Responsive Menu
Add more content here...

Luận Câu Xá – Phẩm 1 – Buổi 14

Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 14: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 14.

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 16.10.2024

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang

https://www.youtube.com/watch?v=TADpMc5pvIY

mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:

https://www.facebook.com/suthaythichthientrang

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

          Nam Mô A Mi Đà Phật!

Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Hôm nay chúng ta tiếp tục gặp nhau trong loạt bài chia sẻ về Luận Câu Xá. Hôm nay là bài thứ 14. Hôm trước chúng ta học bài thứ 13, chủ yếu là học về A Tỳ Đàm. Cho nên hôm nay chúng ta sẽ ưu tiên cho Luận Câu Xá nhiều hơn, để bù lại với bài hôm trước.

Phần đầu tiên, Thiện Trang xin giới thiệu về các cửa giải thoát ở trong kinh tạng. Thực ra phần này cũng không có trong Luận Câu Xá, nhưng chúng ta cần phải nắm phần này. Thiện Trang xin giới thiệu trong kinh văn như sau:

11 (12) Cửa Giải Thoát

Tức là mình tu trong nhà Phật, thì có bao nhiêu lối để ra khỏi sanh tử. Cửa giải thoát ở đây tức là nói chứng A-la-hán, ra khỏi sanh tử. Theo trong một bộ kinh, ở đây là Kinh Bát Thành. Trong Kinh này có một vị gia chủ tên là Dasama, người ở thành Aṭṭhaka (Bát thành), đến hỏi Tôn giả Ānanda (Tôn giả A Nan). Vị này hỏi là trong nhà Phật có bao nhiêu con đường giải thoát? Tôn giả A Nan nói giống như trong Kinh Bát Thành, bên Kinh Trung Bộ. Còn nếu bên Kinh Trung A Hàm thì lấy ví dụ hay hơn. Trông giống như một ngôi nhà đang bị lửa cháy, chỉ các cửa ra khỏi ngôi nhà, nên lấy tên là Kinh Bát Thành, là lấy theo tên của người đó. Còn cửa ra thì giống như ra khỏi nhà lửa Tam giới vậy đó.

Ở đây ngài A Nan có trả lời như thế này. Tại vì bài Kinh này rất dài, Thiện Trang chỉ tóm lược thôi. Những đoạn nào [lấy] thì tóm lại, nhưng không có cắt bỏ mà lấy nguyên văn, chỉ có bỏ những đoạn nào chúng ta không cần.

Gia chủ Dasama, người ở thành Aṭṭhaka (Bát thành) đến hỏi Tôn giả Ānanda…

           Này Gia chủ, có pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố, nếu có Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm chưa giải thoát của vị ấy được giải thoát, và các Lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt.

Tóm lại là nếu còn Phiền não, còn chưa giải thoát, chỉ có đoạn Lậu hoặc (là các loại Phiền não), thì đức Phật có dạy cho phương pháp. Tức là giống như cửa (con đường) để ra khỏi những vấn đề đó, ra khỏi các triền phược, các ách nạn trong sanh tử. Có bao nhiêu cửa? Ở đây [nói] như thế này:

           Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo (Tỳ-kheo) ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy suy tư và được biết: “Sơ Thiền này là pháp Hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp Hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các Lậu hoặc. Và nếu các Lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm Hạ phần Kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này…

Nếu quý vị có chuyên môn một chút, quý vị sẽ hiểu được đoạn này nói đơn giản thôi. Thực tế là có hai điều: Một điều là một vị Tỷ-kheo, thôi chúng ta nói chúng ta đi, tu thì phải chứng được Sơ thiền. Đó là tu Thiền chỉ. Tại vì ly dục, ly các pháp bất thiện, đã rời dục, hết ham muốn và các pháp bất thiện, thì trú và chứng vào Thiền thứ nhất. Nhưng chưa được! Đó là mới tu Thiền chỉ, cần [phải] có Thiền quán.

          Ở đây [câu] “vị ấy suy tư và được biết”, [là] suy tư và chứng được. Pháp Sơ thiền này cũng là Hữu vi, nên không có gì, họ xả luôn. Nhờ đó mà đoạn được các Lậu hoặc, tức là chứng được A-la-hán. Tức là đoạn này [nói là] đoạn trừ được các Lậu hoặc thì chứng được A-la-hán. Và nếu chưa đoạn được thì cũng không sao, cũng đoạn được năm Hạ phần Kiết sử thì hóa sanh và nhập Niết-Bàn tại cảnh giới ấy, tức là sanh vào Ngũ Bất Hoàn Thiên. Tại vì đoạn được năm Hạ phần Kiết sử rồi thì tương đương với Tam quả A-na-hàm.

Có nghĩa là ở đây nói rất rõ công thức. Nếu chúng ta có chuyên môn, thì chúng ta hiểu công thức để ra khỏi sanh tử. Đó là chứng Sơ thiền (là Thiền chỉ), [và] tâm buông xuống các pháp, ngay cả Sơ thiền, [và] tâm quán các pháp Sơ thiền giống như pháp Hữu vi, không có [mãi mãi], mà chỉ là vô thường, sanh diệt. Tất cả các pháp thế gian đều như vậy. Nhờ vậy người đó sẽ chứng được A-la-hán, đoạn trừ được hết các Lậu hoặc tức là chứng A-la-hán. Nếu không chứng được A-la-hán, thì sẽ chứng được Tam quả A-na-hàm. Đây là cửa giải thoát đầu tiên.

Điều này nếu [ai] có chuyên môn thì mới hiểu, còn không có chuyên môn thì đọc đoạn này cũng không hiểu. Tóm lại là chứng được Thiền chỉ (là Sơ thiền) và Thiền quán là phải có tâm xả bỏ đi, và nhận thấy thế gian vô thường v.v… thì đắc được A-la-hán, đoạn trừ được các Lậu hoặc. Nếu chưa đoạn trừ được các Lậu hoặc, thì cũng có thể chứng được Tam quả A-na-hàm, bởi vì đoạn hết năm Hạ phần Kiết sử. Khi đó nhập vào cảnh giới trung gian, đó là Ngũ Bất Hoàn thiên, rồi [sau đó] chứng Niết-Bàn, không trở lui lại đời này nữa. Đó là cửa giải thoát đầu tiên. Cửa thứ hai là:

Lại nữa, này Gia chủ, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Đoạn này là chứng được Nhị thiền trong kinh tạng. Tỷ-kheo diệt được tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai. Trạng thái ở trên là hỷ lạc do ly dục sanh thôi, còn dưới đây là hỷ lạc do định sanh, có định rồi. Cho nên định thực sự phải là định của Nhị thiền. “Không tầm không tứ” thì chúng ta hiểu tầm tứ là như thế nào rồi. [Và] “nội tĩnh nhất tâm”. Nhưng đó là mới Thiền chỉ thôi. Còn bây giờ là Thiền quán:

Vị ấy suy tư và được biết: “Thiền thứ hai này là pháp Hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp Hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Đoạn này là Thiền quán, phải quán tất cả các pháp giống như Kinh Kim Cang nói: “Nhất thiết Hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Tức là mình quán tất cả các pháp Hữu vi giống như mộng, như ảo, như bọt nước, như bóng, như sương cũng như chớp, nên quán như vậy. Ở đây cũng vậy, ngay cả các pháp Hữu vi nào cũng phải quán xả đi, phải quán Vô thường, chịu sự đoạn diệt. Nên [việc] quán Vô thường quan trọng lắm.

Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các Lậu hoặc (là chứng được A-la-hán). Và nếu các Lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này (tức là vẫn còn thích vào pháp Nhị thiền), do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm Hạ phần Kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này… Ở đây nói “ấy”, mình không biết là ấy nào. “Ấy” là Nhị thiền, nhưng mình thấy đoạn được năm Hạ phần Kiết sử thì phải là Tứ Thiền (Ngũ Bất Hoàn Thiên). Đây là cửa giải thoát thứ hai. Tức là mình phải chứng được Nhị thiền của Thiền chỉ, và Thiền quán là tâm phải xả đi các pháp, thì chứng được A-la-hán. Không chứng được A-la-hán thì chứng được A-na-hàm.

Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba (Thiền chỉ là tới định của Tam thiền). Vị ấy suy tư và được biết: “Thiền thứ ba này là pháp Hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp Hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các Lậu hoặc. Và nếu các Lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm Hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này…

Trong đây nói như vậy, tóm lại quý vị cứ hiểu là đoạn trên và đoạn dưới giống nhau. Mình cứ hiểu đại ý là chứng được Tam thiền, rồi xả ly, không có ham muốn điều gì hết, quán các pháp đều là Hữu vi, đều là vô thường, mình bỏ. Đó là Thiền quán, [còn] Thiền chỉ là Tam thiền. Như vậy thì [sẽ] đắc được A-la-hán. [Nếu] không đắc được A-la-hán, thì đắc được A-na-hàm, bởi vì đoạn được năm Hạ phần Kiết sử rồi. Đây là cửa giải thoát thứ ba. Chúng ta học chi tiết như vậy trong kinh, chứ chúng ta không tự nói.

Đoạn thứ tư thì cũng tương tự như vậy:

Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy suy tư và được biết: “Thiền thứ tư này là pháp Hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp Hữu vi, do suy tư tác thành thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các Lậu hoặc. Và nếu các Lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này…

 Ai hiểu thì quý vị đọc đoạn này sẽ thấy được ý nghĩa của Tứ thiền. Như xả lạc là xả niềm vui đi, xả khổ là xả thọ khổ đi, không vui, không khổ gì hết, rồi diệt hỷ ưu, thì chứng được Thiền thứ tư. Cũng vậy, điều này gọi là xả niệm thanh tịnh. Rồi cũng quán như trên thì đắc được A-la-hán, không thì cũng đoạn được năm Hạ phần Kiết sử là chứng được Tam quả A-na-hàm.

Đấy là bốn cửa giải thoát. Ở đây tại sao nói tới 11 cửa giải thoát? Thiện Trang xin đọc tiếp theo:

Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ (đây là tu với Tứ vô Lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả, thì đây mới là Từ thôi); cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. (Tức là với bốn phương đều với tâm câu hữu, câu hữu là có cùng với tâm Từ, (Từ trong Từ, Bi, Hỷ, Xả). Do tâm từ lớn như vậy mà mãn hết, khắp hết một vùng, gọi là hết mười phương). Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. (Tức là bây giờ thay vì tu Thiền, thì có một cách để tu Thiền khác, đó là tu Thiền chỉ với tâm Từ (Từ vô lượng tâm). Sau đó là tu Thiền quán này: Vị ấy suy tư và được biết: “Từ tâm giải thoát này là pháp Hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp Hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy do vững trú ở đây, đoạn trừ được các Lậu hoặc. Và nếu các Lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này…

(theo Kinh Bát Thành – Trung Bộ Kinh)

Những nội dung này là kiến thức về chuyên môn. Lâu lâu Thiện Trang vào ngay từ đầu, cho kiến thức chuyên môn luôn, tại vì mấy lần trước giảng kiểu kia rồi, [hôm nay mình] đổi kiểu.

Tóm lại ở đây quý vị hiểu rất đơn giản, bốn tầng Thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền là Thiền chỉ, cộng với tâm quán các pháp là Hữu vi, là đoạn diệt, là vô thường, mà xả đi, thì tự nhiên chứng được Tứ quả A-la-hán. Nếu không chứng được Tứ quả A-la-hán, thì cũng đoạn được Ngũ Hạ phần Kiết sử, chứng được Tam quả A-na-hàm, và không trở lại Dục giới nữa. Đó là ý nói của đoạn trên, là bốn cửa giải thoát.

Cửa thứ năm thì cũng tương tự như vậy, thay vì chứng Thiền thứ nhất thì dùng tâm câu hữu với Từ. Tứ vô Lượng tâm thì đây là Từ vô Lượng tâm. Rồi cũng với pháp xả ly như vậy, thì chứng đắc được quả y chang như trên. Nên cửa đó là cửa giải thoát thứ năm.

Thiện Trang không có đọc dài nữa, nội dung tương tự với ba tầng thiền Vô sắc: Không vô biên, Thức vô biên, Vô sở hữu, và mỗi một vô lượng tâm trong Tứ vô Lượng tâm: Từ, Bi, Hỉ, Xả, nên thành 11 cửa giải thoát: chứng quả A-la-hán hoặc A-na-hàm. Nội dung tương tự, chỉ đổi mấy chữ đó thôi, nên Thiện Trang không trích trong kinh nữa, quý vị tự đọc.

Ở trên nói Không vô Biên, Thức vô Biên, Vô sở Hữu và Từ, Bi, Hỷ, Xả. Thiện Trang đếm cho quý vị dễ nhớ. Gồm có bốn tầng thiền Sắc giới: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền [cộng] với pháp quán Vô thường, xả ly, thì đủ để chứng được quả giải thoát, gọi là bốn cửa. Ngoài ra có Bốn vô Lượng tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả, đắc được một trong Bốn vô Lượng tâm đó, cộng với pháp quán kia, thì cũng được như vậy, nên cũng được giải thoát. 4+4 thành 8. Còn 3 [cửa] nằm ở 3 tầng định Không vô Biên, Thức vô Biên, Vô sở Hữu, [cộng] với pháp quán như trên, là được 11 [cửa].

Riêng Kinh này là Kinh Bát Thành của Kinh Trung Bộ thì nói 11 cửa giải thoát, hoặc Kinh Ngũ Hạ Phần Kiết của Kinh Trung A Hàm cũng đều nói là có 11 cửa giải thoát này thôi. Ở đây Thiện Trang có chú thích, riêng Kinh Bát Thành của Trung A Hàm – Kinh 217/ 222 – Trung A Hàm thì nói khác. Tức là Kinh Trung A Hàm thì có 222 Kinh, quý vị giở Kinh 217 tại quyển Trung A Hàm. Quý vị tìm quyển thứ 4, Kinh thứ 217, Kinh Bát Thành của Kinh Trung A Hàm thì nói thêm một điều nữa. Đó là nói thêm trường hợp chứng được định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, rồi cũng với [quán pháp] như trên, thì thành ra 12 cửa giải thoát.

Thiện Trang mới đầu coi, kêu có khi nào lộn không vậy? Sao bên kia nói 11 cửa, còn bên này thì nói 12 cửa. Mà trong Kinh Trung A Hàm thì bộ Kinh Ngũ Hạ Phần Kiết cũng nói 11 thôi. Thế tại sao [lại nói] 12? Nhưng Thiện Trang coi kỹ Kinh Bát Thành của Trung A Hàm, thì thấy rõ ràng vị Cư sĩ kia tán thán là có 12 cửa giải thoát. Giống như một ngôi nhà lửa đang cháy, lẽ ra chỉ cần một cửa để ra là được rồi. Mà Tôn giả rất tuyệt vời, đức Như Lai rất tuyệt vời, chỉ cho 12 cửa luôn, muốn ra cửa nào cũng được hết. Tán thán như vậy, rõ ràng là 12 cửa. Thế tại sao bên này lại nói 11 [cửa], còn bên kia nói 12 [cửa]?

Thật ra là có lý do. Lý do là ở chỗ khác, đức Phật có nói rằng: những người nhập vào định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng rất khó ra, vô đó rồi là không có ra được. Hình như [chỉ] có hai vị Tôn giả là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, thì [đức Phật] khuyến khích là có thể vào thôi. Còn các Đệ tử khác thì đức Phật không khuyên [vào đó], mà Ngài khuyên là đừng nhập vào định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Vì nhập vào đó rồi là ra không được, vô luôn đó. Vì vậy có lẽ là để cẩn thận, nên không có đưa thêm cửa giải thoát thứ 12. Chúng ta hiểu được như vậy.

Ở đây chỉ cho 12 cửa giải thoát hoặc là có người nói 11 cửa giải thoát, thì quý vị biết là chúng ta nói có căn cứ, có kinh đàng hoàng, chứ không phải nói không [không]. Tiếp theo Thiện Trang xin giới thiệu một phần cũng cực kỳ quan trọng, đối với người tu muốn chứng quả, đó là Các Tầng Đoạn Phiền Não. Thiện Trang giới thiệu từ bộ Kinh Tam Pháp – Phẩm Mười Pháp – Kinh Tăng Chi. Thiện Trang chỉ trích ngắn thôi, không để dài quá, vì quý vị đọc cũng không nắm được.

Các Tầng Đoạn Phiền Não

          1. Này các Tỷ-kheo, không đoạn tận ba pháp thời không có thể đoạn tận sanh, thời không có thể đoạn tận già, thời không có thể đoạn tận chết. Thế nào là ba? Như vậy muốn khỏi sanh, già, chết thì phải đoạn được ba pháp, đó là:

          Không đoạn tận Tham, không đoạn tận Sân, không đoạn tận Si. Do không đoạn tận ba pháp này, không có thể đoạn tận sanh, không có thể đoạn tận già, không có thể đoạn tận chết. Tóm lại Phiền não tuy rất nhiều, nhưng có ba loại thôi là Tham, Sân, Si. Đoạn hết Tham, Sân, Si thì ra khỏi sanh tử. Nhưng để đoạn Tham, Sân, Si thế nào, thì đức Phật nói:

          2. Này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba pháp, thời không có thể đoạn tận Tham, không có thể đoạn tận Sân, không có thể đoạn tận Si. Thế nào là ba? Bây giờ muốn đoạn Tham, Sân, Si, thì phải đoạn ba pháp khác, tức là xuống tầng thấp hơn.

          Không đoạn tận Thân kiến, không đoạn tận Nghi, không đoạn tận Giới cấm thủ. Do không đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đoạn tận Tham, không có thể đoạn tận Sân, không có thể đoạn tận Si. Tóm lại là nếu không đoạn được Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, thì không đoạn được Tham, Sân, Si. Tức là hạ thêm tầng nữa. Tương tự như thế, đức Phật nói tiếp:

           3. Này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba pháp, không có thể đoạn tận Thân kiến, không có thể đoạn tận Nghi, không có thể đoạn tận Giới cấm thủ. Thế nào là ba?

          Không đoạn tận phi như lý tác ý, không đoạn tận tu tập tà đạo, không đoạn tận tánh thụ động. Do không đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đoạn tận Thân kiến, không có thể đoạn tận Nghi, không có thể đoạn tận Giới cấm thủ.

Tiếp theo là muốn đoạn Thân kiến, Nghi và Giới cấm thủ thì phải đoạn tận phi như lý tác ý. Tức là để đoạn các Phiền não, thì đức Phật chia ra mấy tầng. Cả đoạn dài này, quý vị có thời gian thì có thể đọc. Bây giờ muốn đoạn được Tham, Sân, Si, thì phải đoạn ba pháp là Thân kiến, Nghi và Giới cấm thủ. Mấy điều này chúng ta giảng nhiều rồi. Và muốn đoạn được Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ thì mình phải đoạn tiếp ba điều là phi như lý tác ý…

Như lý tác ý là ngôn ngữ của Hòa thượng Minh Châu dịch; #phi như lý tác ý tức là không phải như lý tác ý. Mình nói đơn giản là hãy suy nghĩ cho đúng, tư duy cho đúng với Chánh pháp. Nói vậy cho dễ, chứ nói như lý tác ý thì khó hiểu quá. Mình phải làm sao suy nghĩ cho đúng, thì gọi là đoạn phi như lý tác ý.

Rồi phải đoạn thêm một điều nữa là tu tập tà đạo. Tức là mình đừng có tu tà, đó là thuộc về Tà kiến. Rồi ở đây phải đoạn tánh thụ động (tính thụ động), người nào mà thụ động quá cũng không được. Tu hành thì phải [đoạn những điều đó]. Đây là tầng tiếp theo.

Và muốn đoạn ba điều này, thì rớt xuống một tầng nữa, là phải đoạn tận vọng niệm, [đoạn tận không] tỉnh giác, và đoạn được tâm loạn động.

Tương tự như vậy, Thiện Trang thấy dài quá, quý vị đọc mệt mà không hiểu, nên Thiện Trang rút gọn lại nguyên đoạn kinh văn dài này thành bảng ngắn như thế này. Bảng này chính là Bộ Kinh Tam Pháp trong Kinh Tăng Chi – Phần Mười Pháp, bảng tóm lược lại thì thành tầng như thế này cho dễ.

(10.76) Tam Pháp: Tayodhamma – Kinh Tăng Chi – Phần Mười Pháp

          Bảng tóm lược – để đoạn dứt sanh già bệnh chết thì cần đoạn phiền não theo các tầng

TầngPhiền Não Cần Đoạn
9ThamSânSi
8Thân kiếnNghiGiới cấm thủ
7Phi như lý tác ýTu tập tà đạoTính thụ động
6Vọng niệmKhông tỉnh giácTâm loạn động
5Không muốn yết kiến các bậc ThánhKhông muốn nghe Thánh phápBới lông tìm vết
4Trạo cửKhông chế ngựÁc giới
3Không có lòng tinXan thamBiếng nhác
2Không cung kínhKhó nóiÁc bằng hữu
1Không xấu hổKhông sợ hãiPhóng dật

1. [Tầng thứ 9]: Mình cần phải đoạn các Phiền não, tầng cao nhấtlà Tham, Sân, Si. Chúng ta có bài kệ sám hối là: “Con xưa đã tạo bao ác nghiệp, đều do vô thủy Tham, Sân, Si” đó. Để đoạn được Tham, Sân, Si, chúng ta cứ cắm đầu vô đoạn Tham, Sân, Si, nhưng đoạn không nổi. Vì chúng ta muốn đoạn được Tham, Sân, Si thì phải hạ xuống một tầng, đoạn [tầng bên dưới] được trước đã.

2. [Tầng thứ 8]: Đức Phật nói trong bộ Kinh này là phải đoạn Thân kiến, Nghi và Giới cấm thủ. Mấy phần Kiết sử này chúng ta học hoài rồi, [đoạn] ba điều này [thì chứng] Sơ quả Tu-đà-hoàn. Cho nên muốn làm A-la-hán, nếu giỏi thì làm luôn hết những điều trên. Nhưng mình không giỏi thì mình hạ xuống một cấp thấp hơn, làm Tu-đà-hoàn [thì phải đoạn] Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Điều này Thiện Trang giảng rất nhiều rồi, cho nên không cần phải nói lại Thân kiến là gì, Giới cấm thủ là gì, Nghi là gì. Quý vị có thể tìm bài khác [để đọc].

3. [Tầng thứ 7]: [Đoạn Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi] vẫn không làm được nữa, thì hạ xuống một cấp nữa, cấp thứ bảy là phải đoạn được [ba điều]:

          – Phi như lý tác ý: mình hãy cố gắng làm sao suy nghĩ luôn luôn đúng với Chánh pháp. Bây giờ ví dụ có nhiều đồng tu tu lâu rồi, nhưng [vẫn coi] gia đình là thật, vợ chồng con cái là thật, cứ gặp chuyện gì cũng thấy là thật hết. Đó là không như lý tác ý. Cho nên khó!

– Đoạn trừ tu tập tà đạo: tức là mình không tu các phép tà. Ví dụ bây giờ [người ta] bày ra nào là tu năng lượng, luân xa, hay tu gì đó, v.v… đó là tà đạo, thì không được rồi. Đó là mình chưa hết nghi.

– Đoạn tính thụ động: mình phải có tính chủ động, chứ không nhiều khi thụ động quá. Đồng tu bây giờ hầu như không biết gì hết, ngơ ngơ ngác ngác, tu cũng không biết gì hết. Đức Phật dạy sao thì biết vậy, biết mà cứ ngơ ngơ không thực hiện. Tu hành là phải tích cực lên, chứ không phải thụ động.

Rồi như vậy vẫn còn cao quá, thì hạ thấp thêm tầng nữa.

4. [Tầng thứ 6] là đoạn vọng niệm, không tỉnh giác và tâm loạn động. Điều này thì dễ hiểu hơn.

– Vọng niệm: tức là mình nghĩ lung tung lang tang, nghĩ chuyện này, nghĩ chuyện kia, nghĩ đủ thứ hết, đó là tâm vọng niệm nhiều quá, rồi tâm chạy tán loạn.Bây giờ rất rõ ràng, có nhiều người tâm chưa hết [lo] chuyện này, lại [lo] tới chuyện kia, gặp chuyện gì thì chạy theo cảnh đó. Ví dụ như cô giáo gọi điện về nói: “Con của chị hôm nay không học bài”. Thế là bắt đầu mình nổi xung lên, đó là tâm loạn động.

– Không tỉnh giác: cũng là một tâm mơ mơ màng màng, mê mờ. Đặc biệt là không nhớ Phật pháp gì hết, gặp chuyện gì cũng vậy, toàn là nghĩ thế gian. Ví dụ như mất chìa khóa, rồi bắt đầu bực mình, suy nghĩ lung tung lang tang, quên mất mình phải tỉnh giác. Nếu mất chìa khóa thì mình phải tìm chìa khóa, mình nhớ coi chìa khóa lúc trước để ở đâu, mình phải tỉnh giác. Cho nên những điều này là những tầng thấp hơn nữa.

Rồi nếu chưa được nữa, muốn đoạn được những điều đó, tại vì có nhiều người nói: “Tâm con bị tán loạn, con không tỉnh giác, con có nhiều vọng niệm”. Vậy thì làm sao đoạn? Ở đây đức Phật hạ thêm cấp nữa:

5. Tầng thứ 5:

– Không muốn yết kiến các bậc Thánh: mình phải bỏ được tâm này. Tức là mình phải muốn gặp các bậc Thánh, suốt ngày mình cứ mong chờ gặp được những bậc Thánh nhân. Mình có tâm này, tâm này tha thiết thì tự nhiên đoạn trừ được vọng niệm.

– Không muốn nghe Thánh pháp: tức là lười, không muốn nghe pháp. Nghe pháp nhiều sẽ được tỉnh giác. Cho nên ở dưới [muốn nghe Thánh pháp] là nhân để được [quả ở] trên là [tỉnh giác].

– [Bới lông tìm vết]: tâm loạn động là do mình bới lông tìm vết. Tội bới lông tìm vết thì nhiều, chúng ta hay thích như vậy đúng không? Không phải là tất cả, nhưng đặc biệt những người phụ nữ thường hay có tính này. [Họ] đã ghét một điều gì rồi thì sẽ bới lông tìm vết, tìm cho ra lỗi. Những điều này sẽ chướng ngại, khiến cho tâm mình loạn động. Cho nên phải nhìn tất cả mọi người đều là Phật, Bồ-tát. Nếu chưa làm được nữa thì còn [các tầng] ở dưới.

6. [Tầng thứ 4]:

– Trạo cử: phải đoạn được Trạo cử. Trạo cử là tâm lăng xăng, lúc nào cũng nghĩ [chuyện này chuyện kia]. Mình phải cố gắng giữ chánh niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Đối với Tịnh Độ là niệm Phật.

– Không chế ngự: là mình không giữ được tâm mình, cho nên tâm chạy, không tỉnh giác được. Tức là mình cứ để tâm mơ mơ màng màng.

          – Ác giới: là làm những việc ác.

7. [Tầng thứ 3]: là hạ cấp xuống nữa. Trạo cử là do không có lòng tin. [Còn] không chế ngự] là do xan tham; xan tham là tham và keo kiệt, nói chung là keo kiệt thì không được rồi.

– Không có lòng tin: mình phải có lòng tin đối với Chánh pháp… mình phải có lòng tin. Bây giờ thời nay [để] tin thì hơi khó đúng không? Thời nay nhìn mấy thầy, mấy đồng tu thì nghi ngờ v.v… [đối với] pháp cũng nghi luôn. Cho nên làm sao có được mấy điều trên.

– [Xan tham:] rồi tâm thì tham. Học Phật pháp cũng muốn có thêm sách, người ta ấn tống sách thì cũng thỉnh chất đầy đó, nhưng thực tế thì không coi. Đó là Tham. Hòa thượng Tịnh Không nói là đổi đối tượng tham, hồi xưa là tham vật chất ở ngoài, bây giờ thì tham danh, tham kinh sách cũng là tham. Rồi #xan là keo kiệt, học rồi cái gì cũng sợ, làm gì cũng sợ hết phước. Sợ con mình hết phước, sợ người này hết phước, sợ người kia hết phước, rồi sợ mình hết phước, riết rồi thành keo. Thật ra điều đó cũng có. Keo với người là bản chất xưa [nay] rồi. Rồi có một tâm nữa là biếng nhác.

– Biếng nhác: mình cũng phải đoạn [tâm] này. Biếng nhác là làm biếng đó, tu mà làm biếng thì không được rồi.Đó là tầng thứ ba.

8. Tầng thứ hai: thì thấp hơn nữa.

– Tâm không cung kính: không cung kính thì không học được gì hết. Vì không cung kính, nên không có lòng tin.

– Khó nói: khó nói tức là hơi dối dối đó, có gì cũng giấu giấu, khó nói.

– Ác bằng hữu: là những người bạn bè xấu, bạn bè ác. Chữ ác hay ố (xấu) thì cũng vậy thôi. Mình né những người xấu ra.

9. Tầng thứ nhất: là tầng thấp nhất.

– Không xấu hổ: phải đoạn tâm đó đi. Phải có sự xấu hổ. Mình tu không được, mình làm cũng không được v.v… mình không có tâm cung kính, mà mình cũng chẳng biết xấu hổ gì hết.

– Không sợ hãi: là mình không có sợ luân hồi sanh tử gì hết. Do tâm này mà dẫn lên những điều trên. Mình phải có tâm sợ hãi, phải có tâm xấu hổ.

– Phóng dật: là tùy tiện, thích thì tu, không thích thì thôi, rồi giữ giới làm chi, v.v… điều này, điều kia. Đó là tùy tiện.

Cho nên đây là 9 tầng để đoạn trừ Phiền não. Quý vị thấy đức Phật kể ra hết ở đây rồi. Quý vị chỉ cần thuộc bảng này, làm từ dưới lên trên. Mình kiểm tra thử coi, mình có tâm xấu hổ chưa? Có người nói:“Thưa thầy, con đâu phải tuổi con hổ đâu mà xấu. Con tuổi sửu (là con trâu), cho nên không có xấu hổ được. Con hổ xấu thì kệ nó chớ, con tuổi trâu mà”. Cho nên đó là không được.       

Rồi không sợ hãi là không sợ đối với luân hồi sanh tử, không sợ gì hết. [Mình nghĩ] chưa đâu, phước mình lớn lắm v.v… hoặc là mình còn sống dai lắm v.v… Như vậy thì không được. Rồi tùy tiện, ví dụ như có người thọ Bát quan trai, vừa mới thọ xong là vô nhắn điện thoại ngay: “Thưa thầy, bữa nay con thọ Bát quan trai. Bữa nay con đi chợ mua được rất nhiều đồ ăn, con nhớ tới thầy v.v…” Kiểu đó là phóng dật, tại sao? Vì mình nói đang thọ Bát quan trai thì lo mà giữ giới, lo mà giữ tâm chánh niệm đi chớ. Thọ Bát quan trai mà như vậy thì rõ ràng là phóng dật.

Cho nên Thiện Trang thấy đức Phật nói đầy đủ chi tiết trong kinh đó. Xưa nay mình đâu có học các tầng này đâu. Ở trong Kinh này có hết rồi, 9 tầng để đoạn Phiền não. Rồi đắc được quả, cho nên là 10 tầng đó. Quý vị thấy có từng tầng, từng tầng như vậy.

Quý vị cứ so trong bảng này, [xem] quý vị làm được bao nhiêu. Thiện Trang chỉ cho bí quyết, quý vị coi, đầu tiên là mình có tâm xấu hổ chưa? Nhiều người không biết xấu hổ đâu, nói vậy thôi chứ không biết xấu hổ. Bị phê bình, bị chê mà cũng không sợ. Thầy nói kệ thầy, bạn nói kệ bạn, ai nói gì thì nói. Ổng nói ai chứ đâu có nói mình. Đó là không biết xấu hổ. Còn nói thẳng mình luôn, thì cũng kêu mình không có [như vậy] đâu. Đó là không thấy xấu hổ.

Rồi không cung kính, ví dụ như học Phật pháp, thì không cung kính đối với pháp, không cung kính đối với Phật, không cung kính đối với thầy, không cung kính đối với mọi người v.v… thì làm sao học được. Rồi tâm mình khó nói, người Việt mình hay bị dính vào điều này. Tức là điều gì cũng giữ, thôi không nói đâu, giấu hết, nói mất công cãi qua cãi lại. Rồi thân cận toàn là người ác, người xấu [ác bằng hữu] không. Rồi coi có lười biếng, xan tham và không có lòng tin không v.v…

Nếu như trong bảng này mà mình có hết thì khó tu. Còn nếu coi kỹ mấy tầng dưới trong bảng này, mà mình làm được hết, thì mình có khá khá. Quý vị coi thử quý vị đang ở tầng nào? Và đang ở tầng nào thì thực hiện theo tầng đó. Mình cứ coi điều nào rớt thì mình làm lại, hãy làm từ dưới làm lên: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Bí quyết tu hành chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Nếu mà quý vị hiểu và nắm được, thì tu bấy nhiêu đó.

Bảng này không có gì khó khăn, nhưng thực tế thì rất quan trọng. Nhớ nha! Bảng này thực tế rất quan trọng, vì đây là lộ trình đức Phật đưa ra. Để đoạn dứt Phiền não, thì cần phải đoạn Phiền não theo 9 tầng.

Cho nên mới đầu vô toàn cứ nói đoạn Tham, Sân, Si. Làm sao đoạn được? Bây giờ muốn đoạn Tham, Sân, Si, thì đức Phật nói hãy đoạn giùm Thân kiến đi. Thân kiến mà không đoạn được, rồi không đoạn được Nghi, không đoạn được Giới cấm thủ, thì lấy đâu [đoạn được những điều trên].

[Nếu] không đoạn được ba điều đó, thì cứ xuống dưới, xuống dưới, dần dần [làm] 9 tầng đó. Cho nên Thiện Trang thấy đúng là nhiều khi mình không học thì mình không biết. Chứ mình học mà có trình tự rõ ràng như vậy, thì mình tu theo đó, mình cứ coi. Cho nên bí quyết là quý vị cứ ôm bảng này, cứ so tiêu chuẩn trong bảng này. Mình có tính nào trong [bảng] này, rớt hay phạm vi điều nào, thì mình đang ở đó. Nếu như đạt được các tầng dưới rồi thì lên tầng trên. Mà lên tới đâu, rớt ở chỗ nào thì ráng làm ở chỗ đó.

Đây là 9 x 3 là 27 [điều], nhưng bỏ tầng cuối cùng là Tham, Sân, Si, thì còn 24 điều thôi. Làm cho tốt hết 24 điều này thì ok, mình sẽ là bậc Thánh nhân, ít nhất sẽ là Sơ quả Tu-đà-hoàn. Và khi đó nếu quý vị tu niệm Phật, thì đời này chắc chắn vãng sanh rồi. Bởi vì Sơ quả là Thánh nhân rồi, có gì nữa mà không vãng sanh. Còn quý vị tu Pháp môn khác thì cũng yên tâm, quý vị tối đa còn bảy đời trong Dục giới nữa thôi, là quý vị đắc A-la-hán rồi, yên tâm!

Chúng ta trở lại với đoạn tiếp theo. Bữa nay Thiện Trang sẽ chia sẻ về Luận Câu Xá.

Bài kệ 13

Địa vị Hiển, Hình sắc地謂顯形色,Đất chính là Hiển sắc, Cùng với loại Hình sắc
Tùy thế tưởng lập danh隨世想立名;Gọi tên theo thế tưởng
Thủy Hỏa diệc phục nhiên水火亦復然,Nước, Lửa cũng như vậy
Phong tức giới diệc nhĩ.風即界亦爾。Gió giới cũng như thế.

Giải:

Thiện Trang xin giải thích từng chữ, rồi sau đó tới bài dịch. Bây giờ chúng ta đang học về Sắc pháp. Sắc pháp thì mình đang học về Đất, Nước, Gió, Lửa, ở đây đang nói là:

#Địa vị Hiển, Hình sắc: #vị là là; #Hiển, Hình sắc là Hiển sắc và Hình sắc. Tức là Đất ở trong Bốn đại (hay là Đại chủng), ngôn ngữ của ngài Huyền Trang gọi là Đại chủng, thì có Đất. Đất là gì? Đất chính là Hiển sắc, và cùng với một loại khác là Hình sắc. Cho nên Thiện Trang dịch là: “Đất chính là Hiển sắc, cùng với loại Hình sắc”. Tức là Đất thật ra có hai [loại]: một là Hiển sắc, hai là Hình sắc.

Quý vị nhớ Hiển sắc và Hình sắc không, hay là quên luôn rồi? [Hiển sắc] là xanh, vàng, đỏ, trắng; [Hình sắc] là tròn, vuông, méo, mấy cái hình. [Hiển sắc] là không có hình, ánh sáng thì không có hình. Còn hình vuông, hình tròn thì gọi là Hình sắc. Về Hiển sắc, hiển là thấy được. Ví dụ như mấy màu sắc là mình thấy được. Mình nhớ như vậy! Đất rõ ràng là có hai tính chất.

Địa ở đây không phải là chỉ mỗi đất [không thôi], mà là tất cả vật chất. [Bất kỳ] những vật chất nào, rõ ràng là có hai điều thôi: một là có màu nào đó, hai là sẽ có hình thù nào đó. Ví dụ Thiện Trang giơ lên cho quý vị xem [bảng màu] này, quý vị coi bảng màu này có hình gì đây? Nguyên khối này có hình chữ nhật, và [có] từng màu. Nếu mình để sát vào, tập trung nhìn màu không [thôi], thì đây là Hiển sắc. Và mình thấy hình này là hình vuông, hình chữ nhật, thì đấy là Hình sắc. Để như thế này thì rất rõ ràng, quý vị có thể phân biệt được Hình sắc và Hiển sắc.

Tất cả vật chất đều như vậy. Giống như quý vị thấy tượng Phật trắng trắng ở trước Thiện Trang, trên màn ảnh quý vị đó. Màu trắng là Hiển sắc, và đức Phật thì có hình dáng như thế nào, đó là Hình sắc. Như vậy là có Hiển sắc và Hình sắc. Quý vị có nhớ không? Hay là học lâu quá quên luôn rồi.

#Tùy thế tưởng lập danh: #tùy là theo; #thế là Thế gian; #thế tưởng là sự tưởng tượng, sự suy tưởng của Thế gian mà lập danh. Tức là gọi tên theo Thế gian, những tưởng tượng của Thế gian.

Ví dụ Thiện Trang đưa [bảng màu] này lên cho quý vị thấy, thì ai cũng nói là hình vuông. [Nhưng khi] Thiện Trang để chéo chéo, thì có người nói là hình thoi. Tức là hình vuông [hay] hình thoi là do sự tưởng của mình, mình tưởng thế nào. Thế gian người ta tưởng tượng thế nào, thì đặt tên thế đó. Họ quy định thế này, thế kia. Ví dụ như Thiện Trang đưa cuốn sách lên (trên quyển sách có hình), thì quý vị tưởng ra hình gì tròn tròn đây. Như vậy là mình tưởng, toàn là tưởng tượng theo thế gian mà gọi tên. Vật gì cũng vậy, là đặt tên theo thế gian.

Như vậy Địa, hay là tính chất cứng chắc của vật chất, thì theo thế gian cảm thấy cho rằng cứng chắc, nên đặt tên là Địa.

#Thủy Hỏa diệc phục nhiên: #Thủy là nước; #Hỏa là lửa; #diệc là cũng; #phục nhiên là như vậy. Tức là trong Bốn đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, ở trên nói Địa rồi; Địa là tính chất cứng chắc của vật chất; #Thủy là tính chất ướt hay khô của vật chất; #Hỏa là tính ấm (nóng) hay là lạnh; Nước, Lửa cũng như vậy. Tức là cũng chính là Hiển sắc và Hình sắc, và cũng được gọi tên theo sự tưởng, [theo] suy nghĩ của Thế gian.

#Phong tức giới diệc nhĩ: #Phong là gió, tức là sự chuyển động của các vật chất, chuyển động của gì đó v.v… Đó cũng là giới. Thật ra ở trên không nói giới, nhưng ở đây nói đến giới; #giới là kiểu, loại. Loại gió này cũng như vậy thôi. Tóm lại là theo suy nghĩ của Thế gian, mà lập tên bốn loại này.

Ngôn ngữ của bài kệ viết cho dài vậy thôi, chứ thực tế mình hiểu là Đất, Nước, Lửa, Gió. Bốn điều này vừa là Hình sắc, vừa là Hiển sắc. Và gọi tên như thế chẳng qua là tùy thuận theo suy nghĩ của Thế gian mà thôi.

論曰:地謂顯形,色處為體,隨世間想假立此名。由諸世間相示地者,以顯形色而相示故。水火亦然。風即風界,世間於動立風名故。或如地等隨世想名,風亦顯形,故言亦爾。如世間說黑風團風,此用顯形表示風故。

Luận viết: Địa vị Hiển Hình, sắc xứ vi thể, tùy Thế gian tưởng giả lập thử danh. Do chư Thế gian tướng thị địa giả, dĩ Hiển Hình sắc tương thị cố. Thủy hỏa diệc nhiên. Phong tức Phong giới, Thế gian ư động lập phong danh cố. Hoặc như Địa đẳng tùy Thế gian tưởng danh, Phong diệc Hiển Hình, cố ngôn diệc nhĩ. Như Thế gian thuyết hắc phong đoàn phong, thử dụng Hiển Hình biểu thị phong cố.

Giải:

#Luận viết: Địa vị Hiển Hình: tức là Luận nói; #Địa là Hiển sắc và Hình sắc; #Hiển Hình tức là gồm có hai thành phần: Hiển sắc và Hình sắc.

#Sắc xứ vi thể: #xứ có nghĩa là thể loại, hay chúng ta có thể nói là thành phần. Do thành phần về Sắc mà làm bản thể; #thể là bản thể.

#Tùy Thế gian tưởng giả lập thử danh: theo suy nghĩ, tưởng tượng của Thế gian mà giả lập thành tên này. Tức là tên này giờ gọi là Đất, chứ biết gọi là gì. Tất cả các vật rắn cứng chắc, thì nói là Đất chứ nói gì bây giờ. Người ta thích thì gọi như vậy, bởi vì Đất là nhiều nhất.

Quý vị biết không? Ở trong thế gian có mấy thứ người ta thường thấy nhất là Đất và Nước. Như Trái đất của chúng ta là Đất nhiều, tức là vật chất cứng là nhiều nhất. Cho nên theo Thế gian thì gọi như vậy thôi, chứ gọi là gì bây giờ.

#Do chư Thế gian tướng thị địa giả: chữ #do là tùy, hay là theo; #thị có nghĩa là nói; Tùy theo tướng của các Thế gian mà mình nói thế nào là Đất (Địa). Thực ra là do tướng của Thế gian thôi, bây giờ mình thấy vật nào cứng chắc v.v… thì mình nói là Đất.

#Dĩ Hiển Hình sắc tương thị cố: bởi vì dùng Hiển sắc và Hình sắc để thẩm xét mà nói. Nói tóm lại, đơn giản là những thứ [như] Đất v.v… ở Thế gian, là do dùng những thứ mình thấy được như xanh, vàng, đỏ, trắng (là Hiển sắc), hay dài, ngắn, vuông, tròn (là Hình sắc), từ đó mà mình thẩm xét, mình nói về vấn đề đó.

#Thủy hỏa diệc nhiên: còn Nước và Lửa cũng như vậy. Hai đại khác là Hỏa và Thủy thì cũng như vậy, tức là cũng giả lập tên theo Thế gian thôi. Ví dụ quý vị ra thấy nước mênh mông thì gọi là Nước. Rồi quý vị thấy ngọn lửa cháy như thế, có hình dáng như thế, thì mình đặt tên là [Lửa].

#Phong tức Phong giới: #Phong tức là Phong giới. Ở đây mình gọi tắt là Phong, nhưng thực tế gọi đầy đủ là Phong giới.

#Thế gian ư động lập phong danh cố: tức là Thế gian đối với sự chuyển động mà lập nên tên; #cố là bởi vì.

          Vì tại sao gọi là Gió? Bởi vì đơn giản là theo sự chuyển động, cái nào chuyển động thì lập tên là Gió. Gió là [sự] chuyển động, tính chất là như vậy. Vì thật ra đây là ngôn ngữ của thời xưa, mà bây giờ thì cũng vậy thôi, chứ biết lấy tên gì đâu. Chúng ta thấy Gió là sự chuyển động, thì gọi là Phong, gọi Phong là đại diện thôi, chứ bây giờ lập ra tên gì. Ngôn ngữ bây giờ mới đa dạng hơn, người ta nói sự chuyển động, hồi xưa người ta chỉ dùng Phong, tức là Gió.

Mỗi thời [đại] mỗi khác, giống như bây giờ đi học mình chia ra đủ cấp bậc. Mới nhỏ bắt đầu là Mầm non, hồi xưa làm gì có Mầm non, không có! Hồi xưa vào là phải học luôn Tiểu học, đâu có [Mầm non]. Càng về sau thì chia ra, hồi xưa đâu có mấy ngành như ngành Robot, [hay] những ngành Trí tuệ Nhân tạo. Có những ngành cứ phát triển dần, phát triển dần, nên có những ngành mới.

Do chúng ta học ngôn ngữ thời xưa, nên nhiều khi mình học mình thấy xa, sao khó hiểu, chứ thực tế thì cũng vậy thôi. Nếu mình sống ở thời đại đó, thì mình sẽ thấy dễ hiểu. Ở đây Thiện Trang sẵn nói về ngôn ngữ một chút. Người nào học ngôn ngữ nào thì cũng khoe ngôn ngữ đó hay. Ví dụ như chúng ta học Hán ngữ, học Hán cổ, thì mình cứ khoe chữ Hán hay, chữ Hán là chữ tượng hình, dễ nhớ, rồi có nhiều ý nghĩa v.v… Mình khoe chữ Hán này tách bạch với phát âm, nên muôn đời mình vẫn xài được, thế hệ trước cho tới thế hệ sau. Đúng! Chữ Hán có thế mạnh đó. [Vì] mình chỉ học mỗi chữ Hán, nên mình thấy vậy thôi.

Nhưng người học bên tiếng Sanskrit, thì họ lại nói tiếng Sanskrit hay, văn ngọt, nên diễn tả văn thanh cao, hay. Rồi người học tiếng Pāli, thì nói ngôn ngữ Pāli chặt chẽ, chi tiết. Giống như trong các ngôn ngữ, Thiện Trang thấy ngôn ngữ tiếng Đức rất chặt chẽ về ngữ pháp, không thể nào mơ mơ màng màng được, tức là nói A là A, B là B. Cho nên khác với tiếng Việt mình, tiếng Việt mình mơ hồ, không rõ ràng, nên bắt lỗi được, lúc thì kéo lên, lúc thì hạ xuống được. Còn tiếng Đức một là một, hai là hai, từ nào ra từ đó. Lấy ví dụ bên tiếng Đức, chẳng hạn thấy đứa con đi học về, quý vị hỏi nó. Nếu [trên đường về], nó ghé thăm một nơi khác rồi mới về tới nhà, thì phải dùng từ khác. Và từ đó sẽ khác với từ [trong trường hợp] nếu đứa con đi thẳng từ trường về nhà. Hai từ [dùng trong hai trường hợp] sẽ khác nhau. Cho nên [tiếng Đức] chặt chẽ ở chỗ đó, không có vụ lén lén, lút lút, nói “con đi từ trường về nhà”. Không được! Đó là thành nói dối ngay. Nó đã ghé qua chợ hay ghé qua đâu, thì nó sẽ dùng từ khác. Đấy, cách [nói] như vậy thì cực kỳ chặt chẽ.

Tiếng Pāli cũng khá chặt chẽ. [Vì] khá chặt chẽ, nên người ta cũng tán thán khi học ngôn ngữ Pāli. Thậm chí người ta nói tiếng Sanskrit sang, hay, nhưng hồi xưa Bà-la-môn giáo dùng cho bốn bộ Kinh Vệ Đà hết rồi. Còn tiếng Pāli phát triển sau này, tuy là phát triển sau nhưng tiếng đó nguyên sơ, tức là chưa dùng cho nền hệ thống nào cả.

Giống như bây giờ mình học kinh Phật, mình học chữ Hán. Do chữ Hán hồi trước chuyển tải cho Đạo gia và Nho gia, nên bây giờ có nhiều từ trùng lặp giữa Nho gia với Đạo gia, với Phật pháp. Ví dụ [trong Phật pháp] có từ ‘Vô vi’, bên đạo gia cũng có từ ‘Vô vi’. Cho nên hai bên dễ lầm, tức là người học Đạo gia rồi mà vô Phật pháp, thì tưởng chữ Vô vi bên Phật pháp cũng giống chữ Vô vi bên đó, nên cứ tưởng lầm. Rồi các tầng tâm rời v.v… cũng gần gần, tương đương. Vì các chư Tổ dịch kinh cũng dùng rất nhiều từ giống như vậy, chứ đâu có bịa ra từ mới.

Chính vì vậy cũng có những hạn chế nhất định, đó là người ta dễ hiểu lầm. Rồi bên Pāli, vì sao họ tự hào? Giống như cô gái chưa từng có người yêu, thì tiếng Pāli chỉ xài cho kinh Phật thôi. Cho nên người ta tán thán tiếng Pāli như vậy. Nhưng rõ ràng nếu mình đứng ở góc nhìn trung lập, thì mình sẽ thấy là mỗi ngôn ngữ có cái hay riêng. Ngôn ngữ này có hay của nó, ngôn ngữ kia có hay của nó. Cho nên người thâm nhập nhiều ngôn ngữ, thì tự nhiên hiểu được vấn đề rõ ràng, sâu sắc hơn. Còn người chỉ biết một, không biết nhiều, thì khó khăn hơn. Tức là Thiện Trang nói về tri kiến thế gian.

Còn đối với đức Phật, Ngài giác ngộ rồi, nên ngôn ngữ không quan trọng nữa, Ngài có thể nói bất cứ ngôn ngữ nào. Tức là với một người giác ngộ, thì có thể diễn tả cho chúng sanh, tùy loại chúng sanh, [mà dùng] ngôn ngữ nào cũng được. Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là: Phật có thể dùng một âm thanh mà thuyết pháp, chúng sanh Hữu tình tùy theo âm thanh của mình mà hiểu được. Điều đó mới hay!

Cho nên ở đây tại sao nhiều khi mình học, Thiện Trang thấy bộ Luận Câu Xá này, ở đoạn đầu thì hơi khó chịu đối với nhiều người, nghe xong rồi ngủ gục hết. Cho nên nghe đoạn sau hay lắm, nhưng học hoài chưa tới. Vì phần đầu là mới vô phần cơ sở, mà phần cơ sở này, nghe nhiều từ thuật ngữ, thực tế đối với nhiều người học lâu rồi, thì chúng ta thấy không cần lắm. Nhưng đối với người chưa [học thì cần]. Tại vì bộ này cung cấp cho những người bắt đầu sơ khởi học, cho nên có những kiến thức rất quan trọng. Chúng ta cứ đi từ từ, như Đất, Nước, Gió, Lửa thì ai cũng biết, nghe hoài rồi. Chúng ta cố gắng học, đừng nản chí. Cứ học từ từ, Thiện trang cố gắng lướt qua chỗ nào được thì lướt.

#Hoặc như Địa đẳng tùy Thế gian tưởng danh: hoặc là giống như Đất v.v… là Đất, Nước, Gió, Lửa, [thì] tùy theo Thế gian tưởng mà lập tên.

#Phong diệc Hiển Hình: Phong cũng là do Hiển sắc và Hình sắc.

#Cố ngôn diệc nhĩ: nên nói rằng cũng như vậy.

#Như thế gian thuyết hắc phong đoàn phong: giống như Thế gian nói #hắc phong là gió đen. Tức là tùy theo Thế gian tưởng, thấy gió đen thì nói gió đen, thấy màu đen thì nói gió đen; #đoàn phong: #đoàn là hình cầu, hình tròn, gió có hình cầu, bây giờ gọi là vòi rồng đó quý vị. Tùy theo hình thể mà người ta đặt tên như vậy.

#Thử dụng Hiển Hình biểu thị phong cố: ở đây là dùng Hình sắc và Hiển sắc để biểu thị về Gió.

          Giống như bây giờ nói về bão, chúng ta coi [bão] bên Mỹ hay có vòi rồng, cuốn, xoay, xoay, xoay. Vòi rồng thực ra là gió thôi. Cho nên tùy theo Thế gian, Thế gian như thế nào thì gọi như thế ấy, miễn là giống nhau về Hình sắc thì mình gọi. Ở đây Đất, Nước, Gió, Lửa cũng là dùng Hình sắc thôi, gió đen thì nói gió đen, gió lốc thì nói gió lốc, gió xoáy thì nói gió xoáy, vòi rồng, bão v.v… Đó là cách gọi.

Tóm lại mình không cần nhớ đoạn này nhiều, mà chỉ cần nhớ bốn tên gọi Đất (Địa đại), Nước (Thủy đại), Gió (Phong đại), Lửa (Hỏa đại), là gọi tên theo Thế gian mà thôi. Và [Bốn đại này] có Hình sắc và Hiển sắc, tức là nó có hình dáng và màu sắc. Tóm lại [giải thích] như vậy thì mình hiểu được.

 Tạm dịch: Trong Luận ghi rằng: Địa là [gồm] thành phần Hiển sắc, Hình sắc làm thể, theo sự tưởng của Thế gian mà giả lập thành tên này. Tùy theo tướng của các Thế gian mà nói về Địa này, bởi dùng Hiển sắc Hình sắc mà thẩm xét nói. Nước lửa cũng như thế. Phong tức là Phong giới, bởi Thế gian đối với sự chuyển động mà lập tên. Nếu như Đất v.v… theo Thế gian tưởng mà [lập] tên, thì giới cũng [do] Hình sắc và Hiển sắc, nên nói cũng như vậy. Như Thế gian nói gió đen gió xoáy, bởi đây dùng Hiển sắc và Hình sắc để biểu thị về Gió. (Gió đen là gió có màu đen, là Hiển sắc. Còn gió xoáy có hình vòi rồng, thì là Hình sắc).

 何故此蘊無表為後說為色耶?由變壞故。如世尊說:苾芻當知,由變壞故名色取蘊。誰能變壞?謂手觸故即便變壞。乃至廣說。變壞即是可惱壞義,故義品中作如是說:

Hà cố thử Uẩn Vô biểu vi hậu thuyết vi Sắc da? Do biến hoại cố. Như Thế Tôn thuyết: Bật-sô đương tri, do biến hoại cố danh Sắc thủ uẩn. Thùy năng biến hoại? Vị thủ xúc cố tức tiện biến hoại. Nãi chí quảng thuyết. Biến hoại tức thị khả não hoại nghĩa, cố nghĩa phẩm trung tác như thị thuyết:

Giải:

#Hà cố thử Uẩn Vô biểu vi hậu thuyết vi Sắc da?: #hà cố là vì sao; Vì sao Vô biểu (#Vô biểu là Vô biểu sắc) của Uẩn này lại nói là Sắc.

          Ở đây đặt ra câu hỏi là tại sao Vô biểu sắc của Uẩn này lại nói là Sắc? Vô biểu sắc thì không có hiển thị ra. Bây giờ nói cách khác, Biểu sắc thì chúng ta dễ thấy rồi, bởi vì xanh, vàng, đỏ, trắng, [hay] tròn, vuông, méo, tam giác thì thấy được, nhưng có những điều không hiển thị ra bên ngoài.

Ví dụ như chúng ta, mỗi người có mỗi nghiệp. Như quý vị có một thân thể nhìn rất xinh đẹp, nhưng thật ra bên trong thì bệnh đầy, [mà chúng ta] không biết. Đó là Vô biểu sắc. Rồi có người nhìn tướng thì đẹp lắm, mình nghĩ là cất giọng lên nghe hay lắm, [nhưng] ai ngờ cất giọng lên thì nghe chói tai quá. Đó là những điều bên trong, gọi là Vô biểu sắc. Nhưng tại sao đó cũng gọi là Sắc, trong khi [Vô biểu sắc] đâu có Hình sắc gì đâu? Ở đây đưa ra câu hỏi như vậy.

Ví dụ cho hai người đẹp lên thi hoa hậu, mới đầu lên thi thì đi vòng vòng. Hai người đẹp như nhau, nhưng lát sau tới vòng thi nói, phỏng vấn thì bắt đầu khán giả [mới] chia ra: cô này nói giọng ngọt hơn, cô kia nói giọng âm thanh chói chang v.v…. Đó là nếu như chỉ nhìn Hình sắc hoặc là Hiển sắc thôi, thì không có phân biệt lắm. Nhưng có một điều bên trong khiến [họ] khác nhau, đó là Vô biểu sắc, là nghiệp của họ khác nhau.

Ví dụ như nhìn quý thầy đắp y lên, đầu tròn, áo vuông, ai cũng đẹp, trang nghiêm, tăng tướng đường đường, trong Quy Sơn Cảnh Sách nói là “Thiền tướng trang nghiêm”. Nhưng một hồi mình thấy hai người khác nhau. [Đó là] bởi vì nghiệp, [do] Vô biểu sắc của họ mang không giống nhau. Một hồi vô lĩnh vực nào đó là khác, cách suy tư hay cách đưa ra vấn đề, rồi bắt đầu giọng nói, cách cư xử, mọi thứ đều khác nhau. Những gì ngầm ngầm bên trong, gọi là Vô biểu sắc, Vô biểu nghiệp. Thế tại sao điều đó gọi là Sắc, nó có đâu mà gọi là Sắc? Ở đây đưa ra vấn đề đó, là tại sao gọi là Sắc?

#Do biến hoại cố: bởi vì do sự biến hoại.

#Như Thế Tôn thuyết: như đức Phật tức là như đức Thế Tôn nói:

#Bật-sô đương tri: #Bật-sô tức là Tỳ-kheo; Tỳ-kheo nên biết.

#Do biến hoại cố danh Sắc thủ uẩn: do sự biến hoại; #biến hoại này là [biến hóa] hoại diệt, mà gọi là Sắc thủ uẩn.

#Thùy năng biến hoại: ai bị biến hoại hay là cái nào biến hoại?

#Vị thủ xúc cố tức tiện biến hoại: là vì tay tiếp xúc với việc thì liền biến hoại.

#Nãi chí quảng thuyết: cho đến nói rộng.

#Biến hoại tức thị khả não hoại nghĩa: #biến hoại tức là ý nghĩa của não hại.

#Cố nghĩa phẩm trung tác như thị thuyết: cho nên ở trong Phẩm Nghĩa nói như thế này.

Ở đây chúng ta phải dịch từ từ thì quý vị mới hiểu được. Tức là giải thích nguyên nhân vì sao Vô biểu sắc cũng gọi là Sắc, lẽ ra phải gọi bằng tên khác đi chớ. Ở đây là do sự biến hoại, tức là biến đổi và hoại diệt.

Tạm dịch: Vì sao Vô biểu sắc của Uẩn này lại nói là Sắc? Do sự biến hoại. Như đức Thế Tôn nói: Bật-sô (Tỳ-kheo) nên biết: Do sự biến hóa hoại diệt mà gọi Sắc thủ uẩn. Ai bị biến hoại? Là tay tiếp xúc với sự việc thì liền biến hoại. Cho đến nói rộng. Biến hoại tức là nghĩa của có thể não hại, nên trong Phẩm Nghĩa nói như thế này.

Có nghĩa là bình thường chúng ta không thấy biến hoại, nhưng nếu có tiếp xúc thì sẽ gây ra [sự] não hại, tức là gây ra sự hoại diệt, phá hoại. Ví dụ thân thể chúng ta thì ai cũng giống ai, Thiện Trang lấy ví dụ [lúc] nãy: hai người nhìn giống nhau, nhưng khi va chạm, ví dụ như ra đường gặp tai nạn giao thông [thì sẽ] biến hoại. Biến hoại là thân thể của mình biến hoại, nhưng đồng thời Vô biểu sắc, tức là nghiệp của mình cũng mất luôn.

Ví dụ như sau một trận tai nạn, người đó trước kia có giọng rất hay, nhưng sau đó giọng lại không hay nữa, rồi âm thanh thay đổi v.v… nhiều thứ lắm, như Vô biểu sắc hay những điều đó cũng thay đổi theo, nên cũng gọi là Sắc. Tức là nó bị tác động bởi điều khác được, cho nên gọi là Sắc. Chứ nếu là vô hình rồi, không bị tác động bởi điều khác, thì đâu cần phải gọi là Sắc. Ý nghĩa là như vậy đó.

Cho nên hơi khó hiểu, chúng ta thấy ngôn ngữ Duy Thức đôi khi giải thích hơi sâu. Biến hoại tức là nghĩa có thể não hại, tức là phá hoại. Mình nói là có thể bị huỷ hoại, nói vậy cho dễ. [Đây là] ngôn ngữ của ngài Huyền Trang, [ngài] thích dùng mấy từ khó hiểu, từ không quen. Nên trong Phẩm Nghĩa có nói một bài kệ như thế này. Chúng ta tìm hiểu tiếp bài kệ thứ 14:

Bài Kệ 14

Thú cầu chư dục nhân趣求諸欲人,Người hướng cầu các dục,
Thường khởi ư hi vọng常起於希望,Thường sanh khởi hi vọng
Chư dục nhược bất toại諸欲若不遂,Nếu không toại các dục
Não hoại như tiễn trung.惱壞如箭中。Não hoại như trong[làn] tên.

Giải:

#Thú cầu chư dục nhân: #nhân là người; người mà hướng cầu nhiều ham muốn; #các dục là nhiều ham muốn.

#Thường khởi ư hy vọng: thường sanh khởi nhiều hy vọng.

          Điều này thì rõ ràng, ham muốn nhiều thì hy vọng nhiều. Quý vị biết, ai [mà] ham muốn nhiều thì hy vọng nhiều. Còn người mà thiểu dục tri túc thì người ta không ham muốn, không có hy vọng gì nhiều. Cho nên hy vọng nhiều thì Thiện Trang xin nói là thất vọng [càng] nhiều. Bởi vì ở đời có một điều khổ, đó là Cầu bất Đắc khổ.

Quý vị mong con học giỏi, cuối cùng con không học giỏi được. Quý vị mong con đậu Đại Học, [nhưng] con không đậu được. Quý vị mong chồng đối xử tốt với mình, chồng làm ra nhiều tiền, [nhưng] không được. Rồi mình mong có nhiều thời gian tu hành, mà cũng không có nhiều thời gian tu hành. Rồi mình mong Thầy Thiện Trang bữa nay giảng đúng đề tài hấp dẫn để mình nghe, mà cuối cùng ông giảng điều gì đâu, cũng không được.

Có nghĩa là ở đời, người có nhiều mong cầu, nhiều ham muốn, thì người đó khổ nhiều, vì thường sanh khởi những hy vọng, những mong muốn. Quý vị nên nhớ, ở đời người mong cầu càng nhiều thì khổ nhiều, vì không bao giờ được hết tất cả. Ai có phước nhiều thì được nhiều. Quý vị nên nhớ nha! Cầu được là có phước.

Có nhiều người toàn trách móc người ta, tại sao người ta đối xử với mình không tốt, tại sao con không có thời gian tu tập, tại sao người ta quấy nhiễu con, tại sao thế này, tại sao thế kia. Thật ra là do mình mong cầu, mình hướng ra bên ngoài. Quý vị nên nhớ, phước của mình bao nhiêu thì mình được nhận bấy nhiêu, không phải mong cầu mà được. Quý vị mong cầu mà được thì quý vị [phải] lên phước cao.

Giống như mình ở cõi Người, phước của mình kém lắm, cho nên mong cầu của mình không lớn. Nhưng quý vị lên cõi Trời thôi, ví dụ như lên trời Tứ Thiên Vương thì sướng hơn được một chút, lên trời Đao Lợi thì được sướng hơn nữa, [rồi] trời Tu Diệm Ma thì sướng hơn [trời Đao Lợi]. Trời thứ Tư là trời Đâu Suất thì sướng hơn [trời Tu Diệm Ma]. Lên trời thứ năm, quý vị muốn điều gì thì biến ra điều đó. Và tầng trời thứ sáu thì sướng hơn nữa, là khỏi cần biến, muốn điều gì thì tầng trời ở dưới là tầng trời thứ năm họ biến, họ dâng lên, cho nên gọi là Tha Hoá Tự Tại thiên. Bao giờ quý vị có phước cỡ đó, giống như trời Tha Hoá Tự Tại, thì quý vị cầu gì cũng được.

Còn mình ở cõi Người, mình cầu quá trời, cầu ông chồng phải tốt với mình, cầu hàng xóm phải tốt với mình, cầu đồng tu phải tốt với mình v.v… Làm sao cầu được? Cầu được ít lắm quý vị.

Trong Phật pháp dạy cho chúng ta điều gì? Là hãy đối diện sự thật, hãy nhìn vào thực tế, đừng ham những gì của thế gian. Những gì của thế gian đều là vô thường. Càng mong cầu nhiều thì sao? Trong bài kệ này nói luôn, bài kệ này nói rất hay.

#Chư dục nhược bất toại: tức là những ham muốn, mong muốn đó, nếu không đạt được; #bất toại là không được như ý.

#Não hoại như tiễn trung: #não hoại nói đơn giản là bực mình; #não là tức giận, bực mình, ray rứt, phiền muộn, buồn bực; #hoại là phá hỏng, làm hỏng. Tức là mình bực mình lên, mình nổi sung lên, bắt đầu làm những chuyện không tốt; #như tiễn trung là như ở trong tên; tên là giống như trong làn tên bắn, mà mình ở trong đó.

Cho nên bài kệ này dạy cho mình: là những người nhiều ham muốn, nhiều dục vọng, khi các mong muốn đó không được thì họ khó chịu, họ bắt đầu quờ quạng, họ phá và làm hại người khác nữa. Đó là Phiền não của chúng ta. Mà đời nay [việc] này nhiều đúng không quý vị? Thời nay đa số toàn là đổ lỗi cho người khác, không phải đổ lỗi cho mình.

Cho nên là mình không có phước báu. Có người [nói]: “Thầy ơi, con mong muốn tu hành”. Tu hành thì có phải có phước báo. Thiện Trang chỉ rồi, muốn có phước báo thanh tu thì hãy ủng hộ người thanh tu, hãy đi giúp cho những người thanh tu, thì mình mới thanh tu. Mình muốn có điều gì, thì hãy làm cho [người khác] như thế. Còn bây giờ ở nhà cứ cầu hoài. Cho nên là không biết tu nhân mà mong đạt quả.

Mình đã sanh ra trong thời đại này, đa phần đến đây là để trả nghiệp, bị người ta đòi [thì] ráng chịu chứ. Nên hãy hiểu được [như] vậy, và đừng có mong cầu nhiều, điều gì cũng [nên] vừa ý. Còn quý vị có phước rồi, cứ cầu điều gì thì vừa nghĩ là có. Giống như trời Tha Hoá Tự Tại vậy đó. Mặc dù là ở nhân gian, nhưng nếu quý vị muốn thường xuyên tu phước, [thì] hãy giúp cho người khác.

Ví dụ có nhiều người được phước đó, tại vì thường hay giúp cho người ta được phước, như người ta muốn điều gì thì mình đáp ứng điều đó. Ví dụ như ông chồng muốn Iphone mới, điện thoại mới, [thì mình] đáp ứng ngay. Sau này đến lúc nào đó quả báo đến, thì quý vị cũng có được như vậy. Có người muốn tu hành, thì mình giúp cho người khác tu hành, thì quả báo tới. Phải giúp cho người ta có điều kiện. Muốn giàu sang thì bố thí, giúp đỡ người nghèo, giúp người khó khăn thực sự, v.v… Giúp đi thì tự nhiên mình giàu. Muốn khỏe mạnh [thì] phóng sanh, ăn chay. Cho nên có nhân thì mới có [quả], chứ bây giờ [toàn là] mong cầu không à.

Nhiều người học Phật lâu năm rồi mà vẫn không hiểu được điều đó. Toàn cứ mong [cầu], mà trong khi Thiện Trang đã giảng hết rồi. Thiện Trang chia sẻ là cố gắng, quý vị muốn rảnh rỗi tu hành [thì] [hãy] hộ trì cho [người tu]. Ví dụ bây giờ các quý Thầy quý Cô muốn lên núi tu, muốn có thất, thì quý vị lên núi giúp cất thất cho quý Thầy, quý Cô ở trên đó tu. Rồi giúp cho các Cô, các Thầy có thời gian để tu tập, đừng có lo lắng nhiều.

Điều đó thì hơi xa, còn gần [là] mình đừng làm mất thời gian của người ta, để mình không bị người ta làm mất thời gian của mình. Có nhiều người suốt ngày quấy nhiễu, làm phiền hà người khác. Ví dụ như việc đáng [hỏi] thì mình hỏi, còn việc không đáng [hỏi] mà mình đi quấy nhiễu người này, quấy nhiễu người kia. Rồi cuối cùng quý vị hỏi: “Thưa thầy, sao suốt ngày con bị người ta quấy nhiễu, người ta làm phiền mình?” Thật ra mình đi làm phiền bao nhiêu người, mà mình không biết. Chính mình gây nhân thì mình gặt quả. Cho nên người ở trong thế gian, biết tu hành là chuyện nào đáng thì mình hãy xen vào, còn chuyện nào không phải của mình, không đáng, thì thôi bỏ ra.

Bây giờ người mình hay hóng hớt, hay xen vào chuyện của người ta nhiều, thì sau này mình cũng bị nhân là người ta xen vào [chuyện của] mình nhiều. Y chang luôn! Nhân quả không có sai. Cho nên nhiều người hỏi: “Thưa thầy, sao ông chồng khó chịu với con vậy?” Đơn giản vì mình khó chịu với nhiều người quá, mà mình không biết.

Quý vị mà hiền thiện, chỉ lo tu không thôi. Quý vị sống đúng với vai trò của quý vị, thì đảm bảo tự nhiên thời gian [sau] yên bình lắm. Quý vị để ý đi, một số đồng tu làm được đó. Có một số đồng tu, họ chỉ biết việc của họ là tu hành, nghe pháp, rồi làm công việc hàng ngày. Chỉ làm như vậy thôi. Còn ai làm gì đó, chuyện trời trăng mây gió, đất nước gió lửa, chuyện bàn dân thiên hạ không biết, không quan tâm. Thời gian sau tự nhiên người đó không [phải] gánh những chuyện rắc rối, không bị người này gây chuyện này, gây chuyện kia. Còn mình xía vô nhiều chuyện, thì gieo nhân sẽ gặt quả, gieo gió sẽ gặt bão, không sai một chút nào, quý vị cứ để ý đi. Quý vị cứ nhìn những người khác thì thấy rõ ràng hết.

Cho nên người mà xía vô chuyện của thiên hạ nhiều thì khổ nhiều. Thiện Trang rút kinh nghiệm rồi, về sau này Thiện Trang đóng các căn lại, cố gắng không biết nhiều chuyện. Nếu biết cũng cố gắng ngậm miệng, không nói. Tại vì sao? Nói vô là bắt đầu gây nghiệp tiếp, cho nên thôi kệ, dần dần ai muốn làm gì thì làm, chuyện này chuyện kia v.v… Lâu lâu mình góp ý một chút nhỏ nhỏ thôi, chứ không dám nói nữa, sợ lắm!

Tại vì càng xía vô chuyện của người ta nhiều, [thì] họ cứ tìm mình, [mà mình] không có rảnh, không có thời gian đâu. Cho nên [Thiện Trang] không có bày vẽ cho người ta tu thế này, tu thế kia. Không có! Chỉ có người ta hỏi thì mình mới chỉ thôi, còn nếu không thì thôi, đừng có tài lanh. Cho nên có nhiều người toàn gieo gió, cuối cùng bão tới thì không chịu đón nhận. Đấy là cách tu.

Và cách chúng ta tu, là cố gắng nhìn vào trong nội tâm của mình. Tâm mình [đã] tĩnh lặng chưa? Tâm mình còn động hay không? Tâm mình còn hướng ra bên ngoài hay không? Vì càng tu sâu bao nhiêu, thì mình thấy không có thời gian để tu cho mình, thì lấy thời gian đâu mà đi điều chỉnh cả thiên hạ, đúng không quý vị? Dần dần mình phát hiện ra như vậy. Lâu lâu có một số việc vì thiên hạ thì mình phải làm thôi, phải đến thôi, chứ thời gian sau thì thôi khỏi.

Giống như nhiều người hỏi Thiện Trang, bây giờ chuyện của người này thế nào, người kia thế nào. Thiện Trang không biết, người ta tu thế nào mình không biết, người ta không nói với mình thì thôi. Có duyên thì người ta nói, người ta khoe thì mình biết, còn không thì thôi. Do người ta nói thì mình mới biết. Có nhiều người vẫn thích cung cấp thông tin cho Thiện Trang, nên Thiện Trang còn biết chút chút đó, còn không thì không biết gì luôn. Về sau [do] không biết như vậy đó, [nên] mình học và tu dễ hơn rất nhiều đó quý vị.

Người xưa nói: “Tri sự đa thời phiền não đa”, tức là khi mình biết nhiều sự việc, thì Phiền não cũng nhiều theo. “Thức nhân đa sử thị phi đa”, tức là quen nhiều người thì thị phi cũng nhiều, người này mang đến cho mình, người kia mang đến cho mình, mang qua mang lại rất nhiều chuyện. Cho nên ở đời cố gắng bớt chuyện xuống. Đó là bí quyết để tu hành, những bài này mình học lâu lâu chen vô một bài.

Tạm dịch:

Người hướng cầu các dục,

Thường sanh khởi hi vọng

Nếu không toại các dục

Não hoại như trong [làn] tên.

Ở đây bị thiếu chữ, phải là não hoại như trong làn tên mới đúng. Họ bị não hoại tức là họ bị phiền phức, rồi họ cũng bị hại, giống như người ta bắn tên, và mình ở trong làn tên đó. #Làn tên: tên là cung tên. Nhiều người không biết tên là gì.

色復云何?欲所惱壞,欲所擾惱變壞生故。有說:變礙故名為色。若爾,極微應不名色,無變礙故。此難不然。無一極微各處而住,眾微聚集變礙義成。過去未來應不名色,此亦曾當有變礙故;及彼類故,如所燒薪,諸無表色應不名色。有釋:表色有變礙故,無表隨彼亦受色名。譬如樹動影亦隨動。此釋不然,無變礙故。

Sắc phục vân hà? Dục sở não hoại, dục sở nhiễu não biến hoại sanh cố. Hữu thuyết: Biến ngại cố danh vi Sắc. Nhược nhĩ, Cực vi ưng bất danh sắc, vô biến ngại cố. Thử nạn bất nhiên. Vô nhất Cực vi các xứ nhi trụ, chúng vi tụ tập biến phá nghĩa thành. Quá khứ vị lai ưng bất danh sắc, thử diệc tăng đương hữu biến ngại cố; Cập bỉ loại cố, như sở thiêu tân, chư Vô biểu sắc ưng bất danh Sắc. Hữu thích: Biểu sắc hữu biến ngại cố, Vô biểu tùy bỉ diệc thọ sắc danh. Thí như thọ động ảnh diệc tùy động. Thử thích bất nhiên, vô biến ngại cố.

Giải:

#Sắc phục vân hà?: Sắc còn gọi là gì? Ở trên gọi là Sắc rồi, bây giờ còn gọi là gì nữa?

#Dục sở não hoại: bị dục não hoại, tức là bị những ham muốn quấy rầy, phá hoại mình.

#Dục sở nhiễu não biến hoại sanh cố: #cố là bởi vì; bởi vì do dục quấy rối phá hoại mà sanh ra.

Sắc là do bởi vì dục quấy rối mà sanh ra, thật ra là do Phiền não mà sanh ra. Nếu mình tu mà mình không có những Phiền não, không có những ham muốn gì, thì mình không có Hình sắc. Ít nhất mình sẽ ở trên cõi trời Vô sắc giới, còn không thì sẽ về cõi Niết-Bàn. Còn bây giờ chúng ta ở trong [cõi] này, có thân hình sắc, rồi thấy tứ tung hết, thì tóm lại là do có nhiều Phiền não, trong đó có ham muốn (là lòng tham). Cho nên ngài Đại sư Vĩnh Gia mới nói là:

“Mộng lý minh minh hữu lục thú.

Giác hậu không không vô đại thiên”

Tức là trong mộng rõ ràng thấy có sáu đường luân hồi, nhưng sau khi giác rồi thì ngài thấy có mà như không. Đối với chúng sanh thì có, nhưng đối với mình thì không.

Cũng vậy, các Phiền não là do đâu? Là do ban ngày tâm của mình nghĩ nhiều, xao động nhiều, nên ngủ mơ. Chứ nếu ban ngày mình không nghĩ gì nhiều, không mơ tưởng nhiều, thì tối không có mơ. Cũng vậy, trong vòng sanh tử là do dục mà sanh ra. Và những dục này quấy rầy mình, phá hoại mình, từ đó là nguyên nhân chính của luân hồi.

Đó là nói đơn giản. Còn nếu nói theo nghĩa khác, thật ra những Sắc (là Hình sắc) này tại sao bị phá hoại? Là cũng vì do ham muốn. Ví dụ tảng đá là một Hình sắc, nhưng do người ta ham muốn, nghĩ rằng tảng đá này có thể chạm trổ lại, viết chữ lên, đẽo gọt… Đó là do dục (ham muốn, mong muốn) của người ta, mà phá hoại Hình sắc đó, từ đó mới sanh ra được tượng Phật, sanh ra được cái bảng bên đường. Thật ra tất cả những Hình sắc, những gì ở thế gian, đều là do sự mong muốn của những người này, người kia mà phá hoại, hủy hoại, quấy rầy chúng. Chứ không thì thế gian này cứ trơ trơ, không bị gì hết. Đó cũng là một cách nói.

#Hữu thuyết: là có cách nói.

#Biến ngại cố danh vi Sắc: biến đổi ngăn trở nên gọi là Sắc.

Cách nói này hay hơn! Tức là Sắc là những gì có thể thay đổi được. Sắc ở đây là vật chất. Ví dụ như Thiện Trang cầm quyển sách lên, thì quý vị thấy rõ ràng là quyển sách có thể sẽ bị biến đổi. Vì sao? Vì dần dần rồi quyển sách sẽ bị rã, bị hư mục v.v… [Ngoài ra] Sắc còn có thể ngăn trở, cản trở [không cho] những vật khác đi ngang qua được, nên gọi là Sắc. Đó là một cách nói khác.

#Nhược nhĩ, Cực vi ưng bất danh sắc, vô biến ngại cố: nếu như vậy thì Cực vi sắc; #Cực vi sắc là một thành phần rất nhỏ trong kinh Phật nói, bây giờ gọi là các hạt nhỏ như neutrino, điện tử (electron) hay nhỏ hơn nữa như neutron (nơtron), proton v.v… thì hạt nhỏ nhất trong kinh Phật là Cực vi sắc; thì không phải là Sắc. Bởi vì [Cực vi sắc] không có biến đổi và cũng không có ngăn ngại.

Đây là cách nói khác của người ta, và cách nói này không thông. Bởi vì sao? Ở đây nói Sắc là do sự biến đổi và ngăn trở. Giống như [vách] tường thì ngăn trở, hoặc là Thiện Trang có một thẻ nhớ nhỏ thế này, nhưng cũng ngăn cản khiến cho tay của mình không đi qua được, và bản chất là lúc nào đó thì nó sẽ hư. Cho nên [Sắc] có hai tính chất: Một là sẽ biến đổi, hư hoại; Và tính chất thứ hai là có thể ngăn cản những vật khác [đi qua nó] v.v…

Nếu nói như vậy thì không thông lắm. Tại vì Cực vi sắc là những yếu tố nhỏ nhất, bây giờ chúng ta gọi là những hạt electron, neutron, proton, nhỏ hơn nữa là neutrino, hạt quark. Những hạt nhỏ như thế đâu có ngăn cản [vật gì] đâu, thì không gọi là Sắc sao? Bởi vì những hạt này biến đổi nhanh quá, và chúng không có ngăn cản gì hết. Cho nên cách nói này không ổn rồi. Đây là cách dẫn thôi.

#Thử nạn bất nhiên: #thử nạn là vấn nạn này; #nhiên là như vậy; vấn nạn này không phải như vậy, tức là [vấn nạn này] không đúng. Mình hiểu ngôn ngữ bây giờ là không đúng.

#Vô nhất Cực vi các xứ nhi trụ, chúng vi tụ tập biến phá nghĩa thành: nghĩa là không có một loại nào của Cực vi sắc mà trụ. Bởi vì không có trụ được, và biến đổi liên tục. Những hạt [Cực vi sắc] rất nhanh, chớp tắt, chớp tắt, giống như làn sóng vậy. Những hạt nhỏ này nhanh lắm, và thời gian tồn tại [của chúng] không lâu. Và những thứ nhỏ bé đó tụ lại thành ra những vật chất lớn, thì cũng có tính chất ngăn cản vậy. Ví dụ như thẻ nhớ, hoặc bất cứ thứ gì cũng được cấu tạo từ những thứ nhỏ như vậy. Những thứ nhỏ tụ tập lại thì cũng có tính ngăn cản, ngăn trở. Cho nên vấn đáp này không được ổn lắm.

#Quá khứ vị lai ưng bất danh sắc, thử diệc tăng đương hữu biến ngại cố: nói về quá khứ vị lai thì cũng không nên gọi là Sắc, bởi vì điều đó cũng đã từng có sự biến đổi ngăn trở.

Nếu nói theo cách vấn như vậy, thì bây giờ đưa ra hai điều là quá khứ và vị lai; quá khứ thì đã qua rồi, còn vị lai thì chưa đến, nên cũng không gọi là Sắc pháp được. Bởi vì [quá khứ và vị lai] cũng đã từng có sự biến đổi và ngăn ngại. Điều này thì rõ ràng, mình thấy quá khứ và vị lai cũng không thể gọi là Sắc. Bởi vì không có biến đổi và ngăn ngại. Vì quá khứ thì qua mất rồi, còn tương lai thì chưa đến, nhưng mình cũng không vào được tương lai, nên cũng không có những sự ngăn ngại. Cách nói như đoạn luận này thì không thông. Thật ra mình cũng không cần biết những điều này lắm, vì những điều này chia chẻ ra sâu quá, mình chỉ cần biết lược qua thôi.

#Cập bỉ loại cố: và kiểu loại này.

#Như sở thiêu tân: như củi bị đốt. Tức là những loại này giống như củi bị đốt.

#Chư Vô biểu sắc ưng bất danh Sắc: giống như củi bị đốt, thì các loại Vô biểu sắc cũng không gọi là Sắc. Vì sao thì chúng ta [xem] ví dụ ở đây là biết.

#Hữu thích: là có người giải thích rằng.

#Biểu sắc thử biến ngại cố: #Biểu sắc là những gì hiện hữu ra bên ngoài, thì gọi là Hình sắc. Vì Biểu sắc có sự biến đổi và sự ngăn ngại.

#Vô biểu tùy bỉ diệc thọ sắc danh: nên Vô biểu sắc thì cũng theo đó mà bị gọi tên thuộc về Sắc.

#Thí như thọ động, ảnh diệc tùy động: lấy một ví dụ giống như cây bị lay động, chuyển động, thì bóng của cây đó cũng động theo. Hoặc nếu Thiện Trang ở trong phòng, có đèn điện chiếu qua, thì có bóng đằng sau. [Cũng vậy] khi cây có bóng, mà cây thay đổi, chuyển động, thì bóng [của cây] cũng chuyển động theo. Cũng vậy, người đi dưới ánh đèn thì có bóng, khi người chuyển động thì cái bóng cũng chuyển động theo. Ở đây ý nói là như vậy.

          Tức là bây giờ ở đây chúng ta có hai điều: Một là Vô biểu sắc, hai là Biểu sắc. Biểu sắc là [những gì] mình thấy bên ngoài, và có tính chất biến đổi. Như thân thể của mình có tính biến đổi, và có tính chất ngăn cản. Vì nó chiếm không gian, chiếm chỗ của cái khác.

          Còn Vô biểu sắc thì cũng theo đó, tại vì nó đi kèm theo Biểu sắc. Thân thể của mình có những yếu tố ngầm ngầm ở bên trong đó, giống như giọng nói hay, hay là thân thể này có những đặc tính đặc biệt gì đó của mỗi người v.v… Đó là [những] tính chất đi theo. Cho nên cũng nên gọi tên là Sắc, tại vì nó thuộc về Sắc.

          Giống như cây thì tất nhiên là Biểu sắc rồi, nhưng bóng [của] cây thì đi kèm theo cây, và phụ thuộc vào cây. Cây chuyển động thì bóng của cây cũng chuyển động, nên mình gọi theo như vậy. Cách giải thích này là như vậy.

#Thử thích bất nhiên: cách giải thích này không phải như thế. Tức là điều giải thích này cũng không hợp lý.     

#Vô biến ngại cố: bởi vì không có sự biến đổi trở ngại.

Tạm dịch: Sắc còn được gọi là gì? Bị dục não hoại (quấy rầy, phá hoại), bởi vì do dục quấy rối phá hoại mà sanh. Có cách nói: [vì sự] biến đổi ngăn trở nên gọi là Sắc. Nếu như vậy, thì Cực vi sắc không nên gọi là Sắc, bởi không có sự biến đổi hủy hoại. Vấn nạn không phải như vậy. Không có một loại nào của Cực vi sắc mà trụ, [mà] ý nghĩa là do nhiều thứ nhỏ bé tụ lại biến thành ngăn trở. Quá khứ vị lai cũng không nên gọi là Sắc, bởi điều đó cũng đã từng có sự biến đổi ngăn trở; Và kiểu loại này, như củi bị đốt, các loại Vô biểu sắc không nên gọi là Sắc. Có [người] giải thích rằng: Vì Biểu sắc có sự biến hoại ngăn trở, nên Vô biểu sắc ấy cũng bị gọi là tên thuộc về sắc. Thí dụ như cây động thì bóng của cây cũng động theo. Điều giải thích này không phải như thế, bởi không có sự biến đổi trở ngại.

Thật ra điều này giải thích như vậy thì không hợp lý. Nếu giải thích theo hướng là có biến đổi và trở ngại, thì rõ ràng Hình sắc (Biểu sắc) thì có tính chất biến đổi. Nhưng quý vị thấy Vô biểu sắc thì chưa chắc biến đổi, ngăn ngại.

Bởi vì sao? Nếu gọi là Sắc thì có hai tính chất: Một là biến đổi và ngăn cản. Sắc ở bên ngoài, [còn] gọi là Biểu sắc, thì rõ ràng có tính chất đó. Nhưng Vô biểu sắc thì không, [vì] Vô biểu sắc rõ ràng là ngầm ở bên trong, đâu có ngăn cản ai đâu. Giọng nói của tôi, nếu tôi chưa cất tiếng nói thì đâu ai biết giọng tôi hay thế nào. Thậm chí có người nhìn tướng rất ‘men’, bao nhiêu cô gái rất mê, nhưng cất giọng lên thì nghe lớ lớ, là biết người đó có vấn đề về giới tính, thì bắt đầu tự nhiên hết ham. Thấy anh chàng men ơi men, mà cất giọng nghe lớ lớ, rồi thôi, bao nhiêu cô thất vọng quá, kiểu như vậy đó.

Tức là Vô biểu sắc đâu có ngăn ngại, đâu có chặn đứng [điều] gì đâu, nhưng ngầm ở trong đó. Thật ra ở trong đời có nhiều ví dụ, bây giờ lấy ví dụ về Sắc, nói về tu tập. Sắc là ham muốn, [mình nói] sắc dục nam nữ đi. Quý vị rất thích người đó. Vì sao quý vị gặp người khác thì không mê, mà gặp người đó thì mê? Vì quý vị không hiểu được bản chất của người ta.

Thiện Trang lấy ví dụ này cho quý vị dễ hiểu. Quý vị đi ra đường thấy một cô nàng đẹp ơi là đẹp, rồi mê người ta [như] điếu đổ luôn, đi theo tán tỉnh, [vì] cổ quá đẹp. Đi theo một hồi, thằng bạn nói: “Tao biết mày đang theo đuổi cô đó. Mày có biết là hồi xưa tao ở cùng khu nhà với nó, thực tế mày biết nó là gì không? Nó mới đi Thái Lan về cách đây hai năm, nó chuyển giới đó. Hồi xưa nó là con trai”. Mình nghe như vậy là tắt liền, tắt cả ngọn lửa tình trong tim hay lửa ham dục gì đó, chỉ còn thấy lạnh mình thôi.

Tức là mình chỉ cần biết sự thật về bản chất của vấn đề đó thôi. Vấn đề là người ta không phải là con gái thuần, mà là con gái chuyển giới, từ nam chuyển sang nữ. Mình nghe là rùng mình rồi, là sợ ngay. Vì vậy chúng sanh mê trong luân hồi, là do không thấy bản chất của sự thật là khổ đau trong luân hồi, không biết đó là giả tạm, v.v…. Mình [chỉ] thấy vẻ bề ngoài, nào là lớn lên lập gia đình, thấy toàn là hạnh phúc thôi. Rồi thấy người ta đi chơi khoe trên facebook, thấy hạnh phúc lắm. Hai vợ chồng xây một ngôi nhà, có xe ô tô nhãn hiệu gì đó Thiện Trang không biết, đi du lịch suốt ngày.

Mình thấy toàn là điều đẹp không [thôi], nhưng mình không biết bản chất của cuộc đời là đau khổ. Khi về, hai người ăn cơm cũng phải nhường nhau một chút, nhường đồ ăn. Bà này không thích ăn món đó, nhưng ông kia thích ăn thì phải ráng nấu cho ổng ăn. Nhường qua nhường lại một chút, tức là để được hạnh phúc đó, thì họ cũng phải đấu tranh với bao nhiêu điều.

Rồi phải nhịn chút tiền để đưa [cho] con đi học v.v… Tối ngủ phải tranh thủ làm sao đấy, chứ ổng ngáy quá, ngủ không nổi… bao nhiêu thứ. Rồi [có] bữa không vui vẻ gì mà bạn bè của ổng tới, thì mình cũng phải lo cho ổng nhậu v.v… mệt gần chết! Rồi có bữa thì bả ốm đau, khổ quá trời, mà mình cũng phải ráng chăm sóc, đưa đi bệnh viện, đưa đi shopping. Dẫn đi thì mình cũng ngán, không muốn đi shopping (mua sắm) mà cũng phải bày đặt giả vờ đi theo, rồi cười ‘cái này đẹp, cái kia không [đẹp]’ v.v…. Thực tế là vừa sót tiền, vừa không muốn [đi] chút nào.

Nghĩa là chúng sanh chỉ nhìn vẻ bề ngoài, mà không nhìn được thật chất bên trong, cho nên mới mê. Còn người đã thấy được bản chất bên trong rồi, thì người ta không mê nữa. Vậy tu hành là gì? Nếu quý vị thấy được bản chất của luân hồi, mọi sự hiện hữu ở đời đều là khổ. Có thân thể, có hiện hữu ở thế gian này thì chắc chắn là khổ, và không bao giờ [hết khổ]. Dòng luân hồi này cứ khổ như vậy. Quý vị hiểu được khổ, đó là Khổ đế. Quý vị hiểu được nguyên nhân của khổ là do Phiền não, đó là Tập đế. Và mình hiểu được con đường để chấm dứt sự khổ, đó là Đạo đế. Mình tu được, mình biết nếu sau khi mình tu theo con đường đó, thì mình sẽ chấm dứt nỗi khổ đau trong vòng luân hồi, đó là Diệt đế.

Tóm lại, khi nào quý vị hiểu được rõ bản chất của cuộc đời, bản chất của vòng sanh tử là như vậy, thì quý vị tự nhiên buông được thôi. Còn bây giờ mình vẫn chưa hiểu rõ, [vì] trí của phàm phu mà. Cho nên bậc Thánh nhân, [mình nói] Sơ quả Tu-đà-hoàn thôi, [thì] thấy rất rõ được một phần giáo lý Tứ đế đó. Nhưng một phần đó lớn lắm quý vị. Còn mình biết chưa tới, cho nên mình buông chưa được.

Bây giờ Thiện Trang nói trở lại ví dụ về sắc, tại sao người ta mê? Bởi vì mình không biết có những nỗi khổ, ví dụ như bây giờ nhìn người đó, tại sao mình thấy mê? Vì thấy người ta đẹp nên quên mất. Nếu suy xét ra, nghĩ kĩ lại, cho quý vị kính hiển vi để soi, [thì] quý vị sẽ thấy toàn là vi khuẩn, vi trùng bám đầy trên da mặt của họ, trên cơ thể họ. Rồi nếu mình soi dưới tia X-quang, mình xét nghiệm ra, thì sẽ thấy các loại bệnh đầy ở trong người. Mình thấy người ta gớm thì mình hết ham. Cho nên quan trọng là nhìn thấy bản chất của sự việc.

Tu hành trong nhà Phật, mình học giáo lý nhiều để nắm được điều đó, để hiểu được thế gian này không yên ổn đâu, gọi là “Tam giới vô an, do như hỏa trạch”. Đây là trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói. Tam giới là ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Dục giới là từ Địa ngục cho đến tầng trời thứ sáu, trong đó có cõi Người, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Sắc giới là từ tầng trời thứ bảy đến tầng trời thứ 24. Và Vô sắc giới là tầng trời 25, 26, 27, 28. Ba cõi đó đều không an, giống như trong nhà lửa (nhà cháy). Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, lấy ví dụ là nhà cháy.

Nhà cháy rồi thì quý vị thế nào? Quý vị đừng nói là ở trong nhà thôi, lửa chưa cháy tới mà. Ở nhà đang tắm mát, hay ở trên sân thượng ngắm cảnh đẹp, vì nhìn được khung cảnh ở xa, lửa chưa cháy tới mà. Nhưng nếu quý vị không ra, thì trước sau gì lửa cháy [tới rồi cũng] chết. Ở trong nhà tắm thì cũng chết ngộp, chết cháy ở trong đó thôi. Cho dù ở trong biệt thự đẹp, sang trọng, máy lạnh điều hòa, TV Oled hạng sang, rồi đầy đủ thức ăn giàu có như vậy. Quý vị đang ăn bàn tiệc nhưng nhà cháy, thì quý vị cũng phải bỏ để mau mau chạy ra. Quý vị ở trên lầu cao, tầng sân thượng, đang ngắm cảnh đẹp, ánh bình mình đang lên. Nhưng lửa cháy sắp tới rồi, nếu quý vị không ra là chết cháy chắc. Kiểu vậy đó!

Bao giờ quý vị hiểu được luân hồi sanh tử đáng sợ, một khi mình chết rồi thì lại luân hồi. Mà không biết lúc nào mình chết, chứ nếu mình biết lúc nào mình chết thì còn đỡ. Mình chưa có ký hợp đồng với vua Diêm La mà. Mình đâu biết mạng mình chết lúc nào. Mình đâu biết là mình có [bị] ung thư, [bị] đột quỵ, hay bệnh gì trong người đâu. Vì không biết trước lửa cháy tới mình lúc nào, nên trước sau gì chết là đi luân hồi. Rồi luân hồi thì mình đi [về] đâu? Vì sợ như vậy, nên mình ráng mau mau ra khỏi nhà lửa Tam giới, tức là mình phải tu.

Bao giờ quý vị hiểu được như vậy thì mới tu được, còn bây giờ mình nhởn nha. Tại vì ở trong phòng đó, giả sử mình đang tắm mát, từ từ, nước ấm hay là nước lạnh dễ chịu quá. Ở trong phòng đó đang coi bộ phim hay, phim chưa kết thúc mà. Hoặc là đang ăn bữa ăn ngon, nhưng mình không biết là nhà đang cháy. Nhà cháy tới rồi, mình ăn không kịp đâu, lo mà chạy ra v.v…. Có người thì lo tìm đồ, tìm vàng, tìm của. Có tìm nổi không? Nhà cháy mà cứ lo [đi] tìm. Nhưng chúng ta đang tìm đó, lo xây dựng sự nghiệp, gia đình êm ấm, tiền bạc, lo làm cho hung (nhiều). Trong khi đó mình biết nhà cháy tới nơi rồi, thì kiếm coi cái nào quan trọng nhất, cầm cái đó [mà] chạy ra cho nhanh. Thậm chí tìm đường nào thoát cho nhanh. Chứ còn ở đó mà lân la, lửa chưa tới, từ từ, chưa có gì đâu, [mà không biết] lửa [tới] là sập tầng, sập nhà luôn…

Cho nên chúng ta tu hành không tha thiết, vấn đề ở chỗ là do chúng ta vẫn chưa nhận diện được nỗi khổ đau trong luân hồi. Mình giống như đang ở trong căn nhà cháy, nhưng mình đang thưởng thức những món ăn ngon, đang thưởng thức bộ phim hay, đang tắm cho đã, đang muốn ngắm cảnh đẹp, v.v… Và mỗi người ở trong đó thì trước sau gì lửa sanh tử cũng tới. Tới lúc muộn rồi thì chạy không được nữa.

Cho nên bây giờ nhân lúc còn khỏe mạnh, nhân lúc còn đang hừng hực tuổi trẻ, còn có thời gian, thì lo mà tu tập. Giống như nhân lúc này lửa còn chưa cháy tới, thì mình tranh thủ kiếm đường chạy, mình xuống cầu thang coi cửa thoát hiểm ở chỗ nào v.v… Hoặc bây giờ nhắm [lửa tới] rồi, không có đường nào chạy, thì leo lên tầng nào đó, cột dây rồi đu xuống. Còn không thì ôm tấm nệm mút quăng xuống, rồi nhảy lên đó, may rớt xuống nệm mút thì còn sống sót được, kiểu vậy.

Đấy là những người tha thiết với sanh tử. Còn mình bây giờ ở trong đó mà vẫn nhởn nha lên, nhởn nha xuống. Nhìn qua nhà hàng xóm, thấy hai người hàng xóm đang cãi nhau vẫn còn thích nghe, hóng hớt coi họ cãi thế nào. Rồi còn lên trên sân thượng để ngắm cảnh kia đẹp lắm v.v… Đó là chưa có tha thiết với sanh tử. Tức là mình chưa thấy được lửa cháy, và mình cứ nghĩ là chưa cháy tới đâu, lửa còn lâu lắm mới cháy tới mình, con cũng tuổi thọ mấy chục năm nữa thầy ơi, kiểu vậy đó.

Cho nên mình tu hành là mình nhận phải diện được. Nếu khi nào mình nhận diện với tâm tha thiết, với tâm cực kỳ dũng mãnh như vậy, thì tự nhiên quý vị ra khỏi sanh tử rất dễ. Vì quý vị có thể dễ dàng bước vào Sơ quả Tu-đà-hoàn. Vì quý vị thấy được nỗi khổ, đó là thấy được giáo lý Tứ đế. Thấy được một phần, không thấy được trọn vẹn, nhưng thấy được một phần lớn. Một phần lớn đó thì đủ [để] quý vị chứng được Sơ quả Tu-đà-hoàn. Đó là quý vị phá [được] Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Còn bây giờ do mình tu cứ tà tà [theo] năm tháng.

Thiện Trang xin chia sẻ với quý vị, đa phần công phu không đắc lực là vì sao? Thiện Trang lâu lâu cứ nảy ra ý tưởng, tại sao người Việt Nam mình biết Phật pháp rất đông, nhưng người tu hành không thành tựu, ít quá? Thiện Trang nghĩ có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là học giáo pháp, nhưng ít có người học rốt ráo. Học toàn cứ giống như vỗ về an ủi, học toàn thấy khen này khen kia, dạy bố thí cúng dường [để có] phước báo, toàn thấy đời sau quả lành tốt đẹp không. [Nhưng] lại quên mất học sanh tử đáng sợ, quên học căn nhà lửa đó cho kỹ, bài học đó thì không học.

Thứ hai là vì không có sự tha thiết. Vì nghĩ [đời] còn lâu dài, và chẳng thấy có ai làm gương cho mình. Giáo pháp thì không biết, tâm tha thiết không có, thiếu tấm gương. Quan trọng là bận rộn quá, đây là nguyên nhân thứ tư.

[Tóm lại có bốn nguyên nhân]: Một là không biết giáo lý, học giáo lý không tới; Hai là tâm không tha thiết; Ba là không có tấm gương; Và thứ tư là vì bận rộn quá, nên đầu cứ quay vòng vòng suốt ngày. Sáng ra đi [làm], thấy xăng hôm nay lên giá rồi, không biết [giá xăng] bao nhiêu. Đang đi thì cũng không nhớ để niệm Phật, niệm pháp. [Toàn] là nghĩ chưa đóng tiền cho con, phải đi đón con, chiều đi chợ nấu cho chồng món gì v.v…. Một ngày hình như toàn là suy nghĩ những công việc không tên, những công việc hàng ngày chiếm hết thời gian. Và đầu óc cứ quay như vậy, đến khi tối thì rã rời, mệt mỏi, nằm xuống ngủ gục. Rồi sáng hôm sau cũng ráng dậy vì đồng hồ kêu, ráng dậy đi thôi chứ đâu có thời gian, và [người] thì đơ đơ, mang thêm một ngày não nề, mệt mỏi. Với tâm trạng như vậy mà học pháp, thì xin lỗi, [quý vị] khó mà tu tập được. Chỉ có những người rảnh rỗi thì [mới tu được].

Quý vị coi trong Kinh Nikaya, bộ Kinh Sừng Tê Giác, [hay] bên Kinh A Hàm thì gọi là Kinh Ngưu Giác Sa La Lâm gì đó, còn bên Nikaya là bộ Kinh Sừng Tê Giác. Thiện Trang nhớ là bộ kinh đầu tiên luôn, đức Phật nói rất rõ ràng: “Hãy cố gắng làm như con tê giác có một sừng”. Bộ Kinh tên là Ngưu Giác; #Ngưu giác là sừng trâu, nhưng thực tế là con tê giác, tê giác có một sừng thôi. [Nên] cố gắng độc lập, đừng vướng bận ai, đừng có vướng này vướng kia, chỉ có độc hành, độc giác như vậy, thì mình mới có thời gian để suy nghĩ, thì tu tập mới tốt.

Còn đằng này mình bận rộn bao nhiêu thứ. Trong Kinh Di Giáo [nói] cũng vậy: “Giống như một cái cây mà có quá nhiều chim bay tới đậu, thì bị nạn gãy cành”. Một người mà bận rộn suốt ngày, chỉ lo chuyện này, lo chuyện kia, lo cơm áo gạo tiền, lo đủ thứ các kiểu, thì tâm họ bấn loạn, không có thời gian để tư duy Chánh pháp. Cho nên tu tập nghe pháp thì nghe vậy thôi, [nhưng] nghe tai này lọt tai kia, và chính vì vậy nên không có ngộ tánh.

Cho nên không có thời gian, một tâm trạng mệt mỏi, một tâm trạng rã rời, một tâm trạng bận rộn, thì không bao giờ ngộ. Khó ngộ lắm! Phải có chút [rảnh rỗi] nào đó, phải trung đạo, phải có những lúc ngắm được trời, mây, nước một chút, hoặc có gì đó thanh thản, đầu óc rảnh rang ra thì quý vị mới ngộ được.

Thiện Trang cũng nói với quý vị, hồi xưa Thiện Trang hay than là Thiện Trang bận. Sau này Thiện Trang thấy là do ai mà mình bận? Thiện Trang nghĩ là mình bận là do mình, chứ có ai bắt mình bận đâu. Nếu mình biết cách sắp xếp công việc, mỗi thứ buông một chút, thì tự nhiên khác hẳn. Quý vị thấy thời gian năm 2024 này, Thiện Trang buông bớt nhiều công việc. Ví dụ như việc phiên dịch, Thiện Trang không chạy đua như hồi xưa. Việc phiên dịch hồi xưa là phải dịch liên tục [đến] đuối sức thì thôi. Còn bây giờ thì không, dịch từ từ lại, dịch nhẹ nhàng lại. Vì Thiện Trang thấy là chỉ cần có thời gian coi kinh, coi sách, rảnh rỗi. Không cần ngắm gì nhiều, đi ra ngoài đường nhìn một điều gì đó, hay một con vật gì đó, thì tự nhiên tâm sáng hẳn. Tại vì đầu óc mình không bấn loạn, không bận rộn.

Thứ hai là bớt phan duyên, không lên trên mạng coi [điều này điều kia], ai muốn làm gì thì làm, không quan tâm. Ai tu được thì tu, ai không tu được thì kệ họ. Người phiền não mà tìm mình nhiều quá thì cắt duyên. Đức Phật nói là né duyên đi, tránh duyên đi. Những người mà Phiền não nhiều, trong Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh cũng nói là “đừng có thân cận người giải đãi”. Người giải đãi là người không lo tu, họ cứ tìm chuyện này, tìm chuyện kia, than thở trời đất. Những người nhiều chuyện thì né hết. Quý vị cứ né hết những người đó ra, thì yên tâm, quý vị sẽ đỡ khổ rất nhiều. Những người nhiều chuyện thì hay kể những chuyện linh ta linh tinh, kể chuyện đời của họ, kể chuyện đời của người này người kia, rồi Đạo tràng này, [Đạo tràng] kia v.v… dần dần bỏ hết. Thiện Trang thấy dần dần về sau mình không biết gì hết, và người ta hỏi Thiện Trang thì Thiện Trang cũng nói không biết gì mấy, dần dần không biết.

Và nhờ sự không biết đó, nhờ không có những việc giống như nỗ lực phiên dịch, bận rộn mệt mỏi như hồi xưa. Cứ phiên dịch, mệt quá thì thôi, ta dịch bấy nhiêu đó thôi. Hồi xưa dịch ráng một ngày một tập, bây giờ hai ngày một tập cũng được, miễn là mình tu an lạc. Khi mình có an lạc rồi, trí mình sáng rồi, thì làm gì cũng chuẩn. Quý vị thấy an lạc thoải mái hơn chứ, tự nhiên quý vị trói buộc mình vào cái khổ [làm gì].

Cho nên ở đời tuy mình không có phước báo, nhưng quý vị hãy cố gắng xem lại, suy xét lại coi mình làm việc như thế nào, mình phải cho mình có những thời gian [rảnh rỗi] trong ngày, chứ đừng ham làm việc từ sáng đến tối, đờ đẫn như vậy thì không nên. Phải có thời gian để nghe kinh, nghe pháp, rồi thoải mái nhẹ nhàng. [Đối với] con cái phải biết phân công lao động cho nó, để mình cũng rảnh bớt. Còn mình lo quá, chăm sóc từ A tới Z, con lớn rồi cũng cơm bưng, nước rót, đủ các kiểu. Mà quý vị làm như vậy là tổn phước người ta, tổn phước con cái, hãy để nó tự làm.

Sống ở đời phải biết quản lý thời gian. Người nào biết quản lý thời gian của mình tốt, thì người đó tự nhiên hạnh phúc. Người không biết, cứ chạy theo [nhiều] chuyện, thì chạy đến già, đến chết cũng mệt. Cho nên quý vị hãy cố gắng nha! Lâu lâu Thiện Trang chia sẻ những pháp hành. Quý vị cố gắng lập ra lịch cho mình, làm sao công việc phải giải quyết nhanh, gọn, và việc nào đáng thì làm, còn không đáng thì thôi. Bớt giao du với thiên hạ lại, [làm] những điều nào cần thiết, điều nào không cần thiết thì thôi. Đặc biệt đừng ham hố những chuyện showbiz, những chuyện hội nhóm gì đó.

Giống như bây giờ Thiện Trang thấy đồng tu cứ [đưa] lên những chuyện của Sư Minh Tuệ. Nếu mình thực sự chuyên tu thì quý vị không cần quan tâm. Bây giờ cả thiên hạ bảo vệ Sư Minh Tuệ, đó là chuyện của Sư Minh Tuệ, mình không cần lo. Sư Minh Tuệ đâu có quan tâm. Mình quan tâm làm gì? Tốt nhất là như vậy.

Tại vì chúng sanh cực đoan quá, bây giờ có hai đường hướng: một là bảo vệ thì bảo vệ tới chết; hai là chống phá, nói xấu, phỉ báng tới chết. Hai đường đó đều cực đoan quá. Chúng ta không nên cực đoan, gọi là người tu hành phải sống chánh niệm. Việc nào cần nói thì nói, việc nào không nên nói thì không nói. Đừng có theo những dòng đó, hết chuyện này rồi bữa sau lại có chuyện khác. Mà cứ nhiều chuyện như vậy, quý vị theo dõi những điều đó một hồi là quý vị không có thời gian tu. Mà tâm của quý vị rối, tâm của quý vị còn bênh vực người này, bênh vực người kia, còn muốn nói xấu người này, nói xấu người kia, thì tâm của quý vị loạn rồi. Loạn rồi thì tu làm sao được, đúng không ạ?

Cho nên hãy cố gắng điềm tĩnh tâm, mọi thứ ở đời mình hãy tùy duyên. Chúng sanh nhiều vô lượng, mình mà góp thêm một chút vô làn sóng đó, thì mình [làm] khổ mình thôi. Còn chúng sanh dù sao thì cũng theo dòng nghiệp. Cho nên đây là bí quyết giữ tâm thanh tịnh, để tu tập tốt. Hãy cố gắng làm như vậy, thì quý vị sẽ có một quỹ thời gian và có phước báo. Khi mình có trí sáng rồi, thì mình nhìn mọi sự việc khác. Nhớ nha quý vị! Khi trí tuệ mình sáng rồi, thì mình nhìn mọi sự việc khác.

          Còn người suốt ngày phiền não, bận rộn, thì thường nhìn đời bi quan, bi lụy, giống như mình tu thì tu vậy thôi. Và khi tu chưa có an lạc mà như vậy, thì mai mốt lỡ đứt bóng giữa chừng, giống như bất ngờ có chuyện gì xảy ra, thì mình đi theo dòng nghiệp. Thông thường là theo chiều hướng đi xuống, tức là không đi lên được, cho nên khó thành tựu lắm. Còn nếu mình tu mà lúc nào tâm trạng của mình cũng sáng suốt, cũng rất rõ ràng, thì lỡ có chết bất đắc kỳ tử, mình cũng có nẻo lành mà đi. Đối với đồng tu Tịnh Độ, thì gọi là niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Còn đối với những người không tin Tịnh Độ, thì cũng có cõi lành mà đi.

Thậm chí nếu với trí tuệ của mình, mình huân tập về Khổ, Vô thường, vô Ngã, rồi mình hành pháp đầy đủ, có niềm tin đối với Phật, không nghi, và thân thể này mình coi là giả tạm. Có thể đến lúc khi xảy ra những việc đó, thì mình thậm chí nhập vào dòng Thánh, tức là Sơ quả Tu-đà-hoàn. Hãy tu như vậy! Còn tu mà cứ chạy theo, giống như tu kiểu công nghiệp thì không được đâu.

Phật pháp khác với thế gian, Phật pháp không phải là thế gian. Ở thế gian, nếu quý vị bận rộn trong một việc gì đó, [thì] có thể quý vị [sẽ] thành công. Nhưng Phật pháp không phải [như vậy]. Trong Phật pháp, nếu bận rộn quá mức thì không thể thành công. Phật pháp khác với thế gian, ở thế gian nếu quý vị học giỏi, [rồi] quý vị cống cao ngã mạn, [thì] quý vị có thể thành công. Quý vị có bằng tốt nghiệp Đại học loại giỏi, rất khí thế, quý vị ngã mạn nhất trường đó, nhưng quý vị học giỏi nhất thì cũng được.

Nhưng trong Phật pháp [như vậy] thì không được. Phật pháp mà ngã mạn lên thì không đắc được gì hết. Phật pháp mà còn tham chấp thì không đắc. Phật pháp mà còn si mê thì không đắc, khó như vậy! Điều khó của Phật pháp là phải xả bao nhiêu thứ. Cho nên phải tự tại tùy duyên, nhưng không bị cảnh làm lay động, phiền phức. Nãy giờ ở trong đoạn này, Thiện Trang nói có mấy từ gọi là “ưu phiền đệ nhất”, là mấy Phiền não đó.

Tóm lại, mình phải sống làm sao mà không phiền não. Ở đời vẫn có niềm vui, mình làm việc mỗi ngày. Chúng ta làm việc với tâm lượng của Bồ-tát Đại thừa: làm việc là đang tu, đang tạo phước. Hằng ngày mình vô công ty làm việc là đang kết duyên với chúng sanh, [ta] vui vẻ, hoan hỉ. Mình làm đừng có căng thẳng, làm với trách nhiệm, chứ đừng vừa làm vừa ray rứt là: đang làm thì không tu được. Xin lỗi! Đang làm thì cũng tu được. Cứ nghĩ một chút là chánh niệm. Người niệm Phật là: bữa nay ta làm thêm công việc này, là ta đang kết duyên thêm với mấy chúng sanh nữa, mấy người nữa. Quý vị trực điện thoại: “Alo! Vâng, anh chị đang gọi tới tổng đài…”, thì mình hiểu là đang kết duyên thêm được một người nữa, mai mốt thành Phật, thành Bồ-tát thì độ thêm một người nữa rồi. Mình nghĩ vậy thì tự nhiên vui vẻ thêm một chút. Hôm nay có thêm việc này nữa, làm xong một công việc này là [đã] trả thêm bớt nghiệp rồi đó. Cứ như vậy, tức là tâm mình vẫn vậy thôi, mình ở trong đó và mình vui vẻ. Mình biết là mình đang làm việc, nhưng cũng là đang tu đó. Ráng nhớ Phật, Pháp, Tăng, nhớ niệm Phật v.v…

Làm như vậy thì mình vẫn rất hoan hỉ, rất vui vẻ. Đi ra ngoài đường vẫn vui, đi đâu cũng vui, làm việc gì cũng vui, nấu cơm cũng vui, đi vô nhà vệ sinh cũng vui, không sao hết. Vì sao? Vì thấy tất cả thế gian này đang là cơ hội để tu. Tu là tu như vậy đó. Chứ bây giờ đợi lên chánh điện thì không có nhiều thời gian, mà tu ở trên chánh điện thì đa số là tu Thiền chỉ. Còn mình tu Thiền quán là chính, là mình tu trong mọi lúc mọi nơi. Quý vị vừa tu trên chánh điện (vừa tu trước bàn Phật), vừa tu trong mọi đời sống, ai cũng tu được hết. Quý vị đừng nói quý vị không có phước báo. Có! Ai cũng có phước báo hết, ai cũng có thể tu được.

Thiện Trang nói vấn đề là ở chỗ nghe pháp. Nghe pháp thì quý vị phải có thời gian để tập trung nghe, làm việc nhẹ nhàng thì mới nghe được, còn làm việc phân tâm thì nghe không được sâu, mà nghe không sâu thì phải nghe đi nghe lại nhiều lần. Nghe đi nghe lại nhiều lần thì mới vô được một chút. Đấy là điều khó! Và quý vị nên nhớ, những bài mà người khác đúc kết, chép lại, hay có những bài trong sách thì nên coi. Thỉnh thoảng mặc dù mình nghe rồi nhưng mình coi lại, thì cũng củng cố cho mình nhiều điều lắm.

Cho nên hãy biết học pháp, chứ còn nghe Thiện Trang giảng, vị thầy khác giảng, Hòa thượng Tịnh Không giảng, hay ai giảng, mà quý vị nghe qua một lần, xong rồi tai này chạy qua tai kia, thì không xài được đâu. Phải làm sao ngấm vào để thành của mình, thì ra ngoài mới xài được. Và dần dần như vậy, biết đâu ngày nào đó quý vị giác ngộ đắc đạo.

Cách là như vậy thôi, không có khó đâu. Thiện Trang nghĩ điều khó trong tu hành là mình giữ được tâm không phiền não, chỉ cần [bị] Phiền não là công phu mất hết. Quý vị chỉ cần đừng ray rứt, đừng khó chịu, đừng có bực dọc, đừng có tức tối, đừng có tham chấp một điều gì hết. Quý vị cứ giữ được như vậy lâu dài là tu được hết, dù hoàn cảnh cỡ nào thì quý vị cũng tu được hết, công phu sẽ đi lên theo năm tháng. Còn quý vị mà khó chịu, quý vị say mê, mê điều này, mê điều kia, quý vị tức người ta, quý vị ghét hận người khác, quý vị ray rứt, nhớ chuyện ngày xưa, chuyện năm tháng cũ, rồi mơ tưởng chuyện tương lai, những điều đó đều phá công phu của quý vị hết.

Cho nên những người tu được là người tự tại trong hiện tại. Theo Kinh Nhất Dạ Hiền Giả, là quá khứ qua rồi thì thôi, đừng nghĩ nữa. Tương lai chưa tới thì đừng có truy tìm, đừng ước vọng làm chi. Mình cứ sống như vậy, an nhiên tự tại, rất rõ ràng, sáng suốt, không phiền, không não. Dù hoàn cảnh có bi đát, bi thương hay vui vẻ như thế nào, [thì] mình cũng giữ được tâm bình thường, gọi là bình thường tâm thị đạo (tâm bình thường là đạo). Cứ giữ như vậy thì dù quý vị không tu nhiều, nhưng quý vị rất hoan hỉ, rất vui vẻ, đó là quý vị đang tu đắc lực đấy. Thời gian tu không nhiều chăng nữa thì cũng được.

Thiện Trang thấy thà như vậy, còn hơn những người tu rất tinh tấn, dùng thời gian mười mấy tiếng đồng hồ. Tu thì [có vẻ] ghê lắm, vô tụng bao nhiêu bộ kinh, bao nhiêu câu Phật hiệu, nghe bao nhiêu [bài] pháp. Nhưng khi ra gặp chuyện là nổi khùng lên, rồi ray rứt với chuyện của người khác, tức mình với người này, hận người kia v.v… chuyện quá khứ nhớ như in, không bỏ được. Đó là đốt sạch công phu. Không bằng một người tu nhẹ nhàng, hằng ngày vui vẻ, hoan hỉ, họ tu ít nhưng họ giữ được.

Giống như bình nước đó quý vị, tích nước được, không có rỉ chảy, mặc dù rót vô rất ít, nhưng có bao nhiêu thì giữ bấy nhiêu. Còn người kia thì tu dữ lắm, nào thọ Bát quan trai, nào tu một ngày mười mấy, hai chục tiếng, trông ghê gớm lắm, nhưng Phiền não nổi lên là xong. Giống như đổ nước vô cái bình cho nhiều, nhưng bình bị lủng cho nên nước chảy hết sạch. Thậm chí nhiều người tức giận lên thì bị âm nữa quý vị. Thù hận ghét người ta v.v… cứ suốt ngày nghĩ người ta nói xấu mình, nghĩ như thế này thế kia. Nhiều khi người ta nói vô ý, không có nói mình, [nhưng] mình cũng ghi nhớ rồi ray rứt. Rồi người ta lườm mắt là bắt đầu cũng nhớ, nhớ ngày này qua tháng nọ. Những người đó giống như những cái bình lủng, không chứa được nước, tức là không chứa được công đức, mình tu Ba-la-mật bị chảy sạch hết.

Cho nên bí quyết là hãy cố gắng giữ, giữ thì dù mỗi ngày mình tu một ít, nhưng từ từ rồi cũng đầy. Còn những người tu nhìn thì [có vẻ] tinh tấn, nhưng chỉ là hình thức tinh tấn, còn tâm không tinh tấn, tâm không giữ được công phu. Nổi sùng, nổi điên, thế này thế kia, tham, sân, si, mạn, nghi, đầy hết v.v… thì những điều đó cuối cùng không giải quyết được, cuối cùng không có chứa lại được gì hết.

 Đấy là bí quyết tu hành, chắc hôm nay cũng hết giờ rồi, Thiện Trang xin chia sẻ tới đây. Tại vì bài này cũng hơi ngán, [nên Thiện Trang] chia sẻ những điều này, mong là quý vị hiểu được, mỗi lần chia sẻ một chút pháp hành.

A Mi Đà Phật! Hẹn quý vị vào bữa khác, hôm nay chúng ta dừng ở đây. Mời quý vị chúng ta cùng hồi hướng:

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo”.

A Mi Đà Phật!