Nhiều người đồng tu mỗi khi nói ra, nghĩ ra, thực ra suy
nghĩ của họ chỉ quanh quẩn trong vùng giới hạn rất nhỏ là gia đình thôi. Vậy
thì phát tâm Bồ-tát nằm ở đâu? Phát tâm Bồ-đề nhất hướng chuyên niệm mình không
có, cho nên tâm luân hồi thì niệm Phật vẫn đi vào luân hồi, đấy là điều mà Hòa
thượng hay nói. Chúng ta phải giải thoát sanh tử, ra khỏi luân hồi bằng cách
phát tâm Bồ-đề, tâm mình phải rộng lớn, tâm mình phải quảng độ chúng sanh, tâm
mình muốn về làm Bồ-tát bất thoái tại Tây Phương Cực Lạc để mà độ chúng sanh khắp
pháp giới, hư không giới. Phát tâm như thế thì liền tương ưng, mỗi câu niệm Phật
là gieo xuống công đức thật sự. Còn nếu như tâm mình nhỏ quá, mình chỉ nghĩ cho
gia đình thì chắc niệm Phật đó theo Thiện Trang nghĩ công đức không lớn, chỉ là
phước báu hữu lậu của trời người mà thôi. Và như Hòa thượng nói, tâm luân hồi
thì niệm Phật cuối cùng cũng đi vào luân hồi. Cho nên niềm tin đối với Phật
pháp là một điều rất khó.
Nhiều người nói con tin rồi, nhưng mà thực sự không có tin.
Ví dụ đơn giản, nếu người tin rồi thì đối với hoàn cảnh, đối với gia đình v.v…
trong gia đình mình biết là “nhân sanh thù nghiệp”, đời người là trả nghiệp mà
thôi cho nên đến cùng một gia đình. Trong gia đình người này với người kia thực
sự đâu có thiệt đâu, chỉ là giả. Đời này đóng vai cha con, anh em, vợ chồng, mẹ
con với nhau. Thực ra nếu quý vị có Tha tâm thông, có Túc mạng thông, quý vị
nhìn lại đời trước quý vị thấy đời trước là oán thù của mình, bây giờ vô nhà
mình làm con mình, người đó đời trước thiếu mình một mạng nên đời này vô nhà
mình làm chồng mình để đòi lại mạng của mình. Hay là đời trước mình áp bức người
đó ghê gớm, cho nên đời này vô làm chồng mình áp bức mình lại.
Quý vị mà nhìn được như vậy thì quý vị buông được, còn bây
giờ mặc dù học Phật pháp lâu rồi, nghe pháp thì nghe cũng hoan hỉ đó nhưng
không buông được, thấy đó là thật. Hòa thượng nói: chúng sanh điên đảo, xem giả
làm chân, còn đem giả làm chân thì mãi mãi còn khổ thôi. Đấy là Hòa thượng nói
như vậy. Tại sao khổ? Vì điên đảo nên khổ. Người giác ngộ không khổ vì người
giác ngộ không phải bi lụy, không phải buồn với cuộc đời này. Cuộc đời này vốn
như vậy. Thế gian vốn như vậy. Bây giờ thế gian vô thường, quý vị thấy rõ đúng
không?
(Trích trong bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng
– Kinh Văn Phẩm Thứ Hai – Buổi 4
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 03.11.2022)