Responsive Menu
Add more content here...

Câu Chuyện: Giết Cá – Cá Đầu Thai Đòi Mạng

CÂU CHUYỆN: GIẾT CÁ – CÁ ĐẦU THAI LÀM NGƯỜI ĐÒI MẠNG – NHỜ TU HÀNH THÀNH TỰU MÀ HÓA GIẢI ĐƯỢC
Đầu đời nhà Tống, có một ngôi chùa gọi là Bạch Vân Tự (chùa Bạch Vân). Lúc đó là niên hiệu của vua Tống Thái Tổ (là Triệu Khuông Dận), có một vị Thiền sư Văn Thông Huệ. Lúc ngài còn trẻ (ngài xuất gia sớm, 7-8 tuổi đi xuất gia, làm Sa-di) thì ngài có một nhiệm vụ trong chùa là gánh nước từ dưới núi lên trên núi, ở chùa Bạch Vân. Ngài làm Sa-di, lớn một chút, mười mấy tuổi là gánh nước được rồi. Khi gánh hai thùng nước đi thì một ngày nọ gặp một bà bán cá gánh một gánh cá đi ngang qua, vô tình một con cá nhảy vào một thùng nước của ngài. Ngài không để ý và cũng không biết điều đó. Ngài gánh lên trên núi, trên chùa rồi, thì ngài mới thấy con cá nằm trong thùng nước. Quý vị biết con cá rất là tanh, rất là hôi, rớt vào thùng nước thì nó làm hôi, tanh thùng nước, nên ngài rất là tiếc công: Mình gánh thùng nước vất vả như vầy, mà cái con cá này nó làm hư thùng nước của mình. Cho nên tức quá, cầm con cá đập nó mấy cái. Tất nhiên làm con cá chết. Chuyện đó dần chìm vào quên lãng. Ngài bắt đầu lớn lên thì ngài tu hành rất tốt, và trở thành trụ trì ngôi chùa đó. Sau khoảng 30 năm, có một ngày, ngài nói với đại chúng: “Ngày xưa có một công án (là sự kiện), hôm nay sẽ phải kết thúc rồi!”. Ngài nói như vậy với đại chúng. Lúc đó đại chúng hỏi là công án gì, sự kiện gì thưa ngài. Ngài bảo là hãy đợi đúng trưa nay sẽ biết. Lúc đó ngài ra Thiền đường ngồi xếp bằng. Lúc ngài ngồi trong Thiền đường thì có một vị tướng quân tên là Trương Tuấn, kéo một đoàn binh, đội quân đi ngang qua, thấy chùa Bạch Vân thì đi thẳng vào, cầm một cung tên đi thẳng vào Thiền đường, thì thấy ngài là Hòa thượng Văn Thông Huệ, lập tức rất nổi giận, tự nhiên thay đổi sắc mặt. Vị tướng quân này là người chuyên tu Tịnh độ. Quý vị nên nhớ, đây không phải là người không biết Phật pháp, mà là người chuyên tu Tịnh độ, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc, mà tự nhiên vô gặp vị Thiền sư này thì tức lắm, lúc đó tự nhiên muốn giết ngài. Lúc tính giương cung lên bắn thì ngài mới nói: “Ta đã chờ ngươi lâu lắm rồi”. Lúc đó tướng quân Trương Tuấn mới nói: “Sao lạ vậy? Đây là lần đầu tiên tôi gặp ngài, mà ngài nói là chờ tôi lâu lắm rồi? Mà tại sao tôi thấy ngài, dù tôi chưa bao giờ gặp ngài mà tôi muốn giết ngài quá? Tôi tức quá!” Quý vị thấy là tu công phu niệm Phật đấy nhé, có công phu niệm Phật mà gặp người ta vẫn tức, muốn giết. Lúc đó ngài nói: “Ta chờ 30 năm rồi. 30 năm trước (ngài mới nói lại câu chuyện) ta là chú Sa-di, vì tức giận con cá mà giết nó (đập cho nó chết), cho nên ta đã chờ mối thù đó; và con cá ấy chính là ngươi. Trong suốt 30 năm qua ta luôn luôn hồi hướng cho con cá đó”. Như vậy nên con cá đó nói chung là cũng có phước, sanh ra đời làm tướng quân, còn biết Phật pháp, biết niệm Phật nữa. Sau khi nghe như vậy thì ngài tướng quân Trương Tuấn chợt tỉnh ngộ, lúc đó giống như hốt nhiên đại ngộ, làm một bài kệ như sau:
冤冤相報何時了。
劫劫相纏豈偶然。
不若與師俱解釋。
如今立地往西天
Nguyên âm:
Oan oan tương báo hà thời liễu
Kiếp kiếp tương triền khởi ngẫu nhiên
Bất nhược dữ sư câu giải thích
Như kim lập địa vãng Tây Thiên.
Nghĩa:
Trả thù qua lại bao giờ dứt
Kiếp kiếp gặp nhau há ngẫu nhiên
Nếu mà không được sư giải thích
Nay sao đứng thẳng vãng Tây Thiên.
# Oan oan tương báo hà thời liễu: oán thù trả qua trả lại thì bao giờ dứt.
# Kiếp kiếp tương triền khởi ngẫu nhiên: “tương triền” là gặp nhau, “khởi ngẫu nhiên” là há ngẫu nhiên. Quý vị không ngẫu nhiên gặp nhau đâu. Kiếp kiếp gặp nhau, gặp nhau hoài, không phải ngẫu nhiên mà là do oan oan tương báo hay là do nghiệp nhân quả báo.
# Bất nhược dữ sư câu giải thích: nếu mà không được Thiền sư giải thích.
# Như kim lập địa vãng Tây Thiên: Nay sao đứng thẳng vãng Tây Thiên, nay làm sao đứng vững để mà vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Tây Thiên là Tây Phương Cực Lạc.
Lúc đó Trương Tuấn đọc lên bài kệ, hốt nhiên đại ngộ vì bao nhiêu năm tu hành niệm Phật, lúc đó mới hiểu ra là nhân quả, luân hồi nó ràng buộc mình như vậy, tất cả đều do vậy. Mình có công phu niệm Phật như vậy mà mình còn tức giận, còn muốn giết người, cho nên nghĩ nếu tiếp tục luân hồi nữa thì sẽ thế nào, nên ngài mới tỉnh ngộ, giống như chứng được nhất-tâm-bất-loạn. Sau khi làm hết bài kệ đó, đứng chắp tay vãng sanh (“Nay sao đứng thẳng vãng Tây Thiên”, làm hết câu này là chắp tay vãng sanh luôn). Sau đó Thiền sư cũng làm một bài kệ. Bài kệ đó hơi khó hiểu nên Thiện Trang không trích ra đây. Sau đó ngài cũng ngồi toạ thiền nhập định và ra đi luôn. Một người tu Thiền, một người tu Tịnh độ biểu diễn như vậy. Cho nên công án đó rất nổi tiếng, được ghi vào trong quyển sách Cương Mục của chư Tổ (Phật Tổ Cương Mục佛祖綱目) : ghi lại lịch sử của chư Tổ, ở quyển thứ 37.
Nên quý vị thấy người tu hành thành tựu thì mới độ được cho chúng sanh, độ luôn cho cả oan gia trái chủ. Thiền sư đó thành tựu, người tướng quân kia cũng thành tựu, thật tuyệt vời phải không quý vị? Vậy mình thành tựu thì mình độ cho chúng sanh. Vị Thiền sư đó đâu phải người thường, hồi xưa tức giận, tập khí rất nặng, cũng như một đứa nhỏ thôi, đập chết, giết con cá! Nhưng mà tu hành, sám hối suốt mấy chục năm, trong đó nói 33 năm sau thì chứng được quả rồi, thì biết được hôm nay oan gia sẽ tìm tới, để thanh toán ngài. Ngài chờ oan gia trái chủ tìm tới, rất tuyệt vời, ngài nói một cái thì tỉnh ngộ luôn, chứng được niệm Phật tam-muội, đứng tại đó vãng sanh luôn. Quý vị thấy câu chuyện này rất là tuyệt vời. Chúng ta muốn độ chúng sanh thì chúng ta phải làm như vậy, muốn độ oan gia trái chủ thì cố gắng thực hiện như vậy.
Trong câu chuyện đó thì quý vị phải nhận ra được điều gi? Là tại sao vị tướng quân Trương Tuấn có thể buông được một lúc? Là vì ông cũng đã huân tập được một thời gian rồi, đã niệm Phật rồi, cũng công phu sắp tới rồi. Cho nên vừa nghe có người điểm chỉ, Thiền sư kia điểm chỉ một cái, là ngộ liền. Và vị Thiền sư kia sở dĩ thành tựu là gì? Là sau việc giết con cá đó, đập chết con cá đó thì rất là ăn năn, sám hối, ráng tu hành. Cho nên tâm sám hối đó mình phải học được. Còn chúng ta không học được thì chúng ta không được gì hết. Học thêm một điều nữa là vị tướng quân Trương Tuấn, khi gặp oan gia trái chủ v.v. mà ngài sau khi hiểu nhân quả, vô thường, thì buông một cái rẹt, buông liền. Chứ không phải bây giờ chúng ta học Tịnh độ đây, chúng ta học bao nhiêu năm rồi, chúng ta gặp oan gia trái chủ vẫn thấy khó chịu, vẫn thấy gặp người này khó chịu, người kia khó chịu. Vì sao? Vì oan gia trái chủ của mình mà. Cho nên không buông nổi thì làm sao « Lập địa vãng Tây Phương »được? Đứng thẳng trên đất mà vãng Tây Phương được? Còn vị Thiền sư kia thì sao? An nhiên tự tại trước vô thường. Nó có giết mình cũng chẳng sao. Mình phải học được những sự an nhiên tự tại như vậy. Một câu chuyện thôi, nhưng người ngộ với người mê thì có khác nhau. Mê chỉ nghe được sự tướng bên ngoài, câu chuyện đó rất vi diệu, vãng sanh như thế v.v.. Những người tu hiểu điều gì? Lý tu trong đó. Mình học được gì? Mình tu được gì? Cho nên kinh điển giảng ra vô lượng nghĩa, giảng năm này qua năm kia không hết, khi quý vị có một chút giải ngộ thôi, Thiện Trang không nói chứng ngộ. Chứng ngộ là chứng quả rồi, không nói! Một chút giải ngộ thôi thì quý vị triển khai kinh điển rất tự tại, không có vấn đề gì cả. Hiểu trên văn tự là gì? Dựa vào kiến giải của chư Tổ, dựa vào chú giải của Hòa Thượng, lời giảng của Hòa Thượng, quý vị triển khai hoàn toàn phù hợp, khế cơ với chúng sanh. Chúng sanh nghe, hoan hỷ tiếp nhận. Vì sao? Vì phù hợp, gần gũi với chúng sanh. Và đồng thời đó là thực tiễn, kinh là sống, không phải chết. Còn chúng ta học, kinh là kinh, mình là mình, thì xin lỗi quý vị ! Con đường phía trước vẫn còn dài lắm, phải cố gắng hơn. Thiện Trang nói thật như vậy. Đó là những tâm đắc mà Thiện Trang học.
Trích trong bài chia sẻ Kinh Vô Lượng Thọ thứ 42 – Phẩm thứ 4: Pháp Tạng Nhân Địa – buổi 5 của thầy Thích Thiện Trang. Cô Phật tử Thân Hạnh ghi chép lại.
Hoan nghinh chia sẻ! Nam mô A Mi Đà Phật

Trả lời 0