費閒歌–憨山大師
Phí Nhàn Ca – Đại sư Hám Sơn
染塵容易出塵難,
不斷塵勞總是閒,
情性攀緣空費力,
不成道果也徒然。
Dịch âm
“Nhiễm trần dung dị xuất trần nan
Bất đoạn trần lao tổng thị nhàn
Tình tánh phan duyên không phí lực
Bất thành đạo quả dã đồ nhiên”.
Dịch nghĩa:
“Nhiễm trần thì dễ xuất trần khó
Không dứt trần lao rốt được gì
Tính tình phan duyên uổng phí sức
Không thành đạo quả cũng vậy thôi”.
Cấu trúc này Đại sư Hám Sơn hay lập đi lập lại cho chúng ta,
tức là thường để “dã đồ nhiên” ở cuối cùng, rồi “không phí lực”, “tổng thị
nhàn”, “nan”, đây là cấu trúc mà ngài có thể lập lại được. Đầu tiên là:
#Nhiễm trần dung dị: tức là #nhiễm trần là nhiễm thế gian
thì dễ, nhưng mà #xuất trần nan là xuất thế gian thì khó. Có nghĩa là chúng
sanh chứ không phải riêng gì chúng ta, ở trong thế giới Ta Bà đầy ô nhiễm, đầy
ác trược quen rồi, càng ngày nhiễm càng nặng hơn, nên ra khỏi trần lao là việc
khó. Giống như thế gian, người ta có thể thức thâu đêm suốt sáng để đánh bài, họ
thức thâu đêm suốt sáng để coi đá banh, họ có thể ăn chơi nhảy múa cả đêm không
sao. Nhưng mà chúng ta bảo họ niệm Phật, hoặc là chính chúng ta vào niệm Phật một
đêm không nổi, niệm tới chừng 12 giờ buồn ngủ quá, chịu không nổi. Đó là “nhiễm
trần dung dị xuất trần nan”, không dễ dàng, tức là chúng ta quen ở trong trần
gian, quen ở trong nhiễm rồi. Nếu chúng ta muốn ra khỏi trần lao là đi ngược lại
thì khó, nên thật sự Đại sư Hám Sơn nói quá đúng.
#Bất đoạn trần lao tổng thị nhàn: #bất đoạn trần lao là
không đoạn dứt được trần lao; #trần lao tức là thế gian thì #tổng thị nhàn: chữ
#nhàn là nhàn của rảnh rỗi, nhưng nghĩa ở đây là uổng công, luống công chẳng được
gì. Nếu mình không dứt được trần lao thì cuối cùng chỉ uổng công thôi, chẳng được
gì, Thiện Trang dịch là “rốt được gì”.
#Tình tánh phan duyên không phí lực: tức là tánh tình mình
phan duyên, làm đủ thứ chuyện thế gian: từ thiện, việc này kia… cuối cùng uổng
phí sức mà thôi, vì:
#Bất thành đạo quả dã đồ nhiên: không thành đạo quả thì cũng
vậy thôi, cuối cùng cũng sanh tử luân hồi.
Đoạn này nói thế gian có rất nhiều chuyện, chúng ta phải biết
ưu tiên làm việc gì. Đại sư Hám Sơn nói như vậy có nghĩa là nếu như chúng ta
không ra khỏi trần lao, vẫn phan duyên làm những việc thế gian. Ví dụ bây giờ
người ta thích từ thiện lắm, người ta làm này làm kia thì dễ hơn. Nhưng cuối
cùng là “dã đồ nhiên”. “Bất thành đạo quả” là không thành đạo quả, chúng ta nói
không vãng sanh thì cũng như vậy thôi. Vì đời sau luân hồi, dù có phước cũng hưởng
phước báu trong [cõi] Trời, Người, cũng vẫn trong luân hồi. Thậm chí hưởng phước
trong loài Súc sanh, trước sau gì cũng vô Địa ngục, cho nên “tổng thị nhàn” là
cuối cùng chẳng được gì, “dã đồ nhiên”.
Ở đây nói để nhắc nhở chúng ta tu hành, quý vị phải nhớ đây
là điều quan trọng. Cho nên nếu không học giáo pháp, chúng ta thường cho chúng
ta là đúng, thường chúng ta nghĩ là ngon, nhưng thực tế chưa hẳn như vậy. Quý vị
thấy Đại sư Hám Sơn nói như vậy. Cho nên đối với chúng ta, để không xa rời Phật
pháp thì cố gắng học, học bộ này tuyệt vời. Bộ Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú hay
còn gọi bộ Khoa Chú của Kinh Vô Lượng Thọ, Hoà thượng nói là mỗi một đoạn, mỗi
một câu đều rất tuyệt vời. Ngài Hoàng Niệm Tổ đều ghi trích dẫn đoạn đó từ đâu,
tập hợp từ 83 bộ Kinh Luận, 110 loại Chú Sớ của Tổ sư Đại đức. Vì vậy chúng ta
học được bộ này rất tuyệt vời, từng câu từng chữ trích dẫn có nguồn gốc, chứ
không phải [do] ngài Hoàng Niệm Tổ tự viết ra, nào là trích của Đại sư Ngẫu Ích
v.v…
Quý vị học với Thiện Trang, Thiện Trang cũng chia sẻ, như đoạn
vừa rồi trích thêm của Đại sư Hám Sơn, hoàn toàn là dùng lời của chư Tổ chứ
không phải lời của chúng ta. Hòa thượng nói: học được điều này khiến chúng ta
sanh khởi tâm cung kính, sanh khởi được niềm tin. Cho nên nếu mình không học
thì không biết, nếu mình học thì biết, mình sanh khởi được tâm cung kính, sanh
khởi được niềm tin, niệm Phật công phu mới đắc lực, và người xưa nói là ba năm
có thể vãng sanh. Hòa thượng nói công phu người đời nay niệm Phật ba năm không
vãng sanh là tại vì thời nay tín tâm yếu, thứ hai là không có tâm cung kính.
Thiện Trang thấy thời nay quý vị học Phật pháp dễ hơn, Phật
pháp đến tận nhà, đến tận điện thoại của mình, cho nên thiếu tâm cung kính, hời
hợt và đồng thời quá nhiều việc thế gian, quá nhiều việc phiền nhiễu khiến cho
quý vị không có thời gian. Thậm chí còn bị lôi kéo, lúc thì đi theo đường này,
lúc theo đường kia, tâm luôn luôn không có định, không định chứng tỏ niềm tin
mình không đủ. Cho nên niệm Phật có ba điều kiện: Tín, Nguyện, Hạnh, mình thiếu
chữ tín.
Quý vị vẫn còn thay đổi phương pháp, đổi qua đổi lại, đổi
người này đổi người kia, muốn chỗ này muốn chỗ kia, trong tâm như vậy thì làm
sao có thể trụ vững được, đó chính là “nhiễm trần”. Cho nên muốn ra khỏi
trần lao phải một chí hướng, một phương hướng, một mục tiêu, một câu Phật hiệu
niệm tới cùng, một bộ Kinh Vô Lượng Thọ học tới cùng. Tất cả những thứ khác Hòa
thượng nói cũng có thể học, nhưng học với mức độ tham khảo, không học nhiều,
không đem đó làm chính.
Như lúc Hoà thượng ở tại Đài Trung, ngài nói mỗi tuần học rất
nhiều. Hoà thượng học giảng Kinh [chỉ] một bộ với ngài Lý Bỉnh Nam, ngoài ra
ngài Lý Bỉnh Nam giảng một bộ khác cho những người khác học, thì ngài cũng dự
thính, tức là ngồi nghe thôi chứ không học theo bộ đó. Còn chính mình phải dụng
công trên bộ của mình. Cũng vậy, chúng ta phải dụng công trên bộ Kinh Vô Lượng
Thọ, dụng công trên Kinh A Di Đà. Ở đây chúng ta quá tuyệt vời, chư Tổ đã soạn
cho chúng ta rồi, nên chúng ta chỉ cần học một bộ này thì niềm tin mình sẽ sanh
khởi.
(TRÍCH KINH VÔ LƯỢNG THỌ KHOA CHÚ TUYỂN GIẢNG – CHÁNH THÍCH
KINH VĂN – PHẨM THỨ NHẤT – PHÁP HỘI THÁNH CHÚNG – BUỔI 6 – 039 – GIẢNG GIẢI THẦY
THÍCH THIỆN TRANG)