Ở đây còn để cho chúng ta một câu nói mà Hòa thượng hay nhắc:
“Phật thị môn trung, hữu nguyện tất thành, hữu cầu tất ứng”. “Phật thị môn
trung” người ta hay dịch là “trong cửa nhà Phật”. Thiện Trang thích dịch là
“trong hàng đệ tử của Phật” (tại gia và xuất gia), “hữu nguyện tất thành” tức
là “có nguyện sẽ thành”. “Hữu cầu tất ứng” nhớ nha, Hòa thượng dạy cho chúng ta
cách cầu để có cảm ứng là gì? Phải như pháp như lý mà cầu. Tu hành mà chúng ta
muốn cầu là phải dựa trên nhân quả. Tâm chúng ta phải lành, tâm chúng ta phải
thiện. Việc chúng ta làm phải thiện phải lành, thì cầu mới có cảm ứng. Còn quý
vị hàng ngày làm việc ác, vẫn đầy phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến
v.v… như thế mà cầu thì gọi là “vô hữu thị xứ”, nghĩa là không có được đâu.
“Vô hữu thị xứ” là không có đạo lý đó. Không có chuyện đó, cầu làm sao được. Những
người mới đầu tiên ở ngoài đời có thể người ta cầu có cảm ứng, tại vì Phật Bồ-tát
phương tiện từ bi. Các ngài muốn giúp chúng sanh một chút. Nhưng giúp hoài như
vậy đâu được, Phật giáo sẽ trở thành mê tín. Coi Phật như ông thần, đem hối lộ
tới rồi cầu các ngài giúp. Cho nên phải thật sự tu hành. Hòa thượng nói thời
xưa một người tu hành, thần Hộ-pháp không nhiều như bây giờ. Bây giờ người thật
sự tu hành ít quá, cho nên thần Hộ-pháp ủng hộ cho người đó càng nhiều nữa. Cho
nên quý vị hãy cố gắng tu hành. Người càng chân tu thì thần Hộ-pháp rất nhiều.
Tu từ đâu? Tu từ phát tâm. Người phát tâm rất nhiều, nhưng người thoái tâm cũng
vô số. Làm sao phát tâm? Nhiều người nói phát tâm Bồ-đề. Ở đây chúng ta chưa học
tới, nhưng Thiện Trang trích trong “Khuyên Bồ-đề tâm văn” của Đại-sư Tĩnh Am.
Ngài nói: 念念上求佛道,心心下化眾生,聞佛道長遠,不生退怯 “Niệm niệm thượng cầu Phật đạo,
tâm tâm hạ hóa chúng sanh. Văn Phật đạo trường viễn, bất sanh thoái khiếp”. Có
nghĩa là tâm mình luôn luôn trên cầu Phật đạo, chúng ta ở đây là cầu vãng sanh
Tây Phương Cực Lạc. Ở dưới thì luôn luôn muốn hóa độ chúng sanh. Văn Phật đạo
trường viễn, bất sanh thoái khuyết nghĩa là nghe con đường tu đạo xa xôi như vậy,
mà không sanh lòng thoái lui, khiếp sợ. Con đường của chúng ta đâu đến nỗi
xa như vậy đúng không? Con đường Tây Phương Cực Lạc cũng gần mà. Vậy thì không
nên sanh lòng thoái khiếp. Phát tâm được như vậy là tốt rồi. Làm sao thì làm,
tu chúng ta không chỉ nói phát tâm thôi, và chúng ta phải làm.
Trong đoạn vừa rồi chúng ta nhớ học tâm nguyện của ngài Pháp
Tạng Tỳ-kheo, ngài Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai giới thiệu cho phương pháp
“Chí tâm cầu đạo, tinh tấn bất chỉ”. Quý vị chú ý, tâm trước rồi hành sau. Phật
pháp lúc nào cũng từ tâm. Tấm giống như la bàn định hướng cho chúng ta. Định hướng
đúng rồi thì chúng ta đi mới đúng đường. Nhiều người nói phát tâm gì đâu mà cao
siêu vời vợi, thành ra ảo tưởng. Nhưng họ không hiểu rằng đây là Phật dạy, đây
là Kinh Vô Lượng Thọ dạy, phát tâm Bồ-đề nhất hướng chuyên niệm. Họ không học
theo kinh, họ cứ nói theo ý của họ. Quý vị cho nên phải rất cẩn thận. Thời nay
nhiều tà thuyết lắm, cho nên mình phải y theo kinh, theo lời chư tổ, theo lời
Hòa thượng. Hòa thượng dạy sao thì mình làm như vậy. Tất nhiên chúng ta phát
tâm là một chuyện. Còn làm chúng ta phải tùy duyên tùy phận mà làm. Kinh Vô Lượng
Thọ phẩm 24 nói “Tùy kỷ tu hành”. Tùy theo khả năng của mình mà tu hành, chứ
không thì phan duyên, không được. Chúng ta phải biết mình đang ở đâu.
(Trích trong bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ
Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Phẩm Năm – Chí Tâm Tinh Tấn – Buổi 2
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 31.10.2020 – VLT 44)