Responsive Menu
Add more content here...

Chớ Theo Dục Vọng Của Tâm, Để Mà Thiếu Khuyết Cô Phụ Kinh Giới, Rớt Lại Sau Người

 

#vật đắc tùy tâm sở dục: chữ vật là chớ, giống như trong Đệ Tử Quy có câu “phụ mẫu hô, ứng vật hoãn” là cha mẹ gọi, trả lời chớ có chậm. Ứng là trả lời, vật là chớ, hoãn là chậm. Cho nên người ta dịch ý là Cha Mẹ gọi, trả lời ngay. Chữ vật là chớ, “vật đắc tùy tâm sở dục” chớ để theo tâm sở dục, tùy tâm là theo tâm, sở dục là bị tâm lôi kéo, những nhu cầu những mong muốn của tâm, tâm này là vọng tâm lôi kéo. Hay chúng ta nói là chớ có theo dục vọng của tâm.

#khuy phụ kinh giới: khuy là thiếu/kém hoặc là phụ trong phụ lòng đó, còn phụ là phụ bạc, kinh giới là: giới ở đây là giới luật, cũng là giáo giới, những điều dạy răn. Tức là những điều dạy răn, Phật dạy trong kinh. Hòa thượng chú giải (3) “Khuy phụ kinh giới”:

+ “Khuy” là không viên mãn, “phụ” là cô phụ (phụ lòng, không xứng với). Đều chỉ giải hành thiếu khuyết, phụ lòng với giáo huấn của Phật ở trong kinh giới.

 

Tức là ở trong kinh giới Phật dạy rằng các con phải tu hành nha, phải tu hành đàng hoàng, trong Kinh Vô Lượng Thọ dạy như thế. Mà bây giờ mình tùy theo mong muốn của tâm mình tức là vọng tâm, mình ham quá, ham cái này ham cái kia. Phật bảo giữ giới đi đừng có tà dâm nha con, nhưng mà con thích con vẫn có tà dâm. Rồi trong Chánh Nhân Vãng Sanh điều thứ ba nói là “tam bất dâm dục” mà con theo cái tâm con thôi. Đó là “vật đắc tùy tâm sở dục” là mình chạy theo mong muốn của tâm mình, mà “khuy phụ kinh giới” có nghĩa là làm thiếu khuyết đi, làm trái ngược đi, chữ phụ là phụ bạc/phụ tình phụ nghĩa. Cho nên làm trái ngược với những lời dạy của Phật ở trong kinh, ở trong giới luật, thì kết quả là gì? Ở đây sẵn Thiện Trang mở rộng ra một chút “vật đắc tùy tâm sở dục”, thì tâm này là vọng tâm, trích ở trong Kinh Tứ Thập Nhị-Chương 28 Phật có dạy rằng: “Thận vật tín nhữ ý, nhữ ý bất khả tín, thận vật dữ sắc hội. Sắc hội tức họa sanh. Đắc A-la-hán dĩ. Nãi khả tín nhữ ý.” tức là Phật dạy rằng: Cẩn thận chớ có tin ý ông, ý ông không thể tin; [vì vậy] cẩn thận với gần sắc dục, gần sắc dục liền sanh họa. Khi nào đắc A-la-hán rồi, mới có thể tin ý ông. Ý Phật dạy hai điều, thứ nhất ý của mình không tin được đâu, khi nào chứng A-la-hán mới tin được. Thứ hai đối với sắc dục phải cẩn thận vì chưa chứng A-la-hán coi chừng gặp sắc dục cũng họa sanh đó. Trong chú giải của ngài Hoàng Niệm Tổ có trích Kinh Đại Bát Niết Bàn nói rằng: thường vi tâm sư, bất vi sư tâm. Tức là thường phải coi tâm làm thầy, không làm thầy của tâm. Sao lại nói ngược vậy? Ý nói tâm ở đây là chân tâm, hãy lấy chân tâm bản tánh là thầy của mình, chớ đừng để mình nghĩ mình làm thầy của tâm, tức là mình dùng vọng tâm của mình mình làm chủ luôn tâm. Cũng giống như ý vừa rồi, tức là đừng chạy theo vọng tâm của mình rồi làm nhiều thứ “khuy phụ” là trái với kinh giới, Phật dạy như vậy cuối cùng mình phụ bạc kinh điển, phụ bạc giới luật đi. Và kết quả Phật nói tiếp

#tại nhân hậu dã: chữ dã là kết thúc đoạn, “tại nhân hậu” là ở sau người. Bây giờ mình tu hành sanh về Tây Phương Cực Lạc là mình đi trước rồi, còn ở đây về theo tâm phóng dật của mình, theo mong muốn của thế gian, mình tu một hội không có vãng sanh, rớt lại ở lại thế gian tiếp, người ta về Tây Phương Cực Lạc hết rồi mình rớt lại phía sau. Cho nên “tại nhân hậu dã” tức là rớt lại phía sau với người khác. Ở đây ý nói thà chịu thiệt thòi, chịu khó chịu khổ một chút thôi, cùng lắm mấy chục năm thôi con là con được về Tây Phương Cực Lạc là con đi trước. Còn nếu con theo tâm phóng dục của con, con ham sắc dục, con ham muốn đủ thứ hết, thì con cuối cùng bị rớt lại. Con làm trái lại với lời Phật dạy, trái với giáo giới của Phật, trái với giới luật thì cuối cùng con rớt lại phía sau người ta. Người ta về làm Bồ-tát hết rồi, bất thoái Bồ-tát ở Tây Phương Cực Lạc rồi, còn mình còn là phàm phu ở thế giới Ta-bà, thậm chí còn bị đọa Nê-lê (địa ngục), thậm chí đọa ngạ quỷ, đọa súc sanh không biết ngày nào mới ra. Cho nên quý vị nghe câu này cho kỹ nha, câu này giống như bí quyết tu hành của chúng ta luôn đó “ vật đắc tùy tâm sở dục, khuy phụ kinh giới, tại nhân hậu dã”. Quý vị hãy so sánh những đồng tu, chúng ta đừng để theo mong muốn của tâm chúng ta mà trái ngược, phụ bạc cô phụ kinh điển giới luật để rồi cuối cùng rớt sau người. Mai mốt đồng tu vãng sanh hết rồi, về Tây Phương Cực Lạc làm Bồ-tát rồi mình còn lăn lộn ở chốn Ta-bà này là ngạ quỷ, súc sanh rồi đến ngày nào đó, vô lượng kiếp sau mới vãng sanh lúc đó thấy người ta đến tiếp dẫn mình nhớ quá khứ ôi buồn đau ghê. Ngày xưa chúng ta cùng hội cùng thuyền, bạn về Tây Phương Cực Lạc hồi nào mình còn ở đây. Thật ra chúng ta đã như vậy rồi đó, đã rớt lại sau bao nhiêu người rồi đó quý vị, bao nhiêu đồng tu chúng ta đã về Tây Phương Cực Lạc hết rồi, họ chờ chúng ta đó, chờ lắm. Mong đời này chúng ta niệm Phật được thành tựu, thật sự buông xuống vạn duyên là Phật sẽ tới liền, là những người thân đó, những người bạn đồng tu đó tới tiếp dẫn liền. Mà mê quá nhiều, kẻ mê thì quá nhiều, kẻ ngộ thì quá ít cho nên thật là đáng thương. Kinh Vô Lượng Thọ có nhiều câu hay lắm, quý vị nhớ câu nào học câu đó, học một câu coi như là bảo bối, của quý báu đi đâu thấy câu đó là nhớ liền. Cho nên nhớ câu này chắc chắn không đi vào con đường đó, phải học như thế, còn Kinh Vô Lượng Thọ không biết học thì học không có được. Trong Kinh Pháp Cú 215 có bài kệ như thế này:

Dục ái sinh ưu sầu,

Dục ái sinh sợ hãi,

Ai thoát khỏi dục ái,

Ắt hết mọi âu lo.

Tức là nói về dục ái, dục là tình dục, ái là tình yêu, dục ái nên sinh ra ưu sầu, sinh ra sợ hãi, cho nên có dục ái là có sợ hãi có ưu sầu. Ai thoát khỏi dục ái, ắt hết mọi âu lo, ai mà thoát ra được dục ái thì hết mọi âu lo thôi, không còn gì nữa.

 

Trích trong bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ Phẩm 33 buổi 4 – giảng giải Thầy Thích Thiện Trang

Nam Mô A Mi Đà Phật

Trả lời 0