#Bỉ chư Bồ-tát: là các Bồ-tát ở Tây Phương Cực Lạc. Chữ bỉ
là đó, ấy, chư là nhiều. Tức là các bậc Bồ-tát ở Tây Phương Cực Lạc. Nếu chúng
ta về Tây Phương Cực Lạc là có chúng ta trong ấy. Chữ chư còn có nghĩa là tất cả.
Tất cả những Bồ-tát ấy.
#ư nhất thiết chúng sanh: ư là đối với, nhất thiết là tất cả.
Đối với tất cả chúng sanh.
#hữu đại từ bi lợi ích tâm cố: hữu là có, có tâm đại từ bi.
Các ngài đối với chúng sanh có tâm đại từ bi, tâm lợi ích chúng sanh. Chữ cố
là: vì thế, nên, bởi vì. Bởi vì các vị Bồ-tát đó đối với chúng sanh có tâm đại
từ bi, lợi ích.
Chúng ta có tâm đại từ bi, lợi ích đối với chúng sanh không?
Hay là chúng ta chỉ có tâm lợi ích đối với chính mình.
Ở đây chúng ta phải học được chút xíu, mình không phải lợi
ích cho tất cả chúng sanh, ít nhất cũng lợi ích cho vài chúng sanh. Đó là phát
tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là gì? Là tâm giác ngộ, giác ngộ là tự giác, giác tha, và
nếu nói đầy đủ là giác hạnh viên mãn. Nếu chúng ta chỉ có tâm lợi ích cho chúng
ta thôi, chúng ta chỉ mong ra khỏi sanh tử luân hồi thì chúng ta trở thành gì?
A La Hán thôi, Độc Giác Phật thôi. Cho nên ở đây chúng ta phải
có tự lợi và lợi tha, tâm vì chúng sanh, có tâm từ bi. Từ bi là gì? Từ là ban
vui, bi là cứu khổ. Lợi ích là làm sao cho chúng sanh có lợi ích. Các vị Bồ-tát
ở đây là có tâm đại từ bi, có chữ đại đằng trước là lớn, tâm từ bi lớn, lợi ích
đối với chúng sanh. Bây giờ chúng ta đã học Kinh Vô Lượng Thọ lâu rồi, quý vị
chắc cũng có chút ít tâm từ bi. Hoặc là có người có tâm từ bi rộng lớn. Có tâm
từ bi rộng lớn thì chúng ta không có ghét một chúng sanh nào. Chúng ta phải
thương tất cả chúng sanh. Chúng ta thấy có gì đó khó chịu, mà chúng ta nổi
ghét. Đó là sai, cho nên quý vị phải hiểu được điều này
#Xả ly nhất thiết chấp trước: xả là xả bỏ, ly là rời. Xả ly
là xa rời. Xa rời tất cả chấp trước. Không có chấp trước gì cả
#thành tựu vô lượng công đức: quý vị thấy trong câu này có
nói nhân và quả.
Quý vị muốn có vô lượng công đức, ai cũng muốn hết, nhưng nếu
có chấp trước thì không thể được, không có công đức. Cho nên ở đây nói xả ly nhất
thiết chấp trước và đằng trước còn nói thêm là phải phát tâm đại Bồ-đề, tức là
phải có tâm lợi ích, tâm từ bi đối với chúng sanh. Câu này tương ưng với câu
nói của tổ Bồ Đề Đạt Ma khi gặp vua Lương Võ Đế. Vua Lương Võ Đế làm được rất
nhiều việc thiện, nhưng ông chấp trước, nên ông không có công đức. Gọi là vô
công vô đức. Cho nên phải xả ly tất cả chấp trước. Không có chấp trước thì mới
là công đức. Công đức là gì? Lục Tổ Đại sư Huệ Năng nói: “Việc này phước đức
không thể cứu". Việc này là việc ra khỏi sanh tử luân hồi, phước đức
không có giúp được. Cho nên quý vị thấy cuộc đời vua Lương Võ Đế cuối cùng cũng
gặp nạn. Nạn bị Hầu Kiển, kéo quân vây, cuối cùng ông bị chết đói.
Chúng ta nói tu hành nếu không chấp trước thì mới ra khỏi
sanh tử luân hồi. Hòa thượng Tịnh Không trong bộ giảng Kinh Vô Lượng Thọ lần thứ
14, tức là Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014 tập 193 nói: Sở dĩ chúng ta đời nay
có những người rất giàu có nhưng hình như không có trí huệ. Họ có làm công vụ
chức vụ v.v… Còn chúng ta thông minh giỏi giang nhưng không có chức vụ, chẳng
làm được gì hết. Lý do vì đời quá khứ tu nhân khác nhau.
Những người như chúng ta là tu huệ không tu phước, cho nên
phước đời này quá kém, không làm được gì hết. Không giúp đỡ chúng sanh được.
Hòa thượng nói muốn giúp đỡ chúng sanh phải tu phước, nhưng phải có tu huệ.
Nếu không tu huệ chỉ lo tu phước không, thì có thể trở thành
đại gia (giàu có) nhưng không biết Phật pháp, thậm chí phỉ báng Phật pháp, thậm
chí làm rất nhiều việc sai trái trong đời hiện nay. Cho nên tu huệ tu phước phải
song đôi, tức là phước huệ song tu. Tu như vậy mới chỉ là tu nhân quả trong
luân hồi mà thôi. Cũng chưa được, phải xả ly chấp trước nữa. Xả ly chấp trước
là nhân để ra khỏi sanh tử luân hồi. Hòa thượng nói đó là chứng quả A La Hán.
A La Hán không chấp trước, Bồ-tát không có phân biệt. Phật
không có khởi tâm động niệm, tất nhiên là không phân biệt, không chấp trước.
Cho nên đoạn kinh này nói rất sâu, dạy cho chúng ta đầu tiên phải có tâm đại từ
đại bi, có tâm lợi ích đối với chúng sanh. Đó là tu phước. Rồi quý vị phải tu
huệ.
Xả ly tất cả chấp trước, đó là tu huệ. Thì mới được thành tựu
vô lượng công đức. Nếu không thì không được. Bồ-tát ở Tây Phương Cực Lạc tu được
tới đó rồi, chúng ta cũng ráng học theo. Quý vị thấy là trong nhà Phật nhưng
người tu phước rất lớn, điển hình tại Trung Hoa là vua Lương Võ Đế, điển hình tại
Ấn Độ là vua A-sô-ka, tức là vua A Dục Vương. Hai người đó tu cả đời phước báu
lớn vô cùng. Cuối cùng trong phước có họa. Vua Lương Võ Đế cuối cùng không
thành tựu, bị chết đói, Hòa thượng Tuyên Hóa nói bị luân hồi, cuối cùng là Đệ tử
của Hòa thượng Tuyên Hóa. Hòa thượng Tuyên Hóa giảng nói như vậy. Còn vua
A-sô-ka, tức vua A Dục, lúc lâm chung, người hầu cầm quạt, bị ngủ gục, rớt quạt
che lên mặt ổng. Ông ta khó chịu sân lên, bị đọa. Cho nên không được. Đó là tu
phước chưa đủ tu huệ. Phải không chấp trước. Không chấp trước điều gì, đoạn sau
sẽ nói, chúng ta sẽ học kỹ hơn, đây mới giảng lược thôi. Nếu giảng kỹ quá thì
không hết phẩm này. Để sau chúng ta học phẩm mới. Đó là bí quyết để thành tựu
vô lượng công đức.
(Trích trong bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ
Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Bồ Tát Tu Trì Đệ Tam Thập (Phẩm 30 –
Tu Trì Của Bồ Tát) – Buổi 4
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 18.09.2021 – VLT 100)