Có một anh chàng nho sinh rất giỏi về đối đáp, ai hỏi gì anh
ta cũng trả lời được hết. Một hôm anh ta chuẩn bị đi thi, anh ta rất là tự đắc,
vì cho là mình rất giỏi. Khi đi thi, anh ta đi một chuyến đò qua sông, có nhiều
người, cô lái đò hỏi anh đi đâu, anh trả lời:
– Tôi đi thi.
Cô lái đò nói:
– Anh trả lời giùm cho câu đối này, tôi đưa ra một câu đối,
nếu anh đối được tôi sẽ không lấy tiền qua đò.
Anh chàng tự đắc, cho là cô lái đò thấp kém, dốt, không bằng
mình, anh ta nghĩ với câu đối mình sẽ dễ dàng làm được. Cống cao ngã mạn, nghĩ
mình giỏi. Anh bèn đồng ý.
Câu đối:
“Hỏa tại thạch trung, trầm tích thủy, thiên niên bất tuyệt”.
Đây là âm Hán, hỏa là lửa, thạch là đá, lửa ở trong đá. Trầm
là chìm, tích là ẩn ở dưới nước. Lửa ở trong đá mà ẩn dưới nước. Thiên niên là
ngàn năm, bất tuyệt là không tắt.
Dịch nghĩa: Lửa ở trong đá, chìm dưới nước, ngàn năm không tắt.
Tức là hiện tượng lửa ở trong đá, mà chìm dưới nước suốt ngàn năm không tắt.
Đưa ra câu đối như thế. Quý vị đối lại làm sao? Nguyên tắc câu đối là bằng trắc
đối xứng. Ai học về đối sẽ thấy câu đối này cực kỳ khó.
Anh chàng nghe xong choáng váng, như gáo nước lạnh tạt vô
người, xây sẩm mặt mày. Con đò vẫn đi qua sông, cô lái đò vẫn chèo, anh ta nghĩ
miết không đối được. Con đò đến bến mà anh chàng vẫn ngồi nghĩ miên man, quên cả
lên bờ. Mọi người thấy anh ta thẫn thờ nên dìu anh lên bờ. Anh ta lên bờ vẫn ngồi
miết không hay biết, trong đầu vẫn nghĩ câu đối, mà nghĩ không ra làm sao đối.
Rồi người ta tìm thấy anh chàng chết bên bờ sông, anh ta chết trong câu đó. Và
cứ đêm đêm, người ta nghe bên sông văng vẳng có tiếng người rên rỉ: “Hỏa tại thạch
trung, trầm tích thủy, thiên niên bất tuyệt”. Dân làng nơi đó sợ không dám qua
sông vào ban đêm nữa. Anh ta đọa lạc vào cảnh ma, năm này qua năm khác. Cho nên
chấp trước nguy hiểm vô cùng, chấp trước là luân hồi. Có tài năng, người ta nói
là sanh nghề tử nghiệp. Một ngày nọ có một vị Thiềnsư qua sông. Mọi nói ngài đừng
qua sông ban đêm, và họ kể lại cho ngài nghe câu chuyện chàng nho sinh năm xưa,
bây giờ chết thành ma, cứ tối kêu như vậy, ngài đừng qua sông ban đêm nữa. Vị
Thiềnsư nói, ngài đêm nay sẽ qua sông để giải quyết chuyện này. Quả nhiên khi
ngài qua sông, trong đêm khuya gió hiu hiu thổi lạnh hết người, lại vang lên tiếng
người đọc câu đối đó: “Hỏa tại thạch trung, trầm tích thủy, thiên niên bất tuyệt”.
Vị Thiền-sư liền đối lại: “Nguyệt tận không trung, chiếu thế
gian, vạn cổ trường tồn”. Nguyệt là trăng, tận là ở trên cao, trăng ở trên cao,
chiếu thế gian, vạn cổ trường tồn là muôn kiếp vẫn còn, xưa nay vẫn còn. Câu
này đối khớp câu kia luôn.
Dịch nghĩa: Trăng ở không trung, chiếu thế gian, muôn kiếp vẫn
còn.
Nghe xong câu đối, hồn ma của chàng thư sinh liền giác ngộ,
thoát kiếp ngạ quỷ. Từ hôm đó, đêm xuống không còn nghe tiếng nói câu đối đó nữa.
Các vị Thiền-sư đắc đạo có thể khai mở những chấp trước của chúng sanh. Đó là
“giải chư triền phược”, câu này ở phía sau.
(Trích trong bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ – VLT33
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang – 15/08/2020)