Responsive Menu
Add more content here...

Câu Chuyện Về Công Đức Giữ Giới

Trong tích truyện Pháp Cú có nói đến một câu chuyện có người hỏi: tại sao vua trời Đế Thích có thể làm vua trời?

Đức Phật nói rằng: Trong thời quá khứ, có một người gọi là ông hoàng Magha, ông này làm được nhiều việc lành, trong đó giữ được tâm luôn luôn không có sân hận, giúp đỡ mọi người, luôn luôn có tinh thần bố thí, không có ganh ghét hay sân hận một ai. Ông ta thường đi xếp hàng, nếu có người dành chỗ là ông ta nhường hết người này đến người khác, người ta chen vào là ông nhường. Vị vua Magha này đã làm được như thế, đến khi ông ta nhường hết lại lặng lẽ ra về, mọi người thích thì ông ta sẽ nhường hết những niềm vui đó.

Ông đã làm rất nhiều việc tốt, ông còn kêu gọi tổng cộng là 32 người nữa làm những việc tốt lành như: làm ruộng, làm sân cho người ta phơi lúa v.v… Những người khác hỏi tại sao ông lại làm như vậy? Ông nói rằng: đây là con đường để chúng ta lên Thiên đường, tức là lên cõi trời là phải làm như thế. Thế là chỉ có nhóm 32 người đó tin và làm theo những việc tốt lành như vậy, còn nhiều người khác không thích.

Thậm chí có một người Trưởng thôn (danh từ Phật học), bây giờ gọi là Trưởng xã, có tâm ganh ghét nên tố cáo lên vua, nói nhóm đó là cướp, tà đạo. Vua nghe vậy liền sai người bắt 33 người đó lại và cho voi đến giẫm nát bọn họ. Nhưng mà ông Magha nói với 32 người kia rằng: “Đừng lo sợ gì cả, chúng ta cứ nhẫn không nên nóng giận”.

Nhờ sức mạnh của nhẫn tâm và lòng từ bi của 33 người đó, nên con voi dù thế nào cũng không dám tiến đến gần. Người quan đó tưởng rằng con voi thấy đông người nên sợ, liền lấy tấm bạt trùm 33 người đó lại để cho voi không thấy mà dẫm đạp. Nhưng con voi vẫn không chịu dẫm đạp, vị quan này thấy lạ nên về trình với vua. Vua cho người đến điều tra và được biết là 33 người này bị vu oan, chứ không phải là như vậy.

Lúc đó vua mới cắt chức ông Xã trưởng, và ban cho 33 người này rất nhiều bổng lộc. Từ đó ông Magha càng thêm giàu có hơn, lên chức và có bốn bà vợ. Tên của bốn bà vợ là Hoan Hỷ, Trầm Tư, Thiện Tánh, và Thiện Sanh.

Sau đó đó ông phát tâm cùng với 32 người kia xây một tòa tháp để cúng dường cho mọi người, khi vua quan đến có nơi cho mọi người ngồi, chiêm ngưỡng, và ăn uống, v.v… nói chung là bố thí rất tốt đẹp. Nhưng ông dặn người thầu xây dựng là không cho người nữ nào quyên góp vào.

Khi đó một bà vợ của ông là Thiện Tánh rất khôn, bà ta nói với người thầu hãy để cho tôi tham gia bằng cách là làm sẵn tháp nhà có khắc tên bà trong đó, đợi cho công trình sắp xong rồi, mấy người thầu báo với 33 người kia rằng là thiếu gỗ tìm không ra, mà gỗ tươi không làm được. Lúc này bà đem tháp ra, 33 người kia đòi mua nhưng bà không bán mà chỉ muốn quyên góp vào công trình xây tháp. Người vợ thứ hai là Hoan Hỷ thấy như vậy cũng xây một hồ nước tắm cho mọi người. Bà vợ Trầm Tư thì trồng rất nhiều hoa, trái và làm những tràng hoa thơm để người ta ướp lên sau khi tắm.

Sau khi ông Magha mất thì cùng với 32 người kia sanh lên làm vua trời Đế Thích và 32 nước trời còn lại của tầng trời Đao Lợi. Còn ba người vợ cũng sanh lên làm vợ của ông trên trời Đao Lợi. Đức Phật nói là sở dĩ ông lên đó là mấy đời liên tiếp cúng dường rất nhiều. Trong đó có đời: Tu tập phụng dưỡng cha mẹ; Lễ kính bậc Trưởng thượng; Nói những lời hòa nhã; Không bao giờ nói xấu ai sau lưng; Làm gia chủ với tâm không tham lam keo kiệt, tay rộng mở buông xả những gì thuộc về mình, hoan hỉ rộng lượng ân cần với người cầu xin, hoan hỉ trong sự bố thí; Nói sự thật; Dứt bỏ sân hận, nếu sân hận nổi lên là mau buông xuống.

Quý vị thấy đó là bảy nhân tu để về cõi trời, câu chuyện đó thì bình thường rồi. Còn một người vợ của ông nữa tên là Thiện Sanh, sau khi chết tái sanh thành một con sếu ở trong hồ nước. Vua trời Đế Thích sau khi lên đó, quán nhân duyên thấy có một người vợ của mình bị đọa vào loài súc sanh, nên ông cảm thương biến thành một người xuống đưa con sếu lên ao nước trên trời Đao Lợi. Các bà vợ kia của ông đến thấy vậy, chê con sếu này xấu xí, nói chung là người ta quên hết túc mạng nên không thương con sếu đó.

Lúc đó vua trời Đế Thích thấy thương quá nên đem con sếu xuống nhân gian, vua biến thành người và dùng ngôn ngữ loài sếu dạy cho nó giữ năm giới, không có sát sanh. Sếu thì ăn cá, nhưng nó chỉ ăn cá chết, con nào sống là không ăn. Vua trời Đế Thích biến giảra con cá bơi trước mặt xem có bị ăn không, nhưng con sếu không ăn. Chính vì giữ giới rất kỹ nên không có nhiều thức ăn, thời gian sau con sếu héo mòn và chết.

Sau khi chết, nhờ công đức giữ năm giới nên con sếu tái sanh làm con gái của thợ gốm thành Ba-La-Nại. Đời đó vua trời Đế Thích tiếp tục độ người vợ cũ của mình bằng cách xuống hóa thành một người buôn bán rất nhiều dưa, nhưng mà không bán cho ai, chỉ bán cho người giữ giới. Cuối cùng ông cho hết cô gái đó và dạy cho cô tiếp tục giữ năm giới.

Sau cô gái đó chết, đến đời thứ ba sanh làm con gái của vua A-tu-la. Cô rất là xinh đẹp vì nhờ công đức giữ giới hai đời liên tiếp, cho nên từ thân hình đến màu da vàng óng rất đẹp chưa từng thấy. Khi cô gái đó lớn lên, vua A-tu-la kén rể, vua trời Đế Thích lại giả dạng thành một A-tu-la xuống tham gia cuộc tuyển chọn. Do túc duyên đời trước từng làm vợ chồng, nên khi cô công chúa này thấy vua trời Đế Thích giả dạng là thích liền, ra trao hoa cho ông.

Ngay lúc đó, vua trời Đế Thích biến dạng trở lại và đem theo công chúa bay lên. Tất cả A-tu-la nói chúng ta bị lừa rồi và kéo quân đánh nhưng vua trời Đế Thích đã chạy lên thiên cung, từ đó trở đi có cuộc chiến tranh giữa hai bên. Thật ra trước đó là đã đánh nhau rồi, nhưng giờ đánh nhiều hơn nữa. Vì vậy, trong mấy người vợ của vua trời Đế Thích là có con gái của vua A-tu-la.

Câu chuyện đó Thiện Trang muốn nhấn mạnh là: công đức giữ giới rất là tuyệt vời. Giữ giới được hai đời liên tiếp có thể chuyển từ một loài súc sanh trở thành con gái của vua A-tu-la, không chỉ vậy mà còn được sống trên cõi trời Đao Lợi, lại rất xinh đẹp nữa, nên công đức giữ giới vô cùng tốt đẹp. Nhưng đời nay khó!Vì chúng ta chấp thân rất nặng, không giữ giới được, vì vậy chúng ta bị khổ đau. Nếu mình như con sếu đó giữ được năm giới thôi là được phước đức lớn như vậy. Chúng ta cầu sanh Tịnh Độ, ra khỏi sanh tử luân hồi, chúng ta giữ giới thì càng tuyệt vời như thế nào.

Cho nên nói về chấp thân Thiện Trang xin mượn bài kệ Thị Đệ Tử (Dạy Đệ Tử) của ngài Thiền sư Vạn Hạnh ở Việt Nam, bài kệ này rất nổi tiếng:

示弟子

身如電影有還無,

萬木春榮秋又枯。

任運盛衰無怖畏,

盛衰如露草頭鋪。

Dịch âm

Thị Đệ Tử

 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch nghĩa

Dạy Đệ Tử

Thân như ánh chớp có rồi không

Muôn cây xuân tốt thu khô héo

Dù thịnh hay suy không sợ hãi

Thịnh suy như sương trên cỏ thôi.

#Thân như điện ảnh hữu hoàn vô: có nghĩa là thân mình như ánh chớp, #hữu hoàn vô: là có nhưng rồi sẽ trở về không nhanh lắm. Ý nói là đời người, thân người là vô thường, ngắn tạm. Cho nên nếu biết khéo là chúng ta trân trọng những điều đó để tu hành, không chấp vào thân. #Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô: tức là muôn loại cây vào mùa xuân thì tươi tốt, vào mùa thu lại khô héo. #Nhậm vận thịnh suy vô bố úy: mặc cho những thịnh suy của cuộc đời cũng không có sợ hãi. #Thịnh suy như lộ thảo đầu phô: là thịnh suy như những giọt sương trên cỏ vào buổi sáng, nhanh như vậy, tan rồi hợp, hợp rồi tan, cuối cùng biến mất.

Cho nên nếu nhìn các pháp như vậy thì quý vị sẽ dễ dàng tu hành. Đây là bài kệ của Thiền sư Vạn Hạnh, quý vị nhớ để biết đời là ngắn tạm, vô thường, thân như ánh chớp có rồi không. Tất cả thế gian thịnh suy “lên voi xuống chó”, cuộc đời có làm gì cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi. Một giấc mộng dài cuối cùng cũng tạm biệt, nên có rồi không, không rồi lại có, cứ lặp ra sanh tử luân hồi.

(Trích trongbài giảng Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng – Thập Môn Khai Khải – buổi 5 – 011

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày:18.06.2022)

 

Hoan nghênh phổ biến & chia sẻ

Trả lời 0