Responsive Menu
Add more content here...

Xuất Gia Trả Đại Hiếu

Đây là câu chuyện về Thiền sư Lương Giới, ngài ở Động Sơn, có khi người ta gọi ngài là Thiền sư Lương Giới Động Sơn, là Tổ của tông Tào Động ở Trung Hoa. Khi ngài đi xuất gia, viết lá thư cho mẹ có đoạn viết như sau:Xuất Gia Trả Đại Hiếu

Đây là câu chuyện về Thiền sư Lương Giới, ngài ở Động Sơn, có khi người ta gọi ngài là Thiền sư Lương Giới Động Sơn, là Tổ của tông Tào Động ở Trung Hoa. Khi ngài đi xuất gia, viết lá thư cho mẹ có đoạn viết như sau:

Lá thư thứ nhất: “Được nghe chư Phật ra đời, đều do cha mẹ mà có thân, muôn loài sanh trưởng thảy nhờ được trời đất che chở, cho nên không có cha mẹ thì chẳng sanh. Không có trời đất thì chẳng trưởng, thảy nhờ ân dưỡng dục, đều thọ đức chở che.”

Nghĩa là lời đầu tiên ngài nói đến công ơn của cha mẹ. Ngài viết rất hay, ngài nói công ơn cha mẹ, cho dù chư Phật ra đời cũng nhờ cha mẹ mới có thân, muôn loài cũng nhờ có trời đất che chở. Nhưng tiếp theo ngài viết như sau:

“Song, tất cả hàm thức, vạn tượng hình nghi đều thuộc vô thường, chưa lìa sanh diệt. Ân bú sú nặng nề, công nuôi dưỡng sâu thẳm, dù đem của cải thế gian phụng dưỡng trọn khắp đền đắp, dùng máu thịt dâng hiến cũng không được bền lâu.”

Nghĩa là tất cả thế gian đều là vô thường hết, chưa lìa được sanh diệt, cho dù ân nuôi dưỡng, công lao sâu thẳm, và đem hết của cải thế gian phụng dưỡng trọn đời cũng không làm gì được, đem máu thịt dâng hiến cúng cũng không được bền lâu.

“Trong Hiếu Kinh nói dù một ngày giết đôi ba con vật để cung hiến cho cha mẹ, vẫn là bất hiếu. Vì sẽ lôi nhau vào vòng trầm luân, chịu muôn kiếp luân hồi.”

Quý vị nghe cho kỹ, đây là Hiếu Kinh nói.

“Muốn đền ơn sâu dày của cha mẹ đâu bằng công đức xuất gia, cắt đứt dòng sông ái sanh tử, vượt qua khỏi biển khổ phiền não, đáp ân cha mẹ ngàn đời, đền công từ thân muôn kiếp. Bốn ân ba cõi thảy đều đền đáp.”

Ngài nói muốn đền ân sâu thì chẳng có việc nào bằng công đức xuất gia, cắt đứt dòng sông ái sanh tử, vượt qua biển khổ phiền não, thì đáp ơn được cha mẹ ngàn đời, đền công ơn từ thân tức là những người thân bằng quyến thuộc của mình muôn kiếp. Bốn ân ba cõi đều được đền đáp, ngài nói như vậy. Bây giờ chúng ta không xuất gia, chúng ta ở tại gia, nhưng tâm xuất gia cũng như vậy.

Kinh nói: “Một người con xuất gia chín họ đều sanh lên cõi trời.” Con thệ bỏ thân mạng đời này, chẳng trở về nhà, đem căn trần muôn kiếp, chóng tỏ sáng Bát-nhã, xin cha mẹ lòng chớ có nhớ mong.”

Ngài thề cả đời không về nhà, bao giờ thành công Bát-nhã mới trở về, quý vị thấy Thiền sư ý chí lớn như vậy.

Tụng rằng:

(tức là viết một bài kệ như sau)

“Chưa rõ nguồn tâm qua mấy năm

Thương thay mê ải luống trì trầm

Cửa Không đã lắm người đắc đạo

Riêng con trì trệ ở trong trần

Xin viết lá thư từ quyến thuộc

Nguyện thông Đại pháp đáp từ thân

Không nên rơi lệ thường thương nhớ

Xem tợ buổi đầu con không thân.”

Quý vị thấy rõ ràng lời của ngài rất hay. Đó là ngài Thiền sư Lương Giới, Tổ sư của tông Tào Động. Năm tông phái Thiền tông Trung Hoa, trong đó có tông Tào Động. Mẹ của ngài cũng rất tuyệt vời, trong lá thư mẹ ngài viết cho ngài có đoạn như sau:

“Mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây, chỉ mong con như Tôn giả Mục Liên, độ mẹ thoát khỏi trầm luân tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy, e phải có tội, con cần phải giải quyết cho xong.”

Người mẹ ngài rất tuyệt vời, mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá. Quý vị biết Vương Tường nằm giá không, ai học ở Đệ Tử Quy chắc biết hai mươi bốn gương hiếu của Trung Hoa. Trong đó có ngài Vương Tường, mùa đông nằm trên băng tuyết lạnh giá, mong có cá lên cho mẹ ăn. Nằm trên băng, sông đóng băng rồi đâu có cá, vậy mà cũng cảm động đến nỗi băng nứt ra có con cá nhảy lên cho ngài.

Còn ngài Đinh Lan vì cha mẹ mất rồi, nên nhờ người tạc tượng cha mẹ ở trên cây. Ngài thờ tượng trên cây, hằng ngày đem đồ ăn đến dâng lên cây có tượng hình cha mẹ. Đó là hai tấm gương hiếu, và người mẹ của Thiền sư nói: mẹ không dám mong con giống như Vương Tường, cũng không dám mong như Đinh Lan đâu, chỉ dám mong con như Tôn giả Mục Liên, tức là ngài Mục Kiền Liên, đến độ mẹ thoát khỏi trầm luân, tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy e rằng phải có tội, mong con hãy giải quyết cho xong. Cho nên ngài đã thành công, rất tuyệt vời, người mẹ cũng vậy, người con cũng vậy.

Câu chuyện vừa rồi Thiện Trang kể là để chúng ta bớt tình chấp đi, ở đời tình chấp mẹ con là khó nhất, người mẹ lúc nào cũng lo lắng cho con. Người mẹ nói chưa được độ thoát là cũng có lỗi, khiến cho con nhớ mong, ở trong chùa tu không được, không đắc đạo được là mình cũng có tội. Người con đi xuất gia mà tu không ra hồn gì cũng có tội, cho nên người mẹ mong con mình giống như ngài Mục Kiền Liên để độ mẹ lên Phật quả. Hay lắm đó quý vị, đâu có đơn giản.

(Trích trong bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng – Môn 4: Phương Tiện Lực Dụng – Buổi 2 – 016

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 09.07.2022

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang (Link YouTube tại đây:

KC016- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng – Phương Tiện Lực Dụng – Buổi 2 || Thích Thiện Trang

và mạng xã hội Facebook:

https://www.facebook.com/suthaythichthientrang)

Trả lời 0