Hồi xưa Thiện Trang cũng như vậy, không có thời gian nhiều để
tu, cũng bận như quý vị thôi, bận lắm. Ở tại gia [có] bận của tại gia, đi xuất
gia cũng bận của xuất gia, nhưng mà thường xuyên bám pháp. Bí quyết của Thiện
Trang là bám theo pháp, học pháp bất cứ lúc nào có thể, nghe pháp, còn lại là
đi đứng nằm ngồi trong bốn oai nghi: hành, trụ, tọa, ngọa siêng năng niệm Phật.
Thiện Trang niệm thầm quen rồi, chứ còn niệm ra tiếng là không được.
Hồi xưa đi dạy niệm ra tiếng làm sao được; vô trong chùa niệm
ra tiếng người ta chửi mình sao, không được. Cho nên niệm thầm quen rồi, bây giờ
cũng niệm thầm thôi. Mà niệm thầm có điểm rất lợi của niệm thầm là không có mệt,
sức khỏe tốt hơn, tại vì không tốn nhiều sức. Còn quý vị hét to cũng được, gọi
là niệm to thì công đức lớn, thấy Phật lớn, nhưng mà cũng mệt. Cho nên mình tu
trung đạo thôi. Quý vị thấy Thiện Trang dẫn chúng bảy tiếng rưỡi đồng hồ, niệm
suốt mà vẫn niệm tốt.
Cho nên ráng tu đi, tu được [một] thời gian sẽ thấy. Phải dụng
công, phải buông, còn quý vị cứ lấn cấn chuyện gì đó, niệm Phật mà cứ nghĩ con
mình sao đó, công việc của mình sao đó, việc này việc kia v.v… lo lắng không
biết tương lai mình đi về đâu, lo đủ thứ chuyện thì nói thật đó là xen tạp. Đó
là niệm sanh tử, đó là niệm Ta Bà, niệm luân hồi không thể nào mà đắc lực được
hết. Tại vì đó là niệm trên miệng, không có trên tâm. Cho nên muốn niệm Phật,
buông là được, buông thì tâm thanh tịnh, niệm câu nào [đều] tương ưng: “Nhất niệm
tương ưng nhất niệm Phật”. Mỗi niệm của chúng ta đều là tương ưng với niệm Phật,
mỗi niệm của chúng ta tương ưng với giác ngộ giải thoát, thì câu Phật hiệu mạnh.
Người ta có thể không tu mấy, nhởn nhơ đi qua đi lại chơi
v.v… nhưng người ta có dụng công trong đó, ai biết được, người ta tự tu. Làm
sao biết [người ta dụng công?]. Nhìn vào trí huệ của người ta, nhìn vào sự ứng
phó trước những hoàn cảnh. Những người có công phu là khi đối trước cảnh người
ta rất điềm tĩnh, gặp khó khăn người ta cứ nhẹ nhàng. Còn mình gặp một chút
chuyện gì là bắt đầu nhao nhao lên, phiền não, nhìn cái mặt là biết phiền não rồi.
Cho nên mình biết ngay là người có công phu hay không.
(TRÍCH KINH VÔ LƯỢNG THỌ KHOA CHÚ TUYỂN GIẢNG – TỔNG THÍCH
DANH ĐỀ – BUỔI 5- 033 – GIẢNG GIẢI THẦY THÍCH THIỆN TRANG)