BÁT QUAN TRAI GIỚI GIẢNG YẾU
Tập 4
Chủ giảng: Pháp sư thượng Định hạ Hoằng
Thời gian: Ngày 13 tháng 9 năm 2017
Giảng tại: Chùa Thiện Quả Lâm Tịnh Độ – Đài Loan
Trì giới là gốc,
Tịnh
Độ là nơi trở về.
Quán tâm là điều quan trọng,
Bạn lành là nơi nương tựa.
Kính
chào Pháp sư Pháp Liên từ bi, chư vị Pháp sư, chư vị liên hữu, kính chào mọi
người. Mời bỏ tay xuống.
Sáng
nay chúng ta đã học bản văn của giới trộm cướp. Chiều nay chúng tôi tiếp tục giảng
“cụ duyên thành phạm”, chính là điều giới này đủ bao nhiêu điều kiện thì trở
thành phạm tội trộm cướp. Đây là xét về tội nặng, thì có sáu duyên thành phạm:
–
Thứ nhất là “hữu chủ vật”, vật phẩm này có chủ nhân, mà chủ nhân của nó
là người, không phải phi nhân (trời, rồng, quỷ thần là phi nhân), cũng không phải
súc sanh, cũng không phải vật vô chủ, đó là vật có chủ nhân;
–
Thứ hai là “hữu chủ vật tưởng”, chúng ta cũng có ý nghĩ vật này có chủ
nhân, biết nó có chủ nhân, mà chủ nhân này cũng là người, không phải súc sanh,
quý vị cũng biết;
–
Thứ ba là “hữu đạo tâm”, thật sự muốn chiếm vật có chủ làm của riêng, có
tâm trộm tổn hại người khác, nếu không có tâm trộm thì không phạm trộm cướp;
–
Thứ tư là “thị trọng vật”, trọng vật này là chỉ giá trị của nó là năm tiền
trở lên. Buổi sáng chúng tôi đã nói năm tiền rốt cuộc là bao nhiêu, mọi người
còn nhớ không? Bao nhiêu? 1000 Đài tệ. Đây là 1000 Đài tệ hoặc giá trị cao hơn,
đương nhiên giá trị này là xét vào thời điểm ấy, nơi chốn ấy. Tức là khi quý vị
trộm cướp, thời điểm và nơi chốn ấy, giá trị ở nơi ấy là 1000 Đài tệ. Ví dụ khi
quý vị lấy trộm vật đó là 1000 Đài tệ, nhưng qua mấy ngày rồi, đồ vật này mất
giá rồi, không trị giá 1000 Đài tệ nữa, vậy xin hỏi lúc này phán tội quý vị,
quý vị phạm phải tội thượng phẩm không thể sám hối, hay là phạm tội trung phẩm
trộm bốn tiền? Vẫn là tội thượng phẩm. Đây là xét giá trị vào thời điểm quý vị
trộm, không phải xét giá trị vào lúc phán tội. Lại ví dụ quý vị lấy trộm đồ vật
trị giá 1000 Đài tệ ở Đài Loan, sau đó quý vị đem đến Mỹ để bán, chỉ bán được
500 Đài tệ. Vậy thì xét quý vị trộm 500 hay là xét 1000 Đài tệ? Vẫn là 1000,
nơi chốn ấy, nơi mà quý vị trộm cướp là 1000 Đài tệ. Vậy thì ngược lại, nếu khi
quý vị trộm 800 Đài tệ, chưa đủ năm tiền, thuộc về bốn tiền. Qua một thời gian,
tỷ giá tăng lên, trở thành 1000 Đài tệ rồi, vậy lúc này quý vị phạm tội thượng
phẩm hay là tội trung phẩm? Là thượng phẩm hay trung phẩm? Tội trung phẩm, tức
là giá trị vào lúc quý vị trộm cắp. Lại ví dụ quý vị lấy trộm món đồ 800 Đài tệ
ở Đài Loan, sau đó đem đến Mỹ để bán, bán được 1000 Đài tệ, vậy quý vị phạm tội
trung phẩm hay thượng phẩm? Vẫn là trung phẩm, đây là xét về nơi chốn quý vị trộm,
như vậy thì hiểu rõ rồi. Cho nên trọng vật là giá trị vào thời điểm ấy, nơi chốn
ấy.
–
Duyên thứ năm là “hưng phương tiện”. Sau khi quý vị thật sự khởi tâm trộm,
bắt đầu dùng đủ các phương pháp để lấy trộm nó, phương pháp này có thể có rất
nhiều rất nhiều. Như sáng nay chúng ta đọc được những phương pháp trong bản văn
nói đến, có thể tự mình lấy, có thể bảo người lấy, lấy bằng phương tiện, lấy bằng
chú, nhân lúc người khác gửi mà lấy, mê hoặc để lấy, lừa gạt để lấy, chống cự nợ
nần không trả, trốn thuế, dối đò v.v…, đủ các phương pháp. Nhưng phương pháp đã
nói đương nhiên không phải là ít, quá nhiều rồi.
–
Hưng phương tiện rồi, sau đó lấy đồ vật này đi, tài vật mà quý vị muốn lấy trộm
“cử ly bổn xứ”, đây là duyên thứ sáu, dời nó khỏi vị trí ban đầu, cử ly
bổn xứ, vậy thì phạm. Duyên cử ly bổn xứ này cũng có trường hợp khác nhau, ví dụ
như vừa rồi nhắc đến “chống cự nợ nần không trả”, trên thực tế là không cần nói
đến dời khỏi chỗ ban đầu. Số nợ mà quý vị thiếu, nếu có ý không trả, khi nào
không trả, tài vật đó cũng không di chuyển, không dời khỏi chỗ ban đầu, chỉ cần
có ý không trả, thì ngay lập tức phạm trộm cướp, đây chính là dời khỏi chỗ ban
đầu rồi. Lại ví dụ quý vị muốn cướp một mảnh đất. Đất đai thì quý vị không thể
dời khỏi chỗ ban đầu, đúng không? Vậy nếu quý vị làm khế ước giả, hoặc là kiện
tụng với người khác, tạo những tài liệu giả này, thắng kiện rồi. Trong khoảnh
khắc ký tên, đóng dấu trên khế ước, hoặc lúc tòa án phán quyết, đã phán mảnh đất
đó thuộc về quý vị, mà quý vị không nên sở hữu mảnh đất này. Ngay trong lúc
tuyên án đó, cũng xem như dời khỏi chỗ ban đầu rồi, đã thuộc về quý vị, đó cũng
là phạm tội căn bản của giới trộm cướp. Cho nên trường hợp này, chúng tôi nói
khái quát là dời khỏi chỗ ban đầu, trên thực tế thì phạm vi của giới trộm cướp
quá rộng lớn, cơ bản là xét về tài vật của quý vị, có phải quý vị đã có ý nghĩ
quyết định chiếm hữu không, nếu có thì lúc đó phạm tội căn bản của giới trộm cướp
rồi. Đủ năm tiền thì kết tội nặng, tội thượng phẩm không thể sám hối.
Nếu
trong sáu duyên này thiếu đi một duyên, thì không thành phạm tội nặng thượng phẩm
không thể sám hối, cần phải đầy đủ sáu duyên mới thành phạm tội nặng. Ví dụ như
thiếu mất duyên thứ nhất rồi, tức là vật này không phải là vật có chủ, là vật
vô chủ. Cho dù quý vị “hữu chủ vật tưởng”, quý vị cho rằng vật đó có chủ
mà có tâm trộm, nó lại đủ năm tiền, quý vị cũng “hưng
phương tiện” để lấy, dời nó khỏi chỗ ban đầu rồi, như
vậy cũng không phạm phải tội căn bản giới trộm cướp. Bởi vì trên thực tế nó là
vật vô chủ, chỉ do quý vị nghĩ là vật có chủ, vậy thì lúc này phạm tội phương
tiện, thuộc về tội trung phẩm. Lại ví dụ nó là vật có chủ, nhưng quý vị không
nghĩ là vật có chủ, quý vị tưởng là vật vô chủ. Chẳng hạn như quý vị tưởng rằng
đó là rác, là đồ vật không ai cần, hoặc là đồ vật đã bị vứt bỏ, quý vị lượm nó
về, quý vị nghĩ là vật vô chủ, vậy lúc này lấy rồi thì xem như không phạm, tức là tội hạ phẩm cũng
không có, một tội nhỏ cũng không phạm phải. Lại ví dụ như thiếu mất duyên thứ
ba, không có tâm trộm. Như ví dụ của sáng nay, Ngài Ca Lưu Đà Di lấy cà sa của
người khác rồi, Ngài lấy mà không có tâm trộm. Tuy chiếc cà sa này là vật có chủ,
nhưng Ngài tưởng là của mình, có chủ, Ngài tưởng là của mình, chủ nhân là mình,
không có tâm trộm. Cho dù nó là trọng vật (tức là vật đủ năm tiền), hưng phương
tiện lấy, dời khỏi chỗ ban đầu rồi, như vậy cũng không phạm trộm cướp. Nhưng Phật
nói: “Không nên chưa nhìn đã lấy”. Như vậy không phù hợp với oai nghi. Đương
nhiên cũng nên tác pháp sám tội hạ phẩm, nhưng không phạm phải tội nặng căn bản.
Lại
ví dụ nó là khinh vật, mà không phải trọng vật, thiếu duyên thứ tư, khinh vật
chính là bốn tiền trở xuống. Tuy là quý vị dời nó khỏi chỗ ban đầu rồi, đó cũng
xem là phạm tội căn bản, nhưng là căn bản của tội trung phẩm. Chưa dời khỏi chỗ
ban đầu, chính là tội phương tiện của tội trung phẩm. Tội phương tiện lại giảm
xuống một bậc, chính là tội hạ phẩm. Cho nên đây là thiếu duyên thứ tư, duyên “thị
trọng vật”. Nếu thiếu “hưng phương tiện”, tức là vốn không ra tay để lấy trộm,
chỉ bị tội phương tiện xa, chính là có tâm trộm nhưng lập tức ngăn chặn lại,
không ra tay, vậy thì đối trước Phật trách tâm sám hối. Thiếu duyên thứ sáu,
không dời khỏi chỗ ban đầu, chỉ bị tội phương tiện, tức là trộm mà chưa được. Nếu
là trọng vật, thì tội giảm xuống một bậc, trở thành tội trung phẩm. Nếu đó là vật
bốn tiền, ba tiền, tội căn bản là trung phẩm, chưa dời khỏi chỗ ban đầu thì chỉ
bị tội phương tiện, giảm xuống thì trở thành tội hạ phẩm, là như vậy. Cho nên
đây là trường hợp đủ sáu duyên thành phạm.
Nói
đến vấn đề vật có chủ, chúng tôi còn phải phân tích tường tận. Chủ nhân của tài
vật này có thể chia thành ba loại để nói rõ: Thứ nhất là vật của Tam Bảo; thứ
hai là vật của người; thứ ba là vật của phi nhân, súc sanh. Theo nghiệp mà nói,
nghiệp trộm cắp vật của Tam Bảo là nặng nhất, bởi vì thể của vật phẩm Tam Bảo
thông với mười phương, đặc biệt là vật của Tăng, thông với mười phương. Cho nên
trộm cắp vật của Tăng là kết tội với mười phương Tăng, vì vậy phải đặc biệt nói
rõ điều này. Nếu là vật của phi nhân, súc sanh thì sẽ không phạm tội nặng, ý
não hại này không sâu lắm, đặc biệt là lấy trộm vật của súc sanh, sự chiếm hữu
của súc sanh không mạnh bằng con người chúng ta. Ví như trên cổ của chúng ta
đeo một sợi dây chuyền, trị giá năm tiền, quý vị lấy trộm dây chuyền đó, giật lấy
rồi, vậy thì não hại họ rất sâu, đây là phạm tội nặng. Nhưng một con chó, trên
cổ nó đeo một sợi dây chuyền, quý vị lấy trộm nó rồi, nếu dây chuyền đó là của
con chó này, nếu con chó này cũng không có chủ nhân, là con chó lang thang, quý
vị lấy sợi dây chuyền trên cổ chúng rồi, thì đối với chúng đương nhiên là não hại
không sâu sắc lắm. Phương diện này thì chó còn mạnh hơn con người chúng ta một
chút, sẽ không tham đắm như thế, đương nhiên là bởi vì chúng ngu si, nhưng dù
sao thì ý não hại của quý vị đối với chúng không mạnh lắm. Nhưng nói cách khác,
nếu con chó này có chủ nhân, sợi dây chuyền này cũng là của chủ nhân đó, vậy
quý vị tháo sợi dây chuyền trên cổ của con chó này lấy đi rồi, quý vị kết tội với
chủ nhân của con chó, vẫn là phạm tội nặng, bởi vì vật đó có chủ là người,
không phải là vật của con chó, con chó đó cũng là của người, sự việc là như vậy.
Trước
tiên xem trộm cắp vật của Tam Bảo, Tam Bảo chính là Phật, Pháp, Tăng. Thứ nhất
là “vật của Phật”, chia thành hai trường hợp. Thứ nhất là khi Phật tại
thế, Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, Ngài là người, thị hiện thân người. Quý vị
trộm cắp đồ vật của Phật, vậy đương nhiên là kết tội với Phật, cũng như vậy, đủ
năm tiền thì kết tội nặng, bởi vì Phật chính là chủ nhân, vật có chủ. Trường hợp
thứ hai là sau khi Phật diệt độ, chúng ta tạo tượng Phật. Nếu tượng Phật này
không có chủ quản, tức là một tượng lộ thiên, là một tượng Phật mà mọi người đều
có thể đến cúng dường. Có vật phẩm của người khác cúng dường Phật để ở đó, vậy
quý vị lấy trộm, bởi vì vật của tượng Phật này không có chủ quản, là thuộc về
Phật, nhưng Phật chỉ là tượng Phật, cho nên ý não hại Phật sẽ không sâu, như vậy
thì kết tội trung phẩm. Trộm cắp vật của Phật lại là tội trung phẩm, tức là đủ
năm tiền là tội trung phẩm, không đủ năm tiền là tội hạ phẩm. Nếu tượng Phật
này có chủ quản, ví như Thiện Quả Lâm của chúng ta, hiện tại Tăng đoàn là chủ
quản, vật phẩm quý vị cúng dường Phật do Tăng đoàn quản lý, nếu chúng ta lấy trộm
vật phẩm cúng dường Phật, chính là kết tội với chủ quản rồi. Cho nên vẫn kết phải
tội nặng, đủ năm tiền thì kết tội nặng, đây không phải là kết tội với Phật, mà
kết tội với chủ quản. Chủ quản có thể là một người, cũng có thể là một đoàn thể.
Còn
trường hợp thứ hai là “vật của Pháp”, vật của Pháp chính là kinh sách.
Tam Bảo mà chúng tôi nói ở đây đều là chỉ trụ trì Tam Bảo, có tướng, tướng Tam
Bảo bên ngoài, không phải nói đến tự tánh Tam Bảo. Tự tánh Tam Bảo đó là trong
kinh giáo nói, không có hình không có tướng, Tam Bảo mà chúng tôi nói ở đây
chính là trụ trì Tam Bảo có hình tướng bên ngoài. Cho nên Phật chính là tượng
Phật, Pháp chính là kinh sách, Tăng chính là những chúng xuất gia chúng tôi.
Pháp vật (vật của Pháp) cũng bao gồm hai loại, một là vật của Pháp, vật của Pháp và vật của Phật đều có bốn loại khác
nhau, lúc nãy không nói đến Phật vật, trên thực tế Phật vật cũng bao gồm bốn loại:
Thứ nhất là “vật do Phật thọ dụng”, thứ hai là “vật thuộc về Phật”,
thứ ba là “vật cúng dường Phật”, thứ tư là “vật hiến dâng Phật”.
Đây là cách phân chia tương đối cặn kẽ một chút.
“Vật
do Phật thọ dụng” là vật phẩm Phật đã thọ dụng. Chúng ta nói về tượng Phật, vật
phẩm mà tượng Phật thọ dụng là gì? Đại Hùng bảo điện là điện đường của Phật,
phòng xá, điện đường, Đại Hùng bảo điện. Ví dụ trên thân Phật khoác cà sa, còn
có một số như cờ, phướn, v.v…, đều là đồ vật do Phật thọ dụng. Đương nhiên bao
gồm bản thân tượng Phật, những vật này đều là vật do Phật thọ dụng. Nếu chúng
ta lấy trộm, thì phải xem có chủ quản hay không, có chủ quản thì kết tội với chủ
quản, đủ năm tiền thì phạm tội thượng phẩm không thể sám hối; nếu không có chủ
quản, thì không kết tội nặng, chỉ kết tội trung phẩm.
Những vật mà Phật thọ dụng thì chúng ta xử lý như thế
nào? Vật mà Phật đã thọ dụng thì chúng ta chỉ có thể vĩnh viễn để Phật thọ dụng,
người khác đều không được thọ dụng. Phật là đấng chí tôn trong tam giới, cho
nên chúng ta phải cung kính Phật. Không thể nói cà sa trên tượng Phật đã cũ rồi,
tôi lấy để mặc, tôi mua lại chiếc mới cho Phật, như vậy không được. Bởi vì cà
sa mà Phật đã thọ dụng quý vị không thể lấy khoác, cũng không thể bán đổi vật
khác. Không thể nói, y phục trên tượng Phật hoặc tọa cụ, tọa cụ cũ rồi, chúng
ta xem như phế phẩm mà bán đi, bán rồi còn dư chút tiền, tôi lấy tiền mua lại đồ
vật cúng dường Phật, cũng không được. Vật do Phật thọ dụng cũng giống như xá lợi
Phật vậy, đó là đại diện cho Pháp thân của Phật, vậy quý vị không thể tùy tiện
xử lý. Cho dù nó vỡ rồi, hư hỏng rồi, không thể dùng nữa, làm sao đây? Quý vị
chỉ có thể giữ gìn vật này thật tốt, hoặc là để ở một nơi không có ai giẫm đạp,
cứ để nó tự nhiên phong hóa, đến khi phân hủy mới thôi. Vật phẩm cúng dường Phật
chúng ta cũng không thể tùy tiện, vật mà Phật đã thọ dụng thì là vĩnh viễn. Hôm
qua có một vị Pháp sư đến hỏi tôi, nói trước kia quê Ngài có một tự viện, nông
dân ở đó cũng không biết, tháo cửa gỗ lớn của Đại Hùng bảo điện xuống làm ván
giường để sử dụng, như vậy chính là trộm cắp vật của Phật rồi. Mà còn là vật mà
Phật đã thọ dụng, bởi vì Đại Hùng bảo điện là điện đường của Phật, bao gồm cửa,
cửa sổ đều là vật do Phật thọ dụng, quý vị tháo xuống dùng làm ván giường của
mình để ngủ, đó chính là khinh nhờn Phật vật, như vậy không thể được.
Thứ
hai là “vật thuộc về Phật”, đều thuộc về Phật. Người khác đem vật phẩm
cúng dường Phật, thuộc về sở hữu của Phật, nhưng Phật vẫn chưa thọ dụng, cũng
không thể thọ dụng. Giống như tiền tài, có người dùng tiền cúng dường Phật, thuộc
về vật của Phật rồi, thậm chí còn có người cúng dường ruộng vườn, cúng dường
người, súc sanh. Người là như thế nào? Vào thời xưa có nô lệ, nô bộc, nô bộc là
chuyên dùng để trông coi tượng Phật, trông coi Đại Hùng bảo điện, những điều
này đều có thể, đây đều thuộc về tài vật của Phật, nhưng bản thân Phật sẽ không
thọ dụng, làm sao Phật dùng tiền tài của quý vị? Tỳ-kheo đều không nắm giữ cất
chứa tiền bạc, Phật càng không thể nắm giữ cất chứa tiền bạc, cho nên số tiền
đó thuộc về Phật nhưng không phải là vật mà Phật thọ dụng. Trường hợp này thì
có thể dùng để “chuyển dịch”, chính là dùng tiền để đổi lấy vật khác, “dịch”
là trao đổi, trao đổi vật khác, vật mà Phật có thể thọ dụng. Thông thường tiền
tài sẽ tương đối nhiều, đặc biệt là tiền tài cúng Phật bảo, tiền tài này thông
thường phải có người giải quyết.
Nếu
một đạo tràng chuyên thiết lập tiền cúng Phật, vậy thì số tiền này thuộc về Phật
dùng. Ví như cà sa của Phật đã cũ không thể dùng được nữa, vậy có thể thỉnh cà
sa đó xuống, gói lại cẩn thận, chôn ở sau núi, nơi mà không có người giẫm đạp.
Sau đó lại đi thỉnh một chiếc cà sa, lấy tiền đi thỉnh để cúng dường Phật, thì
có thể dùng số tiền này, là vật thuộc về Phật. Bao gồm ruộng vườn cũng vậy, ví
dụ như trong ruộng vườn có hoa quả, hoa quả có thể đem đi bán, sau khi bán rồi
mua vật phẩm để cúng dường Phật. Bởi vì thuộc về Phật, nên người khác cũng
không thể thọ dụng, quý vị không thể lấy số hoa quả này bán rồi, dù gì Phật
cũng không dùng những thứ này, chúng ta lấy để dùng, không được, phạm trộm cắp
vật của Phật. Vật của Phật, tiền tài của Phật, nếu chuyển thành vật phẩm khác,
ví dụ như bản thân chúng ta nghĩ: Tiền tài của Phật, dù gì Phật cũng không
dùng, vậy chúng ta dùng nó để in ấn kinh, chắc hẳn Phật cũng rất hoan hỷ. Tức
là chuyển vật của Phật thành vật của Pháp để dùng rồi, vậy thì phạm trộm cướp.
Nếu vật của Phật có chủ quản, thì kết tội với chủ quản, không có chủ quản thì kết
tội trung phẩm.
Thứ
ba là “vật cúng dường Phật”. Đây là nói vật phẩm cúng dường như: Hoa,
nhang, đèn, nến, cờ, phướn, v.v…, đây là vật cúng dường Phật. Những vật phẩm
cúng dường Phật này, vẫn chưa cúng cho Phật thọ dụng, nếu cúng Phật thọ dụng,
thì thuộc về Phật thọ dụng vật, nếu chưa cúng cho Phật thọ dụng, chuẩn bị cúng
dường, người khác đem đến chính là để cúng dường Phật, vẫn chưa dâng lên cúng,
những vật này có thể lấy bán đổi vật khác, nếu có quá nhiều rồi thì có thể bán
rồi đổi vật khác. Ví dụ quá nhiều hoa rồi, vậy chúng ta bán hoa đi, mua nhang về
cúng dường Phật cũng được, mua cờ, phướn để cúng dường Phật cũng được. Đây là bản
thân vật này có thể dùng để trao đổi, chính là bán đổi vật khác.
“Vật
hiến dâng Phật”, thứ tư – vật hiến dâng Phật là vật phẩm dâng cúng Phật,
thông thường là chỉ thức ăn: bánh ngọt, rau cải, cơm, trái cây, v.v… Những món
này đương nhiên là Phật sẽ không ăn, như chúng tôi đại cúng trước Phật, thức ăn
đã cúng Phật, ai phải thu xếp việc này? Thầy hương đăng. Thầy hương đăng là thị
giả của Phật, do thị giả thu xếp. Đây là nói đến tín chúng đàn việt bên ngoài
cúng dường Phật những thực phẩm như rau cải, trái cây, đồ ăn thức uống. Nếu
không dùng thức ăn cúng dường của tín chúng, mà là thức ăn của thường trụ thì
sao? Sau khi đã cúng Phật thì vẫn phải quy về thường trụ, không thể nói một
mình thầy hương đăng chiếm hữu. Cho nên thực phẩm phải phân ra, xem nguồn gốc của
nó, nguồn gốc của thức ăn có phải của thường trụ hay không. Đây là nói đến trường
hợp bốn vật của Phật, còn có một trường hợp như là tiền bạc thuộc về vật của Phật,
thông thường chúng ta chắc chắn không phải chỉ giữ tiền mặt, chúng ta cũng sẽ gửi
tiền trong ngân hàng. Gửi ngân hàng sẽ sinh lãi, tiền lời đều quy về vô tận tài
của Phật, không thể nói tiền lời dù gì cũng dư ra, chúng ta tùy tiện lấy dùng,
vậy không được. Tiền vốn
là thuộc về Phật, tiền lời cũng thuộc về Phật.
Về
Pháp vật cũng có bốn loại, Pháp vật cũng bao gồm: Vật do Pháp thọ dụng, vật
thuộc về Pháp, vật
cúng dường Pháp và vật hiến dâng Pháp. “Vật do Pháp thọ dụng”,
ví dụ giấy dùng để viết kinh sách, đó là vật do Pháp thọ dụng. Xưa kia cũng có
viết trên thanh tre, trên lá bối, hoặc là viết trên vải, lụa, viết kinh văn
lên. Còn có hộp, thùng, vỏ bọc, v.v… chuyên dùng để đựng kinh sách. Đây là hộp
chuyên để đựng kinh điển, không phải là hộp đóng gói thông thường. Ví dụ như hộp
sách này đặc biệt có ghi “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”, là một chiếc
hộp bên ngoài kinh sách, đây cũng là vật do Pháp thọ dụng, không phải chỉ là hộp
đựng thông thường. Như chúng ta gửi Pháp bảo, thì lấy hộp giấy thông thường, vậy
thì không hề gì, đó chỉ là tạm thời đóng gói thôi, không phải vĩnh viễn thuộc về
vật do Pháp thọ dụng.
“Vật
thuộc về Pháp” chính là thuộc về tiền bảo, đương nhiên cũng bao gồm ruộng
vườn, phòng xá, nơi chốn, v.v… đều có. Tương đối phổ biến chính là tiền bảo,
như cách nói thông thường của chúng ta là tiền Pháp bảo, tiền Pháp bảo chuyên
dùng để in kinh, đây chính là vật thuộc về Pháp. Bản thân số tiền này không phải
là Pháp, nhưng toàn bộ thuộc về tiền của Pháp, vậy quý vị chỉ có thể dùng để in
kinh, dùng để làm hộp đựng kinh điển, vận chuyển kinh điển, v.v… đều được.
Đương nhiên Pháp này không chỉ riêng chữ viết, mà còn bao gồm âm thanh, như hiện
nay làm máy nghe pháp MP3, máy nghe pháp MP4, hình tượng, cho đến các công cụ
truyền Pháp của các phương diện internet, truyền thông, đó đều thuộc về phương
tiện truyền Pháp, những công cụ này đều có thể dùng, đều có thể dùng tiền Pháp bảo.
Vả lại, tiền Pháp bảo còn có thể dùng để làm phí thỉnh Pháp sư giảng pháp, ví dụ
vé máy bay của Ngài, phí di chuyển của Ngài, phí ngủ trọ, phí sinh hoạt, v.v… Bởi
vì vị Pháp sư này cũng thuộc về phương tiện truyền Pháp, Pháp khí, chính là khí
cụ chứa đựng Pháp, Ngài đến rồi thì có thể nói Pháp ra. Cho nên không chỉ kinh
sách là phương tiện truyền Pháp, con người cũng có thể là phương tiện truyền
Pháp, có thể dùng để thỉnh Pháp sư giảng Pháp, nhưng chỉ có thể thỉnh vị Pháp
sư giảng Pháp đó, một vị Pháp sư khác trong Tăng đoàn theo Ngài, thì không thể
dùng tiền Pháp bảo này, có thể dùng khoản tiền cúng dường Tăng khác, việc này
phải chia ra.
Còn
có “vật cúng dường Pháp” và “vật hiến dâng Pháp”, giống như vật của
Phật vậy, bởi vì chúng ta cúng dường kinh sách cũng như cúng Phật, cũng được, tức
là cúng hoa, nhang, đèn, cờ, phướn, v.v… chuyên dùng để cúng dường Pháp bảo. Ví
dụ chúng ta đã thỉnh một bộ Đại Tạng Kinh, chúng ta muốn dùng hương hoa để cúng dường, “hương
hoa nghênh, hương hoa thỉnh”, thỉnh kinh sách về, những vật này đều có thể xem
là vật cúng dường Pháp. Vật hiến dâng Pháp cũng là chỉ thức ăn,
cũng có thể dùng thức ăn cúng dường kinh điển, cũng có người làm như vậy. Những
vật này đều được, bốn loại vật đều được.
Trong
bốn loại vật này cũng vậy, chỉ cần là vật do Phật hoặc Pháp đã thọ dụng, thì
không thể chuyển thành vật khác. Ví dụ như vừa rồi nói đến hộp đựng Kinh Hoa
Nghiêm, là vật do Pháp thọ dụng, quý vị không thể nói: Dù gì bây giờ chúng tôi
không dùng hộp đó đựng kinh sách nữa, nên đựng vật khác, như vậy không được. Nếu
đựng Pháp khác, đựng kinh sách khác còn có thể, nhưng cũng là trái với ý thí chủ,
thí chủ làm hộp này là chuyên cúng dường Kinh Hoa Nghiêm, quý vị lấy để cúng dường
Kinh Vô Lượng Thọ, không được. Nhưng sẽ không phạm đến tội căn bản của trộm cướp,
chỉ là trái với ý thí chủ, tội hạ phẩm. Nhưng nếu quý vị lấy vật do Pháp thọ dụng
để đựng thứ khác, ví dụ như đựng rác, vậy thì không chỉ là khinh nhờn Pháp bảo,
mà quý vị còn phạm trộm cắp vật của Pháp, sự việc là như vậy.
Vật
thuộc về Phật, thuộc về Pháp chủ yếu đều là tiền bạc, vừa rồi đã nói, có thể
dùng số tiền này để đổi vật phẩm cúng dường khác để cúng dường. Thức ăn hiến
dâng Phật và hiến dâng Pháp, thầy hương đăng, chính là thị giả, thầy hương đăng
là thị giả của Phật, đương nhiên cũng có thị giả của Pháp, thị giả của Pháp
tương đối ít, thông thường cũng rất ít khi dùng thức ăn để cúng dường Pháp bảo,
thông thường là dùng thức ăn cúng dường Phật, việc này thầy ấy xử lý. Trừ phi
là vật thường trụ, thực phẩm thường trụ cúng dường Phật xong vẫn quy về thường
trụ. Đây là nói đến hai trường hợp về vật của Phật và vật của Pháp.
Nếu
như, vật thọ dụng của Pháp đã nói lúc nãy, giống như giấy trong kinh sách, đó
là vật thọ dụng của Pháp, hộp, thùng đựng kinh sách, nếu lấy trộm những vật này,
ví dụ nói kinh sách này tôi lấy đi bán rồi, xem như phế phẩm mà bán cũng có thể
bán được vài đồng tiền, như vậy chính là lấy trộm. Không chỉ là tội khinh nhờn ấy,
còn có lấy trộm, sẽ chiếu theo giá trị của giấy, hộp, nhân công, vật liệu để
xét tội theo giá trị, đương nhiên cũng không nhiều lắm, nhưng cũng có thể đủ
năm tiền kết tội nặng. Song, Pháp vốn là vô giá, cho nên không xét giá trị của
Pháp nữa. Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm trị giá bao nhiêu, không thể
tính, đây là vô giá, Pháp bảo vô giá. Cho nên chỉ xét về giấy đó. Nếu quý vị in
giấy của quyển kinh sách này rất tốt, thì có thể đủ năm tiền, nếu in quyển kinh
sách đó không tốt lắm, thì có thể không đủ năm tiền. Nếu hủy hoại, cố ý hủy hoại
kinh sách, như vậy cũng xét tội theo giá trị, hủy hoại giá trị bao nhiêu, những
giá trị của giấy, hộp sách. Nếu thiêu hủy kinh sách, thì xem như một tội tương
đồng của tội nghịch, bởi vì Pháp bảo kinh sách xem như là Pháp thân của Phật vậy,
chúng ta thiêu hủy, thì xem như phạm tội nghịch. Nhưng xét về tội trộm cướp mà
nói, chiếu theo tội phạm giới để nói, đó thuộc về tội trung phẩm, thiêu hủy rồi
chính là tội trung phẩm.
Nếu
nghe trộm Pháp bảo, ví dụ Pháp sư giảng kinh, nếu vị Pháp sư này là một người
khá là tiếc Pháp, Pháp sư muốn thu vé vào cửa, có khả năng này không? Có khả
năng. Ngài ra giảng kinh, một người 1000 Đài tệ một buổi, vậy nếu quý vị vào để
nghe trộm, quý vị không mua vé vào cửa, như vậy là kết tội với vị Pháp sư đó. Nếu
vé vào cửa là 1000 tệ, vậy thì phạm tội nặng thượng phẩm không thể sám hối, định
tội theo giá trị. Đạo văn cũng như vậy, tức là ăn cắp văn, xâm phạm bản quyền của
người khác. Hiện nay tôi thấy có một số kinh sách đều in bản quyền rồi, như vậy
là không đúng. Kinh không thể có bản quyền, bởi vì bản quyền là thuộc về Thích
Ca Mâu Ni Phật, vậy chẳng phải là quý vị phạm trộm cắp của Thích Ca Mâu Ni Phật
rồi sao? Quý vị cũng không đưa tiền cho Thích Ca Mâu Ni Phật, quý vị không thể
lấy kinh của Thích Ca Mâu Ni Phật, lấy để in thành của mình, rồi nói là có bản
quyền, như vậy không được.
Nhưng
nếu là tác phẩm của Pháp sư, vậy bản quyền thuộc về Pháp sư, việc này không có
gì đáng trách, hiện nay cũng bảo vệ bản quyền tri thức, quyền trước tác. Vậy nếu
chúng ta đạo văn, ăn cắp bản quyền, sao chép thì họ sẽ truy cứu, sao chép chắc
chắn bị truy cứu, đây chính là đối với chủ nhân (tác giả) mà định tội theo giá
trị. Quý vị sao chép một quyển sách bao nhiêu tiền, muốn sao chép thì cần phải
đóng bao nhiêu tiền, quý vị không đóng thì định tội theo giá trị, đủ năm tiền
cũng kết tội nặng. Đây là đối với người tiếc Pháp. Như tôi đây thì không tiếc
Pháp, nghe trộm, đạo văn không hề gì, nếu quý vị đến nghe kinh, đã không thu tiền,
lại tùy ý mọi người có thể in ấn lưu thông. Bao gồm những người viết lại những
lời tôi giảng thành bài văn, đem đi in ấn, việc đó cũng không thành vấn đề, như
vậy không phạm trộm cướp, không cần thông qua sự đồng ý của tôi, bởi vì tôi
không có bản quyền. Đó là đối với người có bản quyền mà nói, có thể sẽ phạm trộm
cướp. Từ đây biết được, quý vị không nhất định là đối với Pháp, nếu đối với những
tác phẩm có bản quyền tri thức khác mà quý vị đạo văn, nghe trộm, sao chép, hoặc
là những phần mềm, quý vị chép lậu, những việc này đương nhiên đều phạm trộm cướp,
cũng luận tội theo giá trị, đủ năm tiền thì kết tội nặng.
Tiếp
theo chúng ta nói đến “vật của Tăng”. Vật của Phật, vật của Pháp cũng
khá đơn giản, vật của Tăng thì tương đối phức tạp, mọi người chú ý nghe. Bởi vì
chúng ta đều là người trong Tam Bảo, và trong Ba bộ luật
lớn Nam Sơn đặc biệt viết rằng: Phạm giới trộm cướp vật Tam Bảo là rất dễ
dàng, đặc biệt là ở trong đạo tràng làm chấp sự, làm cán sự. Nếu quý vị chưa học
qua giới này, lỡ như không cẩn thận như hỗ dụng vật Tam Bảo, thì sẽ phạm
trộm cướp. “Hỗ dụng” tức là dùng vật của Phật thành vật của Pháp, dùng vật
của Pháp thành vật của Phật, hoặc dùng vật của Pháp thành vật của Tăng, dùng vật
của Tăng thành vật của Phật, đây đều là hỗ dụng, đều phạm trộm cướp. Quý vị
nói: Bản thân tôi không được lợi, không có lợi ích, tôi đều là vì lợi ích chúng
sanh, tiền của Phật bảo quá nhiều, tôi dùng nó để in kinh có gì không được chứ?
Đúng là không được, nhân quả, việc
đó
có nhân quả. Vật của Tam Bảo không thể dùng lẫn lộn.
Vật
của Tăng có thể chuyển thành vật của Phật, vật của Pháp, nhưng cũng phải thông
qua Tăng tác pháp yết ma mới được, nếu không thông qua yết ma thì vẫn phạm trộm cướp. Không phạm tội trộm vật
của Tăng thì thôi, hễ phạm trộm thì tội rất nặng. Trong Kinh Địa Tạng cũng đặc
biệt dạy rằng: Nếu trộm cắp vật thường trụ, thậm chí chỉ một chút, tương lai đều
phải đọa địa ngục Vô Gián, không có ngày mong ra khỏi. Nếu mọi người đọc Kinh Địa
Tạng, có thể vẫn còn nhớ. Trong Kinh Phương Đẳng, Hoa Tụ Bồ-tát đã từng nói: Những
tội tứ trọng, ngũ nghịch, ta còn có thể cứu, nếu trộm cắp vật của mười phương
Tăng, ta không thể cứu. Bởi vì vật của Tăng thông với mười phương, mười phương
là mười pháp giới trong mười phương thế giới, tất cả phàm thánh Tăng, chủ nhân
này có cảnh giới vô cùng rộng lớn. Vậy nếu chúng ta lấy trộm rồi, tội nghiệp
này đều đọa địa ngục A Tỳ, ngay cả tội ngũ nghịch, tứ trọng cũng không bằng,
cho nên điều này thật sự chẳng thể không học. Không thể nói tôi niệm Phật là được,
lỡ như phạm tội trộm cướp thì hỏng rồi. Niệm Phật vẫn chưa niệm đến nhất tâm bất
loạn, lại xuống địa ngục để thọ báo trước, cho nên vẫn phải học giới.
Vật
của Tăng chia làm bốn loại: Thứ nhất là “vật thường trụ của Tăng thường trụ”,
thứ hai là “vật thường trụ của mười phương Tăng”, thứ ba là “vật hiện
tiền của Tăng hiện tiền”, thứ tư là “vật hiện tiền của mười phương Tăng”,
có bốn loại. Phải nói riêng về bốn loại vật này.
–
Thứ nhất là “vật thường trụ của Tăng thường trụ”, chính là vật chuyên
thuộc về đạo tràng thường trụ. Ví như phòng xá của chùa, phòng xá này là chỉ
Tăng xá. Đại Hùng bảo điện thuộc về vật do Phật thọ dụng, không thuộc về vật của
Tăng, mà là vật của Phật. Tăng xá nói đến ở đây chính là Tăng liêu, liêu phòng,
những phòng như vậy, còn có các loại khí cụ mà Tăng nhân dùng, như: bàn ghế, ngọa cụ, v.v…, còn có tiền bạc của
thường trụ (khoản tiền thường trụ), đây đều là vật thường trụ. Đương nhiên còn
có ngôi chùa này, chùa là thuộc về Tăng, nếu trong chùa có ruộng vườn, có cây
ăn trái, còn có hoa cỏ, cho đến nô bộc, thậm chí súc sanh, chó nuôi trong chùa,
con chó ấy cũng thuộc về chùa. Tuy là trong giới Bồ-tát nói không thể nuôi mèo,
heo, chó, nhưng có trường hợp có lẽ là bất đắc dĩ, ví như trong rừng sâu núi thẳm
thì họ nuôi một con chó giữ cửa, điều này cũng có khả năng. Nuôi chó đương
nhiên là họ phạm tội khinh cấu của giới Bồ-tát, là việc của bản thân họ, nhưng
con chó này thật sự thuộc về chùa, vậy quý vị trộm con chó cũng là phạm trộm cắp
vật thường trụ. Bao gồm thực phẩm của thường trụ, tất cả thức ăn sống và chín
trong nhà trù. Những thức ăn này chỉ cần thuộc về thường trụ, thì không xét đến
có chủ quản hay không. Đương nhiên có thể nói có chủ quản, ví dụ như trong chùa
thì có trụ trì, trụ trì quản lý chùa này, nhà trù là điển tọa quản lý thức ăn của
nhà trù, đều có chủ quản. Không có chủ quản thì thuộc về thường trụ, là như
nhau. Nếu trộm cắp những vật thường trụ này, đủ năm tiền thì kết tội nặng. Đây
thuộc về vật thường trụ của Tăng thường trụ.
Vì
sao gọi hai từ thường trụ? Bởi vì đây là “thuộc xứ dĩ định, bất khả phân cát”.
Thứ nhất, thường trụ là chỉ thuộc xứ dĩ định, định ở đạo tràng này, thứ hai là
nó không thể phân chia. Ví dụ như tiền thường trụ, hiện nay chúng tôi có mười
Pháp sư, mỗi người được chia một phần mười, chia ra hết rồi, không được, không
thể chia cho cá nhân, nó không thể phân chia, phân chia chính là phạm trộm cướp.
Cho nên chỉ có thể là, tiền thường trụ này có thể mua đồ vật cho Tăng nhân thường
trụ ở đây sử dụng, mọi người chỉ có quyền sử dụng, không thể phân chia nó ra.
Bao gồm tất cả vật phẩm của thường trụ, bàn ghế, những bồ đoàn này, v.v… tất cả
mọi vật, thực phẩm, không thể nói ở đây có quá nhiều, dù gì cũng dùng không hết,
tôi lấy mang về nhà, phạm trộm cắp vật thường trụ. Quý vị chỉ có thể ở trong đạo
tràng của thường trụ để dùng, dùng thì được, nhưng không thể mang đi, không thể
chiếm làm của riêng, không thể chia. Cho nên vì sao chùa của chúng tôi không
thiết lập “đơn kim”, rất nhiều đạo tràng tự viện đều phát đơn kim, tiền đó cho
Pháp sư, mỗi tháng phát bao nhiêu tiền, giống như phát tiền lương, tiền thù lao
vậy. Nghiêm khắc mà nói, điều này không tốt lắm, bởi vì nó xem như dùng tiền
thường trụ để chia, như vậy là phạm trộm cắp vật thường trụ rồi.
–
Thứ hai là “vật thường trụ của mười phương Tăng”. Vật thường trụ của mười
phương Tăng, thông thường đều là chỉ thức ăn cúng Tăng mỗi ngày, chính là “Tăng
thường thực”, thức ăn cúng Tăng. Ví dụ thường trụ có thực phẩm, hôm nay điển tọa
lấy những phần thực phẩm cúng Tăng này ra, lấy ra từ kho nhà trù, đưa vào phần
cúng Tăng ngày hôm đó, thực phẩm này đưa vào phần thức ăn cúng Tăng ngày đó, liền
biến thành vật thường trụ của mười phương Tăng. Phần thức ăn này, đến lúc chuẩn
bị ăn cơm thì đánh bảng, triệu tập mười phương Tăng, hễ là Tăng chúng vào trong
đại giới, đều có một phần thức ăn no đủ. Không thể ngăn cản bất kỳ Tăng nhân
nào mà không cho họ ăn cơm, bởi vì đây là vật thường trụ của mười phương Tăng,
thể thông với mười phương, tất cả Tăng nhân từ mười phương đến, quý vị quen biết
hay không quen biết, là vật thường trụ của chùa hay không là phải vật thường trụ
của chùa, chỉ cần vào đại giới thì đều có thức ăn. Không thể ngăn cản, “thầy
không phải là người trong chùa chúng tôi, không cho thầy ăn”, như vậy là phạm
trộm cắp vật thường trụ của mười phương Tăng. Nếu chỉ đối với một vị ấy, quý vị
ngăn cản không cho vị ấy vào ăn, như vậy là phạm trộm cắp với cá nhân vị ấy, trộm
một phần thức ăn của vị ấy. Xem phần thức ăn đó có phải trị giá năm tiền trở
lên không, thông thường có lẽ là không, nhưng cũng không chắc, nếu đúng lúc hôm
nay thí chủ đàn việt muốn cúng dường thức ăn cho mười phương Tăng có món ăn
quý, giá trị rất cao, cũng có khả năng một phần trên 1000 tệ, vậy là phạm tội nặng.
Nếu
chúng ta bất cẩn ngăn cản mười phương Tăng, không cho họ vào ăn, làm như thế
nào? Không đánh bảng. Không đánh bảng để triệu tập mười phương Tăng, “dù gì
chúng ta cũng chỉ có mấy người trong chùa, bản thân chúng ta ăn, không cần triệu
tập mười phương Tăng”, như vậy là phạm trộm cắp với mười phương Tăng. Ăn uống,
nếu có chủ quản, khi có chủ quản, phạm trộm cắp này là kết tội với chủ quản; nếu
không có chủ quản, vậy thì kết tội trực tiếp với mười phương Tăng. Thông thường
không đánh bảng chính là kết tội với mười phương Tăng, quý vị không triệu tập
mười phương Tăng vào. Những thức ăn của quý vị là có hạn, nếu phân chia cho mười
phương Tăng, mỗi người chắc chắn không đủ năm tiền, cho nên trộm cắp vật thường
trụ của mười phương Tăng, thì sẽ không kết phải tội nặng. Nhưng bởi vì tình tiết
của nó rất nghiêm trọng, do quý vị ngăn cản mười phương Tăng vào đại giới để ăn
cơm, như vậy là phạm tội trung phẩm, không chỉ là xét về giá trị. Cho dù chỉ là
một trái táo, nhưng lấy ra từ vật thường trụ cúng Tăng ngày hôm nay, thì cũng
phải đánh bảng. Vì vậy, đạo tràng chúng ta đều phải hình thành thói quen này, bất
luận là Tăng chúng nhiều hay ít, ăn cơm đều phải đánh bảng, tác ý triệu tập mười
phương Tăng đến. Cho dù một mình quý vị ở nhà tranh, ở tinh xá nhỏ, nếu thức ăn
mà thí chủ đó cúng dường là cúng dường thường trụ, không chỉ cúng dường một
mình quý vị, vậy thì theo ý của thí chủ, nếu thí chủ chỉ cúng dường riêng một
mình quý vị, vậy là đồ vật của cá nhân quý vị. Nếu thí chủ nói: “Con cúng dường
các vị Tăng trong thường trụ, thầy cũng được, vị khác cũng được, dù gì thì vị
nào ở đây con cũng cúng”, họ tác ý như vậy, thì quý vị nhất định phải đánh bảng
rồi. Cho dù hôm nay chỉ một mình tôi ăn, tôi chỉ muốn ăn một trái táo, tôi
không đói chút nào, lấy một trái táo ra, ăn trái táo này quý vị cũng phải đánh
bảng, nếu quý vị không đánh bảng, vẫn phạm trộm cắp vật thường trụ của mười
phương Tăng, phạm tội trung phẩm. Vì vậy, chúng ta phải biết những điều này, giới
luật không có gì để thương lượng, đều có văn bản quy định, có phạm chính là phạm,
không phạm thì không phạm, chúng ta phải hiểu rõ những điều này.
Còn
có một trường hợp nữa, lúc nãy nói trường hợp có chủ quản, thông thường là điển
tọa, Ngài lấy thực phẩm từ nhà kho ra, hôm nay phải cúng Tăng, đây là thức ăn của
thường trụ. Ban đầu là vật thường trụ của Tăng thường trụ, bây giờ lấy ra rồi,
đương nhiên phải chuyển thành vật thường trụ của mười phương Tăng rồi. Tuy là
chuyển rồi nhưng vẫn chưa bắt đầu chia, tức là vẫn chưa đánh bảng, có khoảng thời
gian này, điển tọa chính là người quản lý thức ăn thường trụ của mười phương
Tăng, đợi đánh bảng thì chia phần. Nếu lúc này chúng ta trộm những thức ăn đó,
thức ăn cúng dường Tăng hôm ấy, thì đối với vị điển tọa, người chủ quản này, ta
lấy trộm rồi, không chỉ là đối với mười phương Tăng, tuy gọi là vật thường trụ
của mười phương Tăng, nhưng nó có chủ quản, vậy thì kết tội với chủ quản, đủ
năm tiền kết tội nặng, sẽ kết tội nặng. Sau khi đánh bảng để phân chia rồi, thì
không có chủ quản nữa, Tăng nhân đều có thể lấy một phần thức ăn no đủ. Nếu lúc
này không đánh bảng, hoặc là đóng cửa lớn lại, không cho người bên ngoài vào,
tác ý như vậy, thì trộm cắp vật thường trụ của mười phương Tăng, chia ra thì
không thể là năm tiền, như vậy thì không phạm tội nặng thượng phẩm, chỉ phạm tội
trung phẩm.
Người
thọ dụng những thức ăn này, ngoài Tăng nhân ra, năm chúng xuất gia đều có thể
thọ dụng. Còn có người tại gia, nếu là người phục vụ trong chùa đó, thông thường
chúng ta gọi là tịnh nhân, hoặc là người làm công quả, hiện nay nói, chính là họ
chuyên phục vụ cho đạo tràng này, họ cũng có thể hưởng một phần lợi dưỡng, họ
cũng có thể ăn cơm, không thể ngăn cấm họ được, họ có quyền ăn. Chỉ là người
thông thường từ bên ngoài đến, đã không phải là người làm công quả, tịnh nhân
trong chùa, hôm đó cũng không phải đến phục vụ, chỉ muốn đến nhờ một bữa cơm,
người này vẫn sẽ phạm trộm cướp. Phạm trộm cướp này như thế nào? Họ lấy trộm một
phần lợi dưỡng, như vậy cũng sẽ định tội của họ theo giá trị. Trường hợp này
cũng có một sự khai duyên, ví dụ như người thân của quý vị, thường hay có, Tăng
chúng của chúng ta, người thân đến thăm, họ không phải là tịnh nhân hay người
làm công quả trong tự viện, nhưng giờ trưa đến rồi, xung quanh Thiện Quả Lâm
chúng ta cũng không có quán cơm nào, quý vị đuổi người ta đi để họ tự tìm cơm
ăn, cũng không nỡ lòng nào. Đặc biệt là hôm nay họ đã thọ Bát Quan Trai giới rồi,
sắp qua giờ ngọ rồi, không ăn ở đây thì đi đâu ăn? Quý vị cũng không nỡ để người
ta phá trai giới. Lúc này làm thế nào? Có thể giữ họ lại ăn một bữa cơm, nhưng
họ hoặc bản thân quý vị, nên cúng dường lại giá trị của một phần thức ăn cho
thường trụ, bù vào cho thường trụ. Nếu không thì họ cũng là một kiểu trộm cắp tổn
hại thường trụ, trường hợp này có thể khai duyên. Đây là nói đến trường hợp thức
ăn của thường trụ dùng để cúng dường mười phương Tăng. Đương nhiên, tịnh nhân,
người làm công quả đều có một phần lợi dưỡng, bao gồm chấp sự của chúng ta,
chúng ta ở đây, hôm nay quý vị đến đây làm việc, đều có phần ăn. Như có lúc làm
công ở chùa, chùa đang xây dựng, những công nhân đó cũng không học Phật, quý vị
nói gì với họ cũng không hiểu, họ có thể ăn cơm, họ làm việc cho chùa, công
nhân cũng có thể ăn. Nhưng họ chỉ ăn phần no đủ của mình, không thể nói tôi ăn
no rồi lấy thêm một phần, vậy quý vị lấy phần đó là phạm trộm cướp.
Đây
là nói đến lấy thức ăn của thường trụ để cúng dường mười phương Tăng. Nhưng Thiện
Quả Lâm của chúng ta, thì không áp dụng cơ chế này, bởi vì chúng tôi lo lắng,
vì chúng tôi cũng dự định rộng nhiếp chúng sanh, như trước đây lão Hòa thượng ở
Cư Sĩ Lâm Singapore, đương nhiên nghiêm khắc mà nói, Cư Sĩ Lâm không thuộc về
chùa, đó là đạo tràng của cư sĩ. Ở đó mỗi ngày cúng chúng, bất luận là có học
Phật hay không, bất luận người xuất gia hay tại gia, ai đến thì ăn tự nhiên, một
ngày ba bữa, cung cấp cả ngày, miễn phí. Rất nhiều tài xế taxi, buổi trưa đã đến
đây ăn cơm, nghe kinh, như vậy là nhiếp thọ đại chúng. Lão Hòa thượng còn nói: “Quý
vị xem phương pháp này, có thể tiếp dẫn chúng sanh vào cửa Phật, mà càng cúng
dường, càng bố thí lại càng có nhiều”. Khi mới bắt đầu cũng lo, mọi người đều
có chút lo lắng, ăn hết thì phải làm sao? Kết quả là sau này phát hiện ăn hoài
cũng không hết. Mọi người tặng thực phẩm còn nhiều hơn người ăn, ăn không hết đều
gửi ra ngoài, gửi viện dưỡng lão, gửi cô nhi viện, đều có dư để gửi. Trường hợp
này, Thiện Quả Lâm chúng tôi hiện nay cũng áp dụng chế độ này, đương nhiên
không làm lớn như thế, nhưng cơ chế là như nhau. Tức là chúng tôi không dùng thực
phẩm của thường trụ, không thiết lập thực phẩm của thường trụ, cho nên hễ có
người cúng cơm, cúng rau, cúng gạo, cúng mì v.v…, thì chấp sự của chúng tôi (chấp
sự của nhà trù) khi nhận nhất định phải nói rõ: “Quý vị cúng dường những thực
phẩm này, không phải quy về thường trụ, không phải chỉ cúng Tăng, mà chúng tôi
cúng tất cả đại chúng, nam nữ già trẻ các ngành các nghề, chúng tôi đều cho mọi
người dùng”. Nói rõ với họ, đây không thuộc về thực phẩm thường trụ, không phải
vật thường trụ, đây là thuộc về vật cúng chúng rồi, thuộc về một tính chất từ
thiện, vậy đương nhiên là không có vấn đề. Thí chủ cũng hiểu rõ, thực phẩm mà họ
cúng dường không chỉ là cúng Tăng, còn cúng người tại gia, đều có thể dùng.
Nếu
người đó đặc biệt nói rằng: “Tôi chỉ cúng Tăng, tôi không cúng người tại gia”,
có người như vậy không? Cũng có thể có, rất chấp trước, không phải Tăng thì
không cúng, vậy phải làm sao? Đành phải từ chối khéo léo. Vì sao vậy? Bởi vì
chúng tôi không có nhiều nhân lực như vậy để chuyên thiết lập một nhà kho nhỏ,
làm nhà kho cúng Tăng. Trừ khi có nhân lực thì được, vậy thì thỏa mãn ý nguyện
cúng dường của họ. Nếu chúng ta không có nhân lực, vậy quý vị không được trộn lẫn,
người ta mang đến cúng Tăng, quý vị để vào thực phẩm cúng chúng rồi, mọi người
đều có thể ăn, trên thực tế cũng là phạm trộm cướp. Cho nên chẳng thà phân biệt
rõ ràng, làm không được thì chúng tôi chẳng thà không làm, như vậy sẽ không có
lỗi lầm. Nếu quý vị nhất định phải cúng Tăng, vậy chúng tôi kiến nghị quý vị
cúng dường Tinh xá Chánh Giác, nơi đó là chuyên cúng Tăng, quy vật vào thường
trụ, cúng dường chùa Viên Thông, như vậy cũng được. Chỗ chúng tôi là cúng đại
chúng, bởi vì Tăng nhân chúng tôi không nhiều, thực phẩm quá nhiều rồi. Mỗi khi
nhìn thấy thực phẩm quá nhiều mà bị lãng phí, lại không thể cúng người tại gia,
chỉ có thể cúng Tăng, cho nên đã lãng phí rồi, cũng rất đáng tiếc, cho nên
chúng tôi đổi thành cúng chúng. Điều này có thể các chùa Tịnh tông, đều đặc biệt
làm vậy. Bởi vì người tại gia của Tịnh tông, cư sĩ tại gia tương đối nhiều. Nếu
đạo tràng này nói chỉ nhận vật cúng Tăng, không thể cúng đại chúng, vậy thì
tương đối phiền phức. Vì vậy, chúng tôi cũng áp dụng một phương thức khác,
không vi phạm giới luật. Đồng thời công đức cũng không nhỏ, bởi vì cúng chúng
cũng nhất định có cúng Tăng, mà chắc chắn là cúng Tăng trước rồi mới cúng
chúng. Những thức ăn, hoa quả này chưa cúng Phật thì Tăng không thể ăn trước,
Kinh Địa Tạng cũng nói như vậy, chúng tôi cũng có cúng. Nhưng Tăng dùng không hết
thì cúng đại chúng, phổ đồng cúng dường, như vậy cũng rất tốt, cũng sẽ không phạm
giới, sẽ không phạm tội trộm cắp vật thường trụ. Đây là vật thường trụ của mười
phương Tăng.
–
Vật thứ ba của Tăng gọi là “vật hiện tiền của Tăng hiện tiền”, đây là đồ
vật và tài vật cúng dường Tăng hiện tiền, ví như quần áo, thực phẩm, thuốc men,
ngọa cụ v.v…, đây là cho cá nhân của Tăng nhân sử dụng. Ví dụ sau khi vào an
cư, rất nhiều người đều cúng dường Tăng an cư, chính là những vị Tăng an cư lúc
ấy. Họ cúng y phục, cà sa, cúng y phục, hoặc là cúng dường vật phẩm khác, cho đến
cúng dường tiền, đây đều thuộc về “vật hiện tiền của Tăng hiện tiền”. Vì sao gọi
là “hiện tiền của Tăng hiện tiền”, hai chữ hiện tiền? Đây là bởi vì, chữ thứ hai, nhân vật phải hiện tiền, cá nhân quý vị,
vị Tăng nhận cúng dường này nhất định phải hiện tiền, nếu quý vị không hiện tiền,
vậy thì không có phần của quý vị; chữ hiện tiền thứ nhất, là nó có thể phân chia, không giống
như vật thường trụ của Tăng thường trụ, không thể phân chia. Cho nên vừa rồi đã
nói, vật thường trụ của Tăng thường trụ thì không thể phân chia, vật thường trụ
của mười phương Tăng có thể phân chia, nó có thể chia thành mười phương, ai đến
cũng có phần. Vật hiện tiền của Tăng hiện tiền, cũng có thể phân chia, nhưng phải
xét họ chắc chắn hiện tiền trong đại giới này, mà thông thường là chỉ định, ví
như nói Tăng an cư, họ đang an cư, có một người như vậy. Đây là vật hiện tiền của
Tăng hiện tiền.
Thông
thường thì phải phân chia ra, có hai trường hợp. Một trường hợp là vào lúc chưa
phân chia, thông thường chúng ta nói về tiền, vật cúng dường hiện tiền của Tăng
hiện tiền, có thí chủ cúng dường tất cả thành viên Tăng đoàn trong Thiện Quả
Lâm, hôm nay cúng dường Tăng hiện tiền. Tăng chúng ở đại giới của chùa trong
ngày hôm nay, đều có một phần. Trước tiên họ mang đến, thông thường ở chùa đều
có khách đường, đều có chấp sự, chấp sự của khách đường là tri khách, do tri
khách sắp xếp, nhận tiền cúng dường Tăng hiện tiền này rồi, sau khi nhận rồi, vị
ấy giữ trước, vẫn chưa phân chia, như vậy thì có chủ quản. Nếu quý vị lấy trộm,
kết tội với chủ quản này, vẫn chưa phân chia thì kết tội với một mình vị ấy, đủ
năm tiền kết tội nặng. Nếu đã phân chia rồi, chia cho cá nhân người đó, quý vị
lấy trộm vật của cá nhân, đương nhiên cũng kết tội với cá nhân người đó, cũng định
tội theo giá trị, xem giá trị đó có đủ năm tiền không. Vì vậy, việc này cũng có
thể phạm tội nặng.
–
Vật thứ tư của Tăng là “vật hiện tiền của mười phương Tăng”. Thông thường
chỉ có hai trường hợp, một là “di vật của năm chúng”, “khinh vật” của “năm
chúng đã tịch”. Trong giới luật có phân chia “trọng vật, khinh vật”, trong đây
là vật phẩm của năm chúng đã tịch. Người xuất gia tịch rồi, “năm chúng” chính
là năm chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni. Trong luật
chế định, người xuất gia ra đi, rời khỏi nhân gian rồi, đồ vật mà họ để lại
chia thành trọng vật và khinh vật, chia những di vật này thành trọng, khinh. Trọng
vật phải quy vào thường trụ, khinh vật thì chia cho mười phương hiện tiền Tăng.
Vì vậy, “khinh vật” này, đây đều là thuộc về vật cá nhân sử dụng, thông thường
là những vật như y phục, thực phẩm, ngọa cụ, thuốc men, vật phẩm thọ dụng của
cá nhân. Y bát, dụng cụ, kinh sách cho đến laptop, máy vi tính, laptop và máy
vi tính đều thuộc về kinh sách, công cụ, văn phòng phẩm, điện thoại, những vật
này đều là vật dụng cá nhân, có thể chia cho mười phương Tăng. “Trọng vật”, ví
dụ như giường của họ, thông thường không thể lấy đi. Ví dụ như tiền, tiền,
trong luật nói người xuất gia chúng ta không thể nắm giữ cất chứa tiền bạc, cho
nên số tiền này cũng phải quy vào thường trụ, thuộc về trọng vật. Còn có rất
nhiều, đây là tương đối… thông thường không phải là đồ dùng cá nhân, trong luật
có quy định kỹ càng điều này, ở đây không nói nhiều nữa. Tổ Luật Đạo Tuyên còn
đặc biệt có một quyển sách là Lương Xử Khinh Trọng Nghi, quyển sách này chuyên
nói về làm sao phân chia di vật của năm chúng, trọng vật hay là khinh vật, có học
vấn lớn trong đó.
Sau
khi người xuất gia ra đi rồi, phân chia những di vật để lại đúng như pháp, đối
với người ra đi mà nói cũng là một công đức rất lớn để gia trì họ. Những người ở
thế gian chúng ta làm như vậy, cũng không phạm trộm cướp. Di vật của năm chúng,
nếu chúng ta không phân chia như pháp, lẽ ra phải quy vào thường trụ, nhưng
chúng ta lấy chia cho mười phương Tăng, thậm chí là cho người tại gia, cho quyến
thuộc của họ, đây đều là phạm trộm cắp vật của thường trụ. Còn khinh vật của họ,
chúng ta phải lấy để chia, nếu chúng ta đoán định sai lầm đây thuộc về trọng vật,
đưa vào thường trụ rồi, vậy ai đoán định sai lầm, người chấp sự này phạm trộm cắp
với mười phương Tăng, trộm cắp vật hiện tiền của mười phương Tăng. Phạm trộm cắp
vật hiện tiền của mười phương Tăng, thông thường là vì khi chúng Tăng phân chia
khinh vật, trước tiên phải tác pháp yết ma, việc này trước đây chúng tôi cũng đã
từng làm ở Tinh xá Chánh Giác. Trước khi tác pháp yết ma, chủ vật của họ, chủ vật
của những người đã mất là thuộc về mười phương Tăng, phân chia ra chắc chắn
không đủ năm tiền, cho nên nếu lấy trộm vào lúc này, thì phạm tội trộm cắp vật
hiện tiền của mười phương Tăng,
dưới năm tiền, tội trung phẩm. Nếu đã tác pháp yết ma rồi, sau khi tác pháp yết
ma, hễ là Tăng nhân trong đại giới đều được phân chia, người không vào đại giới
thì không có phần. Điều này nói rõ sau khi tác pháp yết ma xong, số người đã cố
định rồi, nếu lúc này chúng ta mới trộm cắp, vậy thì phạm trộm cắp với số người
đã cố định trong đó, không phải vật chia cho mười phương Tăng, mà dựa vào số
người hiện tiền để phân chia, vậy thì đủ năm tiền kết tội nặng, là như vậy.
Phân
chia đồ vật của người quá cố như vậy, còn có một trường hợp chính là vật cúng
dường của đàn việt, thông thường là có y, đương nhiên cũng bao gồm tiền bạc. Ý
của thí chủ đó là cúng dường mười phương Tăng, chứ không phải hiện tiền Tăng.
Mười phương Tăng tức là bất luận có phải là Tăng nhân của chùa này hay không,
chỉ cần có thể đến đại giới này của chúng tôi, họ đều có một phần, giống như thức
ăn vậy, đây chính là ý của thí chủ cúng dường mười phương hiện tiền Tăng, đến từ
mười phương, chỉ cần họ hiện tiền thì có thể chia. Không giống như vật hiện tiền
của Tăng hiện tiền ở trước, đó chỉ là những người trong thường trụ. Thường trụ
chúng ta có bao nhiêu Pháp sư, vậy chúng ta không tính có phải đến từ bên ngoài
không, hôm đó quý vị đến từ bên ngoài, vậy thì không được chia, nếu thí chủ chỉ
cúng dường hiện tiền hiện tiền Tăng, đó là cúng dường Tăng nhân thường trụ ở
đây, thông thường là dùng bao đỏ cúng dường, vị tri khách sẽ nói cho thí chủ biết,
Tăng chúng của chúng ta hiện tại có bao nhiêu người, nói cho họ biết số người,
thì họ chuẩn bị bao nhiêu bao đỏ, ngoài ra những người hôm đó mới đến, không có
phần, đây là Tăng hiện tiền, là vật hiện tiền của Tăng hiện tiền. Vật hiện tiền
của mười phương Tăng, thí chủ có tâm rộng lớn cúng dường, bất luận có phải là
Tăng nhân ở chùa hay không, chỉ cần hôm đó đến, dù họ vì bao đỏ mà đến, cũng phải
cúng cho họ, vật hiện tiền của mười phương Tăng. Đương nhiên điều này phải tuân
thủ, tôn trọng ý của thí chủ mà làm.
Đây
là nói đến bốn loại vật của Tăng. Bốn loại vật của Tăng này, hai loại có thường
trụ, hai loại có hiện tiền, vật thường
trụ của Tăng thường trụ, vật hiện tiền của mười phương Tăng. Ở đây có hai chữ “thường”
đều có nghĩa là thường trụ, là bởi vì nó là nơi chốn đã định, đạo tràng này định
ở đây, gọi là “thường trụ”. Nếu không thể phân chia, gọi là vật thường trụ của
Tăng thường trụ; nếu có thể phân chia, như thức ăn, nên chia mỗi người một phần,
đây chính là vật thường trụ của mười phương Tăng. Hai loại kia là vật hiện tiền,
một loại là vật hiện tiền của Tăng hiện tiền, một loại là vật hiện tiền của mười
phương Tăng. Bởi vì vật này vốn dĩ dùng để phân chia, cho nên đều gọi là vật hiện
tiền. Nhưng xét về số người có phải đã cố định hay không, vật hiện tiền của
Tăng hiện tiền là số người đã cố định, Tăng nhân trong tự viện chúng ta là bao
nhiêu đó người, thì chia theo đầu người, cố định. Vậy vật hiện tiền của mười
phương Tăng là bất định, ví dụ như Đài Bắc sắp cúng dường Trai Tăng, chính là tập
hợp các vị Tăng ở khắp nơi đến rồi, sau khi đến, mỗi vị một bao đỏ, vậy gọi là
vật hiện tiền của mười phương Tăng. Đến từ mười phương, số người không cố định,
quý vị chuẩn bị nhiều bao đỏ, có người đến thì cúng.
Vậy
trường hợp cụ thể, ngày mai chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích cho mọi người. Thời
gian hôm nay hết rồi, chúng tôi giảng đến đây thôi. Cám ơn mọi người!
HẾT
Cẩn
dịch: Diệu Hiệp.