Responsive Menu
Add more content here...

Tập 167 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

 TNH Đ ĐI KINH KHOA CHÚ 2014 (Ging ln th 4)

PHM TH 6: PHÁT ĐI TH NGUYN

Phát Th Nguyn Rng Ln

Tp 167

Hòa thượng Tnh Không ch ging.

Ging ti: Hip Hi Giáo Dc Pht Đà Hng Kông.

Thi gian: Ngày 21 tháng 1 năm 2015.

Dịch gi: Diu Hip.

Gio chánh: Thích Thin Trang.

Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời an tọa. Thỉnh mọi người cùng tôi quy y Tam Bảo: A-xà-lê tồn niệm, ngã đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật Đà, lưỡng túc trung tôn; quy y Đạt Ma, ly dục trung tôn; quy y Tăng Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)

Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 434, trang 434, bắt đầu xem từ hàng thứ tư:

Niệm lão giới thiệu tiêu đề của phẩm này, bài văn rất dài, đây là đoạn cuối cùng. Chúng ta xem Chú Giải, 至於漢吳兩譯,則缺十念必生之根本大願 “chí ư Hán Ngô lưỡng dịch, tắc khuyết thập niệm tất sanh chi căn bản đại nguyện” (Về hai bản Hán Dịch và Ngô Dịch thì thiếu đại nguyện căn bản: Mười niệm chắc chắn vãng sanh). Trong 48 nguyện, quan trọng nhất chính là nguyện này, trong bản Hán Dịch không có nguyện này, bản Ngô Dịch cũng không có. Có thể thấy năm bản dịch gốc thời Hán, Ngô, Ngụy, Đường, Tống, đây là những bản còn lưu giữ. Kinh Vô Lượng Thọ truyền đến Trung Hoa vào đời nhà Hán, mãi cho đến đời nhà Tống, trong khoảng 800 năm đã phiên dịch tổng cộng 12 lần, có thể nói là nhiều bản dịch nhất. 12 bản dịch ấy, chúng ta nhìn thấy được trong mục lục của Đại Tạng Kinh, nhưng bảy bản kinh văn đã thất truyền, hiện nay chỉ lưu lại năm bản. Chúng ta đối chiếu năm bản này thì rất dễ nhìn ra, nội dung của bản dịch khác biệt rất lớn, [nên] Đại đức xưa phán đoán, tuyệt đối không phải là [cùng] một bản tiếng Phạn. Bản tiếng Phạn rất nhiều, truyền đến Trung Hoa, Trung Hoa phiên dịch ra, nội dung trong đó không tương đồng. Giống như nguyện 十念必生 “thập niệm tất sanh” (mười niệm chắc chắn vãng sanh) này, đây là nguyện quan trọng nhất trong 48 nguyện, hai bản Hán Dịch và Ngô Dịch không có. Điều này chứng tỏ năm bản dịch gốc đều không thể xem là thiện bản của Kinh Vô Lượng Thọ, bởi vì có chỗ thiếu sót. Nhưng trong bản này thiếu, trong bản kia lại có, người xưa suy đoán, năm xưa khi Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, nhất định là tuyên giảng nhiều lần. Mỗi lần tuyên giảng, Tôn giả A Nan đều kết tập thành bản Kinh, cho nên nội dung mới xuất hiện tình trạng này; nếu Phật chỉ giảng một lần thì chắc chắn không thể xuất hiện tình trạng này. 是以會集諸譯,廣擷眾長,另成會本,實不容緩也 “Thị dĩ hội tập chư dịch, quảng hiệt chúng trường, lánh thành hội bổn, thật bất dung hoãn dã” (Do đó, hội tập các bản dịch, thu thập khắp các điểm hay, thành bản hội tập riêng biệt, thật sự không thể chậm trễ). Đây chính là nói Kinh Vô Lượng Thọ nhất định phải có bản hội tập, hội tập là việc cần thiết.

Đoạn sau cùng này, 於是夏師會集諸譯之大願 “ư thị Hạ sư hội tập chư dịch chi đại nguyện” (vì vậy, thầy Hạ hội tập đại nguyện của các bản dịch), lão Cư sĩ Hạ Liên Cư nhìn thấy tình trạng này của Đại Kinh, ngài đã nghiên cứu tường tận năm bản dịch gốc, phát tâm làm lại một bản hội tập khác. 既重古譯多見之二十四 “Ký trọng cổ dịch đa kiến chi nhị thập tứ” (Vừa chú trọng 24 [nguyện] được thấy nhiều trong bản dịch xưa), trong bản dịch xưa thật sự nói 24 nguyện nhiều hơn. 又採世間所流通之四十八 “Hựu thái thế gian sở lưu thông chi tứ thập bát” (Lại chọn 48 [nguyện] mà thế gian đang lưu thông), thế gian [đang] lưu thông chính là bản Ngụy Dịch của ngài Khang Tăng Khải. Ngụy là nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc, vị Pháp sư dịch kinh Khang Tăng Khải là người ở nước Khang Cư. Nước Khang Cư là Tân Cương hiện nay, đã sáp nhập bản đồ của Trung Hoa, vào thời đó là nước ngoài, vào thời Hán là nước ngoài, chưa sáp nhập bản đồ Trung Hoa. Ngài hiểu được ngôn ngữ văn tự của Trung Hoa, là tín đồ Phật giáo kiền thành, cho nên ngài đến Trung Hoa, đã phiên dịch rất nhiều kinh, trong đó có Kinh Vô Lượng Thọ. Trong bản đó có 48 nguyện, cho nên mọi người đều thích đọc bản dịch của ngài, do đó mọi người đều biết 48 nguyện. Hiện nay, Hạ lão, ngài dùng 二十四為章,四十八為目 “nhị thập tứ vi chương, tứ thập bát vi mục” (24 làm chương, 48 làm mục), dùng phương thức này để hội tập, ngài chọn cả hai loại. 24 chương, 48 nguyện, 既符(符合)誓二十四章,又合四十八願。經中備集諸譯之長 “ký phù (phù hợp) thệ nhị thập tứ chương, hựu hợp tứ thập bát nguyện. Kinh trung bị tập chư dịch chi trường” (vừa phù [phù hợp] với 24 chương thệ, lại hợp với 48 nguyện. Trong Kinh hội tập đầy đủ chỗ hay của các bản dịch), những chỗ hay trong năm bản dịch ấy, ngài đều lựa chọn tiếp nhận, 十念必生、國無女人、蓮花化生諸願 “thập niệm tất sanh, quốc vô nữ nhân, liên hoa hóa sanh chư nguyện” (các nguyện: mười niệm chắc chắn vãng sanh, cõi nước không có người nữ, hóa sanh trong hoa sen), đều có thể thấy được trong bản hội tập. 復妙攝各願精要,以少文而顯多義 “Phục diệu nhiếp các nguyện tinh yếu, dĩ thiểu văn nhi hiển đa nghĩa” (Lại còn khéo lựa chọn tinh yếu của các nguyện, dùng ít văn mà hiển bày nhiều nghĩa). Điều này là sự cân nhắc trên văn tự, cũng là một bản xuất sắc nhất, câu chữ trong đó đơn giản, cố gắng hết sức [đạt được] yêu cầu đơn giản rõ ràng. Văn chương và ngôn ngữ mà người Trung Hoa nói: có bốn nguyên tắc, phải đơn giản, phải vắn tắt, còn phải tường tận, rõ ràng, đó là văn chương hay nhất, ngôn ngữ hay nhất. Bản hội tập này của lão Cư sĩ Hạ Liên Cư thật sự phù hợp với yêu cầu này, bất luận là trên nghĩa kinh, [hay] trong văn chương đều thuộc hàng bậc nhất.

Chúng ta trong đời này có duyên phận được gặp, đó là sự may mắn rất lớn. Ngài cách thời chúng ta không quá xa, thế hệ này của chúng ta vô cùng may mắn, gặp được rồi, đều gặp được rồi. Thế hệ trước của tôi, thế hệ của các ngài như lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, gặp được kinh rồi. Những người thế hệ ấy, người gặp được bản hội tập thì không nhiều, bởi vì bản hội tập hoàn thành vào cuối năm kháng chiến, vào lúc đó số lượng lưu truyền bản này cực kỳ giới hạn, lại gặp phải nội chiến. Cũng may, có một vị Pháp sư Luật Hàng từ Sơn Đông đến Đài Loan, mang theo vài quyển đến Đài Loan, tặng bản hội tập này cho thầy Lý. Lúc đó, thầy in ấn một ngàn quyển [để] lưu thông ở Đài Loan, nhưng cũng có rất ít Pháp sư nhìn thấy bản này, bởi vì bản này không quen thuộc, mọi người đều không muốn xem. Bản cũ đã truyền rất lâu rồi, cho nên tụng Kinh Vô Lượng Thọ đều là tụng bản của ngài Khang Tăng Khải. Bản mới này không ai hỏi đến, thầy Lý đã giảng một lần ở Đài Trung, đã chú thích bên lề sách, giao Chú Giải ấy cho tôi, rất ít người đọc được. Lúc đó, tôi đọc được bản kinh có chú thích bên lề sách, chú thích là trước đó thầy giảng tại chùa Pháp Hoa ở Đài Trung, sau đó thì không còn giảng nữa, thầy chỉ giảng một lần. Tôi cầm được thì vô cùng hoan hỷ, tôi liền muốn giảng bộ Kinh này, tôi có thể đọc hiểu chú giải của thầy. Thầy nói với tôi, con còn quá trẻ, bây giờ chưa đến lúc, thầy bảo tôi cất giữ, đợi thời tiết nhân duyên. Lúc đó tôi không hiểu lắm, không hiểu rõ việc này, đến bây giờ thì chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ.

Quý vị xem, có bao nhiêu người phản đối bản hội tập, phê phán bản hội tập, chướng ngại bản hội tập, trong hơn 20 năm này, chúng tôi đã gặp phải vấn đề này. Nhưng tôi phải kiên trì học tập bản kinh này, vì sao vậy? Vì thầy truyền lại. Nếu tôi thay đổi, không học bản kinh này, đó chính là trái thầy phản đạo danh xứng với thực, vậy thì thật sự có tội rồi. Tôi có lòng tin với thầy, thầy tuyệt đối không hại tôi, thầy rất tốt đối với tôi, tôi nhất định phải truyền tiếp, việc này phải có tính nhẫn nại rất lớn.

Bản kinh này thật khó được! Chín ngàn năm mạt pháp, Tịnh tông có thể độ tất cả chúng sanh khổ nạn, tôi cảm thấy hoàn toàn nhờ vào bản này. Lúc sau, tôi ở Mỹ gặp được lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Lúc đó, ở nước ngoài, người giảng bộ kinh này thì chỉ một mình tôi, ở trong nước thì chỉ một mình ngài, [trước đó] chúng tôi không gặp nhau, khi gặp được ở Mỹ thì vô cùng hoan hỷ, cực kỳ an ủi. Chú Giải của ngài (chính là bộ Chú Giải này) vừa mới hoàn thành, in dầu rồi, tôi tin rằng, khoảng 100 quyển, thỉnh các Đại đức Tịnh tông lúc bấy giờ cho ngài kiến nghị. Đây là ngài khiêm tốn cầu giáo, chúng tôi nhìn thấy thái độ của ngài thì vô cùng bội phục, cũng cảm động lòng người. Sau đó, ngài đã chỉnh sửa vài lần thành bản hiệu đính, trước sau đã dùng hết thời gian sáu năm. Vào lúc đó (khi ở Mỹ), tôi thỉnh giáo ngài, tôi hỏi Chú Giải này của ngài có bản quyền hay không? Ngài hỏi vì sao tôi lại hỏi như vậy? Tôi nói nếu không có bản quyền, tôi mang đến Đài Loan để in ấn, nếu như có bản quyền thì tôi tôn trọng ngài. Ngài hoan hỷ, không có bản quyền, ngài còn muốn tôi viết một bài tựa cho sách, đề chữ ngoài bìa sách, tôi cũng làm theo ý ngài. Cho nên lần đầu tiên chúng tôi ở Đài Loan, in mười ngàn quyển bản phồn thể, mười ngàn quyển bìa cứng. Những năm sau đó, số lượng in ấn, lưu thông, người học tập thật sự nhiều vô số kể, pháp duyên vô cùng thù thắng! Lúc đó thì nảy sinh vấn đề rồi, người phê bình nhiều, người phản đối cũng nhiều, rất nhiều đồng tu hỏi tôi làm sao đây? Tôi liền nói với họ, tôi tin thầy, đích thân thầy truyền cho tôi, sao thầy có thể hại tôi được? Thầy sẽ không dối gạt tôi, tôi có lòng tin kiên định với thầy. Vì thế, tôi nói: [Nếu] người trên toàn thế giới đều phản đối thì một mình tôi không phản đối, tôi vẫn tiếp tục kiên trì. Tôi biết tôi tu học theo bản kinh này thì nhất định được vãng sanh, tôi sẽ không vì sự phê bình, hủy báng này mà bị dao động, vẫn mãi kiên trì nhiều năm như vậy. Tháng giêng năm 2013, lão Pháp sư Hải Hiền ở chùa Lai Phật tự tại vãng sanh, 112 tuổi. Tôi nghe được sự tích của vị lão Hòa thượng ấy, tôi rất hoan hỷ, tôi rất tán thán, rất bội phục, vị lão Hòa thượng ấy làm chứng minh cho chúng ta!

Cho nên chúng ta rất may mắn, trong đời này đến thế gian đây, có thể may mắn gặp được [bản] Hội Tập của Hạ Liên lão, Tập Chú của Hoàng Niệm lão. Tập Chú này là trí huệ bậc cao, không dễ dàng! Ngài đã dùng 83 loại kinh luận, 110 loại chú sớ của Tổ sư Đại đức để giải thích bộ Kinh Vô Lượng Thọ này. Vì sao [phải] làm như vậy, mà không dám tự viết ra một bộ chú giải? Tôi tin rằng ngài có thể lý giải, [nhưng] sợ người khác hủy báng, sợ người khác phản đối. [Làm] Tập Chú, vậy thì không còn gì để nói, mỗi một đoạn, mỗi một chữ trong đây đều không phải là ý của tôi, đều là ý của kinh điển, là ý của Đại đức xưa, không ai dám phản đối. Điều này vô cùng cao minh, rất khó, không dễ gì! Cho nên chúng ta đọc Chú Giải của ngài, quý vị thấy mỗi đoạn ngài đều ghi chú, những câu này là trích dẫn từ đâu, khiến chúng ta sanh khởi tâm cung kính, sanh khởi tín tâm đối với ngài. Người như thế có trí huệ chân thật, làm được viên mãn như thế, tinh tế đến vậy. Cuối đời, tôi thường đến thăm ngài, ngài không tiện xuất ngoại, chúng tôi đến Trung Hoa thăm ngài rất thuận tiện, cho nên mỗi năm tôi đều đến vài lần, chúng tôi gặp gỡ nhau, cùng trò chuyện, thỉnh giáo ngài. Cũng chính bởi vì nguyên nhân này, cho nên khó có được Pháp sư Hoành Lâm, tôi cũng không quen với thầy lắm, không có ấn tượng, tôi nghe nói, lần đầu tiên tôi đến thăm lão Cư sĩ Triệu Phác Sơ, thầy có mặt ở đó, thầy còn trẻ, ở bên cạnh tiếp đãi. Vị Pháp sư trẻ ấy, nhiều năm nay, thầy dùng thời gian mười mấy năm, ra tay bênh vực cho tôi, thu thập lại những tư liệu hoằng pháp của tôi, viết thành một quyển sách, một quyển lớn như vầy, tôi vô cùng cảm tạ, “Nếu Muốn Phật Pháp Hưng, Chỉ Tăng Tán Thán Tăng”, minh oan cho tôi, tôi vô cùng cảm tạ thầy. Lão Hòa thượng Hải Hiền. cũng chính là nhìn thấy quyển sách này, vô cùng hoan hỷ, như có được bảo vật, khoác áo tràng đắp y, cầm lấy quyển sách này, nhờ người khác chụp hình cho ngài. Cả đời lão Hòa thượng chưa từng chủ động yêu cầu người khác chụp hình cho ngài, đó là lần đầu tiên trong đời. Chúng tôi tin, ngài là vâng theo lời dạy của A Di Đà Phật, ngài cầu vãng sanh, khi nào có thể vãng sanh? Gặp được quyển sách này thì ngài có thể vãng sanh. Cho nên gặp được quyển sách này thì ngài vô cùng hoan hỷ, hai ngày sau khi chụp hình thì ngài vãng sanh rồi, tự tại vãng sanh, không bị bệnh, không có bệnh khổ, không có chết khổ. Một tháng trước khi vãng sanh, nên đi từ biệt bạn bè, đồng tham đạo hữu, những nơi ngài đã từng ở thì ngài đều đến thăm một lần, cáo biệt, từ biệt mọi người, hai ngày sau khi nhìn thấy quyển sách này thì ngài ra đi rồi. Ngài đến để biểu pháp, ngài đến để chứng minh cho chúng ta.

Ngài không biết chữ, chưa từng đi học, xuất gia năm 20 tuổi, một người thành thật, nghe lời, thật làm, đây là bản chất của ngài. Sư phụ nhìn đúng ngài rồi, Sư phụ không phải người phàm, người phàm không nhìn ra được, [người] như vậy trong Phật Pháp gọi là bậc pháp khí, có thể thành tựu. Chỉ truyền cho ngài một câu sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật, kêu ngài cứ niệm liên tục. Ngài rất thật thà, niệm câu Phật hiệu này suốt 92 năm, 112 tuổi vãng sanh, đã niệm suốt 92 năm. Công phu niệm Phật, chúng ta có thể nhìn ra trong video, đĩa phim ấy. Công phu niệm Phật chia thành ba bậc, cấp bậc thấp nhất là công phu Thành phiến. Thế nào gọi là thành phiến? Bất kể vào lúc nào, cho dù ở nơi đâu, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra thì không có Vọng tưởng, không có tạp niệm, như vậy gọi là công phu Thành phiến. Chưa đoạn phiền não, nhưng đã khống chế được, câu Phật hiệu này khống chế rồi, mặc dù có phiền não nhưng không khởi tác dụng, như vậy gọi là thành phiến. Có công phu như vậy thì chắc chắn được vãng sanh. Công phu này hiện tiền, A Di Đà Phật nhất định đến thông tin cho quý vị, trong Kinh Lăng Nghiêm nói: 憶佛念佛,現前當來必定見佛 “Ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai tất định kiến Phật”  (Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật), hiện tiền chính là hiện tại, tương lai là vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Cho nên hiện tại thấy Phật hoặc là trong định, hoặc là trong mộng, Phật đến thăm quý vị, đưa tin cho quý vị, quan trọng nhất chính là nói với quý vị, thọ mạng của quý vị còn bao lâu, đến khi quý vị mạng chung thì Phật đến tiếp dẫn quý vị vãng sanh. Nói thông tin này cho quý vị biết, vậy thì quý vị thật sự một lòng một dạ rồi. Vẫn chưa được công phu Thành phiến thì không thể nào thấy được Phật, không phải là Phật không gặp quý vị, mà do bản thân quý vị có nghiệp chướng. Công phu Thành phiến, tuy chưa tiêu trừ nghiệp chướng, nhưng bị khống chế rồi, nghiệp chướng không khởi tác dụng, cho nên Phật sẽ hiện thân. Thông thường, chúng ta từ trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, từ trong Vãng Sanh Truyện, những người niệm Phật từ xưa đến nay, đạt đến công phu này cần thời gian bao lâu? Thông thường, người thật sự chịu niệm Phật, khoảng ba năm thì đạt được, trong ghi chép thấy được quá nhiều quá nhiều [người] rồi, ba năm thành công. Chúng ta trong một đời này, nhìn thấy người niệm Phật, rất nhiều người niệm ba năm thì vãng sanh. Trước đây có Pháp sư hỏi tôi, có phải là những người ấy đúng lúc thọ mạng ba năm đã hết không? Tôi nói điều này nói không thông, làm gì trùng hợp như vậy? Nhiều người, không phải ít người, không thể nào trùng hợp như thế, chắc hẳn là công phu Thành phiến. Công phu Thành phiến vẫn còn thọ mạng, không phải hết thọ mạng rồi, nhưng có kiểu người thông minh, họ gặp được A Di Đà Phật thì không chịu buông, Phật nói với họ, thọ mạng vẫn còn rất dài, họ có thể thỉnh cầu Phật, thọ mạng còn lại con không cần nữa, bây giờ con đi theo Phật. Phật vô cùng từ bi, quý vị thật sự thỉnh cầu Ngài, Ngài thật sự đưa quý vị đi. Như vậy mới nói thông được. Ba năm được công phu Thành phiến, Phật đến rồi, quý vị không cần thọ mạng mà đi theo Ngài, đây là sự thật.

Năm trước, năm 2012, Cư sĩ Lưu Tố Thanh vãng sanh, chị của Lưu Tố Vân. Cô cũng phát tâm làm chứng minh cho mọi người, tự tại vãng sanh. Chủ ý này là do Cư sĩ Lưu Tố Vân nêu ra, cô ấy nói có người giảng kinh, có người tu hành, tốt nhất là có được một người biểu diễn, biểu diễn gì vậy? Biểu diễn vãng sanh, vậy thì mọi người sẽ tin. Cô ấy nói với chị, chị cô ấy liền đồng ý: Để chị biểu diễn, mọi người không sẵn lòng, nhưng chị bằng lòng, để chị biểu diễn. Đến sau đó thật sự nhìn thấy Phật, Phật nói với cô ấy, thọ mạng của cô còn mười năm, cô không cần nữa, hiện nay vãng sanh. Vì vậy, cô chỉ có một tháng, niệm Phật một tháng, phát tâm lớn như thế, thật sự vãng sanh rồi. Thời gian, Phật báo thời gian với cô, ngày 21 tháng 11 năm 2012, 12 giờ trưa, không sai lệch chút nào. Thời gian đó là vào tám ngày trước khi vãng sanh, Lưu Tố Vân nghe thấy một âm thanh, đều là con số, cô đã ghi lại, ghi lại cho chị cô xem. Chị cô mỉm cười, không nói gì, cất đi rồi. Quả thật vào lúc đó, vào lúc vãng sanh đó, mọi người đang nói cười, nói chuyện trong gia đình, rất vui vẻ, thời gian vừa đến, cô nói tôi đi đây, mọi người hãy niệm Phật tiễn tôi, thật sự ra đi rồi, không sai lệch một giây. Đó là đến làm tấm gương cho mọi người xem. Lão Hòa thượng Hải Hiền có lẽ là trước đó một tháng, A Di Đà Phật nói cho ngài biết thông tin này: con nhìn thấy quyển sách ấy thì đến lúc rồi. Ngài đến để biểu pháp, tác chứng chuyển, làm chứng chuyển trong tam chuyển pháp luân. Ngài chứng minh cho chúng ta Thế giới Cực Lạc có thật, A Di Đà Phật có thật, 48 nguyện độ chúng sanh là thật, không phải giả, chứng minh cho chúng ta. Đặc biệt là chứng minh cho chúng ta, bản hội tập của lão Cư sĩ Hạ Liên Cư là chân kinh, mỗi câu mỗi chữ là do đích thân Phật thuyết. Hạ Liên lão hội tập không sửa đổi một chữ nào trong kinh văn, mà là kinh văn nguyên bản [trích] từ năm bản dịch gốc, không dám sửa đổi một chữ, trung thật với yêu cầu của việc hội tập, cho nên mỗi câu mỗi chữ đều là chân kinh, không phải là giả. Điều thứ hai, ngài chứng minh cho lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, Tập Chú là chánh tri chánh kiến, mỗi câu mỗi chữ là nguyên văn trong kinh luận của Phật (ngài chép vào đây, nguyên văn, là thật, không phải giả), trích dẫn ra từ 110 loại chú sớ của Tổ sư Đại đức, đây là chứng minh Tập Chú là chánh tri chánh kiến. Điều thứ ba là chứng minh cho chúng ta, hai mươi năm nay chúng ta tu học theo bộ kinh điển này là không sai.

Điều này còn gì tuyệt vời hơn! Đời này của chúng ta quá may mắn rồi, không gặp được Pháp môn này, có thể nói là [chỉ] gieo trồng thiện căn, kết thiện duyên trong nhà Phật, đời này không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, điều này là thật, tuyệt đối không phải là giả. Gặp được Pháp môn này, thật sự tin tưởng không nghi ngờ, chân tín thiết nguyện, niệm một câu Phật hiệu này đến cùng, mười niệm chắc chắn vãng sanh! Vậy xem như vào khi nào gặp được? Quý vị bị bệnh rất nặng, trong lúc hấp hối vẫn chưa dứt hơi thở, gặp được một người bạn lành, khuyên quý vị niệm A Di Đà Phật, tin thật sự có Thế giới Cực Lạc, thật sự có A Di Đà Phật, quý vị niệm mười hơi hoặc niệm một tiếng Phật liền tắt thở cũng đều được vãng sanh. Công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn! Pháp môn này quá dễ, bởi vì quá dễ nên người khác nghi ngờ, liễu sanh tử xuất tam giới làm gì dễ dàng như vậy? Thật sự dễ dàng, thật sự khó tin. Tôi học Phật 64 năm, những năm đầu Pháp sư Sám Vân khuyên tôi, tôi ở trên núi với ngài nửa năm, ngài bảo tôi đọc Di Đà Kinh Sớ Sao, Yếu Giải, Viên Trung Sao, Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, lúc đó chỉ có bốn quyển, Sơ tập, Tục tập, tôi đã xem hết rồi. Có tin hay không? Tin, tin vào Tịnh Độ, không bài xích Tịnh Độ. Ngài khuyên tôi tu, tôi không nghe theo, không tiếp nhận. Đến Đài Trung, tôi thân cận thầy Lý học kinh giáo, thầy cũng giới thiệu Tịnh Độ cho tôi, tôi không học, tôi [chọn] học giáo, chủ tu là Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Những đại kinh đại luận này, tầng lớp trí thức trẻ tuổi vô cùng hướng đến, ngưỡng mộ, cho rằng Tịnh Độ không tệ, rất tốt, nhưng đại khái là [dành cho] các bà lão tu, không phải là Phật độ những người trẻ tuổi chúng tôi, quan niệm sai lầm này đã làm lỡ mất 30 năm. Tôi tiếp nhận Tịnh Độ là vào sau 30 năm, 30 năm đầu không phản đối, cũng rất tán thán, nhưng chính mình không chịu học. Nếu căn tánh giống như lão Hòa thượng Hải Hiền, vừa nghe liền tiếp nhận thì công phu của tôi cũng gần như ngài, sẽ không kém xa như vậy, ngài thật sự được Nhất tâm Bất loạn.

Vì vậy, ngài được công phu Thành phiến, tôi ước đoán không vượt quá 25 tuổi; được Sự Nhất tâm Bất loạn, sẽ không quá 30 tuổi; được Lý Nhất tâm Bất loạn, khoảng năm 35 tuổi. Lý Nhất tâm là ngang bằng với Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh trong Thiền tông, ngài thật sự đạt được rồi. Hơn nữa, lão Hòa thượng rất tuyệt vời, quý vị xem, dạy ngài vào năm 20 tuổi, cứ niệm liên tục Nam mô A Di Đà Phật, sau đó còn dặn dò một câu nói: “Hiểu rõ rồi không được nói lung tung, không thể nói”. Hiểu rõ đó là gì? Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, như vậy gọi là hiểu rõ. Cho nên lão Hòa thượng cũng để lộ ra: “Điều gì tôi cũng biết”, câu nói này chính là hiểu rõ rồi. Có nói không? Không nói. Người khác hỏi ngài vì sao? Thiên cơ không thể tiết lộ, tiết lộ thiên cơ sẽ bị sét đánh. Tuyệt diệu, thật tuyệt diệu! Điều này đã chứng tỏ lão Hòa thượng, Sư phụ của ngài là người khai ngộ, không phải là người khai ngộ thì không nhận ra, Sư phụ biết người này tương lai nhất định có thành tựu, thành tựu lớn, quả nhiên không sai. Ngài đã thỉnh cầu A Di Đà Phật đưa ngài đến Thế giới Cực Lạc rất nhiều lần rồi, nhưng Phật không đưa ngài đi, lời này tuyệt đối không phải là vọng ngữ. Từ trong câu nói này, chúng ta liền hiểu được, ngài đã gặp A Di Đà Phật rất nhiều lần, không phải một lần. Trong lời nói có hàm ý, phải biết nghe, nhất định là nhiều lần. Bởi vì thật sự chứng được Lý Nhất tâm Bất loạn, quý vị nghĩ Phật thì Phật liền hiện tiền, hoàn toàn không có khoảng cách với Phật. Vì sao Phật không đưa ngài đi? Phật nói với ngài: con tu rất tốt. Tu rất tốt là nói về điều gì? Con có thể trì giới, con có thể chịu khổ, con có thể nhẫn nhục, điều này người thông thường không làm được, con đều có thể làm được. Cho nên tu được rất tốt, ở thế gian này thêm vài năm, biểu pháp cho mọi người xem, chính là làm tấm gương cho người học Phật, làm tấm gương cho người niệm Phật. Vì vậy, cứ luôn kéo dài thọ mạng của ngài, kéo dài đến 112 tuổi, quyển sách ấy xuất hiện rồi. Ngài chỉ đợi quyển sách ấy, nửa đời sau, sống thêm mấy chục năm chỉ đợi bộ sách ấy, xoay chuyển lại tri kiến sai lầm này.

Nhờ ngài, một số người đối với bản hội tập, đối với Tập Chú, đối với việc tu học của chúng ta thì không còn nghi ngờ nữa, tín tâm kiên định, nguyện tâm kiên định. Ngài vì điều này mà trụ thế, không phải vì điều khác, nếu vì việc vãng sanh của chính mình, chắc là trước năm 30 tuổi, ngài đã có khả năng vãng sanh. Ở nhiều năm như vậy, chúng ta thấy ngài chịu rất nhiều vất vả, thật ra là ngài đang ở Thế giới Cực Lạc, không khác gì với Thế giới Cực Lạc. Thấy được từ đâu? Từ hành nghi cả đời của ngài, bất luận vào lúc nào, quý vị thấy ngài nét mặt tươi cười, rất hoan hỷ, đối người, đối việc, đối vật đều tốt, không có Phân biệt, không có Chấp trước, thậm chí là chúng ta có thể nói, ngài không có Khởi tâm Động niệm, ngài đang biểu diễn, hoàn toàn làm tấm gương cho chúng ta xem. Độ hóa chúng sanh, ngài dùng thân hành làm ra cho quý vị xem, chúng tôi dùng ngôn giáo, giảng rõ ràng, giảng tường tận, giảng thấu triệu về kinh điển, thân hành và ngôn giáo hỗ trợ thành tựu cho nhau, đây là phương pháp giáo hóa chúng sanh của tất cả chư Phật Bồ-tát, hàm nghĩa của phương pháp này rất sâu. Thế nào là sự nghiệp vĩ đại nhất? Chúng ta xem Phật Bồ-tát biểu diễn, Phật Bồ-tát biểu diễn cho chúng ta đều là dạy học, dạy học cả đời, hơn nữa đều là giữ nguyên thân phận giáo viên, không làm hiệu trưởng. Phật xem những học trò ấy đều giống như bạn bè, đều giống như anh em, tương thân tương ái, chăm sóc lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác với nhau. Cả đời Phật không xây đạo tràng, vì sao không xây đạo tràng? Có đạo tràng thì dễ dẫn đến phiền não, dễ dấy khởi tham dục. Quý vị xem, bây giờ có rất nhiều đạo tràng, tôi biết có một số người xuất gia, vì sao mà xuất gia? Nhà rất nghèo, tôi vừa xuất gia thì phát tài lớn, ở nhà lớn, còn có biết bao nhiêu người phục vụ, vì điều này. Là sự thật, không phải giả. Tranh danh trục lợi, đạo tràng này biến thành đạo tràng đấu tranh, không phải là nơi tu đạo, mà đấu tranh. Cho nên Phật, [đối với] thời đại hiện nay của chúng ta, Ngài đã nhìn thấy từ sớm rồi, Ngài làm một tấm gương, không lập đạo tràng. Cuộc sống của đức Phật vô cùng đơn giản, nghỉ một đêm dưới cây, ăn một bữa giữa ngày, một bữa cơm ấy là đi khất thực, buổi tối ngủ ở dưới cây ngồi thiền. Chúng ta nghĩ đến, thể lực của Ngài tốt, sức khỏe tốt, không sợ dải nắng dầm mưa. Nóng hay lạnh Ngài đều không sợ, sức khỏe của Ngài tốt biết mấy, luyện thành từ nhỏ. Tâm địa thật sự thanh tịnh, không nhiễm một bụi trần. Cả đời giảng kinh dạy học, thật sự có đại đức, đại trí, đại năng, đây là người thầy tốt. Không thu học phí, người đến thì không từ chối, người đi thì không giữ lại, quý vị xem Ngài dạy học. Cúng dường, Ngài chỉ tiếp nhận bốn sự cúng dường: khất thực, thức ăn, cúng dường thức ăn; khi y phục bị rách, tiếp nhận người khác cúng dường một bộ y áo; ngọa cụ, buổi tối nghỉ ngơi dưới cây lớn, trên đất trải một tấm nệm, bằng vải, chính là một miếng vải trải trên mặt đất, hiện nay người xuất gia lạy Phật, miếng vải phủ trên bồ đoàn đó gọi là cụ, chính là dụng cụ mà ngày xưa trải trên đất nghỉ một đêm dưới cây; thứ tư là khi bệnh tiếp nhận thuốc thang, ngoài những thứ này ra, tất cả sự cúng dường khác Ngài đều không nhận, thật sự buông xả.

Ngày nay chúng ta học Phật, vì sao không thể khai trí huệ? Không thể được định? Không thể khai trí huệ, [vì] dục vọng quá nhiều, không buông được, buông xuống triệt để thì rất dễ dàng. Đức Phật tại thế, nơi đó là vùng nhiệt đới, Ấn Độ, chỉ có ba chiếc y, người Ấn Độ không có may vá, chỉ là ba miếng vải, quấn lên người. Buổi tối, ba y này là để đắp trên người, ban ngày là khoác trên người, đơn giản biết mấy, đời sống dễ dàng biết bao. Thật sự buông xuống, không có bận tâm, không có Vọng tưởng, không có tạp niệm, tu gì? Tu định. 84 ngàn Pháp môn, pháp là phương pháp, môn là con đường, tu gì? Hết thảy đều tu Thiền định. Cho nên Thiền định là nồng cốt của việc tu hành trong nhà Phật. Mục đích là gì? Mục đích là khai trí huệ. Trí huệ từ đâu mà có? Trí huệ vốn tự đầy đủ trong Tự Tánh, không phải từ bên ngoài mà có, bên ngoài chẳng có gì cả, những gì bên ngoài toàn là giả. Đại sư Huệ Năng khai ngộ, Minh tâm Kiến tánh, Tánh có hình dạng gì? Đại sư Huệ Năng đã nói năm câu, 何期自性,本自清淨 “hà kỳ Tự Tánh, bổn tự thanh tịnh” (nào ngờ Tự Tánh vốn tự thanh tịnh), Tự Tánh là thanh tịnh, trước nay chưa từng ô nhiễm. Bị ô nhiễm là gì? Là A-lại-da, là Vọng Tâm, không phải Chân Tâm; Chân Tâm xưa nay chưa từng ô nhiễm. Chân Tâm không sanh không diệt, Vọng Tâm có sanh có diệt. Vọng Tâm là ý niệm của chúng ta, quý vị xem niệm trước diệt niệm sau liền sanh, một niệm nối tiếp một niệm, hơn nữa ý niệm cực kỳ vi tế, chúng ta vốn không thể phát giác, không chút cảm giác, chúng ta mê quá sâu rồi.

Nhà khoa học hiện nay nói cho chúng ta biết, trên thế giới này, vốn dĩ không có thứ gọi là vật chất. Đây là điều mà nhà khoa học cận đại nêu ra, không có vật chất. Vật chất từ đâu mà có? Vật chất là gì? Họ nói vật chất là ảo tướng do ý niệm sanh ra, không phải là thật. Ảo tướng này có sanh có diệt, từ lúc sanh đến lúc diệt chiếm thời gian bao lâu? Bồ-tát Di Lặc nói với chúng ta, đơn vị đo thời gian của khoa học chúng ta hiện nay là giây, một giây, ảo tướng sanh ra từ một ý niệm, thọ mạng của nó có đến một giây không? Không. Một giây quá lâu rồi, một giây nó sanh diệt bao nhiêu lần? Bồ-tát Di Lặc nói với chúng ta, 2 ngàn 240 triệu, đơn vị là triệu. Triệu là ngàn tỷ, một ngàn tỷ là một triệu, 2 triệu 240 ngàn tỷ, hiện tượng này ở ngay trước mặt chúng ta, từ lúc sanh ra đến lúc chúng ta già chết, cả đời cũng chưa phát hiện ra vấn đề này. Vấn đề này gọi là gì? Là thật tướng của các pháp, là chân tướng, chân tướng của vạn vật trong vũ trụ, là giả, không phải là thật. Con mắt hiện nay của chúng ta rất tệ, mắt nhìn thấy [cho] là thật, chân tướng ấy ở trước mắt mà quý vị không thấy được. Chúng ta phải thấy được bao nhiêu mới có thể khiến chúng ta cảm nhận được? Khoảng một phần hai giây, có cảm giác. Chúng ta có thể làm thực nghiệm, cuốn băng này của tôi là âm bản của điện ảnh ngày xưa, âm bản của điện ảnh, phim đèn chiếu, nó nằm trong máy chiếu, tốc độ là 24 hình trong một giây. Quý vị xem, vừa mở màn, hình này ảnh hiện trên màn ảnh, lập tức đóng lại, mở tiếp hình thứ hai, đã đổi sang hình thứ hai, một giây có 24 hình. Chúng tôi làm thực nghiệm, trong 24 hình này, bôi đen 23 hình, chỉ chừa một hình, đây chính là một phần 24 giây, quý vị sẽ nhìn thấy được gì? Nháy sáng một cái, trong đó có gì? Không nhìn thấy gì cả. Một phần 24 giây thì chúng ta đã không cách nào nắm bắt được, mà chân tướng sự thật hiện nay là một phần 2 triệu 240 ngàn tỷ giây, làm sao quý vị biết được đó là giả? Phát hiện của nhà Cơ học Lượng tử ngày nay, bí mật của vũ trụ, chính là bí mật của vật chất, họ đã vạch trần rồi, đây là một sự đột phá rất lớn trong Vật lý học.

Hiện tượng vật chất từ đâu mà có? Họ nói giống hệt như trong kinh Phật giảng, từ ý niệm sanh ra, trước tiên có ý niệm, sau đó [mới] có hiện tượng vật chất. Cho nên trong kinh Phật giảng không sai, 相由心生 “Tướng do tâm sanh”, tướng là hiện tượng vật chất, từ đâu có? Từ ý niệm mà có. Ý niệm thanh tịnh, thì hiện tượng vật chất này thanh tịnh; ý niệm ô nhiễm thì hiện tượng này bị ô nhiễm. Ý niệm là thiện thì hiện tượng vật chất là thiện, sắc tướng là thiện, nhà Phật nói là sắc; ý niệm bất thiện thì sắc tướng này bất thiện. Bất thiện là ba đường ác, thiện là ba đường thiện, hết thảy đều ở trong, ngay cả hiện tượng tâm lý, ý niệm của chúng ta đều ở trong tần suất cao này, chính là một phần 2 triệu 240 ngàn tỷ giây, sinh ra trong tuần suất như vậy. Nhà khoa học dùng máy móc mà phát hiện được. Cho nên chúng ta có lý do tin tưởng, khoa học đang phát triển không ngừng, người trẻ tuổi hiện nay học khoa học đều làm việc này, nghiên cứu niệm lực, biết được niệm lực không thể nghĩ bàn. Trong kinh Phật giảng, trong kinh Phật gọi vật chất nhỏ nhất là Ngũ uẩn. Rất nhiều người đã đọc Tâm kinh, 觀自在菩薩,行深般若波羅蜜多時,照見五蘊皆空 “Quán Tự Tại Bồ-tát, hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến Ngũ uẩn giai không”. Ngũ uẩn này, Ngũ uẩn là vật chất nhỏ nhất, tức là vật chất và ý niệm không thể tách rời, có ý niệm thì có vật chất, không có ý niệm thì không có vật chất. Khoa học đã đưa ra một sự tổng kết, khoa học đã nghiên cứu hơn 400 năm, sai lầm lớn nhất chính là chia vũ trụ thành hai phần, một là vật lý, hai là tâm lý, lầm lẫn rồi, chia làm hai là sai rồi. Chân tướng là gì? Chân tướng là tâm lý và vật lý không thể tách ra, nó là cùng một việc, trong vật lý có tâm lý, trong tâm lý có vật lý, không thể tách ra. Vì sự sai lầm này, dẫn đến rất nhiều khái niệm sai lầm khác sinh ra, chuốc lấy rất nhiều phiền phức, nhân loại chịu rất nhiều thiệt thòi, bị rất nhiều khổ nạn. Cho nên hiện nay, niệm lực là phương hướng nghiên cứu mới nhất của khoa học. Rốt cuộc thì ý niệm này là gì, ý niệm từ đâu mà sanh ra? Chúng ta có lý do tin tưởng, 20 năm sau nữa, Phật giáo không phải là tôn giáo, mà là gì? Khoa học cấp cao. Họ tiếp nhận rồi, họ nghiên cứu đến cuối cùng đưa ra kết luận, đều nằm trong kinh Phật. Trong kinh Phật nói với chúng ta, hiện tượng vật chất là từ ý niệm mà có, ý niệm từ đâu mà có? Ý niệm từ nghiệp lực mà có. Nghiệp lực là gì? Nghiệp lực là sóng dao động. Cho nên hiện nay, khoa học có nói, cả vũ trụ giống như sợi dây (sợi dây đàn vậy) đang dao động, hoàn toàn là do sóng dao động tạo thành. Phật giáo gọi hiện tượng sóng dao động này là nghiệp tướng. Nghiệp chính là tạo tác, tạo tác là động, đó không phải là tĩnh. Nhưng Tự Tánh là thanh tịnh, không động. Vừa dao động là gì? Chính là một niệm không giác. Một niệm không giác chính là Vô minh, chính là Vọng tưởng, chính là Khởi tâm Động niệm. Khởi tâm Động niệm là vô cùng bất chợt, không có nguyên nhân. Hiện tượng này sanh ra, sau khi sanh ra, theo hiện tượng này mà càng mê càng sâu, sâu nhất chính là tạo thành chúng sanh trong sáu đường.

Hiện nay chúng ta học Phật chính là quay đầu, chúng ta phải quay về Tự Tánh. Thích Ca Mâu Ni Phật trở về rồi, Đại sư Huệ Năng trở về rồi, lão Hòa thượng Hải Hiền trở về rồi, mẹ của ngài cũng trở về rồi, Sư đệ Hải Khánh của ngài cũng trở về rồi, cho chúng ta thấy được, trở về được đại tự tại! Tịnh Độ gọi là Thường Tịch Quang, trở về Thường Tịch Quang, Thường Tịch Quang  chính là Tự Tánh. Thường Tịch Quang, ba chữ này biểu pháp tượng trưng cho Tự Tánh. Thường là không sanh không diệt, như vậy gọi là Thường; Tịch là thanh tịnh, vĩnh viễn không bị ô nhiễm, như vậy gọi là Tịch; Quang, Quang là nói hình dạng đó, hình dạng đó là khắp vũ trụ, không nơi nào không có, không lúc nào không có. Như ánh đèn trong phòng của chúng tôi, vừa mở bóng đèn này, chiếu khắp căn phòng, lúc nào nơi nào cũng có, đó là gì? Là Pháp thân. Thường Tịch Quang  chính là Tỳ Lô Giá Na, chính là Pháp thân. Vì vậy, sau khi trở về Thường Tịch Quang thì vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo, vô lượng thần thông đạo lực đều hiện tiền, vì sao vậy? Vì Tự Tánh vốn có, không cần mong cầu ở bên ngoài. Khi nào có thể thấy được? Tâm thanh tịnh thì thấy được thôi. Quý vị xem đề kinh của chúng ta, trên đề kinh này dạy chúng ta tu, tu gì? Tu thanh tịnh, tu bình đẳng, tu giác. Thanh tịnh là A-la-hán, bình đẳng là Bồ-tát, giác chính là Phật. Năm chữ này trên kinh là ba cấp bậc thành tựu trong sự tu học Phật Pháp: Phật, Bồ-tát, A-la-hán; một mà ba, ba mà một. Được tâm thanh tịnh thì trí huệ, thần thông, đạo lực của quý vị giống với A-la-hán, có sáu loại thần thông, rất tự tại, không còn Phần đoạn Sanh tử nữa, không thấy lục đạo luân hồi nữa; bình đẳng là Bồ-tát, cao hơn A-la-hán, trí huệ, đức năng lớn hơn A-la-hán; đến [khi] viên mãn, chính là Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, đó chính là giác, vậy là thành Phật rồi.

Phật không gạt người, Phật nói gì? Đây là mọi người đều sẵn có, tất cả chúng sanh vốn là Phật. Thiện căn, phước đức, nhân duyên đều đầy đủ, thì nên tức khắc thừa nhận, trực tiếp đảm đương, tôi phải trở về bản lai diện mục của tôi. Bản lai diện mục là Phật, người nào cũng là Phật, tất cả chúng sanh thảy đều là Phật, muỗi trùng kiến cũng là Phật (chúng sanh hữu tình), cây cối hoa cỏ vẫn là Phật, núi sông đất đai cũng là Phật. Phật là gì? Phật là Tự Tánh, những thứ này đều do Tự Tánh biến hiện, đến sau cùng đều phải trở về Tự Tánh. Tự Tánh có thể sanh ra vạn pháp, vạn pháp trở về Tự Tánh, Tánh và Tướng là một, không phải hai. Đây thật sự là Triết học cao nhất, khoa học cao nhất. Phật pháp giảng đến sau cùng, học thuật của thế gian, tôn giáo, khoa học, Triết học, những nghiên cứu về bí mật của vũ trụ, thảy đều không rời khỏi Tự Tánh. Chỉ cần thấy Tánh, thì vấn đề hoàn toàn được giải quyết, mà còn là cách giải quyết rốt ráo viên mãn. Chúng ta chẳng thể không biết điều này.

Tin tức mà lão Hòa thượng Hải Hiền đã tiết lộ, hay, đây là kinh nghiệm của cả đời ngài, ngài biểu diễn cho chúng ta xem, “chăm chỉ niệm Phật”, chỉ niệm một câu A Di Đà Phật này, buông xuống vạn duyên, “thành Phật là thật, còn lại đều là giả”, không có điều gì là thật, cho nên nhất định phải buông xuống. Buông xuống quan trọng nhất không phải là trên hình thức, mà là ở trong tâm. Trong tâm buông xuống thế nào? Mắt thấy sắc, nhìn thấy rõ ràng sáng tỏ, tường tận thấu suốt, đây là trí huệ, đây là bản năng của chúng ta. Tuy là rõ ràng, tuy là sáng tỏ, nhưng không có Khởi tâm Động niệm, vì sao vậy? Vì biết được đây là 凡所有相皆是虛妄 “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (những gì có tướng đều là hư vọng), 一切法無所有,畢竟空,不可得 “nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” (tất cả pháp vô sở hữu, rốt ráo không, chẳng đạt được), tuyệt đối sẽ không Khởi tâm Động ý niệm. Không Khởi tâm không Động niệm, đó là cảnh giới gì? Đó là cảnh giới của Phật. Giống như hiện nay chúng ta đang đối trước màn hình tivi, sắc tướng trong màn hình, cả người chúng ta bị nó thu hút, đều cho đó là thật, chúng ta Khởi tâm Động niệm, Phân biệt Chấp trước đối với hình ảnh đó, đây gọi là phàm phu lục đạo. Phật xem tivi như thế nào? Ngài không Khởi tâm không Động niệm, vì sao vậy? Vì thảy đều là giả. Khởi tâm Động niệm không có trở ngại, không có nhiễm tịnh, không có thiện ác, không có gì cả, tất cả mọi sự Phân biệt Chấp trước đều là trong Vọng tưởng của quý vị biến hiện ra, không phải là thật, thật cũng bằng không, thật thì cũng không có, đạo lý ở chỗ này. Chỉ cần quý vị thấu triệt, luyện công trong đời sống thường ngày, luyện gì vậy? Luyện không Khởi tâm không Động niệm, không Phân biệt không Chấp trước. Thật sự buông xuống Chấp trước thì quý vị chứng quả A-la-hán, không thấy lục đạo luân hồi nữa, tỉnh giấc mộng này. Tỉnh giấc là cảnh giới gì? Tỉnh giấc vẫn là một cảnh mộng, Pháp giới Tứ Thánh. Lục đạo là ô nhiễm, Pháp giới Tứ Thánh thanh tịnh, gọi là Tịnh độ, Tịnh độ của chư Phật Như Lai. Thập pháp giới vẫn chưa rốt ráo, thập pháp giới từ đâu mà có? Từ Khởi tâm Động niệm mà có. Lục đạo luân hồi từ Chấp trước mà có, không Chấp trước thì không còn lục đạo nữa. Không Khởi tâm, không Động niệm thì không còn thập pháp giới nữa, không còn thập pháp giới mới là chân thật, phá mê khai ngộ. Cảnh giới nào hiện tiền? Pháp giới Nhất Chân hiện tiền. Nhất Chân chính là Thế giới Cực Lạc, Thế giới Hoa Tạng, Báo độ của chư Phật Như Lai. Nơi đó là tâm hiện, không có thức biến, cảnh giới do tâm hiện không có tướng sanh diệt, cảnh giới do A-lại-da biến hiện thì có sanh có diệt, có sanh có diệt là do Vọng tâm biến ra, không sanh không diệt là do Chân tâm biến ra. Cho nên, Thế giới Cực Lạc là do Chân tâm biến hiện, Thế giới Hoa Tạng là do Chân tâm biến hiện. Chúng ta phải dùng Chân tâm, tập quen dùng Chân tâm. Chân tâm là gì? Tuyệt đối không dối gạt người khác, tuyệt đối không thể chiếm một chút lợi ích của người khác, không thể chiếm được, là giả mà. Thấy sắc nghe tiếng, luyện công từ trong đó, như vậy gọi là tu hành. Tu gì vậy? Tu không chấp tướng, tu không động tâm, tu điều này. Tức là tu không Phân biệt, tu không Chấp trước, không Chấp trước thì tâm thanh tịnh hiện tiền, không Phân biệt thì tâm bình đẳng hiện tiền, không Khởi tâm không Động niệm thì Tự Tánh hiện tiền, giác hiện tiền.

Vì vậy, trước tiên phải lý giải được rốt cuộc vũ trụ là gì? Tin tưởng lời nói của Phật, Phật không nói một câu nào gạt người, cả vũ trụ là chính mình. Chính mình chỉ có một, chính mình chân thật là Tự Tánh. Chúng ta hiện nay có nhiều người như vậy, nhiều việc như thế, nhiều cảnh giới đến vậy, đều là do Tự Tánh biến hiện, giống như hình ảnh trên tivi vậy, tất cả hình ảnh là một thể, không thể chia cắt. Vì vậy, đối với tất cả người, đối với tất cả việc, dùng tình yêu thương của Chân tâm, chính là đại từ đại bi. Không có lý do, không có điều kiện thì gọi là đồng thể đại bi, vô duyên đại từ. Vô duyên tức là không điều kiện, vậy thì đúng rồi. Cho nên vào cảnh giới của Phật là vào toàn thể của cả vũ trụ, có được không? Được. Hiện tượng vật chất này là giả, hiện tượng vật chất có chướng ngại, có thể không cần hiện tượng vật chất. Chúng sanh ở cấp bậc cao trong sáu đường, Vô Sắc giới, Vô Sắc giới không cần thân thể, thân thể là hệ lụy, không cần, tự tại biết mấy! Cho nên trên trái đất, trong sáu đường, cấp cao nhất chính là thế giới tinh thần. Trời Sắc giới vẫn có hiện tượng vật chất, không còn dục vọng, không còn những thứ này, không có thất tình ngũ dục, không có tham sân si mạn nghi, nhưng nơi đó vẫn chưa thoát khỏi hình tướng của thân thể, cho nên gọi là trời Sắc giới, không có dục. Dưới trời Sắc giới là trời Lục Dục, những người trời ấy có dục, dục tao nhạt hơn chúng ta, càng lên cao thì càng nhạt, không còn dục nữa thì đến Sắc giới, không còn sắc nữa thì đến Vô Sắc giới, không còn Vô Sắc giới thì ra khỏi tam giới, ra khỏi lục đạo.

Phải làm rõ ràng, làm sáng tỏ về lý, đối với mọi việc trước mắt, tất cả người việc vật, tùy duyên mà không phan duyên. Tốt, thật sự làm được không tranh với người, không cầu nơi đời. Vì sao vậy? Vì những gì quý vị tranh giành và tìm cầu đều là giả, không có điều gì là thật, không cầu không tranh là thật. Ở thế gian này, mọi người đều dốc sức tranh giành, hết lòng mong cầu, những gì họ có được có phải là do tranh giành được, tìm cầu được hay không? Không phải, là do trong mạng quý vị có. Trong mạng không có mà thật sự có thể mong cầu được, có thể tranh giành được thì chư Phật Bồ-tát đều đi tranh giành, đều đi tìm cầu rồi, là giả, không cầu được. Những người đó như thế nào? Đều là người không hiểu rõ đạo lý nhân quả. Nhân quả là đạo lý rất dễ hiểu ở thế gian, không có gì sâu sắc. Mọi người thích của cải, của cải từ đâu mà có?  Phật nói với quý vị: từ bố thí tài mà có, quý vị tu bố thí tài, càng tu càng nhiều. Đại Lục Trung Hoa xem Phạm Lãi là thần tài. Thờ cúng thần tài là ai? Phạm Lãi. Thần tài thật, không phải là thần tài giả. Quý vị xem, sau khi ngài giúp Câu Tiễn khôi phục lại quốc gia, ngài rất thông minh, con người của Câu Tiễn thì có thể cùng nghèo hèn, chẳng thể cùng giàu sang, khi nghèo hèn thì ông là bạn tốt của quý vị, giàu sang rồi thì ông ấy hoài nghi quý vị, ngài biết. Vì vậy, quốc gia vừa được khôi phục thì ngài ẩn rồi, đi rồi, trốn rồi, đổi tên, dẫn theo Tây Thi, Tây Thi là vợ của ngài, mở tiệm buôn bán nhỏ, làm được ba năm thì phát tài lớn. Phát tài lớn thì thế nào? Bố thí, cứu giúp người nghèo khổ, bố thí hết tất cả. Lại bắt đầu từ việc làm ăn nhỏ, ba năm sau lại phát tài, tam tụ tam tán, càng bố thí càng nhiều. Ngài không tự mình hưởng thụ, ngài cho một số người nghèo khổ, người cần thiết, ngài đều giúp đỡ, thần tài thật sự. Bố thí pháp được thông minh trí huệ, bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu. Quý vị xem, người thế gian đều muốn ba điều này. Trong kinh Phật giảng rất hay, đó là thật, không phải là giả, việc đó có nhân, có quả. Bố thí tài là nhân, được của cải là quả, bố thí pháp là nhân, được thông minh trí huệ là quả; bố thí vô úy là nhân, khỏe mạnh trường thọ là quả. Quý vị xem, Phật dạy quý vị, chỉ cần quý vị gieo nhân thì quả báo hiện tiền, vì sao không làm? Tuyệt đối không nên nghĩ tôi phải chiếm hữu, tôi phải đạt được, như thế liền trở thành nghiệp, nghiệp này sẽ có quả báo, nghiệp thiện là ba đường thiện, nghiệp ác là ba đường ác.

Phật dạy chúng ta không tạo nghiệp luân hồi, phải tạo nghiệp Bồ-tát, nghiệp Bồ-tát là tất cả vì chúng sanh, không có điều gì là vì chính mình, các ngài đã siêu việt rồi. Thích Ca Mâu Ni Phật trụ thế 80 năm, Ngài biểu diễn cho chúng ta chính là chánh nghiệp của Bồ-tát, là tấm gương tốt của chúng ta, chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực. Hơn nữa Ngài còn dạy chúng ta chân thật lìa khổ được vui. Vì vậy, giáo học của Phật là dạy điều gì? Chúng ta phải biết, giáo học của Phật chỉ một câu nói: lìa khổ được vui. Chúng sanh quá khổ rồi, không có của cải, khổ; không thông minh trí huệ, khổ; không khỏe mạnh trường thọ khổ. Khổ có rốt ráo khổ, rốt ráo khổ là gì? Lục đạo, quý vị không ra khỏi lục đạo, quý vị không cách nào vĩnh viễn thoát khổ; muốn rốt ráo lìa khổ thì nhất định phải ra khỏi lục đạo luân hồi. Lục đạo là do ai tạo nên? Do chính mình tạo, tất cả nghiệp thiện và bất thiện tạo nên. Những nghiệp này đều có ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng nhất là ngã, có ngã chính là sự ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Vì vậy, vào cửa Phật giáo, buông xuống cái tôi thì vào cửa rồi. Quý vị xem Sơ quả Tu-đà-hoàn của Tiểu thừa, làm thế nào chứng được? Buông xuống năm quan niệm sai lầm thì chứng được quả. Năm quan niệm sai lầm, người thông thường nhìn nhận sai lầm, thứ nhất là thân thể, cho rằng thân là ta. Cho nên Phật dạy điều đầu tiên là phải buông xuống điều then chốt này, thân không phải là ta. Thân là gì? Thân là thứ ta sở hữu, như quần áo, bộ quần áo này là sở hữu của ta, dơ rồi thì thay bộ khác; thân thể không còn sử dụng được thì đổi một thân thể mới, vậy thì đầu thai, lại đến rồi. Cho nên thân không phải là ta, ta là không sanh không diệt, thân là có sanh có diệt. Có người nói, linh hồn có phải là ta không? Nó đầu thai, tôi chết rồi thì biến thành linh hồn, linh hồn biết đầu thai, linh hồn có phải là ta không? Hình như linh hồn là ta, nhưng vẫn không phải là ta chân thật, vì sao vậy? Nó mê hoặc điên đảo. Ta chân thật sẽ không đầu thai, thực tế mà nói thì ta chân thật không thể gọi là linh hồn, mà gọi là linh tánh. Hồn cũng là mê, mê hồn, làm gì linh được? Linh thì sao lại đầu thai làm ngạ quỷ, làm súc sanh, không linh, hoàn toàn nhẫm lẫn rồi. Cho nên nhất định phải biết điều này, linh tánh là ta, tánh là thanh tịnh, tánh không có ô nhiễm, tánh là bình đẳng, không có Phân biệt.

Vì vậy, Phật dạy cho chúng ta, tu hành trong khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, rời khỏi chỗ này thì không có nơi để tu. Tu hành ở ngay trong người, việc và vật, tu điều gì? Tu không Chấp trước, điều gì cũng tốt, ngài Hải Hiền làm tấm gương cho chúng ta, thật sự không có Phân biệt, không có Chấp trước. Những thức ăn mà ngài dùng, những y phục mà ngài mặc đều có thể được tâm an, vì sao vậy? Hiểu rõ đạo lý rồi, lý đắc thì tâm liền an, tâm an chính là điều tốt đẹp nhất. Vì sao vậy? Nhà khoa học biết, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, tâm của chúng ta tốt thì điều gì cũng tốt, thức ăn cũng là tốt, y phục mặc cũng là tốt. Chúng ta ăn thức ăn, người có Phân biệt ăn vào là đắng, người không có Phân biệt ăn vào là ngọt, vì sao vậy? Vì chính mình chuyển biến cảnh giới bên ngoài rồi. Người có Phân biệt thì mặc áo rách [thấy] rất khó chịu; người hiểu rõ thì mặc áo rách đẹp vô cùng, khác nhau hoàn toàn, dùng tâm để chuyển biến hoàn cảnh vật chất. Vì sao Thế giới Cực Lạc tốt như vậy? Không có điều gì khác, mỗi người đến Thế giới Cực Lạc đều là chánh niệm, không có tà niệm, không có ô nhiễm, họ nhờ giác chánh tịnh mà đến, họ vãng sanh đều là nhờ vào thanh tịnh bình đẳng giác mà đi, tâm niệm tốt nhất, cho nên Thế giới đó gọi là Cực Lạc. Cư dân trên trái đất của chúng ta hiện nay, nếu hiểu rõ đạo lý này thì chúng ta thay đổi tất cả ý niệm bất thiện, trái đất sẽ trở thành Thế giới Cực Lạc.

Cho nên phải dạy, sự nghiệp nào vĩ đại nhất? Dạy học. Quý vị xem trong Kinh Di Đà, đức Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta, A Di Đà Phật ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc 今現在說法 “kim hiện tại thuyết pháp” (nay đang thị hiện thuyết pháp), Ngài ở đó dạy học không gián đoạn. Thế giới Cực Lạc rất thù thắng, Thế giới Cực Lạc không có tổ chức chính trị, không có quốc vương, không có tổng thống, trong kinh không nói những điều này, không có tổ chức hành chính. Nơi đó có gì? Nơi đó có thầy, có học trò, đó là một trường học lớn. Người vãng sanh từ mười phương thế giới đều đến đó để cầu học, thầy là A Di Đà Phật, Bồ-tát là lớp Cao cấp, A-la-hán là lớp Trung cấp, lục đạo chúng ta vãng sanh đến đó là lớp Sơ cấp. Ba lớp ấy, lớp Sơ cấp là Phàm Thánh Đồng Cư độ, lớp Trung cấp là Phương Tiện Hữu Dư độ, lớp Cao cấp là Thật Báo Trang Nghiêm độ. Điều đặc biệt hơn, ba lớp này cùng nhau lên lớp, thật tuyệt diệu! Cho nên đó là pháp bình đẳng, ở đó không nhìn thấy sự so sánh, không nhìn thấy, hoàn toàn là bình đẳng, tướng mạo bình đẳng, phần sau chúng ta có thể đọc được, thể chất bình đẳng, đều là thân tử ma chân kim sắc, tướng hảo viên mãn đến tột cùng. Thân của A Di Đà Phật có 84 ngàn tướng, mỗi tướng có 84 ngàn vẻ đẹp, mỗi một vẻ đẹp phóng 84 ngàn quang minh, trong mỗi ánh quang minh đều nhìn thấy chư Phật Bồ-tát giảng kinh dạy học ở trong đó. Nhìn thấy được cả vũ trụ trong thân tướng rồi. Hơn nữa, tuy là có ba cấp bậc, có trời người, có Nhị thừa, có Bồ-tát, có ba cấp bậc này, nhưng trên thực tế, A Di Đà Phật dùng nguyện lực, 48 nguyện đã giữ cho công bằng ba cấp bậc này. Việc này, trong tất cả cõi nước của chư Phật mười phương không có, chỉ Thế giới Cực Lạc mới có, chúng ta phải biết điểm này. Đây là A Di Đà Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật, chỉ dạy chúng ta, đời này lựa chọn Thế giới Cực Lạc. Bất luận tu Pháp môn nào cũng không quan trọng, phương hướng và mục tiêu của ta là Thế giới Cực Lạc, là thân cận A Di Đà Phật. Trong kinh này đã nói rất rõ ràng, người chuyên tu có thể vãng sanh, không phải người chuyên tu cũng có thể vãng sanh, đó là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Trong tất cả kinh Phật, đều không có cách nói này, chỉ kinh này đặc biệt. Điều kiện vãng sanh là bốn chữ; tín, không có chút nghi ngờ, thật tin; thật nguyện, nhất tâm chính là mong muốn cầu sanh Thế giới Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật, có tín nguyện như vậy thì đạt được điều kiện vãng sanh. Phẩm vị cao thấp khi đến Thế giới Cực Lạc, chính là [do] sự sâu cạn của công phu niệm Phật, như phần trước chúng tôi nói, nếu niệm đến công phu Thành phiến, vãng sanh Đồng Cư độ; niệm đến Sự Nhất tâm Bất loạn, vãng sanh Phương Tiện độ; niệm đến Lý Nhất tâm Bất loạn, vãng sanh Thật Báo độ. Điều này là thật, trong kinh nói rất rõ ràng. Nhưng trong 48 nguyện nói rõ với chúng ta, tuy có phân chia, nhưng trên thực tế thì Đồng Cư độ, Phương Tiện độ được sự gia trì từ 48 nguyện của A Di Đà Phật; trí huệ, thần thông, đạo lực của người vãng sanh cùng với Pháp thân Bồ-tát trong Thật Báo độ không khác biệt, họ đều đạt được, 皆作阿惟越致菩薩“giai tác A-duy-việt-trí Bồ-tát” (đều làm A-duy-việt-trí Bồ-tát). Điều này thật tuyệt vời! Nói cách khác, sanh đến thế giới Cực Lạc, cho dù là Hạ hạ phẩm vãng sanh, nhưng sau khi đến Thế giới Cực Lạc, những gì quý vị hưởng thụ là sự đãi ngộ của Thượng thượng phẩm.

Chúng ta tin Phật không nói lời giả dối, lời Phật là chân thật, sẽ không dối gạt mọi người, không phải là dụ hoặc chúng ta, mà là chân tướng sự thật. Chúng ta phải tin, chúng ta phải tranh thủ, siêu việt ngay trong đời này, không tiếp tục làm chuyện luân hồi, không tiếp tục làm chuyện ngu si này nữa, chiếm tất cả làm của riêng là việc làm ngu si, không có chính mình. Ở thế gian này, hết thảy đều tùy duyên, hết thảy đều thật sự tùy duyên thì chư Phật Bồ-tát sắp xếp cho quý vị tất cả [mọi việc], chính mình không cần bận tâm. Bồ-tát sắp xếp cho chúng ta, thuận cảnh cũng thuận theo được, nghịch cảnh cũng thuận theo được, đều rất hoan hỷ. Thuận cảnh không có tham luyến, nghịch cảnh không có oán hận, tâm luôn luôn thanh tịnh bình đẳng giác là được! Đây là chân thật tu hành. Mỗi phút mỗi giây đều tràn đầy pháp hỷ, đi đứng nằm ngồi thì trong tâm chỉ một câu A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra thì không có ý niệm nào khác.

Bản hội tập này thật sự hiếm có, là tinh yếu trong năm bản dịch, hết thảy đều nằm trong đây, không thiếu sót, 十念必生、國無女人、蓮花化生 “thập niệm tất sanh, quốc vô nữ nhân, liên hoa hóa sanh” (mười niệm chắc chắn vãng sanh, cõi nước không có người nữ, hóa sanh trong hoa sen) hết thảy đều nằm trong bản kinh này. 復妙攝各願精要 “Phục diệu nhiếp các nguyện tinh yếu” (Lại khéo chọn lấy sự tinh yếu của các nguyện), trong năm bản dịch gốc, văn trong lời nguyện rất dài, ngài rút gọn rồi, dùng ít chữ nhất, nhưng giữ lại đầy đủ ý nghĩa, đây là 以少文而顯多義 “dĩ thiểu văn nhi hiển đa nghĩa” (dùng văn ít mà hiển bày nhiều nghĩa). Ví dụ như, tiếp theo nêu ra ví dụ, 《魏譯》第三十八願 “Ngụy Dịch đệ tam thập bát nguyện” (Nguyện thứ 38 trong bản Ngụy Dịch), quý vị xem nguyện văn trong đó, 設我得佛,國中天人,欲得衣服,隨念即至。如佛所讚應法妙服,自然在身。有求裁縫搗染洗濯者,不取正覺 “thiết ngã đắc Phật, quốc trung thiên nhân, dục đắc y phục, tùy niệm tức chí. Như Phật sở tán ứng pháp diệu phục, tự nhiên tại thân. Hữu cầu tài phùng đảo nhiễm tẩy trạc giả, bất thủ Chánh-giác” (nếu con thành Phật, tri người trong cõi nước mun được y phc, thì tùy theo ý mình mà hin đến. Y phc đp phù hp vi pháp như Pht ca ngi, t nhiên trên thân. Nếu có người cn phi may vá, đp nhum, git giũ thì con không gi ngôi Chánh giác). Dài như vậy. 第二十四願曰:設我得佛,國中菩薩在諸佛前,現其德本。諸所求欲供養之具,若不如意者,不取正覺。《魏譯》此兩願顯衣服與供具之如意。但缺飯食如意。如《漢譯》第二十三願,(《吳譯》為第十四願)曰:我作佛時,我國諸菩薩欲飯時 “Đệ nhị thập tứ nguyện viết: Thiết ngã đắc Phật, quốc trung Bồ-tát tại chư Phật tiền, hiện kỳ đức bổn. Chư sở cầu dục cúng dường chi cụ, nhược bất như ý giả, bất thủ Chánh-giác. Ngụy Dịch thử lưỡng nguyện hiển y phục dữ cúng cụ chi như ý. Đãn khuyết phạn thực như ý. Như Hán Dịch đệ nhị thập tam nguyện, (Ngô Dịch vi đệ thập tứ nguyện) viết: Ngã tác Phật thời, ngã quốc chư Bồ-tát dục phạn thời” (Nguyện thứ 24 nói: Nếu con thành Phật, Bồ-tát trong cõi nước ở trước chư Phật, hiện đức bổn của mình. Những vật phẩm mong muốn để cúng dường, nếu không như ý thì con không giữ ngôi Chánh giác. Hai nguyện này của bản Ngụy Dịch nói lên sự như ý của y phục và vật phẩm cúng dường. Nhưng lại thiếu sự như ý của ăn uống. Như nguyện thứ 23 của bản Hán Dịch, (trong bản Ngô Dịch là nguyện thứ 14) nói: Khi con làm Phật, lúc chư Bồ-tát trong nước con muốn ăn), tức là muốn ăn cơm, 則七寶缽中,生自然百味飯食在前。食已,缽皆自然去。不爾者,我不作佛。(於此又可見魏唐之四十八願,實不足四十八也。)今此會本,攝集以上三願為:我作佛時,生我國者,所需飲食、衣服、種種供具,隨意即至,無不滿願 “tắc thất bảo bát trung, sanh tự nhiên bách vị phạn thực tại tiền. Thực dĩ, bát giai tự nhiên khứ. Bất nhĩ giả, ngã bất tác Phật. (Ư thử hựu khả kiến Ngụy Đường chi tứ thập bát nguyện, thật bất túc tứ thập bát dã). Kim thử hội bản, nhiếp tập dĩ thượng tam nguyện vi: Ngã tác Phật thời, sanh ngã quốc giả, sở nhu ẩm thực, y phục, chủng chủng cúng cụ, tùy ý tức chí, vô bất mãn nguyện” (thì trong bát bằng bảy báu, t nhiên sanh ra trăm v món ăn hin trước. Ăn xong, bát đu t nhiên biến mt. Nếu không như thế thì con không làm Pht. (T đây li có th thy được 48 nguyn trong bn Ngy Dch và Đường Dch tht s không đ 48). Nay bn hi tp này, thu thp li ba nguyn trên thành: Khi con thành Pht, người sanh đến cõi nước con, mi th cn dùng như món ăn thc ung, y phc, đ các vt phm cúng dường đu theo ý mà hin đến, đu được toi nguyn). Lời văn này đơn giản, hòa tất cả những điều trên vào rồi. 可見會本,文約義豐 “Khả kiến hội bản, văn ước nghĩa phong” (Có thể thấy bản hội tập, lời văn ngắn gọn mà nghĩa phong phú), thật sự hội tập rất hay, 諸譯所具之彌陀勝願,備顯無遺。是以近世諸賢,公認此為善本,良有以也 “chư dịch sở cụ chi Di Đà thắng nguyện, bị hiển vô di. Thị dĩ cận thế chư Hiền, công nhận thử vi thiện bổn, lương hữu dĩ dã” (nguyện thù thắng của đức Di Đà có trong các bản dịch, đều hiển bày đầy đủ không thiết sót. Vì vậy chư Hiền nhân thời cận đại, công nhận đây là thiện bản, thật là có lý). Những câu này là lời nói của Hoàng Niệm lão, cũng là lời chân thật.

Khi bản này mới xuất hiện, có một số Đại đức xuất gia và tại gia, nhìn thấy đều tán thán, thật sự là bản kinh hay. Chúng tôi vì muốn mọi người sanh khởi tín tâm, đặc biệt tập hợp năm bản dịch gốc bằng tiếng Trung của Kinh Vô Lượng Thọ, bản hội tập của Vương Long Thư, bản hội tập của Ngụy Mặc Thâm, còn có bản tiết giảo của Cư sĩ Bành Nhị Lâm, với bản hội tập của Hạ lão, tổng cộng chín bản kinh, in thành một quyển, mọi người có thể xem toàn bộ. Chín bản kinh đều ở trước mặt quý vị, chọn dùng bản nào cũng có thể vãng sanh Thế giới Cực Lạc, không có cao thấp, vì sao vậy? Vì điều kiện vãng sanh chỉ là tín nguyện trì danh, câu này thì trong bản kinh nào cũng có, đều đề xướng. Đối với việc học của quý vị, quý vị tự xem, quý vị thích bản kinh nào nhất thì quý vị chọn bản kinh đó, không cần kinh này dày kinh kia mỏng, không cần thiết phải phê bình. Bản kinh nào cũng hay, đều do Phật nói. Năm xưa, Phật thuyết pháp không phải là nói một lần, mà nhiều lần. Chúng ta biết Phật thuyết pháp không có bản thảo, cũng không có đại cương, Phật hoàn toàn lưu lộ từ Tự Tánh. Vì sao lại khác biệt? Vì thính chúng khác nhau, thời tiết nhân duyên khác nhau, địa điểm khác nhau, thì thuyết pháp khác nhau. Ví như chúng ta ở đây học Kinh Vô Lượng Thọ, cách học ở Hong Kong là như vậy, ở Đại Lục Trung Quốc thì lại khác, quý vị đến Nhật Bản thì càng không thể giống được. Đến nước ngoài, đến bất kỳ nước nào, nhân dân của quốc gia nào, văn hóa của họ, cách nhìn cách nghĩ của họ cũng khác nhau, nếu quý vị không theo ý họ thì họ không thể tiếp nhận. Vì vậy, tại sao Phật tuyên thuyết nhiều lần, đạo lý ở chỗ này. Diện tích lãnh thổ của Ấn Độ rất lớn, vào thời đó không đoàn kết, rất nhiều nước nhỏ, giống như thời Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Hoa vậy, ở khu vực nào thì phải phù hợp với văn hóa và đời sống của nhân dân ở khu vực đó, mọi thứ đều phải suy nghĩ đến, đều phải cân nhắc, tự nhiên không như nhau. Chúng ta cần phải thể hội được điều đó. Vì vậy, khi kết tập kinh tạng, làm bản hội tập là đúng đắn. Tạng Kinh của chúng ta được phiên dịch từ tiếng Phạn, khi phiên dịch có hội tập không? Có, bản đầu tiên chính là bản hội tập. Bản đầu tiên, [nội dung] trong đó đều do Phật nói, nhưng có phải là một bộ kinh không, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, chính là 42 đoạn trích lục từ kinh Đại thừa Tiểu thừa, đó chính là bản hội tập. Cho nên có người đề xướng không thể hội tập, đó là cách nhìn của bản thân họ, trên thực tế, Pháp sư dịch kinh đã dùng phương pháp này từ rất sớm, thời xưa gọi là hợp kinh, tập hợp lại, hợp kinh, chính là bản hội tập hiện nay.

Đây là giới thiệu phẩm đề của phẩm này, tiếp theo là kinh văn chính thức, chúng ta xem kinh văn, 陳說請聽 “trần thuyết thỉnh thính” (trình bày rõ xin mời nghe). Đức Phật dặn dò Bồ-tát Pháp Tạng, đem kinh nghiệm tu học của Ngài, nêu ra báo cáo trong đại hội:

【法藏白言。唯願世尊。大慈聽察。】 “Pháp Tạng bạch ngôn: Duy nguyện Thế Tôn, đại từ thính sát” (Pháp Tạng bạch rằng: Ngưỡng mong Thế Tôn, đại từ nghe và xem xét).

Chú Giải của Niệm lão, 聽者,耳聞也。察者,心中審思也。《會疏》曰:如來聽其說明,照察丹誠,故云聽察。故經義為法藏菩薩請求世尊,垂慈於我,聽我所說,鑒我誠心 “thính giả, nhĩ văn dã. Sát giả, tâm trung thẩm tư dã. Hội Sớ viết: Như Lai thính kỳ thuyết minh, chiếu sát đan thành, cố vân thính sát. Cố kinh nghĩa vi Pháp Tạng Bồ-tát thỉnh cầu Thế Tôn, thùy từ ư ngã, thính ngã sở thuyết, giám ngã thành tâm” (thính là tai nghe. Sát là suy xét trong tâm. Sách Hội Sớ nói: Như Lai nghe Ngài nói rõ, soi xét sự chân thành, nên gọi là thính sát. Vì vậy, nghĩa kinh là Bồ-tát Pháp Tạng thỉnh cầu đức Thế Tôn, rủ lòng từ thương xót con, nghe những gì con nói, xem xét tâm thành của con). Tiếp theo là Pháp Tạng Bồ-tát trình bày đại nguyện đã phát khởi, đây chính là bản kinh này hội tập, 24 chương, 48 nguyện, đem các bản dịch gốc đều tập hợp vào trong đây. Phần trước là 總說 “tổng thuyết” (nói chung).

【我若證得無上菩提。成正覺已。所居佛剎。具足無量不可思議功德莊嚴。】 Ngã nhược chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, thành Chánh giác dĩ, sở cư Phật sát, cụ túc vô lượng bất khả tư nghị công đức trang nghiêm” (Nếu con chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, thành Chánh giác rồi, cõi Phật con ở đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm không thể nghĩ bàn).

Cây này là tổng thuyết. 首四句,總括全部大願 “Thủ tứ cú, tổng quát toàn bộ đại nguyện” (Bốn câu đầu, tổng quát toàn bộ đại nguyện), chính là 48 nguyện. 願我成佛時,所居之佛剎,具足無量(無法以數量表示)勝妙功德 “Nguyện ngã thành Phật thời, sở cư chi Phật sát, cụ túc vô lượng (vô pháp dĩ số lượng biểu thị) thắng diệu công đức” (Nguyện khi con thành Phật, cõi Phật con ở đầy đủ vô lượng (không cách nào dùng số lượng nói rõ) công đức thù thắng vi diệu), công đức thù thắng vi diệu, 具足無量清淨莊嚴 “cụ túc vô lượng thanh tịnh trang nghiêm” (đầy đủ vô lượng thanh tịnh trang nghiêm). Câu tổng thuyết này rất quan trọng, vì sao vậy? Đó thật sự có thể giúp chúng ta, dẫn dắt chúng ta phát tâm hướng đến cầu sanh Thế giới Cực Lạc. 具足者 “Cụ túc giả” (Đầy đủ), nghĩa là viên mãn, đầy đủ vô lượng thanh tịnh trang nghiêm, tức là viên mãn vô lượng thanh tịnh trang nghiêm. 周遍含攝,無欠無餘,故云具足 “Chu biến hàm nhiếp, vô khiếm vô dư, cố vân cụ túc” (Bao gồm tất cả, chẳng thiếu chẳng dư, nên gọi là đầy đủ). Sự đầy đủ này là nói, vô lượng vô biên cõi nước của chư Phật trong mười phương ba đời, chân thiện mỹ hảo trong những cõi ấy, Tỳ-kheo Pháp Tạng đều tiếp nạp toàn bộ, những chỗ thiếu sót trong cõi nước chư Phật, Ngài đều từ bỏ không cần, chúng ta có thể thấy được trong lời nguyện. Như thế giới này của chúng ta, đương nhiên Ngài cũng đã nhìn thấy, thế giới này có ba đường ác, có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, có A-tu-la, có La-sát, có đủ mọi sự ô nhiễm bất thiện, Ngài thảy đều không cần; thế gian chúng ta có điều tốt, giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân quả, giáo dục Thánh Hiền, đây là điều tốt, điều thiện, [ở] Thế giới Cực Lạc đều có. Cho nên nguyện thứ nhất của Ngài chính là 國無惡道 “quốc vô ác đạo” (cõi nước không có đường ác). Như thế giới của chúng ta, rất nhiều cõi nước của chư Phật cũng gần như vậy, tức là đều có sáu đường, đều có mười pháp giới. Cõi nước Phật thanh tịnh không có sáu đường, mười pháp giới, có thế giới như vậy không? Có, nhưng không nhiều, đa số vẫn là gần giống như nơi này của chúng ta. Vì vậy, đây là điều chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Tiếp theo, vì sao chọn lựa Thế giới Tây Phương Cực Lạc? Điều này vô cùng quan trọng.

Đầy đủ, 周遍含攝,無欠無餘 “chu biến hàm nhiếp, vô khiếm vô dư” (bao gồm tất cả, chẳng thiếu chẳng dư), đây gọi là đầy đủ. 所具功德與莊嚴皆不可思議,超情離見 “Sở cụ công đức dữ trang nghiêm giai bất khả tư nghị, siêu tình ly kiến” (Công đức và sự trang nghiêm có được đều không thể nghĩ bàn, vượt tình lìa kiến), không phải là điều mà phàm phu chúng ta có thể tưởng tượng được, 非思量分別之所能知,非語言文字之所能表,故曰不可思議。《華嚴經》獨明事事無礙之不可思議境界,一多相即、小大相容、廣狹自在、延促同時、重重無盡、圓明具德等等 “Phi tư lượng phân biệt chi sở năng tri, phi ngôn ngữ văn tự chi sở năng biểu, cố viết bất khả tư nghị. Hoa Nghiêm Kinh độc minh Sự Sự Vô Ngại chi bất khả tư nghị cảnh giới, nhất đa tương tức, đại tiểu tương dung, quảng hiệp tự tại, diên xúc đồng thời, trùng trùng vô tận, viên minh cụ đức đẳng đẳng” (chẳng phải nhờ vào suy lường – phân biệt mà biết được, chẳng phải nhờ vào ngôn ngữ văn tự mà biểu đạt được, nên gọi là không thể nghĩ bàn. Chỉ riêng Kinh Hoa Nghiêm nói rõ cảnh giới Sự Sự Vô Ngại không thể nghĩ bàn, nhất đa tương tức, đại tiểu tương dung, rộng hẹp tự tại, dài ngắn đồng thời, trùng trùng vô tận, viên minh cụ đức, v.v…), nói tường tận chính là Thập Huyền môn của Hoa Nghiêm, phần phán giáo ở trước đã nói. 今經阿彌陀佛即是毘盧遮那如來,極樂淨土何異華藏世界。極樂依正舉體是事事無礙不可思議境界,一一圓具無盡玄門,故曰具足無量不可思議功德莊嚴。由於具足無量不可思議功德,故能令眾生,聞名得福,聞名發心,十念必生,逕登不退 Kim kinh A Di Đà Phật tức thị Tỳ Lô Giá Na Như Lai, Cực Lạc Tịnh độ hà dị Hoa Tạng Thế giới. Cực Lạc Y Chánh cử thể thị Sự Sự Vô Ngại bất khả tư nghị cảnh giới, nhất nhất viên cụ vô tận Huyền môn, cố viết cục túc vô lượng bất khả tư nghị công đức trang nghiêm. Do ư cụ túc vô lượng bất khả tư nghị công đức, cố năng linh chúng sanh, văn danh đắc phước, văn danh phát tâm, thập niệm tất sanh, kính đăng bất thoái” (Trong kinh này, A Di Đà Phật chính là Tỳ Lô Giá Na Như Lai, Tịnh độ Cực Lạc nào khác Thế giới Hoa Tạng. Y báo Chánh báo ở Cực Lạc, tất cả đều là cảnh giới Sự Sự Vô Ngại không thể nghĩ bàn, mỗi mỗi đều tròn đầy vô tận Huyền môn, nên nói là đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm không thể nghĩ bàn. Bởi vì đầy đủ vô lượng công đức không thể nghĩ bàn nên có thể khiến cho chúng sanh nghe danh được phước, nghe danh phát tâm, mười niệm chắc chắn vãng sanh, thẳng lên ngôi bất thoái). Câu nào cũng là lời chân thật. Vì vậy, trong đời này của chúng ta vô cùng may mắn, có thể được thân người, gặp Phật Pháp, có thể gặp được Tịnh tông, gặp được bản hội tập và bộ tập chú này của Tịnh tông, thật sự là vô cùng hiếm có khó được. Nhất định phải nắm chắc cơ hội này, tuyệt đối không thể buông lơi, vãng sanh Thế giới Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật. Làm Phật là thật, phải ghi nhớ câu nói này của ngài Hải Hiền, còn lại đều là giả, giả thì tùy duyên là được, đừng xem là thật, xem là thật thì sanh phiền não, sai rồi. Thời gian hôm nay đã hết, chúng ta học tập đến đây thôi.

 

(Hết tập 167)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Sớm viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trả lời 0