ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM KINH
Phẩm thứ 14: Kệ Tán Thán Trên Đỉnh Núi Tu Di
Tập 2005
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Giảng tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông
Thời gian: Ngày 11 tháng 11 năm 2008
Dịch giả: Phật tử Diệu Huệ
Giảo chánh: Thích Thiện Trang.
Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời xem 「須彌頂上偈讚品第十四」“Tu Di Đỉnh Thượng Kệ Tán Phẩm Đệ Thập Tứ“ (Phẩm 14: Kệ Tán Thán Trên Đỉnh Núi Tu Di), mời xem đoạn kinh văn thứ chín「無上慧菩薩」 “Vô Thượng Huệ Bồ-tát“ (Bồ-tát Vô Thượng Huệ), bắt đầu xem từ bài kệ thứ hai. Trước tiên chúng ta đọc một lần kinh văn:
【諸佛所得處。無作無分別。粗者無所有。微細亦復然。】“Chư Phật sở đắc xứ. Vô tác vô phân biệt. Thô giả vô sở hữu. Vi tế diệc phục nhiên (Chỗ đắc của chư Phật, Vô tác vô phân biệt, Thô thì không sở hữu, Vi tế cũng như thế).
20 chữ của bài kệ này, nội dung đoạn này sâu rộng vô tận, cũng nói ra chân tướng của vũ trụ vạn hữu. Trong giáo lý Đại thừa có một câu rất đơn giản, nhiều đồng học đều có thể nói ra được, đó là 「萬法皆空」“vạn pháp giai Không” (vạn pháp đều là Không), bốn chữ này giải thích tất cả các pháp đều là Không. Trong Tâm Kinh đã nói 「無智亦無得」“Vô trí diệc vô đắc” (Không có trí cũng không có chứng đắc). Đây là nói đến chỗ cứu cánh chân thật. Thế nào là vô trí, vô đắc, bốn chữ này nói được rất rõ ràng. Đại sư Thanh Lương nói với chúng ta, trong tám bài kệ này, sáu bài kệ phía trước là nói 「內證」 “Nội chứng”. Đây là bài thứ nhất của nội chứng, cũng chính là Minh tâm Kiến tánh được nói trong Thiền tông, là Đại khai Viên giải được nói trong Giáo hạ, trong Tịnh Độ tông chúng ta gọi là Lý nhất tâm Bất loạn. Danh từ thuật ngữ trong các tông phái khác nhau thì không giống nhau, thế nhưng nội dung đều là một sự việc, chúng ta tóm lại phải rõ ràng điều này. Bài kệ này trong Chú Giải, Đại sư Thanh Lương nói với chúng ta 「正明證入」 “Chính minh chứng nhập” (chính thức nói rõ chứng nhập), chính là chính thức, minh là rõ ràng, rất là sáng tỏ, các ngài chứng nhập rồi. Chứng nhập như thế nào? Đây chính là Minh tâm Kiến tánh, Kiến tánh thành Phật.
Trong bài kệ này, trước đây chúng ta đã học trong hai giờ đồng hồ, 『諸佛所得處』“Chư Phật sở đắc xứ” (Chỗ đắc của chư Phật), thành Phật, thành Phật là đắc đạo, người thế gian chúng ta nói là đắc đạo rồi, thành tựu Phật đạo rồi. Chỗ các Ngài đạt được là gì? 「處」“Xứ“ chính là Bồ-đề Niết-Bàn. Bồ-đề là gì? Niết-Bàn là gì? Khi Lục tổ Đại sư Huệ Năng khai ngộ, ngài Minh tâm Kiến tánh rồi, ngài nói ra năm câu nói, câu thứ nhất chính là Bồ-đề, câu thứ hai là Niết-Bàn. Câu thứ nhất ngài nói như thế nào? 「何期自性,本自清淨」“Hà kỳ Tự Tánh, bổn tự thanh tịnh” (Nào ngờ Tự Tánh: vốn tự thanh tịnh). Bồ-đề là tiếng Phạn, phiên dịch sang tiếng nước ta nghĩa là giác, thanh tịnh là giác, ô nhiễm là bất giác, ngài nói ra Tự Tánh của chúng ta là thanh tịnh. Nào ngờ Tự Tánh vốn tự thanh tịnh, có ô nhiễm không? Không có, xưa nay không ô nhiễm, quá khứ không ô nhiễm, hiện tại cũng không ô nhiễm, tương lai vẫn là không ô nhiễm. Tâm thanh tịnh sanh trí huệ, gọi là Bồ-đề. Không có ô nhiễm, tại sao chúng ta ngày nay biến ra thành như vầy? Hai câu phía sau nói đến Thô và Tế, Thô là gì? Là Lục Thô, Tế là Tam Tế. Không có Tam Tế Lục Thô, ô nhiễm từ đâu mà có? Đây chính là phiền phức của chúng ta hiện nay, phiền phức ở chỗ chúng ta đều có hết thảy Tam Tế Lục Thô.
Tam Tế Lục Thô là gì? Vọng tưởng, Phân biệt, Chấp trước, đây là chúng ta trước kia trong một khóa học, đã nói được rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Tam Tế Tướng là Vọng tưởng, là Khởi tâm Động niệm, Lục Thô là Phân biệt Chấp trước. Bốn điều trước của Lục Thô là Phân biệt, hai điều sau, tức là Khởi nghiệp tướng, Nghiệp hệ Khổ tướng là Chấp trước. Cho nên từ Tam Tế Lục Thô là nói được rõ ràng hơn, sáng tỏ hơn. Không có! Không có, [nhưng] chúng ta cho là có, không chỉ cho là có, mà chúng ta còn chấp trước đó là chân thật có, vậy phiền phức lớn rồi, chính là sai tại chỗ này. Nhưng bất kể là quý vị cho rằng thế nào, chấp trước thế nào, đó đều là giả, đó không phải thật. Nếu khi nào quý vị rõ ràng, Tam Tế Tướng là gì? Tam Tế Tướng là huyễn tướng trong Tự Tánh, không để ý đến nó, thì không việc gì. Cho nên trong giáo lý Đại thừa chúng ta thường thấy đức Phật và Tổ sư giảng, nói những chúng sanh chúng ta đây,「真如不守自性」“Chân Như bất thủ Tự Tánh” (Chân Như không giữ Tự Tánh). Đây chính là nói một niệm bất giác thì có Vô minh. Vì sao lại có Vô minh? Do bởi Chân Như bất thủ Tự Tánh. Câu nói này có hai nghĩa, hai tầng ý nghĩa. Thứ nhất là nói đến căn bản, Tam Tế là sóng giao động vô cùng vi tế, ngày hôm qua chúng ta đã nói rất rõ ràng.
Chúng ta xem đối thoại của Bồ-tát Di Lặc cùng với Thế Tôn. Đức Thế Tôn hỏi Bồ-tát Di Lặc, phàm phu chúng ta hay nói một niệm, khởi lên một ý niệm, ý niệm này rất thô, đức Thế Tôn hỏi Bồ-tát Di Lặc, trong một ý niệm có bao nhiêu niệm? Đó là [nói] niệm vi tế. Niệm này của chúng ta là niệm thô, một niệm này là niệm thô. Trong một niệm thô này có bao nhiêu niệm vi tế? Có bao nhiêu hình? Có bao nhiêu thức? Hình là hiện tượng vật chất, thức là hiện tượng tinh thần. Bồ-tát Di Lặc trả lời: 「一彈指」“Nhất đàn chỉ“ (một búng ngón tay), một búng ngón tay là một niệm thô, trong một búng ngón tay 「有三十二億百千念」”hữu tam thập nhị ức bá thiên niệm“ (có 32 ức trăm ngàn niệm), bá thiên là mười vạn, 32 ức nhân 10 vạn là 320 ngàn tỉ. Quý vị xem một ý niệm thô của chúng ta, một ý niệm: phân tích ra được, trong đây phân chia thành niệm vi tế, chính là niệm vi tế của A-lại-da nói. Niệm vi tế của Tam Tế Tướng, có 320 ngàn tỉ niệm vi tế. Chúng ta thông thường [nói] búng ngón tay, thử nhìn một giây đồng hồ, một giây đồng hồ có thể búng bốn lần, lại nhân bốn, hiện tại dùng một giây đồng hồ làm đơn vị, một giây đồng hồ có bao nhiêu niệm vi tế? Tức là có 1 triệu 280 ngàn tỉ niệm vi tế. Bồ-tát Di Lặc nói rất hay,「念念成形,形皆有識」”niệm niệm thành hình, hình giai hữu thức“ (mỗi niệm thành hình, hình đều có thức). Mỗi niệm thành hình, hình này là tướng sau cùng trong Tam Tế Tướng của A-lại-da, gọi là Cảnh giới tướng. Cảnh giới tướng là gì? Vật chất, ngày nay chúng ta gọi là vũ trụ, ý niệm vừa động, vũ trụ liền xuất hiện rồi, cho nên nói vũ trụ từ đâu sanh ra. Vũ trụ vừa xuất hiện, Y báo cũng xuất hiện rồi, hình đều có thức. Thức là gì? Chánh báo xuất hiện, thức không phải là người khác, thức là ta, ta từ đâu tới? Ta và vũ trụ đồng thời phát sanh ra, đều là huyễn tướng từ trong Tự Tánh, không quan tâm đến nó thì không sao. Không quan tâm, loại hiện tượng này là gì vậy? Loại hiện tượng này, chính là Tịnh Độ tông chúng ta thường nói, là Thật Báo Trang Nghiêm độ của chư Phật Như Lai. Trong Thật Báo Trang Nghiêm độ có Tam Tế Tướng, không có Lục Thô. Lục Thô ở đâu? Lục Thô ở trong Thập Pháp giới, trong lục đạo, đây là nói ra nguồn gốc căn bản của vũ trụ rồi.
Ta từ đâu tới? Thiền tông có tham thoại đầu, tham [rằng]「父母未生前本來面目」“phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục” (tướng mạo trước khi cha mẹ sanh ra), lúc đầu cha mẹ chưa sanh ra, tướng mạo của chúng ta như thế nào? Tướng mạo có sẵn là Tự Tánh tâm thanh tịnh, đó chính là tướng mạo sẵn có. Trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán nói như thế nào? Nhất thể, 「自性清淨圓明體」“Tự Tánh thanh tịnh viên minh thể“. Nói một câu, Đại sư Huệ Năng nói ra năm câu. Nói cho quý vị biết, năm câu này cùng với một câu trên có ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Tự Tánh, Lục tổ nói Tự Tánh, Tự Tánh thanh tịnh. Quý vị thấy có thanh tịnh. Viên là viên mãn, không sanh không diệt là viên mãn, vốn tự đầy đủ là viên mãn, vốn không dao động là viên mãn, có thể sanh vạn pháp cũng là viên mãn. Câu đó còn có chữ minh, minh là gì? Minh là Tự Tánh giác, là thanh tịnh khởi tác dụng, đó là minh, đó chính là Bồ-đề. Cho nên Lục tổ nói năm câu, trong Hoàn Nguyên Quán nói một câu, Tự Tánh thanh tịnh viên minh thể. Huyễn tướng được phát sanh trước mắt này, trong Hoàn Nguyên Quán nói rất rõ ràng, từ nhất thể khởi nhị dụng, đã khởi lên hai loại tác dụng, khởi như thế nào? Chính là Chân Như không giữ Tự Tánh, đó là ý nghĩa thứ nhất của Chân Như bất thủ Tự Tánh. Đã khởi lên một chút sóng dao động vô cùng vi tế, đây là vô cùng vi tế, quý vị phải hiểu rõ, thời gian của nó là một giây đồng hồ, một phần 1 triệu 280 ngàn tỉ, cũng chính là 1/1 triệu 280 ngàn tỉ giây, chính là ở trong một thời gian ngắn ngủi đó.
Cho nên trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, trong đây ngài Thanh Lương nói rất hay 「不可以識識」“Bất khả dĩ Thức thức“(không thể dùng Thức để hiểu), quý vị không có cách nào [hiểu], Thức này là gì vậy? Là Thức thứ sáu, Thức thứ sáu chính là Phân biệt, quý vị không có cách nào dùng Phân biệt để nhận thức nó,「不可以智知」 “Bất khả dĩ Trí tri“(không thể dùng Trí để biết). Trí là gì? Trí là Trí tướng, là điều thứ nhất trong Lục Thô, Trí tướng, ngày nay chúng ta gọi là tri thức, đó không phải là trí huệ, là tri thức, tri thức không thông được, quý vị không có cách nào dùng tri thức liễu giải được điều đó, cho nên nói là không thể nghĩ bàn. Cuối cùng kết luận: 「言語道斷,心行處滅」“Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” (dứt đường ngôn ngữ, diệt chỗ tâm hành), điều này trong giáo lý Đại thừa gọi là Bồ-đề Niết-Bàn. Bồ-đề Niết-Bàn là giả danh, quý vị đừng cho rằng thật có Bồ-đề, là thật có Bồ-đề, thế nhưng danh xưng đó cũng không phải là Bồ-đề, thật có Niết-Bàn, đó cũng không gọi là Niết-Bàn, đó là giả danh. Ví dụ như người chúng ta đều có một tên gọi, tên gọi đó là giả danh, tên gọi đó là ta hay sao? Tên không phải là ta, ta có thể bỏ tên đó, đổi thành tên khác. Quý vị xem Đại sư Hoằng Nhất của thời cận đại, ngài cũng là một nhà thư pháp, ngài thường viết chữ cho người khác, sau khi viết xong, ngài ghi một tên, mọi người nắm bắt được đều không giống nhau. Sau hiểu ra được, tên do ngài viết có hơn một trăm, tuỳ theo tâm mong muốn, không có một tên nào. Điều đó có nghĩa gì? Danh là giả danh, Lão tử nói rất hay: 「名可名,非常名;道可道,非常道」“Danh giả danh, phi thường danh; Đạo khả đạo phi thường đạo“ (Tên mà có thể gọi là tên, thì không phải là tên bình thường; Đạo mà có thể là đạo, thì không phải là đạo bình thường). Cho nên quan trọng ở đâu? Quan trọng là ở chỗ quý vị thể hội được ý nghĩa của nó, điều được gọi là âm thanh ở ngoài ngôn ngữ, quý vị nếu chấp trước nơi danh tướng thì hoàn toàn sai rồi.
Cho nên trong Kinh Bát Nhã, Phật giảng cho chúng ta, Ngài phủ định toàn bộ tất cả Pháp đã thuyết trong 49 năm, Ngài nói trong 49 năm Ta không nói một câu nào. Nếu người nào nói Ta thuyết pháp thì người đó phỉ báng Phật. Câu nói này là có ý nghĩa gì? Câu này chính là bảo chúng ta không được chấp trước tướng danh tự, danh tướng là giả, quý vị từ trong giả tướng để ngộ nhập chân thật. Chân thật có ở trong giả danh hay không? Không ở trong giả danh, chấp trước giả danh thì quý vị không thể ngộ nhập Chân thật, quý vị nhất định phải không được chấp trước giả danh. Giả danh không chướng ngại sự, sự là giả, sự là hư vọng, cho nên từ trong hư vọng dẫn đường quý vị đến nhập Chân thật, vậy thì đúng rồi. Như chúng ta hiện tại đi đường, quý vị đi trên đường cao tốc, mỗi ngã ba đường đều có biển chỉ đường, biển chỉ đường là chỉ cho quý vị con đường đó, trên biển viết Nam Kinh, đó là hướng đi Nam Kinh. Nếu quý vị không hiểu được “đã đến Nam Kinh, đây là Nam Kinh rồi”, thì hoàn toàn sai rồi. Phật giảng tất cả kinh điển đều có ý nghĩa này, khắp nơi đều cắm biển chỉ đường, tuyệt đối không phải là chỗ đó, quý vị theo đường này đi là đúng rồi, sau khi quý vị nhìn thấy biển chỉ đường, quý vị bỏ qua biển chỉ đường, quý vị theo hướng trước mặt mà đi. Cho nên nhất định là không được chấp trước, không những không được chấp trước, mà cũng không được phân biệt. Phật pháp khó là khó ở chỗ này, nếu quý vị thật sự hiểu được, thật hiểu thì không khó, thật sự cũng rất dễ dàng, chủ yếu quý vị có thể thật sự buông xuống Vọng tưởng Phân biệt Chấp trước, quý vị liền chứng được Tự Tánh thanh tịnh Viên minh thể.
Ở nơi nào? Là ngay trước mặt, là ngay lập tức. Cho nên người giác ngộ rồi, quý vị hỏi họ: Tự Tánh ở đâu? Họ nói cho quý vị: 頭頭是道、左右逢源 “Đầu đầu thị đạo, tả hữu phùng nguyên” (Nơi đâu cũng là đạo, trái phải cũng gặp nguồn), chính ngay chỗ này, không có pháp nào không phải. Cổ Đại đức dùng thí dụ nói với chúng ta, quý ngài dùng vàng tỷ dụ cho Tự Tánh, dùng đồ bằng vàng tỷ dụ cho vạn pháp, mỗi đồ vật đều là vàng, có pháp nào không phải là Tự Tánh chứ! Ngày nay chúng ta nói về pháp, có sắc pháp, có tâm pháp, quy về hai loại lớn này, sắc pháp là vật chất, tâm pháp là tinh thần. Tinh thần cùng vật chất là không phân chia được. Trong tinh thần có vật chất, trong vật chất có tinh thần, trong tất cả vật chất đều có hiện tượng tinh thần, chính là có kiến văn giác tri, có thọ tưởng hành thức. Hiện tượng này là mười năm gần đây, Tiến sĩ Masaru Emoto của Nhật Bản dùng thí nghiệm của nước để chứng minh được rồi, nước là khoáng vật, nó thật sự có kiến văn giác tri, có thọ tưởng hành thức, nói cách khác, nó không phải là chết, điều mà hiện nay gọi là sinh vật, nó là đang sống. Phật giảng cho chúng ta, không những là nước có kiến văn giác tri, có thọ tưởng hành thức, mà bất kể là vật chất nào, nói đến vật chất nhỏ nhất, ngày nay là nguyên tử, electron, hạt, hạt cơ bản, mắt thường của chúng ta đều không nhìn thấy, dưới kính hiển vi mới nhìn thấy được, chúng là vật chất, vật chất thì có kiến văn giác tri, có thọ thưởng hành thức, bất luận là vật chất nào cũng không có ngoại lệ. Bồ-tát Di Lặc nói: 「念念成形」“Niệm niệm thành hình” (Niệm niệm biến ra hình), hình là hiện tượng vật chất, 「形皆有識」“Hình giai hữu thức” (Hình đều có thức), thức là hiện tượng tinh thần, chính là nói đến kiến văn giác tri, thọ tưởng hành thức, đều có tất cả mọi thứ hiện tượng vật chất, miễn là trong Lục Thô đều có.
Trong Tam Tế Tướng có kiến văn giác tri, không có thọ tưởng hành thức, vì sao vậy? Bởi vì các ngài không có Trí tướng, chính là nói các ngài không có Phân biệt, Trí tướng là Phân biệt, các ngài không có Phân biệt tức là không có thọ tưởng hành thức, có Phân biệt thì có thọ tưởng hành thức. Cho nên ở trong Thập pháp giới, cao cấp gồm: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật. Bồ-tát, Phật trong Thập pháp giới là bậc cao cấp, quý ngài có thọ tưởng hành thức không? Vẫn là có, vì sao vậy? Bởi Tập khí Phân biệt của quý ngài chưa đoạn. Bồ-tát trong Thập pháp giới đoạn Phân biệt rồi, nhưng chưa đoạn tập khí Phân biệt; Phật trong Thập pháp giới đoạn hết tập khí Phân biệt, quý ngài chưa đoạn Vọng tưởng, quý ngài còn có thể khởi tâm động niệm, cho nên quý ngài còn có Trí tướng, Trí tướng rất yếu ớt. Vừa đoạn Trí tướng đó, Thập pháp giới liền không còn nữa, chân thật là sau khi giác rồi Không Không vô Đại thiên, Thập pháp giới không còn nữa. Đây là cảnh giới nào hiện tiền? Thật Báo Trang Nghiêm độ hiện tiền, Thật Báo Trang Nghiêm độ là Tam tế tướng, vô cùng vi tế. Cho nên 「不可以識識,不可以智知」“Bất khả dĩ Thức thức, bất khả dĩ Trí tri” (không thể dùng Thức để hiểu, không thể dùng Trí để biết), đây là điều thường được nói trong giáo lý Đại thừa:「言語道斷,心行處滅」“Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” (dứt đường ngôn ngữ, diệt chỗ tâm hành), chỉ có chứng mới biết. Cách nào để chứng? Buông xuống liền chứng được. Phiền phức của chúng ta ngày nay: là không hiểu rõ chân tướng sự thật, không nghĩ đến trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật giảng rõ ràng như thế, sáng tỏ như thế. Sau khi biết rồi, chúng ta đối với tất cả các pháp, chúng ta đối người, đối sự, đối vật không chấp trước nữa, không những không chấp trước nữa, mà chúng ta tin tưởng cũng buông xuống được Phân biệt, [còn] buông xuống Khởi tâm Động niệm thì không dễ dàng, đó là thật không phải giả.
Có thể buông xuống Chấp trước, liền chứng quả, không phải là quả rốt ráo, nhưng thật sự chứng quả rồi. Chứng quả là gì? Trong kinh Phật có một câu nói: 「阿耨多羅三藐三菩提」“A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”, đây chính là quả. Đây là dịch âm từ tiếng Phạn, có thể dịch, không phải không thể dịch. Những Pháp sư phiên dịch kinh điển này dùng dịch âm nguyên văn, quý ngài không phiên dịch. Đây là lý do gì? Tôn trọng không dịch. Chúng ta học Phật nghĩ như thế nào? Là điều này, phiên âm thành tiếng nước ta ý nghĩa là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trong câu này có ba sự việc: Chánh giác, Chánh đẳng Chánh giác, và Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là ba sự việc. Buông xuống Chấp trước, quý vị liền chứng được Chánh giác, danh từ Chánh giác có một giả danh, gọi là A-la-hán, gọi là Bích-chi-phật. A-la-hán, Bích-chi-phật, quý ngài chứng được Chánh giác. Đây là thật, không phải giả. Người chứng được Chánh giác, liền không còn Lục đạo. Từ đó có thể thấy, Lục đạo từ đâu tới? Lục đạo từ Chấp trước mà tới, chỉ cần có Chấp trước liền có Lục đạo. Nói cách khác, Lục đạo là do tự mình tạo ra, là từ trong Chấp trước của chính mình mà biến hiện ra. Tôi có Chấp trước, tôi có Lục đạo; quý vị có Chấp trước, quý vị cũng có Lục đạo; họ có Chấp trước, họ cũng có Lục đạo. Quý vị, tôi và họ, chúng ta là cùng ở một nơi, chúng ta thấy được cảnh giới của Lục đạo: gọi là 同分見妄đồng phận kiến vọng, bởi vì chúng ta cùng có tập khí Phiền não này, cho nên thứ mà chúng ta thấy được là giống nhau. Kỳ thực thứ mà mỗi người thấy được là cảnh giới của mỗi người, không hẳn là thật sự giống nhau. Giống như chúng ta chụp hình trong phòng Studio, quý vị thấy có ánh sáng của hơn mười đèn chiếu, hiện tại đều bật lên, ánh sáng giao nhau, trên thực tế ánh sáng mỗi ngọn đèn của chúng ta đều khác nhau. Nếu quý vị không tin, quý vị tắt một bóng đèn này, ánh sáng đèn sẽ biến mất. Quý ngài không còn Chấp trước, người này chứng quả A-la-hán rồi. Những người khác còn, họ vẫn còn. Quý vị lại tắt đi một bóng đèn khác, ánh sáng của nó liền tắt. Mỗi người là của mỗi người. [Trong] Lục đạo, mỗi người là Lục đạo của mỗi người, họ có giao tiếp với nhau không? Không thể nói là có giao tiếp, cũng không thể nói là không có giao tiếp, điều này rất vi diệu! Cho nên Phật giảng Pháp này là diệu Pháp, vì sao vậy? Quý vị phải nhớ kỹ nguyên lý căn bản này, Nhất thể Nhị dụng, trong Nhị dụng có Tam biến, đây chính là có đạo lý căn bản ở trong đó, đây là nguyên lý căn bản.
Tam biến chính là hiện tượng vật chất cũng được, là hiện tượng tinh thần cũng được, chúng đều có ba thứ đặc tính. Đặc tính thứ nhất chính là 周遍法界Chu biến Pháp giới (Biến khắp Pháp giới), giống như chúng ta được ánh sáng đèn chiếu vào, khắp cả gian phòng này, ánh sáng của nó cũng chiếu khắp gian phòng này. Có xung đột hay không? Không có xung đột. Có phương hại hay không? Không có phương hại. Vì sao không có xung đột? Không có phương hại? Bởi vì chúng là hư vọng, chúng không phải là chân thật, quý vị phải hiểu rõ đạo lý này. Đây là đặc tính thứ nhất, Chu biến Pháp giới. Đặc tính thứ hai, 出生無盡Xuất sanh Vô tận (Sanh ra Vô tận), đó là biến hoá rất nhiều rồi, tại sao có thể biến hoá? Theo sự Phân biệt Chấp trước của quý vị, chúng khởi ra biến hoá, đây chính là tuỳ theo Lục Thô của quý vị khởi ra biến hoá, khởi biến hoá là Thập pháp giới, cho nên Thập pháp giới Y Chánh trang nghiêm: là duyên cớ như vậy. Phân biệt Chấp trước của quý vị rất nhạt, đây là cảnh giới rất thanh tịnh, chính là Tịnh độ; Phân biệt Chấp trước đậm, chính là ô nhiễm. Giống như nói trong Thập pháp giới, Tứ thánh Pháp giới là tâm thanh tịnh, có thể nói là Tịnh độ. Trong Lục phàm Lục đạo là ô nhiễm, là Uế độ, là ô nhiễm.
Trong ô nhiễm liền lại xuất hiện thiện ác, quý vị nên hiểu được, trong Tịnh độ không có thiện ác, trong hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật không có thiện ác, chỉ có nhiễm tịnh, tầng sau thanh tịnh hơn tầng trước. A-la-hán là vừa đắc được tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh của Bích-chi-phật sâu hơn A-la-hán. Tâm thanh tịnh của Bồ-tát lại cao hơn một bậc so với Bích-chi-phật, thanh tịnh nhất là Phật, chưa kiến tánh. Thanh tịnh này chính là Trí tướng rất nhạt, Trí tướng của A-la-hán rất đậm, nhưng A-la-hán không tạo nghiệp nữa, quý ngài đều không còn Nghiệp hệ Khổ tướng, Khởi nghiệp tướng nữa, cho nên quý ngài không có Lục đạo. Ở trong Lục đạo, đây là ô nhiễm rồi, ô nhiễm, tâm địa ô nhiễm không thanh tịnh, trong đó có thiện ác, cho nên thiện thì cảm ba đường thiện, ác thì cảm ba đường ác. Trong tam thiện đạo, trên cao nhất là Thượng phẩm Thập thiện; Thứ hai là Trung phẩm Thập thiện; Thứ ba là nhân gian chúng ta, Hạ phẩm Thập thiện. Cũng có người nói Hạ phẩm Thập thiện là A-tu-la, La-sát; Người là Trung phẩm Thập thiện; Chư thiên là Thượng phẩm Thập thiện, được, cũng có thể nói thông được. Ác cũng có ba phẩm thượng trung hạ, Thượng phẩm là ác nhất, Thượng phẩm ác là địa ngục; Trung phẩm ác là ngạ quỷ; Hạ phẩm ác là súc sanh. Thiên biến vạn hoá, Xuất sanh Vô tận.
Đạo lý này chúng ta cũng rất khó suy nghĩ thông suốt, cho nên chúng ta liền nghĩ đến khi còn nhỏ chơi kính vạn hoa, tôi nói kính vạn hoa, có rất nhiều người cho tôi nhiều ống kính vạn hoa. Chúng ta ví ống vạn hoa làm Tự Tánh, quý vị xem trong này, quý vị chỉ cần động, việc động này là gì? Chính là Phân biệt Chấp trước. Phân biệt Chấp trước là động, quý vị ở bên trong nhìn thấy chúng, bên trong biến hoá vô lượng vô biên. Quý vị chuyển nó một năm không ngừng, quý vị thấy, không có một cặp hình ảnh nào giống nhau, [là] Xuất sanh Vô tận, thay đổi thế nào đều không vượt qua sự Phân biệt Chấp trước của quý vị, sanh ra vô tận. Điều thứ ba rất quan trọng, 含容空有Hàm dung Không hữu (Hàm chứa Hư không Vạn hữu). Vật chất cùng tinh thần đều có ba thứ đặc tính này. Đặc tính thứ hai chính là câu nói sau cùng của Đại sư Huệ Năng, 「能生萬法」“năng sanh vạn pháp” (có thể sanh ra vạn pháp), chúng ta ví dụ ống vạn hoa làm Tự Tánh, một lần xoay, có thể sanh ra vạn pháp. Vạn pháp không xa rời Tự Tánh, không kể là tinh thần, hay là vật chất đều là 含容空有Hàm dung Không hữu (Hàm chứa Hư không Vạn vật). Quý vị xem một niệm rất vi tế, trong một niệm có hình tướng, biến thành hiện tượng vật chất; biến thành hiện tượng tinh thần, hình đều có thức, cũng là 周遍法界 Chu biến Pháp giới (Biến khắp Pháp giới).
Hàm dung Không hữu, nhà Phật chúng ta nói là 「心包太虛,量周沙界」“tâm bao thái hư, lượng chu sa giới” (tâm bao trùm hư không, số lượng trọn khắp các cõi nhiều như cát), chính là ý nghĩa này. Tâm bao thái hư là Hàm không, hư không, nên biết hư không là do Tự Tánh biến hiện ra, không rời Tự Tánh, rời Tự Tánh thì không còn hư không; dung là bao dung, bao dung hữu, hữu là lượng chu sa giới. Quý vị thấy, tâm lượng vốn là như vậy, hiện nay tâm lượng này vì sao biến thành nhỏ như vầy? Biến thành nhỏ như vầy, còn không chỉ là Phân biệt Chấp trước! Càng Chấp trước thì tâm càng nhỏ, càng nhỏ thì quý vị càng khổ. Khổ là từ đâu đến? Là quý vị tự làm tự chịu, quý vị quên mất Tự tâm của quý vị rồi, quên mất Bổn tánh của quý vị rồi, Bổn tánh của quý vị là bao trùm khắp pháp giới hư không. Cho nên tất cả hiện tượng đều là huyễn tướng. Trong Kinh Kim Cang nói rất hay 「凡所有相,皆是虛妄」 “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (hễ gì có tướng đều là hư vọng), 「一切有為法,如夢幻泡影,如露亦如電,應作如是觀」,“Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán” (Tất cả pháp Hữu vi sanh, như mộng ảo bọt bóng, như sương như điện chớp, cần nên quán như vậy), như vậy là đúng rồi. Chúng ta cần hỏi, chư Phật Bồ-tát quý ngài là xem thế giới này như thế nào, xem vũ trụ này như thế nào, xem Thập pháp giới Y Chánh trang nghiêm như thế nào? Bốn câu kệ trong Kinh Kim Cang thì nói được rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Cho nên quý ngài đối với vũ trụ vạn vật, nhất định không có Phân biệt, nhất định không có Chấp trước, đó là không chướng ngại Sự, Lý Sự Vô Ngại, Sự Sự Vô Ngại, Tánh Tướng như nhau, Lý Sự không hai. Đó là nhập cảnh giới Như Lai, đó là thành Chánh giác, đó là đắc Bồ-đề Niết-Bàn rồi. Cho nên người Tiểu thừa buông xuống Chấp trước, đắc một phần nhỏ, phần nhỏ của Bồ-đề Niết-Bàn; Bồ-tát có thể buông xuống Phân biệt, hết Phân biệt rồi, quý ngài liền đắc phần lớn; cho đến Phật, Phật là cũng buông xuống Khởi tâm Động niệm rồi, quý ngài đắc là viên mãn. Bồ-tát đắc được là Chánh đẳng Chánh giác. Điều Phật đắc chính là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Cho nên trong bài kệ đầu tiên, đặc biệt phải nói cho quý vị, không có Thô, không có Thô thì không có Thập pháp giới, không có Tế, không có Tế thì Nhất Chân Pháp giới cùng Thật Báo Trang Nghiêm độ cũng không còn. Có lẽ đồng học sơ học nói, không còn thứ gì cả, vậy thì làm sao? Không còn thứ gì cả, Tự Tánh liền hiện ra rồi. Tự Tánh là gì? Là Thường Tịch Quang. Trong Tịnh Độ tông chúng ta nói Tứ độ, cao nhất là Thường Tịch Quang độ, Thường Tịch Quang độ cũng gọi là Đại quang Minh tạng, một mảng quang minh, ở trong đó không có hiện tượng vật chất, cũng không có hiện tượng tinh thần, lúc nào có thể chứng đắc? Buông xuống Khởi tâm Động niệm liền chứng được. Cho nên trên Kinh Hoa Nghiêm, Viên giáo Sơ trụ Bồ-tát đã chứng đắc, Minh tâm Kiến tánh, Kiến tánh thành Phật. Quý ngài minh tâm như thế nào? Chính là quý ngài có thể buông xuống hết thảy Khởi tâm Động niệm, Phân biệt Chấp trước. Người căn tánh nhạy bén, chúng ta nói là người Thượng thượng căn, hạng người này rất lợi hại, quý ngài có thể lập tức buông xuống Khởi tâm Động niệm, Phân biệt Chấp trước, đó là từ phàm phu lập tức thành Phật, quý ngài đều không cần trải qua 52 cấp bậc của Bồ-tát, quý ngài thoáng chốc đã lên đến đỉnh rồi. Chúng ta ngày nay ngày ngày buông từ từ, buông từ từ là leo cầu thang, từng bậc từng bậc hướng lên trên.
Điều đó rất lợi hại, có hai người đại biểu, thực tế có nhiều người. Hai người này nổi tiếng nhất, thứ nhất là đức Thích Ca Mâu Ni Phật, khi Ngài 30 tuổi biểu diễn cho chúng ta xem lập tức buông xuống, đốn ngộ, đốn siêu, nhanh chóng chứng đắc Vô thượng Bồ-đề. Ở Trung Hoa Lục tổ Thiền tông Đại sư Huệ Năng, thật ra trong Thiền tông, có bậc đại Tổ sư nào lại không như vậy. Ngài Huệ Năng đặc biệt là vì ngài không biết chữ, ngài chưa bao giờ đọc sách, chưa bao giờ nghe bộ kinh nào, cho nên chúng ta lấy ngài làm đại biểu. Ngài nghe người khác đọc Kinh Kim Cang, thì tình cờ vào lúc đó, trong kinh điển ghi lại, ngài vốn là một tiều phu, bán củi lửa. Ngành nghề này hiện nay không còn nữa, thời kỳ kháng chiến vẫn còn, chúng tôi khi còn nhỏ ở thành phố còn mua củi đốt lò, khi đó chưa có điện, cũng không có gas, ngay cả khí than cũng không có, cho nên khi đó nấu cơm là đốt củi lửa. Có những người thợ vất vả đặc biệt đi kiếm củi, họ lên núi đốn củi, gánh đến bán trong thành phố, còn có bán nước, không có nước máy, có người chuyên gánh nước để bán, đây đều là những công việc rất vất vả. Một ngày ngài bán không được nhiều tiền, rất ít, mua một chút gạo, mua một chút rau cải đủ sống qua một ngày, cho nên đời sống rất cực khổ. Ngài đi bán củi, khi nhận được tiền thì rời đi, nhưng nghe có người đọc kinh, ngài liền đứng chốc lát bên ngoài cửa sổ, càng nghe càng thấy hứng thú, ngài liền đẩy cửa bước vào bên trong tìm người đọc kinh, hướng về người đó thỉnh giáo: Ngài đọc sách gì đó? Đọc rất hay, nghe rất êm tai. Người đọc kinh này cũng cảm thấy rất kinh ngạc, người bán củi này không biết chữ, sao anh ta có thể nghe hiểu được Kinh Kim Cang? Nghe xong, ông ta yêu cầu người nghe giải thích ra những gì ngài đã nghe được, người đọc kinh này cảm thấy vô cùng kinh ngạc, thật xuất sắc, khi đó ngài Huệ Năng 24 tuổi.
Chư vị từ chỗ này, quý vị hãy suy ngẫm tỉ mỉ, cho nên Đại sư Huệ Năng nói, chuyển phàm thành Thánh không có liên quan gì với có học hay không. Sau khi ngài ngộ, tất cả kinh mà đức Thế Tôn đã thuyết trong 49 năm, quý vị đọc cho ngài nghe, ngài liền giảng cho quý vị nghe, ngài giảng được không sai một chút nào, cho nên Ngũ tổ truyền y bát cho ngài. Đại Đệ tử Thần Tú của Ngũ tổ theo ngài rất nhiều năm, Ngũ tổ dạy học, ngài Thần Tú làm trợ giảng, quý vị nhìn xem, y bát không truyền cho ngài Thần Tú, mà truyền cho ngài Huệ Năng, một người không biết chữ. Vì sao vậy? Bởi ngài chân thật buông xuống được, còn ngài Thần Tú chưa buông được. Tổ sư truyền y bát, để cho mọi người đem tâm đắc học tập của chính mình sau bao nhiêu năm, viết thành bài kệ để xem, đó là kiểm tra, việc này cũng rất công bằng. Bài kệ do ngài Thần Tú viết, ngài viết cũng là báo cáo tâm đắc của ngài: 「身是菩提樹,心如明鏡臺,時時勤拂拭,勿使惹塵埃」“Thân thị Bồ-đề thọ, tâm như minh kính đài, thời thời cần phất thức, vật sử nhạ trần ai” (Thân như cây Bồ-đề, tâm như đài gương sáng, thường siêng năng lau chùi, đừng để bám bụi trần). Bây giờ chúng ta nghĩ xem, ngài đã buông xuống Vọng tưởng Phân biệt Chấp trước chưa? Quý vị xem bốn câu này, chưa buông xuống, Vọng tưởng Phân biệt Chấp trước đều có trong đó. Đại sư Huệ Năng nghe được bài kệ này, ngài cũng tán thán vô cùng. Sau khi tán thán, ngài nói tôi cũng có một bài, ngài lại không biết viết chữ, ngài nhờ người khác viết giúp ngài, bài kệ của ngài như thế nào? Ngài sửa lại bài kệ của ngài Thần Tú 「菩提本無樹,明鏡亦非臺」“Bồ-đề bổn vô thọ, minh kính diệc phi đài” (Bồ-đề vốn không cây, gương sáng cũng không đài). Sửa lại rồi, ngài [Thần Tú] chấp tướng, không có được điều này. Từ đó có thể biết, việc này không liên quan đến việc học hay không, chỉ cần quý vị chịu buông xuống, buông xuống vốn là như vậy. Ở nơi đâu? Là ngay lập tức.
Cho nên Vô minh do đâu mà sanh ra? Việc này cần phải biết rõ, Vô minh khởi ra từ đâu? Trên kinh Phật giảng rất rõ ràng, rất sáng tỏ, Phật giảng cho chúng ta vô thuỷ vô minh, vô thuỷ chính là không có khởi đầu. Có mở đầu, có kết thúc, đó không phải là chân thật. Cho nên Vô minh là bất sanh bất diệt. Bất sanh bất diệt là như thế nào? Chúng có sanh có diệt, nhưng thời gian quá ngắn, đến mức quý vị không thấy sự sanh diệt của chúng. Quý vị suy nghĩ xem, một giây có 1 triệu 280 ngàn tỉ lần sanh diệt, quý vị có thể tìm ra được sự sanh diệt này không? Chúng rất là nhanh, có thể nói sanh diệt đồng thời, sanh diệt đồng thời chính là không có sanh diệt. Nguyên nhân khởi thế nào? Không có nguyên nhân; lúc nào khởi ra? Không có khi nào; từ chỗ nào khởi ra? Không có chỗ nào, quý vị đều không tìm được, toàn là hư vọng, phải hiểu rõ điều này.
Ở chỗ này Đại sư Thanh Lương nói với chúng ta, 「本覺自然」“Bổn giác tự nhiên”, cho nên đó không phải là tạo tác. Khởi tâm Động niệm chính là tạo tác, Bổn giác tự nhiên. Quý vị khởi tâm động niệm, Bổn giác là bất giác, liền biến thành bất giác rồi. 「悟亦冥符」“Ngộ diệc minh phù” (ngộ cũng là minh phù), minh phù là 暗合道妙 “ám hợp đạo diệu” (ngầm hợp với vi diệu của đạo), ngộ rồi, quý vị liền sáng tỏ rồi, đây là chân tướng sự thật, quý vị hoàn toàn hiểu rõ rồi. Cho nên 「智無分別」“trí vô phân biệt” (trí không phân biệt), trí vốn chính là Phân biệt, trong Lục Thô điều thứ nhất là Trí tướng, chúng thì có phân biệt, điều này nói cho quý vị không có Phân biệt, đến khi không còn Phân biệt, Tam Tế Tướng liền không còn, Tam Tế Tướng không còn chính là Thật Báo Trang Nghiêm độ không còn nữa. 「六粗亦然」“Lục Thô diệc nhiên” (Sáu điều thô cũng như vậy), Lục Thô là Thập pháp giới, Tam Tế Tướng không còn nữa, Thập pháp giới tồn tại ở đâu? Còn lại là điều gì? Còn lại là Thường Tịch Quang, đây là vĩnh hằng bất biến, chỉ có điều này là chân thật. Ở đó không có hiện tượng tinh thần, cũng không có hiện tượng vật chất, một vùng ánh sáng, đó là 自性清淨圓明體 “Tự Tánh Thanh tịnh Viên minh thể” (Thể Tự Tánh Thanh tịnh Tròn đầy Sáng suốt). Cho nên Phật dạy chúng ta không có gì khác biệt, chúng ta đều là một thể viên minh hiện ra, huyễn tướng hiện ra, cần phải biết điều này, không phải là chân tướng. Chủ yếu là chúng ta không khởi tâm động niệm, liền trở về Thanh tịnh Viên minh thể, trở về Thanh tịnh Viên minh thể liền thành Phật, đây là nói Phật cứu cánh viên mãn, làm rõ ràng tổng kết này. Cho nên hai câu của ngài Thanh Lương giảng rất hay 「不可以識識,不可以智知」“Bất khả dĩ Thức thức, bất khả dĩ Trí tri” (không thể dùng Thức để biết, không thể dùng Trí để hiểu), hai câu này giảng được hay vô cùng, cũng là không thể khởi tâm động niệm, không thể phân biệt, Phân biệt còn không thể, nên đương nhiên là không có Chấp trước, đây chính là ý nghĩa chân chính của câu này.
Phía sau giải thích về Thô và Tế, như thế nào là Thô, như thế nào là Tế?「又有能所證,名之為粗」“Hựu hữu năng sở chứng, danh chi vi Thô” (Lại có năng chứng sở chứng, đó gọi là Thô), có năng chứng, có sở chứng, tướng này chính là Thô rồi. Năng chứng, sở chứng ở đâu? Tứ thánh Pháp giới. Quý vị xem A-la-hán, quý ngài đã buông xuống Chấp trước, chứng quả A-la-hán, quý ngài có năng chứng, có sở chứng. Bích-chi-phật cũng có năng chứng, cũng có sở chứng. Bồ-tát, Phật trong Tứ thánh đều có năng chứng, đều có sở chứng, đó là Thô. 無能所證,目之為細”Vô năng chứng sở chứng, mục chi vi Tế“(Không có năng chứng sở chứng, được xem là Tế). Vô năng chứng sở chứng là như thế nào? Chỗ này chúng ta thường nói là Nhất chân Pháp giới, Thật Báo Trang Nghiêm độ, ở trong Thật Báo Trang Nghiêm độ không có Khởi tâm, không có Động niệm, cho nên quý ngài không có năng chứng, cũng không có sở chứng, đó gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên hướng lên một bước, 「皆言語道,故並無之」“giai ngôn ngữ đạo, cố tịnh vô chi” (đều [là] phương pháp của ngôn ngữ, nên cũng không có điều đó), ngôn ngữ không còn tồn tại nữa. 「菩提涅槃,絕心行故」“Bồ-đề Niết-Bàn, tuyệt tâm hành cố” (Bồ-đề Niết-Bàn, nên dứt tuyệt tâm hành), chính là không còn khởi tâm động niệm nữa, thử hỏi còn có gì là Bồ-đề Niết-Bàn! Nói đến cực điểm, chúng ta không thể không biết điều này. Cho nên bài kệ này, quý vị cần hiểu rõ đại ý của bài này, luôn dùng bài kệ này để quán chiếu, cũng chính là lúc phiền não tập khí của chúng ta hiện hành, quý vị niệm bốn câu kệ này, tâm quý vị lền bình lại. 「諸佛所得處,無作無分別,粗者無所有,微細亦復然」“Chư Phật sở đắc xứ, vô tác vô phân biệt, Thô giả vô sở hữu, vi Tế diệc phục nhiên”(Điều mà chư Phật đắc, Vô tác không phân biệt, Thô là không có sở hữu, vi Tế lại cũng như vậy), tâm quý vị liền được trở lại an ổn. Tam Tế Lục Thô biến ra vũ trụ, chính là biến ra Thập pháp giới, Tam Tế Tướng chính là hiện tượng vũ trụ xuất hiện rồi, ta xuất hiện rồi, Y Chánh trang nghiêm xuất hiện rồi, Lục thô chính là Thập pháp giới xuất hiện rồi, điều này nói rõ chân tướng sự thật, chúng ta xem bài kệ thứ ba phía sau:
【諸佛所行境。於中無有數。正覺遠離數。此是佛真法。】 “Chư Phật sở hành cảnh. Ư trung vô hữu sổ. Chánh giác viễn ly sổ. Thử thị Phật chân pháp” (Cảnh mà chư Phật hành, trong đó không đếm tính, Chánh giác lìa tính toán, đó là pháp chân Phật).
Phật pháp thật sự là có thật có giả. Đây là bài thứ ba. Chú ý năm bài sau, tức là năm bài: thứ ba, bốn, năm, sáu, bảy này, nói lên điều gì? 「照境顯理」 “Chiếu cảnh hiển Lý” (chiếu cảnh biểu lộ Lý). Chúng ta ngày nay nhìn thấy câu thứ nhất chiếu cảnh hiển Lý, 「後五中,初偈」“hậu ngũ trung, sơ kệ” (bài đầu tiên: trong năm bài kệ sau), chính là bài thứ ba, chúng ta vừa mới đọc chính là pháp chân thật của Phật, 「正明照境,境即俗境」“chánh minh chiếu cảnh, cảnh tức tục cảnh” (thật sự chiếu rõ cảnh, cảnh là cảnh thế gian), cảnh là gì vậy? Cảnh chính là Lục đạo, chiếu chính là quán chiếu, cách dùng từ này rất hay. Thật ra chúng ta trong cuộc sống thường ngày, quý vị nghĩ rằng, có ngày nào quý vị không chiếu hay không? Sáng sớm quý vị thức dậy soi gương, buổi tối trước khi ngủ rửa mặt cũng soi gương! Là chiếu! Việc này dạy cho chúng ta điều gì? Dạy cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày, dùng tâm như soi gương. Quý vị thấy gương có Khởi tâm Động niệm không? Có Phân biệt Chấp trước hay không? Không có, nhưng nó chiếu soi được rất rõ ràng, rất là sáng tỏ.
Chư Phật Như Lai, Pháp thân Đại sĩ, Pháp thân Đại sĩ là người Minh tâm Kiến tánh, quý ngài dùng tâm đều là chiếu, không như chúng ta, chúng ta dùng tâm gì? Trong chiếu có Phân biệt, có Chấp trước, việc này sai rồi. Quý ngài không có Phân biệt Chấp trước, tức là lục căn, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, cho đến ý biết pháp, lục căn đối với lục trần khởi tác dụng đều là dùng một từ chiếu, dùng từ này làm đại biểu, chính là lục căn đối với cảnh giới lục trần. Trong Tâm Kinh đưa ra ví dụ này, dùng Bồ-tát Quán Thế Âm làm đại biểu: 「觀自在菩薩,行深般若波羅蜜多時,照見五蘊皆空」“Quán Tự Tại Bồ-tát, hành thâm Bát Nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến Ngũ uẩn giai Không” (khi Bồ-tát Quán Tự Tại thực hành [pháp] Bát Nhã Ba-la-mật-đa thâm sâu, [Ngài] soi thấy năm uẩn đều là Không). Nếu chúng ta rốt cuộc biết chiếu, liền soi thấy vạn pháp đều là Không, mắt thấy là Sắc không, tai nghe là Thanh không, mũi ngửi là Hương không, lưỡi nếm là Vị không, quý vị mới có thể nhìn thấy được Chân tướng Sự thật, quý vị đắc được tâm thanh tịnh. Bởi vì ngày nay chúng ta có Phân biệt, có Chấp trước, khi chiếu kiến liền khởi tác dụng phụ, tác dụng phụ là như thế nào? Tham, sân, si, mạn, chư vị cần phải biết, tham sân si mạn, trong Tự Tánh đều không có, chẳng những trong Tự Tánh không có tham sân si mạn, mà trong Tự Tánh, bài kệ phía trước mà chúng ta đã đọc qua, Tam Tế Lục Thô đều không có, làm gì có thị phi nhân ngã, ở đâu ra Tứ tướng, Tứ kiến! Tứ tướng là Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng, không có những điều này.
Cho nên trong Kinh Kim Cang đức Phật thuyết: 「一切有為法,如夢幻泡影」“Nhất thiết Hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh” (Tất cả pháp Hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng). Pháp Hữu vi có là gì? Điều này giảng rất thô, thô trong những điều thô, phàm là pháp sanh diệt đều gọi là Hữu vi pháp. Chúng ta ở trong thế gian này, quý vị thấy có sanh ra, có chết đi, có sanh lão bệnh tử; thực vật có sanh trụ dị diệt, cho nên xuân sanh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàng; núi sông đất đai có thành trụ hoại không, cho nên gọi là vô thường. Hết thảy vô thường này đều gọi là pháp sanh diệt, tức là Hữu vi pháp. Những gì là Vô vi? Nói chung chúng ta thấy ngoại trừ hư không ra, hầu như tất cả đều là Hữu vi pháp. Nhưng trên thực tế nói với quý vị, hư không cũng là Hữu vi pháp, chẳng qua là nó biến đổi rất ít, nên chúng ta không nhận ra sự biến đổi của nó, không như hiện tượng vật chất cùng tinh thần khác, chúng biến hoá sai biệt rất lớn, chúng ta dễ dàng cảm thấy được. Thực ra hư không cũng không phải là thật, chúng ta xem trong Bách Pháp Minh Môn Luận của Bồ-tát Thiên Thân, ngài xếp không gian và thời gian vào trong 24 pháp Bất tương Ưng hành. Một trăm pháp chia thành năm loại lớn, chia thành Tâm pháp (tinh thần), Sắc pháp (vật chất), trong Tâm pháp còn có Tâm sở pháp, Tâm sở pháp cũng thuộc về tinh thần, tâm sở là tác dụng của tâm lý, cho nên Tâm pháp, Tâm sở pháp đều là tinh thần, Sắc pháp là vật chất. Tâm bất Tương ưng Hành pháp, Tâm bất Tương ưng là pháp hữu, chúng không thuộc về Tâm pháp, chúng cũng không thuộc về Tâm sở pháp, chúng cũng không phải là Sắc pháp, dùng cách nói hiện tại mà nói, gọi là khái niệm trừu tượng. Chúng cùng Tâm, Tâm sở, Sắc pháp có liên quan, nhưng chúng không phải thuộc về Tâm pháp, Tâm sở pháp, Sắc pháp, tổng cộng có 24 loại, trong 24 loại này có thời gian và không gian.
Thời gian và không gian từ đâu mà có? Từ Phân biệt Chấp trước mà có. Người buông xuống Phân biệt Chấp trước, thì không còn nữa. Không còn thời gian nữa, quý vị có thể trở về quá khứ, quý vị có thể tiến đến tương lai; Không còn không gian nữa, không còn xa gần nữa, không còn khoảng cách nữa. Thế giới Cực Lạc ở đâu? Chính là ở ngay nơi này. Thế giới Hoa Tạng ở đâu? Cũng là ở ngay tại nơi này. Rất khó hiểu! Thật ra chúng ta cần sử dụng khoa học kỹ thuật này làm ví dụ, thì không khó hiểu nữa. Nhà khoa học nói với chúng ta, trong vũ trụ này: thật sự có rất nhiều tầng chiều không gian khác nhau. Chúng ta hiện tại ở trong tầng không gian là tầng không gian ba chiều, [còn] bốn chiều, năm chiều, sáu chiều, bảy chiều, trên lý luận nói là không có số lượng, vô lượng vô biên chiều. Các chiều khác nhau, thì quý vị không thấy được, quý vị chỉ có thể thấy được chiều giống nhau, hoặc là chiều không gian này trở xuống. Không gian hai chiều quý vị có thể thấy được, không gian một chiều là số không. Ở đây chúng ta dùng thí dụ, ví dụ hiện nay chúng ta dùng Ti-vi, màn hình Ti-vi, chúng ta biết được màn hình Ti-vi có thể thu được tổng quát mấy ngàn, mấy vạn đài truyền hình của toàn thế giới, đều có thể thu được những hình ảnh ấy, chính là ví dụ cho vô số tầng không gian khác nhau. Chúng ta nhấn nút theo kênh nào, Ti-vi liền xuất hiện kênh đó, khi không nhấn nút, quý vị không thể nói chúng không có, khi nhấn nút thì chúng xuất hiện, quý vị cũng không thể nói chúng thật có.
Cho nên Thập pháp giới Y Chánh trang nghiêm, đây là nói đến một cõi nước Phật, chúng ta biết ở trong vũ trụ này, [có] vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, trong mỗi cõi nước Phật đa số đều có Thập pháp giới. Chúng ta trong 「世界成就品」“Phẩm Thế Giới Thành Tựu” đã đọc qua, 「華藏世界品」“Phẩm Hoa Tạng Thế Giới” 「世界成就品」“Phẩm Thế Giới Thành Tựu” phía trước chúng ta đã học qua, ở trong vũ trụ có vô lượng vô biên cõi nước chư Phật. Có cõi nước chư Phật, nơi đó chỉ có Thật Báo Trang Nghiêm độ, nơi đó không có Thập pháp giới, đó thật sự là Tịnh độ. Tại sao lại như vậy? Có lẽ là, trên lý luận chúng ta có thể nghĩ thông suốt, cư dân trong thế giới đó chỉ có Khởi tâm Động niệm, không có Phân biệt Chấp trước, cho nên nơi đó không có Thập pháp giới. Nếu cư dân trong thế giới đó, họ có Vọng tưởng, họ có Phân biệt, họ có Chấp trước, thì nơi đó có Thập pháp giới, có lục đạo, có tam đồ. Cho nên nếu quý vị hỏi, có thế giới không có tam đồ hay không? Khẳng định là có, cư dân trong thế giới đó tuy là có lục đạo, nhưng nơi đó không có sáu đường, nơi đó chỉ có ba đường, thậm chí có hai đường, hai đường người và trời, vì sao vậy? Bởi họ không làm việc ác, họ không có tham sân si, tham sân si mạn đều không có, đó chính là đều không có A-tu-la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, khả năng này không phải là không có. Cư dân trong thế giới chúng ta đây, tham sân si mạn nghi đều có hết, đó là Thập pháp giới, lục đạo tam đồ đều có đủ. Cho nên nếu quý vị hỏi những điều này từ đâu mà có. Mặc dù có, nhưng là hư vọng, trong thực tế mà nói, trọn không thể được. Vì sao vậy? Quý vị nghĩ xem thời gian một niệm này rất ngắn, điều mà nó hiện ra là cảnh giới, cho nên mỗi niệm bất khả đắc, đó là cảnh ảo. Quý vị không cần chấp trước điều đó, không cần suy nghĩ đến nó, hễ quý vị buông xuống, thì quý vị làm Phật Bồ-tát rồi; Nếu quý vị ngày ngày nghĩ đến nó, đó là Trí tướng, Tương tục tướng, Kế danh Tự tướng, hết thảy đều sanh ra, vậy thì càng làm càng sai thôi. Chúng ta hiện tai xem thấy, rất nhiều người đi trên con đường sai lầm này. Hôm trước có đồng tu đưa cho tôi xem một cuốn sách, cuốn sách đó nói gì? Nói về ngày tận thế, nói từ chỗ nào? Nói từ vụ nổ lớn Big Bang, thế nhưng chúng tôi rất khen ngợi kết luận của cuốn sách đó, cuốn sách rất dày, tôi xem lướt qua một chút. Kết luận của cuốn sách đó nói, khoa học phát triển đến một mức độ nhất định, thế giới này sẽ dẫn đến huỷ diệt. Câu nói này là sự thật, một chút cũng không giả. Cho nên họ đề xuất phải làm thế nào để cứu thế giới? Phải hạn chế sự phát triển của khoa học. Lời nói này không phải do tác giả cuốn sách đó nói ra. Trong quá khứ tôi đã xem tác phẩm của ông Toynbee, ở thập niên 70. Ông ấy đã nói rất nhiều. Ông ấy đã đề xuất sự phát triển của khoa học và kỹ thuật là nhất định phải có giới hạn, điều gì có ích cho ăn ở đi lại của nhân loại thì có thể phát triển, còn điều gì không liên quan đến ăn ở đi lại, thì tốt nhất là không nên làm. Cho nên lời tổng kết này là chính xác.
Phật dạy chúng ta, chúng ta cần phải nhận thức vạn pháp, Đại sư Huệ Năng nói với chúng ta: 「何期自性,能生萬法」“Hà kỳ Tự Tánh năng sanh vạn pháp” (Nào ngờ Tự Tánh có thể sanh ra tất cả pháp), tất cả pháp đều do Tự Tánh sanh ra, hoặc là hiện ra, hoặc nói là biến ra đều được. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói:「唯心所現,唯識所變」“Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (Chỉ do tâm hiện, chỉ do thức biến), thức là gì vậy? Phân biệt Chấp trước là thức, trên thực tế Tam Tế tướng đều là thức, Tam Tế Tướng là Phân biệt cực kỳ vi tế của A-lại-da, tướng được hiện là Thật Báo Trang Nghiêm độ. Ở đây nếu như khởi trí, thì trí này không phải trí huệ, mà là tri thức, vì sao vậy? Vì được sanh ra từ trong ý thức, không phải Tự Tánh. Trí huệ là vốn có trong Tự Tánh. Vì vậy trí huệ không phải là do đọc trong sách mà có được, dù đọc loại sách thế nào, thì quý vị cũng không khai mở trí huệ, đọc kinh Phật cũng không thể khai mở trí huệ. Kinh Phật đọc được thuộc làu, nói được hoa trời rơi loạn xạ, đó là gì vậy? Đó là trí, là Trí tướng trong tướng của Lục Thô, chúng ta nói là tri thức, không phải trí huệ, phải biết rõ điều này. Không dùng Khởi tâm Động niệm, Phân biệt Chấp trước, quý vị chỉ cần không dùng những điều này, thì trí huệ liền phát sanh. Cho nên chúng ta lắng lòng quan sát, Lục tổ Huệ Năng chính là trí huệ, đó là trí huệ vốn có trong tâm thanh tịnh của Tự Tánh, cho nên ngài có thể 照見五蘊皆空“chiếu kiến Ngũ uẩn giai Không” (nhìn rõ năm uẩn đều Không), giống như Bồ-tát Quán Thế Âm. Đối với toàn bộ vũ trụ sâm la vạn tượng, ngài đều có thể thông đạt hiểu rõ, vì sao vậy? Bởi vì đó là từ Tự Tánh biến hiện ra, thấy Tánh rồi thì làm sao có đạo lý không hiểu rõ được!
Chúng ta xem bài kệ này, đây là nói chúng ta chiếu cảnh, cảnh chính là cảnh bình thường, đây là trong Thập pháp giới. 「有能所故」“Hữu năng sở cố” (Nên có năng có sở), có năng chiếu, có sở chiếu. Năng cùng sở, nếu quý vị có Phân biệt, quý vị có Chấp trước, thì sai rồi. Có năng chiếu, có sở chiếu, nếu có loại Phân biệt này, đây là Thanh văn, Duyên giác hàng bên dưới trong Tứ thánh Pháp giới. Nếu không có sự Phân biệt này, đó là 「即俗而真」“Tức tục nhi chân” (Tức là tục mà chân), tức là chân và tục là một không phải là hai. Năng sở là Phân biệt, buông xuống Phân biệt, không còn Phân biệt nữa, đương nhiên cũng không còn Chấp trước nữa, đây là như thế nào? Người này là Bồ-tát trong Thập pháp giới. Nếu đối với năng sở, mà ý niệm đều không sanh ra, đó là Pháp thân Bồ-tát, là cảnh giới của Phật, chúng ta phải học chỗ này.「心同無為,故云遠離」“Tâm đồng Vô vi, cố vân viễn ly” (Tâm như Vô vi, nên nói là xa lìa), đây là 『正覺遠離數』“Chánh giác viễn ly sổ” (Chánh giác xa lìa sự tính toán). Chánh giác, chúng ta có Phân biệt, Chánh giác này là gì? A-la-hán; Nếu chúng ta không có Phân biệt, không có Chấp trước, không có Khởi tâm Động niệm, thì Chánh giác này là Pháp thân Bồ-tát. Hoa Nghiêm là Viên giáo, là Nhất thừa, Chánh giác này nhất định không phải là A-la-hán, ít nhất cũng là Sơ trụ Bồ-tát trở lên, vì sao vậy? 「遠離數」 “Viễn ly sổ” (xa lìa sự tính toán). Viễn ly chẳng những không có Phân biệt Chấp trước, mà cả Khởi tâm Động niệm cũng không có, đây là nói chân thật viễn ly, lúc này tất cả pháp đều là Phật pháp chân thật, không phải là giả.
Là chân thật, pháp này có tồn tại vĩnh viễn không? Không phải, không phải là ý nghĩa này. 「真法」“Chân pháp” là quý vị thật sự hiểu rõ chân tướng của tất cả pháp, là ý nghĩa này. Quý vị hiểu được tất cả pháp là giả có, thể của chúng là chân không, chân không tức là Tự Tánh, Tự Tánh có thể sanh ra tất cả pháp, tất cả pháp không rời Tự Tánh. Quý vị ở đây không khởi tâm động niệm, quý vị mới bỗng nhiên đại ngộ, triệt để hiểu rõ, quý vị chân thật nhận thức được. Cho nên pháp chân thật của Phật, Phật là đại giác ngộ, quý vị triệt để giác ngộ rồi, đây là nói quý vị thật sự thấy được, quý vị chân thật hiểu rõ thật tướng các pháp. Đây là chúng ta cần phải học, cần phải áp dụng điều đó ngay trong cuộc sống hàng ngày, quý vị liền chuyển sang cuộc sống của Phật Bồ-tát, không phải là phàm phu. Trên thế giới này có tai nạn hay không? Đối với quý vị mà nói là không có nữa, [khi] quý vị nhập vào cảnh giới ấy, thì thế gian này không còn tai nạn, đối với người mê mà nói, người mê thì có, người giác ngộ thì không có. Trong Tâm Kinh Bồ-tát Quán Tự Tại đã nói: 「度一切苦厄」“Độ nhất thiết khổ ách”(Vượt qua tất cả khổ nạn), vì sao vậy? Bởi quý vị thấy rõ Năm uẩn đều Không. Tất cả pháp đều Không, trọn không thể đắc, tai nạn từ đâu mà đến! Cho nên tất cả khổ nạn đều không có. Như vậy quý vị mới thật sự hiểu được. Chỉ có Phật pháp, chỉ có Đại thừa có thể giải quyết vấn đề, đó là chân thật giải quyết, đó không phải là giả. Quý vị quay về Tự Tánh, không gian sinh hoạt của quý vị là lớn vô hạn, hơn nữa quý vị ở trong bất kỳ thời gian và không gian nào, quý vị đều là tương ưng với Tự Tánh, tai nạn trên thế giới dù như thế nào cũng không chút liên quan gì đến quý vị, được đại tự tại, quý vị mới có khả năng giúp đỡ những chúng sanh đau khổ này. Tại sao họ làm như vậy? Bởi mê thì không giác, khởi tâm động niệm như trong Kinh Địa Tạng đã nói, không gì là không tội, không gì là không nghiệp. 「是佛真法」“Thị Phật chân pháp” (Là pháp chân thật của Phật), câu 「雙結能所」“song kết năng sở”(tổng kết cả năng và sở) này, bài kệ này là tổng kết, năng sở là một không phải là hai. 確實有能現、有所現Xác thực hữu năng hiện, hữu sở hiện (Chân thật là có năng hiện và có sở hiện), nhưng năng sở là một, vì sao vậy? Bởi đều không xa lìa Tự Tánh, không xa rời Tam Tế Tướng. Chúng ta xem bài kệ tiếp theo.
【如來光普照。滅除眾暗冥。是光非有照。亦復非無照。】“Như Lai quang phổ chiếu. Diệt trừ chúng ám minh. Thị quang phi hữu chiếu. Diệc phục phi vô chiếu” (Quang Như Lai chiếu khắp. Diệt trừ những tối tăm. Quang này chẳng có chiếu. Cũng lại cả đều chiếu).
Chúng ta xem Chú Giải của Đại sư Thanh Lương 「後四遣相顯理」 “Hậu tứ khiển Tướng hiển Lý”(Bốn [bài kệ] sau bỏ Tướng hiện Lý), chính là phía sau bài kệ này, là bài kệ thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, bốn bài kệ đó, nói điều gì? Bỏ Tướng hiển bày Lý. Lý ở đâu? Lý ở trong Tướng, quý vị chấp Tướng, quý vị sẽ không thấy được Lý; nếu quý vị không chấp Tướng, thì Lý sẽ hiện tiền, Lý này chính là Tự Tánh. Cho nên khi nào thì quý vị thấy Tánh? Chỉ cần quý vị không chấp Tướng, đó chính là 頭頭是道,左右逢源đầu đầu thị đạo, tả hữu phùng nguyên, thứ nào không phải là Tự Tánh! Hư không cũng là Tự Tánh, tất cả pháp đều do Tự Tánh biến hiện ra. Cho nên người xưa nói:「以金作器,器器皆金」“Dĩ kim tác khí, khí khí giai kim” (Lấy vàng làm đồ dùng, mọi đồ dùng đều là vàng), vàng ở đâu? Dù chọn pháp nào cũng đều là vàng, pháp nào không phải là vàng! Quý vị liền hiểu được, Bản thể của tất cả pháp đều là Tự Tánh, Bản thể không phải là vật chất, không phải tinh thần, chúng có thể biến hiện thành vật chất, biến hiện thành tinh thần, không phải là chính nó, mà nó có thể biến, hiện tượng vật chất này do được biến hiện, hiện tượng tinh thần này chính là Tự Tánh. Quý vị chấp trước phân biệt, quý vị vĩnh viễn không thấy được, quý vị chỉ cần xa lìa Phân biệt Chấp trước, quý vị liền thấy được. Thấy được chưa viên mãn, nhất định phải làm gì? Nhất định phải buông xuống Khởi tâm Động niệm, đến khi không khởi tâm không động niệm nữa, quý vị liền hoàn toàn thấy được.
Khi đó điều mà quý vị thấy được là hoàn toàn giống với Đại sư Huệ Năng, đó chính là quý vị thấy được bất kỳ một pháp nào, quý vị thấy được gì? Quý vị thấy được chúng vốn tự thanh tịnh, quý vị thấy được chúng vốn không sanh diệt, quý vị thấy được chúng vốn tự đầy đủ, vốn không giao động, có thể sanh ra tất cả pháp. Cũng chính là nói, chúng ta trong Hoàn Nguyên Quán, quý vị đã thấy được Nhất Thể, quý vị đã thấy được Nhị Dụng, quý vị đã thấy được Tam Biến, trong vi trần cực nhỏ, quý vị đều thấy được hiện tượng này, đó gọi là Kiến tánh. Ngày nay chúng ta không thấy được đó là vì sao? Bởi mê rồi. Mê bởi điều gì? Khởi tâm Động niệm, Phân biệt Chấp trước. Vì sao Khởi tâm Động niệm, Phân biệt Chấp trước thì không thấy được? Trong kinh Phật lấy ví dụ rất hay, ví tâm chúng ta giống như nước, nước tất nhiên phải rất thanh tịnh, không vẩn đục, tức là trong sạch, bằng phẳng, không gợn sóng, nước ấy giống như một tấm gương, phản chiếu cảnh giới bên ngoài. Chúng ta khởi tâm động niệm rồi, [là] gợn sóng, sóng nhỏ nổi lên, gợn sóng nhỏ nổi lên còn có thể phản chiếu, nhưng không phải là rất rõ ràng, Khởi tâm Động niệm là sóng nhỏ, có Phân biệt, Phân biệt là sóng lớn, vậy thì rất khó thấy được rõ ràng, Chấp trước là sóng cả, hoàn toàn không thấy được gì nữa. Vì vậy các vị A-la-hán có thể buông xuống Chấp trước, khiến cho sóng cả biến thành sóng lớn, vậy thì có thể thấy được một phần nhỏ. Giống như chúng ta hiện nay ở Cửu Long nhìn về Hồng Kông, quý vị chỉ thấy được cảng Victoria, đó là sóng không nhỏ, nhưng vẫn có thể nhìn được hình ảnh phản chiếu của Hồng Kông, quý vị ở bên này nhìn được hình ảnh phản chiếu bên kia. Nếu mặt hồ nước bằng phẳng như tấm gương, thì hình ảnh phản chiếu liền giống như trong gương, liền có thể thấy được rất rõ. Bây giờ khi chúng ta nhìn, mặt nước đều chuyển động. Cho nên ví dụ này so sánh được rất hay, chúng ta nhất định phải định tâm xuống, tĩnh tâm xuống rồi, trong tâm không còn tham sân si mạn, không còn Phân biệt Chấp trước. Tham sân si mạn là ô nhiễm, Chấp trước là tạo nghiệp, đó là sóng cả. Do đó nếu chúng ta có thể buông xuống Khởi tâm Động niệm, Phân biệt Chấp trước, thì thấy được rõ, thấy được chân tướng sự thật. Cho nên phía sau là khiển Tướng hiển Lý, quý vị không nên chấp Tướng, khiển là bỏ trừ đi, bỏ trừ Vọng tưởng Phân biệt Chấp trước của quý vị, quý vị không nên chấp tướng, thì thấy được Tánh, liền Kiến tánh rồi.
Phương pháp nào? Đều là 「躡跡遣滯」“niếp tích khiển trệ” (theo dấu vết [mà] trừ bỏ sự ngưng trệ), dùng phương pháp này. 「初偈」“Sơ kệ” (bài kệ đầu tiên), chính là bài thứ tư chúng ta vừa đọc, 「雙非顯中」“song phi hiển trung”(trong vừa hiển vừa không hiển), trong đây nói 『是光非有照,亦復非無照』 “Thị quang phi hữu chiếu, diệc phục phi vô chiếu” (là Ánh sáng không có chiếu, cũng lại không phải là không chiếu)”. Đây là song hiển. Hiển là gì? 「照理滅障,菩提涅槃,離有無故」 “Chiếu lý diệt chướng, Bồ-đề Niết-Bàn, ly hữu vô cố” (Soi lý diệt chướng, Bồ-đề Niết-Bàn, xa lìa việc có không). Bồ-đề Niết-Bàn, quý vị không thể nói là có, cũng không thể nói là không, vì sao vậy? Quý vị nói có, là quý vị phân biệt chấp trước rồi; quý vị nói không, quý vị cũng là phân biệt chấp trước, là đạo lý này. Quý vị chỉ cần không khởi tâm động niệm, có hay không đều không tồn tại, quý vị chân thật chiếu kiến rồi. Điều quan trọng là luyện tập việc này ở trong đời sống thường ngày, rất quan trọng, bất kể là việc gì xảy ra trước mặt mình, đều phải hiểu được những gì mà sáu căn tiếp xúc. Chữ 「光」“quang” này là gì? Quang là trí huệ giác ngộ,『如來光普照』“Như Lai quang phổ chiếu” (Quang minh của Như Lai chiếu khắp), quý vị thấy ngài không dùng chữ Phật, ngài dùng chữ Như Lai. Như Lai là gì? Như Lai là Tự Tánh, Phật là nói từ trên Tướng, Như Lai là nói từ trên Tánh. Nói Phật là nói từ trên Tướng, có Thích Ca Mâu Ni Phật, có Dược Sư Phật, có Tỳ Lô Giá Na Phật, đó [là] có phân biệt, nói từ trên Tánh, nói trên Tánh là một thể. Tự Tánh của chúng ta là Như Lai, quang minh của Tự Tánh là trí huệ Bát Nhã, vì vậy chúng ta mắt nhìn mọi việc, chúng ta không có Phân biệt, không có Chấp trước, không có Khởi tâm, thì có phải thấy được rất rõ không? Cổ Đại đức thường hay nói với chúng ta, niệm đầu tiên của chúng ta chính là 『如來光普照』“Như Lai quang phổ chiếu”, là niệm thứ nhất. Thế nhưng niệm thứ hai liền thay đổi rồi, niệm thứ hai Phân biệt Chấp trước liền khởi lên, điều này không tốt, liền mê rồi. Giữ gìn được niệm thứ nhất, không rơi vào niệm thứ hai, người đó liền thành Phật rồi. Vì sao không thể giữ gìn, lại thay đổi? Đây là điều mà nói là 「真如不守自性」“Chân Như bất thủ Tự Tánh” (Chân Như không giữ gìn Tự Tánh), quý vị không có cách nào giữ gìn trụ lại. Quý vị rơi vào Phân biệt là tụt xuống một cấp, rơi vào Chấp trước là tụt xuống hai cấp, điều gì xảy ra tiếp theo? Càng rơi càng sâu, Vọng tưởng Phiền não Tập khí của quý vị hết thảy đều hiện ra, quý vị liền khổ rồi. Khổ do đâu mà có? Khổ không từ đâu đến, là từ trong Vọng niệm của quý vị sanh ra, nói cho quý vị biết, đều là giả, không phải thật, quý vị nhận chịu oan uổng nỗi khổ này. Vì vậy Phật giảng những chúng sanh này thật đáng thương, vì sao vậy? Bởi thật có khổ, nếu quý vị nói họ là những người thật đáng thương, vậy quý vị không phải là đang chế giễu người khác hay sao? Tại sao quý vị nói như vậy? Thực chất là không có, mà họ cho là có đang chịu khổ, đó mới thật là đáng thương, thật đáng thương xót, đây không phải là thật, phải hiểu rõ đạo lý này.
Vì vậy chúng ta cần học, trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật giảng hay vô cùng, Ngài dạy chúng ta xả thức dùng căn, chính là ý nghĩa này. Ý nghĩa này trong kinh điển, cổ Đại đức rất ít người phát hiện ra, thời nhà Minh có Pháp sư Giao Quang phát hiện ra được. Ngài rất xúc động nói, cổ Đại đức đối với Chú Giải Kinh Lăng Nghiêm, đều không hiểu được ý nghĩ chân thật của Phật. Ngài phát hiện trong Kinh Lăng Nghiêm nói về Xa-ma-tha, Tam-đề, Thiền-na, ý nghĩa khác với những gì mà Đại sư Thiên Thai giảng. Tông Thiên Thai cũng có Xa-ma-tha, Tam-đề, Thiền-na, đó gọi là Tam chỉ Tam quán. Kinh Lăng Nghiêm truyền đến Trung Hoa, thông thường nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm đều dùng Tam chỉ Tam quán của Đại sư Thiên Thai để giải thích. [Về] ý nghĩa ba điều này. Đại sư Giao Quang nói không phải như vậy, điều đó khác với tông Thiên Thai. Tam chỉ Tam quán của tông Thiên Thai không xa rời tâm ý thức, cũng chính là nói không xa lìa Vọng tưởng Phân biệt. Nhưng chỗ được nói trong Kinh Lăng Nghiêm về Xa-ma-tha, Tam-đề, Thiền-na là không dùng tâm ý thức, tâm ý thức là thức, xả thức dùng căn. Không dùng tâm ý thức thì dùng gì? Không dùng tâm ý thức là dùng trí huệ quang của Như Lai để phổ chiếu, đó là ý nghĩa này. Đại sư Giao Quang dường như tuổi thọ cũng không dài lắm, khi ngài bị bệnh, thấy được A Mi Đà Phật đến tiếp dẫn ngài. Ngài liền nói với A Mi Đà Phật: Kinh Lăng Nghiêm truyền đến Trung Hoa rất lâu rồi, mà Chú Giải chưa phải là nghĩa chân thật của Như Lai, con mong làm lại một bản Chú Giải để giải thích Kinh Lăng Nghiêm, ngài hướng về A Mi Đà Phật xin phép, con hiện nay phải chú giải Kinh, Ngài chờ sau khi con chú giải Kinh xong, con xin thỉnh Phật tiếp dẫn con vãng sanh. A Mi Đà Phật gật đầu đồng ý, ra đi; ngài khỏi bệnh, cho nên có thể thỉnh cầu hoãn lại được, để chú giải Kinh. Câu chuyện này được ngài viết trong Lời Tựa. Chúng ta tin tưởng Pháp sư Giao Quang không nói dối, điều kỳ lạ này nhất định là sự thật, cho nên hướng về A Mi Đà Phật xin hoãn để chú giải Kinh. Đó là chú sớ mới của Kinh Lăng Nghiêm, chính là từ đó chia ra cách giảng giải của hai trường phái cũ và mới, trường phái cũ là do Đại sư Trường Thuỷ dẫn đầu, nương theo Đại sư Thiên Thai, chính là dựa theo chỉ quán của Kinh Pháp Hoa để giảng. Ngài Giao Quang hoàn toàn trái lại, từ trên Tâm Tánh mà nói, nói rất hay.
Xả thức dùng căn có liên hệ vô cùng mật thiết với Thiền, quý vị xem Thiền gia tham cứu dùng phương pháp nào? Tham cứu để lìa tâm ý thức. Cho nên nhà Phật nói tham cứu, không nói nghiên cứu, thế gian chúng ta nghiên cứu là như thế nào? Nghiên cứu là dùng tâm ý thức, tham cứu là không dùng tâm ý thức. Tâm ý thức là gì? Tâm là Vọng tưởng, ý là Chấp trước, thức là Phân biệt, chính là nói họ sử dụng thứ gì? Vọng tưởng Phân biệt Chấp trước, họ còn sử dụng những thứ này. Sử dụng những thứ này không thể Kiến tánh, những thứ này là gì? Chướng ngại, chướng ngại quý vị Minh tâm Kiến tánh. Cho nên Thiền tông nhất định không sử dụng những thứ này, mà xa lìa tâm ý thức, cũng là nói không phân biệt, không chấp trước, không khởi Vọng tưởng, điều này rất khó. Xa lìa ba điều này, quý vị liền hiểu được tâm quý ngài rất thanh tịnh, tâm thanh tịnh sanh trí huệ, trí huệ chính là Như Lai quang phổ chiếu. Cho nên quý vị chỉ cần có Phân biệt Chấp trước, thì không phải là Như Lai quang phổ chiếu, là Trí tướng quang phổ chiếu trong Lục Thô, thì không thể滅除眾暗冥“diệt trừ chúng ám minh”, không làm được điều đó. “Chúng ám minh” là gì? Ám là hắc ám, minh là tối tăm, chúng ám minh là Vọng tưởng Phân biệt Chấp trước, là những thứ này. Lìa tâm ý thức, mới có thể diệt trừ những thứ đó.
Hai câu sau đây rất quan trọng, 是光“thị quang”(ánh sáng này), chính là ánh sáng trí huệ Bát-nhã trong Tự Tánh của quý vị, quý vị không thể khởi tâm động niệm. 「我自性清淨心裡面般若智慧現前了」 “Ngã Tự Tánh thanh tịnh tâm lý diện Bát-nhã trí huệ hiện tiền liễu” (Trí huệ Bát-nhã trong Tự Tánh thanh tịnh của ta liền hiện tiền rồi), chỉ cần quý vị có một niệm này thì xong rồi, hoàn toàn lại đoạ lạc ở Trí tướng trong Lục Thô rồi, tiếp theo Trí tướng là Tương tục tướng thì phiền phức rồi. Không thể có, không thể có ý niệm này, cũng không thể nói 「亦復非無照」“diệc phục phi vô chiếu” (cũng lại không phải không chiếu), đó không phải là Tự Tánh, cũng không thể cho là có. Không kể quý vị nói là có, hoặc là không có, đều là ở trong Phân biệt Chấp trước, vậy quý vị hoàn toàn đều sai rồi. Cần phải hiểu được trong Tự Tánh, chúng ta thường nói là, chúng không có tương đối, không có đối lập. Phàm phu chúng ta đang sống ở thế giới nào? Nhà khoa học đưa ra thuyết tương đối, thuyết tương đối là đối lập, quý vị xem, có dài thì có ngắn, có lớn thì có nhỏ, đó đều là đối lập. Trong Tự Tánh không có đối lập, cho nên vũ trụ là một thể. Quý vị biết là một thể, quý vị liền không đối lập với tất cả người, không đối lập với tất cả sự, không đối lập với tất cả vạn vật. Không đối lập, quý vị liền trở về với Tự Tánh, điều này rất quan trọng. Bao nhiêu người tu hành không thể quay về Tự Tánh, nguyên nhân là gì? Không chịu buông xuống đối lập. Đây chính là không hiểu rõ Tự Tánh Thanh Tịnh Viên Minh Thể, bao gồm tất cả các pháp, [tất cả] đều ở trong thể tánh này, Thập pháp giới Y Chánh trang nghiêm, có pháp nào lìa khỏi thể đó không? Những sự việc này cũng giống như nước trong biển lớn, được gọi là Tánh hải, trong giáo lý Đại thừa so sánh Pháp tánh với biển, 森羅萬象 “sâm la vạn tượng” (muôn vật dày đặc) giống như bọt bong bóng trong nước biển, trong biển có rất nhiều bong bóng, rất nhiều bọt nước, không rời khỏi biển, tất cả là một thể.
Đến khi nào chúng ta có thể tự mình trở về một thể, là tốt rồi, với tất cả pháp không còn Phân biệt nữa, không còn Chấp trước nữa, thì sẽ ra sao? Tứ đức hiện tiền. Quý vị xem sau Tam Biến là nói Tứ Đức, thứ nhất là Tuỳ duyên Diệu dụng, quý vị có thể tuỳ theo duyên của tất cả chúng sanh. Diệu có nghĩa là gì? Tuỳ duyên không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đó là diệu! Chúng ta ngày nay tuỳ duyên, tuỳ duyên tuỳ theo mà biến, là như thế nào, tuỳ duyên có Khởi tâm Động niệm, Phân biệt, Chấp trước, đó là phàm phu, không phải diệu dụng, đó là tạo nghiệp. Chư Phật Bồ-tát là hằng thuận chúng sanh, tuỳ hỉ công đức, đó chính là nói, quý ngài vĩnh viễn không có Khởi tâm Động niệm, không có Phân biệt, Chấp trước. Cho nên việc này đặt ở điều thứ nhất, có điều thứ nhất này thì mới có điều thứ hai. Vậy điều thứ hai là gì? Điều thứ hai chính là ngày nay nói 「學為人師,行為世範」“học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học để làm thầy người, hành vi để làm mô phạm cho đời), quý vị mới thật sự làm nên tấm gương tốt nhất cho chúng sanh xem. Tấm gương tốt nhất là như thế nào? Quý vị tuỳ thuận Tánh đức, quý vị không làm trái ngược với Tánh đức, cho nên nói 威儀有則Oai nghi Hữu tắc, chính là tuỳ thuận Tánh đức, quý vị nói có nhiều ý nghĩa như vậy. Cho nên nói離有無“ly hữu vô” (xa lìa có không), Bồ-đề Niết-Bàn là xa lìa có không, có không chính là đối lập, chính là trái ngược nhau, quý ngài vĩnh viễn không có đối lập, quý vị cần nhớ điều này, trong tất cả các pháp đều không có đối lập. Đó là Tánh đức, đó là một thể, là một thể thì làm sao đối lập được! Hai cá thể thì có đối lập, một thể. Biết rằng mỗi cá nhân chúng ta giống như một bóng bóng nhỏ trong biển lớn, chúng ta cũng giống như biển lớn, khi bọt bong bóng nổi lên, dường như bọt bong bóng này không phải là bọt bong bóng kia, khi bọt bong bóng vỡ tan cũng giống như vậy. Khi không vỡ cũng biết được là giống nhau, đó gọi là giác ngộ, đó gọi là hiểu rõ. Hôm nay thời gian hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi.
(Hết tập 2005)
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Sớm viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.
Nam Mô A Mi Đà Phật.
#HoathuongTinhKhong #KinhHoaNghiem