Responsive Menu
Add more content here...

Tâm Vô Hạ Liệt, Diệc Bất Cống Cao

TÂM VÔ HẠ LIỆT, DIỆC BẤT CỐNG CAO.

心無下劣(1),亦不貢高。

# Tâm vô hạ liệt, diệc bất cống cao: là tâm không có thiếu tự tin. Đối với bản thân không thiếu tự tin mà cũng không cống cao ngã mạn. Điều này chúng ta dễ có lắm: hạng người thứ nhất thì không tin mình vãng sanh, không tin mình có thể niệm Phật được đắc đạo, nghĩ mình nghiệp chướng nặng nề quá, hoặc là nghĩ tu pháp này không biết bao giờ giải thoát. Đó là thiếu tự tin, người tự xem mình hèn kém là hạ liệt. Ở trong căn bản phiền não của Duy Thức Học có bất tín là không tin. Còn “diệc bất cống cao” là không có cống cao ngã mạn, chúng ta thường hay có. Ví dụ chúng ta học Phật Pháp, tu một thời gian là coi mình tuyệt vời quá, tu giỏi quá nên không coi ai ra gì cả. Hay là thấy mình tu Pháp môn niệm Phật này tuyệt vời quá, coi thường những người tu Pháp môn khác thì đều là sai lầm.

Trong Pháp Tướng Duy Thức có chia ra bảy loại cống cao ngã mạn:
1. Vô tật: tức là tự cho mình không có bệnh tật, hay là tự cho mình đức tính tốt đẹp, không có lỗi lầm, nên sanh ra ngã mạn.
2. Thiểu niên hay Thiếu niên: tức là cho mình tuổi trẻ, khinh thường người già v.v… đó cũng là cống cao ngã mạn.
3. Trường thọ: cho mình sống lâu nên sanh tâm ngã mạn.
4. Tộc tánh: là có địa vị, giai cấp. Ở Ấn Độ thời xưa có bốn giai cấp, còn bây giờ cho chúng ta là tầng lớp tri thức, là Bác sĩ, là Kỹ sư, hay gia đình tri thức v.v… đều là cống cao ngã mạn.
5. Sắc lực: là sắc tướng đoan chánh, tự thấy mình đẹp, những người nữ hay bị điều này, cũng là cống cao ngã mạn.
6. Phú quý: là có tài sản nhiều, có địa vị cũng dễ sanh ra cống cao ngã mạn. Người giàu ỷ tôi cúng dường, tôi hộ trì v.v… ví dụ hộ trì Hòa thượng một thời gian sanh ra cống cao ngã mạn, không coi ai ra gì.
7. Đa văn: là ỷ mình học nhiều cũng sanh ra cống cao ngã mạn.

Đó là theo Duy Thức Học chia ra như vậy, chúng ta xem mình có rớt vào đây hay không. Kinh Vô Lượng Thọ nói chúng ta không được cống cao, cũng không được hạ liệt, tổng cương lĩnh tu hành là phải ở giữa là trung đạo, không cống cao ngã mạn cũng không thiếu tự tin.

(TRÍCH VLT140 – TẠM CHIA SẺ KINH VÔ LƯỢNG THỌ – PHẨM 43: PHI THỊ TIỂU THỪA – THẦY THÍCH THIỆN TRANG) 

Nam Mô A Mi Đà Phật

Trả lời 0