Responsive Menu
Add more content here...

Luận Câu Xá -Phẩm 1 – Buổi 4

Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 4: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 4.

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 10.07.2024

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang

LCX004- A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Vi DIệu Pháp) – Phẩm Thứ 1 – Buổi 4|| Thích Thiện Trang

mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:

https://www.facebook.com/suthaythichthientrang

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô A Mi Đà Phật!

Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Chúng ta đang theo dõi thời khóa trực tiếp. Hôm nay là chuyên đề về Luận Câu Xá, tựa đề là A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận, bên Đại thừa còn gọi là Duy Thức, bên Nam truyền gọi là Vi Diệu Pháp (A Tỳ Đàm). Chúng ta học qua ba buổi rồi, chắc quý vị đồng tu đều rất hoan hỷ, vì chúng ta được học một giáo pháp: Thứ nhất là rất thù thắng, đi sâu vào kinh điển, không có lòng vòng bên ngoài. Đồng thời cũng giúp cho chúng ta được rất nhiều lợi ích, trong việc tu tập, cũng như hiểu rõ đường lối tu tập, mình hiểu từ cảnh, từ tâm. Bộ này đáp ứng cho chúng ta được nhiệm vụ như thế, nên nếu như mình không học, là một sự lãng phí, uổng phí cả cuộc đời.

Trên đường tu đạo, đừng bao giờ chúng ta thỏa mãn với những gì mình đã có. Tại sao? Vì nếu mình thỏa mãn với những gì mình đã có, đã đắc, mình đã được (ngôn ngữ nhà Phật nói đắc thì cao, mình nói là đã có đã được), thì lúc đó mình không tiến lên được nữa. Mà đạo Bồ-đề không tiến thì ắt lùi. Đó là lý do mình phải cố gắng học, những điều gì mình chưa học, cần phải làm cho sáng tỏ. Đến địa vị A-la-hán mới gọi là Vô học.

Một điều nữa, nếu tu học mà không nắm rõ giáo lý, thì đường tu học có thể bị sai lầm, vì có thể đi lạc đường. Bởi vì chân lý thì chỉ có một, nhưng những điều tương tự với chân lý thì có nhiều. Giống như đồ thật, thì chỉ có một thôi, một hãng đó chỉ có một thôi, nhưng hàng nhái thì nhiều. Cho nên nếu mình không có tri kiến chính xác, mình không có nền tảng giáo lý căn bản, thì rất có thể mình sẽ đi lạc đường. Vì mình cho những điều không chân lý trở thành chân lý.

Một người học Phật với tâm cầu giải thoát giác ngộ, thì nên học giáo lý. Quý vị nên nhớ, chúng ta tu phải hiểu, hiểu thì mới tu. Tu nhân như thế nào, thì sẽ quả như thế ấy. Quý vị thấy đọc trong kinh tạng, có những vị đắc quả rất tuyệt vời, vào xuất gia tu hành, tướng tá ngon lành, nhà gia đình quyền quý. Vô xuất gia với Phật một thời gian, đắc quả A-la-hán, rồi còn đi hoằng pháp lợi sanh, đến cuối đời mới nhập Niết-Bàn. Còn có những vị đắc quả một cách cũng rất vất vả, tu trên rừng, trên núi bao nhiêu, trồi lên tụt xuống, cuối cùng cũng không có đắc quả, thậm chí đắc quả cũng rất gay go.

Ví dụ trong Kinh Tạp A Hàm, Thiện Trang nhớ Kinh số 995 thì phải. Có một vị Tỳ-kheo, lên trong rừng vắng trên núi để tu, thì ngài đắc được Ý giải thoát (Tâm giải thoát). Sau này chúng ta học trong Luận Câu Xá này, quý vị biết là có hai điều: Tuệ giải thoát và Tâm giải thoát. Nếu mà chỉ có Tâm giải thoát thôi, dù địa vị A-la-hán đi chăng nữa, thì vẫn có thể bị thoái chuyển.

Vị Tỳ-kheo đó, hình như Cù Ba Lê hay Cù Lê Ba gì đó, Thiện Trang quên tên rồi, sáu lần như vậy, tức là cứ vô tới được Tâm giải thoát xong lại thoái chuyển, vô tới được Tâm giải thoát xong lại thoái chuyển. Cho nên [vị ấy] nghĩ mình không nên như thế, mình phải có cách nào đó, để mình không bị thoái chuyển nữa. Tại vì mới chứng được Tâm giải thoát, chưa chứng được Huệ giải thoát, cho nên chưa dứt hết được Phiền não, gặp nghịch duyên hay thế nào đó [thì] vẫn thoái chuyển. Mai mốt chúng ta học trong Luận Câu Xá, nói rất rõ điều này.

Ngài ấy mới nghĩ ra cách: là thôi mình cầm dao tự sát đi. Đang lúc Tâm giải thoát này, là cầm dao đâm tự sát để không bị thoái chuyển nữa, tại vì thoái chuyển tới sáu lần rồi. Đang nghĩ tới lúc đó thì Ma vương Ba Tuần thấy được như vậy, nên mới xuống. Vì thấy người này tính ra khỏi Tam giới, bây giờ nếu tự sát là nhập Niết-Bàn mất, ra khỏi vùng Tam giới ông quản lý. Nên Ma vương Ba Tuần xuống nói đừng có đâm. Không nói được, [Ma vương] mới tới hiện thân trước đức Phật nói rằng: “Đệ tử của ông ở núi đó, bây giờ đang tính tự sát, ông hãy ngăn lại đi, chứ không ông đó tự sát”. Nhưng mà đức Phật nói không. Hai bên đối đáp bằng bài kệ. Ý là đức Phật nói không cần thiết. Sau đó Ma vương tất nhiên bỏ đi.

Đức Phật nói: “Chúng ta hãy đến núi đó, để xem vị Tỳ-kheo đó thế nào”. Các vị Tỳ-kheo cùng đi với đức Phật, tới thì thấy vị Tỳ-kheo đó đã nằm gục chết rồi, tại vì tự sát. Đức Phật nói: “Các ông có nhìn thấy khói đen bay ngun ngút khắp nơi không? Đó chính là Ma vương Ba Tuần, đang tìm thử coi thần thức của vị Tỳ-kheo đó đi về hướng nào. Nhưng mà không thể tìm được, bởi vì vị ấy đã nhập Niết-Bàn”. Quý vị thấy rất là hay như vậy.

Quý vị thấy không, chúng ta học không rõ, thì chúng ta tưởng A-la-hán chỉ có một vị trí thôi, nhưng thực tế có Tâm giải thoát và Huệ giải thoát. Mà Tâm giải thoát thì vẫn có thể thoái chuyển, phải có Huệ giải thoát nữa. Mai mốt chúng ta học Luận Câu Xá, tới địa vị A-la-hán rồi quý vị sẽ thấy.

Chúng ta giới thiệu như vậy, để quý vị biết một câu chuyện. Còn câu chuyện khác nữa, đắc quả cũng thê thảm lắm. Thời đức Phật, có vị Tỳ-kheo sau khi xuất gia với Tăng đoàn, bữa đó đi khất thực thì bị quan quân rượt đuổi bắt, cứ tưởng là ăn trộm. Tại vì vị này giống một vị khác, nên [bị] rượt đuổi theo, và [bị] lấy cái giáo đâm xuyên người từ dưới lên trên, treo lên. Đang lúc hấp hối thì đức Phật biết, cho nên đức Phật mới hiện thân ở trước mặt, thuyết nhanh cho một bài pháp. Vị đó đắc quả A-la-hán, kịp nhập Niết-Bàn.

Sau đó đức Phật trở về, [Ngài] kể câu chuyện đó với các Đệ tử. Các Đệ tử nói: “Tại sao vị này có nhân quả gì, mà đắc quả thê thảm như vậy? Tại sao đến lúc cuối đời, bị người ta đâm từ dưới đâm lên, xuyên người, treo lên như vậy rồi, mà đức Như Lai thuyết pháp để đắc quả A-la-hán?”. Đức Phật nói: “Vị này do đời quá khứ có một nghiệp, là lấy cây tăm đâm xuyên qua con ruồi, treo lên, xâu xâu vậy đó. Nên đời này quả báo đó tới, khiến bị người ta đâm cây giáo xuyên người như vậy’’. Quý vị thấy ghê không!

Nên mình ở trong vòng sanh tử, có nhiều vấn đề lắm quý vị, nhiều nghiệp chướng, nhiều nạn lắm. Mình đâu biết mình đã tạo bao nhiêu nghiệp. Mà theo trong giáo lý này, mỗi lần một sát-na tâm tạo ra một nghiệp, nó xếp hàng đợi, xếp hàng, xếp hàng, cho đến khi tới dòng nghiệp đó, nó chạy một mạch vô.

Cho nên người tu hành là gì? Tu là chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp là mình phải tạo ra những nghiệp khác, để lấn át nghiệp đó đi. Tức là đáng lẽ chúng ta có một nghiệp, sẽ trổ vào năm 2027 đối với mình, nghiệp đó là nghiệp ác. Nhưng nếu như mình tu tốt, mình sẽ có một nghiệp khác đủ mạnh lấn vào, chen vào. Nó mạnh hơn nghiệp kia, để nó trổ ra trước, còn nghiệp kia bị đẩy ra đằng sau. Thậm chí mình nhiều nghiệp mạnh nữa, nó đẩy đẩy dần ra, thì mình kịp có thể đắc quả giải thoát, hoặc mình ra khỏi sanh tử. Giống như những ai tu Tịnh Độ, thì niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ trước khi nghiệp đó đến.

Tu hành là như vậy, mai mốt chúng ta học vào phần Nghiệp rồi, quý vị sẽ thấy rất rõ, trong mỗi sát-na tâm, chúng ta tạo ra những tâm nào. Ví dụ hôm trước chúng ta học tâm đầu thai Tam nhân, tâm đầu thai Nhị nhân, tâm đầu thai Vô nhân. Trong sát-na tâm tạo ra như vậy, và tạo quả nghiệp như thế nào. Mình học, mình hiểu rõ như vậy, thì mình sẽ biết cách tu. Chứ mình cứ nói tạo nghiệp, tạo nghiệp như thế nào, đâu có rõ, rồi cứ dễ vui theo ngày tháng. Còn nếu như mình hiểu rõ như vậy, cứ mỗi sát-na tâm đều tạo ra những tâm đầu thai, và tạo ra nghiệp. Cứ như vậy, như vậy, một mớ ở trong đó. Vì vậy mình rất chú ý, để ý đến từng giây phút trong đời, gọi là lúc nào cũng biết tu hết.

Tu không phải vô chùa mới tu, không phải vô thời khóa mới tu. Đó là người chưa hiểu giáo lý. Người hiểu giáo lý là mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, lúc nào cũng tu. Bởi vì sao? Lúc nào quý vị tác ý, gọi là khởi tâm động niệm với tâm lành, tâm thiện, đó là đang tu. Nếu như lúc nào mình khởi tâm ác, tâm vui, tâm buồn, tâm gì đó xấu, thì đó cũng là tu, nhưng tu vô đường ác, không phải tu vô đường thiện đường lành. Phải luôn luôn [quán] như vậy. Cho nên người biết tu hành là tu trong mọi lúc mọi nơi, ở nơi đâu cũng là vô lượng công đức, nơi nào cũng được tu hết.

Cho nên người biết tu là vô phòng vệ sinh, đang ngồi vệ sinh cũng tu. Bởi vì phải chánh niệm rõ ràng, lỡ hôi cũng không ghét cái mùi ở trong đó. Không được ưa thích, cũng không được chán ghét, mà phải giữ tâm chánh niệm, thấy rõ Thật tướng các pháp. Lúc đó nếu ai mà dùng quán Tứ niệm xứ, thì phải quán thân thể này dơ bẩn, thọ cảm nhận trên thân, và ta chán ngán với thân này, ta muốn cầu giải thoát. Ai tu Tịnh Độ thì cầu thân kim cang bất hoại, “thanh hư chi thân, vô cực chi thể” ở Tây Phương Cực Lạc. Đó là lúc nào cũng tu, chứ không phải đến giờ lên tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền mới tu. Đó là xưa, là dạy cho mấy người mới biết tu. Vậy mới biết là tu hành, chứ nhiều khi không biết tu, cứ tưởng lúc này mới tu.

Có một công án, hình như có một câu chuyện, có vị hỏi vị Thiền sư là: “Phải tu lúc nào?”. Tức là việc làm phước, việc tu, cần vào lúc nào, khoảng thời gian nào, ở không gian nào và đối tượng nào? Vị Thiền sư trả lời rất đơn giản: “Ở ngay lúc này!’’. Tức là lúc nào cũng phải tu, ở ngay thời gian này, và ở ngay đối tượng nào ngay đây. Tức là lúc nào cũng là ngay đây, ngay đây tức là lúc nào cũng phải tu.

Cho nên đức Đạt Lai Lạt Ma có nói: “Ở trong năm, có hai ngày mà mình không làm được việc gì cả. Đó là ngày hôm qua và ngày mai”. Vì ngày hôm qua đã qua rồi, còn ngày mai thì chưa tới. Cho nên mãi mãi là ngày hôm nay, là ngày mình đang tu, ngày mình đang làm việc. Người tu hành với tâm như vậy, trong Kinh A Hàm đức Phật có nói: Giống như một người gieo lúa, gieo hạt xuống, tưới nước, tưới phân, v.v… người đó mặc dù không nghĩ đến rằng: bao giờ lúa trổ bông, bao giờ lúa kết quả, mà không nghĩ tới mầm nảy nở thế nào. Nhưng mà hạt giống khi gieo xuống có nước đó, thì hạt lúa đã nảy mầm lớn lên. Cũng giống như con gà mẹ ấp trứng, nó không có ý nghĩ rằng: bao giờ sẽ mổ trứng gà để gà con chui ra, nhưng nó cứ ấp tới ấp lui. Và trong kinh đức Phật nói, ấp từ 10 đến 12 ngày, thì gà con tự nhiên biết mổ vỏ chui ra.

[Tu hành] cũng vậy, cứ tu đi, cứ lo giữ chánh niệm, tu đi. Người tu đúng, đức Phật nói là hãy tu 37 Phẩm trợ đạo: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như Ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát thánh Đạo phần. Cứ như vậy mà tu, thì giống như gà ấp trứng, đến lúc nào đó con gà con sẽ tự chui ra.

Cũng vậy, người cứ tu đúng như vậy, cứ 37 Phẩm trợ đạo đó mà tu, thì đến lúc nào đó, quả sẽ ra tức là đắc quả giải thoát thôi, chứ không có mong đợi. Vì quý vị mong đợi, là giống như gà mẹ mổ vỏ trứng sớm quá, làm gà con chết đó. Đó là trong kinh, đức Phật đưa ra những ví dụ như vậy. Cho nên tu hành là tu mọi lúc mọi nơi.

Còn có nhiều người không buông được thế gian, ở trong đời có nhiều điều, sẵn Thiện Trang chia sẻ một chút. Ví dụ như quý vị yêu người đó quá, mong đời sau gặp nhau nữa, hoặc là gặp người thân nữa. Không hẳn như vậy! Trong kinh nói, để gặp nhau nữa chúng ta phải có bốn điều tương đồng:

1. Điều thứ nhất là đức tin, là niềm tin. Niềm tin phải giống nhau thì mới được. Giống như ông chồng bây giờ không tu, [mà] vợ tu, là niềm tin khác nhau rồi, thì đời sau không gặp nhau được đâu.

2. Thứ hai là sự bố thí.

3. Thứ ba là giới hạnh, tức là hai người phải giữ giới như nhau. Ông chồng không giữ giới, bà vợ giữ giới, vậy là hai người đi về hai cảnh giới khác nhau. Một người giới cao, người giới thấp, là hai cảnh giới khác nhau rồi, sanh ra ở hai nơi khác nhau rồi.

4. Thứ tư là trí huệ, thì cũng tương đồng một chút, như vậy đời sau mới được gặp nhau nữa.

Trong nhân gian có câu nói: tựa như đàn chim sống trong rừng, đến khi đại hạn tới, phần con nào con nấy bay. Cho nên mình hiểu rồi, trong cuộc đời này đừng mong cầu gì hết. Đời này chúng ta gặp nhau, chắc gì đời sau chúng ta gặp nhau nữa, khó lắm! Mà một khi mất thân người rồi, thì ngàn kiếp khó tìm lại. Trong Kinh A Hàm, có mấy lần đức Phật đưa ra một ví dụ, là rùa mù trên biển.

Quý vị nhớ rùa mù mà trên biển, biển rộng 84.000 do-tuần, có một bọng cây trôi qua trôi lại, trôi nơi này nơi kia. Rồi đức Phật hỏi ngài A Nan: “Liệu con rùa với bọng cây có gặp nhau hay không, biển lớn như vậy?”. Ngài A Nan nói: ‘“Khó lắm! Tại con rùa ở phía Đông, thì bọng cây ở phía Tây, cho dù gần nhau nữa cũng khó’’. Đức Phật nói: “Cũng vậy, một trăm năm con rùa nổi lên mặt nước một lần, đớp một hớp rồi lại xuống. Như vậy nếu mất thân người, mà trở lại được cũng khó như vậy’’. Vì trong kinh cũng nói, khi chúng ta đọa lạc xuống, nhiều khi xuống loại thấp quá là lên không nổi.

Ví dụ quý vị vô loại sò, loại ốc nhỏ nhỏ ở dưới, là ngóc đầu lên không nổi đâu, quen rồi, lâu ngày lên nó đơ. Mình học theo giáo lý này kĩ lắm, nghiệp của nó là Thường nghiệp, nó sống quen như vậy rồi, phải đến một cơ duyên nào đó, để nó phát khởi chủng tử nghiệp trong đời quá khứ nào đó. Thì chủng tử lành mới kéo nó lên thoát ra được, còn không thì ở trong đó, lâu lắm. Cho nên một khi sa chân rồi thì ngàn kiếp hận, khó lắm! Nhân cơ hội đời này có thân người, gặp được Phật pháp, là một điều trân quý hy hữu khó gặp, đừng mê thế gian, ở thế gian có nhiều cái mê lắm. Ở đời, người ta hay nói sai lầm lớn nhất của đời người, là gặp một người mình cho là định mệnh, ý trung nhân, mình lấy về sau đó mới biết là oan gia, thì muộn màng rồi. Mình không biết được Thật tướng các pháp, tội lắm!

Đó là Thiện Trang chia sẻ một chút, Thiện Trang đã chia sẻ qua một số duyên rồi, [đó là]: Tiền sanh duyên, Hậu sanh duyên, Câu sanh duyên, Hiện hữu duyên, Vô hữu duyên, còn có giới thiệu sơ qua Cảnh duyên, Thiền duyên rồi. Thiền duyên là có Bảy chi thiền đó quý vị, [duyên đó] giúp cho mình tu Thiền gọi là Thiền duyên. Quý vị còn nhớ không? Mọi người hay có tính mau quên, nếu mà ở đời mau quên cũng là một việc tốt. Vì mau quên thì thường không rơi vào hạng người nhớ dai thù lâu. Nhưng trong Phật pháp mau quên thì không tốt.

Bảy chi thiền gồm có: Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Định, Ưu, Xả. Bảy chi thiền giúp duyên cho tu Thiền, nên gọi là Thiền duyên. Có nghĩa là giúp quý vị đắc được các tầng Thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Nên Bảy chi thiền đó gọi là Thiền duyên, “thiền” chứ không phải “thuyền’’. Ở Việt Nam khi ngồi thiền, tọa thiền, có người tới đốt đèn để ở trước mặt, kêu làm gì vậy, thì thiền rồi giờ có đèn nữa, đèn là đăng, [gọi là] “thiền đăng”. Thiền đăng nói lái lại là thằng điên, người ta hay chọc nhau kiểu đó, mấy thầy đôi khi hay chơi trò đó.

Thiền duyên là Bảy chi thiền. Hôm nay Thiện Trang sẽ nói tác dụng của Năm chi thiền.

1. Thứ nhất là Tâm sở Tầm. Quý vị nhớ Tầm, Tứ không? Bữa [trước] lấy ví dụ con ong, trong kinh đức Phật lấy ví dụ, Tầm giống như là tìm kiếm, chạy, con ong hướng về bông hoa, nó bay tới, đó gọi là Tầm. Còn Tứ là con ong bay quanh bông hoa đó.

Tâm sở Tầm là đối trị hôn thụy (tức là buồn ngủ). Người có Tâm sở Tầm mạnh, sẽ ít buồn ngủ hơn. Quý vị để ý đi, khi nào đang buồn ngủ, vậy chứ có chuyện gì mà quý vị phải chú ý, là hết buồn ngủ ngay. Tức là Tâm sở Tầm đối trị với buồn ngủ. Mình [đang] buồn ngủ lan man lan man, nhưng có chuyện gì đó, có tin nhắn thì giật mình, ví dụ người ta báo vô tin nhắn giả là mất bao nhiêu tiền rồi. Hoặc là đang buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, mà đứa con nó nhắn về “Má ơi má! Con đi xe bị té rồi’’. Chưa biết bị té gì hết, nhưng mà giật mình, tỉnh giấc ngay. Đó là Tâm sở Tầm sẽ đối trị được hôn thụy (buồn ngủ).

2. Tâm sở Tứ thì đối trị sự nghi ngờ, hoài nghi. Quý vị để ý, đó là chi thiền.

3. Tâm sở Hỷ thì đối trị với tâm sân. Mình có hỷ thì không bị sân. Cho nên người chứng Sơ thiền, người ta phục sân, tức là ít sân hơn, lâu lâu khởi thôi chứ không thường xuyên, ít sân.

4. Tâm sở Lạc đối trị với trạo hối. Trạo hối là gì? Trạo hối là trạo cử và hối hận. Tức là người hay nghĩ lung tung rồi hối hận, chuyện đã qua rồi, nghĩ lúc đó sao không như vậy, hồi xưa tôi sao dại quá lấy ông đó, bao nhiêu người theo tôi tôi không lấy, bây giờ tôi lấy ông đó v.v… Cứ suy nghĩ mênh mang. Hoặc là chuyện hôm qua qua rồi, biết vậy hôm qua không làm như vậy, v.v… Đó là trạo hối. Hoặc là nhiều tư tưởng chạy lên. Thường là đa số nghĩ về chuyện quá khứ nhiều, và tất nhiên cũng có nghĩ về tương lai; #hối là hối hận; #trạo là trạo cử.

Quý vị nếu mà có niềm vui (Lạc), thì sẽ không có [Trạo hối]. Cho nên người tu hành đắc lực, là mình nhìn vào mấy chi thiền này thì biết ngay.

5. Còn một cái nữa là Định, Định là đối trị với tham dục. Có nghĩa là người có Định, thì người đó ít tham, hoặc nói là không tham. Cho nên mình nhìn vào đó để mình tu, và cũng nhìn vào đó để biết công phu của mình tới đâu.

Xin nói lại lần nữa, nói lại từ đầu để quý vị nhớ. Thứ nhất Tâm sở Tầm đối trị với hôn thụy (buồn ngủ). Tâm sở Tứ đối trị với sự nghi ngờ. Tâm sơ Hỷ đối trị với sân. Tâm sở Lạc đối trị với trạo hối, và Tâm sở Định đối trị với tham dục.

Vậy một người nào có đắc Sơ thiền hay không, thì quý vị nhớ đắc được Bảy chi thiền mà không có, thì không có đắc Sơ thiền đâu. Mình phải học như vậy, chứ không vô ngồi thiền chút, hoặc niệm Phật ngồi định định an an chút, bắt đầu tưởng mình vô thiền. Thiền cái nỗi gì, đúng không! Cái đó là thiền đăng, chứ không phải Sơ thiền đâu. Quý vị còn nguyên [như cũ], mình đem mấy chi thiền đó ra, mình bửa ra là thấy rớt sạch.

Mình vẫn còn ngủ gục, mình vẫn còn nghi ngờ, mình vẫn còn sân, mình vẫn còn trạo hối, vẫn còn tham, như vậy mấy chi thiền rớt sạch rồi, lấy gì đâu đắc Sơ thiền quý vị. Không có! Cho nên mình phải học như vậy đó quý vị, không học như vậy làm sao tu. Không học mình vô [tu] thì cứ tưởng đắc, ngồi một hồi thấy gì đó mơ mơ tưởng xứ, gọi là nhập ngủ thiền, mơ mơ tưởng xứ. Trong nhà Phật nói Tứ thiền Phi Phi Tưởng Xứ, mình [là] ngủ thiền. Ngũ của người ta là ngũ dấu ngã, còn mình thì ngủ dấu hỏi. Rồi mơ mơ tưởng xứ, còn kia là Phi Phi Tưởng Xứ. Mơ mơ màng màng ở trong cái xứ, cái nơi chốn, mơ mơ màng màng.

Cho nên là phải tu, phải học, không học làm sao tu. Nhiều người nói: “Con cần gì đâu, học chi cho nhiều thầy ơi! Học nhiều cũng vậy thôi”. Như vậy Thiện Trang đã giới thiệu sơ qua thêm một [duyên] nữa, gọi là Thiền duyên. Thiền duyên là “duyên”, Thiền duyên, duyên của thiền. Muốn có thiền phải để ý nhiều điều đó.

Bây giờ sẵn giới thiệu tiếp, rồi chúng ta hãy vào [phần] tiếp theo. Hôm bữa có người thắc mắc, tại vì có người đọc Duy Thức Bách Pháp Minh Môn Luận, thì có Tâm sở gọi là Tác ý, và có Tâm sở chủ định (Tâm sở Tư). Tư là chủ định, chủ định một việc gì đó. [Tâm sở] Tư với Tác ý, thì có nhiều người không phân biệt được hai cái đó là thế nào. Thiện Trang xin đưa ra ví dụ này, là quý vị sẽ phân biệt được Tâm sở Tư và Tâm sở Tác ý.

Như trong Bách Pháp Minh Môn Luận có Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư. Chúng ta phải hiểu thế nào là Tác ý và thế nào là Tư. Tư là chủ đích của một hành động mà mình đưa ra mình làm. Thiện Trang lấy ví dụ, như chúng ta đóng đinh lên tường. Chủ định của chúng ta là đóng cái đinh đó để làm gì? Đóng cái đinh đó là để treo bức tranh Phật, [vậy] tâm mình là Tâm sở tốt. Hoặc là đóng cây đinh đó, để giăng cái dây qua, cho ăn trộm đi qua té chơi, gạt nó té, chứ lỡ tối nó ăn trộm rau hay gì đó. Ở bờ rào, mình để cái dây ngang dưới chân, đen đen nó không thấy, đi vô bị ngã, hoặc là đi vô gạt cái dây kêu báo động chơi. Đó gọi là chủ đích, chủ ý của mình. Đó gọi là Tâm sở Tư.

Còn Tác ý là gì? Khi quý vị đóng đinh, đóng đinh thì quý vị phải chú ý chớ, mình phải chú ý thì mình đóng mới được. Đóng cây đinh mới đúng chỗ đó, đóng cái búa cộc cộc cộc như vậy. Đó chính là Tâm sở Tác ý, quý vị hiểu không ạ? Rõ ràng hai cái khác nhau, không có giống nhau.

Giảng ra từng chi tiết từng chi tiết, tại vì chúng ta có nhiều món Tâm sở quá, không có thời gian để giảng, giảng từ từ. Mỗi ngày giảng một chút như vậy, quý vị có một nền tảng, rồi đến khi mình ráp vô thành một miếng bánh. Giống như mỗi ngày dạy cho quý vị, bữa nay đổ cái bánh sinh nhật khó quá, nhiều thứ quá, thôi bây giờ dạy làm bột trước, dạy khâu gọi là trang trí trước đi. Dạy từng khâu, từng khâu một, mỗi bữa dạy một khâu thôi. Dạy đến bữa nào đó, bữa nay đều nhuần nhuyễn các khâu đó rồi, đem vô làm một lúc hết các khâu luôn, là ra cái bánh.

Chúng ta học bộ A Tỳ Đàm này bằng cách đó, thì Thiện Trang nghĩ rằng ai cũng học được. Tại vì mình cứ học từ từ, từng mảng từng mảng lắp ráp lại, và mỗi lần học thì mình nhắc lại cái cũ. Ai đó nghe qua nghe lại, nghe hoài cũng nhớ, rồi chịu khó coi lại thì nhớ. Như vậy học rất là dễ. Quý vị thấy, tại vì nói lên đây là chúng ta học thêm một cái là Thiền duyên rồi.

Bây giờ Thiện Trang xin giới thiệu thêm tiếp theo là Đạo duyên. Đạo là con đường, thật ra [duyên] này bữa [trước] có nói cho quý vị rồi. Đạo là gì? Tức là ở trong mỗi sát-na tâm của mình, mình luôn luôn sống, là mình tạo ra một con đường hoặc vô số con đường, để mình đi về trong tương lai. Con đường đó được tạo bằng cái gì?

Thứ nhất là khuynh hướng tâm lý của mình, mình thích cái gì, ghét cái gì, nặng về cái gì? Ví dụ như thích cái này, thích cái kia, hoặc là quý vị tạo ra nghiệp như thế nào, thì cái đó cứ tích lũy từ từ, mỗi lần giống như xây vẽ ngôi nhà tương lai của quý vị. Đó cũng là dẫn lối con đường đi về ngôi nhà, những ngôi nhà tương lai. Đến khi mình chết, mình cũng đi về những con đường đó, sanh vào nhà đó. Đó gọi là Đạo duyên. Đạo là con đường thôi. Như vậy Đạo duyên là hồi bữa mình đã học.

Cho nên mình biết rõ là mỗi suy nghĩ của mình, mỗi hành động của mình [là] đã kết, đóng góp vô một ngôi nhà nào đó, nó đang dẫn mình đi vào một con đường nào đó. Con đường ra khỏi sanh tử luân hồi, con đường Súc sanh, con đường lên cõi Trời, con đường trở lại cõi Người, v.v… Những con đường đó đang tạo ra bởi ý nghĩ, bởi hành động, bởi việc làm của mình, đó gọi là Đạo duyên, đơn giản vậy thôi.

Trong kinh Phật nói nghiệp đen thì cho quả đen, nghiệp trắng thì cho quả trắng, nghiệp đen trắng thì cho quả đen trắng, chứ không phải bù trừ với nhau. Nhiều người bây giờ giảng pháp, không có học kinh Phật [nên] nói “sự bù trừ của nhân quả”. Làm gì có nhân quả nào bù trừ. Quý vị nên nhớ, trong kinh Phật đức Phật lấy ví dụ, chúng ta lấy ví dụ, cho dù một hũ muối thật lớn, quý vị cho một muỗng đường vào, một muỗng đường vẫn ngọt, cho dù muối mặn. Mặn vẫn mặn, ngọt vẫn ngọt. Người Việt Nam mình ăn nhiều vị, mình biết đúng không ạ? Quý vị vừa cho đường cũng có cái ngọt của đường, quý vị cho muối cũng có cái mặn của muối. Không thể nói tôi cho muối nhiều quá, cho nên đường không ngọt. Không có chuyện đó! Quả trắng vẫn cho nghiệp trắng, quả đen cho nghiệp đen, mà lẫn lộn cả hai thì cho quả lẫn lộn cả hai trong đó.

Đó vẫn là một ngôn ngữ chưa sâu lắm. Trong A Tỳ Đàm nói sâu hơn nữa, là nghiệp đó quý vị sử dụng Tâm sở Tư là mạnh hay yếu. Tức là chủ định của quý vị là mạnh hay yếu, là hờ hững hay là động lực lớn. Tức là bây giờ mình làm một việc nào đó, ví dụ giống như quý vị vui vui, thấy chư Tăng đi qua quý vị cúng dường, hoặc là quý vị lên chùa, quý vị cúng dường. Thấy người ta cúng dường, mình cũng vui vui thôi cũng bỏ vô cúng dường, nhưng mình thấy hững hờ thôi. Người kia họ cúng dường bằng tâm chân thành, thì họ có phước báu lớn. Còn mình bắt chước, mình cũng cúng dường y chang vậy đó, nhưng do mình cúng dường với tâm hững hờ, gọi là cái chủ đích của mình hững hờ, thì phước báu mình nhỏ.

Cho nên mình hiểu như vậy, đấy là Tâm sở Tư, là chủ đích, chủ động. Người biết tu hành mà học bộ giáo lý này rồi, là quý vị biết tu. Tức là nếu như ta không làm được việc lớn, với tâm chủ đích lớn, thì ta cũng có thể làm việc nhỏ, với tâm chủ đích lớn. Nghĩa là không cần thiết phải làm việc gì quá lớn lao, để có phước báu lớn, mà chỉ cần làm một việc nhỏ với tâm lớn, thì sẽ có phước báu lớn. Điều này mới hay đúng không? Mình hiểu được rồi thì mình biết tu.

Có nhiều người lên chùa cúng dường cho chùa, phải cúng cái gì đó lớn, cúng cái bàn thật to để quý thầy quý cô [dùng], cúng cái xe thiệt sang v.v… để quý thầy quý cô chùa đó chạy. Mình cúng dường mình nghĩ là lớn, thì mới [được] phước báo lớn. Nhưng mà khổ nỗi quý vị cúng như vậy, thật ra chưa chắc đâu, tại vì sao? Chùa đó, quan trọng là nhu cầu, người ta không có nhu cầu đó, xe thì người ta đã có một mớ xe rồi, bàn thì người ta có một mớ bàn rồi. Hình như các chùa nhiều bàn nhiều ghế lắm đúng không? Đó là mấy chùa giàu quá trời rồi, quý vị cúng bàn ghế vô đó không có đóng góp lớn.

Quý vị chỉ cần nghĩ đơn giản thôi, quý vị thấy cái gì thiếu, cái gì cần thiết, như quý vị thấy ở trong chùa này hình như thiếu dầu ăn, mình cúng dầu ăn. Mình thấy thiếu mấy cái khăn lau nhà, mình cúng dường để người ta xài. Và tâm mình lớn, là mình nghĩ đây là cúng dường không phải cầu phước báu cho mình, mà mình nhắm là cúng dường này, để mình hộ trì cho Tăng đoàn, hộ trì chùa phát triển, thì tâm đó là tâm lớn.

Hoặc là mình ra đường gặp một người ăn xin, mình thấy họ xin ghét quá, thôi tặng cho họ cho rồi. Tâm đó rất là kém phước. Bởi vì sao? Quý vị khó chịu mà cúng, khó chịu mà tặng. Còn nếu như quý vị nghĩ rằng: đứa nhỏ đó đi ăn xin tội quá, mình phải giúp nó được bữa nào thì giúp, giúp được nhiều bữa hơn, thôi bao nhiêu đó giúp. Thì Tâm sở chủ định, Tâm sở Tư đó, quyết định nghiệp của quý vị. Nghiệp như vậy, nghiệp nào, nghiệp thế nào, thì đó thuộc về Nghiệp duyên. Cho nên là ráng mình học, hiểu rõ rồi thì mình làm. Và việc làm gì cũng có phước báu lớn hết. Cho nên hãy cố gắng!

Nếu nói về chủ ý, nói rộng ra thì chủ ý này có khi chia làm ba hoặc chia làm bốn. Chia làm ba gồm: Một là chủ ý của mình là bất thiện, tức là không có tốt, làm việc ác. Ví dụ như muốn giết một con gà, muốn giết một con gì đó, hoặc là muốn đánh người ta, muốn chửi mắng người ta. Với Tâm sở như vậy, gọi là nghiệp bất thiện. Nghiệp đó bất thiện, chủ ý của mình tức là Tâm sở Tư của mình như vậy.

Thứ hai là chủ ý (Tâm sở Tư) của mình là thiện, nhưng là thiện của Dục giới. Thiện của Dục giới có nghĩa là mình chỉ cầu phước báo nhân thiên thôi. Mình cầu cho gia đình khỏe mạnh, làm việc này mình mong là được phước báo cho mình, phước báo cho gia đình, mình hồi hướng vậy, được đời sau quả lành gì đó, mình ham như vậy. Đó gọi là chủ định thiện Dục giới.

Thứ ba gọi là chủ định thiện Thiền. Thiện Thiền là mình làm việc này, tôi cũng muốn Thiền định lắm, tôi phải tu Vipassana, tôi phải tu Thiền, hoặc là mình tu niệm Phật, v.v… Trong cái tâm đó, mình lo nghĩ những việc đó, thì gọi là chủ ý niệm về thiện Thiền. Thường Thiền này có ý nghĩa là mình mong để mình được đời sống của cõi Phạm Thiên, v.v… là Thiền.

Nhưng mà vẫn chưa được, còn một phước báo lớn hơn, là Tâm sở Tư này mình chủ ý về cầu giải thoát. Tức là tôi mong, tôi làm tất cả những việc này, tôi tu Vipassana, tôi cúng dường hoặc tôi phóng sanh, tôi làm gì đó cũng chỉ mong là tôi ra khỏi sanh tử, tôi muốn chứng quả A-la-hán, hoặc là [tu] Tịnh Độ muốn vãng sanh Cực Lạc thôi. Đó cũng là một Tâm sở Tư, và đó cũng là nghiệp duyên, cho nên đó gọi là Tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp là như thế, nói theo ngôn ngữ Bắc truyền gọi là Tịnh nghiệp.

Cho nên mình học, mình phải hiểu rõ như vậy thì mới tu chứ, nếu mà mơ mơ màng thì không được. Cho nên người với Tâm sở nào, Tâm sở Tư mới quan trọng, Tâm sở chủ đích quan trọng như vậy, mình phải cố gắng làm cho đúng. Đó là một cách.

Còn cách nữa là chia ba, gồm: [Một] là nghiệp bất thiện, [hai] là nghiệp thiện nhưng là thiện Hữu lậu, ba là nghiệp thiện Vô lậu. Tức là chỉ nói thiện Hữu lậu, đã đắc thiền chăng nữa, cũng ở trong vòng sanh tử, thì hai điều đó cũng xếp vô một Dục giới, hay các tầng Thiền cũng vậy thôi. Mình chỉ cầu ra khỏi sanh tử, mình chỉ cầu giải thoát, thì đó gọi là nghiệp thiện Vô lậu.

Tất nhiên chúng ta tu là cầu giải thoát, chúng ta mong nghiệp thiện Vô lậu. Như vậy giống như quý vị có mấy tài khoản ngân hàng, quý vị gửi vào tài khoản nào, tiền quý vị có đó, gửi vô tài khoản bất thiện, để đi tài trợ khủng bố, thì quý vị bất thiện. Còn nếu quý vị gửi vào tài khoản đó, mai mốt có lời có lãi, sanh ra giàu có cho vui. Còn có người gửi nhưng không có mong cầu gì hết, [chỉ] mong mai mốt chuyển visa về Thế giới khác rồi vào Niết-Bàn, tức là gửi tiền ra nước ngoài, kiểu vậy đó. Cũng giống tương tự như vậy, hàng ngày chúng ta đang tạo nghiệp gì, thì đó gọi là Nghiệp duyên. Như vậy chúng ta hiểu thêm về Nghiệp duyên rồi.

Sẵn đây nói nghiệp của quý bà quý cô, Thiện Trang xin nói là vì Thiện Trang ở đời tiếp xúc với quý bà quý cô nhiều. Thiện Trang khuyên, đây là lời khuyên chân thành, quý cô quý bà thường có tật, ở đây là tật xấu. Nếu nói trong kinh Phật, đức Phật kể ra nhiều tật lắm, đó là hay ưa xía vào chuyện của người khác, và hay quản người ta theo ý của mình. Lúc nhỏ lớn lên, tất nhiên là bị cha mẹ quản, thầy cô quản, nên bất như ý rồi. Nhưng khi lớn lớn chút, quen người yêu thì bắt đầu muốn khống chế người yêu, anh phải thế này, anh phải thế kia, v.v…. Rồi đến khi có chồng thì khống chế chồng. Khi già già rồi hết điều khiển chồng, bắt đầu có con thì khống chế con. Rồi con lớn lên, cũng không khống chế con được, bắt [nhưng] nó không theo. Nó lớn lên, con thích đi theo ngành này, con thích thằng này, con không thích thằng kia. Cho nên các bà các cô không quản được con nữa, thì bắt đầu đi quản cha mẹ. Vì cha mẹ lúc đó già rồi, cha mẹ ở nhà phụ thuộc kinh tế, gọi là phụ thuộc kinh tế thì phụ thuộc chính trị. Các bà lại quản cả cha mẹ, cha mẹ phải thế này, cha mẹ phải thế kia, lại thêm một cái quản nữa.

Rồi nhiều khi cha mẹ quản không được, hoặc là quản bao nhiêu đó chưa đủ, đi chùa, mới đầu lên [chùa] thì cung cung kính kính, rất là lễ phép quý thầy quý cô, nhưng riết rồi quản quý thầy quý cô luôn. Tức là quản: thầy phải thế này, thầy phải thế kia, cô phải thế này, cô phải thế kia. Đó là tật xấu của người nữ, và đấy là nghiệp, nghiệp không tốt, Thiện Trang khuyên là đừng nên như vậy.

Tại vì Thiện Trang thấy cũng nhức đầu lắm, nên có nhiều người hỏi: “Tại sao con thấy hầu như các vị giảng sư, các vị giảng pháp, giảng một thời gian vị nào cũng sân hết”. Quý vị biết tại sao không? Sân và hung dữ hơn xưa, tại sao? Tại chúng sanh dữ quá, quý thầy với quý cô phải giữ mình, nên quý thầy quý cô phun lông nhím ra, giống như con nhím phải trừng, phải phùng mang ra để bảo vệ nó.

Tại vì chúng sanh thời nay không học Giới luật, không biết cung kính chư Tăng, cung kính quý thầy gì hết. Cho nên mới đầu xa xa thì họ cung kính, nhưng gần được là bắt đầu ép luôn, nào là thầy phải thế này, cô phải thế này, cô phải thế kia.

Thiện Trang không nói quý vị, Thiện Trang nói Thiện Trang thôi. Thiện Trang cũng không tiếp xúc nhiều lắm, mà có những người chẳng quen biết Thiện Trang gì mấy, mà thấy một bài đăng trên Facebook thôi chẳng hạn, thì hết người này đến người kia chạy vô, nhắn tin: Thầy ơi! Thầy không nên đăng như thế này, Thầy nên đăng thế kia. Rất nhiều thứ như vậy.

Mà quý vị thử nghĩ xem, một mình Thiện Trang tiếp xúc mấy trăm Phật tử, mà người nào cũng như vậy, người nói thầy phải thế này, người nói thầy phải thế kia, thì làm sao chịu nổi. Sau này Thiện Trang nghĩ ra cách, tốt nhất là đóng vai ác thôi, đóng vai ác là giũa cho họ sợ, chứ không có cách nào. Tại vì càng nhân nhượng thì chúng sanh càng lấn tới, quản mình khiếp lắm, “tối rồi thầy ơi! Sao tối khuya rồi mà thầy chưa đi ngủ đi”. Rồi sáng ra: “sao thầy lo đi ăn sáng đi” v.v…, họ quản từ nơi này đến nơi kia. Rồi những việc mình làm họ quản sạch hết, mà đó là Phật tử từ xa, còn Phật tử ở gần khủng khiếp nữa.

Cho nên thôi quý vị, đó thật sự là quý vị đang phạm giới đó. Quý vị coi lại trong Giới luật, quý vị coi lại giùm trong tất cả kinh luận đi, không có một vị Cư sĩ nào như vậy hết. Quý vị coi qua Phật giáo Nam truyền đi, qua coi Myanmar kìa, Cư sĩ lễ lạy Tỳ-kheo, cung kính Tỳ-kheo như thế nào. Còn mình, đặc biệt những người học Tịnh Độ, Tịnh Độ không biết học kiểu gì, mà Cư sĩ rất là cống cao ngã mạn. Mình là nữ Cư sĩ, mình không được phép như thế, là điều thứ nhất. Thứ hai kiến giải của mình, tầm nhìn của mình, không thể bằng một vị giảng pháp, người ta đứng ở vị trí cao. Còn mình ở dưới vị trí thấp, làm sao mình có thể làm như thế được, mình có biết gì đâu. Người ta mỗi ngày tiếp xúc bao nhiêu người, người nào cũng như vậy thì thôi nổ cái đầu.

Cho nên sau này Thiện Trang chỉ cho quý thầy quý cô bí quyết, là không cần thiết, bởi vì mình tuân theo đúng Giới luật của Phật. Phật nói đối với người nữ, chỉ nói năm lời tức là năm câu thôi, đừng nói nhiều quá. Nói nhiều quá, bắt đầu họ sẽ có những vấn đề của họ. Cho nên thuyết pháp thôi, còn lại nói chuyện cũng nói chuyện năm câu thôi, thuyết pháp năm lời thôi, không nói nhiều. Và nếu họ theo thì né, chạy đi.

Quý vị coi đi, đây cũng là thể hiện sự cung kính, niềm tin. Quý vị coi trong kinh luận, những vị [Cư sĩ] như thế nào, mình có tin Phật, tin Pháp, tin Tăng hay không? Quý vị coi như vị Cư sĩ bà Tỳ Xá Khư, hoặc cô Mạt Lợi Phu nhân, quý vị coi các kinh đi là biết, họ cung kính chư Tăng như thế nào, rồi các Cư sĩ như [ông] Cấp Cô Độc, v.v… cũng cung kính chư Tăng lắm, không có vụ [đó] đâu. Tại vì đức Phật không cho phép hàng Cư sĩ, thậm chí Tỳ-kheo-ni cũng không được cử tội Tỳ-kheo. Nên nhớ như vậy, Tỳ-kheo-ni không được cử tội Tỳ-kheo, tức là Tỳ-kheo phạm lỗi thì chỉ có Tỳ-kheo Tăng xử, chứ còn Tỳ-kheo-ni không được.

Mình là Cư sĩ, [thọ] Ngũ giới, mà mình khống chế, tâm như thế không đúng. Và ở đây thể hiện Cư sĩ Trụ tín nữa. Cư sĩ Trụ tín trong kinh, trong pháp Yết-ma [có pháp] gọi là Úp bát. Thế nào gọi là Úp bát? Tức là nhà đó có chư Tăng làm pháp Yết-ma, gọi là thông qua một pháp Yết-ma, đánh dấu nhà đó không cho chư Tăng đi khất thực nữa, tức là không đi khất thực qua nhà đó nữa. Có hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, ví dụ trong kinh, Thiện Trang lâu quá quên tên của vị Cư sĩ đó là gì. Vị Cư sĩ đó có tâm cống cao ngã mạn, cúng dường chư Tăng nhưng có những đòi hỏi thế này thế kia. Cho nên [chư Tăng] về báo lại, đức Phật nói: “Các ông hãy làm pháp Yết-ma, từ nay trở đi không khất thực qua nhà đó nữa”.

Thế là ông đó ngày nào ông làm cúng đồ ngon lắm, nhưng ông đợi không thấy chư Tăng nào qua hết. Ông đợi hoài, hết ngày này đến ngày kia, suốt bao nhiêu ngày sao không có một vị tăng nào, một vị Tỳ-kheo nào đi qua, [ông nghĩ] mất phước báo rồi, mình không được cúng dường nữa. Tại vì thời Phật, được cúng dường là phước báo lắm, chứ đâu như thời nay mình dễ cúng dường, thời đó khó lắm. Cho nên ông chạy ra ngoài, tìm gặp được một vị Tỳ-kheo hỏi: “Sao các ngài không qua nhà con khất thực”. Vị Tỳ-kheo đó nói: “Tại vì ông có sự ngã mạn, tức là khi chư Tăng đi qua ông cúng dường, ông có sự đòi hỏi thế này thế kia, nói thế này thế kia, nên bây giờ đức Phật ra lệnh Yết-ma Úp bát rồi. Nên chúng tôi không qua nhà ông khất thực nữa, không nhận cúng dường từ ông nữa”.

Thế là ổng sợ quá, ổng mới chạy lên đức Phật, nói: “Bây giờ Tăng đoàn tha thứ cho con, từ nay con xin sám hối con không dám nữa”. Đức Phật mới cho Tăng đoàn mở pháp Yết-ma đó, tức là được đi khất thực tới đó. Đó là một chuyện.

Chuyện thứ hai là trường hợp Cư sĩ Trụ tín. Cư sĩ Trụ tín tức là nhà đó là nhà có những người đã chứng từ Sơ quả trở lên, cho nên họ có niềm tin bất hoại đối với Tam Bảo. Tức là bất hoại tín đối với Phật, bất hoại tín đối với Pháp, bất hoại tín đối với Tăng, bất hoại tín đối với Thánh giới. Người ta có một đặc điểm là sống chết vì Tăng, có nghĩa là niềm tin bất hoại đối với Tăng. Nên nhà người ta nghèo xơ nghèo xác, không có gì hết, mà thấy chư Tăng bưng bình bát đi ngang qua nhà họ, là họ không chịu nổi, họ phải kiếm gì đó bán đi, họ lấy gì đó cúng dường. Thậm chí đức Phật nói, họ có thể lóc thịt của họ để cúng dường cho chư Tăng, nên mới có chuyện gọi là cấm ăn thịt người đó.

Có vị Tỳ-kheo bị bệnh, bữa đó không có thịt, nên bà đó lóc thịt của mình để nấu cháo cúng dường. Tức là người ta có niềm tin đến cỡ đó, người ta mới là Sơ quả Tu-đà-hoàn. Còn mình bây giờ coi chư Tăng ra rác, coi Tỳ-kheo, coi quý thầy quý cô không ra gì hết, thì làm sao bất hoại tín đối với Tăng được.

Vì có những gia đình như vậy, cho nên đức Phật cũng không muốn thấy cảnh các vị Cư sĩ cứ bán đồ, cầm đồ của mình v.v…để mà cúng dường cho chư Tăng. Cho nên Ngài cũng ra bảo Tăng đoàn, hãy làm pháp Yết-ma Úp bát nhà đó. Tức là có cách đánh dấu nhà đó, làm dấu để không đi khất thực ngang qua nhà đó nữa, để tránh trường hợp ép người ta, không phải ép gì mà là tâm người ta vì hộ trì chư Tăng nên mới vậy.

Quý vị coi câu chuyện như vậy, thì quý vị mới thấy, mình đời nay tu xa vời lắm, nên mình tu muốn vô Sơ quả, muốn chứng quả, còn xa lắm! Tại vì sao? Vì mình thiếu đức hạnh, thiếu nền tảng cung kính Tam Bảo.

Đây sẵn Thiện Trang kể câu chuyện là niềm tin với Tam Bảo như thế nào, câu chuyện này liên quan đến số lượng bữa ăn của Tỳ-kheo, tức là của những người xuất gia. Vào thời đức Phật, lúc đầu sau khi chế giới không ăn phi thời rồi, tức là không được ăn vào buổi chiều, chỉ được ăn vào buổi trưa trở lại thôi, cho ăn một bữa thôi.

Một lần nọ, có vị Trưởng giả là nhà thương buôn, từ nước khác đến nước đó, ông mang theo 500 cỗ xe. Thực ra trong kinh số 500 hay xuất hiện lắm, số 500 là con số không biết bao nhiêu, nhưng số nhiều trong kinh thường lấy 500. Nên chúng ta đừng thắc mắc tại sao chỗ nào cũng 500. Khi kiết tập kinh điển đời sau ghi lại, không biết rõ con số đó bao nhiêu, mà chỉ biết nhiều thôi, để dễ nhớ nên ghi con số 500. Dùng 500 cỗ xe đi theo để cúng, chờ ngày nào có người rảnh là cúng. Vì Tăng đoàn đức Phật chỉ ăn một bữa, nhưng người tại thành đó đăng ký danh sách dài dằng dặc, ngày hôm nay gia đình này gia đình kia cúng dày hết rồi. Vị này từ nơi khác đi đến cho nên chờ mãi không được, chờ từ mùa đông sang mùa hạ, nguyên mùa như vậy mà chờ hoài không tới lượt mình.

Vì không tới lượt, nên ổng chờ không nổi, ổng mới bạch với ngài A Nan: “Nhờ Tôn giả A Nan lên bạch với đức Phật giùm là con từ nước xa đi tới, con phải đi kinh doanh buôn bán, con không thể ở đây. Con chờ từ mùa đông sang mùa hạ rồi, mà bây giờ con chờ nữa không nổi. Thôi mong đức Phật chấp nhận cho con, ngày mai cho con đổ hết mớ đồ ăn này, con chuẩn bị nhiều lắm, đổ hết đồ ăn này. Chỉ cần chư Tăng giẫm đạp lên, là con mãn nguyện. Để con đi làm ăn, chứ con không thể nào ở lại đây chờ được nữa”.

Ngài A Nan mới bạch với đức Phật như vậy, đức Phật nói: “Hãy nói ông ấy, dùng đồ ăn đó xay nhuyễn ra nấu cháo, đem dâng cúng cho chư Tăng vào sáng mai”. Sáng mai ông cho người nấu cháo đem lên dâng cúng, thì chư Tăng không dám ăn, không dám nhận, nói: “Đức Phật chỉ cho ăn ngày một bữa thôi, làm sao cho ăn hai bữa”, cho nên không dám nhận, kêu trưa mới ăn. Lúc đó đức Phật nói: “Các ông cứ nhận đi, từ nay trở đi các ông được ăn thêm bữa cháo sáng nữa”. Và cháo này là cháo không đặc lắm, hơi lỏng lỏng, vừa vừa thôi. Từ đó là được ăn thêm bữa cháo nữa. Cho nên quý vị thấy, sau này các chùa có ăn buổi sáng nữa, là lý do này.

Rồi thời gian sau có một người giống như vậy nữa, cũng không có cách nào, cháo cũng có người cúng rồi, bữa trưa cũng có người cúng rồi. [Người đó] đợi hoài nên cũng tương tự bạch với đức Phật, đức Phật nói: “Vậy thì hãy làm bánh đi, để cúng dường vào bữa cháo sáng đó”. Cho nên từ đó Tăng đoàn được ăn hai bữa.

Tuy nhiên hạnh Đầu đà của ngài Ma Ha Ca Diếp là đặc biệt, ngài giữ ngày chỉ ăn một bữa thôi. Cho nên chúng ta học phải học Kinh, Luật, Luận để chúng ta hiểu, rồi chúng ta nói cho đúng. Chứ không lại kêu hạnh một bữa, rồi vô thấy quý thầy quý cô ở chùa ăn hai bữa, lại phỉ báng [thì] mang tội chết. Quý vị phải nói cho rõ ràng, ăn buổi chiều là sai, đúng! Phật không cho ăn buổi chiều, đúng! Nhưng quý vị nói ăn hai bữa là sai, là quý vị mang tội đó. Đó là sai theo kinh.

Quý vị có thể tìm câu chuyện đó, lên mạng tìm Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da, câu chuyện đó có trong đó, có thể trong bộ luật khác cũng có. Câu chuyện đó có rõ ràng, trong giới không ăn phi thời. Cho nên mình phải thông Tam tạng kinh điển thì mình mới tu được, còn không mình cứ chấp theo ý của mình, cứ cho thế là đúng, nhưng không đúng đâu quý vị ơi. Nhớ nha! Đây là Thiện Trang sẵn chia sẻ, những nghiệp ở thân của những người nữ, ráng lên quý vị, đừng có chấp trước quá và quý vị phải hiểu cho.

Cho nên Thiện Trang nói, sau này các vị giảng sư, vị nào giảng một thời gian là thành hung dữ, thành La-sát hết, là tại cũng do quý vị. Quý vị làm khó quá, trăm người ngày nào cũng nhắn vô, bảo thầy thế phải thế này, thầy phải thế kia, cô phải thế này, cô phải thế kia, người ta cũng muốn điên cái đầu luôn. Mỗi người mỗi ý, làm sao người ta theo quý vị được. Người ta có cái học của người ta, người ta có cái tu của người ta, có nhận thức của một người xuất gia. Thông thường một người xuất gia, nói gì thì nói, nếu chỉ cần học qua giáo pháp, người ta cũng giỏi hơn mình. Đây là kinh nghiệm của Thiện Trang.

Thiện Trang thấy, thứ nhất đi học với quý thầy quý cô, thì quý thầy quý cô học nhanh hơn những người Cư sĩ. Học không biết kiểu gì, nhưng  thấy học nhanh lắm. Thứ hai là thấy chia sẻ, dạy nói pháp cho quý thầy quý cô, thì quý thầy quý cô vẫn hiểu nhanh hơn Cư sĩ. Thiện Trang không hiểu tại sao, sau này Thiện Trang nghĩ kỹ lại, đúng rồi! Tại người ta có phước xuất gia, người ta có nhiều đời ở trong giáo pháp rồi. Còn mình ở ngoài, tức là mình kém hơn, quý vị hiểu không? Cho nên đừng khinh thường người xuất gia. Tuy họ đang sai đường, lạc đó, nhưng nếu họ quay lại là nhanh lắm. Còn nếu họ lạc thì tất nhiên chấp nhận thôi.

Và sẵn đây nói luôn, nói là nói tới nơi luôn, chứ không nhiều khi bây giờ suốt ngày [người ta] cứ lên chửi quá trời quá đất, mà chửi không biết đúng hay không. Chửi cũng đúng, có những điều đúng thì chấp nhận, nhưng có những điều quý vị nên nghe đây:

Trong Kinh A Hàm hoặc quý vị coi bộ kinh khác, hôm bữa Thiện Trang trích trong bộ Giới Luật, bộ Phật Thuyết Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân Kinh, hoặc quý vị coi trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, đức Phật nói thế này: “Những người xuất gia, dù có phá giới, nhưng nếu như họ còn giảng đúng với Chánh pháp, (nhớ là ở đây phải giảng đúng với Chánh pháp, chứ bây giờ giảng trật Chánh pháp, tự mình giảng [theo ý mình] thì đó là ma rồi, không tính), thì những người đó vẫn mang lợi ích cho chúng sanh. Bởi vì lý do họ giống như người bị cùi tay (tức là bị lở loét, cùi tay) nhưng họ vẫn thắp ngọn đuốc lên, để soi đường cho người khác được”.

Bởi vì giáo pháp Như Lai không có sai, giáo pháp của Phật đâu có sai, cho nên người xuất gia, dù có phá giới thế này thế kia, nhưng nếu họ giảng đúng với Chánh pháp, thì họ vẫn là cầm ngọn đuốc soi đường cho chúng sanh. Và trong Kinh Địa Tạng Thập Luân nói: “Cho dù họ có phá giới thế nào đi chăng nữa, thì họ vẫn tốt hơn hàng ngoại đạo”. Tại vì hàng ngoại đạo dẫn quý vị lạc luôn, còn họ vẫn tốt hơn.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đức Phật cũng có nói, thôi để nói hết những điều tốt trước đã, rồi nói điều xấu sau, [quý vị] đợi chút nghe đoạn sau, nói tốt trước đã. Chứ không lại nói thầy bảo vệ quý thầy quý cô. Không có! Nói cho hai bên, nhưng mà bây giờ nói tốt trước đã.

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, đức Phật nói là: “Đến thời mà vị Tỳ-kheo ra đường, có y Ca sa trên mình, tay trái thì bồng con, tay phải thì dắt vợ, mà cầm bình bát đi khất thực. Người đó dù chỉ còn một mảnh y Ca sa trên thân (tức là lúc đó khiến sao đó, giống như còn có một ít mảnh Ca sa, giống như bây giờ quý vị qua Nhật Bản, Ca sa của họ còn có một chút vậy đó), thì người đó vẫn là phước điền của chư Thiên và loài người”. Đức Phật nói: “Huống chi là thời những vị Tỳ-kheo, những người trì giới, thì phước báu lớn như thế nào”.

Quý vị đọc đi, Thiện Trang không nói dối đâu, quý vị cứ tìm trong kinh, bữa nào Thiện Trang có thể tìm lại, bữa nay không kịp nhớ ra kinh nào, nhưng mà rõ ràng ở trong Kinh A Hàm có. Nhưng đó là nói xuôi, còn nói ngược là thế nào?

Những người đó tất nhiên là ruộng phước cho chúng sanh, nhưng những người phá giới, thì đọa lạc là chắc chắn. Có người phá giới thế này thế kia, thì đều đọa hết, chứ không chạy đi đâu được. Cho nên thầy Tâm Phúc, vị thầy mà người ta nói ăn thịt chó, ông nói đúng đó. Ổng nói đúng chỗ nào, quý vị biết không? Ông nói: “Các con hãy cứ cúng cho thầy nhiều vô, cúng cho thầy thịt và đồ nhiều vô, để thầy ăn thầy làm quỷ làm ma, còn các con có phước”. Ông nói vậy đúng đó.

Tức là người phá giới thì làm quỷ làm ma, đúng rồi! Còn người cúng thì họ có phước, bởi phước điền của Tăng Bảo. Mai mốt Thiện Trang trích cho quý vị chỗ phước điền của Ca sa, đắp y Ca sa lên có phước cho chúng sanh. Còn tất nhiên người đắp Ca sa trên thân này mà không tu, không giữ giới, thì mai mốt mất thân người vẫn bình thường.

Quý vị nhớ câu chuyện Ngũ Phiến Đề La rồi đúng không, cô gái vì lòng thành kính, cúng dường cho năm vị Tỳ-kheo. Năm vị Tỳ-kheo thì không thật tu, mà là giả tu, giả trang Thiền tướng, cầu bỉ cung kính thôi. Rồi đến khi hết đời đó, cô ấy sanh lên cõi Trời, còn năm người đó đọa Địa ngục. Rồi đến đời sau, thời đức Phật, thì cô đó là Mạt Lợi Phu Nhân, còn năm người kia là Ngũ Phiến Đề La, tức là năm người hầu đi khiêng kiệu. Bốn người khiêng kiệu, còn một người làm đầu bếp cho cô đó.

Luật nhân quả công bằng lắm, chúng ta nói điều gì phải thông hết. Phật pháp không bao che một ai hết, sai là sai, đúng là đúng. Không có vụ mình cứ bao che, đúng là đúng, sai là sai, cái nào ra cái đó, Phật rất rõ ràng. Cho nên chịu khó học giáo pháp giùm, đừng đem tri kiến thế gian vào trong Phật pháp, chịu khó duyệt qua Đại tạng kinh Nikaya, Kinh A Hàm, là có hết những chuyện như vậy, hầu như có hết. Nếu có thời gian thì coi thêm Luật tạng nữa, là tự nhiên quý vị trang bị cho mình đủ hết.

Nếu như quý vị tu các Pháp môn khác cao hơn, thì tốt rồi, đó là điều tốt. Nhưng nếu quý vị không có những nền tảng đó, nhiều khi mình đang ở trong ruộng phước, mà mình lại đốt ruộng phước đó, để nó trở thành khô cằn, thì thật là uổng phí. Thậm chí mình đang ở trong cơ hội tốt, mà mình lại không có đạt được gì hết. Đó là đáng tiếc! Sẵn Thiện Trang chia sẻ một chút như vậy, không phải bênh vực nha quý vị. Quan điểm của Thiện Trang là không bênh vực người xuất gia. Người xuất gia tạo tội, thì người xuất gia đọa lạc, thậm chí đọa lạc còn hơn nữa.

Trong Kinh Đại Tập, đức Phật cũng có nói thế này: “Giả sử hủy cấm chế, tất trụ bất thoái địa”. Tức là những người xuất gia, dù có phá giới, thì họ đọa trước. Nhưng trong tương lai, nhờ chủng tử mà họ đã xuất gia, họ ở gần giáo pháp nhiều, họ cũng tu được chút chút, sau này họ cũng sẽ chắc chắn chứng được giải thoát. Cái gì cũng có cái giá của nó. Nhưng chúng ta không dại đi vào con đường đó, tại vì có chủng tử đó. Mình học trong bộ này nói rất rõ, cứ mỗi ngày nói gì thì nói, cứ lên đọc một thời kinh cũng có tác dụng, bao nhiêu Tâm sở tốt hiện ra, cũng thâm nhập kinh điển được chút. Rồi chủng tử đó, nếu có lỡ đọa vào Địa ngục Vô Gián đi chăng nữa, ra rồi dần dần mò lên, thì những nghiệp đó sẽ phát huy tác dụng. Lúc nào phát khởi lên là gặp Phật pháp, gặp đức Phật, gặp giáo pháp Phật, xẹt một cái là chủng tử xưa lên. Vậy là một loạt nghiệp tốt ngày xưa khởi lên, xuất gia ngày xưa đó, [là] đắc đạo, ra khỏi sanh tử.

Nên cái gì cũng có giá của nó hết. Còn quý vị ở nhà tại gia, quý vị chưa đoạn dục, v.v… thì quý vị chưa gieo được nhân đó tốt lắm, nó chín từ từ. Cái gì cũng có duyên của nó. Mình không quan trọng, quan trọng là thực chất tu hành và Thường nghiệp. Mình tạo nghiệp nào nhiều, thì nghiệp đó gọi là Thường nghiệp.

Sẵn đây nói luôn, khi mà ra đi, mình đi về đâu, thì có bốn nghiệp quyết định, nghiệp quan trọng nhất:

1. Một là Thường nghiệp. Là nghiệp thường thường mình làm, những việc mình làm thường xuyên. Ví dụ như suốt ngày mình ăn rồi đi chơi, đi du lịch v.v…, hoặc là suốt ngày sát sanh gì đó. Đó là Thường nghiệp.

2. Thứ hai là Trọng nghiệp hay Cực trọng nghiệp. Cực trọng nghiệp ví dụ như mình làm nghiệp gì đó lớn lắm, như phá chùa, đốt chùa, đập vỡ tượng Phật. Đó là Cực trọng nghiệp. Mấy nghiệp đó nặng quá, chết thường đọa Địa ngục Vô Gián hay Địa ngục ngay.

Hoặc Cực trọng nghiệp là quý vị làm những việc thiện rất lớn, có ảnh hưởng rất lớn cho [chúng sanh]. Ví dụ quý vị xuất ra để cứu trợ cả một ngôi làng, cả một xã lớn, để giúp cho họ vượt qua được thiên tai v.v… Hoặc mình tạo ra những nghiệp [như] xây dựng hộ trì Tăng Bảo, Tăng đoàn, lớn mạnh như thế nào đó. Nói chung nghiệp đó lớn mạnh quá, thì nghiệp đó giúp quý vị sanh lên cõi Trời. Đó gọi là Cực trọng nghiệp.

3. Thứ ba là Khinh tiểu nghiệp. Tức là những nghiệp nhỏ nhỏ, lâu lâu làm chút thôi. Ví dụ có người ăn rồi bán vé số, thì Thường nghiệp của họ là bán vé số. Lâu lâu nhớ tới bữa nay rằm, lên chùa cúng một chút, hoặc là đọc cuốn kinh, hoặc vô Đạo tràng niệm Phật chút, đó là Khinh tiểu nghiệp. Khinh tiểu nghiệp này mai mốt tới lúc lâm chung, ít khi nó phát huy tác dụng lắm. Tại vì nó nhỏ quá, yếu, mấy thằng kia mạnh nó chạy trước, nó lấn trước.

Ở trong giáo lý A Tỳ Đàm, trong kinh nói giống như mình nuôi một đàn bò, ở trong chuồng bò, con nào ra trước khi mình mở chuồng, thì có hai trường hợp: Một là con bò đứng ngay cái cửa chuồng, mình mở ra là nó chạy ra ngay; Hai là con bò mạnh, nó lấn át bao nhiêu con bò khác, nó chạy ra trước. Thì con bò mạnh, nó lấn át chạy ra trước, gọi là Cực trọng nghiệp. Con bò đấy mạnh quá, nên mấy con bò kia thua, phải để nó chạy ra trước, bị nhốt lâu ngày mà.

Cũng vậy, mình tạo Cực trọng nghiệp thì Cực trọng nghiệp thông thường đi trước. Còn con bò đứng ngay sát cửa chuồng, mà nó chạy ra đó, gọi là Cận tử nghiệp.

4. Cận tử nghiệp này thực ra có thể là Khinh tiểu nghiệp hoặc là Thường nghiệp. Nhưng đến lúc lâm chung, vô tình nó sắp chỗ đó, sắp vị trí đó. Hoặc là không phải vô tình mà là cố ý, đó là phương pháp trợ niệm. Dù Nam truyền hay Bắc truyền, đều có phương pháp trợ niệm.

Trợ niệm có nghĩa là đến lúc đó hãy nhắc cho người ta, để người ta khơi lại chủng tử, nghiệp lành nào đó, để họ nhớ tới điều tốt đẹp nào đó. Chủng tử đó, nghiệp đó bốc lên, thì nhờ nghiệp đó gọi là Cận tử nghiệp, nó kéo họ đi vào đời sau. [Rồi] từ từ tính tiếp, đời sau quả thế nào chưa biết, nhưng ít nhất đôi khi là tốt lành.

Cho nên người mà biết hộ trì người lâm chung, thì đừng để cho người ta tức giận. Nhiều khi gia đình mình không biết Phật pháp gì hết, vô bảo niệm Phật đi, niệm Phật đi. Mà họ đang tức gần chết, họ không muốn nghe tiếng niệm Phật, quý vị niệm thì họ tức nữa. Cận tử nghiệp của họ đang tức như vậy, họ đọa càng sâu. Quý vị nên nhớ, họ phải thích nghe, họ phải chấp nhận nghe, họ chấp nhận được thì mới giúp cho họ được. Còn nếu như họ không thích rồi, mà quý vị làm như vậy, là khiến cho họ tức lên, là đọa.

Cho nên đừng có dại, mình phải thương thảo trước với họ: Ba à! Má à! Ba má có ưng con đọc kinh không? Có ưng Quy y Tam Bảo không? Có ưng con niệm Phật không? Bấy giờ họ nháy mắt lắc đầu ngao ngán, thì thôi đừng ráng đọc nữa. Lúc đó để cho người ta yên, hãy an ủi bằng phương pháp nhẹ nhàng nhất, để người ta an lòng ra đi trong tâm thanh thản, thì cảnh giới đời sau cũng tốt đẹp rồi. Chứ còn ráng ép cho họ, rồi cuối cùng họ chịu không nổi, họ đọa lạc thì tội lắm.

Quý vị nhớ trong kinh có nói, vua A Dục lúc chết, bị thằng hầu làm rớt cái quạt lên người mà cũng đọa đó. Thật ra là cũng do nghiệp của ổng thôi. Mặc dù ông hộ trì Chánh pháp nhiều, nhưng mà ông cũng sát sanh giết người nhiều, cho nên đến lúc đó khiến cho thằng hầu làm rớt cái quạt, và ổng giận lên ổng đọa. Thiện Trang không nhớ ông đọa làm loài gì, bữa trước đọc mà quên rồi, không nhớ. Quý vị nhớ như vậy.

Bốn nghiệp này, mình nên nhớ: Thứ nhất, hãy tạo những nghiệp thiện tuyệt vời, gọi là Cực trọng nghiệp. Mình ráng tránh Cực trọng nghiệp theo chiều hướng xấu, đó là Ngũ nghịch Thập ác. Mấy nghiệp Ngũ nghịch nặng, nó kéo mình rớt xuống luôn. Mình hãy ráng [tạo] Thường nghiệp cho tốt. Thường nghiệp là mình làm chủ được, hằng ngày ráng tư duy Chánh pháp, thường xuyên phát tâm Bồ-đề rộng lớn. Mình vì chúng sanh, làm việc gì mình cũng nghĩ cho đại chúng, thì phước báu mình lớn, tu hành đó. Rồi Tiểu nghiệp cũng không bỏ quên, làm gì cũng ráng làm được chút nào thì được. Còn Cận tử nghiệp thì lúc đó hên xui, nó đang sắp hàng cái nào, thì nó tới cái đó. Nhờ những người xung quanh trợ niệm, tức là nhắc nhở, hướng dẫn.

Có câu chuyện thế này, có ông đó lúc sắp chết, ổng cứ ngước mắt lên nhìn, không biết nhìn cái gì. Tại vì trong đời ổng hay đi hái măng, bẻ măng, nghiệp của ổng là bẻ măng, cho nên lúc đó ổng cứ ngước đầu lên, né qua né lại. Lúc đó thằng con cũng biết Phật pháp, hỏi: “Ba! Ba làm gì vậy?” Thì ổng nói: “Cây tre nhiều quá, ta phải né”. Tức là ổng thấy cây tre không, tức là nghiệp đó quý vị, cứ thấy cây tre xiên qua người. Đứa con nói: “Cha ơi! Đó là giấc mộng thôi, không phải thật đâu”. Nói vậy thì ổng hiểu ra, à nó không phải như vậy, là ảo ảnh thôi, lúc đó tắt hơi thở thì đỡ. Tức là mình phải biết được nghiệp của họ hiện ra cái gì.

Trong kinh đều nói rõ, thông thường chứ không phải tất cả, mà một số trường hợp, hiện tướng lúc sắp ra đi, chính là dấu hiệu họ tái sanh vào đâu. Ví dụ họ thấy những cảnh tượng gì, thì thông thường cũng biết là người ta tái sanh vào đâu trong đời sau. Cho nên mình tu đến lúc nào đó mình sẽ tự biết. Người mà tu có công phu thì khỏi nói.

Có ba hạng người có thể biết được, đường mình đi tiếp theo thế nào: Một là những người chứng A-la-hán trở lên, họ tự tại sanh tử, nhập Niết-Bàn là ok, không cần gì phải suy xét. Người thứ hai là người biết mình sanh về đâu, là người chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn. Đó là thông thường, Thiện Trang cũng chưa coi hết, nhưng mà thấy có trường hợp như vậy. Trường hợp thứ ba là trường hợp người tu nhiều, tức là họ có công phu sâu, không biết thế nào đó họ cũng biết được đời sau họ đi về đâu. Vì vậy đến lúc ra đi, họ rất an nhiên, rất tự tại. Đó là những trường hợp gọi là chắc chắn biết.

Còn những trường hợp mơ mơ màng màng biết nữa. Tức là họ thấy phảng phất về đời sau như vậy, nó mơ mơ ảo ảo thôi. Nhưng mà họ cũng có niềm tin, là biết mình sẽ đi về đâu.

Đó là những hạng người, mà nhờ đó họ tỉnh táo lúc lâm chung. Tại vì mình sợ nhất là: “Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng”, theo Quy Sơn Cảnh Sách nói. Tức là con đường phía trước mịt mờ, không biết rõ là mình sẽ đi về đâu, [nên] mình sợ. Còn nếu biết rõ mình đi về đâu, thì có gì đâu phải sợ đúng không quý vị? Giống như bây giờ quý vị sắp chết rồi, sắp đến lâm chung, mà quý vị biết đời sau tôi sẽ sanh vào nhà đó, sanh lên cõi Trời đó, hoặc tôi sanh về Tây Phương Cực Lạc, thì quý vị còn gì để lo sợ nữa đâu. Bởi vì tất cả các nỗi sợ trên đời, chỉ quy về một nỗi sợ, đó là sợ chết.

Mà bây giờ mình biết mình không chết, mình biết mình đi con đường tiếp theo thế nào, thì đâu còn sợ nữa. Cho nên họ an nhàn, thoải mái, tự tại. Họ nói: Bữa nay ba không có ăn nữa nha con, ba đi đó. Hoặc là thầy hôm nay không có giảng nữa nha con, thầy đi đó nghe con v.v… Đó là có những trường hợp như vậy. Quý vị thấy mình tu nhà Phật rõ ràng như vậy, mình tu thoải mái, tại sao không tu? Đấy là Thiện Trang chia sẻ sơ sơ một chút. Ở đây sẵn chia sẻ một chút nữa, rồi vào bài một mạch luôn cho quý vị nghe. Mỗi bữa mình chia sẻ một chút đoạn đầu về tinh hoa.

Ví dụ như ở trong A Tỳ Đàm này nói, là đặc điểm của Bồ-tát, tức là chủng tánh Bồ-tát, thì có ba đặc điểm như sau. Mình kiểm tra thử xem, mình tu có phải là chủng tánh Bồ-tát không? Thứ nhất là luôn luôn nghĩ đến cái tốt hơn, cái tốt nhất, để mà sửa đổi mình. Có nghĩa là Bồ-tát luôn luôn cầu tiến lên. Tức là Bồ-tát không có hài lòng với những gì mình đang có, mà muốn là mình hoàn thiện hơn, luôn luôn nghĩ cái tốt hơn, cái tốt nhất, để mà sửa đổi thân tâm mình, sửa đổi chính mình để mình tiến lên. Đó là điều thứ nhất.

Quý vị có cái đó không? Hay là mình tu học một thời gian, là bắt đầu mình ngã mạn lên, bắt đầu nghĩ mình đắc rồi, mình có cái này, mình có cái kia, rồi mình làm thầy thiên hạ v.v… trời ơi đất hỡi. Đấy thì chứng tỏ quý vị không phải là Bồ-tát. Cho nên khó nha!

Thứ hai, Bồ-tát là luôn có khả năng buông bỏ rất tốt. Tức là các ngài không có gì không thể buông xả, cái gì cũng buông được, chủng tánh đó. Quý vị không buông được nhà, không buông được con, không buông được cái gì đó, thì chắc chúng ta chỉ là hạng đó thôi. Chúng ta biết là chúng ta phàm phu dữ lắm, còn Bồ-tát [thì] chưa.

Thứ ba Bồ-tát luôn cố gắng phá ra tất cả những vách ngăn. Tức là không muốn nhốt mình ở trong một cái lồng, mà mình muốn ra một chân trời cao rộng. Tức là không bao giờ thỏa mãn, hài lòng với những gì, ví dụ các ngài chưa đắc Sơ thiền, thì mong đắc Sơ thiền, chủng tánh Bồ-tát là vậy. Nếu đắc Sơ thiền rồi, thì các ngài sẵn sàng buông Sơ thiền để các ngài lên Nhị thiền. Nhị thiền chưa đủ, lên Tam thiền, Tứ thiền cho đến quả A-la-hán. Quả A-la-hán vẫn chưa đủ, cầu độ chúng sanh. Trên cầu quả vị Vô thượng Bồ-đề, tức là thành Phật đạo, gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Như vậy, ai có những chủng tánh như vậy, thì chúc mừng quý vị. Ba chủng tánh đó, quý vị sẽ là những người đi trên đường đạo Bồ-đề hay là đạo giác ngộ, con đường giác ngộ, hoặc là đường Bồ-tát rất tốt. Còn nếu như mình vẫn chưa có được những điều đó, mà mình chỉ là người tô vẽ mặt nạ cho mình. Làm gì cũng tự đắp lên cho mình bao nhiêu cái danh ảo hão huyền, nào là Cư sĩ, Tu sĩ, Pháp sư, nào gì đó, v.v…. và chấp vào đó, tôi tu rất trong sạch, đủ các kiểu. Thì xin thưa quý vị, quý vị còn khổ dài dài. Tại vì sao? Vì đó là quý vị sống không thật với chính mình.

Người giác ngộ người ta rất đơn giản, sống thật với mình thôi, tôi là tôi thôi. Tôi không cần quý vị công nhận tôi là một ông nào đó, tôi không cần quý vị công nhận tôi là một vị Pháp sư, cũng không cần công nhận tôi là một vị A-la-hán, không cần [công nhận] một vị Tu-đà-hoàn, không cần gì cả. Bởi vì những quả vị đó, đối với một người giác ngộ, cũng chả có nghĩa gì cả. Bởi vì sao? Trong kinh đức Phật nói rằng, những người sau khi giác ngộ, tức là chứng quả rồi, các ngài coi cái đó [tầm thường], giống như bậc A-la-hán, chỉ coi mình là người hết bệnh mà thôi.

Có nghĩa là quý vị đang bị bệnh, quý vị uống thuốc, vừa hết bệnh thì quý vị trở lại bình thường thôi, chứ không có gì lạ cả. Không có gì tự hào, một người đau bệnh vừa hết bệnh thì có gì tự hào? Người mà có thêm cái gì mới, mới gọi là tự hào. Còn tôi đang bệnh gần chết, bệnh đau khổ quá, tôi uống thuốc mấy hôm đắng miệng nhọc lòng. Rồi cay đắng lắm, nhẫn nhịn lắm, rồi cứ ăn uống khổ sở để cho nó qua cơn bệnh, bữa nay hết bệnh. Có tự hào vì tôi hết bệnh hay không? Không! Chắc chắn không!

A-la-hán nhìn cuộc đời, nhìn chính mình như vậy. Cho nên các ngài mới là Vô ngã đó quý vị. Còn chúng ta có gì? Có vô vàn cái sở đắc, giữ giới được thời gian: ừ tôi giữ giới rất tốt này, tôi tu niệm Phật được lâu, tôi thiền định được lâu v.v…. Khi mình đã nghĩ mình có những điều đó, thì quý vị đã mặc lên một lớp mặt nạ, một lớp áo choàng, bây giờ gọi là trang điểm cho đẹp. Cho nên ngày nào tôi không có giữ giới được nữa, tôi không có đắc thiền được nữa, tôi không có ngồi thiền được lâu nữa, tôi không có được trí huệ như ngày trước nữa, tôi bị áp lực vì điều đó. Vì áp lực nên tôi cố gắng che giấu, che giấu càng nhiều thì tôi còn đọa càng sâu thôi.

Cho nên hãy làm chính mình, mình sao sống vậy, không quan trọng. Người ta nhận xét mình dở cũng được, người ta nhận xét mình tốt cũng được, không sao cả. Hãy làm một người đích thật của chính mình. Thì tâm đó gọi là tâm đơn giản, gọi là tâm trẻ em, tâm nhỏ. Ở bên Thiên Chúa nói là hãy dùng tâm của trẻ thơ, sẽ dễ vào nước Trời, hay dễ lên Thiên Đàng. Còn chúng ta hãy dùng tâm đơn giản, gọi là anh nhi hạnh như vậy đó, tức là cứ sống thật như vậy thôi. Đừng có giả dối, đừng có đắp xây lên một cái gì hết. Mấy đứa nhỏ đâu có cần gì đâu quý vị, mấy đứa nhỏ sống rất đơn giản. Thì quý vị dễ vào đạo hơn, chính là quý vị dễ chứng đạo quả hơn.

Còn quý vị xây đắp lên một mớ tường thành, gọi là mặt nạ, hoặc một lớp quần áo lên, thì quý vị ngăn cách với đạo càng xa hơn mà thôi. Hãy sống với chính mình, mình sao hãy chấp nhận mình như vậy, thì đấy gọi là Chân tâm, Trực tâm. Đó mới là đạo Bồ-đề, thì mình mới đi được xa.

Thiện Trang xin thưa quý vị, Thiện Trang cũng không phải nói được điều này đâu, phải học rất lâu rồi. Mười mấy năm rồi, học một hồi bao nhiêu thứ rồi, hành bao nhiêu rồi, dần dần giác ngộ ra. Đạo lý đơn giản nằm ngay ở chỗ mình. Tức là mình hãy sống thật với chính mình là được rồi, không cần biết gì hết. Mình chỉ cần biết mình đang dở, mình đang là phàm phu. Mình phải cố gắng mỗi bước, mỗi ngày ta đang đi trên đường giác ngộ. Ta phải sửa vì chính mình, không phải sửa vì chúng sanh nào đó. Không phải sửa vì quý vị nói tôi là Pháp sư, tôi phải sửa. Không! Điều đó không quan trọng! Điều quan trọng là ta sửa vì chính ta. Vì ta đang là người bị bệnh ta muốn hết bệnh mà thôi.

Mình bị bệnh, thì mình muốn chữa bệnh cho mình trước đã. Đừng có nói: thôi chữa bệnh để con khỏe mạnh vì cha, vì mẹ. Chưa! Ai cũng hết bệnh vì chính mình trước. Tất nhiên hết bệnh vì chính mình rồi, thì mình mới giúp [được] cha mẹ, mới đi làm việc được, có tiền cho cha mẹ, nuôi cha mẹ được. Chứ nếu mà mình mới vô, mình nói v.v… Không nên! Cố gắng không nên giả [dối], thì tâm như vậy quý vị tu mới vào. Cứ như thế, dần dần các vỏ bọc của mình nó rớt, nó tan, nó rụng, rồi mình trở thành một con người chính mình. Giống như mình đi ra ngoài trời, mà không cần phải đeo khẩu trang, không cần mặc bất cứ bộ đồ bảo hộ nào nữa, mà mình vẫn đi được. Đó là đi trên đôi chân của chính mình, đi trên phước báu của mình, đi trên trí huệ của chính mình, và cuối cùng đi trên Thần thông của chính mình. Đấy chính là người đắc đạo giải thoát, đơn giản vậy thôi.

Bí quyết tu hành, nhiều người tu bao nhiêu năm mà lạc đường, bởi vì cầu bên ngoài. Cho nên đạo Phật là đạo cầu ở chính mình. Hãy hoàn thiện chính mình, hãy tự sống với chính mình, tự mình như thế nào mình phải tự biết. Mình đừng có bị bất cứ một cái nào bên ngoài, gây cho mình một áp lực, mình đơn giản mình là chính mình. Sau này, lỡ có ai nói thầy sân quá: Ừ! Tôi sân, tôi chưa phải là A-la-hán. A-la-hán mới hết sân, Tam quả A-na-hàm mới hết sân mà. A-la-hán mới hoàn toàn hết sân. Tôi chưa có [hết] sân là bình thường thôi, có gì đâu.

Quý vị thấy Sơ quả Tu-đà-hoàn mới chứng đoạn được ba Hạ phần Kiết sử: Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Tham, Sân chưa hết nữa, vẫn còn nguyên si. Có gì đâu, mình chưa có chứng Sơ quả nữa, mình Tham Sân Si đầy rẫy là bình thường. Cứ nghĩ như vậy thì mình không có bị khó chịu bởi người khác. Người ta nói thầy sân quá! Ừ thì thầy sân. Người ta nói thầy tham quá! Ừ thì thầy tham. Thầy ở cõi dục mà, thầy không tham sao được, lên cõi khác là xong. Có sao đâu, quý vị không bị áp lực, thì sống với đúng bản thân mình, sống rất dễ dàng. Và chính sự dễ dàng dễ chịu đó, lại là con đường đạo thênh thang mà mình đi được.

Ở đây xin nói lại, có nhiều người lại bắt đầu rớt vào kiểu khác. Tức là không có tâm Tàm, Quý nữa, kệ họ nói trời nói đất gì, mình xấu như ma mà mình cũng không thèm sửa luôn, thì đó là sai. Mình phải có tâm cầu tiến, phải tự sửa. Nhưng mình tu cho mình, chứ còn đừng có quan trọng, người ta để lên cho mình bao nhiêu cái giả đó, vô nghĩa! Không có giải quyết được gì, như thế là tốt rồi. Hãy vui vẻ hoan hỉ như ngài Di Lặc Bồ-tát.

Thiện Trang xin phép chia sẻ tới đây, và để nhớ đến ngài Di Lặc, thì Thiện Trang có để một câu kệ, nói về ngài Di Lặc trong bài hôm nay:

大肚能容,容天下難容之事

慈顏常笑,笑世間可笑之人

“Đại đỗ năng dung, dung thiên hạ nan dung chi sự.

Từ nhan thường tiếu, tiếu thế gian khả tiếu chi nhân”.

Giải:

#Đại đỗ năng dung, dung thiên hạ nan dung chi sự: #đại đỗ tức là cái bụng to; #đỗ là bụng; #đại là to, bụng lớn; #năng dung là có thể dung chứa được, #năng này có thể nói là hay; dung được những sự việc mà khó dung của thiên hạ.

#Từ nhan thường tiếu, tiếu thế gian khả tiếu chi nhân: #nhan tức là nhan sắc, sắc mặt; #từ là từ bi; #thường tiếu là tức là thường hay cười; cười những người có thể cười của thế gian, hay mình nói cười những điều đáng cười của thế gian. Mình học tới chỗ này tự nhiên hết phiền não.

“Bụng lớn hay dung, dung những việc khó dung của thiên hạ.

Mặt từ thường cười, cười những người đáng cười của thế gian”.

Lúc nào mình cũng dung được, cười được là ok rồi. Quý vị tu như vậy là mau đắc đạo lắm, mau thanh tựu lắm, vui vẻ hoan hỉ lúc nào cũng cười, lúc nào cũng vui, lúc nào cũng sẵn sàng, như vậy thì mình không có gì phải lo.

Chúng ta vào bài kệ thứ 2, phần 2, của Luận Câu Xá. Nãy giờ Thiện Trang mất khá nhiều thời gian để chia sẻ cho quý vị. Nhưng mà Thiện Trang thích chia sẻ như vậy để quý vị học, chứ vào tới đây sợ quý vị ngán mất.

Bài Kệ 2 – phần 2

Nhiếp bỉ Thắng nghĩa y bỉ cố攝彼勝義依彼故,Luận này nhiếp giữ gìn Và nương vào Thắng nghĩa
Thử lập Đối Pháp Câu Xá danh此立對法俱舍名。Nên mới được đặt tên Là Đối Pháp Câu Xá.

Giải:

#Nhiếp bỉ Thắng nghĩa y bỉ cố: #Thắng nghĩa là nghĩa thù thắng; tức là Luận này nhiếp được, giữ gìn được, và nương vào nghĩa thù thắng, tức là nghĩa của nhà Phật.

#Thử lập Đối Pháp Câu Xá danh: cho nên mới gọi là Luận Đối Pháp Câu Xá, đây là giải thích tên của bộ Luận này.

Thiện Trang dịch như thế này thì quý vị dễ hiểu rồi, chúng ta đi lướt nhanh, vì đây giải thích tên Luận thôi. Chúng ta vào phần giải thích của ngài Huyền Trang.

論曰:由彼對法論中勝義入此攝故,此得藏名。或此依彼、從彼引生,是彼所藏,故亦名藏。是故此論名對法藏。何因說彼阿毘達磨?誰復先說阿毘達磨,而今造論恭敬解釋。頌曰:

Luận viết: Do bỉ Đối Pháp Luận trung Thắng nghĩa nhập thử nhiếp cố, thử đắc Tạng danh. Hoặc thử y bỉ, tùng bỉ dẫn sanh, thị bỉ sở tàng, cố diệc danh tạng. Thị cố thử Luận danh Đối Pháp Tạng. Hà nhân thuyết A Tỳ Đạt Ma? Thùy phục tiên thuyết A Tỳ Đạt Ma, nhi kim tạo Luận cung kính giải thích? Tụng viết:

Giải:

#Luận viết: là Luận nói rằng. Tức là ngài Thiên Thân (hay ngài Thế Thân) nói:

#Do bỉ Đối Pháp Luận trung Thắng nghĩa nhập thử nhiếp cố: tức là do bởi Thắng nghĩa được nhập vào, và duy trì trong Luận Đối Pháp này; #Thắng nghĩa là nghĩa thù thắng, vi diệu, nghĩa đó rất là tuyệt vời, tức là Phật pháp; được nhập vào, được duy trì ở trong bộ Luận này. Tức là bộ Luận này trình bày cho chúng ta được Thắng nghĩa.

#Thử đắc Tạng danh: ở đây được gọi là Tạng.

#Hoặc thử y bỉ, tùng bỉ dẫn sanh, thị bỉ sở tàng, cố diệc danh tạng: hoặc Luận này; chữ #thử là Luận này; nương vào đó tức là Thắng nghĩa; chữ #bỉ này là Thắng nghĩa; và từ Thắng nghĩa mà vẫn sanh ra Luận này, là nơi cất chứa của Thắng nghĩa.

Tức là Luận này làm bằng cách nào? Luận này ý nói phải nương vào Thắng nghĩa, từ Thắng nghĩa mới sinh ra Luận này, và Luận này chính là sự cất chứa của Thắng nghĩa, nghĩa thù thắng, nghĩa vi diệu, cho nên mới gọi tên là Tạng.

#Thị cố thử Luận danh Đối Pháp Tạng: vì thế Luận này gọi là Đối Pháp Tạng. Tức là giải thích tên của Luận này, là Đối Pháp Tạng.

#Hà nhân thuyết A Tỳ Đạt Ma: #hà nhân tức là vì sao, hay chúng ta có thể nói là nguyên nhân gì, mà nói đây là A Tỳ Đạt Ma. Đây là ngài Huyền Trang giải thích như thế.

#Thùy phục tiên thuyết A Tỳ Đạt Ma, nhi kim tạo Luận cung kính giải thích? Tụng viết: bởi trước đã nói về A Tỳ Đạt Ma rồi, còn bây giờ [người tạo luận mới] cung kính giải thích và bắt đầu tụng rằng. Tức là bây giờ bắt đầu giải thích ra. Thiện Trang xin nói tại vì văn pháp này hơi khó chịu, mình dịch thêm chữ hơi nhiều.

Tạm dịch: Luận nói rằng: Do bởi Thắng nghĩa được nhập vào và duy trì trong Đối Pháp Luận này, nên được gọi là Tạng. Hoặc Luận này nương vào Thắng nghĩa, từ Thắng nghĩa mà dẫn sinh ra [Luận này], là nơi cất chứa của Thắng nghĩa, nên cũng được gọi là Tạng. Vì thế Luận này gọi là Đối Pháp Tạng. (Tức là giải thích chữ Đối Pháp Tạng là gì; #Đối ở đây còn một nghĩa khác là đối trị căn cơ, Tạng pháp mà đối trị bệnh của chúng sanh, để chúng sanh không còn bệnh nữa, tức là chứng quả giải thoát, thì đó là Đối Pháp Tạng). Do nguyên nhân gì mà nói [Luận] A Tỳ Đạt Ma này? Bởi trước chỉ nói lại về A Tỳ Đạt Ma, còn bây giờ [người tạo luận mới] cung kính giải thích. Kệ tụng ghi:

Giờ chúng ta sẽ bắt đầu vào ý nghĩa của Luận rồi, bắt đầu hay rồi.

Bài Kệ 3

Nhược ly Trạch pháp định vô dư若離擇法定無餘,Nếu mà rời Trạch pháp Thì chắc chắn không có
Năng diệt chư Hoặc thắng phương tiện能滅諸惑勝方便,Phương tiện nào nữa hết Để diệt các Lậu hoặc
Do Hoặc thế gian phiêu hữu hải由惑世間漂有海,Do Hoặc mà Thế gian Trôi nổi trong biển khổ
Nhân thử truyền Phật Thuyết Đối Pháp因此傳佛說對法。Bởi vậy nên con truyền
Đối Pháp do Phật thuyết.

Giải:

#Nhược ly Trạch pháp định vô dư: #nhược là nếu, nếu mà rời khỏi Trạch pháp; #định tức là chắc chắn, quyết định; chắc chắn không có phương pháp nào khác. Tức là quý vị muốn ra khỏi sanh tử, quý vị muốn tu, thì quý vị phải vào pháp, chứ còn nếu không không vào pháp thì không được. Ở đây tiếp tục nói, nếu chúng ta rời khỏi Trạch pháp, thì chắc chắn không có cách nào; #vô dư là không có cách nào.

#Năng diệt chư Hoặc thắng phương tiện: tức là không có phương tiện hay cách thức nào khác nữa, để diệt các Lậu hoặc.

Ý nói để ra khỏi sanh tử, thì chúng ta phải diệt các Phiền não, gọi là Lậu hoặc. Giờ nếu mình không có Trạch pháp, Trạch pháp tức là mình không có chọn được phương pháp nào để tu, theo nhà Phật thì chắc chắn không có cách nào.

Quý vị thấy Phật pháp hay hơn tất cả các Tôn giáo khác. Tại vì ở Ấn Độ hồi xưa, có 94 giáo phái ngoại đạo, có nơi nói 95, đều tu không thể ra khỏi sanh tử, tối đa là Tứ thiền Bát định thôi. Cho nên đối với Phật pháp là tuyệt vời, mà nếu quý vị rời khỏi rồi, thì không có cách nào. Cho nên không có cách nào hết Phiền não. Bởi vì để chấm dứt sanh tử, thì phải có con đường dứt hết Phiền não. Dứt hết Phiền não ở đây nói đơn giản theo Đại thừa, là hết Kiến tư hoặc, thì mình phải tu, mà muốn tu thì phải học thôi.

#Do Hoặc thế gian phiêu hữu hải: là do bởi các Hoặc; #Hoặc là các Phiền não; tức là chúng sanh trong thế gian thì họ trôi nổi; #phiêu là trôi nổi, trôi nổi ở trong biển; biển này là biển khổ của sanh tử. Điều này chúng ta nghe hoài rồi, chúng ta là người học Phật pháp lâu rồi, chúng ta biết điều này.

#Nhân thử truyền Phật Thuyết Đối Pháp: bởi vậy nên con mới truyền Đối Pháp do Phật thuyết. Tức là truyền Pháp này, do đức Phật thuyết. Đại ý ngài Thiên Thân nói như thế, ngài vẫn giải thích, vẫn chưa vào phần chánh văn.

論曰:若離擇法,無勝方便能滅諸惑。諸惑能令世間漂轉生死大海,因此傳佛說彼對法,欲令世間得擇法故。

Luận viết: Nhược ly Trạch pháp, vô thắng phương tiên năng diệt chư Hoặc. Chư Hoặc năng linh Thế gian phiêu chuyển sanh tử đại hải, nhân thử truyền Phật thuyết bỉ Đối Pháp, dục linh Thế gian đắc Trạch Pháp cố.

Giải:

#Luận viết: Luận nói rằng.

#Nhược ly Trạch pháp, vô thắng nghĩa phương tiện năng diệt chư Hoặc: tức là nếu mà rời khỏi Trạch pháp, thì không có phương tiện nào hơn (hay phương tiện nào khác) để có thể diệt các Hoặc; #Hoặc là Phiền não.

#Chư Hoặc năng linh Thế gian phiêu chuyển sanh tử đại hải: tức là các loại Phiền não khiến cho chúng sanh trong thế gian chìm nổi, lưu chuyển; #chuyển là trôi nổi trong trong biển lớn của sanh tử.

Điều này rõ ràng, chúng ta quá quen rồi, chúng ta biết chúng ta ở trong sáu đường luân hồi: Trời, Người, A-tu-la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Có khi nói năm đường thôi, thì chúng ta cứ ở trong đó hoài, bởi vì do Phiền não.

Phiền não nói đơn giản là 10 loại Kiết sử: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ kiến, Giới cấm thủ và Tà kiến. 10 loại Kiết sử này có khi chia cả Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, chia ra như vậy nên nhỏ hơn. Tóm lại như vậy thôi, hoặc mình nói gom lại, đức Phật nói một cái là Vô minh.

Cho nên trong vòng 12 nhân duyên, cứ Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, một hồi quý vị chỉ cần cắt dòng đó là được. Muốn cắt dòng đó thì cốt lõi là Vô minh. Vô minh tức là mình không biết được sự thật, gọi là Thật đế. Vì không biết thực tế của sự thật, cho nên mình mới bị Phiền não. Giống như chúng ta ở đời, chúng ta có Phiền não là vì sao? Ví dụ như bây giờ quý vị tức người khác, vì sao?

Tức là do mình có cái gì đó ham muốn, mà mình không đạt được, nên khiến cho mình tức. Hoặc là mình có cái gì đó rồi, mình mất cho nên mình tức, đúng không? Tóm lại là Tham, Tham đi cùng với Sân là vậy. Mà gốc của Tham, Sân là do Si. Tức là quý vị cho cái đó là của mình, nên quý vị yêu cầu như vậy, mà không biết là thế gian này vốn không thật, vốn không thể truy cầu được. Ví dụ bây giờ mình muốn khỏe mạnh, nhưng cơ thể mình lâu lâu bị bệnh, nên mình khó chịu: Khó chịu quá! Khó chịu quá! Vì vậy đó là mình cầu không được nên khổ. Thật ra sự cầu đó thuộc về Tham, và khi cầu không được thì Sân, khổ là sân, khó chịu.

Cho nên những bậc giải thoát, các ngài rất nhẹ nhàng, các ngài không có tham nữa, đơn giản vậy thôi. Vì sao các ngài không tham? Mình vẫn còn tham mà các ngài không tham, không tham vì các ngài thấy được lẽ thật, biết được sự thật trong vòng sanh tử, là không thể chiếm được cái gì hết. Vì không còn tham nữa cho nên không khổ, đơn giản vậy thôi. Ngày nào bớt bớt được một chút tham, là bớt được một chút khổ. Nên chúng ta cố gắng học giảm bớt tham, giảm bớt tham danh, tham lợi, tham gì đó v.v… mình càng giảm bao nhiêu thì mình càng bớt khổ bấy nhiêu. Chỉ còn những nỗi là khổ của trời Sắc giới thôi.

Quý vị biết có mấy loại khổ, thì Tam giới chia ra ba khổ thôi. Nếu nói Bát khổ thì nhiều, nhưng nói gọn lại là ba khổ: Khổ khổ, Hành khổ và Hoại khổ. Chúng ta thấy cái cuối cùng là Hành khổ và Hoại khổ, nếu mà lên Sắc giới chỉ còn Hoại khổ thôi. Hành là cái biến đổi, ví dụ như bây giờ quý vị thấy yêu người ta quá, lấy người ta về, lúc đó hạnh phúc vô biên. Hai người lên trao nhẫn cưới, nhìn mắt nhau say đắm, yêu thương đi về vui quá trời. Nhưng mà tại sao thời gian sau khổ? Sao không còn muốn nhìn thấy mặt nhau nữa, mà suốt ngày vẫn gặp nhau? Đó là Hành khổ, cái khổ do sự biến đổi.

Bởi vì theo giáo lý A Tỳ Đàm, giáo lý Duy Thức này, chúng ta hiểu rằng, một con người không bao giờ là chính họ mãi mãi. Nghĩa là họ luôn luôn thay đổi, lúc quý vị cưới, quý vị lấy, quý vị yêu là anh chàng A. Nhưng sau thời gian về là thành A’, thời gian sau thành A2’, A3’, A4’, một hồi thành B mất rồi.

Ngày xưa là một chàng trai rất tốt bụng, rất đẹp trai, rất lịch sự, lo lắng cho quý vị đủ hết, thích đi cinema (đi coi phim) thì dẫn đi coi phim, thích đi đâu thì dẫn đi đó, xài tiền vèo vèo. Nhưng sau khi lấy về, anh chàng ta ki bo vô cùng, tức là không xài [tiền]. Bởi vì anh chàng ta có nhiều điều còn phải lo nữa, vì phải trả tiền điện, rồi tiền mua tã cho con, đóng tiền học cho con v.v… đủ các thứ. Nên anh chàng ta tự nhiên phải keo thôi.

Hồi xưa lâu lâu gặp nhau một bữa, cỡ nào cỡ [cũng] đãi. Còn bây giờ ngày nào cũng gặp, với lại anh chàng ta đã thay đổi, vì anh ta đã không còn nhu cầu chiều chuộng mình như xưa nữa. Hồi xưa chưa lấy được thì chiều, bây giờ lấy được rồi không cần chiều nữa đâu, bây giờ nó cũng không bỏ mình đâu! Kiểu vậy đó quý vị.

Vì vậy tâm cũng khác rồi, hoàn cảnh cũng khác rồi, cho nên là khác thôi. Với lại cũng chán quá rồi. Quý vị nghĩ người ta mãi mãi không bao giờ là chính họ nữa đâu, mà mình cứ ôm vô, có nhiều đêm mất ngủ vì suy tư cái gì đó. Nhưng nếu mà ngày nào đó, mười mấy năm, 20 năm gặp lại người xưa, người mà mình có thể bao đêm thức trắng, thức trọn đêm nay để nhớ thương anh,nhớ thương em gì đó. Bây giờ gặp lại mình [nghĩ]: hồi xưa dại khùng vừa thôi, tự nhiên thức trắng mấy đêm để làm chi. Nhiều khi mình nghĩ tại sao khờ vậy, đúng không?

Cho nên ở trong kinh Phật, nói đúng nghĩa [là] chúng sanh hạnh phúc với hai điều kiện thôi. Có hai hạng người hạnh phúc, quý vị nghe cho kỹ nha, cái này trong A Tỳ Đàm, chứ không phải nói chuyện chơi đâu. A Tỳ Đàm nói hai hạng người hạnh phúc:

Một là, hạnh phúc của chúng sanh, là vì mê nên hạnh phúc. Tức là nhìn sự việc không có rõ ràng, họ cho là như vậy, cho là anh chàng hay cô nàng đó đẹp, nên mỗi giây phút gặp anh chàng đó, cô nàng đó họ thích vô cùng. Vì vậy họ mới thấy yêu, mới thấy thích. Chứ nếu họ biết sự thật ra thì họ không thích đâu. Và sau khi họ khám phá ra sự thật, người này ghê quá, khó tính quá, người này dữ dằn quá v.v… [là] họ sợ quá, họ hết [mê]. Sự thật được phơi bày thì họ hết mê, hồi xưa mới yêu, mối tình đầu là mối tình hơi mơ mơ màng màng, họ càng ngu họ càng yêu dữ nữa. Mà khi sáng tỏ rồi là hết yêu được rồi.

Đó là hạnh phúc của những người mê muội, và chúng sanh là thế đó. Chúng sanh lấy khổ làm vui, đem giả làm chân, đem những cái mê trong thế gian trùm lên mình, nên tưởng tượng điều đó hạnh phúc, điều đó vui. Vì họ sống trong ảo, nên cho đó là vui. Và một ngày nào đó, phát hiện ra không phải như vậy, thì họ buồn, khổ thôi.

Đó là hạnh phúc của phàm phu, hạnh phúc của phàm phu đặt trên sự giả rồi. Căn bản là do cái ảo do họ tưởng tượng ra, cho nên không thật. Giống như cô công chúa đi tìm ngọc (là mấy giọt nước mưa) đó quý vị. Vốn dĩ không thể nào xâu chuỗi thành ngọc được, nên không thể nào có. Hạnh phúc của thế gian mong manh như vậy. Mình phải hiểu tới đó thì mình mới bỏ được, còn nếu không hiểu tới đó mình vẫn mê trong hạnh phúc của thế gian.

Còn hạnh phúc thứ hai là hạnh phúc của bậc Thánh. Hạnh phúc của bậc Thánh là thấy rõ sự thật chân lý của cuộc đời. Vì thấy rõ cho nên buông bỏ, vì thấy rõ cho nên chấp nhận, vì thấy rõ cho nên không thấy Phiền não nữa. Và chính vì ta thấy rõ lẽ thật của cuộc đời, đó là Kiến đế, là thấy chân lý, vậy là ta đã thông giáo pháp Tứ Đế. Vậy thì từ đó trở đi ta chỉ cần sống với nó, ở trong đó mà ta không có gì mong cầu, ta cũng rất hoan hỷ, rất vui vẻ. Và bậc Thánh luôn luôn sẵn sàng nhập Niết-Bàn, nếu như đã đắc quả. Hay ta ra đi, Tịnh Độ gọi là niệm Phật vãng sanh.

Cho nên mình thấy sống với niềm vui bậc Thánh, quý vị nhớ trong kinh, một vị A-la-hán nếu như không phát tâm Bồ-đề, thì các ngài nhập Niết-Bàn ngay. Bởi vì các ngài sau khi đắc quả A-la-hán rồi, các ngài thấy thân này không có giá trị gì cả, nó khổ. Mỗi ngày phải kiếm thức ăn lo cho nó, phải chăm sóc, phải tắm rửa, phải mặc quần áo v.v…, bao nhiêu thứ phiền hà trên thân thể này. Vì vậy không có hạnh phúc nào bằng nhập Niết-Bàn.

Nhưng tại sao các ngài vẫn còn trụ ở nhân gian? Đó là những bậc đại A-la-hán, tức là A-la-hán phát tâm Bồ-đề. Vì phát tâm Bồ-đề nên không ngại khổ đau, tôi ở trong thế gian này thật ra không khổ lắm, chỉ thấy hơi phiền một chút thôi. Hơi phiền là phải lo cho cái thân này, chứ cũng không khổ gì đâu quý vị. Bởi vì A-la-hán xem cái thân này, giống như người ở trong tù vậy. Người ở trong tù thì đâu có tự do đâu quý vị, ra ngoài tự do hơn chứ. Nhưng vì muốn giác ngộ chúng sanh, vì tâm Bồ-đề độ sanh, cho nên ngài vẫn ở trong ngục tù Tam giới, tức là ở trong tù. Để giúp những người có duyên, những người xung quanh cùng giác ngộ, cùng hiểu ra chân lý giải thoát giống mình, đơn giản vậy thôi!

Cho nên những người chứng quả A-la-hán rồi, mà nhập Niết-Bàn, là tâm Tiểu thừa. Đa số những người chứng A-la-hán, mà còn ở lại nhân gian này, đó là những người [theo] ngôn ngữ Đại thừa, gọi là đại A-la-hán. Thật ra các ngài là Chánh đẳng Chánh giác, tức là các ngài là Bồ-tát chứ không phải A-la-hán. Quả vị chứng thì là A-la-hán, nhưng các ngài là Bồ-tát đó, nên giá trị như vậy.

Quý vị thấy không, [như] ngài Minh Tuệ, chúng ta ở đây lâu lâu nhắc lại ngài Minh Tuệ chút. Ngài Minh Tuệ theo góc nhìn của Thiện Trang, Thiện Trang thì không có đủ khả năng [ấn chứng], nhưng Thiện Trang nghĩ ngài có thể là bậc đại A-la-hán là như thế. Bậc đại A-la-hán ở đây là A-la-hán phát tâm Bồ-đề, cứu độ chúng sanh. Quý vị có thể nhìn thấy một dấu hiệu thế này, Thiện Trang xin chia sẻ chút để quý vị biết cách nhìn.

Tại sao chúng ta nhìn ngài, chúng ta cảm thấy mọi cử động, mọi hành vi toát lên một vẻ an lạc, dễ chịu, thánh thoát? Quý vị biết tại sao không? Có nhiều người không biết tại sao đâu, Thiện Trang xin giải thích cho quý vị, quý vị để ý chút thôi là quý vị biết.

Trong kinh nói khi người chứng Tứ quả A-la-hán, thì thân thể này người ta gọi là vô Ngã, tức là phá Thân kiến hết rồi. Thì những đau đớn trên thân thể này, gần như không có tác dụng gì. Quý vị nhớ câu chuyện Tỳ-kheo Tiểu Quân bị rắn độc cắn, rắn độc cắn là chết liền. Vậy mà ngài có thể nhập định để giữ thân không sao, mắt ngài [vẫn] tươi rói như người bình thường.

Lúc đó ngài kêu ngài Xá Lợi Phất tới và nói: “Hãy khiêng tôi ra, để thân thể này sắp tan thành năm mảnh rồi. Tan thành năm mảnh tức là Sắc Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Ngài Xá Lợi Phất mới nói rằng: “Tại sao [bị] một con rắn độc cắn như vậy, mà sắc mặt ông không thay đổi?”. Ngài Tỳ-kheo Tiểu Quân mới nói rằng: Tại vì từ lâu ngài đã đắc quả A-la-hán, ngài không xem thân này là ngài nữa. Cho nên với định của một vị A-la-hán, là kìm lại được, nên không có khó chịu nữa. Vì không khó chịu, nên không có cử động nào khó chịu.

Chúng ta nhìn thấy một người, mà khi thân thể của họ không có ảnh hưởng đến họ nữa, họ có đạp gai, họ có bị làm sao, không có ngứa ngáy, không có khó chịu trên thân, thì những cử động của họ tạo ra những từ trường an lạc, thánh thoát. Thiện Trang nhìn thấy điều đó ở ngài Minh Tuệ. Thiện Trang nghĩ là ngài Minh Tuệ cũng đắc đến vị trí đó, Thiện Trang đánh giá như thế. Không biết đúng hay không, nhưng quý vị có thể xem xem.

Thật ra quý vị để ý một chút thôi, những người mà tu có một chút công phu, chúng ta có thể nói Thân kiến của họ phá được [một] phần, hoặc là phá hết gì đó. Thì người ta cũng có cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát, người ta không có nặng nề như chúng ta đâu. Tất nhiên có khi đau bệnh thì người ta mới nặng nề thôi. Còn bình thường [thì] họ thanh thoát, nhẹ nhàng. Người ta đi một cách nhẹ nhàng thanh thoát thế nào đó, mình nhìn vào mình cảm giác nhẹ nhàng an lạc, dễ chịu. Đó là ít nhất Thân kiến cũng nhẹ xuống rồi quý vị. Có nghĩa là thân này, không có tác động nhiều đến tâm mình nữa.

Chúng ta ở Dục giới, trong kinh nói là chúng ta có rất nhiều sự phụ thuộc: phụ thuộc thân thể, phụ thuộc thức ăn. Mai mốt chúng ta học tới một duyên, gọi là Vật thực duyên. Vật thực duyên là duyên của thức ăn, nó cũng ảnh hưởng chúng ta ghê lắm. Những duyên đó tác động đến cơ thể này, mà từ tác động cơ thể nó tác động đến tâm. Nó tác động đến tâm, cho nên mình mới dễ phiền não, dễ khó chịu, dễ bực bội, dễ cau có v.v…, đủ các kiểu, là do dễ buồn, dễ vui, dễ hận, v.v…

Ví dụ như người nữ, tới lứa tuổi đó, hoặc tới ngày đó, tự nhiên họ khó chịu. Bởi vì thân thể này tác động tới họ. Cho nên người mà khi phá được Thân kiến, thì tự nhiên cái đó ít và nhẹ vô cùng, và A-la-hán thì tuyệt vời. Vì vậy chúng ta nhìn vào một vị A-la-hán, các ngài luôn luôn dễ chịu, các ngài cử động gì cũng nhẹ nhàng. Quý vị thấy không, ngài Minh Tuệ ôm miếng ván trên thất của ngài xuống, mình thấy rất là nhẹ nhàng, dễ chịu. Còn chúng ta ôm miếng ván thấy khó khăn, thấy mệt mỏi, rã rời, khác nhau lắm!

Quý vị nhìn đi, sau này mình học A Tỳ Đàm là mình soi ra hết, ai tu thế nào, kêu tôi Trưởng lão, Hòa thượng gì đó v.v… nhưng mà mình nhìn thấy không tự tại. Không tự tại từ lời nói, từ cái miệng nói cũng cố gắng uốn éo rồi. Còn bậc mà phá Thân kiến thì không. Tôi không cần phải diễn, không cần phải diễn bất cứ một điều gì, tôi chỉ cần tự nhiên như thế, bởi vì cơ thể tôi như thế. Tôi không có cần, tôi không có Tâm sở Phú tàng, tôi không có che dấu gì cả, cho nên tôi rất tự tại, tôi nhẹ nhàng. Và sự thánh thoát nhẹ nhàng từ đó mà sanh ra.

Còn một người cho dù có lên chức cỡ nào cỡ, nhưng mà cứ giả giả ương ương là không có thật. Và do cái không thật đó, là Thân kiến nặng, cho nên người đó khi chết thì lòi ra hết à quý vị. Nên công phu ở chỗ đó đó, quý vị hãy nhìn những người đó, rất là thoải mái. Nên tu hành đến khi nào, quý vị càng tự tại bao nhiêu, thì quý vị đắc đạo càng dễ bấy nhiêu. Quý vị gần đạo, gần vào Thánh quả rồi đó.

Còn mình tu hành một hồi, mà Thân kiến mình quá trời, sáng ra trét một lớp phấn son lên, đủ các kiểu. Phải cột tóc, cột tai đủ [các kiểu], chỉnh tới chỉnh lui, soi tới soi lui, soi xuôi soi ngược để cho đẹp, là Thân kiến mình nặng rồi. Đó là mình đang tạo ra nhiều cái vỏ hơn đó quý vị. Nhiều vỏ hơn thì mình khổ hơn, những điều giả càng nhiều thì càng khổ.

Cho nên tu đến lúc nào là vô Ngã? Muốn vô Ngã thì hãy bắt đầu tu, hãy trở lại với chính mình. Những bài pháp dạo này Thiện Trang giảng khác người rồi, khác người vì mình biết từng chút từng chút những điều này điều kia. Thiện Trang phát hiện thêm một điều nữa, chia sẻ với quý vị về ngồi thiền, ngồi tĩnh tọa, điều này quan trọng, quý vị nghe cho kỹ.

Hồi xưa Thiện Trang chỉ cho quý vị ngồi còn có bồ đoàn, sau này từ khi thấy ngài Minh Tuệ, Thiện Trang thấy ngài đâu có ngồi bồ đoàn đâu, ngài ngồi không mà ngài ngồi cả ngày được. Ngài chia sẻ mới đầu thì đau, rồi dần dần hết đau, ngồi mấy ngày không sao, ngồi ngày này qua ngày kia cũng được.

Thiện Trang phát hiện một điều là do bồ đoàn. Nghĩa là nếu như mình có bồ đoàn, thì mình ngồi sẽ lúc cao lúc thấp, do bồ đoàn của mình chỗ này chỗ kia không đều. Thứ hai là mình đặt nó không đều. Nên nếu như người mới đầu ngồi không có bồ đoàn, họ ngồi không được. Nhưng nếu quý vị ngồi có bồ đoàn, quý vị ngồi sẽ không được lâu, quý vị ngồi hai tiếng, hơn hai tiếng. Do tư thế ngày hôm nay khác, ngày mai khác, hoặc là lúc trước khác, lúc này khác. Cho nên ngồi tĩnh tọa bằng tư thế kiết già hay bán già, thì khiến cho tư thế thay đổi, cơ xương, độ dãn của hai chân của mình không đều. Thân thể mình không đều cho nên mới đau, vì vậy quý vị ngồi không được lâu.

Quý vị muốn ngồi được lâu, mà [ngồi] lâu rồi, thì quý vị chịu đựng chút, [bỏ] bồ đoàn đi. Thiện Trang bây giờ bỏ bồ đoàn rồi, không ngồi bồ đoàn nữa. Quý vị coi cộng tu, Thiện Trang không ngồi bồ đoàn nữa. Mới đầu thì khó chịu, nhưng sau đó ngồi thoải mái luôn quý vị. Vì hai chân mình tự điều tiết, nó tự cân đối lại, cứ ngồi chỗ bằng là được. Ngồi chỗ nào đó, ngồi hoài, ngồi được mấy tiếng đồng hồ không sao hết. Ngồi được rất dài, muốn ngồi cả ngày, ngồi lâu thì phải dẹp bồ đoàn đi, đừng ngồi bồ đoàn nữa.

Ai mới tu mà không ngồi nổi, không có bồ đoàn bị đau, vì bị cong, thì có thể dùng bồ đoạn tạm một thời gian. Nhưng để ngồi lâu, hơn hai tiếng trở lên mà không đau, thì quý vị bỏ bồ đoàn đi. Bỏ bồ đoàn đi là tự nhiên ngồi miết, ngồi cả ngày cũng được.

Thiện Trang cũng phát hiện điều đó từ ngài Minh Tuệ, Thiện Trang áp dụng một thời gian rồi. Cho đến hôm nay Thiện Trang mới công bố với quý vị, là Thiện Trang đã thực hành và thấy không có bồ đoàn ngồi được lâu hơn. Cho nên đấy là chia sẻ cho quý vị. Mà những bí quyết này, đúng là phải có người thị hiện cho mình mới thấy, có thể người khác không thấy nhưng Thiện Trang thấy, thế là Thiện Trang học và áp dụng thử. Mình thử ngồi một thời gian coi, bây giờ thì thấy thoải mái rồi, thích ngồi xếp bằng cỡ nào cũng được.

Ở đây cũng chia sẻ thêm chút, là bên Nam truyền, có người thì nói bên Giới luật của Nam truyền, không cho Tỳ-kheo-ni ngồi kiết già, và cũng cấm luôn các vị Cư sĩ nữ không ngồi kiết già, bí quá cho ngồi bán già thôi. Điều đó có trong Giới luật của bên Nam truyền, nhưng quý vị coi lại nội dung đó là gì? Tại vì có người hỏi, nên Thiện Trang sẵn trả lời luôn. Nguyên nhân Phật chế giới đó là gì? Vì vị Tỳ-kheo-ni đó khi ngồi kiết già, lấy tay rờ vào hai gót chân để mà khởi dục lên, khởi tâm dâm dục, cho nên Phật mới cấm. Cấm là do nguyên nhân đó. Còn Thiện Trang cũng chưa coi hết tất cả các bộ luật, nhưng coi sơ qua bên Bắc truyền, hình như một hai bộ không có giới này. Thiện Trang kêu sao bên này có mà bên kia không có, vì điều đó không quan trọng lắm, nguyên nhân Phật chế giới là gì? Là vì vị Tỳ-kheo-ni đó, cô đụng chạm vào hai gót chân để khởi dục. Còn nếu mình không có đụng chạm vào hai gót chân để khởi dục, thì mình cứ ngồi, mắc mớ gì. Bởi vì lợi ích lớn hơn.

Đức Phật nói ở trong quyển 22, bộ Luật Ngũ Phần là: “Những điều gì ta chế ra, nhưng các ông thấy nhỏ nhặt thì các ông bỏ đi. Những điều nào mà ta chưa chế ra, các ông thấy cần thiết thì các ông nên giữ”. Vậy thì ở đây, thấy sự lợi ích của ngồi kiết già lớn hơn, thì tại sao mình không ngồi? Mình phải theo những điều như vậy.

Với lại bên Nam truyền, trừ Việt Nam ra, các nước Nam truyền đâu có Tỳ-kheo-ni nữa. Nếu bên đó có Tỳ-kheo-ni, Thiện Trang tin là các vị Tổ sư hay các vị bên đó, sẽ chú giải điều đó cụ thể hơn. Còn mình cứ y theo Luật tạng Pali kiểu đó, là nhiều khi mình cũng thiệt thòi. Bắt người nữ không cho ngồi kiết già, cũng là một điều thiệt thòi. Theo Thiện Trang là như vậy, còn quý vị tin hay không thì tùy quý vị nha.

Kiến giải của Thiện Trang là nên ngồi, bởi vì thế đó ngồi rất tốt, và nó giúp cho diệt dục rất tốt. Nếu mình ngồi đúng như vậy, thì tâm dâm dục sẽ giảm được rất nhiều. Mình tu là mình muốn giải thoát sanh tử, chứ mình không ham thứ đó, mình nên tu ngồi nhiều thì tốt. Tất nhiên ngồi không phải để thành Phật, ngồi cũng chưa được, mình tu phải Thiền chỉ và Thiền quán. Quán là phải sống trong đời sống hàng ngày, mỗi lúc mỗi giây, dù có đi vào nhà vệ sinh cũng phải chánh niệm rõ ràng. Thì ở trong nhà vệ sinh vẫn tu vô lượng công đức, chứ không phải là mình đi đâu mới tu vô lượng công đức. Chỉ cần chánh niệm hiện tiền, lúc nào cũng rõ ràng sáng suốt, rõ biết. Người niệm Phật thì niệm Phật, người tu Quán thì quán, hoặc là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Tâm như vậy thì mình tu đều được.

Đó là sẵn Thiện Trang chia sẻ luôn, lâu lâu nhớ điều gì thì chia sẻ điều đó. Đó toàn là những kinh nghiệm, và những hiểu biết của mình, chia sẻ quý vị thấy nghe được thì nghe. Còn quý vị cảm thấy không nghe được thì bỏ qua. Bây giờ chúng ta trở lại với bộ Luận này.

#Nhân thử truyền Phật thuyết bỉ Đối Pháp: bởi vì do đó mới truyền Đối Pháp này của đức Phật thuyết.

#Dục linh Thế gian đắc Trạch Pháp cố: bởi vì mong chúng sanh ở thế gian đạt được Trạch Pháp; #Trạch Pháp là Pháp lựa chọn, hay Trạch Pháp đằng sau có nói.

Tạm dịch: Luận nói: Nếu rời Trạch pháp, thì không có phương tiện nào hơn để có thể diệt các Hoặc[1]. Các Hoặc có thể khiến cho [chúng sanh] trong Thế gian trôi nổi trong biển lớn sanh tử, bởi do đó mà mới truyền Đối Pháp này của đức Phật thuyết, vì mong cho [chúng sanh ở] Thế gian đạt được Trạch pháp.

Chúng ta [học] thêm phần nữa, vẫn là bài giới thiệu thôi, chưa vào phần chánh kinh. Chắc bữa sau mới vào chánh kinh.

離說對法,弟子不能於諸法相如理簡擇。然佛世尊處處散說阿毘達磨,大德迦多衍尼子等諸大聲聞結集安置。猶如大德法救所集無常品等鄔拕南頌,毘婆沙師傳說如此。何法名為彼所簡擇,因此傳佛說對法耶?頌曰:

Ly thuyết Đối Pháp, Đệ tử bất năng ư chư pháp Tướng như Lý giản trạch. Nhiên Phật Thế Tôn xứ xứ tán thuyết A Tỳ Đạt Ma, Đại đức Ca Đa Diễn Ni Tử đẳng chư đại Thanh văn kiết tập an trí. Do như Đại đức Pháp Cứu sở tập Vô Thường phẩm đẳng Ổ tha nam tụng, Tỳ Bà Sa sư truyền thuyết như thử. Hà pháp danh vi bỉ sở giản trạch, nhân thử truyền Phật thuyết Đối Pháp da? Tụng viết:

Giải:

#Ly thuyết Đối Pháp: nếu rời khỏi thuyết về Đối Pháp này.

#Đệ tử bất năng ư chư pháp Tướng như Lý giản trạch: thì hàng Đệ tử [chúng con] (là chúng ta đó) không thể nào lý giải; #Lý tức là như Lý, đúng chính xác như Lý, mà giản trạch; #giản trạch tức là mình lựa chọn phân biệt một cách đơn giản các Pháp tướng; #Pháp tướng là tướng của các Pháp.

#Nhiên Phật Thế Tôn xứ xứ tán thuyết A Tỳ Đạt Ma: nhưng mà đức Phật Thế Tôn, mọi nơi mọi lúc đều rộng thuyết về tạng A Tỳ Đạt Ma này, chính là tạng A Tỳ Đàm.

#Đại đức Ca Đa Diễn Ni Tử đẳng chư đại Thanh văn kiết tập an trí: có một vị Đại đức; #Đại đức là một vị Tôn giả, tên là Ca Đa Diễn Ni Tử, và những vị đại Thanh văn đã kiết tập nên bộ Luận này. Bộ Luận này là bộ A Tỳ Đàm. Có nghĩa bộ Luận A Tỳ Đàm này từ đâu? Là do vị Đại đức Ca Đa Diễn Ni Tử cùng với các đại Thanh văn; #đại Thanh văn là các vị chứng quả Thanh văn rồi mà phát tâm Bồ-đề, kiết tập lại bộ Luận A Tỳ Đàm.

#Do như Đại đức Pháp Cứu: có một vị Đại đức tên là Pháp Cứu. Vị Đại đức này cũng là một vị Tôn giả.

#Sở tập Vô Thường phẩm đẳng Ô tha nam tụng: tức là có một vị Đại đức tên là Pháp Cứu, ngài đã kiết tập; #tập là kiết tập hay là tu tập; ngài có kiết tập thành một loại gọi là Ô tha nam; #Ô tha nam là tên trong phẩm và những phẩm này là Ô tha nam. Ô tha nam nếu ngôn ngữ của chúng ta gọi là Vô Vấn Tự Thuyết Kinh. Tức là bộ tụng không cần ai hỏi mà tự nói, gọi là Ô tha nam. Tiếng này [toàn] từ lạ thôi, ngài Huyền Trang hay dùng từ lạ lắm, mình hay gọi là Vô Vấn Tự Thuyết. Tức là một trong những thể loại kinh, quý vị nhớ Thiện Trang có chia sẻ nhiều lắm rồi, ai chưa nghe thì Thiện Trang xin nhắc lại. Có 12 thể loại kinh:

Trường hàng, Trùng tụng, tinh Cô khởi

Thí dụ, Nhân duyên, dữ Tự thuyết.

#Trường hàng, Trùng tụng, tinh Cô khởi: #Trường hàng là văn xuôi, thể loại kinh là văn xuôi; #Trùng tụng tức là những bài tụng lặp lại nội dung trước; #tinh là và; #Cô khởi tức là những bài tụng độc lập.

#Thí dụ, Nhân duyên, dữ Tự thuyết: #Thí dụ là đưa ra những ví dụ, trong kinh thì có đưa ra những thí dụ; #Nhân duyên là nói ra những nhân duyên; #Tự thuyết là Vô Vấn Tự Thuyết.

Ở đây là thuộc về Vô Vấn Tự Thuyết. Thiện Trang xin nói nửa bài kệ, [vì] không có thời gian nói nhiều, nói hết 12 thể loại kinh lâu lắm. Ở bên Nam truyền có chín thể loại kinh, điều đó nói lược qua để quý vị biết. Đây là một thể loại kinh Vô Vấn Tự Thuyết, tức là không cần ai hỏi mà cũng nói. Do ngài Tôn giả tên là Pháp Cứu, ngài đã tập hợp được, hay kiết tập được bộ này. Bộ này cũng gọi là Vô Vấn Tự Thuyết, tức là không cần ai hỏi mà đức Phật cũng nói, và trong phẩm Vô Thường, v.v…

#Tỳ Bà Sa sư truyền thuyết như thử: tức là một vị sư gọi là Tỳ Bà Sa.

Ở đây Thiện Trang có chú thích cho quý vị. Tỳ Bà Sa sư có lẽ là nói Tôn giả Thế Hữu, vì ngài Thế Hữu cùng với 500 vị A-la-hán đã kiết tập bộ Luận Đại Tỳ Bà Sa, bộ Luận ấy cũng thuộc Tạng A Tỳ Đàm. Tức là ở đây nói Luận A Tỳ Đàm này, thì có ngài Pháp Cứu kiết tập được phẩm Vô Thường thôi. Còn bộ Luận lớn là do một ngài khác, là ngài Thế Hữu cùng 500 vị A-la-hán kiết tập ra bộ Luận Tỳ Bà Sa. Cho nên gọi là sư Tỳ Bà Sa, lấy tên của bộ Luận đặt cho ngài luôn, đã truyền thuyết bộ Luận này.

#Hà pháp danh vi bỉ sở giản trạch: tức là vì sao tên pháp này được gọi là giản trạch; #bỉ là ngài ấy. Pháp này của ngài ấy được gọi là giản trạch; #ngài ấy tức ngài Thế Thân.

#Nhân thử truyền Phật thuyết Đối Pháp da?: bởi đâu mà truyền Đối Pháp của Phật thuyết này.

Tức là ở đây đưa ra hai câu hỏi: Một câu là: Tại sao pháp này được gọi là giản trạch? Và vì đâu mà ngài truyền pháp này?

#Tụng viết: là bài tụng nói, (đằng sau sẽ giải thích).

Ở đây do những loại văn này hơi khó chịu, quý vị nghe mới phần này hơi khó, nhưng mà vào xong sẽ dễ chịu hơn.

Tạm dịch: [Nếu] rời thuyết về Đối Pháp, thì Đệ tử [con] không thể như Lý mà giản trạch (lựa chọn phân biệt) các Pháp tướng. Nhưng đức Phật Thế Tôn mọi nơi đều rộng thuyết A Tỳ Đạt Ma, Đại đức Ca Đa Diễn Ni Tử v.v… cùng chư đại Thanh văn kiết tập an trí [tạng A Tỳ Đàm này]. Còn như Đại đức Pháp Cứu đã tập hợp phẩm Vô Thường cùng kệ tụng Vô Vấn Tự Thuyết, sư Tỳ Bà Sa truyền thuyết như vậy. Pháp nào là được ngài ấy (Thế Thân) giản trạch, bởi đâu mà truyền Đối Pháp của Phật thuyết? Thì kệ nói rằng:

Ở đây nói rời ngôn ngữ thì dễ hiểu hơn. Tức là ngài đưa ra, nhắc lại một chút các bộ Luận về A Tỳ Đàm, có những ngài như ngài Ca Đa Diễn Ni Tử, cùng các đại Thanh văn, hoặc ngài sư Tỳ Bà Sa tức là ngài Thế Hữu, ngài Thế Hữu cùng 500 vị A-la-hán kiết tập Kinh này.

Nói về bộ Luận này, thì ngài Thế Thân chọn pháp nào? Bây giờ pháp của Phật thì nhiều lắm, nhưng ngài chọn những pháp nào để nói trong này? Và bởi đâu mà ngài truyền điều này? Thì trong bộ Luận này sẽ nói. Bộ Luận này nói như thế nào, còn bộ Luận ví dụ như Duy Thức, gọi là bộ Bách Pháp Minh Môn Luận, thì ngài lấy 100 pháp. Tức là nhiều pháp quá, ở trong thế gian là vô lượng pháp, điều nào cũng là pháp. Bất cứ thứ gì trên thế gian đều là pháp. Nhưng để quy nạp lại, thì ngài Vô Trước, trong Du Già Sư Địa Luận, ngài chia thành 660 pháp. 660 pháp nhiều quá, cho nên ngài Thế Thân rút gọn lại, ở trong bộ Duy Thức gọi là Bách Pháp Minh Môn Luận là 100 pháp.

Còn bộ này Thiện Trang quên đếm, hình như là 89 pháp thì phải, chứ không đến 100 pháp. Thiện Trang quên đếm lại, để hồi nào nhớ đếm lại thử coi, trong bộ Luận này chia ra bao nhiêu pháp. Những pháp nào thì chúng ta sẽ được học trong những bài kệ tiếp theo.

Bây giờ chắc sẽ giới thiệu qua cho quý vị biết nội dung luôn, rồi chúng ta sẽ nghỉ. Thiện Trang xin giới thiệu để quý vị hiểu sơ bài kệ, bữa sau chúng ta sẽ vào phần giải thích. Bài kệ thứ bốn, năm, sáu, tức là ba bài kệ này bắt đầu vào nội dung chính, còn ở trên chỉ mới có giới thiệu thôi.

Hữu lậu Vô lậu pháp有漏無漏法,Pháp Hữu lậu, Vô lậu
Trừ Đạo dư Hữu vi除道餘有為,Ngoại trừ Đạo đế ra Còn lại là Hữu vi
Ư bỉ lậu tùy tăng於彼漏隨增,Với các pháp Hữu lậu Thì các Tùy miên tăng
Cố thuyết danh Hữu lậu.故說名有漏。Nên nói là Hữu lậu.
Vô lậu vị Đạo đế無漏謂道諦,Vô lậu là Đạo đế
Cập tam chủng Vô vi及三種無為,Và ba loại Vô vi
Vị Hư không nhị Diệt謂虛空二滅,Hư không và hai Diệt
Thử trung Không vô ngại.此中空無礙。Hư không không chướng ngại.
Trạch diệt vị ly hệ擇滅謂離繫,Trạch diệt lìa trói buộc
Tùy hệ sự các biệt隨繫事各別,Tùy theo các trói buộc Mà việc lìa khác nhau
Tất cánh ngại đương sanh畢竟礙當生,Rốt ráo làm chướng ngại Cho các pháp không sanh
Biệt đắc Phi trạch diệt別得非擇滅。Đắc riêng Phi Trạch diệt.

Ở đây ai mà có nền tảng một chút thì đọc sẽ hiểu, còn nếu không có nền tảng, thì chúng ta cứ nghe từ từ. Thiện Trang sẽ giải thích sơ qua là được rồi. Ở trong đây chia ra pháp, thì gồm có pháp Hữu lậu và Vô lậu.

Thế nào là pháp Hữu lậu, và thế nào là pháp Vô lậu, thì chúng ta phải nắm. Pháp Hữu lậu tức là còn ở trong sanh tử, tất cả các pháp nào trong sanh tử, đều gọi là Hữu lậu. Các pháp nào ra khỏi sanh tử, gọi là Vô lậu. Ví dụ chúng ta có Phiền não là một pháp, chúng ta có thân thể này, thân thể này gọi là Sắc pháp. Sắc pháp này nếu trong A Tỳ Đàm chia ra thì gồm có bốn đại: Đất, Nước, Gió, Lửa, [tức là] Địa đại, Thủy đại, Phong đại, và Hỏa đại. Nhưng đó là mình chia bình thường, còn thêm 24 loại đi kèm với nó thành 28.

Tức là nếu bây giờ nói một đặc tính nào đó, cũng là một Sắc pháp. Ví dụ quý vị có một đặc tính, đứa nhỏ [được] sinh ra đời, nó ở trong bào thai hình thành thế nào đó, để tạo ra cơ thể mà tự nhiên nó kết nối lấy dinh dưỡng từ mẹ, v.v… Bất cứ người nào, bào thai nào cũng có điều kiện như vậy. Hoặc con gà, trứng gà được sanh ra, cứ để như vậy với nhiệt độ như vậy, độ ấm như vậy, điều kiện như vậy, nó đủ trống rồi thì sẽ nở ra con gà. Đó cũng là một Sắc pháp.

Tức là Sắc pháp trong A Tỳ Đàm này chia rất kỹ, cho nên mới giải thích được tất cả những hiện tượng trong tự nhiên, và hiện tượng do nhân tạo. Ví dụ như con cừu Dolly, gọi là nhân bản, không phải [được] sinh ra, thì giải thích như thế nào? Thật ra nếu chúng ta học rõ Sắc pháp ở trong A Tỳ Đàm, thì chúng ta hiểu được ngay, giải thích được hết.

Tức là ở trong kinh, đức Phật nói là do đặc tính như vậy, thì mới sanh ra một phôi. Ví dụ như mình, người bình thường thì tinh cha huyết mẹ thôi. Nhưng thực tế học kỹ ra, sẽ có những yếu tố nào cấu tạo như vậy. Nếu như mặc dù không phải môi trường tinh cha huyết mẹ, hoặc là môi trường để tạo ra con cừu. Nó không có tinh cừu, không có noãn trứng của con cừu, nhưng nếu như cung cấp cho nó một môi trường y chang như vậy, thì có thể giúp cho điều kiện sẽ đậu thành thai cừu, và phát triển thành con cừu.

Bây giờ người ta có thể sử dụng công nghệ đó được, ví dụ bây giờ người ta trồng rau đâu cần đất, người ta chỉ cần thuỷ canh cho nước chảy và có môi trường, người ta nghiên cứu khoa học rồi. Chỉ cần có nước chảy qua, và có dinh dưỡng chảy qua, thì với nhiệt độ như vậy như vậy là rau lên. Tức là với nhiệt độ như vậy, với điều kiện như vậy, thì sẽ giúp cho cây lớn lên. Đó cũng gọi là một Sắc pháp.

Quý vị học A Tỳ Đàm rồi là yên tâm, tất cả mọi câu hỏi vấn đáp của thế gian, khó cỡ nào quý vị cũng trả lời được hết, tại vì Phật nói hết rồi. Tất cả các pháp thế gian có hết trong này rồi, không có gì không có. Mình không có là tại vì mình dốt, mình không học thôi. Chứ học rồi mình thấy hết, lúc đó mình gọi là có Thần thông. Tức là kinh điển thông, giáo lý thông, cho nên mình hiểu được hết tất cả các vấn đề, tự nhiên nó như vậy, tại sao cái này ra cái kia.

Giống như trong Kinh A Hàm đức Phật nói: “Một cái cây, với năng lực của một vị Tỳ-kheo, thì có thể biến cái cây đó thành đống tro(thành lửa). Tại sao có thể biến cái cây thành lửa? Vì đức Phật nói trong một cái cây đó có đủ bốn đại: Đất, Nước, Lửa, Gió, cho nên nó có thể biến thành lửa được, và nó có thể biến thành nước được, bởi vì nó có nước. Có thể biến thành đất được, biến thành gió được, và biến thành các cái khác. Bởi vì tất cả những yếu tố, cấu tạo nên các vật chất khác, cũng chỉ có bốn thành phần đó thôi. Vì vậy một vị có Thần thông có thể làm được như vậy, vị Tỳ-kheo có Thần thông đó chắc Thần thông phải cao.

Ở trong kinh nói Nhị thiền là có thần thông dữ lắm. Vị Cư sĩ chứng Nhị quả Tư-đà-hàm thôi, mà có Thần thông tức bởi có định của Nhị thiền, thì vị đó nói: “Tôi có thể lấy một sợi dây cột gió lại, không cho gió di chuyển. Có thể lấy một nắm đất này, tôi ngăn được dòng chảy của con sông Hằng”. Cho nên vị Cư sĩ đó độ được mấy người Bà-la-môn luôn. Mấy vị kia tu theo Ni-kiền-tử, tức là giáo phái Lõa thể, tu bao nhiêu năm mà không có gì hết, tới hỏi vị Cư sĩ: “Tại sao ông theo đạo Phật”? Vị Cư sĩ đó nói: “Tại vì tôi có những cái đạt được, có những cái thế này thế kia”. “Đạt được cái gì?”. Vị Cư sĩ nói: “Thứ nhất tôi được cái này cái kia, v.v… quả vị như vậy. Rồi cuối cùng tôi có Thần thông như vậy. Bây giờ tôi có thể cầm một sợi dây thắt gió lại, không cho gió di chuyển nữa. Tôi có thể dùng một nắm cát, mà ngăn dòng chảy con sông Hằng”.

Vị Cư sĩ đó nói như vậy, và tất nhiên vị Cư sĩ đó cũng thể hiện như vậy, cho nên nhóm giáo phái ngoại đạo đó nghe và thuyết phục quá, nên xin Quy y. Vị Cư sĩ đó dẫn tới đức Phật để xin xuất gia, sau khi xuất gia những người đó đắc quả A-la-hán hết, còn cao hơn vị Cư sĩ đó nữa.

Nên sự thành tựu trong Phật pháp, không phải là nói pháp cho hay, không phải là làm bao nhiêu việc thiện, mà quan trọng là mình chứng quả. Khi nào quý vị chứng quả, là quý vị có năng lực độ sanh. Còn bây giờ mình chưa có năng lực chứng quả, thật ra Sơ quả Tu-đà-hoàn chưa độ sanh được bao nhiêu. Tại vì Sơ quả Tu-đà-hoàn nhiều khi không có Thần thông gì hết, giống như người thường. Quý vị nhìn vào người Sơ quả Tu-đà-hoàn, nhiều khi cũng không biết, nên là chịu thua. Nhưng nếu mình được Nhị quả, Tam quả hoặc nếu mình đắc Thiền, Tam quả là đắc Tứ thiền rồi, thì Thần thông cũng diệu dụng lắm.

Cho nên một vị A-la-hán rất tuyệt vời, không phải mình học Đại thừa mình thường chê bai A-la-hán, không phải đâu. Quý vị đọc vào Kinh Nikaya, Kinh A Hàm, quý vị coi một vị A-la-hán năng lực cỡ nào, tuyệt vời lắm. Không cần A-la-hán đâu, quý vị chứng được Nhị quả là cũng khá lắm rồi, Tam quả còn khá hơn nữa, thậm chí quý vị đắc được Nhị thiền là cũng khủng khiếp, cũng có một số Thần thông rồi, cho nên đặc biệt lắm.

Còn bây giờ mình coi mấy cái đó như rác, mình ham danh văn lợi dưỡng v.v…, thích làm Pháp sư, thích độ sanh. Đem gia tài của Như Lai quý như vàng, quý như kim cương, mà không lấy. Đem lấy mấy tán kẹo thôi, ham mấy cái danh ở thế gian, ham mấy điều gì đâu, mấy cái không đáng gì. Quý vị nghĩ coi chết rồi có mang được gì đâu.

Thật ra bên Phật giáo Nam truyền hay hơn Phật giáo Bắc truyền ở chỗ Phật giáo Nam truyền không trọng ở những chư Tổ, chỉ trọng Phật thôi. Tức là chư Tổ thời nào cũng có, người nào chứng đạo v.v…, người này người kia chứng đạo, nhưng chỉ tôn vinh lúc đó thôi, chứ không có đời sau tôn vinh ghê gớm lắm.

Còn mình bên Bắc truyền cũng có cái hay, là tôn vinh chư Tổ. Nhưng nhiều khi tôn vinh quá, quên tôn vinh Phật. Trong khi đó quên mất là nên học Phật, học từ giáo lý Phật tốt hơn. Bởi vì chư Tổ các ngài cũng có chứng ngộ, nhưng các ngài chỉ đưa ra giáo pháp, phương pháp phù hợp với thời đó thôi. Gọi là khế thời, khế xứ, trong bốn khế: Khế lý, khế cơ, Khế thời, Khế xứ. Nếu là người chứng ngộ, thì sẽ đưa ra Khế lý, Khế cơ, Khế thời, Khế xứ, nhưng chỉ lúc đó thôi, không bằng Phật được. Phật là giáo pháp của Ngài, từ 3000 năm trước cho đến bây giờ vẫn vậy, 3000 năm sau vẫn áp dụng như vậy, làm như vậy vẫn đúng, vẫn không sai, vẫn chứng quả bình thường. Đó là khẳng định của đức Thế Tôn trong kinh, miễn là người tuân theo đúng những gì Phật dạy.

Cho nên đức Phật dặn rất kỹ, quý vị có thể coi trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, trong Trường Bộ Kinh, hoặc trong Kinh Đại Bát Niết Bàn của Đại thừa cũng được, trong Kinh Du Hành của Kinh Trường A Hàm cũng được, hoặc một số kinh khác nữa, đức Phật có nói: “Khi ta nhập Niết-Bàn rồi các ông hãy lấy Giới làm thầy, hãy lấy giáo pháp của ta làm thầy, không nương tựa vào ai cả. Mỗi người tự thắp đuốc lên mà đi, mỗi người hãy làm hòn đảo cho chỗ cư ngụ của mình”.

Vì vậy cứ theo Phật thì sẽ thành tựu, nhiều khi Thiện Trang đưa ra cái gì đó không giống với Phật, rồi sau người ta cứ áp theo Thiện Trang là trật xa hơn nữa, cứ mỗi đời trật trật một chút là trật xa vời luôn.

Cho nên Thiện Trang vẫn khuyên quý vị, nếu như quý vị là những người tha thiết sanh tử, thì chịu khó học môn nào cũng được, nhưng nền tảng A Hàm, Nikaya và nền tảng A Tỳ Đàm này có giùm. Sau đó quý vị muốn học môn nào thì học. Muốn học giáo lý Đại thừa thì học giáo lý Đại thừa. Và giáo lý Đại thừa là nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Bởi vị quý vị mà vào như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa hay Kinh Hoa Nghiêm, mấy kinh lớn đó, vì nếu một đời mà quý vị chạy nhiều bộ, thì quý vị không chạy nổi đâu. Một bộ thôi, sâu đến tới đâu luôn, sâu dữ lắm. Cho nên không cách nào ôm một lúc nhiều bộ mà thông được hết. Vì vậy các chư Tổ Trung Hoa mới chia tông phái, chia tông phái Đại thừa là lý do đó.

Cũng đúng! Hợp lý! Tại vì một tông phái học hết, mới sâu được kinh, tại vì nội dung của kinh điển Đại thừa quá rộng quá sâu. Cho nên chúng ta phải hiểu, chúng ta không được bác bên nào hết, bên nào cũng có cái hay, nhưng phải có nền tảng trước. Ngày xưa các ngài có nền tảng, các ngài chứng ngộ, [mới] có thể chỉ cho các Đệ tử được, những cái gốc nền tảng. Còn bây giờ chúng ta không có, thì chúng ta trở lại tìm cái gốc ở trong A Tỳ Đàm, trong Giới luật, trong A Hàm, trong Nikaya. Quý vị có thời gian thì quý vị đắp hết nền tảng căn bản.

Quý vị thấy như hôm nay Thiện Trang giảng, đa số nội dung từ trong đó. Quý vị nghe giống như từ trên trời rớt xuống, nhưng thực tế là trong đó. Vì mình cứ thâm nhập trong đó, [là có] đủ nền tảng cho mình, mỗi người hãy cố gắng như thế.

Hôm nay hết giờ rồi, chúng ta sẽ để bài kệ đó bữa sau, tức là bữa sau vào nội dung. Bắt đầu giới thiệu bao nhiêu pháp Vô lậu, pháp Hữu lậu là gì, pháp Vô vi là gì, Hữu vi là gì, gồm những pháp nào, v.v… thì chúng ta sẽ hẹn lại vào bữa sau.

A Mi Đà Phật! Hôm nay chúng ta xin phép dừng ở đây, mời quý vị chúng ta cùng hồi hướng:

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đồng sớm thành Phật đạo”.