Câu hỏi :
1, Con bị đau đầu, muốn buông xuống mà không buông xuống được,
lại cứ bị nghĩ đến nó. Phải làm sao?
2, Nghe tụng chú Đại-bi là đỡ đau hơn có phải không ạ?
3, Trì chú Đại-bi 3 tới 7 biến trước khi vào tụng kinh Vô
lượng Thọ & niệm Phật nghe pháp hàng ngày có được không?
…………………
Trả lời:
Muốn buông xuống được mà mình đau đầu, đó là tại vì mình
không buông xuống được. Mình càng nghĩ tới thì mình càng đau đầu thêm. Nghe chú
Đại-bi có đỡ đau đầu không? Quý vị nghe bất cứ thứ gì về Phật giáo đều giúp cho
mình không đau đầu. Tại vì tâm mình, mình đau đầu là vì tâm mình hướng vào đó.
Vấn đề đó mình chưa giải quyết, mình suy nghĩ tới suy nghĩ lui, cho nên đau đầu.
Bây giờ mình buông xuống. Cách buông xuống là dẹp đi vọng tưởng đó. Vì tưởng của
mình nghĩ về nó. Mình muốn không nghĩ nữa thì đừng để ý tới nó. Không để ý bằng
cách nảo, nghe giảng kinh nghe thuyết pháp đi. Nghe chú hay nghe tụng gì cũng
được. Nhưng chúng ta đang tu niệm Phật mà bây giờ lại chuyển qua chú Đại-bi.
Không tin vào niệm Phật, đâu được đúng không? Chúng ta niệm Phật, nghe giảng
kinh nghe giảng pháp đi tự nhiên không còn nhớ đến chuyện đó. Còn chuyện đó, nó
hiện lên thì chúng ta nghĩ nó giả, đừng có để ý tới nữa. Không có nghĩ nữa,
mình cứ nghe pháp thôi, mình đọc kinh thôi, mình lo niệm Phật thôi. Còn nếu hằng
ngày mình vẫn còn phiền não về những chuyện đó chứng tỏ công phu mình yếu quá,
chưa đủ sức nhiếp thọ. Ráng nghe pháp nhiều hơn. Nghe làm sao mà suốt ngày nghe
pháp thì không thể nào có phiền não được. Bí quyết để không có phiền não là
nghe pháp, hoặc tụng kinh, hoặc niệm Phật.
Nghe chú Đại-bi cũng là một cách nghe, nghe niệm Phật cũng
được vậy. Miễn làm sao tâm đừng khởi ra những ý nghĩ đó thì nó hết, tự nhiên chủng
tử đó không hiện lên nữa. Giống như mặt hồ đã lặng trong rồi thì đâu có gợn
sóng nữa. Không gợn sóng thì không có hiện tượng đau đầu. Thứ hai là đau đầu do
về nghiệp chướng mình nặng quá, thì mình tu hành, từ từ giải được, nghiệp chướng
hết. Nếu nói rốt ráo thì đều là vọng tưởng cả, đau đầu nghiệp chướng đều là vọng
tưởng. Vọng tưởng nhưng chúng ta không thắng được vọng tưởng. Cho nên bây giờ
chúng ta không thể nào dứt được cơn đau đó. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm Phật
chúng sanh, tam vô sai biệt”. Tâm của chúng ta, sức mạnh của Phật gia trì cho
chúng ta, sức mạnh của nghiệp, tức là của chúng sanh. Ba sức mạnh này như nhau,
nếu chúng ta vận dụng được hai cái thì thắng được cái còn lại. Nếu chúng ta
dùng được sức mạnh tâm của chúng ta, cộng với sức gia trì của Phật A Di Đà, thì
sẽ thắng được nghiệp lực, thắng được chúng sanh. Vọng tưởng cũng là chúng sanh.
Cho nên chúng ta sẽ hết nhức đầu, hết đau. Còn bây giờ quý vị cứ nhớ hoài, tức
là tâm quý vị đang niệm vô chúng sanh đó, cho nên tâm quý vị hợp vói chúng
sanh, thì Phật có muốn gia trì cũng không gia trì được. Dù quý vị nghe kinh giảng
Pháp, nghe niệm Phật hay chú Đại-bi quý vị cũng không được gia trì đủ, vì một sức
không thể thắng hai sức. Muốn thắng hai sức phải đổi tâm lại, đừng để ý tới nó.
Cách đó gọi là buông xuống, tức là không để ý đến nó, để ý đến thứ khác. Tâm để
ý đến Kinh Vô Lượng Thọ. Bây giờ đau đầu thì niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm Phật
A Di Đà, nghe giảng đi. Cứ tập trung một hồi quên mất.
Quý vị để ý đi có nhiều người bệnh, đau. Đau, bệnh là vì có
người nhắc cho mình là đau. Còn quý vị nghe nãy giờ Thiện Trang giảng, lo chú ý
Thiện Trang giảng cho nên không thấy đau. Thiện Trang cũng có những vết đau, chứ
không phải không có. Như hôm bữa xe Thiện Trang lúc mới về chưa có chỉnh thắng,
đi đường bằng quen rồi, không để ý là thắng không ăn nữa. Khi chạy xuống dốc một
hồi đạp thắng không được nữa. Chỉ còn cài số 1 đế đi xuống, nó chạy rất nhanh.
Tới khúc cua biết là không thể lái được nữa rồi, chấp nhận là nó muốn đi đâu nó
đi. Mình chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng, lái làm sao đừng bay xuống vực. Tông vô
hòn đá để né, thì xước tay xước chân nhưng lúc đó đâu có thấy đau. Vì thường té
xong mình tỉnh lắm không thấy đau. Một hồi sau mới đau. Lúc đó tâm mình lo sợ,
tập trung ý nghĩ vào việc khác nên quên đi sự đau. Khi nào nghĩ tới nó mới đau.
Ngón chân của Thiện Trang bị sưng từ bữa đến nay, chắc là bị trật khớp hay thế
nào đó. Bây giờ đụng tới nó đau, không đụng không nghĩ nó không đau. Ngồi thiền
nghĩ nó đau thì nó đau, nghĩ nó không đau thì nó không đau. Mình không chú ý tới
thì nó không đau đâu.
Bí quyết là buông xuống thân kiến, cố gắng tập đi! Những người
đau nhiều, những người rên rỉ nhiều là những người chấp vào thân kiến quá sâu.
Gọi là thân kiến quá nặng. Quý vị có thân kiến quá nặng, quý vị rất khó thành tựu.
Đến lúc lâm chung nó đau còn hơn nữa, đau nhiều lắm. Quý vị vẫn cứ chấp vào cái
đau đó thì không được, phải bỏ đi. Thân là giả đó mà. Quý vị thử đi, nó đau kệ
cho nó đau, mình không quan tâm, nó muốn đau cho nó đau, thì tự nhiên chút xíu
hết đau, đỡ đau nhiều. Đó là sức quán xả thân kiến, chấp nhận đau. Tất nhiên
quý vị đau thì phải chữa bệnh, nhưng đừng có để ý đến, đừng có rên rỉ, đừng có
than thở, đau này đau kia. Quý vị càng để ý đến, than thở là để ý đến, tức là vọng
niệm của chúng ta là sức mạnh của tâm tập trung gia trì cho nó, gia trì cho
nghiệp chướng đó, gia trì cho chúng sanh mà nó đang tác động, giả sử là oan gia
trái chủ, làm tăng thêm sức mạnh, nó tập trung thêm đánh thêm mình nữa thì đau
càng hơn nữa.
Nếu chúng ta không để ý đến một hồi nó thấy không có tác dụng
gì, thì thôi nghiệp chướng đó nó không có khởi trong A-lại-da-thức, thì nhẹ xuống.
Đó là bí quyết để đối diện. Ngay bây giờ chúng ta phải tập đi. Không tập thì đến
lúc lâm chung cũng xảy ra, cũng đau đớn. Quý vị có dám chắc lúc lâm chung không
đau không? Đau lắm, mà đau lắm không niệm Phật nổi. Không niệm Phật nổi là tiêu
rồi đó. Không nhớ Tây Phương Cực Lạc mà nhớ đau đau không, cuối cùng chấp vào
thân kiến quá, rơi vào đường ác, ngạ quỷ. [Vì] chấp vào thân, đến khi thân này
rã rời tan ra rồi cũng chưa muốn rời thân nữa. Cuối cùng vô đường ngạ quỷ để giữ
thân, làm quỷ giữ hồn, rất là khổ. Phải tập đi, tu hành là phải tập. Mình học Đại-thừa
hay học gì cũng vậy. Thật ra phá thân kiến là khó nhất. Mình không phá hoàn
toàn được thì mình phải phá một phần. Phá bớt, buông bớt đi. Thân thể mà cứ chấp
vào nó. Quý vị thấy, ai mà tiếp xúc Thiện Trang hay là quý vị thấy Thiện Trang
thôi, bài giảng mà khi Thiện Trang mới về nơi đây, Thiện Trang bị bệnh quý vị
thấy rõ ràng. Có người nói là Thiện Trang đang giảng mà chảy nước mũi. Vì lạnh
quá nên cảm. Nhưng một tuần sau quý vị thấy Thiện Trang lên giảng lại bình thường
liền, vì Thiện Trang không chấp vào những bệnh, đau thì kệ nó. Có lẽ nhờ nhiều
đời nhiều kiếp mình tu hành cho nên chấp trước về thân kiến cũng nhẹ.
Từ nhỏ đến giờ Thiện Trang đau lắm chỉ nằm im thôi không bao
giờ la. Hồi nhỏ có lần lúc đi xe đạp, xe đạp hồi đó cái tay cầm ghi đông không
có lót miếng êm như bây giờ đâu, là bằng sắt thôi. Đi xe đạp té sao mà tay cầm
đó đập vô ngực, đau lắm nằm im luôn không đỡ xe dậy được, không có người nên cứ
nằm im thôi. Đến bây giờ khi trở trời, vết đó trong ngực vẫn đau, lâu lâu vẫn
đau. Thiện Trang nói kệ nó không sao. Nghiệp chướng của mình, nhân quả mình ráng
chịu. Có những vết trên người đau tất nhiên mình biết đau. Nhưng ngay lập tức
mình cố gắng chuyển ý niệm đi. Tại khi đó mình chưa có phát giác ra, nó phát ra
nhanh quá mình không kịp, nhưng mà mình biết rồi. Không sợ niệm khởi, chỉ sợ
giác chậm. Giác chậm là tiêu rồi. Giác nhanh, biết nó đau, à thôi thân kiến giả
đó mà. Thân thể này giả ta cho đau, ta niệm Phật hay niệm pháp gì đó. Quý vị
dùng phương pháp nào cũng đều hiệu quả.
Cho nên phải cố gắng thực hành điều đó. Còn chúng ta ở đây
chuyên tu Tịnh-độ. Chú Đại-bi không thuộc về Tịnh-độ, cho nên quý vị không cần
tụng chú Đại-bi. Còn ai có duyên tụng chú Đại-bi thì cứ tụng đi, không sao hết,
quý vị không nghe lời Tổ-sư thì quý vị ráng chịu. Mai mốt quý vị thành tựu thế
nào tùy. Trừ những người có duyên, có cảm ứng với chú Đại-bi, người ta bỏ không
nổi thì thôi kệ. Nếu quý vị đã vào chuyên Tịnh-độ rồi thì một môn, nhất môn
thôi. Bây giờ mà hai môn thì đến lúc lâm chung quý vị niệm gì? Quý vị sẽ khởi ý
niệm là niệm chú Đại-bi hay là niệm Phật A Di Đà đây? Quý vị coi chừng phân
vân, xong rồi! Lúc đó hết thời gian để có thể chuyển pháp nào thì quý vị sẽ có
khó khăn đó. Điều này Thiện Trang nói rồi. Tu nhất môn, khi gặp bất cứ chuyện
gì mình cứ A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật, hay Nam Mô A Di Đà Phật, hay Nam Mô A
Mi Đà Phật. Quý vị niệm như vậy cơ hội quý vị được vãng sanh rất lớn. Tích tắc
vô thường đến, lúc đó [niệm] “A Di Đà Phật”, thần thức vừa ra khỏi thân thể là
A Di Đà Phật tới tiếp dẫn. Còn lúc đó, do hằng ngày huân tập chú Đại-bi, lúc đó
sẽ đọc: Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ-tát. Thiên Thủ Thiên Nhãn vô ngại đại-bi
tâm đà-ra-ni, mới đọc mấy câu quý vị ra đi. Có Quán Thế Âm Bồ-tát ngài gia trì
cho quý vị. Nhưng nếu quý vị tu nhiều pháp quá, vừa niệm Phật, vừa chú Đại-bi.
Đến lúc đó quý vị phân tâm không biết niệm gì. Chủng tử nào mạnh, niệm thế nào
đây? Rồi phân vân. Phân vân một chút là thân vô thường qua rồi, là sang đời
khác rồi. Thì cơ hội vãng sanh của mình bị dừng ở đó. Rất là tội.
Cho nên chư tổ nói: “Nhất môn“ tức là một môn thôi. Quý vị học
đến phẩm 24 – Tam Bối Vãng Sanh và Phẩm 25 – Chánh Nhân Vãng Sanh, trong Chú giải
Hòa thượng cũng nói, tu nhiều môn thì là phương tiện thôi. Nhiều môn không bằng
một môn đâu. Nhiều môn quý vị tu nhiều quá, tạp nhiều quá, thì rất khó. Cho nên
phải quy tâm về một chỗ “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện“, tức là để tâm vào một
nơi thôi. Sức mạnh sẽ mạnh. Giống như quý vị dùng kính lúp để soi dưới ánh mặt
trời, gom ánh sáng lại thì sức mạnh của ánh sáng có thể đốt cháy tờ giấy, bởi
vì sức mạnh tập trung trong đó. Bây giờ chúng ta tu hai môn là chia tâm làm
hai, tu ba môn, tu thêm một bộ chú nào nữa, hay một bộ kinh nào nữa thì tu nhiều
quá, loạn! Trong khi căn cơ quý vị không phải là căn cơ đó. Nếu quý vị căn cơ
như ngài Tuyên Hóa, ngài tu tổng trì tất cả các môn, niệm chú cũng được, niệm
Phật cũng được. Còn nếu quý vị không phải căn cơ đó thì rất khó.
Thiện Trang chỉ dám khuyên như vậy thôi chứ không dám nói
nhiều, sẽ đụng chạm. Mỗi pháp môn tu mỗi người đều khác. Người thích tu chú Đại-bi
thì cứ tu chú Đại-bi đi. Ai niệm Phật mà thích xen thêm môn gì đó thì cứ làm
đi, rồi kết quả cuối cùng quý vị sẽ thấy. Thiện Trang chỉ khuyên như vậy. Lời
chư tổ như vậy. Thiện Trang hồi xưa mỗi lần khó khăn là niệm Quán Thế Âm Bồ-tát,
sau này Thiện Trang không niệm nữa. Ra đường lỡ gặp sự cố gì thì niệm Quan Thế
Âm Bồ-tát hay sao, hay là niệm Phật? Trong giấc mơ phân vân nhiều lần rồi đó,
sau này là nhất định không. Bao nhiêu năm bỏ hết rồi, buông xuống hết rồi, bây
giờ chỉ chuyên niệm Phật thôi. Mới hôm qua ở trong nhà nghe cái rầm, nhìn lên
camera thấy một con chim rớt xuống, nó dãy dãy, đau quá, quằn quại. Thiện Trang
nói sao con chim này tội vậy, bay nhanh quá không biết tông đúng cái gì. Thiện
Trang chạy ra coi thấy nó nằm im rồi, không cụ cựa gì nữa, chắc là chết rồi. Niệm
Quán Thế Âm Bồ-tát, vì quen là cứu khổ cứu nạn chúng sanh thì niệm Quán Thế Âm
Bồ-tát. Rồi Thiện Trang niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, niệm mấy câu xin Phật
Bồ-tát gia trì cho chúng sanh này. Rồi đưa lên tay thấy nó cử động được. Nó lấy
chân bám vô tay của Thiện Trang, rồi đỡ nó đứng dậy được. Rồi một hồi nó không
chịu đi nữa. Lâu rồi thấy nó khỏe khỏe lại, Thiện Trang đưa nó lên hòn đá, thấy
nó cử động dần dần bình thường. Một hồi sau không biết nó bay lúc nào, hình như
mấy tiếng sau nó mới bay đi. Thì đó mình niệm Phật cũng được, đâu có sao đâu,
muốn cứu độ chúng sanh niệm Phật cũng được mà. Cho nên ở đây cần phải hiểu rõ
ràng.
Hòa thượng giảng trong Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014, ngài
nói thẳng luôn một câu Phật hiệu là tổng trì các danh hiệu rồi. Một câu A Di Đà
Phật là vô lượng thọ, là vô lượng quang, là vô lượng công đức… là tất cả vô lượng
rồi. Cho nên không cần nữa, quý vị còn niệm gì nữa. Niệm một câu A Di Đà Phật
là đủ tất cả các vị Phật rồi. Đây là danh hiệu chung của tất cả chư Phật, tất cả
chư Bồ-tát, đều gom vào đây rồi. Mình chỉ niệm một danh hiệu đủ rồi. Hòa thượng
nhắc đi nhắc lại trong Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014. Hòa thượng nói điều này
rất nhiều. Quý vị chắc chưa nghe bộ đó. Bộ đó trong những tập mà Thiện Trang dịch
thấy Hòa thượng nói rất nhiều lần rồi. Quý vị vẫn chưa tin, vẫn còn xen tạp,
thì thôi duyên chúng ta như thế, bây giờ biết sao. Hòa thượng nói đi nói lại vì
sao? Một thời gian sau thì có người đề xướng thứ này, đề xướng thứ kia, cho nên
cuối cùng xen nhiều quá. Xen càng nhiều thì càng khó thành tựu, thời nay chúng
ta không có thời gian. Quý vị ít thời gian dụng công, không đủ nữa thì làm sao
thành tựu.
Đời nay người tại gia rất bận rộn, người xuất gia cũng bận rộn
nữa. Người xuất gia có ai buông bỏ chùa chiền thì mới rảnh thôi. Còn những người
lo chùa chiền, tổ chức Phật sự, rồi khóa tu v.v… thì rất là bận, suốt ngày quần
quật từ sáng đến tối, hết ngày này qua ngày kia, tu cũng không nổi. Chỉ có những
người ở thất ở núi như Thiện Trang và những quý Thầy mà Thiện Trang thấy. Tại
sao người xuất gia giỏi vậy, thời gian rảnh. Vì buông hết chuyện thế gian rồi.
Không vướng víu chuyện thế gian. Bây giờ chỉ cần thời gian để học, để nghiên cứu,
để tu. Cho nên thời gian ngày này qua ngày kia, người ta dùng mười mấy tiếng đồng
hồ, thậm chí gần 20 tiếng đồng hồ cho một môn nào đó thì tất nhiên sẽ giỏi môn
đó thôi. Cho nên có nhiều người xuất gia giảng Phật pháp, hay giảng pháp thế
gian, hay tập yoga, hay giảng cái gì người ta cũng giỏi. Vì sao? Người ta có
trí huệ sẵn rồi, người ta có thiền định rồi, người ta lại có thời gian. Còn quý
vị không có thời gian, quý vị bận đi làm, quý vị bận đủ thứ, quý vị lại tu xen
tạp nữa, thì cơ hội rất là khó. Thiện Trang biết [trong số] người tại gia, có một
số người rảnh thôi, đa phần là rất bận. Đã bận rồi thì mình phải biết cách. Cho
dù có rảnh cũng không bằng người xuất gia đâu. Vì người tại gia còn chồng con,
còn quan hệ xã hội, bà con thân thuộc v.v… Người xuất gia cắt ái tình thân rồi,
cho nên đỡ hơn rất nhiều. Cho nên quý vị phải biết điều này.
(Trích phần trả lời vấn đáp của Thầy Thích Thiện Trang trong
bài giảng kinh VLT 61. Giảng ngày: 20.02.2021)