Nam Mô A Mi Đà Phật!
Kính gởi đến chư vị hữu duyên cách giải thích của Thầy Thích
Thiện Trang (FB Nguyễn Văn Trang) về nguyên lý của lục căn, lục thức và lục trần
dưới cách nhìn của Pháp-tướng Duy Thức. Hiểu được điều này chúng ta có thể lý
giải được phần nào các pháp để chúng ta có thể hành xử được đúng đắn trong việc
tiếp người đối cảnh hàng ngày.
*********
Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là lục trần. Những cảnh giới
bên ngoài mà sáu căn chúng ta tiếp xúc được gọi là lục trần.
Sáu căn của chúng ta là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp
xúc với cảnh giới bên ngoài gọi là lục trần. Những gì mà mắt thấy được gọi là sắc
trần. Những gì mà tai nghe được gọi là thanh trần. Những gì mà mũi ngửi được gọi
là hương trần, ví dụ như mùi thơm, mùi hôi v.v… Những gì mà lưỡi nếm được gọi
là vị trần. Những gì mà thâncảm giác được gọi là xúc trần. Ví dụ như bây giờ ở
đây rất lạnh, chúng ta cảm thấy lạnh, đó là xúc. Hoặc là chúng ta chạm vào thứ
gì đó thấy ấm ấm, mềm mềm. Đó là xúc, xúc là tiếp xúc. Những gì mà ý phân biệt
được gọi là pháp trần. Ví dụ nghe nói xe ô tô (xe hơi) quý vị biết là xe ô tô,
như vậy là ý của quý vị phân biệt được. Nghe nói Tây Phương Cực Lạc, trong đầu
định hình được Tây Phương Cực Lạc. Đó là ý phân biệt, gọi là pháp trần. Bởi vì
những hoàn cảnh bên ngoài này có thể ô nhiễm tâm thanh tịnh, cho nên gọi là trần.
Trần là bụi, là dơ, là ô nhiễm. Những cảnh bên ngoài làm cho
tâm mình bị ô nhiễm, không còn tâm thanh tịnh nữa, gọi là trần. Có sáu loại cho
nên gọi là lục trần. Sáu loại đó thứ nhất là về âm thanh, là đối tượng của tai.
Thứ hai là đối tượng của mắt, là những hình ảnh. Đối tượng của mũi là những mùi
hương. Đối tượng của lưỡi là những gì có vị như đắng, cay v.v… Còn đối tượng của
thân là những gì mà thân chạm được, ví dụ như ấm lạnh, êm nhám… Những thứ đó
khiến mình cùng khởi tâm động niệm, làm ô nhiễm tâm mình. Ví dụ như quý vị chạm
vào chỗ nào nóng quá quý vị thấy khó chịu, quý vị chạm thấy lạnh quá quý vị
cũng thấy khó chịu, quý vị đắp chăn đó thấy êm quá thấy thích quá, hoặc chạm
vào chỗ nào thấy sần sùi cũng thấy khó chịu quá. Những thứ đó làm mất tâm thanh
tịnh của mình đi, cho nên gọi là trần. Xúc trần là những gì tiếp xúc được.
Cuối cùng là pháp trần. Ý thức hoạt động từ những tổng hợp
kia, từ âm thanh, từ hình ảnh, từ mùi hương, từ vị v.v…Những thứ đó tổng hợp
đưa vào trong ý thức của chúng ta. Ý thức của chúng ta phân biệt ra khiến cho
tâm mình ô nhiễm, không thanh tịnh cho nên gọi là pháp trần. Pháp là đối tượng
nào đó có thể là hữu hình hay vô hình. Khi nào học Duy Thức Học, có duyên Thiện
Trang sẽ chia sẻ định nghĩa chữ pháp theo Duy Thức Học. Duy Thức Học là pháp
môn có thể giải thích, định nghĩa tất cả các vật. Thiện Trang khuyên quý vị giảng
pháp thời nay nên học Duy Thức. Mình học Duy Thức không phải để giải thoát sanh
tử. Nhưng quý vị học một chút Duy Thức, quý vị giảng tất cả các pháp đều dễ hiểu
hết. Từng mọi ngóc ngách mình đều có thể giảng cho người ta dễ hiểu hết. Đó là
lợi ích của Duy Thức. Ví dụ như chút nữa sẽ giải về câu hỏi hồi nãy là cũng dễ
hiểu liền, rồi giải bất cứ cảnh giới nào dùng Duy Thức cũng hiểu được. Cho nên
thời nay căn cơ chúng sanh không phải căn cơ của Lục Tổ Huệ Năng, không phải
căn cơ của ngài Mã Minh, Long Thọ, thì mình cố gắng học Duy Thức để triển khai
từ pháp tướng. Từ pháp tướng nhập vào pháp tánh, từ tướng nhập vào Tịnh-độ, từ
tướng nhập vào Tây Phương Cực Lạc. Đây chúng ta đang tu pháp tướng, chúng sanh
dễ dàng tiếp nhận. Duy Thức không phải người bình thường học được. Người bình
thường học cũng không hiểu, hoặc là không tìm Thầy được. Người phải ngộ về Duy
Thức thì người ta mới giảng dễ hiểu, còn không thì mơ mơ màng màng đọc qua đọc
lại không hiểu gì hết.
Ở đây sẵn Thiện Trang chia sẻ. Ví dụ như nói trong Duy Thức
Tam Thập Tụng hoặc Bát Thức Quy Củ Tụng. Duy Thức Tam Thập Tụng có đoạn là:
“Y chỉ căn bản thức
Ngũ thức tùy duyên hiện
Hoặc câu hoặc bất câu
Như ba đào y thủy”
Chúng ta đang nói năm thức trước là mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân, ý. Năm thức đó nương tựa vào căn bản thức, gọi là y chỉ căn bản thức. Căn
bản thức là A-lại-da. Nó phải có thức đó mới hoạt động, không có thức A-lại-da
thì nó không hoạt động. A-lại-da là kho tàng chứa hết tất cả mọi thứ. Ví dụ quý
vị gặp Thiện Trang, quý vị biết Thiện Trang bởi vì trong tàng thức quý vị đã có
lưu chủng tử Thầy Thiện Trang rồi, đời này và đời trước đều có lưu, cho nên quý
vị có duyên.
Y chỉ căn bản thức là kho tàng mình đã có rồi, tức là A-lại-da-thức.
Ngũ thức tùy duyên hiện là năm thức đó nó tùy duyên mà hiện. Duyên gồm có chín
duyên.
Ví dụ như duyên của mắt để thấy, gọi là nhãn thức. Để thấy
rõ một vật thì phải có chín duyên. Lát nữa Thiện Trang nói về tai, bất niệm tự
niệm sai là ở chỗ này.
Duyên thứ nhất là không, là hư không, tức là khoảng cách. Mắt
quý vị cần có khoảng cách quý vị mới thấy. Quý vị để sát vô trong mắt sẽ không
thấy gì hết. Không có khoảng cách mắt không thấy được. Cho nên nhãn thức phải
có khoảng cách.
Duyên thứ hai là minh, là ánh sáng. Không có ánh sáng mắt
cũng không thấy được gì hết, tối thui. Cho nên hai duyên là khoảng cách và ánh
sáng.
Duyên thứ ba là căn, nhãn căn. Quý vị phải có con mắt. Mắt bị
hư không thấy được.
Duyên thứ tư là tác ý, tức là tâm chúng ta phải có ý niệm,
phải chú ý tới. Không chú ý tới thì quý vị nhìn cũng như không nhìn. Cho nên có
người đang niệm Phật mà công phu cao, niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà
Phật…mắt vẫn mở mà người đi ngang qua lại không thấy gì cả, vì không tác ý. Đây
là nguyên nhân bất niệm tự niệm không thành tựu, lý do không tác ý. Phải có tác
ý mới được. Quý vị chỉ nghe âm thanh không, nó không vô A-lại-da-thức đâu. Nó
là âm thanh dội vô, cho nên màng nhĩ rung, nhiều quá nên rung hoài, nên phát ra
lại. Không tác ý không thành chủng tử. Đây là Duy Thức Học. Thiện Trang đang giảng
Duy Thức Tam Thập Tụng, và Bát Thức Quy Củ Tụng. Quý vị xem hai bộ luận đó của
ngài Thiên Thân. Ngài Thiên Thân có một ngàn bộ luận, có mấy bộ luận về Duy Thức.
Đây là hai bộ luận mà Thiện Trang đang nói, đó là Duy Thức Tam Thập Tụng, và
Bát Thức Quy Củ Tụng, đều nhắc điều này. Thứ tư là tác ý.
Duyên thứ năm là cảnh, tức là phải có hoàn cảnh. Không có
hoàn cảnh quý vị cũng không thấy gì hết.
Duyên thứ sáu là phân biệt y, chỉ cho ý thức thứ sáu. Đây
cũng quan trọng. Ý thức thứ sáu mà không có tác ý, không phân biệt thì quý vị
cũng không thấy luôn. Ví dụ như này giờ Thiện Trang đưa tay lên nhưng quý vị
không thấy, hoặc quý vị không thấy cái micro. Vì quý vị đang chú ý nghe, sự
phân biệt của quý vị đang chú ý vào Thiện Trang thôi, không nhìn micro. Khi Thiện
Trang nhắc, quý vị phân biệt cái micro nên quý vị mới thấy nó (micro). Đó là do
sự phân biệt. Nhĩ thức, tai, cũng vậy. quý vị muốn thành chủng tử trồng vào A-lại-da
cũng vậy. Cho nên quý vị nghe bất niệm tự niệm quý vị không tác ý, ý thức thứ
sáu không hoạt động. Ý thức không nhận âm thanh đó là A Di Đà Phật, là ta đang
niệm Giáo chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc, thì nó sẽ trồng vô chủng tử gọi là mơ
hồ, là vô minh không có tác dụng gì. Phải học Duy Thức mới giải được mấy hiện
tượng này. Cho nên không tác ý không thành chủng tử.
Duyên thứ bảy là nhiễm tịnh y. Cái thức Mạt-na cũng hoạt động
nữa, nó có sự so đo chọn lựa nữa. Cho nên muốn trồng xuống một chủng tử nào đó
tất cả các thức đều hoạt động hết. Nếu thức thứ bảy không chọn lựa thì âm thanh
A Di Đà Phật sẽ có sự đảo loạn, cho nên tại sao nhiều người sau khi niệm A Di
Đà Phật một hồi, lại nghe thành Phật A Di Đà, rồi lại thành Phật A Đà Di … nó lộn
xộn hết vì không có tác ý, thức thứ bảy không hoạt động. Trong cuốn sách đó, họ
có đưa ra hiện tượng đó, nhưng họ không giải thích được tại sao. Hoặc người
chăn vịt thì một thời gian sau toàn nghe vịt kêu, vì anh không tác ý. Ý thức thứ
sáu và thức thứ bảy Mạt-na-thức không hoạt động. Nhiễm tịnh y không so đo không
chọn lựa. Âm thanh đó đưa vào mà không đưa ra, nó lại đưa âm thanh khác ra. Nó
dội vô rồi đưa ra, đưa nhầm âm thanh. Thành ra người nghe hát hò nhiều thì nghe
hát hò. Người chăn vịt nghe tiếng vịt kêu. Nhiều người kể cho Thiện Trang nghe
là bị hiện tượng đó. Cho nên không học giáo lý rất khó.
Duyên thứ tám là căn bản y, là thức A-lại-da, tức thức thứ
tám. Thức thứ tám là nền tảng sanh khởi. Nếu thức thứ tám không hoạt động thì
không được. Quý vị muốn thấy gì phải có thức thứ tám, nó phải đưa vô xử lý, so
sánh. Ví dụ quý vị biết Thiện Trang, vì trong số chủng tử của quý vị đã có chủng
tử Thiện Trang rồi, cho nên khi mắt của quý vị thấy Thiện Trang, đưa vào trong
nhãn thức, truyền tới ý thức thứ sáu phân biệt, nó chụp hình Thiện Trang, bỏ hết
phông nền đằng sau đi, hoặc đang cần so sánh công nghệ nhận diện khuôn mặt, nó
cần con mắt. nó chỉ chụp con mắt thôi. Đó là thức thứ sáu và thức thứ bảy hoạt
động đó. Thức thứ sáu là phân biệt, thức thứ bảy là chọn lựa. Sau khi chọn lựa,
nó đem vô, đối chiếu với kho tàng dữ liệu ở trong xem có cặp mắt nào như vậy
không, nó thấy có cặp mắt giống như vậy, nên nó đưa ra nhận định được đó là Thầy
Thiện Trang, quý vị hiểu không, giống như công nghệ nhận diện bây giờ đó. Nó là
như vậy đó, nó theo công nghệ của Duy Thức Học, nó lưu rồi đưa ra y chang như vậy.
Cho nên không có cái này không được.
Và cuối cùng là chủng tử duyên, chỉ cho hạt giống trong nhãn
thức. Tức là nếu không có chủng tử, đưa vô hình ảnh nào lạ quá, máy không nhận
diện được. Giống như gặp một người lạ, nó chưa biết là ai vì chưa có chủng tử.
Cũng như vậy, mình chưa có chủng tử Tây Phương Cực Lạc. Nếu mình chưa biết A Di
Đà Phật là thánh hiệu của đức Phật A Di Đà, A Di Đà Phật là Giáo chủ của Tây
Phương Cực Lạc thì quý vị niệm cỡ nào thì niệm, nghe cỡ nào thì nghe cũng như
không, tại vì không có chủng tử trong đó. Cho nên Phật chỉ có độ người có duyên
thôi, vì có chủng tử rồi. Trong chín duyên này thì hạt giống hay chủng tử là
quan trọng, là thân nhân duyên. Trong bốn duyên của thức thì đó là thân nhân
duyên. Còn các duyên còn lại là tăng thượng duyên. Cho nên thân nhân duyên mới
quan trọng. Thân nhân duyên ai cũng có rồi. Các tăng thượng duyên là ánh sáng,
là khoảng cách, là những hoạt động của Thức v.v…
Đó là về mắt. Về tai chỉ cần tám duyên, vì tai không cần ánh
sáng, tai vẫn nghe được. Tám duyên trên đủ thì mới thành hạt giống chủng tử
trong A-lại-da-thức. Tám duyên Thiện Trang nhắc lại. Thứ nhất là có khoảng
cách. Tai không có khoảng cách quý vị nghe không được. Thứ hai là có căn là tai
quý vị mới nghe được. Thứ ba là tác ý, quý vị không tác ý chịu thua. Bất niệm tự
niệm nghe không tác ý chịu thua, không trồng chủng tử. Thứ tư là cảnh, âm thanh
là cảnh rồi. Thứ năm là ý thức thứ sáu phải phân biệt được. Nó phân biệt được
âm thanh đó là âm thanh gì. Thứ bảy là nó phải chọn có thứ tự, so đo, đưa đúng
âm thanh, âm thanh nào trước âm thanh nào sau, chữ A trước hay chữ Di trước, chữ
Đà trước hay chữ Phật trước. Đó là hoàn toàn thức thứ sáu và thức thứ bảy hợp
tác với nhau. Cho nên bất niệm tự niệm sai ở những chỗ đó đó, không phải đúng
đâu. Và cuối cùng là A-lại-da-thức, kho tàng phải có sẵn đưa vô mới nhận ra.
(Trích trong bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ
Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Phẩm Tám – Tích Công Lũy Đức – Buổi 1
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 30.01.2021 – VLT 58