VẤN
ĐÁP HỌC PHẬT
Tập
23
(Tập
91 Tịnh Tông)
Chủ giảng: pháp sư
Tịnh Không
Thời gian: 21/03/2008
Địa điểm: Hiệp hội
giáo dục Phật-đà Hồng Kông.
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi. Hôm nay có 27 câu
hỏi, trước hết là câu hỏi của đồng tu Trung Quốc, có ba câu hỏi.
Hỏi: Câu thứ nhất, con làm công việc hộ pháp trong đạo tràng, cả
ngày bận rộn mệt mỏi, chỉ có thể tùy chúng tham gia công khóa sáng
tối, nghe kinh Hoa Nghiêm. Không có nhiều thời gian hơn để tu
học, xin hỏi con phải làm sao mới có thể nắm chắc việc vãng sanh?
Đáp: Câu hỏi này có vấn đề. Bởi vì tu hành là tu hành ở trong công
việc, rời khỏi công việc thì đến đâu để tu? Ví dụ như làm công việc
hộ pháp, bạn vì đại chúng phục vụ là tu điều gì? Tu bố thí
ba-la-mật, dùng tinh thần của bạn, dùng công sức của bạn, dùng trí
tuệ của bạn để giúp đại chúng. Bạn thử nghĩ xem, bạn ở đây tu bố thí
tài, thế nào là tài? Thể lực là nội tài, đây là bố thí nội
tài. Bạn giúp đời sống của đại chúng được thoải mái, tinh thần học
tập rất tốt, bạn đến hộ trì cho họ thì đây là bố thí pháp; mỗi
người ở đây vô cùng hoan hỷ, có cảm giác an toàn, có cảm giác vui
vẻ, đây là bố thí vô úy. Nếu bạn rời khỏi cơ hội này thì bố thí
của bạn là trống không. Cho nên phải biết, tu hành là ở trong đời
sống, là ở ngay trong công việc, là ở xử sự, đối người, tiếp
vật. Rời khỏi đại chúng thì đến đâu để tu? Nói rời khỏi đại chúng để
mình tu định, thật ra định công thù thắng nhất, phương pháp tu định
thù thắng nhất, trong kinh Hoa Nghiêm có rất nhiều Phật Bồ-tát đã thị hiện
cho chúng ta, các ngài tu định ở nơi nào? Ở nơi náo nhiệt, chúng ta
nói là ở cửa hàng bách hóa, ở trung tâm thương mại, ngày ngày đến đó để đi
dạo, đi xem, để làm gì? Tu định. Nhìn thấy rất rõ ràng, rất
tường tận thì đó là trí tuệ, không có gì mà bạn không biết. Nhìn thấy
rồi không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp
trước, đây chính là đại định, định vốn có trong tự tánh. Cho nên rời
bỏ hoàn cảnh bên ngoài thì bạn không tu được thứ gì, tu hành gọi là
gì? Trải sự luyện tâm, ở trong sự việc mà rèn luyện bản thân.
Cho nên nếu bạn đang bận rộn trong công việc hộ pháp, bạn
không có phân biệt, không có chấp trước thì bạn sẽ làm công việc này được
vô cùng viên mãn, chính mình định tuệ cùng học. Không phải là nói
không làm việc gì cả thì mới gọi là tu hành, vậy thì hoàn toàn sai
rồi. Mỗi ngày gõ mõ tụng kinh, cho rằng đó là tu hành sao? Đó là học
tập. Tu hành là ở đâu? Tu hành là ở trong sự đối mặt với hết thảy người
việc vật, xem thử tâm có còn thanh tịnh như vậy không, khi bận rộn
thì tâm địa vẫn là thanh tịnh. Khi bận rộn mà tâm địa không thanh tịnh thì
là gì? Trong đó xen tạp thị phi nhân ngã, xen tạp tự tư tự
lợi, vậy thì không thanh tịnh. Cho nên ở trong công việc phải tu cho
mất hết tự tư tự lợi, đây gọi là tu hành chân chánh, khởi tâm động
niệm là vì người khác, không có chút gì vì chính mình, không có chút
ý niệm lợi mình, tu cho mất hết điều này. Đây là phiền não tập
khí, phải ở trong công việc, phải ở trong đại chúng mà tu cho mất
hết. Tham sân si mạn, đặc biệt là ngạo mạn, bạn không tiếp xúc với
người thì làm sao bạn biết được ngạo mạn của bạn đã đoạn hết chưa? Bạn
không tiếp xúc với đại chúng thì làm sao bạn biết tham sân si của bạn không còn
nữa? Cho nên tu hành thì không tách rời khỏi quần chúng.
Pháp thân Bồ-tát, các ngài không còn vọng tưởng phân biệt
chấp trước nữa, vì sao vẫn phải ứng hóa đến lục đạo này, ứng hóa đến
thập pháp giới? Vì sao vậy? Vì muốn đoạn sạch tập khí vô minh từ vô
thủy của các ngài. Đoạn từ đâu? Ngay trong sự tiếp xúc với người việc
vật mới biết chính mình còn có tập khí hay không. Sau đó bạn mới hiểu
rằng công việc hộ pháp là chân tu hành. Trong giảng đường nghiên cứu
kinh giáo, đó là họ chân thật học tập, sau khi học rồi thì phải
dùng, dùng ở trong hộ pháp. Hộ pháp, các vị phải hiểu được hai mục
tiêu, thứ nhất là hộ trì chánh pháp cửu trụ, vậy hộ trì như thế
nào? Chính mình lấy thân làm gương, làm ra tấm gương cho người khác
xem, phải biết điều này. Thứ hai là phải hộ trì chánh pháp cho hết
thảy chúng sanh, hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật, hộ trì họ như
thế nào? Vẫn là chính mình làm tấm gương tốt cho mọi người xem, để họ
giác ngộ, để họ quay đầu. Tấm gương này, trong thế pháp và Phật pháp thảy
đều hộ trì, chân thật hộ trì. Cho nên toàn bộ là từ chính mình mà
làm, chính mình phải làm được tốt, phải làm ra tấm gương thật tốt cho
mọi người xem, phải giống Phật, giống Bồ-tát. Không có một vị Phật
Bồ-tát nào là tự tư tự lợi cả, vì sao vậy? Tự tư tự lợi là phiền
não, có ý niệm tự tư tự lợi thì họ làm phàm phu, họ không phải là
Phật Bồ-tát. Chúng ta hãy thường nghĩ đến mấy câu nói trong kinh Kim
Cang: “Nếu Bồ-tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng
sanh, tướng thọ giả, tức không phải Bồ-tát”, đây là Phật
nói. Bạn còn có tự tư tự lợi thì bạn không phải là Bồ-tát, bạn là
phàm phu.
Bồ-tát và phàm phu không phải là hai, chỗ không giống nhau
chính là phàm phu có tự tư tự lợi, có danh văn lợi dưỡng, có tham sân si
mạn; còn Phật Bồ-tát không có tự tư tự lợi, không có danh văn lợi
dưỡng, không có tham sân si mạn. Sự việc làm như nhau, mặc quần
áo như nhau, ăn uống như nhau, làm việc như nhau, hoạt động như
nhau, nhưng một bên thì có vọng tưởng phân biệt chấp trước, một bên
không có vọng tưởng phân biệt chấp trước, khác biệt ở chỗ này. Cho
nên bạn phải hiểu, chân thật hiểu được rồi thì bạn không có câu hỏi này
nữa. Vậy người chân tu hành, chúng tôi ở trong giảng đường đã nói rất
nhiều, nếu chúng ta thật sự không có chấp trước nữa, vẫn có vọng
tưởng, phân biệt, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì sanh vào cõi
Phương Tiện Hữu Dư; nếu chúng ta không có phân biệt nữa, khởi tâm động
niệm cũng không có nữa thì sanh đến thế giới Cực Lạc sẽ sanh vào cõi Thật
Báo Trang Nghiêm, việc này không cần hỏi người khác, hãy hỏi chính
mình. Đúng vậy, ít đi một phần phiền não thì sẽ nâng cao rất nhiều
bậc phẩm vị ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, trong ba bậc chín phẩm bạn sẽ
không ngừng nâng lên cao. Phật Bồ-tát đã làm rất nhiều biểu diễn, thị hiện
cho chúng ta, chúng ta phải có thể xem hiểu được, nhìn ra được và
nghiêm túc học tập.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, làm một Phật tử thông thường, ở trong
thời loạn ngày nay đầy rẫy tai nạn như vậy, nhìn thấy chúng sanh sống
trong khổ nạn, chính mình phải nên tu học như thế nào mới có thể cứu được
kiếp nạn, tự hành hóa tha, vãng sanh Tịnh độ?
Đáp: Câu hỏi này của bạn, ở trong kinh Phật có một câu trả lời, “y
giáo phụng hành” thì làm được thôi. Giáo huấn mà Phật dạy chúng
ta, câu sau cùng của hết thảy kinh chính là câu nói này, “y giáo phụng
hành”, lấy thân làm gương. Vậy bạn nói rốt cục là tu điều gì ở
trong thời đại này? Nghĩ xem khai thị quan trọng nhất của Thế Tôn đối với
chúng ta, trước hết cho chúng ta phương hướng chính xác, mục tiêu
chính xác, một con đường chính xác, chính là bản thân ta vốn dĩ là
Phật, hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật, phải khẳng định giáo huấn
này. Vì sao vậy? Nếu bạn có nhận thức này, chính bạn sẽ không xem
thường chính mình, chính mình cũng không dám xem thường người
khác. Bạn sửa đổi lại quan niệm sai lầm, bạn sẽ tôn trọng chính mình,
tôn trọng người khác, tôn trọng hết thảy chúng sanh. Vì sao vậy? Vốn
dĩ là Phật mà. Vì sao hiện nay lại biến thành hình dạng này? Chúng
tôi không cần nói cho thật sâu, thật rộng, điều đó chúng ta nghe không
hiểu, chúng tôi nói rất thô cạn, rất đời thường, chính là tự tư tự
lợi, danh văn lợi dưỡng, ham muốn hưởng thụ ngũ dục lục trần, tham
sân si mạn tạo thành hình dáng như hiện nay, những phiền não tập khí này
trong tự tánh vốn dĩ không có. Bồ-tát Mã Minh nói với chúng ta
rằng thứ vốn dĩ không có, nếu bạn loại trừ nó cho sạch sẽ, buông nó
xuống thì không còn nữa; thứ vốn dĩ là có thì bạn phải đề khởi nó
lên. Cái vốn dĩ có, người Trung Quốc nói luân lý đạo đức là thứ vốn
dĩ có; trong Phật pháp nói Tam học, Lục độ, Tứ nhiếp, Thập nguyện của
Bồ-tát Phổ Hiền là thứ vốn dĩ có. Điều vốn dĩ có thì bạn phải khôi
phục nó trở lại.
Hiện nay chúng ta điên đảo rồi, cái vốn dĩ có thì không có
nữa, cái vốn dĩ không có thì toàn bộ hiện tiền rồi, cho nên mới làm
phàm phu lục đạo. Phật Bồ-tát thường gọi là “kẻ dáng thương xót”, thật sự
đáng thương, cho nên chúng ta là kẻ đáng thương xót mà Phật đã
nói. Thật sự thấu tỏ rồi, làm cho rõ ràng rồi thì phải nhanh chóng
quay đầu, tự tư tự lợi vừa chuyển đổi thì thành đại từ đại
bi, danh văn lợi dưỡng vừa chuyển đổi thì thành vô lượng công
đức, ham muốn hưởng thụ ngũ dục lục trần vừa chuyển đổi, chính là bố
thí cho vô lượng vô biên chúng sanh, bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô
úy, là ba loại bố thí này; tham sân si mạn vừa chuyển đổi thì là vô lượng
trí tuệ. Trong kinh Hoa Nghiêm đã nói hết thảy chúng sanh đều có đức tướng
trí tuệ Như Lai, bạn đã hoàn toàn khôi phục rồi. Cho nên chân thật
học Phật chính là phải làm một cuộc chuyển đổi, khổ nạn sẽ không có
nữa. Khổ nạn là từ mê hoặc điên đảo, tạo tác hết thảy nghiệp bất
thiện mà cảm được, ý niệm của chúng ta vừa chuyển thì tai nạn bên
ngoài trước tiên sẽ được hóa giải. Cho nên chính mình chuyển thì
trước hết tai nạn của chính mình không có nữa, sau đó bạn mới có thể giúp
đỡ người khác, giúp đỡ người khác có hiệu quả là giúp người khác
chuyển mê thành ngộ, chuyển ác thành thiện, tai nạn trên thế gian này thật
sự sẽ không có nữa. Cảnh tùy tâm chuyển, chúng ta tin sâu không nghi
đối với lời nói này.
Hỏi: Câu hỏi thứ ba, bản thân con học Phật nhiều năm, luôn
cảm thấy tâm thành kính, tâm hiếu thuận của mình không đủ, xin hỏi làm thế
nào mới có thể khởi phát được tâm thành kính, tâm hiếu thuận của chính mình?
Đáp: Bạn hỏi rất hay, bạn cứ thật thà học Đệ Tử Quy, tâm thành
kính, tâm hiếu thuận của bạn sẽ dần dần nâng lên. Bạn cứ học ở trong kinh
giáo mà lơ là việc tu học Đệ Tử Quy thì tâm thành kính, hiếu thuận
này vĩnh viễn không làm được. Vì sao vậy? Đây là làm ở trên mặt
sự. Sau đó bạn đem tâm thành kính hiếu thuận với cha mẹ, mở rộng đến
hiếu thuận với hết thảy chúng sanh thì bạn sẽ tiến vào Bồ-tát. Trong
tâm trí của Bồ-tát, nhận thức của các ngài là gì? “Hết thảy người nam
là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta”, đối xử với hết thảy chúng sanh
là dùng tâm hiếu thuận với cha mẹ để đối xử, người này gọi là
Bồ-tát. Vì sao các ngài làm như vậy? Bởi vì các ngài chân thật biết
lời nói này không phải là giả. Vì sao nói hết thảy người nam là cha ta,
hết thảy người nữ là mẹ ta? Cha mẹ quá khứ, cha mẹ vị lai đời đời
kiếp kiếp, đây không phải là giả. Chúng ta ở thế gian này chuyển thế
bao nhiêu lần, nếu hiện nay thiên nhãn của bạn thật sự vừa khôi
phục, túc mạng thông vừa khôi phục thì bạn sẽ hiểu có bao nhiêu người
là cha mẹ quá khứ, có nhân duyên trong đời trước, huống chi là đời
sau. Chân thật là mối quan hệ này, đây không phải là giả, không
phải là một loại lý tưởng của chúng ta, mà nó là chân tướng sự
thật. Cho nên lời Phật nói, bạn xem trong kinh Kim Cang nói, “Như
Lai là bậc chân ngữ, thật ngữ, như ngữ”, chữ “như” này quan
trọng, “Như” là gì? “Như” là hoàn toàn tương ưng với sự thật, đây gọi
là “như ngữ”. Cho nên lời Phật nói là như ngữ, là thật không phải
giả.
Chính chúng ta đã quên mất đi quá khứ, nên không biết bao nhiêu
người ở trước mắt có quan hệ như thế nào với mình, không biết bao nhiêu
người có ân đức như thế nào với mình. Trong Đệ Tử Quy đều dạy chúng
ta, nhớ ân không được nhớ oán, việc không như ý thì buông
xuống, đừng để ở trong tâm; những chỗ tốt, ân đức của người khác đối
với ta thì niệm niệm không quên. Làm ra tấm gương cho người khác
xem, nếu đại chúng trong xã hội đều rõ ràng rồi, đều có thể cảm ân,
đều có thể quên oán, bạn nói xem thế giới này tốt đẹp biết bao, thế
giới này chính là thế giới Cực Lạc. Cho nên thế giới Cực Lạc là do chính
chúng ta sáng tạo ra, không phải là người khác, địa ngục, thiên đường
cũng là do chính mình tạo ra. Cho nên thật thà thực hành Đệ Tử Quy quan
trọng hơn bất cứ thứ gì, từ nền tảng này nâng cao lên trên thì đây là
chính xác, đây là như pháp. Không từ Đệ Tử Quy nâng cao lên trên thì
như Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói “không phải đệ tử Phật”, Phật không thừa
nhận bạn là học trò của ngài, bởi vì bạn đã không y theo từng bước mà
đi. Vậy bạn muốn hỏi, Phật dạy chúng ta học như vậy ở chỗ
nào? Phật dạy chúng ta học như vậy ở trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, 3
điều 11 câu của Tịnh Nghiệp Tam Phước là nguyên tắc chỉ đạo cao
nhất trong việc tu học tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng tông
phái. Đây là khoa mục chung, bất luận là hiển giáo hay mật giáo, tông
môn hay giáo hạ, nhất định đều phải tuân thủ.
Bạn xem điều đầu tiên “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư
trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”, bạn nói trong
đây có Đệ Tử Quy không? “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng” được
thực hiện trong Đệ Tử Quy; “từ tâm không giết” đây là thuộc về nhân quả
báo ứng, thực hiện trong Cảm Ứng Thiên; câu tiếp theo “tu thập thiện
nghiệp”. Chúng tôi đề xướng là có căn cứ, không phải là nói tùy
tiện, trước hết học Đệ Tử Quy rồi mới học Cảm Ứng Thiên, sau
cùng học Thập Thiện Nghiệp, thứ tự này là Phật sắp xếp, không phải là
chúng tôi bịa ra. Đây là gì? Đây là thiện nam tử thiện nữ nhân ở cõi
người, họ có tiêu chuẩn ở chỗ này. Bạn phải hiểu là nếu không
thể thực hiện Đệ Tử Quy thì không phải là thiện nam tử thiện nữ
nhân. Thực hiện Đệ Tử Quy, có được điều kiện cơ bản của thiện nam tử
thiện nữ rồi, còn phải nâng cao lên trên, còn phải học Cảm Ứng
Thiên, còn phải học Thập Thiện Nghiệp thì mới là thiện nam tử thiện
nữ nhân đã nói trong nhà Phật, không thể không biết điều này. Trọn đủ
thân phận và điều kiện của thiện nam tử thiện nữ nhân thì mới có thể học
Phật, bạn xem mới có thể nâng lên là “thọ trì tam quy, đầy đủ các giới,
không phạm oai nghi”, bạn mới có thể thọ tam quy. Cho nên nếu
không có Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp thì thọ trì tam
quy gọi là tam quy trên danh nghĩa. Thế nào gọi là tam quy trên danh
nghĩa? Là hữu danh vô thực, phải biết điều này.
Cho dù pháp sư đại đức giỏi đến mấy truyền thọ tam quy cho bạn đều
không phải là thật, Phật không thừa nhận, thần hộ pháp không thừa
nhận. Bạn trọn đủ ba điều này, chính là ba nền tảng Nho Thích Đạo mà
chúng tôi nói, ba cái gốc này bạn đều làm được rồi thì Phật thừa
nhận, thần hộ pháp thừa nhận, thần hộ pháp thừa nhận thì thần hộ pháp sẽ
bảo hộ cho bạn. Lại nâng cao lên trên là học Đại thừa, điều thứ hai
của nó là Tiểu thừa, làm được “thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không
phạm oai nghi” là tiểu thừa. Cho nên chúng ta phải nghiêm túc nỗ lực làm
cho được Sa-di Luật Nghi. Điều thứ hai của Tịnh Nghiệp Tam Phước trọn đủ
rồi thì mới nâng cao lên đến “Phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân
quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, câu “khuyến tấn
hành giả” sau cùng là hóa tha. Bạn hãy xem 11 câu nguyên tắc chỉ đạo tối
cao này, 10 câu là tự lợi, là thành tựu chính mình, câu sau cùng là
giáo hóa chúng sanh. Khuyến tấn, khích lệ đồng học học Phật
khác, kéo họ tiến lên. Cho nên chính bạn không phải là tấm gương
tốt thì bạn làm sao có thể giúp được người khác? Câu sau cùng là giúp
người khác.
Tiếp theo là câu hỏi của đồng học trên mạng.
Hỏi: Chương thứ hai mươi tám trong kinh Vô Lượng Thọ nói “nếu có
cấp nạn ngặt nghèo hoảng sợ, chỉ cần hướng tâm về Bồ-tát Quán Thế
Âm thì không có nạn gì mà không được cứu thoát”. Đây là kinh
văn. Xin hỏi nếu trong sát-na xảy ra tai nạn giao thông hoặc trong
thời khắc quan trọng bị kẹt trong động đất thì nên niệm A-di-đà
Phật hay là niệm Quán Thế Âm Bồ-tát?
Đáp: Lúc này là trường hợp khẩn cấp, không có nhiều thời gian để
suy nghĩ, gặp phải tình huống này thì không có ý niệm thứ hai, niệm
Phật cầu sanh Tịnh độ, đây là tuyệt đối chính xác. Bởi vì trường hợp
khẩn cấp như tai nạn giao thông, khi bạn nhìn thấy xe tông vào thì
nhất định không thể tránh được, vừa tông vào thì mạng người không còn
nữa, Quán Âm Bồ-tát cũng không cứu nổi bạn nữa rồi. Khi trận động đất
lớn hiện tiền, đây là khoảnh khắc tai nạn, hãy niệm Phật cầu sanh
Tịnh độ nhất định không nghi hoặc. Nếu bạn còn có phước báo thì bạn
vẫn có thể may mắn tránh được, niệm A-di-đà Phật cũng vô cùng thù
thắng. Chúng ta biết A-di-đà Phật là thầy của Quán Âm Bồ-tát, cho nên
phải kiên định tín tâm. Nhưng để đề phòng tai nạn, khi dự phòng tai
nạn thì là vì đại chúng, vì xã hội, vì quần chúng rộng lớn mà
niệm Quán Thế Âm Bồ-tát; vì chính mình, vì chính mình thì hãy cầu sanh
Tịnh độ. Đây là phải rạch ròi vì mình và vì người, vì người khác thì
niệm Quan Âm Bồ-tát đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn; vì chính mình thì niệm
A-di-đà Phật, phải sớm một ngày sanh đến thế giới Cực Lạc thân cận
Di-đà, vậy thì đúng rồi.
Hỏi: Câu hỏi thứ hai, người hiện nay công việc căng thẳng, áp lực
rất lớn, xin hỏi ở trong Phật pháp có những phương pháp nào có thể giảm
nhẹ áp lực, điều hòa thân tâm không?
Đáp: Phương pháp trong Phật pháp vô cùng nhiều, nếu bạn thật sự
biết dùng thì dùng rất thích hợp, bất luận là bạn công việc bận rộn
như thế nào, bạn cũng không có áp lực, thân tâm của bạn nhẹ nhàng,
vui vẻ, công việc của bạn làm được rất viên mãn, mọi mặt đều có thể
chu đáo. Bạn phải hiểu là áp lực, căng thẳng từ đâu mà tới? Đều là từ
phân biệt chấp trước mà tới. Nói phân biệt chấp trước, người thông
thường không hiểu lắm, chúng tôi nói cạn hơn một chút: từ tự tư tự
lợi, tham sân si mạn mà tới. Nếu không có tự tư tự lợi thì bạn là một
người quân tử có đức hạnh, không có tham sân si mạn thì bạn tràn đầy
trí tuệ. Bạn xem người có đức hạnh, trí tuệ, làm sao họ căng thẳng
được? Làm sao họ có áp lực? Lúc này thì bạn tường tận rồi.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, sau khi đệ tử ăn chay thì sanh được một cô
con gái, vô cùng khỏe mạnh đáng yêu, năm nay được một tuổi, một mực
ăn chay theo đệ tử, không đụng vào chút đồ ăn mặn nào. Nhưng hiện nay
cha mẹ lại kiên trì muốn con ăn thịt, đệ tử đã rất nhiều lần chia sẻ và
tranh luận với cha mẹ, đều không thể hóa giải được nỗi lo lắng và không
hiểu của cha mẹ với việc ăn chay của con cái. Xin hỏi con phải nên làm thế
nào?
Đáp: Bạn phải dẫn dắt cha mẹ bạn, bạn khuyên họ không tin thì
bạn hãy dẫn dắt nhiều hơn, tiếp xúc với những người già ăn chay lâu
năm, bất luận là tại gia hay xuất gia, người họ thích, người họ tôn
trọng thì họ sẽ tiếp nhận. “Ba mẹ hãy nhìn sức khỏe của những
người ăn chay lâu năm, đó không phải chính là chứng minh sao?” Người
thông thường hiện nay phải nhìn thấy chứng cứ thì họ mới tin, bạn nói
lý luận với họ thì họ không tin, họ nhất định phải nhìn thấy minh
chứng. Bạn hãy dẫn họ đi gặp một số người ăn chay, người già, người
trẻ, người nam, người nữ nhiều một chút, để cho họ xem sức khỏe của
những người ăn chay lâu năm. Sau đó lại giải thích với họ, trong thịt
có quá nhiều vi khuẩn gây bệnh, nó không bình thường. Mấy năm
trước, cũng là ở Khánh Vân tỉnh Sơn Đông, lần đầu khi tôi đến bên
đó, những đồng tham đạo hữu dẫn tôi đi xem một trang trại chăn nuôi
vịt, là nuôi vịt. Người quản lý lấy ra một chú vịt, là vịt con
đặt lên tay tôi, lớn như lòng bàn tay của tôi, rất lớn rồi. Họ hỏi
tôi: Pháp sư, ngài xem con vịt này lớn như vậy, còn vịt này sanh ra
được bao nhiêu ngày rồi? Tôi xem hình dáng đó ít nhất là một tuần đến mười
ngày thì nó mới có thể lớn như vậy. Họ nói với tôi mới sanh ra hôm
qua, tôi ngẩn người ra, mới sanh hôm qua mà đã lớn như vậy
rồi, tôi hỏi con vịt này nuôi lớn bao lâu thì xuất bán? Là hai
tuần. Nó ăn thứ gì? Ăn thức ăn hóa học, để cho nó không ngừng lớn
phỗng lên. Cho nên sau khi tôi xem rồi, trở về tôi nói với mọi
người, trứng gà, trứng vịt đều không được ăn, vì sao vậy? Chúng không
bình thường.
Trước đây chúng tôi ở nông thôn, tôi là lớn lên ở nông
thôn, tôi biết, ở nông thôn nuôi gà, nuôi vịt ít nhất là nửa
năm, thông thường có lẽ đều là mười tháng, đó là bình
thường. Hiện nay không bình thường, thức ăn cho nó là thức ăn hóa
học, cho nên khi con người ăn vào thì có rất nhiều bệnh lạ, hiện
tượng bệnh ung thư nhiều như vậy, từ đâu mà tới? Từ ăn mà ra, bệnh từ
miệng vào, vậy không thể ăn! Hiện nay ngay cả rau củ, lúa gạo cũng có vấn
đề, bạn nói xem ăn chay có khỏe mạnh không? Vẫn còn tốt hơn nhiều so với
ăn thịt, đây là thật. Trước đây nói loài thủy tộc, cá đại khái
không có vấn đề gì, hiện nay biết rồi, hiện nay nước sông
hồ, nước biển đều có ô nhiễm, cá này không thể ăn được nữa. Bạn
có thể ăn nếu bạn muốn, nhưng bạn phải trả giá, trả bằng cả mạng
sống. Ăn chay, bạn hãy xem rau củ hiện nay, thuốc trừ sâu, phân hóa
học, cho nên người hiện nay đáng thương, giống như trên kinh Vô Lượng
Thọ đã nói là “uống đắng ăn độc”. Những gì chúng ta uống là gì? Nước
đắng. Đồ ăn là gì? Đồ ăn là độc, vậy đâu còn là con người? Vì
sao lại tạo thành hiện tượng này? Là do con người làm. Cho nên chúng
tôi đọc sách của tiến sĩ Toynbee người Anh, ông nhiều lần đề xướng nông
nghiệp phải khôi phục lại như thời xưa, thời đại con người lao động chân
tay, ông nói như vậy nhân loại mới có thức ăn lành mạnh, lời nói này
nói rất chính xác. Cho nên sự phát triển của khoa học kỹ thuật là hủy
hoại thế giới, không thể không biết điều này. Nếu mọi người đều hiểu
rõ chân tướng sự thật này thì tôi tin chính họ cũng chọn ăn chay
ngay. Bạn xem người ăn thịt sanh bệnh, những hiện tượng thống khổ như
vậy ở trong bệnh viện, đó là gì? Quả báo. Nghiệp nhân quả báo ở trước
mặt, bạn sẽ nhìn thấy rất rõ ràng.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi quan hệ nhân quả của người dân và
quan tham như thế nào?
Đáp: Điều này không thể dùng một lời là có thể giải thích
được, đồng thời nói rõ ràng cho bạn điều này cũng sẽ không có lợi ích
cho bạn, vẫn không bằng nghe kinh nhiều, niệm Phật nhiều. Sự việc báo
ứng nhân quả vô cùng phức tạp, cho nên nếu bạn thật sự muốn hiểu
rõ thì phương pháp thuận tiện nhất là bạn hãy đi xem địa ngục Biến Tướng
Đồ, bạn sẽ hiểu rõ thôi.
Hỏi: Câu hỏi thứ năm, lão pháp sư nói “hữu tình vô tình đồng viên
chủng trí, chúng sanh hữu tình có Phật tánh, chúng sanh vô tình có
pháp tánh, Phật tánh và pháp tánh là đồng một tánh”. Bản thân thực
vật cũng có thể học Phật thành Phật giống như chúng ta phải không? Nếu
thực vật có thể thì khoáng thạch, núi sông đại địa cũng có thể học Phật
thành Phật phải không?
Đáp: Lời này không phải là tôi nói. Tôi không có trí tuệ
này, tôi không dám nói lời này. Lời này là ở trong kinh Hoa
Nghiêm, là Phật nói, cho nên đừng hiểu lầm, trong kinh Hoa
Nghiêm nói “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Thực tại mà nói bạn hỏi
câu hỏi này, chúng tôi đã tuyên giảng vô số lần trong kinh Hoa Nghiêm
rồi, hơn nữa giảng được vô cùng rõ ràng, vô cùng tường tận, cho nên ở
nơi này không trả lời nữa, bạn hãy nghe nhiều kinh Hoa Nghiêm thì tự
nhiên bạn sẽ rõ ràng. Ở đây nhất định phải làm rõ một câu để nhắc nhở
bạn, chính mình thành Phật rồi, thì không những hết thảy chúng sanh
cũng thành Phật mà cây cối hoa cỏ, núi sông đại địa cũng thành
Phật, là thật. Cho nên khi một người thành tựu thì hết thảy đều
thành tựu, thành tựu viên mãn, rồi bạn sẽ nhìn thấy. Muốn thành
Phật, tôi không nhìn thấy họ thành Phật, đúng, bởi vì bạn chưa thành
Phật, bạn thành Phật rồi thì bạn sẽ nhìn thấy thôi. Thích-ca Mâu-ni
Phật thành Phật, Thích-ca Mâu-ni Phật nhìn thấy, cảnh giới của mỗi người
là tâm hiện của chính bản thân người đó, cho nên khi bạn thành
Phật thì bạn mới có thể nhìn thấy; bạn không thành Phật mà người
khác thành Phật thì bạn không nhìn thấy. Bởi vì cảnh giới mà bạn nhìn
thấy là tâm hiện thức biến của bạn, tâm của bạn là tâm phàm phu, chưa
chuyển, cho nên núi sông đại địa vẫn là hình dáng này. Một ngày nào
đó bạn thành Phật rồi thì không như vậy nữa!
Nhưng hiện nay là gì? Hiện nay nghiên cứu trong khoa học đã
chứng minh, chứng minh lời của Phật là hoàn toàn chính xác. Bạn xem
thí nghiệm của tiến sĩ Emoto, nước là khoáng vật, chứng minh điều gì?
Chứng minh trong vật chất, trong vật chất của khoáng vật có Phật
tánh, chính là có pháp tánh, tánh là gì? Tánh là thấy, nghe, hay,
biết. Cho nên tiến sĩ Emoto dùng nước để thí nghiệm, chứng minh nước
có “thấy, nghe, hay, biết”, sau khi ông phát biểu tin tức này thì rất
nhiều nơi họ đã dùng phương pháp này để nghiên cứu. Tôi xem thấy có báo
cáo về thí nghiệm mà các em học sinh tiểu học làm, dùng trái cây, dùng
cơm, dùng bánh màn thầu, dùng cây cảnh bonsai để làm thí nghiệm, thí
nghiệm rất thành công. Ví dụ như hấp một nồi bánh màn thầu, các em
lấy hai cái để sang hai bên, để ở ngoài cửa. Mỗi lần bước vào
cửa, nói với cái ở bên phải: “Mình rất thích bạn, mình yêu bạn”, nói
với cái ở bên trái: “Tao ghét mày, tao hận mày”. Sau một
tuần, cái mà ngày ngày đều thủ thỉ yêu nó, thích nó thì nó lên
men, chuyển thành màu vàng, mùi rất thơm; cái bên trái nói với nó
là tao hận mày, tao ghét mày, không thích mày thì cái đó chuyển thành
màu đen, mùi rất hôi, rất khó ngửi. Nói rõ điều gì? Nó hiểu được ý của
bạn, bạn thích nó, nó cũng thích; bạn ghét nó, nó cũng ghét. Thử
với một nồi màn thầu hấp mà không sai thì đã nói rõ vạn vật có pháp tánh.
Chúng tôi đã làm rất nhiều thí nghiệm về thực vật, làm được
rất thành công. Bởi vì chúng tôi có vườn rau, chúng tôi đối với những
rau củ quả, cây cối hoa cỏ này, chúng tôi ngày ngày chúc phúc cho
chúng, ngày ngày khen ngợi chúng, ngày ngày phát niệm Phật cho chúng
nghe, phát đĩa giảng kinh của chúng tôi cho chúng nghe, chúng phát
triển đặc biệt tốt. Khi so sánh nông trường gần đó với chúng tôi, rau
củ quả của họ không thể sánh được với chúng tôi. Cho nên những người đó
đến thỉnh giáo, các vị trồng như thế nào? Thật ra việc chăm sóc trồng
trọt thì chúng tôi không bằng họ, chuyên gia chăm sóc của họ giỏi hơn
chúng tôi. Chẳng qua là vì chúng tôi có những lời khen ngợi, có Phật
hiệu, có kinh Phật, khi chúng nghe thì không như nhau.
Hỏi: Họ còn có một câu hỏi kèm theo, thứ có thể thành Phật học
Phật được là nương vào linh của những thực vật, khoáng vật này, hay là do
bản thân thực vật, khoáng vật?
Đáp: Bổn tánh của thực vật, khoáng vật thì gọi là pháp
tánh. Thứ nương vào thực vật, khoáng vật cũng có linh, linh đó sẽ
thành Phật, họ là chúng sanh hữu tình. Nhưng bản thân thực vật và
khoáng vật, chúng là vô tình, vô tình thì chúng là pháp tánh, đó
là pháp tánh của chúng, chúng ta phải phân biệt cho rõ điều này.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, nguyên nhân của dấy khởi kiếp đao binh là
do ăn thịt chúng sanh, tăng đoàn của Thích-ca Mâu-ni Phật khi đó cũng
ăn thịt, vậy có quả báo của kiếp đao binh không? Vì sao năm xưa Phật
không nói ra điểm tốt của việc ăn chay?
Đáp: Tăng đoàn là những người tu hành chân chánh, ăn uống thì các
ngài chọn chế độ ôm bình bát. Ôm bình bát thì phải thuận tiện cho người
khác, nhà Phật là “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, không nên
tăng thêm phiền phức cho người khác. Cho nên người khác ăn thứ gì thì
cúng dường thứ đó, bạn không thể hạn chế họ không được ăn thịt. Điểm
tốt của việc không ăn thịt thì Phật đã nói rất nhiều lần trong kinh giáo, còn
lựa chọn hay không là việc của mỗi người, Phật không miễn cưỡng
ai, cùng lắm Phật chỉ có thể làm được khuyên người. Khuyên người vẫn
phải dừng ở chừng mực nào đó, khuyên quá nhiều thì mọi người sẽ chán
ghét, cho nên đạo lý này chúng ta đều phải hiểu, đều phải học
tập. Người xưa Trung Quốc khuyên người sẽ không vượt quá ba
lần, thông thường là khuyên người hai lần, hai lần không nghe thì sau
đó không nói nữa, không kết oán thù với người, nhân quả của ai người
đó tự gánh, hai lần là tận hết trách nhiệm rồi. Nói ba lần, bốn lần,
đó là gì? Đó là cha mẹ của bạn, là thầy của bạn, mối quan hệ này
không giống nhau. Không phải cha mẹ và thầy thì không được vượt quá ba
lần, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.
Tăng đoàn là người tu hành, những động vật này, nhà Phật
nói tam tịnh nhục, không nhìn thấy bị giết, không nghe thấy âm thanh
bị giết, nhất định không phải là vì ta mà bị giết. Lấy thịt này để
cúng dường cho người xuất gia, người xuất gia nhất định phải tụng kinh, niệm
chú, hồi hướng cho chúng, những súc sanh này không dễ gì gặp được siêu
độ. Cho nên trước khi người xuất gia ăn cơm thì trước hết làm cúng
dường siêu độ đó, không phải là kết oán với chúng, đây là việc
tốt, không phải việc xấu. Sự việc này từ xưa đã có, ngay cả những thổ
dân ở Úc, thổ dân họ săn bắt, khi săn bắt thì trước hết họ cũng niệm
chú, để cho những động vật này tự động đi ra. Đi ra là sao? Đều
là sắp phải chết rồi, hết tuổi thọ rồi, già rồi hết tuổi thọ rồi, họ
ăn loại này; nếu không phải là tự động đi ra thì họ không
săn. Nhìn thấy con vật này rất hoạt bát, con vật chưa hết tuổi thọ
thì họ không săn, họ có tâm từ bi, họ có cảm ứng. Hiện nay chính
loài người chúng ta cần phải ăn, những dã thú này, những con nào sắp hết
tuổi thọ rồi thì chạy ra. Họ săn bắt sát sanh cũng có đạo đức, đừng
để cho những động vật này chết rất khổ, cho nên khi giết thì nhất định
phải một đao là lấy mạng, giảm thiểu sự thống khổ của chúng, đây đều
là xuất phát từ tâm từ bi. Nhất định phải tụng kinh, niệm chú, cầu nguyện,
siêu độ cho chúng, sau đó mới ăn chúng, họ ăn được rất an tâm. Không
giống với người thông thường, người thông thường là kết oán thù với
những chúng sanh bị giết thịt này, ăn chúng nửa cân thì trả chúng tám
lạng. Người học Phật thì không như vậy, người học Phật đều siêu độ
cho chúng.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, con nghe ngài nói, cho dù có thiện
căn, nhưng duyên làm chủ tể cả đời của mình, duyên phận còn quan
trọng hơn thiện căn, người vãng sanh về thế giới Tây Phương ở ba bậc chín
phẩm, luôn là gặp duyên không đồng. Tiếp theo có ba câu hỏi, phải
làm thế nào mới có thể khiến chính mình ở trong đời này gặp được duyên thù
thắng, đảm bảo gặp được vị thầy tốt, thiện tri thức tốt, gặp được
hoàn cảnh tu học tốt?
Đáp: Điều này rất khó. Người xưa thường nói, thầy tốt rất khó gặp
được, những vị thầy tốt đó muốn tìm học trò tốt cũng không dễ, gần
như còn khó hơn việc học trò đi tìm thầy, đây chính là duyên, không thể
gặp, không thể cầu. Cho nên nói là gặp duyên không phải là cầu
duyên, không cầu được! Có thể gặp không thể cầu, vậy có thể gặp
được, gặp được là nhân duyên từ đời trước, tuyệt đối không phải là
đời này, ở trong đời quá khứ. Cho nên thiện căn phước đức nhân duyên
này, đều là đã trồng từ trong đời quá khứ, nhưng nếu đời này có thiện
duyên thì bạn tương đối dễ cảm ứng, có thể cảm ứng được. Duyên này
là gì? Ưa thiện mến đức, bạn nhất định sẽ gặp được. Nếu đối với đạo
đức, đối với thiện hạnh mà bạn không muốn đi làm, làm không nghiêm
túc thì bạn sẽ không dễ gì gặp được, gặp được thì bạn cũng sẽ bỏ lỡ
cơ hội. Bạn hãy nghĩ xem đời này có bao nhiêu học trò đã gặp được đại
sư Chương Gia, có bao nhiêu là tín đồ, không tính nổi! Thầy Lý có bao
nhiêu học trò, những người khác thì chúng tôi không tính, chỉ tính
riêng những liên hữu ở Đài Trung, khi tôi rời khỏi thì danh sách liên
hữu có khoảng gần 500.000 người, đây đều là học trò của thầy Lý. Học
trò của tiên sinh Phương Đông Mỹ, cả đời thầy dạy học, có bao nhiêu
học trò? Có mấy người được thành tựu? Mặc dù thảy đều gặp
được, gặp được rồi vẫn là không thành tựu như vậy. Đây là nguyên nhân
gì? Không hiếu học, không chịu học nghiêm túc, gặp được cũng như không
gặp, học được những thứ bề ngoài, cũng chính là nói chính mình không
thể thực hành. Thầy dạy điều gì mà bạn thật làm được thì bạn mới có
thọ dụng; nếu bạn không làm được mà do bạn học biết rồi nói ra thì cái
này không có tác dụng, không có được thọ dụng, nhất định phải thật sự
làm được.
Cho nên trong cả đời của một người thầy gặp được học trò như
vậy, có thể gặp được mấy người? Hai ba người đã là tốt lắm rồi! Gặp
được một người thì rất hiếm có rồi, gặp được một người thì pháp của họ sẽ
truyền xuống được. Một người hiếu học thật làm cũng không có, học trò
nhiều đến mấy đi nữa mà không thể truyền pháp thì không có truyền
thừa. Cho nên đại đức thời xưa biết tình hình này, không truyền thì
sao? Làm sách, viết sách để lại cho người đời sau, có thể người đời sau có
duyên phận này, sau khi gặp được thì họ có thể y giáo phụng
hành. Sách của Khổng tử gặp được Mạnh tử, khi Mạnh tử ra đời thì
Khổng tử đã qua đời rất nhiều năm rồi, ngài xem sách của Khổng tử rồi y
giáo phụng hành, học được còn tốt hơn cả học trò của Khổng tử những năm
còn tại thế, chỉ có vượt hơn chứ không thua kém. Cho nên ở Trung
Quốc, Khổng tử là chí thánh, Mạnh tử là á thánh, mọi người đều nói là
Khổng Mạnh, không nói là Khổng Nhan, không nói Khổng Tăng, Tăng là Tăng
Tử, nói Khổng Mạnh là đạo lý gì? Thật làm. Cho nên có thể thành thánh
thành hiền được hay không, điều này không phải việc gì khác, chính
mình có chịu thật làm hay không, có chịu được khổ hay không, có chịu trì giới
hay không. Trì giới là tuân thủ phép tắc, những nguyên lý nguyên tắc
mà thầy dạy, bạn có thể tuân thủ thì đó chính là trì giới! Có
thể tuân thủ quy củ lại có thể chịu khổ, giữ gìn thường hằng mãi không
thoái chuyển thì không ai mà không thành công. Cho nên từ trên lý
luận mà nói thì ai nấy đều có thể thành tựu, nhưng trên sự thật mà nói thì
phải xem chính bạn có chịu thật làm hay không. Người nào thật làm thì
người đó thành thánh, thành hiền, thành Phật, thành Bồ-tát, quyền hành này
đều do chính mình nắm giữ, không phải trong tay Phật Bồ-tát, cũng
không phải trong tay thầy. Cho nên bạn nhất định không được oán trời trách
người, oán trời trách người là tội lỗi.
Hỏi: Thứ hai, chẳng may đời này không đến được thế giới Cực
Lạc thì làm thế nào đảm bảo được đời sau được nghe Phật pháp, cũng có
thể gặp được thầy tốt, thiện tri thức tốt và hoàn cảnh tu học tốt?
Đáp: Vẫn là ở thiện căn phước đức nhân duyên, bạn nghiêm túc nỗ
lực đoạn ác tu thiện, nếu ngày ngày có thể làm sám hối chân thật, mỗi
ngày phản tỉnh, điều này tôi cũng đã nói rất nhiều, thời khóa sáng
tối của chúng ta, nhất định phải hiểu dụng ý của công khóa sáng tối là ở
đâu. Khóa sáng là nhắc nhở bản thân, ngày hôm nay ta khởi tâm động
niệm, lời nói việc làm, phải tuân thủ theo giáo huấn của Phật Bồ-tát, đây
là nhắc nhở chính mình. Khóa tối là phản tỉnh, là kiểm điểm, nghĩ xem
ta cả ngày hôm nay khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, có trái với giáo
huấn của Phật Bồ-tát, thánh hiền hay không, nghiêm túc mà phản
tỉnh, có thì sửa, không thì khích lệ, đây gọi là sám hối, đây gọi là
chân tu hành. Nếu ngày ngày làm như vậy thì tôi thường nói ba
năm, bạn là bậc quân tử mà người Trung Quốc hay nói, trong Phật pháp
gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân, ba năm thì danh hiệu thiện nam tử
thiện nữ nhân này, bạn đạt được rồi. Người Trung Quốc nói “bảy năm
thành công nhỏ, chín năm thành công lớn”, bảy năm thì bạn là hiền
nhân, chín năm thì bạn là thánh nhân, đây là gì? Đây là thế
gian, làm được giống như Khổng Mạnh vậy.
Phật Bồ-tát thì sao? Phật Bồ-tát thêm một điều kiện
nữa, chính là buông xuống vọng tưởng phân biệt chấp trước. Bạn chỉ
buông xuống được chấp trước, nhất định không có chấp trước, vẫn có
vọng tưởng phân biệt thì bạn thành A-la-hán, bạn thoát khỏi lục
đạo. Nếu bạn cũng buông xuống được phân biệt, bạn vẫn có vọng
tưởng thì bạn ở trong tứ thánh pháp giới, chính là Phật Bồ-tát ở
trong thập pháp giới. Khi nào bạn cũng buông được cả vọng tưởng thì
bạn thoát khỏi thập pháp giới, bạn đến nhất chân pháp giới, bạn là
Phật Bồ-tát trong hội Hoa Nghiêm, là Pháp thân Đại sĩ, là Phật thật chứ không
phải Phật giả. Đây là ở trong kinh, Thế Tôn nói với chúng ta vô cùng
rõ ràng, vô cùng tường tận, Phật có ân huệ như vậy đối với chúng
sanh, Phật giúp đỡ tất cả chúng sanh đến chỗ này mà thôi, phía sau
thì phải dựa vào chính mình, phía sau thì không giúp được nữa. Phía
sau mà giúp được thì chúng ta không cần phải tu hành nữa, chúng ta ai
nấy đều thành Phật cả, điều đó ngài không làm được. Cho nên ngài là
thầy, ngài có thể nói với chúng ta kinh nghiệm của ngài, nói với
chúng ta phương pháp của ngài, Thầy giúp học trò thì đến chỗ này mà
thôi. Sau khi học trò đạt được rồi thì y giáo phụng hành, sẽ có thành
tựu.
Hỏi: Ngoài công phu niệm Phật thành khối, sanh tử tự tại
ra thì phải nên tu bố thí như thế nào mới có thể được sức khỏe nhưng
không cần sống lâu?
Đáp: Việc sống lâu hay không sống lâu này không phải là mình muốn
hay không muốn, đều là duyên phận, có duyên phận sống lâu này thì có
ngăn trở gì không? Không ngăn trở gì. Vì sao lại sống lâu? Để cho bạn
có thêm chút thời gian để giúp người khác, giúp người khác nhất định không
cản trở gì đến chính mình. Cho nên đã liễu sanh tử rồi, đã đắc tự tại
rồi, đây là thật chứ không phải giả. Sống lâu hay đoản thọ là một
loại quan niệm sai lầm của phàm phu, Phật Bồ-tát ở thế gian là có duyên
phận với chúng sanh, nếu người có duyên rất nhiều, người cần giúp đỡ rất
nhiều thì ở thêm mấy năm. Tuy nhiên người này nghiệp chướng rất
nặng, họ cũng không nghe lời, họ cũng không tin thì Phật Bồ-tát đành
phải đi thôi, đó gọi là không có duyên. Có duyên chính là họ có thể
tín, có thể giải, đây là có duyên; họ có thể hành, họ có thể
chứng thì duyên này đã chín muồi.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi nếu không muốn thành
Phật mà chỉ muốn làm A-la-hán thì cũng có thể niệm Phật cầu sanh Tây
Phương không? Nói thật ra, làm thầy rất cực khổ, làm học trò rất
hạnh phúc, do đó liệu có thể vẫn cứ đến Tây Phương Cực Lạc để làm học trò
thôi mà không muốn tốt nghiệp, vậy có được không?
Đáp: Vậy thì không đi được, vì sao vậy? Không tương ưng với tánh
đức, đây là cách nghĩ tự tư tự lợi, tự tư tự lợi thì không đến thế
giới Cực Lạc được. Cho nên khi bạn đi thi thì ngài sẽ không lựa chọn
bạn, bạn trái với điều kiện của ngài. Mọi người học Phật đối với việc
thành Phật, đối với ý nghĩa của chữ Phật này không có lý giải chính
xác, không làm cho rõ ràng nên bạn mới có nhiều câu hỏi và nghi hoặc như
vậy. Nếu thật sự làm cho rõ ràng, làm cho tường tận thì những nghi
ngờ này của bạn hoàn toàn không có nữa. Cho nên vẫn phải tiếp tục không
ngừng nghe kinh, trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng, rất tường
tận.
Hỏi: Lão pháp sư nói, 5,7 tỷ năm sau thì Bồ-tát Di-lặc sẽ
giáng sanh đến thế gian này thị hiện thành Phật. Nhưng y theo kiến thức
thiên văn học thì tuổi thọ của hệ mặt trời chỉ còn lại khoảng 5 tỷ năm
nữa; nói cách khác, trái đất chỉ còn lại tuổi thọ 5 tỷ năm nữa. Cho
nên đến 5,7 tỷ năm sau, đến lúc đó thì thế gian này của chúng ta đã sớm
không còn nữa rồi. Xin hỏi cách nói này có mâu thuẫn gì với kinh Phật
không?
Đáp: Không mâu thuẫn, trái đất này bị hoại rồi, không còn
nữa nhưng hệ ngân hà còn. Hệ mặt trời chỉ là một điểm nhỏ trong hệ ngân
hà, điểm nhỏ này có thành trụ hoại không, điểm nhỏ kia cũng có thành
trụ hoại không, thời gian thành trụ hoại không không như nhau, thế
giới này hoại thì thế giới kia lại thành. Cho nên bạn phải hiểu là thế
giới Ta-bà là tam thiên đại thiên thế giới, không phải là trái đất
này. Ví dụ trái đất này của chúng ta, chúng ta so sánh tam thiên đại
thiên thế giới với trái đất, so sánh trái đất của chúng ta với một châu
lục nhỏ, châu lục này gặp phải trận động đất mạnh, châu lục nhỏ này
chìm xuống biển, núi sông đại địa khác vẫn còn. Phật Di-lặc thành
Phật là thành Phật ở tam thiên đại thiên thế giới, thế giới
Ta-bà, các vị nhất định phải hiểu điều này. Huống chi sau khi trái
đất này hoại rồi, nó lại sẽ bắt đầu hình thành trở lại, thành – trụ –
hoại – không. Trong kinh Phật nói một lần thành trụ hoại không là một đại
kiếp, bạn hãy xem trong lục đạo này, không cần nói đến Phật
Bồ-tát, tầng trời cao nhất của Vô Sắc giới trong lục đạo là trời Phi
Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, tuổi thọ của thiên nhân ở đó là tám vạn đại
kiếp, tám vạn đại kiếp, một đại kiếp là một lần thế giới này của
chúng ta thành trụ hoại không; hay nói cách khác, thế giới này thành
trụ hoại không tám vạn lần thì tuổi thọ của họ mới đến, họ có thể
nhìn thấy thế giới này thành trụ hoại không tám vạn lần. Việc mà thiên văn
học biết thì không nhiều, điều trong Phật pháp nói vượt qua quá
nhiều. Cho nên không có xung đột.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, nếu khi niệm Phật không quán tưởng tượng
Phật mà chỉ niệm Phật, thì lúc lâm chung A-di-đà Phật có đến tiếp dẫn
không? Nếu lúc bình thường không cố định cúng dường một tôn tượng Phật
nào thì lúc lâm chung A-di-đà Phật sẽ hiện ra hình tượng nào? Làm thế
nào chúng ta biết ngài là A-di-đà Phật thật mà không phải ma biến thành?
Đáp: Bạn có ý niệm này thì bạn sẽ không gặp được A-di-đà
Phật, bạn cũng không thể vãng sanh. Là nguyên nhân gì? Điều kiện
cơ bản để vãng sanh thế giới Cực Lạc là có ba thứ: tín, nguyện,
hạnh, ở chỗ này bạn không tin, bạn hoài nghi, rốt cuộc Phật
là hình dáng như thế nào, rốt cuộc đâu là Phật thật, đâu là Phật
giả, chỉ cần xen tạp ý niệm này thì đã phá hoại đi toàn bộ công phu
niệm Phật của bạn rồi. Nếu có hoài nghi thì bạn trong đời
này cúng dường một tôn tượng Phật, bạn đừng để ý đến tượng
khác, cả đời này bạn nhìn tôn tượng Phật này, lạy một tôn tượng
này, lúc mạng chung A-di-đà Phật đến tiếp dẫn thì nhất định hiện ra
thân tượng này, việc này rất an toàn với bạn. Đây là gì? Chấp trước
của bạn chưa buông xuống, cho nên Phật rất từ bi, bạn chấp trước thì
ngài cũng mãn nguyện sự chấp trước của bạn, sanh đến cõi Phàm Thánh Đồng
Cư.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi ma vương Ba-tuần là từ đâu
tới? Là thuộc về tha lực hay là tự tánh biến hiện?
Đáp: Là tự tánh biến ra, ngoài tự tánh thì không có tất cả
pháp, một pháp không thể được. Ma vương từ đâu tới? ma vương là do
phiền não của chính mình biến hiện ra, nói cho chư vị biết, chính là
từ trong tham sân si mạn nghi mà biến hiện ra. Cho nên Phật với ma là một
không phải hai, hai mặt của một thể, tâm bạn thanh tịnh thì hiện ra
chính là Phật, là Phật Bồ-tát. Bạn thử nghĩ xem, Thích-ca Mâu-ni Phật
nói cho chúng ta thập pháp giới, nhân duyên của thập pháp giới vô lượng vô
biên, ngài nói vô lượng nhân duyên cho chúng ta, nhân tố đầu tiên là
gì? Nhân tố quan trọng nhất, điều này đáng để chúng ta thể hội thật
sâu sắc, nhân tố đầu tiên mà Phật nói là tâm bình đẳng. Bạn nghĩ xem
bình đẳng là gì? Trong tâm của bạn động một ý niệm thì không bình đẳng
nữa. Giống như nước, nước không gợn sóng thì mới bình đẳng, hơi chút
xíu gợn sóng thì không bình đẳng nữa. Cho nên thế nào là bình
đẳng? Không có vọng tưởng phân biệt chấp trước nữa thì là bình
đẳng, lúc này Phật hiện tiền. Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất nhiều
rồi, Phật hiện tiền rồi, Phật hiện tiền chính là tự tánh hiện
tiền, là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, Thiền tông Trung
Quốc nói được rất hay. Bồ-tát là tâm gì? Tâm Lục độ: bố thí, trì
giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã. Thường hay giữ tâm này, tự
hành hóa tha, đây là Bồ-tát. Bích-chi Phật là tâm thập nhị nhân
duyên, A-la-hán là tâm tứ đế, thiên nhân là thượng phẩm thập thiện tứ
vô lượng tâm, tứ vô lượng là: từ bi hỉ xả. Cõi người là tâm ngũ giới
thập thiện, xuống dưới cõi ngạ quỷ là tham, tâm tham, cõi địa ngục là
tâm sân giận, cõi súc sanh là tâm ngu si, đây là tham sân si. Cõi
a-tu-la là trong thập thiện có xen tạp cống cao ngã mạn, hiếu thắng, thích
tranh đấu chính là a-tu-la. Cho nên bạn nghĩ xem Phật và ma đều là tự tánh
hiện ra, có thể nói tự tánh thiện thì chính là Thanh văn, Duyên giác,
Phật, Bồ-tát, thiên nhân; tự tánh ác thì hiện ra la-sát, quỷ vương.
Hỏi: Tiếp theo có ba câu hỏi nhỏ, rốt cục là “ma cao một thước,
đạo cao một trượng” hay là “đạo cao một thước, ma cao một trượng”?
Đáp: Không có tiêu chuẩn nhất định, nếu đạo của bạn có thể hàng
phục ma, vậy thì đạo của bạn cao một trượng, ma cao một
thước; Nếu bạn không hàng phục được ma thì đạo của bạn chỉ cao một
thước, đạo của ma cao một trượng. Ví dụ tài sắc danh thực thùy để ở
trước mặt, tâm tham của bạn khởi lên thì ma cao một trượng, đạo cao
một thước, bạn chịu sự dụ hoặc của nó. Việc không như ý để ở trước
mặt, cơn tức giận nổi lên thì ma cao một trượng, đạo cao một
thước. Lời nói này không phải là lời nói cứng nhắc, mỗi người không
như nhau, chính là nói bạn có thể không bị nó ảnh hưởng hay
không? Đạo cao một trượng, ma cao một thước thì bạn không bị nó ảnh
hưởng; còn bị nó ảnh hưởng thì nó cao hơn bạn.
Hỏi: Làm thế nào khắc phục tiêu trừ ma chướng có hiệu quả?
Đáp: Phương pháp có hiệu quả nhất chính là “Nam-mô A-di-đà
Phật”. Bất luận cảnh giới nào hiện tiền, tâm của bạn động, khi
tâm này động thì sanh tình, tình chính là thất tình: hỉ, nộ, ai, lạc,
ái, ố, dục, những ý nhiệm này đều khởi lên rồi thì một câu A-di-đà
Phật đè nó xuống, ma chướng sẽ tiêu trừ. Phương pháp tiêu trừ ma
chướng của Phật pháp có tám mươi bốn ngàn phương pháp, cho nên pháp
môn, pháp là phương pháp, môn là cửa vào, thuận tiện nhất, hiệu quả nhất
là một câu A-di-đà Phật này!
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, khi con đang niệm Phật ở niệm Phật
đường thì thường xuyên có rất nhiều ác niệm, ví dụ như khi nhìn tượng
Phật thì nghĩ vì sao con lại phải lạy ngài! Có khi còn báng
Phật, sinh ra niệm dâm, vv… thật đáng sợ! Xin lão pháp sư từ bi cứu
con với.
Đáp: Những vấn đề này không phải một mình bạn có mà rất nhiều
người có, vì sao lại có? Đây là tập khí đời trước và đời này đang tác
quái. Khi bạn không muốn hàng phục nó thì dường như không có việc
gì, thật ra nó đang động mà bạn không chú ý đến. Hiện tại niệm Phật
rồi, muốn tu hành, muốn tĩnh xuống thì nó đột nhiên giống như là xông ra
vậy, phải hiểu rằng bình thường chính là hình dáng này, là do bạn
không chú ý đến. Vừa chú ý đến thì bạn mới hiểu là ở trong đời sống
thường ngày, những phiền não tập khí này của chúng ta sâu biết bao, nghiêm
trọng biết bao, vậy phải làm sao? Không biết! Đến niệm Phật đường vừa
niệm Phật, đang chỉ tịnh thì toàn bộ chạy ra rồi. Không phải là lúc này
mới chạy ra, lúc này mới có. Còn có người không dám niệm
Phật, vì sao vậy? Vậy không đúng, điều đó hoàn toàn hiểu
lầm. Bạn niệm Phật tĩnh xuống thì mới phát hiện nó nhiều như vậy, khi
không niệm Phật thì nó vẫn nhiều như vậy, nhưng không phát hiện
ra, phải hiểu đạo lý này. Phát hiện thì phải làm sao? Đừng để ý đến
nó, trong kinh Phật dạy chúng ta như vậy, tổ sư đại đức dạy chúng ta
đừng để ý đến nó. Tập trung toàn bộ tinh thần vào câu Phật hiệu, “nhớ
Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai, nhất định thấy Phật”. Nhớ Phật là
trong tâm nghĩ đến Phật, miệng niệm Phật, thân lạy Phật, vì sao phải lạy
Phật? Chính là tiêu trừ những nghiệp chướng này của mình. Ta không lạy
Phật, không niệm Phật thì không cách gì không chế nghiệp chướng
này, cho nên đây chính là phương pháp tốt nhất. Nghe kinh nhiều có
giúp đỡ rất lớn với bạn, vì sao vậy? Đoạn trừ nghi hoặc của bạn, nghe
kinh nhiều là rõ lý, nghe kinh có tác dụng lớn nhất đối với người mới học,
chính là đoạn nghi sanh tín. Nghe kinh ít thì bạn hoài nghi, tín tâm
của bạn không đủ kiên cường, bạn sẽ bị cảnh giới bên ngoài
chuyển. Nghe kinh nhiều rồi thì dần dần hiểu rõ đạo lý, cảnh giới bên
ngoài không lay chuyển được, chính bạn mới có thể làm chủ được, không
bị ngoại cảnh lay động, bạn mới có thể kiên trì nguyên tắc, mới có
thể thành tựu đạo nghiệp.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, người thông thường sau khi vãng sanh ở
bệnh viện thì nhân viên y tế đều sẽ lập tức di chuyển thi thể của
họ, rất khó làm được 8 đến 12 tiếng không di chuyển như lão pháp sư
nói. Vấn đề như vậy rất nhiều người thường gặp phải, xin hỏi liệu có
phương thức nào xử lý thích hợp không?
Đáp: Đây là quy định của bệnh viện thông thường, sau khi con người
dứt hơi thở thì mười phút sau nhất định phải di chuyển họ vào trong nhà
lạnh, phải đưa họ đến nơi đó, cho nên nhất định phải di
chuyển. Điều này ở trong Phật pháp nói, đối với một người khi lâm
chung là một tai nạn rất lớn. Phật nói với chúng ta, sau khi con người dứt
hơi thở, ngừng thở rồi, mạch không còn đập nữa, tim không đập nữa, thần
thức chưa rời khỏi, chúng ta nói linh hồn chưa rời khỏi. Bạn động vào
thân thể của họ thì họ cảm thấy thống khổ, thống khổ thì họ sẽ sinh ra sân
giận, khi tâm sân giận vừa sanh thì họ liền đọa ác đạo, cho nên
điều này vô cùng đáng sợ. Trong Phật pháp nói, sau khi lâm chung dứt
hơi thở ít nhất 8 giờ đồng hồ thì thần thức của họ mới rời khỏi. An
toàn nhất là 12 giờ đồng hồ đến 14 giờ đồng hồ, là an toàn nhất, để cho họ
đi thật bình an, khi đi không có chút gì đau khổ, họ không bị đọa ác
đạo, đây là điều phải lưu ý thật kỹ vào lúc lâm chung.
Nhưng người hiện nay không tin, người phương tây hiện nay tin
khoa học, họ không tin điều này, nhưng tôn giáo phương tây tin
tưởng. Ở Đài Loan, Đài Loan rất phổ biến, bệnh viện ở Đài Loan hiện
nay cũng hiểu đạo lý này, cho nên bệnh viện cũng du di một phần, theo
quy định thì sau mười phút phải chuyển xác đi, nhưng bác sĩ y tá trong
viện họ có thể không quản, không để ý, giống như người còn đang ngủ
vậy, họ không đến khám cho bạn. Để bạn đợi đúng sau 8 tiếng, 12
tiếng, bạn đi thông báo cho họ có người qua đời rồi, họ mới đến xử
lý, đây là có phương thức tương tác này. Tôn giáo nước ngoài cũng
hiểu đạo lý này, cho nên chúng tôi ở Úc, thành phố nơi tôi ở bên Úc
có một trung tâm chăm sóc lâm chung, là do Kitô giáo làm, làm được rất
tốt. Hơn nữa tâm lượng của hội Kitô giáo này rất lớn, khi lâm chung
bất luận bạn tín ngưỡng tôn giáo nào, bạn dùng nghi thức của tôn giáo của
bạn để làm hậu sự, họ đều tiếp nhận. Cho nên rất hiếm có, cũng
không nhất định phải là tín đồ Kitô, nhất định phải dùng phương thức của Kitô
giáo, họ không cứng nhắc điều này. Tín đồ Phật giáo chúng ta đến nơi
đó của họ cũng được, họ thảy đều đồng ý, cho nên chúng tôi cảm thấy
trung tâm này rất hiếm có, thật sự là làm được đa nguyên văn hóa, do
nữ tu của Kitô giáo họ làm. Cho nên chúng tôi cũng ủng hộ trung tâm
đó, đây là việc lớn, không phải là việc nhỏ.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi học Phật có thứ tự không?
Đáp: Có. Học Phật là có thứ tự, nhất định phải từ trì giới, đắc
định, khai tuệ, đây là tổng nguyên tắc lớn, không thể điên đảo tam
học giới định tuệ. Trì giới nhất định phải làm từ Đệ Tử Quy, từ Cảm
Ứng Thiên. Nếu không từ Đệ Tử Quy, từ Cảm Ứng Thiên thì bạn phải
học Tiểu thừa. Kinh luận của Tiểu thừa rất nhiều, rất không dễ
học, không đơn giản như truyền thống Trung Quốc. Cho nên tổ tiên
Trung Quốc chúng ta, từ giữa triều nhà Đường về sau đã bỏ đi Tiểu
thừa, đã dùng Nho và Đạo để thay thế. Trong khoảng 1.300 đến 1.400
năm này, mỗi một tông phái tu học ở Trung Quốc, bất luận là tại gia
hay xuất gia, thành tích rất rạng rỡ, đời đời đều có cao tăng, cao
sĩ, đây là điều mà chúng ta phải nên biết. Nếu bỏ đi Đệ Tử Quy và Cảm
Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp thì có thể nói là bạn đang nghiên cứu Phật
học, bạn không phải là học Phật, bạn không có được thọ dụng chân thật
của Phật pháp. Nếu ở thế gian dùng Phật học, giống như trong trường
đại học hiện nay ở nước ngoài, đều có khoa triết học, trong đó có khoa mục
này, dùng Phật học có thể lấy được học vị tiến sĩ triết học.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, rất nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc hiện
nay đều làm sổ sách giả, đệ tử từng đưa ra lời can gián với ông
chủ nhưng không được tiếp nhận. Đệ tử biết trốn thuế quốc gia là đã
trái với pháp luật nhà nước, lại phạm giới luật, phải nên làm sao mới tốt?
Đáp: Họ không thể tiếp nhận thì nhân quả do họ tự gánh lấy. Bạn
biết sự việc này không tốt thì tốt nhất đừng theo nghề này nữa, bạn có thể
đổi nghề, không làm tòng phạm. Ông chủ là tội phạm chính, bạn là tòng
phạm, chúng ta không làm việc này, làm việc khác là được, đừng
quản lý tài vụ cho họ nữa.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, có cư sĩ nói, đã quy y với lão pháp
sư Mật tông tiếp nhận truyền thừa đại viên mãn rồi mà lại tu Tịnh độ thì
sẽ đọa vào địa ngục vô gián, xin hỏi cách nói này có đúng không?
Đáp: Đúng hay không đúng bạn cũng đừng để ý đến nó, bạn thử nghĩ
xem có hợp lý hay không? Việc này luôn có lý. Cách nói này có hợp lý
hay không? Bạn tiếp nhận pháp đại viên mãn, bạn đã thật sự được đại
viên mãn chưa? Được đại viên mãn thì đi đến thế giới Cực Lạc
rồi. Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất thấu triệt, “một là tất cả, tất cả
là một”, tất cả pháp đều là viên dung. Nói mật thì tám vạn bốn ngàn
pháp môn đều là mật, nói thiền thì tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là
thiền, nói tịnh thì tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là tịnh, đây là
thật, không phải giả. Nếu không phải ở cảnh giới này thì làm sao có thể
gọi là viên mãn? Mật không phải là tịnh, tịnh không phải là mật, mật
và tịnh cả hai đối lập với nhau, đối địch với nhau, vậy thì không viên
mãn, vậy thế nào thì viên mãn? Phật nói với chúng ta, không những là
tám vạn bốn ngàn pháp môn Phật pháp viên mãn, Phật pháp và hết thảy tôn
giáo là viên mãn, Phật giáo và hết thảy pháp thế xuất thế gian là viên
mãn, trong Phật giáo không tìm ra đối lập. Làm sao biết không tìm
ra? Phật dạy điều đầu tiên, chính là tiêu diệt hết thảy đối lập với
người việc vật ở sâu thẳm trong nội tâm, cho nên nó không có đối
lập, đây mới gọi là viên mãn. Có đối lập thì không viên mãn
rồi, trong đối lập mới xảy ra mâu thuẫn, mẫu thuẫn mới xảy ra xung
đột, vậy làm sao là viên mãn được? Cho nên Phật pháp dạy
bạn, bạn xem đường chủ ở niệm Phật đường thường nói buông xuống thân
tâm thế giới. Thân tâm thế giới của bạn chưa buông xuống, cho nên
không viên mãn, thật sự buông xuống rồi thì được đại viên mãn.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, đệ tử là một người phụ trách một niệm Phật
đường nhỏ, trước đây các vị cư sĩ ở trong nhà và niệm Phật đường, mỗi
khi đến ngày trai đều cúng Phật bằng trái cây và thức ăn, sau đó gom những
đồ ăn này cùng ăn hoặc tặng người khác. Nhưng con nghe nói ở trong kinh
Chánh Pháp Niệm Xứ có nói, “đồ cúng dường cho Phật không được phép tự ý ăn
hoặc chuyển cho người khác, nếu trái phép thì chịu quả báo địa ngục cực
nghiêm trọng”. Xin hỏi phải nên lý giải như thế nào? Cách mà chúng
con vốn đang làm liệu có thể tiếp tục làm không?
Đáp: Những đồ ăn thức uống cúng dường Phật này, cúng dường thì có
nghi thức cúng dường. Sau nghi thức kết trai, làm công đức viên mãn
rồi thì hạ những đồ này xuống để bố thí cho hết thảy chúng sanh. Nếu
không thì bạn để chúng hư thối đi, bạn để chúng hỏng mất thì đây có phải
là ý của Phật không? Con người còn không thể làm như vậy thì Phật làm
sao có thể làm như vậy được? Trong kinh nói chính là khi bạn chưa kết
trai, trong khi cúng dường, kinh chú còn chưa niệm xong mà bạn
đã lấy chúng xuống ăn rồi, vậy thì không được, chính là nói sự việc
này. Không phải là nói sau khi kết trai, sau khi kết trai thì phải hạ
xuống hết, nếu không thì bạn cứ để ở đó nhiều năm, ở đó cúng 100
năm, cúng 200 năm, đâu có đạo lý này? Nói không thông rồi. Cho
nên chính là khi nghi thức còn chưa kết thúc thì không được đụng
vào, vô cùng cung kính cúng dường. Sau khi cúng dường xong
xuôi thì phải hạ xuống toàn bộ, cho nên phải hiểu rõ đạo lý
này. Câu văn này ở trong kinh phải được giải thích cho rõ ràng, phải
nói rõ ràng, kinh văn nhất định phải nhìn cả đoạn văn trước và
sau thì bạn mới có thể nhìn được rõ ràng. Không được cắt đoạn lấy
nghĩa, dần dần bạn sẽ giải thích sai kinh văn. Cho nên cách làm của
bạn, thực phẩm sau khi cúng Phật xong, gom những thực phẩm này lại ăn hay
tặng cho người khác đều được, điều này không có sai lầm.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi con giun đất sau khi bị cắt thành
hai đoạn, nó sẽ biến thành hai cơ thể sống độc lập, linh tánh của hai
cơ thể sống độc lập này đến như thế nào?
Đáp: Nó không phải là hai cơ thể sống độc lập, vẫn là một cơ thể
sống. Bạn đặt ra câu hỏi này, hỏi rất thú vị, vì sao vậy? Phật
nói cho chúng ta “mười phương ba đời chư Phật, cùng chung một pháp
thân”. Vậy chúng ta muốn hỏi, mười phương ba đời chư Phật rốt cục là
một cơ thể sống, hay là rất nhiều cơ thể sống? Cùng chung một pháp
thân! Câu hỏi này được giải đáp rồi, câu hỏi về con giun đất này được
giải đáp rồi. Là một cơ thể hay là nhiều cơ thể? Trong “Trung Quán
Luận” nói rất hay: “Không một không khác, không sanh không diệt, không
đến không đi”, vậy là lý giải rồi, tánh là một, thức không phải
là một. Bạn xem thức, trong Duy thức học nói tám thức, nói 51
tâm sở, nhưng tám thức và 51 tâm sở vẫn là một tâm, thể là
một. Hiện nay nhà khoa học phát hiện ra một bí mật, chúng tôi xem
thấy từ trong báo cáo gọi là ảnh ba chiều, đây là phát hiện không
lâu. Ảnh này là dùng hai chùm tia laser để chụp. Chụp được ra tấm ảnh
này, ví dụ nói một bức ảnh chân dung, bạn xé bức ảnh thành hai nửa, khi
xem thì trong hai bức ảnh này đều là chân dung hoàn chỉnh. Không phải là
giống với con giun đất sao? Biến thành hai phần; lại xé nó thành bốn
tấm, lại đi xem thử, bốn tấm này là hoàn chỉnh; cắt vụn nó thành từng
chút một, chiếu nó ở dưới tia laser thì vẫn là hoàn chỉnh.
Khoa học phát hiện ra bí mật này, bí mật này chứng thực được
một câu nói ở trong kinh Phật, trong mỗi hạt vi trần có vũ trụ hoàn
chỉnh, vì sao vậy? Nó là pháp tánh, pháp tánh không có lớn
nhỏ. Lớn đến như thế giới là pháp tánh, một hạt vi trần cũng là pháp
tánh, cho nên không hai không khác. Pháp tánh ở trong vi trần
này, ai có thể đi vào xem thử thì giống như thế giới lớn ở bên ngoài
vậy, trong kinh Hoa Nghiêm nói, Bồ-tát Phổ Hiền có thể bước vào trong
thế giới vi trần để đi bái Phật, trong đó có vô lượng vô biên chư Phật Như
Lai, đi nghe pháp, đi giáo hóa chúng sanh. Cho nên thế giới ngày nay
của chúng ta, rốt cục là thế giới đại vũ trụ hay là thế giới một hạt
vi trần? Chính chúng ta không biết. Bạn hiểu rõ đạo lý này
rồi thì câu hỏi con giun đất dễ như trở bàn tay, đã rõ ràng
rồi. Tánh là một, thức có sai biệt, sai biệt chính là
khác, tánh chính là một. Cho nên trong Trung Quán nói “không một
không khác”, không thể nói là một, cũng không thể nói là khác. Vì sao
vậy? Một và khác không phải là hai, một và nhiều không phải là hai, đây
mới là chân tướng sự thật.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi một người lãnh chúng niệm
Phật, tu hành mấy mươi năm, đã thọ Bồ-tát giới, cũng vì Phật giáo bản
địa mà làm một số việc. Kết quả do vì ở trong bệnh viện phẫu thuật nên đã
phá giới, ăn canh xương và trứng. Xin hỏi như vậy có hy vọng vãng
sanh về thế giới Cực Lạc không? Tiếp theo là hai câu hỏi, người này
có ý niệm muốn ăn và người khác đưa cho bà ấy ăn thì có chỗ nào khác nhau?
Đáp: Có chỗ khác nhau, chính mình muốn ăn, đây là chính mình tạo
nghiệp. Người khác đưa cho bà ấy ăn, bà không có cách nào từ
chối, vậy thì nghiệp này là người khác chịu trách nhiệm; bản thân bà
tiếp nhận cũng phải chịu trách nhiệm, chính bà ấy có thể không tiếp
nhận. Nếu tiếp nhận thì chính mình cũng có trách nhiệm.
Hỏi: Phải nên cứu vãn loại tội chướng này như thế nào?
Đáp: Muốn cứu vãn tội chướng thì phải hiểu Phật
pháp, liễu giải chân tướng sự thật, bà ấy hiểu rõ rồi thì ba ấy
biết phải nên làm thế nào. Cho nên việc nghiên cứu kinh giáo là nền
tảng của học Phật, nếu không thì Thích-ca Mâu-ni Phật hà tất phải giảng
kinh dạy học suốt 49 năm, nguyên nhân là ở chỗ này.
Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, không ít cư sĩ người Hán chỉ trích rất lớn
đối với Mật tông Tây Tạng, họ trích dẫn trong kinh Lăng Nghiêm, đối
với tứ quy y, Lạt-ma uống rượu ăn thịt hoặc đả kích hành vi lấy danh nghĩa song
tu để lừa đảo, trực tiếp quở mắng là tà ma ngoại đạo, hầu như là đều
phủ định Mật tông Tây Tạng. Xin hỏi Mật tông Tây tạng rốt cục là tạng
truyền Phật giáo chân chánh hay là tôn giáo bổn thổ của chính họ?
Đáp: Phật giáo Tây Tạng là từ Ấn Độ truyền đến. Phật pháp, các vị
nhất định phải biết, Phật không có pháp nhất định có thể nói, Phật
pháp vĩnh viễn là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Ấn Độ xưa và
người bản địa Tây Tạng, trong bổn thổ có một số Thần Đạo giáo, cho
nên Phật dạy học, việc dạy học này vô cùng cao minh, ngài không bài xích,
ngài không phủ định người khác, ngài có thể thông hiểu và dung hòa với
họ, cho nên gọi là mật, chữ mật này là thần bí. Bản thân Phật
dạy học nói mật là thâm mật, đạo lý này quá thâm sâu, không phải là
người thông thường có thể hiểu, cho nên gọi là thâm mật. Ở Tây Tạng
đúng là ngoài thâm mật ra thì họ còn có thần bí, vì sao vậy? Những
thần giáo này của Ấn Độ xưa, giống như Bà-la-môn giáo, những tôn giáo này
thảy đều dung hòa với nhau, Phật đã làm cho họ một sự giải thích mới, giáo
nghĩa mới, thật sự đều chuyển họ thành Phật giáo, điều này rất cao
minh, không bài xích họ, dạy họ giác ngộ. Cho nên Phật là ý nghĩa
giác ngộ, giác mà không mê chính là Phật giáo; mê mà không giác đó
chính là một loại thần đạo giáo mê tín, đây là tôn giáo bản địa. Đạo
lý nhất định phải rõ ràng, phải sáng tỏ, Tây Tạng giáo là do Phật
truyền, Mật tông là một tông phái Phật giáo chính quy, hơn nữa là
thuộc về tôn giáo cao cấp. Vì sao vậy? Bạn xem kinh Hoa Nghiêm nói
đến bốn loại vô ngại, “lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự
vô ngại”, loại cao nhất là nói đến sự sự vô ngại. Nếu họ không có
cảnh giới này mà họ muốn theo học thì toàn bộ đều đọa địa ngục.
Thầy của tôi là thượng sư Mật tông, cùng một nhà với Mật giáo
Tây Tạng, là đại sư Chương Gia. Truyền thừa Mật giáo Tây Tạng là bốn vị
Lạt-ma, hiện nay người mà mọi người biết rõ, chỉ là hai vị
Đạt-lai-lạt-ma và Lạt-ma Panchen ở Tây Tạng. Không nhiều người biết hai vị
còn lại, nhưng trước đây đều biết, chỉ là gần đây lơ là đi
thôi, trước đây thảy đều biết. Ở Nội Mông, Ngoại Mông, Nội Mông
là đại sư Chương Gia, Ngoại Mông là Triết Bố Tôn-đan-ba, họ là bốn
huynh đệ, đều là học trò, là truyền nhân của đại sư
Tông-khách-ba. Đại sư Chương Gia có cống hiến đặc biệt lớn, bạn xem
vào triều nhà Thanh, tứ đại Lạt-ma chỉ có đại sư Chương Gia sống ở Bắc
Kinh, thường trụ trong Triều Đình, cơ hội tiếp xúc với bậc Đế Vương
là nhiều nhất, đó là quốc sư! Bạn đi xem lịch sử triều nhà Thanh thì
bạn sẽ hiểu. Cho nên tôi theo đại sư ba năm, tôi biết ngài, khi theo
học với ngài thì đại sư ngài đã 65 tuổi, Ngài 68 tuổi qua
đời. Nền tảng học Phật của tôi là do đại sư ngài xây dựng, đây là
thiện tri thức chân chánh. Ngài nói với tôi thì tôi mới hiểu được, mật
pháp trong Phật pháp giống như lớp tiến sĩ ở trong trường học vậy, nó
là lớp tiến sĩ cao nhất. Bạn sẽ hiểu phải là người như thế nào mới có thể
tu ở trong lớp tiến sĩ? Phải là thạc sĩ thì mới mới có thể học tiến
sĩ. Nếu bạn không phải là thạc sĩ mà bạn nói tùy tiện theo một người
để học mật, đâu có loại đạo lý này? Giống như tôi chẳng có chút nền
tảng gì mà tôi lập tức đã học lớp tiến sĩ, vậy thì không thể
nào, vậy sao không đọa địa ngục cho được?
Cho nên Phật giáo Tạng Truyền trước hết phải học Hiển giáo 10
năm, họ quy định là 10 năm, 10 năm học Hiển giáo. Trải qua kỳ thi lấy
bằng, bằng cấp thì họ có học vị gọi là ghese (gê-xê), lấy được học vị
ghese thì mới có thể học mật, đây là thứ tự học tập trong Mật giáo Tạng
truyền, không phải là người nào cũng có thể học được. Vậy ở trong
Phật pháp Đại thừa chân chánh nói học mật là khi nào? Chúng tôi nói
rất cởi mở, tiêu chuẩn thông thường là Sơ trụ Bồ-tát. Cũng chính là
nói họ đã chứng đắc pháp thân, họ đã vượt khỏi thập pháp giới thì họ
mới có tư cách. Chính là vọng tưởng phân biệt chấp trước thảy đều buông
xuống, họ mới sự sự vô ngại, mới có năng lực này. Bạn vẫn chưa
buông xuống phiền não tập khí, ví dụ như nói tu song thân, tu song
thân mà họ vẫn có ý niệm dâm dục thì họ sẽ đọa địa ngục. Tu song thân
thì không có ý niệm dâm dục, đoạn dâm dục từ đâu? Từ trong dâm dục mà
không có ý niệm thì dâm dục này thật sự đoạn rồi. Đây là người
nào? Bạn có thể làm được không? Bạn không làm được mà bạn dâm dục thì
phải đọa địa ngục, bạn làm được thì bạn vượt ra khỏi thập pháp
giới. Cho nên Mật tông chỉ có cõi Thật Báo Trang Nghiêm và địa ngục
A-tỳ, không có ở lưng chừng, bạn không lên được thì bạn sẽ đọa xuống
thôi. Đây là thầy nói với tôi.
Cho nên chúng tôi vô cùng tôn trọng đối với Mật
tông, nhưng mà sao? Không dám học, vì thật sự có phiền não tập
khí. Bạn ăn thịt là thật có tâm tham, thật sự cảm thấy ăn rất
ngon, vậy thì đọa lạc rồi; người chân thật có công phu thì ăn
miếng đó giống như không ăn. Họ có thể ăn thịt, bạn bưng ra một bát
phân chó cho họ ăn, họ cứ thế ăn, họ không có phân biệt, đây là
chân chánh. Nếu ăn thịt thấy rất thơm ngon, đưa bát phân cho
họ mà họ không dám ăn thì họ chính là giả. Bạn nói xem điều này khó
biết bao! Khi xưa, đây là trong Cao Tăng Truyện có câu chuyện, cũng
là có vị cao tăng sau khi đắc đạo, hành vi của mình thì ngài không chú ý
trau chuốt, nhưng dạy học trò thì dạy rất nghiêm, trì giới rất
nghiêm, đốc thúc rất nghiêm; chính ngài cũng uống rượu, cũng ăn
thịt, cũng đi ra xã giao bên ngoài. Học trò không phục, không
phục thì ngài cười cười, được, ngày mai ta mời các trò ăn thịt, các
trò đi cùng với ta. Ngày hôm sau bảo mọi người chuẩn bị đồ xúc
đất, vác theo cuốc xẻng đi, đi lên núi để đào tử thi người, khi
đào ra rồi, các trò ăn đi, ta mời các trò ăn. Không ai dám
ăn, ngài ở đó từng miếng từng miếng rất thích thú, mọi người cứ
ngẩn người ra. Ngài nói các trò có thể giống như ta thì được, các trò
không thể giống như ta thì ngoan ngoãn trì giới, các trò không được học
ta. Học trò phục! Điều này thật không dễ.
Cho nên mật là không học mật thì không thể thành Phật, mật là
cửa ải sau cùng, bạn phải thông qua toàn bộ. Thật sự là không khởi
tâm, không động niệm, không những là không phân biệt chấp
trước, không phân biệt chấp trước là tầng đáy, cao nhất là không khởi
tâm, không động niệm, bạn mới thành tựu viên mãn. Hiện nay những đại
đức này trong Mật tông, chúng tôi nhìn thấy hành động của các
ngài, chúng tôi không dám chỉ trích, vì sao vậy? Không biết là cảnh
giới của họ sâu đến đâu, chúng tôi chỉ có tán thán mật pháp, nhất
định không phê bình. Nhưng chính chúng tôi hiểu là chúng tôi không
đến được công phu này. Họ là thật hay là giả, không cần để
ý, trong đây có thật, đương nhiên giả cũng có không ít, tôi biết
là có giả, rồng rắn lẫn lộn. Nhưng chúng tôi có tâm cung kính đối với
họ, đây là đức hạnh của chính mình.
Hỏi: Hành vi của Lạt-ma Tây Tạng có như pháp không? Người Hán chỉ
trích hành vi của Mật tông Tây Tạng thì có như pháp không?
Đáp: Nói chung, phê bình đều không như pháp, vì sao vậy? Phê bình,
bạn ở trong đó đã sinh ra phân biệt chấp trước. Bạn từ trong nguyên lý của
Phật pháp mà xem, việc họ phê bình người khác rằng cái này như
pháp, cái kia không như pháp, trước hết chính bạn đã không như
pháp. Chính bạn nếu như như pháp thì cùng lắm cười cười, gật gật
đầu, không có ý kiến, ý kiến là gì? Bạn có ý kiến, tôi không có ý
kiến, đây là thật. Phật pháp chân thật, nếu bạn gặp phải điều
gì không hợp với ý của mình mà khởi lên phản đối thì điều này trong
Phật pháp không có. Cả đời Thích-ca Mâu-ni Phật cũng gặp rất nhiều khó
khăn, nhưng trước nay chưa từng hành động phản đối. Cho nên tôi
thường hay nói vua Lưu-ly diệt cả dòng họ Thích-ca, bạn xem việc này có
lớn không? Dòng họ Thích-ca bị người ta tiêu diệt rồi. Trong hàng đệ
tử của Phật Thích-ca, ở trong kinh Phật chúng ta xem thấy có 16 đại quốc
vương, nếu ngài hiệu triệu, bảo 16 nước tổ chức liên quân để cứu đất
nước của ngài, điều này rất dễ làm được, vì sao ngài lại không
làm? Vì sao ngài không cần ngăn chặn? Ở đó nhìn dân tộc của mình bị
vua Lưu-ly tiêu diệt. Cho nên ngài khuyên mọi người rằng có tai nạn
này, khuyên họ nên chạy trốn. Có một số người chạy trốn, dòng họ
Thích-ca cũng chạy trốn, trốn đến Tây Tạng, định cư ở Tây Tạng.
Cho nên người đời sau của dòng họ Thích-ca Mâu-ni Phật đang ẩn cư
ở Trung Quốc, sau đó không trở về nữa. Bạn có thể chạy trốn, chạy
trốn được tai nạn nhưng cả dòng họ bị người ta diệt mất. Học trò của
Phật có rất nhiều người có nghi hoặc, Mục-kiền-liên có thần
thông, ngài lấy bình bát của mình cứu được 500 người, đưa họ lên trời
giấu. Sau khi tai nạn qua đi, ngài báo cáo với Phật, ngài nói
con dùng thần thông cứu được 500 người. Thích-ca Mâu-ni Phật hỏi ở
đâu? Ngài nói ở trong bình bát của con, để trên trời. Ngài nói, ông
hãy đi xem thử, kết quả sau khi Mục-kiền-liên lấy bình bát về vừa xem thì
hoàn toàn đã bị hóa thành máu. Ngài liền hỏi Phật, đây là sự việc như thế
nào? Phật nói định nghiệp khó thoát. Phật đã giảng cho ngài nghe về
nhân quả trong đời quá khứ, oan oan tương báo không thể cứu, oan oan
tương báo, đáng phải chịu tai nạn này thì bạn phải chấp nhận, không
phản đối, không phân bua.
Tam Võ diệt pháp trong lịch sử Trung Quốc, bạn xem pháp sư
xuất gia, cư sĩ tại gia, có đưa ra lời phản đối nào không? Không có,
đây gọi là chân hộ pháp. Vì sao vậy? Để cho xã hội đại chúng đều xem
thấy, tín đồ Phật giáo gặp phải sự sỉ nhục lớn như vậy, chịu nạn lớn
như vậy, nhưng không nói câu nào, đây là gì? Đây là công dân tốt
nhất. Cho nên bậc đế vương tiếp theo sẽ cực lực ủng hộ, đây gọi là
chân hộ pháp. Nếu đưa ra lời phản đối, muốn chống lại chính
phủ, vậy thì mọi người nói tín đồ Phật giáo không được, bạn xem họ
vẫn là gây rắc rối, gây rắc rối thì không cần họ nữa, Phật pháp sẽ
thật sự bị diệt mất. Cho nên khi Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại
thế thảy đều biểu pháp cho chúng ta xem, Phật pháp vĩnh viễn là hòa
bình, vĩnh viễn không tranh, tai nạn gì cũng có thể nhẫn chịu, nhẫn
nhục ba-la-mật. Ngay như bị vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể cũng không có
một câu oán thán, không có chút tâm oán hận nào, vậy mới thành
Phật. Bạn vẫn không nhịn được những khảo nghiệm này thì bạn là phàm
phu, bạn không có công phu. Oan ức như thế nào bạn cũng không được xuống
đường biểu tình, cũng không được lên tòa án kiện cáo, đâu có loại
người này? Đó là người vứt hết lời giáo huấn của Thích-ca Mâu-ni
Phật, vậy làm sao được? Cho nên những điều này cũng phải dựa vào
giáo dục, đọc kinh nhiều, liễu giải nhiều, tiếp xúc giáo dục
nhiều, thì bạn sẽ biết ứng phó với những vấn đề nan giải trên thế gian
này, bạn thảy đều có thể hóa giải, đều dùng phương pháp thích hợp
nhất để xử lý.
Hỏi: Phía sau còn có ba câu hỏi, hiện tại hết giờ
rồi, câu hỏi tiếp theo, nếu phát tâm chân thành hành thiện, như
tu sửa đền chùa chẳng hạn, nhưng gặp phải chướng ngại không thể thành
tựu. Xin hỏi đây là nghiệp chướng của bản thân mình sâu nặng, hay là
không có duyên với chúng sanh ở khu vực này?
Đáp: Những điều này không cần hỏi, nếu có chướng ngại thì không
làm, không có chướng ngại thì làm. Chỉ cần bạn phát tâm này, cho dù
có chướng ngại, làm không thành công thì công đức của bạn là viên
mãn. Trong kinh Lăng Nghiêm đã nói rất hay, “phát ý viên thành”, viên
mãn công đức, chỉ cần bạn phát ra là chân tâm thì công đức của bạn
viên mãn rồi. Làm thành công đương nhiên càng tốt, làm không thành
công cũng viên mãn, làm không thành công là gì? Duyên không đủ, không
phải là trách nhiệm của mình.
Hỏi: Tiếp theo xin hỏi lão pháp sư, làm thế nào mới có thể điều
phục được ý niệm của mình, ý niệm vừa mới khởi thì có thể đè
xuống, làm thế nào khắc phục được phiền não tập khí của mình, có định
công, không bị ô nhiễm bởi lời nói không sạch sẽ bên ngoài?
Đáp: Đây là Phật, tổ từng giờ từng phút dặn dò, giáo huấn chúng
ta, đó là niệm Phật, gặp phải những cảnh giới này thì A-di-đà
Phật, trong tâm của mình khởi tâm động niệm thì A-di-đà Phật. Một câu
A-di-đà Phật thì điều gì cũng có thể bình ổn được, là vô thượng diệu
pháp.
Hỏi: Câu cuối cùng, chính mình bởi do phiền não nhiều đời nhiều kiếp
tác quái nên tham sân si mạn thường khởi hiện hành, ác niệm cực
nhiều, dễ bị những lời không thanh tịnh bên ngoài làm ô nhiễm, không
cách gì tự chủ. Phật hiệu lại không thể đè phục được ác niệm. Xin lão
pháp sư khai thị, phải hàng phục những vấn đề này như thế nào?
Đáp: Vẫn là dùng Phật hiệu, Phật hiệu không đè phục được là do
công lực Phật hiệu của bạn không đủ, bạn hãy tiếp tục nỗ lực, Phật
hiệu chắc chắn đè phục được. Nếu muốn công phu sớm thành tựu một
chút, nhất định phải nghe kinh, nghe kinh có thể giúp bạn, giúp
cho tín tâm của bạn kiên cố, giúp cho bạn hóa giải được những nghi
ngờ, hoài nghi của bạn ở trong nội tâm, những lo lắng của bạn toàn bộ
đều có thể hóa giải, sau đó thì câu Phật hiệu này rất dễ hóa
giải. Phật hiệu hiện tại không đè phục được, là do công lực của Phật
hiệu chống không nổi phiền não tập khí, bạn phải nỗ lực đặt phiền não
tập khí sang một bên, đừng nghĩ đến nó nữa. Bạn càng nghĩ nó sẽ càng
mạnh hơn, bạn không nghĩ đến nó, không để ý đến nó, dần dần nó sẽ hạ
xuống, sẽ nguội đi. Đối với Phật hiệu, bạn phải mạnh hơn, ngày ngày
nghĩ Phật, ngày ngày niệm Phật, sức mạnh của Phật hiệu sẽ nâng
lên, nâng lên đến khi vượt qua nó thì đè phục được, là đạo lý như vậy. Cho
nên không được hoài nghi: Phật hiệu không được, không có tác dụng, không
đè phục được. Vậy thì bạn vĩnh viễn không đè phục được. Cho nên phải
rõ ràng đạo lý này, công lực của chúng ta vẫn chưa đủ, bạn thử nghĩ
xem, chính bạn ngày ngày ở cùng với phiền não tập khí bao nhiêu năm
rồi? Bạn niệm Phật mới có mấy năm? Bạn vừa nghĩ như vậy thì sẽ hiểu
rõ thôi, phiền não tập khí của mình rất lâu năm rồi, mình niệm Phật
mới có mấy năm thì làm sao đè phục được. Cho nên hãy nỗ lực nâng
cao, tương lai nhất định sẽ đè phục được.
Tốt rồi, câu hỏi hôm nay giải đáp đã viên mãn.