Responsive Menu
Add more content here...

Tập 16 – Kinh Vô Lượng Thọ 2018

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ,

TRANG NGHIÊM, THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH

Chủ giảng: Cô Lưu Tố Vân

Giảng ngày: 21/3/2018

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng Huyền Môn

Chủ giảo chánh: Thích Thiện Trang

Tập 16

          Chư vị đồng tu tôn kính: xin chào mọi người. A Di Đà Phật!

          Bài học này chúng ta bắt đầu giảng phẩm thứ năm: 至心精進第五 “Chí tâm tinh tn đệ ngũ”. Ở phẩm trước, phẩm thứ tư là phát nguyện, phẩm này là giải. Dùng tâm chí thành, tu hành tinh tấn. Chí tâm, tâm chân thành đến tột cùng.

          Mời xem đoạn kinh tiếp theo:

           法藏比丘說此偈已。而白佛言。我今為菩薩道。已發無上正覺之心。取願作佛。悉令如佛“Pháp Tạng Tỳ-kheo thuyết thử kệ dĩ. Nhi bạch Phật ngôn: Ngã kim vị Bồ-tát đạo, dĩ phát Vô thượng Chánh giác chi tâm. Thủ nguyện tác Phật, tất linh như Phật” (Tỳ-kheo Pháp Tạng thuyết kệ ấy rồi, thì bạch Phật rằng: Nay con vì Bồ-tát đạo, đã phát tâm Vô thượng Chánh giác, giữ nguyện làm Phật, tất sẽ như Phật).

          Đoạn kinh văn này là, Tỳ-kheo Pháp Tạng: ở trước Thế Gian Tự Tại Vương Phật. Sau khi nói xong kệ tụng, lại hướng Phật thưa rằng: “Bây giờ còn vì dạy các Bồ-tát mà thị phạm tu đạo, đã phát tâm giác ngộ chân chánh, phát nguyện thành Phật, nguyện tất cả tâm hạnh đều có thể giống như Phật”.

          “Ngã kim vị Bồ-tát đạo”. “Bồ-tát đạo” chính là độ chúng sanh: vì “Bồ-tát đạo” chính là vì độ tất cả chúng sanh. Nguyện của Ngài phát, không phải vì chính mình. Là vì tất cả chúng sanh, vì tất cả chúng sanh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

          “Thủ nguyện tác Phật, tất linh như Phật”. Ngài phát nguyện chính là nguyện làm Phật, phải giống như Phật độ chúng sanh. Có tâm như vậy, mới có 48 nguyện sau này. 48 nguyện: là chứng thực cụ thể đại nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng. Ngày nay chúng ta học Phật, phải học A Di Đà Phật. Suy xét tâm của bản thân chúng ta, suy xét nguyện của chính chúng ta, so với A Di Đà Phật, giống hay không. Ngài phát nguyện là làm Phật, vì sao hiện nay chúng ta học Phật? Rất nhiều người là vì phiền não của mình nhiều quá, cuộc sống khổ quá, cầu Phật bảo hộ: để gia đình mình bình an, thăng quan phát tài, mọi việc thuận lợi. Phát tâm của chúng ta là như vậy. Lão Pháp sư nói, ngài học Phật nhiều năm như vậy, chưa từng nghe nói vị đồng tu nào vào cửa Phật: là phát tâm muốn làm Phật. Nếu quý vị hỏi họ, vì sao muốn tới học Phật? Nói hết một lượt, toàn là vì mình cả. Hơn nửa đều là gia đình bình an, sự nghiệp thuận lợi, sức khỏe sống lâu, họ tới học Phật là vì cầu những điều này. Nhìn thử xung quanh chúng ta, xem thử bản thân chúng ta, có phải như thế hay không? Chưa từng nghe họ nói: muốn làm Bồ-tát, muốn làm Phật. Vì họ chưa từng phát tâm làm Bồ-tát, làm Phật. Cho nên họ cũng thực sự: không làm Bồ-tát được, không làm Phật được. Tu cả một đời, vẫn là đang làm Lục đạo luân hồi. Bởi vì sao vậy? Bởi vì họ chưa từng buông xả tâm luân hồi. Mục tiêu của họ là cầu phước báo ở hai cõi Nhân, Thiên. Phước báo này có thể cầu được hay không? Chưa chắc có thể cầu được. Vì sao chưa chắc có thể cầu được? Bởi vì phương pháp cầu của họ sai lầm rồi.

          Xem tiếp đoạn kinh văn sau:

          願佛為我廣宣經法。我當奉持。如法修行。拔諸勤苦生死根本。速成無上正等正覺。“Nguyện Phật vị ngã, quảng tuyên kinh pháp. Ngã đương phụng trì, như pháp tu hành, bạt chư cần khổ, sanh tử căn bản. Tốc thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” (Nguyện Phật vì con, rộng tuyên kinh pháp. Con sẽ phụng hành, như pháp tu hành, nhổ sạch hết các gốc rễ khổ não sanh tử, mau thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác).

          Đoạn kinh văn này, là mong cầu Thế Tôn vì con nói rõ tường tận kinh pháp. Con nhất định như pháp y giáo phụng hành, bạt trừ tất cả: gốc rễ sanh tử của việc hay tạo ra ác nghiệp, đoạn trừ các phiền não như tham sân si, ước mong mau chóng thành Phật. Từ “ngã” trong đoạn kinh văn là chỉ Tỳ-kheo Pháp Tạng.

          Xin mời xem tiếp những từ ngữ sau đây: “Kinh pháp”: Là ngôn ngữ, văn tự của chư Phật Như Lai, vì tất cả chúng sanh: giảng giải chân tướng vũ trụ nhân sinh. “Phụng trì”: cung kính tiếp nhận. “Như pháp tu hành”: “Như pháp” chính là y theo giáo pháp của Phật nói; “tu” là tu chỉnh; “hành” là hành vi. “Tu hành” là sửa đổi lại những kiến giải sai lầm, hành vi lệch lạc của mình.

          “Bạt chư cần khổ sanh tử căn bản”. “Bạt” là bạt trừ; “cần khổ” là cần lao tạo khổ; “sanh tử căn bản” là chỉ ba tâm 8p60: đọc sai chữ “tham” tham sân si, là gốc rễ của sinh tử luân hồi.

          “Nguyện Phật vị ngã quảng tuyên kinh pháp”: Đó là chỉ “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Câu này là Tỳ-kheo Pháp Tạng: thỉnh pháp với Thế Gian Tự Tại Vương Phật.

          “Ngã đương phụng trì, như pháp tu hành”. Hai câu nói này đã biểu đạt: thái độ, thần sắc giác ngộ triệt để của Tỳ-kheo Pháp Tạng, triệt để giác ngộ như vậy. Đây là đại giác chân chánh, thật sự giác ngộ triệt để rồi. Nếu không phải là giác ngộ triệt để, thì sẽ không chịu kiên quyết phụng trì, không thể chịu theo đó mà làm. Chúng ta đã nghe Phật pháp, chưa có làm được. Kinh là kinh, cuộc sống của mình là cuộc sống của mình. Kinh và cuộc sống không chút tương quan. Chưa có như pháp tu hành, là niệm suông kinh thôi. Niệm cả đời cũng không đạt được kết quả. Không đạt được kết quả, thì quay lại phỉ báng Phật, nói kinh Phật không linh, Phật Bồ-tát không bảo hộ. Phỉ báng Phật, phỉ báng Tam Bảo, sẽ đọa địa ngục A Tỳ. Nào có hay, không phải Phật không tốt, không phải kinh không linh. Mà là chính quý vị làm sai rồi, quý vị chưa có thể y giáo phụng hành. Loại hiện tượng này xung quanh chúng ta không còn xa lạ. Mới đầu, rất hăng hái, cho rằng Phật có thể bảo hộ họ điều này, Phật có thể bảo hộ họ điều kia. Sau một thời gian, thấy được nguyện vọng của mình không được thực hiện. Thì bắt đầu nói kinh Phật không linh, lời Phật nói không chắc chắn. Tại vì sao không phù hộ tôi? Vừa nãy tôi đã nói vài câu ấy rồi, quý vị nhất định phải chú ý. Báng Phật, phỉ báng Tam Bảo, là đọa địa ngục A Tỳ. Không phải Phật không tốt, cũng không phải là kinh không linh, là chính quý vị làm sai rồi, chưa có y giáo phụng hành.

          “Ngã đương phụng trì, như pháp tu hành”. Câu nói này là Tỳ-kheo Pháp Tạng: tỏ rõ thái độ cầu học của Ngài với thầy. Nếu không thể phụng hành chân chánh, như pháp tu hành, thầy sẽ không dạy. Vì sao vậy? Dạy quý vị làm điều gì? Giảng hết nửa ngày phí sức thôi, giảng xong quý vị cũng không làm được. Cho nên thầy dạy học trò, nhất định phải xem xét, xem người học trò ấy có thể làm được bao nhiêu, thầy sẽ dạy quý vị bấy nhiêu. Ví dụ nói, quý vị có thể làm được một phần, thầy sẽ dạy quý vị một phần. Vì sao? Bởi vì dạy quý vị hai phần, quý vị không làm được, dạy vô ích thôi. Giả như người học trò này có thể làm được 10 phần, thầy tuyệt sẽ không dạy quý vị 9 phần. Bởi vì dạy quý vị 9 phần, thì thầy có lỗi với quý vị. Quý vị có thể làm được, nhất định dạy quý vị. Quý vị không làm được, không cần phải dạy quý vị. Đây là thái độ dạy học, tuyệt đối không phải thầy thiên vị, nói thích người này, thì dạy nhiều một chút; không thích người kia, thì dạy ít một chút. Nếu quý vị có cách nghĩ này, quý vị thực đã làm oan thầy rồi. Thầy quan sát học trò, học trò nào có thể làm được bao nhiêu, thầy sẽ dạy bấy nhiêu. Không có tư tâm, không có thiên vị.

          Hiện nay lão Pháp sư dạy học ở trên mạng, nội dung mọi người chúng ta nghe đều giống nhau. Nội dung giống nhau, những điều mà mỗi người chúng ta lĩnh ngộ được, nhiều ít khác nhau. Vì sao? Là bởi vì tâm chân thành khác nhau; Năng lực trí huệ khác nhau; Năng lực lĩnh ngộ khác nhau; Công phu tu trì khác nhau. 4 điều khác nhau đó. Đây chính là vì sao: chúng ta cùng nghe lão Pháp sư dạy học trên mạng, mà thu hoạch của chúng ta lại khác nhau. Tôi nói lại một lần nữa 4 điều khác nhau này, đây là nguyên nhân: Tâm chân thành khác nhau; Năng lực trí huệ khác nhau; Năng lực lĩnh ngộ khác nhau; Công phu tu trì khác nhau. Đây chính là sự khác biệt của chúng ta.

          Câu tiếp theo: “Bạt chư cần khổ sanh tử căn bản”. Câu này là, một trong Tứ hoằng Thệ nguyện: “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Gốc rễ của sinh tử: chính là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Chúng sanh mê hoặc, điều đó không phải cần khổ mà đang tu nghiệp luân hồi, tu tham sân si, tu thị phi nhân ngã. Đây chính là gốc rễ của luân hồi. Tỳ-kheo Pháp Tạng thường thường nghe Phật giảng kinh thuyết pháp, nghe rõ ràng rồi. Bây giờ phải: dốc toàn bộ công phu ở gốc rễ sinh tử, thực sự phải liễu sanh tử, vượt khỏi Tam giới, vĩnh thoát luân hồi. Người ta hăng hái làm là vì điều này. Đây chính là “bạt”, bạt là gì? Là nhổ sạch gốc rễ sinh tử. Suy xét lại bản thân chúng ta, chúng ta đang bạt điều gì? Chúng ta đang làm như thế nào?

          Câu tiếp theo: “Tốc thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Câu này là một trong Tứ hoằng Thệ nguyện: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Đây là Tỳ-kheo Pháp Tạng mong chứng quả. Ngày nay chúng ta học Phật, phải phát nguyện thành Phật, phải phát nguyện cứu giúp tất cả chúng sanh, đây là tâm Bồ-đề. Trong quá trình chúng ta học Phật, thường hay nhắc đến “Tứ hoằng Thệ nguyện”. Đối với vấn đề này, chúng ta nhận thức thế nào? Chính là quý vị nhận thức chính xác “Tứ hoằng Thệ nguyện” như thế nào? Lão Pháp sư đã hướng dẫn rõ ràng cho chúng ta. Lão Pháp sư nói, hai nguyện sau của “Tứ hoằng Thệ nguyện”, là đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để hoàn thành. Bước đầu tiên của chúng ta bây giờ, phải cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để học Pháp môn. Đời này của chúng ta không học Pháp môn. Vì sao? Bởi vì có rất nhiều Pháp môn, thọ mạng của chúng ta rất ngắn, học không nổi. Đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc, thọ mạng của chúng ta là vô lượng, có thầy tốt, có đồng tham đạo hữu tốt, có nhiều bậc đại Thiện-tri-thức như thế. Đến nơi đó học Pháp môn thuận lợi. Đây chính là điều mà lão Pháp sư dạy cho chúng ta, nhận thức chính xác thực hiện “Tứ hoằng Thệ nguyện” thế nào.

          Mời xem đoạn kinh văn tiếp theo:

          欲令我作佛時。智慧光明。所居國土。教授名字。皆聞十方。諸天人民及蜎蠕類。來生我國。悉作菩薩。我立是願。都勝無數諸佛國者。寧可得否。“Dục linh ngã tác Phật thời, trí huệ quang minh, sở cư quốc độ. Giáo thọ danh tự, giai văn thập phương. Chư thiên nhân dân cập quyên nhuyễn loại, lai sanh ngã quốc, tất tác Bồ-tát. Ngã lập thị nguyện, đô thắng vô số chư Phật quốc giả. Ninh khả đắc phủ?” (Mong khiến khi con thành Phật, trí huệ quang minh, cõi nước nơi ở, danh hiệu của con, vang khắp mười phương. Chư thiên người đời cho đến những loài bò bay nhuyễn động, sanh sang nước con, đều làm Bồ-tát. Con lập nguyện như vậy, đều vượt hơn vô số cõi nước chư Phật, có thể được không?)

          Đoạn kinh văn này chính là nói, Tỳ-kheo Pháp Tạng: “hy vọng khi con thành Phật, trí huệ quang minh của con, quốc độ con ở, danh hiệu của con đều có thể truyền khắp các cõi nước của chư Phật 10 phương. 10 phương thế giới, tất cả chúng sanh 6 đường, phát nguyện sinh sang cõi nước của con, hết thảy đều làm Bồ-tát. Con lập điều nguyện này: đều vượt qua tất cả thế giới chư Phật. Không biết có được như nguyện hay không”. Đây chính là điều Tỳ-kheo Pháp Tạng nói với thầy của Ngài: là Thế Gian Tự Tại Vương.

          Mời xem vài từ ngữ sau đây:

          “Dục linh ngã” : ý nghĩa của từ “dục” này là hy vọng; “linh ngã” chính là khiến cho con . “Giáo thọ danh tự”: Danh hiệu sau khi thành Phật.

          Mời xem các câu kinh văn: “Dục linh ngã tác Phật thời, trí huệ quang minh, sở cư quốc độ, Giáo thọ danh tự, giai văn thập phương”. Các câu kinh văn này là nói hoằng nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng rất đặc thù. Người học Phật thông thường: phát nguyện làm Phật cũng đã là rất khó được. Điều nguyện này của đức Di Đà, từ trước tới nay chúng ta chưa từng nghe nói. Ngài hy vọng tương lai khi làm Phật. Chúng sanh ở 10 phương vô lượng vô biên cõi nước chư Phật đều có thể nghe đến được trí huệ, quang minh, sở cư quốc độ, danh hiệu của Ngài. Điều nguyện này rất kỳ lạ, xác thực tất cả chư Phật: ở nhân địa chưa từng phát qua nguyện như thế. Điều nguyện này rất thù thắng, trí huệ của Di Đà, quang minh của Di Đà, danh hiệu của Di Đà, mười phương đều biết. Chú ý hai chữ mười phương cuối cùng này. Ý nghĩa ở đây là gì vậy? Chính là không chỉ một quốc độ Phật thế giới Tây Phương Cực Lạc, mà là quốc độ chư Phật 10 phương, đều có thể thấy được trí huệ của Phật, quang minh của Phật, danh hiệu của Phật. Đều có thể nhìn được, nghe được. “Quốc độ” là chỉ thế giới Tây Phương Cực Lạc. Phương pháp Ngài Pháp Tạng truyền dạy chúng sanh là: “Tín nguyện trì danh, vãng sanh bất thoái thành Phật”. Giáo thọ danh tự, danh hiệu của Ngài là “ Nam Mô A Di Đà Phật”. Pháp môn thù thắng nhất: chính là Pháp môn đơn giản nhất. Mặc dù đơn giản, nhưng hàm nghĩa lại rộng sâu. Ngay cả Đẳng-giác Bồ-tát cũng không thể thấu triệt hoàn toàn. Tín nguyện trì danh Nam Mô A Di Đà Phật. Chỉ có Phật với Phật mới có thể rốt ráo. Ý là sao vậy? Chính là câu Nam Mô A Di Đà Phật này, chỉ có Phật với Phật mới có thể hiểu được rõ ràng nhất, sáng tỏ nhất. Chỉ có ở trên quả Phật: thì đối với phương pháp này, công đức của danh hiệu, mới sáng tỏ triệt để được. Đây chính là điều thù thắng bậc nhất của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thù thắng đệ nhất của thế giới Tây Phương Cực Lạc là gì? Chính là câu danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật.

          Nếu giảng y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ở trong kinh điển khác Thế Tôn nói cho chúng ta biết, còn có thế giới thù thắng hơn, trang nghiêm hơn thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chẳng những có, mà còn rất nhiều. Vì sao nói A Di Đà Phật là đệ nhất vậy? Đệ nhất thật sự của A Di Đà Phật: chính là “Giáo thọ danh tự”. Câu A Di Đà Phật rất bất khả tư nghị. Phương pháp của Ngài đơn giản như thế, dễ dàng như thế, mà còn là thành tựu chân thật. Xác thực là đệ nhất. Tất cả chư Phật 10 phương đều không có. A Di Đà Phật là độc nhất vô nhị. Đây là Pháp môn giúp tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật. Xem từ điều này, ân đức của A Di Đà Phật đối với chúng sanh lớn biết bao?

          Xem tiếp các câu kinh văn: “Chư thiên nhân dân cập quyên nhuyễn loại, lai sanh ngã quốc, tất tác Bồ-tát”. Các câu này cũng là đệ nhất của A Di Đà Phật. Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là Bồ-tát. Cho nên thế giới của Ngài là nhất-chân pháp-giới, không có Lục đạo, không có 10 pháp giới. Lão Pháp sư nói với chúng ta, thế giới Tây Phương Cực Lạc không những đều là Bồ-tát, mà còn đều là Bồ-tát Phổ Hiền. Bởi vì mỗi vị Bồ-tát ở đó: đều tu hạnh Phổ Hiền. Phật nói rõ ràng với chúng ta trong Kinh Hoa Nghiêm: Bồ-tát không tu hạnh Phổ Hiền, không thể viên thành Phật đạo. Cho nên chúng ta có thể nói như vầy, thế giới Tây Phương Cực Lạc: là pháp giới của Bồ-tát Phổ Hiền. Tất cả chúng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc: đều làm Bồ-tát.

          Các câu tiếp theo: “Ngã lập thị nguyện, đô thắng vô số chư Phật quốc giả. Ninh khả đắc phủ?” Ngài Pháp Tạng thỉnh giáo với thầy của Ngài là Thế Gian Tự Tại Vương Phật rằng: điều nguyện con lập này vượt qua tất cả chư Phật. Đại nguyện mà Ngài Pháp Tạng phát ở nhân địa, từ “dục linh ngã tác Phật thời” mãi cho đến “chư thiên nhân dân cập quyên nhuyễn loại, lai sanh ngã quốc, tất tác Bồ-tát”. Tất cả chư Phật 10 phương thế giới: đều chưa từng phát đại nguyện như vậy. Đại nguyện như vậy có thể viên mãn hay không? Đây là một vấn đề vô cùng nghiêm túc. Nhà Phật thường nói, trong cửa nhà Phật, có nguyện tất thành. Chỉ e là quý vị không có phát nguyện, không phải là nguyện của Ngài, chư Phật không làm được, mà là nguyện của Ngài, chư Phật chưa từng khởi điều niệm này, chưa từng phát nguyện như thế. Nguyện của Ngài Pháp Tạng phát vượt qua tất cả chư Phật. Chúng ta học tập bộ kinh này, chính là học tập A Di Đà Phật. A Di Đà Phật ở đâu? A Di Đà Phật ở trong Kinh Vô Lượng Thọ. Phật chính là kinh, kinh chính là Phật. Quý vị phát tâm học tập, khi mở bản kinh ra, A Di Đà Phật ở ngay trước mắt quý vị.

          Xem tiếp đoạn kinh văn sau:

          世間自在王佛。即為法藏而說經言。譬如大海一人斗量。經歷劫數尚可窮底。人有至心求道。精進不止。會當剋果。何願不得。“Thế Gian Tự Tại Vương Phật, tức vị Pháp Tạng nhi thuyết kinh ngôn: Thí như đại hải nhất nhân đẩu lượng. Kinh lịch kiếp số thượng khả cùng để. Nhân hữu chí tâm cầu đạo, tinh tấn bất chỉ, hội đương khắc quả. Hà nguyện bất đắc” (Thế Tự Tại Vương Phật, liền vì Pháp Tạng mà thuyết kinh rằng: Thí như một người dùng đấu để đo lường nước biển lớn. Trải qua nhiều kiếp vẫn có thể đến đáy. Người có chí tâm cầu đạo, tinh tấn không ngừng, sẽ chắc chắn chứng quả. Vậy thì nguyện gì mà chẳng thành).

          Đoạn kinh văn này là nói, Thế Gian Tự Tại Vương Phật, đã nói với Tỳ-kheo Pháp Tạng: thí dụ như biển cả vô cùng sâu rộng, có một người dùng cái đấu để đo lường nước của biển lớn, đã trải qua thời gian của nhiều kiếp, nước biển còn có thể đo lường hết. Nếu có người chí nguyện kiên định, chí tâm cầu đạo, tinh tấn dũng mãnh, mãi không dừng nghỉ, quyết định có thể chứng được Phật quả. Còn có nguyện gì không thể thành tựu được chứ? Đây là thầy khẳng định và khích lệ đối với học trò.

          Trong đây có một từ: “Hội đương khắc quả”. Từ “hội” này là ý nghĩa chắc chắn; “khắc” là được; “quả” là viên mãn nguyện vọng, tức chắc chắn chứng được quả Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giảng kinh thuyết pháp 49 năm. Thế Gian Tự Tại Vương Phật trụ thế 42 kiếp, Ngài nên nói bao nhiêu kinh? Ở đây Ngài trước tiên đưa ra một ví dụ, khẳng định đại nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng phát nhất định có thể viên mãn. Đây là điều vô cùng quan trọng. Ngài Pháp Tạng muốn thành Phật, còn muốn vượt qua tất cả chư Phật, đây là điều rất không thể nghĩ bàn. Ví dụ nói, đại nguyện thứ hai của Ngài chính là chúng sanh sáu đường của 10 phương thế giới, sanh đến quốc độ của Ngài đều làm Bồ-tát. Chính nguyện này, so với thành Phật, có lẽ còn khó hơn vượt qua nguyện của chư Phật. Cuối cùng có thể làm được hay không? Ở đây Phật dùng thí dụ: “thí như đại hải nhất nhân đẩu lượng”, để nói cho Ngài Pháp Tạng, cũng là nói cho chúng ta. Chỉ cần quý vị có quyết tâm chân chánh, có nghị lực, tinh tấn không ngừng, nhất định có thể thành tựu.

          Hai câu tiếp theo: “Nhân hữu chí tâm cầu đạo, tinh tấn bất chỉ”. Điều quan trọng nhất của câu này, chính là hai chữ “chí tâm”. Ngày này chúng ta cầu đạo, đạo nghiệp không thể thành tựu, nghe kinh không hiểu, còn thường hay hiểu sai ý nghĩa. Xác thực là điều này còn tồn tại, số lượng cũng không ít. Nguyên nhân chính ở chỗ không có “chí tâm”. Nếu dùng tâm không có một chút vọng niệm để nghe kinh, thì tâm sẽ khai ngộ. Cho dù người giảng kinh chưa có khai ngộ, người nghe kinh cũng sẽ khai ngộ. Chí thành cảm thông sẽ khai ngộ. Cho nên cổ nhân thường nói “biết giảng không bằng biết nghe”, biết nghe rất quan trọng. Hai câu phía sau rất quan trọng, là nói cho dù người giảng kinh chưa khai ngộ, người nghe kinh cũng sẽ khai ngộ, chí thành cảm thông sẽ khai ngộ được. Cho nên cổ nhân thường nói “biết giảng không bằng biết nghe”, biết nghe rất quan trọng. Tôi chân thành hy vọng, quý vị đồng tu: trong quá trình nghe tôi giảng bộ Kinh Vô Lượng Thọ, có thể có nhiều đồng tu khai ngộ, chứng quả thông qua nghe kinh.

          Dạy học của Phật pháp chính ở phá mê khai ngộ. Mục đích của phá mê khai ngộ: là dạy chúng ta rời khổ được vui, là hiện tại liền rời khổ, không phải tương lai. Đây cũng là chỗ sai lầm của rất nhiều đồng tu chúng ta. Hai câu nói này mọi người phải nhớ kĩ, là hiện tại liền rời khổ, không phải tương lai. Nếu không thể rời khỏi khổ trong hiện tại, mà có thể rời khỏi khổ ở tương lai, thì có ai tin tưởng được? Họ không thấy được sự thực thì họ làm sao có thể tin tưởng? Cho nên nói, đã học Phật pháp rồi lập tức liền hữu dụng, tức khắc liền hiệu nghiệm, đây là Phật pháp chân chánh. Tôi nói lại một lần nữa, câu nói này vô cùng quan trọng: Đã học Phật pháp rồi lập tức liền hữu dụng, tức khắc liền hiệu nghiệm, đây là Phật pháp chân chánh. Ví dụ chân thực của bản thân tôi, chính là học Phật pháp rời khổ được vui rồi, đây là chính thân tôi trải qua. Nếu như có đồng tu hỏi quý vị, nói thế nào là Phật pháp chân chánh? Lúc này quý vị sẽ phải trả lời, chính là học rồi lập tức liền hữu dụng, tức khắc liền thấy hiệu quả, chính là Phật pháp chân chánh. “Tinh tấn” nhất định có thể thành tựu, hơn nữa có thể thành tựu thần tốc. “Tinh” là tinh thuần, súc tích, không nhiều, không nhiễm, không loạn. Nếu quý vị học nhiều quá, rất nhiễm, rất loạn. Quý vị muốn thành tựu nhanh là điều không thể.

          Cho nên Phật pháp dạy học là dạy chúng ta: tinh thuần tiến bộ, nhất môn thâm nhập. Sau khi khế nhập như thế, với vô lượng vô biên Pháp môn khác, sau khi tiếp xúc liền sẽ quán thông. Đây chính là xúc loại bàng thông. Không phải không cho chúng ta học rộng nghe nhiều. Mà là khi nào học rộng nghe nhiều. Mấy câu vừa mới nói, chính là nếu sau khi khế nhập, với vô lượng vô biên Pháp môn khác, sau khi tiếp xúc liền quán thông, đây chính là xúc loại bàng thông. Đáng tiếc người hiện đại 33p:33 đọc sai đại-> tại không tin tưởng điều này. Họ thích học rộng nghe nhiều, cho rằng tu học nhất định phải đọc thật nhiều rất nhiều kinh luận, mới có thể chân chánh thấu triệt lí giải Phật pháp. Nào có biết, quan niệm này là sai lầm. Phật pháp tuyệt đối không phải nghe nhiều mà được, Phật pháp là từ trong khai ngộ mà đạt được. Hai câu nói quan trọng cuối cùng: Phật pháp tuyệt đối không phải từ nghe nhiều mà được, Phật pháp là từ trong khai ngộ mà đạt được. Các bậc Bồ-tát, Đại đức Tổ sư của quá khứ, hiện tại, vị lai không có ai là không thành tựu từ trên con đường này. Sau khi ngộ thì mới tu, khi ấy có thể học rộng nghe nhiều, trước khi chưa khai ngộ được, thì không có tư cách học rộng nghe nhiều. Câu nói này nghe có hiểu không? Trước khi chưa khai ngộ được, không có tư cách học rộng nghe nhiều. Chúng ta tu học theo Kinh Vô Lượng Thọ, có thể “tinh tấn không ngừng”, liền có thể “sẽ được thành tựu, có nguyện nào không được”, Phật đạo nhất định có thể thành tựu. Đặc biệt là chỉ bộ kinh này, nương một câu Phật hiệu này để tu học, thì vạn người tu vạn người được.

          Đoạn kinh văn tiếp theo:

          汝自思惟。修何方便。而能成就佛剎莊嚴。如所修行。汝自當知。清淨佛國。汝應自攝。“Nhữ tự tư duy, tu hà phương tiện, nhi năng thành tựu Phật sát trang nghiêm. Như sở tu hành, nhữ tự đương tri. Thanh tịnh Phật quốc, nhữ ưng tự nhiếp” (Ông tự tư duy, tu phương tiện nào, để có thể thành tựu được cõi Phật trang nghiêm. Việc tu hành thế nào, ông nên tự biết. Cõi Phật thanh tịnh, ông cần tự chọn lấy).

          Đoạn kinh văn này, là Phật nói, rằng bản thân con tỉ mỉ suy xét kĩ càng một chút. Tu Pháp môn nào thuận lợi, mới có thể thành tựu các loại trang nghiêm của cõi Phật. Phải như pháp tu hành thế nào, bản thân con cần phải biết. Phải kiến lập Phật quốc thanh tịnh thế nào, cũng là bản thân con cần phải đi quyết định, lựa chọn. Ba câu phía trước, Phật không nói đáp án cho Ngài, ngược lại hỏi Ngài, rằng chính con suy nghĩ một chút, muốn tu như thế nào, mới thành tựu được quốc độ Phật trang nghiêm?

          “Như sở tu hành, nhữ tự đương tri. Thanh tịnh Phật quốc, nhữ ưng tự nhiếp”. Phật đã nói ba chữ “tự”: ở trong đoạn kinh văn này, chính là “nhữ tự tư duy, nhữ tự đương tri, nhữ ưng tự nhiếp”. Ba chữ “tự”. Phật đạo là thành tựu như thế nào? Là con tự ngộ, tự tu, tự chứng, không phải là người khác cho con. Ba chữ “tự” này trực chỉ nhân tâm. Đây là Phật tận tình khuyên bảo dạy cho Ngài Pháp Tạng, ý nghĩa vô cùng sâu rộng. Ba chữ “tự” này, cổ đức đã vì chúng ta nói ra ba tầng ý nghĩa:

          Nghĩa thứ nhất, là thiện căn của Ngài Pháp Tạng trong quá khứ: vô cùng thâm hậu. Đời này lại gặp được: tăng-thượng-duyên vô cùng thù thắng. Trí huệ, đức hạnh, dụng công của Ngài: đều vượt qua các học trò khác của Phật. Đây là học trò có thiện căn chín muồi thực sự. Thầy điểm một chút liền thông, Ngài có năng lực này. Không phải nói thầy chưa từng trực tiếp: nói đáp án cho Ngài sao? Để chính Ngài suy nghĩ sao? Ý nghĩa này chính là như vậy. Bởi vì thầy biết, Ngài là học sinh có thiện căn thành thục chân chánh. Thầy dạy một chút Ngài liền thông suốt, Ngài có năng lực này. Đây là ý nghĩa thứ nhất.

          Ý nghĩa thứ hai, chính là thu thập cõi Phật, kiến lập một Đạo tràng. Thế giới Cực Lạc là một Đạo tràng lớn, mỗi một Tôn Phật có nguyện vọng riêng của mình, đều là y theo lý tưởng của mình, mà kiến lập nên quốc độ của mình. Thế Gian Tự Tại Vương Phật nói với Ngài Pháp Tạng, rằng con đến hỏi ta, con bảo ta nói thế nào? Nếu theo cách nói của ta thì sẽ không giống ý của con. Cho nên Phật nói với Ngài “nhữ tự tư duy, nhữ tự đương tri, nhữ ưng tự nhiếp”. Còn có một tầng ý nghĩa nữa ở đây, chúng ta có thể nhìn ra được hay không. Đó là học sinh tôn trọng thầy, thầy cũng tôn trọng học sinh. Nói theo cách hiện nay, cũng có thể nói là giáo dục mang tính gợi mở. Để Ngài tự suy xét, tự mình quyết định, đó là ý nghĩa này vậy. Đây là ý nghĩa thứ hai.

          Ý nghĩa thứ ba, A Di Đà Phật thành Phật ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, giống như tình hình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: thị hiện thành Phật: ở thế giới của chúng ta. Ngài đã thành Phật từ rất nhiều kiếp trước rồi. Không phải là mới thành Phật ở mười kiếp trước. Ngài là cổ Phật tái lai, Ngài không biết được chính mình nên làm thế nào sao? Ngài từ bi vô cùng, Ngài giả vờ không biết, hướng Phật thỉnh Pháp, Phật mới có thể thuyết pháp tường tận. Nếu như ở đây Ngài thoáng một lát đã thị hiện khai ngộ, thì sẽ không có cách thỉnh pháp rồi, phải như vậy không? Mọi người có thể hiểu rõ điều này. Con đều biết cả rồi, vậy con còn hỏi điều gì nữa? Cho nên Ngài vẫn giả vờ làm một phàm phu, Phật giảng điều gì Ngài nghe không hiểu, để cho Phật thuyết pháp rõ ràng. Đây là sự từ bi của Ngài Pháp Tạng, Ngài là đang vì chúng sanh mà thỉnh pháp, không phải là Ngài không hiểu. Chúng ta không biết, Phật biết, cho nên để Ngài “ nhữ tự tư duy, nhữ tự đương tri, nhữ ưng tự nhiếp”. Thầy hiểu học trò của mình nhất mà.

          Xem tiếp đoạn kinh văn sau:

          法藏白言。斯義宏深。非我境界。惟願如來應正遍知。廣演諸佛無量妙剎。若我得聞。如是等法。思惟修習。誓滿所願。“Pháp Tạng bạch ngôn: Tư nghĩa hoành thâm, phi ngã cảnh giới. Duy nguyện Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, quảng diễn chư Phật vô lượng diệu sát. Nhược ngã đắc văn, như thị đẳng pháp, tư duy tu tập, thệ mãn sở nguyện” (Pháp Tạng bạch rằng: nghĩa ấy sâu rộng, không phải cảnh giới của con. Chỉ mong Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, rộng diễn thuyết vô lượng cõi nước vi diệu của chư Phật. Nếu con được nghe những pháp như vậy rồi, thì tư duy tu tập, quyết viên mãn sở nguyện).

          Tỳ-kheo Pháp Tạng trả lời rằng, nghĩa lý Phật nói quá sâu. Đây không phải là cảnh giới của con có thể hiểu được. Chỉ nguyện Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, vì con diễn thuyết rộng khắp: vô lượng vô biên cõi nước trang nghiêm của chư Phật. Nếu sau khi con được nghe: Đức Phật vì con tuyên thuyết diệu pháp rồi, thì con nhất định nghiêm túc tư duy học tập, để đại nguyện con đã phát được viên mãn.

          Xem các từ ngữ tiếp theo:

          “Tư nghĩa hoành thâm”: Chỉ kinh điển Thế Gian Tự Tại Vương Phật đã thuyết. “Như Lai Ứng Chánh Biến Tri”: “Ứng” là ứng cúng; “Chánh Biến Tri” là Đẳng Chánh Giác. Đây là ba hiệu trong mười danh hiệu của Phật, dùng ba hiệu này làm đại diện cho mười danh hiệu của Phật. “Diệu sát”: Chỉ cõi Phật vi diệu trang nghiêm. “Tư duy tu tập”: “Tư duy”, thâm nhập lý giải; “tu” là tu chính; “tập” là thực tập. Tu sửa những hành vi sai lầm, thực hành trong sinh hoạt thường ngày.

          Chúng ta vừa mới nghe: đoạn kinh văn trên, có thể thấy được Ngài Pháp Tạng thực sự là nghe không hiểu. Kỳ thực không phải. Đó là Ngài Pháp Tạng giả vờ nghe không hiểu, thực ra Phật vừa chỉ điểm một chút, Ngài liền giác ngộ triệt để rồi. Nhưng mà vì lợi ích chúng sanh, thầy trò hai người biểu diễn người hỏi người đáp. Để cho ai xem vậy? Là để cho chúng sanh chúng ta xem, là đang diễn kịch cho chúng sanh nhìn. Bởi vì Pháp môn này thực sự là Pháp khó tin, không nói tỉ mỉ, không diễn nghiêm túc, thì chúng sanh sẽ rất khó tiếp nhận. Phật nhất định phải đem y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc, Pháp môn niệm Phật thù thắng nói ra, biểu diễn ra. Chúng sanh mới có thể chân thực tin tưởng và tiếp nhận. Lần này chúng ta nghe đã hiểu chưa? Thầy trò hai người là đang diễn kịch cho chúng sanh, mục đích là như vậy.

          “Tư nghĩa hoành thâm”, ý nghĩa này rất sâu. Sâu ở đâu vậy? Chính là trên thì đến bậc Đẳng-giác Bồ-tát, dưới đến chúng sanh địa ngục, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc: đều bình đẳng thành Bồ-tát, đều viên chứng tam bất thoái, đều nhập báo độ chư Phật. Điều này rất bất khả tư nghị! Điều này ở tất cả Sát độ của chư Phật mười phương không có, cho nên 45:29 đọc dư chữ “Phật” Bồ-tát thông thường không biết việc này.

          “Phi ngã cảnh giới. Duy nguyện Như Lai Ứng Chánh Biến Tri”. Ý nghĩa của ba câu nói này chính là nói, đây không phải là cảnh giới của con có thể lý giải được.

          “Quảng diễn chư Phật vô lượng diệu sát”. Câu này là Tỳ-kheo Pháp Tạng cầu Phật vì Ngài mà thuyết pháp, nói rõ tất cả về việc chư Phật mười phương: tu nhân chứng quả, kiến lập cõi nước, tiếp dẫn chúng sanh, những việc lớn như vậy. Ngài Pháp Tạng đều hy vọng biết rõ, để tự mình lấy làm tham khảo.

         “Nhược ngã đắc văn: Như thị đẳng pháp. Tư duy tu tập”. Đây là thái độ tu học của Ngài Pháp Tạng. Nếu con nghe Phật vì con nói: diệu sát của tất cả chư Phật mười phương, nhân duyên quả báo của vô lượng diệu sát xong, con đều biết hết. “Như thị đẳng pháp” chính là chỉ vô lượng diệu sát của chư Phật, con nhất định tư duy, nhất định tu tập. Từ điều này chúng ta có thể thấy được: thái độ học tập nghiêm túc, khiêm tốn của Tỳ-kheo Pháp Tạng. “Thệ mãn sở nguyện”. Chính là khi Ngài làm Phật, “trí huệ quang minh, sở cư quốc độ, Giáo thọ danh tự, giai văn thập phương”, đó chính là bản nguyện của Ngài. Chúng sanh trong sáu đường ở mười phương thế giới, sinh đến quốc độ của Ngài, đều làm Bồ-tát. Ngài đem tất cả mục tiêu, phương hướng, thái độ cầu học của mình: đều biểu lộ rõ ra, thầy mới vui lòng dạy Ngài.

          Xem đoạn kinh văn tiếp theo:

          世間自在王佛知其高明。志願深廣。即為宣說二百一十億諸佛剎土。功德嚴淨。廣大圓滿之相。應其心願悉現與之。說是法時。經千億歲。“Thế Gian Tự Tại Vương Phật tri kỳ cao minh, chí nguyện thâm quảng. Tức vị tuyên thuyết nhị bá nhất thập ức chư Phật sát độ. Công đức nghiêm tịnh, quảng đại viên mãn chi tướng. Ứng kỳ tâm nguyện, tất hiện dữ chi. Thuyết thị pháp thời, kinh thiên ức tuế” (Thế Gian Tự Tại Vương Phật biết sự cao minh, chí nguyện sâu rộng đó, liền vì Ngài mà tuyên thuyết hai trăm mười ức cõi nước chư Phật về công đức sự trang nghiêm và tướng rộng lớn viên mãn. Ứng theo tâm nguyện ấy, đều hiện cho thấy. Khi thuyết pháp như vậy trải qua ngàn ức năm).

          Trong đây là nói, Thế Gian Tự Tại Vương Phật, biết Tỳ-kheo Pháp Tạng: có đức hạnh cao thượng, trí huệ sáng tỏ, hoằng nguyện đã phát sâu rộng không gì so sánh được. Liền vì Ngài mà tuyên thuyết: sát độ chư Phật mười phương về vô biên diệu tướng trang nghiêm công đức, nghiêm tịnh, rộng lớn, viên mãn. Phật vì thỏa mãn tâm nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng, còn đem thế giới chư Phật, dùng sức thần kì triển hiện ở trước mặt Ngài, để Ngài đích thân thấy nghe, mà còn vì Ngài thuyết pháp, thời gian dài tới nghìn vạn năm. Mọi người nghĩ xem, thời gian thuyết pháp dài tới nghìn vạn năm, hiện tại chúng ta thực sự không dễ lý giải. Hiện nay căn cứ tình hình của thời kỳ này, thì chúng ta không dễ dàng lý giải, bởi vì thọ mạng của người thời đại đó dài. Hãy nhìn vào Thế Gian Tự Tại Vương Phật, Ngài giảng kinh thuyết pháp là 42 kiếp, vậy thọ mạng của Ngài phải dài lâu vượt qua 42 kiếp. Cho nên mọi người chúng ta liền dễ dàng lý giải điều này rồi.         “Cao minh”: là chỉ điều gì? Là chỉ đức hạnh cao thượng, trí huệ minh lãng. “Nhị bá nhất thập ức chư Phật sát độ”. Chữ “nhị bá nhất thập ức” này không phải là chữ số cụ thể. Trong Phật pháp thường lấy: số 7, 10, 16, 21,… để làm tiêu biểu cho sự viên mãn. Trong đây là đại biểu cho tất cả thế giới chư Phật: trong khắp hư không, dùng số “210 ức” để biểu thị.

          “Công đức nghiêm tịnh, quảng đại viên mãn chi tướng”. “Công” là nhân đã tu, “đức” là quả đạt được, “công đức” là chỉ sự lý nhân quả trong: chư Phật quốc độ. “Nghiêm tịnh” là chỉ tất cả hoàn cảnh nhân sự, vật chất thanh tịnh tốt đẹp: của cõi nước chư Phật. “Quảng đại” là chỉ các quốc độ lớn nhỏ. “Viên mãn” là chỉ thế giới của chư Phật tốt đẹp, mà không khiếm khuyết. “Ứng”: là ý nghĩa đầy đủ. Học trò thực lòng muốn học, thì thầy sẽ thực dạy. Thiện-tri-thức, thầy tốt của thế xuất thế gian, có thái độ dạy học đều giống nhau. Học trò nghiêm túc, thầy sẽ nghiêm túc; Học trò không nghiêm túc, thầy cũng không nghiêm túc. Thiện-tri-thức chân chánh, thầy tốt quyết định không keo kiệt pháp, vấn đề là chính chúng ta: dùng thái độ nào để cầu học. Thái độ cầu học, điểm quan trọng nhất chính là “y giáo phụng hành”. Thầy dạy chúng ta, chúng ta không làm được, thì lần sau thầy sẽ không giảng lại nữa. Ví dụ nói, năm xưa thầy Lý Bỉnh Nam: thường cảm thán tìm học trò không dễ dàng. Thầy nói: “học trò tìm thầy khó, thầy tìm học trò càng khó hơn”. Học trò hiện nay vẻ ngoài thì nghe lời, vừa quay đầu thì không phải dáng vẻ đó rồi. Thầy rất khó tìm được học sinh thật sự! Thế Gian Tự Tại Vương Phật có phước, gặp được học trò tốt như A Di Đà Phật vậy, rất nghe lời, thực sự là học trò tốt: y giáo phụng hành trăm phần trăm. Xác thực là khó gặp được một lần.

          Xem câu sau: “Thế Gian Tự Tại Vương Phật tri kì cao minh”. “Cao” là đức hạnh cao; “minh” là đại trí huệ. Ngài là người có đức hạnh chân chánh, có trí huệ thật sự. Dạy học thời cổ: là lấy đức hạnh làm khoa mục thứ nhất. Bốn khoa mục dạy học của Khổng phu tử, khoa mục thứ nhất chính là đức hạnh. Đây chính là giáo dục phẩm đức, tu dưỡng phẩm đức; Khoa mục thứ hai là ngôn ngữ. Người xưa có ví dụ rằng, đầu lưỡi của một người là cửa của họa phước cả đời. Chúng ta phải biết nên làm người thế nào, làm dạng người nào! Như vậy mới có thể ứng xử hòa thuận với người khác, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, đây là mục đích căn bản của giáo dục. Các khoa mục vừa nói đến đó, khoa mục thứ nhất là đức hạnh; Khoa mục thứ hai là ngôn ngữ. Nói đến ngôn ngữ, ví dụ của cổ nhân là nói như vậy, đầu lưỡi này là: cánh cửa họa phước cả đời của một người. Đối với câu nói này, tôi không biết quý vị đồng tu có lý giải thế nào. Có thể quản tốt đầu lưỡi của mình hay không, không để “đầu lưỡi” đi gây họa? Để “đầu lưỡi” tạo nhiều thêm một chút phước có được không? Hiện tại tôi đã nhiều lần nói nhất định đừng kiếm chuyện thị phi. Quý vị gây ra thị phi, thì “đầu lưỡi” của quý vị là đang gây họa. Cùng một “đầu lưỡi” như nhau, có thể gây họa, có thể tạo phước. Vì sao chúng ta không để “đầu lưỡi” tạo nhiều phước? Làm sao tạo nhiều phước? Niệm nhiều A Di Đà Phật liền được rồi! Xã hội ngày nay vì sao loạn như vậy? Bởi vì gia đình loạn; Gia đình vì sao lại loạn như thế? Bởi vì tự thân chúng ta loạn; Vì sao tự thân loạn? Bởi vì chưa từng được giáo dục, nên khuyết thiếu đức hạnh. Ngài Pháp Tạng có phẩm đức cao thượng, có trí huệ thông minh, đối với sự dạy bảo của thầy lĩnh ngộ rất nhanh. Điều quan trọng nhất là: vì Ngài “chí nguyện thâm quảng”, bốn chữ này vô cùng quan trọng, điểm này đặc biệt khó được. Ngài có nguyện lực đại bi. Phật gặp được học trò tốt như thế, trong tâm vô cùng vui mừng, “tức vị tuyên thuyết: nhị bá nhất thập ức chư Phật sát độ công đức nghiêm tịnh”.

          Trong đây chúng ta nói một chút về “công đức”. Hiện tại có rất nhiều người: hiểu sai hai chữ “công đức”, cho rằng quyên góp chút tiền trong chùa, chính là đã làm được rất nhiều công đức, nhận thức như vậy là sai lầm rồi. Công đức không phải là dùng tiền tài là có thể mua được. Quyên một chút tiền trong chùa, đó là trồng phước điền, là phước đức không phải là công đức. Xưa kia Lương Vũ Đế khi đang là: đại hộ pháp của Phật môn, lấy địa vị, quyền lực, tài phú của ông: kiến tạo 480 ngôi chùa, cúng dường mấy chục vạn người xuất gia tu hành. Tổ sư Đạt Ma đến Trung Hoa, gặp được Lương Vũ Đế. Lương Vũ Đế vô cùng tự hào mà nói: “Tôi thay Phật giáo làm bao nhiêu chuyện như thế, công đức của tôi lớn hay không?” Tổ sư Đạt Ma nói lời thành thực rằng, là bốn chữ “công đức đều không!” Lương Vũ Đế nghe xong rất tức giận, không làm hộ pháp cho ngài, cho nên Tổ sư Đạt Ma: mới đến Thiếu Lâm Tự diện bích chín năm. Nếu như Lương Vũ Đế hỏi thế này: “Phước báo của tôi lớn không?” Vậy Tổ sư Đạt Ma nhất định sẽ nói: “Rất lớn! Rất lớn!” Công đức là giới, định, huệ. Công đức là do tu tập mà có, không phải là dùng tiền tài mua được, cũng không phải là người khác có thể thay mình làm được. Nhất định phải tự mình tu. Liên quan đến công đức, ngày nay tôi nói những điều này với mọi người, chắc là rất hữu dụng, đừng hiểu sai ý nghĩa thật sự của “công đức”.

          Tiếp theo: “Quảng đại viên mãn chi tướng”. “Quảng đại” là giảng về: vô tận cõi nước chư Phật mười phương, quá lớn rồi. “Viên mãn” là phải hoàn toàn giảng giải cho Ngài nghe, không có bỏ sót, không có thiếu khuyết, toàn bộ đều vì Ngài mà nói ra.

          “Ứng kỳ tâm nguyện, tất hiện dữ chi”. Không những giảng cho Ngài nghe, mà Phật có thần lực, đem thế giới chư Phật: đều triển hiện trước mặt Tỳ-kheo Pháp Tạng, để Ngài tự mình xem, để tuyển chọn. Giống như tình hình Thích Ca Mâu Ni Phật giảng: Kinh Quán Vô Lượng Thọ ở hoàng cung. Thích Ca Mâu Ni Phật đem quốc độ chư Phật đều hiện ra, để Phu nhân Vi Đề Hi tự mình xem, tự mình tuyển chọn. Sau khi xem xong tất cả, Phu nhân Vi Đề Hi tuyển chọn thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế Gian Tự Tại Vương Phật: cũng làm giống như thế, cũng đem sát độ chư Phật mười phương, hiện ra trước mặt Tỳ-kheo Pháp Tạng, để Ngài tự mình xem, tự mình tuyển chọn.

          “Thuyết thị pháp thời, kinh thiên ức tuế”. Chúng ta nhất định không thể lơ là câu nói này. Ngài nói cho chúng ta hai câu nói, câu nào thế? Người dạy không mệt, học mà không chán. Thầy bền bỉ dạy học ngàn ức năm, học trò bền bỉ học hết ngàn ức năm. Đây là cảnh giới bậc nào! Đối chiếu với việc tu học của chúng ta ngày nay một chút, lão Pháp sư khuyên chúng ta học một bộ kinh mười năm, có bao nhiêu người không kiên trì được rồi, thời gian sao lại dài như vậy? Há lại chẳng biết mười năm học một bộ kinh, mới có thể học được thấu triệt, quý vị mới có thể được tam-muội. Phải hoàn toàn thông đạt sáng tỏ bộ kinh này, thì quý vị mới có thể giải được nghĩa chân thật của Như Lai. Thông đạt một bộ kinh rồi, những bộ quý vị đã học bộ bộ thông đạt, bộ bộ đều viên mãn. Nếu quý vị mười năm học mười bộ kinh, đó là cưỡi ngựa xem hoa, chỉ có thể học được chút da lông mà thôi. Nếu quý vị một năm học năm bộ kinh, học mười bộ kinh, ấy là phi ngựa xem hoa, điều gì đều không đạt được, ngay cả chút da lông đều không dính. Chúng ta từ quá trình dạy học của Thế Gian Tự Tại Vương Phật, từ quá trình học tập của Tỳ-kheo Pháp Tạng, có đạt được một chút khải thị có ích hay không!

          Thời gian hôm nay đã hết rồi, xin nói tới đây thôi. Cảm ân mọi người! A Di Đà Phật!

(Hết tập 16)

Nguyện dĩ thử công đức

Trang nghiêm Phật Tịnh độ

Thượng báo tứ trọng ân

Hạ tế tam đồ khổ

Nhược hữu kiến văn giả

Tất phát Bồ đề tâm

Tận thử nhất báo thân

Đồng sanh Cực Lạc quốc.

Nam Mô A Mi Đà Phật

Trả lời 0