DUYÊN HÁN TỰ
Nguyễn Hoa Lư
Tháng Mười năm 2018, tôi nghỉ hưu sau 38 năm đứng trên bục giảng. Chuẩn bị cho ngày về hưu, tôi mua mấy tập vở học sinh, dăm cây viết mới đặt ngay ngắn trên bàn làm việc. Có người bạn đến chơi, cầm một tập vở lên. Mới lật trang đầu, ông quay sang trố mắt nhìn tôi hỏi: “Một đời làm thầy, “rao giảng” các định lý, các phương trình, hàm số và bây giờ ông tính làm học trò à?”
Không đợi tôi trả lời, người bạn trịnh trọng càm cuốn vở lên cao, dõng dạc đọc to dòng chữ ghi bằng nét đậm: “Vở học Hán tự”. Ông nheo mắt: “Không đùa đâu nhé, chông gai lắm đó! Mà từ lúc nào ông lại có ý nghĩ kỳ quặc đó?”
Đó là mùa Hè năm tôi 17 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông.
Tôi vào Nha Trang, tình cờ gặp và làm quen sư Tâm Hạnh. Thầy đang thời gian dưỡng bệnh, ẩn cư trên một căn gác nhỏ của gia đình. Căn gác yên tĩnh, có thể nghe rõ tiếng con chim sâu ngoài tán cây mận vọng vào. Xung quanh tường là những giá sách, được trang trí bằng vài ba chậu bonsai xinh xắn và những bức tượng Phật nhỏ. Nhà sư mới ngoài tuổi 20, dáng cao, người đậm, bước đi thanh thoát. Gương mặt sáng, giọng ấm mà vang. Bộ y vàng đắp hở một bờ vai. Tôi thoáng có cảm giác như đang chiêm ngưỡng một vị sư vừa bước ra từ những cung điện vàng son của thành cổ Xá Vệ xa xưa…
Chúng tôi ngồi xếp bằng trên sàn gỗ. Không gian thoảng thơm hương trà. Vị sư không giảng cho tôi nghe về Đức Phật, tứ diệu đế hay bát chánh đạo. Thầy đọc mấy bài thơ Đường.
Tôi miên man chìm đắm vào một khung trời mờ sương vẳng tiếng quạ kêu, những đốm lửa thuyền chài, những hàng phong bên bờ sông ngoài thành Cô Tô. “Giấc sầu miên” lảng đảng ám ảnh tâm trí tôi.
Trên đường về, tai tôi vẫn văng vẳng giọng thầy:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Tôi đạp xe qua một tiệm sách trên đường Lê Lợi, mua bộ “Thơ Đường” ba tập của Trần Trọng San.
(Mấy chục năm sau, tôi có dịp đến chùa Hàn San và thực sự tiếc là mình đã đến. Cảnh náo nhiệt từng dòng du khách vào ra và những vị sư tay cầm iphone tất bật qua lại khiến tôi không còn cảm hứng chiêm ngắm ngôi chùa ngàn năm tuổi nữa).
Tôi vào đại học rồi ra trường đi dạy. Môn Toán tất nhiên không liên quan đến thơ Đường. Thỉnh thoảng tôi vẫn mở bộ Trần Trọng San đọc vài bài yêu thích.
Thân phụ tôi, một cụ giáo về hưu. Ông cụ dành thời gian rỗi của tuổi già đọc những khảo cứu lịch sử và văn chương. Gần đây, khi bước vào tuổi 90, cụ trao cho tôi kệ sách của mình. Tôi thừa hưởng nhiều bộ sách quý trong đó có những tuyển tập Đường thi, Tống thi, các trước tác của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu… dù không có hệ thống nhưng cũng đủ để tôi tha hồ đọc.
Tôi “yên tâm” thưởng thức văn bản Hán cổ qua phiên âm và dịch nghĩa.
Rồi tôi tình cờ bước chân vào một “xứ sở” kỳ lạ. Đó là trang web thivien.net, một thư viện chứa hơn 90 ngàn tác phẩm được tuyển về từ hơn 100 nước. Điều đặc biệt với tôi là khối lượng đồ sộ các tác phẩm thơ chữ Hán. Có cảm giác như toàn bộ những tác giả, tác phẩm quan trọng của nền thi ca cổ Trung Hoa và Việt Nam đều về đây tề tựu đông đủ.
Sửng sốt hơn, trang web được liên kết với bộ từ điển Hán Việt. Bạn có thể tra nghĩa, có thể học cách viết chữ nhờ hình ảnh động kèm theo. Từ điển còn đề xuất những bài thơ nổi tiếng có sử dụng từ bạn đang quan tâm. Thực sự đó là một công cụ tuyệt vời cho những ai muốn học Hán tự.
Niềm yêu thích cổ văn của thân phụ, những hạt giống Đường thi của sư Tâm Hạnh và những thành tựu khoa học miễn phí trên internet đã hội tụ trong tôi. Rất tự nhiên, tôi thành một học trò ở tuổi 60.
Những trải nghiệm với Hán tự thật tuyệt vời. Kiến thức mở rộng. Ngôn ngữ tiếng Việt trở nên sâu sắc hơn. (Theo các nhà ngôn ngữ, từ Hán Việt chiesm ít nhất khoảng 60% trong tiếng Việt). Đặc biệt nhất là quá trình học song song với sự di dưỡng tinh thần. Còn gì thú vị hơn khi sáng sớm pha một bình trà, ngồi viết ra giấy một câu thơ cổ. Ta như gặp được trực tiếp tâm sự của người xưa.
Tôi như con cá nhỏ bơi lượn trong đại dương thơ ca viết bằng chữ Hán. Duyên Hán tự của tôi chưa dừng ở đó.
Một hôm, trên youtube, tôi lạc vào lớp ngữ pháp Hán cổ của nhà sư Thích Thiện Trang. Học văn phạm là miệt mài nhồi nhét vào đầu hàng trăm quy tắc, vô số thành ngữ cùng đủ thứ ngoại lệ. Biết vậy nên tôi tính nghe chơi, không ngờ, càng nghe thầy giảng càng mê.
Thầy Thích Thiện Trang hãy còn trẻ, dáng nhỏ nhắn, bận áo nâu đen giản dị, mắt sáng, gương mặt dễ gần. Có vẻ như đó là một nhà sư trong làng quê xa vùng Nam Bộ. Đằng sau sự một mạc là một trí tuệ uyên thâm, một niềm tin mạnh mẽ, không thối chí. Tôi nghe mấy bài, biết thêm một chi tiết thú vị. Thầy cũng từng là sinh viên toán, về dạy ở một trường cấp ba, từng có trung tâm luyện thi vào đại học… Rồi thầy rũ áo, dấn thân vào còn đường của một nhà sư.
Tôi tìm đọc lại “Bình Ngô đại cáo” trong nguyên bản. Gặp mấy chỗ khó, tôi gửi email nhờ giải thích. Thầy trả lời liền. Tôi mạnh dạn viết một khảo cứu nhỏ. Bài được trang trọng đăng trên một tờ tuần báo văn nghệ. Có thêm động lực, tôi viết một số nghiên cứu ngắn về thơ chữ Hán của Nguyễn Du đăng trên các tạp chí văn học.
Bốn năm làm học trò học Hán tự trôi qua nhanh chóng. Hán cổ với hệ thống chi, hồ, giả, dã… phong phú về ngữ nghĩa và biến hóa khi sử dụng đã tạo nên nét độc đáo. Văn Hán cổ, nhờ các hư tự đó mà khi đọc lên có sự trầm bổng và nhịp điệp rất dễ bị mê hoặc.
Có ít vốn từ và ngữ pháp tôi thấy cả một thế giới mới rộng mở trước mắt. Tôi bắt đầu có kế hoạch tìm học các thư tịch của Khổng giáo và Phật giáo. Tất cả vẫn đang ở phía trước, tôi không dám chắc mình sẽ đi được bao xa. Chỉ biết rằng, mỗi ngày mới, tôi thức dậy với chút háo hức mới mẻ của một một học trò.
Đức Khổng Tử đã nói rất thâm thúy về chặng đường học hành và tu dưỡng. Học mà mỗi buổi mỗi tập, chẳng cũng vui sao? Nếu việc học có thành tựu, được bạn bè ở xa nghe tiếng tìm lại cùng đàm luận, chẳng cũng thú sao? Dẫu mình có kiến thức, đức hạnh những người đời không biết thì cũng không vì thế mà hờn giận thì chẳng cũng quân tử ư? (Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ. Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ. Nhân bát tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ. 學而時習之,不亦說乎,有朋自遠方來,不亦樂乎,人不知而不慍, 不亦君子乎?).
Tôi có một giấc mơ. Einstein từng nói rằng, muốn sống hạnh phúc, bạn cần gắn đời mình với một mục đích, một ước mơ.
Tôi ước một ngày nào đó, dưới bóng mát của một hiên chùa vắng, tôi có thể dạy những bài Hán tự sơ khai cho vài ba chú tiểu nhỏ. Đến lượt mình, tôi cũng sẽ học được niềm tin tôn giáo thuần khiết, trẻ thơ và mãnh liệt các vị “tiểu hòa thượng”. Trong hành trang của các bậc đại sư tương lai ấy hẳn có những bài Hán tự khai tâm thuở thiếu thời…
Chúng tôi đính kèm link trang học Hán ngữ cho chư vị tiện tra cứu ạ. A Mi Đà Phật.
Học Phiên Dịch Hán Ngữ