chúng ta rất may mắn, sống vào những năm này, gặp được Phật pháp, gặp được Tịnh tông, biết Pháp môn này là Đại Pháp Vô thượng trong cửa Phật, đích thực là khó tin mà dễ tu. Làm thế nào bồi dưỡng tín tâm của chúng ta? Kinh nghiệm cả đời của tôi đây là kinh giáo. Về Pháp môn này, trước đây Pháp sư Sám Vân, lúc đó tôi vẫn chưa xuất gia, thì ngài đã giới thiệu Pháp môn này cho tôi. Tôi sống trong lều tranh của ngài nửa năm, thật sự là lều tranh, tường là được làm bằng các tấm rào tre đan lại, quét lên một lớp xi măng, chỉ đơn giản như vậy, cỏ tranh che phía trên, chính là một dãy, tổng cộng 5 gian, ở giữa là Phật đường. Lúc ấy sống ở trên núi có 5 người, hai người tôi và ngài Chu Kính Trụ là Tại gia, còn có ba vị Pháp sư, Pháp sư Sám Vân, Pháp sư Đạt Tông, Pháp sư Bồ Diệu. Tôi chưa tiếp nhận, ban đầu tôi bài bác đối với Tịnh tông, Pháp sư Sám Vân nói tôi đọc Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, sau khi tôi đọc xong Văn Sao thì đã sáng tỏ, không bài bác nữa, cũng không huỷ báng nữa, cũng rất khen ngợi Pháp môn Tịnh Độ này, nhưng chính mình chưa phát tâm tu học Pháp môn này.

Từ Phố Lí, tôi đến Đài Trung để thân cận thầy Lý, bên đó thầy giảng khoảng 2-3 lần một tuần, bản thân thầy giảng một lần, một lớp khác là dạy Quốc văn, sách giáo khoa được dùng là Cổ Văn Quán Chỉ. Tôi đã sống ở Đài Trung 10 năm, thầy Lý giới thiệu Pháp môn này cho tôi, khuyên tôi tu học Pháp môn này, không chỉ một lần, chí ít có 5-6 lần, tôi đều chưa thể tiếp nhận. Pháp khó tin mà! Lúc nào mới tin? Cho nên đó chính là không rời khỏi kinh bản thì tốt. Khi ở Đài Trung, tôi đã học được vài bộ Đại Kinh, ba năm Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa là do chính tôi tu, Kinh Hoa Nghiêm là vài đồng học chúng tôi, gồm Chu Gia Lân, Từ Tỉnh Dân vài đồng học chúng tôi, tôi nhớ 8 người cùng nhau thỉnh thầy giảng bộ Đại Kinh ấy, thầy đã đồng ý. Đã đặt nền móng vững chắc những kinh ấy.

Sau này khi tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm ở Đài Bắc, giảng đến 53 tham vấn, thấy ngài Văn Thù, Phổ Hiền đều do niệm Phật vãng sanh Thế giới Cực Lạc mà thành Phật, cảm thấy rất ngạc nhiên! Ngài Văn Thù, Phổ Hiền là hai vị Bồ-tát mà khi còn trẻ chúng tôi ngưỡng mộ nhất, hai vị ấy là do niệm A Mi Đà Phật vãng sanh Thế giới Cực Lạc mà thành Phật, thật không ngờ tới. Quay lại để xem kỹ về ngài Đồng tử Thiện Tài, quý vị xem, trước đây đã giảng nhưng lần ấy giảng theo kiểu nuốt trọn quả táo, không nhìn ra được. Hiện nay quay lại để xem xét, vị Thiện tri thức tham vấn đầu tiên của ngài Đồng tử Thiện Tài, là Tỳ-kheo Kiết Tường Vân, tu Pháp môn gì? Là chuyên tu Pháp môn Niệm Phật. Người đầu tiên là quan trọng, đầu tiên thì thế nào? Vào trước thì làm chủ. Chính là nói, chủ tu của ngài Đồng tử Thiện Tài là khoá trình gì? Là niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, là chủ tu của ngài. Lại xem điều sau cùng trong 53 tham vấn, sau cùng là Bồ-tát Phổ Hiền, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Quý vị xem, một người đầu và một người cuối, thì bỗng nhiên hiểu ra, 51 vị Thiện tri thức trong đó là đại biểu 84.000 Pháp môn. Sau khi ngài Đồng tử Thiện Tài Đại triệt Đại ngộ thì môn nào cũng học, nhưng môn nào thì ngài chỉ hoàn toàn làm rõ ràng, làm sáng tỏ, rồi ngài liền buông xuống, chủ tu của ngài chính là: niệm Phật, vãng sanh Tịnh Độ.

Chúng tôi mới nhìn ra cửa đạo trong phẩm sau cùng của Kinh Hoa Nghiêm, chương sau cùng. Tôi nhớ tôi cũng đã giảng vài lần về chương ấy, là dùng Sớ Sao của Đại sư Thanh Lương. Thật sự, khó tin mà dễ hành. Nhưng khi tôi vừa tiếp nhận, thì tôi đã thật làm, tôi không phải do mê tín mà tiếp nhận, không phải do người khác khuyên tôi tiếp nhận, mà do tôi đã làm rõ trong không ít năm, đã làm rõ trong nhiều năm mới thật sự làm rõ ràng, làm sáng tỏ, cảm ơn đối với Pháp sư Sám Vân, đối với thầy Lý. Căn tánh của chúng sanh khác nhau, nếu tôi không làm rõ ràng, làm sáng tỏ đạo lí này, mà quý vị bảo tôi tin, thì tôi sẽ không tiếp nhận; Thật làm rõ ràng, thật làm sáng tỏ, thật sự không có sai lầm.

Ý nghĩa của 無上 “Vô thượng” là 此道窮性盡理 “thử đạo cùng Tánh tận Lý” (đạo này cùng Tánh tận Lý), bốn chữ này đều không nói sai chút nào. Tánh là Chân Tánh, Chân Như Bản tánh, Chân Như Bản tánh cùng Tánh, cùng là nghiên cứu, nghiên cứu đến cùng. Ngạn ngữ nói là nghiên cứu cho đến cùng, đó chính là ý nghĩa của cùng, hoàn toàn làm rõ ràng, làm sáng tỏ. Tận Lý, là đối với vạn vật trong vũ trụ, tất cả nguyên lí của thế gian và xuất thế gian, đã sáng tỏ tất cả. Cùng Tánh là Chân Tánh, như hiện nay chúng ta nói màn hình, thì làm rõ ràng rồi; Tận Lý chính là hình ảnh, những Sắc tướng ấy hiển thị trên màn hình, vậy sự việc thế nào thảy đều đã làm rõ ràng. Đó chính là không gì chẳng biết, không gì chẳng thể, toàn tri toàn năng. Toàn tri toàn năng là lời mà tôn giáo thông thường ca ngợi Thượng đế, Phật pháp dùng trong Minh tâm Kiến tánh để nói, nói rất hay, cùng Lý tận Tánh chính là Minh tâm Kiến tánh viên mãn. Quả vị thế nào? Là Diệu Giác Như Lai, không còn ai cao hơn Ngài nữa, Ngài thật sự là Vô thượng. 更無有能過之者 “Cánh vô hữu năng quá chi giả” (Lại không có gì vượt qua được Ngài), không có ai có thể vượt hơn được, Ngài đã đến đỉnh cao.

大士教令眾生,登涅槃彼岸,安住涅槃道果 “Đại sĩ giáo linh chúng sanh, đăng Niết-Bàn bỉ ngạn, an trụ Niết-Bàn đạo quả” (Việc giáo hóa của Đại sĩ khiến cho chúng sanh, lên bờ kia Niết-Bàn, an trụ ở đạo quả Niết-Bàn). Đó là điều được nói trong Niết Bàn Vô Danh Luận, được nói trong quyển thứ 18 của Hoa Nghiêm Kinh Đại Sớ, là dạy chúng ta lên bờ kia Niết-Bàn, an trụ ở đạo quả Niết-Bàn, đó chính là Minh tâm Kiến tánh đạt đến rốt ráo viên mãn. Về Minh tâm Kiến tánh, Bồ-tát Sơ trụ đã khai ngộ, đã kiến Tánh rồi, Sáu căn của quý ngài ở trong cảnh giới Sáu trần đã buông xuống Khởi tâm Động niệm, đó chính là Sơ trụ của Viên giáo. Đạt đến rốt ráo viên mãn nhưng vẫn phải thông qua 42 cấp bậc: 10 bậc Trụ, 10 bậc Hạnh, 10 bậc Hồi hướng, 10 bậc Địa, là 40, phía trên còn có Đẳng giác, trên nữa là Diệu Giác. Chúng ta đều phải làm rõ ràng, làm sáng tỏ những Sự Lý này, thì có thể tiếp nhận, hoan hỉ tiếp nhận.

Ngày nay chúng ta không có năng lực để an trụ ở đạo quả Niết-Bàn, câu nói này, an trụ Niết-Bàn đạo quả, là cảnh giới của Bát địa trở lên, ngày nay chúng ta là hiểu được bờ kia Niết-Bàn, nhưng vẫn chưa lên được. Tuy nhiên, nếu quý vị nắm chắc danh hiệu, tín nguyện trì danh, vậy thì quý vị đã lên được bờ kia Niết-Bàn, sau khi vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, như vậy thật sự an trụ ở đạo quả Niết-Bàn. Đây là pháp khó tin, chỉ cần tin thì quý vị có phần, chúng ta phải coi Pháp này là con đường chính, đó là điều mà cả đời chúng ta nhất định không thể xả bỏ. Chung sống với người bình thường, tâm của chúng ta an trụ ở A Mi Đà Phật, nếu người ta tin, thì chúng ta khuyên họ tín nguyện trì danh cầu sanh Tịnh Độ; Còn người không tin, hiện nay chưa tin, cũng có lẽ qua hai năm mới tin, qua 3 năm, 5 năm mới tin, có. Họ nhìn thấy chúng ta quyết trọn một lòng, không dao động chút nào, dần dần họ sẽ lãnh hội, đây chính là thân hành ngôn giáo, mới có thể khuyên người khác tin. Lúc đó họ thật tin, thì họ thật cảm ơn quý vị, bởi quý vị thật là đã cứu họ, cứu họ ra khỏi từ trong Lục đạo Luân hồi.

Tiếp theo, 下明,由於如上之殊勝妙德,而感如下增上勝果 “hạ minh, do ư như thượng chi thù thắng diệu đức, nhi cảm như hạ tăng thượng thắng quả” (tiếp theo làm sáng tỏ, bởi vì những diệu đức thù thắng như ở trên, mà cảm được quả thù thắng tăng thượng như ở dưới). Không có đức thì không thể cảm quả, nhất định phải có đức.

Khoa đề tiếp theo đây, 酬因感果 “Thù Nhân Cảm Quả” (Báo Đáp Nhân Chiêu Cảm Quả), thứ nhất là 福智 “Phước Trí”. Phước là gì? Là niệm Phật; Trí là gì? Là nhận biết Pháp môn Niệm Phật, biết rõ, thật sự biết Pháp môn này là môn bậc nhất độ chúng sanh của tất cả chư Phật Như Lai. Nếu không thể tiếp nhận không tin được môn này, thì lại giảng cho quý vị vô lượng Pháp môn, để cho quý vị cứ từ từ lựa chọn, trồng thiện căn, chứ đời này thoát không khỏi luân hồi. Chúng ta xem kinh văn:

【由成如是諸善根故。所生之處。無量寶藏。自然發應】 “Do thành như thị chư thiện căn cố, sở sanh chi xứ. Vô lượng bảo tạng, tự nhiên phát ứng” (Do vì thành tựu những thiện căn như vậy, nên sanh ở chỗ nào, thì vô lượng kho báu, tự nhiên phát triển ứng hiện).

Chú Giải của Niệm lão, 如是諸善根 “như thị chư thiện căn” (những thiện căn như vậy), 指上文積功累德之種種善根,是為能感。感必有應。果必酬因 “chỉ thượng văn tích công luỹ đức chi chủng chủng thiện căn, thị vi năng cảm. Cảm tất hữu ứng. Quả tất thù nhân” (chỉ các loại thiện căn tích công lũy đức ở văn trên, đó là có thể cảm. Cảm nhất định có ứng. Quả tất phải báo đáp nhân). Có nhân thì có quả, có cảm thì có ứng. Việc làm của Bồ-tát, niệm niệm vì chúng sanh khổ nạn, không có vì chính mình. Vì chính mình cũng có cảm ứng, nhưng cảm ứng không thù thắng, không vì chính mình mà vì chúng sanh thì cảm ứng đó vô cùng thù thắng, là điều chính quý vị không ngờ tới. Thế nhưng, phước đức trí huệ trên Nhân địa là không thể ít, không thể quên câu ‘tích công luỹ đức’ này. Tuy tích công lũy đức, nhưng tốt nhất đều không nên để trong tâm, làm tất cả việc thiện, giúp tất cả chúng sanh khổ nạn, mà không để trong tâm, làm bằng với không làm, thì quả này thù thắng rồi, đây chính là trí huệ. Làm được bao nhiêu việc tốt còn phải ghi lại, những việc tốt nào tôi đã làm vào năm nào tháng nào ngày nào, giống như Công quá cách của Tiên sinh Viên Liễu Phàm, hằng ngày ghi, có tốt không? Rất tốt, nhưng chúng ta không thể làm, vì sao? Bởi đó là phước báo Nhân Thiên, là chiêu cảm điều này. Nếu không để trong tâm, thì đó gọi là Vô trụ mà Sanh tâm, Sanh tâm mà Vô trụ, như thế trở thành công đức, không phải phước đức, công đức có thể giúp chúng ta vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Vì vậy niệm niệm của chúng ta đều là A Mi Đà Phật, niệm niệm là Thế giới Tây Phương Cực Lạc, vậy thì đúng rồi, không sai.

是故法藏菩薩感得勝果。生生世世,所生之處,均得如下文所得之妙果 “Thị cố Pháp Tạng Bồ-tát cảm đắc thắng quả. Sanh sanh thế thế, sở sanh chi xứ, quân đắc như hạ văn sở đắc chi diệu quả” (Vì vậy Bồ-tát Pháp Tạng chiêu cảm được quả thù thắng. Đời đời kiếp kiếp, sanh ra ở đâu, đều đạt được quả vi diệu sở đắc như văn dưới đây). Tiếp theo nói được nhiều hơn, chỗ này nói chung chung một câu 無量寶藏 “vô lượng bảo tạng” (vô lượng kho báu), chính là quả vi diệu mà Ngài đã đạt được. 首云 “Thủ vân”, là phần đầu nói, 無量寶藏,自然發應 “vô lượng bảo tạng, tự nhiên phát ứng” (vô lượng kho báu, tự nhiên phát triển ứng hiện). Câu này làm cho chúng ta đều nghĩ đến, cảnh tùy tâm chuyển được nhà Cơ học Lượng tử hiện nay phát hiện ra, đó chính là vô lượng. Bảo tạng là gì? Là trợ giúp đức hạnh của chúng ta. Trong Tiên Chú nói, là 累積珍寶之庫藏也 “luỹ tích trân bảo chi khố tạng dã” (kho tàng tích lũy của báu), bảo tạng ở đây chính là kho tàng của báu. Nếu chấp tướng, thì trong A-lại-da lưu lại Chủng tử, Chủng tử của thiện căn phước đức; Nếu không chấp tướng, thì đó chính là Tánh đức, trở về Tánh đức, chính là đạo Niết-Bàn được nói ở trước. An trụ đạo Niết-Bàn là không có Khởi tâm Động niệm, không có Phân biệt Chấp trước, làm tất cả việc thiện đều là tâm thái như vậy, không để trong tâm, trong tâm chỉ có A Mi Đà Phật. Vậy bảo tạng đó cất giữ ở đâu? Cất giữ ở Thế giới Cực Lạc, cất trữ trong kho tàng công đức của A Mi Đà Phật.

Trong Tiên Chú nói, 累積珍寶之庫藏。妙法能濟眾生之苦厄,故以為喻 “luỹ tích trân bảo chi khố tạng. Diệu pháp năng tế chúng sanh chi khổ ách, cố dĩ vi dụ” (kho tàng tích lũy của báu. Pháp mầu nhiệm có thể cứu giúp nỗi khổ ách của chúng sanh, nên lấy đó là tỉ dụ), đó là ví dụ so sánh. Ý nghĩa này rất sâu, là thật không phải giả. Khi chúng sanh có nhu cầu, thì tùy lúc hiện ra, trí huệ hiện tiền, đức năng hiện tiền, tư cụ hiện tiền, cần dùng tài lực để giúp chúng sanh, thì tự nhiên có người đưa tiền tới, cần lương thực cứu tế người khổ nạn, thì có người đưa lương thực tới. Chính mình không cần phải lo lắng, tất cả cảnh giới thật sự là tuỳ theo ý muốn, là cảnh chuyển theo tâm. Nhà Khoa học hiện nay đề xướng điều này, là giống với ý nghĩa ở đây, họ là 以心控物 “dĩ tâm khống vật” (dùng tâm khống chế vật), đề xuất bốn chữ này, biết điều gì? Vật chất từ đâu đến? Vật chất là do từ ý niệm sanh ra. Vì vậy ý niệm thiện, thì vật chất thiện; Ý niệm không thiện, thì vật chất có độc, là không thiện. Nên người ta bị bệnh nặng, ung thư, thậm chí bệnh còn nghiêm trọng hơn ung thư, một khi tâm địa của họ đoan chánh, niệm Phật, không nghĩ bệnh nữa, thì vài ngày khỏi bệnh đó rồi. Vì sao không điều trị bệnh của họ cho khỏi? Đó là gì? Là đã chuyển ý niệm. Về ý niệm, bởi vì thân thể này là hiện tượng vật chất, cải tạo lại hiện tượng vật chất cả thân thể này, thì những mầm độc đó thảy đều không còn nữa, không thấy nữa. Khoa học làm chứng minh cho chúng ta, chúng ta tin sâu không nghi đối với việc này, đích thực là như vậy. Nhưng vẫn có những người không yên tâm, vẫn phải tìm một số phương pháp khác để bổ trợ, cũng tốt, không nên đi cản trở người khác. Hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức, nhưng tất cả không để trong tâm, vậy thì tốt! Đó là tâm hạnh của chúng ta tương ưng với Đại thừa giáo.

Tiếp theo, 發應者,相感而自然開發也“phát ứng giả, tương cảm nhi tự nhiên khai phát dã” (phát ứng, là cảm ứng lẫn nhau mà tự nhiên khai phát), đó là phát ứng. Trong Hội Sớ nói: 菩薩於多劫積布施持戒功,故自感寶藏涌出應其德 “Bồ-tát ư đa kiếp tích Bố thí Trì giới công, cố tự cảm bảo tạng dũng xuất ứng kì đức” (Bồ-tát trong nhiều kiếp tích lũy công đức Bố thí trì Giới, nên tự nhiên cảm được kho báu hiện ra tương ưng với đức của quý ngài). Bồ-tát đến 10 phương để cúng Phật, khi duỗi tay ra thì trên tay tự nhiên có vật cúng dường xuất hiện, mà không có Khởi tâm Động niệm, vật cúng dường ấy nhất định là được chư Phật rất hoan hỉ. Bồ-tát có thể làm được, đại khái A-la-hán cũng có thể làm được. Vậy không phải là biến hoá, đó là cảm ứng, tôi cần lễ vật để cúng Phật, thì lễ vật tự nhiên hiện ra, đó là tương ưng với đức của quý ngài. Cần phải giúp chúng sanh khổ nạn, giúp đỡ chúng sanh khổ nạn thì những vật dùng cần thiết, tài vật cũng tự nhiên từ giữa bàn tay sanh ra. Nhất định phải tin, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nếu có sự hoài nghi đối với tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh, thì không hiện ra nữa, họ có chướng ngại. Nhất định chẳng thể không tin, không thể có hoài nghi, không thể có Tạp niệm.

Tiếp theo chúng ta xem 感果 “Cảm Quả” (Chiêu Cảm Quả). Mời xem kinh văn:

【或為長者居士。豪姓尊貴。或為剎利國王。轉輪聖帝。或為六欲天主。乃至梵王】 “Hoặc vi Trưởng giả Cư sĩ, hào tánh tôn quý, hoặc vi Sát-lợi Quốc vương, Chuyển luân Thánh đế, hoặc vi Lục dục Thiên chủ, nãi chí Phạm vương” (Hoặc làm Trưởng giả Cư sĩ, giàu sang quyền quý, hoặc làm Sát-lợi Quốc vương, Chuyển luân Thánh đế, hoặc làm vua sáu tầng trời cõi Dục, cho đến Phạm vương).

Quý vị xem, chiêu cảm quả. Trời Dục giới, trời Sắc giới, những vị vua của các cõi trời ấy đa phần đều là Hoá thân của Bồ-tát, Bồ-tát tích công lũy đức ở nơi đó, quý ngài giáo hóa chúng sanh. Hiện thân 長者 “Trưởng giả”, đó chính là Đại phú Trưởng giả, thân 居士 “Cư sĩ”, là người Tại gia học Phật, 豪姓尊貴 “hào tánh tôn quý” (giàu sang quyền quý), hoặc làm 剎利國王 “Sát-lợi Quốc vương”, là bà con của Quốc vương, hoặc là 轉輪聖帝 “Chuyển luân Thánh đế”, là Chuyển luân vương, hoặc là vua trời Dục giới. 梵王 “Phạm vương” là Tứ thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền của trời Sắc giới, đó là Phạm vương.

Chúng ta xem Chú Giải của Niệm lão, 長者,乃印度古時,對年長並具德財者之通稱 “Trưởng giả, nãi Ấn Độ cổ thời, đối niên trưởng tịnh cụ đức tài giả chi thông xưng” (Trưởng giả, là cách gọi chung đối với những người lớn tuổi và có đức hạnh của cải vào thời xưa ở Ấn Độ). Những người lớn tuổi, trong xã hội có địa vị, có của cải, rất nhiều người tôn kính họ, vậy gọi đó là Trưởng giả. Cư sĩ, là tên gọi chung của người Tại gia học Phật. Trưởng giả chưa hẳn học Phật, còn Cư sĩ nhất định là người Tại gia học Phật. Trong quyển thứ 10 của Pháp Hoa Huyền Tán nói: 守道自恬,寡欲蘊德,名為居士 “Thủ đạo tự điểm, quả dục uẩn đức, danh vi Cư sĩ” (Giữ đạo tự nhiên an ổn, ít ham muốn, tích chứa đức, gọi là Cư sĩ). Tại gia thật tu, vả lại thật có sự tương ưng, đó chính là thế nào? Là ít ham muốn và tích chứa đức, uẩn là tích chứa, đó là chân Cư sĩ. Tại gia học Phật thật sự thành tựu, trong phần mở đầu bản Kinh này của chúng ta có ngài Hiền Hộ v.v… 16 vị Chánh sĩ, tất cả đều là người Tại gia, Đẳng giác Bồ-tát, là bình đẳng với địa vị của ngài Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, là người Tại gia. 又《會疏》曰:姓貴位高 “Hựu Hội Sớ viết: Tánh quý vị cao” (Trong Hội Sớ ghi: dòng họ cao quý, địa vị cao), đó là chúng ta nói quý tộc, địa vị rất cao trong xã hội, 大富年耆 “đại phú niên kì” (giàu có và lớn tuổi), kì là 70 tuổi, hoặc là 80 tuổi, bảy- tám mưới tuổi, gọi đó là Trưởng giả, 多積財寶,深歸佛乘,居家豐盈,名居士 “đa tích tài bảo, thâm quy Phật thừa, cư gia phong doanh, danh Cư sĩ” (thường tích trữ tiền bạc châu báu, trở về sâu Phật thừa, ở nhà giàu có, gọi là Cư sĩ). Cư sĩ Tại gia, ở Ấn Độ cổ phải có tài sản, cũng chính là, là người giàu có, Quy Y Tam Bảo, xưng là Cư sĩ.

[1:01:04]

豪姓,指名門、望族、大姓、貴家 “Hào tánh, chỉ danh môn, vọng tộc, đại tánh, quý gia” (Hào tánh, là chỉ nhà có tiếng tăm, dòng dõi nổi tiếng, dòng họ lớn, gia đình quý tộc), trong ngoặc đơn tức do Niệm lão nói, 如鄉里之貴者,稱鄉豪 “như hương lí chi quý giả, xưng Hương hào” (như người giàu sang ở trong làng, gọi là Hương hào). 尊貴,指高官顯吏 “Tôn quý, chỉ cao quan hiển lại” (Tôn quý, chỉ quan lớn quan nhỏ vinh hiển), địa vị rất cao, thanh danh cũng cao. 剎利 “Sát-lợi”, đó là giai cấp thứ hai trong bốn giai cấp ở Ấn Độ. Ấn Độ từ xưa đến nay đã có [phân chia] giai cấp rất nghiêm khắc, bốn dòng dõi, thứ nhất là Bà-la-môn, địa vị Bà-la-môn là cao nhất; Thứ hai là Sát-đế-lợi, Sát-đế-lợi là hoàng tộc, cũng chính là nói giai cấp thống trị của quốc gia, gọi là Sát-đế-lợi. 據《西域記》 “Cứ Tây Vực Kí” (Theo Tây Vực Kí), Tây Vực Kí là do Đại sư Huyền Trang trước tác, ý nghĩa là 王種 “vương chủng” (dòng dõi vua), chính là quý tộc. 即今所謂王家貴族 “Tức kim sở vị vương gia quý tộc” (Tức là quý tộc nhà vua được nói ngày nay), các gia đình Đế vương trong các triều đại nước ta, hiện nay ở phương Tây, như nước Anh vẫn còn có Đế vương, Malaysia có Quốc vương, đó đều là thuộc về quý tộc, Quốc vương của họ xưng là Xu-đan. Trong quyển thứ 32 của Luận Trí Độ có giải thích đối với Sát-đế-lợi, 剎利者,王及大臣也 “Sát-lợi giả, vương cập Đại thần dã” (Sát-lợi, là vua và Đại thần). Đại thần, giống như các Bộ trưởng trong tổ chức của chính phủ hiện nay trở lên, đó là Đại thần, vua và Đại thần. 二義稍違 “Nhị nghĩa sảo vi” (Hai ý nghĩa hơi trái ngược nhau), hai cách nói này, cách nói trong Tây Vực KíLuận Trí Độ khác nhau, 或古印度大臣多是貴族歟 “hoặc Cổ Ấn Độ Đại thần đa thị quý tộc dư” (hoặc Đại thần ở Ấn Độ cổ thường là quý tộc ư)? Điều này rất có thể.

Chúng ta nhìn thấy phương Tây có một số học giả nghiên cứu đối với lịch sử nước ta, mọi người họ đều khen ngợi chế độ chính trị của nước ta, khác với người phương Tây. Quý tộc của người phương Tây, người có địa vị cao hầu hết đều là xuất thân từ quý tộc, những Đại thần ấy đều thuộc về quý tộc. Còn nước ta không phải vậy, nước ta bắt đầu từ thời Hán Vũ Đế đã dùng chế độ thi cử, người thường dân cũng có thể tham gia cuộc thi, sau khi thi đậu thì được trọng dụng như nhau. Đầu tiên thi Tú tài, cuộc thi Cử nhân cấp tỉnh, đến khi Hoàng đế đích thân đến chủ khảo, [là] cuộc thi Tiến sĩ. Vì vậy, quý vị là trăm họ bình dân, sau khi thi đỗ, đích thực có thể bổ nhiệm cho quý vị làm Đại thần. Chế độ này hay, không phải hoàn toàn quý tộc chiếm hết, nên người đọc sách có tiền đồ, người đọc sách làm đến Tể tướng là rất nhiều. Thượng thư thời xưa chính là Bộ trưởng hiện nay, đó chính là Đại thần, những người ấy, Thủ tướng, rất nhiều người đều là người đi học xuất thân từ gia đình rất nghèo khó đã thi đậu, một mạch được đề bạt đi lên. Chế độ đó hay, không như nước ngoài, nước ngoài là bao trùm toàn bộ quý tộc, họ bao bọc vị trí cho những Vương công Đại thần ấy.

Tiếp theo nói, Chuyển luân Thánh đế. 國王者,一國之主。轉輪聖帝,或稱轉輪王、輪王,身具卅二相,即位時從天感得輪寶 “Quốc vương giả, nhất quốc chi chủ. Chuyển luân Thánh đế, hoặc xưng Chuyển luân vương, Luân vương, thân cụ tạp nhị tướng, tức vị thời tùng thiên cảm đắc Luân bảo” (Quốc vương, là vua của một nước. Chuyển luân Thánh đế, hoặc xưng là Chuyển luân vương, Luân vương, thân có đủ 32 tướng tốt, khi lên ngôi chiêu cảm được Luân bảo từ cõi trời). Đó chính là nói Luân bảo ấy không phải do chính mình tạo ra. 輪有金銀銅鐵四種,依其次第,統領四三二一之大洲 “Luân hữu kim ngân đồng thiết tứ chủng, y kì thứ đệ, thống lĩnh tứ tam nhị nhất chi đại châu” (Luân có bốn loại: vàng bạc đồng sắt, theo thứ tự ấy, thống lĩnh bốn ba hai một Đại châu). Có người thống lĩnh được một châu, đó chính là Thiết Luân vương; Người thống lĩnh hai châu, đó chính là Đồng luân vương; Người thống lĩnh ba châu là Ngân luân vương; Người thống lĩnh bốn châu, bốn bộ châu lớn, đó gọi là Kim luân vương. 如金輪王領四洲,餘依次例減 “Như Kim luân vương lĩnh tứ châu, dư y thứ lệ giảm” (Giống như Kim luân vương thống lĩnh bốn châu, các vua khác theo thứ tự quy định mà giảm), như vừa rồi tôi đã nói. 轉輪王者,四洲之主 “Chuyển luân vương giả, tứ châu chi chủ” (Chuyển luân vương, là vua của bốn châu), bốn bộ châu lớn, 由輪旋轉,威伏一切故 “do Luân toàn chuyển, uy phục nhất thiết cố” (bởi do Luân xoay tròn, nên quyền thế hàng phục tất cả). Điều này dùng khoa học kỹ thuật hiện nay của chúng ta, có một chút tương tự, tất nhiên đó không phải là điều cảm ứng, đó là do kĩ thuật cải tiến mà chế tạo được. Nhưng việc chuyển động thì rời không khỏi Luân, tác dụng của Luân rất lớn. Khoa học kỹ thuật ngày nay đều bắt đầu từ Luân, đều đang chuyển động, từ một Luân kéo theo một Luân khác, như vậy kéo theo rất nhiều Luân, đó là nguyên lí của máy móc. Đỉnh cao nhất trong khoa học kỹ thuật ngày nay, là phi hành, chế tạo phi cơ, vẫn cần người chế tạo. Tứ bảo của Luân Vương, đó không phải do chính mình chế tạo, là do phước đức mà cảm ứng. Luân bảo ở đây là phương tiện giao thông của ngài, cũng là thuộc về phần vũ lực mà ngài thống trị, giống như phi cơ của chúng ta hiện nay, có hàng không dân dụng, có quân dụng, Chuyển luân Thánh vương cũng không ngoại lệ.

六欲天王 “Lục dục thiên chủ” là vua sáu tầng trời cõi Dục, chúng ta đều thường xuyên nói về điều này. Chúng ta đi lên là trời Tứ vương, trời Tứ vương đi lên là trời Đao Lợi, trời Đao Lợi đi lên tiếp là trời Dạ Ma, tầng thứ tư là trời Đâu Suất, tầng thứ năm là trời Hoá Lạc, tầng thứ sáu là trời Tha Hoá Tự Tại, tầng sau thù thắng hơn tầng trước. Trên kinh đức Phật nói với chúng ta, dựa vào việc tu phước [để] sanh cõi trời, thì cao nhất chỉ có thể đến trời Đao Lợi. Người nước ta gọi trời Đao Lợi là Ngọc hoàng Đại đế, Vương mẫu Nương nương đều là thuộc về tầng trời đó. Trời Dạ Ma trở lên là phải tu Thiền định, công phu Thiền định không tới nơi, thì sanh vào trời Dục giới. Nếu tu thành tựu Thiền định, tu thành tựu Sơ thiền, thì họ sanh đến trời Sơ thiền, thuộc về Phạm vương, tu thành tựu Nhị thiền, thì họ sanh trời Nhị thiền. Có công phu Thiền định, nhưng đạt không được tiêu chuẩn của Tứ thiền, thì đều ở trời Dục giới. Vì vậy, cao nhất trong Dục giới là cõi trời thứ sáu Tha Hóa Tự Tại thiên. Trời Hoá Lạc thì rất tự tại, tất cả sự thọ dụng của họ đều là do biến hoá làm ra, là thật, giống như tâm tưởng sự thành mà người chúng ta nói, họ nghĩ gì thì liền hiện ra thế ấy, không cần phải tạo ra, giống như biến ảo thuật, cần gì có nấy. Định công của trời Tha Hoá Tự Tại càng sâu hơn, phước báo càng lớn hơn, tất cả sự thọ dụng của họ không cần phải chính mình biến hoá, sau khi cõi trời thứ năm Hoá Lạc thiên biến hoá ra thì cúng dường họ, nên nói là Tha Hoá Tự Tại thiên. Chữ ‘tha’ ở đây là cõi trời thứ năm, chính là Hoá Lạc thiên, Hoá Lạc thiên biến hoá để cúng dường họ. Nên họ là tự tại nhất, khởi ý niệm, thì những thứ họ mong cầu liền ở trước mặt họ.

梵王,大梵天王之異稱。梵天總指色界諸天 “Phạm vương, Đại phạm Thiên vương chi dị xưng. Phạm vương tổng chỉ Sắc giới chư thiên” (Phạm vương, là tên khác của Đại phạm Thiên vương. Phạm vương chỉ chung chư thiên ở Sắc giới). Sắc giới có 18 tầng trời, Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, mỗi một thiền đều có ba tầng trời, là chín tầng trời, thiền thứ tư rất đặc thù, thiền thứ tư có chín tầng trời, ngoài ba cõi trời thông thường ấy, còn có một cõi trời là Ngũ bất Hoàn thiên. Đó là nơi mà bậc Thánh Tam quả Tiểu thừa cư trú tu hành, ở nơi đó tu thành công, chứng quả A-la-hán, thì quý ngài vượt khỏi Lục đạo Luân hồi, đó là người có căn tánh nhạy bén. Người căn tánh không nhạy bén, phải làm từng bước, thì họ vẫn phải sanh đến trời Tứ không, trời Tứ không có bốn tầng, thời gian tương đối dài, mới chứng quả A-la-hán, thoát khỏi Lục đạo Luân hồi.

Tứ thiền còn có một cõi trời đặc biệt, gọi là trời Vô Tưởng, những người nào vãng sanh đến [đó]? Là Vô tưởng định. Họ tu Thiền định, không có ý niệm gì, đều buông xuống toàn bộ tất cả ý niệm, gọi là Vô Tưởng thiên. Vô Tưởng thiên cũng không bằng Thiền định, trong Thiền định có Định có Huệ, còn trong cõi trời ấy có Định chứ không có Huệ. Thọ mạng ở cõi trời ấy cũng rất dài, khi thọ mạng hết, họ đi lên không được ở phía trên, mà đa phần đều đoạ lạc xuống phía dưới, trèo cao, ngã nặng. Họ đoạ lạc đến đường nào? Đoạ lạc vào đường Địa ngục. Vì sao lại đoạ Địa ngục? Trên kinh đức Phật nói với chúng ta, bởi những người ấy gặp phải cảnh giới đó, thì họ huỷ báng Thánh giáo, huỷ báng Phật pháp, nói: Phật Bồ-tát lừa gạt tôi, quý vị xem chúng tôi tu Thiền định, đã tu đến Thiền định cao nhất, chắc hẳn là chứng quả A-la-hán, vào Bát-Niết-Bàn, vì sao thọ mạng của chúng tôi hết, đạt không được gì cả, vẫn phải đoạ lạc? Bởi ý niệm ấy vừa khởi, đó gọi là báng Phật, báng Pháp, báng Tăng. Huỷ báng Tam Bảo, từ trời Vô Tưởng đọa Địa ngục Vô Gián, là việc như vậy, chúng ta đều phải làm rõ ràng, làm sáng tỏ loại nhân quả này.

Chúng ta lại xem đoạn lớn thứ hai tiếp theo,多生成就 “Đa Sanh Thành Tựu” (Nhiều Đời Mà Thành Tựu), đoạn nhỏ thứ nhất, 上供 “Thượng Cúng”, là phía trên thì cúng dường chư Phật.

【於諸佛所。尊重供養。未曾間斷。如是功德。說不能盡】 “Ư chư Phật sở, tôn trọng cúng dường, vị tằng gián đoạn. Như thị công đức, thuyết bất năng tận” (Ở nơi chư Phật, tôn trọng cúng dường, chưa từng gián đoạn. Công đức như thế, nói không hết được).

Bố thí cúng dường là nhân, người hiện nay rất nhiều người không biết, có của cải mà không biết bố thí. Phước báo đến từ đâu? Tiền tài vật chất do từ bố thí tài mà có, thông minh trí huệ do từ bố thí Pháp mà có, khoẻ mạnh trường thọ do từ bố thí Vô uý mà có. Khi tôi mới học Phật, lúc đó vẫn đang phục vụ trong quân đội, mỗi ngày chủ nhật đến chỗ Đại sư Chương Gia, ngài dạy tôi tu ba loại bố thí. Vì sao? Bởi trong mạng không có tiền tài, làm việc gì cũng kiếm không được tiền, người khác buôn bán thì kiếm được tiền, còn quý vị buôn bán thì lỗ vốn, bởi trong mạng của quý vị không có tiền tài. Thế nên ngài dạy tôi tu bố thí tài. Lúc đó sự đãi ngộ trong quân đội rất ít ỏi, địa vị của chúng tôi rất thấp, đâu có tiền để bố thí? Thầy nói, có một hào hay không? Tôi nói một hào thì được; Có một đồng hay không? Một đồng cũng được. Đại sư nói với tôi, luôn luôn phải có tâm bố thí, khi gặp được duyên, tuỳ phận tuỳ sức đều là viên mãn. Quý vị chỉ có hai đồng tiền, đều bố thí cả hai đồng, là công đức viên mãn, chỉ cần có thành ý, có tâm yêu thương, có tâm cung kính, đó là tu phước báo. Chúng tôi rất nghe lời, liền thật làm, đích thực, quý vị xem nhiều năm như vậy càng thí càng nhiều, chính mình không dám tưởng tượng, càng nhiều càng thí. Vì vậy tiền của gọi là thông hoá, thông là chảy thông như nước, có vào có ra, có vào mà không có ra thì sẽ mắc phải nạn nước, sẽ lan tràn, nhất định phải có ra có vào. Ra được nhiều thì vào được nhiều, ra được ít thì vào được ít, là đạo lí nhất định.

Bố thí Pháp, giống như những điển tịch, sách hiện nay, không thể có bản quyền, nếu có bản quyền thì sinh ra mua bán, quý vị có giá cả, không có bản quyển là vật báu vô giá. Vì sao? Bởi lợi ích cho chúng sanh, có thể làm cho chúng sanh được lợi ích, mong rằng người biết được càng nhiều càng tốt, in lại càng nhiều càng tốt, càng nhiều thì công đức của quý vị càng lớn, quả báo là trí huệ. Vì vậy tôi, chắc là vẫn trước khi chưa học Phật, tôi có thói quen đọc sách, đầu tiên mở thế nào? Trang bản quyền, phía trên viết 版權所有,翻印必究 “bản quyền sở hữu, phiên ấn tất cứu” (sở hữu bản quyền, in lại nhất định truy cứu), thì tôi cần sách ấy nữa. Rất nhiều người hỏi tôi vì sao? Bởi tâm lượng quá nhỏ, thì họ có thể viết ra được điều gì hay chứ? Tôi không xem. Người có đức hạnh, có trí huệ, có văn hoá, thì việc bố thí Pháp của họ là cứu đời, càng nhiều càng tốt.

Khi tôi ở Đài Loan đã nhận được ân đức của hai vị thầy, cả đời chúng tôi sẽ không quên, đầu tiên là Tiên sinh Phương Đông Mỹ, thứ hai là Đại sư Chương Gia. Dạy tôi, chỉ một học trò, không phải rất nhiều, chính là một người, một người cũng dạy, không phải nói một người thì không dạy, quý vị thật muốn học thì quý ngài thật muốn dạy. Khuyên tôi xuất gia, là Đại sư Chương Gia, sau đó còn có một câu nói, học đức Thích Ca Mâu Ni Phật, mong tôi xuất gia, mong tôi học đức Thích Ca Mâu Ni Phật, nói tôi hãy đọc Thích Ca Phương Chí, Thích Ca Phổ. Lúc đó trên thị trường Đài Loan chưa bán hai quyển sách đó, trong Đại Tạng Kinh có, đến chùa Thiện Đạo để mượn kinh, sách đó không được lấy ra, không được đưa Đại Tạng Kinh ra ngoài, nên ở đó sao chép, cũng may phân lượng của hai quyển sách đó không nhiều. Sau khi đọc xong mới biết đức Thích Ca Mâu Ni Phật là bậc Thầy, là nhà giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, bản thân Ngài là người làm công việc tình nguyện của giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, tôi cho Ngài là cách nói như vậy. Vì sao? Bởi Ngài dạy học không thu học phí, không cần tiền, cũng là người đến thì không cự tuyệt, người đi thì không giữ lại, một người cũng dạy, nhiều người cũng dạy, ít cũng dạy, một người cũng dạy. Đó là thế nào? Là từ bi, tâm yêu thương, không có điều kiện, không phân biệt quốc gia, không chia dân tộc, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo, quý vị tin tôn giáo nào, quý vị học với Ngài, Ngài đều dạy quý vị, quý vị muốn học điều gì, thì Ngài dạy quý vị điều ấy.

Vì vậy ba loại bố thí này, ba loại này tăng trưởng, thì tiền tài tăng trưởng, thông minh trí huệ tăng trưởng, sức khoẻ tuổi thọ tăng lên. Bố thí Vô uý thì chúng ta bắt đầu từ việc ăn chay, tôi học Phật sáu tháng thì ăn chay, biết lợi ích của việc ấy. Tôi không cầu trường thọ, nhưng thọ mạng được kéo dài. Khi còn trẻ, người xem tướng đoán mạng tính cho tôi rằng thọ mạng đều vượt không quá 45 tuổi, hiện nay là đã kéo dài xấp xỉ gấp đôi, kéo dài được 45 năm. Vì vậy việc này giao cho A Mi Đà Phật, chính mình không còn nghĩ về vấn đề này, A Mi Đà Phật làm chủ, cần tôi ở thế gian biểu pháp, được, tôi có thể nhẫn nại, tôi có thể chịu được, làm tấm gương tốt cho đồng học tu hành.

Chúng ta xem Chú Giải của Niệm lão tiếp theo, 以上蓋表菩薩以善根力,感得生生尊貴,德高望重,財富充足,乃至或為人王,或作天帝,上宏下化,能滿所願 “dĩ thượng cái biểu Bồ-tát dĩ thiện căn lực, cảm đắc sanh sanh tôn quý, đức cao vọng trọng, tài phú sung túc, nãi chí hoặc vi nhân vương, hoặc tác thiên đế, thượng hoằng hạ hoá, năng mãn sở nguyện” (Trên đây đại khái tỏ rõ Bồ-tát do sức thiện căn, mà chiêu cảm được đời đời sanh vào nhà tôn quý, đức cao vọng trọng, giàu có sung túc, cho đến hoặc làm vua cõi người, hoặc là vua cõi trời, thượng hoằng hạ hóa, thỏa mãn được nguyện vọng). Bất luận tham gia ngành nghề nào, đều là tạo phước cho xã hội, đều là vì cứu tế chúng sanh khổ nạn. Khi đức Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện ở thế gian, điều ấy đại biểu cho Phật, vì sao đức Phật xuất hiện ở thế gian? Bởi để giúp tất cả chúng sanh khổ nạn lìa khổ được vui, là vì việc này. Khổ vui đến từ đâu? Đã mê chân tướng sự thật thì khổ, vì sao? Bởi sau khi mê, thì quý vị nghĩ sai, quý vị nhìn sai, quý vị nói sai, quý vị làm sai, những gì chiêu cảm lấy đó là khổ, không phải vui. Vui đến từ đâu? Khi sáng tỏ rồi, sáng tỏ là quý vị nghĩ đúng, quý vị cũng nói đúng, quý vị cũng làm đúng, tất cả là thiện không có ác, thì phước báo hiện tiền, trí huệ liền hiện tiền. Đức Phật sáng tỏ đạo lí này, nên những lí luận y cứ của dạy học mà đức Phật dùng: là phá mê khai ngộ. Làm thế nào có thể đạt đến lìa khổ được vui? Cần phải phá mê khai ngộ. Dùng phương pháp nào? Dùng dạy học, dạy học là quan trọng hàng đầu. Ngài thật sự đã làm thành công, đạt được mục đích của Ngài rồi.

Kinh điển lưu truyền đến nước ta, [là việc có] ý nghĩa quan trọng, Pháp vận của đức Phật là 12.000 năm, nếu kinh Phật không lưu truyền đến nước ta, thì kinh Phật không cách nào lưu giữ được 12.000 năm, khoảng 2.000 năm đã bị diệt vong. Vì sao? Bởi tiếng Phạn là chữ viết ghép vần, chữ viết ghép vần giống như tiếng Anh hiện nay. Về chữ viết ghép vần, ông Toynbee nói với chúng ta: thọ mạng đại khái là 200 năm, sau 200 năm thì âm thanh nói chuyện sẽ thay đổi, không nhận biết được chữ đó, không hiểu ý nghĩa gì nữa. Nên người thời đó cần phải dùng ngôn ngữ hiện đại để viết lại một lần, truyền tiếp 200 năm, phiền phức! Vậy 2.000 năm phải phiên dịch 10 lần, quý vị nói khổ biết bao. Dùng văn tự biểu ý này của nước ta, viết ra bằng Văn ngôn văn, thì có thể truyền được ngàn năm vạn đời, mà không thay đổi ý nghĩa, văn tự nước ta có điều tốt như vậy. Trong quốc gia của chúng ta có bảo bối này, cũng không thể tiếc rẻ, hi vọng cúng dường người trên toàn thế giới, để cho người trên toàn thế giới đều học chữ Hán, thể văn cổ, đem bảo bối của dân tộc họ, của quốc gia họ, những tác phẩm văn hoá hay, thảy đều dùng văn tự nước ta, thể văn cổ để viết ra, thì khi lưu truyền lại sẽ không có vấn đề gì.

Nên trước đây khi Phật pháp được truyền bá bốn phương tám hướng, Đệ tử của đức Thế Tôn, sau khi đức Thế Tôn diệt độ đều đi truyền, vì sao chỉ có một mình Trung Hoa bén rễ, khoẻ mạnh, đơm hoa, kết trái? Còn những nơi truyền khác, có một số nơi thật sự hai-ba trăm năm thì không còn nữa, bốn-năm trăm năm thì không còn nữa, sáu-bảy trăm năm thì không còn nữa. Một nhánh được truyền đến Tây Tạng, trước đây được truyền qua vào thời nhà Đường, không phải rất sớm, tiếng Tây Tạng là được phát triển biến hoá từ tiếng Phạn, cũng là chữ viết ghép vần. May mà cao nguyên Tây Tạng rất bảo thủ, hiện nay vẫn còn một số người đang học văn tự đó, nếu một khi mở cửa, giao thông lại vừa thuận tiện, đến lúc đó người càng nhiều hơn, đại khái thì tiếng Tây Tạng không được bảo tồn. Tôi rất lo lắng đối với sự việc này, trước đây khi Triệu Phác lão còn ở đời, tôi đã nói vấn đề này với ngài, hi vọng đem phần trong tiếng Tây Tạng vẫn chưa có trong Đại Tạng Kinh tiếng Trung, không nhiều, nhanh chóng dịch sang Hán văn, tốt nhất là viết bằng thể văn cổ, như vậy mới có thể truyền điều đó lâu dài. Tôi phỏng đoán qua 50 năm nữa, không ai biết tiếng Tây Tạng. Đó là công hiến vĩ đại nhất mà văn tự học Trung Hoa làm ra đối với toàn thế giới, dạy thứ này cho người nước ngoài, thật sự là tặng cho họ bảo bối của Trung Hoa. Họ dần dần sẽ biết, đó là kho báu thật sự, còn lại đều là có tánh sanh diệt, điều này cũng có sanh diệt, nhưng thời gian dài, trái đất sẽ không bị huỷ diệt, văn hoá cũng sẽ không bị huỷ diệt. Nên loại phát minh này là vô cùng hết sức tuyệt vời, trí huệ chân thật, phước đức chân thật.

Những người ấy, bất luận họ là thân phận gì, đều là thượng hoằng hạ hoá, Đệ tử xuất gia, Đệ tử tại gia, có thể thoả mãn nguyện vọng, đó là học trò giỏi của Phật, giáo hóa chúng sanh, ở gia đình nên dạy người trong nhà. Gia đình lớn trước đây, trong gia đình từ trên xuống dưới vài trăm người, Gia trưởng cũng thường xuyên lễ thỉnh Pháp sư, Cư sĩ đến nhà giảng kinh. Khởi nguyên này là cung đình, do nhà vua dẫn đầu, lễ thỉnh cao Tăng Đại đức vào trong cung đình giảng kinh. 更以善根力故,大願力故,常得值佛 “Cánh dĩ thiện căn lực cố, đại nguyện lực cố, thường đắc trị Phật” (Lại nữa do sức thiện căn, do sức đại nguyện, nên thường được gặp Phật). Những người ấy thường xuyên gặp được Phật, duyên đó thù thắng, duyên là cảm ứng. 於諸佛所,尊重供養,未曾間斷 “Ư chư Phật sở, tôn trọng cúng dường, vị tằng gián đoạn” (ở nơi chư Phật, tôn trọng cúng dường, chưa từng gián đoạn). Cúng dường đối với đức Phật, quan trọng nhất là cúng dường pháp, làm sao để cúng dường? Y giáo phụng hành chính là cúng dường đối với đức Phật, hi vọng duy nhất của Phật, là hi vọng chúng ta y giáo phụng hành. Tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ, thân cận A Mi Đà Phật, đó là nguyện vọng chung của hết thảy tất cả chư Phật trong mười phương ba đời, sự cúng dường này là thật cúng dường. Phát loại tâm này, mỗi ngày đọc tụng kinh điển, xưng niệm Phật hiệu, gặp được hữu duyên, đều có thể đưa tay ra giúp chúng sanh cứu khổ cứu nạn. 所作功德,無量無邊,說不能盡 “Sở tác công đức, vô lượng vô biên, thuyết bất năng tận” (Công đức làm ra, vô lượng vô biên, nói không hết được). Chúng ta phải biết, làm thế nào để đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức.

Đoạn tiếp theo đây 下化 “Hạ Hoá” (Dưới Hóa Độ Chúng Sanh), trong đây có ba đoạn. 妙香普薰 “Diệu Hương Phổ Huân” (Hương Thơm Vi Diệu Xông Khắp), hương thơm vi diệu đến từ đâu? Từ Tánh đức, Tánh đức cảm hoá người khác. Chúng ta xem kinh văn:

【身口常出無量妙香。猶如栴檀。優缽羅華。其香普熏無量世界】 “Thân khẩu thường xuất vô lượng diệu hương, do như Chiên-đàn, Ưu-bát-la hoa, kì hương phổ huân vô lượng Thế giới” (Thân miệng thường phát ra vô lượng hương thơm vi diệu, giống như Chiên-đàn, hoa Ưu-bát-la. Hương thơm ấy xông khắp vô lượng Thế giới).

  Về đoạn này, chúng ta xem Chú Giải của Niệm lão, 大士廣修不可思議普賢大士之德,故其勝感,亦不可思議 “Đại sĩ quảng tu bất khả tư nghì Phổ Hiền Đại sĩ chi đức, cố kì thắng cảm, diệc bất khả tư nghì” (Đại sĩ rộng tu đức của Đại sĩ Phổ Hiền không thể nghĩ bàn, nên sự cảm ứng thù thắng ấy, cũng không thể nghĩ bàn), thắng là thù thắng, sự cảm ứng thù thắng không thể nghĩ bàn. Đức của Đại sĩ Phổ Hiền chính là Mười đại Nguyện vương, hữu dụng. Thập đại Nguyện vương là 禮敬諸佛 “lễ kính chư Phật”, chân thành lễ kính đối với bất cứ người nào. Rõ ràng biết họ gạt ta, nhưng ta vẫn là lễ kính đối với họ, vẫn là chân thành, mãi mãi không suy không thoái. Đời này họ chưa giác ngộ được, thì đời sau họ sẽ giác ngộ. Giúp chúng sanh quay đầu là việc khó, đôi khi cần thời gian rất dài, cần sự nhẫn nại, không thể ba lần năm lần, mười lần tám lần mà không hiệu quả, thì thôi, bỏ họ đi, thì uổng phí tất cả công lao. Vì sao phải kiên nhẫn? Bởi vì Tánh người vốn thiện, họ sẽ quay đầu. Tại sao hiện nay họ chưa quay đầu? Bởi họ mê quá sâu, Tập khí quá nặng, cần thời gian dài, cần phải từ từ cảm hoá họ. Nếu chúng ta thật sự cảm hoá không được, thì giới thiệu họ đến chỗ Tổng giám đốc Tạ ở Triều Châu để được huấn luyện trong một tuần, họ sẽ được cảm hoá. Nơi đó là lò luyện, giống như nơi luyện kim, đến nơi đó hễ rèn luyện, thì cặn bã bị đào thải, vàng sẽ hiện ra.

Cho nên, cần có sự kiên nhẫn, người ta nhất định phải thừa nhận, khẳng định họ, tất cả chúng sanh xưa nay là Phật, tất cả chúng sanh xưa nay là Thánh Hiền. Vì sao trở thành như thế này? Bởi chưa học, trước đây không có người dạy họ, họ chưa được học. Tám câu đầu trong Tam Tự Kinh, đó là Tổ tiên xưa nước ta giáo hoá người trong thiên hạ, giáo hoá thế hệ sau, lí niệm và phương pháp của dạy học. Trước hết câu đầu tiên, giống với lời Phật giảng, 一切眾生本來是佛 “nhất thiết chúng sanh bổn lai thị Phật” (tất cả chúng sanh xưa nay là Phật), 一切眾生皆有如來智慧德相 “nhất thiết chúng sanh giai hữu Như Lai trí huệ đức tướng” (tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai), tức do trên Kinh Hoa Nghiêm nói, thật sự là 人之初,性本善 “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (người thuở đầu, Tánh vốn thiện). Người khi thưở ban đầu, quý vị xem Bản tánh vốn thiện, quý vị nhìn thấy được thì quý vị mới tin. Nhưng 性相近,習相遠 “Tánh tương cận, tập tương viễn” (Tánh thì gần nhau, tập thì khác xa nhau), luận về Tánh đều giống nhau, ai cũng đều là Phật, nếu xem thói quen vậy thì khác nhau, mỗi người khác nhau, có khoảng cách với Bản tánh của chính mình. Có người khoảng cách rất xa, không tin chính mình là người thiện, không điều ác nào mà chẳng làm, họ cũng biết làm ác là sai lầm, nhưng họ chính là chuyển không được, vẫn là đang dốc sức để làm. Vì vậy, giáo dục khởi tác dụng rồi. Người là dạy tốt được, đức Thích Ca Mâu Ni Phật làm chứng minh cho chúng ta, những người sáng lập ra các tôn giáo, tất cả đều là nhà giáo dục xã hội, họ biết giáo dục, giáo dục của họ đều thành công. Vì vậy lưu giữ tôn giáo ấy, tôn giáo là nền giáo dục chủ yếu của nhân loại, chúng ta nhìn từ góc độ này thì đúng rồi, không nhìn sai.

教之道,貴以專 “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (Đạo dạy học, quý ở chuyên), đó chính là dạy học, đạo lí của dạy học, cách dạy thế nào? Là quý ở chuyên, nhất định không cho phép cùng lúc học hai thứ, học ba thứ, không thể được. Khoá trình chủ tu nhất định là giống nhau, những thứ bên cạnh, thí như viết chữ, vẽ tranh, đánh đàn, thậm chí võ thuật, đều có thể, nhưng đó là khoa phụ, khoa phụ không có vấn đề gì, hun đúc tính tình, rèn luyện thân thể. Còn khoa chính nhất định là một môn, nhất định không thể hai môn, chuyên! Họ chuyên tâm ở một thứ, thì họ sẽ đắc Tam-muội, sau khi đắc được Tam-muội thì bỗng nhiên Đại ngộ, họ khai ngộ rồi. Việc dạy học ở nước ta đích thực là lấy việc khai ngộ làm mục đích, chính là trong phương pháp nói 讀書千遍,其義自見 “độc thư thiên biến, kỳ nghĩa tự kiến” (đọc sách ngàn lần, tự thấy nghĩa của sách), chú trọng ở tự thấy. Không phải do thầy dạy quý vị, mà là do quý vị khai ngộ, quý vị hướng về thầy báo cáo chỗ ngộ của quý vị, thầy làm chứng minh cho quý vị, gật đầu, con không sai, thật sự đã khai ngộ, thì quý vị tốt nghiệp rồi. Vì sao thầy không giảng cho quý vị? Bởi thầy giảng cho quý vị, thì quý vị khai ngộ không được, đã chắn mất cửa ngộ của quý vị. Về phương pháp này, đặc biệt Thiền tông dùng rất nhiều, Giáo hạ cũng không ngoại lệ, người thầy cao minh khi dạy học, chỉ là nhìn xem quý vị đọc sách, đọc nhiều lần, chứ không giảng cho quý vị, đợi quý vị khai ngộ, sau khi khai ngộ có thể thảo luận với thầy. Suy rộng ra mà biết rất nhiều, [là] thật sự khai ngộ rồi, những khoa mục chưa học, quý vị cầm trên tay cũng có thể hoàn toàn thông đạt hiểu rõ, vậy là thật khai ngộ rồi. Nếu hiểu được điều này, khi đổi một bộ kinh mà quý vị không hiểu được, thì quý vị chưa khai ngộ, đó không phải khai ngộ, khai ngộ là thông suốt, thông suốt tất cả.

Cho nên điều đầu tiên của Bồ-tát Phổ Hiền là lễ kính, thứ hai là xưng tán, chỉ xưng tán chỗ tốt của người khác, tuyệt không nêu ra lỗi của người khác. 如來 “Như Lai”, sở dĩ ngài không dùng ‘chư Phật’, bởi chư Phật là nói từ trên Tướng, còn Như Lai là nói từ trên Tánh. Việc làm của họ, tương ưng với Tánh đức, thì khen ngợi; Không tương ưng với Tánh đức, thì không đề xướng. Giống như 53 tham vấn, ngài Đồng tử Thiện Tài đi tham phỏng Bà-la-môn Thắng Nhiệt, Cam Lộ Hoả Vương, chỉ có lễ kính, chứ không tán thán. Điều làm cho chúng ta xem, chúng ta cần phải học, dùng điều đó để xử việc đối người tiếp vật, đặc biệt là trong thời đại hiện nay đây, nếu không làm ra tấm gương thì không ai tin.

Tiếp theo, 旃檀者,乃印度香木之名,我國所無,譯作與樂 “chiên-đàn giả, nãi Ấn Độ hương mộc chi danh, ngã quốc sở vô, dịch tác Dữ Lạc” (Chiên-đàn, là tên của cây có mùi thơm ở Ấn Độ, nước ta không có, dịch là Dữ Lạc). Về Đàn hương, hiện nay giao thông thuận tiện, những thứ ấy của Ấn Độ cũng có thể nhìn thấy trên thị trường nước ta, nhưng chất lượng không bằng trước đây. Vì sao? Bởi tâm người khác nhau, nhất định phải biết đạo lí này, vì sao không bằng trước đây? Bởi tâm người khác nhau, tin rằng cảnh chuyển theo tâm. Nhân tâm của người xưa thuần hậu, Đàn hương đặc biệt thơm, có thể chữa bệnh, tâm của người hiện nay hiểm ác, hoàn toàn không tin đối với những việc này, nên Đàn hương ấy tự nhiên đã biến chất. May mà nhà Cơ học Lượng tử hiện nay làm chứng minh cho chúng ta, thật sự chứng minh cảnh chuyển theo tâm, nên họ đưa ra 以心控物 “dĩ tâm khống vật” (dùng tâm khống chế vật chất), dùng ý niệm của chúng ta để khống chế hoàn cảnh vật chất bên ngoài. Hoàn cảnh vật chất bên ngoài, những loại tai nạn này thì chúng ta không mong muốn nhìn thấy, không hi vọng xảy ra, có thể làm cho điều này không xảy ra không? Câu trả lời là chắc chắn, có thể.

Tiến sĩ Braden ở nước Mĩ, ông ấy là nhà Cơ học Lượng tử, [nói rằng] chỉ cần cư dân trên trái đất của chúng ta 棄惡揚善、改邪歸正、端正心念 “khí ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm” (bỏ ác làm lành, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm), thì có thể làm cho tai nạn trên trái đất này, tai nạn lớn nhỏ thảy đều được hoá giải. Lời này là thật, chúng ta tin, bởi vì trên kinh Phật của chúng ta có cảnh tùy tâm chuyển, tâm tốt, thì núi sông đất đai đều trở nên tốt; Nếu tâm không tốt, thì núi sống đất đai đều xảy ra sự cố, là đạo lí như vậy. Vì vậy hiểu rõ điều này, nền giáo dục của đức Phật, giáo dục tôn giáo đối với nhân sinh đích thực là nền giáo dục chủ yếu, giáo dục quan trọng, lời này nói không sai. Thời gian hôm nay đã hết, chúng ta học tập đến đây thôi.

(Hết tập 237 )

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đều sanh nước Cực Lạc

Sớm viên thành Phật đạo

Rộng độ khắp chúng sanh

Nam Mô A Mi Đà Phật