VẤN ĐÁP HỌC PHẬT
Tập 17
(Tập 67 Tịnh Tông)
Chủ giảng: pháp sư
Tịnh Không
Thời gian:
11/05/2007
Địa điểm: Hiệp hội
giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Chư
vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi.
Hôm
nay có 39 câu hỏi, chúng ta theo thứ tự mà giải đáp. Trước hết là câu hỏi của đồng
học trên mạng, có 8 câu hỏi.
Hỏi:
Thứ nhất, xin hỏi vì sao giáo dục gia đình lại quan trọng? Nếu lơ là giáo dục
gia đình thì có hệ lụy gì?
Đáp:
Tôi nghĩ vấn đề này không cần nói nhiều, bạn chỉ cần suy nghĩ cho kỹ về gia
đình của chính bạn, gia đình của bạn bè người thân của bạn, gia đình hàng xóm của
bạn thì bạn sẽ hiểu rõ thôi. Bạn lại thử nghĩ xem, lời của cổ thánh tiên hiền
Trung Quốc nói với chúng ta, gọi là “gia hoà vạn sự hưng”. Nếu gia đình bất hoà
thì sao? Nếu gia đình bất hoà thì vạn sự đều suy. Bạn thử nghĩ xem có phải là
tình trạng như vậy không? Hãy quan sát tỉ mỉ điều này. Bản thân bạn đang mong
có một gia đình tốt đẹp, một gia đình hoà thuận, hay là mong bất hoà? Vợ chồng
bất hoà, cha con bất hoà, anh em bất hoà, bạn có muốn sống trong gia đình này
không? Đây là vấn đề rất thực tế, không cần phải nói đạo lý với bạn, bạn cũng
có thể cảm thấy vì sao giáo dục gia đình lại quan trọng.
Khi
chúng tôi giảng kinh thường hay nói, mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, với
quốc gia, với thế giới, thì gia đình giống như một tế bào ở trong thân thể con
người vậy, quốc gia giống như một cơ quan trong cơ thể. Trên thân chúng ta có rất
nhiều cơ quan không giống nhau, bên ngoài có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, bên
trong có lục phủ ngũ tạng, đều là do tế bào tổ hợp thành, toàn thân giống như một
thế giới, bạn sẽ hiểu được gia đình là đơn vị nhỏ nhất, là tế bào của thân thể
con người. Nếu tế bào bị hỏng, đều có vấn đề, đều bị nhiễm virus thì liệu các
cơ quan có thể khoẻ mạnh được không? Thân thể có thể khoẻ mạnh được không? Từ
chỗ này bạn cứ suy nghĩ thì sẽ hiểu rõ thôi, gia đình không tốt, xã hội nhất định
sẽ động loạn, đất nước chắc chắn không an toàn, thế giới nhất định sẽ đại loạn.
Xã hội
ngày nay của chúng ta, địa cầu này của chúng ta bị bệnh rồi, bị bệnh ở chỗ nào?
Ở tại gia đình. Khi tôi sống ở Queensland Úc Châu, từ sau khi xảy ra sự kiện
ngày 11 tháng 9, Học viện Hoà Bình ở Đại học Queensland đã cảm thấy hòa bình thế
giới có khủng hoảng nghiêm trọng rồi. Làm sao để hoá giải xung đột? Làm thế nào
mới có thể thực hiện hoà bình? Họ đã tìm tôi và các giáo sư đang dạy ở học viện
Hoà Bình, có mười mấy giáo sư, chúng tôi đã tổ chức hai lần tọa đàm. Trước
tiên, tôi nghe nhà trường báo cáo. Sau đó tôi nói với họ, tôi nói, các vị ngày
ngày đang nghiên cứu hoá giải xung đột mà các vị không tìm ra nguồn gốc của
xung đột. Việc này giống như thầy thuốc trị bệnh vậy, bạn luôn phải tìm ra được
gốc bệnh, tuỳ bệnh cho thuốc mới sinh ra được hiệu quả. Họ hỏi tôi gốc bệnh ở
đâu? Tôi đã nói với họ, ở gia đình. Điều này họ không nghĩ đến. Bạn xem trong
trong xã hội ngày nay, tỷ lệ ly hôn cao cỡ nào? Tỷ lệ ly hôn chính là gì? Chính
là vợ chồng bất hoà. Vợ chồng là cốt lõi của gia đình, giống như nhân của tế
bào vậy, nhân tố này bất hoà thì gia đình sẽ tan vỡ. Cho nên, vợ chồng bất hoà
nhất định sẽ dẫn đến cha con bất hoà, anh em bất hoà, họ bước vào xã hội liệu
có thể chung sống hoà mục với ai được không? Không thể nào. Đây là điều mà người
làm công tác hòa bình không nghĩ đến.
Sau
đó tôi lại nói với họ, tôi nói còn có một nhân tố sâu xa hơn, họ hỏi nhân tố
sâu xa đó là gì? Nhân tố sâu xa đó là chính mình, là bản thân bạn bất hoà với
chính mình, chính mình bất hoà với chính mình như thế nào? Trong giáo dục truyền
thống Trung Quốc gọi là xung đột giữa bản tính và tập tính; ở trong Phật pháp gọi
là do xung đột giữa tánh đức, tự tánh với tập khí, phiền não. Điều này rất khó
phiên dịch, họ rất khó lý giải, nên chúng tôi đã đổi lại cách nói, nói dễ hiểu
một chút. Tôi nói lợi hại, bạn nhìn thấy lợi thì bạn nghĩ chính mình sẽ chiếm lấy,
hay là để cho người khác đoạt được? Điều này dễ hiểu. Lúc lợi ích hiện ra trước
mắt thì đều muốn tranh lợi, nếu bạn tranh lợi, nhất định sẽ tổn hại người khác,
xung đột sẽ xảy ra từ chỗ này. Tôi nói đây là nội tâm của chính mình, chính là
xung đột giữa lợi mình và lợi người. Nếu chúng ta niệm niệm đều nghĩ đến lợi
ích của người khác, không nghĩ đến lợi ích của chính mình, thì xung đột sẽ hoá
giải được thôi. Nếu niệm niệm chăm chăm vào lợi ích của chính mình, không ngó
ngàng đến lợi ích của người khác thì làm sao có thể hoá giải xung đột?
Cho
nên Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đều nói rất hay, bạn xem nhà Nho nói “Cách vật,
trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân”, đây là hài hoà chính mình, hài hoà thân
tâm chính mình. Khi thân tâm của mình hài hoà, gia đình hài hoà thì mới tề gia;
gia hoà rồi thì quốc gia sẽ hoà, là trị quốc; sau đó thiên hạ hài hoà. thiên hạ
thái bình. Tổ tiên xưa 5.000 năm trước đã dạy dỗ chúng ta như vậy, cho nên người
Trung Quốc xem trọng nhất là giáo dục gia đình. Lơ là giáo dục gia đình thì có
hệ lụy gì? Trung Quốc trong 100 năm trở lại đây đã lơ là giáo dục gia đình, nên
xã hội đại loạn, xã hội không có cảm giác an toàn.
Xã hội
một trăm năm trước không phải là như vậy, mặc dù triều đình nhà Thanh hủ bại
nhưng luân lý đạo đức, phong tục tình người trong dân gian vẫn thuần hậu, con
người sống ở thế gian họ có niềm vui, đậm tình người, thật sự là đều có thể làm
được tôn kính lẫn nhau. Chính mình khiêm tốn, nơi nơi đều nghĩ đến người khác,
lễ nhường, đều biết khiêm nhường. Người lạ, khách vãng lai, trước đây không thuận
tiện như bây giờ, đâu có nhiều khách sạn như vậy? Đặc biệt là ở ngoại thành, ở
vùng quê. Đi trên đường thì phải đi nhanh, khi trời tối đen thì không có chỗ
nghỉ, đến nhà người ta ở nông thôn gõ cửa xin một chỗ nghỉ. Người ta vừa thấy bạn
đi đường xa như vậy, rất hoan nghênh, tiếp đãi bạn, chuẩn bị đồ ăn cho bạn, cho
bạn chỗ nghỉ ngơi. Sự nhiệt tình đó hiện nay không còn nữa. Sự nhiệt tình như vậy,
trong thời gian kháng chiến chúng tôi vẫn thấy, thời gian kháng chiến chúng tôi
là học sinh lưu vong, chạy nạn khắp nơi, gặp người xa lạ, không ai mà không chịu
giúp đỡ. Người không chịu giúp rất ít, chỉ một hai phần mười; người nhiệt tình
giúp đỡ thì có tám chín phần mười. Cho nên chúng tôi biết cảm ơn đối với xã hội,
biết cảm ơn đối với mọi người, những điều này thảy đều nhờ giáo dục gia đình.
Biết được mối quan hệ giữa người với người, giữa người với người phải nên tôn
trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, hợp tác với nhau, đó là
giáo dục luân lý đạo đức.
Ngày
nay xã hội động loạn, nếu bạn không từ chỗ này mà bắt đầu làm thì không được.
Chúng tôi ở Thang Trì đã làm một thí nghiệm, thí nghiệm này tôi đã từng nói nhiều
lần với quý vị rồi. Sau hai lần hội nghị ở Đại học Queensland, tôi đã tiếp nhận
sự uỷ thác của trường, đại diện cho nhà trường, đại diện cho Úc Châu tham gia hội
nghị Hòa bình Quốc tế, trước sau tham gia 10 lần. Ở trong 10 lần này thì 7 lần
là do “Tổ chức UNESCO Liên Hợp Quốc” làm chủ đạo, chúng tôi quen biết rất nhiều
chuyên gia học giả, còn có một số lãnh đạo quốc gia, họ ngày ngày đang nghĩ,
nhưng không nghĩ ra phương pháp tốt. Sau khi tôi tham gia mấy lần này, tôi đã
hoàn toàn hiểu rõ, mở hội nghị có hiệu quả không? Không có hiệu quả, nhất định
phải học những gì tổ tiên xưa truyền lại cho chúng ta, những gì Thích-ca Mâu-ni
Phật dạy chúng ta, phải tổ chức lớp dạy học. Chúng tôi giới thiệu việc này với
những bạn bè trong hội nghị, sau khi họ nghe rồi rất hoan hỷ, rất tán thán,
nhưng không tin tưởng. Họ nói đây là thời xưa, hiện nay có thể làm được không?
Cho nên chúng tôi mới ở Thang Trì làm ra thí nghiệm này, không ngờ rằng chưa đến
nửa năm đã làm ra được, chứng minh những gì người xưa nói: “người dân có thể dạy
được tốt”, bạn không dạy thì không được.
Hiện
nay chúng ta dạy rất khó khăn, bởi vì bạn đã bị gián đoạn mất 100 năm rồi. Phải
nên dạy như thế nào? Chọn một thị trấn nhỏ có 12 làng, cư dân 48.000 người, là
cư dân sống ở địa phương đó, nam nữ già trẻ, các ngành các nghề mọi người cùng
nhau học tập, học cái gì? Là học Đệ Tử Quy. Người người đều học Đệ Tử Quy, người
người đều biết lễ, đều có thể chung sống hoà thuận rồi. Cho nên vợ chồng hòa hợp,
không có ly hôn; người muốn ly hôn, vừa tiếp nhận sự giáo dục này thì không ly
hôn nữa. Quan hệ cha con đã tốt, quan hệ mẹ chồng nàng dâu đã tốt, quan hệ hàng
xóm láng giềng đã tốt, thị trấn Thang Trì trong nửa năm thì biến thành vùng đất
lễ nghĩa, xã hội hài hoà, người đến tham quan đều rất cảm động. Bạn nói xem
giáo dục gia đình có quan trọng không? Việc chúng tôi làm ở Thang Trì chính là
giáo dục gia đình, không có gì khác, cho nên không thể lơ là.
Trung
Quốc lập nước 5.000 năm, một đất nước lớn như vậy, nhiều dân tộc như vậy, có thể
chung sống hoà mục, có thể hợp tác lẫn nhau, duy trì hoà bình lâu dài, trị an
lâu dài, dựa vào điều gì? Dựa vào giáo dục gia đình. Cho nên tôi thường hay
nói, nhiều lần làm báo cáo ở Liên Hợp Quốc, Trung Quốc giải quyết vấn đề là
dùng giáo dục, giáo dục gia đình. Giáo dục trường học là nối tiếp của giáo dục
gia đình, giáo dục xã hội là mở rộng của giáo dục gia đình, giáo dục tôn giáo
là sự viên mãn của giáo dục gia đình. Chúng tôi nói bốn nền giáo dục này, gia
đình là gốc, bốn nền giáo dục này là nhất quán.
Hỏi:
Câu hỏi thứ hai, đệ tử đã phạm tội cực kỳ nghiêm trọng là tội huỷ báng Phật
pháp và tội ngũ nghịch, không biết phải làm sao? Xin hỏi còn có cơ hội cứu vãn
không ạ?
Đáp: Có. Khi xưa, có rất nhiều đại đức trước
khi học Phật, đều là tạo tội huỷ báng Phật pháp, tạo tội ngũ nghịch. Chỉ cần bạn
giác ngộ rồi, chỉ cần bạn có thể sám hối, sám hối như thế nào? Sám khối không
câu nệ hình thức, phải có thực chất, sau không tạo nữa là chân sám hối rồi. Nếu
lại có thể phát tâm, khi xưa ta huỷ báng Phật giáo, hiện tại ta phản tỉnh quay
đầu lại tán thán Phật giáo, nghiệp chướng này của bạn sẽ tiêu vô cùng nhanh. Giống
như Thiên Thân Bồ-tát ở Ấn Độ thời xưa, ban đầu ngài học Tiểu thừa, huỷ báng Đại
thừa, đã tạo 500 bộ luận, cũng chính là viết 500 bài luận để huỷ báng Đại thừa.
Về sau, khi nhìn thấy anh của ngài học Đại thừa thì ngài hiểu rõ, rất hối hận,
ngài định cắt lưỡi của mình, vì sao vậy? Lưỡi tạo nghiệp. Anh trai của ngài
nói, khi xưa em dùng lưỡi của em để huỷ báng Đại thừa thì bây giờ em quay trở lại,
dùng lưỡi của em để tán thán Đại thừa, vậy không phải là tốt rồi hay sao? Cho
nên, ngài cũng đã tạo ra 500 bộ luận cho Đại thừa, tán thán Đại thừa, ở trong lịch
sử Phật giáo gọi là “Thiên Bộ Luận Sư”.
Cho
dù trước mắt bạn không thể giống như Thiên Thân Bồ-tát, nhưng bạn cũng có thể học
ngài, từ nay về sau không huỷ báng nữa, phải nên tán thán. Tán thán như thế
nào? Phải dùng chính bản thân mình y giáo tu hành, làm một tấm gương người Phật
tử tốt, để cho đại chúng trong xã hội nhìn thấy đều tán thán bạn, tán thán bạn
chính là tán thán Phật giáo, nghiệp chướng của bạn sẽ tiêu trừ rất nhanh, đây gọi
là hoằng dương Phật pháp, hộ trì Phật pháp. Bạn làm công việc này cho tốt, vậy
thì sẽ rất nhanh có thể tiêu nghiệp chướng, có thể cứu được bạn.
Hỏi:
Câu hỏi thứ ba, người hiện nay bàn đến nhân quả thì thường cho rằng là mê tín.
Xin hỏi một từ “nhân quả”, hàm nghĩa chân thật là gì? Những người lơ là sự tồn
tại của nó thì có nguy hiểm gì? Nhận thức chính xác về nó thì có lợi ích gì?
Đáp:
Đạo lý nhân quả đơn giản nhất là “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Bạn
tạo nhân thiện, nhất định có quả báo thiện; bạn tạo nhân bất thiện, nhất định
có quả báo bất thiện. Sự việc này chỉ cần bạn bình lặng xuống, thì ở ngay trước
mặt, mỗi ngày trong báo chí, tạp chí, phương tiện truyền thông, bạn thảy đều
xem thấy, nếu lại tỉ mỉ quay đầu quan sát chính mình thì càng rõ ràng hơn. Bản
thân ta ở trong xã hội này, ta đang dùng tâm gì? Tâm thiện hay là tâm ác? Ý thiện
hay là ý ác? Ngôn luận của ta ở trước công chúng, cho đến tất cả hành vi của
mình, nếu là thiện thì bạn sẽ có quả thiện. Quả thiện này không nhất định là
thăng quan phát tài, bạn sẽ có được tín nhiệm của xã hội đại chúng, bạn sẽ có
được sự tán thán của xã hội đại chúng. Xã hội đại chúng có niềm tin với bạn,
đây chính là việc tốt, bất luận bạn làm sự việc gì, bạn sẽ có được sự giúp đỡ của
nhiều người. Nếu bạn khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều bất thiện, toàn
là tổn người lợi mình, xã hội đại chúng đành lui ra lánh xa bạn, đều mong tránh
xa bạn một chút, bạn làm việc gì cũng không có người giúp, quả báo không phải
là ở hiện tiền đó sao? Vậy còn gì phải hỏi nữa?
Bạn
thật sự tin tưởng nhân quả báo ứng, đúng thật có lục đạo luân hồi, có nhân quả
ba đời, bạn sẽ không dám khởi niệm ác. Không cần nói đến làm việc xấu, ngay cả
niệm ác còn không dám khởi, vì sao vậy? Biết có báo ứng. Bạn sẽ không lừa người,
vì sao vậy? Quả báo lừa gạt người quá nghiêm trọng. Bạn thường lừa gạt người, bạn
xem thấy ở trong Điện Diêm Vương có địa ngục kéo lưỡi, đó là lừa gạt người, tạo
khẩu nghiệp, bạn có sẵn lòng chịu tội này không? Cho nên tự nhiên có khuôn
phép, bạn sẽ không dám làm việc xấu, thành tựu đức hạnh của mình. Tin tưởng
nhân quả, chúng ta sẽ chỉ làm việc tốt. Cho đến nhân quả báo ứng, bạn muốn hỏi
không tin thì có chỗ nào không tốt? Tin rồi thì tốt chỗ nào? Bạn hãy đọc Liễu
Phàm Tứ Huấn, bạn hãy xem Du Tịnh Ý Công Ngộ Táo Thần Ký, ở đây chúng tôi có
đĩa DVD, bạn xem thật tỉ mỉ thì bạn sẽ hiểu rõ thôi. Nhân quả báo ứng, việc này
là thật, tuyệt đối không phải là giả. Hiện nay chúng tôi đang trích ở trong bốn
bộ sách của tiến sĩ Weiss cũng nói, chủ yếu là nói con người có luân hồi, có
nhân quả, nợ mạng phải đền mạng, nợ tiền phải trả tiền. Đời người ở thế gian,
nhất định không có việc nào bạn thật sự chiếm được phần hơn cả, không hề có, bạn
cũng không phải chịu thiệt, nhân quả thông ba đời.
Hỏi:
Thứ tư, làm thế nào để giúp đỡ xã hội làm tốt công tác hòa bình?
Đáp:
Học tập Đệ Tử Quy là làm tốt rồi. Giống như chúng tôi đã làm ra thí nghiệm này ở
tiểu trấn Thang Trì, người người đều thực hiện Đệ Tử Quy, đúng thật giúp đỡ đất
nước thực hiện xã hội hài hoà, thế giới hài hoà.
Hỏi:
Câu hỏi thứ năm, con đã từng xem qua một bài văn, bài văn này là trải nghiệm của
pháp sư Khai Anh và pháp sư Khai Địch ở chùa Kim Sơn, Hải Đảo, huyện Khánh Vân,
tỉnh Sơn Đông bị chúng sanh dựa thân, xin hỏi có phải là thật không ạ?
Đáp:
Là thật. Người bị dựa thân này vẫn còn sống, tuổi tác không lớn, bạn có thể đến
Sơn Đông để thăm họ.
Hỏi:
Vì sao chúng sanh ở địa ngục có thể tự do ra vào nhân gian, đồng thời dựa vào
thân người khác?
Đáp:
Việc này là có nhân duyên đặc biệt, không phải là tuỳ tiện có thể dựa thân, mà
có nhân duyên đặc biệt. Họ có thể dựa thân, có thể nói cho người thế gian này
tin tức ở địa ngục, là một việc công đức, là một việc tốt. Đây tuyệt đối không
phải là lời giả, tuyệt đối không phải là lời bịa đặt, tuyệt đối không phải là
mê tín.
Hỏi:
Câu hỏi thứ sáu, làm việc thiện, nỗ lực hồi hướng, đối phương nhất định có được
lợi ích, xin hỏi đây là nguyên lý gì?
Đáp:
Sự việc này, năm xưa khi giảng kinh Địa Tạng tôi đã từng nói, nói rất thấu triệt,
đó chính là Bà-la-môn nữ, Quang Mục nữ làm thế nào để cứu mẫu thân của họ. Mẫu
thân của họ tạo tác tội nghiệp đọa vào địa ngục, bạn xem họ làm thế nào, bạn đi
học phương pháp này là được, công đích lợi ích đó vô cùng thù thắng.
Hỏi:
Câu hỏi tiếp theo, có phải có liên quan đến đạo lý mà tiến sĩ Giang Bổn Thắng
thí nghiệm không ạ?
Đáp:
Có một chút giống. Chúng ta có thiện tâm thiện nguyện thì hết thảy phản ứng vật
chất đều sẽ xinh đẹp; hành vi của chúng ta bất thiện thì phản ứng sẽ đều là bất
thiện, đạo lý này không thể không biết.
Hỏi:
Câu hỏi thứ bảy, nếu dùng máy tính để ghi tên của người vãng sanh đặt vào vào
đĩa quang, nhưng do đạo tràng không có điều kiện để chiếu đĩa, chỉ đem đĩa
quang thờ cúng ở trong chùa, xin hỏi có như pháp không ạ?
Đáp:
Bạn có thành ý thì sẽ như pháp, bạn có thiện hạnh thì như pháp. Nếu không có
thành ý, không thiện hạnh, giao việc siêu độ cho chùa chiền, xem như chẳng liên
quan gì tới mình, vậy thì không như pháp. Siêu độ thật sự, phải nương vào thiện
tâm thiện hạnh của mình, hồi hướng công đức của thiện tâm thiện hạnh, vậy thì
như pháp. Đây chính là điều mà Quang Mục nữ, Bà-la-môn nữ ở trong kinh Địa Tạng
đã làm.
Hỏi:
Một câu hỏi cuối cùng, khi chúng con nhìn thấy ngôn luận sách vở phê bình, huỷ
báng ân sư, thì có thể bác bỏ một cách thích đáng không? Chúng con nên giữ thái
độ gì ạ?
Đáp:
Không cần. Huỷ báng cũng là việc tốt. Huỷ báng có hai loại, một loại là cố ý, một
loại là vô ý, việc cố ý cũng là điều đáng bị, vì sao vậy? Người Trung Quốc xưa
thường nói cây to gió lớn, loại chướng ngại đố kỵ này, thời Thích-ca Mâu-ni Phật
còn tại thế cũng có. Đề-bà-đạt-đa, Lục quần Tỳ-kheo, chính là rất đố kỵ với
Thích-ca Mâu-ni Phật. Bạn xem thử đại sư Lục Tổ Huệ Năng của Thiền tông không
phải là bị người đố kỵ đó sao? Chạy đến nhóm người thợ săn ẩn náu suốt 15 năm.
Chúng ta chịu một chút phê bình vậy đâu có vấn đề gì? Cho nên không nhất định
phải biện bác. Khi biện bác thì gọi là càng tô càng đen. Cứ để họ nói, họ nói mệt
rồi thì họ không nói nữa. Cứ để họ viết, viết mệt rồi thì họ không viết nữa.
Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, không có gì là vì bản thân, đều
là vì chúng sanh khổ nạn. Họ hiện tại không biết, qua mấy năm thì họ sẽ rõ
thôi, cho nên đừng biện luận với họ, như vậy là tốt nhất.
Hỏi: Tiếp theo là câu hỏi của đồng học Trung Quốc,
hơi nhiều câu hỏi, hơn 12 câu.
Câu
thứ nhất, đồng tu ở đạo tràng phát tâm tịnh khẩu niệm Phật, nếu thường xuyên viết
thư để tố lỗi lầm của người khác, liệu công phu có thể thành tựu không?
Đáp:
Không thể thành tựu. Tịnh khẩu là tâm của bạn thanh tịnh, trên hình thức bạn
đang tịnh khẩu, thực tế thì bạn vẫn là không thanh tịnh. Vì sao vậy? Dùng thư từ
thay thế lời nói, cho nên cùng một đạo lý với việc phá hoại công đức tịnh khẩu.
Hỏi:
Thứ hai, trong câu thứ hai có ba đề mục nhỏ. Tiền quyên góp của thập phương liệu
có thể để cá nhân lấy dùng được không ạ?
Đáp:
Không thể được. Những cúng dường của thập phương thường trụ này, nhất định phải
dùng ở thường trụ, cá nhân lấy dùng là phạm giới trộm cắp, mà giới trộm cắp này
vô cùng nghiêm trọng, còn nghiêm trọng hơn so với trộm thuế của nhà nước, kết tội
của nó là hướng đến khắp pháp giới, hư không giới mà kết tội. Cho nên, trong kinh
Địa Tạng nói, bạn phạm tội ngũ nghịch thập ác, Phật Bồ-tát có thể cứu được bạn,
còn trộm cắp đồ thường thụ, Phật Bồ-tát không thể cứu, phải biết điều này. Đồ của
thường trụ là sự cúng dường bằng tâm cúng kính, bằng tâm chân thành của thập
phương, bạn lãng phí cũng có tội. Cho nên đối với thường trụ, trong Giới Kinh
nói rất hay, chúng ta yêu tiếc vật của thường trụ phải giống như yêu tiếc đôi mắt
của mình vậy, một hạt bụi cũng không được lọt vào, ví dụ này nói rất hay. Rất
nhiều người không biết đạo lý này, cho nên ở đạo tràng dễ phạm sai lầm, điều
này nhất định phải nói rõ ràng, nói thấu đáo, vấn đề này hỏi được rất hay.
Hỏi:
Thứ hai, nếu cho người khác mượn dùng, có điều khoản nợ, thì trả tiền lãi như
thế nào ạ?
Đáp:
Việc này cũng không như pháp, không thể cho mượn. Khi bạn thật sự có khó khăn
thì thường trụ và mọi người có thể giúp đỡ bạn, Phật pháp là lấy từ bi làm gốc,
phương tiện làm cửa, Phật pháp có thể dùng phương thức từ bi cứu tế đối với bạn.
Tương lai khi bạn có điều kiện thì lại đến tu cúng dường, không có mượn với trả
gì cả. Nhưng nếu tiền của thường trụ cho cá nhân sử dụng thì thường trụ phải mở
cuộc họp, tuyệt đối không phải cứ làm trụ trì là mình có thể làm chủ; họ muốn
làm chủ thì họ sẽ gánh nhân quả, họ phải chịu trách nhiệm. Phải hiểu đạo lý
này.
Thông
thường mở cuộc họp trong Phật pháp, đa phần là vào sau bữa ăn, bởi vì khi ăn
cơm thì mọi người đều có mặt, bình thường mỗi người dụng công, ai nấy có công
khoá riêng. Đều là vào bữa ăn sáng hoặc bữa ăn trưa, bữa tối thông thường không
ăn, đa phần đều vào bữa trưa, mọi người tập hợp, gọi là yết-ma. Yết-ma là tiếng
Ấn Độ, dùng lời hiện nay nói chính là hội nghị, là họp biểu quyết. Lão hoà thượng
hoặc là vị thầy phụ trách thay mặt đại chúng tuyên bố, một người nào đó, xuất
gia hay tại gia, họ có khó khăn, chùa của chúng ta lấy một chút tiền giúp đỡ họ,
giúp họ giải quyết khó khăn này, mọi người có đồng ý không? Sự việc rất nhỏ thì
nói một lần, đồng ý thì không nói nữa, không đồng ý thì sẽ nói tiếp. Giống như
việc mượn tiền thông thường, đây không phải là việc nhỏ, đây là việc lớn, ít nhất
phải nói ba lần. Ba lần, không có ai phản đối, việc này thông qua rồi, vậy thì
có thể. Cho nên không cá nhân nào có thể làm chủ.
Việc
lớn nhất trong Phật giáo là xuất gia, khi xuất gia thì phải bạch Tứ Yết-ma,
chính là nói bốn lần, hiện nay chúng ta nói thông qua ba lần đọc, thông qua bốn
lần đọc, thông qua bốn lần đọc là quan trọng nhất. Bình thường ở chùa nếu có
người đến đây quải đơn, thông thường đều là ba lần, thông qua ba lần đọc, không
phải là một ai đó có thể làm chủ. Hơn nữa khi đến quải đơn, trước đây khi quải
đơn nhất định đã từng thọ giới, có giới điệp. Hơn nữa trong chùa có quy củ,
thông thường đến quải đơn, đầu tiên là ba ngày, năm ngày, một tuần; ở phải rất
tốt, hai bên đều có thể thích ứng thì bạn có thể ở một tháng, ở hai tháng. Tri
kiến của mọi người có thể nhất quán, lại có thể tuân thủ giới luật, như vậy mới
có thể ở lại. Bất kỳ người nào bước vào đạo tràng, đều phải nên có giai đoạn
quan sát từ ba tháng đến nửa năm, đây là rất hợp đạo lý. Thường trụ phải hiểu
rõ bạn, bạn phải hiểu rõ thường trụ, mọi người có thể chung sống hoà mục, có thể
kiến đồng giải, giới đồng tu, vậy mới có chỗ tốt, không phải cứ tuỳ tiện mà đến.
Người xuất gia ít nhất phải bị quan sát ba năm, bạn ở trong đạo tràng này ba
năm, dùng thân phận cư sĩ ở ba năm, ở được rất tốt, bạn phát tâm xuất gia, thì
mới có thể cạo đầu, không phải là vừa đến là cạo ngay. Cho nên ngôi chùa này bất
hoà là có nguyên nhân bất hoà, không như pháp.
Hỏi:
Câu hỏi thứ ba, nếu phát tâm vì lợi ích của thập phương thì mới đem tiền quyên
góp cho cá nhân vay, nhưng trên sự tướng có sai lầm, quả báo như thế nào ạ?
Đáp:
Việc này bạn có thể đọc điều “giới trộm cắp” trong Sa-di Luật Nghi, trong đây
nói rất rõ ràng, nói rất tường tận, bạn sẽ biết thôi. Tiền quyên góp vì lợi ích
thập phương, lợi ích chúng sanh, không được mang cho cá nhân. Quy củ trong cửa
Phật rất lớn, tiền mua gạo không được mua rau, tiền mua rau không được mua dầu,
nhân quả một chút cũng không thể sai. Sai rồi thì người nào làm, người đó phải
chịu trách nhiệm. Cho nên chỉ cần bạn đại công vô tư, ngôi chùa này sẽ quản lý
rất tốt, đại chúng trong đó sẽ tâm an, trọng đạo, họ không sanh phiền não, họ mới
thật sự có thể học đạo.
Hỏi:
Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi người tu hành làm sao phán đoán được mình thích hợp
với phương pháp tu hành nào? Ví dụ nên giảng kinh hoằng pháp, hay ở trong nhà
thật thà niệm Phật, ở đạo tràng làm công quả, hay phương thức nào khác?
Đáp:
Việc này hoàn toàn dựa vào chính mình. Chính mình có thể làm thí nghiệm, mỗi một
loại đều trải nghiệm thử một chút, xem có thích ứng không? Có thể sinh tâm hoan
hỷ không. Một chút cũng không được miễn cưỡng. Ở trong Phật pháp, phần lớn là
hai loại này, một loại là hoằng pháp, một loại là hộ pháp, công đức hoằng hộ đều
thù thắng, đều thù thắng không gì bằng. Điều kiện hoằng pháp là hoằng hộ đều phải
buông xuống, nhất định phải buông xuống chấp trước, phải buông xuống phân biệt,
buông xuống vọng tưởng; không thể buông xuống hoàn toàn thì cũng phải buông được
mấy phần, tâm của bạn mới thanh tịnh. Bất luận là hoằng pháp hay hộ pháp, nhất
định phải học Đệ Tử Quy, chính là pháp căn bản, là thứ không thể không học. Đệ
Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp Đạo, nếu là đạo tràng nhà Phật có người
xuất gia thì còn phải thêm Sa-di Luật Nghi, bốn môn này gọi là pháp căn bản, đó
chính là đạo tràng nhà Phật. Nếu không có, thiếu những thứ này, đây không phải
đạo tràng nhà Phật, phải hiểu đạo lý này, không thể đại diện cho Phật giáo thì
không thể thành tựu cho chúng sanh. Cho nên bốn pháp cơ bản này nhất định phải
học, không học pháp cơ bản thì đều có sai lầm.
Có
pháp cơ bản này rồi, bạn xem thử bạn có thích hợp với làm hoằng pháp không. Điều
thứ nhất trong hoằng pháp là sức ghi nhớ phải tốt, bạn nghe một lần có thể nhớ
được, lần thứ hai thì có thể lý giải được, bạn có thể nghe hiểu, có thể lý giải,
đây là hai điều kiện của hoằng pháp. Ghi nhớ thì phải nhớ bao nhiêu? Ví dụ bạn
nghe thầy giảng kinh, nghe một giờ, bạn có thể nhớ được ít nhất 70%, có trình độ
như vậy, bạn mới có thể học giảng kinh, còn phải cầu Tam bảo gia trì, đại khái
trong vòng một tuần không bị quên mất. Cũng chính là nói, chúng ta nghe giảng
trên lớp một giờ, cho bạn đi giảng lại, không có ghi chép, chính là bằng trí nhớ,
bạn có thể giảng được 40 phút trở lên, có thể giảng được 40 phút đến 50 phút, vậy
thì có thể học kinh giáo, có thể học giảng kinh. Nếu không có năng lực này thì
chính mình hãy tu hành thật tốt, làm công việc hộ trì Phật pháp.
Đạo tràng Phật giáo chính là trường học,
trong trường học có hai dạng người, một là giáo viên, một là nhân viên. Ta
không thể làm giáo viên thì ta làm nhân viên, công đức hoàn toàn như nhau,
không có chút sai khác. Một đạo tràng giống như một cái đồng hồ, giảng kinh hoằng
pháp phải giống như cái kim ở trên mặt đồng hồ, nó nói với bạn mấy giờ mấy phút;
còn hộ pháp, người làm công quả chính là linh kiện bên trong đồng hồ, thiếu một
thứ cũng không được, thiếu một con ốc nhỏ nó cũng chạy không chuẩn, bạn liền hiểu
được công đức là cả chỉnh thể. Người giảng kinh công đức lớn bao nhiêu thì người
hộ trì, người làm công quả công đức lớn bấy nhiêu, thậm chí nếu bạn ở trong đạo
tràng này làm công việc quét dọn vệ sinh thì công đức đều lớn như nhau. Bởi vì
linh kiện trong đồng hồ rất nhiều, thiếu một thứ cũng không chạy đúng giờ, là đạo
lý như vậy, một thứ cũng không được thiếu, việc nào cũng là công đức viên mãn,
điều này không thể không hiểu.
Hỏi:
Câu hỏi thứ tư, đệ tử đến từ Thanh Hải, hy vọng đến Thang Trì học tập Đệ Tử
Quy. Đầu tiên xin hỏi phải nên học tập như thế nào ạ?
Đáp:
Bạn đến đó là biết ngay. Ở đó có thầy cô, có đồng học hướng dẫn bạn.
Hỏi: Thứ hai, đệ tử ở Thanh Hải, là khu vực Tây Bắc
rộng lớn, không giống như cơ cấu giáo dục ở Thang Trì, đệ tử học xong về quê
hương, phải nên hoằng dương văn hoá truyền thống và Phật pháp như thế nào?
Đáp:
Bạn phát tâm này vô cùng tốt. Phát được tâm này, tốt nhất có thể mời hai, ba bạn
đồng học, các bạn mấy người cùng nhau học, sau khi về nhà thì có thể đem tinh
thần ở Thang Trì về quê hương của các bạn để phát dương quang đại. Nếu một người
học, bạn không có trợ thủ thì khó khăn sẽ nhiều hơn; nếu có thể có ba đến năm
người thì vô cùng lý tưởng.
Hỏi:
Câu hỏi tiếp theo, ở Thanh Hải có rất nhiều đệ tử y theo giáo huấn tu hành của
ngài, nhưng vì không có đạo tràng giống như ở Hồng Kông, chỉ đành ở nhà tu một
mình, sau cùng ngay cả trợ niệm lâm chung cũng không có cách gì thực hiện. Xin
hỏi chúng con tiếp tục tự mình tu hành tại gia, hay là nghĩ cách xây dựng một đạo
tràng cộng tu?
Đáp:
Xây dựng niệm Phật Đường thì rất tốt. Tuân theo giáo huấn của lão pháp sư Ấn
Quang, niệm Phật đường cỡ nhỏ, số người không quá 20 người, cùng nhau cộng tu,
như vậy thì rất tốt. Thật sự có hai mươi người cùng nhau cộng tu, đối với việc
vãng sanh thì tìm mấy đồng học đến giúp trợ niệm cũng không có khó khăn gì.
Hỏi:
Tiếp theo hỏi, nếu xây dựng đạo tràng hoặc nhóm nhỏ học Phật, phải nên làm thế
nào mới tốt?
Đáp:
Việc này có thể thỉnh giáo hội Phật giáo ở nơi đó, các huyện thị ở Trung Quốc đều
có hiệp hội Phật giáo, có cục tôn giáo, hãy thỉnh giáo với họ. Có thể tham quan
một số đạo tràng ở khu vực Duyên Hải. Thang Trì là trường học, họ không phải là
đạo tràng, nhưng gần đó có, gần đó có một Cư Sĩ Lâm, còn có chùa Thật Tế, đều
có thể đi tham quan. Việc tu hành ở trong nước rất tốt, giới luật rất nghiêm,
chùa Bách Quốc Hưng Long ở Trường Xuân, rất đáng đến nơi đó để học tập, hoàn
toàn là đạo tràng Tịnh độ. Đông Thiên Mục Sơn ở Hàng Châu cũng là đạo tràng rất
tốt, nghe nói người ở đó cũng rất nhiều, người học tập rất nhiều. Đều có thể đi
tham học, sau đó về quê hương của bạn xây dựng niệm Phật đường.
Hỏi:
Ở Thanh Hải có mấy đệ tử muốn học kinh giáo, xin hỏi học kinh giáo hoằng pháp lợi
sanh có nhất định phải đến bên ngài để học tập không?
Đáp:
Việc này không cần. Hiện nay chúng tôi dùng dạy học từ xa, chỉ cần bạn biết
phương pháp. Phương pháp này quan trọng nhất là phát tâm, phát tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề
là gì? Tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ
bi, trước hết phải phát được tâm này. Thật sự có thể làm được xả mình vì người,
cũng chính là nói khởi tâm động niệm vì chánh pháp cửu trụ, vì chúng sanh khổ nạn,
không nghĩ đến bản thân nữa, điểm này vô cùng quan trọng. Cho nên, phát tâm là
căn bản. Sau khi phát tâm, trước hết học tập khóa trình nền tảng, khoá trình nền
tảng chính là Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp Đạo. Ba môn học này
thật sự thực hiện được rồi thì tam quy, ngũ giới, Sa-di luật nghi tự nhiên có
thể làm được, không có chút khó khăn nào. Hiện nay thông thường cảm thấy khó
khăn là bởi vì không có nền tảng, nền tảng làm tốt rồi thì sẽ không có khó
khăn. Sau đó học một bộ kinh, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, thuộc
lòng rồi thì tự nhiên sẽ biết giảng.
Học
tập tốt nhất là dùng đĩa quang, đĩa quang rất dễ tìm, đến hiệp hội của chúng ta
để tìm cũng không có gì khó, ở đây đều sẽ cung cấp cho bạn. Chỉ cần học một bộ,
bạn hãy nghe, nghe đi nghe lại, người xưa nói “đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự
hiểu”. Tôi tin rằng bạn có thể nghe được 100 lần thì bạn sẽ giảng được, thì bạn
có thể đi khắp nơi để giảng, học giảng. Sau đó cảnh giới của bạn sẽ nâng lên
theo từng năm, càng giảng càng hay, số lần giảng phải giảng nhiều. Cho nên,
khoá trình căn bản vô cùng quan trọng, nếu không học tốt khóa trình căn bản thì
bạn đi ra ngoài giảng kinh, đến khi giảng cũng không tệ, danh văn lợi dưỡng đều
đến, lúc đó bạn có thể chống đỡ nổi không? Nếu không chống đỡ nổi, rất dễ bị đọa
lạc, không phải là bạn độ chúng sanh mà là bạn bị chúng sanh độ cho chạy mất, bạn
khởi tâm tham, tham sân si mạn thảy đều khởi, đó là huỷ hoại chính mình. Cho
nên khoá trình nền tảng vô cùng quan trọng, chân thật có thể buông xuống, không
cầu danh văn lợi dưỡng nữa.
Ở
trong xã hội này, thật sự muốn có thể giữ được mình thì ngay cả đạo tràng cũng
không thể có, có đạo tràng thì bạn sẽ có lo nghĩ, bạn sẽ phân tâm, không thể
chuyên tâm. Thành tựu cả đời này của tôi, chính là không có đạo tràng, sống ở đạo
tràng của người khác. Nếu chính mình không có đạo tràng để ở thì ở một am tranh
nhỏ là được. Hai, ba người cộng tu với nhau, không cần mở rộng, không cần làm lớn,
vì sao vậy? Đỡ phải lo, không phải vì việc này mà lo lắng. Mỗi ngày chúng ta có
thể ăn đủ no, mặc đủ ấm, có chỗ nhỏ có thể che mưa che nắng, vậy đủ rồi. Có thời
gian nữa thì học tập kinh giáo, luyện tập giảng kinh, chỉ cần có người nghe, đi
khắp nơi giảng, giảng từng biến từng biến một, chính là một bộ kinh giảng đến
cùng. Một bộ kinh này có thể giảng được 100 lần, giảng được 200 lần, 300 lần,
thành thục rồi. Sau đó, chân thật có thể giảng xong 300 lần thì có thể học bộ
kinh kế tiếp; không học cũng được, còn nếu học thì sẽ rất dễ, vì sao vậy? Bạn
đã có nền tảng rất tốt.
Hỏi:
Câu hỏi tiếp theo, nếu chính mình ở nhà học kinh giáo, học tập như thế nào mới
như pháp?
Đáp:
Như tôi vừa mới nói là được, y theo phương pháp này mà học, không có gì không
thành tựu.
Hỏi: Câu hỏi sau cùng, ảnh hưởng của Phật giáo Hán
truyền ở Thanh Hải rất yếu, chúng con phải nên làm thế nào để nương theo sự dạy
dỗ của ngài mà tuyên truyền Phật giáo? Làm thế nào để giúp các đạo tràng và tứ
chúng đệ tử của các pháp môn khác tu học?
Đáp:
Không cùng tông phái nhất định phải tôn kính lẫn nhau. Trước hết chúng ta phải
tôn trọng họ, phải lễ kính với họ, phải quan tâm, phải chăm sóc, phải giúp đỡ,
dùng hành động của mình để biểu hiện, như vậy thì có thể chung sống hoà mục.
Tông phái không như nhau, giống như anh em chị em chúng ta chung sống vậy,
chúng ta cùng có một vị thầy, là Thích-ca Mâu-ni Phật. Tông phái không như nhau
đều là do Thích-ca Mâu-ni Phật truyền, cho nên những người không cùng tông phái
này đều thật sự là huynh đệ thân thiết. Huynh đệ mỗi người học không như nhau,
ngành nghề mỗi người làm không như nhau, nhưng đã là huynh đệ thì nhất định là
hiệp trợ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, phải hiểu đạo lý này. Cho nên bất luận là
thế pháp hay Phật pháp, bạn dùng mô thức gia đình để thực hiện, để chung sống
thì nhất định đều có thể làm được rất như pháp.
Hỏi:
Câu hỏi tiếp theo, họ hỏi xã hội hiện nay lơ là giáo dục luân lý đạo đức, đến bệnh
viện khám chữa bệnh thường có nhiều tác dụng phụ hơn. Khi chúng con chăm sóc
người bệnh khổ gặp nguy nan, niềm tin Phật pháp của người thân quyến thuộc của
bệnh nhân không kiên định, chướng ngại rất lớn, nhất định muốn đưa người bệnh đến
bệnh viện. Đệ tử Phật ở bên cạnh chăm sóc, phải nên lấy trí tuệ cao độ và định
lực như thế nào để giúp đỡ người bệnh?
Đáp:
Đáp án chính là câu sau cùng của bạn, bạn phải có trí tuệ cao độ, phải có định
lực, bạn mới có thể thật sự giúp đỡ người bệnh được. Người thân quyến thuộc của
họ nhất định phải tìm bác sĩ, bác sĩ tốt nhất là tìm bác sĩ Đông y, phải hết sức
đừng để bệnh nhân ở trong bệnh viện, hễ vào bệnh viện thì phiền phức sẽ lớn, là
thật, tác dụng phụ sẽ càng lớn. Gần đây tôi xem thấy một cuốn sách, là do người
nước ngoài viết, có bản dịch sang tiếng Trung, tên cuốn sách này là “Đừng để
bác sĩ giết bạn”, bạn xem đề mục này đáng sợ biết bao, đây chính là nói tác dụng
phụ của việc điều trị vô cùng lớn. Đông y thì tốt hơn, ôn hoà, Đông y trị gốc,
trị căn bản. Hình như thầy thuốc khu vực Tây Tạng ở Thanh Hải cũng rất giỏi,
đây là điều phải nên chú ý, hy vọng người thân quyến thuộc này có thể hợp tác.
Về
phương diện điều trị, tôi cũng từng nói rất nhiều với các vị. Bệnh tật sanh ra
như thế nào, bạn phải hiểu đạo lý này, nói thật ra Tây y không hiểu đạo lý này.
Bệnh tật từ đâu tới? Con người vì sao lại sanh bệnh? Trong truyền thống Trung
Quốc, ở trong Phật pháp nói nguồn gốc có ba loại. Loại thứ nhất là bệnh sinh
lý. Ăn những thức ăn bị hỏng, ăn uống vô độ, trúng gió cảm lạnh, đây đều thuộc
về sinh lý. Bệnh sinh lý thì đi bác sĩ để khám bệnh, họ sẽ giúp bạn điều chỉnh.
Loại
thứ hai là bệnh oan nghiệp, oan gia trái chủ dựa vào thân. Cái này thuốc thang
không có tác dụng, không những Tây y không có tác dụng, Đông y tuy có một chút
tác dụng nhưng không lớn, không giúp được nhiều. Vì sao vậy? Oan gia trái chủ dựa
vào thân. Đạo tràng này của chúng tôi mấy tháng trước xuất hiện một người, bạn
xem thân thể người đó khổ sở biết bao, hơn 120 oan gia trái chủ ở trên thân anh
ấy. Việc này Đông y, Tây y đều không có cách gì, vậy phải làm sao? Hoà giải. Những
oan gia trái chủ đó của anh ấy, chúng tôi làm quy y cho họ, giảng khai thị cho
họ, chính là khuyên bảo họ. Khi xưa vô tri, kết oan nghiệp này, nếu oan oan
tương báo, đời đời kiếp kiếp hai bên đều khổ sở, chẳng bằng hoá giải, quá khứ
đã là quá khứ, đừng tính toán nữa. Khuyên họ rời khỏi, khuyên họ học Phật,
khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, vĩnh viễn thoát khỏi lục đạo luân hồi. Rất
nhiều vị có thể tiếp nhận, họ vừa tiếp nhận thì rời khỏi, bệnh của bạn sẽ tốt
lên. Cho nên đây là loại hình thứ hai, cầu Phật, Phật sẽ hoà giải cho bạn.
Loại
thứ ba là bệnh nghiệp chướng, bệnh này rất khó, là tội nghiệp rất nặng do mình
tạo tác. Nó không phải là sinh lý, cũng không phải là oan gia trái chủ dựa
thân, mà là nghiệp chướng của chính bạn, bệnh này rất khó chữa, Phật Bồ-tát
cũng không có cách gì, bác sĩ cũng không có cách. Nhưng Phật nói với chúng ta,
bạn phải phát tâm chân thành sám hối, sám trừ nghiệp chướng, vậy thì được. Biết
những tội nghiệp đó do mình tạo, phát tâm hổ thẹn, từ nay về sau không tạo lại
nữa. Giống với ai? Giống như Du Tịnh Ý. Các bạn xem Du Tịnh Ý gặp phải những
tai nạn đó, đó là nghiệp chướng, đó không phải là oan gia trái chủ. Sau khi sám
trừ nghiệp chướng, hết thảy đều khôi phục lại bình thường, tích công lũy đức.
Những năm về già của Du Tịnh Ý vô cùng tốt, tất cả khổ nạn thật sự đều hoá giải
rồi, về già có phước. Cho nên những đạo lý này phải nên nói cho người nhà thân
quyến nghe, để cho họ rõ lý, mọi người cùng nhau đến giúp đỡ người bệnh, như vậy
mới tốt. Nghe thấy có thầy thuốc Đông y thật sự tốt thì hãy giới thiệu cho họ.
Hỏi:
Tiếp theo là câu hỏi thứ chín, những câu hỏi của họ dưới đây liên quan đến giáo
dục. Câu thứ nhất, xin hỏi giáo dục thời xưa và giáo dục hiện nay có gì khác
nhau?
Đáp:
Có sự khác biệt rất lớn. Giáo dục thời xưa là lấy luân lý đạo đức làm trung
tâm, làm khoá trình chính. Giáo dục hiện nay, điều này mọi người có thể xem thấy,
từ trường mẫu giáo đã bắt đầu học, học gì vậy? Học cạnh tranh, đây là chỗ hoàn
toàn không như nhau. Giáo dục luân lý đạo đức là học lễ nhường, bạn xem trong
chuyện xưa ở Trung Quốc có “Khổng Dung 4 tuổi nhường lê” mà mọi người rất quen
thuộc. Hiện nay thì phải tranh giành, phải cạnh cạnh tranh, phải hơn người khác
một cái đầu, phải đè đầu cưỡi cổ người khác, ai nấy đều đang cạnh tranh. Cạnh
tranh nâng lên chính là đấu tranh, đấu tranh nâng lên chính là chiến tranh, chiến
tranh hiện nay là vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, chính là huỷ diệt địa cầu,
điều này quá rõ ràng rồi. Giáo dục hiện nay là lấy lợi ích cá nhân làm gốc,
không có ai không tranh lợi cả, là lấy lợi mình làm gốc. Con người vừa mở miệng
là có lợi cho ta không? Có lợi cho gia đình ta không? Có chỗ tốt nào đối với
công ty ta không? Có lợi gì cho đất nước ta không? Không quan tâm người khác, vậy
làm sao không xung đột được?
Muốn
lợi cho mình thì trong nhà khởi lên xung đột, trong nhà bạn còn có người khác,
bạn không để ý đến họ; có lợi cho nhà mình thì xóm làng sẽ xảy ra xung đột; có
lợi cho nước mình thì sẽ xảy ra xung đột với nước khác, thế giới không hòa
bình. Cho nên, giáo dục cổ thánh tiên hiền Trung Quốc không phải là điều này,
không dạy bạn cách nghĩ này, dạy bạn khởi tâm động niệm suy nghĩ cho người
khác, nhất định không được nghĩ cho chính mình. Ta ở trong nhà, ta khởi tâm động
niệm vì cả nhà, mỗi người đều nghĩ đến thì gia hòa. Sống ở nơi này, ta biết
nghĩ đến hàng xóm láng giềng của ta thì xã hội này hài hòa, khu vực này của ta
hài hòa. Ta nghĩ đến đất nước mình, cũng nghĩ đến đất nước của người khác thì
thiên hạ thái bình. Đây là sự khác nhau giữa lý niệm giáo dục xưa và nay.
Hỏi:
Giáo dục hiện đại sẽ dẫn đến vấn đề gì?
Đáp:
Như tôi vừa nói rồi, chính là dẫn đến cạnh tranh, đấu tranh, chiến tranh. Chiến
tranh là nhân họa, gọi là thiên tai nhân họa. Thiên tai, không phải là tai hoạ
do thiên nhiên, mà là do tâm hạnh bất thiện của con người chiêu cảm lấy. Xem
thí nghiệm của tiến sĩ Masaru Emoto thì bạn có thể hiểu rõ. Nếu lòng người thiện
thì thật sự mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Khái niệm truyền thống trước
đây, đã phổ biến ở Trung Quốc suốt 5.000 năm, “Dựng nước quản dân, dạy học làm
đầu”; hay nói cách khác, quốc gia đặt giáo dục ở vị trí quan trọng đầu tiên
trong chính trị, cũng chính là nói tất cả đều phải phục vụ cho giáo dục. Hiện
nay không phải vậy, hiện nay đặt giáo dục ở sau cùng, tất cả vì cái gì? Tất cả
vì phục vụ cho kinh tế, đặt lợi lên đầu tiên, lợi thì con người nhất định sẽ
tranh giành, người người đều tranh lợi thì phiền phức đến thôi.
Hai
nghìn năm trước Mạnh tử từng nói: “Trên dưới cùng tranh lợi thì nước lâm nguy vậy”.
Cha con trong nhà tranh lợi, con giết cha, cha giết con. Anh em tranh lợi, việc
này xem thấy quá nhiều rồi, bạn xem tranh đoạt tài sản thừa kế, anh em bất hoà
biến thành như kẻ thù vậy, tình yêu thương đùm bọc của anh em đâu mất rồi? Cho
nên gia đình này làm sao không bại cho được? Sống ở một địa phương, hàng xóm
láng giềng thảy đều tranh lợi thì xã hội này động loạn. Mỗi một quốc gia đều vì
lợi ích của chính mình mà tranh giành thì nhất định không thể tránh khỏi chiến
tranh. Vấn đề này vô cùng, vô cùng nghiêm trọng. Cho nên thiên tai nhân họa từ
đâu đến? Từ giáo dục đến. Trái với luân lý đạo đức nhân quả, chính là ngày tận
thế mà trong tôn giáo nước ngoài nói đến.
Hỏi:
Câu hỏi tiếp theo, năm nay Bắc Kinh gặp phải tiết tháng 5 nóng nhất trong vòng
35 năm gần đây. Theo báo chí, 17 năm nóng nhất trong 100 năm gần đây, có 10 năm
xuất hiện sau năm 1990, toàn cầu đang ấm lên, hiệu ứng nhà kính càng ngày càng
mạnh. Xin hỏi phải nên xem vấn đề này như thế nào? Giáo dục của Phật-đà có cách
nào giải quyết được vấn đề này không?
Đáp:
Vấn đề này vô cùng nghiêm trọng, phải lấy thái độ nghiêm túc để đối diện với vấn
đề này. Giáo dục Phật-đà đúng là có cách giải quyết, nhưng con người không tin
tưởng, người ta nói Phật giáo là mê tín, vậy thì không có cách gì nữa. Nếu thật
sự tin tưởng thì việc hoá giải rất đơn giản. Bạn muốn hỏi cần bao nhiêu thời
gian? Tôi nghĩ nhiều lắm cũng chỉ một năm là thiên hạ thái bình. Dùng phương
pháp gì? Phật chỉ có hai câu nói: “siêng tu giới định tuệ, diệt trừ tham sân
si”, thật sự là làm được. Mỗi một người buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh
văn lợi dưỡng, buông bỏ hưởng thụ đối với vật chất, buông bỏ tham sân si mạn
thì thiên tai nhân họa đều không còn nữa. Cho nên khi tôi giảng kinh đã từng
nói, thế giới này của chúng ta khác biệt gì với thế giới Cực Lạc? Không có mảy
may khác biệt. Vì sao thế giới Cực Lạc không có tai nạn? Là nguyên nhân gì? Người
ở đó tâm thiện, lời nói thiện, hành vi thiện. Thế giới này của chúng ta là tâm
bất thiện, lời nói bất thiện, hành vi bất thiện, cho nên môi trường cảm ứng được
là hoàn toàn không giống nhau, là đạo lý này, trên thực tế không có sai khác.
Thế giới này của chúng ta, nếu như tâm thiện, hành vi thiện, lời nói thiện, thì
sông núi đất đai lập tức biến thành thế giới Cực Lạc. Người ở thế giới Cực Lạc,
nếu một ngày người sống ở đó tâm bất thiện, lời nói hành vi bất thiện, lập tức
sẽ biến thành giống như thế giới của chúng ta.
Bạn
phải tin tưởng lời Phật nói “cảnh tùy tâm chuyển”, “hết thảy pháp từ tâm tưởng
sanh”, sông núi đất đai từ tâm tưởng của chúng ta mà sanh, tâm là thiện thì
không có cái nào là bất thiện. Cho nên người học Phật chúng ta, cho dù xã hội đại
chúng không tin tưởng, chúng ta tin tưởng, bất kể các bạn làm như thế nào,
chúng tôi vẫn nhất định hành thiện, tôi sẽ không chịu ảnh hưởng của bạn. Thậm
chí tai nạn đến, tai nạn đến thì con người sẽ không bị huỷ diệt hết. Thật sự có
người nói, truyền tin tức này cho tôi, người học Phật không bị tai nạn, nhưng bạn
phải hiểu là thật học Phật chứ không phải giả học Phật; giả học Phật thì tai nạn
đến bạn vẫn không thể tránh được, phải thật học Phật. Thật học Phật, như trong
Tịnh tông chúng ta nói, chính là lời của tổ sư đã nói, “trì giới niệm Phật” thì
không gặp tai nạn, nếu không thể trì giới mà chỉ niệm Phật thì vẫn không được.
Vì sao vậy? Tâm hạnh của bạn bất thiện, chỉ niệm Phật thôi cũng không có tác dụng,
chỉ có thể nói là gieo một chủng tử Phật vào trong a-lại-da thức, khi đáng chịu
tai nạn thì vẫn không chạy thoát nổi. Cho nên, điều quan trọng nhất là trì giới.
Trì giới nhất định phải từ Đệ Tử Quy mà làm, Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện
Nghiệp, ba môn này có công đức vô lượng vô biên, bạn đừng xem nhẹ những môn
này. Nếu bạn xem nhẹ những môn này thì bạn hoàn toàn sai rồi.
Hỏi:
Tiếp theo có ba vấn đề, là câu hỏi liên quan đến đạo đức. Thứ nhất, xin hỏi đạo
đức là gì?
Đáp:
Những điều này tôi đều từng giảng, hơn nữa lúc trả lời câu hỏi cũng đã từng trả
lời. Nói đơn giản nhất thì đạo là pháp tắc của đại tự nhiên. Giống như chúng ta
nói: “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàng”, không phải là con người làm
ra, không phải là sáng tạo của con người, không phải là phát minh của con người,
đây là đạo. Ngũ luân là đạo, vợ chồng, cha con, vua tôi, anh em, bạn bè, đây là
tự nhiên, đây không phải là phát minh của con người, không phải là sáng tạo của
con người, là hoàn toàn tự nhiên, điều tự nhiên này chính là đạo. Con người có
thể thuận theo đại tự nhiên thì chính là đức, làm trái với đại tự nhiên thì gọi
là bội đức; thuận theo đại tự nhiên thì đại cát đại lợi, trái với đại tự nhiên
thì sẽ có hung tai.
Ngày
nay khoa học kỹ thuật của chúng ta phát triển, kết quả phát triển như thế nào?
Phá hoại quy tắc đại tự nhiên, chúng ta gọi là phá hoại môi trường sinh thái của
địa cầu, vừa bị phá hoại thì có lũ lụt, có hạn hán, có động đất, có gió bão. Những
tai nạn này là có nguyên nhân, cây cối bị đốn chặt quá nhiều, rừng rậm không
còn nữa, màu xanh của rừng càng ngày càng ít, thực vật màu xanh không có nữa,
màu xanh của rừng là cung cấp dưỡng khí. Nói một cách khác, hiệu ứng nhà kính
trong câu hỏi trước đó, khí CO2 không ngừng tăng lên, trái đất càng ngày càng ấm,
đều là do con người làm ra, đều là phá hoại môi trường tự nhiên mà tạo thành,
đây là trái với đạo đức. Giáo dục của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc là lấy đạo
đức làm chính, ngũ luân bát đức, bát đức là tùy thuận đại tự nhiên, cho nên nó
là đức.
Hỏi:
Vì sao đạo đức lại quan trọng nhất đối với con người?
Đáp:
Không có đạo đức, nhân loại sẽ xuất hiện vấn đề gì? Người có đạo đức là người
có trí tuệ, có phước báo, họ thật sự có thể trải qua hạnh phúc mỹ mãn, nhân
sinh hạnh phúc. Không có đạo đức, nếu con người không có đạo đức, bạn thử nghĩ
xem, họ là động vật rồi, con người và cầm thú không có sự phân biệt. Lời nói
này là do Nghiêu Thuấn nói từ hơn 4.500 năm trước, con người nếu không có giáo
dục luân lý đạo đức thì không khác gì cầm thú.
Hỏi:
Câu hỏi tiếp theo, vì sao thế hệ các thánh nhân xuất hiện, các bậc anh hùng xuất
hiện, đã một đi không trở lại?
Đáp:
Đây là vấn đề giáo dục. Thánh nhân, hiền nhân là do dạy mà ra, anh hùng hào kiệt
cũng là do dạy mà ra. Cũng chính là xem xã hội đại chúng thực hiện loại giáo dục
gì, thì sẽ xuất hiện nhân tài như thế đó. “Người là do dạy mà ra”, hãy nhớ câu
nói này, Phật Bồ-tát cũng là do dạy mà ra.
Hỏi:
Câu hỏi thứ mười ba, trên thế giới có một số quốc gia vì để trừng trị cán bộ hủ
bại mà tốn kém rất nhiều công sức, mặc dù luật pháp nghiêm minh nhưng hiệu quả
thu được không lạc quan lắm. Xin hỏi, dưới đây có ba vấn đề, họ hỏi, y theo
phương pháp lý luận của Phật pháp, phải nên xem vấn đề này như thế nào?
Đáp:
Cách nhìn của Phật pháp, người nào tạo nghiệp thì người đó phải gánh, nhất định
họ không trốn khỏi định luận nhân quả. Tham ô hủ bại, điều này trong giới luật
của nhà Phật là giới trộm cắp, họ trộm cắp của ai? Họ trộm cắp của quốc gia. Trộm
cắp của quốc gia, tội rất nặng, chủ nợ của họ là ai? Toàn bộ người dân nộp thuế
của đất nước đều là chủ nợ của họ, bạn nói xem khi nào thì họ mới có thể trả được
hết nợ? Họ không hiểu đạo lý này. Khi tạo nghiệp thì rất dễ, đến khi trả nợ thì
phiền phức lớn rồi. Đặc biệt là Trung Quốc, một quốc gia lớn như vậy, người nộp
thuế ít nhất có 1 tỷ người, 1 tỷ người là chủ nợ của họ, họ trả cho từng người
từng người, họ trả đến năm nào mới xong? Chúng ta thiếu nợ của một người, ta chỉ
cần trả cho một người, rất dễ. Thiếu nợ của mười người vẫn được, một trăm người
vẫn có thể trả, bạn thiếu nợ mấy trăm triệu người thì làm sao trả được!
Cái
khó trả nhất không phải là một quốc gia, mà trong Phật giáo, là gì ở trong Phật
giáo? Đạo tràng Phật giáo là của thập phương thường trụ. Chủ nợ trong đó là ai?
Chủ nợ trong đó là những người xuất gia, những cư sĩ tu hành tại gia ở khắp
pháp giới hư không giới, thảy đều là chủ nợ. Cho nên trong kinh Địa Tạng nói,
Phật không có cách gì giúp bạn, trộm cắp đồ của Tam bảo so với trộm cắp tài vật
của quốc gia, tội này không biết là nặng hơn bao nhiêu lần. Những người này
không hiểu Phật pháp, to gan lớn mật, họ thật sự dám, dám làm, đây đều là tội địa
ngục A-tỳ. Cho nên từ trên Phật pháp mà nói, bạn đã biết, trong Giới Kinh,
trong kinh luận Đại Tiểu thừa, Phật đã giảng sự việc này quá nhiều quá nhiều rồi.
Hỏi:
Thứ hai là, vấn đề này phải nên giải quyết như thế nào cho hiệu quả?
Đáp:
Giải quyết hữu hiệu chính là giáo dục. Bạn xem bạn từ nhỏ đã tiếp nhận giáo dục
thánh hiền, đã tiếp nhận giáo dục luân lý đạo đức, đã tiếp nhận giáo dục nhân
quả, bạn có dám làm việc này không? Không dám làm. Tôi thà chết đói, chết rét,
tôi cũng không dám trộm cắp thức ăn của người ta, cũng không dám trộm cắp quần
áo của người ta. Vì sao vậy? Ở trong Phật pháp, thế gian pháp hiện nay cũng nói
rất rõ ràng, con người không có sanh tử. Bạn đừng sợ chết, sanh tử là cái thân
xác này, còn linh hồn là bất tử, hiện nay người nước ngoài cũng tin tưởng. Ta
vĩnh viễn là tâm thiện, ý thiện, hành thiện, không làm việc ác, mất thân thể rồi
sẽ nâng lên cao. Nếu ta yêu tiếc thân thể này, tham sống sợ chết, nếu vì cái
thân này mà làm việc xấu, tổn hại người khác, tương lai ta sẽ đoạ lạc xuống dưới.
Đi xuống dưới là ba đường ác, là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, bạn muốn đến nơi
này, hay bạn muốn đi đến thiên đường? Gặp phải khó khăn, đến chết ta vẫn là tâm
thiện hạnh thiện, không làm việc trái với lương tâm, không làm việc tổn hại người
khác, cơ hội tốt đến rồi, ta xả bỏ cái thân này để lên trời, đây có gì là không
tốt? Là việc tốt, nhân duyên tốt, sao lại chịu làm việc xấu? Làm việc xấu, ở thế
gian này bạn có thể hưởng phước được mấy ngày? Tương lai khi chết rồi đọa tam đồ.
Bạn hiểu đạo lý này thì bạn sẽ hiểu giáo dục thời xưa rất tốt.
Nói
lời thành thật, cả đời này của tôi, gốc rễ, nền tảng đó được cắm trong 10 năm
thơ ấu sống ở nông thôn. Mười năm đó tôi tiếp nhận là giáo dục gì? Luân lý, đạo
đức, nhân quả. Cũng không có sách vở, là cha mẹ dạy, là thầy giáo trong trường
tư thục dạy, là những người lớn sống ở trong vùng đó dạy. Khi chúng tôi còn là
trẻ nhỏ, đi rong chơi ở nông thôn, đều là những bạn bè ở làng bên đến rủ đi, đi
chơi với nhau. Thỉnh thoảng cũng làm việc không đúng, trên đường bất kể là người
lớn nào, nhìn thấy bạn làm việc sai quấy, đều kêu bạn lại giáo huấn một trận, mắng
cho một trận. Trẻ nhỏ chúng tôi rất hay, đều rất ngoan ngoãn tiếp nhận, ngoan
ngoãn nghe lời, tuyệt đối không hề có ý niệm: “ông là ai chứ? Sao ông có thể dạy
dỗ tôi?” Không có ý niệm này. Trẻ nhỏ hiện nay có ý niệm này, trẻ nhỏ chúng tôi
lớn lên ở nông thôn, không có ý niệm này. Người lớn đến dạy, khi chúng tôi làm
điều sai quấy, họ đến dạy chúng tôi là đúng. Cha mẹ chúng tôi, trưởng bối của
chúng tôi xem thấy người ngoài, người lạ đến dạy chúng tôi, đều sẽ cảm ơn, cảm
tạ họ. Chúng tôi đi học, ngày đầu tiên đi học, cha mẹ lạy thầy, ba lần quỳ,
chín lần khấu đầu, chúng tôi xem thấy tình hình như vậy thì có dám không nghe lời
không? Hiện nay, hiếu đạo không còn nữa, sư đạo không còn nữa, làm sao mà dạy
trẻ nhỏ?
Giáo
dục nhân quả, là học ở miếu Thành hoàng. Mẹ tôi một năm thường mấy lần lên thắp
hương ở miếu Thành hoàng, vào dịp Tết nhất định phải đi thắp hương, dẫn chúng
tôi đi. Xem thấy điện Diêm Vương, từng việc từng việc chỉ cho bạn, không được
làm việc xấu, làm việc xấu này thì chịu quả báo này, làm việc xấu kia thì chịu
quả báo kia. Xem thấy vô cùng rõ ràng địa ngục núi đao, vạc dầu, ôm cột đồng
cháy, ấn tượng rất sâu sắc, sẽ ảnh hưởng đến cả đời. Người Trung Quốc nói: “Ba
tuổi thấy tám mươi, bảy tuổi thấy cả đời”, hai câu nói này đích thân tôi đã thể
nghiệm, vô cùng xác thực. Cho nên đã nhiều năm nay, cả đời này của chúng tôi,
chấp nhận chịu thiệt, chấp nhận bị lừa, không có ý niệm chiếm sự thuận tiện của
người khác, đời sống có khổ bao nhiêu đi nữa cũng có thể tồn tại được. Sau khi
tiếp nhận Phật pháp, y theo sự giáo huấn của Phật mà làm, đúng thật là cải tạo
vận mệnh, càng học càng thù thắng, phiền não nhẹ, trí tuệ tăng, phước báo cũng
hiện tiền. Trong mạng không có phước, hiện tại đã hơn 70 tuổi hữu cầu tất ứng,
tự tại biết bao, đây là giáo dục luân lý đạo đức nhân quả.
Hỏi:
Thánh Vương thời xưa giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đáp:
Việc này là nói những cán bộ bị tha hoá, đế vương thời xưa dùng giáo dục, nói
cho các vị biết, giáo dục này là nền tảng, căn bản là luân lý, đạo đức, nhân quả;
lại nâng lên là triết học, khoa học. Trung Quốc đem khoa học đặt ở sau cùng, để
luân lý đạo đức ở trước nhất. Không giống như hiện nay, hiện nay để khoa học ở
đầu tiên, luân lý đạo đức nhân quả không còn nữa, không nói nữa, nên xuất hiện
vấn đề. Nếu có giáo dục nhân quả, họ sẽ không dám tham ô; nếu họ có giáo dục đạo
đức, họ không chịu, nhất định không có ý niệm tham ô. Có giáo dục luân lý thì họ
phải suy nghĩ về sĩ diện của gia đình họ, nếu làm một tham quan ô lại, bôi tro
trát trấu vào mặt tổ tiên, sẽ có lỗi với tổ tiên, người đáng xấu hổ đó, ở trong
xã hội không có chỗ đứng, cho nên không dám. Đây là giáo dục, dạy học của cổ
thánh tiên hiền.
Ngoài
ra, khi trừng phạt, pháp luật thời xưa có luật xử phạt liên đới. Nhưng cổ thánh
tiên vương khi tuyển chọn quan viên, quan lại thì làm rất tốt, Đế vương cần rất
nhiều cán bộ giúp đỡ trị lý quốc gia, cán bộ được tuyển chọn như thế nào? Là
tuyển cử. Ai đến tuyển cử? Là quan viên địa phương. Ví dụ bạn là huyện trưởng,
bạn là thị trưởng, Huyện trưởng Thị trưởng thường tự mình đi tìm hiểu. Mặc vào
trang phục bình thường, thời xưa không có truyền hình, cũng không có máy ảnh,
quan viên không mặc quan phục mà mặc trang phục bình thường, không ai biết họ,
họ có thể đến khắp nơi để tìm hiểu. Tìm hiểu những gì? Tìm hiểu người hiếu
liêm, họ tuyển chọn nhân tài phải có điều kiện này. Điều đầu tiên là chọn người
hiếu thảo, ở trong nhà họ có thể hiếu thuận cha mẹ thì sẽ có thể tận trung với
đất nước, “trung thần xuất thân từ nhà người con hiếu hạnh”, việc đầu tiên là
thăm dò xem ở nơi này có hiếu tử không, tuổi tác đại khái khoảng tám, chín tuổi
là được rồi. Việc thứ hai, tiếp tục quan sát xem họ có liêm khiết không, liêm
khiết thì nhất định không tham ô. Đứa bé này là hiếu tử, nó lại không tham tài,
chọn lấy người này, chọn ra cho nó đi học, đưa vào trường học.
Lúc
đó một huyện có trường huyện, tỉnh có trường tỉnh, nhà nước thì gọi là Quốc tử
giám, chính là Thái học, đều là do chính phủ lập ra, những trường học này là
thay nhà nước bồi dưỡng cán bộ. Trong trường huyện chính là tú tài, tuyển tú
tài. Sau khi nhập học, sinh hoạt đời sống của họ do nhà nước cung ứng, cũng
chính là nói họ có tiền lương, mỗi tháng nhà nước nhất định phát cho họ, họ có
thể nuôi gia đình, mặc dù không giàu có, họ có thể không phải lo lắng, chuyên
tâm học tập. “Học giỏi để làm quan”, sau đó lại trải qua thi cử ở quốc gia, có
thi huyện, thi huyện đỗ đạt chính là tú tài, lại tham gia thi tỉnh, thi tỉnh đỗ
đạt chính là cử nhân, tiếp tục tham gia thi Đình, đó chính là kỳ thi quốc gia,
thi đậu chính là tiến sĩ. Cho nên tiến sĩ là học vị cao nhất đối với người đi học
trước đây, giống như học vị tiến sĩ hiện nay; học vị kế đó là cử nhân của tỉnh;
kế tiếp nữa là huyện, học vị tú tài, là ba học vị. Đại khái người có thân phận
cử nhân, thông thường đều được lựa chọn làm chức quan cai quản, chính là huyện
trưởng, thị trưởng. Ngoài ra là chức quan sự vụ, chính là các cấp trong chính
phủ như thư ký, trưởng bộ phận, những quan chức sự vụ này. Cho nên tuyển chọn
là lấy hiếu liêm làm cơ sở.
Chế
độ này là từ Hán Vũ Đế bắt đầu, mãi cho đến Mãn Thanh. Bạn xem thử, người Mông
Cổ vào làm chủ Trung Quốc, thực hiện chế độ này, không hề phá bỏ, người Mãn
Thanh vào làm chủ Trung Quốc cũng dùng chế độ này, bạn sẽ hiểu được chế độ này
tốt! Hiện nay là đảng chính trị, đảng chính trị kết nạp đảng viên, đảng viên có
phải là hiếu liêm không? Nếu điều kiện kết nạp đảng viên là dùng hiếu liêm thì
chính trị sẽ không hủ bại như vậy. Vì sao vậy? Nó là lấy đức hạnh làm điều kiện
đầu tiên, nếu bạn không hiếu với cha mẹ, không liêm khiết, thì bạn không đủ tư
cách gia nhập đảng. Tôi cũng nhớ đã từng giảng qua mấy lần, tôi đã nói tiên
sinh Tôn Trung Sơn sáng lập ra Quốc Dân Đảng, chỗ thất sách của ông là ở đâu?
Chính là không dùng tiêu chuẩn này của người xưa, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ của
cổ thánh tiên vương, ông sai lầm ở chỗ này. Nếu lúc đó ông lập đảng, kết nạp đảng
viên, đảng viên nhất định là xem trọng hiếu liêm, vậy thì đảng này của ông sẽ rất
tuyệt vời, không đến nỗi bị thất bại. Cho nên điều này rất quan trọng.
Ngoài
ra, ở trong pháp luật có luật xử phạt liên đới, luật xử phạt liên đới không phải
là xâm phạm nhân quyền, luật xử phạt liên đới có chỗ tốt. Chính là nói anh đã
làm quan, nếu bạn tham ô, tham ô nghiêm trọng thì tru di tam tộc, tham ô nghiêm
trọng nhất là diệt cửu tộc. Hay nói cách khác, một khi anh đã làm quan, cha mẹ
của anh, anh em chị em của anh, bạn bè thân thích, ai nấy đều giám sát anh, anh
không được phạm pháp, anh phạm pháp thì chúng tôi cũng gặp họa. Tru di tam tộc
là cha mẹ bạn, khi bạn phạm pháp thì cha mẹ bạn cũng bị giết, anh chị em cũng bị
giết, anh chị em là trong ba họ. Cho nên điều này sẽ biến thành gì? Nhà nước để
cho gia tộc của bạn giám sát bạn, là việc tốt. Bạn làm quan tốt, cả nhà bạn
quang vinh, thật sự có cống hiến lớn đối với quốc gia dân tộc, phong thưởng của
nhà nước là phong thưởng cho cha mẹ bạn, thậm chí đối với ông bà của bạn. Ông
bà của bạn không còn nữa cũng được phong tặng, đất nước trao tước vị cho họ, giống
như chức quan của bạn vậy, cho nên vinh tông diệu tổ. Khi bạn có lỗi lầm, cả
gia tộc của bạn đều là tội phạm, đó là gì? Trong nhà bạn vì sao không giám sát
bạn cho tốt? Cho nên chế độ này vẫn là vô cùng tốt, tôi đều rất tán thành.
Hiện
nay người ta nói phạm tội, người nào phạm tội thì người đó gánh chịu, người khác
không liên quan, nên họ dám phạm tội. Người trong nhà cũng sẵn sàng để họ phạm
tội, vì sao vậy? Bạn phạm tội, bạn bị chém đầu, tài sản của bạn tôi lấy, tài sản
về tay tôi rồi. Trước đây không phải vậy, một người phạm tội thì cả gia tộc đều
có tội, hơn nữa toàn bộ tài sản sẽ bị nhà nước tịch thu. Cho nên tôi cảm thấy
đây là điều lệ pháp luật rất hay đối với việc phòng chống tham ô hủ bại.
Nhân
quyền là do người nước ngoài chế ra để gạt người, làm gì có nhân quyền? Con người
có quyền gì? Con người muốn có quyền, tôi vĩnh viễn 18 tuổi, có thể làm được
không? Không làm được, không có quyền đó. Tôi có thể không già, tôi có thể
không bệnh, có làm được không? Không làm được, không có quyền này. Cho nên cổ
thánh tiên vương khuyên người đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức, đây là chính
xác.
Hỏi:
Câu hỏi tiếp theo, con thường xuyên nghe thấy cách nói sau 7 năm sẽ có tai nạn
lớn, kính thỉnh lão pháp sư liệu có thể kêu gọi Học hội Tịnh tông toàn thế giới
cùng nhau niệm Phật, cầu nguyện tiêu trừ kiếp nạn thế kỷ này? Hoặc kính thỉnh
ngài nghĩ cách tránh khỏi và giảm nhẹ tai nạn này?
Đáp:
Sự việc này chúng tôi hiện nay vẫn đang làm mỗi ngày. Chúng tôi đang giảng kinh
Hoa Nghiêm ở trên Internet với toàn thế giới, ở trước các đồng học trên truyền
hình, chúng ta cùng nhau cộng tu. Đúng là con đường này chúng tôi đang đi là tổn
mình lợi người, không phải là tổn người lợi mình. Niệm niệm vì chánh pháp cửu
trụ, niệm niệm vì chúng sanh khổ nạn, niệm niệm là đoàn kết tôn giáo, dân tộc
trên toàn thế giới, để hoá giải tai nạn, giảm nhẹ tai nạn, chỉ cần lòng người
hướng thiện. Chúng tôi không có cách gì khiến toàn bộ xã hội đều có thể tiếp
xúc được giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, bản thân chúng ta nghiêm túc nỗ lực
làm, trước hết các đồng tu học Phật chúng ta, đặc biệt là đồng tu Học hội Tịnh
tông. Bất luận ở nơi nào, phải làm ra tấm gương tốt, cũng chính là học thật tốt
khóa trình cơ bản, Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp, nhất định phải
học tốt, sau đó lại y giáo tu hành. Chúng ta ngày ngày học kinh giáo, học kinh
giáo khai trí tuệ, đem sở học của mình thảy đều thực hiện vào trong đời sống,
thực hiện vào công việc, thực hiện vào xử sự đối người tiếp vật.
Cho
nên, nhiều năm nay chúng tôi thường xuyên suy nghĩ, nếu có một đất nước có thể
thúc đẩy, có thể dẫn dầu, đem luân lý, đạo đức, nhân quả, triết học, khoa học,
những khóa trình tốt đẹp này, có thể bồi dưỡng một nhóm giáo viên, có ba mươi,
năm mươi người là đủ rồi. Mỗi ngày dạy học, mở những khóa trình này, lợi dụng
đài truyền hình của quốc gia để giáo hóa nhân dân toàn quốc, dùng dạy học từ
xa. Tôi tin rằng chỉ cần thời gian một năm, xã hội đất nước này sẽ có thể thức
tỉnh được một nửa người dân trở lên. Lương tâm của hơn một nửa nhân dân được thức
tỉnh, họ tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến những người làm ác khác, họ sẽ khởi tác dụng
cân bằng, xã hội sẽ có thể bình yên, thế giới sẽ có thể hoà bình. Tôi gặp rất
nhiều lãnh tụ quốc gia đều khuyên họ, nhưng duyên không chín muồi. Cho nên, tôi
cũng thường nói, thật sự có thể cứu xã hội này, cứu thế giới này, có hai hạng
người, một là người lãnh đạo đất nước, hạng kia là người chủ trì phương tiện
truyền thông, ảnh hưởng của họ rất lớn! Trong đây quan trọng nhất vẫn là người
lãnh đạo đất nước. Người lãnh đạo đất nước thật sự giác ngộ rồi thì họ muốn cứu
đất nước, họ muốn cứu thế giới. Bạn xem chúng tôi ở Thang Trì làm ra việc dạy học
này, nếu thật sự phương tiện truyền thông đến đưa tin, phát sóng việc dạy học mỗi
ngày đến toàn thế giới, người trên toàn thế giới được cứu, vì sao vậy? Đã hiểu
rõ.
Ngày
nay chúng tôi làm bị hạn chế rất lớn, mặc dù chính đồng học của chúng ta, đồng
học Trần Thái Quỳnh, bà đã làm một đài truyền hình vệ tinh, nhưng rất nhiều nơi
không thể tiếp cận. Chính mình nhất định phải trang bị một máy thu, Trung Quốc
gọi là trang bị một chảo vệ tinh, bạn mới có thể thu được, nhà của người Đài
Loan trang bị anten parabol nhỏ, parabol lớn. Mặc dù có 5 kênh vệ tinh, phân bố
khắp toàn cầu, bạn không trang bị máy thu sóng thì không thu được, cho nên bị hạn
chế lớn như vậy. Còn có một số đất nước không cho phép bạn trang bị, họ bài
xích tôn giáo, họ nói đây là mê tín, vô cùng đáng tiếc. Cho nên chỉ có một số
quốc gia khu vực vẫn cho phép bạn trang bị, không phản đối. Những khu vực này hầu
như mỗi ngày đều có thể thu xem, số người xem cũng không ít. Bởi vì chúng tôi
nhìn thấy đài truyền hình này, 5 kênh vệ tinh, không có quảng cáo, không hóa
duyên với người ta, họ có thể duy trì liên tục, chỉ công bố tài khoản ngân hàng
trên màn hình, toàn thế giới sẽ có người gửi tiền giúp họ. Họ có thể duy trì đến
hiện tại, dường như càng ngày càng tốt, điều này nói rõ người thích những điều
tích cực, thích luân lý đạo đức vẫn không ít, cho nên họ có thể tiếp tục duy
trì.
Duy
chỉ có lợi dụng loại dạy học từ xa này, nếu người lãnh đạo chính phủ hiện nay
thật sự thông minh, họ có thể nuôi ba mươi, năm mươi vị thầy, hiệu quả còn lớn
hơn nuôi cả triệu quân đội. Ba mươi, năm mươi vị thầy này mỗi ngày tám giờ đồng
hồ, chỉ cần 8 giờ giảng kinh, bởi vì bạn có thể phát đi phát lại hai lần, toàn
thế giới thời gian không như nhau, bạn giáo hoá toàn quốc, giáo hoá toàn thế giới,
bạn là lãnh đạo của toàn thế giới, bạn thật sự là người cứu thế. Bạn dẫn dắt ba
mươi, năm mươi vị thầy, sức mạnh không biết là hơn bao nhiêu lần dẫn dắt đội
quân hùng mạnh hàng triệu người. Nói lời thành thật, ngày nay quân đội chẳng có
tác dụng gì. Mỹ là quốc gia mạnh nhất trên thế giới, đã trải qua hai cuộc chiến
tranh mà mọi người trên thế giới đều căm ghét. Sự phát triển của phương tiện
truyền thông, sự phát triển của ngành truyền thông, ở nơi nào trên thế giới xuất
hiện một việc nhỏ như sợi lông cộng tóc, toàn thế giới đều biết. Bạn phát động
chiến tranh, không có ai ủng hộ bạn. Cho nên chiến tranh về sau không thể giải
quyết vấn đề, mấy cuộc chiến tranh này của nước Mỹ đã cho người ta bài học rất
lớn, cách thức xưa của 5.000 năm trước vẫn còn hữu hiệu, cách thức của ngày nay
một chút hiệu quả cũng không có. Cho nên, vấn đề trên thế giới không thể tiếp tục
sử dụng vũ lực để giải quyết, nhất định phải dùng đàm phán. Giải quyết tốt nhất
là dạy học, dạy học mới thật sự là cách giải quyết triệt để vấn đề.
Hỏi:
Câu hỏi tiếp theo, xã hội hài hoà, văn hoá truyền thống, làm thế nào mới có thể
thực hiện được ở các cấp tiểu học, trung học, cho đến giáo dục đại học?
Đáp:
Vấn đề này hỏi cũng rất hay, trường học hiện nay chính là thiếu đi môn học này.
Tôi nhớ khi tôi khoảng tám, chín tuổi, chính phủ ở nông thôn làm tiểu học ngắn
hạn, chỉ có 2 năm, điều này tôi vẫn còn nhớ. Chúng tôi trước hết đều là học trường
tư thục, sau đó có trường học, trường học ngắn hạn. Trong trường học có một môn
học là “tu thân”, trong môn học tu thân này chính là dạy luân lý đạo đức, có
môn học này, hơn nữa môn học này rất được xem trọng. Hiện nay đại học, trung học,
tiểu học đúng thật phải nên có môn học như vậy, hơn nữa môn học này phải là môn
bắt buộc, không phải là môn học chọn lựa, là môn bắt buộc. Ở tiểu học, phân lượng
phải chiếm phần nhiều, thời gian giảng dạy của môn này phải dài, tiểu học phải
nên dùng một nửa thời gian để dạy luân lý đạo đức; Khi lên trung học thì dùng
1/3 thời gian, phân phối 1/3 thời gian chú trọng vào luân lý đạo đức; đến đại học
có thể phân phối 1/10 thời gian hoặc là 1/5 thời gian, 1/10 thời gian cho luân
lý đạo đức. Làm như vậy thì văn hoá truyền thống mới có tác dụng ở trong thời đại
hiện nay, tác dụng này chính là giúp xã hội hoá giải xung đột, thực hiện xã hội
hài hoà, thế giới hài hoà.
Phía
sau còn có mấy câu hỏi, nhưng thời gian của chúng ta hết rồi. Mấy câu phía sau
để lại đến thứ sáu tuần sau chúng tôi tiếp tục giải đáp.v